Bạn Thông Minh Hơn Bạn Nghĩ

Chương 5: Trí Thông Minh Vận Động Cơ Thể



 Trắc Nghiệm Nhanh

Bạn có:

• thích di chuyển và năng động?

• học các kỹ năng vận động dễ dàng và nhanh chóng?

• di chuyển trong khi suy nghĩ?

• thích làm thơ trào phúng hay nô đùa?

• có thể giả bộ hay bắt chước dáng dấp, cử chỉ của người khác?

• chơi nhiều môn thể thao hay chỉ giỏi một môn?

• làm thủ công hay xây dựng các mô hình tinh xảo?

• nhảy uyển chuyển?

• sử dụng sự vận động để ghi nhớ các đồ vật?

• phối hợp hiệu quả hay tính toán thời gian hợp lý?

• thích giải lao?

Nếu câu trả lời là “có” cho bất kỳ câu hỏi nào ở trên, bạn chính là người có trí thông minh vận động cơ thể!

 Trí Thông Minh Vận Động Cơ Thể Là Gì?

Trí thông minh vận động cơ thể có nghĩa là bạn học và suy nghĩ thông qua cơ thể, sử dụng cơ thể để biểu lộ bản thân hay các kỹ năng của mình. Bạn luôn cảm thấy thoải mái với cơ thể mình. Có thể bạn là một vận động viên, hoặc bạn dùng cơ thể để nhảy múa và diễn xuất đầy khéo léo. Hoặc bạn có nhiều hứng thú hơn với việc dùng đôi tay để tiến hành các hoạt động như thủ công, điêu khắc, kiến trúc, cơ học hay sửa đồ vật. Bạn cũng có thể thể hiện trí thông minh này thông qua việc đá bóng giỏi, đan len hay may vá dễ dàng, nặn tượng bằng đất sét, diễn kịch tinh tế, biểu diễn ảo thuật, sửa các đồ vật bị hỏng ở trong nhà.

Mọi người thường nghĩ rằng trí thông minh vận động cơ thể không phải là một loại hình thông minh. Bạn cho rằng cơ thể và trí óc làm những việc rất khác nhau. Suy cho cùng, bạn tiến hành các hoạt động bằng cơ thể, còn học tập và suy nghĩ thì bằng đầu óc. Cơ thể dường như chỉ làm những việc như đi bộ, leo trèo, cúi lên cúi xuống, vươn vai, v.v… Điều đó có đúng không? Thực ra như vậy chỉ đúng một phần. Tuy nhiên, bằng cách nào mà cơ thể làm được những việc này? Đó chính là thông qua những chỉ dẫn từ não bộ.

Bạn sử dụng nhiều phần khác nhau của não bộ để di chuyển − chạy, nhảy múa, xây dựng mô hình, chơi thể thao, thắt nơ, tung hứng, đi bộ hay bất cứ loại vận động nào. Mỗi vận động đều cần đến sự phối hợp nhanh chóng và tỉ mỉ của vô số các dây thần kinh, cơ, khớp và các phần khác nữa. Nếu buộc phải chỉ riêng cho từng bộ phận của cơ thể phải di chuyển như thế nào, chắc chắc bạn sẽ mất hàng tuần mới ra được khỏi giường vào buổi sáng. Não bộ đưa ra mệnh lệnh cho cơ thể rất nhanh, do đó việc di chuyển, cử động chỉ mất vài giây chứ không phải hàng tuần. Cơ thể biết phải làm gì khi bạn muốn nó làm điều đó (và làm nhanh!) − có nghĩa là cơ thể bạn khá thông minh!

Bạn có thể làm gì với trí thông minh vận động cơ thể?

• Tập luyện và chơi thể thao để có cơ thể khỏe mạnh.

• Học cách suy nghĩ và giải quyết vấn đề theo một phương thức hoàn toàn mới.

• Sử dụng cơ thể để khéo léo biểu lộ bản thân.

Một trong những cách để biểu hiện trí thông minh vận động cơ thể là thể hiện các kỹ năng thuộc về thể chất. Các kỹ năng thể chất cũng cần trí thông minh. Một vận động viên điền kinh thành công phải có khả năng tính toán tốc độ, đường chạy (góc và khúc quanh) và vạch chiến lược, đồng thời phải có khả năng phối hợp, khả năng chịu đựng và sức bền để kết hợp chúng lại với nhau. Đó phần nhiều là công việc của trí óc!

 Cầu thủ ném bóng chày là ví dụ điển hình về người có trí thông minh vận động cơ thể. Một người ném bóng chày giỏi phải có sức mạnh để ném quả bóng với tốc độ 144 km/h. Anh ta phải vạch ra đường đi của quả bóng (nó sẽ lượn như thế nào sau cú ném) và độ xoáy cần tác động vào quả bóng (nó di chuyển hay nghiêng đi khi đang ở trên không). Và cuối cùng, anh ta phải biết sử dụng những cú ném tốt nhất để loại càng nhiều đối thủ càng tốt. Bạn có thể nghĩ rằng một cầu thủ bóng chày giỏi phải có “cảm giác bóng” tốt. Điều đó làm cho ý tưởng về một “đối thủ câm lặng” đỡ câm lặng hơn, có phải vậy không?

 Không chỉ điền kinh mới yêu cầu kỹ năng thể chất. Hãy xem công việc của bác sỹ phẫu thuật và nha sỹ. Các chuyên gia này luôn tin tưởng vào xúc giác, khả năng phối hợp tay-mắt và sự khéo léo trong khi làm việc. Thợ mộc, thợ thủ công, nhà soạn nhạc, thợ máy cũng cần các kỹ năng này. Tất cả họ đều sử dụng cơ thể để nhận thức và giải quyết vấn đề theo một cách nào đó.

 Trí thông minh vận động cơ thể biểu hiện ở việc suy nghĩ và học tập thông qua sự đụng chạm, cử động, di chuyển như các kỹ năng thể chất. Khi phát triển trí thông minh này, bạn có thể tận dụng các giác quan, đôi tay và toàn bộ cơ thể.

  Những việc thường ngày sử dụng trí thông minh vận động cơ thể:

•  nhảy múa

•  sửa đồ vật 

•  xây dựng mô hình 

•  làm thủ công và thiết kế trang trí (làm đồ gốm, đan len, may vá, xâu chuỗi, mang vác, vẽ tranh, vẽ họa tiết, thêu thùa…) 

•  chơi nhạc cụ

• dã ngoại 

• trèo cây

•  chơi bắn bi 

•  bắt bóng 

• đố chữ

•  diễn kịch và làm thơ trào phúng 

•  học võ thuật 

•  luyện tập yoga

•  chơi thể thao 

•  đi bách bộ hoặc đi bộ đường dài 

•  thắt nơ

•  làm đồ trang sức 

•  chơi trò chơi điện tử

•  bắt chước người khác hoặc bắt chước động vật 

•  làm ảo thuật 

•  tập viết hoặc luyện chữ đẹp 

•  đánh máy (hoặc sử dụng máy tính)

 GIỮ LIÊN LẠC VỚI CƠ THỂ

Khi đề cập tới kỹ năng thể chất, bạn có thể thể hiện trí thông minh vận động cơ thể thông qua toàn bộ cơ thể hoặc từng bộ phận rất cụ thể, ví dụ như đôi tay. Đó là lý do tại sao cả vận động viên điền kinh lẫn bác sỹ phẫu thuật đều có trí thông minh vận động cơ thể. Bạn thể hiện trí thông minh vận động cơ thể bằng cách nào?

