20 Giờ Đầu Tiên

3 Mười nguyên tắc học hiệu quả



Không vấn đề nào có thể chống lại được cuộc đổ bộ của việc suy nghĩ liên tục.

−VOLTAIRE

▪ ▪ ▪
Như chúng ta đã thảo luận ở chương 1, học không giống với việc tiếp thu kỹ năng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là học không quan trọng. Tiến hành nghiên cứu một chút trước khi bạn lao vào luyện tập có thể tiết kiệm thời gian, năng lượng và sự dũng cảm chịu đựng của bạn.

Học giúp việc luyện tập của bạn hiệu quả hơn – việc này giúp bạn dành nhiều thời gian luyện tập hơn cho những kỹ năng nhỏ quan trọng nhất trước tiên.

Với tinh thần đó, dưới đây là 10 nguyên tắc quan trọng của việc học hiệu quả:

1. Nghiên cứu kỹ năng và các chủ đề liên quan.

2. Khai mở tâm trí.

3. Xác định hình mẫu tinh thần và móc nối tinh thần.

4. Tưởng tượng điều ngược lại với điều bạn muốn.

5. Nói chuyện với người đang thực hành kỹ năng để đặt ra những triển vọng.

6. Loại bỏ những điều gây xao lãng trong môi trường của bạn.

7. Sử dụng sự củng cố và lặp lại cách quãng để ghi nhớ.

8. Tạo lịch trình và bảng liệt kê những mục cần kiểm tra.

9. Dự đoán và kiểm nghiệm dự đoán.

0. Trân trọng hệ thống sinh học của bạn.

1. Nghiên cứu kỹ năng và các chủ đề liên quan

Hãy dành ra 20 phút tìm kiếm trang web, ghé vào cửa hàng sách hoặc lướt qua các chồng sách trong thư viện địa phương để tìm sách và các nguồn tài liệu liên quan tới kỹ năng bạn muốn học. Mục tiêu là xác định được ít nhất ba cuốn sách, đĩa DVD hướng dẫn, tài liệu hoặc nguồn tham khảo khác có liên quan tới kỹ năng bạn muốn học.

Trước khi bạn hoảng sợ, hãy nhớ là bạn không cần phải dành hàng giờ để ghi nhớ những tài liệu đó. Ngược lại, thời gian dành để đọc hoặc xem không phải là thời gian dành cho việc luyện tập.

Không phải là bạn đang nhồi nhét kiến thức để tham gia một kỳ thi đâu. Mục đích của việc nghiên cứu ban đầu này là để xác định những kỹ năng nhỏ quan trọng nhất, những yếu tố thiết yếu và những công cụ cần thiết cho việc luyện tập nhanh nhất có thể. Những điều bạn biết trước về kỹ năng đó càng nhiều thì sự chuẩn bị của bạn càng thông minh hơn. Mục tiêu là để thu thập được lượng kiến thức sâu rộng về kỹ năng đó nhanh nhất có thể, tạo ra một cái nhìn tổng quan về quá trình học kỹ năng đó.

Đối với việc học kỹ năng nhanh, đọc lướt tốt hơn là đọc kỹ. Bằng cách chú ý tới những ý tưởng và công cụ xuất hiện đi xuất hiện lại trong các ngữ cảnh khác nhau, bạn có thể tin tưởng độ chính xác của những mô hình mà bạn chú ý và chuẩn bị việc luyện tập tương ứng.

Nếu bạn muốn nướng được chiếc bánh sừng bò hoàn hảo, hãy đọc một vài cuốn sách liên quan tới việc nướng bánh và bột bánh. Thay vì sáng tạo lại quá trình, bạn sẽ tìm thấy những kỹ thuật đã có sẵn – những kỹ thuật đã được hoàn thiện sau nhiều năm bởi những bậc thầy trong lĩnh vực này. Nếu bạn thấy những kỹ thuật hoặc quá trình giống nhau được miêu tả trong nhiều nguồn khác nhau, thì chắc chắn đó là những điều quan trọng cần phải biết.

