Tiền Không Bao Giờ Là Đủ
Chương 3 Hãy nghĩ lại về việc nghỉ hưu
Judith Van Ginkel đã 72 tuổi nhưng bà vẫn làm việc tới 50 – 60 tiếng mỗi tuần. Dẫu vậy, bà vẫn tự coi mình là “người may mắn nhất thế giới.”
Bởi bà đã làm việc trong ngành y tế kể từ năm 1981, công việc hàng ngày của bà là quản lý quỹ Every Child Succeeds (Thành công cho mọi trẻ em), một chương trình thăm hỏi, đào tạo tại nhà cho các bậc phụ huynh do bà khởi lập cùng với tổ chức Chung sức vì thành phố Cincinnati tốt đẹp hơn và Bệnh viện nhi Cincinnati. Trong suốt thập kỷ qua, các nhân viên xã hội trong nhóm của bà đã thực hiện hơn 370.000 lượt tới thăm đối với 17.000 phụ nữ mang thai gặp rủi ro và con cái họ nhằm chăm sóc và hỗ trợ họ về mặt y tế. Họ phát hiện những trường hợp bị trầm cảm sau sinh, theo đó tư vấn cho các bà mẹ, chẳng hạn như khuyên họ đọc sách báo hay chơi đùa cùng con. Họ còn hướng dẫn các kiến thức về dinh dưỡng và theo dõi sự phát triển cũng như trưởng thành của các em nhỏ. Dưới sự giám sát của họ, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh trong các gia đình tham gia chương trình là 4,7/1.000 ca sinh nở, trong khi con số trung bình toàn quốc là 6,8/1.000, dù rằng tỷ lệ nghèo đói ở khu vực này khá cao. Rõ ràng, đây là một kết quả mà Van Ginkel có đủ lý do để tự hào. Bà nói: “Tôi sẽ còn tiếp tục làm công việc này cho tới khi không còn làm được nữa mới thôi”. Hàng ngày, bà ra khỏi nhà lúc 7giờ 15phút và “cố gắng” về nhà lúc 6 giờ hoặc 6 rưỡi chiều. Bà cũng dành thời gian để đi du lịch cùng chồng, nhưng ngoài chuyện đó ra, thì cách bà sử dụng thời gian nghỉ hưu của mình (hiện bà vẫn nhận lương làm việc toàn thời gian) hoàn toàn xa lạ với tâm trạng phấn khích, hưởng thụ thường tình.
Dĩ nhiên, Van Ginkel thuộc tuýp người năng nổ bậc nhất, nhưng bà không phải là người cao tuổi duy nhất vẫn còn tham gia lực lượng lao động. Theo số liệu của Cục Thống kê lao động, sau nhiều thập kỷ suy giảm, tỷ lệ người lao động ở độ tuổi từ 65 trở lên đã tăng tới 101% trong giao đoạn 1997 – 2007, trong khi lực lượng lao động nói chung chỉ gia tăng ở mức 59%. Do sự phát triển này mà trong năm 2008, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở những người trên 65 tuổi là 16,8%, một con số có vẻ thấp, nhưng trong đó bao gồm cả những cụ sắp gần đất xa trời. Với nhóm tuổi trẻ hơn (từ 65 – 69 tuổi), có tới 30,7% vẫn đang làm việc hoặc tìm việc làm. Cục Thống kê lao động dự báo, tới năm 2018, con số này sẽ tăng lên tới 36,9% vì kết quả các cuộc điều tra đối với thế hệ baby boomer (những người sinh ra vào khoảng năm 1946 – 1964) cho thấy, những người hiện đang làm việc không có ý định nghỉ hưu chừng nào họ vẫn còn đủ điều kiện để thụ hưởng các lợi ích an sinh xã hội.
Dĩ nhiên, không phải mọi người cao tuổi đều cảm thấy may mắn như trường hợp Van Ginkel, bởi bà làm việc chủ yếu xuất phát từ mong muốn của mình. Nhưng dù là có những người phải tiếp tục làm việc trong tuổi già do tình hình kinh tế suy thoái, song xu hướng làm việc ở người cao tuổi lại bắt đầu tăng trong những giai đoạn kinh tế ổn định – và tôi cho rằng đây là một sự phát triển tích cực nếu chúng ta nhìn vào giao điểm giữa tiền bạc và hạnh phúc. Có một thực tế cần nhìn nhận là con người vừa cần và muốn được tham gia lâu hơn vào lực lượng xã hội khi mà tuổi thọ con người ngày càng gia tăng. Một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Tâm lý Sức khỏe nghề nghiệp năm 2009 cho thấy, trong điều kiện sức khỏe ban đầu như nhau, những người tiếp tục làm việc sau tuổi nghỉ hưu trong mọi lĩnh vực đều ít mắc bệnh hơn và ít bị hạn chế về mặt thể chất/chức năng hơn, những người tiếp tục làm việc trong lĩnh vực họ vẫn quen làm trước đây có sức khỏe trí não tốt hơn. Người cao tuổi có thu nhập ổn định sẽ cảm thấy an tâm hơn, chi tiêu nhiều hơn và họ đầu tư kinh nghiệm, kiến thức của mình cho các tổ chức, các doanh nghiệp, từ đó giúp thúc đẩy nền kinh tế và đồng thời giúp đỡ cho thế hệ lao động trẻ.
Thú thực, tôi cho rằng toàn bộ quan điểm thường tình hiện nay về nghỉ hưu – rằng số tiền chúng ta ki cóp bằng cách nhịn ăn nhịn mặc hàng ngày nên dành để phục vụ một tuổi già thoải mái về sau – cần phải điều chỉnh lại. Đúng là bạn nên tiết kiệm cho tuổi già, mà trong các phần tiếp sau của cuốn sách này cũng không hề có đoạn nào khuyên bạn tháo khoán khoản tiết kiệm đó của mình cả. Cá nhân tôi thậm chí còn cho rằng mọi người nên tiết kiệm nhiều hơn con số định mức trong các tài khoản tiết kiệm hưu trí (được ưu đãi về thuế) và khoản tiền tiết kiệm dự phòng những lúc tháng ba ngày tám của họ cũng phải được nâng cao hơn nhiều nhiều nữa. Nước Mỹ hiện có tới hàng triệu người thất nghiệp và trong nửa năm sau hoặc lâu hơn nữa họ vẫn chưa thể tìm được một công việc nào – họ chính là minh chứng cho thấy những khó khăn về kinh tế có thể trải qua một thời gian rất dài. Nhưng bên cạnh đó, tôi cũng thấy rằng quan điểm về nghỉ hưu theo như cách mà giới hoạch định tài chính vẫn nói về nó hiện nay có phần quá đà, xét cả về cách tính toán và những việc cần làm.
Bạn làm việc đâu chỉ để có thể nghỉ ngơi yên ổn trong 20-30 năm cuối đời – có nhiều lý do khác hấp dẫn hơn chứ. Về mặt tối ưu hóa sức khỏe, bạn đâu chỉ chăm chú vào câu hỏi duy nhất là mình cần phải làm việc trong bao nhiêu năm đủ để có một tuổi già an nhiên. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta thôi nghĩ về công việc như một cách giúp mang lại hạnh phúc cho chúng ta trong tuổi già? Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta coi công việc cũng là một nguồn hạnh phúc ngay trong lúc này? Điều gì sẽ xảy ra nếu thay vì tính toán xem khi nào sẽ có đủ tiền để nghỉ hưu, bạn dùng thời gian đó để tìm một công việc khiến bạn đam mê tới mức bạn không muốn nghỉ ngơi? Người hạnh phúc tạo dựng của cải – dĩ nhiên là vậy rồi. Nhưng, như trường hợp bà Van Ginkel, những người hạnh phúc cũng biết rằng một công việc có ý nghĩa sẽ mang theo những niềm vui thích tự thân, chứ không chỉ đơn thuần là một phương tiện giúp bạn có được sự thoải mái trong tương lai xa xôi.
BÀI TOÁN HƯU RẮC RỐI
Nền văn hóa hiện nay ở Mỹ vốn từ lâu đã là một sự phản chiếu những trải nghiệm của thế hệ ra đời sau Thế chiến II. Và vì thế, đâu đó vào khoảng cuối thập niên 1980, khi những người trong thế hệ này chợt nhận ra rằng vài thập kỷ nữa họ sẽ bước vào tuổi lục tuần, thì các công trình viết về tuổi nghỉ hưu cũng gia tăng đột biến. Khi còn là thực tập sinh ở Tạp chí Forbes hè năm 2000, tôi có tham gia vào một nghiên cứu trong đó chúng tôi ghép (theo cách nói của nhà báo Carolyn Geer) “10 độc giả của tờ Fortune, những người không chỉ mơ ước có một đời sống về hưu thoải mái mà còn muốn về hưu non” với các chuyên gia tài chính hàng đầu “giúp xây dựng các kế hoạch chi tiết, phù hợp riêng với từng cá nhân hay từng cặp vợ chồng, nhằm mục đích giúp họ sớm thoát khỏi cảnh nhọc nhằn tranh đua kiếm miếng cơm manh áo – hay chí ít là giúp họ có thể nghỉ ngơi trước tuổi nghỉ hưu nhiều năm”.
