Nghệ Thuật Sống Tự Tin
Chương 5: Sống Lạc Quan
Có một sự khác biệt khôi hài giữa người lạc
quan và người bi quan: Người lạc quan nhìn
thấy cái bánh vòng, còn người bi quan chỉ nhìn
thấy cái lỗ giữa cái bánh mà thôi.
– McLandburgh Wilson
Bạn là người lạc quan hay bi quan?
Chuyện kể rằng vào ngày nọ, có một người phụ nữ soi gương vào buổi sáng và thấy rằng mình chỉ còn ba sợi tóc ở trên đầu. Bà tự nhủ: “Xem nào, mình nghĩ hôm nay mình sẽ thắt bím”. Thế là bà đã có một ngày tuyệt vời với bím tóc trên đầu.
Ngày hôm sau soi gương, bà thấy mình chỉ còn lại có hai sợi tóc trên đầu.
Bà thầm nghĩ: “Chà, hôm nay mình sẽ rẽ đôi tóc vậy”. Và bà lại có thêm một ngày tuyệt đẹp.
Ngày kế tiếp thức dậy, bà thấy mình chỉ còn duy nhất một sợi tóc trên đầu.
Bà lại tự nhủ: “Hôm nay mình sẽ buộc tóc cao vậy”. Vậy là bà cột tóc và trải qua một ngày thật vui vẻ.
Hôm sau nữa soi gương, bà thấy mình chẳng còn sợi tóc nào trên đầu.
Bà reo lên: “Hoan hô, thế là mình chẳng cần phải làm tóc nữa rồi!”.
Khả năng giữ được thái độ tích cực của người phụ nữ trên là một minh chứng thuyết phục cho bí quyết “Sống lạc quan”. Bác sĩ tâm lý David Burns cho biết cảm giác tồi tệ của ta về bản thân, các mối quan hệ và cuộc sống nói chung đều bắt nguồn từ những ý nghĩ tiêu cực. Khi ấy, bản ngã nắm giữ quyền quyết định cuộc sống của ta nhưng ta lại không hề hay biết. Nó sàng lọc ra một cách vô thức những mặt tích cực trong cuộc sống của ta và truyền vào đấy những mặt tiêu cực. Những phần như lo âu, chán nản, cáu gắt hay giận dữ thường thông qua hiện tại để hồi tưởng những mối bận tâm của chúng trong quá khứ. Nếu không có sự hiểu biết và tự tin thì ta rất dễ đầu hàng trước cảm giác bi quan, tuyệt vọng, đặc biệt là khi chúng từng là một phần trong quá khứ của ta. Chính sự bi quan đã tạo nên chỗ bị lỗi ngay trên những sản phẩm tuyệt vời nhất, biến thành công trông giống như thất bại. Việc dùng lăng kính bi quan để soi vào những mặt tích cực khiến ta cảm thấy rằng cuộc sống của mình đã không diễn ra như mong muốn.
Chào đón mọi phần của con người mình
Khi một phần của bản ngã xuất hiện trong ta thường sẽ kéo theo sự kích động của một phần khác. Chẳng hạn, nếu tôi có ý định đề nghị sếp tăng lương thì sự căng thẳng sẽ xuất hiện từ trong nội tâm tôi và bảo rằng: “Tôi hồi hộp quá!”. Sau đó, nó có thể kích động phần khác, có thể là sự phán xét. Khi ấy, sự phán xét có thể lại lên tiếng rằng: “Đừng hèn nhát như thế nữa!”. Hoặc cũng có thể nó kích động sự tuyệt vọng, hay giận dữ để rồi chúng bật lên tiếng nói rằng: “Mày đã trì hoãn việc này lâu lắm rồi đấy!”.
Bản ngã của chúng ta ra sức bảo vệ ta theo cách riêng của nó, cũng giống như phản xạ chớp mắt bảo vệ mắt ta khỏi những vật thể lạ có thể bay vào. Trong ví dụ tôi vừa nêu, có thể sự căng thẳng đang cố cảnh báo tôi rằng có mối hiểm nguy đang tiềm ẩn ở đâu đó. Sự phán xét thì đang cố mang đến cho tôi lòng can đảm để tôi hết hồi hộp; còn sự thất vọng và giận dữ thì tạo động lực để tôi thực hiện đề nghị tăng lương của mình. Giữa chúng diễn ra một cuộc đấu tranh bởi tất cả đều muốn góp tiếng nói trong việc giải quyết vấn đề tiến thoái lưỡng nan của tôi.
Bí quyết sống lạc quan bao gồm việc tìm kiếm mục đích sâu xa của bản ngã trong khi ghi nhớ rằng chẳng có phần nào là xấu cả. Khi bạn hiểu được mục đích tốt đẹp của những phần xuất hiện trong nội tâm của mình, nghĩa là khi ấy, bạn đã thực hiện được bí quyết sống lạc quan. Hãy cố gắng chào đón tất cả các phần trong con người mình và lắng nghe quan điểm của chúng. Hãy thử xem liệu bạn có thể lắng nghe chúng như thể chúng là những cá nhân riêng lẻ bên trong con người bạn hay không. Càng ngày bạn sẽ càng cảm nhận được rõ hơn rằng những phần trong con người mình đều đang lên tiếng; rằng chính cái tôi tự tin đang lắng nghe và sẽ quyết định việc xin tăng lương, cũng như đảm bảo rằng mọi nhu cầu của bạn đều được đáp ứng.
Một đồng nghiệp của tôi rất thích khí hậu ấm áp và những ngày dài của mùa hè, đồng thời rất ghét không khí lạnh lẽo và những ngày ngắn ngủi của mùa đông. Trong ngày tháng Sáu dài nhất trong năm, tôi nói với cô ấy:
– Chắc chị rất thích ngày hôm nay phải không?
