Bạn Thông Minh Hơn Bạn Nghĩ

Chương 7: Trí Thông Minh Nội Tâm Trắc Nghiệm Nhanh



Trắc Nghiệm Nhanh

  Bạn có:

• thích làm việc độc lập hay làm việc cùng người khác?

• thích lập ra các mục tiêu riêng và đạt được chúng?

• bảo vệ niềm tin của mình ngay cả khi nó không giống với người khác?

• ít quan tâm đến những điều người khác nghĩ về bạn so với những đứa trẻ khác?

• luôn hiểu được cảm xúc của mình và tại sao lại có cảm xúc đó?

• dành thời gian suy nghĩ sâu sắc về những vấn đề xảy ra với bản thân?

• hiểu rõ những điểm mạnh và điểm yếu của bản thân? 

• thích viết nhật ký hay lên lịch trình làm việc?

• thích viết ra những ý tưởng, kỷ niệm, cảm xúc hay tiểu sử cá nhân?

• nhận thức rõ về bản thân?

• suy nghĩ về tương lai và về việc sau này sẽ trở thành người như thế nào?

Nếu câu trả lời là “có” cho bất kỳ câu hỏi nào ở trên, bạn chính là người có trí thông minh nội tâm! 

Trí Thông Minh Nội Tâm Là Gì?

Khi có trí thông minh nội tâm, bạn sẽ hiểu rõ bản thân. Bạn biết mình là ai và có thể làm gì. Bạn biết cảm giác của mình và hiểu rõ bản thân hơn những gì người khác hiểu về bạn. Bạn tự lập ra các mục tiêu riêng, suy ngẫm và học hỏi từ kinh nghiệm, hiểu rõ sức mạnh cũng như điểm yếu của bản thân. Bạn có thể thể hiện trí thông minh nội tâm với việc ghi lịch trình công việc hàng ngày, khắc phục khó khăn trong cuộc sống, lập kế hoạch cho tương lai, dành thời gian suy ngẫm về cuộc sống, quan tâm đến tôn giáo hay tâm lý học cũng như rèn luyện khả năng hiểu và chấp nhận những cảm xúc cuộc sống mang lại.

Bạn đã bao giờ nghĩ mình là ai không? Nếu một ai đó hỏi: “Bạn là ai?”, bạn có thể trả lời: “Tôi là John Doe” hay “Tôi là Jane Doe”. Nhưng đó chỉ là tên của bạn. Bạn chắc chắn có nhiều thứ hơn thế. Bạn có thể tiếp tục: “Tôi mười một tuổi, sống ở…, hiện tôi đang học lớp 6; sở thích của tôi là chơi bóng đá.” Những điều này sẽ giúp mọi người biết thêm một số thông tin về bạn nhưng vẫn còn nhiều điều để hiểu. 

Ngoài độ tuổi, nơi sống, lớp học và sở thích, bạn còn có kinh nghiệm, ước mơ tương lai, sở thích sở ghét, hay cảm xúc riêng tư. Mô tả bản thân càng rõ nét, bạn càng hiểu rõ mình là ai. Và đó chính là những gì mà khái niệm trí thông minh nội tâm bao hàm. 

Bạn có nghĩ: “Tất cả mọi người đều hiểu rõ bản thân họ”? Liệu điều đó có đúng không? Thực tế, không phải tất cả mọi người đều có khả năng đó. Chỉ một số người có thể hiểu rõ những cảm xúc cá nhân, mục tiêu và ước mơ của mình hơn người khác. Vì những người có trí thông minh nội tâm thường hiểu rõ về bản thân họ, nên họ có thể đưa ra những chọn lựa thông minh hơn trong cuộc sống. Thực tế, những người này ít bị ảnh hưởng bởi áp lực tâm lý từ bạn bè cùng trang lứa, bởi họ không quan tâm nhiều đến những điều người khác nghĩ về mình và không muốn làm những việc cản trở bước chân họ trên con đường tiến tới mục tiêu đã định.

Bạn còn nhớ trường hợp của John Doe và Jane Doe mà tôi vừa đề cập ở trên chứ? Đây là hai ví dụ về họ với việc sử dụng các kỹ năng của trí thông minh nội tâm: 

Ví dụ 1: Bạn thân của Jane rất muốn thử giọng cho một vở nhạc kịch của trường nhưng cô bé không muốn đi một mình và nài nỉ Jane cùng tham gia. Jane có một giọng ca hay, nhưng cô bé không muốn thử giọng vì cảm thấy lo lắng khi hát trước đám đông; hơn nữa, Jane muốn dành thời gian để hoàn thiện trò chơi bóng đá của mình. Jane biết điều gì tốt nhất cho mình và không để phải chịu áp lực từ phía người bạn. Tuy nhiên, Jane cũng nói rằng cô bé sẽ rất vui khi xem người bạn thử vai và sẽ cổ vũ hết mình cho bạn ấy. 

Ví dụ 2: Bạn bè John đang chế giễu một cậu bạn trên sân bóng vì cậu này chơi thể thao rất kém, lại có phần không tự tin nữa. Chúng cũng bắt đầu khiêu khích John vì John không hùa theo chúng. Thực tế, điều John làm cũng chính là để bảo vệ cậu bạn đang bị bắt nạt, vì John cho rằng việc làm của đám bạn kia là không đúng. Thậm chí, John biết rằng đám bạn có thể sẽ nghỉ chơi với cậu nhưng vẫn quyết định làm việc mà cậu tin là đúng. 

Vậy trí thông minh nội tâm của Jane và John thể hiện ở điểm nào? Đó chính là việc Jane đã nhận ra những điểm mạnh (bóng đá và giọng nói), điểm yếu (sợ biểu diễn trước đám đông) và mục tiêu của mình (mong muốn hoàn thiện trò chơi bóng đá). Jane đã chống lại được áp lực từ việc người khác muốn cô bé làm những việc mà cô bé nghĩ không có lợi cho mình. Đối với John, cậu đã bảo vệ cho điều mình tin, thậm chí điều đó có thể khác biệt với những gì bạn bè nghĩ và cậu có thể bị trêu chọc.

Như bạn thấy, trí thông minh nội tâm cũng giống như sự tự nhận thức. Và đây là một trong những loại kiến thức quan trọng nhất bạn cần có. Thật khó mà tin được rằng việc hiểu rõ bản thân còn quan trọng hơn là tìm ra lời giải cho các bài toán hóc búa hay học được cách đọc các nốt nhạc – nhưng đó là sự thật! Thực tế cho thấy, trí thông minh nội tâm là chìa khóa quan trọng để có được cuộc sống thành công. Khi bạn biết mình là ai và mong muốn tương lai như thế nào, bạn sẽ có nhiều khả năng hơn để đạt được những mục tiêu đó. Và còn một phần thưởng khác nữa: khi có trí thông minh nội tâm, bạn cũng phát triển dễ dàng những trí thông minh khác. 