Một khi bạn tìm thấy điều gì đó có vẻ là kỹ thuật hữu ích nhất, bạn có thể thử nghiệm nó trong chính căn bếp của bạn, tiết kiệm cho bạn hàng loạt lần thử và sai.

2. Khai mở tâm trí

Một số nghiên cứu ban đầu của bạn có chứa các khái niệm, kỹ thuật và ý tưởng mà bạn không hiểu. Thường thì sẽ có một số thứ có vẻ đặc biệt quan trọng, nhưng bạn lại không hiểu nó có nghĩa gì. Bạn sẽ đọc những từ mà bạn không đoán ra nghĩa, và thấy người dạy kỹ năng làm những việc mà bạn không thể hiểu được.

Đừng hốt hoảng. Sự mơ hồ ban đầu của bạn là điều hoàn toàn bình thường.

Thực ra, đó còn là điều tuyệt vời. Hãy bỏ qua sự mơ hồ để tiến về phía trước.

Nghiên cứu ban đầu là một trong những cách tốt nhất để xác định các kỹ năng nhỏ và ý tưởng quan trọng, nhưng rất có khả năng là bạn sẽ không biết chúng có nghĩa là gì. Ý nghĩa sẽ xuất hiện sau, khi bạn đã bắt đầu luyện tập.

Tiến sỹ Stephen Krashen, chuyên gia ngôn ngữ mà tôi đã đề cập đến lúc trước, gọi đây là đầu vào vừa mức. Dĩ nhiên, thông tin mới mà bạn tiếp nhận không phải là dễ hiểu lắm vì nó không liên quan tới bất cứ thứ gì bạn biết hoặc đã có kinh nghiệm. Theo thời gian, chính thông tin đó sẽ trở nên dễ hiểu hơn khi bạn đã có một vài kinh nghiệm dắt lưng làm vốn. Nói như giảng sư dạy yoga danh tiếng T. K. V. Desikachar: “Nhận biết được sự mơ hồ thực ra là một dạng thức của sự rõ ràng”.

Nhận biết được bản thân đang bối rối là một việc rất có giá trị. Việc đó có thể giúp bạn định nghĩa chính xác điều bạn thấy bối rối, mơ hồ, mà việc này lại giúp bạn xác định được bạn cần phải nghiên cứu hoặc phải làm gì tiếp theo để giải quyết sự bối rối, mơ hồ đó.

Nếu bạn không bối rối với ít nhất là một nửa nội dung nghiên cứu ban đầu của bạn, thì có nghĩa là bạn đang học không nhanh như khả năng có thể của bạn. Nếu bạn bắt đầu cảm thấy sợ hãi hoặc do dự về tốc độ hiện tại của bạn thì có nghĩa là bạn đang đi đúng đường. Giả dụ bạn đang làm một dự án đáng yêu, lúc đầu bạn càng bối rối, mơ hồ thì áp lực bên trong buộc bạn phải làm sáng tỏ mọi việc càng lớn, và bạn sẽ học càng nhanh.

Không sẵn sàng khai mở tâm trí là rào cản cảm xúc lớn nhất đối với việc tiếp thu kỹ năng nhanh. Cảm thấy mình ngốc chẳng có gì thú vị cả, nhưng tự nhắc nhở bản thân rằng luyện tập có thể giúp bạn chuyển từ bối rối, mơ hồ sang rõ ràng nhanh nhất có thể.

3. Xác định hình mẫu tinh thần và móc nối tinh thần

Khi tiến hành nghiên cứu, thường thì bạn sẽ bắt đầu chú ý tới các hình mẫu:

Các ý tưởng và kỹ thuật lặp đi lặp lại nhiều lần.

