Bạn Thông Minh Hơn Bạn Nghĩ

Chương 6: Trí Thông Minh Tương Tác Cá Nhân



Trắc Nghiệm Nhanh

Bạn có:

• thích quan sát mọi người?

• kết bạn dễ dàng?

• đề nghị giúp đỡ người khác khi họ cần?

• giúp những người xung quanh sống hòa thuận hơn?

• thích các hoạt động tập thể và các buổi trò chuyện sôi động?

• cảm thấy tự tin khi tiếp xúc với những người bạn mới?

• thích tổ chức các hoạt động cho bản thân và bạn bè?

• đoán biết được cảm xúc của người khác bằng cách quan sát họ?

• biết cách khuyến khích mọi người sôi nổi khi làm việc nhóm hay cuốn hút họ vào những việc bạn quan tâm?

• thích làm việc và học hỏi người khác hơn là làm một mình?

• thích người khác xem xét sự việc theo cách của bạn?

• quan tâm đến sự công bằng, đúng – sai? 

• tình nguyện giúp đỡ người khác?

Nếu câu trả lời là “có” cho bất kỳ câu hỏi nào ở trên, bạn chính là người có trí thông minh tương tác cá nhân! 

 Trí Thông Minh Tương Tác Cá Nhân Là Gì?

Bạn yêu mến mọi người và thể hiện điều đó bằng nhiều cách khác nhau. Đơn giản nhất là việc bạn thích làm việc, học tập, giúp đỡ và gần gũi mọi người. Bạn có khả năng thiên bẩm là hiểu người khác cảm nhận như thế nào, họ muốn hoặc cần gì và tại sao họ lại làm như vậy. Bạn cũng có thể là người thích kết bạn hay hoạt động tốt trong các tổ chức xã hội. Nếu có trí thông minh tương tác cá nhân, bạn sẽ thể hiện nó bằng việc lãnh đạo một câu lạc bộ hay tổ chức trong trường học, kết giao với nhiều bạn bè, giúp đỡ người khác sống hòa thuận, truyền cảm hứng cho mọi người cùng tham gia một việc lớn, hoặc tổ chức các hoạt động cho người thân và bạn bè. 

Bạn có trí thông minh tương tác cá nhân cũng có nghĩa là bạn quan tâm chân thành đến người khác và mong muốn được giúp đỡ họ. Trí thông minh tương tác cá nhân thể hiện ở việc bạn hiểu và đối xử tử tế với người bạn nhút nhát, tự ti ở trường. Hoặc bạn có khả năng giải quyết những tranh cãi của bạn bè hay anh chị em ruột. Ngoài ra, bạn còn trực tiếp giúp đỡ những người xung quanh (ví dụ: giúp bác hàng xóm quét đường phố) hay thông qua các tổ chức dịch vụ. Có rất nhiều cách để trở thành một người có trí thông minh tương tác cá nhân bởi nó bao gồm nhiều khả năng khác nhau. Và một trong những khả năng của trí thông minh tương tác cá nhân mà bạn có thể có là thấu hiểu người khác.

Bạn biết con người đọc sách – nhưng bạn có biết con người cũng có thể đọc con người không? Khi bạn mỉm cười với ai đó, người đó có thể “đọc” được khuôn mặt của bạn và đoán rằng bạn đang hạnh phúc; nếu cau mày, bạn đã truyền đạt thông điệp là mình đang buồn hay cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên, đọc sách đôi khi dễ hơn rất nhiều so với “đọc” con người. 

Chẳng hạn, điệu cười có nhiều kiểu khác nhau. Nụ cười rộng mở có thể cho người khác thấy: “Tôi rất vui khi được biết anh”; cười mím môi có thể ngụ ý: “Tôi giận anh nhưng tôi không muốn anh biết điều đó”. Nụ cười giả tạo có nghĩa là: “Tôi không thấy thoải mái khi gặp anh nhưng tôi vẫn cười vì phải tỏ ra lịch sự”. Cần phải có trí thông minh mới nhận ra được sự khác biệt giữa những điệu cười này. Và điều quan trọng là phải có trí thông minh tương tác cá nhân.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học-xã hội, mấy giây trước khi gặp gỡ người khác, thậm chí là trước khi nói chuyện, cả hai bên đã có những nhận xét không lời về nhau. Vì thế tại thời điểm của cuộc gặp gỡ, mỗi người trong các bạn đã đọc được một loạt tín hiệu xã hội và đưa ra cảm nhận về người kia. Điều này nghe có vẻ ngạc nhiên nhưng bạn đã làm chúng mỗi ngày ở trường, ở nhà hay bất cứ nơi đâu. Những nhận xét này có thể giúp bạn nhận ra người đó có làm bạn khó chịu hay có khả năng trở thành một người bạn hay không. 

Một số người rất giỏi trong việc “đọc” suy nghĩ hay cử chỉ của người khác. Họ có thể đứng trong đám đông hay trong lớp học rồi chỉ ra những ai thích và không thích nhau. Một người “đọc” người khác giỏi có thể nhanh chóng chọn ra một nhóm bạn thường chơi với nhau, tìm ra những người có khúc mắc với nhau hay chỉ ra những bạn thường chơi không công bằng. Và người đó có thể nhận ra tất cả những điều này chỉ với việc quan sát các cử chỉ như nháy mắt, cách nhìn, điệu gõ tay, biểu hiện trên khuôn mặt hay các cử chỉ khác (cách đi đứng, tư thế). Thỉnh thoảng, bạn hãy thử “đọc” những nhóm người xung quanh. Bạn có thể sẽ ngạc nhiên với những điều mọi người nói mà không cần dùng lời. 

Giả sử, tình cờ bạn gặp một người không giỏi trong việc “đọc” người khác. Có thể lúc đó bạn sẽ có thái độ lạnh nhạt, nhưng người kia lại hiểu nhầm và nghĩ bạn đang giận dữ. Hoặc bạn có thể vỗ vai thân thiện với một ai đó nhưng họ lại xem đó là một hành động thô lỗ. Như vậy, bạn có thể thấy rằng thật dễ hiểu nhầm ý của người khác. 

