Tiền Không Bao Giờ Là Đủ

Chương 9 Một cách đầu tư khác



Thời tiết âm u của tháng Hai ở Michigan không đủ để che mờ nét sôi nổi của cô gái 26 tuổi Margarita Barry, người bạn cùng ăn sáng với tôi trong một quán cà phê ấm cúng ở Plymouth. Vừa nhìn ra bầu trời đầy tuyết bên ngoài, vị nữ doanh nhân đa ngành nghề này vừa hào hứng bàn về việc ra mắt 71 POP, một địa điểm bán lẻ đặt tại Detroit giúp giới nghệ sĩ/thiết kế có nơi bán thử sản phẩm trước khi mở cửa hàng riêng của mình. Margarita nói: “Họ sẽ có được kinh nghiệm thực tế mà chưa cần phải đương đầu với những khó khăn trong nghề. Họ vừa kiếm được tiền, lại vừa thu hút được khách hàng.” Nếu một sản phẩm nào đó được nhiều người mua, thì nhà thiết kế sẽ có được lợi thế khi ký hợp đồng thuê cửa hàng ở nơi khác. Tính tới nay, Margarita cho hay đã có người xếp hàng đăng ký thuê địa điểm của cô. Tọa lạc ở số 71 Garfield, quận Sugar Hill Arts, Detroit, tòa nhà này mới được trùng tu và đã sẵn sàng đi vào hoạt động. Mọi người đều tán thành với cô rằng đây là một ý tưởng tuyệt vời.

Giờ chỉ còn một vấn đề là tìm nguồn tài trợ cho hoạt động ban đầu.

Tôi đến đó chủ yếu chỉ để phỏng vấn Margarita về một chuyện làm ăn hết sức thú vị của cô (một trang web mang tên Tôi là cư dân trẻ ở Detroit), nên phải đến mấy tháng sau tôi mới chú ý đến 71 POP, khi chợt nhìn thấy một nhiệm vụ tài chính phải làm hàng năm: đóng tiền vào quỹ lương hưu. Tôi mong rằng mình sẽ còn được tiếp tục làm việc cho đến cuối đời chứ không cần dùng đến lương hưu, nhưng nếu chính phủ Mỹ có chính sách giảm thuế cho người tiết kiệm tiền – mà thực ra tôi vẫn tiết kiệm tiền dù được giảm thuế hay không – thì khi ấy tôi sẽ dồn tiền đầu tư vào các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) trong nước và quốc tế. Vì không có thu nhập ổn định hàng tháng (tôi ăn lương theo dự án), nên tôi thường đóng khoản lương hưu một lần trong năm, khi cảm thấy mình dư giả. Mấy tháng tiếp theo đó, tôi sẽ ngồi đặt lệnh giao dịch cho VT (The Vanguard Total World Stock Index Fund), IVV (iShares S&P 500 Index Fund) và các khoản đầu tư khác tương tự.

Cũng trong khoảng thời gian này, qua Kickstarter, một trang web quyên góp những khoản từ thiện nhỏ để hỗ trợ thực hiện các dự án sáng tạo, tôi được biết rằng Margarita đang cần 8.000 đô-la để khởi động 71 POP. Tìm hiểu thêm trên trang web này, tôi bị cuốn hút bởi lời hứa của Margarita rằng cô sẽ đem đến một sự kết hợp mới mẻ giữa sáng tạo với một phương thức mua sắm độc đáo ở Detroit. Thế là tôi gửi cho cô 25 đô-la và trở thành một trong số 101 nhà tài trợ đầu tiên của 71 POP.

Bạn thử đoán xem, khoản đầu tư nào là thú vị hơn?

Nếu có cùng suy nghĩ với đa số những người tỉnh táo khác, hẳn bạn sẽ chọn các quỹ ETF. Theo tính toán của các tài liệu viết về việc nghỉ hưu, trong 30 năm tới, khoản đầu tư 5.000 đô-la của tôi sẽ tăng lên tới mức gần 50.000 đô-la – một con số đủ lớn để giúp tôi tha hồ vui hưởng tuổi già. Trong khi đó, về mặt lý thuyết, việc hỗ trợ cho 71 POP hoàn toàn không mang lại chút lợi nhuận tài chính nào cho tôi.

Tuy vậy, nếu nghĩ một cách thấu đáo, bạn sẽ thấy rằng tình hình còn phức tạp hơn lý thuyết nhiều. Công việc của tôi là viết bài về vấn đề kinh doanh và nền kinh tế sáng tạo. Một trong những khó khăn lớn nhất của tôi là tìm ra người thật việc thật để viết, dù thi thoảng cũng có người gửi những thông cáo báo chí tới hộp thư của tôi – và như thế có nghĩa là nó cũng sẽ xuất hiện ở hộp thư của tất cả mọi người. Mối liên hệ với tổ chức của Margarita sẽ giúp tôi có cơ hội tìm hiểu về mọi doanh nhân hợp tác với 71 POP. Liệu tôi có thể biến những mối quan hệ đó thành những bài viết trị giá hơn 250 đô-la – tương đương với lợi nhuận mà tôi sẽ được nhận trong 30 năm tới qua quỹ lương hưu của mình – không? Tôi dám chắc là có.

