Steve Jobs - Thiên Tài Gàn Dở Và Câu Chuyện Thần Kỳ Về Quả Táo
5. ĐAM MÊ: DẤU ẤN
“Tôi muốn tạo dấu ấn”
− Steve Jobs
Vào mùa thu 2000, Jobs cho ra mắt một chuỗi các sản phẩm nổi tiếng và đã bình ổn được công ty. Jobs đã chỉ đạo quá trình sửa đổi thành công hệ thống hoạt động của Apple với OS X và sự ra đời của một chuỗi cửa hàng bán lẻ còn non trẻ trong suốt một vài tháng. Apple đang hồi sinh, nhưng hãng vẫn chưa phát đạt. Điều làm thay đổi cục diện chính là sự ra mắt của iPod vào tháng 10/2001.
iPod là một thiết bị đa năng. Đó là chiếc máy nghe nhạc MP3 gọn nhẹ. Đó là sự kết hợp vĩ đại giữa các phần cứng, phần mềm và các dịch vụ trực tuyến khác. Đó là sản phẩm đã đưa Apple hồi sinh. Nhưng đối với Jobs, thiết bị này chủ yếu nhằm làm phong phú thêm cuộc sống của con người bằng âm nhạc. Khi phát biểu trên tờ Rolling Stone năm 2003, Jobs nói: “Chúng tôi đã rất may mắn – Chúng tôi đã lớn lên trong một thế hệ mà âm nhạc là một phần gắn bó mật thiết với cuộc sống. Sự gắn bó đó khăng khít hơn so với thời trước, và có lẽ còn hơn cả ngày nay, bởi vì ngày nay còn có rất nhiều thú vui khác nữa. Thời chúng tôi không có các trò chơi video. Chúng tôi cũng không có máy tính cá nhân. Giờ thì có quá nhiều thứ để người dùng có thể lựa chọn. Nhưng, mặc dù vậy, âm nhạc thực sự đang được phát minh lại trong thời đại số hóa này, và điều đó đã mang âm nhạc trở lại với cuộc sống của con người. Đó là một điều tuyệt vời. Và với sự nhỏ bé của riêng mình, đó chính là cách mà chúng tôi đã nỗ lực để biến thế giới này thành một thiên đường tốt hơn”.
Hãy chú ý đến những dòng cuối cùng: “Đó chính là cách mà chúng tôi đã nỗ lực để biến thế giới này thành một thiên đường tốt hơn.” Trong tất cả mọi điều mà Jobs làm, đều hàm chứa một tuyên ngôn về sứ mệnh.
Mọi nơi mọi lúc trong nghề nghiệp của mình, Steve Jobs luôn truyền cảm hứng cho các nhân viên, lôi cuốn các nhà phát triển phần mềm, và lay động người tiêu dùng bằng việc đưa ra một xu hướng cao hơn. Đối với Jobs, những lập trình viên không chỉ lao động nhằm tạo ra một phần mềm tiện ích; mà họ đang cố gắng để thay đổi thế giới. Khách hàng của Apple mua Mac không chỉ để làm việc; mà họ đã thực hiện một sự lựa chọn tinh thần chống lại sự độc quyền ghê gớm của Microsoft.
Và giống như các tín đồ chân chính, Jobs đầy đam mê với công việc của mình. Jobs không hề mủi lòng trước nhân viên thuộc cấp của mình. Jobs biết mình muốn gì và sẽ tìm mọi cách để đạt được điều đó. Lạ kỳ thay, rất nhiều cộng sự của Jobs lại thích được ông la mắng. Hoặc ít ra, họ thích cái hiệu ứng mà ông tạo ra cho công việc của họ. Họ cảm kích sự đam mê của Jobs. Jobs đã hướng họ tới điều lớn lao và họ học được rất nhiều từ đó. Một bí quyết của Jobs đó là: Dù có là gì cũng không sao, miễn sao bạn thích là được.
“Biến thế giới thành một thiên đường tốt hơn” là một câu nói kinh điển của Jobs. Năm 1983, Apple kỷ niệm sinh nhật lần thứ 6 của mình và tăng trưởng rất mạnh. Apple đã chuyển biến rất nhiều, từ thời khởi sự tại Silicon Valley cổ điển, dưới sự điều hành của một lớp người trẻ tuổi phá cách, trở thành một tập đoàn lớn với những khách hàng kếch xù. Apple cần một doanh nhân dày dặn kinh nghiệm quản lý.
Jobs đã mất nhiều tháng để lôi kéo John Sculley về điều hành công ty. Nhưng Sculley không dễ bị thuyết phục khi cho rằng liệu có khôn ngoan không nếu rời bỏ một công ty có uy tín lớn như PepsiCo sang một công ty mới đầy rủi ro như Apple. Nhưng, Sculley vẫn bị cám dỗ. Máy tính cá nhân sẽ là sản phẩm của tương lai. Jobs và Sculley đã gặp gỡ nhau rất nhiều lần ở Silicon Valley và New York. Cuối cùng, một đêm, từ ban công căn hộ sang trọng của Jobs ở tòa nhà San Remo nhìn về phía Công viên Trung tâm, đột nhiên Jobs quay về phía người đối thoại già dặn hơn và nói đầy thách thức: “Anh muốn bán nước đường cả đời hay anh muốn thay đổi thế giới?”
Đó có lẽ là một lời thách thức nổi tiếng nhất trong lịch sử kinh doanh hiện đại. Trong câu hỏi đó chứa đựng sự động chạm, chào mời, sự tự vấn lương tâm, và thách thức tâm lý. Tất nhiên, câu hỏi đó đã làm day dứt Sculley đến tận đáy lòng, làm ông suy nghĩ, trằn trọc ghê gớm. Cuối cùng, Sculley không thể kháng cự được lời thách thức của Jobs. Sculley nói: “Nếu tôi không nhận lời, tôi sẽ phải mất cả phần đời còn lại của mình để tự vấn rằng liệu mình có đưa ra một quyết định sai lầm hay không?”
90 giờ/1 tuần mà vẫn thích.
Nhóm phát triển Mac đầu tiên là nhóm cựu viện sỹ và các kỹ thuật viên nghèo nghiên cứu các công trình khiêm tốn liên quan đến radar. Họ có quá ít cơ hội để có thể gặt hái được vinh quang cho đến khi Jobs xuất hiện. Ngay từ lúc khởi sự, Jobs đã thuyết phục đội ngũ này rằng họ đang tạo ra một thứ gọi là cách mạng. Đó không chỉ là một máy tính nhỏ gọn hay một vấn đề kỹ thuật đầy thách thức. Giao diện đồ họa tiện ích của Mac sẽ mang lại cuộc cách mạng trong ngành tin học. Lần đầu tiên, máy tính có thể đến với những công chúng không am hiểu về kỹ thuật.