Và cô ấy trả lời rằng:
– Không, tôi đang buồn lắm, vì ngày mai thời gian ban ngày lại bắt đầu ngắn đi.
Tôi hoàn toàn bất ngờ trước câu trả lời này. Cô ấy đã luôn trông chờ thời gian này suốt cả năm trời. Giờ thì nó đã đến. Thế nhưng, cô ấy đã không thể tận hưởng nó một cách trọn vẹn bởi cô nghĩ tới những ngày ngắn ngủi của mùa đông đang đến gần. Khi tôi nói với cô ấy điều ấy, cô thậm chí chẳng nhận ra rằng bản ngã của mình đã giành lấy vị trí chủ đạo trong nội tâm cô. Nhưng rồi cô đã nhận ra được điều đó, cảm ơn vì sự bảo vệ mà bản ngã đã dành cho cô và yêu cầu nó lùi lại. Điều này đã giúp cô có được thái độ tích cực hơn. Nói cách khác, cái tôi tự tin của cô đã quay trở về vị trí lãnh đạo.
Thật ra, sự bi quan chính là một dạng của cách tư duy cứng nhắc. Bạn là người bi quan đến mức nào? Bài tập ở trang sau sẽ giúp bạn kiểm tra khả năng tìm kiếm mặt tích cực của mình giỏi đến đâu. Từ góc độ của cái tôi tự tin, bạn hãy xem thử liệu mình có thể lần lượt chuyển mười ý nghĩ bi quan thành những ý nghĩ cân bằng hơn, chẳng hạn như: “Cuộc sống có khó khăn nhưng cũng luôn có giải pháp cho những khó khăn ấy. Chính vì thế, tôi chỉ cần tập trung vào việc tìm kiếm các giải pháp”. Hãy cố gắng biến đổi những lời nhận định theo cách chân thật với bản thân. Trong tương lai, hãy nắm bắt những phần trong con người bạn đang phát ra những thông điệp cứng nhắc và làm bạn với chúng bằng cách thực hành sáu bước mô tả ở chương 4. Hãy xem thử liệu những phần ấy có thể thư giãn và nhìn nhận tình hình theo hướng lạc quan hơn không. Sau một thời gian tập luyện, bạn có thể nhận thấy sự đổi khác trong tư duy đồng thời sẽ cảm nhận về bản thân một cách tích cực hơn.
BẠN CÓ PHẢI LÀ NGƯỜI LẠC QUAN?
Hãy xem bạn đồng ý hay không đồng ý với những điều dưới đây. Sau đó, hãy kiểm tra câu trả lời của mình bằng thang điểm sau: 1= Hoàn toàn không đồng ý; 2 = Không đồng ý; 3 = Đồng ý; 4 = Hoàn toàn đồng ý.
1. Cuộc sống đầy khó khăn.
2. Tôi luôn nghĩ rằng người ta sẽ lợi dụng tôi.
3. Mọi việc chẳng bao giờ diễn ra theo ý tôi cả.
4. Tôi chẳng bao giờ làm được điều gì tốt cả.
5. Mọi điều tệ hại đều xảy đến với tôi.
6. Tôi vốn dĩ là kẻ thất bại bẩm sinh.
7. Rắc rối luôn theo tôi mọi lúc mọi nơi.
8. Tôi là người không xứng đáng.
9. Tôi không thể thay đổi được diễn biến của sự việc.
10. Tôi không có khả năng vượt qua những thử thách trong đời mình.
Điểm tổng
Tính điểm: Cộng tất cả điểm số của bạn lại và ghi vào hàng “điểm tổng” phía trên.
Nếu điểm của bạn là:
10 – 20: Bạn là người lạc quan.
21 – 29: Bạn hơi bi quan.
30 – 40: Bạn cực kỳ bi quan.
Ai đang chi phối ai bằng lăng kính bi quan?
Vào kỳ nộp thuế năm nọ, một khách hàng giàu có lao vào văn phòng của tôi. Rồi chẳng thèm chào hỏi gì, ông ngồi phịch xuống ghế xô-pha. Khi tôi hỏi thăm chuyện gì đã xảy ra, ông bảo:
– Năm nay, tôi đã kiếm được nhiều tiền hơn bao giờ hết.
Tôi reo lên:
– Thế thì tuyệt quá!
Rõ ràng, trong vòng một năm, ông đã kiếm nhiều tiền hơn người ta làm suốt cả đời. Thế nhưng ông lại nhếch mép cười khinh khi:
– Tuyệt à? Ông đang nói cái quái quỷ gì thế? Tôi đã phải đóng thuế gần nửa triệu đô-la đấy!
Người đàn ông này đã bị sự mất mát che khuất đi thành quả mà ông đạt được. Ông không nhìn thấy được tài sản kếch sù của mình mà lại đi bực bội vì phải đóng một phần nhỏ vào ngân khố quốc gia. Thật đáng buồn là người đàn ông giàu có này vẫn tiếp tục sống cuộc sống khốn khổ bởi cái phần bi quan đang chiếm vị thế chủ đạo dẫn dắt cuộc đời ông.
