Nghệ Thuật Sống Tự Tin

Chương 4: Sử Dụng Quyền Lựa Chọn



Bạn không thể lựa chọn mình sẽ chết như thế

nào và vào lúc nào. Bạn chỉ có thể quyết định

mình sẽ sống như thế nào vào ngay lúc này.

– Joan Baez

Tối đa hóa sự lựa chọn

Tôi đã được chứng kiến một sự việc và nó đã khơi dậy sức mạnh của sự lựa chọn trong tôi. Ngày nọ, tại khuôn viên Đại học North Carolina ở Charlotte, có mười vị thiền sư Tây Tạng tập hợp lại để tụng kinh và tụng ca. Tôi rất ấn tượng trước các nhạc cụ, trang phục nhiều màu sắc và khả năng xướng đồng thời nhiều âm của họ. Quan trọng hơn, tôi cảm mến sự hiền từ toát ra từ họ cũng như sự bình thản của họ trước mọi việc xảy đến.

Điều này đã được chứng minh khi một nhóm người chính thống giáo sùng đạo tập hợp ở trước khuôn viên để phản đối hành động của các thiền sư Tây Tạng. Những người này nắm lấy tay nhau và hát vang lên rằng: “Thiên Chúa thương yêu tôi”. Một vị thiền sư bèn tiến ra bên ngoài để xem có chuyện gì đang xảy ra. Khi chứng kiến hành động của những người chính thống giáo, thay vì phản ứng bằng sự giận dữ, ông đã gia nhập vòng tròn của họ, nắm lấy tay họ và cùng hát: “Thiên Chúa thương yêu tôi”với sự chân thành và kính cẩn.

Hành động của vị thiền sư đã làm an lòng những người theo Thiên Chúa giáo và họ dần giải tán trong yên lặng. Tôi vô cùng nể phục cách hành xử của vị thiền sư Tây Tạng. Tôi nhận ra rằng đó chính là đỉnh cao của nghệ thuật lựa chọn đồng thời hiểu được lợi ích từ cách thức lựa chọn ấy.

Một ví dụ thuyết phục khác chính là cuộc đấu tranh của Viktor Frankl, người trở về từ trại tập trung trong Thế chiến thứ II. Trong cuốn sách “Man’s Search for Meaning” (Cuộc tìm kiếm ý nghĩa của con người), Frankl đã miêu tả chi tiết về những tổn thương mà ông đã phải nhận lãnh khi bị giam cầm trong trại tập trung Auschwitz và các trại tập trung khác của Đức Quốc xã. Bị chia cắt với gia đình, đói khát, không mảnh vải che thân, Frankl đã bị tước đoạt hết mọi phẩm giá của một con người. Thế nhưng, trước những nỗi khổ đau, cực nhục cùng một thực tế là các bạn tù bên cạnh mình đang lần lượt ngã quỵ, Frankl vẫn nhận ra những lựa chọn mà mình có mỗi ngày. Ông tin tưởng rằng dù bọn Đức Quốc xã có thể lấy đi tất cả mọi thứ bên ngoài thì chúng vẫn không thể tước đoạt của ông nguồn sáng nội tâm – ý chí, các giá trị tinh thần. Thế nên, dù sống trong cảnh tù đày nhưng Frankl vẫn thấy tự do. Sự tự do trong nội tâm đã giúp ông sống sót sau nạn diệt chủng, tìm thấy ý nghĩa của bi kịch đời mình và vượt lên trên số phận nghiệt ngã. Ông đã quyết định lựa chọn cuộc sống thay vì để cuộc sống lựa chọn ông.

Hành động của vị thiền sư và Viktor Frankl nhắc nhở chúng ta rằng dẫu cuộc sống có khó khăn đến mấy chăng nữa thì ta vẫn có sự tự do để lựa chọn. Càng thực hành việc phân tách cái tôi tự tin ra khỏi bản ngã và tự giải thoát bản thân khỏi những ảo giác tiêu cực của quá khứ, bạn càng ý thức rõ hơn về sự lựa chọn mà mình có được trong từng khoảnh khắc. Thay vì để hoàn cảnh sống quyết định, chúng ta có thể chú tâm vào những suy nghĩ, cảm xúc và hành động của bản thân. Việc sống từ nội tâm hướng ra bên ngoài này chính là một sự thể hiện của cuộc sống tự tin.

