Trí Thông Minh Thực Dụng
Chương 14: Kiểm Nghiệm Thực Tế
“Thực tế chỉ là ảo ảnh, dù đó là một ảo ảnh lâu dài.”
– ALBERT EINSTEIN –
Chúng ta hoàn thành sứ mệnh của mình trong thế giới này như thế nào có liên quan rất nhiều tới việc chúng ta nhìn nhận thế giới chính xác tới đâu. Việc chúng ta đều nghĩ rằng, mình đang nhìn nhận mọi việc một cách khách quan, chỉ là ảo tưởng. Tất cả nhận thức và nhận xét của chúng ta đều bị ảnh hưởng bởi những trải nghiệm trong quá khứ và cách chúng ta nhìn các trải nghiệm này. Tuy nhiên, như đã nói từ trước, điều quan trọng là chúng ta phải nỗ lực hết sức để nhìn thế giới chân thực hết mức có thể. Nếu không thể nhìn mọi việc như bản chất vốn có của chúng thì chúng ta có thể sẽ bỏ qua các cơ hội. Có được cách nhìn thực tế về thế giới cũng sẽ giúp chúng ta tránh đưa ra những quyết định tồi. Các quyết định phải được đưa ra dựa trên bằng chứng và thực tế, chứ không phải dựa trên những ý nghĩ viển vông hoặc sự mơ tưởng.
Các quan điểm khác
Một trong những cách tốt nhất để bám sát thực tế là hãy xem xét thông tin từ càng nhiều nguồn càng tốt. Ví dụ, tôi luôn đọc các chuyên mục đưa ra các quan điểm chính trị đối lập với quan điểm của tôi. Dù hiếm khi tôi đồng ý với các ý kiến của họ nhưng điều quan trọng là xem cách lập luận đằng sau những quan điểm này. Cùng lúc đó, đọc những bài chỉ trích các quan điểm tôi ủng hộ sẽ tạo thách thức cho tôi không ngừng nghĩ lại cơ sở của niềm tin và những nhận xét của mình. Khi phải thay đổi chỗ đứng chính trị, khi không thể biện minh cho nó được nữa, tôi thích nghĩ rằng tôi sẽ lại có thể thay đổi, nếu phát hiện ra là còn có những niềm tin chính trị khác có nghĩa hơn. Để người khác nghĩ giúp mình bao giờ cũng đơn giản hơn và nhiều người đã phó thác cuộc sống của mình theo lối này. Luôn có những thành viên trong gia đình, bạn bè, nhà chính trị, các lãnh đạo tôn giáo, quản lý, hoặc đồng nghiệp vô cùng sung sướng chỉ bảo cho chúng ta biết chúng ta phải sống thế nào. Sẽ dễ dàng hơn nếu để ai đó chỉ cho chúng ta phải sống ra sao, và nhờ thế mà tránh được trách nhiệm khi chúng ta phải tự đưa ra sự lựa chọn cho mình. Cái giá phải trả cho quyết định này là chúng ta từ bỏ quyền tự kiểm soát cuộc đời mình và giao phó nó cho người khác.
Thôi thúc thoát khỏi hiện thực
Con người nghĩ ra vô số cách để tránh và thoát khỏi hiện thực. Tôi từng đọc một bài báo viết về vấn đề hưu trí trong một xuất bản phẩm hàng đầu về tài chính. Bài báo đưa ra một số lượng lớn đáng kinh ngạc những người được hỏi về kế hoạch nghỉ hưu trả lời rằng, trúng số độc đắc có vai trò quan trọng. Điều này thật sự đáng sợ vì thực tế cuối cùng sẽ đập tan ảo tưởng của họ. Nghiện cho dù là ma túy, rượu, trò chơi điện tử, ti vi hoặc ngay cả mua sắm, cũng thường là những cố gắng để thoát khỏi một hiện thực nào đó chúng ta không thể hoặc không sẵn sàng giải quyết. Một vài kiểu nghiện, như nghiện có một cơ thể cân đối khỏe mạnh, có thể được coi là một điều tích cực, khi chúng làm tăng cảm giác khỏe mạnh và lòng yêu cuộc sống. Nhưng nếu bị ám ảnh với điều đó thì lại là không lành mạnh, nếu nó được sử dụng để thoát khỏi thực tế rằng cơ thể chúng ta đang già đi.