Bạn có thể làm gì với trí thông minh nội tâm?

• Học từ những sai lầm và thành công của mình, từ đó có thể vận dụng được tất cả các loại hình trí thông minh còn lại.

• Lập các mục tiêu cho tương lai và rút ra bài học từ quá khứ.

• Hiểu được cảm nhận của bản thân và diễn đạt chúng rõ ràng. 

 Những việc thường ngày sử dụng trí thông minh nội tâm:

• ghi lịch trình công việc

• ghi danh sách những việc bạn thích (hay ghét) 

• lập mục tiêu cho bản thân 

• làm hết bài tập trước 6 giờ tối hay học cách chơi một loại nhạc cụ 

• tưởng tượng về công việc, gia đình hay những thành công trong tương lai 

• mơ về cuộc sống trong tương lai

• suy ngẫm về mỗi ngày trôi qua

• xem xét những cách có thể giúp bạn trở thành một người tốt hơn 

• đọc sách hay tạp chí về sự tự lực hay tự hoàn thiện

• thực hiện các trắc nghiệm cá nhân 

• suy nghĩ và viết ra những giấc mơ 

•chăm sóc bản thân với việc ăn uống, thể dục và vệ sinh hợp lý

 HIỂU RÕ BẢN THÂN

Lúc này bạn đã nắm rõ tầm quan trọng của việc “hiểu rõ bản thân”. Nhưng điều đó thật sự là gì vẫn là một bí ẩn đối với bạn. Làm sao bạn có thể hiểu được bản thân nếu chưa từng trăn trở về nó? Bạn hiểu rõ bản thân đến mức nào nếu bạn đang ở độ tuổi trưởng thành và sẽ thay đổi rất nhiều?

Tự nhận thức là một quá trình luôn tiếp diễn – nhưng chính điều này làm cho nó trở nên thú vị. Quá trình hiểu rõ bản thân cũng giống như việc khám phá bạn là ai – yêu hay ghét điều gì, thích cái gì, cảm nhận thấy gì, tin và ủng hộ điều gì, và bạn nghĩ mình có thể làm được gì cho thế giới này. Khi lớn lên, có kinh nghiệm và học hỏi được những điều mới lạ, bạn sẽ tiếp tục thay đổi cả về hình dáng lẫn thế giới nội tâm. Sẽ có nhiều điều cần lời giải đáp, thậm chí đối với cả người trưởng thành. Đó là tại sao phát triển các kỹ năng của trí thông minh nội tâm cần phải có thời gian – nhưng bạn còn trẻ và có nhiều thời gian để làm điều đó. 

Tự nhận thức bắt đầu với việc tự đánh giá và điều đó có nghĩa là bạn phải xem xét bản thân và cuộc sống của mình thật cẩn thận. Hãy tự hỏi những câu hỏi sau:

• Năng khiếu nổi bật nhất của bạn là gì?

• Điều gì là tốt cho bạn? Bạn có thể hoàn thiện những gì?

• Hy vọng và ước mơ của bạn?

• Điều gì làm bạn hạnh phúc?

• Bạn thật sự muốn học điều gì?

• Mục tiêu hiện tại của bạn là gì?

• Mục tiêu tương lai của bạn là gì?

• Bạn đã học được những gì từ trải nghiệm của bản thân?

• Hiện tại bạn cảm thấy như thế nào? Tại sao lại như vậy?

• Bạn bày tỏ cảm xúc như thế nào?

• Bạn tin tưởng điều gì? Tại sao?

• Điều gì khiến bạn thật sự quan tâm? Tại sao?

• Ai là người thật sự quan trọng với bạn? Tại sao?

• Bạn muốn thay đổi những việc gì trong thế giới này? Ở hàng xóm? Hay trong chính bản thân bạn?

• Bạn có chú ý đến cách mình cảm nhận sự vật, hoạt động và con người không?

Ngoài những câu hỏi ở trên, vẫn còn rất nhiều câu hỏi bạn có thể tự vấn. Hãy xem xét những sự việc cụ thể hơn, ví dụ như quan hệ của bạn với bạn bè và gia đình, hay mẫu người bạn muốn trở thành khi trưởng thành. Câu hỏi ở đây không giới hạn. 

Bạn có thể suy nghĩ về các câu hỏi và tìm câu trả lời, hoặc viết ra trong lịch trình công việc hay trong nhật ký của mình. Đôi khi những điều bạn viết ra cũng hữu dụng bởi bạn có thời gian suy ngẫm cẩn thận hơn và phát hiện những điều không ngờ đến. Các câu hỏi này sẽ giúp bạn tìm ra câu trả lời thông qua nghệ thuật, nhạc kịch và âm nhạc. Bất cứ hình thức nghệ thuật nào đều đem lại hiệu quả. 

Tuy nhiên, đừng trả lời câu hỏi một lần rồi bỏ quên chúng. Hãy đặt ra các câu hỏi giống nhau tại những thời điểm khác nhau của cuộc sống – một tháng, sáu tháng tính từ thời điểm hiện tại, hay thời điểm bắt đầu năm học mới. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy rằng một số câu trả lời đã thay đổi và một số khác thì không.

Một điều rõ ràng là có trí thông minh nội tâm đồng nghĩa với việc bạn sẽ suy nghĩ nhiều hơn. Điều này cũng có nghĩa bạn sẽ có đời sống nội tâm phong phú và thú vị hơn. Đời sống nội tâm là gì? Hãy thực hiện một cuộc hành trình khám phá thế giới nội tâm và bạn sẽ tìm thấy câu trả lời ở đó. 

Sau khi đọc cuốn sách này, bạn hãy dành khoảng 20 phút ngồi trên ghế, thư giãn và thở tự nhiên. Sau đó, chú ý đến những việc bạn đang suy ngẫm trong đầu khi ngồi ở tư thế đó. Bạn thấy những gì hiện ra trong đầu? Trí nhớ? Trí tưởng tượng? Cảm giác? Tri giác? Mong ước? Hay những thứ khác? Trong khoảnh khắc lắng lại và soi vào tâm hồn mình, bạn sẽ rất ngạc nhiên khi khám phá ra rằng mình thật sự có những gì. Đời sống nội tâm của bạn cũng giống như đại dương sâu nhất – rộng lớn, phong phú với vô vàn tuyệt tác để chiêm ngưỡng và đáng kinh ngạc. 

Đời sống nội tâm có thể là nguồn ý tưởng, ước mơ và những sáng tạo phong phú. Nghệ sỹ, nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ và cả các nhà khoa học đều tìm đến “thế giới bên trong” của họ để khơi nguồn cảm hứng và tìm lời giải đáp. Nhiều tôn giáo và truyền thống tinh thần cũng như các lĩnh vực nghiên cứu như triết học và tâm lý học, tất cả đều đánh giá cao trí thông minh nội tâm. 