Có lẽ cách tốt nhất là thông qua các trò thi đấu như bóng đá, bóng chuyền, bóng chày, bóng rổ, bơi lội, thể dục, các môn điền kinh, tennis, đấu vật hay khúc côn cầu. Hoặc có lẽ bạn sẽ toả sáng khi ganh đua với chính bản thân thông qua các môn thể thao như: trượt tuyết, lướt ván trên tuyết, trượt băng tốc độ, trượt băng nghệ thuật, lướt ván trên nước hay xe đạp leo núi. Có lẽ bạn không thích ganh đua, nhưng lại hứng thú với các môn thể thao và các loại trò chơi khác nhau, bằng cách đó chúng đã mang lại cho cơ thể cơ hội chạy, vận động, vươn vai và nô đùa.

Để tăng cường trí thông minh vận động cơ thể, bạn phải tiến hành thử nghiệm thông qua nhiều hoạt động và tìm ra một (hay một số hoạt động) mà bạn thích. Không quan trọng là bạn tham gia môn thể thao nào hay hoạt động gì, hoặc bạn thực hiện có khéo léo hay không, đó chính là lúc bạn đang luyện tập trí thông minh vận động cơ thể. Bạn sẽ trở nên sung sức hơn và cải thiện được nhiều khía cạnh quan trọng của bản thân, như:

• Sự cân bằng (bạn vững vàng và giữ người đứng thẳng tới mức nào)

• Sự phối hợp (các bộ phận của cơ thể kết hợp tốt tới đâu)

• Sự linh hoạt (có thể di chuyển các khớp với nhiều tầm hoạt động)

• Sức bền (sức lực có thể kháng cự được bao nhiêu)

• Khả năng chịu đựng (bạn thực hiện một hoạt động không biết mệt mỏi kéo dài trong bao lâu)

• Khả năng phản xạ (cơ thể phản ứng nhanh như thế nào)

Bằng cách thực hiện những việc giúp bạn cảm thấy tốt và khỏe mạnh hơn, tức là bạn đang phát triển các loại hình trí thông minh khác!

Trí thông minh vận động cơ thể của bạn được hội tụ tinh tế? Bạn có thể thể hiện trí thông minh này nhiều hơn thông qua:

• Sự khéo léo (bạn dùng đôi tay nhanh nhẹn, khéo léo và dễ dàng ra sao)

• Khả năng phối hợp tay-mắt (bạn kết hợp tay-mắt như thế nào và chia sẻ thông tin đến đâu)

•  Sự nhạy cảm về xúc giác (xúc giác phản ứng nhanh như thế nào)

Các kỹ năng này chứng tỏ trí thông minh làm việc bằng đôi tay. Bạn có thể sử dụng bất cứ thứ gì từ gỗ cho tới giấy hay kim chỉ.

Thực tế, đôi tay là một trong những bộ phận thông minh nhất của cơ thể con người. Ngón tay khéo léo nhất chính là ngón cái. Ngón cái đối diện  có thể được đặt lên trên một hay nhiều ngón tay khác trên cùng một bàn tay  là điều tạo nên sự khác biệt giữa con người với hầu hết các loài động vật. (Khi dùng ngón cái và ngón trỏ tạo tín hiệu đồng thuận, bạn đang phô trương ngón cái của mình đấy!). Ngón cái cho phép bạn nhặt các vật lên, tạo ra các dụng cụ và phát triển tính sáng tạo. Trí thông minh vận động cơ thể cũng rất cần cho việc sử dụng các dụng cụ bằng tay. Khi bạn nghĩ về điều đó, ngón cái đối diện (dĩ nhiên là phối hợp với các ngón tay khác!) là chìa khóa hình thành nên xã hội loài người và giúp xã hội phát triển như hiện nay. Vai trò này thật không tệ chút nào đối với một ngón tay múp míp nhất!

Những người làm việc với đôi tay đang sử dụng kỹ năng vận động “tinh” hoặc kỹ năng của một “động cơ loại nhỏ”. Các kỹ năng này yêu cầu sự phối hợp tay-mắt hài hòa, sự khéo léo hoặc khả năng thực hiện các chuyển động tinh với độ chính xác và tốc độ cao. Rất nhiều hành động cần sử dụng kỹ năng này. Một số hoạt động thiết thực như đánh máy, sử dụng búa hoặc tua-vít để sửa đồ vật hoặc may một cúc áo. Một số hoạt động khác lại mang tính nghệ thuật như nặn tượng bằng đất sét, làm đồ trang sức hoặc chơi đàn violon hay kèn ô-boa. Một số hoạt động khác nữa lại mang tính sáng tạo và vui đùa như làm đồ thủ công, nấu ăn hay biểu diễn ảo thuật.

Thực tế, đôi tay cũng được sử dụng để tìm hiểu và giải quyết vấn đề. Khi sửa chữa động cơ hay bất cứ thứ gì liên quan đến cơ học như đồng hồ, lò nướng bánh là bạn đang sử dụng đôi tay để tìm hiểu vấn đề. Các bác sỹ phẫu thuật và nha sỹ cũng thường tìm hiểu vấn đề và “nhìn thấy” nó bằng đôi tay của mình khi họ khám cho bệnh nhân. Trong quá trình làm việc, từ việc chẩn đoán đến khâu vết thương, bác sỹ, y tá và bác sỹ thú y đều sử dụng xúc giác và sự khéo léo theo các cách khác nhau.

SỰ KẾT NỐI GIỮA TRÍ ÓC VÀ CƠ THỂ 

Có lẽ bạn sẽ tự hỏi: trí thông minh vận động cơ thể có được sử dụng với một người có tư tưởng sáng tạo trong mọi lĩnh vực hay không? Ồ! Câu trả lời là nó có thể làm mọi việc với các loại hình trí thông minh khác. Trí óc và cơ thể làm việc với nhau nhằm thu thập và xử lý thông tin. Thực tế, chúng thường kết hợp với nhau tốt hơn so với khi chúng đứng tách riêng rẽ. Chìa khóa giúp điều này thành công chính là lắng nghe cơ thể khi nó nói với bạn một điều gì đó quan trọng. Để học được điều này, bạn phải thực hiện những hoạt động làm cầu nối cho chỗ trống giữa cơ thể và trí óc, liên kết chúng với nhau, sau đó sử dụng cả hai để cùng làm việc. Việc kết hợp trí óc và cơ thể giúp bạn tập trung, phát triển những trí thông minh khác. Võ thuật, thái cực quyền, yoga và thiền đều đưa ra những phương pháp tiếp cận khác nhau đối với hoạt động của trí não thông qua cơ thể – đó là những hoạt động kết nối mang tính truyền thống được sử dụng trong nhiều nền văn hóa.