Các thành viên của Mac đã làm việc quần quật trong suốt 3 năm và dù cho Jobs có la mắng họ, nhưng ông vẫn lên dây cót tinh thần bằng cách thuyết phục rằng họ có một sứ mệnh cao cả hơn. “Mục tiêu không bao giờ là đánh bại các đối thủ cạnh tranh, hay tạo ra nhiều lợi nhuận; Mục tiêu chính là làm nên những thứ vĩ đại nhất có thể”, Andy Hertzfeld, một trong những lập trình viên điều hành nhóm, chia sẻ.
Jobs nói với nhóm Mac rằng họ là những người nghệ sỹ, đang kết hợp công nghệ với văn hóa. Jobs thuyết phục rằng họ là những người duy nhất thay đổi bộ mặt của công nghệ tin học, và thật vinh hạnh khi đang thiết kế một sản phẩm có tính đột phá như vậy. “Vì khoảnh khắc rất đặc biệt, nên tất cả chúng ta sẽ cùng nhau tạo ra sản phẩm mới này,” Jobs viết trong một bài xã luận thuộc ấn bản chính của tạp chí Macworld năm 1984. “Rồi các bạn sẽ thấy, đó là điều tốt nhất chúng ta làm được trong đời”.
Điều tiên đoán đó đã trở thành hiện thực. Mac là sự đột phá cách mạng trong tin học. Nhưng điều đó có lẽ giống như một tín điều vậy. Mac chỉ là một trong số hàng chục chiếc máy tính ganh đua nhau đang được phát triển trong thời kỳ đó. Chẳng có gì đảm bảo nó sẽ tốt hơn, hoặc thậm chí nó sẽ được tung ra thị trường. Nhóm Mac vẫn tiếp tục tin vào lời thuyết phục của Jobs. Họ đùa rằng niềm tin của họ đối với những gì mà Jobs đã nói giống như niềm tin đặt vào các thủ lĩnh tinh thần truyền giáo.
Nhưng Jobs đã truyền cho nhóm Mac của mình một sự đam mê đối với công việc, một điều rất quan trọng khi nỗ lực phát minh ra các công nghệ mới. Nếu không, nhân viên sẽ mất đi niềm tin vào dự án mà phải mất nhiều năm mới thu được thành quả. Nếu không có sự đam mệ với công việc, họ sẽ không còn hứng thú và từ bỏ công việc đó. “Nếu các bạn không thật sự đam mê, các bạn sẽ không tồn tại được” Jobs nói: “Các bạn sẽ từ bỏ công việc đó; vì vậy các bạn phải có một ý tưởng hay vấn đề gì mà mình thực sự quan tâm và yêu thích; nếu không các bạn sẽ không đủ kiên nhẫn để theo đuổi công việc đến cùng. Tôi nghĩ đó thực sự là một điều quan trọng.”
Sự đam mê của Jobs chính là chiến lược để tồn tại. Rất nhiều lần khi Jobs và Apple thử một ý tưởng mới, sẽ có một số người tin rằng nó sẽ trở thành hiện thực, nhưng phản ứng chung phần lớn là hoài nghi. Năm 1984, giao diện đồ họa đầu tiên của Mac được phần đông coi như “đồ chơi.” Bill Gates băn khoăn việc liệu người dùng có muốn sử dụng máy tính màu. Ban đầu giới phê bình kêu gọi Apple hãy khai phá iPod. Nếu không có niềm tin vững bền đối với đích hướng tới của mình, một niềm đam mê với điều mình đang làm, sẽ là một khó khăn lớn hơn nhiều để Jobs kháng cự lại những nhà phê bình. Jobs phát biểu trên tờ Rolling Stone: “Tôi luôn thích thú với những thay đổi cách mạng. Tôi không biết tại sao lại thế. Bởi vì chúng khó khăn hơn. Chúng tạo ra sự căng thẳng tinh thần lớn hơn. Và bạn thường phải vượt qua giai đoạn khi mọi người đều nói rằng bạn sẽ hoàn toàn thất bại”.
Việc truyền cho các nhân viên niềm đam mê về điều mà công ty đang làm đã mang lại một hiệu quả rất thực tế: các nhân viên vui vẻ làm việc nhiều giờ liên tục, thậm chí ngang ngửa với các tiêu chuẩn về chứng nghiện làm việc. Nhóm Mac làm việc vất vả như vậy bởi vì Jobs cho họ niềm tin rằng Mac là sản phẩm của họ. Chính sự sáng tạo và công việc của họ đã mang sản phẩm này đến với cuộc sống và họ sẽ tạo ra một ảnh hưởng rất sâu sắc. Thử hỏi còn động lực nào tốt hơn thế? Ở Apple, công nghệ là một môn thể thao đồng đội. Nhóm phát triển Mac làm việc đầy tận tụy đến mức đã trở thành một biểu tượng được vinh danh. Tất cả họ đều mặc chiếc áo in dòng chữ “90 giờ/1 tuần mà vẫn thích”.
Anh hùng/ Kẻ bỏ đi
Nhiều nhân viên của Apple thực sự tin tưởng rằng hãng đang tạo ra một dấu ấn. Họ cảm thấy Apple đang dẫn đầu về công nghệ, tạo ra các xu hướng, và khai phá những miền đất mới. Trở thành một phần của công việc này quả là thú vị. Một người từng làm cho Apple nói: “Mọi người rất tin việc Apple đang thay đổi thế giới này. Không phải tất cả mọi người đều tin đó là 100%, nhưng họ cho rằng hãng có thể. Đối với người kỹ sư, những gì mà Apple đang làm điều rất hấp dẫn. Luôn có một điều gì đó thú vị sắp đến. Công ty có một bước tạo đà lạ thường.”
Ở Apple, một nền văn hóa liên hiệp tồn tại từ trên xuống dưới, bắt đầu từ Jobs. Chính bởi vì Jobs đặt ra yêu cầu cao đối với những nhân viên trực tiếp của mình, do đó các giám đốc trung tâm của Apple cũng luôn đòi hỏi nhân viên của họ có hiệu suất làm việc cao tương đương. Điều này tạo ra sự lo ngại. Mọi người đều trong tình trạng luôn lo sợ bị mất việc làm. Người ta gọi đó là “người hùng/kẻ bỏ đi”. Ngày hôm nay bạn là người hùng; hôm sau bạn là kẻ bỏ đi. Ở NeXT, nhân viên của Jobs gọi đó là “người hùng/kẻ bỏ đi.” Một người từng làm việc cho Apple đã nói: “Bạn sống vì những ngày mình là người hùng và cố gắng vượt qua những ngày mình là kẻ bỏ đi. Có thăng hoa tột cùng và cũng có đáy sâu vô tận”.