Những khái niệm này được gọi là hình mẫu tinh thần, và chúng thực sự rất quan trọng. Hình mẫu tinh thần là đơn vị cơ bản của việc học – đó là cách để hiểu và gọi tên được một sự vật hoặc một mối quan hệ tồn tại trên thế giới này. Khi bạn thu thập được các hình mẫu tinh thần chính xác, sẽ dễ dàng hơn để đoán được điều gì sẽ xảy ra khi bạn thực hiện một hành động cụ thể. Hình mẫu tinh thần giúp bạn dễ thảo luận với người khác về kinh nghiệm của bản thân hơn.

Và đây là ví dụ chứng minh: Gần đây tôi có giúp bố tôi lập một trang web. Khi thực hiện, tôi đã cố gắng giải thích tôi đang làm gì. Lúc đầu, việc đó khiến cả hai bố con tôi đều mệt mỏi. Tôi thường xuyên sử dụng những từ như “máy chủ” và bố tôi hoàn toàn không hiểu tôi đang nói về điều gì.

Khi đã hiểu được máy chủ là một chiếc máy tính đặc biệt, truyền tải trang web tới người yêu cầu, và máy chủ là chiếc máy tính khác với chiếc máy tính mà chúng tôi đang sử dụng, thì bố tôi thấy dễ hiểu việc bố con tôi đang làm hơn. Trong trường hợp này, máy chủ là một hình mẫu tinh thần – một khi bạn đã quen với thuật ngữ này, việc hiểu được quá trình lập một trang web sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Bạn cũng sẽ chú ý tới một vài thứ có vẻ giống với thứ gì đó mà bạn đã thân thuộc. Đó là những móc nối tinh thần: những phép so sánh, ẩn dụ bạn có thể sử dụng để nhớ các khái niệm mới.

Trong trường hợp máy chủ web, hãy tưởng tượng đến một người thủ thư. Khi bạn tới thư viện và hỏi mượn một cuốn sách, người thủ thư sẽ tìm trên các kệ sách với hàng trăm hoặc hàng ngàn cuốn sách để tìm đúng cuốn mà bạn cần. Khi người thủ thư tìm thấy cuốn sách, họ sẽ mang nó đến cho bạn. Nếu không tìm được cuốn sách đó, người thủ thư sẽ nói với bạn là: “Tôi không thể tìm được cuốn sách mà bạn yêu cầu”.

Đó chính xác là cách mà máy chủ web hoạt động. Khi bạn yêu cầu một trang web cụ thể nào đó, máy chủ sẽ tìm kiếm trang web đó trong bộ nhớ. Nếu tìm thấy, nó sẽ mang đến cho bạn. Nếu máy chủ không tìm thấy trang web đó, nó sẽ gửi cho bạn một tin nhắn “Lỗi 404: Trang web không tìm được”. Nghĩ về phần mềm máy chủ như một “thủ thư máy tính” là cách hữu hiệu để nghĩ về cách vận hành của hệ thống.

Nếu bạn có thể xác định được hình mẫu tinh thần và móc nối tinh thần trong nghiên cứu ban đầu của bạn càng nhiều thì bạn càng dễ sử dụng chúng trong quá trình luyện tập.

4. Tưởng tượng điều ngược lại với điều bạn muốn

Có một cách khác thường để có được hiểu biết về một kỹ năng mới, đó là suy ngẫm về thảm họa thay vì sự hoàn hảo.

Sẽ thế nào nếu bạn làm sai mọi việc? Sẽ thế nào nếu bạn nhận được kết quả tệ nhất?

Đây là phương pháp giải quyết vấn đề có tên là phép nghịch đảo, và nó rất hữu dụng trong việc học những điều cần thiết. Bằng cách nghiên cứu điều ngược lại của điều bạn muốn, bạn có thể xác định được những yếu tố quan trọng nhưng không thể nhìn thấy ngay lập tức.

Lấy việc chèo thuyền kayak vượt thác làm ví dụ. Tôi cần biết điều gì nếu tôi muốn chèo thuyền kayak trên một con sông lớn có nước chảy xiết, đá lởm chởm?

