Tiền Không Bao Giờ Là Đủ

Chương 6 Chi phí biên khi sinh thêm con



Hạnh phúc là một vấn đề phức tạp, nhất là khi liên quan tới trẻ nhỏ. Chúng có khiến chúng ta hạnh phúc không? Câu trả lời rõ ràng là có. Thánh ca 127 nói rằng “trẻ con là món quà từ Thượng đế” – một số người đơn giản chỉ ra một thực tế rằng cư dân hiện đại ở các quốc gia giàu có không cần phải sinh con, ấy vậy mà người ta vẫn con cái đầy nhà đấy thôi. Trên 80% người Mỹ dự định sẽ có ít nhất một con. Hầu hết mọi người đều biết cách tránh có con nếu cần thiết và nền kinh tế của chúng ta không còn phụ thuộc vào mô hình nông nghiệp đòi hỏi lao động thủ công, trong đó, trẻ nhỏ cũng được coi là nguồn lực cần thiết. Vì thế mà có cơ sở để nói rằng người ta sinh con vì cho rằng cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn nếu có con cái. Nếu không, ắt hẳn chúng ta đều là một lũ lừa ưa nặng.

Nghe có vẻ là một logic đơn giản, nhưng gần đây một số người đã hớn hở thông báo rằng, trên thực tế, về phương diện con cái thì chúng ta đúng là một lũ lừa ưa nặng. Nếu bạn nghĩ đến hạnh phúc khi được đo lường theo đơn vị thời gian là giây và phút, thì đúng là những người có con không hề vui vẻ hạnh phúc hơn những người không con cái. Mà họ thường có phần kém hạnh phúc hơn. Thực ra, việc chăm sóc con cái được coi là một trong những hoạt động ít thú vị nhất trong ngày − tương đương với việc đi làm. Rõ ràng điều đó cũng nói lên một thực tế, dù rằng có lẽ bạn cũng không đến nỗi quá ngạc nhiên. Việc thay tã cho trẻ hay giục một đứa trẻ mới lớn suốt ngày lầm lì làm bài tập đều không có gì thú vị. Đương nhiên, những trách nhiệm của cha mẹ như thế làm sao bì được với những gì chúng ta có thể làm khi có thời gian riêng, như xem tivi chẳng hạn.

Tuy vậy, xem tivi cũng không phải là một cách sống đem lại sự thỏa mãn, dù rằng lúc nào nó cũng có thể mang lại niềm vui hơn so với khi thay tã. Một cách khác để nghĩ về hạnh phúc là đứng từ khía cạnh sự hài lòng nói chung trong cuộc sống – tức là, bạn có cho rằng cuộc sống của mình tốt đẹp hay không. Có vẻ hợp lý khi nói rằng con cái có mối tương quan với sự hài lòng trong cuộc sống, nhưng những người từng nghiên cứu về niềm hạnh phúc tương đối của các bậc phụ huynh khi gia đình của họ có thêm thành viên lại cho thấy những tác động tích cực của việc có con cũng không phải quá lớn.

Như vậy, nếu việc có con không liên quan đến hạnh phúc hàng ngày, hay thậm chí không tác động tới sự hài lòng chung đối với cuộc sống, thì liệu chúng ta có nên từ bỏ ý định sinh con? Xin đừng vội. Để xác định xem đây có phải là một lựa chọn khôn ngoan hay không, ta hãy hỏi những người không có con cái xem họ nghĩ sao về quyết định đó. Một cuộc trưng cầu dân ý năm 2003 của tổ chức Gallup đối với những người trên 41 tuổi không có con cho thấy, nếu những người này được phép làm lại cuộc đời, thì chỉ có 24% vẫn quyết định chọn cuộc sống không con. Gần một nửa (46%) muốn có 2 con và 15% muốn có 3 con trở lên. Vai trò của một bậc phụ huynh có thể không khiến con người ta cảm thấy hạnh phúc, nhưng khi ngẫm lại về cuộc đời mình, không mấy người cho rằng không có con là một quyết định đúng đắn.

Giờ thì bạn đã hiểu tại sao tôi lại nói đây là một vấn đề phức tạp rồi chứ?

Tuy vậy, không chỉ dừng lại ở niềm hạnh phúc hay sự tiếc nuối, điều khiến tôi cảm thấy thú vị nhất khi nghiên cứu những con số này đó là, người Mỹ có xu hướng sinh ít con hơn số lượng con mà chúng ta cho là lý tưởng. Gallup phát hiện ra, nhìn chung, người ta cho rằng 2,5 con/gia đình là con số hợp lý, nhưng tỷ lệ số lần sinh con/phụ nữ lại là 2,1. Khoảng 37% người cho rằng một gia đình lý tưởng nên có từ 3 con trở lên, nhưng theo kết quả cuộc điều tra dân số năm 2008, trong số những phụ nữ độ tuổi 40-44 (phần lớn sẽ không sinh thêm con), 17,8% không có con, 18,4% có một con, 36,2% có hai con, 17,8% ba con, 6,1% bốn con và chỉ có 3,7% có năm con hoặc nhiều hơn. Ba nhóm cuối cộng lại là 27,6%, tức là đúng với kết luận bên trên rằng chưa đầy 37% cho rằng ba con hoặc hơn là con số lý tưởng. Những người có con dưới 18 tuổi có xu hướng cho rằng có nhiều con là lý tưởng (44%) hơn.

Như vậy, bất chấp những trách nhiệm không mấy thi vị hàng ngày, hầu hết chúng ta đều chấp nhận “dấn thân” vào vị trí cha mẹ. Nhưng nếu thế thì tại sao nhiều người lại dừng lại trước khi đạt tới số lượng con lý tưởng? Tại sao những người thích con đàn cháu đống lại chỉ sinh 2 con, mà không phải là 3 hoặc hơn nữa?

Lý do người ta chỉ duy trì lượng con như thế cũng phức tạp không kém vấn đề về hạnh phúc. Một số cặp vợ chồng dừng lại ở hai con vì những nguyên nhân liên quan tới môi trường, thực tế cuộc sống hay sức khỏe. Do độ tuổi kết hôn lần đầu tăng lên, nên một số người lập gia đình khi đã lớn tuổi và họ chỉ đủ thời gian cho 2 lần sinh nở. Hai đã trở thành một con số thông lệ ăn sâu vào đời sống xã hội tới nỗi, những nhân viên thu ngân ở siêu thị sẽ không buồn hỏi xem khi nào thì bạn sinh đứa tiếp theo và những người mua hàng ở đó cũng không ngạc nhiên khi thấy bạn bụng mang dạ chửa mà phải chạy theo một đứa đang tuổi mẫu giáo và một đứa mới tập đi.