Bởi một phần lớn trí thông minh tương tác cá nhân là khả năng “đọc” người khác, nên bạn có thể thấy tầm quan trọng của nó trong các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống. Khả năng “đọc” người khác giúp bạn giao tiếp và có mối quan hệ thân thiện với mọi người. Bạn có thể thành công hơn trong cuộc sống bởi bạn hiểu những gì người khác cần và cách thức để có được điều bạn muốn từ người khác – ví dụ, giúp bạn giải các bài tập về nhà, ủng hộ tiền khi bạn gây quỹ cho một mục đích cao cả. Khả năng này còn giúp bạn tặng cho người khác những thứ họ cần.

Nhà tâm lý học Daniel Goleman, chuyên gia về trí thông minh tương tác cá nhân, nói rằng thế giới doanh nhân thường được tạo nên bởi những người có chỉ số IQ thấp hơn nhưng họ lại chịu trách nhiệm quản lý những người có chỉ số IQ cao hơn (xem thêm phần chỉ số IQ). Như vậy, người quản lý không nhất thiết phải có chỉ số IQ hay bằng cấp cao nhất và cuối cùng lại lãnh đạo những người có chỉ số IQ hay bằng cấp cao. Điều này có khiến bạn ngạc nhiên không?

Hãy dành thời gian suy ngẫm về những người bạn được mọi người yêu mến nhất. Họ có phải là những học sinh thông minh nhất không? Hay họ là thành viên trong ban chấp hành hội học sinh? Hoặc họ được yêu mến vì những lý do như tự tin, duyên dáng, vị tha, có cá tính? Nhiều học sinh có trí thông minh tương tác cá nhân được thầy cô giáo và bạn bè yêu mến bởi họ biết cách sống hòa thuận với mọi người – chứ không phải vì họ luôn nhận được điểm 10 trong tất cả các môn học.

Điều này không có nghĩa là bạn không thể trở thành một nhà lãnh đạo tài giỏi cũng như có trí thông minh trong những lĩnh vực khác. Bạn có thể có tất cả tám loại hình trí thông minh hay một vài trí thông minh bất kỳ nhưng bạn vẫn đạt kết quả cao trong học tập, có những người bạn thân và được yêu mến. Ví dụ, nếu bạn giỏi môn toán và làm thơ, điều này không có nghĩa con người là một bí ẩn đối với bạn.

Bạn có thể làm gì với trí thông minh tương tác cá nhân?

• Sống hòa thuận với mọi người: bạn bè, bố mẹ, anh chị em và các thành viên trong nhóm.

• Kết bạn với nhiều người hơn.

• Giúp giải quyết những bất đồng và giúp mọi người hòa thuận với nhau hơn.

• Tổ chức và lãnh đạo mọi người.

 Những việc thường ngày sử dụng trí thông minh tương tác cá nhân:

•  dạo chơi cùng bạn bè

• tình nguyện giúp đỡ người khác 

•  kết bạn

•  giúp bạn bè giải quyết bất đồng 

•  nghiên cứu, học tập theo nhóm và sáng tác những tác phẩm nghệ thuật chung

•  chơi những môn thể thao đề cao tinh thần đồng đội 

•  gia sư cho bạn bè 

•  cùng học với bạn bè trong giờ học 

•  bán hàng cho nhà trường hay tổ chức gây quỹ 

•  tổ chức các hoạt động cho bản thân và bạn bè

•  tổ chức tiệc hay liên hoan cùng bạn bè

•  nói chuyện điện thoại với bạn bè 

• gửi e-mail tới những người bạn biết 

• chơi điện tử với bạn bè 

•  quan sát mọi người

 DANG RỘNG VÒNG TAY BÈ BẠN

Điều cơ bản nhất của trí thông minh tương tác cá nhân là thấu hiểu người khác và dang rộng vòng tay bè bạn. Bạn có thể không nhận ra nó dù bạn làm việc này mỗi ngày. 

Một trong những cách thường gặp và tốt nhất để bạn sử dụng các kỹ năng của trí thông minh tương tác cá nhân là kết bạn. Bạn có thể là người có trí thông minh tương tác cá nhân chỉ đơn giản với việc có những người bạn và cảm thấy thú vị khi cùng chơi điện tử, chơi thể thao, đi xem phim hay đi dạo với họ. Hoặc bạn có quan hệ bạn bè rộng rãi và tất cả hàng xóm đều biết tên bạn, và cũng có thể đó là một số người bạn thân nhưng lại có những khoảng thời gian thú vị với họ. 

Các mối quan hệ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của bạn, vì vậy trí thông minh tương tác cá nhân sẽ giúp bạn tạo dựng và duy trì các mối quan hệ. Nếu muốn có thêm bạn bè hay khi cảm thấy cô đơn, bạn có thể làm theo nhiều cách để phát triển trí thông minh tương tác cá nhân và sử dụng chúng để kết bạn. Dưới đây là một số cách thức đơn giản để trở thành một người có trí thông minh tương tác cá nhân:

•  Mỉm cười: Điều này thật đơn giản, nhưng khi cười với ai đó, bạn đã thể hiện sự quan tâm, thích thú của mình đối với họ. Mọi người sẽ có những phản ứng tích cực với bạn khi bạn cười. 

• Lắng nghe: Dành nhiều thời gian bên bạn bè để nói chuyện và chú ý lắng nghe những gì họ nói. Bạn không nên độc thoại hay cắt ngang khi người khác đang nói. Thậm chí, dù rất hứng thú với những gì người khác đang nói, hãy để họ nói xong chứ đừng cắt ngang. Bạn có thể luyện tập cách lắng nghe tích cực, nghĩa là chú ý đến những gì người khác nói và để họ biết điều đó bằng cách mỉm cười, gật đầu hoặc nói “uh-huh”, hay đặt câu hỏi.

•  Hãy là chính mình: Nếu cảm thấy không tự tin hay không thoải mái khi nói nhiều, bạn vẫn có thể thể hiện trí thông minh tương tác cá nhân. Khi đặt câu hỏi và chú ý tới câu trả lời, bạn đã mở cánh cửa để bước vào mối quan hệ với người đó. 

