Trí Thông Minh Thực Dụng
Phần VI: Tâm Trạng Chung – Chương 18: Hạnh Phúc
“Bí quyết của hạnh phúc là: hãy trải rộng niềm hứng thú, hãy thân thiện hết sức có thể với những việc và những người khiến bạn hứng thú, thay vì thái độ thù địch.”
– BERTRAND RUSSELL, TRIẾT GIA, NHÀ TOÁN HỌC NGƯỜI ANH, GIẢI NOBEL VĂN HỌC NĂM 1950 –
Bạn có hạnh phúc không? Đây hẳn là một trong những câu hỏi cơ bản nhất trong cuộc sống, câu chúng ta từng hỏi và từng được hỏi rất nhiều lần. Tất cả chúng ta đều nghĩ rằng chúng ta hiểu về hạnh phúc, nhưng có thật vậy không? Chúng ta có biết khi nào mình cảm thấy vui? Chúng ta có thật sự có thể nói ai đó gần gũi với chúng ta đang hạnh phúc không?
Vào cuối ngày, sau khi chúng ta đã nói và làm tất cả mọi thứ, hạnh phúc dường như là điều quan trọng nhất. Sau cùng, nếu rốt cuộc chúng ta không có hạnh phúc, thì những thứ còn lại phỏng có ích gì? Người Mỹ quá bị mê hoặc bởi ý niệm hạnh phúc đến nỗi họ đặt cho nó một vị trí quan trọng trong Hiến pháp Mỹ. Đó là quyền được mưu cầu hạnh phúc. Nhưng vì sao, cho dù chúng ta có của cải vật chất khiến hàng triệu người kém may mắn hơn phải ghen tỵ, thì vẫn có nhiều người trong chúng ta không thỏa mãn? Ở Bắc Mỹ, dù về cơ bản thu nhập của mọi người đều tăng trong hơn 40 năm qua nhưng mức độ hạnh phúc không tăng tương ứng. Có đến 25% người Mỹ nói rằng họ bị trầm cảm. Chưa đến 30% người Mỹ nói rằng họ thấy rất hạnh phúc.
Bí quyết là gì? Không có bí quyết nào cả
Không có bí quyết thật sự nào cho việc tìm kiếm hạnh phúc. Chúng ta không thấy một công thức thần kỳ nào đó chỉ ra rằng một số người đã tìm ra bí quyết đó và những người khác thì không. Tất cả nghiên cứu được tiến hành đối với những người vui vẻ cũng cho những câu trả lời tương tự. Một phần hạnh phúc trong chúng ta do gen quyết định. Chúng ta được nuôi dưỡng với một mức độ hạnh phúc cố hữu chúng ta được thừa hưởng khi sinh ra. Các ước tính cho thấy gen quyết định khoảng 50% mức độ hạnh phúc của mỗi người. Hạnh phúc ở mỗi người được lập sẵn ở một cấp độ nào đó và tuy các sự kiện trong đời có thể làm thay đổi cấp độ đó nhưng chỉ trong một vài năm dường như chúng ta lại quay trở về cấp độ đó. Dường như không có sự khác biệt giữa việc một sự kiện làm tăng hay giảm niềm hạnh phúc của chúng ta. Những người trúng số độc đắc trở nên hạnh phúc hơn chỉ trong một thời gian ngắn nhưng sau một vài năm họ lại quay trở lại cấp độ hạnh phúc lúc trước. Điều tương tự cũng đúng với những người không may phải gắn bó cả đời với chiếc xe lăn. Người ta thấy rằng chỉ sau một vài năm họ lại quay trở về cấp độ hạnh phúc lúc trước.
Các đặc tính của hạnh phúc
Dan Baker, giám đốc chương trình Life Enhancement (Nâng cao cuộc sống) tại Canyon Ranch, đã được trực tiếp trải qua những điều khiến con người hạnh phúc. Trong cuốn What Happy People Know (Tạm dịch: Điều những người hạnh phúc hiểu), ông chia sẻ rằng:
Bạn không thể quyết định việc mình sẽ trở nên hạnh phúc, cũng giống như bạn không thể quyết định mình có thể cao hơn. Đó là vì hạnh phúc không phải là một thực thể hữu hạn trong chính bản thân nó, mà nó là sự tổng hợp của 12 đặc tính quan trọng của hạnh phúc: tình yêu, niềm lạc quan, sự can đảm, cảm giác tự do, tinh thần tiên phong, sự an toàn, sức khỏe, tinh thần, lòng vị tha, tầm nhìn, sự hài hước và mục đích. Đây là những điều bạn nên quyết tâm có được.