Mặc dù vậy, tôi nghĩ những cân nhắc về mặt tài chính cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc hạ thấp chỉ tiêu này. Ở nước Mỹ, tỷ lệ sinh giảm đi trong giai đoạn 2007-2009, thời điểm nền kinh tế rơi vào suy thoái. Ai cũng biết, nuôi con vô cùng tốn kém. Cùng với vấn đề nhà cửa, chúng thuộc vào những khoản khiến người ta phải chi nhiều tiền nhất. Năm 2010, giá nhà đất trung bình ở Mỹ là 221.800 đô-la; cũng thời điểm đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố một báo cáo cho hay chi phí nuôi một đứa trẻ đến 18 tuổi là 222.360 đô-la, chưa gồm chi phí học đại học. Bằng cách nào đó, một gia đình bình thường vẫn xoay xở để có thể thanh toán được hai trong số những khoản chi tiêu đắt đỏ này. Nhưng dù trẻ con là quà tặng từ chúa trời, chúng ta vẫn không khỏi băn khoăn là ai – trừ những minh tinh màn bạc hay các ông trùm kinh tế đủ dư giả để có thể chi ra hơn nửa triệu đô-la nuôi con?

Tuy nhiên, theo các sách dạy kinh tế cơ bản, bài toán không chỉ nằm ở phép nhân thuần túy. Trong phần lớn các trường hợp kinh tế, sản xuất ba mặt hàng không đòi hỏi mức chi phí lớn gấp ba lần so với khi sản xuất một mặt hàng bởi còn có các loại chi phí ban đầu. Nếu sản xuất một chiếc xe, bạn sẽ cần phải lập nên cả một dây chuyền sản xuất. Nhưng nếu sản xuất tới chiếc thứ hai, thứ ba, thì bạn đã có sẵn cơ sở hạ tầng. Chi phí ban đầu được rải đều cho số lượng sản phẩm ngày một tăng, nên chi phí biên cho từng đơn vị sản phẩm sẽ giảm đi.

Dĩ nhiên, con cái không phải xe cộ, song chúng cũng đòi hỏi sự đầu tư đầu vào cơ bản như: chỗ ở, quần áo, thực phẩm, đi lại, giáo dục, giải trí, thời gian của bố mẹ − và dĩ nhiên, sờ đến lọ thì phải mó đến tiền. Nhưng liệu sự đầu tư này có giống nhau với mọi đứa trẻ, cho dù bạn có bao nhiêu con đi chăng nữa không?

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ thì không. Năm 2009, theo báo cáo của cơ quan này, một gia đình gồm hai bố mẹ với mức thu nhập vào khoảng 56.870 – 98.470 đô-la và một đứa con 14 tuổi sẽ sử dụng hết 16.360 đô-la/năm cho đứa trẻ đó (bao gồm cả chi phí xây dựng thêm phòng riêng). Nhưng cũng với gia đình đó song có hai con, một 16 tuổi và một 14 tuổi, thì con số này sẽ là 26.620 đô-la, tức là đứa con thứ hai chỉ tiêu tốn hết 10.260 đô-la. Chi phí biên đang bắt đầu giảm xuống, dù rằng vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, khi quy mô gia đình tiếp tục mở rộng thì phép màu thực sự mới diễn ra. Cũng gia đình trên nhưng nếu có ba con – một lên 11, một 13 và một 16 – thì họ sẽ bỏ ra 30.450 đô-la cho con cái. Nói cách khác, đứa trẻ thứ ba chỉ tốn hết 3.830 đô-la. Và thực ra, nếu cộng chi phí chăm đứa thứ hai và đứa thứ ba lại thì con số đó vẫn nhỏ hơn chi phí chăm đứa thứ nhất.

Bộ Nông nghiệp không đi sâu tìm hiểu vấn đề này, nhưng từ những cuộc trao đổi với các gia đình đông người, tôi cho rằng số tiền nuôi con sẽ giảm tỷ lệ nghịch với số lượng con. Tôi hỏi Chris và Wendy Jeub, cặp vợ chồng ở bang Colorado có 16 con, rằng nuôi 16 đứa con có tốn kém gấp 8 lần nuôi hai đứa con không và được trả lời rằng: “Nếu đúng như thế thì chúng tôi đã phá sản lâu rồi.” Chúng tôi cùng nghiên cứu một vài con số và nhận thấy rằng tiền mua thực phẩm hàng tháng của họ cũng tương đương nhà tôi. Cứ cho là tôi đang sống ở Manhattan vào thời điểm diễn ra cuộc phỏng vấn này, nhưng ngay cả khi trừ đi 50% tiền mua gói ngũ cốc trị giá 6 đô-la (và những đêm gọi sushi của tôi), thì thực tế này cũng cho thấy rằng gia đình càng đông người thì chi phí trên đầu người càng giảm đi.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao chi phí lại giảm đi? Câu trả lời hóa ra có hai phần: các gia đình lớn sẽ tiết kiệm được tiền do tăng quy mô. Tuy nhiên, những người nghèo cũng phải hy sinh, đánh đổi nhiều thứ, bất chấp những quan niệm xung quanh về việc điều gì là tốt cho con trẻ. Điều này dẫn chúng ta tới câu hỏi thứ hai: xét về vấn đề sử dụng tiền nong, nhất là khi chúng ta đang cố gắng tối ưu hóa lợi ích cho mình và những người mình yêu thương, mức chi phí dành cho mỗi đứa trẻ có quan trọng gì không?

Và cũng như vấn đề làm cha mẹ, câu trả lời ở đây vô cùng phức tạp, dù rằng như với chuyện nhà cửa, xe cộ, có lý do để tin rằng chi tiêu những khoản lớn chưa chắc đã mang lại thêm niềm vui như việc chi tiêu cho đứa con thứ ba hay thứ tư như với đứa con đầu tiên. Và nếu bạn nghĩ rằng có nhiều con là hạnh phúc, thì tiền bạc không phải là lý do để bạn dừng bước.

SUY NGHĨ VỀ CON SỐ 3

Đầu năm 2011, Lisa Belkin, khi đó vẫn làm cho tờ New York Times, đã giúp tôi hỏi độc giả trên blog Motherlode của cô về chi phí biên khi nuôi trẻ nhỏ. Theo cách đặt vấn đề của cô, thì câu hỏi liệu lợi thế kinh tế về quy mô có áp dụng được cho các gia đình vừa phục vụ mục đích công việc, vừa phục vụ mục đích cá nhân. Jasper, đứa con trai lớn của tôi, lúc đó đang học mẫu giáo. Đứa thứ hai, Sam, vừa cai sữa và đang tập đi. Tôi đang cân nhắc chuyện có thêm đứa thứ ba, nên Lisa viết trên blog rằng, tôi muốn biết “liệu đứa con thứ ba có ‘tiết kiệm về mặt kinh tế’ hơn so với hai đứa đầu hay không?”