Nhưng theo như tôi nhớ, thì ngay cả khi đó, các cố vấn tài chính mà chúng tôi gọi đến cũng đều là những người bi quan yếm thế. Những người hy vọng về hưu sớm có suy nghĩ tới những khoản phí y tế – sức khỏe không, nhất là trong trường hợp họ sẽ không có tên trong danh sách Medicare trong hàng chục năm liền? Họ có nhận ra rằng cổ phiếu không phải lúc nào cũng tăng trưởng 25% mỗi năm? Tuy nhiên, vẫn có một số cố vấn táo bạo tư vấn cho những người vừa muốn về hưu “non”, lại vừa muốn cho con vào học trường Harvard, khởi nghiệp kinh doanh, hay như trong trường hợp của Dida Kutz, một nhà báo viết về công nghệ khoảng 40 tuổi mà khi đó tôi từng phỏng vấn, anh muốn được đi lặn biển ở Malaysia. Họ coi như các quyền chọn mua cổ phiếu được phân phát miễn phí như kẹo ở thung lũng Silicon vậy. Từ những cuộc trao đổi với các nhà hoạch định tài chính đó, tôi học được một điều là những đánh giá ảm đạm như vậy là một phần công việc của họ. Dù cho bạn có tiết kiệm được bao nhiêu đi chăng nữa, thì cố vấn tài chính của bạn vẫn sẽ nói cho bạn hay rằng chừng đó chưa đủ đâu và cứ xét về cái thực tế là hầu như chúng ta chẳng tiết kiệm được gì cả, thì có lẽ họ kiểu gì cũng đúng mà thôi. Các nhà hoạch định tài chính kể về những người tới gặp họ khi đã 45 tuổi, với 80.000 đô-la tiết kiệm được và muốn nghỉ hưu trong 10 năm tới với mức thu nhập hưu trí hàng năm là một khoản 6 con số. Và thế là họ hỏi, tôi nên mua loại cổ phiếu nào? Họ hỏi như thể rào cản duy nhất ngăn họ đến với mục tiêu của mình chỉ đơn thuần là vấn đề phân bổ tài sản ở đâu cho hợp lý vậy.
Dù vậy, chúng tôi vẫn đưa ra lời khuyên. Gói đề xuất nghỉ hưu sớm của chúng tôi chạy từ ngày 14 tháng 8 năm 2000. Hơn một năm sau, thị trường chứng khoán tự xuống dốc không phanh. Hai năm sau, tạp chí Fortune tìm kiếm lại những người muốn được nghỉ hưu sớm này và thấy rằng họ đã thu hẹp các kế hoạch của mình. Chẳng hạn trường hợp của Dida Kutz: công ty công nghệ nơi cô làm việc đã bị phá sản, công ty phần mềm sau đó của cô cũng vậy. Cô quay sang thành lập một công ty phân phối ngọc mắt mèo, song khoản chi phí ban đầu cho việc đó đã ngốn hết số tiền tiết kiệm của cô. Trong một bài báo theo sát nghiên cứu này do Janice Revell viết năm 2002 có đoạn: “Ngay cả trong những lời tư vấn tốt nhất về vấn đề nghỉ hưu cũng tồn tại một vấn đề, đây là một sai sót mà các nhà hoạch định tài chính (và cả các nhà báo nữa) dường như rất hay quên. Ngay cả những người tiết kiệm kiên tâm nhất, ngay cả những người có sự đầu tư tài sản khôn ngoan nhất, cũng nhận thấy rằng luôn có cái gì đó đang lăm le đe dọa tới ổ trứng vàng của mình. Vì chưa tìm được cách gọi nào hợp lý hơn, nên chúng ta hãy tạm gọi nó là ‘thực tế’”.
Năm 2011, tôi tiếp tục liên hệ với Kutz và thấy rằng “thực tế” đã tiếp tục với một cường độ mạnh hơn. Sau khi trải qua hàng loạt những biến cố không may (trong đó có cả một vụ tai nạn lặn biển suýt cướp đi sinh mạng của cô và cái chết của người bạn trai trong một tai nạn lái tàu), cuối cùng cô đành an phận với một công việc hành chính ổn định: biên tập viên cho Viện Ngôn ngữ Bộ Quốc phòng ở Monterey, California. Sau những bi kịch trên biển mà cô phải gánh chịu – chứ không phải do kế hoạch đi lặn biển ở Malaysia mà bài báo đầu tiên của chúng tôi dự đoán rằng cô có thể thực hiện được nó trong năm 2005 – cô đã tránh các môn thể thao dưới nước trong một thời gian dài. 11 năm sau những lần trao đổi đầu tiên, khi chúng tôi gặp lại nhau, mọi chuyện đã sáng sủa hơn. Lúc đó cô đang quản lý một trang web chuyên về lặn biển, tham gia làm tình nguyện viên ở khu nuôi cá Vịnh Monterey và nghiên cứu thêm về lặn biển. Cô cũng học thêm để chuyển sang công việc khác giúp cô được linh động hơn để thực hiện những công việc kể trên. Tuy nhiên, “nghỉ hưu” không còn dự phần trong các kế hoạch này nữa. “Tôi nhận ra rằng mình sẽ còn làm việc tới khi 70 tuổi”, Kutz chia sẻ.
Tuy nhiên, dù các kế hoạch đã thay đổi, nhưng ý tưởng tiết kiệm cho một tuổi già an toàn (“an toàn” ở đây có nghĩa là bạn có đủ tiền/tài sản để ngừng làm việc mãi mãi vì được hưởng số tiền lãi 4%/năm từ khoản tiền gốc) vẫn còn đó. Vào những năm nền kinh tế khó khăn, thì các bài viết trong đó chỉ cần chuyển sang đề tài làm sao để bảo vệ tài sản hay tính toán để các kế hoạch tiết kiệm trở lại quỹ đạo ban đầu.
Đối với tôi, cái thú vị nhất ở đây là việc chúng ta lại có tư tưởng “nghỉ hưu” ngay từ ban đầu. Trước kia, đối với nhiều người, tài sản nghỉ hưu của họ là con cái – những đứa con sẽ chăm sóc họ khi họ về già. Nhưng giải pháp này không phải lúc nào cũng hiệu quả, nên tình trạng nghèo đói ở người già từ lâu đã là một nhức nhối trong xã hội. Khi nhà nước hiện đại ra đời, nó lại trở thành một rắc rối về chính sách. Và tới năm 1889, thủ tướng Đức, Otto von Bismarck, cho ra mắt chương trình bảo hiểm xã hội người cao tuổi đầu tiên trên thế giới. Quỹ này thu thập những đóng góp từ đơn vị tuyển dụng, người lao động và nhà nước và khi tới tuổi 70, người lao động sẽ đủ điều kiện để được nhận lương hưu. Sau đó, Đức hạ thấp mức tuổi quy định xuống còn 65 – đây cũng là mức tuổi mà tổng thống Mỹ, Franklin Roosevelt, chọn khi ông đưa ra chương trình An sinh Xã hội năm 1935. Đây có thể coi là một chương trình tiết kiệm bắt buộc nhằm đề phòng những rủi ro và biến cố mà người cao tuổi gặp phải. Những chương trình này bổ sung vào các khoản lương hưu mà các công ty bắt đầu thanh toán cho người lao động nghỉ hưu vào khoảng đầu thế kỷ XX.
Bên cạnh việc phòng tránh tình trạng nghèo đói ở tuổi già, chương trình lương hưu, theo cách nhìn của một số nhà hoạch định chính sách, cũng có một lợi ích khác. Bằng cách để người cao tuổi nhận được một khoản thu nhập mà không cần làm việc, tức là chúng ta đã “hối lộ” để họ tự nguyện ra khỏi lực lượng lao động, từ đó nhường cơ hội việc làm cho giới trẻ. Thuyết “số lượng lao động cố định” này – tức là ý tưởng cho rằng số lượng công việc trong nền kinh tế là một con số cố định, không thay đổi – từ lâu đã là một phần trong những tranh cãi, dù rằng giới kinh tế học đã coi đó là một quan điểm sai lầm. Một trong những lý do tại sao các lợi ích của chương trình An sinh Xã hội lại nổi bật trong những năm đầu của chương trình hưu trí này – và không lâu sau đó chương trình này còn cho phép người lao động nghỉ hưu sớm (từ 62 tuổi) – là nó được coi như một giải pháp mang lại lợi ích cho nhiều bên. Người cao tuổi có thể ngừng làm việc và việc họ nghỉ hưu (trên lý thuyết) sẽ giúp tạo công ăn việc làm cho người mới.
