Bạn Thông Minh Hơn Bạn Nghĩ

Chương 1: Trí Thông Minh Ngôn Ngữ



rắc Nghiệm Nhanh

Bạn có:

• thích đọc sách?

• thích kể chuyện?

• viết truyện hoặc làm thơ?

• thích học ngoại ngữ?

• có vốn từ phong phú?

• phát âm chuẩn?

• thích viết thư hay gửi e-mail?

• thích thảo luận ý tưởng với người khác?

• nhớ tên riêng và các sự kiện?

• thường chơi các trò: ô chữ, xếp chữ, đố chữ hay điền từ còn thiếu?

• tìm đọc và nghiên cứu về những điều mình thích?

• thích chơi chữ, phát âm những từ khó hay gieo vần? 

Nếu câu trả lời là “có” cho bất kỳ câu hỏi nào ở trên, bạn chính là người có trí thông minh ngôn ngữ!

 Trí Thông Minh Ngôn Ngữ Là gì?

Bạn có trí thông minh ngôn ngữ khi bạn yêu thích từ ngữ và cách sử dụng chúng để đọc, viết, nói. Có thể bạn nhạy cảm với ngữ âm, ngữ nghĩa hay ngữ cảnh. Có thể bạn thích chơi hoặc tạo ra các trò chơi với chữ. Người thể hiện trí thông minh này có thể là nhà thơ, nhà văn giỏi, diễn giả xuất chúng, một “con mọt sách”, người kể chuyện cuốn hút hoặc giỏi ngoại ngữ.

Bạn luôn có trí thông minh ngôn ngữ dù bạn nhận ra điều đó hay không. Hãy đọc cuốn sách này (dù thấy rất khó hiểu) và bạn sẽ nhận ra mình là người có trí thông minh ngôn ngữ. Khi bạn trò chuyện với gia đình, đọc báo, đọc truyện cười, viết thư hay gửi e-mail cho bạn bè,… điều này chứng tỏ bạn là người có trí thông minh ngôn ngữ.

Bạn có thể làm gì với trí thông minh ngôn ngữ?

• Giao tiếp với người khác bằng cách nói và viết.

• Học giỏi hơn. Rất nhiều việc bạn làm ở trường là hoạt động của trí thông minh ngôn ngữ – đọc, viết, phát âm, học thuộc lòng, thuyết trình trước lớp và thảo luận.

• Khám phá những vùng đất mới, gặp gỡ những người thú vị và trải nghiệm điều bí ẩn thông qua các cuốn sách.

 Những việc thường ngày sử dụng trí thông minh ngôn ngữ:

• Đọc sách, báo, tạp chí, truyện tranh

• Làm thơ và viết truyện

• Sáng tác và diễn kịch trào phúng 

• Viết nhật ký 

• Kể chuyện

• Trêu đùa

• Viết thư, tin nhắn, e-mail 

• Chứng minh ý kiến của mình 

• Nói liên hồi 

• Nghe đài phát thanh 

• Xem phim

• Nghe audio-book 

 Tất cả chúng ta đều có trí thông minh ngôn ngữ. Nếu ai đó đến nói với bạn: “Tôi không nghĩ là mình có khả năng về ngôn ngữ”, bạn có thể nói ngay với họ: “Anh có trí thông minh ngôn ngữ vì anh đã nói được với tôi như vậy!” (Bởi người đó đã sử dụng từ ngữ để giao tiếp).

NGÔN NGỮ NÓI

Trí thông minh ngôn ngữ là có kỹ năng giao tiếp tốt. Cách đơn giản nhất để giao tiếp là gì? Tất nhiên là nghe và nói. Đây là hai cách con người sử dụng hàng ngày ở khắp mọi nơi. Nói chuyện là phần cơ bản của trí thông minh ngôn ngữ. Tại sao mọi người lại phải nói? Họ nói để giao tiếp, động viên, thuyết phục, lãnh đạo, dạy dỗ và giải trí. Đó là tất cả những mục đích của hoạt động nói.

Bạn hãy nghĩ xem mỗi ngày mình sử dụng ngôn ngữ nhiều đến thế nào. Bạn nói chuyện với bạn bè ở trường, trả lời câu hỏi của giáo viên, tranh luận với anh/chị về mọi thứ hay dạy cho em gái cách làm toán. Bạn cũng có thể thuyết phục mọi người đóng góp vào quỹ của trường học. Tất cả những cách đó là trí thông minh ngôn ngữ.

