Bạn Thông Minh Hơn Bạn Nghĩ

Chương 4: Trí Thông Minh Không Gian



 Trắc Nghiệm Nhanh

Bạn có:

• nhớ khuôn mặt giỏi hơn nhớ tên?

• thích phác thảo các ý tưởng để tìm cách giải quyết vấn đề?

• nghĩ về các bức tranh và dễ dàng tái hiện các sự vật trong đầu?

• thích xây dựng?

• thích tháo các vật ra rồi ghép chúng lại?

• làm việc với các vật liệu vẽ như giấy, màu và bút vẽ?

• thích xem phim hoặc video?

• chơi các trò chơi điện tử?

• chú trọng đến phong cách ăn mặc, đầu tóc, xe cộ hoặc vật dụng hàng ngày?

• đọc và vẽ bản đồ để giải trí?

• thích xem tranh, ảnh và nói chuyện về tranh ảnh?

• xem những hình mẫu xung quanh bạn?

• vẽ hoặc nguệch ngoạc trên giấy?

• vẽ một cách chi tiết và chân thực?

• nhớ rõ những hình ảnh bạn đã được học?

• học bằng cách nhìn người khác làm?

• giải các câu đố về thị giác, mê cung hoặc ảo giác?

• thích dựng các mẫu vật trong không gian ba chiều (3-D)?

 Nếu câu trả lời là “có” cho bất kỳ câu hỏi nào ở trên, bạn chính là người có trí thông minh không gian!

 Trí Thông Minh Không Gian Là Gì?

Trí thông minh không gian là học và suy nghĩ bằng hình ảnh – nhưng có thể suy rộng hơn như vậy. Bạn có trí nhớ rất tốt đối với khuôn mặt và địa điểm hoặc có khả năng chú ý đến các chi tiết nhỏ mà người khác thường bỏ qua. Nhìn chung, khi học theo cách thay thế ngôn từ bằng hình ảnh, bạn sẽ ghi nhớ tốt hơn. Bạn có giác quan rất tốt khi liên kết các sự vật với nhau trong một không gian cho phép (trí thông minh về không gian). Ví dụ: bạn có thể sắp xếp lại căn phòng của mình vài lần trong đầu mà không cần di chuyển bất kỳ đồ vật nào. Trí thông minh không gian cũng thể hiện khi bạn đọc bản đồ, tìm ra đường đi ở những nơi xa lạ hoặc rất thành thạo trong việc tách rời các đồ vật rồi lại lắp ráp chúng với nhau.

Hãy nhìn ra xung quanh, bạn thấy những loại màu sắc, hình khối, tranh ảnh, bố cục, sự vật gì? Sau đó, hãy nhắm mắt lại. Những hình ảnh nào hiện lên trong tâm trí bạn? Sẽ có hai thế giới – một là tưởng tượng và một là hiện thực, cách bạn kết hợp chúng chính là chìa khóa để có trí thông minh không gian. Khả năng đó cho phép bạn biến những thứ mình nhìn thấy hoặc tưởng tượng thành hiện thực. Đó là lý do giải thích các họa sỹ và kỹ sư lại sở hữu trí thông minh không gian. Một số người có trí thông minh không gian thể hiện khả năng trong các hoạt động như hội họa, nhiếp ảnh, sản xuất phim hoặc thiết kế; trong khi một số khác lại bộc lộ qua công việc kiến trúc, tạo mẫu hoặc sáng chế.

Bạn đã bao giờ vẽ nguệch ngoạc lên phần lề của vở bài tập về nhà chưa? Hoặc vẽ trong khi đang làm những việc khác – như nghe giảng, xem tivi, nói chuyện điện thoại với bạn bè? Khi làm như vậy, không phải bạn đang lãng phí thời gian mà là đang thể hiện trí thông minh không gian. Các chuyên gia đã nhận định rằng việc vẽ nguệch ngoạc sẽ giúp bạn tư duy tốt hơn, bởi nó tác động lên các vùng trên não bộ (bao gồm cả khu vực của trí thông minh không gian). Bạn sẽ tư duy tốt hơn khi phác họa. Một số người nổi tiếng đã vẽ nguệch ngoạc trên giấy để tư duy tốt hơn, như nhà phát minh Thomas Edison luôn dùng một cuốn nhật ký để phác họa những ý tưởng. Charles Darwin, cha đẻ của Thuyết Tiến hóa, lại vẽ hình cây khắp cuốn sổ nháp (hình vẽ giúp ông suy nghĩ về các loài được phân chia giống như nhánh cây như thế nào). Bạn nên giữ một cuốn nhật ký bằng tranh hoặc vở nháp để lưu lại những ý tưởng bất chợt nảy sinh, chúng sẽ mang lại rất nhiều điều cho bạn.

Một số người có trí thông minh không gian thường gặp khó khăn ở trường học. Bởi hầu hết các trường học đều dành nhiều thời gian cho từ ngữ và con số hơn là các bức hình. Những người sở hữu trí thông minh không gian thường có xu hướng nghĩ về hình ảnh thay vì từ ngữ, họ có thể gặp rắc rối trong việc ghi nhớ các sự việc, ý tưởng được biểu hiện bằng từ ngữ hoặc con số. Các chuyên gia nhận thấy rằng hầu hết những đứa trẻ bị “thiểu năng học tập” hoặc mắc chứng khó đọc đều nhạy bén với hình ảnh. Chúng có thể trở thành họa sỹ hay nhà sản xuất phim hoạt hình giỏi, hoặc sửa chữa và xây dựng rất khéo – nhưng thật khó để thể hiện những thế mạnh này khi học trong trường.

 Những việc thường ngày sử dụng trí thông minh không gian

• vẽ hoặc sử dụng các dụng cụ vẽ để giải trí

• cắt dán 

• nặn đất sét, giấy bột hoặc những vật yêu thích 

• dùng khuôn, que gỗ,… để tạo những hình khối 3-D 

• xem tivi, video 

• phác họa hình ảnh giúp bạn nghĩ ra các ý tưởng giải quyết vấn đề 

• vẽ truyện tranh 

• làm phim với máy quay và máy tính 

• làm hoạt hình trên máy tính hoặc vẽ bằng tay

• thiết kế mẫu mới 

• chế tạo

• sưu tập những vật yêu thích và trưng bày thật đẹp mắt

• trang trí phòng hoặc khu vực trong nhà

• luôn ghi nháp

• chơi các câu đố thị giác hoặc ảo giác 

• chụp ảnh

 Nếu bạn là người có trí thông minh không gian, hãy tìm cách biến nó thành thế mạnh của mình. Ví dụ, nếu bạn phải nhớ tên 50 tiểu bang của Hoa Kỳ, hãy xem kỹ bản đồ thay vì viết tên các tiểu bang đó. Bạn có thể nhắm mắt và hình dung vị trí của các tiểu bang. Sử dụng trí nhớ thị giác có rất nhiều lợi ích, đặc biệt là trong việc học tập.