Theo một số nhân viên mà tôi được gặp gỡ đã cho rằng ở Apple luôn có một sự căng thẳng liên tục giữa nỗi sợ hãi bị sa thải và nỗi khát khao cháy bỏng mong tạo được dấu ấn. Edward Eigerman, một kỹ sư đã từng làm việc cho Apple thổ lộ: “So với bất kỳ chỗ nào tôi đã làm việc trước đó hay từ đó về sau này, tôi thấy ở Apple luôn thường trực nỗi lo bị sa thải. Nếu bạn hỏi một đồng nghiệp của mình: “Tôi có thể gửi thư điện tử hay tệp tin về bản báo cáo này?” Anh ta sẽ đáp lại: ‘Anh có thể làm bất kỳ những gì anh muốn vào ngày cuối cùng mình ở Apple.’”
Eigerman đã có 4 năm làm việc tại Apple với vai trò là một kỹ sư trong một văn phòng bán hàng ở New York. Các đồng nghiệp của Eigerman bị cho nghỉ việc vì lý do này hoặc lý do khác, nhưng hầu hết là vì các vấn đề có liên quan đến hiệu suất công việc, kiểu như không hoàn thành chỉ tiêu họ đã đề ra. Nhưng mặt khác không ai muốn rời bỏ công việc. Mặc dù làm việc tại Apple luôn căng thẳng và nhiều đòi hỏi, nhưng mọi người đều yêu công việc của mình và cực kỳ trung thành với công ty và với Steve Jobs.
Eigerman cho rằng: “Mọi người thích làm việc ở đó. Họ vui với công việc. Có rất nhiều niềm đam mê. Mọi người thích các sản phẩm. Họ thực sự tin vào sản phẩm. Họ vui vì những gì đang làm.”
Dù cho có khát khao, nhưng những nhân viên không tỏ ra bị cuồng mê. Trong tâm thức, họ kiềm chế, tránh mình khỏi các loại cuồng si. Tại buổi phỏng vấn, điều tồi tệ nhất mà ứng viên có thể nói đó là: “Tôi luôn rất thích làm việc tại Apple,” hoặc “Tôi luôn là người cực kỳ hâm mộ Apple”. Đó là những điều cuối cùng mà những nhân viên của Apple muốn nghe. Họ thích coi nhau là những người “điềm đạm”.
Áp lực trở thành người hùng/kẻ bỏ đi sẽ không thể nào chấp nhận được nếu các nhân viên không bị hấp dẫn khi được làm việc tại Apple. Bên cạnh việc muốn tạo ra dấu ấn, các nhân viên đều muốn có được đặc quyền khác khi làm việc tại đây, bao gồm làm việc với những cộng sự có năng lực và thử thách với đỉnh cao công nghệ.
Rất nhiều quyền được mua cổ phiếu ưu đãi
Một trong những đặc quyền tốt nhất dành cho các nhân viên của Apple chính là được mua cổ phiếu ưu đãi. Điều đó càng trở nên có giá trị khi cổ phiếu của Apple đã tăng tới 1.250% tính từ thời điểm Jobs trở lại đảm nhận vị trí CEO, theo tạp chí Business Week. Ở Apple, người ta hiếm thấy chuyện ăn chơi tập thể. Jobs có một chiếc máy bay phản lực Gulfstream cá nhân, nhưng hầu hết các quan chức hay giám đốc đều đi xe buýt đường dài. Không hề có tài khoản chi tiêu phung phí nào. Sự phung phí trong những ngày đầu của Apple với việc cho hàng trăm nhân viên bán hàng đi nghỉ tại khu nghỉ mát Hawaii trong 1 tuần từ lâu đã không còn nữa.
Nhưng, hầu hết các nhân viên chính thức của Apple đều nhận được đặc quyền mua cổ phiếu ưu đãi. Tất cả đều có quyền này khi gia nhập công ty. Sau một thời gian làm việc, thường là một năm, các nhân viên sẽ được phép mua một lượng cổ phiếu với giá thấp. Khi họ bán những cổ phiếu này, sự chênh lệch giữa giá mua và giá bán sẽ tạo ra lợi nhuận cho họ. Giá cổ phiếu càng lên cao, thì số tiền họ có được càng nhiều. Quyền được mua cổ phiếu với giá ưu đãi là một trong những hình thức bồi thường cho nhân viên phổ biến trong ngành công nghiệp công nghệ. Đó là cách bồi thường không phải bằng tiền mặt, như vậy sẽ không tốn kém đồng thời ít nhiều đảm bảo rằng nhân viên sẽ làm việc tích cực để gia tăng giá trị cổ phiếu.
Các kỹ sư, lập trình viên, giám đốc và các nhân viên bậc trung khác là những người chiếm phần đông trong bảng lương của Apple luôn nhận được vài nghìn cổ phiếu ưu đãi. Với giá năm 2007, số cổ phiếu đó có thể đáng giá từ 25.000 đến 100.000 đôla, hoặc nhiều hơn nữa, điều này phụ thuộc vào giá cổ phiếu và thời gian làm việc của nhân viên.
Các giám đốc điều hành và giám đốc cấp cao hơn sẽ có nhiều ưu đãi hơn. Tháng 10/2007, phó chủ tịch cấp cao phụ trách bán lẻ của Apple, Ron Johnson, có 700.000 cổ phiếu, trị giá khoảng 130 triệu đô-la trước thuế. Theo thông tin của Ủy ban Chứng khoán Mỹ, Johnson được ưu tiên mua với giá 24 đô-la/1 cổ phiếu, bán ra ngay lập tức với giá khoảng 185 đô-la. Năm 2005, Johnson đã thu được khoảng 22,6 triệu đô-la từ giá cổ phiếu ưu đãi còn năm 2004 là 10 triệu đô-la.
Apple cũng có kế hoạch cho vấn đề này. Các nhân viên có thể được mua cổ phiếu chiết khấu căn cứ vào mức lương của họ. Cổ phiếu được bán với giá thấp nhất trong vòng 6 tháng kể từ trước ngày mua, cộng với khoản phần trăm giảm giá. Điều này đảm bảo sẽ tạo ra một khoản lợi nhuận nhỏ, nhưng khá nhiều lần, nhân viên lại có được một khoản tiền lớn từ đó. Tôi đã nhận được những thông báo về việc các nhân viên mua những xe hơi sang trọng, trang trải nợ nần nhà cửa, và tiết kiệm được khoản tiền lớn gửi ngân hàng.