Võ thuật bao gồm nhiều hình thức như taekwondo, karate, aikido và judo. Hầu hết các môn võ thuật đều phát triển từ cách đây hàng trăm năm và bắt nguồn từ châu Á. Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là các quốc gia nổi tiếng với những bộ môn võ thuật khác nhau. Những nền văn hóa này tin rằng trí óc và cơ thể nên kết hợp với nhau như một thể thống nhất. Các môn võ thuật khác nhau chính là tấm gương phản chiếu đức tin trong hành động. Theo lẽ thường, trí óc phải tập trung vào các hành động của cơ thể và những gì mà chúng phải đạt được. Một cách lý tưởng, đó là các động tác và chiêu thức phải đi cùng nhau

Ví dụ, trong khi đang luyện tập một cú đá trong taekwondo (đó không chỉ là thực hiện một cú đá ngẫu nhiên), bạn không thể nghĩ đến việc mình sẽ ăn gì vào bữa tối. Bạn phải tập trung tất cả sự chú ý − toàn bộ tâm trí − vào hành động. Theo cách đó, cơ thể và trí óc phải kết hợp hài hòa với nhau để tạo nên một cú đá đúng nghĩa. Bằng nhiều cách, con người đã sáng tạo nên những môn võ thuật thấm nhuần tinh thần của lối tư duy theo trí thông minh vận động cơ thể. 

 Thái cực quyền ra đời cách đây hàng trăm năm ở Trung Quốc. Nó vừa là bộ môn võ thuật, vừa là dạng bài tập để tăng cường sức khỏe thể chất và cân bằng tinh thần. Thái cực quyền bao gồm một loạt động tác có hệ thống được gọi là các chiêu thức, giúp đạt được sự cân bằng, khả năng phối hợp, sức bền và cách thức điều hòa thời gian. Trong khi luyện tập, bạn phải suy ngẫm hoặc tập trung ý nghĩ vào chúng. Thái cực quyền có nhiều truyền thống khác nhau. Tất cả những điều này có giúp ích gì cho bạn? Thái cực quyền chính là cách thức giúp bạn phát triển, học hỏi về sự kết nối giữa cơ thể và trí não.

Yoga là một phương pháp dưỡng sinh của châu Á thể hiện sự kết nối giữa cơ thể và trí óc. Đây cũng là một loại hình võ thuật. Yoga phát triển ở Ấn Độ cổ đại và hiện nay, nó được phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới, thậm chí nhiều người nổi tiếng trong giới điện ảnh, ngôi sao nhạc rock hay những nhân vật danh tiếng đều luyện yoga. Giống như thái cực quyền, yoga cũng có nhiều phương pháp luyện tập. Khi luyện yoga, bạn sẽ đặt cơ thể vào nhiều tư thế khác nhau − những tư thế này được gọi phỏng theo các loài động vật hoặc sự vật trong tự nhiên (ví dụ: tư thế chó, tư thế rắn hổ mang, tư thế cây). Hãy tập trung trí óc hoặc suy ngẫm về các tư thế khác nhau mà bạn đang luyện tập. Bạn cũng cần chú ý vào hơi thở để có thể tập trung tinh thần và giữ vững tư thế. 

Tuy nhiên, nếu các bộ môn võ thuật hay phương pháp yoga không hấp dẫn bạn, thì vẫn có một cách nữa để thể hiện sự kết nối giữa cơ thể và trí óc cũng như rèn luyện sự kết hợp này. Cơ thể của bạn có thể kết hợp với trí óc để giải quyết các vấn đề và đưa ra những ý tưởng sáng tạo. Nói cách khác, bạn có thể thật sự suy nghĩ cùng cơ thể của mình.

Hãy xem xét trường hợp của Albert Einstein  một nhà tư tưởng nổi tiếng với trí thông minh logic và trí thông minh không gian. Một số người đã hỏi Einstein giải quyết những vấn đề vật lý hóc búa nhất như thế nào, ông trả lời rằng một phần là do đã sử dụng các phương pháp cơ bắp. Ông đã vận dụng “những cảm giác đặc biệt” (giác quan thứ sáu) khi nghĩ đến sự vật. Ông không chỉ sử dụng cơ thể để suy ngẫm thấu suốt các ý tưởng và giải quyết vấn đề, mà còn sử dụng nó để giải thích với mọi người về các vấn đề vật lý. Trong một cuộc gặp, ông đã giải thích học thuyết cuối cùng của mình về vũ trụ với một đồng sự bằng cách sử dụng lồng ngực và cột sống như một mô hình vật lý để minh họa cho các ý tưởng.

Những cảm giác đặc biệt không chỉ có ở Einstein, chính bạn cũng đang sở hữu chúng. Cảm giác đặc biệt hay những phản ứng cơ học có thể là cách thức của cơ thể giúp bạn suy nghĩ thấu suốt mọi thông tin và ý kiến. Nếu nảy ra một ý tưởng tuyệt vời với một câu chuyện bịa hay bài thơ trào phúng, bạn có thể có phản xạ dựng tóc gáy. Nhà thơ nổi tiếng A. E. Houseman nói rằng khi ông bắt đầu viết một điều gì tuyệt vời thì tóc gáy luôn dựng đứng lên. Nếu lo lắng về bài kiểm tra, buổi biểu diễn hay một cuộc đi săn loài thú lớn, bạn có thể rơi vào tâm trạng lo lắng, bồn chồn. Những phản ứng vật lý này là cách thức cơ thể thông báo với bạn rằng bạn đang đi đúng hướng hoặc cần phải tập trung chú ý vào một điều gì đó quan trọng.

Thỉnh thoảng, cơ thể có thể xử lý thông tin trước khi trí óc có khả năng tác động đến. Những cảm giác đặc biệt, hay phần bản năng, có thể bảo vệ và giúp bạn đưa ra các quyết định tốt hơn cho bản thân. Ví dụ, trong giờ giải lao, bạn có thể chơi thể thao, đồng thời bắt đầu cảm thấy lo lắng và căng thẳng. Bạn không nhìn thấy bất cứ hành động sai trái nào, nhưng cơ thể bạn lại nắm bắt được những tín hiệu về việc hai đứa trẻ xích mích và có lẽ chúng sẵn sàng đánh nhau. Vậy, cơ thể bạn đã nắm bắt được những tín hiệu gì? Đó có thể là sự thay đổi trong những hành động và lời nói của hai đứa trẻ, hoặc cách mà những người đứng gần hai đứa trẻ bắt đầu phản ứng và kéo chúng ra khỏi tình huống căng thẳng. 

Việc tận dụng sự kết nối giữa cơ thể và trí óc là một cách thức đơn giản bạn có thể áp dụng trong những vấn đề quan trọng với bản thân. Dù đó là việc sưu tập tiền, sáng tác thơ ca hay đánh bại đối thủ trong trận đấu, thì cơ thể và trí óc của bạn đều có thể giúp xử lý từng thông tin trong các tình huống khác nhau. Không vấn đề gì khi các kỹ năng và sự chú ý của bạn chính là lắng nghe những gì cơ thể lên tiếng và phát huy bản năng để bạn có thể trưởng thành và hiểu biết.