Hẳn bạn đã từng nghe nói đến câu châm ngôn: “Sự khốn khó tùy thuộc vào lựa chọn của ta”. Rõ ràng, chẳng ai cho rằng sự khốn khó là điều tốt nhất mà ta có thể đạt được, dù rằng đó cũng là lựa chọn của chính bản thân ta khi bản ngã dẫn dắt cuộc sống của ta. Khi cái tôi tự tin ở vị thế chủ đạo, chúng ta sẽ nhận thức rõ ràng hơn về những lựa chọn mà mình có được đồng thời ta có thể sử dụng những trải nghiệm không vui ngày trước như là cơ hội để làm thay đổi cuộc sống của mình theo hướng tốt đẹp hơn.

Nếu bạn muốn đến một nơi nào đó thì bạn phải hành động. Càng có nhiều sự lựa chọn, bạn càng cảm thấy sợ. Khi sống dưới sự dẫn dắt của bản ngã, chúng ta cho rằng việc giữ lấy những thói quen cũ sẽ an toàn hơn so với việc trải nghiệm cái mới: lui tới những nhà hàng cũ, làm công việc cũ, khư khư giữ lấy những mối quan hệ nhạt nhẽo xưa. Rõ ràng, một phần của bản ngã trong ta đang cố sức bảo vệ ta khỏi những điều có vẻ nguy hiểm. Rủi thay, khi dẫn dắt cuộc sống của ta, nó đã vô tình giới hạn và ngăn cản sự phát triển của ta, không cho ta có được công việc mơ ước hoặc tìm thấy người bạn tâm giao.

Bởi vậy, thay vì bực mình với cái cũ, hãy xem thử liệu sau khi đã thực hành nghệ thuật phân tách thì cái tôi tự tin của bạn có thể kết nối với nó hay không, đồng thời hãy ghi nhận thiện chí của nó và cố gắng bày tỏ tình cảm cùng sự biết ơn của mình đối với sự tận tụy của nó. Khi ấy, nó sẽ thư giãn và để cho cái tôi tự tin của bạn có những lựa chọn khác, bất chấp việc phải đương đầu với rủi ro và đấu tranh chống lại những nỗi sợ hãi. Cái tôi tự tin có thể áp dụng phương pháp mới để giải quyết vấn đề, từ bỏ phương pháp cũ không hiệu quả và thôi tìm về những người cũ để tránh nhận lãnh cùng một sự phản hồi. Nếu có điều gì đó không ổn, cái tôi tự tin của bạn sẽ xử lý khác đi. Nếu cách làm ấy vẫn không hiệu quả, bạn có thể kiên trì dùng những phương cách mới cho đến khi vấn đề dần được giải quyết.

Hãy thử xem liệu bạn có thể thực hiện một công việc gì đó bằng phương pháp mới hay không, dù đó chỉ là một việc rất nhỏ. Hãy tìm cách thoát ra khỏi những lối mòn của mình, chẳng hạn như trở về trên một con đường mới, mời một đồng nghiệp mới đi ăn trưa hoặc đương đầu với những thử thách đã một thời làm bạn khiếp sợ. Những ví dụ về sự lựa chọn này có thể giúp bạn trở về với cuộc sống tự tin của mình.

Hãy biến cuộc sống thành một chuyến phiêu lưu

Chúng ta không thể xóa bỏ hoàn toàn những khó khăn và lỗi lầm của mình trong quá khứ, nhưng cái tôi tự tin có thể giúp ta lựa chọn cách sống thích hợp trong hiện tại. Sự tự tin giúp bạn nhìn nhận tình trạng không rõ ràng trước mắt chỉ như một chuyến phiêu lưu để trải nghiệm, thay vì là một vấn đề cần giải quyết. Giả sử bạn gặp một người nào đó trên mạng và dự định sẽ có cuộc hẹn đầu tiên ở Starbucks(1). Một phần của bản ngã trong bạn lo lắng rằng có thể bạn sẽ không cuốn hút được người đó như cách bạn bị người ta lôi cuốn, hoặc ngược lại. Chính sự nghi ngại ấy đã khiến cho cái phần lo lắng trong bạn tiên đoán rằng cuộc hẹn hò ấy là vấn đề cần giải quyết. Việc dựng nên tình huống đó như là một vấn đề đã mang đến cho ta những ý nghĩ tiêu cực, giống như Eckhart Tolle đã khéo léo nói rằng: “Nếu bạn không thể chấp nhận được sự không chắc chắn thì nó sẽ trở thành nỗi sợ hãi. Nhưng nếu bạn hoàn toàn có thể chấp nhận nó thì nó sẽ trở thành sự sống, sự tỉnh táo và trí sáng tạo của bạn”.

