7 Thói Quen Để Thành Đạt
CHƯƠNG BỐN ĐỔI MỚI – Thói quen thứ bảy: RÈN GIŨA BẢN THÂN
Các nguyên tắc tự đổi mới hợp lý
“Đôi khi nghĩ về những hệ quả lớn từ những chuyện nhỏ, tôi chợt nhận ra rằng, chẳng có gì là nhỏ cả.” – Bruce Barton
Hãy hình dung trong tâm trí tình huống sau.
Bạn gặp ai đó đang miệt mài cưa một cái cây trong rừng, bạn hỏi:
“Anh đang làm gì đó?”
“Anh không nhìn thấy à?”, người nọ có vẻ bực mình, “Tôi đang đốn cây”. “Anh trông mệt lắm rồi đấy! Anh cưa được bao lâu rồi?”
“Hơn năm tiếng rồi”, anh ta đáp, “Tôi kiệt sức mất thôi. Đây quả là một công việc nặng nhọc”.
“Vậy tại sao anh không nghỉ một lát và mài sắc lại lưỡi cưa”, bạn hỏi, “Tôi tin rằng anh sẽ cưa nhanh hơn rất nhiều”.
“Tôi không có thời gian để mài cưa”, người đàn ông trả lời, “Tôi quá bận cưa cây rồi!”.
Thói quen thứ bảy là dành thời gian để mài giũa bản thân. Nó nằm xung quanh các thói quen khác trong mô thức 7 Thói quen, giúp cho các thói quen khác được vận dụng vào thực tế cuộc sống.
1. BỐN KHÍA CẠNH CỦA TỰ ĐỔI MỚI
Thói quen thứ bảy là PC (năng lực sản xuất) của cá nhân. Nó bảo tồn và tăng cường tài sản lớn nhất của bạn – con người bạn. Nó đổi mới bốn mặt của con người bạn – thể chất, tinh thần, trí tuệ và quan hệ xã hội/tình cảm.
Mặc dù cách dùng từ khác nhau, nhưng hầu hết các triết lý của cuộc sống đều đề cập công khai hoặc ẩn dụ bốn mặt trên. Nhà triết học Herb Shepherd mô tả một cuộc sống cân bằng lành mạnh gồm bốn giá trị: viễn cảnh (tinh thần), tự chủ (trí tuệ), liên kết (xã hội) và bền vững (thể chất). Một lý thuyết khác về động cơ cho rằng một tổ chức đúng đắn bao gồm bốn mặt (hay bốn động cơ): kinh tế (thể chất), cách cư xử với con người (xã hội), cách phát triển, sử dụng con người (trí tuệ) và sự đóng góp của tổ chức (tinh thần).
Rèn giũa bản thân về cơ bản phải thể hiện được cả bốn động cơ này, có nghĩa là rèn luyện cả bốn mặt của con người một cách thường xuyên, nhất quán và hợp lý.
Để làm được điều này, chúng ta phải là người luôn chủ động. Dành thời gian để rèn giũa bản thân là hoạt động thuộc Phần tư thứ hai, mang tính chủ động, trái ngược với hoạt động thuộc Phần tư thứ nhất, do tính chất khẩn cấp của nó nên chúng ta bị động và luôn phải chịu sức ép từ nó.
Cần phải thúc đẩy PC cá nhân cho đến khi nó trở thành bản chất thứ hai, một thói quen lành mạnh. Vì nó nằm ở giữa Vòng tròn Ảnh hưởng của chúng ta, nên chỉ có chúng ta, chứ không phải ai khác, mới có thể điều khiển được.
Đây là đầu tư lớn nhất chúng ta có thể thực hiện trong đời – đầu tư vào chính mình, đầu tư vào công cụ duy nhất chúng ta có được để đương đầu với cuộc sống và cống hiến cho cuộc sống. Chúng ta là công cụ để thực hiện mục đích của mình, và để thành đạt, chúng ta cần nhận thức được tầm quan trọng của việc thường xuyên rèn giũa bản thân ở cả bốn mặt sau đây.
Thể chất
Rèn luyện thể chất nghĩa là luôn quan tâm chăm sóc cơ thể mình – ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, thư giãn và luyện tập sức khỏe thường xuyên.
Luyện tập là một trong các hoạt động thuộc Phần tư thứ hai, là những hoạt động có sức bật lớn mà đa số chúng ta không làm thường xuyên bởi vì nó không phải là việc cấp bách. Và vì chúng ta không làm, nên sớm muộn gì, chúng ta cũng sẽ rơi vào Phần tư thứ nhất – đối phó với vấn đề sức khỏe và khủng hoảng xảy ra – như một hậu quả tất yếu của sự thiếu chăm sóc bản thân.
Đa số chúng ta nghĩ rằng mình không có đủ thời gian để rèn luyện sức khỏe. Thật là một mô thức méo mó! Chúng ta có thời gian, nhưng chúng ta không muốn làm! Sáu giờ một tuần hay tối thiểu 30 phút một ngày, lượng thời gian đó không thể nói là quá nhiều, nếu xét đến lợi ích nó mang lại cho 160 giờ còn lại trong tuần.
Rèn luyện thể chất cũng không đòi hỏi bạn phải có dụng cụ tập luyện đặc biệt nào. Còn nếu có điều kiện, bạn cũng có thể đến câu lạc bộ hay các phòng thể dục thẩm mỹ để dùng các thiết bị ở đó, hoặc chơi các môn thể thao đòi hỏi kỹ năng như quần vợt, bóng rổ. Nhưng để rèn giũa bản thân thì điều đó không cần thiết lắm.
Một chương trình rèn luyện sức khỏe tốt là chươngtrình bạn có thể thực hiện ở nhà, và rèn luyện cho cơ thể bạn ba phẩm chất: sức chịu đựng, sự dẻo dai và sức mạnh.
Sức chịu đựng có được từ các bài tập thể dục tay chân, làm tăng hiệu quả hoạt động của hệ tim mạch. Mặc dù tim được cấu tạo bởi các cơ, nhưng chúng ta không thể luyện tập nó một cách trực tiếp, mà chỉ có thể luyện tập thông qua các nhóm cơ bắp lớn khác, đặc biệt là cơ bắp chân. Đó là lý do vì sao các môn luyện tập như đi bộ nhanh, chạy, đạp xe, bơi lội, trượt tuyết đường dài, chạy tại chỗ… là rất bổ ích.
Bạn được coi là có sức khỏe nếu có thể làm tăng nhịp tim lên ít nhất 100 lần/một phút và giữ ở mức đó trong vòng 30 phút.
Sự dẻo dai có được nhờ luyện tập co giãn. Hầu hết chúng ta đều được khuyên nên khởi động trước và thư giãn sau khi tập thể dục. Khởi động trước khi tập giúp thả lỏng cơ bắp và làm nóng cơ thể để chuẩn bị cho các bài tập nặng hơn. Thư giãn sau khi tập giúp làm tan axít lactic, nhờ đó bạn không cảm thấy đau và cứng người.
Sức mạnh có được nhờ luyện tập sức bền của cơ bắp, như các môn thể dục dụng cụ, hít đất, xà đơn xà kép, các bài tập đứng lên ngồi xuống và tập tạ. Tùy theo hoàn cảnh mà bạn tập trung vào việc luyện tập đến đâu. Nếu bạn lao động chân tay thì việc tăng sức mạnh sẽ giúp cải thiện những kỹ năng trong công việc của bạn. Nếu công việc của bạn về cơ bản là ngồi bàn giấy thì chỉ cần tăng thêm chút ít sự rắn chắc của cơ thể qua thể dục dụng cụ hay các bài tập co giãn là đủ.
Bản chất của sự tăng cường thể chất là rèn giũa bản thân, rèn luyện thân thể thường xuyên để có thể duy trì và nâng cao hiệu suất làm việc, thích nghi và hưởng thụ.
Cũng cần phải có sự hiểu biết trong việc xây dựng chương trình luyện tập. Mọi người thường có xu hướng tập luyện quá sức, đặc biệt là những người không rèn luyện thường xuyên. Điều đó có thể gây ra đau đớn, thương tích không cần thiết và thậm chí thương tật vĩnh viễn. Tốt hơn cả là nên bắt đầu chậm rãi. Mọi chương trình luyện tập đều cần phải tuân theo các kết quả nghiên cứu mới nhất, các chỉ dẫn của huấn luyện viên và theo sự tự nhận thức của bản thân.
Nếu bạn chưa bao giờ luyện tập, cơ thể của bạn sẽ chiều theo thói quen được nghỉ ngơi thoải mái. Tuy nhiên, bạn hãy luôn chủ động và cố gắng luyện tập, dù lúc đầu có thể phải miễn cưỡng. Dù trời có mưa vào đúng buổi sáng bạn có kế hoạch tập chạy bộ thì bạn vẫn cứ tập. Trời mưa ư, càng tốt! Bạn sẽ rèn luyện cả thể chất lẫn ý chí.
Bạn đang thực hiện những hoạt động thuộc Phần tư thứ hai, vốn đem lại những kết quả phi thường về lâu dài. Dần dần từng bước, bạn nâng cao khả năng của cơ thể để làm những việc khó hơn. Khi đó, bạn sẽ cảm thấy những hoạt động bình thường trở nên dễ dàng và dễ chịu hơn. Bạn sẽ có nhiều năng lượng hơn vào buổi chiều và cảm giác “quá mệt mỏi” trước đây sẽ được thay thế bằng sức mạnh tráng kiện để làm những việc bạn muốn.
Có thể lợi ích lớn nhất bạn có được từ việc rèn luyện thân thể là tăng cường thói quen luôn chủ động. Việc hành động dựa vào sức mạnh thể chất thay vì phản ứng lại mọi áp lực kìm hãm sẽ có tác động sâu sắc đến mô thức, lòng tự trọng, sự tự tin và phẩm chất của bản thân bạn.
Tinh thần
“Rèn giũa” tinh thần mang lại sự định hướng cho cuộc sống của bạn. Điều này có quan hệ chặt chẽ với Thói quen thứ hai.
Tinh thần là cốt lõi, là trung tâm, là sự cam kết của bạn đối với hệ thống giá trị của mình. Đây là lĩnh vực rất riêng tư nhưng cực kỳ quan trọng của cuộc sống. Nó sẽ huy động các nguồn lực để tạo nguồn cảm hứng, nâng cao tâm hồn và gắn bạn với những chân lý muôn thuở của nhân loại. Mỗi người thực hiện điều này rất khác nhau.
Tôi “rèn giũa” tinh thần hàng ngày qua sự suy ngẫm kinh thánh, vì nó đại diện cho hệ thống giá trị của tôi. Khi tôi đọc và suy ngẫm, tôi cảm thấy mình được đổi mới, được tiếp thêm sức mạnh, tập trung và củng cố quyết tâm để cống hiến.
Đắm chìm vào tác phẩm văn học hay âm nhạc cũng có thể làm đổi mới tinh thần cho một số người. Có người lại tìm thấy sự đổi mới tinh thần của mình thông qua sự giao tiếp với thiên nhiên; thiên nhiên ban ơn cho những ai đắm mình vào nó. Khi bạn rời khỏi thành phố ồn ào và nhốn nháo để đắm mình vào khung cảnh hài hòa và êm ái của một vùng quê, bạn sẽ thấy tâm hồn mình như được thanh lọc.
Arthur Gordon từng chia sẻ với chúng ta câu chuyện thú vị về sự đổi mới tinh thần của chính ông. Trong câu chuyện nhỏ có nhan đề “Nước triều dâng”, ông kể về một thời kỳ nhàm chán và đơn điệu trong cuộc đời mình, không có sự nhiệt tình, không còn nỗ lực sáng tác. Ông cảm thấy cuộc đời vô nghĩa. Cuối cùng, ông quyết định nhờ một bác sĩ y khoa giúp đỡ.