Dạng bi quan này được gọi là tư duy qua lăng kính; nó làm tăng ý nghĩ: “Tôi không được hoàn hảo. Tôi không có đủ những gì tôi cần và sẽ chẳng bao giờ có được hết”. Sự bi quan hoạt động như các lăng kính, nhắm thẳng vào những mặt tiêu cực của cuộc sống và phóng đại chúng lên, đồng thời che khuất những mặt tích cực. Việc phóng đại này khiến bạn cảm thấy cuộc sống của mình thật tồi tệ, bất kể mọi người xung quanh đều nghĩ ngược lại. Khi soi mói bản thân, bạn sẽ cảm thấy mình luôn là kẻ thất bại ngay khi bạn đang gặt hái được thành công. Trong khi bản ngã của bạn sử dụng cái lăng kính hạn hẹp ấy thì cái tôi tự tin của bạn lại sử dụng lăng kính có tầm nhìn rộng.
Sự soi mói hủy hoại cuộc sống của ta một cách khủng khiếp khi bản ngã so sánh ta với những người giỏi nhất trong từng lĩnh vực thuộc chuyên môn của họ – những tiêu chuẩn này quá cao để một người bình thường có thể với tới: Sự giàu có của Donald Trump, sự quyến rũ của Angelina Jolie, sự tháo vát của Judge Judy, sự dí dỏm của Ellen DeGeneres, tình thương yêu bao la của Mẹ Teresa…
Tư duy qua lăng kính mang đến cho bạn ảo giác rằng những người khác có được những thứ mà bạn không có. Khi bạn sử dụng cuộc đời của một người khác làm thước đo, bạn sẽ đánh giá bản thân một cách thiếu công bằng và nhận thấy mình thật thấp kém. Việc này cũng sẽ ngăn trở bạn thể hiện năng lực và tài nghệ của mình. Thậm chí, dù bạn có thể hiện xuất sắc ở ba trong bốn lĩnh vực thì sự bi quan trong bạn sẽ vẫn phớt lờ đi ba lĩnh vực thành công ấy và chỉ soi mói vào cái lĩnh vực mà bạn thể hiện kém hơn. Cảm giác thiếu vắng này, khi được phóng đại lên, sẽ càng rõ rệt ngay cả khi bạn đang đủ đầy. Nó sẽ ngăn trở bạn nhìn thấy cái tôi tự tin của mình đồng thời khiến cho bạn cảm thấy trống rỗng, bất kể mọi người xung quanh đều cho rằng bạn thật vượt trội.
Một dạng khác của sự soi mói có khả năng làm tiêu tan những lời khen ngợi. Khi ý kiến phản hồi mâu thuẫn với suy nghĩ của ta về bản thân, ta thường tìm cách thay đổi nó sao cho phù hợp với những ý nghĩ bi quan ấy của mình. Ta sẽ loại bỏ, phớt lờ, hạ thấp tầm quan trọng của nó, hoặc bóp méo nó đi bằng cách nào đấy. Thiền sư Hoàng Bá người Trung Hoa đã nói: “Kẻ ngốc phản bác những điều hắn thấy chứ không phải những điều hắn nghĩ; người khôn ngoan thì phản bác điều anh ta nghĩ chứ không phải điều anh ta thấy”.
Khi ai đó khen kiểu tóc mới của Grace đẹp, cô thường hỏi: “Anh có đùa không đấy? Anh đang khen kiểu tóc bù xù cũ kỹ này ấy hả?”. Khi bạn bè khen tác phẩm nghệ thuật của Grace thì cô lại phản bác: “Cậu đang chọc quê tớ đấy hả? Tớ biết khả năng sáng tạo của tớ không bằng cậu, nhưng tớ đã làm hết sức rồi đấy”. Grace chỉ nhìn thấy những điều tệ hại nhất về bản thân và không nhận ra những điểm mạnh của mình.
Bạn có đỏ mặt khi được ai đó ngợi khen? Bạn có thấy lúng túng khi được ca ngợi vì một hành động tốt của mình? Bạn có thấy ngượng khi người khác khen ngợi vẻ ngoài của mình? Đôi khi, có những lời khen ngợi rất khó chấp nhận, nhất là khi bạn không nhận ra những mặt tốt của mình. Bạn có thể dễ dàng chấp nhận những nhận xét tiêu cực, chê bai hơn vì chúng tương thích hơn với phần bản ngã đang chi phối cuộc sống của bạn. Rất nhiều người trong chúng ta, vì đã quen với sự chỉ trích nên cảm thấy thoải mái với nó hơn là sự khen ngợi, trong khi đó không phải là toàn bộ sự thật về bản chất con người họ.
Người ta thường nói rằng sự lường gạt đầu tiên và tệ hại nhất chính là tự gạt bản thân. Tự gạt bản thân xảy ra khi ta mất đi khả năng nhìn bức tranh bao quát bằng cặp mắt khách quan. Theo đó, ta từ chối mang đến cho bản thân mình sự tử tế và lòng kính trọng mà ta vẫn dành cho người khác. Chúng ta thường không biết rằng mình thường xuyên thu nhặt chứng cứ từ những sai lầm của mình mỗi ngày. Việc nhận biết và thừa nhận những lỗi lầm cũng như những giới hạn của mình là việc rất quan trọng, nhưng để đánh giá bản thân một cách chân thành thì ta còn phải biết cân bằng giữa các ưu điểm và nhược điểm của mình. Nhìn nhận bản thân một cách chân thật đòi hỏi bạn phải dùng đến lăng kính có góc nhìn toàn diện, có thể liệt kê tất cả những điểm tốt của mình. Bạn có thể vượt qua việc tự lường gạt bằng cách nhận biết tất cả các ưu và khuyết điểm của mình, không hạ thấp bản thân và dành cho mình sự tôn trọng như đã dành cho người khác.