“Ở Apple, ngay từ rất sớm chúng tôi đã cho nhân viên quyền mua cổ phiếu ưu đãi,” Jobs phát biểu trên tờ Fortune năm 1998. “Chúng tôi là một trong số những công ty đầu tiên ở Silicon Valley làm điều này. Và khi tôi trở lại, tôi đã bỏ hầu hết hình thức khen thưởng bằng tiền mặt và thay bằng cổ phiếu ưu đãi. Không xe hơi, không máy bay, không lương thưởng. Về căn bản, mọi người sẽ nhận được lương và cổ phiếu… Đó là một hình thức điều hành công ty mà Hewlett-Packard đi tiên phong và Apple, tôi cho rằng, là hãng biến hành động đó trở thành trào lưu.”
Thực tế, Apple đã giúp biến quyền được mua cổ phiếu với giá ưu đãi trở thành một quy trình bồi thường chuẩn ở Silicon Valley. Trong suốt thời kỳ thịnh vượng, quyền mua cổ phiếu ưu đãi đã trở thành quy chuẩn của tất cả các công ty trong lĩnh vực công nghệ. Nó quan trọng đến nỗi, khi trở lại Apple năm 1997, Jobs ngay lập tức đã cương quyết đấu tranh để định giá lại cổ phiếu ưu đãi nhằm ngăn chặn việc nhân viên đổ xô sang các công ty khác. Tạp chí Time, tháng Tám năm đó có đoạn: “Jobs nói, để khôi phục lại tinh thần, ông đã bàn luận với hội đồng quản trị về việc hạ thấp mức giá của cổ phiếu ưu đãi. Khi thành viên của hội đồng quản trị phản đối, Jobs đã cho họ từ chức”.
Sau đó, Jobs gặp vấn đề với cổ phiếu ưu đãi của chính mình. Năm 2006, Ủy ban chứng khoán đã tiến hành một cuộc điều tra toàn diện với hơn 160 công ty, trong đó có Apple và Pixar, những công ty được cho là đã định giá trước giá trị của cổ phiếu ưu đãi. Theo Ủy ban Chứng khoán, các công ty thường tái định giá cổ phiếu ưu đãi trước ngày mà số cổ phiếu đó được phát hành – thường là khi giá cổ phiếu ở mức thấp hơn, điều này sẽ làm tăng giá trị của cổ phiếu. Theo luận cứ về mặt luật pháp, việc định giá trước giá trị của cổ phiếu ưu đãi là không trái luật, xong việc thông báo cổ phiếu ưu đãi đã được định giá trước không đúng quy cách là trái pháp luật, và theo Ủy ban chứng khoán, việc này được thực hiện ở nhiều nơi.
Theo Ủy ban chứng khoán, đầu những năm 2000, Jobs được thưởng hai khoản cổ phiếu ưu đãi lớn. Vào tháng 6/2006, Apple mở cuộc điều tra nội bộ đứng đầu là hai thành viên hội đồng quản trị gồm có cựu phó tổng thống Mỹ Al Gore và cựu trưởng nhân viên tài chính của IBM và Chrysler, Jerry York. Tháng 12/2006, Gore và York đã đưa ra bản báo cáo trong đó xác định Jobs không hề có “hành vi sai trái”, mặc dù bản báo cáo này cũng thừa nhận rằng Jobs có biết về việc định giá trước cổ phiếu ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, Jobs không nhận ra được những hệ lụy thanh toán. Bản báo cáo đã luận tội định giá trước cổ phiếu cho hai quan chức đã không còn làm việc cho công ty, sau được định danh là cựu tổng luật sư Nancy Heinen và cựu CFO Fred Anderson. Trong tháng 12, Apple đã thông báo lại khoản thu và bồi hoàn 84 triệu đô-la. Năm 2008, vấn đề dường như đã lắng dịu khi Bộ Tư pháp Hoa Kỳ dừng cuộc điều tra về hợp đồng lựa chọn cổ phiếu đã được định giá trước và Apple đã giải quyết xong vụ kiện tụng của nhóm cổ đông bất bình.
Do được tặng quyền mua cổ phiếu ưu đãi liên tục, nên các nhân viên làm việc cho Apple trong nhiều năm sẽ tích lũy được nhiều tiền trong công ty. Với hầu hết các nhân viên, không còn động cơ nào tốt hơn là bảo vệ quyền lợi của công ty. Do đó, nhiều nhân viên đã cho biết là họ rất hạnh phúc khi được cùng nhau bảo vệ và củng cố các quy tắc trong công ty. Một người giấu tên nói rằng anh ta thích đưa thông tin về những đồng nghiệp đã làm thất thoát kế hoạch về sản phẩm của Apple cho giới báo chí. Nhân viên này đã chỉ điểm trang blog Engadget, khi năm 2006 đã tung ra tin đồn rằng iPhone sẽ bị hoãn thời điểm ra mắt. Lời đồn sai trái này đã làm cổ phiếu của Apple giảm 2,2% – tương đương mức thất thoát 4 triệu đô-la. Người nhân viên đó cho biết: “Tôi có nghĩa vụ bất di bất dịch đó là ngăn chặn các hành động kiểu như vậy.”
Bên cạnh đó, Eigerman nói mình biết có một số người trong Apple luôn gửi thông tin hay hình ảnh lên trang mạng với tin đồn về Apple. Eigerman băn khoăn là tại sao ai đó lại dám liều lĩnh với nghề nghiệp của mình, có thể dính vào các vụ kiện hình sự hoặc dân sự, để gửi các kế hoạch và hình ảnh về sản phẩm lên một trang mạng nào đó. Không có vẻ gì về việc họ được trả tiền cho những thông tin đã cung cấp. Eigerman cho biết “Đối với tôi, đó là điều rất lạ lùng. Sự rủi ro là rất lớn. Liệu ai sẽ làm việc đó? Việc làm này thật lạ lùng với tôi.”