Bác sĩ bảo ông dành cả ngày hôm sau đến một nơi mà ông có nhiều kỷ niệm nhất khi còn nhỏ. Ông có thể mang theo đồ ăn nhưng đừng nói chuyện với ai, cũng không được đọc, viết hay nghe đài. Tiếp theo, bác sĩ viết cho ông bốn đơn thuốc và bảo ông mở từng cái ra xem lúc 9 giờ sáng, 12 giờ trưa, 3 giờ chiều và 6 giờ tối.
Thế là sáng hôm sau, Gordon đi ra bãi biển. Khi mở đơn thuốc thứ nhất ra đọc, trên đó ghi “Hãy lắng nghe cẩn thận”, ông nghĩ là bác sĩ mất trí. Nhưng vì đã đồng ý làm theo chỉ dẫn của bác sĩ nên ông cố kiên nhẫn ngồi lắng nghe. Ông nghe thấy tiếng sóng biển vỗ rầm rì, tiếng chim chóc gọi nhau ríu rít… Ông bắt đầu suy nghĩ về những bài học mà biển đã dạy khi ông còn nhỏ – sự kiên trì, tôn trọng và sự nhận thức về tính tương thuộc giữa các sinh vật. Ông tiếp tục lắng nghe trong sự im lặng, và cảm thấy sự thanh thản trong tâm hồn tăng lên. Đến trưa, ông mở tờ giấy thứ hai ra và đọc thấy dòng chữ “Cố gắng quay trở lại”. “Quay trở lại cái gì mới được chứ?”, ông thắc mắc. Có thể là thời thơ ấu, có thể là những kỷ niệm, có thể là quãng thời gian hạnh phúc đã qua. Ông nghĩ về quá khứ của mình, về những khoảnh khắc của niềm vui. Ông cố gắng hồi tưởng… Và trong khi nhớ lại như vậy, ông cảm thấy lòng mình ấm áp hẳn lên.
Đến ba giờ chiều, ông mở tờ giấy thứ ba ra đọc. Đơn thuốc này dường như có chút gì đó khó thực hiện hơn những cái trước: “Hãy kiểm tra lại các động cơ”. Ông bắt đầu nghĩ về những điều ông muốn – thành công, công nhận, an toàn – và biện minh cho tất cả điều đó. Thế rồi, ông chợt phát hiện ra rằng những động cơ đó không được tích cực cho lắm và có thể đó là câu trả lời cho tình trạng bế tắc hiện nay của ông. Ông xem xét các động cơ của mình sâu hơn. Ông suy nghĩ về niềm hạnh phúc đã qua. Và cuối cùng, ông đã tìm ra câu trả lời.
Ông viết: “Tôi đột nhiên nhận ra một sự thật rằng, động cơ lệch lạc sẽ chỉ kéo theo những điều sai trái. Không có gì khác nhau, dù bạn là người đưa thư, thợ cắt tóc, nhân viên bán bảo hiểm, người nội trợ, hay bất cứ ngành nghề gì.
Bạn sẽ là người làm tốt công việc của mình, miễn bạn cảm thấy đang phục vụ cộng đồng. Nhưng nếu bạn chỉ quantâm chăm lo cho bản thân thì bạn sẽ làm việc kém đi. Đó là một quy luật không thể lay chuyển được”.
Đến sáu giờ tối, với đơn thuốc cuối cùng, ông không mất nhiều thời gian để hoàn thành. Trên mảnh giấy có dòng chữ “Hãy viết những ưu phiền lên cát”. Thả mảnh giấy bay đi, ông cúi xuống nhặt một mảnh vỏ sò và viết tất cả những nỗi ưu phiền của mình lên mặt cát. Sau đó ông quay bước đi mà không nhìn lại, biết rằng sau lưng mình, thủy triều đã sắp lên…
Nhà cải cách vĩ đại Martin Luther King từng nói: “Tôi có nhiều việc phải làm hôm nay, nhưng tôi vẫn cần phải có một giờ để quỳ gối cầu nguyện”. Đối với ông, cầu nguyện không phải là một nghĩa vụ máy móc mà là sức mạnh để giải phóng và nhân lên nguồn năng lượng trong cơ thể.
Có người hỏi một sư phụ Thiền tông: “Làm thế nào mà ngài luôn giữ được sự thanh thản và bình an như vậy?”. Ông trả lời: “Tôi không bao giờ rời khỏi nơi thiền định của mình”. Ông ấy thực hành thiền định mọi nơi, mọi lúc, luôn mang theo mình những giờ phút bình an cả trong tâm trí và con tim.
Khi dành thời gian để suy tư về những trọng tâm của cuộc sống, về ý nghĩa cuộc sống, chúng ta sẽ cảm thấy tinh thần mình tươi trẻ hơn. Đó là lý do vì sao tôi tin rằng tuyên ngôn sứ mệnh cá nhân lại thật sự quan trọng. Nếu hiểu được sâu sắc trọng tâm và mục đích cuộc sống của mình, chúng ta có thể thường xuyên rà soát lại và tận tâm với những giá trị đó.
Nhà lãnh đạo tôn giáo David O. McKay nói rằng: “Cuộc chiến lớn nhất của cuộc sống là cuộc đấu tranh hàng ngày diễn ra bên trong các khoảng lặng tâm hồn chúng ta”. Nếu chiến thắng trong các cuộc đấu tranh đó, nếu giải quyết được cuộc xung đột nội tâm, bạn sẽ tìm thấy cảm giác bình an. Và bạn sẽ nhận thấy quá trình hướng đến sự hợp tác, thúc đẩy cho lợi ích và sự tốt đẹp của người khác, vui mừng vì thành công của người khác – những thành tích tập thể – sẽ diễn ra một cách tự nhiên.
Trí tuệ
Trí tuệ của chúng ta phát triển đến mức nào đa phần phụ thuộc vào việc học tập. Nhưng ngay sau khi ra trường, rất nhiều người trong chúng ta để kiến thức của mình teo tóp lại. Chúng ta không còn giữ được thói quen đọc sách, không còn tìm hiểu, tiếp thu tri thức mới ngoài lĩnh vực hoạt động của mình. Thay vào đó, chúng ta dành thời gian để tận hưởng các thú vui, chẳng hạn như xem TV.
Kết quả khảo sát cho thấy tại hầu hết các gia đình, thời gian mở TV là từ 35 đến 45 giờ một tuần. Thời gian đó bằng thời gian làm việc hàng tuần của nhiều người, nhiều hơn thời gian dành cho việc học. Điều đó cho thấy ảnh hưởng xã hội rất lớn của TV. Chúng ta cũng bị chi phối bởi mọi giá trị được truyền đạt thông qua truyền hình. Điều đó có thể có ảnh hưởng đến chúng ta một cách tinh tế và khó nhận thấy. Xem truyền hình một cách khôn ngoan đòi hỏi phải biết tự quản lý bản thân hiệu quả theo Thói quen thứ ba, giúp bạn phân biệt và lựa chọn các chương trình thông tin, truyền cảm hứng và giải trí có lợi nhất và phù hợp với mục đích và giá trị của bạn.
Trong gia đình tôi, chúng tôi hạn chế thời gian xem TV khoảng 7 giờ một tuần, trung bình mỗi ngày khoảng một giờ. Chúng tôi họp gia đình, thảo luận và xem xét các số liệu về tác động của TV đến cuộc sống gia đình. Qua thảo luận, chúng tôi nhận ra rằng nhiều người trở nên ghiền các chương trình phim truyền hình nhiều tập ủy mị
hay một loại chương trình đặc biệt nào đó.
Tôi phải cám ơn các phát minh mới trong lĩnh vực giải trí đã làm phong phú đời sống tinh thần, đóng góp vào mục đích và ý nghĩa của cuộc sống chúng ta. Nhưng nhiều chương trình giải trí chỉ làm mất thời gian, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, nhận thức thẩm mỹ của chúng ta nếu chúng ta quá phụ thuộc vào nó. Chúng ta cần rèn luyện Thói quen thứ ba và quản lý bản thân hiệu quả để sử dụng được tối đa mọi nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của mình.
Học tập, học tập không ngừng, không ngừng “rèn giũa” và mở rộng tri thức, chính là phương pháp tự đổi mới tinh thần hiệu nghiệm. Đôi khi, việc này đòi hỏi một chương trình học tập có hệ thống; nhưng thường là không cần. Những ai luôn chủ động có thể tìm ra rất nhiều cách khác nhau để tự học.
Rèn luyện phương pháp tách rời chương trình học của chính mình và xem xét nó là một điều cực kỳ có giá trị. Theo tôi, đó chính là nội dung cốt yếu của phương pháp học tập tự do, tức khả năng xem xét các câu hỏi, mục đích và các mô thức trong quá trình đối chiếu với thực tế khách quan. Đào tạo một cách rập khuôn, máy móc sẽ thu hẹp và đóng kín tư duy, làm cho những giả thiết được đưa ra trong quá trình học không bao giờ được xem xét, mổ xẻ thấu đáo.
Không có cách nào tăng cường và mở rộng sự hiểu biết của mình tốt hơn việc tạo thói quen thường xuyên đọc sách. Đây là một hoạt động khác nằm trong Phần tư thứ hai. Qua đó, bạn có thể tiếp cận với những tư tưởng lớn trên thế giới qua các thời đại. Tôi khuyên các bạn nên bắt đầu bằng mục tiêu đọc một cuốn sách một tháng, sau đó một cuốn hai tuần, rồi một cuốn một tuần.
Những cuốn sách có giá trị sẽ giúp chúng ta mở rộng nhận thức về văn hóa, đổi mới tinh thần cũng như thanh lọc tâm hồn. Đặc biệt, nếu thực hành Thói quen thứ năm, nghĩa là không dùng cái nhìn chủ quan của mình để phán xét vội vàng, chúng ta có thể hiểu một cách thấu đáo nội dung, ý nghĩa mà tác giả muốn chuyển tải dưới lớp ngôn từ.
Viết cũng là một phương pháp hiệu quả để “rèn giũa” trí tuệ. Duy trì việc ghi chép hàng ngày những suy nghĩ, những trải nghiệm, những ý tưởng và những điều đã học sẽ giúp cho tâm trí minh mẫn, chính xác và nhạy bén. Việc viết nhật ký hay viết thư cũng có ảnh hưởng đến khả năng tư duy rõ ràng và sự hiểu biết thấu đáo.
Tổ chức và lập kế hoạch công việc là một hình thức khác của “rèn giũa” trí tuệ, có liên quan đến các Thói quen 2 và 3. Nó bắt đầu với “mục tiêu đã được xác định” và nỗ lực tổ chức thực hiện để đạt được mục tiêu đó. Nó luyện tập khả năng hình dung và tưởng tượng của bạn, giúp bạn nhìn thấy mục đích cuối cùng ngay từ đầu để mường tượng toàn bộ cuộc hành trình, chí ít về nguyên tắc, chứ không phải chỉ là những bước đi.
Rèn giũa bản thân ở cả ba mặt – thể chất, tinh thần và trí tuệ – là sự rèn luyện thuộc về thành tích cá nhân hàng ngày. Điều đó sẽ cải thiện được rất nhiều chất lượng, tính hiệu quả của các hoạt động, kể cả giấc ngủ sâu và yên bình của bạn. Nó sẽ tạo ra một sức mạnh lâu dài về thể chất, tinh thần và trí tuệ giúp bạn vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong cuộc sống.
Một ngày nào đó trong tương lai, bạn sẽ phải vật lộn cưỡng lại sức cám dỗ mạnh mẽ, hay run rẩy trước nỗi đau ghê gớm của cuộc đời. Nhưng cuộc đấu tranh thực sự là ở đây, ngay lúc này… Bây giờ chính là lúc bạn quyết định, khi sự đau khổ tột cùng hay cám dỗ đó đến, bạn sẽ là kẻ thất bại nhục nhã hay là kẻ chiến thắng vinh quang. Tính cách chỉ có được bằng quá trình rèn luyện liên tục lâu dài và ổn định.