Song tiền nong không phải là lý do duy nhất khiến khoản quyên góp cho 71 POP của tôi trở nên lý thú hơn so với các khoản đầu tư khác. Nhìn rộng ra, đầu tư vào thị trường chứng khoán tức là góp phần hỗ trợ cho một hệ thống, theo đó các công ty lớn có thể phát triển để tạo thêm công ăn việc làm, v.v… Nhưng hãy đối mặt với thực tế đi! Nếu bạn không phải là nhà đầu tư cỡ lớn – lớn đến mức bạn muốn mua một thiết bị đầu cuối Bloomberg để trong phòng khách – thì chẳng có gì hay ho khi mua từng mẩu nhỏ cổ phiếu. Ấy thế nhưng chúng ta vẫn cần phải làm – vì nó tốt cho chúng ta, như rau củ tốt cho sức khỏe vậy. Đó là một hành động mà một người trưởng thành tỉnh táo cần làm, vì nó mang lại trái ngọt sau này, dù rằng hiệu quả trước mắt chẳng là bao. Ngược lại, đầu tư vào những dự án kinh doanh nhỏ là một cách tiêu tiền giúp chúng ta vừa thấy được kết quả nhãn tiền, lại vừa xây dựng được các mối quan hệ cá nhân. Tôi hạnh phúc khi biết rằng số tiền của mình đang được dùng để tạo cơ hội cho người khác, những người vừa đi học/đi làm vừa dồn tâm huyết vào hoạt động sáng tạo, giống như những nhà thiết kế và nghệ sĩ đang ngày một đông ở 71 POP. Không chỉ họ được lợi từ một phần nhỏ hỗ trợ của tôi, mà bản thân tôi cũng có cơ hội tới gặp và tìm hiểu về họ − trong khi tôi khó có thể tiếp cận được với các vị CEO của những công ty lớn niêm yết trên sàn chứng khoán.

Vì lẽ đó, khi nói về chuyện bỏ tiền mua hạnh phúc, tôi nghĩ chúng ta nên mở rộng khái niệm về đầu tư. Xét ở nghĩa rộng, đầu tư có nghĩa là đưa nguồn lực của mình cho một tổ chức với hy vọng thu về được lợi nhuận. Có thể đầu tư bằng cách mua cổ phiếu hay các sản phẩm đầu tư tiêu chuẩn khác – bạn nên dành phần lớn ngân sách đầu tư của mình vào hoạt động này – nhưng bạn cũng có thể đầu tư bằng cách tạo cơ hội cho người khác (cũng giống như việc bạn dùng tiền mua thời gian để tập trung vào những công việc mang lại giá trị cao nhất). Tức là bạn có thể bỏ tiền ra giúp các doanh nghiệp mới thành lập phát triển (dù bạn không đáp ứng được các yêu cầu của Ủy ban Giao dịch chứng khoán), hay thậm chí là giúp tạo ra một nền kinh tế thịnh vượng cho cộng đồng. Có thể không có mối liên hệ trực tiếp giữa việc mua một cốc cà phê ở một cửa hàng bán cà phê độc lập với việc bạn được tăng lương bởi người ta đang đổ xô tới cộng đồng của bạn, tạo nên một nhu cầu lớn đối với các dịch vụ của công ty bạn, song nghĩ đi thì cũng phải nghĩ lại: làm gì có mối liên hệ trực tiếp nào giữa việc sở hữu cổ phiếu và giàu có đâu! Ở trường hợp đầu tiên, ít nhất thì bạn cũng sẽ có được một cốc cà phê và bạn biết về một cửa hàng cà phê, cũng là nơi mọi người biết đến bạn vì bạn tới đó mua hàng.

Sự thật đáng nói đến đằng sau những việc làm này là chúng ta đều có khả năng thúc đẩy sự hình thành của các loại công ăn việc làm cũng như những hy vọng và hạnh phúc do chúng tạo ra. Ai cũng được quyền lựa chọn cách tiêu tiền của mình và chúng ta có thể đầu tư tiền cho con người thay vì cho đồ vật, mà cụ thể là đầu tư cho những con người sinh sống ở ngay cộng đồng của chúng ta hay ở những cộng đồng khác mà chúng ta quan tâm. Nếu được thực hiện một cách đúng đắn, thì đầu tư là cách tiêu tiền vì xã hội tốt nhất. Bạn tạo cơ hội cho người khác và những người này lại tạo cơ hội cho bạn. Đây là một sự bổ sung tuyệt vời cho những ý tưởng truyền thống về tài sản – và chắc chắn nó thú vị hơn nhiều so với những lệnh giao dịch cho IVV.

NHÀ ĐẦU TƯ HẠNH PHÚC

Những năm gần đây, khi tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ tăng lên mức hai con số (sau đó giảm xuống), thì cả nước đau đầu với bài toán công ăn việc làm. Tuy nhiên, ít ai bàn tới cách tạo công ăn việc làm. Nhìn chung, sở dĩ một công việc được tạo ra bởi người chủ doanh nghiệp nhận thấy chi phí tuyển dụng một nhân viên ít hơn doanh thu thêm mà người nhân viên đó sẽ mang lại. Bài toán này sẽ không còn rõ ràng khi doanh nghiệp mở rộng quy mô (có ai biết quản lý cấp trung chịu trách nhiệm mang lại bao nhiêu doanh thu không?), song sự rõ ràng ở một doanh nghiệp trẻ lại có ý nghĩa lớn trong bài toán này. Theo số liệu của Tổ chức Kauffman (chuyên nghiên cứu về kinh doanh), tất cả những sự tăng trưởng về công ăn việc làm trong nền kinh tế Mỹ mấy thập kỷ qua đều xuất phát từ những doanh nghiệp dưới 5 năm tuổi đời. Với các công ty lâu đời, mỗi khi một công việc mới được tạo ra ở nơi này, thì một công việc khác ở nơi khác bị mất đi. Điều đó không áp dụng được cho những doanh nghiệp mới thành lập đang trên đà phát triển nhanh chóng, bởi họ có thể tăng trưởng từ 0 tới 60 nhân viên (hay từ 600 tới 6.000 nhân viên) trong vài tháng.