Nghệ thuật phân tách sẽ giúp bạn ghi nhớ rằng cái tôi tự tin của bạn có thể sẽ nghĩ về cuộc hò hẹn như là một chuyến phiêu lưu chứ không quá đặt nặng vấn đề kết quả. Sự lựa chọn này sẽ giúp bạn mở lòng ra với những trải nghiệm mới, ngăn cản sự phát triển của cảm giác lo lắng, để cho mối quan hệ lên tiếng trước khi bị bỏ qua, đồng thời để lòng tự tin của bạn có được mảnh đất màu mỡ mà sinh sôi, phát triển.

Việc lựa chọn cũng tự nhiên như việc hít thở vậy. Chúng ta đưa ra sự lựa chọn trong từng khoảnh khắc mà không hề biết. Nếu bạn nhận ra rằng phần bản ngã đang ra sức bảo vệ bạn khỏi những khó khăn trong cuộc sống, cái tôi tự tin của bạn có thể sẽ lựa chọn hạnh phúc ngay từ bây giờ. Nếu cuộc sống hiện tại không diễn ra như bạn mong muốn, bạn có thể thay đổi nó bằng cách nhận ra rằng mình vẫn còn nhiều lựa chọn khác. Thậm chí trong tình huống bất khả kháng, bạn vẫn có thể đưa ra những lựa chọn hết sức sáng suốt.

Ngay cả khi bạn không chọn lựa gì cũng đã là một sự lựa chọn. Hãy nghĩ xem có những sự lựa chọn nào mà bản ngã của bạn đã thực hiện trong khi bạn không hề hay biết chưa. Trong cuộc sống, càng đưa ra được nhiều lựa chọn tỉnh táo nhiều bao nhiêu, bạn càng tự tin và hạnh phúc bấy nhiêu.

Hành động và phản ứng

Đã bao giờ bạn nhận ra rằng mình đang có xung đột ngầm với đồng nghiệp, nhân viên bán hàng, công chức nhà nước, gia đình, bạn bè và phản ứng một cách tiêu cực với họ?

Vài năm trước, khi mua sắm ở cửa hàng nọ, tôi thường gặp một nhân viên bán hàng cộc cằn và thô lỗ. Bất kể tôi có cư xử nhã nhặn đến mức nào, cô ta vẫn vô cùng bất lịch sự với tôi. Một hôm, quá mệt mỏi với thái độ chua chát của cô ta, tôi đã vặt lại. Việc này càng khiến cho tình hình trở nên nghiêm trọng hơn và khiến cô ta nhìn tôi bằng ánh mắt giận dữ. Dĩ nhiên, ánh mắt ấy càng thổi bùng lên ngọn lửa tức giận vốn đã âm ỉ trong tôi. Cả hai chúng tôi đều bị mắc kẹt trong cái vòng luẩn quẩn của những phản ứng tiêu cực. Chính việc này đã ngăn cản chúng tôi hành động theo sự chỉ bảo của cái tôi tự tin của mình.

Nếu một lúc nào đó, bạn bị mắc kẹt trong một tình thế khó chịu thì hãy hành động, thay vì phản ứng. Phản ứng lại hoàn cảnh là một cách hành xử bồng bột xuất phát từ một phần của bản ngã, che khuất đi cái tôi tự tin của bạn. Nó cũng giống như phản ứng của một cơ thể sống trong ống nghiệm trước các tác nhân kích thích, hoàn toàn không có khả năng lựa chọn. Việc phản ứng mà không lựa chọn tỉnh táo hoặc thậm chí không hề hay biết rằng mình đã có sự lựa chọn là thái độ phòng thủ, đặt bạn vào vị thế phó mặc cho hoàn cảnh. Trong khi đó, việc chủ động hành động là thái độ tiên phong, đặt bạn vào vị trí của người cầm tay lái. Khi tách mình ra khỏi bản ngã, bạn sẽ cho cái tôi tự tin của mình có chỗ để đại diện cho bạn và hành động – đưa ra được những lựa chọn sáng suốt giúp bạn kiểm soát các tình huống.