Một tháng trôi qua sau những lá thư trao đổi giữa tôi với Lisa và sau khi cô đăng tải câu hỏi lên blog. Trong thời gian đó, tôi bỗng nhận thấy rằng, dù các loại chi phí biên kia có là bao nhiêu, thì tôi cũng đã mang thai đứa thứ ba. Vì thế việc đọc những lời bình luận của độc giả trở nên mang tính chất cá nhân nhiều hơn – tôi phát hiện ra điều này khi bắt quả tang mình có những suy nghĩ chẳng hề liên quan tới công việc đối với những độc giả muốn chuyển đề tài thảo luận từ nền kinh tế vi mô cấp độ gia đình sang đề tài đứa con thứ ba của tôi – với họ đây chỉ là giả thiết, nhưng với tôi thì đó là một thực tế − sẽ khiến cuộc sống của những người xung quanh trở nên khốn khổ hơn như thế nào. Một độc giả viết: “Mỗi đứa trẻ mới ra đời sẽ cướp đi đời sống của một đứa trẻ khác đang sống trên trái đất.” Một quý ông từ Connecticut còn viết: “Bên cạnh các khoản chi phí mà mỗi gia đình phải gánh, có lẽ chúng ta cũng phải cộng thêm cả chi phí mà cộng đồng và cả hành tinh này phải gánh chịu nữa. Trái đất sẽ ra sao khi gia đình nào cũng có hơn 2 đứa trẻ?” Việc giáo dục một đứa trẻ sẽ tiêu tốn bao nhiêu tiền của cộng đồng? Trong luật pháp nước Mỹ, trẻ em được miễn thuế, nên “mức thuế suất dành cho các gia đình có quy mô nhỏ hơn sẽ tăng lên bao nhiêu để bù đắp cho phần chênh lệch đó?” Trong vòng 24 giờ sau khi Lisa đăng câu hỏi lên blog, đã có tới 99 người thích lời bình luận này, nên tôi có cảm giác rằng nhiều người cùng chung quan điểm rằng trẻ nhỏ (bất chấp cái con số 2 kỳ diệu đó) mang lại những tác động ngoại lai tiêu cực.

Tôi không tin điều này là đúng, không phải chỉ vì tôi có con – mà sự đáng yêu thuần túy của chúng chính là một tác động ngoại lai tích cực mà tôi được biết. Những tranh cãi về vấn đề môi trường đã tồn tại hàng thế kỷ nay, vậy mà thế giới đã bó tay đầu hàng trước nạn đói hay đại dịch nào như người ta tiên đoán sẽ xảy ra lúc này đâu? Có chăng thì điều kiện sống đang ngày một cải thiện hơn do con người nghĩ ra được nhiều cách khác nhau để phát triển nguồn lương thực và triển khai công nghệ hiện đại. Nhưng nếu việc tôi sinh thêm đứa con thứ ba sẽ gây ra đại họa cho hành tinh này, thì việc sinh 2 con trong một thế giới vốn đã chật ních 7 tỉ người liệu có giải quyết được vấn đề gì không? Nếu đã nghĩ như vậy thì chỉ nên có một con hoặc không sinh con thì hơn. Còn về vấn đề gánh nặng chi phí cho cộng đồng, thì những ông bố bà mẹ có nền học vấn cao sẽ cho ra đời những đứa con tiếp tục nhiệt tình tham gia vào lực lượng lao động và số tiền thuế mà họ đóng góp sẽ còn nhiều hơn những gì họ tiêu thụ. Ba lao động sẽ đóng thuế nhiều hơn hai lao động, bốn người sẽ đóng thuế nhiều hơn ba. Dĩ nhiên, nói thế không có nghĩa là không có lý do thực tiễn nào để có ít con hơn. Con cái mang lại cho chúng ta rất nhiều việc phải làm, nhất là thời gian đầu đời và tiêu tốn rất nhiều năng lượng của cha mẹ. Nếu đã lo lắng tới chuyện này, thì chẳng có lý do gì để sinh tới hai đứa con cả. Một số nghiên cứu gần đây đã phá tan những quan niệm sai lầm phổ biến rằng con một thường hư hỏng hay không biết tự điều tiết trong các mối quan hệ. Trẻ con không cần có thêm em để trở nên ngoan ngoãn.

Nhưng ngay cả khi đứa con thứ nhất đã hết sức ngoan ngoãn, thì có vẻ như nhiều bậc phụ huynh vẫn thích chúng có thêm em. Trung bình mỗi phụ nữ có 2 con và quy mô gia đình lý tưởng là 2,5 con – như vậy, rất nhiều người đã dừng lại ở đứa con thứ hai, dù rằng họ thích có ba con (hoặc hơn). Một bà mẹ ở Connecticut chia sẻ với tôi: “Tôi biết rất nhiều người cảm thấy tiếc nuối vì đã không sinh thêm đứa con thứ ba, còn những người có ba con thì thấy rằng cuộc sống của họ nhờ đó mà trở nên viên mãn hơn.” Tuy nhiên, trong số những người thích sinh ba con, nhiều người lại cho rằng họ không đủ điều kiện để duy trì một đại gia đình. Đối với bà mẹ ở Connecticut nọ, “thật đáng buồn, kinh phí cũng dự một phần trong cái phương trình đó.” Nhưng nếu chi phí để nuôi đứa con thứ ba chỉ là 3.830 đô-la/năm, tức chỉ nhỉnh hơn 10 đô-la/ngày, thì nó đâu phải là chướng ngại vật lớn như tưởng tượng của chúng ta – trừ khi những chi phí này phản ánh những sự hy sinh mà các bậc cha mẹ cả nghĩ không muốn thực hiện.

PHÂN BỔ CHI PHÍ

Vậy thì tại sao chi phí biên nuôi trẻ nhỏ lại giảm xuống? Trong một số trường hợp, có thể thấy rõ lợi thế kinh tế nhờ quy mô, bởi chi phí mua đồ dùng (như cũi, xe tập đi, ghế cao) được phân bổ đều cho từng đứa trẻ. Vợ chồng tôi rất ít khi phải đi mua quần áo cho Sam, mà cứ vài tháng lại “thanh lý” tủ quần áo của Jasper. Khi qua tay “chủ mới”, đồ chơi cũng có một đời sống khác. Tuy làm em thì thiệt thòi vì không được dùng đồ mới, song chúng lại được hưởng cả một kho đồ chơi đồ sộ vốn là các món quà mà anh chị chúng tích lũy được qua các năm. Bạn chỉ cần mua xích đu hay xe đạp ba bánh một lần thôi, trừ khi chúng bị hỏng.