Bạn có thể làm gì với trí thông minh không gian?

 Sử dụng nó trong nhiều môn nghệ thuật khác nhau.

 Giải quyết các vấn đề và động não để đưa ra ý tưởng mới.

 Thiết kế và xây dựng từ các mô hình cho đến những tòa nhà.

Dưới đây là một số ý tưởng bạn có thể tham khảo để củng cố trí thông minh không gian của mình cả ở trong và ngoài trường học:

 Trình bày với giáo viên về cách bạn bổ sung các hình minh họa trong bài báo cáo hay bài tập về nhà. Nếu có thể, hãy vẽ hoặc dựng sơ đồ về những gì bạn được học. 

 Tình nguyện làm áp phích cho lớp học. Áp phích có thể để trang trí, treo tranh ảnh minh họa, ghi nội quy lớp học hoặc những chủ đề mà lớp bạn đang học.

 Yêu cầu thêm các hoạt động thủ công trong lớp học.

 Đề xuất các chuyến tham quan bảo tàng, triển lãm, phòng tranh hoặc văn phòng kiến trúc.

 Yêu cầu giáo viên trình bày ý tưởng theo phương pháp thị giác như một phần trong hoạt động giảng dạy. Trình chiếu trên máy chiếu, video, sơ đồ, biểu đồ, áp phích đều rất hiệu quả. (Bạn có thể tình nguyện giúp giáo viên tìm kiếm hoặc làm những sản phẩm này).

 Đề xuất lớp học làm các đoạn phim hoặc hoạt hình bằng các phần mềm máy tính.

 Thiết kế và xây dựng những mô hình mẫu để trình bày thông tin đã học, một phần của các báo cáo hay dự án.

ĐỂ CÓ TRÍ THÔNG MINH VỀ NGHỆ THUẬT

Bạn cho rằng hầu hết các họa sỹ đều là những người có trí thông minh không gian? Khả năng thị giác cũng như trí nhớ giúp họ vẽ giỏi hoặc làm tốt những công việc nghệ thuật khác? Có lẽ bạn muốn tự làm ra những tác phẩm nghệ thuật? Bạn có thể phác thảo hoặc vẽ hình minh họa, vẽ màu nước hoặc làm thủ công, chụp ảnh, điêu khắc, tạo hình bằng đất sét.

Nếu bạn thích sáng tạo nghệ thuật, thật thú vị khi được nhìn ngắm tác phẩm của các nghệ sỹ. Các bảo tàng nghệ thuật là minh chứng lớn nhất cho sự sáng tạo của họ. Rất nhiều bảo tàng nghệ thuật giảm giá vé cho trẻ em hoặc có những ngày vào cửa miễn phí. Bảo tàng luôn có các hướng dẫn viên, song bạn cũng có thể học được nhiều điều khi tự quan sát và khám phá. Bạn có thể vào các phòng tranh trưng bày tác phẩm của các họa sỹ đương đại. Nếu không thể trực tiếp đến, bạn có thể ghé thăm nhiều bảo tàng trên thế giới thông qua Internet. Thư viện địa phương cũng là một nơi tuyệt vời để bạn khởi đầu. Các cuốn sách nghệ thuật là con đường tốt nhất để bạn học. Khi được nhìn ngắm hay đọc về các tác phẩm nghệ thuật, bạn có thể học được những kỹ thuật khác như màu sắc, ánh sáng hay bố cục (học cách sắp xếp bố cục khi vẽ).

Bạn yêu thích nghệ thuật nhưng lại nghĩ rằng mình không có khả năng trong lĩnh vực đó? Hãy cố gắng thử nghiệm bằng cách sau: vẽ một sự vật ở quanh bạn  nó có thể là bất cứ thứ gì từ một con vật cho đến một cái hộp. Ngay sau khi hoàn thành, hãy bình luận về nó. Nó có giống với những gì bạn đang cố gắng phác họa không? Nó cân xứng hay một phần của nó quá to hoặc quá nhỏ? Bạn đã bổ sung các chi tiết hoặc tạo dáng cho nó chưa?

Đôi khi chúng ta gặp khó khăn bởi luôn cố gắng vẽ những gì mình thấy trong đầu thay vì những gì trước mắt. Nói cách khác, chúng ta phác thảo những thứ nhìn bằng tâm trí, chứ không phải những thứ nhìn bằng mắt.

Vậy sự khác biệt ở đây là gì? Giả sử bạn vẽ một cái hộp đựng ngũ cốc. Thay vì nghĩ nó là một cái hộp, hãy nhìn nó như một hình chữ nhật, với các đường thẳng, hình dáng của nó có phần sáng và phần tối. Hãy bắt đầu lại, bạn sẽ vẽ đường thẳng và các góc nhọn, sau đó vẽ khối của phần tối hơn để thấy được hình dáng đã bắt đầu hình thành. Khi nhìn lại hình vẽ lần nữa, bạn sẽ thấy nó giống một chiếc hộp hơn. Càng thực hành nhiều, bạn càng có kinh nghiệm.

Thậm chí, nếu không thể vẽ, bạn vẫn có thể là người có trí thông minh không gian và giỏi về nghệ thuật. Có rất nhiều cách để bạn làm nghệ thuật và bộc lộ khả năng hội họa. Dưới đây là một số ý tưởng bạn có thể tham khảo:

 Tạo hình bằng đất sét hoặc bột giấy. Nó giúp bạn khám phá các hình dạng, bố cục và sự cân xứng trong không gian ba chiều.

 Tạo hình động. Hình động là những vật thể treo lơ lửng. Chúng giúp bạn quen với hình ảnh, không gian và sự chuyển động ba chiều.

 Chụp ảnh. Đây là cách tuyệt vời để nghiên cứu màu sắc và độ sáng tối tùy theo vị trí và các cách thay đổi để tạo hiệu ứng cho bức ảnh.