Vì thực tế này mà doanh nhân được coi là người tạo công ăn việc làm – và nếu bạn cũng là doanh nhân thì đây quả là vấn đề đau đầu đấy. Chủ các doanh nghiệp tâm sự với tôi rằng việc tuyển dụng những nhân viên đầu tiên là khoảnh khắc vừa đáng sợ, vừa diệu kỳ. Đáng sợ bởi – cũng giống như tâm lý người lần đầu làm cha mẹ – đột nhiên bạn thấy mình không chỉ phải chịu trách nhiệm với riêng bản thân. Dù có chuyện gì xảy ra thì bạn vẫn phải phát lương cho nhân viên vào cuối tháng. Trong giai đoạn suy thoái kinh tế tồi tệ nhất cuối năm 2009, theo một cuộc điều tra của hãng American Express, 27% chủ các doanh nghiệp nhỏ ngừng nhận lương và 17% phải làm thêm việc khác để sinh sống. Đó là còn chưa kể tới việc họ phải vận hành doanh nghiệp của mình nữa đấy! Rõ ràng, những việc này có thể gây ra rất nhiều căng thẳng. Nhưng mặt khác, theo Jessica Brondo, chủ sở hữu The Edge – một công ty tư vấn giáo dục – mỗi lần tuyển dụng được một nhân viên, cô lại cảm thấy “vô cùng tuyệt vời”. Sau hàng năm trời tự xoay xở làm đủ thứ công việc không tên trong công ty, cuối cùng cô quyết định thuê một người quản lý văn phòng. Cô chia sẻ: “Bạn đó làm rất tốt và đây là một bài học lớn cho tôi. Nếu bạn đưa cho người khác công cụ phù hợp và đào tạo họ cách làm việc, thì họ cũng sẽ làm tốt hệt như bạn vậy. Thêm nữa, nhờ đó mà tôi mới có thời gian tập trung cho những công việc khác” – chẳng hạn như phát triển kinh doanh, để có thể tuyển dụng thêm người. Khi thấy các nhân viên của mình mua được nhà, hào hứng đi nghỉ mát – và bạn biết rằng chính ý tưởng kinh doanh của mình đã tạo cơ hội cho họ thực hiện được những điều đó – bạn sẽ có được một cảm giác thành đạt khó gì có thể sánh được.

Dĩ nhiên, hầu hết chúng ta đều không có đủ điều kiện để tuyển dụng nhân viên toàn thời gian chính thức. Tuy vậy, chúng ta vẫn có thể sử dụng các nguồn lực của mình để có được một phần niềm vui của việc mang lại cơ hội cho người khác.

Và nếu bạn không phải là doanh nhân, thì có một giải pháp là đưa tiền cho những doanh nhân đang góp phần sinh lợi tạo công ăn việc làm.

Những nguyên tắc ở đây – cũng giống như trong thế giới tài chính – là khá phức tạp. Để có thể chào bán cổ phiếu ra công chúng, một công ty ở Mỹ phải đáp ứng vô vàn yêu cầu khác nhau từ Ủy ban Chứng khoán (SEC). Nhìn chung, ngay cả trong thời kỳ bùng nổ các công ty hoạt động trên mạng, thì một công ty chỉ được phép chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) khi nó đã khá lớn và qua giai đoạn mới thành lập. SEC và chính quyền các bang có những quy định riêng dành cho người muốn đầu tư vào những công ty không niêm yết nhằm bảo vệ những người có tài sản hạn chế trước nguy cơ chịu thiệt hại trong những thương vụ phi pháp. Nếu bạn đáng giá hàng triệu đô-la – về cơ bản, bạn sẽ trở thành nhà đầu tư “được chứng nhận” nếu có trong tay khối tài sản ròng trị giá 1 triệu đô-la, chưa tính nhà ở chính thức, hoặc đáp ứng được những quy định về mức thu nhập – thì SEC sẽ xếp bạn vào hàng “đại gia” và tự tìm hiểu giúp bạn thương vụ nào là phi pháp.

Đối với tôi, điều thú vị trong chuyện này nằm ở chỗ rất ít người có tài sản hơn 1 triệu đô-la chịu đầu tư vào những công ty mới thành lập thông qua những quỹ gọi là quỹ đầu tư thiên thần, hay thậm chí là đầu tư trên danh nghĩa cá nhân. Nước Mỹ có hơn 5 triệu hộ gia đình sở hữu những khối tài sản trên 1 triệu đô-la có thể dùng để đầu tư, nhưng hầu như không ai đầu tư theo cách này. Có vẻ như nguyên nhân xuất phát từ thái độ về mặt văn hóa, theo đó những người từng kiếm được tiền từ những doanh nghiệp mới thành lập khác thường sẽ cảm thấy thoải mái hơn với hình thức đầu tư này so với những người kiếm tiền qua các công việc thông thường.

Vấn đề với tình huống này là, do việc đầu tư vào các công ty trong giai đoạn mới thành lập thường ẩn chứa nhiều rủi ro, nên các nhà đầu tư thiên thần có xu hướng đầu tư vào các ý tưởng của những người mà họ có thiện cảm. Có nghĩa là, dù kế hoạch của họ như thế nào đi chăng nữa, thì những công ty do người da trắng thành lập vẫn sẽ có cơ hội tiếp cận các quỹ đầu tư tốt hơn so với những công ty do đối tượng khác lập ra. Phụ nữ sở hữu gần 1/3 số công ty trên toàn nước Mỹ. Nhưng những công ty do phụ nữ sở hữu chỉ nhận chưa đầy 10% số tiền tài trợ. Hy vọng rằng sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư thiên thần khác chịu tìm hiểu và đỡ đầu cho nhiều công ty khác nhau. Như vậy, nếu bạn là phụ nữ hoặc là người da màu có khối lượng tài sản lớn, thì xã hội đang rất cần đến số tài sản hỗ trợ của bạn đấy. Patricia Greene, giáo sư về doanh nghiệp tại trường Cao đẳng Babson, Wellesley, Massachusetts, cho hay: “Rất nhiều người có điều kiện làm như vậy. Đầu tư vào các công ty mới thành lập là việc rủi ro, nhưng thành thật mà nói, hiện giờ còn chỗ nào mà đầu tư nữa đâu?” (Nhưng hiện nay những rủi ro này đã được giảm bớt phần nào, bởi công nghệ đang tích cực giúp tăng tính lưu động cho các hình thức đầu tư khác trên thị trường. Chẳng hạn, SecondMarket.com cho phép các nhà đầu tư cỡ lớn trực tiếp mua cổ phiếu của những công ty không niêm yết).

Dĩ nhiên, các quy tắc về giá trị tài sản ròng tối thiểu cũng có ngoại lệ, nếu không thì nền văn hóa kinh doanh của nước Mỹ sẽ không thể tồn tại được. Một người muốn khởi nghiệp có thể vay họ hàng 15.000 đô-la để thỏa mãn các yêu cầu pháp lý.