Một trong những cách phát triển các đặc tính này là làm những điều khiến chúng ta cảm thấy hài lòng. Bất kỳ khi nào làm điều gì khiến bản thân cảm thấy hài lòng, chúng ta lại càng dễ tiếp thu tất cả các đặc tính dẫn chúng ta đến với hạnh phúc. Thông thường, điều khiến tôi thấy thích thú là ngắm nghía hai chú chó xù màu mơ của mình, Buddy và Korky. Tôi có thể ngồi hàng giờ đồng hồ trên ghế sofa, mỗi con nằm cuộn tròn một bên, khoan khoái khi được tôi gãi hoặc vuốt ve. Điều nữa khiến tôi hạnh phúc là công việc viết lách. Khi hứng khởi giải thích điều gì tôi cho là quan trọng, tôi thấy mình hoàn toàn đắm chìm vào việc đó.
Hãy tìm kiếm những điều khiến bạn say mê, có thể chiếm toàn bộ sự tập trung và chú ý của bạn. Hãy tìm kiếm cơ hội được làm nhiều những việc hoàn toàn lôi cuốn bạn, luôn tìm kiếm và thử những điều mới lạ bạn cho rằng mình sẽ thích. Hãy nghĩ tới một bài hát khiến bạn cảm thấy vui, nhưng tốt hơn vẫn là hát một bài hát hoặc giai điệu lạc quan hạnh phúc. Luôn cởi mở đón các trải nghiệm mới vì không phải lúc nào chúng ta cũng có thể đánh giá đúng chúng ta có thích điều gì đó không cho đến khi thật sự thử. Hãy giữ một tâm hồn rộng mở trước tất cả các trải nghiệm mới. Hãy coi việc khám phá hạnh phúc là một cuộc phiêu lưu.
Những thói quen tinh thần của những người hạnh phúc
Marci Shimoff tìm ra 100 người hạnh phúc nhất và tiến hành nghiên cứu xác định họ có điểm gì chung. Bà phát hiện ra rằng: “Thay vì bị các ý nghĩ tiêu cực giày vò hoặc liên tục ở trong trạng thái chiến đấu hay thoái lui, những người hạnh phúc có thói quen cho phép họ có thể phản ứng dễ dàng hơn từ trung tâm não bộ cao hơn, vùng não mới (neo-cortex). Sau những cuộc phỏng vấn 100 người hạnh phúc nhất, tôi thấy rằng họ không tin tất cả những điều họ nghĩ.” Theo nghiên cứu của bà, những người hạnh phúc thường không coi suy nghĩ tiêu cực là xác thực, mà họ nghi ngờ giá trị của chúng trong khi nỗ lực vượt lên trên chính những ý nghĩ tiêu cực đó. Họ không dành nhiều thời gian và sức lực để vật lộn với các ý nghĩ tiêu cực, vì họ tự tin sẽ có thể vượt qua những ý nghĩ đó và chúng rồi cũng sẽ qua đi. Những người hạnh phúc thường có những ý nghĩ tích cực và lúc nào cũng cố nghĩ ra dù chỉ là một chút niềm vui.
Mỗi lần thấy mình có ý nghĩ tiêu cực, chúng ta nên tập thói quen cố gắng tìm ra điều gì đó tích cực trong tình huống đó và tập trung vào đó. Lúc đầu, điều này rất tốn công sức nhưng sau một thời gian nó sẽ trở thành phản ứng tự nhiên. Nó sẽ hạn chế thời gian và sức lực chúng ta dành cho điều tiêu cực. Nếu bạn không thể làm điều này, hãy để cho ý nghĩ đó trôi đi. Hãy cố tập trung vào điều gì khác, ví dụ:
- Một bản nhạc yêu thích;
- Một khoảng thời gian vui vẻ bên gia đình hoặc bạn bè;
- Chú ý tới điều gì đó xung quanh bạn và tự hỏi mình những câu hỏi liên quan tới điều đó. Ví dụ, nếu bạn thấy mình cáu giận điều gì khi đang lái xe, hãy chú ý tới những chiếc xe xung quanh bạn. Bạn thấy chiếc nào nổi bật? Hãy tưởng tượng mình đang lái chiếc xe đó.