CƠ THỂ VỚI NĂNG LỰC TRUYỀN CẢM VÀ KHIẾU NGHỆ THUẬT

Cơ thể con người là một tác phẩm tuyệt vời và hoàn hảo của tạo hóa. Bạn không chỉ sử dụng cơ thể trong những hoạt động như chơi thể thao hay đánh máy, mà còn để biểu đạt cảm nghĩ của mình. Vũ công, diễn viên, người đóng kịch câm và nhà điêu khắc đều sử dụng cơ thể của họ theo những cách thức hết sức sáng tạo. Nhạc sỹ và các nghệ sỹ khác cũng sử dụng trí thông minh tuyệt vời của cơ thể để sáng tạo nên cái đẹp.

Khiêu vũ là một hình thức của tính sáng tạo có sử dụng toàn bộ cơ thể. Khi nhảy, bạn không chỉ lắc lư theo âm nhạc − mà là bạn đang truyền tải một điều gì đó đến với người khác, thậm chí là với chính bản thân. Một số người sử dụng các hình thức khiêu vũ khác nhau để chia sẻ cảm xúc, kể chuyện, bày tỏ tư tưởng hoặc tôn vinh tín ngưỡng văn hóa hoặc tôn giáo. Khiêu vũ có thể chỉ đơn giản là nhảy theo bất cứ điệu nhạc nào phát trên radio. Hoặc có thể là rất phức tạp, đầy say mê và tinh tế.

Khiêu vũ có rất nhiều điệu nhảy, như swing, salsa , ballroom, múa balê, hip-hop, jazz, tap, clogging, belly dance, khiêu vũ hiện đại, khiêu vũ dân gian và khiêu vũ truyền thống. Một số hình thức khiêu vũ như múa balê được dàn dựng để kể chuyện (câu chuyện thần kỳ trong vũ khúc The Nutcracker Suite của Tchaikovsky là một ví dụ điển hình). Những hình thức khiêu vũ khác, đặc biệt là khiêu vũ dân gian và khiêu vũ truyền thống, ban đầu vốn là các phương thức để bày tỏ những tư tưởng quan trọng trong một nền văn hóa hoặc tôn giáo. Vũ điệu hula của Hawaii được thể hiện trên nền dàn thánh ca đầy say mê được gọi là mele (thi ca, chất thơ). Vũ điệu hula là sợi dây kết nối với tôn giáo cổ xưa và thể hiện những khía cạnh của mele, đó có thể là lễ cầu nguyện, những bản tình ca hoặc bài ca ca ngợi xứ sở.

Bạn có thể khiêu vũ chỉ đơn giản vì yêu thích. Nếu chú tâm trong khi khiêu vũ, bạn có thể để ý thấy mình đang sử dụng khiêu vũ để biểu đạt những xúc cảm của bản thân − hạnh phúc, tức giận, sôi nổi hay buồn chán. Có thể bạn đang học những bài học khiêu vũ, như múa balê hay nhảy jazz. Hoặc bạn đã học được cách khiêu vũ từ người thân như một phần của truyền thống gia đình và các mối quan hệ. Hoặc có thể bạn chỉ thích lắc lư và nhún nhảy theo điệu nhạc bất kỳ mà bạn yêu thích. Thật thú vị khi bạn lắc lư theo cách mình muốn mà không ai để ý. Việc bạn khiêu vũ theo cách nào − đó không phải là vấn đề nếu bạn cảm thấy thích thú và thoải mái khi thực hiện, nó chứng tỏ bạn có trí thông minh vận động cơ thể.

Giống như khiêu vũ, những hoạt động mang tính sáng tạo như diễn kịch câm, đóng phim và bắt chước đều cần một số kỹ năng thuộc về trí thông minh vận động cơ thể. Ví dụ, khi đóng phim bạn cần huy động toàn bộ cơ thể để nhập vai. Dáng điệu và cử chỉ, cách bạn nắm chặt tay, những biểu hiện của khuôn mặt − tất cả những tín hiệu cơ thể này giúp bạn tạo nên một nhân vật. Thực tế, một số diễn viên đã sử dụng toàn bộ cơ thể để biểu đạt những gì nhân vật suy nghĩ. Các diễn viên hài như Whoopi Goldberg, Robin Williams và Jim Carrey thường sử dụng mọi thứ, từ cặp lông mày được gắn cẩn thận đến việc chúng được xoắn lên trông như chiếc bánh quy cây  khiến bạn phải bật cười. 

 Tương tự các diễn viên, những người diễn kịch câm cũng sáng tạo nên nhân vật. Nhân vật của họ có thể rất duyên dáng hoặc vụng về, khôi hài hoặc buồn bã. Họ có thể phát triển nhân vật và ngược lại, nhân vật sẽ phản ánh một thế giới vô hình mà bạn chỉ thấy thông qua cử chỉ phối hợp tinh tế của họ mà thôi. Rất khó để làm được điều này vì những người diễn kịch câm không được nói, họ chỉ được phép sử dụng rất ít − thậm chí là không hề sử dụng đến đồ dùng sân khấu. 

Một số nghệ sỹ khác cũng cần đến trí thông minh vận động cơ thể. Nhạc sỹ phải học cách sử dụng những ngón tay và miệng, và đôi khi là toàn bộ cơ thể để chơi một nhạc cụ. Họa sỹ và nhà điêu khắc phải sử dụng cơ thể để thể hiện những gì trí óc họ mường tượng. Họa sỹ cần di chuyển cây bút vẽ cẩn thận và điều khiển nó để tạo ra những tác phẩm như mong muốn. Nhà điêu khắc có thể cần thể lực nếu họ làm việc với kim loại hoặc đá.

Sử dụng cơ thể truyền cảm là điều thú vị, nhưng nó đòi hỏi sự luyện tập công phu. Nếu muốn khiêu vũ, bạn cần luyện tập chăm chỉ những động tác nhảy trước gương cho đến khi trông chúng thật ổn. Cũng giống như vậy, các diễn viên, diễn viên hài và kịch câm đều cần dành thời gian luyện tập trước gương để nắm bắt được những biểu hiện và cử chỉ của mình. (Khi còn là một đứa trẻ, Jim Carrey đã dành hàng giờ luyện tập trước gương, với những vẻ mặt, điệu bộ và cử chỉ trông rất ngớ ngẩn). Bạn không nhất thiết phải luôn luyện tập trước gương, song thành công sẽ đến khi bạn học được cách biểu đạt bằng cơ thể, dù đó là động tác nhún gối hay ngã bệt xuống đất, và dù bạn sử dụng cơ thể để sáng tạo nên một tuyệt tác âm nhạc hay điêu khắc. 

RÈN LUYỆN TRÍ THÔNG MINH VẬN ĐỘNG CƠ THỂ 

Như nhiều loại hình trí thông minh khác, bạn có thể hiểu trí thông minh vận động cơ thể rõ hơn thông qua việc hình dung. Thực tế, có nhiều người tư duy tốt hơn bằng cách sử dụng cơ thể, hay trí thông minh về vận động cơ thể để hình dung. Hãy nhắm mắt và hình dung những tình huống sau. Đừng chỉ mô tả về chúng − bạn hãy cố gắng hình dung những gì thật sự cảm thấy trên cơ thể. Cơ thể bạn trải qua những cảm giác gì? Bạn cảm thấy nóng hay lạnh? Ẩm ướt hay nóng bức? Căng thẳng hay thoải mái? Bạn ngửi, nhìn, nghe, sờ mó và thậm chí là nếm được cái gì? 