 Xếp giấy nghệ thuật. Kỹ thuật xếp giấy là cách rất hay để giải trí với hình khối và màu sắc.

 Cắt dán. Bạn có thể cắt dán mọi thứ các loại giấy khác nhau, quần áo, tranh ảnh hay bất cứ vật gì. Khi cắt dán, bạn có thể học được cách sử dụng màu sắc, hình khối, vị trí và bố cục.

 Đồ họa vi tính. Chương trình đồ họa trên máy tính giúp bạn thực hiện dễ dàng các bố cục, hình dáng và mọi khả năng lắp ghép hợp lý các vật trong không gian ba chiều, với những khối hình phức tạp và màu sắc sinh động.

Những ý tưởng trên mới chỉ để bắt đầu. Bạn sẽ thấy thật sự thích tạo hình bằng đất sét và xây dựng các bộ phim hoạt hình từ các nhân vật được làm từ đất sét (bộ phim Phi đội gà bay là một ví dụ điển hình). Bạn cũng sẽ thích cắt dán trang trí những chiếc cốc thủy tinh nhiều màu sắc. Thú vui sáng tạo nghệ thuật sẽ thúc đẩy bạn đóng những cuốn sổ nháp hay làm những đồ dùng văn phòng thú vị cho bạn bè và người thân, viết những cuốn truyện tranh của riêng mình, thậm chí tự tay trang trí căn phòng. Bạn cũng sẽ quan tâm hơn đến nghệ thuật hay thủ công và tìm hiểu các lĩnh vực như đồ gốm, may vá, thiết kế quần áo, thêu dệt, làm trang sức hoặc đồ gỗ.

Có rất nhiều hoạt động nghệ thuật dựa vào năng lực thể chất (hay trí thông minh vận động cơ thể) của con người. Chúng đòi hỏi sự khéo léo, nhạy cảm của đôi tay hay sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tay và mắt. (Hãy đọc thêm về các kỹ năng này ở Chương 5). Có thể trong giai đoạn đầu, đôi tay không phải lúc nào cũng tuân theo sự điều khiển của bạn. Đã bao giờ bạn hình dung một bức tranh trong đầu nhưng không thể nào vẽ được như ý muốn? Câu trả lời là rồi. Khi bạn tập chơi nhạc cụ hay các môn thể thao mới, thời gian và sự rèn luyện là những gì bạn cần: hai yếu tố đó giúp bạn phát triển mọi năng lực thể chất của mình.

KHẢ NĂNG TƯ DUY VỀ KHÔNG GIAN 3-D

Bạn sẽ rất ngạc nhiên khi nhận ra mình cũng có trí thông minh không gian mà không cần phải giỏi hay yêu thích nghệ thuật. Một trong những yếu tố quan trọng nhất của trí thông minh không gian là khả năng nhận thức không gian – không phải không gian trong vũ trụ mà là không gian xung quanh bạn cùng các vật thể tồn tại trong đó. Một số người sở hữu trí thông minh không gian có thể tư duy về không gian ba chiều (3-D). Vậy sự khác nhau giữa không gian hai chiều và ba chiều là gì?

Vật thể nằm trong không gian hai chiều phẳng, giống như tranh hay ảnh. Nó không có nhiều lớp cũng như chiều sâu. Còn vật thể trong không gian ba chiều có cả các lớp lẫn chiều sâu. Hãy hình dung sự khác biệt khi bạn xem bức hình của một cái chai và việc bạn cầm cái chai đó trong tay. Trong không gian ba chiều, bạn có thể chạm vào nó, nhìn thấy nó từ mọi góc độ hay mang nó ra ánh sáng, đổ đầy nước và thậm chí có thể uống nước trong chai. Hoặc bạn hãy thử xem xét sự khác biệt giữa việc nhìn vào một mê cung trên giấy (không gian hai chiều) và thực tế được đi trong mê cung đó. Đây là hai trải nghiệm hoàn toàn khác nhau.

Với trí thông minh không gian, bạn có thể tưởng tượng mọi sự vật trong không gian ba chiều. Không phải ai cũng làm được, nhưng nếu bạn có thể, điều đó thật tuyệt! Bạn có thể nhìn thấy, cầm nắm hoặc chạm vào những vật ở trong đầu mình. Bạn có thể di chuyển chúng trong trí tưởng tượng và nhìn được chúng ở mọi góc độ khác nhau.

Thế giới chúng ta đang sống là không gian ba chiều. Vì vậy, bạn có thể thấy khả năng tư duy trong không gian ba chiều quan trọng như thế nào. Nó giúp bạn làm những việc đơn giản hàng ngày như tính toán số sách vở có chứa vừa trong cắp sách không, hoặc những vấn đề khó khăn hơn như xác định xem bạn có thể ghi được bàn thắng vào lưới ở vị trí đang đứng trên sân cỏ hay không.

Đây là một ví dụ về cách tư duy trong không gian ba chiều. Nhắm mắt lại và tưởng tượng một viên đá lạnh. Sau đó, để cho viên đá quay quanh tâm trí bạn và bạn có thể thấy nó từ nhiều góc độ khác nhau. Bạn có thể thấy nó đang tan chảy trong tâm trí và nhỏ dần, nhỏ dần!

Hãy làm một thử nghiệm phức tạp: tưởng tượng ba quả bóng golf (màu xanh lá cây, xanh dương và màu đỏ) xếp từ trái qua phải trên cùng một hàng. Đặt quả màu đỏ ở giữa hai quả còn lại. Bạn có thể làm được điều đó không? Nếu có thể, nghĩa là bạn đang di chuyển những hình ảnh đó xung quanh không gian ảo trong trí não. Bằng cách này, bạn đã chứng minh được có một không gian ba chiều trong đầu và bạn có thể di chuyển nó giống như đang di chuyển trong thế giới thực vậy.

Tất nhiên, bạn có thể tạo ra những hình ảnh phức tạp hơn viên đá hay quả bóng golf. Nếu muốn, hãy tưởng tượng theo gợi ý sau:

• chiếc xe yêu thích của bạn

• trò chơi đá bóng

• bên trong chiếc máy giặt

• một cốc kem

• nơi bạn sống

• đáy hồ hoặc đại dương

• một con tê giác vàng mặc đồ màu tía toát mồ hôi khi nhảy dây

• thầy giáo đi ngược trên trần nhà của lớp học

Bạn có thấy những hình ảnh đó không? Nếu câu trả lời là “không”, bạn vẫn có thể là người có trí thông minh không gian dù không hình dung chúng được rõ nét lắm. Bạn vẫn có trí tưởng tượng sống động khi tạo ra những khung cảnh và hình ảnh cho riêng mình. Nếu câu trả lời là “có”, bạn có thể nhìn thấy và di chuyển những hình ảnh đó trong không gian ba chiều không? Hãy thực hành thật nhiều lần nếu bạn muốn tiếp tục phát triển khả năng tư duy về không gian ba chiều. 