Phillips Brooks
Quan hệ xã hội/tình cảm
Trong khi các mặt thể chất, tinh thần và trí tuệ có liên hệ chặt chẽ với các Thói quen 1, 2 và 3 – tập trung vào các nguyên tắc về tầm nhìn, sự lãnh đạo và quản trị bản thân – thì khía cạnh quan hệ xã hội/tình cảm lại tập trung vào các Thói quen 4, 5 và 6, tức các nguyên tắc lãnh đạo bản thân, giao tiếp thấu hiểu và hợp tác sáng tạo.
Khía cạnh xã hội và tình cảm trong cuộc sống của chúng ta hòa quyện nhau vì cuộc sống tình cảm được phát triển và thể hiện chủ yếu trong các mối quan hệ của chúng ta đối với người khác.
Tự đổi mới quan hệ xã hội/tình cảm không đòi hỏi nhiều thời gian như đổi mới các mặt khác. Chúng ta có thể thực hiện nó trong sự tương tác hàng ngày với người khác, nhưng vẫn cần phải rèn luyện. Chúng ta có thể phải miễn cưỡng vì chưa đạt được các kỹ năng cần thiết cho các Thói quen 4, 5, 6 để có được sự tương tác một cách tự nhiên. Giả sử bạn là một người rất quan trọng trong cuộc sống của tôi – có thể là sếp tôi, cấp dưới, đồng sự, bạn bè, láng giềng, vợ/chồng, con cái hay một thành viên trong gia đình tôi – nhưng giữa chúng ta lại có cách nhìn khác nhau; chúng ta nhìn sự vật qua các lăng kính khác nhau.
Do đó, tôi thấy cần phải thực hành Thói quen thứ tư. Tôi đến gặp bạn và nói: “Tôi thấy rằng chúng ta đang tiếp cận vấn đề một cách khác nhau. Tại sao chúng ta không trao đổi cho đến khi tìm ra một đáp án chung mà cả hai đều hài lòng. Bạn có đồng ý như vậy không?”. Hầu hết mọi người sẽ trả lời “Có”.
Sau đó, tôi chuyển sang Thói quen thứ năm: “Để tôi lắng nghe bạn trước”. Thay vì nghe để đối phó, tôi lắng nghe để thấu hiểu một cách sâu sắc, để nhận ra đâu là mô thức của bạn. Cho đến khi có thể giải thích được quan điểm của bạn như chính bạn, tôi mới tập trung vào trình bày quan điểm của tôi để bạn hiểu rõ hơn.
Dựa vào cam kết tìm ra giải pháp mà cả hai bên đều hài lòng và sự hiểu biết sâu sắc quan điểm của nhau, bạn và tôi sẽ chuyển sang Thói quen thứ sáu. Chúng ta cùng nhau tìm ra giải pháp thứ ba – mà cả hai đều công nhận là tốt hơn giải pháp của mỗi bên lúc đầu – nhằm giải quyết sự khác biệt giữa chúng ta.
Sự thành công của Thói quen 4, 5 và 6 không phụ thuộc vào trí tuệ, mà là tình cảm.
Điều này nằm ở nhận thức về sự an toàn của chúng ta.
Nếu cảm giác an toàn xuất phát từ các nguồn lực bên trong, chúng ta sẽ có sức mạnh để thực hành các thói quen thuộc phạm trù thành tích cá nhân. Sự an toàn nội tại có được từ đâu? Nó không nảy sinh từ việc người khác nghĩ về bạn như thế nào, hay cư xử với bạn ra sao. Nó không xuất phát từ kịch bản mà ai đó trao cho bạn. Nó cũng không phát sinh từ hoàn cảnh hay lập trường của bạn. Nó bắt nguồn từ bên trong, từ những mô thức chính xác và các nguyên tắc đúng đắn nằm sâu trong khối óc và con tim của chúng ta. Nó nảy sinh từ lối sống trung thực, trong đó những thói quen hàng ngày phản ảnh những giá trị sâu sắc nhất của chúng ta.
Tôi tin rằng sống với chính bản thân mình là nguồn gốc cơ bản nhất của giá trị cá nhân. Tôi không đồng ý với những ai cho rằng bạn có thể nỗ lực để có được sự bình an trong tâm hồn. Sự bình an trong tâm hồn chỉ có được khi cuộc sống của bạn phù hợp với các nguyên tắc và giá trị đích thực. Không có con đường nào khác để đạt được sự bình an đó.
Sự an toàn nội tại cũng hình thành từ kết quả của một cuộc sống tương thuộc hiệu quả. Sự an toàn này có được nhờ nhận thức rõ ràng về giải pháp cùng thắng. Cuộc sống không phải lúc nào cũng là “có” hoặc “không”, hầu như luôn có các giải pháp thứ ba cho mọi vấn đề. Bạn cũng có thể an toàn khi hiểu rằng bạn có thể bước ra khỏi khung tham chiếu của mình mà không đánh mất chính mình, rằng bạn có thể hiểu được người khác một cách thật sự và sâu sắc. Sự an toàn cũng phát sinh khi bạn tương tác một cách đúng đắn, sáng tạo, biết hợp tác với người khác và trải nghiệm những thói quen có tính tương thuộc.
Cũng có sự an toàn nội tại phát sinh từ việc phục vụ, giúp đỡ người khác một cách có ý nghĩa. Và điều đáng quan tâm là bạn đem lại điều tốt đẹp cho cuộc sống của người khác. Động cơ là những hành động có ích chứ không phải là để được người khác công nhận.
Viktor Frankl nhấn mạnh nhu cầu sống có ý nghĩa và mục đích. Đó là những điều vượt ra ngoài bản thân cuộc sống và kích thích những nguồn năng lượng tốt nhất trong con người của chúng ta. Cố tiến sĩ Hans Selye đã viết trong công trình nghiên cứu đồ sộ của mình về stress rằng: một cuộc sống lành mạnh, hạnh phúc và trường thọ là kết quả của sự cống hiến, sự đóng góp vào việc tạo nguồn cảm hứng cho cá nhân, đem lại những điều tốt đẹp cho cuộc sống của những người khác.
Còn theo George Bernard Shaw,
Niềm vui đích thực trong cuộc sống là khi sống vì một mục đích cao cả, khi trở thành một phần của tự nhiên, chứ không phải là một cơ thể bệnh tật bé nhỏ ích kỷ, luôn than vãn rằng cái thế giới này không đáng để cho ta sống hạnh phúc. Tôi ý thức rằng cuộc sống của tôi thuộc về toàn thể cộng đồng, và chừng nào
tôi còn sống thì tôi rất vinh hạnh được cống hiến hết mình. Vì những người khổ hơn, tôi sẵn sàng làm việc nhiều hơn. Chính bản thân cuộc sống làm cho tôi vui sướng. Đối với tôi cuộc sống không phải là cây nến chóng tàn mà là một ngọn đuốc tuyệt diệu tôi đang giơ cao và tôi muốn cho nó bừng sáng chói lọi nhất trước khi trao lại cho các thế hệ tương lai.
N. Eldon Tanner từng nói: “Phụng sự là cái giá chúng ta phải trả cho diễm phúc được sống trên đời này”. Có rất nhiều cách để chúng ta phục vụ. Dù bạn có đang làm việc cho một tổ chức cộng đồng nào hay không thì cũng đừng để thời gian trôi qua một cách uổng phí. Hãy không ngừng phục vụ người khác, chí ít cũng bằng cách gửi vào tài khoản tình cảm một tình yêu thương vô điều kiện.
2. ẢNH HƯỞNG CỦA BẠN ĐỐI VỚI NGƯỜI KHÁC
Hầu hết chúng ta là đối tượng của tấm gương xã hội, được định hình bởi những ý kiến, nhận thức, mô thức của những người xung quanh. Là những người nhận thức được tính tương thuộc, bạn và tôi xuất phát từ một mô thức thừa nhận rằng: mỗi chúng ta là một phần của tấm gương xã hội đó.
Chúng ta có thể phản chiếu lại người khác bằng một tầm nhìn rõ ràng, không bị méo mó. Chúng ta có thể khẳng định bản chất luôn chủ động của họ và cư xử với họ như những người có trách nhiệm. Chúng ta có thể giúp định hình họ thành những cá nhân lấy nguyên tắc làm trọng tâm, biết lấy giá trị làm điểm tựa. Và với sự rộng lượng, chúng ta nhận thấy rằng phản chiếu hình ảnh tích cực của người khác không hề làm mất đi giá trị bản thân. Ngược lại, nó còn làm tăng giá trị của chúng ta, bởi vì nó làm tăng các cơ hội tương tác có hiệu quả với những người có tính luôn chủ động khác.
Có thể bạn biết vở nhạc kịch Man of La Mancha10. Đó là một câu chuyện đẹp về một hiệp sĩ thời trung cổ với một cô gái – cô gái điếm – ông gặp trên đường phố. Cô ấy bị đẩy vào lối sống này bởi tất cả những người mà cô đã gặp trong cuộc đời.
Thế nhưng chàng hiệp sĩ lãng tử này lại nhìn thấy cái mà người khác không thấy ở cô, một cái gì đó thật đẹp đẽ và đáng yêu. Chàng đã đặt tên mới cho cô là Dulcinea, một cái tên mới gắn với mô thức mới.
Lúc đầu, cô gái cực lực bác bỏ mọi ý nghĩ và tình cảm của chàng hiệp sĩ vì những “kịch bản” cũ trong cô còn quá mạnh. Cô gạt bỏ chàng như một kẻ hoang tưởng. Nhưng chàng vẫn kiên định. Chàng không ngừng tạo ra khoản gửi vào tài khoản tình cảm bằng một tình yêu vô điều kiện, và dần dần, chàng đã thâm nhập được vào “kịch bản” cũ của cô gái. Chàng đi sâu vào bản chất thật sự của con người cô và cô bắt đầu đáp lại. Dần dần từng bước, cô gái bắt đầu thay đổi lối sống.
Về sau, khi cô gái muốn quay trở lại mô thức cũ của mình, chàng hiệp sĩ đang lúc lâm chung đã gọi cô gái đến bên giường bệnh và hát cho cô nghe bài “Giấc mơ không có thực”. Nhìn vào mắt cô, chàng thì thầm: “Đừng bao giờ quên điều này, em là Dulcinea!”.
Một trong những câu chuyện khác minh chứng cho việc mô thức biến đổi xuất phát từ cái nhìn của người khác là câu chuyện nói về một chiếc máy vi tính ở Anh. Nó đã vô tình bị lập trình sai. Dựa theo các tiêu chuẩn đánh giá, nó mặc định cho những em học sinh “giỏi” là “kém” và ngược lại. Tiêu chuẩn đó nghiễm nhiên biến thành mô thức của các thầy giáo về học sinh của mình vào đầu năm học.
Sau năm tháng rưỡi, ban giám hiệu phát hiện ra sai sót. Họ quyết định âm thầm kiểm tra lại trình độ của các em học sinh lần nữa. Và kết quả thật kinh ngạc. Những đứa trẻ “giỏi” thì có điểm số khá thấp. Chúng bị xem là bướng bỉnh và khó bảo. Những mô thức của giáo viên đã trở thành một lời tiên tri.
Còn điểm số của những em học sinh “kém” lại có tiến bộ vượt bậc. Các giáo viên đã cư xử với chúng như là những học sinh thông minh; niềm hy vọng, lạc quan, sự kỳ vọng và hứng thú của họ đã tác động tích cực đến những em này.
Goethe11 từng nói rằng: “Chúng ta đối xử với một người như thế nào thì anh ta sẽ trở thành con người như thế ấy”. Chúng ta sẽ phản ánh cho người khác điều gì về bản thân họ? Và sự phản ánh đó có ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của họ? Chúng ta có nhiều thứ để có thể đầu tư vào tài khoản tình cảm của người khác. Càng nhìn thấy tiềm năng trong người khác bao nhiêu, chúng ta càng có thể phát huy trí tưởng tượng và sức sáng tạo trong mình bấy nhiêu. Chúng ta có thể giúp đỡ họ trở thành những con người độc lập, có khả năng xây dựng mối quan hệ tương thuộc với người khác.