• Bạn đang nâng một vật nặng.

• Bạn đi dạo và bị trượt chân trên một tảng băng trơn.

• Bạn thực hiện hai lần cú nhảy lộn nhào trên ván nhún ở bể bơi. 

• Bạn đang tắm bùn.

• Bạn chơi đánh đu ở ngoài sân.

• Bạn đi trên chiếc tàu lượn siêu tốc nhanh nhất thế giới.

Bạn có khả năng cảm nhận được những cảm giác bên trong cơ thể như nâng một vật nặng, bị trượt ngã và quay tròn? Bạn có cảm nhận được bùn giữa những ngón chân, gió táp vào mặt khi chiếc xích đu đung đưa, hoặc những cú nhào lộn của chiếc tàu lượn siêu tốc khi nó nhào lên nhào xuống ở sườn đồi không? Những cảm giác của cơ thể mà bạn cảm nhận được trong hình dung là những ví dụ về việc hình dung thuộc về cảm giác vận động hay chính là sự suy nghĩ bằng cơ thể. Làm chủ được cơ thể thông qua những tình huống này giúp bạn trở nên sáng tạo, thậm chí còn “đánh bóng” các kỹ năng giải quyết vấn đề.

Nhiều nhà tư tưởng luôn sử dụng trực giác trong công việc. Nhà thiết kế ghế trường kỷ hoặc nội thất ôtô thường sử dụng sự suy nghĩ bằng cơ thể khi họ hình dung mọi người ngồi lên những chiếc ghế có kiểu dáng khác nhau sẽ cảm thấy như thế nào. Đây là cách thức của cơ thể giúp bạn xử lý thông tin, ví dụ, bạn có thể phát minh những trò chơi thú vị, thiết kế những công trình khoa học phức tạp hay một chiếc điện thoại di động tốt hơn. Thậm chí, các vận động viên cũng sử dụng cách suy nghĩ bằng cơ thể để cải thiện thành tích của mình − dù họ là huấn luyện viên thể dục đang luyện tập những hành động ngã hay cầu thủ bóng rổ đang luyện tập những cú ném tự do. 

Bạn có thể nhận thấy trí thông minh vận động cơ thể − tự nó bừng sáng khi bạn sử dụng các khả năng để sáng tạo nên những gì mình đang nghĩ đến. Khi viết một câu chuyện, bạn có thể xây dựng một tòa lâu đài hoặc một con tàu vũ trụ, điều này giúp bạn mường tượng về những gì bạn muốn nhân vật của mình thực hiện. Hoặc bạn có thể nặn mô hình bằng đất sét về các con vật đang nghiên cứu. Hay xây dựng một mô hình ngôi nhà mà bạn muốn xây trong tương lai. (Các kiến trúc sư thường xây dựng những mô hình rất nhỏ hoặc thu nhỏ về ngôi nhà mà họ đã vẽ trên giấy).

Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm hiểu và xử lý thông tin thông qua năm giác quan, đặc biệt là xúc giác. Bạn có thể thu nhận được nhiều thông tin về một thứ gì đó chỉ bằng cách sờ nắm. Bạn mường tượng về hình dáng của nó, nó có bao nhiêu phần hoặc nó lạnh hay nóng, mềm hay rắn, trơn nhẵn hay xù xì. Tìm hiểu thông qua xúc giác có thể phát triển sự nhạy cảm về xúc giác. Khi trở nên nhạy cảm hơn để nhận thức sự vật theo cách này, bạn có thể mường tượng về những sự vật mà không cần phải nhìn chúng.

Để luyện tập sự nhạy cảm về xúc giác, bạn có thể tạo một bộ sưu tập “những thứ ưa thích để sờ nắm” với hình dáng và kết cấu bạn thích. Đó có thể là bất cứ thứ gì, từ mảnh vải vụn cho tới hạt càphê khô. Hãy tạo ra một trò chơi về khả năng xúc giác − đặt một vật bí mật vào chiếc hộp và sau đó bạn cố đoán xem chúng là cái gì chỉ bằng cách cảm nhận về hình dáng và kết cấu của chúng. Một trò chơi thú vị trong lễ Halloween là sử dụng những món ăn như món mì ống, chất làm thạch và nho ướp lạnh khiến bạn bè tin rằng họ đang sờ chạm những thứ sởn gai ốc như bộ óc và nhãn cầu.

Bạn có thể tìm hiểu nhiều điều thông qua xúc giác (và nhiều giác quan khác), nhưng chúng sẽ trở nên phong phú hơn khi bạn di chuyển vòng quanh. Nhiều người thường di chuyển trong khi suy nghĩ. Đi dạo hoặc di chuyển vòng quanh giúp họ giải quyết vấn đề, nghiên cứu và lý giải các sự việc. Để ý bạn sẽ thấy các giáo viên thường đối đáp khéo léo trong mọi tình huống, trả lời các câu hỏi của bạn và giải thích những khái niệm mới trong khi họ đi quanh phòng học. 

Những ý tưởng tuyệt vời nhất thường đến khi bạn đang di chuyển; suy nghĩ sẽ trở nên dễ dàng hơn khi bạn đùa nghịch với một vật gì đó trong tay hoặc đi dạo, tập thể dục hay đi bộ đường dài. Và không chỉ có mình bạn đâu! Có rất nhiều người sáng tạo và ham hiểu biết đều nhận thấy rằng hoạt động di chuyển giúp họ tập trung đầu óc tốt hơn.

Đôi lúc bạn sẽ thấy nản lòng khi dạy những đứa trẻ có trí thông minh vận động cơ thể học theo cách thức truyền thống: ngồi vào bàn, chăm chú nhìn bảng viết và lắng nghe giáo viên giảng bài. Phải chăng bạn sẽ lĩnh hội tốt hơn nếu di chuyển xung quanh hay sờ nắm các đồ vật khi tìm hiểu chúng? Một số đứa trẻ có trí thông minh vận động cơ thể thậm chí bị gán là hiếu động thái quá hoặc mắc hội chứng ADHD . Bạn có thể là một trong những đứa trẻ đó. Nếu bạn thích di chuyển nhiều, cần phải gắn với các sự vật để tìm hiểu chúng hoặc thích đụng chạm thân thể nhiều hơn khi khám phá một điều gì đó mới mẻ, thì lúc đó bạn có thể được gọi là hiếu động thái quá hoặc mắc hội chứng ADHD.

Điều này không có nghĩa là nếu hoạt động nhiều, bạn sẽ trở thành “người thái quá” hoặc thích di chuyển xung quanh trong khi học là bạn bị “rối loạn trong việc học”. Tuy nhiên, rất có thể bạn có trí thông minh vận động cơ thể và được gắn với một “nhãn mác” ví như ADHD. Nếu vậy, bạn sẽ cảm thấy bối rối, buồn bã hay lo lắng.