Một khi tôi nhận ra rằng những phản ứng (bản ngã) của tôi đã tạo điều kiện để cô nhân viên bán hàng có cơ hội chi phối cuộc sống của tôi, thì việc thay đổi cách hành xử của cô ấy không còn là mục đích của tôi nữa. Tôi chỉ việc tập trung vào thay đổi cách hành xử của chính mình bằng cách để cho cái tôi tự tin của mình quyết định xem tôi muốn hành xử như thế nào trong tình huống ấy. Hành động của tôi không còn phụ thuộc vào thái độ của người bán hàng nữa. Việc biết rằng mình có sự lựa chọn riêng từ trong nội tâm đã giúp tôi bình tĩnh hơn, biết trân trọng và kiểm soát được cuộc sống của mình tốt hơn. Vì thế, xin hãy nhớ rằng, dù hoàn cảnh bên ngoài có tồi tệ đến mấy thì bạn cũng đừng quá buồn rầu vì nó.

Lần nọ, một vị bác sĩ đã kể với tôi rằng sau khi một bệnh nhân của bà trả tiền và rời khỏi phòng khám, bà phát hiện bệnh nhân ấy đã đưa thừa tiền. Người ấy trả hai trăm đô-la trong khi tiền phí khám bệnh chỉ có một trăm. Bà kể rằng lúc ấy một ý nghĩ chực nảy ra trong đầu bà rằng bà có thể giữ phần tiền thừa ấy mà chẳng ai biết cả. Nhưng rồi sau đấy bà lại nghĩ rằng thật ra vẫn có người biết về việc ấy. Đó chính là bản thân bà. Thế là bà vội vã đuổi theo bệnh nhân nọ đến tận bãi đỗ xe và trả lại một trăm đô-la tiền thừa. Đây là một minh chứng thuyết phục về việc thực hành sự chọn lựa. Trong khi bản ngã của bà nói rằng: “Tôi có thể giữ phần tiền thừa này và chẳng ai biết được điều đó đâu” thì cái tôi tự tin của bà lại lên tiếng: “Số tiền ấy không phải là của tôi, tôi muốn sống thành thật và liêm chính”.

Cũng như vậy, bạn có quyền hành động một cách trung thành với cái tôi tự tin của mình mặc cho cuộc sống có xoay vần ra sao. Một lời nói nhẹ nhàng có thể làm dịu thái độ giận dữ. Thái độ bình tĩnh này có tác dụng xoa dịu mọi cơn kích động. Những lời khen ngợi có khả năng xóa bỏ mọi lời phỉ báng. Cách ứng xử của bạn có thể làm xoay chuyển mọi tình huống. Hãy nhìn vào những cuộc tranh đấu nho nhỏ của bản thân bằng sự hiếu kỳ (chứ không phán xét) và hãy nhớ rằng việc bạn đang suy nghĩ hay cảm nhận về điều gì đó không có nghĩa bạn phải phản ứng lại nó. Hãy xét xem liệu bạn có đang đi ngang qua cuộc đời mình và phản ứng một cách thiếu suy nghĩ trước những sự việc xảy đến hay bạn đang có những lựa chọn linh hoạt từ chính cái tôi tự tin của mình, bất luận hoàn cảnh sống có như thế nào. Nói cách khác, hãy tự hỏi mình xem liệu bạn đang phản ứng như một cơ thể sống đơn bào hay hành động như một con người thực thụ. Hãy thử thực hành bốn bước sau đây để có thể hành động từ nội tâm hướng ra bên ngoài, thay vì phản ứng từ ngoài vào trong.

BỐN BƯỚC ĐỂ HÀNH ĐỘNG

(TỪ CÁI TÔI TỰ TIN)

THAY VÌ PHẢN ỨNG (TỪ BẢN NGÃ)

  1. Hãy nhìn vào nội tâm xem phần nào của bạn đang bị kích động. Một khi bạn đã nhận ra được điều đó, hãy tiếp tục thực hiện bước 2.

  2. Chấm dứt những phản ứng thông thường của bản thân bằng cách lùi lại và hít một hơi thật sâu.

  3. Hãy thực hiện một cuộc đối thoại với phần bị kích động trong con người mình bằng thái độ thiện chí. Hãy xét xem liệu nó có chịu thư giãn trong giây lát để bạn có thể lo liệu mọi thứ hay không.

  4. Hãy kiên trì khi nhận dạng phần bị kích động trong con người mình, đồng thời cố gắng làm cho nó thư giãn thay vì để nó lên tiếng phản ứng.

Vận may? Vận rủi? Ai biết trước được

Câu chuyện “Tái ông thất mã” nổi tiếng kể về một lão nông Trung Hoa có con ngựa già để cày ruộng. Ngày nọ, con ngựa sẩy cương và biến mất sau những ngọn đồi. Khi những người hàng xóm đến chia buồn cùng ông lão, ông chỉ nhẹ nhàng đáp:

– Vận rủi hay vận may? Ai biết được?