Tôi nghĩ đa phần chúng ta đều chưa suy nghĩ thực sự chín chắn về những khía cạnh này trong luật chứng khoán. Lý do người ta tìm cách công khai xuất hiện trước công chúng là vì mô hình “quyên góp đám đông” đang trở thành trào lưu trong thế giới Web 2.0 (hoặc bất kỳ phiên bản Web nào hiện nay). Quyên góp đám đông là hình thức huy động nguồn lực từ một mạng lưới để phục vụ mục đích nào đó. Chẳng hạn, người hâm mộ − chứ không phải là một hãng sản xuất – đứng ra tài trợ chuyến lưu diễn của một ban nhạc rock, đổi lại họ được nhận vé và áo phông. Hoặc độc giả chung tay trả tiền nhuận bút cho tác giả một cuốn sách để nhận về các phiên bản viết tay và được có tên trong danh sách tri ân của tác giả.

Tuy mới xuất hiện nhưng hình thức này đang phát triển nhanh chóng. Ra đời năm 2009, trang web Kickstarter giúp những người có khiếu sáng tạo đăng tải các ý tưởng của mình lên mạng và kêu gọi mọi người chung tay góp quỹ hỗ trợ (thường là mỗi người sẽ đóng từ 25-100 đô-la); đổi lại, họ sẽ nhận được những phần thưởng. Hai năm sau đó, Kickstarter đã quyên góp được 40 triệu đô-la cho gần 7.500 dự án. Các trang web khác như RocketHub, IndieGoGo, PeerBackers cũng đã và đang tạo cơ hội cho hàng nghìn người huy động được những quỹ khiêm tốn (khoảng từ 2.000-10.000 đô-la/dự án) để thực hiện mọi hoạt động, từ làm phim tài liệu tới ra sách hay thậm chí một thợ làm bánh thủ công còn cam kết làm bánh sinh nhật cả đời cho bất kỳ ai tình nguyện đưa cho cô 500 đô-la để trang trải các chi phí khởi nghiệp.

Theo nguyên tắc của SEC (thay đổi từ đầu năm 2013), những nhà hảo tâm chỉ được nhận phần thưởng chứ không được nhận bất kỳ thứ gì liên quan đến tiền bạc. Vì thế, lý do quyên góp cũng rất đa dạng, như để giúp đỡ bạn bè, hay bởi mọi người, theo cách nói của Vladimir Vukicevic, đồng sáng lập trang RocketHub, “bắt đầu nhận ra đây là một công cụ thăm dò, một cách tìm kiếm nhân tài trong những lĩnh vực mới xuất hiện”. Hơn nữa, những nhà hảo tâm cũng cảm thấy hào hứng với ý tưởng rằng họ có khả năng tạo ra sự khác biệt, rằng 25 đô-la cũng có thể “làm nên chuyện” – một điều không tưởng trước kia. Và đôi khi, bản thân những phần thưởng đưa ra cũng hết sức thú vị. Năm 2010, Regan Wann, chủ nhân cửa hàng Through the Looking Glass Fine Teas & Gifts ở Shelbyville, Kentucky, kêu gọi các nhà hảo tâm trên RocketHub hỗ trợ cô chuyển sang địa điểm rộng hơn. Cô chia sẻ: “Mọi người hào hứng tham gia và tôi chợt nhận ra việc mình đang làm có ý nghĩa với nhiều người khác nữa chứ không chỉ với riêng tôi.” Regan tặng mẫu trà cho các Mạnh Thường Quân và rồi một ngày, cô đồng ý đặt tên các vị trà ở quán mình theo tên của nhà tài trợ được lựa chọn ngẫu nhiên (hoặc cho bất kỳ ai tặng quán từ 500 đô-la trở lên). Vì thế mà giờ đây quán của cô bán “Trà Razi”, một loại trà pha giữa trà cam, trà xanh và trà đen do chính nhà hảo tâm bốc thăm trúng pha chế. Dù có bỏ ra bao nhiêu tiền ở Starbucks thì bạn cũng không bao giờ được đứng tên vị trà nào của họ đâu. Thế nhưng nếu bạn sinh sống ở Shelbyville, thì không những bạn có thể chỉ cần quyên góp một chút tiền nhỏ bé là đã đủ để giúp một quán trà tồn tại, nơi bạn có thể gặp gỡ khách hàng, thực hiện các cuộc phỏng vấn, v.v… mà bạn còn có cơ hội quảng bá tên tuổi của mình vì tên bạn sẽ xuất hiện trên bảng thực đơn của quán.

Vì các trang web quyên góp đám đông này hướng tới những cộng đồng cá biệt khác nhau, nên cũng có một số trang web trong đó, chẳng hạn như Peerbackers, chuyển sang tập trung hoàn toàn vào các doanh nhân và họ vẫn yêu cầu các đối tượng này chỉ được phép tri ân nhà tài trợ bằng phần thưởng chứ không bằng tiền mặt. Theo Sally Outlaw, đồng sáng lập Peerbackers, họ hoạt động theo đúng mô hình NPR, theo đó người hâm mộ chung tay hỗ trợ một dự án mà họ yêu thích và đổi lại, mỗi người được nhận quà tặng là một chiếc túi vải. (Quy định mới sẽ cho phép nhà tài trợ đầu tư những khoản nhỏ để nhận lợi nhuận, nhưng từ đầu năm 2013 tới nay SEC vẫn chưa ra quyết định chính thức).