Một phần của vấn đề đó là hội chứng ADHD hay “người thái quá” có thể ngăn cản bất cứ ai, kể cả bạn, nhìn thấu được con người bên trong bạn là ai, bạn học như thế nào và làm điều gì là tốt nhất. Nếu gặp khó khăn trong trường học, đó có thể là vì bạn hoạt động quá nhiều. Hầu hết các trường học đều không có bất cứ thứ gì để bạn làm với tất cả nguồn trí thông minh tiềm tàng, ngoại trừ việc đi ra ngoài trong giờ giải lao. Ở trường học, thời gian ngồi học nhiều hơn so với thời gian giải lao. Nếu bạn không ngồi yên được một chỗ và quên các bài tập ở lớp, thì khi đó bạn và giáo viên đều nản chí. 

Bất cứ khi nào bạn bị gán cái “mác” đó hoặc không, hãy nói chuyện với bố mẹ và giáo viên để tìm cách giải phóng nguồn trí thông minh tiềm tàng. Hãy hỏi giáo viên, họ sẽ chỉ cho bạn những phương pháp học tập khác nhau. Xây dựng các mô hình, diễn kịch trào phúng hay sáng tạo những thứ khác, tất cả đều là kế hoạch bạn có thể thực hiện ở trường học. Hãy tìm kiếm những hoạt động ngoại khóa giúp bạn tập trung và sử dụng trí thông minh vận động cơ thể, phát huy tinh thần ham học hỏi. Chơi thể thao, khiêu vũ cổ điển hay diễn kịch đều là những cách thức tuyệt vời để bạn làm được điều đó.

Tất cả nguồn trí thông minh vận động cơ thể bên trong sẽ có giá trị nếu bạn sử dụng sáng tạo và hữu ích. Hãy nhớ rằng bạn luôn có những tấm gương mẫu mực để noi theo. Một số nhân vật nổi tiếng từng bị gán là mắc hội chứng ADHD hay hiếu động thái quá như các diễn viên và diễn viên hài Jim Carrey, Tracey Gold và Bill Cosby; các vận động viên Nolan Ryan và Michael Jordan hay đạo diễn phim Steven Spielberg. Bằng việc khơi dậy sự hoạt động tích cực và trí thông minh vận động cơ thể tuyệt vời của bản thân, những con người này đã đạt được thành công. Theo cách đó, họ đã giành được nhiều phần thưởng, thành lập các hội từ thiện, quyên góp hàng triệu đôla vì những mục đích cao cả và có ảnh hưởng tới cuộc sống của rất nhiều người. Vậy nguồn trí thông minh này sẽ dẫn bạn đến đâu?

Một Số Cách Thức Thú Vị Giúp Phát Triển Trí Thông Minh Vận Động Cơ Thể

Sau đây là một số cách giúp bạn phát huy và tận hưởng trí thông minh vận động cơ thể. Hãy thực hiện những hành động lôi cuốn bạn, bất kể bạn nghĩ trí thông minh vận động cơ thể của mình như thế nào.

1. Luyện tập khả năng phối hợp tay-mắt. Học cách tung hứng – đó là một hoạt động tuyệt vời đòi hỏi sự kết hợp giữa mắt, trí óc và tay. Ngoài ra, các hoạt động khác cũng giúp phát triển khả năng này như chơi bi, ping pong  và trò chơi điện tử. Tất cả những hoạt động đó kết hợp với sự định hướng rõ ràng sẽ giúp bạn phát triển các phản xạ.

2. Phát triển khả năng phối hợp tay-mắt thông qua các môn thể thao. Bạn có thể đánh bóng rổ, ném móng ngựa hoặc phi tiêu, chơi bowling. Hãy luyện tập các kỹ năng đánh tennis, các cú giao bóng chuyền hay đánh bóng bằng gậy.

3. Thực hiện những hành động có vẻ ngớ ngẩn. Hãy luyện tập những trò đùa như một kẻ ngớ ngẩn. Ví dụ: cố gắng làm cho đầu lưỡi chạm vào chóp mũi, mường tượng cách làm lỗ mũi loe ra hoặc nhướn lông mày, tạo những âm thanh khác thường bằng cách khum bàn tay lại thành hình chén ở trong nách, tiếp đó kéo bàn tay đi lên đi xuống. Luyện tập cách ngọ nguậy đôi tai (đối với một số người thì đây là việc rất khó!). Dùng ngón chân viết tên vào một mảnh giấy. (Bạn có thể làm những việc gì với các ngón chân mà thông thường phải dùng các ngón tay?).

4. Chơi trò chơi đố chữ với người thân và bạn bè. Trò chơi đố chữ là một cách thức tuyệt vời để thể hiện ý nghĩ bằng cách sử dụng cơ thể. Nếu bạn thích thú với trò chơi này, hãy thực hiện một “cuộc đối thoại” với bất cứ ai mà không sử dụng lời nói.

5. Tìm kiếm ý tưởng trong khi di chuyển và luyện tập. Luôn giữ một cuốn sổ tay nhỏ hoặc máy ghi âm bên mình khi bạn chạy bộ hoặc đi bộ đường dài. Hãy viết hoặc phác thảo bất cứ ý tưởng thú vị nào mà bạn có. Bạn có thể sáng tác thơ, giải quyết được các vấn đề toán học hoặc vẽ phác thảo ý tưởng.

6. Học cách mát-xa vai cho bạn bè và người thân. Mátxa vai thường mang lại cảm giác thoải mái, vì vậy khi mátxa cho người khác, bạn cần tìm hiểu cách thức hoạt động của các cơ bắp, họ thích những gì và họ trở nên căng thẳng ra sao. Trước khi bạn định mát-xa vai cho ai đó, phải luôn đảm bảo đã đưa ra những câu hỏi kiểm tra để thấy rằng họ thích những gì bạn làm. Những gì mang lại cảm giác thoải mái cho người này lại có thể gây nhột hoặc làm đau người khác. 

7. Suy ngẫm về một ý tưởng và thực hiện nó. Sử dụng đất sét, ghim kẹp giấy, giấy bồi, dụng cụ ống nạo, hộp, giấy xây dựng hoặc bất cứ vật liệu nào khác bạn tìm thấy quanh nhà. Trí óc sẽ được “duỗi” ra khi bạn kéo căng các ngón tay.

8. Rèn luyện cơ thể. Hãy rèn luyện để tim và phổi khỏe mạnh, đồng thời nâng cao khả năng chịu đựng bằng các hoạt động thể dục nhịp điệu. Các hoạt động này bao gồm: nhảy, chạy đua, chạy bộ, đi bộ nhanh, thể dục nhịp điệu hoặc đi xe đạp. Hãy phát triển sức mạnh thể chất bằng các bài tập như chống đẩy, đẩy xà đơn, nằm xuống rồi ngồi dậy thẳng lưng, chân duỗi thẳng hay nâng tạ. Thực hiện các bài tập co giãn như làm cơ thể ấm hoặc lạnh để nâng cao sức bền và các hoạt động thể dục nhịp điệu giúp cơ thể linh hoạt hơn.

9. Học một môn nghệ thuật hoặc nghề thủ công. Tìm hiểu các công việc như đan len, móc len, dệt, may vá, thêu thùa, xâu vòng, làm dây trang sức bằng nút, thắt nút dây (để câu cá), xây dựng mô hình hoặc thuật viết chữ đẹp. Với sự hỗ trợ của người lớn, trẻ em có thể khám phá các hoạt động như làm mộc, khắc gỗ, nấu ăn hoặc làm kính màu.