Có thể bạn gặp khó khăn khi đọc và viết nhưng vẫn là người có trí thông minh ngôn ngữ khi nói. Nhiều người mắc chứng khó đọc hay không có khả năng đọc lại là những người kể chuyện hấp dẫn, diễn giả xuất chúng, diễn viên, nghệ sỹ hài xuất sắc hoặc chính trị gia giỏi. Những ví dụ điển hình là diễn viên Tom Cruise và Salma Hayek, nghệ sỹ hài Whoopi Goldberg và Jay Lono, ca sỹ Cher và John Lennon.

Nếu là diễn giả (hay thính giả) xuất chúng, bạn có thể khiến mọi người phải quay lại lắng nghe bạn lần nữa. Bạn có thể được biết đến như một người kể chuyện hấp dẫn, một “kẻ pha trò” hay là người nổi trội khi giới thiệu trước khán giả. Mặt khác, bạn cũng có thể đứng lên trước một nhóm người hay giơ cao tay trong khi cả lớp đang nhìn chăm chăm về phía bạn.

 Nếu bạn không thích nói to, thì hãy yên tâm vì có rất nhiều người (cả những người đã trưởng thành) cũng không thích điều đó. Vậy tại sao nói năng lại khó đến thế? Nhiều người không thích gây sự chú ý cho người khác hay họ sợ sẽ nói điều gì đó ngốc nghếch.

Nếu bạn cảm thấy sợ khi nói to trước lớp, hãy:

• Lắng nghe bạn bè nói trước lớp.

• Tập nói to thường xuyên hơn. Cố gắng mỗi ngày nói to hơn một chút. Bạn không cần phải làm được ngay.

• Đừng băn khoăn người khác nghĩ gì khi bạn nói.

Nếu bạn cảm thấy sợ khi phải giới thiệu hay thuyết trình, hãy:

•  Hít thở sâu. Nó sẽ giúp bạn lấy lại bình tĩnh.

•  Nói chậm, to và rõ ràng. Nếu bạn nói quá hấp tấp hay chỉ lẩm nhẩm trong miệng, thì bạn sẽ phải nói lại lần nữa.

•  Thực hành trước một vài bạn thân hoặc bố mẹ. Bạn sẽ quen với cách phát âm từ ngữ dõng dạc và cảm nhận được khi trình bày trước khán giả thì như thế nào. Điều đó sẽ giúp bạn cảm thấy dễ dàng hơn khi đứng trước đám đông.

•  Đánh dấu những điểm quan trọng trong bài giới thiệu và bạn sẽ cảm thấy dễ dàng hơn khi nói. Nếu thực hành nhiều, bạn có thể không cần đến bản ghi chép nữa.

Phát biểu không có gì đáng sợ. Nó cũng có thể vui vẻ và dễ dàng như khi bạn kể chuyện hay trêu đùa với bạn bè.

Kể chuyện, cũng như trêu đùa, là một cách giải trí hiệu quả của con người, nhưng việc kể chuyện còn có một vai trò vô cùng quan trọng. Những người kể chuyện là báu vật vô giá của nền văn hóa nhân loại. Họ không chỉ giúp khán, thính giả giải trí mà còn đóng vai trò lưu giữ huyền thoại và lịch sử cho nền văn hóa. Những nghi lễ tôn giáo, lịch sử của các quốc gia và truyền thống gia đình cũng được bảo tồn qua các thế hệ theo cách này.

NGÔN NGỮ VIẾT

Bạn có nghĩ rằng biết đọc là một trong những điều thú vị nhất trên thế giới không? Chỉ có những ký hiệu đơn giản viết bằng mực trên giấy, vậy bằng cách nào bạn có thể tìm ra ý nghĩa của chúng? Hãy nhìn vào từ “mèo”. Nó chỉ có ba ký tự và mỗi ký tự được viết theo một cách khác nhau. Nhưng khi đọc những ký hiệu đó, bạn bắt đầu nghĩ về con mèo của mình (nếu bạn có) hoặc về những con mèo khác đã từng thấy.

 Bằng cách nào mà bạn có thể hình dung tất cả điều đó chỉ với ba ký tự đơn giản? Không ai biết chính xác điều này. Các nhà khoa học vẫn chưa hiểu nổi tại sao bạn có thể nhìn vào những ký tự này (cả những ký hiệu khác) và cảm nhận được ý nghĩa của chúng.