Bạn cũng có thể mua thực phẩm với số lượng lớn – đôi khi là rất lớn. Tammy Metz, bà mẹ của 9 đứa trẻ sống ở Pueblo, Colorado, cho hay một người quen làm nông nghiệp thường bán nửa con bò cho chị với giá rất hời. Những loại bột giặt, bột ngũ cốc và dầu gội cỡ lớn thường có giá rẻ hơn loại gói nhỏ. Những gia đình ít người có thể làm lãng phí thức ăn nếu mở bao bì ra mà không sử dụng hết, trong khi những gia đình đông con thường có tốc độ tiêu thụ thức ăn nhanh hơn và dĩ nhiên họ sẽ lưu tâm tới vấn đề này trong quá trình chuẩn bị bữa ăn. Số tiền họ tiết kiệm được không hề nhỏ. Mary Ostyn, bà mẹ của 10 đứa con (trong đó 8 đứa vẫn đang ở nhà), sống ở Nampa, Idaho, tiết lộ tiền ăn của cả gia đình mỗi tuần hết 175 đô-la, tức khoảng 700 đến 800 đô-la/tháng. Chị lên kế hoạch chỉ đi mua thực phẩm hai lần mỗi tuần, vì “khi hệ thống đã vận hành trơn tru thì đâu cần phải đi mua sắm triền miên”, chị cho biết. Thực ra, chị mua những túi phô mai bào sợi nặng hơn 2kg ở cửa hàng Costco mà phần lớn chúng ta sẽ để mốc vì dùng không hết.

Chi phí di chuyển cơ bản cũng có thể giảm xuống hơn nữa. Nếu, giống như nhiều gia đình hai con khác, bạn mua một chiếc xe tải mini, thì việc nhồi thêm một đứa trẻ nữa vào đâu có tốn bao nhiêu. Mà thậm chí bạn không cần phải đầu tư mua chiếc xe đó làm gì. Những bậc phụ huynh sáng tạo vẫn thường tải lên mạng những bức ảnh chụp phần ghế đằng sau chia làm ba chỗ ngồi, chăng ngang một chiếc đai thắt an toàn. Có thể không được thoải mái lắm, nhưng đó cũng là một giải pháp khả thi.

Đối với một số gia đình đông con, chi phí trông trẻ cũng có thể giảm đáng kể. Nhiều độc giả của blog Motherlode nghĩ rằng chi phí trông ba đứa trẻ sẽ cao tới mức chồng hoặc vợ sẽ phải nghỉ việc ở nhà để làm việc đó – tuy nhiên, họ vẫn còn tranh cãi về việc đây là một quyết định giúp tiết kiệm (không phải trả tiền thuê người trông con) hay là một khoản chi phí (người nghỉ việc sẽ phải hy sinh nguồn thu nhập của mình). Song việc tính toán này lại phụ thuộc vào cơ cấu chi tiêu của mỗi gia đình. Với trường hợp gia đình tôi, chúng tôi đã dũng cảm thuê một cô trông trẻ khi sinh đứa con thứ hai, vì thế chi phí bỏ ra cho đứa thứ ba cũng chỉ tăng thêm một chút; mà tính ra, nhờ vậy mà chi phí trông nom cho mỗi đứa còn có phần giảm xuống, dù rằng khi đứa con thứ ba chào đời có nghĩa là chúng tôi sẽ phải kéo dài thời gian thuê người trông trẻ cho tới khi cả ba đều có thể đi lớp.

Một số khoản chi tiêu cho vấn đề y tế cũng có thể giảm xuống. Nhìn chung, chương trình bảo hiểm y tế cho cả gia đình có một mức phí nhất định cho mọi thành viên – và chắc chắn đây sẽ là một mức phí khá cao, nhưng không có nhiều khác biệt giữa gia đình có ba con và gia đình có hai con. Các khoản chi phí người đóng bảo hiểm phải trả thêm khi đi khám bệnh và mua thuốc sẽ tăng nhanh hơn khi gia đình có nhiều con hơn, nhưng một số chương trình bảo hiểm cũng áp dụng mức phụ trợ tối đa hàng năm cho các khoản phí phát sinh ngoài dự kiến và hạn mức này không phụ thuộc vào số con trong gia đình. Nói chung, các nhà cung cấp dịch vụ khi đưa ra chương trình áp dụng cho cả gia đình sẽ định mức phí trên đầu người thấp hơn cho những gia đình đông người. Theo Mary Ostyn thì: “Đi thăm vườn bách thú hay viện bảo tàng cũng rất có lợi, vì sẽ có vé dành cho gia đình và họ cũng không tính thêm tiền dù bạn có 3 hay 8 đứa con.” Một số phòng khám nha, trường mẫu giáo và thậm chí là cửa hàng giày dép cũng có chính sách khuyến mãi khi bạn mang theo đông trẻ đến, nhờ đó mà chi phí biên cho mỗi đứa trẻ sinh thêm sẽ giảm đi.

CON TRẺ ĐÒI HỎI NHỮNG GÌ?

Những lợi thế kinh tế nhờ quy mô như vậy giúp làm giảm chi phí biên, nhưng đó không phải là lý do duy nhất. Hầu hết mọi người khi sinh thêm con không được tăng lương. Những gia đình ba con giảm mức chi tiêu trên đầu mỗi đứa con không phải vì họ biết cách sử dụng tiền tốt hơn, mà vì họ không có khoản tiền dư giả nào trong ngân sách để chi nhiều hơn. Nói cách khác, lúc này họ sẽ phải thay đổi thói quen sinh hoạt của mình. Từ các cuộc trao đổi với những đại gia đình, tôi thấy rằng nhiều người cũng đang trải qua thực tế này. Gia đình đông con thường có điểm gì đó đi ngược lại với nền văn hóa chung, dù rằng nhiều người cũng ủng hộ nền chính trị truyền thống. Chris Jeub – vợ anh, Wendy, đang tự dạy con học ở nhà – tâm sự: “Các gia đình phải chịu rất nhiều áp lực về mặt văn hóa. Chúng tôi phản đối điều đó.”

Những thay đổi trong sinh hoạt gia đình có thể không quá lớn, như để lũ trẻ dùng chung phòng ngủ và phòng tắm, nhờ đó giúp giảm chi phí nhà ở. Với gia đình Jeub, con trai dồn chung vào một phòng, con gái chia làm hai phòng, bố mẹ thì ở phòng riêng, trừ khi có em bé ngủ cùng. Nhiều gia đình đông con cũng không hay đi ăn ngoài và theo quan sát của Ostyn thì: “Một bà mẹ có 6 con sẽ nấu ăn ở nhà nhiều hơn là dẫn con đi ăn hàng.”

Nhưng cũng có những sự đánh đổi lớn, khiến nhiều gia đình do dự khi sinh thêm con. Các hoạt động dành cho trẻ nhỏ là một ví dụ. Cũng trong bài đăng đề cập trên blog Motherlode của Lisa Belkin, cô chia sẻ với tôi lời tâm sự của một bà mẹ có bốn đứa con. Theo chị thì: “Cái phiền toái nhất về vấn đề tài chính là chúng tôi không đủ điều kiện cho chúng đăng ký các lớp học và các hoạt động ngoại khóa. Nhiều gia đình trung lưu có từ 1-2 con không cảm thấy khó khăn khi để mỗi đứa trẻ tham gia vào ít nhất một hoạt động ngoại khóa cho mỗi học kỳ hoặc mỗi năm học, nếu chúng muốn. Năm nay, chúng tôi chỉ cho con học tae kwon do giữa chừng rồi bỏ − đứa con gái lớn học trong học kỳ vừa rồi, tới học kỳ năm nay thì đứa con trai lớn của chúng tôi sẽ tham gia. Năm ngoái, chúng nó cũng được tham gia câu lạc bộ bóng đá, nhưng sang năm nay thì chúng tôi không đủ điều kiện để theo nữa. Đứa con gái thứ hai muốn thử học múa, nhưng đành chịu vì thằng anh chuẩn bị đi học võ. Chúng tôi cũng muốn cho con cái học piano để chí ít thì chúng cũng biết đọc một bản nhạc, song không đủ tiền. Tôi không muốn ép con học quá nhiều, nhưng thật bực mình khi làm mẹ mà không thể cho con cơ hội thử tham gia các hoạt động khác nhau để chúng khám phá xem năng khiếu của mình là gì.”