Đừng vất vả tìm kiếm ý nghĩ tích cực nếu nó không đến ngay, hãy chỉ tập trung vào điều gì đó trung tính. Một số người đeo một chiếc dây chun trên tay và họ bật dây tanh tách mỗi khi thấy mình đang có ý nghĩ tiêu cực. Điều này giúp làm gián đoạn suy nghĩ trong chốc lát và khiến việc chuyển sang ý nghĩ tích cực dễ dàng hơn.
Mặt khác, rút ra càng nhiều ý nghĩ tích cực càng tốt. Hãy tập trung và tạo dựng những ý nghĩ tích cực bằng cách nghĩ về các trải nghiệm tích cực khác khi các ý nghĩ trước bắt đầu mờ dần. Mặc dù khó có thể liên tục theo dõi những điều chúng ta nghĩ nhưng cảm giác là người đánh giá tốt đối với các kiểu suy nghĩ chúng ta đang có. Nếu chúng ta cảm thấy ổn thì đó sẽ là những suy nghĩ tích cực.
Phép màu của khả năng tập trung
Trong cuốn Flow (Tạm dịch: Dòng chảy), tác giả Mihaly Csiszentmihalyi viết rằng, có một mối liên hệ gần gũi giữa hạnh phúc và khả năng tập trung. Ông thiết lập một nghiên cứu phát triển rộng tới mức được tiến hành trên hơn 10.000 người trong khoảng thời gian 25 năm. Các đối tượng nghiên cứu được gọi một cách ngẫu nhiên và được yêu cầu đánh giá mức độ hạnh phúc của họ mỗi khi máy được kích hoạt. Kết quả cho thấy càng tập trung, khi làm bất kỳ nhiệm vụ gì, các đối tượng đều có mức độ hạnh phúc cao hơn. Kỳ lạ là, không phải lúc nào các đối tượng nghiên cứu cũng có thể đoán trước được hoạt động nào sẽ khiến họ hạnh phúc. Tuy nghiên, kết quả cho thấy bất kỳ khi nào hoàn toàn đắm chìm vào điều gì đó và bị kéo ra khỏi sự tập trung đó, họ đều nhận ra rằng trước đó họ đã rất hạnh phúc khi thực hiện hoạt động đó. Từ cuộc nghiên cứu dài hơi này, Csikszentmihalyi kết luận: hạnh phúc có mối liên hệ mạnh mẽ với sự tập trung và chúng ta hiếm khi hạnh phúc nếu chúng ta không tập trung. Một kết luận thú vị khác ông rút ra là chúng ta chỉ trải nghiệm hạnh phúc sau khi sự kiện hoàn tất. Trong khi đang chìm đắm sâu vào sự kiện mang đến cho chúng ta niềm hạnh phúc, chúng ta quá tập trung đến nỗi không nhận ra là mình đang hạnh phúc. Chúng ta chỉ có thể tận hưởng niềm hạnh phúc của trải nghiệm đó sau khi nó đã xảy ra.
Hạnh phúc đến từ bên trong
Nhiều người cảm thấy rằng họ sẽ hạnh phúc khi mua được nhà, tìm được người yêu lý tưởng, có được chiếc xe mới, hoặc được thăng tiến trong công việc. Khi những điều này xảy ra họ cảm thấy thật sự hạnh phúc. Những người khác nghĩ rằng họ sẽ tìm thấy hạnh phúc trong những hành vi gây nghiện như uống rượu hoặc đánh bạc. Điều mà những hành vi này đem lại chỉ là tạm thời gây tê cho nỗi đau bất hạnh. Khi cơn nghiện qua đi họ lại thấy mình bất hạnh hơn bao giờ hết. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng khoảng 50% niềm hạnh phúc của chúng ta là do gen. Rõ ràng chúng ta sinh ra đã có sẵn yếu tố bẩm sinh nhất định liên quan tới hạnh phúc. Tuy nghiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những thứ bên ngoài chúng ta, ví dụ như các sở hữu vật chất và các mối quan hệ với mọi người chỉ chiếm một tỷ lệ phần trăm nhỏ trong hạnh phúc tổng thể của chúng ta, chưa tới 10%. Còn lại 40% hạnh phúc chúng ta tạo ra từ bên trong. Và chúng ta có thể tạo ra hạnh phúc nếu chúng ta ghi nhớ những điều sau.