•  Tìm những mối quan tâm chung: Khi bạn nói chuyện, hãy tìm những chủ đề mà cả bạn và người đối thoại cùng quan tâm. Những mối quan tâm chung giúp bạn hiểu được người khác và giữ cho câu chuyện được tiếp tục.

•  Đón nhận những điều mới lạ: Hãy tới nơi có những người cùng chung sở thích với bạn. Nếu bạn thích sưu tầm tem, hãy tìm một nhóm người sưu tầm tem. Nếu bạn là người hâm mộ bóng đá, hãy tham gia một đội bóng. Nếu bạn yêu thích đọc sách, hãy tham gia một câu lạc bộ sách.

Quan tâm đến người khác không phải lúc nào cũng dễ dàng – bạn cần phải có “lòng dũng cảm tương tác cá nhân” mới có thể làm được. Tuy nhiên, càng mất nhiều thời gian và công sức khi kết bạn, thì mối quan hệ bạn xây dựng càng vững chắc. Việc này cũng cần phải có sự luyện tập, giống như việc tập xe đạp hay học đàn viôlông. Nếu mỗi khi bạn cố gắng tạo dựng các mối quan hệ nhưng đều không thành công, thì điều đó cũng không sao cả. Ít nhất bạn đã nỗ lực và học được những kinh nghiệm mới – và điều đó cũng rất quan trọng. 

Tất cả những cánh cửa rộng mở này có thể dẫn bạn đến việc kết bạn với những người bạn chưa bao giờ nghĩ là sẽ xây dựng mối quan hệ với họ. Bạn có thể có những người bạn đến từ những nền văn hóa, tôn giáo và quốc gia khác nhau hoặc ở mọi lứa tuổi. Với những người bạn mới, thế giới dường như nhỏ bé lại và gia đình của bạn sẽ rộng mở hơn.

GIÚP ĐỠ NGƯỜI KHÁC

Bạn có thể tiến xa hơn một bước với trí thông minh tương tác cá nhân và sử dụng chúng để giúp đỡ người khác. Hãy tham gia các công việc tình nguyện như: làm việc cho một tổ chức công cộng ở địa phương (ví dụ, đọc sách cho những em nhỏ) hoặc dành thời gian cho những sự nghiệp quốc tế (viết thư đến tổ chức Ân xá Quốc tế  một tổ chức hoạt động vì nhân quyền). Có thể bạn sẽ làm việc với bạn bè cùng độ tuổi và giúp họ học cách hòa thuận với nhau. Bất kể bạn sử dụng trí thông minh tương tác cá nhân theo cách nào, thì điều đó cũng đem lại cho bạn một sự thay đổi lớn.

Lý do bạn muốn giúp đỡ người khác là trong con người bạn có một thứ tình cảm gọi là sự cảm thông. Khi có sự cảm thông, bạn sẽ nhạy cảm với vấn đề của người khác, với những gì họ cảm nhận và đã trải qua. Nói cách khác, bạn có thể đặt mình vào hoàn cảnh của người khác và tưởng tượng những việc bạn sẽ làm khi ở trong hoàn cảnh đó. Cảm thông có thể là lý do khiến bạn kết bạn với người nhút nhát nhất trong lớp hay chống lại một đứa trẻ thường xuyên bắt nạt bạn bè. Đó cũng là lý do bạn gây quỹ cho Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), hay phục vụ tại các buổi lễ ở trung tâm mồ côi, người vô gia cư địa phương… 

Khi tự nguyện giúp đỡ người khác, bạn sẽ cảm thấy ngạc nhiên với những việc mình đã làm. Bạn có thể tổ chức một cuộc vận động quyên góp thực phẩm ở trường cho quỹ thực phẩm địa phương, thăm cựu chiến binh hay người già neo đơn. Hoặc giúp đỡ những đứa trẻ khác trong trường, ở xung quanh hay trong cộng đồng.

Năm 1996, Aubyn C. Burnside, cô bé mười một tuổi đã phát động chương trình với tên gọi Suitcases for Kids (Vali cho trẻ em). Cô bé thấy rằng những đứa trẻ không được sống với bố mẹ hoặc được nhận làm con nuôi thường phải chuyển chỗ ở nhiều lần . Và khi chuyển từ gia đình này sang gia đình khác, chúng thường phải mang theo mọi thứ và đựng trong những chiếc túi chúng tìm thấy – thậm chí là túi giấy hay túi rác. Aubyn nghĩ rằng sẽ tốt hơn nếu những đứa trẻ này có thể gói đồ đạc trong vali. Cô bé đã viết lời kêu gọi và nhận vali quyên góp của mọi người, sau đó chuyển tới văn phòng dịch vụ xã hội để giao cho những đứa trẻ cần tới chúng. Ngày nay, “Vali cho trẻ em” đã mở rộng ra 49 bang của nước Mỹ và sang cả Canada – tất cả những điều này đều bắt đầu từ việc sử dụng trí thông minh tương tác cá nhân của một cô bé mười một tuổi. Bạn cũng có thể tạo ra sự thay đổi trong cuộc sống của người khác bằng cách của bạn. 

Bạn có thể sử dụng bất cứ trí thông minh nào cho các dịch vụ và hoạt động xã hội, điều đó tùy thuộc vào việc bạn quan tâm và cách bạn quyết định giúp đỡ người khác. Bạn sử dụng trí thông minh ngôn ngữ để dạy người khác đọc sách, sử dụng trí thông minh thiên nhiên để tập hợp bạn bè dọn dẹp công viên thành phố. Có rất nhiều cơ hội cho bạn. Dưới đây là một số ý tưởng bạn có thể thực hiện:

• Giúp các bạn cùng lớp tiếng Anh làm bài tập về nhà.

• Tổ chức và quyên góp áo, găng tay cho những gia đình khó khăn.

• Làm vườn hoặc làm những việc vặt cho người hàng xóm đang bị ốm hay người già yếu.

• Tổ chức chương trình đi bộ an toàn để giúp đưa đón những bạn nhỏ tuổi hơn từ trường hay trạm xe buýt.