Khả năng đọc giúp chúng ta mở rộng mọi cánh cửa dẫn vào thế giới của tri thức và trí tưởng tượng. Bạn có thể ngồi trên giường hoặc trong lớp học rồi bất chợt di chuyển đến Ai Cập cổ đại, khám phá bên trong một con tàu vũ trụ hoặc tàu ngầm chìm sâu dưới đại dương. Đọc sách giống như bước vào một thế giới hoàn toàn khác vậy.

Bạn thích đọc loại sách nào nhất? Một số người yêu thích các tác giả như R. L. Stine, J. K. Rowling, Walter Dean Myers hay Beverly Cleary và cố gắng tìm đọc toàn bộ tác phẩm của những tác giả này. Một số khác thích đọc sách thuộc các thể loại như những điều bí ẩn, tiểu thuyết khoa học, cuộc sống của những cao bồi ở miền Tây nước Mỹ, truyện tình cảm lãng mạn, thơ hay kịch. Một số người lại thích đọc sách về người thật, việc thật hay tạp chí về động vật, thiên nhiên, lịch sử, ôtô hay du lịch không gian. Và một số khác nữa thì không có cách lựa chọn sách riêng – họ đọc những gì mình thích.

 Có nhiều cách khác nhau để đọc sách và những kiến thức này có thể giúp bạn ở trong lẫn ngoài nhà trường. Bạn có thể đọc theo cách thưởng thức hoặc đọc theo mục lục, hoặc cả hai.

Một điều chắc chắn là bạn phải đọc rất nhiều thứ ở trường – sách giáo khoa, truyện hay bản tin. Một số thứ có thể hấp dẫn bạn nhưng một số khác thì không. Khi không thích, bạn sẽ cố gắng đọc thật nhanh để lấy thông tin. Đối với loại sách báo hay tài liệu này, đọc theo mục lục là cách tốt nhất. Kiểu đọc này gọi là “đọc theo chủ điểm”. Cách cơ bản là lựa chọn từ khóa hoặc câu chủ điểm (thường là câu đầu tiên của cả đoạn). Bạn cũng có thể đọc tiêu đề của chương, câu phụ đề cho các cụm từ và các phần thông tin quan trọng khác. Tranh minh họa và các biểu đồ cũng có thể giúp bạn hiểu được ý nghĩa cơ bản của cả đoạn.

Việc đọc sách có thể là sở thích hoặc niềm vui. Nếu thật sự yêu thích sách, bạn có thể dành nhiều thời gian cho nó. Đọc theo nhịp của bạn, hoặc thậm chí chậm hơn và cảm thụ từ ngữ hay nội dung. Tự cho phép mình đọc chậm lại và lắng nghe âm thanh của từ ngữ vang lên trong đầu, hình dung ra khung cảnh hoặc nghĩ về những ý tưởng trong cuốn sách. Các nhà văn thường lựa chọn từ ngữ rất cẩn thận, vì thế mà lời nói của nhân vật thêm phần chân thực. Hoặc họ có thể tạo ra “hiệu ứng” âm thanh trong những trang sách (tiếng mưa rơi lộp độp, lửa cháy tí tách, gió thổi ù ù).

Cố gắng đọc to những đoạn văn mà bạn thích. Âm thanh của các từ ngữ đó nghe thế nào? Các từ ngữ có vẻ buồn cười hay nghiêm trọng hơn khi đọc to? Sau đó viết lời bình cho câu chuyện hay những thứ cuốn sách miêu tả. Có thể bạn sẽ nảy ra một ý tưởng nào đó hay muốn viết một câu chuyện của riêng mình. Hoặc bạn sẽ muốn phác họa nhân vật, dựng lại một khung cảnh hoặc cố gắng diễn vài trích đoạn trong cuốn sách. Tất cả những ý tưởng này là cách để trở nên thông minh trong lĩnh vực ngôn ngữ.

SỬ DỤNG NGÔN TỪ ĐỂ VIẾT

Càng đọc nhiều bạn càng muốn viết để kể lại những câu chuyện của riêng mình hay bày tỏ suy nghĩ. Mọi người thường viết theo rất nhiều cách. Một số người nghe được những điều họ muốn viết. Số khác mường tượng chúng trong đầu và viết ra để miêu tả lại những điều đó. Một số viết ra cảm nhận của mình. Lại có những người lấy cốt truyện hay tứ thơ ở các sự kiện hoặc những người xung quanh.