Tuy nhiên, dần dần, tất cả những chương trình này đều gặp phải những rắc rối cả về phần nhân khẩu học và tài chính. Tỷ lệ sinh ở Mỹ giảm từ gần 4 trẻ/phụ nữ giữa những năm 1950 xuống còn dưới 2 trẻ/phụ nữ trong thập niên 1970. Số tiền do người lao động đóng vào quỹ An sinh Xã hội ngay lập tức phải đưa ra thanh toán cho những người thụ hưởng chứ không được giữ lại trong các tài khoản cá nhân và vì thế, để giữ an toàn cho chương trình này, cần phải duy trì tỷ lệ người lao động/người về hưu cao. Nhưng trước đợt bùng nổ dân số hồi thập niên 1970, lực lượng lao động lại sắp phải đối mặt với tình trạng thiếu người hỗ trợ những người ở thế hệ này khi họ về hưu. Bổ sung vào cho tình trạng phức tạp rắc rối này là tin tốt lành rằng tuổi thọ của con người ngày một tăng cao. Khi Tổng thống Roosevelt lập ra quỹ An sinh Xã hội những năm 1930, thì tuổi thọ trung bình là 58 đối với nam và 62 đối với nữ − tuy rằng, Ban An sinh xã hội có phần hơi nhạy cảm quá mức khi nhắc tới chuyện này vì nó ám chỉ rằng Roosevelt đã tạo nên một hệ thống trong đó đa phần mọi người cùng đóng góp vào quỹ đó mà chẳng mong có ngày nhận lại được chút gì. Như nhận xét của Ban An sinh xã hội, tuổi thọ trung bình thấp như vậy thể hiện tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh rất cao, cao tới mức mà trong một thời đại chưa phát minh ra được các loại thuốc kháng sinh và vắc-xin hiệu quả như thời đó, thì ngay cả những tổ chức hoạt động hiệu quả như quỹ Thành công cho mọi trẻ em của bà Van Ginkel chắc cũng không tác động được gì nhiều. Tuy vậy, ngày nay, đa phần những ai có thể sống qua giai đoạn 21 tuổi có thể sống tiếp tới 65 tuổi. Và những người bước vào tuổi 65 với tình trạng sức khỏe tốt sẽ hoàn toàn có cơ sở để hy vọng tiếp tục sống tới 85 tuổi hoặc hơn.
20 − 30 năm, hay đôi khi thậm chí là 40 năm, là cả một quãng thời gian dài. Việc hứa hẹn cho người lao động những lợi ích hưu trí như vậy lâu nay đã gây căng thẳng cho gánh nặng tài chính của nhiều công ty, nhất là trong bối cảnh họ phải cạnh tranh trong một thế giới mở và khắc nghiệt hơn. Một số công ty đã giải phóng khỏi những trách nhiệm đó trong tình trạng giải thể. Một số công ty khác thì trầy trật để đáp ứng những lợi ích đó. Nhiều công ty đã ngừng cuộc chơi và rất nhiều công ty mới thành lập phải giải tán, một phần vì khoản chi phí đó và cũng bởi thị trường lao động đã thay đổi. Chế độ lương hưu hoạt động hiệu quả nhất trong một môi trường mà người lao động trung thành với công ty của mình trong nhiều thập kỷ. Ngày nay không còn mấy ai làm được điều đó nữa, và có lẽ tuổi đời của các công ty cũng đang thu hẹp dần. Một nhân viên trẻ của Google có lần nói với tôi rằng anh không thể hình dung được Google sẽ ra sao nếu cứ giữ nguyên hình thức này trong 50 năm tới. Suy cho cùng thì, 50 năm về trước, không có nhiều Internet để tìm kiếm, đó là chưa kể tới con số ít ỏi các máy tính cá nhân, phương tiện giúp con người truy cập Internet. Chúng ta không biết 50 năm tới đây mình sẽ lấy thông tin như thế nào và liệu một công ty như Google có còn cơ hội được dự phần trong đó – hay thậm chí chỉ là tồn tại trong đó – hay không. Vậy cơ chế lương hưu sẽ vận hành như thế nào trong bối cảnh đó? Anh nhân viên trẻ nói trên thích mô hình đóng góp cố định, chẳng hạn quỹ 401(k). Những chương trình đó giúp người lao động tiết kiệm cho tuổi nghỉ hưu của mình và thường chúng sẽ kết hợp với các quỹ lương hưu của doanh nghiệp. Tuy vậy, khác với việc có một cơ chế lương hưu, người lao động hiện nay lại được cầm tiền, cho dù anh ta có làm việc ở doanh nghiệp đó bao lâu đi chăng nữa và mỗi khi thay đổi chỗ làm, anh ta hoàn toàn có thể dễ dàng lấy số tiền đó đi theo. Ngày nay, đa phần người tham gia lực lượng lao động ở Mỹ đều tham gia quỹ 401 (k) hoặc các chương trình tương tự.
Trên lý thuyết, quỹ 401 (k) cho phép mọi người có được khoản tiền tiết kiệm đáng kể. Và một phần quan trọng trong các công trình viết về vấn đề tài chính cá nhân và giải thích tại sao điều đó lại xảy ra, bằng cách dẫn ra sự kỳ diệu của một khoản lãi suất tích lũy trải dài suốt 40 năm (hoặc lâu hơn). Chẳng hạn, trong cuốn Tái thiết đồng tiền, Dave Ramsey đã đưa cho chúng ta ví dụ minh họa về một gia đình trung bình đầu tư 7.500 đô-la mỗi năm (tức 625 đô-la/tháng) từ tài khoản tiết kiệm hưu trí được miễn thuế của họ. Họ cứ liên tục làm như thế từ năm 30 tuổi tới khi 70 tuổi, với lãi suất nhận được là 12% một năm. Như vậy, cuối cùng, họ sẽ có trong tay 7.588.545 đô-la. Ramsey có thận trọng đề cập rằng con số này có thể hơi lạc quan quá mức: “Nếu tôi chỉ đúng có một nửa thì sao? Nếu bạn rốt cuộc chỉ thu về 4 triệu đô-la thì sao?” Dĩ nhiên, vấn đề ở đây là con số 4 triệu đô-la này vẫn là một con số rất lớn, hơn tất cả những gì mà phần lớn chúng ta có thể tích lũy được. Ramsey cho biết anh lấy con số lãi suất 12% vì “thị trường chứng khoán, qua lịch sử hoạt động của mình cho tới nay, đã đạt tới con số lợi nhuận đầu tư trung bình là 12%.” Trong giai đoạn 40 năm gần đây, trong giai đoạn 1970-2009, chỉ số S&P 500 mang lại mức lãi suất 10,38% mỗi năm, dù rằng thị trường tài chính đã gặp khủng hoảng nặng nề vào năm 2008-2009, vì vậy cách tính như trên xem ra cũng có vẻ hợp lý. Trong cuốn Nhà triệu phú tự động, bậc thầy tư vấn tài chính cá nhân nổi tiếng, David Bach, cũng gợi ý rằng chúng ta có thể tiết kiệm với số tiền nhỏ hơn mà vẫn gây dựng được cho mình khối tài sản triệu đô nếu bắt đầu từ sớm. Giả dụ với mức lãi suất 10% một năm, thì một người 15 tuổi có thể tiết kiệm được 3.000 đô-la trong 5 năm, sau đó, nếu người này không thêm bớt gì vào khoản tiền này, thì tới năm 65 tuổi, anh ta có thể ung dung nhận được 1,6 triệu đô-la.
Đây là những con số khổng lồ và những biểu đồ vẽ tỷ lệ lãi kép như thế này lúc nào cũng có thể khiến người ta hào hứng, nhưng vẫn có một số điểm cần lưu ý. Trước hết là tác động của lạm phát, nó có thể gây tổn thất nhiều hơn bạn tưởng. Như Bach đề xuất, thì việc đầu tư 3.000 đô-la mỗi năm hiện nay có vẻ khả thi, nó tương đương với việc bạn để dành chưa đầy 10 đô-la mỗi ngày. Cắt giảm một vài cốc cà phê (ly latté mà nhờ ông, nó đã được nổi tiếng), bữa ăn trưa, những chuyến mua sắm và thế là bạn có thể kiếm được số tiền đó. Tiết kiệm 7.500 đô-la một năm có lẽ là một kế hoạch táo bạo hơn, nhưng nó vẫn chỉ chiếm 15% trong mức thu nhập trung bình 50.000 đô-la của một hộ gia đình. Nếu bạn cũng được công ty chi trả 50% trong quỹ lương hưu, thì bạn sẽ chỉ cần tiết kiệm 5.000 đô-la/năm thôi để có được số tiền lời lãi như thế. Một lần nữa, điều này có khả thi.