- Chúng ta lựa chọn cách phản ứng trước mọi tình huống. Như Victor Frankl, người đã sống sót từ trại tập trung, chứng minh, chúng ta là người cuối cùng có khả năng kiểm soát các phản ứng trước mọi tình huống. Ngay khi phải sống giữa nỗi khiếp đảm của trại tập trung, ông vẫn thấy những ví dụ về tình người và sự tử tế. Ông có thể tìm thấy những điều tích cực đủ để ông có thể vượt lên mỗi ngày và sống sót. Một trong những cách chúng ta có thể bồi đắp thói quen tìm kiếm điều tích cực là lưu giữ một cuốn sổ ghi lại những điều chúng ta biết ơn. Vào cuối mỗi ngày, hãy ghi lại tất cả những điều bạn thấy biết ơn trong ngày đó. Càng nghĩ về những điều chúng ta thấy biết ơn, chúng ta càng cảm thấy có thể phản ứng tích cực một cách dễ dàng hơn trong tất cả các tình huống.
- Ai cũng có thể thấy hạnh phúc khi mọi chuyện tốt đẹp; nhưng phải cần rất nhiều trí tuệ xúc cảm để bật cười khi mọi chuyện trở nên rắc rối. Trong những thời điểm tốt đẹp thì ngay cả những người bi quan cũng có thể tìm thấy điều gì đó để cảm thấy biết ơn. Tuy nhiên, trong lúc khó khăn, những người có suy nghĩ chủ đạo là tiêu cực sẽ dễ dàng quay trở lại lối suy nghĩ tiêu cực của mình. Đây là thời điểm thói quen biết ơn hàng ngày tạo nên sự khác biệt hoàn toàn. Trong lúc khó khăn, những người đã quen với suy nghĩ tích cực và trải qua cảm giác tốt đẹp sẽ có một nguồn lớn lao để trông cậy. Chính trong những lúc khó khăn, chúng ta mới nhìn ra được những lợi ích thật sự của việc tạo dựng suy nghĩ tích cực và lòng biết ơn. Những thói quen đó sẽ giúp chúng ta đứng vững qua những giai đoạn khó khăn. Những người lạc quan cũng có thể nói rằng “Chuyện này rồi cũng sẽ qua thôi” vì họ tin rằng vũ trụ cơ bản là một nơi tốt lành và những lúc khó khăn chỉ là tạm thời.
- Đừng đánh giá thấp sức mạnh của người có thể thay đổi tâm trạng những người quanh họ. Bạn đã bao giờ chứng kiến một diễn giả có thể kiểm soát một đám đông, đem đến cho họ những xúc cảm vui mừng, sợ hãi và căm giận mạnh mẽ chưa? Rất nhiều nhà diễn thuyết tài ba có thể khiến những đám đông lớn trở nên điên cuồng. Tất cả chúng ta đều có khả năng to lớn trong việc ảnh hưởng tới tâm trạng của những người xung quanh mình. Bạn đã bao giờ thấy một người tiêu cực kéo tâm trạng cả một nhóm người trong phòng xuống chưa? Mặt khác, bạn đã bao giờ thấy một căn phòng bừng sáng và sống động hơn khi một người lạc quan vui vẻ nói chưa? Hãy trở thành người làm bừng sáng căn phòng khi bạn bước vào. Nếu bạn đã từng trải qua điều này, bạn sẽ biết cảm giác đó tuyệt vời và mạnh mẽ dường nào.
“Cuộc sống của tôi thật tuyệt vời biết bao! Tôi chỉ ước mình đã nhận ra điều đó sớm hơn.”