Tuy nhiên, dù quy định không thay đổi, các nhà đầu tư cũng có thể nhận được lợi nhuận tài chính. ProFounder, một trang web trẻ mới xuất hiện cuối năm 2010, áp dụng một quy trình dễ dàng hơn, theo đó các doanh nhân có thể gửi thông báo mời tài trợ và các thông tin chi tiết về tình hình tài chính của công ty tới những người nằm trong danh sách “bạn bè/gia đình”, tức những đối tượng được pháp luật cho phép đầu tư. Khi góp tiền tài trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ nhận được một tỷ lệ doanh thu trong một số năm nhất định. Dana Mauriello, nhà đồng sáng lập ProFounder, chia sẻ: “Nếu bạn muốn thành lập một doanh nghiệp làm ăn lấy lợi nhuận, thì theo chúng tôi, việc tưởng thưởng những nhà tài trợ cho bạn bằng lợi nhuận là một cách làm hợp lý và công bằng.” Vì thế mới có chuyện BucketFeet, một doanh nghiệp sản xuất giày thể thao nghệ thuật, đã quyên góp được 60.000 đô-la từ 33 nhà đầu tư bằng cách hứa chia sẻ với họ 5% lợi nhuận trong 3 năm. Tuy nhiên, đóng góp sáng tạo nhất của ProFounder có lẽ lại là chương trình Group Advisors (nhóm cố vấn). Tại các thành phố Albuquerque, Honolulu và Atlanta, các nhóm cố vấn của ProFounder thực hiện các sự kiện xã hội, lên chương trình và các hoạt động xây dựng cộng đồng nhằm kết nối những người có tiền muốn đầu tư với những người cần tiền để kinh doanh. SEC không quy định bạn cần phải uống bia bao nhiêu lần với ai đó trước khi có thể xây dựng được mối quan hệ với người đó, nhưng dần dần, sẽ có người kết bạn với bạn. Và người bạn mới này có thể đầu tư một lượng tiền đáng kể vào các ý tưởng kinh doanh ở địa phương cũng như thường xuyên ghé thăm những địa điểm kinh doanh này để chứng kiến sự trưởng thành của chúng.

Một cách khác để kiếm tiền thông qua việc đầu tư cho các công ty là sử dụng các trang web cho vay như Prosper và Câu lạc bộ cho vay, theo đó người dùng có thể tham gia đấu thầu (dựa trên tỷ lệ lãi suất) các khoản cho vay nhỏ dành cho cá nhân. Thông thường, các khoản vay cá nhân này phần lớn nhằm mục đích hợp nhất nợ, nhưng tháng 6 năm 2011, tạp chí Wall Street Journal cho hay, trong những năm qua có sự tăng trưởng nhẹ ở các khoản vay vì mục đích kinh doanh. Gần đây. tôi có ghé vào trang web của Prosper và thấy mình có cơ hội đóng góp vào khoản vay 14.000 đô-la của một công ty đang muốn mua máy tính, khoản vay 5.000 đô-la của một chủ hiệu làm đẹp muốn mua trang thiết bị và khoản vay 15.000 đô-la của một công ty cung cấp máy bán hàng tự động muốn bổ sung máy. Một số chủ doanh nghiệp tìm đến Prosper hay Câu lạc bộ cho vay vì không đủ điều kiện thực hiện các phương thức vay truyền thống, nhưng cũng có người chỉ muốn vay khoản nhỏ mà các ngân hàng thương mại không muốn cung cấp. Thậm chí những người có mức rủi ro tín dụng thấp cũng gặp nhiều trở ngại trong đợt suy thoái tín dụng gần đây. Tỷ lệ không trả được nợ trên các trang web này có thể cao, nhưng vẫn thật thú vị khi bạn bỏ tiền chỗ này một ít, chỗ kia một ít rồi ngồi xem mình sẽ nhận về được cái gì (Prosper và Câu lạc bộ cho vay thông báo lợi nhuận trung bình của các nhà đầu tư trên trang web của họ là 9 – 10%).

CÂU HỎI TRỊ GIÁ 1.750 ĐÔ-LA

Nếu bạn không có ý định đầu tư vào những doanh nghiệp mới thành lập, thì vẫn còn nhiều lựa chọn giúp bạn đầu tư vào con người để thu về lợi nhuận. Một trong những cách đó là bỏ tiền ra thuê người làm những công việc giúp cho cuộc sống của bạn trở nên dễ dàng hơn – và có lẽ sẽ mang lại cho bạn nhiều lợi nhuận hơn nữa. Đôi khi người ta cứ thấy buồn cười khi nghĩ đến chuyện thuê người khác làm việc thay cho mình (nhất là làm việc nhà), nhưng hãy thử nhìn nhận sự việc ở một lăng kính khác, hãy nghĩ rằng mình đang tạo công ăn việc làm, đang mang đến cơ hội thu nhập cho người khác. Và có gì không hay ở đây cơ chứ?

Tôi nghĩ đến chuyện này hồi tháng 10 năm 2010, khi ngồi đọc mục chuyện hài của Joel Stein trên tờ Times. Lúc đó, quốc hội còn đang tranh cãi về việc có nên bãi bỏ chính sách giảm thuế cho những người có thu nhập trên 250.000 đô-la/năm tồn tại từ thời chính quyền của tổng thống Bush hay không. Stein cho rằng nếu vẫn duy trì chính sách này, anh sẽ có thêm 1.753 đô-la và anh đặt câu hỏi là nên sử dụng số tiền này như thế nào để tỏ rõ lòng yêu nước của mình nhất.

Nhà kinh tế học Mark Zandi đã có câu trả lời nghiêm túc dành cho anh: nếu muốn làm thiện nguyện trong thời gian ngắn, anh nên tạo thêm công ăn việc làm cho xã hội. Zandi khuyên Stein thuê một trợ lý đến nhà 1-2 lần mỗi tuần giúp anh thanh toán các khoản chi phí, để anh có thể toàn tâm toàn ý cho công việc viết lách.

Tuy vậy, cuối cùng thì Stein lại không làm theo lời khuyên này (vì sau khi khấu trừ các khoản chi phí kinh doanh và nộp thuế cho địa phương, anh mới thấy rằng mình không có đủ khoản thu nhập chịu thuế trên 250.000 đô-la theo luật định). Dẫu sao, tôi cho rằng đây cũng là một cách suy nghĩ thú vị. Bạn có thể trả 1.750 đô-la cho ai để họ thay bạn làm công việc mà bản thân bạn tự làm sẽ không có lợi ích gì? Với sự phát triển của nền văn hóa làm thêm ở nước Mỹ, bạn có thể mua 100 giờ lao động của người khác với giá 17,50 đô-la/giờ. Bạn phải tuân thủ nhiều quy định và đóng thuế nếu tuyển dụng lao động làm việc tại chỗ, nhưng bạn sẽ không phải làm thế nếu thuê người làm vào thời gian do họ lựa chọn, bạn chỉ định kết quả đầu ra nhưng không cung cấp phương tiện làm việc. Bạn cũng không phải báo cáo thuế hay chịu các quy định bảo đảm đối với những khoản thanh toán cho hoạt động kinh doanh hợp tác nhỏ lẻ.