Hãy tự hỏi xem liệu bạn có cảm thấy thoải mái khi sống cuộc sống của một kẻ thua cuộc thay vì sống như người chiến thắng. Liệu bạn có quá quen thuộc với những cuộc tranh đấu và những cơn đau tim đến nỗi chẳng còn cảm thấy thoải mái trước lời khen và niềm hạnh phúc? Nếu vậy, với sự hiếu kỳ, bạn hãy tự hỏi xem phần nào đang chi phối cuộc sống của mình và che khuất đi cái tôi tự tin. Tiếp theo, hãy đứng lùi lại và chú ý đến những bằng chứng về bản thân mà bạn thu thập trong ngày. Thái độ khiêm tốn là sự thật đầy yêu thương về bản thân. Bạn có tập trung vào những điểm yếu quen thuộc? Hay bạn hy vọng rằng những điểm tốt sẽ mang đến phản hồi công bằng và chân thật về bản chất con người mình? Một cách để nhìn nhận đúng về bản thân là hãy đón nhận những lời khen bằng cả tấm lòng và theo cách thật hòa nhã, không quá tự cao cũng không quá tự ti.
Khi một đồng nghiệp khen ngợi khả năng làm việc của bạn trong một buổi họp, hãy tự tin nói rằng: “Cảm ơn anh! Tôi rất vui vì anh đã đánh giá cao nỗ lực làm việc của tôi trong dự án này”, thay vì: “Ồ, có việc gì to tát đâu. Ai cũng có thể làm được như thế mà”. Bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn từ nội tâm, đồng thời sẽ tự tin thể hiện bản thân mình.
Tìm kim cương giữa miền sỏi đá
Cuộc sống tự tin giúp bạn nhận biết rằng mình có những chọn lựa riêng và khả năng nhìn nhận các tình huống nhất định ở nhiều góc độ khác nhau. Cách chúng ta nhìn nhận hoàn cảnh sẽ quyết định hạnh phúc và sự thanh thản trong tâm hồn ta, chứ không phải chính hoàn cảnh ấy. Sự thật cơ bản này đã được các triết gia, những nhà tâm linh học, tâm lý học và thậm chí là các vị cố vấn quản trị truyền bá từ hàng thế kỷ nay. Một khi bạn có thể nhìn nhận sự việc ở nhiều góc độ, sự tự tin của bạn sẽ mạnh mẽ hơn những yếu tố bên ngoài và nhờ đó, nó có thể điều chỉnh mọi tình huống.
Đây là bí quyết của sự lạc quan. Giống như hai mặt của đồng xu, mỗi tình huống đều ẩn chứa mặt tốt và mặt xấu; bạn có thể nhìn vào mặt tích cực hoặc tiêu cực. Bạn có thể nhìn thấy cái được từ trong cái mất, nhìn thấy sự khởi đầu từ những kết thúc. Ở tuổi bốn mươi, bạn có thể nghĩ rằng mình còn nửa đời nữa để sống, hoặc mình đã đi hết nửa đời. Khi bạn vào một vườn hồng, bạn có thể bị vẻ đẹp và hương thơm của hoa cuốn hút nhưng cũng có thể khiếp sợ trước những cái gai nhọn. Khi bạn nghe dự báo thời tiết rằng ngày mai trời sẽ mưa, nhưng bạn vẫn có thể hy vọng rằng dự báo này sai. Bạn có thể tìm thấy được điều tốt lành trong mọi vấn đề tồi tệ nếu ra sức tìm kiếm: Nhiều cái đẹp hơn là sai lầm, nhiều hy vọng hơn tuyệt vọng, nhiều phúc lành hơn thất vọng. Khi bạn nhận thấy rằng mọi việc đều diễn ra như mong đợi của mình, bạn có thể bắt đầu chấp nhận mọi biểu hiện bên ngoài của sự việc và biết rằng điều tốt lành rồi sẽ đến. Câu chuyện về chuyến phiêu lưu của Nasrudin(1) sẽ minh họa cho điều này:
Ngày nọ, Nasrudin và ông chủ đi săn trong rừng. Do bất cẩn, ông chủ của Nasrudin làm đứt ngón tay cái của mình vì cầm cung không đúng cách. Nasrudin cầm máu và băng vết thương trong khi người chủ rên la đau đớn. Nasrudin cố gắng an ủi ông chủ của mình:
– Thưa ông, không có lỗi lầm gì đâu. Tất cả chỉ là những bài học và chúng ta sẽ học được chúng nếu sẵn lòng.
Nhưng ông chủ của anh lại đùng đùng nổi giận:
– Sao ngươi dám dạy đời ta như thế hả?
Nói rồi ông ném Nasrudin xuống một cái giếng cạn và tiếp tục đi săn mà không cần người hầu tận tụy bên cạnh.
Nhưng đi được một lúc, ông bị một nhóm thổ dân bắt được và mang về làng làm vật hiến tế. Khi ngọn lửa đã rực đỏ và ông sắp bị ném vào đấy thì vị tộc trưởng nhìn thấy ngón tay băng bó của ông. Theo luật lệ của bộ lạc thì mọi hiến vật đều phải thật hoàn hảo nên ông được thả ra. Nhận ra rằng những gì Nasrudin nói là hoàn toàn đúng nên ông vội vã quay lại cứu người đầy tớ trung thành của mình. Hối hận trước hành động sai trái của mình, ông xin Nasrudin tha thứ.
Nasrudin trấn an ông chủ rằng ông chẳng hề mắc sai lầm. Ngược lại, anh khăng khăng rằng vừa có thêm một bài học nữa ẩn giấu trong chuyện này. Nasrudin nói với ông chủ rằng ông đã cứu anh khi quẳng anh xuống giếng bởi nếu anh tiếp tục cùng ông tiến vào rừng thì chắc chắn anh đã trở thành vật hiến tế rồi.
