Quiet – Sức Mạnh Của Người Hướng Nội

Chương 4: Liệu Tính Cách Có Phải Là Số Phận?



Phần Hai: BẢN CHẤT SINH HỌC CỦA BẠN, BẢN CHẤT THỰC SỰ CỦA BẠN?

Chương 4: LIỆU TÍNH CÁCH CÓ PHẢI LÀ SỐ PHẬN?

Bản Tính Tự nhiên, Nuôi dưỡng, Và Lý Thuyết Hoa Phong Lan

Một số người chắc chắn về mọi chuyện hơn là tôi về bất cứ chuyện gì.

—ROBERT RUBIN, “Trong một thế giới không chắc chắn” (In an Uncertain World)

GẦN MƯỜI NĂM TRƯỚC

Bây giờ là 2:00 sáng, tôi không thể ngủ được, và tôi muốn chết.

Tôi bình thường không phải là dạng hay muốn tự tử, nhưng đây là đêm trước một bài diễn thuyết quan trọng, và đầu óc tôi chạy rần rật với đủ các thể loại viễn cảnh kinh hoàng. Nếu tự dưng tôi “đứng miệng” và không thể nói được chữ nào thì sao? Nếu tôi làm các khán giả chán thì sao? Nếu tôi nôn thốc nôn tháo trên sân khấu thì sao?

Bạn trai của tôi khi đó (bây giờ là chồng tôi), Ken, nhìn tôi trằn trọc qua lại. Anh rất kinh ngạc trước nỗi lo lắng của tôi. Là một cựu quân nhân trong lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên Hiệp Quốc, anh đã từng một lần bị phục kích tại Somali, ấy vậy nhưng tôi không nghĩ anh đã có bao giờ cảm thấy sợ hãi nhiều như tôi lúc này.

“Cố gắng nghĩ về những thứ vui vẻ đi”, anh nói, trong lúc khẽ vuốt tóc trên trán tôi.

Tôi nhìn trân trân lên trần nhà, nước mắt chực chảy. Thứ vui vẻ gì cơ chứ? Có thứ gì có thể vui vẻ được ở một nơi chỉ toàn sân khấu và microphone?

“Có cả tỉ người ở Trung Quốc sẽ chả thèm quan tâm em nói cái cóc khô gì ngày mai đâu”, Ken cố gắng an ủi tôi.

Điều này giúp tôi bình tĩnh lại được một chút, trong khoảng năm giây. Tôi trở mình và cứ thế nằm nhìn chiếc đồng hồ báo thức. Cuối cùng cũng đến sáu giờ ba mươi. Ít ra thì cái phần kinh khủng nhất, phần đêm-trước-giờ-trình-diễn, đã kết thúc; bằng giờ này ngày mai, tôi sẽ được tự do. Nhưng trước hết tôi phải sống sót qua được ngày hôm nay đã. Tôi rầu rĩ thay đồ, rồi mặc thêm một chiếc áo khoác. Ken đưa tôi một chai nước uống thể thao chứa đầy món cocktail Baileys Irish Cream. Tôi không phải là người hay uống, nhưng tôi thích Baileys vì vị của nó cứ như sinh tố sô cô la ấy. “Nhớ uống cái này mười lăm phút trước khi em phải lên sân khấu”, anh nói, rồi hôn tôi tạm biệt.

Tôi vào thang máy để xuống tầng dưới, rồi yên vị trong chiếc xe đã chờ sẵn để đưa tôi tới điểm hẹn: trụ sở một tập đoàn lớn tại vùng ngoại ô New Jersey. Chuyến đi cho tôi vô khối thời gian để tự hỏi làm thế nào tôi lại đưa mình vào tình thế này. Cách đây không lâu tôi đã rời bỏ công việc làm một luật sư phố Wall của mình để thành lập một hãng tư vấn riêng. Hầu hết mọi lúc tôi đều làm việc theo kiểu một-đối- một hoặc trong những nhóm nhỏ, cách làm việc giúp tôi thấy thoải mái hơn. Nhưng khi một người quen là tổng cố vấn (general counsel) của một công ty truyền thông lớn mời tôi mở một lớp seminar cho toàn bộ đội ngũ giám đốc của công ty, tôi đã nhận lời—thậm chí còn rất nhiệt tình nữa là đằng khác!—vì những lý do mà bây giờ tôi chẳng thể nhớ nổi. Tôi thấy mình cầu khẩn cho một thảm họa nào đấy xảy ra—một cơn lũ hoặc một trận động đất nhỏ, kiểu như vậy—bất cứ thứ gì để tôi không phải trải qua chuyện này. Rồi tôi lại cảm thấy tội lỗi vì đã lôi toàn bộ cả thành phố vào bi kịch của mình.

Chiếc xe dừng cái rụp trước cửa văn phòng các khách hàng của tôi, và tôi bước xuống, cố gắng tỏ ra vẻ hăng hái, tự tin của một nhà tư vấn thành đạt. Người tổ chức sự kiện hộ tống tôi tới tận hội trường. Tôi hỏi đường tới nhà vệ sinh, và, khi chỉ còn một mình, nốc một ngụm lớn từ chai nước mang theo. Trong một vài phút tôi đứng yên, chờ cho chất cồn trong rượu thực hiện phép màu của nó. Nhưng chẳng có gì xảy ra cả—tôi vẫn sợ đến điếng cả người. Có lẽ tôi nên làm thêm một nhấp nữa. Không, bây giờ chỉ mới chín giờ sáng—tôi phải làm gì nếu họ ngửi thấy mùi rượu trong hơi thở của tôi? Tôi tô lại son môi và quay trở lại phòng tổ chức sự kiện, nơi tôi sắp xếp lại những mảnh giấy nhớ của mình trên bục sân khấu, trong khi những hàng ghế khán giả kín dần những doanh nhân có-vẻ-quan-trọng. Làm gì thì làm, cũng cố đừng có nôn, tôi tự bảo mình.

Một vài trong số những viên giám đốc ngước lên nhìn tôi, nhưng hầu hết họ đều cắm mặt vào những chiếc BlackBerry của mình. Hiển nhiên tôi đã khiến họ phải rời khỏi những công việc rất khẩn cấp. Làm thế nào tôi có thể thu hút sự chú ý của họ đủ lâu để họ có thể thôi gõ những thông báo khẩn vào những chiếc máy đánh chữ nhỏ xíu kia của họ? Tôi thề, ngay tại đó và ngay lúc đó, rằng tôi sẽ không bao giờ diễn thuyết lại dù chỉ một lần nào nữa.

Ồ, và kể từ đó đến giờ tôi đã diễn thuyết thêm được rất nhiều lần. Tôi vẫn chưa thực sự hoàn toàn vượt qua nỗi sợ của mình, nhưng dần dần theo thời gian tôi đã khám phá được những kỹ năng có thể giúp bất cứ ai mắc chứng sợ-sân-khấu khi cần. Xin hãy đọc thêm ở chương 5.

Trong lúc này, tôi đã kể cho bạn câu chuyện về nỗi sợ kinh hoàng của mình, bởi nó có liên hệ chặt chẽ với một vài trong số những câu hỏi khẩn thiết nhất của tôi về tính hướng nội. Ở một mức độ sâu hơn, nỗi sợ phải phát biểu trước đông người của tôi có vẻ có liên hệ với những phương diện khác trong tính cách của tôi mà tôi vẫn trân trọng, đặc biệt là tình yêu của tôi với những thứ nhẹ nhàng và trí tuệ. Với tôi điều này cũng không hẳn có gì là mới. Nhưng có phải chúng quả thực có liên kết với nhau không, và nếu có thì tại sao? Liệu đó có phải là hậu quả của sự “nuôi dưỡng”—cách tôi đã được nuôi lớn? Cả cha và mẹ tôi đều là những người dịu dàng, thích suy nghĩ; mẹ tôi cũng ghét nói trước đám đông như tôi vậy. Hay nó thuộc về “bản tính tự nhiên”—một thứ gì đó nằm sâu trong tận kết cấu gen của tôi?

Tôi đã trăn trở với những câu hỏi này trong suốt cả những năm tháng trưởng thành của mình. May mắn thay, các nhà nghiên cứu của Đại học Harvard cũng vậy. Ở đây, các nhà khoa học đang kiểm nghiệm bộ não con người, trong một nỗ lực để khám phá nguồn gốc sinh học của tính cách con người.