10. Giải tỏa căng thẳng và thư giãn. Bạn nên tìm hiểu những cách thức để nhận thức về cơ thể tốt hơn cũng như biết cách thư giãn khi rơi vào tâm trạng căng thẳng. Tâm trạng này ảnh hưởng đến cả cơ thể lẫn trí óc, vì vậy khi lo lắng về bài kiểm tra, bài tập về nhà hay về người thân, đó chính là lúc bạn cần tìm cách giải tỏa căng thẳng. Hãy để cơ thể được nghỉ ngơi. Nằm xuống và bắt đầu thở sâu. Bắt đầu từ các ngón chân, gồng các cơ bắp lên và sau đó thả lỏng chúng trong khi bạn thở ra. Tiếp tục làm như vậy với bàn chân và bắp chân, cứ tiếp tục cho đến khi bạn đạt được trạng thái thư giãn lên tới đỉnh đầu. Yoga và thái cực quyền là những cách thức hữu hiệu để loại bỏ căng thẳng. Chúng sẽ giúp bạn học tốt, ngủ ngon và tinh thần lạc quan hơn.

11. Tham gia một lớp kịch hoặc thử một vai diễn. Ở trường, bạn có cơ hội tham gia những vở kịch ngắn trào phúng của lớp hoặc một vở kịch của trường. Nếu thích diễn kịch, hãy tìm kiếm những địa điểm thuộc khu vực sinh sống − những nơi bạn có thể tham gia, ví dụ các nhóm kịch cộng đồng hoặc nhóm giáo dục đồng đẳng . Ở đó, bạn có thể diễn những vở kịch ngắn trào phúng hoặc các vở kịch theo chủ đề như cuộc sống, nạn ma túy và nạn côn đồ…

12. Tham gia các khóa học võ thuật. Võ thuật có nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ: aikido có tính chất phòng thủ thuần túy sẽ dạy cho bạn cách sử dụng chính đòn của đối thủ để chống lại họ; karate, jujitsu  hoặc taekwondo đề cao cách tiếp cận mang tính chủ động hơn. Một lớp học đòi hỏi phải có nhiều đối thủ để mọi người luyện tập cách tấn công, rèn luyện tính kiềm chế và tinh thần kỷ luật. Hãy tìm một lớp học ưng ý và phù hợp với khả năng của bạn. Các trung tâm cộng đồng là nơi lý tưởng để bạn tìm kiếm các lớp học địa phương. 

13. Tập trung học hoặc tự luyện tập một môn thể thao cá nhân. Các môn thể thao cá nhân bao gồm: bơi, chạy, bắn cung, trượt ván, đi xe đạp, trượt tuyết… Bạn có thể luyện tập cùng người khác hoặc thi đấu trong một đội, nhưng bạn có thể tự mình làm tốt những hoạt động này. Thể thao giúp bạn rèn luyện cơ thể, kết bạn và giải tỏa căng thẳng.

14. Tham gia đội thể thao trong khu phố hoặc ở trường học. Nếu bạn thích chơi thể thao cùng người khác, hãy tìm kiếm cơ hội ở trường học hoặc trong khu phố của mình. Nếu mới bắt đầu, bạn có thể thử với các môn thể thao của trường, thành phố, khối phố hoặc với nhóm bạn hàng xóm. Nếu bạn muốn tìm kiếm một môn thể thao thoải mái hơn, hãy cùng bạn bè chơi những môn thể thao tự chọn như bóng rổ, bóng chày, khúc côn cầu, bóng chuyền hoặc bóng đá. Nếu bạn muốn thi đấu và cạnh tranh nghiêm túc, hãy chơi trong đội thi đấu của trường hoặc khu phố.

Bạn Phải Làm Gì Khi Chưa Tự Tin Với Các Kỹ Năng Thuộc Trí Thông Minh Vận Động Cơ Thể?

Nếu bị hụt chân hoặc gặp khó khăn trong khi bắt bóng, thì bạn vẫn có trí thông minh vận động cơ thể. Sẽ không vấn đề gì nếu bạn đang trong trạng thái sung mãn nhất, khi tất cả các loại hình trí thông minh khác đều tin tưởng vào các kỹ năng của trí thông minh vận động cơ thể. Bạn không thể sáng tác một câu chuyện tuyệt hay nếu không thể cầm được cây bút chì hoặc chỉ gõ bàn phím với những ngón chân. Bạn cũng không thể chơi trống nếu thiếu sự phối hợp giữa tay và chân.

Bạn sử dụng tất cả kỹ năng thuộc về trí thông minh vận động cơ thể trong mọi thời điểm, dù bạn có nhận ra điều đó hay không. Bạn có thể sử dụng các loại hình trí thông minh khác khi cơ thể sung mãn hoặc thoải mái nhất nhằm phát huy trí thông minh vận động cơ thể.

Sau đây là bảy thức cách đạt được điều đó:

•  Nếu bạn có trí thông minh ngôn ngữ: Ngâm thơ, kể chuyện hoặc đọc những câu chuyện về các hoạt động và bộ môn thể thao bạn yêu thích, đọc sách báo để học hỏi và thu thập thông tin. Luyện tập chữ viết bằng cách viết nắn nót các bài thơ hoặc đoạn văn yêu thích. Đi dạo và mang theo một cuốn sổ ghi chép để viết lại các ý thơ hoặc cốt truyện chợt nảy trong đầu.

•  Nếu bạn có trí thông minh âm nhạc: Hãy luyện tập với âm nhạc. Chuyển động nhuần nhuyễn theo giai điệu của bài hát hoặc tạo ra những nhịp điệu riêng khi nhảy dây, nhảy tự do hay chạy bộ.

•  Nếu bạn có trí thông minh logic: Hãy sử dụng khả năng phán đoán tài tình về các con số và logic để tính toán những góc lý tưởng nhất khi ném bóng rổ, đánh bóng chày, quần vợt hoặc đá bóng. Bạn nên tìm hiểu quy tắc của các trò chơi thật nghiêm túc và tính toán các chiến lược khác nhau. 

•  Nếu bạn có trí thông minh không gian: Vẽ, quét sơn và điêu khắc đều sử dụng các kỹ năng thuộc trí thông minh vận động cơ thể, vì vậy, bạn hãy thử nghiệm chúng. Khi sơn hoặc vẽ, trước tiên bạn phải sử dụng những nét bút lớn, sau đó là những nét bút nhỏ. Có thể từ nhỏ đến giờ bạn chưa từng sơn vẽ, vậy hãy thử xem. Sử dụng một nhóm màu và vui đùa với cảm giác đặc biệt về bức tranh của bạn. Bạn cũng có thể nặn đất sét để rèn luyện cơ tay.