Một tuần sau, con ngựa ấy trở về dẫn thêm một con ngựa khác. Lần này, những người hàng xóm kéo đến chúc mừng ông. Thế nhưng, ông vẫn chỉ trả lời:

– Vận may hay vận rủi? Ai biết được?

Thế rồi ngày nọ, đứa con trai của ông lão bị ngã gãy chân khi cố thuần hóa con ngựa mới. Mọi người đều nghĩ rằng đây thật sự là vận rủi của gia đình ông lão. Thế nhưng một lần nữa, ông lão lại trả lời:

– Vận rủi hay vận may? Ai biết được?

Không lâu sau, đất nước xảy ra chiến tranh và nhà vua ra lệnh cho tất cả những người đàn ông trong làng phải lên đường nhập ngũ. Và người con trai của lão nông bị gãy chân nên được ở nhà. Giờ thì đấy là vận may hay vận rủi? Ai biết được?

Lão nông trên quả là người rất khôn ngoan. Ông đã linh hoạt lựa chọn cách nghĩ và cách hành động trước những biến cố xảy ra trong cuộc sống – thay vì lập tức phản ứng lại nó. Ông biết rằng đôi khi những điều tốt đẹp lại đến dưới lớp áo của những việc chẳng lành. Nhận thức này chính là nền tảng của lòng tự tin.

Tôi cũng đã từng được trải nghiệm một sự việc tương tự. Ngày nọ, khi tôi đáp máy bay xuống thành phố Sydney của nước Úc vào lúc 8 giờ sáng thì được thông báo rằng trong ba trăm năm mươi hành khách, tôi là người duy nhất bị thất lạc hành lý ở Los Angeles. Với một người đã kiệt sức sau chuyến bay dài đến mười ba tiếng đồng hồ thì đấy rõ ràng không phải là điều mà tôi muốn nghe thấy.

Hẳn bạn cũng hình dung được cảm giác chán nản vô cùng của tôi. Tôi rên rỉ: “Sao lại là tôi trong số ngần ấy người cơ chứ?”. Nhưng rồi tôi lại tự hỏi: “Có thật đấy là điều xúi quẩy nhất không?”. Tôi tự nhắc nhở mình rằng đôi khi, có những phúc lành lại đến dưới hình thức của những điều gây thất vọng. Nhưng đứng giữa ranh giới của được mất, tôi rất khó nhận ra điểm tích cực trong sự việc này. Với sự hiếu kỳ, tôi hít một hơi thật sâu, tìm cách tách mình ra khỏi tình huống ấy đồng thời nghĩ về câu chuyện của lão nông Trung Hoa nọ. Bỗng dưng tôi có cảm giác rằng việc trông có vẻ như vận rủi này có thể chính là một vận may. Và quả thật, hãng hàng không lập tức đền bù cho tôi một trăm đô-la Úc. Sau khi tôi dùng bữa và trở về khách sạn thì hành lý của tôi cũng vừa đến. Thế là tôi vừa nhận được đầy đủ hành lý vừa có thêm một trăm đô-la. Hãy nghĩ xem liệu bạn đã từng trải qua một sự việc nào mà ban đầu, nó có vẻ giống như một rắc rối nhưng hóa ra lại là một điều tốt lành?

Khi bạn áp dụng bí quyết “Sự lựa chọn”, bạn sẽ thay đổi cách nhìn nhận cuộc sống của mình. Bạn sẽ cảm thấy tự do hơn từ sâu thẳm lòng mình và tự tin hơn trong cuộc sống. Bạn sẽ không nhìn đời qua lăng kính màu hồng nhưng bạn cũng sẽ chẳng còn bi quan khi đối mặt với những thách thức. Bạn sẽ sống bằng niềm hy vọng thay vì tuyệt vọng, đồng thời nhận ra cái được ngay trong những mất mát và thất vọng. Thực hành nhận thức này sẽ giúp bạn xây dựng lòng tự tin.