3. CÂN BẰNG TRONG ĐỔI MỚI
Quá trình tự đổi mới phải bao gồm đổi mới cân bằng cả bốn mặt của con người chúng ta: thể chất, tinh thần, trí tuệ và quan hệ xã hội/tình cảm. Mặt nào cũng quan trọng ngang nhau, nhưng chúng chỉ có hiệu quả tối ưu khi chúng ta xử lý cả bốn mặt này một cách thông minh và cân đối; xem nhẹ mặt nào cũng đều có tác động tiêu cực đến các mặt còn lại.
Tôi nhận thấy rằng điều này đúng trong các tổ chức cũng như trong đời sống cá nhân. Trong một tổ chức, khía cạnh thể chất được thể hiện dưới dạng các thông số kinh tế. Khía cạnh trí tuệ hay tâm lý được thể hiện dưới dạng công nhận, phát triển và sử dụng nhân tài. Các khía cạnh quan hệ xã hội/tình cảm thể hiện ở các mối quan hệ giữa con người, ở cách cư xử đối với nhân viên. Còn khía cạnh tinh thần thể hiện qua việc tìm kiếm ý nghĩa, mục đích, hay sự đóng góp và uy tín của tổ chức trong xã hội.
Khi một tổ chức xem nhẹ một hay nhiều khía cạnh trên thì nó sẽ chịu tác động tiêu cực. Những năng lượng sáng tạo có thể tạo ra đồng tâm hiệp lực tích cực và to lớn lại được sử dụng vào việc chống lại nó và trở thành các lực kìm hãm sự phát triển và năng suất lao động.
Tôi đã thấy những tổ chức mà mục tiêu duy nhất là kinh tế – kiếm tiền. Họ thường không công bố rõ mục đích này, có nơi còn ngụy tạo bằng một mục đích “nhân văn”
khác. Khi phát hiện ra điều này, tôi đồng thời cũng nhận thấy ở đó có rất nhiều sự đồng tâm hiệp lực tiêu cực, tạo ra một môi trường văn hóa bất lợi, gây ra những hiện tượng xấu như chống đối lẫn nhau giữa các bộ phận. Mọi quan hệ giao tiếp ở đó đều mang tính thủ đoạn và phòng thủ. Tổ chức không thể phát triển nếu không thu được lợi nhuận. Thế nhưng, lợi nhuận lại không phải là lý do duy nhất cho sự tồn tại của một tổ chức.
Ở thái cực khác, tôi lại thấy có những tổ chức hầu như chỉ tập trung vào khía cạnh xã hội/tình cảm. Theo một nghĩa nào đó thì những tổ chức này dường như không cần đến các tiêu chuẩn kinh tế cho hệ thống giá trị của mình. Họ không có thước đo hay công cụ đo lường sự thành đạt, và do đó, họ đánh mất tính hiệu quả, sau đó là tính cạnh tranh trên thị trường.
Tôi cũng gặp nhiều tổ chức xây dựng được cùng lúc ba mặt sau: tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ tốt, tiêu chuẩn kinh tế tốt, quan hệ với nhân viên và khách hàng tốt, nhưng lại không thực sự quyết tâm nhận diện, phát triển, sử dụng và công nhận những người tài năng. Nếu không có một lực lượng nhân viên xuất sắc thì tổ chức đó sẽ nhanh chóng đi đến sự chuyên quyền, tạo ra thứ văn hóa chống đối có tính tập thể và phải luôn đối đầu với tốc độ thay thế nhân viên quá nhanh…
Nói tóm lại, sự thành đạt của tổ chức cũng như của cá nhân đòi hỏi phải phát triển và tự đổi mới cả bốn mặt một cách đúng đắn và cân bằng. Bỏ qua mặt nào cũng sẽ tạo ra áp lực kìm hãm chống lại sự thành công và phát triển.
4. ĐỒNG TÂM HIÊP LỰC TRONG ĐỔI MỚI
Đổi mới một cách cân bằng là sự đồng tâm hiệp lực tối ưu. Quá trình “rèn giũa” từng mặt của tự đổi mới sẽ tác động tích cực đến các mặt còn lại, bởi chúng liên hệ mật thiết lẫn nhau. Sức khỏe thể chất có ảnh hưởng đến khả năng trí tuệ; sức mạnh tinh thần có ảnh hưởng đến quan hệ xã hội/tình cảm. Khi cải thiện một mặt, bạn cũng sẽ tăng cường được khả năng của mình ở các mặt khác.
7 Thói quen để thành đạt tạo ra sự đồng tâm hiệp lực tối ưu giữa các mặt này. Sự đổi mới từng mặt sẽ đem lại cho bạn ít nhất một trong 7 Thói quen. Và việc cải thiện một thói quen cũng sẽ làm tăng khả năng có được những thói quen còn lại.
Càng phát huy tính luôn chủ động (Thói quen 1), bạn càng lãnh đạo bản thân (Thói quen 2) và quản lý bản thân (Thói quen 3) hiệu quả trong cuộc sống của mình. Càng quản lý bản thân (Thói quen 3) hiệu quả thì bạn càng có nhiều hoạt động tự đổi mới thuộc Phần tư thứ hai (Thói quen 7). Càng cố gắng lắng nghe và thấu hiểu lẫn nhau (Thói quen 5), bạn càng dễ đi đến giải pháp cùng thắng (Thói quen 4 và 6). Càng cải thiện được bất cứ thói quen nào dẫn đến tính độc lập (các Thói quen 1, 2, và
3) thì bạn càng thu được nhiều kết quả trong các tình huống có tính tương thuộc (các Thói quen 4, 5 và 6). Và rèn giũa bản thân (Thói quen 7) là quá trình tự đổi mới tất cả các thói quen đó.
Khi tự đổi mới về mặt thể chất, bạn sẽ củng cố tầm nhìn cá nhân, mô thức tự nhận thức và ý chí độc lập của bạn. Bạn hoàn toàn được tự do hành động, chủ động lựa chọn phản ứng của mình trước mọi hoàn cảnh chứ không phải bị động đối phó. Đây có thể là lợi ích lớn nhất của sự rèn luyện thể chất. Mỗi một thắng lợi bản thân hàng ngày sẽ là “khoản gửi” vào tài khoản an toàn nội tại cá nhân của bạn.
Khi tự đổi mới tinh thần, bạn sẽ củng cố được việc lãnh đạo bản thân (Thói quen 2). Bạn sẽ tăng cường được khả năng hòa nhập cộng đồng thay vì chỉ hiểu những mô thức và giá trị của riêng mình. Bạn sẽ xác định sứ mệnh của mình trong cuộc sống và định hình bản thân trong sự hài hòa với các nguyên tắc đúng đắn. Cuộc sống cá nhân phong phú do bạn tạo ra nhờ tự đổi mới tinh thần sẽ là những “khoản gửi” to lớn vào tài khoản an toàn cá nhân của bạn.
Khi tự đổi mới trí tuệ, bạn sẽ củng cố khả năng quản lý bản thân (Thói quen 3). Khi lập kế hoạch, bạn buộc ý chí phải thừa nhận những hoạt động thuộc Phần tư thứ hai, những mục tiêu, ưu tiên, và các hoạt động khác nhằm phát huy tối đa việc sử dụng thời gian và sức lực của bạn. Bạn sẽ tổ chức và thực hiện những hoạt động này xoay quanh các ưu tiên của mình. Khi trau dồi tri thức, bạn sẽ gia tăng cho mình vốn kiến thức cũng như khả năng lựa chọn. Sự đảm bảo về kinh tế của bạn không nằm ở công việc bạn đang làm; nó nằm ở năng lực của bạn – suy nghĩ, học hỏi, sáng tạo và thích ứng. Đó chính là sự độc lập về tài chính đích thực. Đó không phải là sở hữu của cải; mà là có sức mạnh để làm ra của cải. Đó là nội lực của bạn.
Thành tích cá nhân hàng ngày là chìa khóa để phát triển 7 Thói quen và điều này hoàn toàn nằm trong Vòng tròn Ảnh hưởng của bạn. Đó là tiêu điểm thời gian của Phần tư thứ hai cần thiết để đưa những thói quen này hòa nhập vào cuộc sống của bạn – lấy nguyên tắc làm trọng tâm.
Đó cũng là nền tảng cho thành tích tập thể, là nguồn gốc của sự an toàn nội tại, là cơ sở để bạn rèn giũa bản thân về mặt quan hệ xã hội/tình cảm. Nó cho bạn sức mạnh cá nhân để tập trung vàoVòng tròn Ảnh hưởng trong các tình huống tương thuộc, để nhìn vào người khác thông qua sự rộng lượng, để coi trọng những khác biệt và vui mừng trước thành công của họ. Nó cho bạn nền tảng để đi đến sự hiểu biết chân thành và giải pháp cùng thắng nhằm rèn luyện các Thói quen 4, 5 và 6 trong các thực tại có tính tương thuộc.
5. SỰ PHÁT TRIỂN THEO ĐƯỜNG XOẮN ỐC
Đổi mới là nguyên tắc, là quá trình cho ta sức mạnh để tiến lên và thay đổi theo đường xoắn ốc. Để có được sự tiến bộ không ngừng, chúng ta cần phải xem xét một khía cạnh khác của sự đổi mới khi nó được áp dụng cho khả năng thiên phú độc đáo của con người, để định hình cho chuyển động đi lên: lương tâm của chúng ta.
Lương tâm là khả năng thiên phú có thể cảm nhận được sự đồng nhất hay khác biệt giữa chúng ta với những nguyên tắc đúng đắn và nâng chúng ta lên ngang tầm với nó
– khi nó được hình thành.
Nếu việc rèn luyện thần kinh và cơ bắp rất quan trọng đối với một vận động viên điền kinh, việc rèn luyện trí tuệ là cần thiết đối với học giả, thì việc rèn luyện lương tâm cũng quan trọng và cần thiết không kém đối với những cá nhân thực sự tự chủ và thành đạt. Tuy nhiên, học tập và rèn luyện lương tâm đòi hỏi một sự tập trung cao hơn, kỷ luật chặt chẽ hơn và một cuộc sống trung thực hơn. Nó đòi hỏi phải thường xuyên tạo nguồn cảm hứng, tư tưởng tốt đẹp và trên hết, đòi hỏi phải có một tính cách hài hòa với tiếng nói bên trong mỗi người.
Cũng như việc ăn nhiều quà vặt và thiếu luyện tập có hại cho phong độ của vận động viên điền kinh, những thứ văn hóa phẩm thấp hèn, thô tục, hay khiêu dâm có thể nuôi dưỡng mầm mống đen tối trong tâm hồn, làm tê liệt sự nhạy cảm tinh tế của chúng ta và lấy lương tâm xã hội “Liệu tôi có bị phát hiện không ?” thay thế cho lương tâm tự nhiên cao quý “Cái gì đúng, cái gì sai?”.
Theo lời của Dag Hammarskjold,
Bạn không thể đóng vai con vật trong người mình mà không biến thành con vật thực thụ, không thể đùa bỡn với sự dối trá mà không giả mạo chân lý, không thể chơi đùa với kẻ ác mà không bị mất đi sự tinh tế của tâm hồn. Ai muốn giữ cho vườn hoa của mình sạch đẹp thì chớ có gieo trồng cỏ dại.
Mỗi khi chúng ta tự ý thức được, chúng ta phải chọn ra những mục đích và nguyên tắc để sống theo; nếu không thì khoảng trống rỗng trong tâm hồn sẽ bị cái khác lấp đầy, và chúng ta sẽ mất đi sự tự ý thức của mình và sẽ giống như những con vật thấp hèn, chỉ biết sống để tồn tại và sinh sản. Những người nào chỉ biết sống như vậy thì không phải là sống; họ chỉ tồn tại mà thôi. Họ là những người bị động đối phó, không có ý thức về những khả năng thiên phú đặc biệt tiềm ẩn trong con người mình.
Và để khai thác được nó thì không có con đường tắt. Quy luật của sự gieo trồng chi phối ở đây: chúng ta gieo gì thì gặt nấy – không hơn, không kém. Quy luật của công lý cũng là bất biến, chúng ta gắn kết bản thân mình càng gần với các nguyên tắc đúng đắn bao nhiêu, thì chúng ta càng phán đoán tốt hơn bấy nhiêu về thế giới xung quanh và những mô thức – những “tấm bản đồ” của chúng ta sẽ càng chính xác hơn bấy nhiêu.