• Tình nguyện dạy nhạc, vẽ hay khiêu vũ sau giờ học.

• Thu thập đồ chơi cho trẻ em trong các bệnh viện.

Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng trí thông minh tương tác cá nhân bằng cách làm một người hòa giải – giải quyết bất đồng và giúp mọi người sống hòa thuận với nhau. Khi một cuộc tranh cãi hay gây lộn xảy ra ở trường, bạn có để ý thấy thường có một cậu bạn nhảy vào can ngăn không? (Cũng có thể người đó là bạn!). Một số đứa trẻ rất giỏi trong việc này – chúng có khả năng giải quyết xung đột, giúp bạn mình lấy lại bình tĩnh và lắng nghe, hay ít nhất cũng thuyết phục được các bạn không đánh nhau nữa và trở về nhà. Khi kết hợp tất cả những điều này, bạn sẽ có một khả năng rất quan trọng trong trí thông minh tương tác cá nhân – giải quyết xung đột. 

Giải quyết xung đột là một phần quan trọng của trí thông minh tương tác cá nhân bởi cuộc sống hàng ngày luôn chứa đầy những bất đồng, tranh cãi và hiểu lầm ngớ ngẩn. Thậm chí, ngay cả khi mọi người đã cố gắng sống thật hòa thuận, bất đồng vẫn có thể xảy ra. Khi xung đột xảy ra, sẽ tốt hơn nếu có ai đó đứng ra giải quyết vấn đề.

Có thể bạn rất giỏi trong việc giải quyết xung đột hay những bất đồng giữa bạn bè và bạn cùng lớp. (Khi lớn lên, có thể bạn sẽ trở thành một thuyết khách hòa giải bất đồng giữa các cá nhân, tổ chức hay giữa các quốc gia). Ngay bây giờ, bạn hãy luyện tập các kỹ năng này, nếu nhà trường tổ chức các chương trình hòa giải hay giải quyết xung đột nảy sinh trong sinh viên – học sinh. Hoặc trở thành một nhà tư vấn cho những bạn cùng lứa tuổi, giúp các bạn trả lời câu hỏi, đưa ra lời khuyên và hỗ trợ họ trong những vấn đề rắc rối. Những vấn đề đó có thể là bất cứ thứ gì, từ cách để sống hòa thuận cùng bạn bè, đến việc bị bắt nạt ở trên lớp hay những rắc rối ở nhà. Hãy tìm hiểu nhà trường thường tổ chức những loại chương trình nào và cách thức tham gia. 

Một kỹ năng quan trọng khác của trí thông minh tương tác cá nhân là đàm phán. Khi đàm phán với ai đó, bạn cố gắng hiểu những điều họ muốn, rồi so sánh với mong muốn của bản thân và sau đó cố gắng đáp ứng nhu cầu của cả hai bên. Nếu làm vậy vẫn không được, bạn cần phải đàm phán – nghĩa là sẵn sàng thay đổi mong muốn của bản thân và thuyết phục người khác cũng làm như bạn, nhờ đó cả hai bên sẽ có được nhiều nhất những thứ mình muốn.

Ví dụ, bạn đang ở nhà và dự định xem chương trình truyền hình yêu thích. Chị gái bạn cũng muốn xem chương trình yêu thích trên một kênh khác. Việc này có thể trở thành một cuộc tranh cãi lớn nếu bạn không tìm cách thương lượng. Bạn có thể nói: “Hãy để em xem chương trình này và em sẽ cho chị mượn ván trượt trong vòng một tuần.” Hoặc: “Được rồi, em sẽ để chị xem chương trình này nếu chị dọn dẹp phòng cho em.” Cả hai gợi ý trên đều không gây hại, nhưng nếu giỏi đàm phán, bạn còn có thể tìm ra điều gì đó để đề nghị hoặc thứ gì đó để từ bỏ và bạn sẽ có được cả hai thứ mình muốn. Nếu cuối cùng cả hai đều cảm thấy vui vẻ và tránh được xung đột (tình huống này được gọi là “hai bên cùng thắng”), thì đó là sự lựa chọn thông minh.

KHẢ NĂNG LÃNH ĐẠO

Khả năng lãnh đạo mọi người là một khía cạnh khác của trí thông minh tương tác cá nhân. Một nhà lãnh đạo giỏi thường hội tụ những tố chất gì? Đó phải là người thấu hiểu và biết quan tâm đến người khác. Ngoài ra, họ còn có những đặc điểm chung như: 

• Tự tin (tin tưởng vào bản thân và những người họ lãnh đạo).

• Có khả năng thu hút sự chú ý của người khác và khiến họ quan tâm đến những ý tưởng, sự nghiệp và mục tiêu chung.

• Khả năng xuất hiện trước công chúng, báo giới.

• Mong muốn cùng làm việc với người khác để tạo ra sự thay đổi.

• Khả năng lôi cuốn mọi người làm việc và hợp tác cùng nhau. 

• Sẵn sàng mạo hiểm và có mơ ước lớn lao.

Bạn còn thấy đặc điểm nào không xuất hiện trong danh sách này? Đó là tuổi tác. Bạn có thể là một nhà lãnh đạo giỏi ở bất cứ độ tuổi nào. Nhà lãnh đạo giỏi thường bộc lộ những đặc điểm này từ rất sớm và tiếp tục phát triển chúng trong suốt cuộc đời. 

Những ví dụ về khả năng lãnh đạo có ở bất cứ đâu: bố mẹ lãnh đạo gia đình, giáo viên lãnh đạo lớp học, hiệu trưởng lãnh đạo toàn bộ trường học, tổng thống hoặc thủ tướng lãnh đạo quốc gia,… Bạn có thể gặp rất nhiều nhà lãnh đạo ở cùng độ tuổi: lớp trưởng, đội trưởng đội bóng, chủ tịch câu lạc bộ, lãnh đạo đoàn thanh niên. Bạn đã bao giờ nghĩ đến việc sẽ trở thành nhà lãnh đạo chưa? Hay bạn đã và đang ở cương vị đó? Bạn là nhà lãnh đạo trong lĩnh vực nào của cuộc sống? (Ở trường? Câu lạc bộ? Nơi bạn tham gia tình nguyện?). Khả năng lãnh đạo có ý nghĩa gì đối với bạn?