Một trong những nhà khoa học như vậy là một người đàn ông tám mươi hai tuổi tên Jerome Kagan, một trong những nhà tâm lý học phát triển (developmental psychologist) vĩ đại của thế kỷ hai mươi. Kagan đã cống hiến cả sự nghiệp của mình để nghiên cứu sự phát triển cảm xúc và nhận thức ở trẻ em. Trong một sê-ri các nghiên cứu đột phá kéo dài suốt nhiều năm của mình, ông đã theo dõi những đứa trẻ từ khi còn là trẻ sơ sinh cho đến tận tuổi thiếu niên, ghi chép lại tỉ mỉ tâm lý và tính cách của chúng trong suốt cả quá trình. Những nghiên cứu kéo dài hàng nhiều năm này rất tốn thời gian, tiền bạc, và bởi vậy rất hiếm—nhưng khi chúng đền đáp lại mọi thứ các nhà khoa học đã bỏ ra, chúng đền đáp lại rất nhiều.

Ở một trong những nghiên cứu như vậy, bắt đầu từ năm 1989 và vẫn còn kéo dài cho tới tận bây giờ, Giáo sư Kagan và các đồng sự của mình đã tập hợp năm trăm trẻ sơ sinh bốn tháng tuổi tại Phòng Thí Nghiệm về Phát triển ở Trẻ em (Laboratory for Child Development) của ông tại Harvard, dự đoán rằng họ sẽ có thể nói, thông qua một đánh giá kéo dài bốn mươi lăm phút, em bé nào sẽ có xu hướng trở thành người hướng nội hoặc người hướng ngoại. Nếu mới đây bạn có được thấy một em bé bốn tháng tuổi nào đó, thì đây có vẻ như một lời khẳng định thật táo bạo. Nhưng Kagan đã nghiên cứu tính cách con người trong một thời gian rất dài, và ông có một giả thuyết về vấn đề này.

Kagan và các đồng sự của ông cho những em bé bốn tháng tuổi tiếp xúc với một loạt các thí nghiệm đã được chọn lựa kỹ càng. Các em bé được nghe các đoạn ghi âm tiếng giọng nói và tiếng bong bóng nổ, nhìn những đồ vật nhỏ nhiều màu treo trước mắt di chuyển liên tục, và ngửi mùi cồn thấm trong một miếng bông. Chúng đã có những phản ứng rất khác nhau với các kích thích này. Khoảng 20% khóc lóc ầm ĩ và vung tay đập chân rất mạnh. Kagan gọi nhóm này là nhóm “mức độ phản ứng cao” (“high- reactive”). Khoảng 40% thì giữ yên lặng và rất bình tĩnh, thỉnh thoảng có chuyển động tay hoặc chân, nhưng không hề dậm giật mạnh mẽ như nhóm kia. Kagan gọi nhóm trẻ này là nhóm “mức độ phản ứng thấp” (“low-reactive”). 40% còn lại rơi vào khoảng giữa hai thái cực này. Trong một giả thuyết đầy bất ngờ, Kagan dự đoán rằng chính những đứa trẻ có mức độ phản ứng cao—những em bé dậm chân giật tay kịch liệt—mới là những em có khả năng lớn lên sẽ trở thành người ít nói, trầm tính cao nhất.

Khi các em bé này được hai, bốn, bảy và mười một tuổi, rất nhiều trong số chúng trở lại phòng thí nghiệm của Kagan để tiếp tục thử nghiệm các phản ứng của chúng với những người mới gặp và các sự kiện mới lạ. Ở độ tuổi hai, các trẻ em này được gặp một người phụ nữ đeo mặt nạ phòng độc và mặc áo choàng trắng bác sĩ, một người đàn ông trong trang phục anh hề, và một con robốt điều khiển từ xa. Ở độ tuổi lên bảy, các em được yêu cầu chơi với những đứa trẻ khác chúng chưa từng gặp bao giờ. Khi mười một tuổi, một người lớn hoàn toàn lạ mặt sẽ phỏng vấn các em về đời sống riêng tư của chúng. Đội của Kagan quan sát cách những đứa trẻ phản ứng với những tình huống khác lạ, lưu ý ngôn ngữ cơ thể của chúng, và ghi lại tần suất và mức độ tự nhiên khi chúng bật cười, nói chuyện, và mỉm cười. Họ cũng đồng thời phỏng vấn bọn trẻ và cha mẹ chúng về việc những đứa trẻ cư xử như thế nào khi ở bên ngoài phòng thí nghiệm. Liệu chúng có thích một hay hai người bạn thân hơn là một nhóm bạn đông đúc hoạt náo không? Chúng là loại thích mạo hiểm hay là típ ưa cẩn trọng? Liệu chúng tự đánh giá bản thân mình là rụt rè nhút nhát hay bạo dạn?

Rất nhiều trong số những đứa trẻ lớn lên chính xác như những gì Kagan đã dự đoán. Các em bé thuộc nhóm “mức độ phản ứng cao”, nhóm 20% sẽ gào khóc ầm ĩ khi thấy những đồ vật nhỏ nhiều màu lơ lửng trên đầu chúng, có xu hướng phát triển những tính cách nghiêm túc, cẩn thận cao hơn nhiều. Nhóm “mức độ phản ứng thấp”—những em bé giữ yên lặng—có xu hướng trở thành dạng thoải mái, tự tin cao hơn. Nói một cách khác, mức độ phản ứng cao hay thấp có liên quan tới tính hướng nội và hướng ngoại. Như Kagan đã viết trong cuốn sách của mình, “Galen’s Prophecy”, vào năm 1998: “Lời miêu tả của Carl Jung về tính hướng nội và hướng ngoại, viết từ hơn 75 năm trước đây, khớp với một sự chính xác đến kỳ lạ với các thiếu niên có mức độ phản ứng cao và thấp của chúng tôi”.

Kagan miêu tả hai trong số các thiếu niên này—Tom, khép kín, và Ralph, hướng ngoại—và sự khác biệt rất đáng kinh ngạc giữa họ. Tom, người nhút nhát rụt rè đến bất thường khi còn nhỏ, học giỏi ở trường, thận trọng và ít nói, dành hết sự quan tâm cho bạn gái và cha mẹ mình, yêu việc tự học một mình và được suy nghĩ về những vấn đề trí tuệ. Anh dự định trở thành một nhà khoa học. “Cũng như rất nhiều người hướng nội nổi tiếng mà khi còn nhỏ từng là những đứa trẻ rụt rè, nhút nhát khác”, Kagan viết khi so sánh Tom với T. S. Eliot và nhà toán học—triết học Alfred North Whitehead, Tom “đã chọn một cuộc đời của trí óc”.

Ralph, ngược lại, rất thoải mái và tự tin. Anh ứng xử với người phỏng vấn trong đội của Kagan như một người bạn đồng lứa, chứ không phải như một nhân vật cấp trên và hơn anh hai mươi lăm tuổi. Mặc dù Ralph rất thông minh, gần đây anh đã trượt môn Anh ngữ và Khoa học của mình, bởi anh chơi bời quá nhiều. Nhưng chẳng có gì khiến Ralph phải phiền lòng nhiều. Anh rất vui vẻ tự thừa nhận khuyết điểm của mình.

Các nhà tâm lý học thường tranh luận về sự khác biệt giữa “tính khí” (temperament) và “tính cách” (personality). Tính khí đề cập đến những quy tắc về hành vi và cảm xúc mang tính bản năng, sinh học, có thể quan sát được từ giai đoạn sơ sinh và khi còn nhỏ; còn tính cách lại là tập hợp phức tạp xuất hiện sau khi đã cho thêm cả ảnh hưởng văn hóa và những trải nghiệm cá nhân vào. Một số người nói rằng tính khí là nền móng, còn tính cách là tòa nhà xây lên từ nền móng đó. Công trình của Kagan đã giúp kết nối những nét tính khí nhất định ở tuổi sơ sinh với những kiểu tính cách nhất định khi đã là thiếu niên, như trường hợp của Tom hay Ralph.

Nhưng làm thế nào Kagan biết những đứa trẻ vung-tay-giậm-chân lớn lên sẽ dễ trở thành dạng cẩn trọng, thích suy nghĩ như Tom; hay những em bé giữ yên lặng sẽ có xu hướng trở thành loại thẳng thắn, quá-ngầu-để-học (too-cool-for-school) như Ralphs? Câu tả lời nằm ở bản chất sinh lý của họ.