Tôi tin rằng khi trưởng thành và phát triển theo đường xoắn ốc, chúng ta phải thể hiện sự chăm chỉ trong quá trình tự đổi mới bằng cách rèn luyện và tuân thủ theo lương tâm của chúng ta. Lương tâm không ngừng được rèn luyện sẽ là động lực đưa chúng ta đi theo con đường của sự tự do, an toàn, khôn ngoan và sức mạnh của bản thân.
Phát triển theo đường xoắn ốc đòi hỏi chúng ta phải học tập, cam kết và thực hiện cam kết trên các bình diện ngày càng cao. Sẽ là tự lừa dối mình nếu chúng ta nghĩ rằng chỉ dừng lại ở một mức độ nhất định nào đó là đủ. Để tiến bộ, chúng ta phải không ngừng học tập, cam kết và làm việc, cứ luân phiên và liên tục như thế.
GỢI Ý ÁP DỤNG:
1. Lập một danh sách các hoạt động có thể giúp bạn giữ cho mình luôn khỏe mạnh, phù hợp với lối sống của bạn và mang đến cho bạn niềm vui lâu dài.
2. Chọn ra một hoạt động và biến nó thành mục tiêu phải làm trong tuần. Đến cuối tuần, đánh giá kết quả thực hiện. Nếu không đạt được mục tiêu, bạn nên xem xét có phải là do bạn đã hy sinh nó cho một giá trị nào khác quan trọng hơn?
3. Lập một danh sách tương tự cho các hoạt động tự đổi mới về tinh thần và trí tuệ của bạn. Trong lĩnh vực quan hệ xã hội/tình cảm, liệt kê các mối quan hệ bạn muốn cải thiện hay những tình huống cụ thể mà trong đó thành tích tập thể sẽ đem lại kết quả tốt hơn. Chọn ra một mục trong mỗi lĩnh vực làm mục tiêu cần thực hiện trong tuần. Hãy thực hiện mục tiêu đó và đánh giá kết quả.
4. Tự cam kết viết ra chi tiết các hoạt động rèn giũa bản thân hàng tuần, đánh giá kết quả thực hiện và kết quả thu được.
Trở lại nguyên tắc
“bắt đầu từ bên trong”
“Khi những điều chúng ta kiên trì thực hiện trở nên dễ dàng hơn thì đó không phải là do bản chất của công việc đã thay đổi, mà là do khả năng làm việc của chúng ta đã được nâng lên.”
Emerson
Tôi muốn chia sẻ với bạn một câu chuyện riêng, chứa đựng nội dung cốt yếu của cuốn sách này. Tôi hy vọng từ câu chuyện này, bạn sẽ liên hệ với những nguyên tắc chủ yếu trong cuộc sống.
Nhiều năm trước đây, kết hợp một chuyến công tác, tôi đưa gia đình đi nghỉ tại Laie, vùng duyên hải phía bắc Oahu, Hawaii trong thời gian một năm. Khi ổn định xong chỗ ăn ở, chúng tôi đã tạo ra một lịch trình sống và làm việc không chỉ hiệu quả mà còn rất thoải mái.
Mỗi ngày, sau cuộc chạy bộ trên bãi biển buổi sang sớm, chúng tôi đưa hai con đến trường. Sau đó, tôi đi đến văn phòng làm việc của mình, nằm gần một cánh đồng mía. Đây là một nơi làm việc rất yên tĩnh, đẹp và thanh bình – không có điện thoại, không họp hành, không có các cuộc gặp gỡ bận rộn.
Một hôm, khi đang lục tìm giữa các dãy sách của thư viện trường, tôi chú ý đến một cuốn sách. Khi mở ra xem, tôi bắt gặp một đoạn văn, tôi đọc đi đọc lại đoạn văn đó. Nội dung chính của nó nói rằng có một khoảng trống hay kẽ hở giữa kích thích và phản ứng, và việc chúng ta sử dụng khoảng trống đó như thế nào sẽ quyết định đến sự trưởng thành và hạnh phúc của chúng ta. Đoạn văn đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến cả cuộc đời tôi về sau.
Khó có thể mô tả ảnh hưởng của ý tưởng đó đến tư tưởng của tôi. Và mặc dù tôi đã được dạy về triết lý của thuyết tất luận nhưng ý tưởng “một kẽ hở giữa kích thích và phản ứng” đã tác động đến tôi gần như không thể tin nổi. Nó giống như một cuộc cách mạng chín muồi, chọn đúng thời cơ.
Tôi suy ngẫm về nó rất nhiều, và nó bắt đầu tác động rất mạnh đến mô thức về cuộc sống của tôi. Tôi biến thành người quan sát các hành động của chính mình. Tôi bắt đầu đứng vào khoảng trống đó và nhìn vào các kích thích ở bên ngoài. Tôi say sưa với cảm giác tự do trong nội tâm để lựa chọn phản ứng của mình – thậm chí tác động lại hoặc đảo ngược nó.
Từ kết quả của ý tưởng “cách mạng” này, Sandra và tôi bắt đầu thực hành sự giao tiếp theo chiều sâu. Hàng ngày, tôi đến đón cô ấy trước 12 giờ trưa bằng một chiếc Honda cũ màu đỏ. Sau đó, chúng tôi đèo thêm hai đứa con học mẫu giáo chạy qua cánh đồng mía về nhà. Chúng tôi chạy chậm trong khoảng một giờ chỉ để nói chuyện.
Cứ thế, trong suốt một năm trời, chúng tôi dành ra một giờ mỗi ngày để trao đổi những tâm tư nguyện vọng của nhau.
Thời gian đầu, chúng tôi nói về tất cả các đề tài – con người, tư tưởng, các sự kiện, con cái, công việc viết sách của tôi, những câu chuyện gia đình, kế hoạch cho tương lai, v.v. Nhưng dần dần, sự trao đổi của chúng tôi đi vào chiều sâu. Chúng tôi bắt đầu trò chuyện ngày càng nhiều hơn về thế giới nội tâm của mình – về những tâm sự và những điều còn băn khoăn. Khi đắm mình vào những cuộc trao đổi như vậy, chúng tôi cũng quan sát quá trình giao tiếp lẫn nhau và quan sát bản thân mình trong quá trình đó.
Chúng tôi bắt đầu sử dụng “khoảng trống giữa kích thích và phản ứng” theo những cách mới và lý thú. Chúng tôi bắt đầu một cuộc thám hiểm đi vào thế giới nội tâm và phát hiện thấy chúng còn hấp dẫn và thu hút hơn nhiều so với những khám phá và nhận thức về thế giới đã biết bên ngoài.
Nhưng quá trình đó cũng không hề “ngọt ngào và nhẹ nhàng” chút nào. Thỉnh thoảng, những cuộc tranh cãi lại nổ ra. Chúng tôi cũng có những sự trải nghiệm đau xót, ngỡ ngàng – giúp chúng tôi tự bộc lộ nhưng cũng khiến chúng tôi dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, chúng tôi nhận ra là mình còn muốn đi sâu vào đó trong nhiều năm nữa. Khi đi vào những vấn đề có chiều sâu hơn và nhạy cảm, thì đến khi thoát ra, chúng tôi cảm thấy nhiều vấn đề đã được giải quyết.
Chúng tôi giúp đỡ, động viên và thấu hiểu lẫn nhau, nhờ đó tạo điều kiện và giúp nhau khám phá nội tâm. Dần dần chúng tôi đi đến thống nhất các quy tắc cơ bản. Quy tắc thứ nhất là “không thăm dò” . Ngay cả khi đi vào những vấn đề dễ bị tổn thương trong nội tâm, chúng tôi cũng không chất vấn lẫn nhau mà chỉ để thấu hiểu. Chúng tôi tôn trọng lẫn nhau, để mỗi người có thể tự thổ lộ vào thời điểm thích hợp. Quy tắc thứ hai là khi việc thổ lộ làm người khác tổn thương thì chúng ta nên dừng lại và để ngỏ vấn đề, cho đến khi người đó lấy lại sự cân bằng tâm lý thì sẽ tiếp tục. Sự giao tiếp khó khăn nhất nhưng cũng có kết quả nhất khi những vấn đề dễ bị tổn thương của Sandra và tôi gặp nhau.
Khi đó, do sự tham gia chủ quan của mình, chúng tôi phát hiện ra rằng “khoảng trống giữa kích thích và phản ứng” không còn nữa. Mặc dù những cảm giác khó chịu có xuất hiện, nhưng vì đã chuẩn bị tinh thần nên chúng tôi có thể xử lý được chúng và tiếp tục sự giao tiếp cho đến khi giải quyết được vấn đề.
Chúng tôi đã hái được nhiều “trái ngọt” trong những ngày tháng đó. Khi rời khỏi Hawaii, chúng tôi quyết định vẫn tiếp tục thực hành giao tiếp như vậy. Nhiều năm sau,
chúng tôi vẫn thường xuyên chở nhau đi trên xe máy chỉ để nói chuyện với nhau. Chúng tôi cảm thấy chìa khóa để duy trì tình yêu là luôn tâm sự với nhau, đặc biệt về vấn đề tình cảm. Điều đó giúp chúng tôi thực sự tìm về tổ ấm của mình, nơi cả tôi và Sandra đều tìm thấy niềm hạnh phúc, sự an toàn và các giá trị mà nó đại diện.
1. CUỘC SỐNG LIÊN THẾ HÊ
Những điều Sandra và tôi phát hiện ra vào cái năm tuyệt vời đó, tức biết tận dụng “khoảng trống giữa kích thích và phản ứng”, đồng thời luyện tập bốn khả năng thiên phú của con người, đã giúp chúng tôi có sức mạnh “bắt đầu từ bên trong”.
Chúng tôi cũng thử cách tiếp cận từ ngoài vào trong. Chúng tôi yêu thương nhau, và cố gắng giải quyết mâu thuẫn, sự khác biệt bằng cách kiềm chế thái độ, hành vi của mình. Thế nhưng, như căn bệnh mãn tính, những vướng mắc vẫn cứ tồn tại.
Với cách tiếp cận “bắt đầu từ bên trong”, chúng tôi đã có thể có được sự tin cậy và cởi mở, giải quyết được những khác biệt bất ổn một cách có chiều sâu và lâu dài. Những “trái ngọt” – mối quan hệ cùng thắng phong phú, sự hiểu nhau sâu sắc và đồng tâm hiệp lực tuyệt vời – đã chín muồi do chúng tôi biết xem xét lại các chương trình của mình, định hình, sắp xếp lại cuộc sống sao cho có thể dành nhiều thời gian cho các hoạt động quan trọng thuộc Phần tư thứ hai: giao tiếp với nhau theo chiều sâu.
Ngoài ra, chúng tôi có thể nhìn một cách sâu sắc hơn về ảnh hưởng của các bậc cha mẹ, cũng như quan sát cuộc sống của các con mình, đang chịu ảnh hưởng và được định hình bởi chính chúng tôi, theo những cách mà chúng tôi thậm chí chưa nhận ra. Hiểu được sức mạnh của sự định hình trong cuộc sống, chúng tôi mong muốn làm bất cứ điều gì có thể để truyền đến cho các thế hệ con cháu tương lai những nguyên tắc đúng đắn.
Trong cuốn sách này, tôi đặc biệt nhấn mạnh những khuôn mẫu mà qua đó chúng tôi được định hình, cũng như mong muốn thay đổi khi nhận ra chúng không còn phù hợp. Sự tự nhận thức giúp chúng ta đề cao những khuôn mẫu đó và biết ơn những người đi trước đã dạy dỗ chúng ta bằng những nguyên tắc đúng đắn.