Nếu quan tâm đến việc phát triển khả năng lãnh đạo, bạn có thể bắt đầu với việc nhận trách nhiệm lớn hơn trong nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống. Khi làm việc này, bạn đang chủ động tạo ra cơ hội để làm việc gì đó thay vì ngồi chờ đợi. Nhận trách nhiệm đồng nghĩa với việc bạn thành lập một nhóm nghiên cứu, giúp bạn bè trong đội hòa thuận với nhau, hay tổ chức để mọi người cùng làm một tác phẩm chung. Bạn có thể thấy rằng đối với những điều càng quan trọng với bản thân (đội bóng đá, công viên thành phố, giúp đỡ những người vô gia cư), bạn càng háo hức tham gia và trở thành người lãnh đạo.

Nếu bạn thích chỉ đạo từ phía sau hậu trường thay vì xuất hiện trước tập thể, liệu bạn có thể trở thành một nhà lãnh đạo không? Bạn hoàn toàn có thể! Lãnh đạo là làm việc cùng người khác để giải quyết công việc chứ không nhất thiết phải xuất hiện trước tập thể. (Bạn là người giám sát một nhóm học tập chứ không phải là người thuyết trình trước lớp). Bạn muốn giúp mọi người hợp tác với nhau, giải quyết bất đồng, phát triển thế mạnh của họ – đó là tất cả những dấu hiệu của một nhà lãnh đạo tài giỏi. Bạn có khả năng chọn ra những người tốt nhất trong số bạn bè của mình, bạn cùng lớp hay các thành viên trong gia đình tùy theo công việc một cách lặng lẽ nhưng rất hiệu quả.

Bạn cũng có thể là một nhà lãnh đạo  một hình mẫu để người khác noi theo. Mattie Stepanek, cậu bé mười một tuổi mắc bệnh teo cơ, đã trở thành một người lãnh đạo theo cách này. Cậu làm thơ lúc ba tuổi, đó là những trải nghiệm về căn bệnh cậu mắc phải. Trong hai tập thơ Heart songs (Khúc hát trái tim) và Journey Through Heartsongs (Hành trình qua khúc hát trái tim), cậu đã gửi gắm thông điệp về lòng dũng cảm, niềm hy vọng và hòa bình. Các tập thơ của cậu bán rất chạy bởi cả trẻ em và người lớn có cùng cảnh ngộ đều xem Mattie là một hình mẫu, một nhà lãnh đạo hay thậm chí là một sứ giả hòa bình.

Một nhà lãnh đạo giỏi bắt đầu với mong muốn quan tâm đến người khác và tìm cách giúp đỡ họ. Là một nhà lãnh đạo không có nghĩa là luôn sai khiến người khác; lãnh đạo là làm việc cùng người khác để tạo ra sự khác biệt tích cực cho thế giới xung quanh.

Một Số Cách Thức Thú Vị Giúp Phát Triển Trí Thông Minh Tương Tác Cá Nhân

Dưới đây là một số cách thức giúp bạn phát triển và tận hưởng các kỹ năng của trí thông minh tương tác cá nhân. Hãy thực hiện bất cứ hoạt động nào bạn có hứng thú, bất kể bạn nghĩ trí thông minh tương tác cá nhân của mình như thế nào.

1. Làm một cuốn sổ địa chỉ: Ghi danh sách bạn bè cùng số điện thoại, địa chỉ và e-mail của họ. Sử dụng những thông tin này để giữ liên lạc. Thậm chí nếu không có gì đặc biệt, bạn chỉ cần ghi chú ngắn gọn về những điều bạn nghĩ đến người đó – điều này cũng có nhiều ý nghĩa.

2. Vẽ bản đồ xã hội của riêng bạn: Viết tên bạn ở vị trí trung tâm của tờ giấy. Gần tên bạn nhất, hãy viết tên của những người thân thiết nhất với bạn (người thân và bạn bè). Sau đó, viết tên những người bạn và các mối quan hệ không thân thiết với bạn càng xa theo mức độ. (Nếu bạn cảm thấy mối quan hệ thật sự xa, hãy viết tên người đó ở mép tờ giấy). Hãy viết tên những người bạn gần gũi càng nhiều càng tốt. Sau đó, bạn nên nhìn lại danh sách. Nếu bạn muốn có thêm nhiều tên trong tờ giấy hay nhiều tên ở gần bạn hơn, hãy luyện tập theo những chỉ dẫn kết bạn đã đề cập ở phần trước của chương này.

3. Gặp gỡ những người bạn mới: Quyết định gặp gỡ thêm một người bạn mới mỗi ngày, mỗi tuần hay mỗi tháng (số người bạn muốn gặp tùy thuộc vào quyết định của bạn). Nếu bạn muốn làm quen với một ai đó, hãy bắt đầu ngay với việc giới thiệu bản thân.

4. Luyện tập khả năng quan sát mọi người: Khi đến một nơi công cộng – sân chơi, cửa hàng rau, siêu thị – cùng một người bạn hay người thân, các bạn hãy thử “đọc” suy nghĩ và ý nghĩa thể hiện qua cử chỉ của những người xung quanh. Hãy nhìn ngôn ngữ cử chỉ của họ, những biểu hiện trên khuôn mặt (hạnh phúc, đau buồn, gắt gỏng hay mệt mỏi) và tư thế của họ như thế nào (đứng hay ngồi). Họ dùng tay hay có điệu bộ gì khác trong khi nói? Họ sử dụng những hình thức giao tiếp không lời nào (bắt tay, chạm khẽ vào vai, hay hôn)? Hãy nói về những gì bạn thấy và suy nghĩ xem hành vi giao tiếp đó có ý nghĩa gì.