Hãy lựa chọn cuộc sống thay vì để nó chọn bạn

Hãy tự hỏi bản thân một vài điều sau đây: “Bạn có được tự do lựa chọn trong cuộc sống của mình hay cảm thấy mình là nạn nhân của hoàn cảnh sống?”; “Bạn có phải sống với sự bất hạnh từ những lá bài cuộc đời đã chia cho?”. Nếu bạn nhận ra rằng điều kiện sống đang điều khiển bạn thay vì chính bản thân bạn điều khiển chúng thì bạn sẽ có cảm giác mình đang bị giam cầm trong nhà tù của cảm xúc. Sức mạnh của sự lựa chọn đang ở ngay trong chính bạn. Việc liên hệ được với cái phần mạnh mẽ ấy sẽ giúp bạn tự tin hơn trong cuộc sống. Nếu Viktor Frankl có được những lựa chọn ngay trong lúc bị đày đọa thì chắc chắn bạn và tôi đều được quyền chọn lựa trong công việc, trong cuộc sống gia đình cũng như ngoài xã hội. Hành động của vị thiền sư Tây Tạng đã chứng minh rằng ngay cả trong hoàn cảnh khó chịu nhất, chúng ta vẫn có thể lựa chọn cách hành động của mình thay vì để nó lựa chọn ta.

Hãy nhìn vào bức tranh dưới đây. Bức tranh này vẽ một người đàn bà cao tuổi có một chiếc mũi to, chiếc cằm dài, đầu trùm khăn và khoác chiếc áo choàng lông thú. Hãy quan sát kỹ bức tranh và cố suy nghĩ xem vì sao trông bà lão lại buồn bã và khổ sở như vậy.

Bạn có nhận ra rằng tôi đã hướng cách nhìn nhận vấn đề của bạn theo lối của tôi? Sự thật là trong bức tranh còn có hình ảnh của một cô gái trẻ. Tôi đã có thể dễ dàng hướng bạn nhìn thấy cô gái ấy thay vì nhìn thấy người đàn bà cao tuổi kia.

Các nhà tâm lý học nhận thức đã đưa bức tranh này cho nhiều người xem. Khi được bảo rằng bức tranh này vẽ một phụ nữ cao tuổi thì gần như họ đều nhìn thấy người phụ nữ ấy trước khi nhìn ra cô gái trẻ. Nhưng nếu bảo với họ rằng bức tranh vẽ một cô gái trẻ thì họ sẽ có khuynh hướng nhìn thấy cô gái ấy trước và sẽ gặp ít nhiều khó khăn trong việc nhận ra người phụ nữ cao tuổi.

Bạn có thể ứng dụng bí quyết “Sự lựa chọn” bằng cách kiểm tra lại bức tranh ở một góc nhìn khác. Lần này, bạn sẽ nhìn thấy một cô gái trẻ. Vị trí con mắt của người đàn bà cao tuổi trở thành vành tai của cô gái. Cái mũi của người đàn bà trở thành khung xương hàm của cô gái. Cái miệng của người đàn bà là sợi dây chuyền trên cổ cô gái. Vậy là bạn đã có thể nhìn thấy hai hình ảnh hoàn toàn khác biệt khi nhìn vào cùng một bức tranh.

Cuộc đời cũng như thế. Khi lòng tự tin dẫn dắt chúng ta, ta sẽ nhận thức rõ hơn về những lựa chọn mà mình có cũng như có thể kiểm chứng lại cuộc sống của bản thân. Chúng ta có thể lựa chọn mình sẽ tập trung vào điều tốt hay điều xấu, hạnh phúc hay khổ sở, thành công hay thất bại. Ta có thể cho rằng những thử thách trong cuộc sống của mình là những chướng ngại vật ngáng đường hoặc đó chỉ là những viên đá lót đường giúp ta tiến về phía trước. Nếu bạn vẫn nhìn cuộc đời qua lăng kính tiêu cực của quá khứ, bạn có thể tự hỏi những giác quan của mình xem liệu chúng có sẵn lòng tìm kiếm vẻ đẹp, niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống hay không. Điều này sẽ giúp bạn nhìn nhận cuộc sống của mình dưới góc độ mới đồng thời chứng kiến những thay đổi xung quanh mình.

Nhìn đời theo hướng khác

Lần đầu tiên đặt chân đến Venice, tôi thật sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp và nền văn hóa của thành phố này; đó là hương vị các món ăn đặc trưng của Ý, những cổ vật vô giá, những công trình kiến trúc cổ, những chiếc thuyền đáy bằng trôi lững lờ trên các kênh đào cùng những bản nhạc cổ điển. Ngày thứ hai, tôi bắt đầu để ý đến những vết nứt trên vỉa hè và các tòa nhà, trong khi thời tiết thì nóng bức và không khí đầy bụi bặm. Ngày tiếp theo, tôi nhìn thấy rác trôi lềnh bềnh trên các kênh đào cũng như những hình vẽ graffiti(2) làm hỏng tường của các tòa nhà mà tôi đã đi ngang qua nhiều lần nhưng không để ý. Thêm vài ngày nữa, tôi cảm thấy ngán đồ ăn Ý và những bản nhạc thì trở nên nhàm chán. Đến cuối tuần, tôi cảm thấy chán thành phố Venice và sẵn sàng trở về nhà.