 Khi bắt đầu viết, bạn có thể nhận thấy giọng văn của riêng mình  điều có thể làm nên lối viết độc đáo cho bạn. Giọng văn đó có thể trở nên nổi bật khi bạn làm thơ, viết truyện và viết báo. Đặc điểm đó sẽ thể hiện bạn là ai và bạn đang đang làm gì.

Đừng băn khoăn về giọng văn của bạn. Điều quan trọng nhất là bạn viết để viết. Sẽ rất dễ dàng để chối bỏ những gì bạn viết nếu bạn nghĩ rằng mình không có khả năng về việc đó – điều này thậm chí đúng với mọi việc bạn muốn làm. Vì bạn rất dễ bị phân tâm bởi những thứ khác…, vì vậy hãy gạt bỏ mọi thứ sang một bên để thật yên tâm khi viết.

Hãy viết về bất cứ thứ gì bạn thích – thậm chí là một ý nghĩ thoáng qua. Không quan trọng đề tài đó là gì, hãy viết về một chủ đề nào đó liên tục trong năm phút. (Đừng để tâm đến các dấu câu hay chính tả. Bạn có thể sửa những lỗi đó sau).

Sau năm phút, hãy đọc lại những gì bạn viết. Vài thứ có thể rất ngờ nghệch, nhưng chắc chắn sẽ có những từ hay cụm từ thú vị. Một vài trong số đó sẽ gợi ý cho bạn viết một bài thơ, truyện ngắn hay bài luận. Quá trình này gọi là viết tự do. Nhiều nhà văn đã khởi nghiệp theo cách này. 

Đây là một cách khác để bắt đầu viết: dừng lại tất cả những việc bạn đang làm trong vài phút và tập trung suy nghĩ. Bạn không cần nghĩ về một điều gì cụ thể  bất cứ điều gì nảy ra trong đầu cũng tốt. Sau vài phút, dừng lại và để ý xem bạn “nghe” thấy gì. Bạn có nghe thấy tiếng nói nào ở trong đầu không? Tiếng nói đó là của bạn hay của ai khác? Tiếng nói đó có thật không? Hoặc bạn có nhìn thấy những hình ảnh trong đầu hay cảm nhận được điều gì không? Bắt đầu viết về nó. Miêu tả những gì âm thanh đó nói, bức tranh đó trông ra sao hoặc bạn cảm thấy gì.

Chính bằng cách này mà các diễn viên có thể lấy ý tưởng từ những người xung quanh, nhà văn lắng nghe những người ở bên cạnh. Trở thành một người lắng nghe giỏi có thể khơi gợi bạn sáng tác những bài thơ hay, viết những đoạn hội thoại ngắn. Nếu bạn thật sự muốn viết nhưng lại có thứ gì đó cản trở, thì có rất nhiều cuốn sách giúp bạn vượt qua điều này.

NHỮNG CÁCH KHÁC ĐỂ CÓ TRÍ THÔNG MINH NGÔN NGỮ

Có rất nhiều cách để có được trí thông minh ngôn ngữ. Bạn có thể giỏi về chính tả hay có khả năng ngữ pháp tuyệt vời. Hoặc không, bạn có thể viết ra những cốt truyện sáng tạo với các hình ảnh tuyệt đẹp.

Có thể bạn thích làm thơ nhưng không thích bình luận sách. Hoặc bạn thích viết xã luận hơn truyện ngắn, thích luyện khả năng viết lách mà ít chú trọng đến cách dùng từ ngữ. Trí thông minh ngôn ngữ không có nghĩa là bạn yêu thích mọi loại ngôn từ và cách sử dụng chúng. Mỗi người có trí thông minh ngôn ngữ theo một cách khác nhau.

Ví dụ, bạn thông minh về ngôn ngữ vì thích những từ ngữ đơn giản. Hoặc thích sưu tầm những từ ngữ thú vị, tra nghĩa những từ bạn không hiểu rõ hay khiến mọi người ngạc nhiên vì kiến thức của bạn về những từ rất dài. Nếu bạn giống với bất kỳ một điều nào trong số này thì hãy thử chơi trò “khảo cổ học với các từ ngữ”. 