Vậy bạn sẽ làm gì nếu có thể mua thêm 100 giờ rảnh rỗi? Bạn có thể thuê người:

  • Viết những quyển lưu bút hoặc thiết kế sách ảnh về lũ trẻ và những kỳ nghỉ, điều mà bạn chẳng có thời gian làm.

  • Dọn dẹp kho chứa đồ, chuẩn bị đồ cũ đem bán, hay bán đồ trên eBay.

  • Xây dựng một trang web quảng bá cho công việc của bạn.

  • Nhận thư chào giá của các nhà thầu khi bạn có nhu cầu xây sửa nhà cửa.

  • Vẽ những bức bích họa tuyệt vời lên tường phòng ngủ của lũ trẻ.

  • Rà soát mọi loại hóa đơn của bạn và thiết lập một hệ thống quản lý tài chính hiệu quả, giúp bạn không bỏ lỡ dịp khấu trừ thuế nào.

  • Chăm sóc sân cỏ, vườn cây giúp bạn trong suốt mùa hè.

  • Quản lý hồ sơ của bạn trên mạng xã hội và tìm kiếm tài liệu/viết bài để bạn đăng lên blog.

  • Dạy ngoại ngữ cho bạn, để bạn có cơ hội được thăng chức (vì để được lựa chọn vào vị trí đó, bạn phải làm việc tại nước ngoài).

Còn những điều gì bạn muốn thử nhưng vẫn đành tự nhủ với bản thân rằng “chẳng có thời gian đâu”? Bạn có thể tìm kiếm trợ lý từ xa trên nhiều trang web (chẳng hạn như Craigslist và HireMyMom.com). Bạn cũng có thể tận dụng mạng lưới quen biết của mình bằng cách đưa nội dung công việc lên Facebook, biết đâu có người lại biết người nào đó phù hợp với yêu cầu của bạn. Việc thuê người làm cũng có lợi ích kinh tế như những lợi ích đã và đang khiến các quốc gia giao thương với nhau, hay khiến các công ty ký hợp đồng với kế toán cũng như các hãng luật bên ngoài. Cho dù bạn cũng có thể tự tay thiết kế được một blog đẹp mê hồn, nhưng biết đâu lại có người làm việc đó tốt hơn, nhanh hơn. Thuê người sẽ giúp bạn rảnh tay tập trung vào sở trường của mình và có thể nhờ đó mà mang về cho bạn nhiều tiền hơn. Bằng cách này, bạn vẫn sẽ thu về được từng xu lợi nhuận hệt như với các hình thức đầu tư khác – trong khi bạn vẫn tạo được cơ hội thu nhập cho người khác.

Và cuối cùng, để có được một danh mục đầu tư thay thế hoàn bị, có lẽ bạn sẽ phải…

THAY ĐỔI THÓI QUEN MUA SẮM

Ngay cả cách mua sắm của chúng ta cũng có thể tác động tới cộng đồng. Những thay đổi dù nhỏ trong thói quen mua sắm cũng giúp tạo thêm lợi ích cho xã hội.

Những thập kỷ qua, các khu đô thị không ngừng đổi mới và họ đau đầu tìm cách thúc đẩy thương mại trong phạm vi nguồn lực của mình. Đó là một câu hỏi khó. Kiếm được một doanh nghiệp lớn chịu đặt trụ sở hay nhà máy tại thành phố của bạn quả là một thắng lợi lớn, song việc đó cũng khó như mua vé số mà mong trúng độc đắc vậy. Còn các phương án khác thì sao?

Để trả lời câu hỏi này, năm 2004, hãng nghiên cứu Civic Economics đã thực hiện một cuộc điều tra ở Andersonville, một quận phía bắc Chicago có nhiều cửa hàng nhỏ lẻ, được sắp xếp để khuyến khích khách bộ hành lui tới. Lúc đó, quận này đang cân nhắc chuyện đưa vào các chuỗi cửa hàng, nên Civic Economics so sánh sổ sách tài chính của một số doanh nhân độc lập trên địa bàn với báo cáo tài chính của các chuỗi cửa hàng cổ phần. Kết quả cho thấy, với mỗi 100 đô-la mà một cửa hàng độc lập chi tiêu, thì có tới 68 đô-la lưu hành trong cộng đồng theo hình thức chi tiêu trực tiếp tại địa phương như trả lương thưởng cho nhân viên, lợi nhuận cho các doanh nhân sở tại, thanh toán cho các nhà cung cấp trong vùng và đóng góp vào các quỹ từ thiện địa phương. Với các chuỗi cửa hàng, con số đó giảm xuống chỉ còn 43 đô-la (vì phần lớn lợi nhuận rơi vào túi các cổ đông sinh sống ở những khu vực khác, còn hoạt động từ thiện thì tuân theo quy định của doanh nghiệp thay vì ưu tiên cho địa phương). Nhìn chung, các chuỗi cửa hàng có doanh thu lớn hơn, nên nếu chính quyền thành phố chỉ quan tâm tới doanh thu thuế thì câu chuyện sẽ khác, dù rằng nghiên cứu này cho thấy, nguyên nhân họ có doanh thu cao là vì quy mô của họ lớn, còn doanh thu trên diện tích cửa hàng của hai loại hình này gần như tương đương (thực ra, doanh thu trên diện tích ở các cửa hàng độc lập còn có phần nhỉnh hơn).