Một gia đình có nhiều thế hệ gồm cha mẹ, con cái, ông bà, chú bác, anh em họ hàng cùng sống với nhau sẽ tạo nên sức mạnh siêu việt, sẽ là động lực mạnh mẽ giúp từng thành viên nhận ra mình là ai, từ đâu đến và đại diện cho cái gì. Đối với con cái, sẽ rất tốt cho chúng nếu chúng có thể định hình bản thân trong cái chung của dòng họ. Giả sử một lúc nào đó, con bạn gặp phải khó khăn mà không thể dựa vào bạn thì nó có thể nhờ cậy cô, dì, chú, bác của nó, những người có thể trở thành cha hoặc mẹ đỡ đầu của chúng trong một thời điểm nhất định.
Một gia đình tam, tứ đại đồng đường là nền móng cho các mối quan hệ tương thuộc, có hiệu quả, hứa hẹn và đáng hài lòng nhất. Và rất nhiều người coi trọng mối quan hệ đó. Mỗi chúng ta đều có nguồn cội và khả năng tìm về cội nguồn của mình. Động cơ cao nhất và mạnh nhất để làm điều đó không phải chỉ cho riêng chúng ta mà cho cả
hậu duệ của chúng ta, hậu duệ của cả loài người, như có ai đó từng nhận xét: Chỉ có hai di sản bền vững mà chúng ta có thể để lại cho con cháu, đó là cội nguồn và đôi cánh”.
2. CON NGƯỜI GIAO THỜI
Tôi tin rằng truyền lại cho con cháu và thế hệ sau “đôi cánh” có nghĩa là đem lại cho chúng sức mạnh để tự do vượt qua mọi khuôn mẫu tiêu cực. Chúng trở thành cái mà người bạn và cộng sự của tôi, tiến sĩ Terry Warner, gọi là con người “giao thời”. Thay vì truyền lại những khuôn mẫu đó cho thế hệ sau, chúng ta có thể thay đổi nó cùng với việc xây dựng mối quan hệ trong quá trình đó.
Nếu như từ bé đã được dưỡng nuôi trong một môi trường không mấy tốt đẹp, bạn sẽ có xu hướng sống theo khuôn mẫu đó. Nhưng vì là người luôn chủ động, bạn có thể viết lại “kịch bản” của mình. Bạn có thể lựa chọn con đường đúng đắn, tích cực hơn.
Bạn có thể viết điều đó vào bản tuyên ngôn sứ mệnh cá nhân của mình và ghi sâu vào tâm trí. Bạn có thể tưởng tượng ra viễn cảnh bạn sống hài hòa theo tuyên ngôn sứ mệnh của mình với thành tích cá nhân mỗi ngày. Bạn có thể có những bước đi để hàn gắn tình yêu thương và tha thứ lỗi lầm của cha mẹ mình, nếu họ vẫn còn sống. Bạn sẽ xây dựng mối quan hệ tích cực với họ bằng cách cố gắng lắng nghe và thấu hiểu họ.
Làm như vậy, bạn sẽ là người giao thời – liên kết giữa quá khứ và tương lai. Và sự thay đổi của bạn có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người thuộc các thế hệ sau.
Một trong những người giao thời nổi tiếng của thế kỷ XX, Anwar Sadat12 đã để lại cho chúng ta nguồn di sản to lớn của ông. Đó là sự hiểu biết sâu sắc về bản chất của sự thay đổi. Trong khi những người khác tìm cách giải quyết tình hình căng thẳng bằng các giải pháp “chặt cành mé nhánh”, Sadat đã tập trung vào gốc rễ. Nhờ đó, ông đã làm thay đổi con đường lịch sử cho hàng triệu người. Ông đã ghi lại trong hồi ký của mình như sau:
“Chính vào lúc đó, tôi đã tập trung, một cách vô thức, vào sức mạnh nội tâm mà tôi đã rèn luyện được khi bị giam ở xà lim số 54 nhà tù trung tâm Cairô – một sức mạnh, có thể gọi là sự thông minh hay năng lực, cho sự thay đổi. Tôi nhận thấy mình đương đầu với một tình hình rất phức tạp, và không thể hy vọng thay đổi được nó cho đến khi tôi trang bị được cho mình năng lực tâm lý và trí tuệ cần thiết. Sự suy tư của tôi về cuộc sống và bản tính con người ở một nơi tách biệt đã dạy tôi rằng: ai không thể thay đổi được nếp nghĩ của mình thì người đó sẽ không bao giờ có thể thay đổi được thực tại và do đó, sẽ không bao giờ tiến bộ.”
Sự thay đổi thực sự xuất phát từ bên trong. Nó không xuất phát từ việc sửa đổi thái độ hay hành vi bằng một số phương pháp “chữa cháy” của Đạo đức Nhân cách. Nó xuất phát từ việc giải quyết tận gốc rễ – nếp nghĩ của chúng ta – những mô thức cơ bản, cốt yếu, là cái xác định tính cách và tạo ra lăng kính quan sát thế giới của chúng ta.
Đạt được sự thống nhất – sự đơn nhất – với bản thân mình, với những người thân, với
bạn bè và đồng nghiệp là kết quả cao nhất, tốt nhất và ngọt ngào nhất của 7 Thói quen. Có thể bất kỳ ai trong chúng ta cũng đã từng nếm trái ngọt của sự thống nhất và mùi cay đắng, cô đơn của sự chia rẽ. Thế nên, chúng ta phải thấy được sự thống nhất đó quý giá và dễ tan vỡ đến nhường nào.
Hiển nhiên, xây dựng một tính cách có đầy đủ phẩm chất và sống một cuộc sống có tình yêu, cống hiến để tạo ra sự thống nhất như thế không phải là điều dễ dàng. Nhưng điều đó không có nghĩa là không thể làm được, nếu chúng ta biết sống theo những nguyên tắc đúng đắn và từ bỏ các thói quen xấu.
Đôi khi chúng ta gây ra một số sai lầm và cảm thấy khó xử. Nhưng nếu chúng ta bắt đầu bằng việc xác lập từng thành tích cá nhân nho nhỏ hàng ngày và tiến hành thay đổi “bắt đầu từ bên trong” thì chắc chắn sẽ có kết quả. Khi gieo hạt và kiên trì nhổ cỏ dại, chăm sóc cho cây, chúng ta sẽ cảm nhận được sự kỳ diệu khi nhìn thấy cây lớn nhanh và sớm cho trái ngọt.
Bằng sự tập trung vào những nguyên tắc đúng đắn, tạo cân bằng giữa công việc và tăng cường khả năng làm việc, chúng ta sẽ có sức mạnh để xây dựng một cuộc sống thành đạt, có ích và yên bình, không những cho bản thân mà cho cả hậu duệ của chúng ta nữa.
3. MỘT GHI CHÚ CỦA TÁC GIẢ
Trước khi kết thúc cuốn sách này, tôi muốn chia sẻ niềm tin cá nhân của mình về những điều tôi cho là cội nguồn của những nguyên tắc đúng đắn. Tôi tin rằng những nguyên tắc đúng đắn là những quy luật tự nhiên, và cũng là lương tâm của chúng ta. Tôi tin rằng khi sống theo lương tâm của mình, người ta sẽ trưởng thành để hoàn thành sứ mệnh của mình. Tôi tin rằng có những phần trong bản ngã con người mà ngay cả luật pháp và giáo dục cũng không thể vươn tới được, nó đòi hỏi quyền năng của tâm linh. Tôi tin rằng, là con người, chúng ta không ai hoàn hảo cả. Tùy theo mức độ, chúng ta liên kết bản thân với các nguyên tắc đúng đắn, làm cho những khả năng thiên phú cao quý được phóng thích vào bên trong bản ngã, giúp chúng ta cải thiện những khiếm khuyết của mình.
Cá nhân tôi cũng phải đấu tranh với nhiều điều tôi đã chia sẻ trong cuốn sách này, đó là cuộc đấu tranh rất đáng giá và mỹ mãn. Nó đem lại cho tôi ý nghĩa của cuộc sống, giúp tôi sống để yêu, để cống hiến và để cố gắng nhiều hơn nữa.
Một lần nữa, T. S. Eliot đã diễn đạt rất hay sự khám phá và niềm tin của cá nhân tôi:
“Chúng ta phải không ngừng khám phá. Và đích đến của cuộc khám phá đó chính là nơi chúng ta đã bắt đầu, nhưng nó mới mẻ như thể chúng ta mới được biết đến lần đầu tiên trong đời.”
THAY LỜI KẾT
Một cuốn sách có thể thay đổi cuộc đời bạn
Dưới đây là tổng hợp một số câu hỏi của báo chí và độc giả trên khắp thế giới về tác phẩm “7 Thói quen để thành đạt” và tác giả Stephen R. Covey. Chúng tôi xin lược trích và giới thiệu đến các bạn:
Hỏi: Thưa ông Stephen R. Covey, cuốn “7 Thói Quen Để Thành Đạt” đã được xuất bản từ năm 1989. Vậy, với những trải nghiệm của ông từ đó đến nay, ông có ý định thay đổi, hay thêm bớt gì trong nội dung không?
Sự thật tôi sẽ không thay đổi điều gì trong cuốn sách này cả. Tôi đã phân tích sâu hơn và vận dụng rộng rãi hơn những điều đề cập trong cuốn sách bằng một số cuốn sách khác đã được phát hành sau đó.
Ví dụ, hơn 250.000 người cho biết Thói quen thứ ba, ưu tiên cho điều quan trọng nhất, là thói quen bị xem nhẹ nhất. Do vậy, cuốn sách “Ưu tiên cho điều quan trọng nhất” đã được phát hành vào năm 1996. Nó đi sâu vào việc nghiên cứu, phân tích các Thói quen 2 và 3, đồng thời, bổ sung thêm nội dung và minh họa cho tất cả các thói quen khác.
Tôi cũng được hàng chục ngàn người cho biết: bằng cách lĩnh hội 7 Thói quen, họ đã thấm nhuần và vận dụng hiệu quả ý tưởng biến bản thân trở thành nguồn lực sáng tạo cuộc sống của chính mình. Điều đó cho thấy sức mạnh chuyển biến của các nguyên tắc đối với mọi đối tượng, dù là cá nhân, gia đình hay tổ chức, và không hề bị giới hạn bởi hoàn cảnh, kinh nghiệm sống của cá nhân hay vị thế của tổ chức.
Hỏi: Bản thân ông đã học được gì về “7 Thói quen” từ khi cuốn sách được phát hành?
Tôi đã học và củng cố được rất nhiều điều. Tôi xin nêu tóm tắt ra đây 10 bài học.
1- Tầm quan trọng của việc am tường sự khác nhau giữa nguyên tắc và giá trị. Nguyên tắc là quy luật tự nhiên nằm bên ngoài chúng ta và chi phối mọi hệ quả từ hành động của chúng ta. Còn giá trị nằm bên trong, có tính chủ quan và đại diện cho những gì chúng ta cảm nhận, là thế mạnh lớn nhất trong việc điều khiển các hành vi của chúng ta. Chúng ta cần xem trọng cả nguyên tắc và giá trị để vừa có được kết quả mong muốn hiện tại vừa có được kết quả tốt hơn trong tương lai, tức điều tôi gọi là sự thành đạt. Mỗi người đều có các giá trị của riêng mình. Giá trị chi phối hành vi con người, còn nguyên tắc chi phối hệ quả của những hành vi đó. Các nguyên tắc không phụ thuộc vào ý chí, chúng hoạt động bất kể nhận thức của chúng ta về chúng như thế nào, bất kể chúng ta có chấp nhận, tin tưởng và tuân theo chúng hay không. Tôi tin rằng sự khiêm tốn là người mẹ của mọi đức hạnh. Sự khiêm tốn cho chúng ta biết không phải chúng ta chi phối hệ quả mà nguyên tắc sẽ làm điều đó. Do đó, chúng ta phải tuân theo nguyên tắc. Trong khi đó, sự ngạo mạn lại nói rằng chúng ta chi phối hệ quả và vì giá trị chi phối hành vi của chúng ta, nên chúng ta chỉ việc sống theo
cách của mình. Chúng ta có thể làm như vậy, nhưng hệ quả của hành vi xuất phát từ nguyên tắc chứ không phải từ giá trị. Do vậy, chúng ta phải coi trọng các nguyên tắc tự nhiên trong mọi mặt cuộc sống.