Bạn có thể làm gì với khả năng tư duy về không gian ba chiều? Câu trả lời là: hầu như mọi việc. Bạn có thể sử dụng chúng để giải trí (hình dung thầy giáo đi ngược trên trần nhà) hoặc để giải quyết các vấn đề khác. Ví dụ: bạn có thể tìm ra cách để sắp xếp công việc nhà, giải quyết được các khúc mắc về toán học như không gian, kích thước, khối lượng hoặc việc chơi cho đội bóng rổ của trường. 

Có rất nhiều cách sáng tạo để kết hợp trí thông minh không gian với tình yêu nghệ thuật, ví dụ như thiết kế. Những người có trí thông minh không gian khi trở thành nhà thiết kế đều để tâm đến những hình ảnh họ nhìn thấy trong cuộc sống hàng ngày. Họ thiết kế các cột báo, trang quảng cáo trong các ấn phẩm báo và tạp chí, hay cuốn sách mà bạn đang đọc. Họ tạo ra các trang web hoặc trò chơi điện tử. Họ thiết kế xe con và xe tải. Khi bước vào một cửa hiệu, bạn hãy chú ý tới các mẫu thiết kế, từ tấm biển trò chơi cho đến chiếc ga trải giường. Cũng nên để ý cả mặt tiền cũng như cửa sổ của cửa hiệu. Những người có trí thông minh không gian đều có thể làm được các mẫu thiết kế như vậy.

 Công việc kiến trúc, thiết kế và xây dựng là ví dụ khác khẳng định tư duy về không gian ba chiều có thể giúp bạn sáng tạo và giải quyết khó khăn, nhưng ở phạm vi rộng lớn hơn. Kiến trúc là nền tảng của khả năng tư duy về không gian ba chiều. Kiến trúc tạo ra những công trình mà con người sử dụng để sinh hoạt, làm việc, buôn bán, tổ chức các sự kiện, vì vậy họ phải hình dung tất cả các hoạt động đó được tiến hành trong không gian ba chiều.

Ban đầu, mỗi tòa nhà sẽ được phác họa trong không gian hai chiều. Những phác họa này được gọi là sơ đồ hay kế hoạch chi tiết, giải thích các tầng khác nhau của tòa nhà được thiết kế như thế nào. Các kiến trúc sư thường làm một (hoặc nhiều) mô hình mẫu khi thiết kế một tòa nhà. Những mô hình này được làm rất công phu, tỉ mỉ, chúng có thể trở thành mẫu chính hoặc bản nháp. Chúng giúp các kiến trúc sư có thêm ý tưởng thiết kế và phát hiện những vấn đề bất cập.

Nhiều kiến trúc sư, như Frank Lloyd Wright và Antonio Gaudi, rất nổi tiếng trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc. Wright được biết tới bởi những kiến trúc có phong cách mở và kết cấu sáng tạo. Nếu phòng khách nhà bạn có một mặt sàn mở, thì bạn phải cảm ơn Frank Lloyd Wright. Ông đã thay đổi hoàn toàn không gian sống ở Mỹ và hầu hết mọi ngôi nhà đều có ít nhất một yếu tố mang dấu ấn thiết kế của ông. Wright cũng đưa tường kính vào thiết kế nội thất trong ngôi nhà của mình. Gaudi lại nổi tiếng với lối kiến trúc mang tính nghệ thuật mạnh mẽ của Tây Ban Nha. Một số công trình của ông được bao quanh bởi những chi tiết trang trí và điêu khắc giống như nhà thờ Sagrada Familia ở Barcelona, trong khi những công trình khác có mái vòm giống như bị bẻ cong hoặc tạo cảm giác như đang tan chảy bên lề đường! Quả thực mỗi kiến trúc sư có một phong cách nghệ thuật riêng.

Nếu bạn cho rằng mình phải trưởng thành hơn mới có được những ý tưởng như thế thì hãy nhớ rằng Maya Lin đã giành giải thưởng về ý tưởng thiết kế khi mới 21 tuổi. Cô đã thiết kế đài tưởng niệm tại Washington D. C cho những liệt sỹ hy sinh ở Việt Nam. Ngày nay, thiết kế của cô đứng giữa đài tưởng niệm Washington và khu lưu niệm Lincoln. Cô cũng là tác giả của đài tưởng niệm Civil Rights ở Alabama, lấy cảm hứng sáng tác từ một câu nói nổi tiếng của Martin Luther King. Cả trong kiến trúc và điêu khắc, Maya đều cố gắng truyền tải nguồn cảm hứng từ môi trường xung quanh vào tác phẩm của mình, từ những khu vườn Nhật Bản cho đến kết cấu theo truyền thống Mỹ. Hãy tin rằng một ngày nào đó bạn sẽ thành công nếu cố gắng trau dồi trí thông minh không gian của mình.

SỨC MẠNH CỦA SỰ SÁNG CHẾ

Vì khả năng tư duy và sáng tạo trong không gian ba chiều là cách giải quyết vấn đề hữu hiệu nên các nhà sáng chế cũng là người sở hữu trí thông minh không gian. Các nhà sáng chế, họa sỹ và nhà thiết kế đều có khả năng phát hiện ý tưởng từ thế giới xung quanh. Nơi họa sỹ tìm ra ý tưởng nghệ thuật cũng là nơi nhà sáng chế tìm ra vấn đề cần giải quyết như: cách thức để lau chùi hiệu quả, đi lại nhanh hơn, an toàn hơn, hoặc lưu giữ được một khối lượng thông tin khổng lồ (hay nói cách khác, đó là các phát minh về máy hút bụi, xe ôtô, máy bay, dây an toàn và máy tính).