5. Tìm những người có cùng suy nghĩ với bạn: Tổ chức một câu lạc bộ hay lập một nhóm bạn có cùng mối quan tâm với bạn (sách, thiên nhiên, bóng chày, nấu ăn, mua sắm, thiết kế). Sẽ rất thú vị khi dành thời gian bên cạnh những người thích làm những việc giống bạn. Các bạn có thể làm việc cùng nhau, đưa ra những ý tưởng mới, hay chỉ đơn giản là ngồi tán gẫu. Khi có những hoạt động chung, các bạn sẽ có vô số chuyện để nói. 

6. Tự nguyện giúp đỡ người khác: Có rất nhiều tổ chức được thành lập và hoạt động để giúp đỡ mọi người trong một phạm vi nhỏ hay trên toàn cầu. Bạn có thể quan tâm và tình nguyện tham gia một số tổ chức như: Hội Chữ thập đỏ, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường, Hội bảo vệ bà mẹ và trẻ em, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và tổ chức Ân xá Quốc tế (AI).

7. Tham gia học nhóm: Tận dụng những hoạt động học nhóm ở trong lớp – bạn có thể học được nhiều cách khác nhau khi giải quyết vấn đề, lắng nghe ý tưởng của người khác và hiểu bạn bè cùng lớp hơn. Hãy cố gắng để có điều kiện học tập và nghiên cứu với bạn bè sau giờ lên lớp – cùng làm bài tập về nhà, sáng tạo tác phẩm nghệ thuật chung, hát hay chơi nhạc cùng nhau. Hãy hỏi ý kiến giáo viên về việc tạo điều kiện để các thành viên trong lớp học tập và nghiên cứu theo nhóm nhiều hơn. 

8. Tham gia các tổ chức hay hoạt động tập thể: Ứng cử vào ban chấp hành hội học sinh – sinh viên, đóng góp ý kiến cho chương trình bảo vệ môi trường của trường học, hay tìm cách khác sử dụng trí thông minh tương tác cá nhân để giúp đỡ bạn bè.

9. Làm gia sư: Hãy đề nghị kèm cặp cho một bạn cùng lớp hoặc gia sư cho một học sinh ít tuổi hơn. Bạn sẽ thấy hạnh phúc và hài lòng với việc giúp đỡ người khác và nhờ đó, bạn có thể sớm hoàn thiện trí thông minh tương tác cá nhân. 

10. Dành thời gian bên gia đình: Thường xuyên dành những khoảng thời gian “chất lượng” bên gia đình để kết nối các thành viên với nhau. Đó là những buổi họp gia đình để các thành viên cùng trò chuyện, trao đổi về những vấn đề quan trọng như công việc hàng ngày, mọi việc tiến triển ra sao và kết quả học tập. Hoặc cả gia đình cùng chơi bài vào buổi tối, chơi bóng rổ trong công viên hay đi chơi bowling.

11. Khám phá khả năng lãnh đạo: Dù bạn là một nhà lãnh đạo thiên bẩm hay chỉ thích là một thành viên bình thường trong nhóm, hãy khám phá xem khả năng lãnh đạo có ý nghĩa gì. Bạn sẽ có cơ hội thử sức khả năng lãnh đạo trong nhiều tổ chức và nhóm tình nguyện. Ở đó, bạn có cơ hội được đào tạo, tư vấn và học hỏi các kỹ năng lãnh đạo. 

12. Tìm một người tư vấn giàu kinh nghiệm: Người đó giúp bạn học hỏi các kỹ năng mới, phát triển và hoàn thiện chúng. Ngoài ra, người đó cũng có thể đóng vai trò là một hình mẫu tích cực của bạn, giúp bạn tự tin hơn và cảm thấy hứng thú khi gặp gỡ mọi người. Họ sẽ khuyến khích bạn phát triển các kỹ năng của một nhà lãnh đạo. Bạn có thể tìm họ ở nhiều nơi khác nhau. Đó có thể là anh/chị hướng đạo sinh, chủ tịch câu lạc bộ, huấn luyện viên, một người bạn của gia đình, một doanh nhân ở địa phương, hay một người làm việc trong tổ chức bạn tham gia tình nguyện.

13. Tìm cơ hội để học hỏi ở bất cứ đâu: Có thể bạn chưa bao giờ nghĩ đến điều này, nhưng tất cả những người bạn gặp lại biết những điều bạn không biết, tiếp xúc với những người bạn chưa bao giờ gặp và có những kinh nghiệm bạn chưa có. Hãy suy nghĩ có bao nhiêu điều bạn có thể học hỏi từ họ. Sau đó, thể hiện sự quan tâm của bạn với những người bạn mới và hỏi họ nhiều điều. Cuối mỗi ngày, hãy suy nghĩ về những người bạn đó và tự hỏi bản thân đã học được những gì từ họ.

14. Đừng vội đưa ra phán xét về người khác: Có thể thật dễ dàng khi đưa ra lời phán xét về mọi người mà không cần hiểu họ. Chắc hẳn bạn từng có suy nghĩ: “Anh chàng đó thật ngốc nghếch!” Nhưng thay vì vội vàng kết luận, hãy tìm hiểu xem bạn và người đó có những điểm chung nào và bạn học hỏi được điều gì từ họ. Có thể người đó sẽ không trở thành bạn của bạn, nhưng ít nhất bạn cũng đã nỗ lực để hiểu họ hơn. Và nếu các bạn có thể trở thành bạn của nhau, điều đó thật tuyệt vời. 

15. Luyện tập khả năng kết bạn: Nếu bạn cảm thấy không tự tin hay lúng túng, hãy tập làm quen với những người bạn đã biết như thành viên trong gia đình hay một người bạn cũ. Việc làm quen sẽ dễ dàng hơn nếu bạn luyện tập. Kết bạn qua thư cũng là một cách thú vị để biết thêm những người bạn mới.

Bạn Phải Làm Gì Nếu Muốn Hoàn Thiện Các Kỹ Năng Của Trí Thông Minh Tương Tác Cá Nhân?