Và đây là phép nghịch đảo: Sẽ thế nào nếu có chuyện không hay xảy ra?

Tôi sẽ bị lật úp xuống dòng nước và không thể ngoi lên được.

Tôi sẽ làm ngập chiếc thuyền kayak của mình, khiến nó bị chìm hoặc ngập, kết quả là mất luôn chiếc thuyền.

Tôi làm mất mái chèo.

Tôi bị đập đầu vào đá.

Tôi bị hất văng khỏi thuyền, mắc kẹt trong xoáy nước (một điểm trên sông mà nước tạo thành một vòng xoáy như máy giặt) và không thể thoát ra ngoài được.

Nếu tôi cố gắng để làm tất cả những việc đó cùng một lúc khi ở giữa dòng nước dữ, có lẽ tôi sẽ mất mạng – viễn cảnh tồi tệ nhất có thể xảy ra.

Suy nghĩ đáng sợ này rất có ích vì nó chỉ ra một số kỹ năng rất quan trọng của việc chèo thuyền kayak:

Học cách lật lại thuyền khi bị lật mà không bị hất văng ra ngoài.

Học cách ngăn không cho nước tràn vào thuyền kayak, tát nước nếu cần thiết.

Học cách để không bị mất mái chèo trong dòng nước xiết.

Học và có sự phòng ngừa an toàn khi thả thuyền trôi quanh những tảng đá lớn.

Thăm dò dòng sông trước khi chèo thuyền để tránh hoàn toàn những điểm nguy hiểm.

Sự mô phỏng tinh thần này cũng giúp tôi lập được một danh sách những thứ cần mua: tôi cần phải đầu tư một chiếc áo phao, mũ bảo hiểm và những dụng cụ an toàn khác.

Lúc này, thay vì (1) vượt sông (2) vui vẻ (3) không thiệt mạng, tôi đã có một danh sách những kỹ năng nhỏ để luyện lập và (một danh sách) những hành động cần phải thực hiện để đảm bảo tôi thực sự sẽ được vui, giữ được đồ đạc và sống sót được sau cuộc hành trình.

Phép nghịch đảo đã phát huy tác dụng.

5. Nói chuyện với người đang thực hành kỹ năng để đặt ra những triển vọng

Học trong giai đoạn đầu giúp bạn đặt ra những kỳ vọng thích hợp: Thế nào là biểu hiện phù hợp đối với người mới bắt đầu?

Khi bạn bắt đầu học một kỹ năng mới, thường thì bạn sẽ đánh giá thấp tính phức tạp của nhiệm vụ đó, hoặc đánh giá thấp số lượng các thành tố liên quan cần phải hoàn thành để thực hiện tốt kỹ năng đó. Nếu kỹ năng có liên quan tới khả năng tạo dựng uy tín xã hội thì sự thần bí đi kèm với nó cũng có thể che mờ những kỳ vọng ban đầu.

Rất nhiều người muốn trở thành ngôi sao nhạc rock nhấc cây đàn ghi-ta điện lên chỉ để thấy thật khó để có thể vừa chơi giỏi, vừa hát đúng nhạc, vừa trông thật hoành tráng cùng một lúc được. Một phần của vấn đề nằm ở chỗ “trở thành một ngôi sao nhạc rock” không phải là một kỹ năng đơn lẻ. Đó là một tập hợp những kỹ năng nhỏ có liên quan, mà mỗi kỹ năng lại đòi hỏi phải chuyên tâm luyện tập mới tiến bộ được.

Nói chuyện với những người đã đạt được kỹ năng đó trước bạn giúp xóa tan những hiểu lầm và lầm tưởng trước khi bạn đầu tư thời gian và công sức vào đó. Bằng cách biết có thể trông chờ vào điều gì khi thực hiện, bạn sẽ thấy dễ duy trì được mối quan tâm của bản thân với việc luyện tập hơn, và tránh được cảm giác thất vọng, chán nản trong giai đoạn đầu của quá trình.