Chiến thuật “Cây gậy và củ cà rốt”
Jobs nổi tiếng với tính cách khó chịu của mình, nhưng sự thu hút mà Jobs tạo ra cũng rất lớn. Jobs sử dụng chiến thuật “cây gậy và củ cà rốt” để buộc đội ngũ nhân viên có thể tạo ra sản phẩm đẳng cấp nhất. Jobs không bao giờ biết thỏa hiệp, và sản phẩm luôn phải đạt tiêu chuẩn cao nhất. Đôi khi Jobs theo đuổi những điều tưởng chừng như không thể, vì biết rằng rốt cuộc mọi vấn đề dù khó khăn nhất cũng đều có thể giải quyết được. Nhưng Jobs có biệt tài thu hút, với khả năng thuyết phục người khác làm gần như tất cả mọi thứ. Sculley rất ấn tượng với điều đó, ông tâm sự: “Steve truyền cảm hứng bất tận và đưa ra những đòi hỏi về tiêu chuẩn cho đội ngũ nhân viên của mình trong việc thực hiện công việc. Jobs đẩy họ tới những giới hạn, đến mức thậm chí chính họ còn ngạc nhiên về việc tại sao họ lại làm được nhiều điều đến vậy. Jobs sở hữu một khả năng thiên bẩm trong việc nhận biết chính xác cách thức nhằm lôi cuốn người khác một cách tốt nhất. Jobs luôn trách mắng họ cho đến khi họ đạt được mức không bao giờ biết thỏa hiệp giống như mình; Jobs tôn trọng họ bằng sự kiêu hãnh và khen ngợi, giống như một người anh hiền từ.”
Sculley mô tả cách Jobs tổ chức mừng thành tựu mà đội ngũ nhân viên của mình đã làm được đó là “sự nhạy cảm đột biến”. Jobs mở rượu vang để đánh dấu những bước ngoặt, và thường đưa đội ngũ của mình đi tham quan các bảo tàng hoặc triểm lãm. Jobs đã từ bỏ kiểu “ẩn dật” xa hoa, chè chén ở các khu nghỉ mát đắt tiền. Để tổ chức lễ Giáng sinh năm 1983, Jobs đã mở một bữa tiệc thịnh soạn tại phòng họp lớn trong Khách sạn St. Francis sang trọng ở San Francisco. Đội ngũ nhân viên Apple đã khiêu vũ suốt đêm trong âm nhạc Strauss do Dàn nhạc giao hưởng San Francisco chơi. Jobs cho nhân viên của mình ký vào mặt trong case Mac (hộp Mac), giống như các nghệ sỹ ký danh dưới tác phẩm của mình. Khi những máy tính Mac hoàn thành, Jobs cho mỗi người một chiếc mang tên họ. Trong những năm gần đây, Jobs đã mở rộng mô hình này ra toàn công ty, hoặc ít nhất là tới toàn bộ các nhân viên chính thức của mình. Jobs đã tặng iPod Shuffles cho tất cả các nhân viên của Apple, và năm 2007, tất cả 21.600 nhân viên chính thức của Apple đã nhận iPhone như một phần quà tặng.
Nhưng Jobs cũng cực kỳ khó tính và thô bạo. Rất nhiều lần Jobs gọi tác phẩm của các nhân viên là “một đống bỏ đi” và ném nó về phía họ với cơn thịnh nộ. Sculley nói: “Tôi rất ngạc nhiên với cách cư xử của Jobs, kể cả khi việc chê bai ấy là đúng. Jobs luôn buộc người ta phải nâng cao ước vọng về những gì họ có thể làm,” Sculley cho biết, “mọi người đang tạo ra những sản phẩm mà họ chưa từng nghĩ mình có khả năng, bởi vì Steve đã truyền cho họ sức cuốn hút và động lực làm việc. Jobs cho họ sự hứng khởi, và cảm thấy như thể mình là một phần của thứ gì đó cực kỳ vĩ đại. Nhưng mặt khác, Jobs cũng rất cay nghiệt khi phê bình sản phẩm của họ cho đến khi nào Jobs cảm thấy rằng tác phẩm đó đã đạt đến mức độ hoàn hảo.”
Một trong những kẻ hăm dọa vĩ đại
Jobs là một trong những “kẻ hăm dọa vĩ đại” được Roderick Kramer nhà tâm lý học xã hội ở Stanford tổng kết trong danh sách những nhà lãnh đạo kinh doanh đáng sợ. Theo Kramer, những kẻ hăm dọa vĩ đại kích thích mọi người bằng sự sợ hãi và dọa nạt, nhưng không phải kiểu ông trùm, mà giống nhân vật người cha nghiêm khắc nhiều hơn, từ đó không chỉ kích thích người khác bằng sự sợ hãi mà còn bằng ham muốn nhằm thỏa mãn bản thân. Những ví dụ khác như Harvey Weinstein của hãng Miramax, Carly Fiorina của Hewlett-Packard, và Robert McNamara, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam. Những kẻ hăm dọa vĩ đại thường có xu hướng tập trung trong các ngành công nghiệp có nhiều rủi ro nhưng đầy danh tiếng như Hollywood, lĩnh vực kỹ thuật, tài chính và chính trị.
Hầu hết những lời khuyên cho lĩnh vực quản lý suốt 25 năm qua luôn tập trung vào các vấn đề như tình thương và lòng trắc ẩn. Những cuốn sách về vấn đề này khuyến khích việc xây dựng đội ngũ nhân viên bằng sự ân cần và hiểu biết lẫn nhau. Hiếm có cuốn sách nào viết rằng vấn đề cải tiến hiệu quả làm việc của nhân viên cần thông qua hành vi hăm dọa. Nhưng, như Richard Nixon đã từng nói: “Người ta phản ứng lại sự sợ hãi, người ta không thích điều đó. Cuộc đời không dạy điều đó, nhưng đó là sự thực”.
Giống như nhưng kẻ hăm dọa vĩ đại khác, Jobs cũng rất mạnh mẽ. Jobs luôn thúc ép và đòi hỏi, thường khá gay gắt. Jobs có thể trở nên cục súc và tàn nhẫn. Jobs sẵn sàng sử dụng “sức mạnh của rắn” – gieo nỗi sợ hãi của Chúa vào kẻ khác – để buộc người khác phải hoàn thành một vấn đề nào đó. Cách lãnh đạo này rất có hiệu quả trong những tình huống khẩn cấp, giống như trong thời khắc chuyển đổi của công ty, khi mà người ta cần nắm lấy quyền và tiến hành những chuyển biến thần tốc. Nhưng như Jobs đã cho thấy, cách lãnh đạo này tỏ ra rất có hiệu quả trong việc đưa sản phẩm đến với thị trường – một cách nhanh chóng. Kramer nhận ra rằng nhiều nhà lãnh đạo kinh doanh mong muốn có được quyền lực như vậy. Đúng là như thế, họ đối xử với nhân viên bằng sự công bằng và lòng trắc ẩn, và họ nhận được sự yêu quý từ nhân viên của mình nhưng nhiều khi họ thích hăm dọa để buộc nhân viên thực hiện theo yêu cầu.