Bạn có gặp vấn đề khó khăn gì không? Bạn đã sáng chế được thứ gì chưa? Nếu đang tìm kiếm ý tưởng, hãy nghĩ đến những việc làm hàng ngày: việc vặt trong nhà, thể thao, bài tập, sở thích, trường học, mua sắm hay công việc tình nguyện. Tất cả những hoạt động đó cần phải được giải quyết bằng ý tưởng sáng tạo. Có nhiều người đã sáng chế mọi thứ từ chổi có thể điều chỉnh đến máy quét giấy phép lái xe từ khi còn rất nhỏ. Thậm chí những cô bé, cậu bé còn được cấp bằng sáng chế nữa đấy!

Giống như các nhà văn, họa sỹ, nhà phát minh thường nảy ra ý tưởng chính từ sự mơ mộng. Đó thường là những hình ảnh xuất hiện ngay khi họ đang thức, không suy nghĩ điều gì quan trọng và cũng không cần phải cố gắng tư duy. Đôi khi sự mơ mộng đến chỉ vì bạn đang phiền muộn, đặc biệt là khi cố gắng tập trung vào một điều gì đó (ví dụ: làm bài tập hoặc nghe giảng). Nhưng nếu bạn học được cách sử dụng khả năng này, nó có thể giúp bạn đưa ra những ý tưởng tuyệt vời. Các nhà khoa học đã khám phá những điều đáng kinh ngạc cũng nhờ những giấc-mộng-ban-ngày của họ.

Albert Einstein là một người mơ mộng và cũng là một ví dụ điển hình của “người tư duy bằng hình ảnh”. Khi ở Đức, ông từng bị đuổi khỏi trường phổ thông, một phần bởi ông luôn mơ mộng về những thứ mình thích. Einstein thường xuyên mơ tưởng về một thứ gì đó có thể bay vào không gian bằng vận tốc ánh sáng. Chính nhờ những mơ mộng đó và những thứ tương tự  ông đã xây dựng nên Thuyết Tương đối  một trong những học thuyết khoa học quan trọng nhất của thế kỷ XX.

Bạn có thể dùng trí tưởng tượng (và sự mơ mộng) để kích thích tư duy của chính mình. Đây là một số vấn đề bạn có thể thực hiện bằng trí tưởng tượng – hãy nghĩ về chúng như những phát minh của tương lai:

• Những phương pháp tái sinh mới.

• Tạo ra năng lượng từ rác thải.

• Loại ôtô mới không gây

ô nhiễm không khí hay làm tắc nghẽn đường cao tốc

• Những không gian sống có thể xây dựng trên các hành tinh khác

• Một phương pháp ít tốn kém để lấy muối từ biển

• Cách tốt hơn để tạo ra lương thực và cung cấp cho những người thiếu lương thực trên thế giới

• Tàu vũ trụ có thể du hành đến các thiên hà khác trong một vài năm

• Cách thức để ngăn chặn vũ khí và rác thải hạt nhân

Còn vấn đề gì bạn muốn giải quyết bằng trí thông minh không gian nữa không? Khi hình thành những ý tưởng đó, có lẽ bạn muốn phác họa hoặc tự làm một bộ phim về chúng. Trí thông minh không gian có thể đưa bạn đến với những phát minh độc đáo nhất.

Một Số Cách Thức Thú Vị Giúp Phát Triển Trí Thông Minh Không Gian

Sau đây là một số cách thức giúp bạn phát triển trí thông minh không gian. Hãy cố gắng thử một số hoạt động bạn thích, cho dù bản thân bạn có trí thông minh không gian ở mức nào.

1. Khám phá thế giới nghệ thuật. Nếu nơi bạn sống có bảo tàng, hãy tới tham quan và quan sát các loại hình nghệ thuật được trưng bày ở đó. Nếu bạn không có cơ hội đến bảo tàng nghệ thuật, hãy xem trên mạng. Rất nhiều bảo tàng có trưng bày ảo tất cả (hay một phần) bộ sưu tập của họ trên các trang web. (Hãy bắt đầu tìm kiếm bảo tàng trực tuyến với một công cụ tra cứu như Google). Đọc những cuốn sách và tạp chí được minh họa bằng các bức ảnh hay tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng. Đây cũng là cách thú vị để bạn bắt đầu khám phá. Người thủ thư có thể gợi ý cho bạn những cuốn sách hay tạp chí nghệ thuật.

2. Giữ một cuốn sổ ghi chép hình ảnh. Sổ ghi chép hình ảnh rất tiện lợi để phác họa những gì bạn quan sát được và cảm thấy thích thú, hoặc ghi lại những ý tưởng hay vấn đề bạn đang cố gắng giải quyết. Bạn có thể kết hợp nhật ký viết tay với sổ ghi chép hình ảnh hoặc dùng một cuốn khác.

3. Tạo một “thư viện tranh”. Sưu tập những hình ảnh, bức tranh và mẫu thiết kế bạn thích từ báo chí, bưu ảnh hay từ bất kỳ nguồn nào bạn có. Bạn có thể cất chúng trong một cái hộp, tập hợp thành một cuốn sách ảnh hay dán lên tường.

4. Chụp bức ảnh về một ngày của bạn. Sẽ rất thú vị khi chụp ảnh về những điều bạn gặp trong ngày. Bạn có thể thực hành kỹ năng chụp ảnh phóng sự và ghi lại những sự kiện quan trọng trong vài ngày hay vài tuần. Sau đó, chọn ra những bức đẹp nhất và cho vào một quyển album hay dán chúng lên tường. (Thậm chí, bạn có thể duy trì công việc chụp ảnh trong khoảng thời gian vài tháng hay vài năm và sẽ thấy những bức ảnh  cũng như cuộc sống của chính bạn  thay đổi như thế nào theo thời gian).

5. Tự quay phim cho mình. Nếu có một chiếc máy quay kỹ thuật số, bạn có thể làm bất cứ việc gì từ các đoạn video ca nhạc đến các thước phim tài liệu do bạn tự viết kịch bản, với dàn diễn viên là bạn bè. Có rất nhiều phần mềm đơn giản giúp bạn chỉnh sửa cũng như thêm âm thanh và các hiệu ứng vào tác phẩm của mình.

6. Chơi các trò chơi hay tập giải câu đố. Pictionary (trò đoán chữ từ những hình vẽ của đồng đội) là một trò chơi quan sát quen thuộc. Rất nhiều trò khác như tic-tac-toe, cờ đam và cờ vua đều cần có chiến lược và khả năng hình dung những tình huống khác nhau trước khi chọn nước đi tiếp theo. Câu đố chuỗi, khối lập phương rubic (hay bất kỳ trò chơi 3-D nào) và ma trận là những cách thú vị để sử dụng khả năng tư duy về không gian đa chiều của bạn.