Bạn có thể “đào xới” những từ ngữ khó, lạ và tìm ra nguồn gốc cũng như cách chúng biến đổi theo thời gian. Cuốn từ điển Oxford English Dictionary (Từ điển Oxford) chứa đựng hầu như toàn bộ từ ngữ được dùng trong tiếng Anh. Nó đề cập cả lịch sử, nguồn gốc và quá trình phát triển cũng như các ví dụ về nghĩa (hay cách phát âm) của các từ thay đổi qua hàng thế kỷ.

 “Khảo cổ học với các từ ngữ” là trò chơi rất thú vị. Khi chơi trò này, bạn phải cố uốn lưỡi, giải đố, chơi chữ hoặc gieo vần. Ngoài ra, bạn còn phải đọc thật to các bài thơ vô nghĩa hoặc viết chúng ra giấy. Cố gắng trau chuốt từ ngữ để tạo ra hiệu ứng âm thanh – hay còn gọi là từ tượng thanh. Bạn cũng có thể tạo ra một thứ ngôn ngữ bí mật với bạn bè, sử dụng những từ ngữ hoặc cử chỉ bằng tay chỉ có bạn hiểu. Khi đó, từ ngữ sẽ thú vị hơn nhiều so với một danh sách từ mới, bài kiểm tra chính tả hoặc bài tóm lược bạn phải làm. Trở nên thông minh ngôn ngữ không phải là việc đơn giản, đó có thể là một cuộc thám hiểm đầy gian truân.

Một Số Cách Thức Thú Vị Giúp Phát Triển Trí Thông Minh Ngôn Ngữ

Sau đây là một số cách thức thú vị giúp bạn phát triển khả năng ngôn ngữ. Hãy thử những hoạt động sau, dù bạn có trí thông minh ngôn ngữ ở mức nào.

1. Ghi lại ngay các ý tưởng mà bạn vừa nghĩ ra. Luôn giữ một cuốn sổ nhỏ (hoặc một tập giấy ghi chú) để ghi lại những ý tưởng nảy ra trong ngày.

2. Đọc bất cứ thứ gì bạn thích. Luật trò chơi, nhật báo, sách nghệ thuật, tạp chí ôtô, tạp chí khoa học, truyện tranh, báo…

3. Tập viết báo. Viết ít nhất 250 từ mỗi ngày về bất cứ vấn đề nào bạn thích. Ví dụ: viết về những gì bạn làm ở trường, về cuốn sách đang đọc, sự kiện đang xảy ra trên thế giới hay bất cứ thứ gì hấp dẫn bạn.

4. Đi thư viện. Bạn có thể tìm thấy một thế giới sách ở đó và chúng là của bạn – hoàn toàn miễn phí. Tất cả những gì bạn phải làm là đăng ký thẻ thư viện. Người thủ thư sẽ giúp bạn tìm sách theo chủ đề và đưa ra lời khuyên nên đọc tác giả nào. 

5. Tra nghĩa những từ bạn không biết trong từ điển. Lên danh sách những từ bạn không hiểu. Nếu kiên trì làm việc đó, bạn sẽ nhận thấy vốn từ của mình tăng lên rất nhanh.

6. Thường xuyên dành thời gian kể chuyện với gia đình. Nội dung câu chuyện là những thứ bạn thích. Bạn có thể thêm thắt cho những chuyện xảy ra trong ngày, kể lại những điều thú vị trong cuốn sách đang đọc hoặc nói về gia đình của mình.

7. Lập danh sách những cuốn sách quan trọng. Lập danh sách: (1) Mười cuốn sách bạn thích nhất; (2) những cuốn bạn muốn đọc trong vài tháng tới; (3) những cuốn chắc chắn bạn sẽ đọc trong cuộc đời. Danh sách đó giúp bạn định hướng những thứ sẽ đọc.

8. Chơi các trò với từ ngữ. Chơi ô chữ, điền từ, tìm từ, đảo chữ hoặc các trò đố chữ khác mà bạn thích. (Nhiều tờ nhật báo có các trò chơi chữ trong mục thư giãn hoặc giải trí). Chơi sắp chữ, Hangman , ô chữ hoặc tìm từ khóa với bạn bè và người thân.

9. Chơi với ngôn ngữ nói. Sưu tập một số chuyện vui đùa ưa thích, các câu đố, trò chơi chữ, uốn lưỡi, từ có vần, từ dài, từ lạ và từ đa âm rồi chia sẻ với bạn bè và người thân. Và nếu bạn thích, hãy tự tạo ra những từ của riêng mình.