Jobs thường sử dụng những biện pháp mạnh, đặc biệt khi còn trẻ. Larry Tessler, từng là nghiên cứu viên tại Apple nói Jobs luôn tạo ra đồng thời nỗi sợ hãi và niềm kính trọng. Khi Jobs rời bỏ Apple vào năm 1985, mọi người trong công ty đều có những cảm xúc trái ngược nhau về vấn đề này. “Có những người từng bị Steve Jobs dọa vào thời điểm nào đó thì lúc này họ cảm thấy như có sự cởi bỏ tâm lý đáng kể. Nhưng Tessler cho rằng cũng chính những người này luôn tỏ rõ một sự kính trọng đáng nể đối với Steve Jobs, và lúc đó tất cả họ đều lo lắng rằng điều gì sẽ đến với công ty khi không còn một người có tầm nhìn, một nhà sáng lập và một thủ lĩnh tinh thần như Jobs.”
Sự giận dữ đôi khi được bộc lộ rõ ràng. Jobs luôn công khai chỉ trích những nhân viên yếu kém nhằm tạo ra hiệu ứng đối với toàn bộ tổ chức. Đại tướng George S. Patton từng luyện tập trước gương để có được “sắc mặt uy nghiêm của tướng”. Reggie Lewis, một doanh nhân, cũng thừa nhận rằng ông đã phải luyện tập vẻ quắc mắt trước gương để có thể sử dụng trong các phiên đàm phán khó khăn. Thái độ tức giận có chủ ý là một điều rất phổ biến ở các chính trị gia mà Kramer gọi đó là trạng thái “giận xù lông nhím”.
Jobs sở hữu một trí tuệ chính trị sắc bén, được Kramer gọi là “một khuôn mẫu điển hình và uy nghiêm của một trí tuệ lãnh đạo.” Jobs là một thẩm phán nhân tâm tuyệt vời. Jobs đánh giá người khác, một cách khách quan và tổng quát, như công cụ hành động, như cái cách để đạt được điều mong muốn.
Kramer miêu tả buổi phỏng vấn do Mike Ovitz, một nhân vật đáng sợ tại Hollywood – người đã thành lập Hội Nghệ sỹ Sáng tạo trong nhà máy điện năng lượng – chủ trì. Ovitz ngồi trước ứng viên trong nắng chiều bảng lảng và liên tục gọi điện hướng dẫn thư ký của mình. Ovitz tạo ra các quãng ngắt lời liên tục trước khi kiểm tra ứng viên. Ovitz muốn các ứng viên liên tục phải cảnh giác và xem cách họ ứng xử như thế nào trước những sự ngắt quãng như vậy. Jobs cũng làm điều tương tự như thế: “Rất nhiều lần trong một buổi phỏng vấn tôi sẽ cố ý gây phiền lòng cho các ứng viên; tôi chỉ trích công việc trước đó của họ, tôi sẽ làm việc lặt vặt, và xem họ sẽ phản ứng như thế nào. Tôi sẽ bình phẩm, kiểu: ’Chúa ơi, đó hóa ra là một quả bom. Đó hóa ra là một sản phẩm tồi. Tại sao anh lại tiếp tục làm nó?…’ Tôi muốn xem ứng viên sẽ phản ứng như thế nào trước áp lực. Tôi muốn xem liệu họ chỉ biết lặng nghe hay họ sẽ phản ứng cho niềm tin và niềm kiêu hãnh về những điều mình đã làm.”
Một giám đốc điều hành nhân sự (HR) cấp cao của Sun đã kể lại trên tờ tạp chí Upside buổi phỏng vấn với Jobs. Cô này đã vượt qua hơn 10 lần phỏng vấn với các vị giám đốc điều hành cấp cao của Apple trước khi tới cuộc phỏng vấn của Jobs. Ngay lập tức, Jobs đã quyết định không chọn cô: “Jobs nói với tôi lý lịch của tôi không phù hợp với vị trí này. Sun là một vị trí tốt, nhưng ‘Sun không phải là Apple’. Jobs nói sẽ loại tôi ngay từ vòng sơ tuyển.”
Jobs đã hỏi người phụ nữ liệu cô có bất kỳ một câu hỏi nào không, và thế là cô đã chất vấn Jobs về chiến lược tập thể. Jobs đại khái trả lời: “Chúng tôi chỉ xây dựng chiến lược của mình trên nền tảng “cần biết”. Vì vậy, cô lại hỏi Jobs tại sao cần tới một giám đốc điều hành nhân sự. Một lỗi nghiêm trọng. Jobs đáp: “Tôi chưa bao giờ gặp người nào như cô. Tôi chưa bao giờ biết một người làm về nhân sự có năng lực nhưng tâm lý lại tầm thường vậy.” Sau đó Jobs có điện thoại và người phụ nữ kia đã bị loại. Nếu người phụ nữ đó không ứng xử như vậy, thì có lẽ đã nhận được một kết quả khả quan hơn nhiều.
Lấy ví dụ một nữ bán hàng của Apple đã bị Jobs quở mắng công khai tại một trong những buổi họp báo cáo doanh thu hàng năm của hãng. Hàng năm, hàng trăm đại diện bán hàng của Apple sẽ họp trong một vài ngày, thường là tại Trung tâm Cupertino của Apple. Năm 2000, khoảng 180 đại diện bán hàng ngồi trong khán phòng tại trụ sở của Apple đợi nghe bài phát biểu khích lệ tinh thần từ người đứng đầu. Apple vừa mới thông báo thua lỗ lần đầu tiên trong 3 năm. Ngay lập tức, Jobs đã đe dọa sa thải toàn bộ đội ngũ bán hàng. “Tất cả mọi người!” Jobs đã lập lại điệp khúc đe dọa này ít nhất 4 lần trong suốt bài phát biểu dài một giờ của mình. Jobs cũng chỉ đích danh nữ giám đốc bán hàng người đảm nhiệm công tác này tại Pixar – một công ty khác của Jobs trong cùng thời điểm – và trước tất cả mọi người Jobs đã nói ầm lên rằng: “Cô đang không làm tốt công việc”. Jobs nói, tại Pixar, Jobs vừa ký lệnh bán hàng trị giá 2 triệu đô-la với Hewlett-Packard, một trong những đối thủ của Apple. Người đại diện bán hàng đã cạnh tranh để giành lấy bản hợp đồng đó, nhưng thất bại. “Jobs đã chỉ đích danh người phụ nữ đó trước toàn thể mọi người” Eigerman nhớ lại. Nhưng người nữ bán hàng đó đã tự động đứng dậy. Cô ấy bắt đầu phản bác lại. Eigerman nói: “Tôi rất ấn tượng với người phụ nữ đó. Cô ấy rất tức giận. Cô ấy đã lập luận bảo vệ cho mình nhưng Jobs đã không cho trình bày hết. Jobs nói người phụ nữ đó ngồi xuống. Cô này vẫn ở lại Apple, và đang làm rất tốt công việc của mình… Đó là một ví dụ điển hình về mẫu người hùng/kẻ bỏ đi”.