7. Xem ảo ảnh. Ảo ảnh là những bức tranh đánh lừa bộ não, cho phép bạn thưởng thức hình ảnh theo nhiều cách. Bạn cũng có thể tự tạo ra ảo ảnh.

8. Sáng tạo bằng máy tính. Có rất nhiều phần mềm giúp bạn sáng tạo trên máy tính. Ví dụ: chương trình Adobe Photoshop để chỉnh sửa hình ảnh hay Adobe Illustrator cho phép bạn vẽ trên giao diện máy tính, chọn các màu sắc và bố cục khác nhau chỉ với một lần kích chuột. Các chương trình này có thể giúp bạn làm bất cứ điều gì từ thiết kế một chiếc ôtô (chương trình hỗ trợ thiết kế trên máy tính – CAD) đến làm phim hoạt hình.

9. Tham gia một lớp học. Bạn thích học về điều gì? Vẽ và tô màu như thế nào? Kiến trúc cơ bản là gì? Bạn làm cách nào để phát triển khả năng nhiếp ảnh của mình? Những nghệ sỹ nổi tiếng trong lịch sử? Những loại hình thủ công khác nhau như thế nào? Bạn có thể tìm thấy những lớp học có tất cả các chủ đề đó và còn nhiều hơn thế nữa. Hãy tìm những lớp học ngoại khóa trong các chương trình đào tạo thường xuyên, tại trung tâm cộng đồng, các bảo tàng (bảo tàng nghệ thuật và bảo tàng thiếu nhi), các trường cao đẳng cộng đồng, trên mạng và với gia sư.

10. Tạo ra một “phòng thiết kế” ngay trong nhà. Thu thập các vật liệu để vẽ và xây dựng mô hình cho các phát minh, ý tưởng hay dự án của bạn, như miếng ghép bằng nhựa, hình khối ghép bằng que, hình lục giác xếp bằng giấy, viên gạch, xốp, keo, dụng cụ thông ống, ghim giấy, vỏ hộp soda, tăm và đất sét, v.v…

11. Tạo ra một khu vực “dành cho nghệ thuật” ngay trong nhà. Bạn có thể sử dụng những thứ ở xung quanh như bút chì, bút đánh dấu, bút chì màu, đất sét nặn, giấy xi măng, kéo, keo dán, kim tuyến, giấy lụa, bảng vẽ, giấy vẽ, bảng treo, tấm xốp hay bất kỳ thứ gì bạn thích. Một giá vẽ hay bảng gỗ để đặt dụng cụ vẽ và bức tranh trong khi làm việc cùng khăn trải bàn nilon để bảo vệ bàn và sàn nhà cũng rất hữu ích.

12. Quan sát những thứ xung quanh bạn vài phút mỗi ngày. Quan sát từ những chi tiết nhỏ như ánh nắng xuyên qua cửa sổ phòng học mỗi buổi chiều, sự thay đổi màu sắc trên bảng, hình dáng của những trang thiết bị trong sân chơi, đường đi của chiếc xe bạn thích hay bất cứ thứ gì thu hút tầm mắt của bạn.

13. Vận động nhà trường tiến hành những hoạt động phát triển trí thông minh không gian. Đề nghị giáo viên hay hiệu trưởng tăng thêm nhiều môn nghệ thuật trong chương trình học, mở lớp học dành cho những người thích kiến trúc hay tổ chức hội chợ sáng chế trong trường bạn. 

14. Thay đổi cách nhìn của bạn về thế giới. Những thứ như kính vạn hoa, kính viễn vọng, kính lúp và kính hiển vi có thể thay đổi cách quan sát thế giới của bạn, giúp bạn khám phá những gì đã nhìn thấy. Kính vạn hoa tạo thêm nhiều màu sắc, ánh sáng và chi tiết hơn. (Bạn có thể tự làm được kính vạn hoa). Kính lúp và kính hiển vi phóng to những vật nhỏ xíu và tạo ra một thế giới mới đầy chi tiết và hình dạng. Kính viễn vọng mang những thứ ở rất xa đến gần hơn – bạn không chỉ thấy mặt trăng ở sát bên mà còn quan sát được cả những lỗ thủng trên bề mặt của nó nữa.

15. Tìm kiếm những chi tiết thú vị trong cuộc sống hàng ngày. Chi tiết là tất cả những gì xung quanh bạn  từ những “con mắt” trên vỏ quả dứa trong một tiệm trái cây đến hàng cửa sổ của một tòa văn phòng lớn. Càng quan sát nhiều, bạn càng cảm thấy hứng thú hơn (ví dụ: những hình vuông lặp đi lặp lại trên một dãy nhà hay những dấu chữ thập trên hàng rào).

16. Thực hiện một “cuộc đối thoại bằng tranh”. Thực hiện cuộc đối thoại với một người bạn hay thành viên trong gia đình bằng cách vẽ tranh. Người kia vẽ một điều gì đó, bạn cũng dùng hình vẽ để “trả lời” và tiếp tục như vậy cho đến khi dừng “cuộc đối thoại”. Sau đó, cả hai cùng nhau thảo luận về chúng và để ý xem liệu các bạn đã “nói” đúng những gì mình nghĩ và cần truyền đạt trong bức tranh hay chưa.

Điều Gì Sẽ Xảy Ra Nếu Bạn Không Thể Hình Dung Như Người Có Trí Thông Minh Không Gian?

Có thể bạn cảm thấy cầm bút vẽ là một việc nan giải, bạn chưa bao giờ hoàn thành trò chơi rubic, hay bạn không có chút khả năng sáng chế nào. Bạn vẫn có trí thông minh không gian chứ? Tất nhiên rồi! Giống như các loại hình trí thông minh khác, bạn vẫn sử dụng các kỹ năng hàng ngày mà không hề nhận ra chúng. Khi quan sát bản đồ của tuyến xe buýt hay tàu điện ngầm để tìm trạm dừng, bắt một quả bóng chày, hay vẽ nguệch ngoạc bên lề vở bài tập, tức là bạn đang bộc lộ trí thông minh không gian. Nếu làm được những việc đó, bạn còn có thể làm được nhiều hơn thế nữa!

Bạn có thể sử dụng trí thông minh nổi trội nhất của mình để phát huy trí thông minh không gian.