10. Tham gia một câu lạc bộ đọc sách – nơi bạn có thể thảo luận về sách với người khác. Đó có thể là các câu lạc bộ sách thiếu nhi, truyện trinh thám, tiểu thuyết khoa học hay cổ điển. Nếu bạn không thể tìm được một câu lạc bộ thích hợp, hãy cùng bạn bè và người thân lập một câu lạc bộ riêng.

11. Liên hệ với tác giả bạn yêu thích. Tìm e-mail hoặc địa chỉ của nhà văn bạn yêu thích và gửi câu hỏi về sách của họ, cách họ bắt đầu viết hoặc những điều khiến bạn quan tâm.

12. Tham dự buổi nói chuyện của nhà văn. Các nhà văn thường xuất hiện ở nhà sách, thư viện, trường học hoặc những nơi khác để nói chuyện về những cuốn sách của họ và trả lời câu hỏi của người hâm mộ. Hãy nghe các nhà thơ, tiểu thuyết gia, các nhà văn đọc hay nói về sách của họ.

13. Học ngoại ngữ. Nếu thích, bạn có thể học tiếng Tây Ban Nha, tiếng Đức, tiếng Trung hoặc các ngôn ngữ khác. Học ngoại ngữ là một cách để phát triển trí thông minh ngôn ngữ. (Học tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai cũng giúp bạn có trí thông minh ngôn ngữ). Bạn có thể tìm những khóa học ngoại ngữ ở trường, trung tâm ngoại ngữ hoặc thư viện.

14. Giữ một cuốn sổ ghi chép. Dùng cuốn sổ ghỉ chép này ghi lại những bài thơ, truyện ngắn hay vở kịch của bạn. Bạn có thể ghi lại những câu nói, đoạn văn và đoạn hội thoại mà bạn đọc được hoặc nghe người khác nói. Nhiều nhà văn nổi tiếng thường có một cuốn sổ ghi chép như vậy.

15. Tham gia diễn một vở kịch. Nhiều vở kịch được diễn ở trường bởi những nhóm diễn viên cộng đồng. (Nếu có thể, bạn hãy thử diễn một vai trong các vở kịch của Shakespeare. Ông là nhà văn có trí thông minh ngôn ngữ xuất chúng, với hơn 37 vở kịch và 154 bài thơ sonnet  mà đến nay, đã hơn bốn thế kỷ chúng vẫn tràn đầy sức sống.

16. Nếu thích thảo luận, hãy tham gia các đội thảo luận ở trường. Nếu trường bạn không có đội thảo luận, hãy hỏi giáo viên của bạn liệu có thể thành lập các nhóm thảo luận trong lớp không. Thảo luận là cách tuyệt vời để hoàn thiện khả năng nói cũng như khả năng tư duy và nghiên cứu. Đây cũng là cách hay để học về những chủ đề khác nhau như khoa học, lịch sử, xã hội, sức khỏe hoặc tiếng Anh.

Điều Gì Xảy Ra Nếu Trí Thông Minh Ngôn Ngữ Không Thể Hiện Bằng Ngôn Ngữ?

Mỗi người đều có trí thông minh ngôn ngữ theo một số cách. Nhưng bạn hãy thử thực hiện một số hoạt động để khám phá những mặt mạnh của mình. Ví dụ: nếu bạn có trí thông minh không gian, thì việc đọc và viết có thể hơi khó vì bạn chỉ nhìn các ký tự như một phần của bức tranh chứ không phải của con chữ. Vì bạn có thể tái hiện trong đầu những thứ đã nhìn thấy theo các góc độ khác nhau nên có thể xoay ngang xoay dọc các ký tự (chẳng hạn b’s và d’s) và lẫn lộn chúng với nhau. Hoặc, nếu có trí thông minh vận động cơ thể, bạn có thể bứt rứt không yên vì phải ngồi đọc và viết. Và bạn có thể thích học khi đang di chuyển loanh quanh hơn hay học theo những cách cần tiếp xúc nhiều hơn là “không cần động tay”.

Bạn có thể sử dụng trí thông minh nổi trội nhất của mình để thông minh về ngôn ngữ hơn.