Nasrudin nói:
– Đấy ông thấy không, chẳng hề có lỗi lầm gì trong chuyện này cả. Tất cả chỉ là những bài học để ta học hỏi thôi. Những gì ta cho là lỗi lầm có thể chính là điều may mắn.
Lần này, ông chủ của anh hoàn toàn đồng ý.
Chắc chắn sẽ có lúc bạn đãng trí và mắc sai lầm. Tuy nhiên, khi cái tôi tự tin dẫn dắt, bạn có thể yêu thương thay vì kết tội cái phần đã mắc lỗi và sẽ có can đảm để sửa chữa sai lầm. Điều này sẽ giúp bạn biến sai lầm thành bài học. Bí quyết của sự lạc quan sẽ giúp bạn đạt được thành công, cả trong cuộc sống cá nhân và trong công việc. Việc xem những lỗi lầm và thất bại là bài học có thể giữ cho tâm trí bạn luôn trong trạng thái lạc quan, đồng thời ngăn cái phần yếu đuối và tuyệt vọng chi phối bạn. Những lỗi lầm được xem như bài học (sự hiếu kỳ vô hạn) sẽ xây dựng lòng tự tin và thành công; còn những lỗi lầm được xem như thất bại (những phán xét hạn hẹp) sẽ hủy hoại tất cả. Biến lỗi lầm thành bài học – đơn giản bằng cách điều chỉnh lại điều kiện sống của mình – là một cách để kiến tạo, chứ không phải để phá hủy bản thân.
Ta cũng có thể ứng dụng phương pháp này vào cách nhìn nhận cuộc sống xung quanh. Tôi tin rằng tất cả mọi người đều nỗ lực hết mình trong mọi hoàn cảnh. Khi ta nhìn xuyên qua bề mặt của sự phán xét (bản ngã của ta) và nhận ra động cơ hành động của mọi người, những phản ứng của ta có thể dịu lại. Một người bạn của tôi đã nổi giận với chồng vì anh muốn cô phải luôn mang theo điện thoại di động để anh có thể liên lạc bất cứ lúc nào. Cô cảm thấy yêu cầu ấy thật vô lý và cho rằng anh đang kiểm soát cô. Nhưng khi cô trao đổi về vấn đề này với anh, anh giải thích rằng đó là cách để anh giữ liên lạc với cô cũng như thể hiện tình yêu của anh. Biết được nguyên nhân sâu xa trong hành động của chồng mình và tập trung vào động cơ tốt đẹp của anh, cô vô cùng cảm động. Tương tự, bí quyết của sự lạc quan giúp ta nhìn thấy mục tiêu sâu xa của bản ngã, hiểu rõ nó hơn đồng thời cảm thấy thông hiểu, yêu thương và thanh thản hơn trong nội tâm mình.
Một viên quản lý bị bản ngã dẫn dắt nên luôn đi tìm kiếm những lỗi lầm của cấp dưới. Họ càng tỏ ra yếu kém, ông càng cảm thấy mình giỏi. Dường như ông cảm thấy an toàn và có trách nhiệm hơn khi mọi thứ trở nên rối rắm, hoặc khi nhân viên nào đấy mắc sai lầm. Sự đắc ý thể hiện rõ trên gương mặt ông mỗi khi ai đó lâm vào thế bí. Ông sẽ phùng lên như một con ếch và bắt đầu lên giọng. Nhưng nếu ai đó hoàn thành tốt công việc hoặc tìm ra sự cố máy móc làm cản trở công việc của toàn thể nhân viên thì ông sẽ cảm thấy khó chịu và bị kích động. Tất cả mọi người đều coi thường viên quản lý này bởi ông đã sử dụng quyền lực để che giấu sự kém cỏi của mình. Đằng sau “chú ếch phùng mang trợn mắt” là một “con cóc sợ sệt”.
Một khi chúng ta hiểu được bí ẩn đằng sau vẻ ngoài của người khác và phát hiện ra những phần dễ bị tổn thương của họ, ta sẽ cảm thông với họ hơn cũng như hiểu hơn về bản thân mình. Tình yêu thương sẽ giúp ta dễ dàng nhìn nhận thực tế cuộc sống thường nhật như là những bài học mà nhờ đó, ta có thể lựa chọn hành động lạc quan thay vì phản ứng bi quan.
Một trong những nghịch lý của cuộc sống chính là việc những con người và những tình huống khiến bạn cảm thấy buồn bực lại mang đến cho bạn cơ hội để phát triển lòng tự tin của mình. Chúng có thể mang đến cho bạn cơ hội thay đổi bản thân nếu bạn sẵn lòng nhìn nhận theo cách ấy. Hãy cố gắng xem những đồng nghiệp đang làm bạn khó chịu như những người thầy giúp đỡ bạn hiểu biết thêm về chính mình. Cũng giống như ông chủ của Nasrudin đã cứu mạng anh khi ném anh xuống giếng, những người mà bạn xem như kẻ thù có thể là những người bạn tốt nhất. Những người khiến bạn tức giận, lúng túng, tổn thương và thậm chí là phản bội bạn có thể mang đến cho bạn một đặc ân bởi những bài học từ họ giúp bạn mạnh mẽ hơn, tự tin hơn khi đương đầu với những thử thách tiếp theo.