 Sau đây là bảy cách thức để đạt được điều đó:

• Nếu bạn có trí thông minh ngôn ngữ: Hãy tưởng tượng khi bạn đang đọc hoặc viết  câu chuyện sẽ thật sống động nếu trí tưởng tượng bay bổng với bộ quần áo mà các nhân vật đang mặc hay nơi họ đang sống. Bạn có thể tiến xa hơn một bước bằng cách vẽ tranh hoặc bản đồ, nặn tượng các nhân vật hay dựng lại mô hình tòa nhà bạn đọc được trong truyện. Nếu bạn thích viết truyện, hãy quan sát thật kỹ thế giới xung quanh để có cái nhìn thật chi tiết, điều đó sẽ làm cho ngôn ngữ của bạn sống động hơn. Nếu bạn muốn phát triển kỹ năng viết truyện, hãy viết với hai phiên bản – bằng từ ngữ và bằng tranh minh họa. Bạn thích phiên bản nào hơn? Cốt truyện có thay đổi khi bạn vẽ lại câu chuyện không?

• Nếu bạn có trí thông minh âm nhạc: Hãy nhắm mắt khi bạn nghe nhạc và ghi nhớ những hình ảnh, màu sắc hay hình dạng bạn “nhìn” thấy trong tưởng tượng của mình; hoặc khi đó bạn có ước mơ gì. Vẽ, phác họa hay nặn tượng về những gì bạn nhìn thấy trong đầu hoặc cảm thấy khi nghe nhạc. Nếu trong trí tưởng tượng của bạn có vật thể hay ý tưởng thú vị, hãy vẽ hoặc dựng mô hình về chúng. Âm nhạc có thể là điểm lấy đà cho mọi phát minh và sáng tạo.

• Nếu bạn có trí thông minh logic: Bản đồ và quả địa cầu là những công cụ tuyệt vời để bạn kết hợp giữa tư duy logic với trí thông minh không gian. Khi sử dụng chúng, bạn không chỉ thấy được khoảng cách và vị trí mà còn cả hình dáng và chi tiết. Nếu bạn có bản đồ khu vực đang sống, hãy xác định nhà và trường học, sau đó tìm ra càng nhiều đường đi càng tốt. Ngoài ra, bạn có thể dùng khả năng hội họa để vẽ những câu đố bằng hình hoặc tạo ra các mê cung để đố mọi người.

• Nếu bạn có trí thông minh vận động cơ thể: Hãy dùng đôi tay thành thạo của bạn để chơi các trò ghép hình, trò rubic. Và đừng quên sử dụng khả năng này trong các loại hình nghệ thuật khác: vẽ tranh, điêu khắc, dựng mô hình,… Nếu có thể dựng mô hình ba chiều từ những gì đã học, bạn sẽ có nhiều công trình kiến trúc độc đáo.

• Nếu bạn có trí thông minh tương tác cá nhân: Nghệ thuật là cách tốt nhất để kết nối mọi người với nhau. Lập ra một nhóm làm tranh tường, cắt dán tranh hay làm phim có thể giúp bạn khám phá nhiều cách thức để phát triển trí thông minh không gian. Mặt khác, bạn còn có cơ hội tiếp xúc và làm việc với những người bạn mới. Vẽ chân dung bạn bè cũng là cách hay.

• Nếu bạn có trí thông minh nội tâm: Nghệ thuật và hình ảnh là những cách rất tốt để diễn tả cảm xúc phức tạp. Bạn có thể vẽ tranh để khám phá cảm xúc của bản thân hay sưu tập hình ảnh từ báo chí để ghi lại hoặc bày tỏ cảm xúc của mình. Tự làm những bức tranh cắt giấy và dán chúng trong sổ nhật ký cũng là cách để thể hiện mình.

• Nếu bạn có trí thông minh thiên nhiên: Hãy sưu tập những chiếc lá rụng, lông chim, hạt giống, vỏ cây và nhiều thứ khác từ thiên nhiên để tạo thành một bộ sưu tập “nghệ thuật thiên nhiên” của riêng bạn. Sau đó, thử tạo ra những bức tranh từ chúng. Nếu ở thành phố, bạn hãy làm một bức tranh cắt giấy về thành phố hay tạo hình từ các chất liệu tự nhiên khác. Những chất liệu gì bạn nghĩ là sẽ tìm thấy trong tự nhiên? Những cái nắp chai? Lông chim bồ câu? Tờ rơi quảng cáo? Chai lọ hay những chiếc can nhựa?

Điều Gì Xảy Ra Nếu Bạn Có Trí Thông Minh Không Gian Nổi Trội?

Có nhiều cách khác nhau để phát triển trí thông minh không gian, vì vậy bạn nên thử nhiều phương pháp. Nếu bạn tư duy giỏi ở không gian hai chiều, hãy thử ở không gian ba chiều để tăng cường trí thông minh không gian. Nếu bạn từng vẽ tranh hay thiết kế mẫu trên máy tính, hãy thử dựng các mẫu thiết kế hai chiều bằng đất sét, bột giấy và vật liệu thủ công. Nếu bạn thích chế tạo, hãy học hỏi và rèn luyện các kỹ năng cần thiết để tự thiết kế, thực hiện và sau đó tặng phát minh này cho người khác.

Khả năng hội họa có thể giúp bạn phát triển các loại hình trí thông minh khác. Đây là một số gợi ý giúp bạn hiểu và phát triển các trí thông minh còn lại ở trường học hay trong cuộc sống.

• Đối với trí thông minh ngôn ngữ: Hãy vẽ hình minh họa cho những cuốn sách bạn đọc. Chúng giúp các nhân vật trở nên sống động như thế nào? Những hình ảnh minh họa đó có làm cho câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn không? Ngoài ra, bạn cũng có thể kể những câu chuyện của chính mình theo hình thức truyện tranh. Khi bạn viết và vẽ những cuốn truyện đó, hãy chú ý để hình ảnh và từ ngữ ăn khớp với nhau. Bạn có thể sửa các bức tranh để câu chuyện hay hơn không? Chúng có làm cốt truyện ban đầu thay đổi? Đọc thơ cũng vậy, hãy chú ý đến tình huống và trạng thái mà ngôn từ gợi ra. Các nhà thơ thường thích thể hiện cái tôi của mình qua ngôn từ. Một số trình bày tác phẩm của mình như hình ảnh của một vật nào đó, chẳng hạn một quả táo. Một số khác, như nhà thơ Shel Silverstein thậm chí còn vẽ minh họa cho bài thơ Where the Sidewalk Ends (Nơi cuối con đường).