Tuy nhiên, khi nghĩ về vấn đề lạm phát, bạn hãy thử nghĩ: tiết kiệm 3.000 đô-la/năm trong năm 1970 – con số được điều chỉnh để cho tương đương với giá trị của những con số mà Ramsey và Bach đề xuất – có lẽ sẽ là một vấn đề hoàn toàn khác. Mức thu nhập hộ gia đình trung bình thời đó (tính theo thời giá 1970) là khoảng 9.000 đô-la/năm. Việc yêu cầu một thanh niên thời đó đầu tư 3.000 đô-la mỗi năm chẳng khác gì việc yêu cầu một thanh niên 22 tuổi thời nay bỏ ra 17.000 – 18.000 đô-la hàng năm để có một cuộc sống hưu trí an toàn. Về mức thu nhập hộ gia đình, 7.500 đô-la thời đó sẽ tương đương với khoảng 40.000 đô-la bây giờ. Chẳng có mấy người ở độ tuổi đầu 20 lại có thể tiết kiệm được theo cách đó, dù họ cũng được công ty hỗ trợ một phần. Có thể sau này họ sẽ tiết kiệm được, nhưng vấn đề với bài toán lãi kép (như Bach đã chỉ ra một cách đúng đắn) lại nằm ở chỗ một phần lớn lợi nhuận sẽ đến từ số tiền gốc đầu tư ban đầu. Tiết kiệm được 40.000 đô-la vào năm 2009 sẽ không hữu ích gì lắm cho kế hoạch nghỉ hưu tương lai của bạn so với việc tiết kiệm con số có giá trị tương đương 7.500 đô-la ở năm 1970.
Để bài toán nghỉ hưu có thể mang lại con số lợi nhuận lớn bất chấp tình hình lạm phát, bạn cần phải kiếm được một công việc lương cao ngay từ những năm đầu lứa tuổi 20, sau đó, bạn phải tiết kiệm được phần lớn số tiền lương sau thuế cũng trong những năm đó, khi mà bạn vẫn đang phải vật lộn để trả nợ học phí và/hoặc nuôi con nhỏ. Rất ít người có thể làm được như thế. Dĩ nhiên, vẫn có người làm được. Một số gia đình thu nhập cao có thể đầu tư khối lượng tiền lớn dù là cả hai vợ chồng đều còn khá trẻ, nhưng lợi ích về sự an ninh tài chính lâu dài của các gia đình có thu nhập cao, có thể tiết kiệm phần lớn số tiền mình làm ra, là điều hiển nhiên. Song lời hứa của các công trình nghiên cứu về tài chính cá nhân lại bảo đảm rằng mọi người đều có thể có được số tài sản trị giá 7 con số nếu họ tiết kiệm và đầu tư từng khoản nhỏ tích lại. Tôi không dám chắc sự bảo đảm ấy là có thực.
Hơn nữa, một điều cần cảnh giác với những con số này là: bất kỳ cuốn sách hướng dẫn đầu tư nào cũng sẽ báo trước cho bạn biết rằng kết quả hoạt động quá khứ không phải là điều dự đoán cho lợi nhuận trong tương lai. Giai đoạn 1970-2009 kinh tế có những đợt thụt lùi (như giai đoạn 2008-2009), nhưng cũng có một cuộc cạnh tranh kéo dài và hoàn toàn bất ngờ. Sau Ngày thứ Sáu đen tối hồi tháng 10 năm 1987, người ta không còn dám dự đoán những khoản lợi nhuận khổng lồ nữa. Một bài báo trên tạp chí Money năm 1988 khi tư vấn cách đầu tư trong những năm 1990 sắp tới đã dẫn lời một nhà kinh tế học nổi tiếng đang tìm cách khuấy động lại thị trường và ông này hùng hồn tuyên bố rằng chỉ số Dow có thể lên tới 5.000-6.000 vào cuối thập kỷ.
Nhưng đóng cửa phiên giao dịch ngày 31 tháng 12 năm 1999, chỉ số này chỉ dừng ở mức 11.497.
Thật buồn cho những ai mới bắt đầu đầu tư không lâu sau đó, bởi tới giờ đóng cửa ngày 31 tháng 12 năm 2010 nó hầu như vẫn giậm chân tại chỗ (11.578). Vậy liệu chúng ta có thể sẽ tiếp tục được chứng kiến sự tăng trưởng của giai đoạn 1970-2009 trong 40 năm nữa hay không? Có thể chứ. Về mặt lâu dài, theo công bố, từ trước tới giờ thị trường chứng khoán đều sẽ mang lại cho bạn mức lợi nhuận hàng năm vào khoảng 6%-7% (đã điều chỉnh theo tỷ lệ lạm phát). Đây là kết quả còn tốt hơn nhiều so với chứng chỉ tiền gửi tại ngân hàng và bất kỳ nhà đầu tư cá nhân nào cũng có thể kiếm tiền tốt hơn đa phần những người khác. Nhưng nếu bạn muốn thực sự chắc chắn là mình sẽ có được số tài khoản khổng lồ trong ngân hàng, thì bạn sẽ phải tiết kiệm được một khoản tiền lớn, bởi lẽ sự khác biệt giữa con số lãi suất 6% và 12% là rất lớn, mà thậm chí sau một thời gian dài, bạn cũng chưa chắc đạt được con số 6% kia. Cả hai vợ chồng tôi đều là những người cần mẫn gửi tiết kiệm và đầu tư – tôi đã có 10 năm kinh nghiệm, còn chồng tôi 20 năm. Hai thập kỷ là đủ để bắt đầu hình thành rõ nét bức tranh “lâu dài” mà các nhà hoạch định tài chính vẫn nói tới. Và chúng tôi quả là đã gây dựng được một khoản khá vững chắc – thật may cho tôi. Tuy vậy, tôi có thể khẳng định rằng, khi nhìn vào những hóa đơn dịch vụ môi giới, thì phần lớn những gì mà chúng tôi để ra được đều đến từ công sức lao động của chúng tôi chứ không phải nhờ lãi kép. Nhìn lại chương trước, tôi thấy rằng cách ít khổ sở nhất để tiết kiệm là kiếm thêm. Tuy nhiên, khi tính đến lạm phát, thì việc tiết kiệm từng khoản nhỏ sẽ chỉ mang đến cho bạn một lượng tài sản ở mức khiêm tốn mà thôi, dù là bạn sẽ trường kỳ tích lũy. Mà lượng tài sản khiêm tốn thì khó có thể bù đắp cho khoảng thời gian 20 – 30 năm sau khi bạn nghỉ hưu.
Quay trở lại với thế giới thực tế, tình hình thực ra còn bấp bênh hơn nhiều, bởi lẽ, như chúng ta thấy, hầu như chẳng có mấy người đạt được mục tiêu tiết kiệm những khoản khiêm tốn cho giai đoạn nghỉ hưu. Các báo cáo về số dư trong tài khoản 401(k) hiện nay cho thấy vẫn còn một khoảng cách rất xa giữa vị trí hiện nay của chúng so với vị trí mà chúng có thể đạt tới nếu người ta đều đặn tiết kiệm, dù là từng phần nhỏ trong con số lương trung bình từ khi họ còn trẻ − bạn có thể thấy rõ điều này trong bản điều tra về mức độ tự tin đối với tuổi hưu trí do Viện Nghiên cứu Lợi ích Người lao động thực hiện thường niên. Năm 2011, Viện này phát hiện ra rằng có khoảng 56% người lao động có chưa đến 25.000 đô-la tiền tiết kiệm và đầu tư. Một số trong đó có lý do giải thích: họ chỉ mới 22 tuổi. Nhưng tình hình không hề khá khẩm hơn khi người ta lớn tuổi dần. Chỉ có 19% người độ tuổi trên 55 có tài sản trên 250.000 đô-la (không tính nhà ở). Tệ hơn nữa là ngày nay, lãi suất tiết kiệm và chứng chỉ tiền gửi chỉ mang lại lãi suất ở mức 1%. Những người về hưu, sau khi đã đưa tất cả số tiền dành dụm của mình vào các kênh đầu tư an toàn, thì chỉ thu về 4% lãi suất mỗi năm. Như vậy có nghĩa là họ đành bất lực nhìn số tiền dành dụm bấy lâu của mình dần đội nón ra đi.