Có thể bạn không nhận ra, nhưng tiềm ẩn trong con người bạn là những khả năng sẵn có của trí thông minh tương tác cá nhân mà bạn vẫn sử dụng hàng ngày ở trường hay ở nhà. Chính những lúc làm việc, nói chuyện, chia sẻ và học tập cùng người khác, bạn đã sử dụng trí thông minh tương tác cá nhân. (Bạn sẽ thấy khó khăn khi nghĩ rằng một ngày trôi qua mà mình không làm những việc này!). Nếu bạn là người không tự tin, ít nói hoặc cảm thấy lúng túng khi ở cạnh những người mới quen, có thể bạn đã che khuất trí thông minh tương tác cá nhân của mình. Việc bạn cần làm là khám phá, hoàn thiện các kỹ năng đó và bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn về bản thân. 

Bạn cũng có thể sử dụng trí thông minh mạnh nhất hoặc trí thông minh bạn cảm thấy tự tin nhất để phát triển trí thông minh tương tác cá nhân.

Sau đây là bảy cách thức để đạt được điều đó:

• Nếu bạn có trí thông minh ngôn ngữ: Hãy nói chuyện và chia sẻ ý tưởng với mọi người. Bạn có thể bắt đầu với việc thảo luận, viết các bài phát biểu để thuyết trình trước lớp hay cho sự nghiệp bạn đang theo đuổi. Hoặc viết kịch hay kịch ngắn trào phúng, sau đó cùng mọi người biểu diễn chúng. Bạn cũng có thể tiến xa hơn với việc làm phim hoạt hình hay làm phim cùng những người bạn có trí thông minh không gian. Hãy mượn một chiếc máy quay hay sử dụng một chương trình máy tính và xem câu chuyện của bạn sinh động như thế nào. Cùng bạn bè lập một nhóm viết văn để chia sẻ, đưa ra nhận xét về những câu chuyện và bài thơ của nhau.

• Nếu bạn có trí thông minh âm nhạc: Tham gia một dàn hợp xướng hay một ban nhạc và trải nghiệm cảm giác thú vị khi sáng tác âm nhạc với người khác. Bạn có thể tham gia đội nhạc của trường, trung tâm công cộng và những địa điểm tiến hành nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng. Hãy chia sẻ những bản nhạc yêu thích với bạn bè, gia đình và lắng nghe chia sẻ của mọi người. Hoặc đến dự các buổi hòa nhạc với người khác – thành viên trong ban nhạc ở trường trung học hay đại học, tham dự các buổi hòa nhạc trong công viên, ở thư viện hay các buổi hòa nhạc có tài trợ. 

• Nếu bạn có trí thông minh logic: Hãy tham gia một tạp chí toán học hay một nhóm nghiên cứu. Tìm những cuốn sách có các vấn đề hóc búa nhưng thú vị, các câu đố hay trắc nghiệm IQ và tìm lời giải cùng bạn bè hay người thân. Tự tạo ra các bài toán logic và cùng người khác giải chúng, sau đó thảo luận về đáp án của nhau. Hoặc cùng bạn bè tiến hành các thí nghiệm khoa học.

• Nếu bạn có trí thông minh không gian: Hãy tìm cơ hội sáng tạo nghệ thuật với bạn bè. Các bạn có thể cùng sáng tác những tác phẩm chung của nhóm như vẽ tranh tường, cắt dán ảnh, tạc tượng hay làm chuông gió, làm phim hay hoạt hình. Chia sẻ tình yêu nghệ thuật của bạn bằng cách dạy người khác vẽ một bức tranh, hoặc nặn đồ vật từ đất sét. Bạn cũng có thể khám phá các loại hình nghệ thuật, khám phá con người bằng cách tham gia lớp học nghệ thuật tại cộng đồng. Hãy chơi trò chơi ghép hình mặt phẳng hay hình không gian với bạn bè. 

• Nếu bạn có trí thông minh vận động cơ thể: Hãy tham gia một đội thể thao, một nhóm hay câu lạc bộ thể thao và làm quen với mọi người trong khi bạn học một môn hay hoạt động gì mới. Tìm một người bạn cùng tập và trò chuyện khi bạn chạy, đạp xe hay khiêu vũ. Hãy tìm những việc thú vị để làm cùng bạn bè như chơi đuổi bắt, đi bơi hoặc tập trò tung hứng. Bằng cách đó, bạn sẽ phát triển được khả năng giao tiếp xã hội và nâng cao sức khỏe.

• Nếu bạn có trí thông minh nội tâm: Suy nghĩ về những việc bạn thích làm nhất – đọc sách, hát, vẽ, chơi thể thao hay bất cứ thứ gì khác. Tiếp theo, suy nghĩ về cách thức bạn có thể bắt đầu những hoạt động này trong một nhóm hay một đội. Chia sẻ những điều bạn nghĩ với người khác là một cách hay để thể hiện sự quan tâm của bạn đối với họ và tìm những người bạn mới. 

• Nếu bạn có trí thông minh thiên nhiên: Bạn có biết bạn có thể liên hệ với con người thông qua mối liên hệ của bạn với thế giới tự nhiên không? Hãy cùng bạn bè đến những nơi bạn vừa khám phá và tận hưởng cảm giác thú vị mà thiên nhiên mang lại. Khuyến khích bạn bè, bạn cùng lớp và người thân cùng dọn dẹp, bảo vệ hay làm đẹp khu vực bạn đang sinh sống. Hãy tham gia trồng một khu vườn của cộng đồng hoặc trồng rau quả, thảo dược để tặng cho những người gặp khó khăn.

Bạn Có Thể Làm Gì Nếu Có Trí Thông Minh Tương Tác Cá Nhân?

Bạn có thể yêu mến mọi người dù không có nhiều thời gian để gần gũi và giúp đỡ họ. Bạn thật may mắn! Và vẫn còn nhiều cách để bạn phát triển trí thông minh tương tác cá nhân. Nếu bạn có quan hệ tốt đẹp với mọi người, hãy sử dụng nhiều cách thú vị để thể hiện và chia sẻ những điều bạn biết, như giúp bạn bè hòa giải, giúp họ hợp tác và hòa thuận với nhau. Nếu bạn có vấn đề quan trọng cần giải quyết, đừng chỉ nói về nó – hãy tìm cách lôi cuốn mọi người cùng tham gia và làm việc với nhau để tạo nên sự khác biệt. Nếu bạn muốn tổ chức cho bạn bè cùng tham gia một sự nghiệp cao cả, hãy tổ chức ở cấp độ lớn hơn – cấp trường học, hay cấp cộng đồng… Trí thông minh tương tác cá nhân chứa đựng cả một thế giới cơ hội. 