2- Bản chất phổ quát (universal nature) của các nguyên tắc được thể hiện trong cuốn sách này. Những minh họa và các thực tiễn có thể muôn hình và phong phú về chi tiết văn hóa, nhưng nguyên tắc thì giống nhau. Tôi đã phát hiện thấy những nguyên tắc chứa trong 7 Thói quen có mặt ở tất cả sáu tôn giáo chính trên thế giới và đã thực sự rút ra những lời trích dẫn từ giáo lý của các tôn giáo đó trong quá trình giảng dạy về các nền văn hóa. Tôi đã làm điều này ở Trung Đông, Ấn Độ, châu Á, Úc và Nam Thái Bình Dương, Nam Mỹ, châu Âu, Bắc Mỹ, châu Phi, những người Mỹ bản xứ, và các dân tộc bản địa khác. Tất cả chúng ta, đàn ông cũng như phụ nữ, đều gặp phải những vấn đề giống nhau, đều có những nhu cầu giống nhau và phản ánh vào bên trong nội tâm mình những nguyên tắc mà tôi vừa nêu trên đây.
Đó là nhận thức bên trong mỗi con người về nguyên tắc của sự công bằng hay nguyên tắc cùng thắng. Đó là nhận thức về tính đạo đức của nguyên tắc tinh thần trách nhiệm, nguyên tắc sống có mục đích, trung thực, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác, giao tiếp, và tự đổi mới. Đó là những nguyên tắc phổ quát. Nhưng thực tế là không phải như vậy. Mỗi nền văn hóa giải thích các nguyên tắc phổ quát theo những cách thức riêng.
3- Tôi đã nhận thấy hệ quả của 7 Thói quen đối với tổ chức, mặc dù về kỹ thuật mà nói, một tổ chức không thể có thói quen. Nền văn hóa của một tổ chức chứa đựng những chuẩn mực, nội quy hay các quy tắc xã hội, những thứ đại diện cho các thói quen. Một tổ chức được xác lập những hệ thống, các quy trình và thủ tục. Những điều này đại diện cho các thói quen. Xét cho cùng, mọi hành vi đều mang dấu ấn cá nhân mặc dù nó thường là một bộ phận của hành vi tập thể dưới dạng các quyết định quản lý về cơ cấu và các hệ thống, các quy trình và thông lệ. Chúng tôi đã làm việc với hàng ngàn tổ chức hoạt động trong các ngành nghề khác nhau và nhận thấy rằng họ cũng có các nguyên tắc cơ bản giống như trong việc ứng dụng 7 Thói quen và định nghĩa về sự thành đạt.
4- Bạn có thể dạy cả 7 Thói quen, bắt đầu bằng bất cứ thói quen nào trong số đó, vì nó chắc chắn sẽ dẫn đến sáu thói quen còn lại. Nó như một bức ảnh toàn ký (hologram) trong đó cái toàn thể có trong cái bộ phận và cái bộ phận có trong cái toàn thể.
5- Mặc dù 7 Thói quen đại diện cho cách tiếp cận từ trong ra ngoài (inside-out), nhưng nó lại có kết quả tốt nhất khi bạn bắt đầu bằng thách thức từ bên ngoài và sau đó tiếp cận từ trong – ra ngoài. Nói cách khác, nếu bạn gặp phải một thách thức về quan hệ, chẳng hạn sự giao tiếp, và sự tin cậy lẫn nhau bị phá vỡ, thì điều này cho thấy cần có cách tiếp cận từ trong ra ngoài để Thành tích cá nhân có thể dẫn tới Thành tích tập thể nhằm mục đích đối phó với thách thức đó. Đó là lý do vì sao tôi thường
dạy các Thói quen 4, 5 và 6 trước khi dạy các Thói quen 1, 2 và 3. 6- Sự tương thuộc khó gấp 10 lần sự độc lập. Nó đòi hỏi sự độc lập về trí tuệ và tình cảm nhiều hơn để có tư duy cùng thắng khi người khác có tư duy thắng/thua, để cố gắng hiểu người trước khi được người khác thông hiểu, và để tìm ra giải pháp thứ ba tốt hơn. Nói cách khác, để làm việc với người khác thành công bằng con đường hợp tác sáng tạo thì bạn phải có tính độc lập, sự an toàn nội tâm và sự tự chủ rất cao. Nếu không, cái mà chúng ta gọi là sự tương thuộc lại biến thành sự chống phụ thuộc (counter-dependency) nơi người ta chống đối nhau để khẳng định tính độc lập của mỗi bên, hoặc là sự đồng phụ thuộc (codependency) nơi người này cần đến sự yếu kém của người khác để thỏa mãn nhu cầu của mình và để biện minh cho sự yếu kém của mình.
7- Bạn có thể tóm tắt ba thói quen đầu tiên bằng một cụm từ đơn giản “hứa và giữ lời hứa” và bạn cũng có thể tóm tắt ba thói quen sau bằng cụm từ sau “khuyến khích người khác cùng tham gia và cùng nhau tìm ra giải pháp tối ưu”.
8- Bảy thói quen đại diện cho một thứ ngôn ngữ mới, mặc dù số từ ngữ và thuật ngữ của nó đếm chỉ hơn mười đầu ngón tay. Loại ngôn ngữ mới này trở thành một mật mã, một kiểu tốc ký để nói về rất nhiều chuyện. Khi bạn nói với ai đó “cái đó là khoản gửi vào tài khoản hay rút ra?” “Đó là bị động đối phó hay chủ động?” “Đó là sự đồng tâm hiệp lực hay là sự thỏa hiệp?” “Đó là cùng thắng hay thắng/thua hay thua/thắng?” “Đó là ưu tiên cho cái quan trọng nhất hay cho cái kém quan trọng hơn?” “Điều đó bắt đầu bằng phương tiện hay mục đích?” Tôi đã nhìn thấy cả những nền văn hóa được chuyển đổi bởi sự hiểu rõ và cam kết đối với những nguyên tắc và các khái niệm được biểu thị bằng những từ ngữ quy ước đặc biệt này.
9- Sự chính trực là một giá trị cao hơn sự trung thành. Hay nói đúng hơn, chính trực là hình thức cao nhất của sự trung thành. Sự chính trực có nghĩa là hòa nhập vào các nguyên tắc hay lấy nguyên tắc làm trọng tâm, chứ không phải lấy con người, tổ chức hay thậm chí gia đình làm trọng tâm. Bạn sẽ thấy rằng gốc rễ của mọi vấn đề mà người ta gặp phải là “cái đó có được nhiều người thừa nhận hay có đúng không?” Khi chúng ta ưu tiên cho việc trung thành với một người hay một nhóm người hơn là làm một việc mà chúng ta cho là đúng, chúng ta sẽ mất đi sự chính trực. Chúng ta có thể tạm thời có được sự thừa nhận của nhiều người hay xây dựng được sự trung thành, nhưng về sau, việc mất đi sự chính trực sẽ làm hại ngay cả mối quan hệ đó. Điều đó chẳng khác gì nói xấu sau lưng người khác. Người mà bạn tạm thời kết thân được nhờ nói xấu sau lưng người khác sẽ hiểu rằng bạn cũng có thể nói xấu họ khi có những sức ép khác, hay trong một hoàn cảnh khác. Xét về một khía cạnh nào đó, thì ba thói quen đầu tiên đại diện cho sự chính trực và ba thói quen sau đại diện cho sự trung thành; nhưng chúng hoàn toàn gắn bó với nhau và sự chính trực sẽ tạo ra sự trung thành. Nếu bạn định đảo ngược thứ tự và chọn sự trung thành trước, bạn sẽ trì hoãn
và đánh mất sự chính trực. Được người khác tin cậy tốt hơn được người khác ưa thích.
Rút cục, chỉ có sự tin cậy và tôn trọng mới sinh ra tình yêu.
10- Sống theo 7 Thói quen là cuộc phấn đấu không ngừng đối với bất cứ ai. Ai cũng có lúc dao động khi thực hiện một thói quen nào đó trong số 7 Thói quen, hoặc thậm chí đồng thời tất cả 7 Thói quen. Điều này đơn giản và dễ hiểu nhưng rất khó thực hiện một cách thường xuyên. Chúng là lẽ thường trong cuộc sống nhưng trên thực tế không phải lẽ thường nào cũng luôn luôn dễ thực hiện.
Hỏi: Thói quen nào bản thân ông phải cố gắng nhiều nhất mới có được?
Thói quen thứ năm. Khi tôi thực sự mệt mỏi và cả quyết rằng mình đúng thì tôi không còn muốn lắng nghe nữa, hoặc thậm chí tôi còn giả vờ lắng nghe nữa. Nhìn chung tôi cảm thấy mình có lỗi khi lắng nghe với ý định đối đáp chứ không phải để hiểu người khác. Trên thực tế, tôi rèn luyện hàng ngày với tất cả 7 Thói quen. Tôi chưa chinh phục được thói quen nào cả. Tôi coi nó như các nguyên tắc của cuộc sống mà chúng ta không bao giờ thực sự làm chủ được, càng đến gần sự làm chủ nó bao nhiêu, chúng ta càng cảm thấy con đường còn phải đi càng xa bấy nhiêu. Nó cũng giống như việc càng biết nhiều, bạn càng cảm thấy mình chưa biết gì cả.
Đó là lý do vì sao tôi thường cho điểm sinh viên đại học 50% theo chất lượng của câu hỏi của họ và 50% ở chất lượng của câu trả lời. Trình độ kiến thức của họ sẽ được biểu lộ tốt hơn theo cách đó.
Tương tự, 7 Thói quen cũng được biểu thị bằng đường xoắn ốc đi lên.
Thói quen 1 ở mức độ cao rất khác với Thói quen 1 ở mức độ thấp hơn. Sự luôn chủ động ở mức độ đầu tiên có thể chỉ là sự nhận biết về khoảng trống giữa kích thích và phản ứng. Ở mức độ cao hơn nó có thể bao gồm cả sự lựa chọn như không quay trở lại hay là trả đũa. Mức cao hơn nữa là phản hồi. Mức tiếp theo là tha thứ. Và mức tiếp theo nữa là không còn bực bội về việc đó nữa.
Hỏi: Ông là Phó chủ tịch Công ty FranklinCovey. Thế Công ty FranklinCovey có áp dụng 7 Thói quen vào công việc hàng ngày không?
Chúng tôi không ngừng sống và làm theo những điều mình truyền đạt cho người khác, đó là những giá trị cơ bản nhất của chúng tôi. Nhưng chúng tôi chưa làm được một cách hoàn hảo. Cũng giống như mọi doanh nghiệp khác, chúng tôi bị thách thức bởi sự thay đổi của thị trường và sự liên kết giữa văn hóa của Trung tâm Covey và Franklin Quest trước kia. Cuộc sáp nhập diễn ra vào mùa hè năm 1997.
Sự thành công lâu dài của chúng tôi đòi hỏi phải có thời gian, sự kiên trì và bền bỉ áp dụng các nguyên tắc. Chụp ảnh nhanh không thể có được hình ảnh chính xác.
Máy bay thường bị chệch hướng phần lớn thời gian khi bay, nhưng luôn được điều chỉnh trở lại đúng đường và cuối cùng bay đến đích. Điều đó cũng đúng với tất cả chúng ta, dù là cá nhân, gia đình hay tổ chức. Điều then chốt là phải luôn luôn có “Mục đích” trong đầu và sự cam kết được chia sẻ để không ngừng có sự phản hồi và điều chỉnh cho đúng con đường đi.
Hỏi: Tại sao lại là 7 Thói quen? Mà không phải là 6 hay 8 hay 10 hay 15? Phải chăng số 7 ở đây có ý nghĩa gì thiêng liêng?