Tất cả những thực tế trên nhằm chỉ ra rằng phần lớn mọi người sẽ nhận thấy khó mà tiết kiệm đủ số tiền trong giai đoạn từ 25 – 65 tuổi để rồi sống tiếp từ đó cho tới 85 hay 95 tuổi mà không hề có khoản thu nhập thêm nào nữa. Quỹ An sinh xã hội có thể hỗ trợ họ được phần nào, nhưng với những rắc rối tài chính đang bủa vây quanh chương trình này, thì không rõ liệu họ có thể hỗ trợ tới đâu cho rất nhiều những người hưu trí trong tương lai.
TƯ DUY LẠI VỀ VIỆC NGHỈ HƯU
Nhưng ta hãy dừng những câu chuyện ảm đạm đó tại đây. Cuốn sách này viết về hạnh phúc cơ mà. Vì vậy, đây là một câu hỏi khác: tại sao ngay từ ban đầu chúng ta lại bập vào cái quan niệm như thế về chuyện nghỉ hưu?
Câu trả lời có vẻ rất rõ ràng: ai lại không thích nghỉ ngơi hơn lao động chứ? Hầu như mọi người đều từng nói về chuyện họ muốn có ngày được về hưu và hầu như mọi quyết định lớn về vấn đề tài chính mà các chuyên gia khuyên chúng ta làm đều được dựa trên mục tiêu đó. Chúng ta nói về việc gây dựng tài sản để tới lúc nào đó, chúng ta có thể thôi làm việc – mà tốt nhất là ngừng làm việc khi vẫn còn đủ trẻ trung để có sức mà tận hưởng cuộc sống. Tranh ảnh quảng cáo của các hãng tư vấn tài chính đều thiết kế theo cùng một khuôn, cùng vẽ cảnh một cặp vợ chồng lớn tuổi nhưng không quá lọm khọm, đang cùng nhìn hướng về một bờ biển tuyệt bích, nơi mà khối tài sản khổng lồ của họ đã giúp đưa họ tới.
Nhưng dường như chúng ta vẫn còn rất mâu thuẫn về chuyện này. Các cuộc điều tra trên người dân Mỹ cho thấy hai phần ba người lớn tuổi nói rằng họ vẫn tiếp tục làm việc ngay cả sau khi đã trúng số độc đắc. Câu hỏi này đã được đặt ra trong nhiều cuộc điều tra trải dài nhiều năm và đại bộ phận trong chúng ta vẫn cứng đầu tuyên bố rằng mình không muốn giàu có trong sự lười biếng.
Tôi đã băn khoăn khá lâu, không biết phải khớp hai luồng quan điểm này với nhau như thế nào. Một khoản tiết kiệm hưu trí 5 triệu đô-la và một lần trúng số độc đắc 5 triệu đô-la nữa sẽ giúp họ có được đời sống dư giả.
Vậy thì tại sao chúng ta cứ khăng khăng muốn tiết kiệm để có cuộc sống nghỉ ngơi thoải mái trong khi không chịu dùng số tiền độc đắc từ trên trời rơi xuống đó để sống một cuộc đời thoải mái ngay bây giờ? Cách lý giải hợp lý nhất mà tôi có thể nghĩ ra là người ta tin rằng nếu họ trúng số độc đắc và nhờ đó mà đạt tới sự an toàn về mặt tài chính, thì lúc đó họ sẽ có thể linh động làm những công việc mà họ yêu thích. Họ sẽ không phải lúc nào cũng đăm chiêu về vấn đề tiền nong. Họ có thể tìm tới những công việc có ý nghĩa với họ và mang lại cho họ sự vui thích.
Tuy vậy, nếu điều lý giải trên là đúng, thì cái ý tưởng đầy phấn khích là nghỉ hưu, nhìn chung, lại không hẳn liên quan tới công việc. Nó chỉ nhằm nói đến mục tiêu ngừng làm những công việc mà người ta đang làm. Vậy thì có lẽ chúng ta đã đặt sai câu hỏi. Thay vì đắm đuối vào chuyện “nghỉ hưu”, tại sao ta không dành sức lực trí óc đó để tìm ra những công việc nào có thể khiến chúng ta không còn ý nghĩ nghỉ ngơi nữa?
Tới đây, chúng ta lại nhớ tới bà Judith Van Ginkel. Tôi được giới thiệu gặp bà sau khi bà dành được Giải thưởng Mục tiêu Cao cả trị giá 100.000 đô-la hồi tháng 11 năm 2010 do tổ chức Civic Ventures trao tặng. Tổ chức phi lợi nhuận này khuyến khích người cao tuổi theo đuổi thứ mà họ gọi là “sự nghiệp trọn đời”. Đó là những công việc có ý nghĩa, linh động, mang lại lợi ích chung cho cộng đồng và, trong nhiều trường hợp, giúp người cao tuổi có thêm thu nhập nữa. Ý tưởng ở đây là tận dụng kinh nghiệm, kiến thức của những người lao động kỳ cựu nhất theo hướng phù hợp với cuộc sống thoải mái (hay chí ít là linh động) mà nhiều người vẫn mong mỏi khi về già. Các doanh nhân về hưu có thể làm cố vấn cho các doanh nghiệp mới. Các giáo viên già có thể hướng dẫn các giáo viên trẻ mới vào nghề hay viết đề cương bài giảng. Các nhân viên hành chính trong ngành y tế có thể giúp những người mắc các bệnh mãn tính tìm đến các địa điểm chữa trị phù hợp. Rõ ràng, rất nhiều trong số những công việc này có thể thực hiện trên cơ sở tình nguyện – mà một số người cao tuổi cũng đang làm những tình nguyện viên như thế − nhưng ngay cả khi bạn không phải làm việc, thì chuyện có thêm thu nhập cũng tốt mà. Cuộc sống của bạn sẽ trở nên thoải mái hơn nếu bạn có thể trang trải các khoản chi phí sinh hoạt hàng ngày mà không cần phải rút tiền tiết kiệm rồi lo lắng rằng lãi suất chỉ có 1%. Thực ra, trái ngược với thuyết “số lượng lao động cố định”, khi người cao tuổi có thêm thu nhập ổn định, họ sẽ chi tiêu nhiều hơn, tức là họ đã góp phần kích cầu, từ đó tạo thêm cơ hội việc làm cho những người khác. Một cụ bà 65 tuổi với nguồn tiền dự trữ ngày càng eo hẹp hẳn sẽ chẳng chịu thuê thợ tới thiết kế lại phòng bếp. Nhưng một cụ bà 65 tuổi vẫn còn đang làm việc với tần suất 30 tiếng một tuần có thể nghĩ tới chuyện đó.
Những lợi ích không chỉ dừng lại ở đó. Khi người cao tuổi tiếp tục làm việc cho các tổ chức – đặc biệt là trong các vị trí lãnh đạo (thường thì ở các vị trí này họ sẽ được trả lương) – họ cũng sẽ giúp mang lại những tăng trưởng về mặt kinh tế cho tổ chức thông qua việc tận dụng mạng lưới quan hệ rộng rãi và các kỹ năng được tôi luyện lâu năm của mình. Đó là điều mà Tim Will, CEO 63 tuổi của công ty Foothills Connect Business và Trung tâm Công nghệ ở Rutherfordton, Bắc California, đã làm. Sau nhiều năm làm việc trong lĩnh vực viễn thông, Will và vợ mua một mảnh đất gần 4.000m² trong cộng đồng Appalachia để xây dựng một nông trang trồng các sản phẩm hữu cơ – một đam mê mà có lẽ ông sẽ theo đuổi trước đó hàng chục năm, khi vẫn còn tham gia Lực lượng Gìn giữ Hòa bình. Ông đã đi khắp nơi trong vùng để tìm một công việc dạy học nhằm có thêm tài chính hỗ trợ cho các hoạt động ở nông trại. Nhưng khi tiếp xúc với hiệu trưởng các trường, ông chợt nhận ra rằng vùng này chủ yếu vẫn truy cập Internet qua đường điện thoại cố định. Ông xin việc ở công ty Foothills Connect và dự án lớn đầu tiên của ông là “khiến các lãnh đạo cộng đồng ở đây nhận ra rằng họ vẫn là một hạt kém phát triển chừng nào họ chưa chuyển sang sử dụng băng thông rộng”, ông chia sẻ. Với kiến thức nền về viễn thông, đề xuất của ông có sức thuyết phục lớn và chính quyền hạt nhanh chóng phê duyệt một khoản tiền để “đưa người dân tiến vào thế kỷ XXI”.