– COLETTE, NHÀ VĂN PHÁP –
Câu chuyện của Yip Một trong những thói quen xấu tôi vẫn phải khắc phục là chạy quá tốc độ khi lái xe trong thành phố ở những nơi có hạn chế tốc độ. Vì hành vi này mà tôi đã từng nhiều lần phải hầu tòa. Mặc cho tôi đã hết sức cố gắng giải thích cho vị thẩm phán nghe về tình huống hy hữu của mình, thường thì phán quyết vẫn là tôi đã phạm luật. Sau khi ở tòa, tôi phải đứng trong dòng người xếp hàng chờ nộp tiền phạt, chờ tới lượt làm việc tiếp theo của nhân viên thủ quỹ. Đi kèm với điều này bao giờ cũng là trình tự sau. Thường thì người đứng xếp hàng chờ nộp tiền phạt thích chia sẻ nỗi bực dọc với những người cùng chung hoàn cảnh khác. Không ai thấy vui vẻ gì khi phải có mặt ở đó. Không khí ở đây rất ảm đạm; hiếm khi có ai đó mỉm cười hoặc cười to. Nhân viên thủ quỹ tại bàn thu tiền phạt là người đầu tiên họ gặp sau phiên tòa, và cô ta chuẩn bị lấy đi những đồng tiền phải khó khăn lắm họ mới kiếm được. Và tất nhiên, người trút sự tức giận và bực mình vào những người này. Hẳn là đã phải có rất nhiều rắc rối nên người ta mới phải dựng lên một vài tấm biển. Trên các tấm biển có ghi: “KHÔNG DUNG THỨ: Chửi thề, nguyền rủa, hoặc cao giọng sẽ không được dung thứ tại nơi này. Nếu quý vị có những hành vi này, các nhân viên sẽ từ chối phục vụ quý vị.” Gần đây, tôi có đứng xếp hàng tại tòa án địa phương đợi đến lượt nộp phạt vì đi quá tốc độ. Phía trước tôi, trước cửa chắn chỗ nhân viên thủ quỹ ngồi là một người đàn ông châu Á bé nhỏ. Anh ta đang cười rất to, và tiếp tục cười khi đếm tiền trả tiền phạt. Mọi người ngừng việc họ đang làm lại và nhìn trừng trừng vào anh ta. Có thể một số người cho hẳn là anh ta đang say rượu, cao hứng cái gì đó, hoặc “tâm hồn đang lơ lửng ở chỗ khác.” Trước khi đi, anh ta nói, “Giờ thì tôi đã được tự do.” Là người xếp hàng tiếp theo, tôi tiến tới chỗ anh ta đứng lúc trước. Người thủ quỹ vẫn là người tiếp tôi lần trước. Nếu nét mặt của cô ta có thể được dịch thành lời thì sẽ là như thế này, “Đừng làm gì bẩn thỉu, đừng lảm nhảm bất kỳ chuyện gì, nhanh chóng làm phận sự của mình và biến đi cho khuất mắt tôi!” Tuy nhiên, hôm nay vẻ mặt cô ta có nét khác lạ. Trông như có vẻ là có một nụ cười đang hình thành trên mặt cô, có thể là có một chút gượng ép, nhưng dù sao thì đó vẫn là một nụ cười. Nhận ra sự thay đổi đó, tôi thu hết can đảm và tiến tới phía cô ta theo cách khác mọi khi. Tôi nhận xét với cô ta rằng, tôi chưa bao giờ nhìn thấy ai vui vẻ như thế khi đi nộp tiền phạt. Cả hai chúng tôi đều cười tủm tỉm khi nhắc tới điều này, và tôi nói đùa là không có chỗ nào để tôi boa cho biên lai phạt tôi vừa ký tên vào. Đến lúc này cô ta cũng thấy rất hài hước, nụ cười rộng mở và thoải mái. Một người xa lạ đã ảnh hưởng tới cả hai chúng tôi khiến công việc của cả hai chúng tôi đều trở nên vui vẻ và dễ chịu và làm bừng sáng cả một ngày. Lúc bước đi, tôi có cảm giác đó là một khoảnh khắc rất đặc biệt, hiếm khi xảy đến trong cuộc đời của chúng ta. Và khi nó xảy ra, nó xảy ra cho một mục đích nào đó. Tôi không biết có phải số phận đã đưa người lạ mặt đó đến