Dù không nghi ngờ là thực tế không dễ chịu với rất nhiều người nhưng thoát khỏi nó không phải là giải pháp. Có lúc khi thực tế quá khủng khiếp đến nỗi vì lý do tâm lý, chúng ta phải tạm thời trốn khỏi nó để giúp chúng ta giữ sự minh mẫn. Khi mẹ tôi sắp qua đời vì căn bệnh ung thư trong bệnh viện, chúng tôi hầu như lúc nào cũng có thể nói cởi mở về nó. Tuy nhiên, cũng có lúc mẹ tôi không muốn đối mặt với hiện thực vào thời điểm đó và bà nói với tôi như vậy. Đây là cơ chế đối mặt lành mạnh. Tình huống sẽ khác nếu cả hai chúng tôi cùng giả vờ như không có gì bất ổn và nói rằng bà sẽ nhanh chóng được trở về nhà. Điều này có thể đánh lừa cả hai chúng tôi khiến chúng tôi mất đi cơ hội giải quyết những vấn đề còn tồn tại và nói lời tạm biệt.
CÁC CÁCH ĐỐI MẶT VỚI HIỆN THỰC
Có hai cách mọi người lựa chọn để giải quyết hiện thực. Nhóm đầu tiên là những người có xu hướng nhìn mọi việc theo hướng tiêu cực. Họ là những nhà tiên tri chuyên dự đoán những điều sầu thảm và chúng ta biết tới họ với tên gọi là những người bi quan. Họ học được cách nhìn mọi thứ từ những gì họ trải nghiệm dưới thứ ánh sáng tăm tối nhất có thể. Tất cả chúng ta đều biết những người kiểu này và có thể tránh họ như tránh tà. Các diễn giả tạo động lực khuyên chúng ta nên chạy xa khỏi những người tiêu cực vì họ sẽ dìm chúng ta xuống. Nếu một nhóm người có một cá nhân tiêu cực trong đó thì cá nhân đó có thể làm giảm năng lượng của cả nhóm. Đây sẽ là nhóm bỏ lỡ nhiều cơ hội vì đơn giản là họ không thể nhìn thấy các cơ hội đó, vì họ còn đang bận rộn tập trung vào các vấn đề rắc rối. Tránh né trở thành cơ chế đối phó của họ. Họ trở nên cứng nhắc và thiếu linh hoạt với hy vọng rằng không điều gì thay đổi, vì với họ mọi sự thay đổi đều là xấu.
Mặt khác lại có những người có xu hướng nhìn mọi việc dưới ánh sáng tích cực. Đây là những người lạc quan. Không phải những người lạc quan không nhìn thấy mặt tiêu cực của cuộc sống; chỉ đơn giản là là họ lựa chọn tập trung vào những điều tích cực. Nhóm nguy hiểm không nên tham gia là nhóm lựa chọn không nhìn nhận những nét tiêu cực của cuộc sống. Thường được gọi với cái tên Pollyannas, những người này thường giảm nhẹ và nghĩ tốt về mọi thứ họ trải qua. Mọi người thường tránh những người kiểu này, không phải vì họ vắt kiệt năng lượng và dìm họ xuống, mà bởi vì họ có thể rất khó chịu trong cách phủ nhận. Không giống những người bi quan sợ thay đổi, nhóm này rất lạc quan với các thay đổi vì họ luôn hướng tới những điều khác nhau. Không thể hoặc không sẵn sàng nhìn nhận những nguy hiểm thật sự, họ thường đưa ra các quyết định tồi tệ. Đây là những nạn nhân thường bị những người kém trung thực hơn lợi dụng.
Con đường lành mạnh không bỏ qua mặt tối của bản chất con người và cũng không tập trung cuộc sống của chúng ta vào đó. Bất kỳ khi nào có thể, sẽ là lành mạnh và viên mãn hơn để tập trung vào mặt sáng của vấn đề.
“Thực tế là điều khi bạn không còn tin vào nó nữa, nó vẫn không đi mất.”