Tốc độ đường truyền Internet nhanh hơn dần mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng. Giống như phần lớn vùng Appalachia, Rutherfordton qua nhiều thập kỷ đã dần để mất công ăn việc làm trong ngành dệt may, nhưng họ lại ở quá xa những trung tâm việc làm như Charlotte hay Asheville. “Giờ thì họ có thể làm ăn ngay tại nhà mình rồi”, Will nói. Hiện ông cũng giám sát quá trình thành lập của một số công ty nhỏ, chẳng hạn một công ty phần mềm CPA, một công ty thiết kế trang web và một công ty cung cấp thuốc cho gia súc hoạt động qua mạng. Nhờ được tiếp cận nguồn thông tin trực tuyến, nên các trường học trong vùng dần chiếm vị trí xếp hạng cao hơn trong các cuộc thi đánh giá chất lượng đất đai mang tên Nông dân Mỹ Tương lai. Còn Will thì quyết định dựa vào chất lượng đường truyền Internet nhanh để xây dựng ngành nông nghiệp hữu cơ trong vùng. Ông hướng dẫn nông dân địa phương các phương pháp nuôi trồng hữu cơ (chẳng hạn dùng gà để diệt trừ sâu bọ và làm đất màu mỡ), sau đó, ông còn thành lập một “Chợ nông sản tươi” để họ bán sản phẩm cho các nhà hàng ở vùng Charlotte và người tiêu dùng có thu nhập cao, muốn ăn thực phẩm sạch trong vùng nhưng (một cách thông thái) nhận ra rằng nuôi trồng không phải là chuyện năng lực cá nhân. Hiện chỉ riêng doanh số bán gà của Will đã đạt tới mốc 250.000 đô-la mỗi năm, ngoài ra còn có pho mát, thịt bò và các loại nông sản khác. Chính nhờ kinh nghiệm, ông gặt hái được những thành quả kể trên. Ông tâm sự: “Có lẽ khi 30 tuổi tôi sẽ chưa thể làm được như thế, bởi tôi chưa đủ kiên nhẫn.” Và hẳn là một người ở độ tuổi 30 cũng sẽ khó có được kiến thức sâu rộng về nông nghiệp cộng với kiến thức về viễn thông và kỹ năng quản lý cùng với khả năng thuyết phục cả một cộng đồng rằng ý tưởng của anh ta là đáng giá.
Tôi thích ý tưởng về sự nghiệp trọn đời. Dĩ nhiên, tôi hiểu sự hấp dẫn của cái ý tưởng nghỉ ngơi hẳn một thời gian nào đó trong giai đoạn hưu trí để đi du lịch đó đây, để chơi golf, hay chỉ đơn thuần là ngồi thảnh thơi dưới mái hiên nhà – những điều mà chúng ta khó có thể thực hiện được khi vẫn còn đi làm. Sydney Lagier đã trải qua 4 năm làm việc trong một công ty kế toán, sau đó là 18 năm ở một quỹ đầu tư trước khi đạt được mục tiêu nghỉ hưu vào năm 2008, ở độ tuổi tứ tuần (chính xác là 44 tuổi). Cô chia sẻ: “Tôi rất tán thành chuyện nghỉ ngơi hoàn toàn trong ít nhất là một năm – nếu không muốn nói là hai năm – rồi sau đó mới tiếp tục làm việc. Điều này có thể rất khó đối với những người vốn gắn bó với một loại công việc suốt cuộc đời, song tôi cho rằng chúng ta cũng nên dừng lại để cảm nhận xem cuộc sống của mình sẽ như thế nào nếu không có công việc.” Lagier dễ dàng tìm được cách tiêu khiển qua ngày. Cô thích thú với cái suy nghĩ rằng hình ảnh cái tôi của bản thân không còn bị bó buộc quanh quẩn với nỗi ám ảnh là cấp trên suy nghĩ về cô ra sao. Cô nói: “Khi về hưu, tôi mới nhận ra rằng lòng tự trọng của mình hoàn toàn là do mình nắm giữ và tôi thích điều đó.” Tuy nhiên, cô vẫn tiếp tục làm việc tự do. Với cô, 40 hay thậm chí là 50 năm “là một quãng thời gian dài kinh khủng nếu cuộc sống không có việc gì để làm.” Cô không cần kiếm tiền nữa, nhưng: “Tôi đã học được rằng điều hay nhất của việc tự làm việc cho mình là tôi phải ép buộc bản thân làm những việc tôi không cảm thấy thoải mái thường xuyên nhất. Khi nghỉ hưu, bạn có thể làm bất kỳ việc gì mình mong muốn và phần lớn trong số đó đều không quá khó khăn mà chỉ đơn thuần mang tinh thần giải lao. Nhưng cũng nên nhớ rằng bạn vẫn còn có thể chinh phục được những thử thách. Đứng trước thử thách khiến tôi có suy nghĩ tích cực về bản thân mình.”
Đúng vậy, ngay cả những người đã dành dụm được đủ tiền trong độ tuổi 20 – 30 để có thể sống tới cuối đời nhờ vào số tài sản đó (bao gồm cả các chi phí chăm sóc sức khỏe) cũng đều nhận thấy những khía cạnh tích cực của công việc. Lagier cho biết, nhiều độc giả của cô (cô viết blog có tên “Nghỉ hưu: Một công việc toàn thời gian”) cũng muốn lồng ghép công việc vào trong những năm tháng nghỉ ngơi của mình. Ngày càng có nhiều người tán thành lối suy nghĩ này, nhất là khi chúng ta đã nhận thấy rằng công việc không nhất thiết đồng nhất với khó khăn nặng nhọc và tẻ nhạt. Thay vì làm công việc khiến chúng ta lúc nào cũng cảm thấy nơm nớp lo lắng hay bắt buộc phải làm, việc làm trong thời gian hưu trí có thể trở thành một nguồn hạnh phúc lớn lao trong cuộc sống của chúng ta. Suzanne Braun Levine, đồng sáng lập tạp chí Ms., từng có lần nói về thế hệ baby boomer như sau: “Chúng tôi đã bước vào lứa tuổi 50 – 60 với tấm lòng trân trọng dành cho công việc. Tôi cho rằng đây là thế hệ có nhiều trải nghiệm với ý tưởng về những công việc có ý nghĩa và phần thưởng dành cho những công việc có ý nghĩa nhất.”
Những người có thể nhìn nhận công việc theo góc độ này rõ ràng là những người rất may mắn. Tôi thích viết lách, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi hoàn thành những bài báo hay cuốn sách, nhưng bên cạnh đó, tôi cũng đã từng làm nhiều công việc khác mà bản thân không hề muốn tiếp tục, chẳng hạn như việc phết bơ tỏi lên bánh mỳ trong nhà hàng Ý Fazoli – công việc tôi làm khi còn trẻ. Thế nhưng, đối với bà chủ của nhà hàng đó, thì việc cùng với con cái sáng tạo lại những món ăn nơi cố quốc xa xôi biết đâu lại là một nguồn vui đối với họ và họ thích phết bơ tỏi lên bánh mỳ. Chúng ta đang sống trong một nền kinh tế vô cùng đa dạng và nếu bạn có một nền học vấn vững chắc cùng hoài bão, thì chắc chắn sẽ có những công việc khiến bạn có được cảm giác như cảm giác của bà Judith Van Ginkel: “Tôi chưa bao giờ thức dậy mà có cảm giác chán nản, không muốn đi làm. Tôi luôn muốn đi làm ngay khi vừa tỉnh giấc,” bà nói.