• Đối với trí thông minh âm nhạc: Hãy nghe nhạc trong khi vẽ, thiết kế hoặc chế tạo. Âm nhạc có thể tăng khả năng sáng tạo. Bạn sẽ nhận thấy các ý tưởng trở nên chi tiết và bức tranh trở nên hoàn thiện hơn khi nghe nhạc. Hãy nghe các thể loại nhạc khác nhau: nghe nhạc pop khi đang vẽ, nhạc reggae  khi điêu khắc, nhạc jazz khi tạo mẫu và nhạc cổ điển khi chế tạo máy. Bạn có thể sẽ ngạc nhiên về những gì mà chúng mang đến (rất nhiều nghệ sỹ coi âm nhạc là nguồn cảm hứng sáng tác, xem Chương 2 để biết thêm chi tiết).

• Đối với trí thông minh logic: Việc vẽ sơ đồ cho một bài toán hay các thí nghiệm khoa học sẽ khiến chúng trở nên dễ tiếp thu hơn. Trí thông minh logic cần có khả năng quan sát và phân tích chi tiết  nếu có được cả hai điều này thì bạn thật sự giỏi đấy! Do vậy, khả năng quan sát các chi tiết hình ảnh trong thế giới xung quanh có thể giúp bạn nắm phương pháp để thấy được những chi tiết khi tư duy logic. Một lần nữa, bản phác họa về những gì bạn đang nghĩ hoặc làm sẽ giúp bạn nhận rõ từng chi tiết và tìm được câu trả lời mà có thể bạn đã bỏ lỡ.

• Đối với trí thông minh vận động cơ thể: Rất nhiều hoạt động của trí thông minh không gian cần có sự hỗ trợ của cơ thể. Điêu khắc và xây dựng là hai ví dụ điển hình. Tất cả các nghệ sỹ đều rất khéo léo trong việc thể hiện các tác phẩm nghệ thuật. Ví dụ: họa sỹ Jackson Pollock đã đặt các bức vẽ trên sàn nhà, đi vòng quanh rồi phun và vẩy cọ để tạo ra những mảng màu từ các độ cao khác nhau. Bạn có nghĩ ra cách vẽ nào hay hơn không? Hãy học cách sử dụng cơ thể nhiều hơn và điều đó có thể giúp bạn trở thành một họa sỹ, nhà thiết kế hoặc nhà sáng chế tài ba.

• Đối với trí thông minh tương tác cá nhân: Sử dụng những sở trường về hội họa mà bạn tự tin. Khả năng vẽ các tấm poster, sáng tác khẩu hiệu hoặc thiết kế logo trên áo phông có thể khiến bạn trở nên nổi bật nếu bạn tích cực thể hiện các “tài lẻ” đó. Khi làm như vậy, bạn sẽ thường xuyên được gặp gỡ và kết bạn với những người thật sự giỏi trong lĩnh vực này. Hướng dẫn người khác cũng là một cách hay để mọi người gần gũi với bạn hơn. Bạn cũng có thể dạy cho trẻ em nghèo, trẻ khuyết tất, mồ côi hoặc chia sẻ một dự án với các nhóm tình nguyện. Những sở trường của bạn như vẽ, sử dụng máy ảnh hoặc làm thành thạo một mô hình không gian ba chiều,… thường khiến mọi người muốn học hỏi.

• Đối với trí thông minh nội tâm: Hãy sử dụng cuốn nhật ký hình ảnh của bạn nhiều hơn. Vẽ tranh về việc xảy ra trong ngày, những mơ ước tương lai hoặc cảm giác của bạn ở thời điểm hiện tại. Có nhiều cách sử dụng khả năng hội họa để bạn diễn tả về bản thân. Thiết kế một phòng ngủ hoàn hảo hoặc vẽ mẫu hay thêu một đôi áo đều thể hiện cá tính của bạn.

• Đối với trí thông minh thiên nhiên: Trí thông minh không gian nổi trội và khả năng đọc bản đồ có thể trang bị cho bạn bản năng trong việc định hướng. Đây là một trò chơi thú vị, bạn sẽ sử dụng một tấm bản đồ chi tiết và chiếc la bàn để tìm đường đi đến một nơi được đánh dấu trên bản đồ. Mọi người thường chơi trò này ở những khu vực thiên nhiên, như các khu rừng. Nếu bạn cần một không gian dễ định hướng hơn, hãy đến công viên hay ra bãi biển và quan sát xung quanh. Bạn thích điều gì nhất: Cây cối? Động vật? Địa hình? Hãy phác họa hoặc chụp ảnh về chúng. Nếu có khả năng, hãy vẽ một tấm bản đồ về khu vực này và phác thảo càng nhiều chi tiết càng tốt.

 Hướng Tới Tương Lai

Bạn có thể làm nghề gì với trí thông minh không gian? Rất nhiều! Dưới đây là một số ngành nghề bạn có thể lựa chọn:

• nhà quảng cáo 

 họa sỹ phim hoạt hình 

• kiến trúc sư 

• giáo viên dạy mỹ thuật

• người vẽ bản đồ 

• người vẽ minh họa sách thiếu nhi 

• nhà quay phim

• kỹ sư/công nhân xây dựng 

• người ký họa 

• người thiết kế không gian trưng bày (phòng trưng bày, biển báo và sơ đồ mặt bằng) 

• nhà thiết kế thời trang/quần áo

• thợ thủ công (gốm, kim hoàn, thủy tinh, vẽ tranh, nhiếp ảnh, dệt, điêu khắc)

• thiết kế đồ gỗ 

• nhà địa lý

• giảng viên địa chất 

• nghệ sỹ đồ họa 

• thiết kế đồ họa (sách, tạp chí, đồ hộp, biển báo, thương hiệu) 

• thiết kế nội thất 

• kỹ sư

• thiết kế phong cảnh 

• vẽ minh họa cho ngành y

• nhà làm phim/đạo diễn 

• người tạo hiệu ứng trong phim 

• nhà hàng hải

• kỹ sư đóng gói (thiết kế cách đóng gói sản phẩm để bán hay vận chuyển bằng đường thủy)

• nhiếp ảnh gia 

• phóng viên ảnh 

• phi công

• thiết kế công nghiệp 

• thủy thủ 

• nhà khảo sát 

• quy hoạch đô thị 

• thiết kế trang web 

• thiết kế rèm cửa sổ 

• và rất nhiều ngành nghề khác nữa! 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.