Bạn ghé thăm đại dương đó nhiều hơn là bạn có thể nhận ra. Hãy bước vào thế giới đó mỗi đêm. Mỗi khi nằm mơ – cho dù có nhớ được giấc mơ đó hay không – bạn cũng đang khám phá thế giới bên trong. 

Bạn có nhớ những giấc mơ của mình không? Tất cả mọi người đều nằm mơ nhưng không phải ai cũng nhớ được chúng. Bạn có thể bắt đầu với việc ghi nhật ký giấc mơ. Để một cuốn sổ và cây bút cạnh giường ngủ, ngay khi tỉnh giấc, hãy viết ra những giấc mơ còn lơ lửng trong đầu. (Bạn cũng có thể để một máy thu âm cạnh giường và ghi âm lại những giấc mơ). Có thể bạn chỉ nhớ một phần hay các đoạn khác nhau hoặc toàn bộ giấc mơ. Trong suốt giấc ngủ, nếu bạn tỉnh giấc càng nhiều thì khả năng những giấc mơ trở nên mờ nhạt càng lớn. Đến thời điểm ăn sáng, có thể bạn đã quên những giấc mơ đêm qua (trừ phi chúng thật sự thú vị hay đáng sợ). Nếu bạn vẫn không nhớ được những gì đã mơ, hãy hẹn đồng hồ sớm hơn nửa giờ so với giờ bạn thường tỉnh giấc. Bằng cách đó, bạn sẽ thức dậy giữa chừng giấc mơ. 

Hãy dành một khoảng thời gian đều đặn để khám phá sự phong phú của thế giới nội tâm. Những khoảnh khắc dành riêng cho bản thân là rất quan trọng. Hãy dành thời gian để tưởng tượng, suy ngẫm, viết, vẽ, đi bộ, làm công việc yêu thích hay hoạt động bất kỳ trong hàng nghìn hoạt động khác nhau để phát triển trí thông minh nội tâm. 

Nhiều người có trí thông minh nội tâm thường rất độc lập. Họ thích làm những việc theo cách của riêng họ và cảm thấy thoải mái khi là chính mình. Độc lập là một đức tính tốt – nó giúp bạn đánh giá được những suy nghĩ và ý tưởng của mình. Tuy nhiên, đôi khi kiểu suy nghĩ độc lập có thể khiến người khác ngạc nhiên. Bởi họ chưa hiểu được bạn hay mục tiêu của bạn. Không có gì sai trái khi những mơ ước và mục tiêu của bạn khác với mọi người. Nếu bạn có một ước mơ hay ý tưởng đặc biệt, như bơi cùng một chú cá heo, viết một cuốn sách, mở công ty riêng, du lịch vòng quanh thế giới, trở thành ngôi sao nhạc rock hay nhạc rap, hãy chuyên tâm và xem giấc mơ đó có thể đưa bạn tới đâu. Hãy tin tưởng rằng trí thông minh nội tâm sẽ dẫn lối cho bạn đến với thành công trong cuộc sống. 

HIỂU NHỮNG GÌ BẠN CẢM NHẬN

Bạn cảm nhận được gì ngay lúc này đây? Tò mò? Mất tập trung? Phấn khích? Lo lắng? Để trở thành một người có trí thông minh nội tâm, bạn cần phải nhận ra và hiểu được cảm giác của chính mình. Điều này giúp bạn cảm nhận tốt hơn và hiểu hơn về những điều diễn ra trong cuộc sống – từ việc bạn thể hiện ở trường học ra sao, bạn muốn làm gì trong tương lai cho đến việc giữ quan hệ tốt đẹp với bạn bè và gia đình. Hiểu những gì mình cảm nhận cũng có nghĩa là bạn có thể tận dụng được những điểm tích cực (cảm thấy hạnh phúc, thành công với các mục tiêu đã đặt ra) và làm cho những điểm tiêu cực dễ dàng giải quyết hơn (tranh cãi với bạn bè).

Bạn đã trải qua những xúc cảm nào dưới đây trong những ngày qua:

Tự tin Nhút nhát Căng thẳng

Cô đơn Lo lắng Chán nản Ngạc nhiên

Ghen tị Xấu hổ Thận trọng Hạnh phúc Ầm ĩ

Tức giận Tinh nghịch Sợ hãi Thanh thản

Năng nổ Tự hào Nản lòng Lúng túng

Can đảm Tuyệt vọng Tội lỗi Nghi ngờ Khao khát

Sôi nổi Rắc rối Chu đáo Yêu thương

Tò mò Lôi cuốn An toàn

Bạn có thể đã trải qua nhiều xúc cảm và ngạc nhiên khi thấy nhiều trong số đó đã trở nên quen thuộc. Hãy nghĩ xem gần đây bạn đã có những xúc cảm này ở đâu và khi nào. Liệu có xúc cảm nào mà bạn đã trải qua lại không được liệt kê ở đây? Đó là xúc cảm gì?

Tại sao việc suy ngẫm về những cảm nhận của bản thân lại quan trọng đến vậy? Bởi việc hiểu cảm xúc có thể giúp bạn diễn đạt được chúng và việc diễn đạt lại giúp bạn giải quyết được chúng. Ví dụ, nếu cảm thấy hăng hái, bạn có thể tìm cách giúp người khác cũng có cảm giác như vậy. Nếu cảm thấy cô đơn, bạn có thể gọi cho một người bạn. Nếu cảm thấy chán nản, hãy xem xét những điều giúp bạn trở nên tốt hơn: nói chuyện với một ai đó, viết nhật ký, dành thời gian đi chơi hay làm bất cứ việc gì bất chợt nảy ra trong đầu.

Khi hiểu được cảm giác của bản thân, bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn để hiểu cảm giác của người khác. Nếu bạn từng tự hỏi: “Cảm giác của tôi sẽ ra sao nếu việc đó xảy đến?”, nghĩa là bạn đã sử dụng trí thông minh nội tâm để bày tỏ sự cảm thông. 

Nhiều người mãi quanh quẩn với cảm giác bực tức, chán nản, sợ hãi hay khó chịu mà chính họ cũng không biết như thế. Họ cảm thấy tồi tệ nhưng không biết tại sao và phải làm gì để giải tỏa cảm giác này. Nếu bạn hiểu được những gì mình cảm nhận, thì sẽ dễ dàng hơn để nhận ra những cảm xúc đau buồn (cũng như hạnh phúc). Theo cách đó, bạn sẽ vượt qua những cảm xúc này mà không bắt người khác phải hứng chịu hay để chúng cản trở những giấc mơ và mục tiêu của bạn.