6. Loại bỏ những điều gây xao lãng trong môi trường của bạn

Những điều gây xao lãng là kẻ thù số một của quá trình học kỹ năng nhanh. Chúng giết chết sự rèn luyện chuyên tâm, mà thiếu sự rèn luyện chuyên tâm thì sẽ dẫn tới việc học kỹ năng chậm (hoặc không học). Bạn có thể chặn trước việc này bằng cách dành ra ít phút để dự báo và loại bỏ (hoặc giảm bớt) càng nhiều điều gây xao lãng càng tốt trước khi bạn bắt đầu luyện tập.

Những điều gây xao lãng quan trọng nhất xuất phát từ hai nguồn chính là điện tử và sinh vật.

Ti vi, điện thoại và internet là những thiết bị điện tử gây xao lãng. Hãy tắt chúng đi, rút phích nguồn, chặn chúng lại hoặc nhấc chúng ra khỏi môi trường của bạn trong lúc bạn luyện tập, trừ khi chúng thực sự cần thiết cho việc luyện tập.

Người nhà, đồng nghiệp và thú cưng là những đối tượng gây xao lãng. Bạn không thể ngăn cản người khác, nhưng có thể báo cho họ biết trước là bạn sẽ không giúp được gì trong lúc luyện tập. Điều này làm tăng khả năng họ sẽ tôn trọng thời gian luyện tập của bạn mà không làm phiền bạn.

Càng có ít yếu tố gây xao lãng trong lúc bạn luyện tập bao nhiêu thì bạn càng nhanh chóng học được kỹ năng bấy nhiêu.

7. Sử dụng sự củng cố và lặp lại cách quãng để ghi nhớ

Để có thể sử dụng tài liệu mà bạn đã học được trong lúc luyện tập, bạn cần phải có khả năng nhớ nhanh lại những ý tưởng có liên quan. Nhiều kỹ năng đòi hỏi phải có khả năng ghi nhớ, ít nhất là ở một mức độ nào đó.

Vấn đề nằm ở đây: Trí nhớ của bạn không hoàn hảo. Bất cứ khi nào bạn học được điều gì mới, bạn có thể sẽ quên nó trừ khi bạn xem lại khái niệm đó trong một khoảng thời gian nhất định nào đó. Quá trình lặp lại này giúp củng cố ý tưởng, và giúp não bạn dung nạp khái niệm vào bộ nhớ dài hạn.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng trí nhớ của chúng ta đi theo đường cong phân rã: Các khái niệm mới cần được củng cố thường xuyên, nhưng thời gian bạn biết khái niệm càng lâu thì bạn không cần thường xuyên xem lại khái niệm đó mới có thể nhớ lại chính xác được.

Củng cố và lặp lại cách quãng là kỹ thuật ghi nhớ giúp bạn xem lại những khái niệm và thông tin quan trọng một cách hệ thống. Những ý tưởng khó nhớ được xem lại thường xuyên, còn những khái niệm dễ hơn và cũ hơn được xem lại ít hơn.

Những chương trình phần mềm thẻ flash như Anki, SuperMemo và Smart giúp việc củng cố và lặp lại cách quãng trở nên rất đơn giản. Hệ thống lặp lại cách quãng phụ thuộc vào mô hình tổng kết “thẻ flash”, và bạn cần tạo ra những tấm thẻ flash của riêng mình. Bằng cách tạo ra những tấm thẻ flash trong lúc chia nhỏ kỹ năng, bạn đã bắn một mũi tên trúng hai đích.

Khi bạn đã tạo ra được những tấm thẻ flash, sẽ chỉ mất vài phút mỗi ngày để xem lại chúng. Bằng cách hệ thống hóa quá trình tổng kết và theo dõi khả năng nhớ lại, những hệ thống này có thể giúp bạn học những ý tưởng, kỹ thuật mới trong khoảng thời gian kỷ lục. Nếu bạn liên tục xem lại những bộ thẻ nhớ thì bạn sẽ nhớ được những khái niệm và ý tưởng cần thiết rất nhanh.