Trong năm học cũng có vô số môn học khác nhau, rồi còn trại hè, lớp học nghệ thuật, học nghề và nhiều hoạt động khác. Với học sinh trung học còn có các trại học tập để con trẻ có thể tham gia vào các dự án nghiên cứu khó. Tiếp đến là chuyện đưa đón con đi học nữa. Những buổi học múa và câu lạc bộ bóng đá ngốn rất nhiều thời gian của các bậc phụ huynh. Mary Ostyn cho hay: “Nếu chỉ có một con, bạn hoàn toàn có thể cho nó tham gia vào 4 hoạt động khác nhau. Nhưng khi bạn có 5, 6 đứa hay nhiều hơn nữa, thì hẳn bạn sẽ phát điên lên về chuyện học hành của con cái.”

Về chuyện đi lại, các đại gia đình cũng phải thay đổi mong muốn của mình theo tình hình thực tế. Một vé máy bay để đi thăm bà ngoại ở xa có giá 250 đô-la, nhưng với gia đình 6 người, tổng chi phí sẽ lên tới 1.500 đô-la. Sẽ còn đắt đỏ hơn nhiều nếu cả đại gia đình ra nước ngoài. Chỉ riêng chi phí làm hộ chiếu cũng rất tốn kém, vậy nên cả nhà đành chọn phương án du lịch trong nước. Gia đình chị Ostyn thường đi cắm trại trên núi, hoặc thuê một căn nhà bên bờ biển vào mùa vắng khách để có thể chứa tất cả các thành viên. Thuê khách sạn không chỉ tốn kém mà họ còn ra những quy định ngặt nghèo về số lượng người được phép ở trong mỗi phòng.

Và cuối cùng, vấn đề rất quan trọng: đại học. Hầu hết những gia đình đông con mà tôi phỏng vấn đều không có ý định trả tiền cho con học đại học (hoặc cho con nhỏ đi học trường tư). Như Ostyn chia sẻ: “Đóng góp của chúng tôi cho việc học đại học sau này của con cái là chuẩn bị hành trang thật tốt cho chúng, để chúng có thể tự tìm cách kiếm tiền trang trải học phí nếu chúng muốn theo học.” Và phải công nhận rằng, ở khía cạnh này, chị đã làm rất tốt: 2 đứa con của chị mới được nhận học bổng công nhận tài năng quốc gia, cả 4 đứa con lớn đều đủ điều kiện nhận học bổng nhờ thành tích học tập tốt, vì vậy mà gánh nặng học phí đại học của chúng sẽ được giảm bớt nhiều. Còn theo Chris Jeub, anh cho rằng trả tiền học phí đại học cho con cái là “một kỳ vọng xã hội mà các bậc phụ huynh không nhất thiết phải đáp ứng.” Đó là một kỳ vọng đắt đỏ. Một độc giả trên blog Motherlode sống ở Rochester, New York, viết: “Chúng tôi có bốn con, tuổi từ 2 đến 14. Cứ lấy mức phí ở các trường đại học tư thục mà vợ chồng tôi từng theo học làm chuẩn, thì mức tăng phí hướng dẫn trung bình cho bốn sinh viên là 43.000 đô-la/năm, đó là chưa kể khoản học phí chính 850.000 đô-la. Con số đó vượt quá khả năng tích lũy của đại bộ phận các bậc phụ huynh.”

Vậy tất cả những điều này có quan trọng hay không? Một tỷ lệ nhỏ các gia đình có điều kiện chăm lo cho 3 đến 4 con như người khác chăm 2 con. Nếu cả 4 đứa cùng muốn tham gia các lớp học ở các địa điểm khác nhau, theo thời gian biểu khác nhau, họ có thể thuê thêm người đưa đón chúng. Nhưng đối với nhiều người, thêm con đồng nghĩa với việc phải hy sinh nhiều hơn. Đây chính là điều mà Gary Becker, nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel, đề cập tới trong những nghiên cứu nổi tiếng của mình về kinh tế học gia đình. Gia đình càng đông con thì càng phải thực hiện những đánh đổi giữa chất lượng và số lượng. “Chất lượng” của từng đứa trẻ sẽ bị hạ thấp bởi cha mẹ không đủ điều kiện chăm lo cho chúng về mặt ăn uống, học hành. Điều này có vẻ đúng hơn đối với các nước đang phát triển vì thường thì ở đó không có khoản phúc lợi xã hội hay trường học miễn phí. Tuy vậy, thật thú vị, một số nghiên cứu lại chỉ ra rằng tỷ lệ sinh sản ở những cộng đồng nghèo nếu giảm xuống cũng không tạo ra sự khác biệt nào về chiều cao, cân nặng hay tỷ lệ đỗ đại học giữa những đứa trẻ và rằng con cái của những gia đình đông đúc không nhất thiết đều kém cỏi hơn con cái của những gia đình thưa con. Tuy vậy, có những sự đánh đổi không thể tránh khỏi, nên những bậc cha mẹ có cơ hội lựa chọn số lượng con cần phải cân nhắc tới những vấn đề này. Các hoạt động ngoại khóa có thực sự cần thiết hay không? Du lịch có giúp nâng cao năng lực trí tuệ hay không? Được bố mẹ hỗ trợ về chi phí học đại học có giúp con cái có được xuất phát điểm tốt hơn trong cuộc sống hay không?

Câu trả lời nào cũng có những lập luận hợp lý làm hậu thuẫn. Trong lúc lướt qua các lời bình luận trên trang blog Motherlode nói rằng đứa con thứ ba của tôi sẽ phá hoại cả hành tinh này, tôi thấy rằng cũng có nhiều độc giả ngẫm ngợi về những sự đánh đổi đó. Một người viết: “Quyết định dừng lại ở hai con của vợ chồng tôi hoàn toàn xuất phát từ mong muốn không phải ‘thay đổi các kỳ vọng của mình’… Cả hai chúng tôi đều lớn lên trong những gia đình đông đúc, kinh tế eo hẹp. Tuy các nhu cầu cơ bản vẫn được đáp ứng, song chúng tôi chẳng có cơ hội để trải nghiệm, tham gia vào các hoạt động, hay đi du lịch đó đây.” Là một quân nhân tham gia công tác xã hội, bà mẹ này viết: “Cuộc sống của chúng tôi hiện nay có phần thoải mái hơn cha mẹ mình ngày xưa và chúng tôi cũng có điều kiện để đứa con lớn được trải nghiệm cuộc sống (và cả đứa con nhỏ nữa, khi nó đủ tuổi tham gia vào các hoạt động đó). Bên cạnh đó, chúng tôi cũng để dành được chút tiền lo học cho con sau này.” Họ cũng từng nghĩ tới việc sinh thêm đứa thứ ba, nhưng chợt nhận ra điều đó có thể sẽ khiến họ phải thay đổi cách sinh hoạt hiện nay. Những khoản tiết kiệm để phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của họ sẽ bị trưng dụng cho các mục đích khác. Chi phí trông trẻ ban ngày cũng tăng lên. Vì vậy, họ quyết định giữ nguyên mô hình gia đình 4 người.