Người có trí thông minh nội tâm biết cách sử dụng “công cụ” cảm xúc hay những thứ giúp họ giải quyết các tình huống khó khăn và cảm thấy tốt hơn. Cũng giống như các công cụ trong một hộp công cụ, chúng sẽ giúp bạn làm được nhiều việc. Bạn có thể sử dụng toàn bộ các công cụ hoặc một vài trong số đó. Các công cụ khác nhau có thể có tác dụng ở những thời điểm khác nhau trong cuộc sống. Dưới đây là một số công cụ bạn có thể sử dụng, chúng sẽ giúp bạn hiểu và giải quyết những xúc cảm của mình, bất kể đó là cảm xúc gì.

• Viết nhật ký. Nhật ký là nơi bạn thổ lộ, cảm nhận hay suy ngẫm bất cứ điều gì mình muốn – bạn có thể trút bầu tâm sự khi tức giận, viết ra nỗi sợ hãi, cách thức giải quyết vấn đề, vượt qua cảm giác đau thương và buồn bã, hay viết về những gì bạn yêu thích. Bạn có thể làm nhiều điều hơn thay vì chỉ viết nhật ký, ví dụ: vẽ, làm thơ, ghi lại những câu trích dẫn yêu thích, hay theo bất cứ cách nào bạn nghĩ ra. Và bạn nên giữ bí mật cho riêng mình. 

• Tập thể dục. Khiêu vũ với những giai điệu yêu thích, đi dạo, chạy thật nhanh hay đi xe đạp trong công viên sẽ giúp bạn cảm thấy tốt hơn. Nếu bạn đang tức giận, hãy tập thể dục để sử dụng có ích những nguồn năng lượng thừa thãi và xả stress.

• Tìm một người bạn có thể trút bầu tâm sự. Đó có thể là bố mẹ, bạn thân, hàng xóm, người thân, bạn bè của gia đình, thầy cô, người hướng đạo sinh hay chủ tịch câu lạc bộ. Bạn bè là những người tuyệt vời biết lắng nghe những điều lo lắng hay khó chịu của bạn.

• Làm một việc gì đó mang tính sáng tạo. Hội họa, âm nhạc và diễn xuất là những cách tuyệt vời để bạn thể hiện ý kiến và những xúc cảm mạnh mẽ.

• Hài lòng với bản thân. Khi mắc sai lầm hay thấy khó chịu với điều gì đó, bạn sẽ trở nên hà khắc với bản thân. Hãy tránh nói những câu như: “Tôi thật ngu ngốc!”, “Ai cũng ghét tôi!”, “Tôi không làm được việc gì đúng cả!” Bạn không muốn người khác nói những điều đó với mình, phải không? Vậy đừng nói những điều đó với bản thân. Hãy tự động viên mình những câu tích cực như: “Tôi có thể học hỏi từ những sai lầm” hay “Ngay bây giờ tôi đang cảm thấy khó chịu, nhưng tôi có thể làm cho bản thân cảm thấy tốt hơn.”

• Khi bạn cần bình tĩnh lại và suy ngẫm về điều gì đó, hãy đến một nơi yên tĩnh. Đó có thể là căn nhà quen thuộc dưới vòm cây, chiếc ghế dài trong công viên hay phòng ngủ của bạn.

• Bạn cần biết khi nào mình cần sự giúp đỡ của người lớn và có thể tìm sự giúp đỡ đó ở đâu. Đôi khi bạn có thể gặp phải những vấn đề quá lớn hay đáng sợ và không thể giải quyết một mình. Ví dụ, một người bạn (hay một người nào đó) bị thương, bạn cần phải thông báo việc đó cho một người lớn đáng tin cậy như bố mẹ, thầy cô giáo, chủ tịch câu lạc bộ, bác sỹ hay gọi đến số điện thoại nóng. Nếu người đầu tiên bạn thông báo không thể giúp, hãy tiếp tục trao đổi với người khác. Có nhiều người sẵn sàng lắng nghe và giúp đỡ bạn.

• Học các bài thể dục thư giãn. Nếu bạn muốn học cách thư giãn, hãy bắt đầu với việc ngồi ngay thẳng ở nơi bạn cảm thấy thoải mái và tập trung vào hơi thở trong vài phút mỗi ngày. (Hãy bắt đầu với 5 phút, sau đó tăng lên 10, 15, 20 phút mỗi ngày. Hẹn giờ sẽ giúp bạn tính thời gian thư giãn). Chú ý đến hơi thở và bỏ qua mọi thứ xung quanh. Khi chú ý đến luồng hơi thở ra và hít vào, bạn có thể nói “vào” khi hít vào và “ra” khi thở ra. (Hoặc đếm với mỗi hơi thở, lặp lại chu kỳ đếm từ một đến mười suốt trong thời gian thư giãn). Bạn sẽ có những ý tưởng hay cảm giác có thể khiến bạn mất tập trung, nhưng sau đó hãy tiếp tục giữ tập trung vào hơi thở.

• Sử dụng những vật đem lại cảm giác thoải mái. Đó có thể là cuốn sách yêu thích bạn muốn đọc khi buồn, một chương trình radio hay đĩa CD bạn nghe khi muốn thư giãn và khích lệ tinh thần. Hoặc là món đồ chơi yêu thích, một cái ôm ghì của mẹ, hay một cốc sô-cô-la nóng với kẹo dẻo.

VƯƠN TỚI CÁC MỤC TIÊU CỦA BẢN THÂN

Trí thông minh nội tâm là chiếc chìa khóa lớn nhất đưa bạn đến thành công. Khi đọc cuốn sách này, bạn sẽ có những phát hiện thú vị về bản thân và quá trình tư duy. “Tôi thật sự giỏi về lĩnh vực này” hay “Tôi nghĩ mình có thể hoàn thiện trong lĩnh vực này”. Những điều bạn tự khám phá có thể giúp bạn học hỏi nhanh hơn. Phát huy thế mạnh và khắc phục điểm yếu là tất cả những gì khái niệm trí thông minh nội tâm bao hàm. Khi làm việc với trí thông minh nội tâm, bạn sẽ tạo dựng được hình ảnh tốt hơn cho chính mình. 

Bạn có muốn biết một trong những cách tốt nhất để cải thiện cuộc sống hiện tại và làm cho tương lai sáng sủa hơn không? Hãy lập mục tiêu. (Tất nhiên, bạn cần phải phấn đấu để đạt mục tiêu đó!). Mục tiêu đó có thể lớn hay nhỏ, là mục tiêu hiện tại hay tương lai, hay bất cứ thứ gì bạn muốn đạt được, miễn là chúng giúp bạn hoàn thành những gì mình muốn làm. Bạn có thể lập mục tiêu để cải thiện môn toán hay chơi đàn piano. Hoặc lập mục tiêu xa hơn trong tương lai, bất kể là bạn muốn nghiên cứu loài tinh tinh như Jane Goodall đã làm ở châu Phi hay chạy đua vào quốc hội.