Quan trọng là bạn phải nhớ rằng học kỹ năng không chỉ dừng lại ở việc học theo nghĩa học thuật. Nếu bạn quan tâm tới việc ghi nhớ các khái niệm, ý tưởng hoặc từ vựng chỉ để vượt qua một kỳ thi, bạn không cần gì hơn ngoài việc lặp lại cách quãng.

Kỹ thuật này phát huy tác dụng tốt nhất trong những trường hợp cần phải nhớ lại thông tin. Nếu bạn đang học những từ vựng thông dụng để biết thêm một ngoại ngữ mới thì củng cố và lặp lại cách quãng là biện pháp cực kỳ hữu ích. Trong những trường hợp không cần phải nhớ lại thông tin, tốt hơn hết là bạn nên bỏ qua những tấm thẻ flash để tối đa hóa thời gian luyện tập và thử nghiệm.

8. Tạo lịch trình và bảng liệt kê những mục cần kiểm tra

Nhiều kỹ năng cùng có chung một số đặc điểm: hình thành, chuẩn bị, duy trì… Tạo ra một hệ thống đơn giản là cách tốt nhất để đảm bảo những yếu tố quan trọng này mà tốn ít công sức nhất có thể.

Bảng liệt kê những mục cần kiểm tra có ích cho việc ghi nhớ những việc cần phải thực hiện mỗi khi bạn luyện tập. Đó là cách để hệ thống hóa quá trình, giải phóng sự chú ý của bạn để tập trung vào những vấn đề quan trọng hơn.

Lịch trình là cấu trúc đảm bảo bạn tiếp cận kỹ năng theo một cách thống nhất. Hãy nghĩ tới cầu thủ bóng rổ – người đã xây dựng thói quen ném tự do từ trước. Lau tay lên quần, thả lỏng vai, bắt bóng từ trọng tài, đập bóng ba lần, dừng khoảng ba giây và ném. Đó chính là lịch trình.

Tạo lịch trình và bảng liệt kê những mục cần kiểm tra giúp bạn luyện tập hiệu quả hơn. Hai việc đó cũng giúp việc luyện tập của bạn dễ hình dung hơn, qua đó giúp bạn tận dụng lợi thế của việc nhắc lại về mặt tinh thần, mà điều này có thể giúp ích cho việc rèn luyện về mặt thể chất.

9. Dự đoán và kiểm nghiệm dự đoán

Một phần của quá trình học kỹ năng là thử nghiệm: Thử những việc mới để xem chúng có hiệu quả không.

Sự kiểm nghiệm đích thực của việc học hiệu quả không phải là dự đoán. Dựa trên điều bạn biết, liệu bạn có thể đoán được một thay đổi hoặc một thí nghiệm sẽ thành ra thế nào trước khi bạn thực hiện nó không?

Hình thành thói quen đưa ra dự đoán và kiểm nghiệm dự đoán sẽ giúp bạn học kỹ năng nhanh hơn. Đó là biến thể của một phương pháp khoa học có bốn yếu tố chính:

Quan sát – gần đây bạn đang quan sát điều gì?

Hiểu biết – bạn đã biết gì về chủ đề đó?

Giả thuyết – bạn nghĩ điều gì sẽ cải thiện biểu hiện của bạn?

Kiểm nghiệm – bạn sẽ thử làm gì tiếp theo?

Tôi khuyến khích bạn sử dụng một cuốn sổ ghi chép hay một công cụ nào đó để theo dõi những thử nghiệm của bạn, và hình thành giả thuyết khi bạn luyện tập. Bằng cách ghi chép những dự đoán của bạn và tạo ra các ý tưởng mới, bạn sẽ có thêm nhiều thí nghiệm để kiểm nghiệm.