Dù việc tìm kim cương giữa miền sỏi đá có thể là điều rất khó khăn nhưng nó sẽ dễ dàng hơn khi bạn nỗ lực luyện tập. Bạn có thể xác định thử thách trong mỗi tình huống tiêu cực và tự hỏi: “Tôi có thể làm gì để vượt qua việc này?” và “Làm thế nào để chuyển tình thế này sang chiều hướng có lợi cho mình?”. Hãy bắt đầu đề ra mục tiêu trong mỗi trải nghiệm, bất luận là nó có đau đớn hay khó khăn đến mức nào, như là một bài học mà qua đó ta lớn khôn lên mỗi ngày. Hãy thay đổi những cái nhãn mà bạn thường gắn vào các tình huống sao cho chúng có thể khiến những thử thách cam go trở nên tích cực và khả thi hơn. Hãy cố gắng tạo ra một tình thế lạc quan và bạn sẽ nhận ra rằng cảm giác thắng cuộc sẽ giúp bạn sống tự tin hơn.
Bằng lòng với những gì bạn có
Có một thời gian tôi thường gặp gỡ với hai người bạn giàu có của mình và tôi nhận thấy rằng những cuộc trò chuyện của họ chỉ liên quan đến làm thế nào để đạt được những thứ mới lạ. Một lần, đề tài của họ là việc xây dựng một hồ bơi mới. Thế là suốt vài tháng, họ xoay quanh kế hoạch xây hồ bơi ấy. Nhưng khi cái hồ được xây xong thì chẳng còn ai nhắc tới nó nữa và cũng hiếm khi họ sử dụng nó. Thay vào đó, họ tiếp tục tập trung vào những dự án mới, chẳng hạn như xây một ngôi nhà nghỉ ở trên núi. Bản vẽ, kết cấu và phong cảnh là những chủ đề được bàn bạc trong suốt hàng tháng trời. Đề tài kế tiếp của họ là những chiếc xe đắt tiền, một nhà khách mới và một nhà gỗ mới trên bãi biển. Thực tế thì ngôi nhà trên núi chẳng có ai ở và sau đó thì họ đã bán nó để mua nhà mới ở vùng Caribê và đi du lịch vòng quanh thế giới. Cả hai đều tâm sự với tôi rằng họ cảm thấy không hài lòng về bản thân và cảm thấy không hạnh phúc mà chẳng hiểu vì sao. Họ hy vọng tìm thấy sự mãn nguyện qua sự giàu có của mình cũng như những vùng đất lạ mà họ đặt chân đến, nhưng họ đã chẳng bao giờ đạt được điều đó. Theo tôi được biết, đến giờ họ vẫn tiếp tục đi vòng quanh thế giới và không thôi tìm kiếm.
Khi cho rằng cuộc sống lạc quan chỉ dựa trên những điều mình muốn, ta đã ở vào vị thế luôn cảm thấy thiếu thốn và bất mãn. Bản ngã của ta tập trung vào những gì ta còn thiếu trong cuộc sống; còn trí óc ta bị đánh lừa và dẫn đến suy nghĩ rằng nếu ta có được điều mình muốn, ta sẽ bù đắp được khoảng trống trong lòng và thấy mình đủ đầy. Mặc dù những phần thuộc bản ngã ấy sẽ được khen thưởng vì những nỗ lực đầy thiện chí của chúng trong việc mang đến cho ta những gì ta chưa có được, nhưng sự thật là điều ta khao khát sẽ không ngừng mở rộng. Khi lòng khao khát chiếm vị trí chủ đạo trong ta thì về cơ bản, ta đã nhìn nhận cuộc sống mình dưới lăng kính thiếu thốn. Ta muốn đạt được nhiều và nhiều hơn nữa để làm thỏa mãn sự thèm khát của mình. Lòng ham muốn và sự khao khát là những hố sâu không đáy. Chúng chực chờ đẩy ta vào con đường tiêu xài hoang phí, ăn uống quá độ hoặc hưởng thụ quá mức mà vẫn không cảm thấy thỏa mãn bởi một ngày nào đó, ta lại sẽ muốn những thứ khác.
Trong cuốn sách “The Art of Happiness” (Nghệ thuật sống hạnh phúc), Đức Đạt Lai Đạt Ma đã nói: “Phương thuốc để chữa tính tham lam chính là sự mãn nguyện. Nếu bạn có được cảm giác mạnh mẽ của sự mãn nguyện (có nghĩa là cái tôi tự tin đang dẫn dắt cuộc đời bạn), thì việc bạn có đạt được thứ gì đó hay không sẽ không còn quan trọng; bởi dù thế nào thì bạn cũng vẫn cảm thấy mãn nguyện”. Ông cho rằng có hai cách để sống mãn nguyện. Cách thứ nhất là cố gắng đạt được tất cả những gì mà ta khao khát: một căn nhà đắt tiền, chiếc xe hơi thể thao, người bạn đời hoàn hảo, ăn những món cao lương mỹ vị, mặc quần áo sành điệu, những chuyến du lịch nước ngoài hay cơ thể tráng kiện. Vấn đề ở đây là sớm muộn gì ta cũng cảm thấy nhàm chán. Cách thứ hai, đáng tin cậy hơn, là mong muốn và cảm thấy biết ơn vì những gì mình đã có, nghĩa là ta đang sống với cái tôi tự tin nắm giữ vị trí chủ đạo trong nội tâm mình. Bạn đã có tất cả những gì bạn cần cho một cuộc sống lạc quan. Đó là khi bạn biết bằng lòng với những thứ mình đã có thay vì cứ khăng khăng đạt được điều bạn mong muốn, cũng giống như một cụ bà cứ mãi đi tìm cặp kính của mình rồi chợt nhận ra mình đã đeo nó tự lúc nào.