Chẳng có gì thiêng liêng đối với con số 7 cả, đơn giản chỉ vì có 3 thói quen thuộc phạm trù Thành tích cá nhân (tự do lựa chọn, lựa chọn, hành động) đi trước 3 thói quen thuộc phạm trù Thành tích tập thể (tôn trọng, thấu hiểu, sáng tạo) và sau đó thêm một cái nữa là đổi mới. Tất cả các thói quen đó thành ra là con số 7.
Khi được hỏi về câu này, tôi luôn luôn trả lời rằng nếu có đặc tính khác mà bạn muốn cho nó trở thành thói quen, thì bạn chỉ cần đưa nó vào Thói quen thứ hai như một trong những giá trị mà bạn đang cố gắng để sống theo nó.
Nói cách khác, nếu bạn muốn “luôn đúng giờ” thành một thói quen, thì đó sẽ là một trong những giá trị của Thói quen thứ hai. Thói quen thứ hai nói về những sự lựa chọn hay giá trị đó là gì và Thói quen thứ ba nói về việc sống theo những giá trị đó. Do vậy mà chúng rất cơ bản, có tính chất chung nhất và quan hệ mật thiết với nhau.
Sự thật là khi viết Lời kết cho lần xuất bản mới nhất quyển sách này, tôi vừa hoàn thành cuốn sách mới: “Thói quen thứ 8: Từ thành đạt đến vĩ đại” (The 8th Habit: From Effectiveness to Greatness). Một số người cho rằng gọi nó là Thói quen thứ 8 có vẻ như đã đi lệch khỏi ý kiến trả lời chuẩn mực của tôi. Nhưng như các bạn thấy ở chương Mở đầu của cuốn sách mới, thế giới đã thay đổi sâu sắc từ khi cuốn sách “7 Thói Quen Để Thành Đạt” xuất bản năm 1989. Những thách thức và tính chất phức tạp mà chúng ta gặp phải trong cuộc sống riêng, trong các mối quan hệ, trong nghề nghiệp chuyên môn, và trong các tổ chức là rất khác về mức độ so với trước. Trong thực tế, nhiều người lấy mốc năm 1989 – năm chứng kiến sự sụp đổ của bức tường Berlin – như sự bắt đầu của Thời đại Tin học, sự ra đời của một thực tại mới, một đại dương mênh mông những thay đổi với những ý nghĩa không thể tin nổi… một thời đại thực sự mới mẻ.
Sự thành đạt của cá nhân và tổ chức như trước không còn đủ cho thế giới ngày nay – đó là cái giá phải trả để bước vào một sân chơi mới. Nhưng để tồn tại, thịnh vượng, sáng tạo, hoàn thiện và dẫn đầu trong một thực tại mới mẻ này, chúng ta phải xây dựng và vượt xa hơn sự thành đạt. Lời kêu gọi và đòi hỏi của thời đại mới là sự thoải mái. Đó là sự lạc quan nồng nhiệt, sự cống hiến đầy ý nghĩa và sự vĩ đại.
Những điều này thuộc một mặt bằng, một bình diện cao hơn. Nó cũng là sự thành công nhưng khác về tính chất chứ không phải mức độ. Để có thể đạt đến một trình độ cao hơn của trí tuệ và động cơ của con người – cái mà chúng ta gọi là tiếng nói – đòi hỏi phải có một nếp nghĩ mới, kỹ năng mới, công cụ mới… một Thói quen mới.
Do vậy Thói quen thứ tám không nói về việc cộng them một thói quen nữa vào 7 Thói quen đã biết mà là nói về việc nhận ra và khai thác sức mạnh của một chiều thứ ba (a third dimension) vào 7 Thói quen để đáp ứng thách thức trọng tâm của Kỷ nguyên Lao động Tri thức.
Hỏi: Danh tiếng của ông ảnh hưởng đến ông như thế nào?
Nó có ảnh hưởng đến tôi trong nhiều mặt. Từ góc độ cá nhân, thì đó là sự đề cao. Từ góc độ sư phạm, đó là sự khiêm tốn, nhưng tôi cần phải nhấn mạnh rằng tôi không phải là tác giả của bất kỳ nguyên tắc nào ở đây và tuyệt đối không xứng đáng với mọi sự công nhận nào như vậy. Tôi nói như vậy bởi tôi coi bản thân mình cũng như tất cả các bạn – là một người đi tìm chân lý, sự hiểu biết. Tôi không phải là một nhà thông
thái, tôi không thích người ta gọi tôi là nhà thông thái. Tôi không muốn có môn đệ. Tôi chỉ cố gắng quảng bá sự tuân theo những nguyên tắc đã có sẵn trong tâm hồn của con người, những nguyên tắc nói rằng người ta cần sống thực với lương tâm của mình. Hỏi: Nếu được làm lại lần nữa, ông có làm khác đi với tư cách là một doanh nhân?
Tôi sẽ lựa chọn, tuyển dụng nhân sự một cách có chiến lược và luôn chủ động. Khi bạn đang bị chôn vùi vào hàng ngàn công việc khẩn cấp và bận rộn, bạn rất dễ đưa những người tỏ ra có sẵn giải pháp trong tay vào những vị trí then chốt. Xu hướng thường thấy là khi đi sâu vào quá trình và tính cách con người, nhiều người không có “sự quan tâm đầy đủ” đến vấn đề đó, hay không xây dựng các tiêu chuẩn cần phải đáp ứng cho từng cương vị cụ thể. Tôi tin rằng khi việc tuyển dụng và lựa chọn được thực hiện một cách có chiến lược, tức là có tư duy lâu dài và luôn chủ động, không phải dựa vào sức ép nhất thời, sẽ đem lại lợi ích to lớn về sau. Có ai đó từng nói rằng “Điều chúng ta đang mong muốn nhất chính là điều chúng ta dễ tin nhất”. Bạn thực sự cần phải nhìn sâu vào cả tính cách lẫn năng lực, vì cuối cùng, thì những sự khiếm khuyết dù ở mặt nào cũng sẽ bộc lộ ra. Và nên nhớ rằng, đào tạo và bồi dưỡng là quan trọng, nhưng việc tuyển dụng và lựa chọn còn quan trọng hơn.
Hỏi: Nếu được làm lại lần nữa, ông có làm khác đi với tư cách là người cha?
Với tư cách là một người cha, tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn để xây dựng những thỏa thuận cùng thắng nhẹ nhàng, thoải mái với từng đứa con của mình ở các giai đoạn khác nhau trong cuộc đời chúng. Do công việc kinh doanh và thường xuyên đi công tác, tôi thường chiều chuộng con mình và chọn giải pháp thua/thắng quá nhiều, thay vì dành thời gian và công sức xây dựng mối quan hệ thông qua sự thỏa thuận cùng thắng thường xuyên hơn.
Hỏi: Công nghệ mới sẽ làm thay đổi việc kinh doanh như thế nào trong tương lai? Tôi đồng ý với tuyên bố của Stan Davis rằng “Khi cơ sở hạ tầng thay đổi, mọi thứ sẽ rung chuyển”, và tôi nghĩ cơ sở hạ tầng kỹ thuật là trung tâm của mọi thứ. Nó sẽ làm tăng tốc độ của mọi xu thế, cả tốt lẫn xấu. Tôi cho rằng vì lý do này mà yếu tố con người trở nên càng quan trọng hơn.
Công nghệ cao mà không có nguồn nhân lực tương xứng sẽ chẳng mang lại kết quả gì, và công nghệ càng có ảnh hưởng bao nhiêu, thì yếu tố con người – ở việc kiểm soát công nghệ đó, càng quan trọng bấy nhiêu, đặc biệt trong việc phát triển sự cam kết về mặt văn hóa đối với các tiêu chuẩn sử dụng công nghệ đó.
Hỏi: Ông có ngạc nhiên hay sửng sốt trước tính phổ biến của 7 Thói quen (ở các nước khác nhau/các nền văn hóa khác nhau/tuổi tác và giới tính khác nhau)?
Vừa có vừa không. Có bởi vì tôi không ngờ là nó trở thành hiện tượng trên thế giới và có rất ít từ ngữ mang tính chất thuần Mỹ. Và không, bởi vì cuốn sách đã qua thử thách trong hơn 25 năm qua, kết quả trước hết của nó được dựa trên các nguyên tắc không phải do tôi phát minh ra và cũng không phải công lao của tôi.
Hỏi: Ông sẽ giảng dạy 7 Thói quen cho các em nhỏ như thế nào?
Tôi nghĩ rằng tôi sẽ tuân theo ba quy tắc cơ bản của Albert Schweitzer trong việc dạy dỗ trẻ con: Thứ nhất làm gương; thứ hai làm gương; thứ ba làm gương. Nhưng tôi sẽ không đi xa đến mức đó. Tôi muốn nói rằng, thứ nhất là làm gương; thứ hai, xây dựng mối quan hệ có sự quan tâm và khuyến khích; và thứ ba, dạy một số ý tưởng cơ bản trên cơ sở các thói quen theo ngôn ngữ của trẻ em – giúp chúng có được sự hiểu biết cơ bản và từ vựng của 7 Thói quen, chỉ dẫn chúng cách làm thế nào để có được những sự trải nghiệm của chính mình thông qua các nguyên tắc; để chúng xác định những nguyên tắc và thói quen cụ thể nào đang được thể hiện trong cuộc sống của chúng.
Hỏi: Sếp tôi (vợ/chồng, con cái, bạn bè v.v.) thực sự cần có 7 Thói quen? Theo ông, tôi phải làm thế nào để họ đọc cuốn sách này?
Người ta không cần quan tâm bạn biết những gì cho đến khi họ biết bạn quan tâm đến họ. Hãy xây dựng mối quan hệ tin cậy và cởi mở dựa trên cơ sở một biểu hiện của tính cách đáng tin cậy và sau đó chia sẻ với họ rằng 7 Thói quen đã giúp bạn như thế nào. Đơn giản là bạn cho họ thấy 7 Thói quen qua hành động của bạn. Đến lúc thích hợp, bạn có thể mời họ tham gia vào một chương trình huấn luyện hay gửi tặng cuốn sách làm quà hay phổ biến cho họ một số ý tưởng cơ bản khi hoàn cảnh cho phép.
Hỏi: Ông có thể nói chút ít về kinh nghiệm bản thân và điều gì làm ông viết ra cuốn sách này?
Mọi người ngầm hiểu rằng tôi sẽ nối nghiệp cha tôi là sẽ tham gia vào hoạt động kinh doanh của gia đình. Tuy nhiên, tôi lại thấy mình thích dạy học và huấn luyện các nhà quản lý hơn là làm kinh doanh. Tôi trở nên quan tâm sâu sắc và tập trung vào khía cạnh con người của tổ chức khi tôi làm việc tại Khoa Kinh doanh Đại học Harvard. Sau đó, tôi dạy các môn kinh doanh, tư vấn, cố vấn và huấn luyện nhiều năm tại trường Brigham Young University, tôi chú ý đến việc xây dựng các Chương trình phát triển nhân sự liên kết giữa lãnh đạo và quản lý dựa vào tập hợp các nguyên tắc có tuần tự và cân bằng. Những điều này cuối cùng dẫn đến 7 Thói quen và khi áp dụng vào tổ chức nó phát triển trở thành khái niệm lãnh đạo lấy nguyên tắc làm trọng tâm. Tôi quyết định rời khỏi trường đại học và tập trung thời gian vào việc huấn luyện các nhà quản lý từ nhiều tổ chức khác nhau. Sau một năm thực hiện theo chương trình đào tạo đã được chuẩn bị kỹ thì xuất hiện cơ hội kinh doanh cho phép chúng tôi đưa chương trình này ra khắp thế giới.
Hỏi: Ông nghĩ sao về việc có người cho rằng họ biết công thức đích thực của thành công?
Tôi muốn nói hai điều. Thứ nhất, nếu điều họ nói được dựa trên các nguyên tắc hay các quy luật tự nhiên, thì tôi muốn học hỏi họ và khen ngợi họ. Thứ hai, tôi muốn nói có thể chúng ta đang dùng những từ ngữ khác nhau để diễn tả các nguyên tắc cơ bản hay quy luật tự nhiên giống nhau.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.