Mong muốn làm giàu những trải nghiệm sống cho con trẻ xuất hiện ở nhiều lời bình luận; một số lượng lớn độc giả trên blog đó nêu ra vấn đề nuôi dưỡng tiềm năng cho con cái. Nếu bạn tin rằng một ngày nào đó con mình sẽ trở thành một nhạc sĩ hay vận động viên tầm cỡ thế giới, thì hẳn việc bạn cho con được đào tạo năng khiếu từ sớm là hết sức quan trọng. Bởi nếu không thì xét đến thực tế cạnh tranh gay gắt của nền kinh tế toàn cầu hóa hiện nay, chính bạn sẽ là người loại trừ khả năng thành tài của con mình, vì trong số 7 tỉ người đang sống trên hành tinh này, nhiều người đã bắt tay vào đào tạo năng khiếu cho con từ khi chúng còn rất nhỏ. Tiger Woods chơi golf từ độ tuổi mẫu giáo; và có chăng, tới năm 2030, thế giới sẽ còn cạnh tranh khốc liệt hơn bây giờ nữa.

Dù bạn không cho rằng con mình là thần đồng, nhưng các trường đại học có chất lượng khi tuyển chọn sinh viên cũng đòi hỏi những năng khiếu khác bên cạnh thành tích học tập – đó có thể là năng khiếu về thể thao, âm nhạc, v.v… Không phải đứa trẻ nào hễ được bố mẹ đổ tiền cho đi học chơi hockey hay tham gia vào các hội thể thao đều sẽ có chân trong các đội tuyển ở trường đại học, nhưng có rất ít người được tuyển mà lại không trải qua quá trình đào tạo, cạnh tranh từ nhỏ. Tương tự, các hoạt động đặc biệt trong mùa hè có thể giúp con cái bạn trở nên nổi bật. Ngày càng có nhiều chương trình nghiên cứu dành cho học sinh cấp ba, qua đó chúng vừa có cơ hội mở rộng kiến thức lại vừa có điều kiện tham gia vào hàng loạt các cuộc thi khác nhau nhằm tuyên dương tinh thần làm việc độc lập của trẻ (chẳng hạn cuộc thi tìm kiếm tài năng khoa học Intel, hay chương trình học bổng Davidson). Gửi ba đứa con tham dự vào các chương trình đó dĩ nhiên sẽ tốn kém hơn so với việc chỉ gửi một hoặc hai đứa.

Mặt khác, nếu bạn hỏi các bậc phụ huynh lý do đăng ký cho con cái tham gia vào các hoạt động đó, họ sẽ nhắc đến những lợi ích như học cách làm việc tập thể, biết thưởng thức nghệ thuật và âm nhạc, rèn luyện thân thể và tránh tình trạng “nhàn cư vi bất thiện” ở trẻ. Nếu xét từ góc độ này, thì có người sẽ nói rằng các gia đình đông con không cần tới các hoạt động đó. Vì, như Tammy Metz chia sẻ, trong gia đình cô “lúc nào cũng có bạn chơi cùng.” Khi bạn có 6 đứa con, thì chúng sẽ học cách làm việc tập thể bằng cách thông đồng với nhau chống lại bạn, mà nếu số lượng con đủ lớn, có lẽ chúng cũng có thể tự thành lập các đội thể thao riêng. Đối với âm nhạc, thay vì theo đuổi sự nghiệp âm nhạc cá nhân, lũ trẻ có thể gia nhập vào một ban nhạc nhà thờ, hay dàn hợp xướng ở trường học và cứ đứa lớn truyền cho đứa bé những dụng cụ âm nhạc mà nó không còn dùng đến. Về thể thao, có lẽ sẽ có ích cho xã hội hơn nếu lũ trẻ dành thêm thời gian để tập luyện các môn thể thao đòi hỏi ít chi phí mà chúng có thể tự thực hiện cho đến cuối đời (như chạy, đạp xe, bơi lội) thay vì các môn thể thao đồng đội (như hockey) vốn không cho chúng cơ hội tập luyện thường xuyên khi lớn lên.

Tương tự, du lịch cũng liên quan tới vấn đề thị hiếu. Bản thân hoạt động cắm trại không hề kém hay ho thú vị hơn việc bay tới Disney World. Nếu lũ trẻ vốn đã hào hứng vì ở nhà có nhiều bạn chơi, thì ngay cả việc đi tới thư viện cũng làm chúng phấn khích. Metz nói: “Tất cả chỉ là quan điểm của bạn về sự vui chơi mà thôi.” Bạn có thể mời họ hàng ở xa tới chơi. Sau khi đưa Jasper bay tới Đức khi nó mới 19 tháng tuổi, tôi tự nhủ sẽ không bao giờ đưa lũ trẻ đi theo trên những chuyến bay dài như vậy nữa, hoặc chí ít là cho tới khi hãng hàng không Lufthansa xây dựng được một khu vực dành riêng cho những ông lão người Đức có thói quen cứ xấn xổ giơ nắm đấm vào mặt các bậc phụ huynh như thể muốn dọa trẻ khóc. Hoặc khi bố mẹ đi xa, biết đâu lũ trẻ cũng thích được tới ở cùng ông bà – việc này không còn tốn kém nhiều như khi các bạn mới cưới đâu.

Đối với tôi, trong số tất cả những vấn đề nêu trên thì học phí đại học vẫn là câu hỏi lớn nhất. Tôi biết bố mẹ tôi đã vất vả ra sao khi trang trải học phí cho mình. Nhưng tôi cho rằng đấy là một sự đầu tư hợp lý, bởi Đại học Princeton đã mở ra cho tôi nhiều cơ hội tốt đẹp. Tôi cũng muốn sẽ đủ khả năng hỗ trợ học phí cho con mình sau này và chắc chắn nhiều bậc phụ huynh khác cũng có cùng suy nghĩ như tôi.