Bên cạnh việc quan sát hành vi của những đứa trẻ trong các tình huống lạ, đội của Kagan còn đo đạc nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ ngón tay, và các thông số liên quan đến hệ thần kinh khác. Kagan chọn những thông số này vì người ta tin rằng chúng đều được điều khiển bởi một cơ quan rất quan trọng trong não bộ có tên thùy hạnh nhân (amygdala). Thùy hạnh nhân nằm ở sâu trong hệ viền (limbic system), một thiết kế mạng lưới của não bộ rất đã có từ rất lâu, thậm chí có thể được tìm thấy trong não của những động vật như chuột hay chuột cống. Mạng lưới này—đôi lúc được gọi là “bộ não của cảm xúc”—tạo nên rất nhiều bản năng cơ bản mà chúng ta chia sẻ với những loài động vật này, như là sự thèm ăn, nhu cầu ham muốn tình dục, và cả nỗi sợ hãi.

Thùy hạnh nhân hoạt động như là công tắc tắt-mở của cảm xúc, tiếp nhận thông tin từ các giác quan và rồi đánh tín hiệu cho phần còn lại của não bộ và hệ thần kinh biết phải phản ứng như thế nào. Một trong những chức năng của nó là ngay lập tức phát hiện những thứ mới lạ, hoặc những mối nguy hiểm tiềm tàng trong môi trường—từ một cái đĩa bay đồ chơi cho đến một con rắn độc đang rít—và đánh tín hiệu báo động đi khắp cơ thể để kích hoạt phản ứng chiến-đấu-hoặc-bỏ-chạy (fight-or-flight). Khi cái đĩa bay đồ chơi kia trông có vẻ như nó đang lao thẳng vào giữa mặt bạn, chính thùy hạnh nhân là thứ bảo bạn phải né ngay lập tức. Khi con rắn đuôi chuông chuẩn bị cắn bạn, chính thùy hạnh nhân là thứ đảm bảo rằng bạn sẽ chạy.

Kagan giả thiết rằng những trẻ sơ sinh được sinh ra với một thùy hạnh nhân đặc biệt nhạy cảm sẽ lăn lộn và kêu khóc khi được cho xem những thứ không quen thuộc—và lớn lên sẽ trở thành những đứa trẻ cảnh giác khi phải gặp những người chưa gặp bao giờ. Và đây chính là điều ông đã tìm thấy. Nói một cách khác, những em bé bốn tháng tuổi đập tay ầm ĩ như những tín đồ nhạc rock đó làm vậy không phải bởi chúng là những người hướng ngoại tiềm năng, mà bởi cơ thể nhỏ bé của chúng đã phản ứng quá mạnh—chúng có “mức độ phản ứng cao”—với những cảnh tượng mới, âm thanh mới, mùi hương mới. Các em bé khác giữ yên lặng không phải bởi chúng là những người hướng nội tương lai—mà chính xác là điều ngược lại—chúng làm vậy bởi chúng có một hệ thần kinh không dễ bị dọa dẫm bởi những điều mới lạ.

Thùy hạnh nhân của một đứa trẻ càng nhạy cảm, nhịp tim của nó càng cao, nó mở lớn mắt càng nhiều, dây thanh quản của nó càng thắt chặt, nồng độ cortisol (một dạng hoócmôn stress) trong nước bọt của nó càng cao—và nó sẽ càng có xu hướng trở nên lo sợ khi phải đối diện với những thứ mới lạ hoặc có tính kích thích cao. Khi những em bé sơ sinh có mức độ phản ứng cao lớn lên, chúng tiếp tục phải đối mặt với nhiều bối cảnh khác nhau, từ đi thăm một khu vui chơi mới lần đầu tiên, cho đến gặp gỡ những bạn cùng lớp mới vào ngày đầu tiên đi học mẫu giáo. Chúng ta có xu hướng để ý nhiều nhất phản ứng của một đứa trẻ với những người lạ—cậu nhóc đó ứng xử như thế nào trong ngày đầu tiên đi học? Cô bé đó có cảm thấy thiếu tự tin trong một bữa tiệc sinh nhật toàn những đứa trẻ cô bé không hề biết mặt? Nhưng thứ chúng ta thực sự đang quan sát là mức độ nhạy cảm của một đứa trẻ với những thứ mới lạ nói chung, chứ không chỉ riêng những người lạ.

Mức độ phản ứng cao hay thấp có lẽ không phải là con đường sinh học duy nhất để đi tới tính hướng nội hay tính hướng ngoại. Có vô khối những người hướng nội không có sự nhạy cảm của loại “mức độ phản ứng cao” điển hình, và một phần trăm nhỏ trong số những người có mức độ phản ứng cao sau này vẫn lớn lên trở thành người hướng ngoại. Nhưng, mặc dù vậy, loạt khám phá kéo-dài-cả-thập-kỷ này của Kagan vẫn đánh dấu một bước đột phá quan trọng trong hiểu biết của chúng ta về những dạng tính cách này—bao gồm cả cách chúng ta phán xét chúng. Những người hướng ngoại đôi khi được vinh danh là “pro-social”—có nghĩa là quan tâm đến người khác—và người hướng nội thì bị chê bai là những kẻ ‘không thích gần người’. Nhưng phản ứng của những em bé trong các thí nghiệm của Kagan hoàn toàn chẳng có liên quan gì đến người cả. Những em bé này la hét (hoặc không la hét) bởi bông tẩm rượu cồn. Chúng đập tay đập chân (hoặc giữ bình tĩnh) khi phản ứng với tiếng bong bóng nổ. Những em bé có mức độ phản ứng cao không phải là những kẻ lánh đời tương lai, chúng chỉ đơn giản là nhạy cảm với môi trường xung quanh.

Thực vậy, sự nhạy cảm của những đứa trẻ này có vẻ bao gồm không chỉ việc để ý đến những thứ đáng sợ, mà là để ý đến mọi thứ nói chung. Trẻ em có mức độ phản ứng cao thể hiện một thứ mà các nhà tâm lý học gọi là “sự chú tâm đề phòng” (alert attention) với con người cũng như mọi vật. Chúng thực sự chuyển động mắt nhiều hơn người khác để so sánh các lựa chọn trước khi đưa ra quyết định. Như thể chúng xử lý ở một mức độ sâu hơn—đôi lúc có ý thức, đôi lúc vô thức—những thông tin mà chúng thu nhận được về thế giới. Trong một thí nghiệm buổi đầu, Kagan yêu cầu một nhóm trẻ em lớp Năm chơi một trò ghép hình ảnh. Mỗi đứa trẻ được cho xem ảnh một con gấu bông đang ngồi trên ghế, cạnh bên đó là sáu bức ảnh tương tự khác, nhưng chỉ có một trong số đó là giống hoàn toàn với bức ảnh gốc. Những đứa trẻ có mức độ phản ứng cao dành nhiều thời gian hơn so với những đứa trẻ khác để cân nhắc tất cả các lựa chọn, và có tỷ lệ chọn được câu trả lời đúng cao hơn. Khi Kagan yêu cầu cũng chính các cô cậu bé này chơi một trò chơi với từ ngữ, ông thấy rằng chúng cũng đọc chính xác hơn những đứa trẻ bốc đồng.

Các trẻ em có mức độ phản ứng cao cũng đồng thời có xu hướng suy nghĩ và cảm xúc sâu sắc hơn về những thứ mà chúng để ý thấy, và chúng thường mang đến thêm một tầng sắc thái nữa vào mọi trải nghiệm hàng ngày. Điều này có thể được thể hiện theo rất nhiều cách. Nếu một đứa trẻ có định hướng cộng đồng, cô bé ấy có thể sẽ dành rất nhiều thời gian ngẫm nghĩ về những quan sát của cô về những người khác—tại sao Jason hôm nay lại không muốn chia sẻ đồ chơi của mình với các bạn, tại sao Mary lại nổi cáu với Nicholas nhiều đến thế khi cậu ấy chỉ vô tình đụng phải bạn ấy. Nếu đó là một cậu bé có một sở thích cụ thể nào đó—giải câu đố, sáng tạo nghệ thuật, hay xây lâu đài cát—cậu bé đó sẽ thường có thể tập trung với một cường độ mạnh khác thường. Nếu một đứa bé có mức độ phản ứng cao vô tình làm hỏng đồ chơi của một đứa bé khác, các nghiên cứu đã cho thấy, nó sẽ thường cảm thấy tội lỗi và buồn rầu với cường độ mạnh hơn nhiều so với một đứa trẻ có mức độ phản ứng thấp. Tất cả mọi trẻ em đều để ý đến môi trường xung quanh và cảm nhận những xúc cảm, tất nhiên, nhưng những đứa trẻ có mức độ phản ứng cao có vẻ nhìn thấy nhiều hơn và cảm thấy được nhiều hơn. Nếu bạn hỏi một đứa trẻ bảy tuổi có mức độ phản ứng cao là một nhóm trẻ em nên chia sẻ một thứ đồ chơi mà ai cũng muốn như thế nào, nhà báo chuyên về khoa học Winifred Gallagher viết, cậu nhóc đó sẽ thường trả lời với một kế hoạch rất tinh vi như kiểu: “Sắp xếp tên của tất cả các bạn theo bảng chữ cái, rồi để bạn nào có tên gần với vần A nhất chơi trước”.