10. Trân trọng hệ thống sinh học của bạn

Bộ não và cơ thể bạn là những hệ thống sinh học có các nhu cầu sinh lý như cần nước, thức ăn, luyện tập, nghỉ ngơi và ngủ. Thật sự rất dễ để chèn ép, khắt khe với bản thân – điều gây phản tác dụng. Nếu không có đầu vào thích hợp, cơ thể và tâm trí bạn không thể cho ra những kết quả hữu ích được.

Theo Tony Schwartz, tác giả cuốn Sức mạnh của việc toàn tâm toàn ý (The Power of Full Engagement) (2004) và Để giỏi bất cứ việc gì (Be Excellent at Anything) (2011), chu trình học tối ưu là khoảng 90 phút chuyên tâm tập trung. Nếu nhiều hơn, cơ thể và tâm trí bạn sẽ cần được nghỉ ngơi. Hãy sử dụng cơ hội đó để luyện tập, nghỉ ngơi, ăn cơm, chợp mắt hoặc làm việc khác.

Nguyên tắc này rất hợp với nguyên tắc luyện tập tính giờ. Bằng cách đặt đồng hồ hẹn giờ từ 60 đến 90 phút trước khi bạn bắt đầu luyện tập hoặc nghiên cứu, bạn sẽ dễ nhớ đến việc nghỉ ngơi khi đã xong việc.

Bạn cũng có thể chia việc luyện tập của mình thành nhiều phần nhỏ hơn, có thể nghỉ nhanh ở giữa nếu cần: 20 phút tập, 10 phút nghỉ, 20 phút tập, 10 phút nghỉ,…

Gian lận

Quy tắc ở mọi nơi. Chúng ta đều đang cố gắng hoàn thành việc gì đó.

−THOMAS EDISON, nhà phát minh

Bạn không cần sử dụng tất cả những nguyên tắc này cho các kỹ năng mà bạn học, nhưng bạn sẽ thấy ít nhất vài nguyên tắc trong số đó là cần thiết.

Tôi thấy hữu dụng nhất là cho rằng những nguyên tắc này giống như một bảng liệt kê những mục cần kiểm tra thứ hai. Bất cứ khi nào bạn quyết định học một kỹ năng mới, chỉ cần xem lại bảng liệt kê những mục cần kiểm tra này và quyết định nguyên tắc nào có thể ứng dụng được cho dự án của bạn.

Đây là bảng liệt kê những mục cần kiểm tra để học hiệu quả:

Nghiên cứu kỹ năng và các chủ đề liên quan.

Khai mở tâm trí.

Xác định hình mẫu tinh thần và móc nối tinh thần.

Tưởng tượng điều ngược lại với điều bạn muốn.

Nói chuyện với người đang thực hành kỹ năng xác định được có thể kỳ vọng vào điều gì.

Loại bỏ những điều gây xao lãng.

Sử dụng sự củng cố và lặp lại cách quãng để ghi nhớ.

Tạo lịch trình và bảng liệt kê những mục cần kiểm tra.

Dự đoán và kiểm nghiệm dự đoán.

Trân trọng hệ thống sinh học của bạn.

Vậy đấy. Hãy áp dụng bảng liệt kê những mục cần kiểm tra này cho kỹ năng quan trọng hiện tại của bạn, và bạn sẽ học được là bạn cần phải biết điều gì để luyện tập hiệu quả và năng suất.

Đưa lý thuyết vào thực hành

Thật sáo rỗng làm sao khi ngồi xuống để viết khi chưa từng đứng lên để sống.

−HENRY DAVID THOREAU

Đã đủ lý thuyết rồi, đến giờ thực hành thôi.

Chúng ta đã lướt qua những điều cơ bản của việc học kỹ năng nhanh, nhưng biết cách làm những việc này không quan trọng bằng việc thực sự bắt tay vào thực hiện chúng. Hãy nhớ: Không luyện tập thì không học được kỹ năng.