Đã bao giờ bạn khởi đầu một kỳ nghỉ trong cảm giác đầy hứng khởi vì được khám phá một địa danh mới lạ nhưng rồi cảm giác ấy hoàn toàn thay đổi ngay khi bạn sắp về nhà? Thật ra, địa danh ấy chẳng hề thay đổi mà chính bạn mới là người đổi thay. Thành phố Venice vẫn là nơi tuyệt đẹp và đầy lãng mạn. Thứ thay đổi chính là cách tôi nhìn nhận về nó. Chính vì thế, tôi hoàn toàn có thể thay đổi cảm nhận của mình một lần nữa bằng cách nhìn lại nơi ấy bằng con mắt khác.

Thường thì khi cảm thấy quen thuộc với những lề thói nhất định nào đấy, chúng ta lại đánh mất đi cái nhìn mới mẻ mà mình từng có về nó. Rất hiếm khi ta duy trì được niềm hân hoan của cuộc tình đầu đầy lãng mạn hay niềm hạnh phúc khi lần đầu tiên được làm cha/mẹ. Ta dễ cảm thấy nhàm chán với sự đơn điệu của cuộc sống thường nhật. Chúng ta uống nước tăng lực và cà phê để vượt qua những ngày căng thẳng. Ta giận dữ khi bị rớt mạng Internet hay khi máy PDA của mình chạy chậm. Ta bị sa lầy trên lối mòn và cuộc sống dần mất đi ánh hào quang của nó. Cảm giác hiếu kỳ và thích thú dường như biến mất; ta cảm thấy dường như mình đã biết tất cả rồi. Thật ra, đây chỉ là cái nhìn tâm lý và ta hoàn toàn có thể thay đổi nó. Sự thay đổi này sẽ tạo ra nhiều cảm xúc tích cực và mang đến cho bạn kinh nghiệm sống mới.

Nếu bạn có thể nhìn cuộc đời mình từ góc độ khác thì liệu bạn sẽ lại thấy công việc cực nhọc và những hóa đơn cần thanh toán, hay sẽ cảm nhận sự tươi mới và giàu có của mình? Hãy thử bài tập đơn giản này. Hãy thử thực hiện bí quyết phân tách đã đề cập ở chương 2 khi bạn đến công sở. Hãy tưởng tượng đây là lần đầu tiên bạn đến nơi làm việc. Hãy nhìn mọi người và mọi nơi như thể bạn chưa bao giờ gặp, dành cho mọi sự một thái độ trân trọng như lần đầu diện kiến. Hãy để tâm đến những thứ được treo trên tường, những bông hoa trên bàn, trang phục của các đồng nghiệp, màu sắc và lối kiến trúc của những ngôi nhà trên con đường quen thuộc. Hãy lưu tâm đến ánh mắt của các đồng nghiệp, cấp dưới hay cấp trên. Hãy nhìn sâu vào mắt họ. Bạn có thấy điều gì ở đó không? Hãy nhớ rằng bạn đang cảm nhận và suy nghĩ từ sâu trong nội tâm của mình.

Bạn sẽ khám phá ra một thế giới mới mà bạn chưa từng biết đến. Triết gia Pierre Teilhard de Chardin đã mô tả về điều này như sau: “Không gì bằng một đôi mắt hoàn hảo trong thế giới có nhiều điều để khám phá”. Khi ứng dụng phương pháp này, bạn sẽ khơi nguồn sức mạnh để thay đổi cuộc đời mình. Điều cốt yếu là bạn phải tập được thói quen nhìn nhận về bản thân, cũng như về mọi thứ xung quanh bằng đôi mắt khác để thay đổi quan niệm của mình. Tất cả chúng ta đều có khả năng tự thay đổi quan niệm về bản thân cũng như về thế giới xung quanh mình. Chúng ta có thể thực hành khả năng ấy ngay từ bây giờ bằng cách lựa chọn nhìn nhận bản thân và cuộc đời mình theo một hướng khác.

Ứng dụng bí quyết “Sự lựa chọn”

Bạn có khả năng thay đổi cuộc sống của mình (cả thế giới nội tâm lẫn thế giới vật chất), tùy thuộc vào quan niệm của bạn. Bạn có thể khám phá lại hai thế giới ấy qua sự thấu hiểu mới.