“Đưa lý thuyết vào thực hành là rất khó đối với những người như thế”, Gallagher viết, “bởi vì bản tính nhạy cảm và những kế hoạch phức tạp của họ không hề phù hợp với đủ thứ điều kiện khắc nghiệt khác nhau của trường học”. Ấy vậy nhưng, như rồi chúng ta sẽ thấy trong những chương sau, các đặc điểm này—tính cẩn trọng, sự nhạy cảm với những sắc thái cảm xúc nhỏ nhất, những trạng thái tình cảm phức tạp—hóa ra đều là những sức mạnh tuyệt vời nhưng luôn bị đánh giá thấp của người hướng nội.

Kagan đã cho chúng ta những bằng chứng cụ thể, rõ ràng rằng mức độ phản ứng cao chính là một nền tảng sinh học của tính hướng nội (chúng ta rồi sẽ khám phá thêm một con đường nữa, trong chương 7); nhưng những khám phá của ông có sức ảnh hưởng mạnh mẽ một phần cũng là vì chúng đã xác nhận những thứ mà trước giờ chúng ta vẫn luôn lờ mờ cảm thấy được. Một số nghiên cứu của Kagan còn mạo hiểm lần vào cả địa hạt của những niềm tin chưa có căn cứ của xã hội (cultural myth). Ví dụ, ông tin, dựa trên các số liệu của mình, rằng mức độ phản ứng cao có liên kết chặt chẽ với những dấu hiệu thể hiện ra ngoài cơ thể như mắt xanh, hay bị dị ứng; và rằng những người có mức độ phản ứng cao thường có xu hướng gầy và có khuôn mặt dài hơn so với những người khác. Những kết luận như vậy đều dựa trên suy đoán, và dễ làm ta nhớ lại những hoạt động mang màu sắc mê tín dị đoan kiểu thế kỷ 19 như tìm hiểu về linh hồn một con người thông qua hình dáng hộp sọ của anh ta. Nhưng bất kể chúng có chính xác hay không đi nữa, cũng rất thú vị khi thấy rằng đây chính là những đặc điểm ngoại hình chúng ta vẫn thường gán cho các nhân vật hư cấu khi ta muốn miêu tả họ là kiểu người ít nói, hướng nội, ưa hoạt động trí óc. Như thể những xu hướng tâm lý này đã được chôn chặt vào trong tiềm thức về văn hóa của chúng ta vậy.

Cứ lấy các bộ phim của Disney làm ví dụ: Kagan và các đồng nghiệp của ông suy đoán rằng các nhà làm phim Disney vô thức hiểu về mức độ phản ứng cao, khi họ vẽ những nhân vật nhạy cảm như Cinderella (Lọ Lem), Pinocchio và chú lùn Dopey với mắt xanh; và những nhân vật mạnh mẽ, bạo dạn hơn như các chị kế của Cinderella, chú lùn Grumpy, và Peter Pan với mắt màu đậm hơn. Trong rất nhiều cuốn sách, các bộ phim Hollywood, những chương trình truyền hình nữa, những nhân vật các chàng trai mảnh khảnh, hay chảy-nước-mũi là dấu hiệu ngầm của một người hơi bị thiếu may mắn nhưng giỏi suy nghĩ, luôn đạt được điểm cao tại trường học, hơi bị quá tải một chút bởi các hoạt động xã hội, và đặc biệt tài năng ở những hoạt động cần nhiều suy nghĩ như thơ ca hay vật lý học thiên thể. (Cứ thử nghĩ về Ethan Hawke trong “Dead Poets Society” mà xem). Kagan thậm chí còn suy đoán rằng một số đàn ông ưa thích phụ nữ với da sáng màu và mắt xanh là bởi họ vô thức nhận diện những phụ nữ này là “nhạy cảm”.

Các nghiên cứu khác về tính cách cũng đồng thời ủng hộ tiền đề rằng tính hướng nội và hướng ngoại có nền tảng sinh lý học, thậm chí là di truyền học. Một trong những cách phổ biến nhất để phân tách “bản tính tự nhiên” khỏi “nuôi dưỡng” là so sánh đặc điểm tính cách của những cặp sinh đôi (cùng trứng hoặc khác trứng). Một cặp sinh đôi cùng trứng phát triển từ cùng một tế bào trứng đã được thụ tinh và có cùng một bộ gen hoàn toàn giống hệt nhau, trong khi cặp sinh đôi khác trứng ra đời từ hai tế bào trứng riêng biệt và chỉ chia sẻ với nhau khoảng 50% gen. Vậy nên nếu bạn đo đạc mức độ hướng nội và hướng ngoại của những cặp sinh đôi này, và tìm thấy nhiều mối tương đồng giữa các cặp sinh đôi cùng trứng hơn là ở các cặp sinh đôi khác trứng—và đây chính là điều mà các nhà khoa học tìm thấy, trong hàng loạt nghiên cứu nối tiếp, kể cả khi các cặp sinh đôi được nuôi dưỡng ở những gia đình tách biệt hẳn với nhau—vậy thì bạn có thể hợp lý mà kết luận rằng những đặc điểm tính cách này có nguồn gốc di truyền.

Không nghiên cứu nào trong số này là hoàn hảo cả, nhưng những kết quả của chúng đã không ngừng gợi ý rằng tính hướng nội và hướng ngoại, cũng như những đặc điểm tính cách lớn khác như tính dễ chịu hay sự tận tâm, có khoảng 40 đến 50 phần trăm là do di truyền.

Nhưng liệu những luận điểm sinh học này cho tính hướng nội đã đầy đủ hay chưa? Khi tôi lần đầu tiên đọc cuốn sách của Kagan, “Galen’s Prophecy”, tôi đã hào hứng đến nỗi tôi không thể ngủ nổi. Đây, ngay trong những trang sách này, là bạn bè tôi, gia đình tôi, cả tôi nữa—trên thực tế, là cả nhân loại—được xếp đặt gọn gàng qua lăng kính của một hệ thần kinh hoặc tĩnh lặng hoặc hoạt động mạnh. Như thể cả hàng nhiều thế kỷ của biết bao câu hỏi mang tính triết học về bí ẩn của tính cách con người đều là để dẫn tới khoảnh khắc rực sáng của khám phá khoa học này. Hóa ra vẫn có một câu trả lời đơn giản cho vấn đề bản tính tự nhiên-nuôi dưỡng này: chúng ta được sinh ra với một hệ tính khí đã được đóng gói sẵn, và nó có thể định hình tính cách khi đã là người lớn của chúng ta một cách vô cùng mạnh mẽ.

Nhưng nó không thể chỉ đơn giản thế—phải không? Liệu chúng ta thực sự có thể rút gọn tính cách hướng nội và hướng ngoại xuống chỉ còn là vấn đề ở hệ thần kinh bẩm sinh của chúng ta? Tôi đoán rằng tôi đã được thừa hưởng một hệ thần kinh có mức độ phản ứng cao, nhưng mẹ tôi luôn khăng khăng khẳng định rằng tôi là một đứa trẻ rất ngoan, hoàn toàn không phải dạng sẽ đấm và đá và khóc thét inh ỏi chỉ vì một quả bóng bay bị nổ. Tôi đã quá quen với chứng tự-nghi-ngờ-bản-thân nặng của mình, nhưng tôi cũng có một lòng dũng cảm rất lớn vào niềm tin của chính mình. Tôi luôn cảm thấy không thoải mái đến vô cùng vào ngày đầu tiên bước chân đến một thành phố mới, nhưng tôi lại rất thích du lịch. Tôi từng rất rụt rè nhút nhát khi còn nhỏ, nhưng tôi đã vượt qua được phần lớn những gì tệ nhất của nó. Hơn thế nữa, tôi không nghĩ những điều mâu thuẫn này là gì đó quá lạ lùng; rất nhiều người cũng có những mặt xung khắc nhau kỳ lạ như vậy trong tính cách của họ. Và con người ta cũng thay đổi rất sâu sắc qua thời gian, phải không? Và còn cả ý chí tự do (free will) nữa thì sao—chẳng lẽ chúng ta lại không có quyền quyết định gì lên việc chúng ta là ai, và chúng ta sẽ trở thành ai ư?