Thay vì nhắc đi nhắc lại về lý thuyết học kỹ năng, tôi sẽ chỉ cho bạn cách làm thực sự. Tôi sẽ sử dụng những nguyên tắc này để học một vài kỹ năng mới, và bạn sẽ được ngồi hàng ghế đầu để chứng kiến.

Dưới đây là những kỹ năng tôi dự định học:

Yoga: phát triển một bài tập tư thế (asana) ở nhà

Lập trình: tạo một ứng dụng web chức năng

Đánh máy: học lại cách đánh máy không cần nhìn vào bàn phím với cách bố trí bàn phím không theo tiêu chuẩn

Chiến lược: chơi cờ vây, trò chơi trên bàn cờ phức tạp và cổ nhất trên thế giới

Lướt ván: lướt và di chuyển trên mặt nước lặng

Tôi không có kinh nghiệm về bất kỳ kỹ năng nào trong số những kỹ năng trên. Sử dụng những kỹ thuật và phương pháp tôi vừa mới miêu tả, mục tiêu của tôi là học được mỗi kỹ năng trong số đó trong vòng 30 ngày hoặc ít hơn.

Thời gian dự tính để học một kỹ năng đó là khoảng 20 giờ, trung bình 60 đến 90 phút luyện tập mỗi ngày.

Về những ví dụ này

Những kỹ năng này hoàn toàn mang phong cách riêng. Đó đều là những việc tôi có hứng thú học vì một vài lý do mà tôi sẽ giải thích cụ thể sau. Những kỹ năng bạn muốn học có thể hoàn toàn khác, nhưng quá trình học kỹ năng cơ bản sẽ giống nhau.

Tôi hi vọng bằng cách chỉ cho bạn thấy cách tôi đã sử dụng quá trình này để học được nhiều kỹ năng khác nhau trong các lĩnh vực khác nhau, bạn sẽ thực sự hiểu được cách sử dụng những thủ thuật này để trở nên thành thạo hơn những kỹ năng quan trọng với bạn.

Nếu bạn quan tâm tới một hoặc hai ví dụ này hơn những ví dụ khác thì cũng điều là bình thường. Hãy đọc những chương đó trước. Nếu bạn bắt đầu đọc một chương và nhận thấy kỹ năng đó chán ngắt hoặc không phù hợp với tình huống của bạn, hãy bỏ qua chương đó. Tôi chỉ sử dụng một phương pháp cốt lõi cho tất cả các ví dụ này, vì thế bạn không cần lo là sẽ bỏ mất phần quan trọng nào trong cách tiếp cận của tôi.

Tôi viết những chương này dưới dạng hướng dẫn, với giả định rằng bạn chưa bao giờ nhìn thấy các kỹ năng đó trước đây, vì thế bạn không có bất cứ kinh nghiệm hoặc hiểu biết nào từ trước. Ngoài việc minh họa cho phương pháp, tôi hi vọng bạn cũng có thể thu lượm được chút ít kiến thức quý giá về năm kỹ năng thú vị rất đáng để luyện tập này.

Nếu bạn có nhiều kinh nghiệm ở một trong năm bộ môn này, nhiều khả năng là bạn sẽ nhận ra một thiếu sót nào đó trong vốn hiểu biết của tôi, một sai lầm nào đó trong cách diễn đạt dài dòng của tôi hoặc có sự bất đồng nào đó với phương pháp của tôi. Điều đó hoàn toàn bình thường. Hãy nhớ rằng: Tôi đang bắt đầu như một người hoàn toàn mới, và tôi không biết tôi đang làm gì. (Chưa biết thì đúng hơn.)

Những gì bạn sẽ đọc là tổng quan về quá trình học mỗi một kỹ năng đó của tôi. Tôi đã rất cố gắng để đảm bảo những thông tin trong cuốn sách này đều chính xác và hoàn thiện, nhưng chắc chắn vẫn có sai sót. Trong tất cả các trường hợp, phương pháp nghiên cứu và luyện tập có mục đích, có chủ ý là điều quan trọng nhất.

Trước tiên là yoga.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.