Thái độ biết ơn: Liều thuốc để chữa tính bi quan
Eleanor đã trải qua kỳ nghỉ tại một khu nghỉ dưỡng ở Florida. Suốt chuyến đi, cô luôn phàn nàn về thời tiết oi ả, về những người có khuôn mặt dữ tợn cũng như về đường sá xa xôi. Mọi thứ đều vô cùng đắt đỏ. Cô còn phàn nàn rằng những bài nhạc nghe thật chói tai. Tất cả những gì cô muốn là một chiếc ghế và cái máy điều hòa.
Vào ngày cuối cùng ở khu nghỉ dưỡng, một sự việc đã xảy ra và giúp cô thay đổi suy nghĩ của mình. Khi đi giữa khu vườn ngào ngạt mùi hương của hoa dành dành và hoa lài, Eleanor nhìn thấy một người phụ nữ mang mặt nạ ôxy cùng bình dưỡng khí. Cô dừng lại quan sát kín đáo rồi lẳng lặng quay về với thế giới của ánh nắng chói chang, đám đông và bàn chân đau của mình. Nhưng lần này thì cô không còn phàn nàn gì cả.
Đôi khi, có những điều nhỏ nhoi trong cuộc sống lại khiến ta xao nhãng đi những vấn đề quan trọng và cần phải trải qua một cú sốc gì đó ta mới thức tỉnh và nhận ra mình đã may mắn như thế nào. Những điều khó chịu mà ta phàn nàn mỗi ngày bỗng nhiên trở nên tầm thường khi ta đối diện với một thảm họa lớn. Chúng ta chỉ ca thán về những điều bất tiện vụn vặt khi cuộc sống của ta đã đầy đủ.
Có bao nhiêu lần trong một ngày bạn lắng lòng cảm ơn những điều tốt đẹp mà mình có được: thức ăn trên bàn, mái nhà để nương náu, những người thân yêu của bạn khỏe mạnh? Ghi nhớ những phúc lành mà mình có được và thể hiện lòng biết ơn đối với chúng sẽ giúp bạn chuyển bi quan thành lạc quan. Bạn sẽ nhìn thấy ly nước của mình vẫn còn một nửa thay vì nghĩ rằng nó đã vơi đi một nửa. Khi bạn biết ơn những gì mình có, bạn có thể nhắc nhở cái phần thiếu thốn trong bạn rằng cuộc sống của mình vẫn giàu có biết bao.
Theo bác sĩ, chuyên gia tâm lý – thể chất Larry Dossey thì có một lý do nữa để chọn sự lạc quan thay vì bi quan:
Những người lạc quan có hệ tim mạch khỏe mạnh hơn, có hệ miễn dịch tốt hơn và có ít phản ứng hoóc-môn với stress hơn so với những người bi quan. Họ có cảm nhận rất mạnh mẽ về năng lực bản thân nên có khuynh hướng thực hiện các hành vi tốt bởi họ nghĩ nó có thể thay đổi tình hình.
Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng những người lạc quan sống hạnh phúc hơn, ít gặp vấn đề về sức khỏe và sống lâu hơn những người bi quan. Stress và sự bi quan còn dẫn đến những thay đổi khác về nội tiết tố – vốn được cho là nguyên nhân sinh ra các tế bào ung thư. Những ý nghĩ và tâm trạng tiêu cực khiến cơ thể tiết ra các hóa chất gây hại cho sức khỏe và có nhiều khả năng làm giảm tuổi thọ. Ngược lại, những ý nghĩ lạc quan có thể tạo ra các hóa chất tăng cường hệ miễn dịch bằng cách làm tăng những tế bào có khả năng chống lại bệnh tật. Tóm lại, sự lạc quan sẽ giúp bạn tăng cường sức khỏe và sống năng động hơn. Trong khi sự bi quan có thể khiến bạn ngã bệnh và thậm chí là giết chết bạn thì sự lạc quan có thể chữa lành vết thương và cứu sống bạn. Khi bạn sống lạc quan và vui vẻ hơn, bạn sẽ thấy khỏe mạnh hơn, tự tin hơn và sống thọ hơn.
Ứng dụng bí quyết “Sự lạc quan”
Những người lạc quan không sở hữu mật ngọt kỳ diệu của niềm vui sướng. Họ không phải những người luôn tươi cười và nhìn cuộc đời qua lăng kính màu hồng. Họ là những người sống thực tế, luôn thực hiện những bước đi tích cực để giải quyết vấn đề thay vì đắm mình trong đó. Bạn có thể vun đắp sự lạc quan bằng cách thực hành làm quen với những phần trong con người mình thông qua việc thấu hiểu chứ không gây chiến với chúng, đồng thời học cách nhìn cuộc sống với lăng kính rộng mở hơn và thực hành lòng biết ơn.
Vẽ sơ đồ những phần trong con người mình
Việc vẽ sơ đồ những phần trong con người mình có thể mang đến cho bạn sự thông suốt sâu sắc hơn để xem mối tương tác giữa những phần thuộc bản ngã và cái tôi tự tin của bạn. Hãy nghĩ về một tình huống mà bạn vừa trải qua gần đây. Hãy ghi nhận tất cả những phần đứng xung quanh trong tình huống ấy. Giả sử bạn đang có một mối quan hệ tình cảm mật thiết với ai đó, cả hai đang có xung đột và nó khiến bạn cảm thấy rất nặng nề. Những phần có thể xuất hiện lúc này là sự lo lắng (“Tôi sợ rằng chúng ta chẳng thể giải quyết việc này”); sự thất vọng (“Tôi đã quá mệt mỏi khi sống thế này”); sự sợ hãi (“Tôi không biết cuộc sống của mình sẽ thế nào nếu không có anh/em”); hoặc sự phán xét (“Nếu anh/em không quá ích kỷ thì hẳn chúng ta đã không gặp vấn đề này”). Hãy vẽ sơ đồ những phần trong con người mình bằng cách thực hành những bước sau:
1. Bất luận hoàn cảnh có như thế nào thì bạn cũng hãy nhận dạng những phần xuất hiện xung quanh vấn đề ấy. Đừng ép buộc phần nào cả. Chỉ cần ghi nhận chúng thông qua sự hiếu kỳ.