Tôi quyết định tìm kiếm chính giáo sư Kagan và hỏi ông những câu hỏi này một cách trực tiếp. Tôi muốn tìm đến ông không chỉ vì những khám phá của ông quá hấp dẫn, mà còn bởi những luận điểm ông bảo vệ trong cuộc tranh luận về bản tính-hay-nuôi dưỡng. Ông bắt đầu sự nghiệp của mình vào năm 1954 và đã trung thành với phe “nuôi dưỡng”, một góc nhìn tương hợp với những khám phá khoa học thời bấy giờ. Khi đó, ý tưởng về một thiên tính bẩm sinh là hết sức nhạy cảm về chính trị, dễ làm khơi lại bóng ma của thuyết ưu sinh của Đức Quốc Xã và thuyết Người da trắng thượng đẳng (Nazi eugenics and white supremacism). Ngược lại, ý tưởng về việc trẻ con như một tờ giấy trắng và mọi thứ đều có thể xảy ra lại rất hấp dẫn với một quốc gia xây dựng trên chế độ dân chủ như Mỹ.

Nhưng Kagan đã thay đổi ý kiến của mình giữa chừng. “Tôi đã bị lôi tuột đi, dẫu có gào thét hay đấm đá cũng vô ích, bởi chính những số liệu của tôi”, ông nói, “để đến chỗ phải công nhận rằng tính khí có sức mạnh hơn nhiều những gì tôi tưởng và muốn tin”. Những phát hiện của ông về những trẻ em có mức độ phản ứng cao, được phát hành trên tạp chí Science vào năm 1988, đã giúp “hợp pháp hóa” khái niệm “thiên tính bẩm sinh” (inborn temperament), một phần là vì chính ông đã từng là một kẻ bảo vệ thuyết “nuôi dưỡng” rất nhiệt thành.

Nếu có bất cứ một ai có thể giúp tôi gỡ nút thắt cho câu hỏi về bản tính-hay-nuôi dưỡng này, như tôi hy vọng, thì đó là Jerry Kagan.

Kagan đưa tôi vào văn phòng của ông bên trong Sảnh Đường William James của Đại học Harvard, trong toàn bộ lúc đó vẫn quan sát và đánh giá tôi không chớp mắt: cách nhìn của ông không phải theo kiểu thiếu thân thiện, nhưng chắc chắn là cách nhìn rất sáng suốt. Tôi đã hình dung ông là dạng nhà khoa hoc dịu dàng, luôn-mặc-áo-choàng-trắng giống như trong phim hoạt hình, đổ những chất hóa học từ ống nghiệm này sang ống nghiệm kia cho đến khi—Bùm! Nào, Susan, mày rõ ràng biết chính xác mày là ai. Nhưng đây thì không phải là vị giáo sư già hiền lành-từ tốn mà mày đã tưởng tượng. Nghịch lý thay cho một vị giáo sư mà những cuốn sách của ông đầy chủ nghĩa nhân đạo, và là người đã từng tự miêu tả bản thân khi còn nhỏ là một cậu bé luôn lo lắng, rất dễ bị dọa dẫm; tôi thì lại thấy ông từ đầu đến cuối rất đáng sợ. Tôi mở đầu cuộc phỏng vấn của chúng tôi bằng cách hỏi một câu hỏi liên quan, mà ông không đồng ý với tiền đề của nó. “Không, không, không!”, ông quát lớn, như thể không phải tôi đang ngồi ngay trước mặt ông ấy.

Phần có-mức-độ-phản-ứng-cao trong tính cách của tôi bắt đầu hoạt động đến mức tối đa. Giọng tôi vốn tự nhiên đã nhỏ rồi, nhưng giờ tôi phải cố hết sức mới ép được mình nói lớn hơn mức thì thầm một chút (trong đoạn băng ghi âm lại cuộc trò chuyện của chúng tôi, giọng nói của Kagan nghe oang oang và rất hùng hồn, của tôi thì nghe nhỏ hơn nhiều). Tôi nhận thấy là mình đang cố giữ cho thân người thật thẳng, một trong những dấu hiệu cho thấy tôi là loại có-mức-độ-phản-ứng-cao. Cảm giác hơi lạ một chút khi biết cả Kagan hẳn cũng đang để ý đến điều này nữa—ông cũng nói vậy nữa, hất đầu về phía tôi khi ông đề cập đến việc rất nhiều người thuộc loại có-mức-độ-phản-ứng-cao trở thành tác giả sách hoặc chọn những ngành nghề trí óc khác, nơi “bạn được quyền làm chủ: bạn đóng chặt cửa lại, kéo rèm cửa sổ và bắt đầu làm việc”. (Những người có ít trình độ học vấn hơn thường sẽ chọn trở thành thư ký hoặc lái xe tải, ông nói, cũng vì những lý do tương tự).

Tôi nhắc đến một cô bé mà tôi biết, luôn rất chậm khởi động. Cô bé thích quan sát những người mới hơn là chào hỏi họ; mỗi dịp cuối tuần gia đình cô bé đều tới bãi biển, nhưng phải mất rất lâu cô bé mới dám nhúng một ngón chân xuống nước. Một ca có mức độ phản ứng cao điển hình, tôi bình luận.

“Không!”, Kagan kêu lên. “Mỗi một hành vi đều có nhiều hơn một lý do cho nó. Đừng bao giờ quên điều đó! Với mọi đứa trẻ chậm khởi động, đúng vậy, sẽ có nhiều những đứa là do mức độ phản ứng cao, nhưng bạn cũng có thể chậm khởi động bởi cách bạn đã dành ba năm rưỡi đầu tiên trong đời như thế nào nữa! Mỗi lần các nhà báo và nhà văn như các cô nói, họ chỉ muốn nhìn thấy ngay một mối quan hệ một-một—một hành vi, một nguyên nhân. Nhưng có một điều quan trọng cô cần phải hiểu đấy là, cho những hành vi như chậm-khởi-động, ngượng ngùng, hay bốc đồng, có rất nhiều lý do có thể dẫn đến chúng”.

Ông nhắc lại những ví dụ về những loại yếu tố tác động từ bên ngoài có thể tạo nên một tính cách hướng nội mà không liên quan đến, hoặc diễn ra song song với, một hệ thần kinh có mức độ phản ứng cao: Một đứa trẻ có thể ưa thích việc có những ý tưởng mới về thế giới, vậy nên nó dành phần lớn thời gian sống trong tâm trí của riêng mình. Hoặc những vấn đề về sức khỏe cũng có thể hướng một đứa trẻ vào trong, vào thứ đang xảy ra bên trong cơ thể của nó.

Nỗi sợ diễn thuyết trước đám đông của tôi có thể cũng phức tạp như vậy. Liệu có phải tôi sợ nó bởi tôi là một người hướng nội có mức độ phản ứng cao? Cũng có thể không. Một vài người có mức độ phản ứng cao vẫn rất yêu thích diễn thuyết và biểu diễn, và vô khối người hướng ngoại vẫn bị hội chứng sợ sân khấu; sợ nói trước đám đông là nỗi sợ số một ở Mỹ, phổ biến hơn cả nỗi sợ chết. Hội chứng sợ phát biểu trước đông người có rất nhiều nguyên do, bao gồm cả những trở ngại từ thời thủa nhỏ, một thứ lại có liên quan đến lịch sử cá nhân riêng của mỗi chúng ta, chứ không phải bởi thiên tính bẩm sinh.

Trên thực tế, nỗi sợ phát biểu trước đông người có thể là cơ bản và hoàn toàn con người, chứ không chỉ giới hạn bởi những kẻ với hệ thần kinh có mức độ phản ứng cao. Một giả thuyết, dựa trên các tác phẩm của nhà sinh vật học xã hội (sociobiologist) E. O. Wilson, cho rằng khi tổ tiên của chúng ta còn sống trên các xa-van, việc bị theo dõi chỉ có một ý nghĩa duy nhất: một con thú săn mồi hoang dã nào đó đang rình rập chúng ta. Và khi chúng ta đang sắp sửa bị chén, liệu chúng ta có đứng thẳng và tiến lên đầy tự tin không? Không, chúng ta sẽ chạy. Nói cách khác, hàng trăm ngàn năm tiến hóa đã thúc ép chúng ta chạy khỏi sân khấu đi, nơi chúng ta có thể lầm lẫn cái nhìn của các khán giả với tia sáng lóe lên từ con mắt dã thú. Ấy vậy nhưng các khán giả không chỉ kỳ vọng rằng chúng ta sẽ bình tĩnh, mà còn là chúng ta sẽ tỏ ra thoải mái và hoàn toàn tự tin. Mối mâu thuẫn giữa sinh học và nghi thức này là một lý do khiến cho việc diễn thuyết có thể đáng sợ đến thế. Đó cũng là lý do tại sao việc cố gắng tưởng tượng các khán giả đang nude cũng không giúp ích cho các diễn giả căng thẳng được mấy: một con sư tử trần truồng thì vẫn cứ nguy hiểm hệt như một con sư tử ăn mặc đẹp đẽ vậy.