Kết bạn với nỗi lo lắng

Bạn có cảm thấy lo lắng về kết quả của một điều gì đó sẽ xảy ra trong tương lai? Trong một vài ngày tới, hãy xác định xem liệu bạn đang lo lắng về những vấn đề sắp nảy sinh tại công sở, trong gia đình hoặc trong mối quan hệ bạn bè hay không. Hãy tạm bỏ qua sự phán xét trong mình đồng thời cố gắng trở nên hiếu kỳ đối với những suy nghĩ, cảm xúc của mình trước thử thách của cuộc sống. Thực hành nghệ thuật phân tách (đã được đề cập ở chương 2) bằng cách làm theo sáu bước dưới đây. Thử xem liệu chúng có thể giúp gì để giảm bớt sự lo lắng trong bạn hay không nhé.

1. Tìm ra sự lo lắng của mình.

2. Cố gắng tập trung mọi sự chú ý của mình vào đấy.

3. Hãy để ý xem bạn cảm thấy thế nào về nỗi lo lắng ấy.

4. Nếu bạn nhận thấy câu trả lời của mình là một trong số những chữ “C” được miêu tả ở chương 2, hãy làm bạn với nỗi lo lắng ấy – tức là xem thử liệu bạn có thể tìm hiểu nỗi lo lắng ấy, tỏ ra cảm kích trước thiện chí của nó đồng thời thiết lập mối quan hệ với nó không.

5. Nếu câu trả lời ở bước thứ ba không phải là một trong những chữ “C” mà là sự phán xét hay thất vọng, thì hãy hỏi xem liệu nó có sẵn lòng bước sang một bên hay không. Nếu nó đồng ý thì hãy tiếp tục bước 6; còn nếu không thì hãy quay về bước 3 cho đến khi bạn cảm nhận được một trong những chữ “C” của cái tôi tự tin.

6. Đâu là nỗi sợ và mối bận tâm của sự lo lắng? Có thể sự lo lắng trong bạn sẽ nói về những điều như: “Tôi sợ mình sẽ không thể hiện tốt trong buổi phỏng vấn”. Sự xuất hiện của cái tôi tự tin khi nó kết nối với nỗi lo lắng – làm bạn với nỗi lo lắng ấy thay vì cố thoát khỏi nó – có thể tạo nên sự thanh thản, tình yêu thương và lòng can đảm trong nội tâm của bạn.

Hãy nhớ rằng bản ngã của bạn luôn cố gắng giúp đỡ bạn theo cách riêng của nó, ngay cả khi bạn không cảm thấy như thế. Việc phát triển mối quan hệ tốt đẹp với những phần trong con người bạn đồng thời tỏ ra trân trọng vai trò của nó trong cuộc đời mình, thay vì phớt lờ hay xua đuổi nó, là điều kiện thiết yếu của bí quyết “Sự lựa chọn”.

Đưa ra những lựa chọn tỉnh táo

Việc lựa chọn một cách tỉnh táo sẽ đặt ta vào vị trí tự tin dẫn dắt cuộc đời mình. Liệu bạn có thể chủ động đưa ra những lựa chọn thay vì phó mặc cho may rủi hay cho người khác như trước đây? Bài tập dưới đây sẽ giúp bạn giành lại quyền quyết định cuộc sống của mình bằng cách hành động từ góc độ của cái tôi tự tin. Ở cột đầu tiên, hãy kể tên những khó khăn trong cuộc đời bạn. Ở cột thứ hai, hãy suy nghĩ xem liệu bạn có thể chấp nhận điều gì trong hoàn cảnh ấy. Ở cột thứ ba, hãy xác định những điều mà cái tôi tự tin của bạn có thể chọn lựa từ hoàn cảnh ấy. Hãy tham khảo hai ví dụ dưới đây.

GIÀNH LẤY QUYỀN QUYẾT ĐỊNH CUỘC ĐỜI MÌNH

Khó khănTôi có thể chấp nhậnTôi có thể lựa chọn
1. Công việc của tôi thật tệ hại.Tôi có thể điều chỉnh cảm xúc của mình khi làm việc.Tập trung vào những mặt tích cực của công việc ấy để xem tình thế có thay đổi không trước khi quyết định nghỉ việc.
2. Đồng nghiệp của tôi là một người tiêu cực.Tôi không thể thay đổi được anh ấy.Tôi vẫn có thể là một người tích cực bất luận thái độ của anh ấy ra sao.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.