Sau đây là bảy cách thức để đạt được điều đó:

• Nếu bạn có trí thông minh âm nhạc: Hãy đọc to và lắng nghe âm thanh của các từ ngữ. Hay đọc những câu thơ say đắm của Shel Silverstein, Ogden Nash và Lewis Caroll – những bậc thầy sử dụng âm thanh và từ ngữ. Hát hoặc đọc rap những danh sách từ hoặc sự kiện bạn phải học thuộc (khi làm bài kiểm tra, nếu quên, bạn có thể ngâm nga câu trả lời). Sử dụng âm nhạc như một cách để viết về những gì bạn nghe thấy và khiến bạn nghĩ về nó.

• Nếu bạn có trí thông minh logic: Hãy dùng một phần mềm xử lý văn bản khi bạn viết. Trước tiên, phải kiểm tra chính tả, dấu câu và ngữ pháp. Sau đó, chạy chương trình kiểm tra của máy tính xem bạn sai những lỗi nào.

• Nếu bạn có trí thông minh không gian: Hãy nhắm mắt lại và hình dung những hình ảnh bạn đọc được. Ví dụ: khi bạn đọc một câu chuyện khó hiểu, hãy nhắm mắt lại và hình dung những cảnh, đặc điểm và tình tiết trong đó. Những hình ảnh minh họa và tranh vẽ có thể hướng dẫn bạn trong khi đọc.

• Nếu bạn có trí thông minh vận động cơ thể: Hãy chơi các trò ghép chữ. Bạn có thể mua các bộ chữ cái bằng nam châm hoặc tự làm với tờ giấy và thanh nam châm có chất dính ở một bề mặt. Đặt tờ giấy lên mặt nhẵn của nam châm và cắt nam châm theo hình dạng hoặc kích cỡ bạn thích. Hãy viết chữ, làm thơ hoặc kể chuyện trên một tấm thép.

• Nếu bạn có trí thông minh tương tác cá nhân: Hãy nói về những gì bạn đã đọc được với bè bạn và người thân. Lập một nhóm để học về chính tả và từ mới. Học chung với người khác giúp bạn tiếp thu tốt hơn.

• Nếu bạn có trí thông minh nội tâm: Bắt đầu viết nhật ký về những gì bạn nghĩ và cảm thấy. Mỗi khi viết nhật ký, bạn sẽ hoàn thiện khả năng viết, chính tả và ngữ pháp. Nghĩ về những gì bạn học ở trường – những cuốn sách đang đọc khiến bạn cảm thấy như thế nào? Trí thông minh này giúp bạn hiểu mình là ai và cảm thấy gì với những thứ được học ở trường.

• Nếu bạn có trí thông minh thiên nhiên: Khi đang đọc một cuốn sách hoặc tạp chí, hãy nghĩ về các loài động thực vật trong đó. Miêu tả những cảnh thiên nhiên bạn thấy hoặc ghi chú về những thứ bạn sưu tầm. Bạn có thể nhận thấy mình thích đọc sách hơn.

Nhiều trường học chú ý tới trí thông minh ngôn ngữ. Ở mọi cấp học bạn đều phải đọc, báo cáo hoặc thậm chí tham gia thảo luận trước lớp. Do đó, phát triển trí thông minh ngôn ngữ sẽ giúp bạn học tập tốt hơn. Hãy sử dụng một số lời khuyên trên để phát triển trí thông minh ngôn ngữ. Đừng bỏ qua mọi cơ hội sử dụng thế mạnh về ngôn ngữ. Sử dụng trí thông minh không gian để vẽ những bức tranh trình bày tại lớp. Hoặc sử dụng trí thông minh tương tác cá nhân để làm trọng tài trong những cuộc thảo luận. Hay sử dụng khả năng quan sát của trí thông minh thiên nhiên để kết nối các phần của một bài báo cáo. Đó là những cách để bạn phát triển trí thông minh ngôn ngữ.

Nếu bạn ghét ngôn ngữ vì từng…

• làm một bài kiểm tra rất khó, có quá nhiều từ bạn không biết

• đọc một cuốn sách chán ngắt

• nói chuyện trước một nhóm người và bạn sợ điều đó

• phải viết một bài bình luận sách nhưng bạn không thể nghĩ ra điều gì… thì chỉ cần nhớ rằng sẽ thật thú vị khi bạn có thể hoàn thành xuất sắc những việc đó. Mặt khác, bạn cũng nên nhớ rằng những ký tự trên trang giấy và những lời nói vang lên trong không gian thật kỳ diệu. Và hãy tự chúc mừng bản thân vì tất cả khả năng ngôn ngữ mà bạn đã sở hữu. 