Nhưng kể cả khi tất cả con người đều có xu hướng nhầm lẫn các khán giả với loài dã thú săn mồi, mỗi chúng ta đều có một mức độ bắt đầu riêng cho việc kích hoạt bản năng chiến đấu-hoặc-bỏ chạy. Các ánh mắt của khán giả cần phải đáng sợ đến đâu trước khi bạn cảm thấy như họ sắp sửa vồ lấy bạn tới nơi? Liệu nó có xảy ra từ thậm chí trước cả khi bạn bước chân lên sân khấu không, hay là nó cần một vài tiếng la ó từ phía khán giả nữa mới là đủ để kích hoạt cơn lũ adrenaline đó? Bạn có thể thấy làm thế nào một tuyến hạnh nhân nhạy cảm có thể khiến bạn dễ bị ảnh hưởng bởi những cái cau mày hay những dấu hiệu buồn chán và những người luôn kiểm tra chiếc BlackBerrys của họ khi bạn đang nói dở chừng. Và thực vậy, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người hướng nội đặc biệt sợ nói trước đám đông hơn nhiều so với những người hướng ngoại.

Kagan kể với tôi về lần ông chứng kiến một đồng nghiệp là một nhà khoa học đã thể hiện một bài diễn thuyết tuyệt vời tại một cuộc hội thảo. Sau đó, diễn giả hỏi ông liệu hai người họ có thể cùng dùng bữa không. Kagan đồng ý, và nhà khoa học đó mới kể cho ông rằng mỗi tháng ông ta đều phải đứng lớp các bài giảng và, bất chấp phong thái sân khấu tuyệt vời của mình, ông vẫn luôn vô cùng hoảng sợ mỗi lần phải nói. Tuy vậy, được đọc các công trình nghiên cứu của Kagan thực sự đã có một tác động rất lớn đối với ông.

“Ông đã thay đổi cả cuộc đời tôi”, ông ấy nói với Kagan. “Tôi đã luôn luôn đổ lỗi cho mẹ mình, nhưng giờ thì tôi nghĩ chỉ vì tôi là một người có mức độ phản ứng cao mà thôi.”

Vậy tôi hướng nội là vì tôi đã được thừa hưởng mức độ phản ứng cao của cha mẹ tôi, vì tôi đã sao chép hành vi của họ, hay cả hai? Hãy nhớ rằng các số liệu điều tra về di truyền trên các cặp sinh đôi cho thấy mức độ hướng nội-hướng ngoại chỉ có 40 đến 50 phần trăm là do di truyền. Điều này có nghĩa là: trong một nhóm người, trung bình khoảng một nửa trong số các lý do tạo nên sự đa dạng giữa hướng nội- hướng ngoại là bởi các yếu tố di truyền. Và để khiến cho mọi thứ càng rắc rối hơn nữa, có thể là có rất nhiều yếu tố di truyền khác nhau liên quan đến phương diện này, cũng như việc công trình của Kagan về mức độ phản ứng cao có thể cũng chỉ là một trong số rất nhiều con đường về mặt tâm lý học có thể dẫn đến tính hướng nội. Thêm nữa, “trung bình” là một thứ rất khó đoán. Mức độ di truyền trung bình khoảng 50% không chắc chắn có nghĩa là sự hướng nội của tôi có 50 phần trăm được di truyền từ cha mẹ tôi, hay một nửa trong sự khác biệt về tính hướng ngoại giữa tôi và bạn bè tôi là do di truyền. Một trăm phần trăm tính hướng nội của tôi có thể đến từ gen, hoặc không một chút nào cả—hay khả năng cao hơn cả, đấy là nó dựa vào sự kết hợp không thể dò ra được giữa di truyền và trải nghiệm. Nếu hỏi tính cách là do “bản tính tự nhiên” hay “nuôi dưỡng”, Kagan nói, thì cũng như là hỏi một cơn bão tuyết được tạo thành do nhiệt độ hay độ ẩm vậy. Chính sự tương tác qua lại phức tạp của cả hai yếu tố này mới quyết định việc ta là ai.

Vậy có lẽ tôi đã hỏi sai câu hỏi. Có lẽ bí ẩn về việc bao nhiêu phần trăm của tính cách là do bản tính tự nhiên, bao nhiêu phần trăm do nuôi dưỡng ít quan trọng hơn câu hỏi này: thiên tính bẩm sinh của bạn tương tác với môi trường sống và với quyết định riêng của bạn như thế nào? Tới mức độ nào thì tính cách trở thành số phận?

Một mặt, dựa vào các lý thuyết về mối tương tác giữa gen-môi trường sống, những người được thừa hưởng một số đặc điểm tính cách nhất định thường có xu hướng tìm kiếm những trải nghiệm trong cuộc sống giúp họ củng cố những nét tính cách đó. Những đứa trẻ có mức độ phản ứng thấp nhất, ví dụ, đã tìm kiếm nguy hiểm từ khi bắt đầu mới chập chững biết đi, để đến khi lớn lên chúng đã chẳng còn biết sợ gì kể cả những mối nguy của-người-lớn nữa. Chúng “leo qua hàng rào, quen dần, rồi dần dần leo lên cả mái nhà”, nhà tâm lý học quá cố David Lykken từng giải thích trong một bài viết. “Chúng sẽ có đủ các kiểu trải nghiệm mà những đứa trẻ khác không có. Chuck Yeager (người phi công đầu tiên vượt thành công ngưỡng rào cản âm thanh) có thể bước từ chiếc máy bay ném bom sang chiếc phi cơ hỏa tiễn và bấm nút, không phải vì ông được sinh ra với sự khác biệt giữa ông ấy và tôi, mà bởi vì trong suốt ba mươi năm trước đó, tính cách của ông ấy đã không ngừng bắt ông phải tiến dần lên từ leo trèo cây cho đến những mức độ nguy hiểm và phấn khích cao hơn nữa.

Trái ngược lại, những đứa trẻ có mức độ nhạy cảm cao sẽ có xu hướng cao hơn trong việc lớn lên trở thành các nghệ sĩ, nhà văn, nhà khoa học hoặc những người ham tư duy, bởi sự e sợ những thứ mới lạ sẽ khiến họ dành nhiều thời gian hơn trong môi trường quen thuộc—và màu mỡ hơn cho trí tuệ—của tâm trí mình. “Trường đại học luôn đầy những người hướng nội”, nhà tâm lý học Jerry Miller, giám đốc Trung Tâm cho Trẻ Em và Gia Đình (Center for the Child and the Family) tại Đại học Michigan, Mỹ, nhận xét. “Định kiến chúng ta vẫn có về các giáo sư đại học là rất đúng với vô số những người trong trường học này. Họ thích đọc; với họ không có gì phấn khích hơn những ý tưởng. Và một phần trong chuyện này có liên quan tới cách họ đã dùng thời gian thế nào khi lớn lên. Nếu bạn dành phần lớn thời gian chơi và hoạt động, vậy thì bạn sẽ có ít thời gian hơn để học và đọc sách. Cũng chỉ có chừng đấy thời gian trong cuộc đời bạn mà thôi”.

Mặt khác, cũng đồng thời có rất nhiều kết quả đa dạng khác nhau cho mỗi loại tính cách. Những đứa trẻ có mức độ phản ứng thấp, hướng ngoại chẳng hạn, nếu được nuôi dưỡng bởi những gia đình quan tâm nhiều đến con cái và được ở trong những môi trường sống an toàn, có thể lớn lên thành những người thành công với tính cách lớn—những Richard Bransonvà Oprah 26 của thế giới này. Nhưng cũng đưa đúng những đứa trẻ đó cho những bậc cha mẹ ghẻ lạnh con cái, hoặc cho chúng sống trong một khu dân cư tồi tệ, một số nhà tâm lý học nói, và chúng có thể trở thành những kẻ bắt nạt, du đãng, hay tội phạm. Lykken đã từng gây xôn xao dư luận khi gọi những tên tội phạm điên cuồng (psychopath) và những người hùng của xã hội (heroes) là “các nhánh khác nhau trên cùng một cành cây tính cách”.