Các kỹ năng thuộc trí thông minh tương tác cá nhân có thể giúp bạn phát huy các loại hình trí thông minh khác. Dưới đây là một số ý tưởng về trí thông minh tương tác cá nhân mà bạn có thể sử dụng để hiểu và phát huy các loại hình trí thông minh khác ở trường học lẫn trong cuộc sống.

• Đối với trí thông minh ngôn ngữ: Luyện từ mới, phát âm với bạn bè và gia đình. Nói chuyện về những cuốn sách bạn đang đọc với bạn bè, gia đình, thậm chí bạn có thể lập một nhóm để thảo luận sâu hơn. Luyện đọc bằng cách đọc các vở kịch cho bạn bè cùng nghe và lý giải tại sao các nhân vật lại hành động như vậy. 

• Đối với trí thông minh âm nhạc: Nghe nhạc với bạn bè, gia đình và bàn luận về những bản nhạc bạn đã nghe. Trao đổi với mọi người về các thể loại âm nhạc họ yêu thích và giải thích lý do. Tham gia làm tình nguyện cho một tổ chức nghệ thuật và tận dụng cơ hội để học hỏi nhiều hơn về các thể loại nhạc – cổ điển, nhạc kịch, giao hưởng. 

• Đối với trí thông minh logic: Chơi các trò chơi toán học với bạn bè. Tìm các bài toán, câu hỏi và cùng bạn bè tìm lời giải. Lập một nhóm nghiên cứu toán học hay khoa học và đưa ra các câu hỏi xung quanh vấn đề này để cùng thảo luận.

• Đối với trí thông minh không gian: Tham gia các lớp học mỹ thuật cùng bạn bè hay ở một trung tâm của cộng đồng. Làm quen với những người bạn mới ở lớp mỹ thuật và cùng nhau luyện vẽ ngoài giờ học hoặc sáng tạo các tác phẩm như cắt dán ảnh, vẽ tranh tường. Đề nghị bạn bè để bạn vẽ chân dung cho họ. Hay lập một câu lạc bộ thủ công và mời mọi người tham gia. Số tiền thu được từ việc bán các sản phẩm thủ công có thể được dùng để gây quỹ cho những sự nghiệp cao cả.

• Đối với trí thông minh vận động cơ thể: Học những hoạt động mới mà bạn có thể làm cùng người khác  khiêu vũ, võ thuật hay tham gia đội bóng chuyền của trường. Đi dạo, chạy bộ hay đạp xe đạp với bạn bè. Nếu bạn chơi một môn thể thao đồng đội, hãy chú ý đến các kỹ năng của trí thông minh tương tác cá nhân mà đội trưởng và huấn luyện viên đã sử dụng để truyền cảm hứng cho bạn và toàn đội thi đấu với phong độ tốt nhất.

• Đối với trí thông minh nội tâm: Hãy liệt kê danh sách các kỹ năng thuộc trí thông minh tương tác cá nhân mà bạn thấy thành thạo nhất và những lĩnh vực bạn muốn gặt hái thành công. Sử dụng danh sách này và suy nghĩ về ba mục tiêu để hoàn thiện những lĩnh vực đó. Chẳng hạn, bạn rất giỏi trong việc kết bạn và sống hòa thuận với mọi người nhưng bạn quyết định nâng cao kỹ năng lãnh đạo của mình. Vì vậy, ba mục tiêu đề ra là: (1) Tìm một người có kinh nghiệm tư vấn cho bạn về việc phát triển kỹ năng lãnh đạo, (2) kiểm tra xem ở trường, câu lạc bộ hướng đạo sinh, câu lạc bộ tuổi trẻ cộng đồng có các chương trình giúp bạn phát triển kỹ năng lãnh đạo không, (3) tìm cơ hội luyện tập khả năng lãnh đạo – tổ chức cho mọi người tham gia các hoạt động tình nguyện hay ứng cử vào ban chấp hành hội sinh viên. 

• Đối với trí thông minh thiên nhiên: Việc tham gia hoạt động bảo vệ môi trường thật sự thu hút sự quan tâm của bạn. Đó có thể là việc cứu các loài động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng hay bảo vệ khu vực đầm lầy ở địa phương để các loài chim di cư có chỗ trú tạm. Hoặc nói chuyện với mọi người để nâng cao nhận thức của họ, lấy chữ ký ủng hộ việc bảo vệ môi trường và tổ chức cho họ cùng tham gia. Bạn sẽ học được nhiều điều về thế giới tự nhiên khi cùng làm việc với mọi người để bảo vệ nó. 

  Hướng Tới Tương Lai

Bạn có thể làm nghề gì với trí thông minh tương tác cá nhân? Rất nhiều! Dưới đây là một số ngành nghề bạn có thể lựa chọn:

• nhà quản lý 

• nhân viên quảng cáo

• nhà nhân chủng học 

• thẩm phán

• doanh nhân 

• huấn luyện viên 

• luật sư 

• nhà tội phạm học 

• nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc gia đình

• chuyên gia nguồn nhân lực

• phóng viên 

• chuyên gia tư vấn 

• giám đốc 

• nhà môi giới

• y tá

• sỹ quan cảnh sát 

• chính trị gia 

• người thăm dò ý kiến bầu cử 

• chuyên gia tâm thần học 

• nhân viên lễ tân 

• nhà tâm lý học 

• chuyên gia quan hệ công chúng 

• phát ngôn viên

• người phỏng vấn 

• nhân viên bán lẻ

• nhà hoạt động xã hội

• nhân viên bán hàng 

• hiệu trưởng 

•  nhân viên xã hội

• người dẫn chương trình 

• giáo viên 

• nhà trị liệu

• nhân viên đại lý du lịch 

• và rất nhiều ngành nghề khác nữa!

 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.