Tuy vậy, điều gì sẽ xảy ra nếu lũ con tôi lại muốn theo học ở một trường đắt đỏ nhưng không giúp ích gì cho sự nghiệp của chúng sau này? Một số trường có học phí cao nhưng tỷ lệ tốt nghiệp lại thấp đến thảm hại, dù rằng chất lượng sinh viên đầu vào của họ không đến nỗi nào. Mới đây, Viện Doanh nghiệp Mỹ đã tiến hành phân tích các trường học danh giá và họ liệt kê ra một số trường hợp điển hình như sau: trường New School thu học phí 31.940 đô-la nhưng tỷ lệ tốt nghiệp chỉ là 61%. Trường cao đẳng Bennington với mức học phí 36.800 đô-la nhưng trong 5 năm liên tiếp số sinh viên tốt nghiệp chỉ khoảng 57%. Tulane, học phí 36.610 đô-la, tỷ lệ tốt nghiệp 76% − con số này có vẻ khả quan hơn, nhưng vẫn không là gì nếu bạn đem nó so sánh với các trường khác có cùng mức độ đầu vào khó tương đương, chẳng hạn trường Đại học Notre Dame với tỷ lệ 95% sinh viên tốt nghiệp.

Ngoài ra, còn tồn tại một mối nguy hại tiềm tàng về mặt đạo đức. Nếu con cái tôi biết rằng tôi sẽ trả học phí đại học cho chúng, thì liệu chúng có chăm chỉ học tập để đạt thành tích cao ở trường phổ thông, nhờ đó chúng có cơ may nhận học bổng hay không? Liệu chúng có sẵn sàng làm việc bán thời gian không? Mặc dù học phí ở những trường danh giá nghe có vẻ cao vời vợi, nhưng chuyện theo học ở một trường như Princeton hay Harvard, trên thực tế, lại ngày càng khả thi hơn đối với sinh viên. Nếu gia đình bạn kiếm được 180.000 đô-la/năm, thì học phí hiện nay ở Harvard chỉ vào khoảng 10% thu nhập. Như vậy, nếu gia đình bạn kiếm được 100.000 đô-la, thì học phí ở Harvard sẽ rơi vào khoảng 10.000 đô-la, tức 40.000 đô-la trong 4 năm (cộng thêm một khoản đóng góp nhỏ của lũ trẻ nữa). Và trong suốt 4 năm này, một thanh niên trẻ có thể kiếm được 5.000-7.500 đô-la/năm và đi vay 20.000 đô-la. Khối nợ 20.000 đô-la trong thời sinh viên không phải là điểm khởi nghiệp lý tưởng, nhưng nó là con số trung bình ngày nay.

Harvard chọn mức phí đào tạo chiếm 10% thu nhập (đối với các gia đình trung lưu giàu có) nhằm cạnh tranh với các trường công lập có chất lượng vốn tuy không hẳn đã “đáng đồng tiền bát gạo” song cũng hữu ích cho sự nghiệp sau này. Hàng năm, tờ Wall Street Journalvẫn công bố danh sách các trường lọt vào mắt xanh của các doanh nghiệp tuyển dụng. Năm 2010, trường Penn State đứng đầu bảng. Tiếp đến là A&M Texas, nơi chồng tôi được nhận học bổng. Dĩ nhiên, không thể chỉ dựa vào một con số đó mà khái quát hóa thành cả một định luật đúng đắn, nhưng đúng là chồng tôi kiếm được nhiều tiền hơn tôi và có lẽ đó là lý do anh ấy lại ít quan tâm tới chuyện trả học phí cho con vào các trường đại học tinh hoa như tôi.

Tuy nhiên, bản chất – và thậm chí là thói quen di truyền – của con người là muốn tạo cho con cái bất kỳ lợi thế nào mà chúng ta có thể. Chúng ta đang sống trong một thế giới toàn cầu hóa đầy cạnh tranh. Sở dĩ các hoạt động ngoại khóa, các buổi cắm trại hay các buổi hội thảo về việc học dự bị đại học trở nên phổ biến không chỉ xuất phát từ mong muốn giúp đỡ con cái của cha mẹ, mà còn từ một mối lo lắng rằng nền kinh tế đã thay đổi. Chúng ta trăn trở không biết liệu con cái mình có thể hưởng mức sống như mình hay không, dù rằng chúng sẽ phải làm việc nỗ lực hơn thế hệ của mình. Trước kia, sau khi tốt nghiệp trung học, bạn chỉ cần tới trước cổng nhà máy sản xuất ở gần nhà là xin được việc. Bạn chỉ phải cạnh tranh với những người hàng xóm xung quanh. Ai cũng biết tình hình ngày nay đã khác, nhưng chúng ta vẫn mòn mỏi tìm kiếm điều gì đó giúp bảo đảm một tương lai xán lạn cho con cái mình. Đó có phải là một khóa học chuẩn bị cho cuộc chạy đua vào đại học? Đó có phải là nơi thực tập cần thiết? Ngày nay, khoảng 70% học sinh cấp ba đăng ký vào đại học, phần lớn trong đó là mang theo niềm hy vọng về một mức thu nhập dư giả. Song về mặt toán học, hy vọng này không có cơ sở. Mọi người không thể đều có cơ hội kiếm tiền nhiều hơn con số thu nhập trung bình của xã hội được. Khi tôi bắt tay vào viết chương này, bên ngoài mọi người đang xôn xao bàn tán về “những bà mẹ hổ”. Giáo sư Amy Chua, trường Luật Yale, với cuốn hồi ký về quá trình dạy dỗ con đầy khắc nghiệp của mình có tên Khúc chiến ca của mẹ Hổ(được AlphaBooks mua bản quyền và phát hành vào tháng 9 năm 2012), đã khuấy lên nỗi sợ hãi rằng, đôi khi chúng ta vì tính cách mềm yếu mà chưa hết mình làm những việc giúp bảo đảm cho thành công của con cái trong tương lai.

Những mối lo này còn bị khuếch đại thêm trước vô số những giai thoại về việc nhiều thanh niên có bằng cấp ấn tượng nhưng loay hoay mãi vẫn không kiếm được việc làm. Tôi từng chột dạ khi có lần phỏng vấn một cô gái trẻ tốt nghiệp trường Amherst với tấm bằng loại ưu. Khi đó, cô gái này vừa mới vượt qua được hàng trăm ứng viên khác để nhận công việc dắt chó đi dạo. Trong một thế giới như vậy, chúng ta có xu hướng tin rằng sinh ít con hơn để đầu tư nuôi dạy tốt hơn sẽ giúp chúng có được cuộc sống mà chúng (hay chúng ta?) mơ ước.