26 Richard Charles Nicholas Branson (sinh ngày 18 tháng 7 năm 1950) là một ông trùm tư bản và một nhà đầu tư lớn người Anh. Ông được biết đến nhiều nhất dưới danh nghĩa người sáng lập Virgin Group, một đại tập đoàn bao gồm gần 400 công ty con. (Nguồn: Wikipedia)

Oprah Gail Winfrey (sinh ngày 29 tháng 1 năm 1954) là người dẫn chương trình đối thoại trên truyền hình (talk show host) và là nhà xuất bản tạp chí, cũng từng đoạt giải Emmy dành cho người Mỹ gốc Phi. Winfrey là phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên có tên trong danh sách các tỉ phú và được xem là một trong những nhân vật có nhiều ảnh hưởng nhất trên thế giới.

Hãy cân nhắc đến cơ chế để trẻ em đạt được cảm giác về sai-đúng của mình. Rất nhiều các nhà tâm lý học tin rằng trẻ em phát triển một lương tâm khi chúng làm gì đó không đúng và bị trách mắng bởi những người chăm sóc chúng. Bị phê phán khiến chúng cảm thấy lo sợ, và vì nỗi lo sợ là một thứ khó chịu, chúng sẽ dần học cách tránh xa những hành vi không được xã hội ủng hộ. Điều này được biết đến như là “hấp thu” (internalize) các tiêu chuẩn về hành động từ cha mẹ, và cốt lõi của nó là ở nỗi lo sợ.

Nhưng sẽ thế nào nếu một số đứa trẻ ít có xu hướng lo sợ hơn những đứa khác, như là thực tế ở những đứa cực kỳ có-mức-độ-phản-ứng-thấp? Thông thường cách tốt nhất để dạy những đứa trẻ này các giá trị sống là cho chúng những nhân vật thật tích cực để noi theo, và định hướng sự gan dạ của chúng hướng về những hoạt động tích cực, có hiệu quả. Một đứa trẻ có-mức-độ-phản-ứng-thấp chơi trong một đội khúc côn cầu trên bằng sẽ rất thích thú tận hưởng sự ủng hộ, ngưỡng mộ của đồng đội khi nó lao thẳng vào một thành viên đội đối thú với một cú huých vai thấp, được coi là một đòn tấn công hợp lệ. Nhưng nếu nó đi quá xa, dùng cả cùi chỏ chẳng hạn, và khiến anh chàng kia bất tỉnh, nó sẽ bị phạt không được tiếp tục tham gia trận đấu. Dần dần theo thời gian, nó sẽ học được cách dùng sở thích mạo hiểm và tính hung hăng của mình một cách thông thái hơn.

Giờ hãy tưởng tượng cũng chính đứa trẻ đó, lớn lên trong một khu dân cư nguy hiểm, với gần như không có môn thể thao được tổ chức nào, cũng như không có cách tích cực nào để nó thể hiện sự gan dạ của mình. Bạn có thể thấy đứa trẻ đó có thể dễ dàng rơi vào con đường tội phạm như thế nào. Có thể là những đứa trẻ thiệt thòi vướng vào vòng lao lý đã phải chịu đựng không chỉ nghèo đói hay sự thiếu quan tâm từ cha mẹ, cộng đồng; mà chúng còn là bi kịch của một tính cách táo bạo và tràn đầy năng lượng, nhưng lại thiếu đi những phương tiện tích cực để thỏa mãn tính cách đó của mình.

Số phận của những đứa trẻ có mức độ phản ứng cao nhất còn đồng thời bị ảnh hưởng bởi thế giới xung quanh chúng—có lẽ thậm chí còn nhiều hơn so với một đứa trẻ trung bình, dựa theo một lý thuyết có tính đột phá mới mang tên “Lý Thuyết Hoa Phong Lan” (“the orchid hypothesis”) bởi David Dobbs, đăng trên tờ “The Atlantic”. Lý thuyết này cho rằng có nhiều trẻ em như hoa bồ công anh vậy, có thể sinh trưởng dễ dàng ở gần như bất cứ mọi môi trường sống. Nhưng có những đứa trẻ khác, bao gồm cả loại có-mức-độ-phản-ứng-cao mà Kagan đã nghiên cứu, thì giống hoa phong lan hơn: chúng héo tàn rất dễ dàng, nhưng đồng thời, dưới đúng điều kiện thích hợp lại có thể lớn mạnh và trở nên rất tuyệt vời.

Theo Jay Belsky, một giáo sư tâm lý học và một chuyên gia chăm sóc trẻ em tại Đại học London, là một trong những người ủng hộ hàng đầu cho quan điểm này, thì mức độ phản ứng của hệ thần kinh ở những đứa trẻ này khiến chúng rất dễ bị ảnh hưởng nặng nề bởi những bất hạnh khi còn nhỏ (như bị đối xử tàn tệ, tiếp xúc sớm với bạo lực gia đình, vv—chú thích của người dịch); nhưng cũng đồng thời giúp chúng có thể thu được nhiều lợi ích từ một môi trường nuôi dưỡng cẩn thận hơn nhiều so với những đứa trẻ khác. Nói một cách khác, những đứa trẻ hoa phong lan có thể dễ dàng bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi mọi loại trải nghiệm, bất kể là tích cực hay tiêu cực.

Các nhà khoa học từ lâu đã biết rằng những tính cách có-mức-độ-phản-ứng-cao thường đi kèm với những mối nguy tiềm tàng. Những người này đặc biệt dễ thương tổn hơn rất nhiều trước những thử thách như căng thẳng trong hôn nhân, cái chết của cha mẹ, hay bị lạm dụng. Họ có xu hướng cao hơn các đồng bạn của mình trong việc trở nên tuyệt vọng, lo lắng, và sợ sệt trước những tình huống như vậy. Quả thực thế, một phần tư trong số những đứa trẻ có-mức-độ-phản-ứng-cao của Kagan đã phải chịu đựng đến mức độ nào đó một chứng bệnh có tên “chứng rối loạn lo lắng xã hội” (social anxiety disorder), một dạng sợ sệt, nhút nhát mãn tính và có khả năng tàn phá kinh hoàng.

Điều các nhà khoa học không nhận ra cho tới tận gần đây, đấy là những mối nguy tiềm tàng này còn có một mặt tốt. Nói một cách khác, cả sự nhạy cảm và sức mạnh đều nằm trong cùng một gói hàng. Các nghiên cứu đã chỉ ra: những đứa trẻ có-mức-độ-phản-ứng-cao mà được dạy bảo tốt, được cha mẹ quan tâm, và có một môi trường gia đình ổn định thì thường có ít rắc rối về mặt cảm xúc, cũng như có nhiều kỹ năng xã hội hơn so với những đồng bạn có-mức-độ-phản-ứng-cao của mình. Thông thường chúng sẽ cực kỳ giàu lòng cảm thông, tính thích chu đáo quan tâm, và rất có tinh thần hợp tác. Chúng tốt bụng, tận tình và cẩn thận; rất dễ cảm thấy khó chịu bởi sự tàn ác, bất công và vô trách nhiệm. Chúng dễ thành công ở những thứ quan trọng với chúng. Chúng không nhất thiết sẽ trở thành những lớp trưởng, khối trưởng, hay các ngôi sao chính trong những vở diễn ở trường, Belsky nói với tôi, mặc dù những điều này vẫn có thể xảy ra. “Với một số đứa, đó sẽ là trở thành lãnh đạo của cả lớp. Với những đứa khác, nó sẽ ở dưới dạng học rất giỏi ở trường lớp, và được mọi người yêu mến”.

Những mặt tốt của tính cách có-mức-độ-phản-ứng-cao này đã được ghi lại trong các nghiên cứu đầy thú vị mà các nhà khoa học đến tận gần đây mới bắt đầu ráp nối lại với nhau. Một trong những khám phá thú vị nhất, cũng đồng thời được nhắc đến trong bài viết công bố của Dobbs trên tờ “The Atlantic”, đến từ thế giới của loài khỉ rhesus; một giống loài có đến khoảng 95 phần trăm ADN giống với của con người, và cũng có những thể chế xã hội phức tạp giống như của chúng ta vậy.