Có lẽ quan trọng nhất, sự chỉ trích công khai một đại diện xấu số nào đó là cách để gieo nỗi sợ hãi của Chúa vào tất cả các đại diện bán hàng còn lại. Nó đã gửi một thông điệp rõ ràng rằng tất cả mọi người ở Apple đều phải chịu trách nhiệm cá nhân.
Hai năm sau tại cuộc họp bán hàng thường niên, Jobs cực kỳ vui vẻ và nhã nhặn (Jobs sơ lược tóm tắt các nội dung trong cuộc họp bán hàng năm 2001, đã được tổ chức ở một cơ sở ngoại vi). Jobs cảm ơn tất cả các đại diện bán hàng vì đã làm rất tốt công việc của mình và trả lời câu hỏi trong vòng hơn nửa giờ đồng hồ. Jobs thực sự rất hấp dẫn. Giống như tất cả những kẻ hăm dọa khác, Jobs có thể trở nên cực kỳ quyến rũ khi cần thiết. Rober McNamara nổi tiếng vì sự lạnh lùng và xa cách, nhưng khi cần ông cũng tỏ ra đầy hấp dẫn. “Những kẻ hăm dọa vĩ đại cũng có thể là những người dễ mến lạ kỳ,” Kramer đã viết như vậy.
Jobs nổi tiếng bởi khả năng biến hóa thực tế – khả năng thu hút đủ mạnh đến nỗi có thể xoay chuyển sự thực theo vòng ảnh hưởng của nó. Andy Hertzfeld đã sớm thấy được điều này sau khi gia nhập nhóm phát triển Mac: “Khả năng biến hóa thực tế là sự kết hợp đan xen giữa phong cách dùng ngôn từ đầy sức lôi cuốn, ý chí bất khuất, và niềm háo hức muốn xoay chuyển mọi điều nhằm đạt được mục đích trong tầm tay. Nếu hướng lập luận này không đủ thuyết phục, Jobs sẽ khéo léo chuyển sang hướng khác. Đôi khi, Jobs sẽ làm bạn ngạc nhiên khi bất ngờ đặt bạn vào vị trí của anh ấy, mà không hề biết rằng Jobs đã từng có suy nghĩ khác. Thật ngạc nhiên rằng khả năng biến hóa thực tế dường như vẫn có hiệu quả, thậm chí cả khi bạn tinh ý nhận ra điều đó. Mặc dù vậy hiệu ứng đó đã mờ nhạt sau khi Steve ra đi. Chúng tôi thường thảo luận về các biện pháp có thể để nắm bắt được khả năng này, nhưng sau một thời gian hầu hết đều bỏ cuộc và chấp nhận điều đó như khả năng thiên phú của riêng một người”.
Alan Deutschman, một người viết tiểu sử về Jobs, trong buổi gặp gỡ đầu tiên đã rất ấn tượng khả năng nói của ông. “Jobs rất hay sử dụng tên người đối thoại khi nói. Jobs nhìn thẳng vào mắt bạn với cái nhìn xuyên thấu. Jobs sở hữu đôi mắt giống như ngôi sao điện ảnh đầy sức mê hoặc. Nhưng điều thực sự lôi cuốn bạn là cách Jobs nói – có gì đó thuộc về âm điệu và sự hăng say trong bất kỳ lập luận nào của Jobs. Điều đó ngay lập tức tạo ra sức lan tỏa. Cuối buổi phỏng vấn với Jobs, tôi đã tự nhủ rằng: ‘Ta sẽ phải viết một bài về gã này – thực sự sẽ rất thú vị!’ Khi Steve muốn tạo sức hút và sự lôi cuốn, thì sẽ chẳng ai có thể sánh bằng”.
Làm việc với Steve: Chỉ có duy nhất một Steve
Do danh tiếng, nên nhiều nhân viên cố gắng tránh mặt Jobs. Một số nhân viên, cả hiện tại cũng như quá khứ, truyền nhau lời khuyên: hãy cúi đầu. “Như tất cả mọi người, tôi đã cố gắng tránh mặt Jobs càng nhiều càng tốt”, một cựu nhân viên nói: “Bạn muốn thoát khỏi tầm kiểm soát của Jobs và tránh việc Jobs nổi khùng với bạn”. Thậm chí cả các giám đốc điều hành cũng cố gắng làm điều đó. David Sobotta, một cựu giám đốc bán hàng liên bang của Apple, mô tả một lần đi lên ban điều hành để gặp phó chủ tịch xin chỉ thị. “Tôi nhanh chóng chọn cho mình lối đi làm sao để không phải đi qua cửa văn phòng Jobs,” Sobotta viết trên trang web của mình. “Tôi lựa chọn như vậy vì cho rằng điều đó sẽ an toàn hơn”.
Ngược lại, Jobs cũng giữ khoảng cách với các nhân viên bình thường. Ngoài việc liên hệ với các giám đốc điều hành, Jobs thường ở riêng trong khu văn phòng của Apple. Kramer viết, sự cách biệt đó tạo ra cảm giác đan xen giữa sợ hãi và đa nghi nhằm buộc các nhân viên liên tục cảnh giác. Vì vậy các nhân viên luôn phải làm việc cật lực để làm thỏa mãn Jobs và như thế Jobs có thể thay đổi các quyết định mà không mất đi sự tín nhiệm.
Nhưng việc tránh mặt Jobs không phải lúc nào cũng dễ dàng. Jobs có thói quen ghé thăm các phòng khác nhau mà không báo trước và hỏi xem mọi người đang làm gì. Đôi lúc Jobs khen ngợi các nhân viên. Nhưng cũng rất nhiều lần Jobs không tỏ thái độ. Sự khen ngợi của Jobs có chừng mực và thận trọng, điều đó càng làm tăng thêm giá trị của nó bởi vì đó là một điều hiếm gặp. Một nhân viên đã nói: “Đó thực sự là một điều ngây ngất đáng nhớ bởi vì rất khó có thể nhận được sự khen ngợi từ Jobs. Ông ta rất giỏi nắm bắt bản ngã của con người”.
Tất nhiên, mong muốn tránh mặt Jobs không phải là điều phổ biến với toàn thể nhân viên. Rất nhiều nhân viên tại Apple háo hức mong gây được sự chú ý với Jobs. Apple có vô cùng nhiều những nhân viên đầy tham vọng và năng nổ thiết tha mong gây được sự chú ý và thăng tiến.