– PHILIP K. DICK, NHÀ VĂN –
Câu chuyện của Jody Lisa và Jody gặp nhau khi tham gia nhóm trợ giúp những người phụ nữ bị lạm dụng. Hai người bắt đầu đi uống cà-phê với nhau sau các buổi nhóm gặp mặt vào các tối thứ Tư. Jody vẫn ở với John, người cô lấy làm chồng đã 20 năm. Thay vì tìm kiếm tình yêu, hạnh phúc, và tất cả những điều tốt đẹp khác trong cuộc sống chung, Jody đưa ra quyết định kết hôn chỉ để trốn tránh nỗi cô đơn và nỗi lo sợ trở thành gái già. Sự bạo hành bắt đầu trong sáu tháng sau đám cưới. John thường xuyên nói cô ngu xuẩn và bắt đầu xúc phạm cô và gia đình cô. Thỉnh thoảng khi quá tức giận, John lại đánh cô. Họ rất ít khi bên nhau và hiếm khi đi ra ngoài. Nói rằng mình phải đi công tác xa, John thường đi mỗi lần một tuần và hiếm khi gọi cho vợ những lúc xa nhà. Có lần cô gọi đến khách sạn nơi John nói đang tham dự một hội thảo liên quan tới công việc. Nhân viên lễ tân nói với Jody rằng chồng cô không có tên trong danh sách khách nghỉ và không có hội thảo nào của công ty anh ta ở đó cả. Khi cô nói thẳng với chồng điều này, anh ta nói rằng anh ta ở một khách sạn khác nhưng quên mất tên. Khi cô kể cho các bạn cô nghe chuyện này thì với họ, hiển nhiên là chồng cô đang ngoại tình. Tuy nhiên, Jody tiếp tục phủ nhận, bào chữa cho John. Lúc này, tất cả bạn bè và gia đình của Jody đều thấy là mối quan hệ của họ không còn tốt nữa và khuyên cô nên ra đi. Cho dù nhận được nhiều đề nghị giúp đỡ từ một số người bạn, thậm chí cho cô một chỗ ở tạm thời nếu cô ra đi, cô vẫn phớt lờ thực tế mà các bạn và gia đình cô nhìn thấy rõ ràng. Nỗi sợ hãi phải ở một mình khiến cô mắc kẹt trong mối quan hệ không hạnh phúc và bất ổn. Trong mối quan hệ với chồng, cuộc đời của cô bị cầm tù. Cô vẫn làm công việc không có hướng mở và chỉ duy trì liên lạc với một vài người bạn từ thời đại học nhưng không làm gì để mở rộng tầm quan hệ hay sở thích. Một người bạn của cô để ý là cô vẫn mặc một số quần áo từ thời đại học. Người bạn đó nghĩ rằng Jody bị trầm cảm và bảo cô đi tư vấn. Jody bỏ ngoài tai gợi ý đó và nói rằng tư vấn viên cũng không làm được gì nhiều. Khi người bạn vẫn đang tận hưởng cuộc sống độc thân của cô nói với Jody rằng mình đang sống hạnh phúc thế nào thì Jody, trông chán nản, thốt ra rằng, “Ít nhất thì tớ đã có chồng.” Người bạn của cô nghĩ rằng thật đáng buồn khi coi đây là dấu hiệu cho thấy cuộc đời Jody đã trở nên vô nghĩa và tuyệt vọng như thế nào. Dù chồng Lisa chưa bao giờ đánh cô nhưng anh ta luôn ném bát đĩa vào tường. Cô đã nghe nói là bạo lực với đồ vật thường dẫn tới bạo lực với con người, và cô sợ rằng mình sẽ là mục tiêu kế tiếp khi anh ta giận dữ. Anh trai, bạn bè và ngay cả mẹ cô cũng thúc giục cô ra đi. Sau 14 năm kết hôn, trong khi chồng cô đi công tác vài ngày ở thành phố khác, cô gọi người chuyển đồ, thu dọn đồ đạc và ra đi mãi mãi. Trong hai năm, cuộc sống của Lisa chuyển từ việc phải đối mặt với sự đổ vỡ sang trở nên tươi mới. Khi lần đầu tham gia nhóm trợ giúp, cô đang bị tổn thương trầm trọng và rất cần sự động viên. Giờ đây khi đã cảm thấy mạnh mẽ và tự tin vào bản thân hơn nhiều, cô vẫn ở lại nhóm, chủ yếu để giúp đỡ các thành viên mới như Jody. Nhận được rất nhiều từ nhóm trợ giúp lúc cô rất cần được giúp đỡ, cô cảm thấy mình cần phải đền đáp điều gì đó. Khi Lisa và Jody mới bắt đầu gặp nhau riêng sau các buổi gặp mặt nhóm, Lisa lắng nghe và giúp Jody rất nhiều. Cô thấu cảm với Jody bởi chỉ ai đã trải qua mới có thể thấu cảm được điều