Song con số khiến tôi ngạc nhiên nhất lại là tỷ lệ chi trả lương trên doanh thu. Các cửa hàng độc lập dành 28% doanh thu để trả lương cho nhân viên, trong khi các chuỗi cửa hàng chỉ bỏ ra 23%. Năm 2008, Civic Economics một lần nữa khẳng định phát hiện này trong một báo cáo thực hiện tại Grand Rapids, Michigan, trong đó họ so sánh hai loại hình cửa hàng trên nhiều ngành hàng khác nhau. Trong ngành thực phẩm, với mỗi 1 triệu đô-la doanh thu, các chuỗi cửa hàng tuyển dụng 4,2 nhân viên, trong khi các cửa hàng địa phương tuyển 5 nhân viên. Với mỗi 1 triệu đô-la doanh thu của ngành dược phẩm, các chuỗi cửa hàng tuyển 1,9 nhân viên, các cửa hàng lẻ tuyển 3,3 nhân viên. Với nhà hàng ăn, với mỗi 1 triệu đô-la doanh thu, các nhà hàng lẻ tuyển 14,8 vị trí, còn chuỗi nhà hàng tuyển 9,7 vị trí. Trong ngành ngân hàng, các ngân hàng sở tại dành 1,8% tài sản cho nhân viên, còn chuỗi ngân hàng lớn chỉ dành 1,1%. Dù doanh thu là bao nhiêu, thì các doanh nghiệp địa phương cũng vẫn có mức chi trả lương cao hơn so với các chuỗi cửa hàng. Nói cách khác, các doanh nghiệp địa phương đầu tư nhiều hơn vào con người.

Đây là một phát hiện rất có ý nghĩa. Các thương nhân độc lập không có được lợi thế kinh tế về quy mô như các chuỗi cửa hàng. Thường thì họ phải tự làm marketing, tự mua sắm vật tư và không có các chính sách quy mô tập đoàn trong đó yêu cầu chi tiết về cách bố trí cửa hàng, thậm chí họ còn bỏ qua nhiều quy trình dù không đáng mấy công sức. Điều này không hẳn là tốt hay xấu, mà đó chỉ là cách tối ưu hóa vấn đề ở các khía cạnh khác nhau. Các chuỗi cửa hàng cổ phần có lẽ muốn tìm cách tối đa hóa giá trị cho cổ đông bằng cách hạ thấp chi phí, trong khi các thương gia nhạy bén độc lập lại có thể sử dụng nguồn nhân lực dồi dào của mình để tạo ra vị thế khu biệt cho mình, giúp họ tránh được việc phải cạnh tranh trực tiếp về giá cả.

Đây chính là điều mà Nikki Furrer từng xoay xở làm với Pudd’nhead Books ở St. Louis (một công ty mà cô buộc phải đóng cửa năm 2012). Cô khởi dựng công ty vào tháng 10 năm 2008 với số vốn ít ỏi và thường xuyên phải sống “dưới ngưỡng nghèo khổ”, vì mọi thứ đều dồn cả vào việc kinh doanh. Furrer tập trung xây dựng mô hình dịch vụ chất lượng cao, dù sản phẩm của cô là sách; giá cả không phải là vấn đề vì nhiều khi giá sách đã được in sẵn trên bìa. Nhân viên của cô phải đọc gần như mọi cuốn sách trong cửa hàng để có thể đưa ra những gợi ý chính xác cho đối tượng dùng sách – chính xác tới nỗi Furrer phải đưa ra cảnh báo trên trang web của mình rằng nếu khách hàng nào muốn mua quà tặng cho người khác nhưng giữ nguyên thông tin miêu tả về đối tượng đó hết năm này qua năm khác thì nhân viên cửa hàng sẽ gợi ý cùng một cuốn sách. Nguồn nhân sự có kiến thức giúp mang lại bầu không khí dễ chịu cho cửa hàng – nhất là đối với khu vực sách thiếu nhi – và doanh thu của cửa hàng sách này tăng đều đặn trong giai đoạn kinh tế suy thoái; họ cũng tạo ra một lượng công ăn việc làm tương đối cho địa phương (ít nhất là trong vài năm tồn tại).

Sự khác biệt về nhân lực này hé mở một gợi ý đơn giản đối với những người tiêu dùng có tâm: bạn muốn tạo công ăn việc làm ư? Hãy sử dụng các doanh nghiệp địa phương. Tức là, hãy chuyển sang mua sắm tại các cửa hàng nhỏ lẻ do doanh nhân địa phương sở hữu. Nghiên cứu tại Grand Rapids của Civic Economics cho rằng chỉ cần chuyển 10% thị phần sang các doanh nghiệp địa phương, thì Hạt Kent đã có thể tạo thêm 1.614 công việc mới – quả là một thông tin lạc quan. Khi các doanh nghiệp địa phương lớn mạnh hơn, có thể họ cũng đạt được một số lợi thế kinh tế về quy mô. Nhưng có lẽ họ cũng không hẳn hoàn toàn không có chút lợi thế nào. Thực ra, chuyện mua sắm chỉ trở nên thú vị khi bạn biến nó thành một trải nghiệm hơn là một hành động thu gom hàng hóa đơn thuần – và một môi trường mua sắm thoải mái, mới lạ sẽ giúp bạn làm được điều đó. Nói như thế không có nghĩa là bạn phải cất công bỏ tiền của, thời gian ra để chuyển sang mua sắm hoàn toàn ở những cửa hàng địa phương. Nếu cần bỉm của Pampers, bạn có thể đặt mua tại Diapers.com. Nếu bạn thực sự muốn có một chiếc pizza đông lạnh vào lúc 9 giờ tối thứ ba, hãy ghé qua Wal-Mart. Nhưng nếu bạn muốn tìm mua một món quà trị giá 50 đô-la, thì tốt hơn hãy tìm đến cửa hàng sách Pudd’nhead hay ghé vào 71 POP thay vì một cửa hàng dạng chuỗi.

Nhưng, có thể bạn sẽ thắc mắc: nên nhìn nhận việc này là một hình thức đầu tư như thế nào? Sử dụng doanh nghiệp địa phương có thể giúp tạo công ăn việc làm, nhưng điều đó có lợi ích gì cho tôi?