•  Nếu bạn có trí thông minh tương tác cá nhân: Hãy tham gia những môn thể thao đồng đội như bóng rổ, bóng chuyền hay bóng đá. Các đội thể thao của trường, thành phố và khu phố là nơi lý tưởng để bạn gặp gỡ mọi người cũng như phát triển kỹ năng thuộc trí thông minh vận động cơ thể. Hoặc thử môn trượt băng, đi dạo, nhảy hay chạy bộ với một người bạn. Những hoạt động thể chất đó sẽ thú vị hơn nhiều nếu có một người bạn đồng hành.

•  Nếu bạn có trí thông minh nội tâm: Cố gắng chơi các môn thể thao cá nhân như bơi hay chạy. Khi cảm thấy thoải mái với một môn thể thao nào đó, bạn có thể tìm khoảng thời gian đặc biệt trong ngày để tự mình thực hiện. 

•  Nếu bạn có trí thông minh thiên nhiên: Hãy đi dạo hay chạy trong một cánh rừng hoặc ở vùng lân cận. Lắng nghe âm thanh của tự nhiên trong khi bạn nhảy, nhảy dây hay luyện tập bằng bất cứ cách thức gì.

Điều Gì Sẽ Xảy Ra Nếu Bạn Có Trí Thông Minh Vận Động Cơ Thể Tuyệt Vời?

Sở hữu trí thông minh vận động cơ thể, bạn có thể trở nên tốt hơn. Nếu bạn chơi thể thao, hãy thử chơi cho đội bóng của trường. Hoặc thử một môn thể thao khác biệt hoàn toàn – nếu bạn thích bóng chuyền, hãy thử bóng rổ hay đi xe đạp. (Michael Jordan đã chuyển từ bóng rổ sang bóng chày, chỉ đơn giản là anh cố gắng làm những gì mình muốn). Bạn cũng có thể làm một việc gì đó thật sự khác biệt để luyện tập trí thông minh vận động cơ thể tiềm tàng. Nếu bạn có biệt tài với đôi tay, hãy sử dụng chúng để học một loại nhạc cụ hoặc vận động toàn thân để học một môn thể thao. Ngoài ra, bạn có thể vận dụng sáng tạo và thực nghiệm bằng cách sử dụng cơ thể để bộc lộ bản thân thông qua hành động hay điệu nhảy.

Các kỹ năng thuộc về trí thông minh vận động cơ thể giúp bạn phát triển các loại hình trí thông minh khác. Sau đây là một số ý tưởng giúp bạn sử dụng trí thông minh vận động cơ thể để hiểu và phát triển các loại hình trí thông minh khác trong trường học cũng như cuộc sống. 

•  Đối với trí thông minh ngôn ngữ: Bạn nên kết hợp cơ thể với ngôn ngữ. Ghi chép toàn bộ vốn từ của bạn hoặc đánh vần các từ và dùng ngón tay dò theo từng chữ. Hoặc dùng các chữ có đính nam châm để tạo ra một câu chuyện hay bài thơ (giống như trò chơi ghép chữ). 

•  Đối với trí thông minh âm nhạc: Hãy sử dụng điệu nhảy như một cách thức để nghe và thưởng thức âm nhạc. Chú ý đến nhịp điệu, kiểu cách và giai điệu mà cơ thể đón nhận và chuyển động theo. Luyện tập thể dục nhịp điệu − bộ môn phối hợp chặt chẽ với âm nhạc, là một cách rất hiệu quả.

•  Đối với trí thông minh logic: Hãy thử làm thứ gì đó như một cái giá, tủ sách nhỏ hay chiếc hộp. Bạn sẽ học được nhiều phép toán bằng cách đo đạc đồ vật và ước lượng số nguyên liệu cần thiết. Thậm chí, bạn sẽ làm một số bài tập hình học vì bạn phải hiểu các góc cần như thế nào để tạo nên một kết cấu vững chắc.

•  Đối với trí thông minh không gian: Hãy thực nghiệm bằng xúc giác và khả năng cảm thụ đối với các loại chất liệu nghệ thuật khác nhau. Đắp tượng bằng đất sét, làm giấy bồi, sơn bằng bàn tay và ngón tay (thay vì dùng bút vẽ) và vẽ phấn màu là những cách thức tuyệt vời để bạn “chơi đùa” với xúc giác và kết cấu nghệ thuật; ngoài ra, bạn còn được biết thêm về thuật vẽ, mô hình, phối cảnh và màu sắc. 

•  Đối với trí thông minh tương tác cá nhân: Hãy tìm hiểu các trò chơi ảo thuật. Ảo thuật cần đến một đôi tay nhanh nhẹn. Nhiều trò ảo thuật nghiên cứu cách con người phản ứng lại với nó – làm thế nào để làm rối trí khán giả theo cách thức bạn thực hiện thủ thuật, giúp họ giải trí trong khi bạn trình diễn và mê hoặc họ là cách mà các thủ thuật thường tiến hành.

•  Đối với trí thông minh nội tâm: Thực hiện các hoạt động giúp bạn tập trung trí não và suy nghĩ về một ngày của mình. Yoga và thái cực quyền là các hoạt động lý tưởng, chúng dạy bạn cách suy ngẫm cũng như tạo các tư thế của cơ thể. (Xem phần “Sự kết nối giữa trí óc và thân thể” để hiểu rõ hơn). Các môn thể thao bạn có thể tự thực hiện như chạy và đi xe đạp cũng là cách thức tuyệt vời để tạo nên những thời điểm suy ngẫm. 

•  Đối với trí thông minh thiên nhiên: Hãy tiếp tục giao lưu, đi bộ hay đi dạo với hàng xóm của bạn. Dọc đường đi, bạn nên tìm kiếm càng nhiều loài chim càng tốt hoặc thu thập các loài hoa cỏ khác nhau, ép khô và cất giữ chúng trong bộ sưu tập. Nếu sống trong thành phố, bạn hãy tìm kiếm các tòa nhà, vỉa hè, biển hiệu và ôtô có kiểu dáng hay màu sắc yêu thích. Bạn sẽ nhận thấy những thứ thú vị mà trước đây bạn không hề chú ý và có thể hiểu thêm về nơi mình sinh sống.

  Hướng Tới Tương Lai

Bạn có thể làm nghề gì với trí thông minh vận động cơ thể? Rất nhiều! Dưới đây là một số ngành nghề bạn có thể lựa chọn:

• biểu diễn nhào lộn 

• diễn viên

• thợ đóng tủ

• thợ mộc

• biên đạo múa

• diễn viên xiếc

• công nhân xây dựng/thợ xây 

• người trang điểm 

• thợ thủ công (thợ gốm, thợ thổi thủy tinh, thợ dệt, thợ đan rổ rá…) 

• vũ công 

• nha sỹ

• công nhân nhà máy 

• huấn luyện viên thể dục 

• thợ làm đầu 

• thợ kim hoàn 

• công nhân thuộc da 

• vệ sỹ 

• nhà ảo thuật

• bác sỹ mát xa 

• võ sỹ 

• công nhân cơ khí

• diễn viên kịch câm 

• nhạc sỹ 

• nhạc trưởng 

• giáo viên dạy thể dục 

• nhà vật lý trị liệu

• vận động viên chuyên nghiệp

• nhà điêu khắc 

• nhà phẫu thuật 

• thợ may 

• thợ hàn 

• thợ cưa 

• và rất nhiều ngành nghề khác nữa!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.