đó. Sau vài tháng, Lisa nhận thấy là Judy chưa bao giờ đề cập đến bất kỳ kế hoạch nào cho việc bỏ chồng. Khi Jody đề nghị chồng tham gia buổi tư vấn dành cho hai người, anh ta kiên quyết từ chối và nói với cô rằng, tất cả các vấn đề của họ đều là lỗi của cô và cô quá may mắn khi tìm được người như anh ta, người có thể chịu đựng những thứ tào lao của cô. Anh ta không biết Jody đang tham gia nhóm vì cô nói dối anh ta rằng lịch làm việc của cô thay đổi và cô phải làm việc muộn vào các ngày thứ Tư. Cô sợ rằng anh ta sẽ nổi giận nếu biết chuyện. Với Lisa cũng như với nhiều thành viên khác trong nhóm thì rõ ràng ra đi là lựa chọn duy nhất. Họ cùng hy vọng rằng Jody sẽ tự mình đi tới quyết định và họ sẽ bước vào và giúp đỡ cô hết lòng. Càng ngày họ càng thấy bực mình vì điều đó không có vẻ gì sẽ xảy ra. Hết tuần này qua tuần khác vẫn là những lời phàn nàn cũ rích nhưng không có kế hoạch hành động nào để giải quyết vấn đề đó. Cuối cùng, sau một buổi tối uống cà-phê, Lisa hỏi Jody khi nào cô định ra đi. Jody lảng tránh câu hỏi và cả buổi tối còn lại lại phàn nàn về việc sống khủng khiếp với John. Lisa tiếp tục thúc ép Jody lên kế hoạch thoát khỏi cơn ác mộng này. Một vài thành viên khác của nhóm bắt đầu mệt mỏi với việc phải lắng nghe Jody phàn nàn về cuộc sống với John tuần này qua tuần khác, nhưng lại không làm gì để giải quyết vấn đề. Họ nói thẳng với cô rằng, họ sẽ có mặt giúp cô nếu cô từ bỏ tên xuẩn ngốc đó nhưng họ không muốn lãng phí thời gian nghe cô nữa nếu cô tiếp tục than vãn. Lúc đó cô bắt đầu khóc. Cô thường làm thế khi ai đó nói với cô điều cô không muốn nghe. Chứng kiến Jody bị mắc kẹt trong mối quan hệ tồi tệ đang tàn phá cuộc đời cô, Lisa tiếp tục đưa ra chủ đề rời bỏ John. Lúc ấy, Jody trở nên tức giận và buộc tội Lisa là ghen tị với cô vì cô có chồng, còn Lisa thì không. Lisa choáng váng, hoàn toàn không thể hiểu Jody thấy điều gì tích cực trong cuộc hôn nhân này. Cô quyết định chờ cho đến khi Jody có thể đối mặt được với thực tế, còn hiện tại, tất cả những gì Jody đang làm chỉ giúp cô duy trì một mối quan hệ bất ổn và phá hoại. Lúc này, cô bảo Jody rằng khi nào Jody quyết định chấm dứt mối quan hệ này, cô sẽ có mặt để giúp cô. Lúc đó, Jody không muốn tiếp tục tình bạn của họ nữa. Vì Jody tự xa lánh khỏi các bạn do không ngừng phàn nàn tại nơi làm việc và với cả nhóm trợ giúp nên cô thấy mình không còn sự giúp đỡ để đưa ra bất kỳ thay đổi nào nữa. Cô cảm thấy mình bị sa lầy và hoàn toàn không biết mình đã bị mắc kẹt như thế nào. |
Kỹ thuật kiểm nghiệm thực tế
Ø Luôn tìm kiếm càng nhiều nguồn thông tin và ý kiến càng tốt trước khi phát triển quan điểm về các vấn đề quan trọng.
Ø Tìm kiếm các ý kiến và quan điểm khác với ý kiến và quan điểm của bạn. Hãy tự hỏi mình, tại sao những người này lại tin là họ đúng. Họ có bằng chứng gì?
Ø Tìm hiểu càng nhiều người càng tốt, để xem họ có nhìn nhận sự việc như bạn không.
Ø Cố gắng nói ra ý kiến của bạn với những người có suy nghĩ khác bạn.
Ø Luyện tập nhìn sự việc từ nhiều góc độ khác nhau. Có một cách là tranh luận với gia đình và bạn bè về các vấn đề khác nhau. Chọn quan điểm đối nghịch và bảo vệ quan điểm đó.
Ø Khi bạn cảm thấy bạn đã điều tra kỹ càng một vấn đề hay một tình huống, hãy đưa ra quyết định.
Ø Nếu bạn nhận được phản hồi từ nhiều nguồn khác nhau mà theo đó cách bạn nhìn mọi việc có sai sót, hãy chuẩn bị xem xét lại các niềm tin của mình.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.