2. Tập trung vào một phần bản ngã nào đấy. Ở lại với nó để cảm nhận sâu sắc và cụ thể những cảm giác về màu sắc, hình dáng, đường nét… mà nó mang lại.
3. Hãy thể hiện cái phần thuộc bản ngã ấy bằng cách vẽ nó ra một mảnh giấy lớn. Hãy vẽ nó như những gì mà bạn cảm nhận từ trong nội tâm mình. Bạn có thể dùng bút sáp, sơn, bút chì màu hay bất cứ phương tiện nào tùy thích.
4. Phần thuộc bản ngã ấy có niềm tin gì không? Nếu có thì hãy viết ra niềm tin của nó ra bên cạnh.
5. Phần thuộc bản ngã ấy có tình cảm gì không? Nếu có thì hãy liệt kê chúng ra.
6. Hãy ở lại với phần bản ngã ấy cho đến khi một phần khác xuất hiện. Rồi tiếp tục cảm nhận màu sắc, hình dạng, hay xúc giác về nó và vẽ ra.
7. Hãy lặp lại các bước trên với những phần vừa lần lượt xuất hiện. Hãy tìm xem phần nào thống nhất với nhau và phần nào đối lập nhau trong cách cảm nhận về vấn đề được nêu.
8. Một khi tất cả các phần thuộc bản ngã của bạn xuất hiện trong vấn đề được vẽ ra, hãy tự hỏi xem cái tôi tự tin của bạn đang ở đâu trong bố cục sơ đồ ấy.
Hãy dùng lăng kính có góc nhìn rộng
Điều tốt nhất mà bạn nên làm là hãy sớm phát hiện ra rằng mình đang phóng đại sự việc trước khi đi quá xa. Sau đó, hãy mang lăng kính có góc nhìn rộng nhìn lại bức tranh toàn cảnh của đời mình, đặc biệt là những điểm mù mà lăng kính bi quan của bạn đã bỏ sót. Việc này có thể đưa cái tôi tự tin vào vị trí lãnh đạo cuộc đời bạn. Một trong những cách để có thể sử dụng lăng kính có góc nhìn rộng là xác định một lời phàn nàn nào đấy của bạn về cuộc đời hoặc về bản thân mình. Đó có thể là quỹ đầu tư của bạn không đáng giá lắm, hoặc bạn lo lắng rằng mình sẽ phải thức khuya một vài đêm để rồi bị bắt quả tang ngủ gật trong giờ làm. Một khi đã xác định được lời phàn nàn ấy, bạn hãy sử dụng sự hiếu kỳ và mang vào lăng kính có góc nhìn rộng. Hãy nghĩ về bức tranh lớn hơn và giúp sự phàn nàn ấy nhìn thấy được vị trí của nó trong bố cục cuộc đời bạn. Hãy an ủi sự phàn nàn ấy và nhắc nhở nó rằng vẫn còn có bạn ở bên cạnh nó. Hãy xem khi bạn mở rộng tầm nhìn của mình thì sự phàn nàn và phán xét mà bạn dành cho đời mình quan trọng đến mức nào? Nếu bạn cũng giống như nhiều người khác, thì sự phàn nàn trong bạn đã bị mất đi cây kim nhọn của nó khi bạn thực hành bí quyết của nghệ thuật phân tách, đặt nó vào một bối cảnh rộng lớn hơn đồng thời mang đến cho nó tình yêu thương và sự an ủi.
Lập danh sách biết ơn
Một khi bạn đã dùng lăng kính có góc nhìn rộng, hãy nhìn thật toàn diện về bản thân, với những điểm yếu và điểm mạnh để rồi chào đón những mặt còn hạn chế như là một phần trong đặc điểm nhân cách của mình, tức là một ưu điểm chứ không phải là khuyết điểm.
Xác nhận những phúc lành mà bạn đã không biết trân trọng. Hãy hoan hỉ với những món quà và những điểm độc đáo của chính mình. Hãy lập danh sách về những người, những nơi và những thứ mà bạn cảm thấy biết ơn. Danh sách của bạn có thể bao gồm cả những thứ thuộc về của cải vật chất như xe hơi, những tiện nghi về công nghệ, quần áo, trang sức, nhà cửa, các chuyến đi chơi…; cũng có thể đó là những mối quan hệ, con cái, đồng nghiệp hay thú cưng.
Một khi đã lập xong danh sách ấy, bạn hãy chú ý vào từng mục và hình dung về nó một cách sâu sắc nhất. Hãy biết ơn từng thứ và cảm nhận lòng biết ơn đó từ trong trái tim bạn. Hãy thực hành bài tập này thường xuyên, ngay khi bạn thức dậy, khi đang trên đường đi làm hoặc về nhà, hay ngay trước khi bạn lên giường đi ngủ. Việc bằng lòng với những gì bạn có và thể hiện lòng biết ơn với chúng sẽ giúp bạn đưa cái tôi tự tin của mình về vị trí lãnh đạo. Cuộc sống của bạn sẽ trở nên đầy đủ hơn, mãn nguyện hơn và trọn vẹn hơn. Bạn sẽ cảm nhận được rằng hạnh phúc và sự giàu có luôn ở bên mình.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.