Nhưng điều khiến tôi thấy lý thú về những gia đình đông con là, dù quan điểm chính trị của họ có thể khác nhau, song dường như nhiều người cùng nhất trí rằng tất cả những hoạt động đó rồi sẽ đem trôi sông đổ bể mà thôi. Chỉ một phần nhỏ trong số những gì chúng ta chủ động làm trong vai trò cha mẹ là có tác động lâu dài tới thành công tương lai của con cái. Ngày càng có nhiều nghiên cứu trên các đối tượng con nuôi, trẻ song sinh, hay anh em cùng bố mẹ cho thấy tác động của bố mẹ hầu như chỉ giới hạn ở mức truyền gen cho con. Trong cuốn sách Selfish Reasons to Have More Kids (tạm dịch: Những lý do vị kỷ để sinh thêm con) xuất bản năm 2011, Bryan Caplan đã liệt kê ra hàng tá những nghiên cứu như vậy và tất cả đều hậu thuẫn cho quan điểm rằng dù bố mẹ có thể thay đổi tình hình trong thời gian ngắn trước mắt, nhưng xét về lâu dài, tác động lớn nhất của họ chỉ nằm trong khoảnh khắc thụ thai mà thôi. Anh viết: “Thay vì coi con trẻ như đống đất sét để bố mẹ tha hồ nặn tùy ý, chúng ta nên coi chúng như một thứ chất dẻo có khả năng uốn cong khi gặp áp lực và rồi lại quay trở lại hình dáng ban đầu sau khi áp lực biến mất.” Theo thông lệ của các gia đình trung lưu, những chiếc thẻ học bài không quan trọng. Những chuyến đi không quan trọng. Những bài học không quan trọng, trừ trường hợp đối với một số ít những người sẽ hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực nghệ thuật hay thể thao – mà ngay cả đối với những trường hợp này, thì với nguyên lý “kẻ thắng làm vua”, những sự đầu tư lớn ban đầu cũng chưa chắc sẽ giúp con trẻ nâng cao thu nhập sau này.

Ngay cả những thứ có vẻ như quan trọng thực ra cũng không có ý nghĩa gì. Bạn thử nghĩ tới câu châm ngôn thường được nhắc đi nhắc lại này mà xem: “Phương án tốt nhất là trong hai bố mẹ, có một người ở nhà chuyên tâm chăm sóc con cái.” Dù rằng đây đó cũng có một vài nghiên cứu đưa ra những kết quả có cơ sở xác thực cho quan niệm đó – và rồi được báo giới tha hồ giật tít – song tựu chung, hầu hết các công trình nghiên cứu đều phủ nhận vấn đề này. Tại sao? Bởi trẻ nhỏ là những sinh vật vô cùng phức tạp. Những bà mẹ ở nhà dành nhiều thời gian chơi cùng con hơn. Nhưng theo nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát bệnh, trẻ con có bố/mẹ ở nhà chăm sóc có xu hướng xem tivi nhiều hơn 2 tiếng mỗi ngày, nhiều hơn so với trẻ ở trường mẫu giáo. Con người là tổng hòa của nhiều biến số khác nhau, nên thật khó mà biết quyết định nào của phụ huynh sẽ dẫn tới thành công tương lai cho con trẻ. Không có gì giúp bảo đảm đời sống kinh tế ổn định cho con cái bạn, trừ khi bạn có một quỹ ủy thác đầu tư có thể hỗ trợ chúng tới suốt đời – mà ngay cả quỹ ủy thác này cũng không thể bảo đảm cho thành công hay hạnh phúc của chúng trong cuộc sống. Có lẽ điều tốt nhất mà các bậc cha mẹ có thể làm cho con cái, xét về mặt tâm lý học, là xây dựng nên những gia đình hạnh phúc, không quá cực đoan, ở đó, bố mẹ hài lòng với những lựa chọn của con cái. Về mặt kinh tế, điều tốt nhất chúng ta có thể dành cho con là dạy chúng những phẩm chất của một doanh nhân, chủ yếu là giúp chúng hình thành cơ chế tự kiểm soát – tức là hình thành niềm tin rằng chúng chịu trách nhiệm tạo dựng đời sống riêng. Sẽ không có ai bước tới trao cho chúng một công việc hay một cơ hội nào cả, mà chúng sẽ phải tự đi tìm.

Tôi không rõ liệu một niềm tin như thế có tồn tại ở những gia đình đông con hay không. Nhưng tôi biết rằng, càng đông người thì cơ hội xây dựng những mối quan hệ xã hội càng lớn – và đây chính là một nhân tố có mối tương quan mạnh mẽ với hạnh phúc. Mẹ chồng tôi có 4 người con, số lượng cháu của bà thì ngày một tăng – đó là chưa kể các anh chị em trong gia đình bà – vì thế mà bà vô cùng bận rộn, thậm chí tôi còn phải đặt lịch trước để nhờ bà trông con vào những giai đoạn “cao điểm”. Một độc giả trên blog Motherlode viết, trong các gia đình đông con, “hiếm có đứa trẻ nào bị cô lập, bởi sẽ luôn có một người anh/em của nó đứng về phía nó hoặc ủng hộ thái độ của nó… Khi lũ trẻ này lớn lên và sinh con đẻ cái, thì con cái chúng sẽ có vô số những bà dì ông chú với những sở thích và nghề nghiệp đa dạng để chúng có thể noi gương theo (hoặc tránh ‘vết xe đổ’ của họ).” Có thể một đứa trẻ sẽ không bao giờ được nhận một chiếc xe đạp mới, nhưng những người anh lớn của nó sẽ dạy nó cách đi xe. Mỗi đứa trẻ có thể sẽ có ít thời gian ở bên bố mẹ hơn, nhưng chúng sẽ có nhiều thời gian chơi đùa cùng anh chị em của mình.

Một độc giả của blog Motherlode viết về đại gia đình của mình: “Đông anh chị em có ý nghĩa gì không? Trên thế giới này tôi có tới 6 người cùng chung những trải nghiệm nhọc nhằn của việc lớn lên trong một gia đình đông đúc. Sáu người luôn hiểu tôi. Sáu người luôn sẵn lòng giúp tôi vượt qua những giai đoạn khó khăn trong cuộc sống. Sáu người để cùng chia ngọt sẻ bùi… Dĩ nhiên, tuổi thơ của tôi là một cuộc sống chật chội, nhưng nó chỉ kéo dài 18 năm đầu đời. Tôi còn cả một quãng thời gian trưởng thành ở phía trước và tôi luôn là một trong số bảy người con của gia đình… Có thể mọi việc cũng không có gì khác nếu tôi chỉ có một người anh hoặc một người em. Tôi không biết được trường hợp đó sẽ như thế nào. Nhưng có một điều tôi biết rõ, rằng cái ý nghĩ tôi không sống đơn độc trong cuộc đời này đã đủ để bù đắp cho tất cả những sự chen chúc, chật chội, thiếu công bằng, phải san sẻ và thiếu riêng tư mà tôi phải trải qua trong thời thơ ấu.”

Đây cũng là điều mà tôi hy vọng khi chào đón sự ra đời của đứa con thứ ba. Hơn nữa, nhìn hai đứa con trai của tôi đang từng ngày trở thành những đứa trẻ tuyệt vời, tôi càng vững tin rằng đứa con gái nhỏ thứ ba này cũng sẽ khiến cuộc sống của tôi thêm phong phú. Và mọi chuyện còn tuyệt vời hơn nữa vì chi phí bỏ thêm để nuôi con bé cũng không đáng là bao. Tôi lúc nào cũng thích những món hời mà.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.