Ở những cá thể khỉ này, cũng như ở con người, có một loại gen được biết đến với cái tên gen vận chuyển serotonin (SERT), hay 5-HTTLPR, giúp điều khiến quá trình xử lý serotonin, một chất dẫn truyền thần kinh có tác dụng ảnh hưởng tới cảm xúc. Một biến thể cụ thể của nó, hay còn gọi là một alen (gen đẳng vị), của gen này, đôi lúc được gọi là alen ngắn, được tin rằng có liên kết với mức độ phản ứng cao và tính cách hướng nội, cũng như nguy cơ cao dễ rơi vào trầm cảm ở những người có cuộc sống khó khăn. Khi những cá thể con với loại alen này tiếp xúc với stress—như trong một thí nghiệm, chúng bị tách khỏi mẹ mình và được nuôi lớn như một con khỉ mồ côi—chúng xử lý serotonin kém hiệu quả hơn hẳn (một yếu tố dễ tạo nên trầm cảm và lo sợ) so với những con khỉ có alen dài cùng chịu sự thiếu thốn tương tự. Nhưng những con khỉ con với cùng bộ mã gen dễ tổn thương đó, khi được nuôi lớn bởi những con mẹ chăm sóc chúng cẩn thận, lại có thể làm tốt ngang bằng hoặc thậm chí tốt hơn những đồng bạn có alen dài của chúng—kể cả những con cũng được sống trong môi trường an toàn tương tự—trong những hoạt động xã hội quan trọng như tìm kiếm bạn chơi cùng, xây dựng liên minh, và giải quyết xung đột. Chúng thường trở thành thủ lĩnh trong nhóm của mình. Chúng cũng đồng thời xử lý serotonin hiệu quả hơn nhiều.

Stephen Suomi, nhà khoa học đã tiến hành những nghiên cứu này, suy đoán rằng những cá thể khỉ rhesus có-mức-độ-phản-ứng-cao này đạt được thành công nhờ vào khối lượng thời gian khổng lồ mà chúng đã dành để quan sát hơn là tham gia vào nhóm, hấp thụ đến một mức độ sâu sắc các quy luật của giao tiếp xã hội. (Đây là lý thuyết có thể là lời nhắc nhở cho những bậc cha mẹ của nhiều đứa trẻ có- mức-độ-phản-ứng-cao luôn nán lại kiên nhẫn quan sát ở ngoài rìa nhóm bạn của chúng, đôi lúc tới hàng tuần, trước khi hòa nhập vào với nhóm thành công).

Các nghiên cứu trên người đã cho thấy ở các cô gái vị thành niên với alen ngắn trong gen SERT có xu hướng dễ bị trầm cảm cao hơn đến 20% so với những cô gái có alen dài khi cùng phải đối mặt với những môi trường gia đình nhiều áp lực căng thẳng; nhưng lại ít bị trầm cảm hơn đến 25% khi được nuôi dưỡng trong những gia đình ổn định. Tương tự, những người lớn với alen ngắn đã cho thấy có nhiều lo lắng hơn vào buổi đêm so với những người khác khi họ phải trải qua những ngày căng thẳng, nhưng lại có ít lo lắng hơn so với những người khác sau những ngày bình yên. Những trẻ em bốn tuổi có-mức-độ-phản-ứng-cao thường đưa ra những câu trả lời theo hướng vì người khác khi phải đối mặt với những nan đề đạo đức (moral dilemmas: tình huống khi một người buộc phải chọn lựa giữa hai nguyên tắc đạo đức xung đột nhau—chú thích của người dịch); nhưng điều này chỉ tiếp tục đúng khi chúng lên năm tuổi nếu mẹ chúng dùng những biện pháp kỷ luật nhẹ nhàng, thay vì đay nghiệt. Các trẻ em có-mức-độ-phản-ứng-cao được nuôi lớn trong môi trường nhiều khuyến khích, cảm thông có thể chống chịu bệnh cảm thông thường cũng như các bệnh về đường hô hấp khác tốt hơn nhiều so với những đứa trẻ khác; nhưng chúng cũng đổ bệnh dễ hơn nhiều nếu được nuôi lớn trong một môi trường nhiều áp lực căng thẳng. Alen ngắn trong gen SERT cũng đồng thời có liên hệ với mức độ hoạt động hiệu quả hơn trong một loạt các hoạt động nhận thức khác nhau.

Những khám phá này ấn tượng đến nỗi quả thực khó tin rằng chưa ai chạm được đến chúng cho tới tận gần đây. Khó tin, nhưng có lẽ cũng không có gì quá bất ngờ. Các nhà tâm lý học được đào tạo để chữa trị, do vậy những nghiên cứu của họ tự nhiên cũng tập trung chủ yếu vào những vấn đề và các dấu hiệu bệnh lý. “Cứ như họ là, nói một cách hình tượng, những thủy thủ luôn quá bận rộn nhìn xuống dưới làn nước để tìm dấu hiệu của những tảng băng trôi có thể làm chìm tàu của họ,” Belsky viết, “đến mức họ không nhận ra rằng chính leo lên đỉnh của một tảng băng trôi lại có thể giúp họ vạch một lối đi an toàn hơn qua cả vùng biển đầy băng này”.

Các bậc cha mẹ của những đứa trẻ có-mức-độ-phản-ứng-cao này là những người cực kỳ may mắn, Belsky nói với tôi. “Công sức và nỗ lực họ bỏ ra thực sự có thể tạo nên sự khác biệt. Thay vì nhìn con mình như những kẻ dễ bị tổn thương trước những hoàn cảnh khó khăn, các bậc cha mẹ nên nhìn chúng như những thứ có thể uốn nắn dễ dàng—tệ hơn, nhưng đồng thời cũng tốt hơn”. Ông miêu tả rõ ràng bậc cha mẹ lý tưởng của một đứa trẻ có-mức-độ-phản-ứng-cao: một người có thể “đọc những tín hiệu của bạn, và tôn trọng sự độc lập của bạn; một người ấm áp, nhưng cũng mạnh mẽ khi ra lệnh cho bạn mà không cần phải hà khắc hay cay nghiệt; khuyến khích trí tò mò, các thành tích cao trong học tập, dạy bạn bỏ qua món lợi tức thời để có được lợi ích về lâu dài trong tương lai, biết tự kiềm chế bản thân; và không hề cay nghiệt, hờ hững với con cái, hay có tính khí thất thường”. Lời khuyên này là vô cùng phù hợp với mọi bậc cha mẹ, tất nhiên, nhưng nó là cực kỳ tối quan trọng cho việc nuôi dạy một đứa trẻ có-mức-độ-phản-ứng-cao. (Nếu bạn nghĩ con bạn có thể có mức độ phản ứng cao, có thể ngay lúc này bạn đang tự hỏi mình liệu bản thân có thể làm gì nữa để giúp khuyến khích cô bé hoặc cậu bé của bạn. Chương 11 có thể sẽ có một vài câu trả lời cho bạn).

Nhưng kể cả những đứa trẻ hoa phong lan cũng có thể chịu được một vài tình huống khó khăn, Belsky nói. Lấy ly hôn làm một ví dụ. Nhìn chung, nó sẽ có ảnh hưởng tiêu cực lên những đứa trẻ hoa phong lan nhiều hơn những đứa trẻ khác: “Nếu hai bậc cha mẹ cãi nhau rất nhiều, và lôi con họ vào giữa, vậy thì hãy cẩn thận, đây là đứa trẻ sẽ suy sụp”. Nhưng nếu hai bậc cha mẹ sau khi ly hôn vẫn giữ quan hệ hòa thuận, và nếu họ vẫn cung cấp cho con họ những yếu tố chăm sóc về tinh thần khác nó cần, thì kể cả một đứa trẻ hoa phong lan vẫn có thể sống tốt.

Hầu hết mọi người hẳn sẽ rất trân trọng sự linh hoạt từ thông điệp này, tôi tin là vậy; ít ai trong chúng ta lại có một tuổi thơ không hề có một rắc rối gia đình nào.

Nhưng có một dạng linh hoạt khác mà chúng ta đều mong có thể áp dụng được vào cho câu hỏi: chúng ta là ai và chúng ta trở thành gì. Chúng ta muốn có quyền tự quyết định số phận của chính chúng ta. Chúng ta muốn bảo vệ những mặt tích cực trong tính cách của chúng ta, và cải thiện, thậm chí là loại bỏ, những phương diện chúng ta không thích—ví dụ như nỗi sợ nói trước đám đông. Bên cạnh thiên tính bẩm sinh của mỗi chúng ta, bên cạnh cả sự may rủi trong những trải nghiệm tuổi ấu thơ của chúng ta, chúng ta vẫn muốn tin rằng chúng ta—với tư cách là những người trưởng thành—có thể tự mình định hình chính mình, và tự biến cuộc sống của mình thành những gì mà chúng ta muốn.

Liệu chúng ta có thể không?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.