Những người hạnh phúc nhất mà tôi được biết đều tìm ra được công việc mà họ thích làm tới nỗi họ sẵn sàng làm việc không công – và rồi họ lại tìm ra cách được trả lương cho sở thích của mình. Dĩ nhiên, bản thân chuyện làm sao để tìm ra được công việc trong mơ như vậy là một điều hết sức khó khăn. Đó là cả một quá trình dài tìm hiểu những điểm khác biệt nơi bạn và những mơ ước của bạn, đồng thời quan sát những thời điểm bạn cảm thấy hạnh phúc nhất, hoặc thử làm nhiều việc khác nhau cho đến khi bạn tìm được công việc ngọt ngào đó. Thường thì bạn cũng phải chấp nhận cả những rủi ro – chẳng hạn như thành lập một doanh nghiệp hay tiếp quản một công ty đang trên bờ vực phá sản mà bạn biết mình có thể tái thiết nó nhờ có tầm nhìn tốt hơn. Tôi không biết có cách nào để khiến quá trình này trở nên dễ dàng hơn cả. Nhưng tôi biết rằng bất kỳ một khoảnh khắc nào bạn bỏ ra để theo đuổi nó đều đáng quý, bởi khi bản thân công việc đã là một nguồn vui thú, thì bạn sẽ không cần phải tính toán xem mình cần tích cóp bao nhiêu là đủ để có thể an dưỡng tuổi già. Bạn có thể gây dựng cả một gia tài. Tại sao lại không chứ? Có của là có phước và nó giúp bạn làm được rất nhiều thứ. Nhưng cho dù đống tài sản đó có lớn tới đâu, bạn vẫn sẽ muốn tiếp tục làm việc cho tới khi sức khỏe không còn cho phép – điều mà nhiều người trong chúng ta đều sẽ gặp phải khi lớn tuổi hơn. Nhưng tiết kiệm để dự phòng cho một vài năm ốm đau, không thể làm được bất kỳ công việc gì vào lúc cuối đời lại là một chuyện khác so với việc tiết kiệm cho 20-30 năm tuổi già, lúc chúng ta vẫn còn sung sức nhưng lại không làm việc. Mà “các vấn đề sức khỏe” đôi khi lại không hề nghiêm trọng như chúng ta tưởng. Nếu yêu thích công việc của mình, bạn sẽ tìm ra được cách thực hiện nó ngay cả khi những hạn chế về mặt thể chất xuất hiện. Trong cuốn The Creative Habit (tạm dịch: Thói quen sáng tạo), nhà biên đạo múa Twyla Tharp chia sẻ, bà nhận ra rằng “khi tiến gần tới ngưỡng lục tuần, tôi không còn có thể tư duy về những hình ảnh mà tôi là người duy nhất có thể thực hiện được. Thực ra là tôi không thể. Nếu không, động tác đó sẽ không đủ khó khăn, thách thức đối với những vũ công trẻ tuyệt vời của tôi.” Nhưng bà vẫn thuê những vũ công tuổi đôi mươi thực hiện các động tác xuất hiện trong đầu bà, do đó, bà vẫn tiếp tục làm việc trong lĩnh vực đòi hỏi nhiều về thể chất như thế tới khi gần 70 tuổi.
Ngoài ra, còn có một sự khác biệt thú vị về giới tính liên quan đến những quan điểm về việc nghỉ hưu hiện nay. Ý tưởng làm việc một mạch từ 20 tới 60 tuổi rồi nghỉ ngơi có lẽ là của nam giới nhiều hơn. Một phần là vì phụ nữ sống lâu hơn và vì thế họ vẫn còn thời gian nghỉ hưu dài cho dù họ có làm việc tới những năm 70 tuổi. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn có nhiều phụ nữ − như bà Van Ginkel chẳng hạn – dành thời gian đầu sự nghiệp để nuôi dạy con cái. Phải đến khi con gái Van Ginkel đi học, bà mới theo học tiến sĩ. Nếu bạn bắt đầu sự nghiệp vào tuổi 37 và tiếp tục làm việc cho tới năm 72 tuổi, thì cuối cùng bạn vẫn làm việc bằng thời gian với người bắt đầu đi làm từ 20 tuổi rồi nghỉ hưu lúc 59 tuổi. Ngay cả với những người làm công ăn lương trong độ tuổi 20 – 30 cũng thường phải hy sinh một vài công việc để chăm sóc con cái. Cuộc sống có thể có những điều bất ngờ, nhưng tôi dám chắc rằng làm việc với tần suất 50 tiếng/giờ ở độ tuổi 62 thì dễ dàng hơn nhiều so với tuổi 32. Và vì phụ nữ đã dần chiếm tỷ trọng lớn hơn trong lực lượng lao động, nên thực tế này có thể sẽ thay đổi cách suy nghĩ của chúng ta về chu kỳ công việc và cuộc sống.
Dĩ nhiên, không phải cứ muốn là được. Trong thập kỷ qua, nhiều người ở độ tuổi 50 – 60 đã bị buộc phải nghỉ hưu bất đắc dĩ. Theo một nghiên cứu về người tiêu dùng hưu trí của McKinsey năm 2007, khoảng 40% người về hưu khi được hỏi nói rằng họ bị buộc thôi lao động sớm hơn dự tính, thường là vì lý do sức khỏe hoặc bị nghỉ việc. Nhưng cả hai lý do này đều không ngăn cản họ tìm việc trở lại (nếu tình trạng sức khỏe tốt lên), song những người cao tuổi khi tìm việc làm lại cho hay họ thường bị nhà tuyển dụng phân biệt tuổi tác. Chính điều này đã khiến những người bị sa thải khi gần 60 tuổi không có ý muốn đi tìm việc khác.
Tuy vậy, có nhiều cách khác nhau để đối phó với tình trạng này, nếu chúng ta cho rằng đây là một mục tiêu chính sách nghiêm túc để giữ chân người cao tuổi trong lực lượng lao động. Andrew Biggs, cựu phó chính ủy Quỹ An sinh Xã hội (nay thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ) đang đề xướng một ý tưởng rất hay là giảm thuế an sinh xã hội cho người lao động trên 62 tuổi. Việc này không chỉ giúp họ được bình đẳng hơn trong hệ thống an sinh xã hội (hiện tại, người lao động cao tuổi hầu như không có được các lợi ích thêm nào nếu họ vẫn tiếp tục đóng góp vào quỹ này), mà nó còn giúp họ có thêm chút tiền, do đó họ có thể sẵn lòng làm việc với mức lương thấp hơn. Đây có thể là một biện pháp đáp trả lại tình hình phân biệt tuổi tác hiện nay.
Nhưng cho dù không có chính sách này đi chăng nữa, thì vẫn có rất nhiều người già vượt qua được tình trạng phân biệt hay vấn đề nơi làm việc thiếu linh hoạt bằng cách tự kinh doanh hoặc làm việc tự do. Có rất nhiều cách làm việc không cần phải túc trực 8 tiếng/ngày tại nơi làm việc. Chẳng hạn, việc tự kinh doanh có thể giúp người cao tuổi làm việc linh hoạt nếu họ muốn đi du lịch, dành thời gian cho gia đình, hay tham gia rèn luyện thể lực.
Dẫu vậy, phong trào sự nghiệp trọn đời vẫn đang ngày một phát triển và thu hút được sự ủng hộ của những người thuộc mọi quan điểm chính trị khác nhau. Khi tôi viết về vấn đề này cho tờ USA Today hồi đầu năm 2011, R. Albert Mohler Jr., chủ tịch Trường dòng Thần học miền Nam, đã tỏ ra rất thích thú với quan điểm của tôi rằng “chúng ta đang tái định nghĩa ý tưởng rằng công việc là thứ mà ai cũng muốn bỏ.”
MỘT LÝ DO TỐT HƠN ĐỂ GÂY DỰNG TÀI SẢN
Dù bạn có ý định làm việc tới cuối đời hay không, thì tiết kiệm vẫn là một vấn đề quan trọng – tuy rằng có thể bạn sẽ không dùng nó để trang trải cho chặng đời nghỉ hưu truyền thống như trước đây. Một động lực khác lớn hơn là những gì mà ngay cả món tài sản khiêm tốn (chẳng hạn như số tiền đủ để trang trải sinh hoạt gia đình bạn trong 2 – 3 năm tới) cũng có thể mang lại cho bạn trong thời gian trước mắt.
Nói cụ thể hơn, nó mua tự do về cho bạn. Có tiền trong tay nghĩa là bạn không cần phải nghĩ đến nó nữa, hay chí ít là bạn không phải lúc nào cũng đăm chiêu về nó trước tiên. Đây chính là điểm hấp dẫn của ý tưởng nghỉ hưu – bạn không cần phải làm bất kỳ công việc gì. Nhưng sự tự do này chỉ có ý nghĩa khi bạn còn trẻ. Tiền của có thể mang lại cho bạn khả năng quay lưng lại với một công việc hoặc điều đình về các điều khoản trong hợp đồng lao động khi bạn mới 35 tuổi, chứ không phải 65, khi bạn muốn thử công việc khác – mà biết đâu đó lại là công việc bạn mong mỏi rằng mình sẽ được làm mãi mãi.
Tôi rất thích phỏng vấn những người đã gây dựng được “quỹ tự do” như thế, rồi từ đó tạo ra những thay đổi trong cuộc sống của mình. Antranig Garibian là một luật sư ở Philadelphia. Anh đã làm việc trong hãng luật của mình được 7 năm (5 năm trong vai trò luật sư) và mọi việc diễn ra suôn sẻ. Nhưng rồi tới giữa năm 2010, anh quyết định chuyển tiền vào một quỹ khẩn cấp. Anh chia sẻ: “Bất kỳ khi nào chúng tôi nhận được tiền bồi hoàn từ thẻ tín dụng, tiền hoàn thuế, quà tặng, chiết khấu, tiền thưởng, v.v… chúng tôi sẽ vờ coi như mình chưa từng nhận được chúng. Và số tiền đó lớn dần theo thời gian.” Để làm gì ư? Để thành lập hãng luật riêng của anh. Anh không muốn tiếp tục chuyên sâu vào việc bảo vệ những vụ kiện tụng liên quan đến chất amiăng (mục tiêu chính của công ty anh) và anh muốn tự quản lý mối quan hệ của mình với các thân chủ. Anh đã tích lũy được đủ số tiền để có thể trang trải trong một thời gian. Rồi anh xin nghỉ. “Họ đều ngạc nhiên,” anh chia sẻ. Cấp trên nói với Garibian rằng anh sẽ có tương lai trong công ty này và ông ta đưa ra cho anh nhiều cơ hội khác nhau, song Garibian không mấy hào hứng.