Câu trả lời liên quan tới một định nghĩa rộng hơn về sự thịnh vượng. Một trong những chỉ số hiệu quả nhất để dự báo mức độ hạnh phúc của con người là những mối gắn kết tích cực, mạnh mẽ với xã hội. Một số mối quan hệ này xuất phát trực tiếp từ gia đình nhỏ của bản thân – đây là một lý do để sinh thêm con như chúng ta đã bàn tới ở chương 6 – nhưng nhiều người trong chúng ta phải tự xây dựng cho mình những đại gia đình, thông qua việc chung tay xây dựng các cộng đồng xung quanh, nơi mọi người đều quen biết nhau. Bạn cũng có thể hy vọng rằng cộng đồng đó đang hình thành. Hoặc, bạn có thể chủ động sử dụng nguồn tiền của mình để xây dựng nên nó.

Một trong những minh chứng tuyệt vời nhất – như mô hình 71 POP của Margarita Barry – mà tôi từng gặp là ở Detroit. Trên chuyến đi tìm cô để phỏng vấn, điểm dừng chân đầu tiên của tôi là Slows Bar BQ, nơi tôi dự kiến sẽ gặp một số doanh nhân. Thật bất ngờ, một trong những doanh nhân này lại là đồng sở hữu của cửa hàng Slows, Phil Cooley – một nhân vật thú vị. Cooley xuất thân từ một gia đình khá giả, từng là người mẫu rồi sau đó chuyển sang mở cửa hàng thịt hun khói cao cấp trên nền nhà ga trung tâm Michigan bị bỏ hoang. Khoản đầu tư ban đầu của anh là rất nhiều mồ hôi nước mắt và khoản ứng trước trong gia tài thừa kế. Món thịt heo kéo ở quán này dĩ nhiên là rất ngon, nhưng người dân Detroit – vốn đang trong giai đoạn khủng hoảng về mối quan hệ cộng đồng, mà đỉnh điểm là cuộc giải cứu ngành ô tô mới diễn ra – lại không quen đi ăn xa, dù nhà hàng đó có món ngon đến đâu. Và quán Slows đã xóa đi được khoảng trống này.

Ngày nay, khi thời tiết tốt, những người dân muốn sử dụng doanh nghiệp địa phương sẵn sàng xếp hàng chờ tới hai giờ đồng hồ để đợi tới lượt phục vụ. Toàn bộ khu nhà ga bỏ hoang này đang dần hồi sinh, vì Cooley đang bắt tay sửa sang những khu nhà trống xung quanh thành các khu chung cư và studio cho giới nghệ sĩ. Công việc này tốn ít hơn tưởng tượng của chúng ta nhiều. Sau bữa trưa trong ngày gặp mặt đó, chúng tôi lái xe vòng vòng và Cooley chỉ cho tôi một căn nhà rộng khoảng 30m² mà anh đang rao bán với giá 100.000 đô-la. Nếu ở New York thì sẽ không có giá đó. Nếu được sử dụng một cách có chiến lược, thì một khoản vốn nhỏ cùng sự nỗ lực cũng có thể làm nên điều kỳ diệu – tôi nghiệm ra điều này khi chúng tôi bước trên khoảng sân lầy lội để đi vào một ngôi nhà thoạt nhìn tưởng nhà hoang. Cooley cho hay ngôi nhà này là một dự án khác của anh; và anh chỉ cho tôi những vân gỗ tinh tế trên tường. Hóa ra, một nghệ sĩ địa phương đã tạo nên một hành lang đầy nghệ thuật ở nơi tưởng chừng như doanh trại dã chiến của quân đội. Cooley nói với tôi, giọng đầy tin tưởng: “Chị thấy đấy, chỗ nào cũng đầy tiềm năng.”

Kết quả cốt lõi của sự đầu tư vào cộng đồng này là Cooley dần quen mặt biết tên tất cả mọi người ở Detroit và thậm chí là trên thế giới, bởi mọi người kéo theo các vị khách – như tôi chẳng hạn – tới quán Slows. Những người dân địa phương muốn cho du khách thấy một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt về Detroit. Bạn không thể làm thế nếu tới chuỗi cửa hàng ăn của Applebee. Cooley quen biết giới nghệ sĩ ở Detroit trong quá trình nâng cấp các studio và anh cũng gặp những người có mong muốn xây dựng cộng đồng thông qua các dự án làm đẹp cho cộng đồng (và hiệu ứng phụ của nó là khiến cho cảnh quang xung quanh quán Slows trở nên đẹp đẽ hơn). Sự đầu tư của Cooley vào quán Slows giúp anh giàu có – theo thông tin từ New York Times, quán này mang lại doanh thu 1,8 triệu đô-la ngay năm đầu hoạt động – và không ngừng phát triển trong những năm sau đó. Nhưng không chỉ có thế, việc tạo ra 105 công ăn việc làm mới – vốn là thứ đang rất cần ở đây – tại 2 địa điểm Detroit và xây dựng một cộng đồng thịnh vượng lại khiến anh giàu có hơn theo một nghĩa rộng hơn. Số tiền của Cooley đã tạo nên được một cộng đồng theo đúng mong muốn của anh.

Dù không có điều kiện mở một quán ăn giống như quán Slows, nhưng bạn vẫn có thể làm thực khách ở một nhà hàng tương tự nơi bạn sống và góp sức xây dựng nên những địa điểm độc đáo, nơi mà ai cũng muốn ghé thăm. Càng nhiều khách đến thăm nghĩa là càng có thêm nhiều tiền đổ về và mọi người ở nhiều lĩnh vực khác nhau càng có thêm cơ hội chung hưởng những lợi ích của chúng. Jessica Jackley, đồng sáng lập ProFounder (chị cũng là nhà sáng lập của trang web Kiva giúp cung cấp những khoản vay nhỏ cho doanh nhân ở các nước đang phát triển), cho biết: “Với tư cách là một xã hội, chúng ta đang đầu tư quá mức vào những tập đoàn khổng lồ. Khi đầu tư vào những doanh nghiệp nhỏ, bạn sẽ biết được rằng mình đang làm một hành động cụ thể, trực tiếp và hữu ích cho chính cộng đồng của mình.” Và cộng đồng đó thường sẽ mang lại những điều hữu ích và trực tiếp cho chính bản thân bạn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.