Điều Gì Sẽ Xảy Ra Nếu Bạn Là Người Sở Hữu Trí Thông Minh Ngôn Ngữ?

Nếu bạn đã rất thông minh về ngôn ngữ rồi, thì điều đó thật tuyệt! Nhưng hãy thử đoán xem điều gì sẽ xảy ra? Bạn vẫn có thể thông minh hơn nữa đấy. Hãy sử dụng kỹ năng đọc để phát triển kỹ năng nói, hay dùng kỹ năng nói để phát triển kỹ năng viết. Có rất nhiều cách mới để học và phát triển ngôn ngữ.

Trí thông minh ngôn ngữ có thể giúp bạn phát triển những trí thông minh khác. Đây là một số gợi ý giúp bạn hiểu hơn và phát triển thêm những trí thông minh còn lại trong cuộc sống.

• Đối với trí thông minh âm nhạc: Hãy viết ca từ cho bài hát, nó sẽ giúp bạn học được nhịp điệu và giai điệu.

• Đối với trí thông minh logic: Hãy tự nói với bản thân về cách giải quyết khó khăn. Ví dụ, nếu đang giải toán, bạn hãy lẩm nhẩm về cách mình sẽ làm: “Nhìn này, đầu tiên mình phải chia, sau đó nhân và…” Nếu bạn gặp khó khăn khi làm toán hay các thí nghiệm khoa học, hãy thử tiến hành bằng lời nói trước.

• Đối với trí thông minh không gian: Hãy vẽ lại các nhân vật và cảnh vật khi đọc sách. Làm như vậy sẽ giúp bạn hiểu hơn về một cuốn sách phức tạp, hoặc có thể chỉ là một cách bạn thích làm mỗi khi đọc.

• Đối với trí thông minh vận động cơ thể: Hãy tham gia diễn kịch ở trường hay tự diễn một trích đoạn hài kịch với bạn bè. Tưởng tượng nhân vật bạn đang diễn đi lại, đứng ngồi, thậm chí hắt hơi như thế nào. Sau đó, cố gắng diễn lại giống như vậy.

• Đối với trí thông minh tương tác cá nhân: Hãy để ý những người xung quanh. Chìa khóa để trở thành người dẫn chương trình giỏi, người kể chuyện hấp dẫn là thuyết phục được mọi người. Khi để ý, bạn sẽ hiểu được nguyên nhân của những việc người ta đã làm và phản ứng của mọi người xung quanh.

• Đối với trí thông minh nội tâm: Hãy dùng một cuốn nhật ký ghi lại cảm xúc, những việc đã làm tốt và cách bạn phản ứng với sự kiện, con người ở xung quanh.

• Đối với trí thông minh thiên nhiên: Hãy viết về những nền văn hóa khác nhau qua hàng thế kỷ. Bạn có thể sáng tác truyện thần thoại giải thích những điều diễn ra trong tự nhiên. Ví dụ: Tại sao chó và mèo lại thường xung khắc nhau? Làm thế nào mà những ngôi sao lại ở trên bầu trời? Vì sao cỏ thường có màu xanh?

 Hướng Tới Tương Lai

Bạn có thể làm nghề gì với trí thông minh ngôn ngữ? Rất nhiều! Dưới đây là một số ngành nghề bạn có thể lựa chọn:

• quảng cáo và bán hàng

• tuyên truyền 

• chuyên viên lưu trữ văn thư 

• biên tập viên 

• giáo viên tiếng anh (hoặc các môn học khác) 

• nhà văn nổi tiếng

• người lập mục lục

• nhà khoa học thông tin (người dùng công nghệ để khai thác và xử lý thông tin)

• nhà báo

• luật sư

• người quản lý thư viện

• người vận động hành lang

• quản lý bảo tàng 

• trợ lý cho luật sư 

• nhà thơ

• chính trị gia

• người dẫn chương trình chuyên nghiệp 

• người đọc và sửa bản in

• chuyên viên quan hệ công chúng 

• phát thanh viên truyền hình 

• nhà nghiên cứu 

• người viết kịch bản phim

• nhà nghiên cứu bệnh học 

• diễn giả

• người kể chuyện

• dịch giả 

• thiết kế web 

• nhà văn 

• và rất nhiều ngành nghề khác nữa!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.