Ngay bây giờ, bạn hãy dành thời gian để sử dụng các kỹ năng của trí thông minh nội tâm. Suy ngẫm về cái đích bạn sẽ vươn tới trong cuộc sống. Bạn có từng nghĩ mình sẽ làm gì trong năm tới không? Hai năm, năm năm hay mười năm sau sẽ ra sao? Bạn không nhất thiết phải lên kế hoạch cho tương lai ngay từ bây giờ, nhưng ít nhất bạn phải bắt đầu suy nghĩ về nó thường xuyên hơn. Tương lai là những gì do bạn xây dựng nên – và việc lập mục tiêu có thể đưa bạn đi tới đích. 

Lập mục tiêu là việc bạn đã làm một cách tự nhiên, nhưng đó có thể không phải là việc bạn suy ngẫm hay thực hiện thường xuyên. Dưới đây là một số điều quan trọng cần nhớ khi bạn lập mục tiêu cá nhân: 

• Bắt đầu lập các mục tiêu nhỏ hay ngắn hạn mà bạn hy vọng sẽ đạt được trong ngày hôm nay hoặc trong vòng một tuần, một tháng hay năm tới. Lập các mục tiêu ngắn hạn (hay một mục tiêu để bắt đầu) mà bạn cảm thấy có thể đạt được, ví dụ: “Tuần tới tôi sẽ làm được 15 bài toán, gặp gỡ một người bạn mới và luyện đàn ghita 20 phút mỗi ngày.” Sau khi đạt được các mục tiêu nhỏ này, bạn sẽ có thêm tự tin để tiếp tục thực hiện các mục tiêu khó khăn, lớn hơn thật tốt.

• Lập mục tiêu cho những điều bạn quan tâm. Có thể là học lên cao, lập tổ học tập, đóng một vai trong vở kịch của nhà trường hay giúp đỡ người khác. 

• Đảm bảo các mục tiêu bạn lập ra phải thực tế. Nếu lập ra các mục tiêu không khả thi (trở thành triệu phú lúc mười tuổi), bạn có thể không đạt được và sẽ cảm thấy chán nản. Nếu mục tiêu của bạn quá lớn so với thực lực hiện tại, hãy xây dựng từng bước để đạt được chúng. Ví dụ, trước khi tham gia đội bóng rổ, bạn sẽ phải luyện ném bóng.

• Mục tiêu nên có tính thách thức. Chúng phải tạo động lực thúc đẩy bạn phát triển, học hỏi và suy ngẫm về những việc có thể đạt được. Nếu mục tiêu quá dễ dàng, bạn cũng không có cảm giác hài lòng với những gì đã đạt được. Khi đạt được một mục tiêu mà bạn đã phải chăm chỉ phấn đấu mới có, sự tự tin và khả năng của bạn sẽ tăng lên. Nếu bạn đã giỏi các môn khoa học, nhưng vẫn vất vả với môn ngoại ngữ, thì việc lập mục tiêu đạt được điểm 10 trong các môn khoa học sẽ không có nhiều ý nghĩa. Bạn sẽ thu được nhiều hơn khi lập mục tiêu cải thiện môn ngoại ngữ. 

• Cụ thể hóa mục tiêu. Bạn muốn biết khi nào đạt được mục tiêu, vậy thì mục tiêu càng chi tiết càng tốt. Chia một mục tiêu thành nhiều bước và nhiều việc cần làm, bao gồm cả thời điểm bạn muốn đạt được mục tiêu và các cách thức cụ thể cho thấy khi nào bạn sẽ đạt được nó. Ví dụ, bạn muốn đạt được điểm số cao hơn trong môn toán. Bạn đã nhận được điểm 5 và giờ muốn có điểm 10 (mục tiêu cụ thể để tiến lên phía trước). Bước tiếp theo, chia nhỏ mục tiêu thành từng bước: dành 45 phút mỗi ngày để luyện tập các bài tập toán về nhà; lập một nhóm học toán với bạn bè và sắp xếp thời gian với giáo viên để có được sự hỗ trợ khi cần thiết. Hãy lập các mục tiêu nhỏ và tiến đến mục tiêu lớn hơn theo từng bước. Sau đó, định ra thời hạn hoàn thành các mục tiêu nhỏ đó.

Bạn có thể sử dụng các mục tiêu để đạt được ước mơ của mình. Mục tiêu cần phải thực tế, nhưng chúng có thể giúp bạn đạt được những giấc mơ tuyệt vời nhất. Đôi khi, những người có trí thông minh nội tâm có nhiều giấc mơ mà mọi người không thể hiểu nổi (thậm chí còn chế giễu những giấc mơ đó). Bạn có ý tưởng về một phát minh mới là tái chế rác thải và biến chúng thành năng lượng hay muốn viết một cuốn sách bán chạy. Những ý tưởng đó dường như không chắc thành công ở thời điểm hiện tại, nhưng đó là giấc mơ bạn có thể làm, bất chấp những gì người khác nói. Nhiều người có trí thông minh nội tâm đã đạt được những giấc mơ tuyệt vời vì họ tin vào bản thân. 

Tuy nhiên, nếu bạn không đạt được mục tiêu nào thì sao? Sẽ ra sao nếu bạn đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không đạt được chính xác những gì mình muốn? Khi bạn không đạt được một mục tiêu, đừng đổ lỗi cho bản thân. Hãy suy ngẫm về các mục tiêu và tìm hiểu lý do bạn không đạt được chúng. Liệu mục tiêu đó có thực tế (cải thiện điểm 5 thành điểm 7-8 hay 10 đến cuối năm học) hay khả thi (chuyển điểm 5 thành điểm 10 chỉ trong một học kỳ)?

Một phần rất quan trọng của trí thông minh nội tâm là sử dụng sự tự hiểu biết bản thân của bạn để cải thiện cuộc sống. Khi nhận ra mình không thật sự giỏi về một vấn đề nào đó (và bạn phải có can đảm mới nhận ra và chấp nhận điều này – đó cũng là một phần của trí thông minh nội tâm), hãy làm điều gì đó tích cực để cải thiện nó. Bạn có thể mắc sai lầm và gặp thất bại trong cuộc sống trong khi vẫn sở hữu trí thông minh nội tâm. 

Điều quan trọng không phải là bạn luôn đúng hay thành công, mà bạn có thể học từ những sai lầm hay thất bại của mình. Bạn có thể học từ những sai lầm cũng như thành công – thậm chí còn nhiều hơn thế. Khi có trí thông minh nội tâm, bạn sẽ áp dụng những gì đã học và sử dụng chúng để có những thay đổi tích cực. Hãy áp dụng cách này để cải thiện điểm số của môn toán, thể dục và khả năng kết bạn. 