Nhưng rồi, cũng trong khoảng thời gian này, vợ anh lại mang thai đứa con đầu lòng. Việc quay lưng lại với một khoản tiền lương an toàn hàng tháng vì thế lại trở nên rủi ro hơn, dù rằng Garibian biết anh vẫn có thể làm thế. Công ty anh lại liên hệ để mời anh ở lại. Anh nói: “Tôi đã chia sẻ với họ những suy nghĩ của mình về công việc ở đó và mong muốn đa dạng hóa khách hàng. Cuối cùng chúng tôi đi đến thống nhất rằng tôi có thể sử dụng các nguồn lực của công ty để tiếp thị với các thân chủ và đa dạng hóa các lĩnh vực tư vấn. Như vậy, rốt cuộc tôi đã có thể gây dựng sự nghiệp riêng trong sự nghiệp chung của công ty, từ đó tôi có cơ hội tận hưởng những ưu điểm của cả hai: đó là sự an toàn của công ty hiện tại và cơ hội trở thành doanh nhân, tự phát triển cơ sở khách hàng của mình.” Việc có một quỹ tự do giúp anh có thể thương lượng ở một vị trí có lợi hơn, tốt hơn nhiều so với vị thế của một ông bố trẻ đang đau đầu tìm cách nuôi gia đình.
Cũng có những người dùng quỹ tự do của mình để tìm đến những nghề nghiệp có mức lương thấp hơn. Robert Pondiscio làm giám đốc truyền thông cho tạp chí BusinessWeek trong thời kỳ bùng nổ quảng cáo trực tuyến. Thay vì tiêu hết số tiền thưởng nhận được từ các quảng cáo, anh tích cóp chúng lại và chúng đã giúp đỡ anh rất nhiều khi anh chuyển sang làm giáo viên tiểu học ở P.S 277, South Bronx, với mức lương bị giảm tới 80%.
Đó là một công việc có ý nghĩa nhưng cũng hết sức gian nan, nhất là anh càng ngày càng trở nên bất mãn vì đã không dành được nhiều thời gian để bồi dưỡng các nhân tài tí hon như anh hằng mong muốn. Hơn nữa, sau 5 năm trong nghề giáo, anh nhận ra rằng mình muốn có một công việc kết hợp được cả giáo dục – tập trung vào việc bồi dưỡng nhân tài – và truyền thông. Anh chuyển sang làm PR cho Prep for Prep, một chương trình hỗ trợ cho trẻ em thiểu số có năng khiếu thi vào các trường dự bị đại học. Mặc dù giờ đây anh đã ra khỏi nghề giáo, song anh mừng rằng mình đã có thời gian đó – và biết rằng anh sẽ không thể có cơ hội làm giáo viên nếu không có khoản tiền lót chân đó. Thực ra, chỉ riêng tiền học phí tại trường tư thục của con gái anh cũng đã vượt quá số lương mà anh nhận được khi dạy học.
Vậy bạn làm gì để xây dựng một quỹ tự do, hay một quỹ phục vụ cho bất kỳ mục tiêu nào quan trọng với bạn? Và bạn làm thế nào để thực hiện điều đó trong khi vẫn không phải hy sinh những thú vui nhỏ bé giúp mang lại niềm hạnh phúc bình dị cho bạn? Các bài báo viết về chuyện tiết kiệm đều ngân một giọng đáng sợ như nhau, bởi chúng chỉ tập trung vào chuyện hạn chế − không ăn hàng, không mua sắm, không sơn sửa móng tay. Làm sao có thể sống tiêu cực như thế được! Trong cuộc trao đổi giữa hạnh phúc hiện tại và hạnh phúc trong tương lai, liệu một bữa tối ngoài hàng lúc này có giá trị hơn ba bữa tối ngoài hàng khi bạn đã 70 tuổi không? Tôi không dám cam đoan là có câu trả lời đúng đắn duy nhất nào cho câu hỏi này. Vì thế mà tôi cho rằng cách tiết kiệm tốt nhất không phải là cứ chăm chăm cắt giảm những niềm vui nhỏ bé. Thay vào đó, hãy làm sao để những khoản chi phí có khoản mục rõ ràng (như tiền thuê nhà, mua ô tô) chiếm một tỷ trọng nhỏ trong thu nhập định kỳ của bạn, nhờ đó bạn sẽ không còn phải lo lắng về những khoản chi lặt vặt như tiền mua cà phê, dù rằng bạn vẫn đang thực hành tiết kiệm. Nếu thu nhập cơ bản của bạn thấp quá, không đủ để thực hiện điều đó, thì hãy tìm cách kiếm thêm. Kiếm thêm càng nhiều càng tốt. Số tiền dư ra này sẽ dễ đưa vào tiết kiệm hơn.
Đó là cách làm của Crystal Paine gần đây, khi gia đình cô đang tiến gần đến mục tiêu tiết kiệm quan trọng. Jesse, chồng cô, điều hành một hãng luật riêng, còn cô thì nổi tiếng trên mạng nhờ blog “Bà mẹ tiết kiệm” chuyên viết về các phiếu khuyến mãi và các đợt giảm giá − ấy vậy mà, thật ngạc nhiên, cô lại vẫn công nhận chi phí cơ hội về thời gian. Paine đặt ra ngưỡng “lương tối thiểu” 20 đô-la/giờ mỗi khi cần cân nhắc xem có nên tiết kiệm khoản gì hay không – và đó là lý do cô vui vẻ tự làm bánh bột ngô tại nhà. Nhưng có một điều mà cô thực sự muốn làm: mua một ngôi nhà trả bằng tiền mặt. Nghe có vẻ điên rồ, nhưng cô có hai lợi thế. Thứ nhất, gia đình cô sống ở vùng ngoại ô Kansas nên một ngôi nhà tươm tất cũng chỉ có giá khoảng 150.000 đô-la. Thứ hai, gia đình cô vốn đặt hạn mức chi tiêu rất thấp, không phụ thuộc vào nguồn thu từ blog của cô và họ cũng không rộng tay chi tiêu khi lượng người truy cập vào blog của cô tăng cao. Cuối cùng, cô kiếm được số tiền còn “nhiều hơn một công việc chính thức”. Và do tất cả đều là tiền kiếm thêm, nên việc tiết kiệm cũng trở nên dễ dàng hơn và chỉ sau 21 tháng, Crystal đã tích lũy đủ số tiền để mua nhà – điều mà có lẽ cô sẽ không thể thực hiện nổi nếu chỉ cặm cụi lo tiết kiệm từng xu khi mua sắm.
Là gia đình trẻ, nên việc sở hữu nhà riêng mang lại cho họ sự tự do mà phần lớn chúng ta thậm chí còn chưa thể hình dung nổi. Gần như mọi thu nhập sau khi trừ thuế đều đi vào túi của họ, giúp họ tiếp tục tích lũy tài sản, tiếp tục làm cho khoản tiền dự phòng của họ lớn dần lên trong khi cả hai đều điều hành hoạt động kinh doanh riêng. Tự kinh doanh sẽ không hẳn là rủi ro nếu bạn không phải hàng tháng còng lưng trả các khoản mua trả góp hay thuê nhà. Công việc của họ còn giúp họ linh động dành thời gian cho nhiều thứ khác, như con cái chẳng hạn. Thực ra, Crystal tự dạy con cái học ở nhà.
Nói một cách khác, gia đình Paines đã dùng tiền để có thể được tiếp tục theo đuổi những gì khiến họ cảm thấy mình là người may mắn. Cũng giống như bà Van Ginkel. Chia sẻ về những ngày làm việc trường kỳ với nguồn năng lượng dường như vô tận, không mệt mỏi trong việc tìm ra những cách thức tốt hơn để hỗ trợ các gia đình trẻ ở thành phố Cincinnati, Van Ginkel nói: “Người ta nhìn tôi rồi bảo: bà mất trí rồi. Nhưng tôi yêu thích công việc của mình. Tôi làm việc với những con người thông mình và chúng tôi đang làm những việc tốt.” Chuyện đó, thực tình mà nói, nghe thú vị hơn nhiều so với chuyện nghỉ dưỡng hết ngày này qua tháng khác.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.