với chúng tôi để xoay chuyển tâm trạng của ít nhất hai người chúng tôi vào cái ngày định mệnh đó không. Tôi thường làm việc muộn hàng tiếng đồng hồ tại văn phòng. Nhân viên quét dọn thường tới dọn dẹp trong khi tôi làm việc. Tôi để ý là hầu hết họ đều là người nước ngoài, có thể là những người nhập cư có khó khăn trong việc tìm các công việc khác. Khi tôi cố gắng bắt chuyện với họ, họ thường trả lời bằng thứ tiếng Anh mắc rất nhiều lỗi. Một hôm tôi nhận ra người đàn ông châu Á thấp nhỏ tôi đã từng gặp trước đó. “Mình đã từng thấy anh ta ở đâu đó,” tôi nghĩ. Đột nhiên, tôi nhớ ra anh ta chính là người đàn ông xếp hàng trước tôi tại tòa án. Rất hào hứng với diễn biến này, tôi cố gắng trò chuyện một chút với anh ta. Cho dù có thể làm anh ta khó chịu nhưng tôi vẫn quyết tâm tìm ra cho bằng được. Sau một thời gian, chúng tôi bắt đầu trò chuyện với nhau. Biết anh ta chuẩn bị tới, tôi đặt sẵn một bình cà phê và đề nghị anh nghỉ giải lao và uống với tôi. Dần dần, anh vượt qua sự e ngại, dè dặt và bắt đầu chia sẻ những điều thú vị về quá khứ với tôi. Cuối cùng, sau hàng tháng trời, tôi cảm thấy đã thoải mái để nói cho Yip biết rằng tôi cũng xếp hàng chờ nộp tiền phạt vào ngày anh ta nộp tiền phạt và chứng kiến phản ứng của anh đối với nhân viên thủ quỹ. Anh giải thích, anh là người nhập cư. Anh quan niệm rằng sau khi trả tiền phạt thì sẽ được thật sự tự do. Một cách tự nhiên là những người lạc quan vui vẻ thường thấy hấp dẫn trước những người tích cực khác. Bạn biết rằng sự phiền não có sức lan tỏa. Bạn có muốn thu hút những người khốn khổ đến với cuộc đời mình không? Điều đó rất dễ – tất cả những gì bạn phải làm là cũng trở nên khốn khổ. Mặt khác, những người vui vẻ cố hết sức để tránh những người khốn khổ. Hãy chạy xa khỏi những người tiêu cực. Họ sẽ làm cạn kiệt sức lực của bạn. Luôn có điều gì đó tích cực trong mọi tình huống bạn gặp phải, cho dù vào lúc đó có thể điều đó không rõ ràng hoặc hiển nhiên. Không giống Yip, tôi không thể nhìn ra điểm tích cực trong nộp phạt giao thông. Tài năng của anh ta thể hiện ở chỗ, luôn có thể thấy điểm tốt trong mọi tình huống nếu nhìn đủ kỹ. Hãy tạo thói quen tìm kiếm điều tích cực ngay cả trong những tình huống không có chút manh mối rõ ràng nào cả. Hãy tự thử thách mình tìm điều gì đó tốt đẹp trong những tình huống không dễ chịu. Khi tìm thấy, hãy tập trung vào đó. Người ta đã chứng minh được rằng, chúng ta chỉ có thể nắm giữ một suy nghĩ nào đó trong một thời điểm. Hãy lựa chọn nắm giữ suy nghĩ tích cực. |
Kỹ thuật tăng cường hạnh phúc
Ø Lưu giữ một cuốn sổ ghi lại những điều bạn thấy biết ơn. Vào cuối ngày, trước khi đi ngủ, viết lại 10 điều xảy ra ngày hôm đó khiến bạn thấy biết ơn.
Ø Tình nguyện giúp ai đó kém may mắn hơn bạn.
Ø Gọi cho người bạn quan tâm và một thời gian rồi chưa gặp mặt chỉ để xem tình hình của người đó thế nào.
Ø Tìm kiếm cơ hội khen tặng người khác về diện mạo, vì đã làm tốt một công việc nào đó, hoặc vì một hành động vị tha.
Ø Hãy làm những việc tốt một cách ngẫu nhiên.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.