Lập mục tiêu cũng có nghĩa là bạn có trí thông minh nội tâm – bạn đang suy nghĩ về tương lai, cố gắng hoàn thiện bản thân và biến giấc mơ thành hiện thực. 

Một Số Cách Thức Thú Vị Giúp Phát Triển Trí Thông Minh Nội Tâm

Sau đây là một số cách thức thú vị giúp bạn phát huy và tận hưởng các kỹ năng của trí thông minh nội tâm. Hãy thực hiện bất cứ hoạt động nào bạn có hứng thú, bất kể trí thông minh nội tâm của bạn như thế nào.

1. Tự hỏi bản thân: “Tôi là ai?” Ngay đầu trang giấy, hãy viết dòng chữ “Tôi là ai?” Viết càng nhiều câu trả lời càng tốt. Liệt kê những việc bạn yêu và ghét, sở thích của bạn hay bất cứ thứ gì khác xuất hiện trong đầu. Câu trả lời càng chi tiết càng tốt. Hãy dành nhiều thời gian và giấy để viết nếu cần thiết.

2. Ghi nhật ký. Viết ra những cảm xúc, ý tưởng, kỷ niệm hay bất cứ thứ gì khác bạn đang nghĩ đến. Bạn có thể viết về một ngày ở trường, cuộc tranh cãi với một người bạn, hay cảm giác hạnh phúc khi chăm sóc chú mèo nhỏ. Bạn hãy làm thơ hay vẽ trong nhật ký nếu muốn. Và đây là nhật ký của riêng bạn và bạn không phải đưa nó cho ai cả.

3. Lập một danh sách riêng. Lập một danh sách bao gồm tất cả những việc bạn có khả năng làm tốt. Sau đó, lập danh sách những việc bạn muốn làm hơn. Dựa trên danh sách này, hãy lập một danh sách các mục tiêu cho bản thân (xem phần tiếp theo).

4. Lập mục tiêu cho bản thân. Dành khoảng thời gian đều đặn mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng để lập các mục tiêu cụ thể bạn muốn đạt được sau một khoảng thời gian. Hãy lập các mục tiêu bạn đạt được bằng nỗ lực của bản thân. Nếu mục tiêu quá dễ dàng, bạn sẽ không có cảm giác hài lòng khi đạt được nó. Nếu mục tiêu quá khó hay không thể đạt được, bạn sẽ cảm thấy chán nản và bực tức vì không có được sự tiến bộ. Hãy đánh giá bản thân đã làm được những gì trong việc đạt mục tiêu cuối mỗi khoảng thời gian, sau đó lập các mục tiêu mới. 

5. Viết tự truyện. Viết một câu chuyện về cuộc đời bạn, về những gì bạn đã trải qua cho đến ngày hôm nay. Bạn có thể sử dụng tranh vẽ, hình ảnh và cả âm nhạc để dựng một vở kịch hay viết một cuốn sách hài.

6. Thiết kế một bức tranh của riêng bạn. Sử dụng các bức hình trên tạp chí, ảnh chụp hay các chất liệu nghệ thuật như sơn hay ánh sáng để thiết kế một bức tranh thể hiện phong cách riêng của bạn. Bạn có thể dán hột xoàn, lông chim hay ôtô đồ chơi vào bức tranh để tạo cảnh không gian ba chiều. Bức tranh bao gồm hình ảnh của con người hay những vật, hoạt động bạn thích. Những chi tiết đó bạn muốn làm trong tương lai hay quan trọng với bạn, tùy vào sức tưởng tượng của bạn.

7. Ghi nhớ những giấc mơ. Tìm cách nhớ lại giấc mơ của bạn mỗi đêm và viết ra nếu bạn muốn. Hãy dành thời gian suy ngẫm xem những điều đó có ý nghĩa gì đối với cuộc sống của bạn.

8. Suy ngẫm về mỗi ngày trôi qua. Cuối mỗi ngày, hãy suy ngẫm về những điều thú vị đã xảy ra, hay điều không mấy tốt đẹp, điều bạn đã học được và về cách thức bạn sử dụng để cải thiện những việc đó trong tương lai. Hãy viết ra ba điều khiến bạn biết ơn hay hạnh phúc trong ngày hôm đó. 

9. Học cách thư giãn. Dành những khoảng thời gian đều đặn để thư giãn. Bạn có thể sử dụng phương pháp luyện yoga. (Xem Chương 5 để hiểu thêm về cách thư giãn này).

10. Nhìn lại hộp công cụ trí thông minh nội tâm. Liệt kê danh sách tất cả các công cụ giúp bạn giải quyết những vấn đề vướng mắc trong cuộc sống. Đó có thể là viết nhật ký, nói chuyện với bố mẹ hay bạn thân, thư giãn với các bài thể dục, hít thở sâu, đến một nơi yên tĩnh hay những việc bạn giúp bạn vui vẻ trở lại khi gặp chuyện không vui. 

11. Đọc sách rèn luyện khả năng tự lực. Những cuốn sách sẽ giúp bạn hiểu được bản thân. Bạn có thể đọc sách về người có trí thông minh nội tâm – những người đã tạo ra sự đột phá nhờ niềm tin sâu sắc vào bản thân. Hoặc đọc các tác phẩm hay tiểu sử của những nhân vật như Rosa Parks, Mahatma Gandhi, Martin Luther King, Eleanor Roosevelt hay Gloria Steinem.

12. Làm những việc bạn yêu thích. Dành thời gian mỗi ngày hay mỗi tuần để làm những việc bạn yêu thích. Đó có thể là việc bạn làm theo sở thích, tự nguyện tham gia một hoạt động bạn quan tâm, hay học hỏi những điều mới mẻ.

13. Bắt đầu những việc có ý nghĩa quan trọng đối với bản thân. Bạn có thể phát minh ra một thứ (và được nhận bằng sáng chế) giúp giải quyết một vấn đề chung nào đấy (ví dụ: những bình sữa hiện có mặt trên thị trường rất khó sử dụng), hay bắt đầu một công việc kinh doanh dựa trên ý tưởng hay sáng kiến của bạn. Hoặc thấy một vấn đề nào đó bạn thật sự quan tâm, như những con vật bị lạc, tình trạng vô gia cư, xóa mù chữ, và bạn muốn làm điều gì đó để thay đổi trong phạm vi địa phương hay toàn cầu, như: tham gia các đội tình nguyện, đưa ra các đề xuất, xây dựng một trang web cung cấp thông tin cho những người bạn cùng lứa tuổi.

Bạn Phải Làm Gì Khi Cảm Thấy Nghi Ngờ Về Trí Thông Minh Nội Tâm Của Bản Thân?

Hiện tại bạn cảm thấy không thật sự tự tin với trí thông minh nội tâm của bản thân. Không sao cả! Mọi người – phải, tất cả mọi người – đều có trí thông minh nội tâm ở những mức độ nhất định cho dù họ có nhận ra nó hay không. Vấn đề là phải nhận ra các kỹ năng của trí thông minh nội tâm và học cách sử dụng chúng. Việc hiểu rõ bản thân đem lại cho bạn nhiều lợi ích – từ việc đạt được các mục tiêu trong trường học và cuộc sống cho đến tạo dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với mọi người. Những thế mạnh có thể giúp bạn học được nhiều hơn về việc xác định bạn là ai, cảm nhận của bạn ra sao và điều gì là quan trọng với bạn. 

Và bạn có thể sử dụng trí thông minh mạnh nhất hoặc trí thông minh bạn cảm thấy tự tin nhất để phát triển trí thông minh nội tâm.

Sau đây là bảy cách thức để đạt được điều đó:

• Nếu bạn có trí thông minh ngôn ngữ: Hãy suy nghĩ về những gì bạn muốn đọc (truyện khoa học viễn tưởng, truyện người thật việc thật, truyện trinh thám, sách về các loài vật…) và suy ngẫm về sự lựa chọn của bạn. Bạn thích theo đuổi những ý nghĩ xa rời thực tế hay thấy hứng thú hơn với thế giới xung quanh? Bạn đọc sách như một sự giải thoát hay để khám phá những miền đất lạ? Suy nghĩ xem sợi dây liên hệ giữa bạn với các nhân vật trong truyện là gì. Các nhân vật đó có làm bạn liên tưởng đến bản thân hay đó có phải là hình mẫu bạn muốn vươn tới không? Viết là một cách hiệu quả để tìm lời giải đáp cho những câu hỏi này và còn hơn thế nữa. Hãy viết nhật ký về những việc quan trọng với bạn – những hy vọng về tương lai, cảm nhận cũng như mục tiêu của bạn.

• Nếu bạn có trí thông minh âm nhạc: Hãy sử dụng âm nhạc để suy ngẫm và thư giãn. Dành một khoảng thời gian để tư duy bằng cách lắng nghe hay chơi một bản nhạc. Nhiều nhạc sỹ nhận thấy âm nhạc giúp họ hiểu được những gì họ đang cảm nhận và suy ngẫm. Học cách chơi một nhạc cụ để bạn có thể tự chơi (chứ không phải với người khác) và hãy nhớ rằng việc đó cũng phải mất thời gian – hãy lập các mục tiêu thực tế cho bản thân, hãy kiên nhẫn và kiên trì với mục tiêu đó. 

• Nếu bạn là người có trí thông minh logic: Khám phá thế giới logic của riêng bạn bằng cách giải các bài toán logic, câu đố và chơi trò rubic. Hãy chọn học những thứ thật sự quan trọng hoặc là thế mạnh của bạn. Ví dụ, nếu bạn quan tâm đến thiên nhiên và động vật, hãy nghiên cứu về môi trường và tìm hiểu về cách thức những phần khác nhau của thế giới hợp thành một thể thống nhất. Bạn sẽ phát hiện thấy các kỹ năng của trí thông minh logic có thể giúp bạn chia nhỏ mục tiêu thành các bước logic và có phương pháp. 

• Nếu bạn có trí thông minh không gian: Dành thời gian để sáng tác các tác phẩm nghệ thuật. Trong quá trình sáng tác, hãy thể hiện những mục tiêu, suy nghĩ và ý tưởng của bạn. Tất cả những điều này sẽ ảnh hưởng đến tác phẩm nghệ thuật của bạn và cách bạn đưa ra ý kiến. Bạn muốn thể hiện những cảm xúc nào thông qua các tác phẩm của mình? Nhật ký nghệ thuật là cách thú vị để bạn khám phá và suy ngẫm sáng tạo về những xúc cảm, suy nghĩ hay nỗi sợ hãi của mình. Khi suy ngẫm về tương lai, bạn có nghĩ đến nơi mình muốn sống không? Nếu có, hãy thiết kế và xây dựng hình mẫu ngôi nhà bạn muốn ở khi lớn lên.

• Nếu bạn có trí thông minh vận động cơ thể: Ngoài các môn thể thao đồng đội, bạn nên chơi các môn thể thao cá nhân như đi xe đạp hay bơi lội. Khi bạn tìm thấy một môn thể thao cá nhân yêu thích, hãy sử dụng khoảng thời gian luyện tập một mình để suy ngẫm về mỗi ngày trôi qua, các vấn đề hay mục tiêu, cách cảm nhận về những điều quan trọng trong cuộc sống. Việc lập mục tiêu cá nhân trong thể thao cũng là cách để phát triển trí thông minh nội tâm. Hãy suy nghĩ về những việc bạn muốn đạt được – chạy nhanh hơn hay thi lên đai võ thuật – và những việc bạn cần làm để đạt được mục tiêu. Sau đó, phải tiến hành ngay! 

 • Nếu bạn có trí thông minh tương tác cá nhân: Thật tuyệt vời khi có mối quan hệ tốt đẹp với nhiều người; hãy cố gắng sử dụng những hiểu biết của bạn về người khác để hiểu hơn về bản thân. Những phẩm chất nào của họ khiến bạn ngưỡng mộ? Bạn thấy mình có những phẩm chất đó không? Bạn nghĩ mình có những đặc điểm tích cực nào? Bạn muốn phát triển những phẩm chất nào? 

• Nếu bạn có trí thông minh thiên nhiên: Lần tới, khi bạn đi bộ, hãy sử dụng khoảng thời gian đó để suy ngẫm về những việc đang xảy ra trong cuộc sống và cảm nhận của bạn đối với những sự việc đó. Cố gắng dành thời gian suy ngẫm, thậm chí viết nhật ký khi bạn có điều kiện ra ngoài và hòa mình vào thiên nhiên. Khi làm việc này, hãy lưu ý những gì bạn nghe, thấy, ngửi và cảm nhận. Bạn có mất tập trung bởi những thứ khác không? Việc bạn ra ngoài có ảnh hưởng đến những gì bạn nghĩ và viết không?

Nếu Bạn Có Trí Thông Minh Nội Tâm Siêu Việt Thì Sẽ Ra Sao?

Thật tuyệt vời nếu bạn hiểu rõ được bản thân. Nhiều người có khả năng này, vì vậy bạn luôn có cơ hội để phát triển trí thông minh nội tâm. Bạn có thể khám phá cách thức mới để diễn đạt ý kiến và biểu lộ cảm xúc của mình. Bạn sử dụng trí thông minh nội tâm để học hỏi về thế giới và phát triển các loại hình trí thông minh khác. Hãy chuyên tâm, lập các mục tiêu bạn muốn đạt được hay mức độ bạn muốn hoàn thiện đối với các loại hình trí thông minh khác. Tìm ra cách thức bạn có thể sử dụng để hiểu bản thân hơn hoặc diễn tả những điều bạn suy nghĩ và cảm nhận. 

Các kỹ năng trí thông minh nội tâm đem lại sẽ giúp bạn phát triển các loại hình trí thông minh khác. Dưới đây là một số ý tưởng về trí thông minh nội tâm mà bạn có thể sử dụng để hiểu và phát triển các trí thông minh khác ở trường học cũng như trong cuộc sống.

• Đối với trí thông minh ngôn ngữ: Hãy viết tự truyện. Nói chuyện với người thân có thể giúp bạn viết tự truyện bởi họ sẽ kể cho bạn nghe về truyền thống của gia đình. Hoặc bạn có thể viết về ước vọng tương lai và những việc bạn muốn làm để xây dựng tương lai đó. Viết ra những điều bạn nghĩ là một cách hay để hiểu thêm về bản thân, bất kể bạn chọn hình thức thể hiện nào. Vì thế, hãy thử hình thức viết sáng tạo – viết truyện, thơ hay kịch về những điều quan trọng với bạn hoặc đang diễn ra trong cuộc sống.

• Đối với trí thông minh âm nhạc: Hãy viết một bản tự sự bằng âm nhạc và sử dụng những bài hát yêu thích từ thuở nhỏ. Trong khi nghe nhạc, nếu suy ngẫm về lý do tại sao mình tìm đến với âm nhạc, bạn có thể lắng nghe được nhiều điều từ bản thân. Bạn có thích giai điệu của bài hát không? Bạn có thích cách mà âm nhạc đem đến cảm nhận cho bạn? Âm nhạc có thể khiến bạn cảm thấy tự tin và hạnh phúc, vì thế hãy học cách chơi nhạc hay hát những bài hát yêu thích. 

• Đối với trí thông minh logic: Hãy tìm những khuôn mẫu trong những đồ vật bạn thích. Liệu những đồ vật bạn thích có điểm chung không? Nếu có, đó là gì? Nếu không, hãy tìm lý do? Sẽ rất thú vị khi bạn tìm hiểu về hoạt động trí óc, vì thế hãy khám phá khoa học của trí óc. Hãy tìm hiểu về những bộ phận khác nhau trong đầu và chức năng của chúng. Bạn thấy chúng có ảnh hưởng như thế nào trong cuộc sống của mình? Bạn có nghĩ bạn đã là chính mình từ khi sinh ra không? Hoặc có những người và sự kiện bên ngoài góp phần tạo nên con người bạn? Hay cả hai?

• Đối với trí thông minh không gian: Thử nghiệm với các bộ môn nghệ thuật khác nhau để thể hiện những điều bạn cảm nhận hay tạo ra một bức chân dung riêng. Vẽ màu nước, vẽ trên giấy hay cắt dán là những cách bạn có thể sử dụng để thể hiện bản thân dưới dạng hình ảnh. Bạn cũng có thể thử nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau để xem mình thích loại nào nhất. Loại hình nào là sở thích của bạn? Bạn sẽ thể hiện những cảm nhận khác nhau tùy theo loại hình nghệ thuật đang sử dụng. Một cách khác để sử dụng trí thông minh không gian là suy nghĩ về những vấn đề bạn quan tâm hay muốn khắc phục, sau đó đưa ra sáng kiến để giải quyết vấn đề. Hãy hiện thực hóa sáng kiến của bạn bằng cách phác thảo nó và nếu bạn có khả năng, hãy xây dựng nó. 

• Đối với trí thông minh vận động cơ thể: Tham gia các hoạt động thể chất như khiêu vũ, diễn xuất, kịch câm hay các loại hình nghệ thuật đòi hỏi sự khéo léo (điêu khắc) giúp bạn thể hiện được những điều bạn cảm nhận. Có nhiều hoạt động thể chất giúp bạn tập trung hay thư giãn trong quá trình luyện tập như chạy, đi xe đạp, yoga, võ thuật hay bơi lội. Thư giãn cũng là cách hiệu quả giúp bạn hiểu được cơ thể và những cảm giác đó ảnh hưởng đến cơ thể bạn như thế nào. 

• Đối với trí thông minh tương tác cá nhân: Vận dụng những điều bạn hiểu về bản thân để tìm hiểu về người khác. Và tìm những người có chung mối quan tâm với bạn và cùng làm một việc gì đó. Hãy để mối quan tâm của bạn đối với vấn đề quan trọng đưa bạn đến những cơ hội tình nguyện. Khi bạn tham gia tình nguyện, hãy làm quen với các thành viên và tìm hiểu xem tại sao họ tham gia các hoạt động đó. Đến sân chơi hay cửa hàng để gặp gỡ mọi người và để ý xem họ có hành động như bạn nếu bạn ở trong hoàn cảnh đó không? Nếu không, hãy tìm hiểu lý do. 

• Đối với trí thông minh thiên nhiên: Hãy đi dạo và ngắm nhìn thiên nhiên quanh bạn. Những sinh vật trong thế giới tự nhiên đem lại cho bạn cảm nhận như thế nào? (Hạnh phúc? Thanh bình? Lo lắng?). Lý do khiến bạn có cảm nhận như vậy là gì? Những cảm nhận này có thể là điểm nhấn trong cuốn nhật ký của bạn. Sử dụng những vật bạn tìm thấy từ thiên nhiên như quả thông, lá cây và lông chim để sáng tác một tác phẩm nghệ thuật  đây là cách để bạn diễn tả những cảm nhận của mình về thiên nhiên, môi trường hay bất cứ điều gì quan trọng.

 Hướng Tới Tương Lai

Bạn có thể làm nghề gì với trí thông minh nội tâm? Rất nhiều! Dưới đây là một số ngành nghề bạn có thể lựa chọn:

• diễn viên

• nghệ sỹ 

• giáo sỹ 

• diễn viên hài 

• nhà soạn hài kịch 

• người làm nghề thủ công

• điều tra viên

• nhà sản xuất phim 

• doanh nhân

• luật sư

• người hành nghề y tế (mát-xa trị liệu, chuyên gia châm cứu, nhà nghiên cứu, trồng thảo dược)

• diễn viên kịch

• nhà phát minh 

• nhà lãnh đạo (kinh doanh, chính trị, xã hội)

• huấn luyện viên cá nhân 

• triết gia

• nhà thơ 

• giáo sư 

• nhà tâm thần học 

• nhà tâm lý học 

• nhà nghiên cứu 

• nhà khoa học nghiên cứu 

• nhà kinh doanh độc lập

• người hoạt động xã hội 

• giáo viên 

• nhà thần học

• bác sỹ chuyên khoa

• chuyên gia tư vấn quản lý thời gian

• nhà đầu tư mạo hiểm

• nhà văn 

• và rất nhiều ngành nghề khác nữa!

 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.