Jobs thường là trung tâm của các cuộc đối thoại tại nơi làm việc. Chủ đề về Steve được bàn luận rất nhiều. Jobs được vinh danh vì tất cả những điều đúng đắn kỳ diệu ở Apple, nhưng trái lại cũng bị đổ lỗi vì tất cả những điều sai khác. Mọi người luôn đưa nó vào câu chuyện của mình. Mọi người thích nói về những cơn giận dữ của Jobs cũng như những lời châm biếm hài ước hiếm có từ ông.
Giống như tỷ phú Texas Ross Perot, người đã cấm các nhân viên để râu quai nón, Jobs cũng có một số đặc tính riêng. Một cựu giám đốc thường phải đến họp trong văn phòng của Jobs luôn có một đôi giày vải đế bệt dưới bàn làm việc của mình. Bất kì khi nào được gọi lên họp với Jobs, ông này thường cởi đôi giày da và xỏ đôi giày vải. Ông giải thích đơn giản: “Jobs là một người ăn chay”.
Trong công ty, Jobs được người ta gọi với cái tên đơn giản là “Steve” hoặc “S.J.” Nếu có nhân viên nào trùng tên là Steve thì mọi người sẽ gọi bằng tên thật hoặc tên họ. Tại Apple, chỉ có duy nhất một Steve.
Cũng có hội F.O.S (Friends of Steve) – những người bạn của Steve – là những người quan trọng, thường nhận được sự coi trọng và đôi khi là sự dè dặt cẩn trọng: Bạn sẽ không bao giờ biết được điều gì có thể được báo lên trên. Nhân viên kháo nhau rằng hãy cẩn thận với các F.O.S xung quanh. Những người bạn của Steve không nhất thiết là những người thuộc tầng lớp quản lý cấp cao của Apple – thỉnh thoảng họ là những lập trình viên hoặc kỹ sư kết giao với nhau.
Dưới sự điều hành của Jobs, Apple là một tổ chức tinh gọn. Có rất ít cấp quản lý. Jobs là người có tầm bao quát đặc biệt – Jobs biết ai đang làm gì và ở đâu. Mặc dù chỉ có một nhóm quản lý điều hành nhỏ – chỉ với 10 người – nhưng Jobs biết rõ hàng trăm các kỹ sư, nhà thiết kế, và lập trình viên quan trọng trong tổ chức của mình.
Jobs khá trọng dụng người tài: Jobs không quan tâm tới chức danh công việc hay tôn ti trật tự. Nếu Jobs muốn làm điều gì đó, ông thường biết ai sẽ đảm nhiệm việc này và trực tiếp liên hệ mà không thông qua các giám đốc của họ. Tất nhiên, Jobs là ông chủ và có thể làm những điều như vậy. Nhưng việc này cũng cho thấy rằng Jobs không thực quan trọng hóa hình thức và tôn ti trật tự. Jobs chỉ đơn giản nhấc điện thoại lên và gọi.
Các nhà phê bình thường ví Jobs như một người lý trí cứng nhắc không hề có tình thương và lòng trắc ẩn. Nhân viên chỉ như những đồ vật vô hồn, như những công cụ đơn thuần để Jobs đạt mục đích. Để giải thích cho việc tại sao nhân viên và cộng tác viên lại chịu đựng được Jobs, các nhà phê bình đã viện dẫn đến “Hội chứng Stockholm”. Các nhân viên là những tội phạm đang bị giam giữ đem lòng yêu quản trại. “Với những người đã hiểu rõ về phong cách quản lý của Jobs, họ đều biết rằng Jobs làm việc theo cách sàng lọc nhân viên khi người đó không đủ thông minh hoặc không đủ mạnh mẽ về mặt tinh thần để có thể theo kịp những yêu cầu liên tục nhằm tạo ra những điều dường như không thể (chẳng hạn như một chiếc máy nghe nhạc mà bạn có thể truy cập vào một đoạn nhạc bất kỳ chỉ với 3 thao tác) và các nhân viên thường phải nghe rằng giải pháp của họ thật “tầm thường”. Charles Arthur đã viết trên tờ The Register: “Đó không phải là cung cách làm việc và ứng xử mà hầu hết mọi người vẫn thích. Vì vậy, trên thực tế, Steve Jobs không phải là thần tượng của bất kỳ một giám đốc nào trừ những người theo khuynh hướng lý trí”.
Jobs giống như một người cha khắt khe luôn đòi hỏi rất cao và khó lòng được thỏa mãn. Cấp dưới thường phải làm việc vất vả đều mong được Jobs để ý và khen ngợi. Một cựu nhân viên của Pixar từng tâm sự với Kramer rằng anh ta sợ làm Jobs thất vọng giống như cảm giác sợ làm cha của mình phiền lòng vậy.
Một số người làm việc cho Jobs đã phải ra đi, nhưng họ lại có được những kinh nghiệm quý báu. Trong nghiên cứu của mình, Kramer nói ông thấy ngạc nhiên vì người nào từng làm việc với những kẻ hăm dọa vĩ đại thường cho thấy họ có được kinh nghiệm “học vấn sâu sắc, thậm chí có sự bứt phá.” Jobs bắt nhân viên làm việc vất vả và phải cố gắng để vượt qua những áp lực, nhưng vì thế họ lại tạo ra được những sản phẩm vĩ đại. Cordell Ratzlaff, nhà thiết kế máy Mac OS X đã nói với tôi: “Tôi có thích làm việc với Steve Jobs không ư? Dĩ nhiên là có. Đó có lẽ là công việc tốt nhất mà tôi đã làm. Thật hồ hởi và thích thú. Đôi khi đó là một công việc khó nhằn, nhưng Jobs có cách thức khơi dậy khả năng tiềm ẩn tốt nhất của mỗi người. Tôi đã học được rất nhiều điều bổ ích từ Jobs trong đó có cả những thành công và những điều chưa làm được, nhưng điều đó lại trở thành những kinh nghiệm quý báu.” Ratzlaff trực tiếp làm việc với Jobs trong khoảng 18 tháng, và cho rằng không thể nào cùng hợp tác lâu hơn được nữa. “Một số người có thể chịu được lâu hơn là Avie Tevanian, Bertrand Serlet. Tôi đã thấy Jobs quát tháo cả hai người họ, nhưng họ có cách vượt qua điều đó. Cũng có một số trường hợp làm việc cùng Jobs trong thời gian rất, rất dài. Quản trị viên của Jobs đã cộng tác với Jobs trong nhiều năm trời. Một ngày, Jobs sa thải cô ấy. Theo lời kể của Ratzlaff, Jobs đơn giản nói “Thế là đủ, cô sẽ không tiếp tục làm việc ở đây nữa”.
Sau 9 năm làm việc tại Apple, người đã gắn bó với Jobs, lập trình viên Peter Hoddie đã ra đi trong hoàn cảnh có phần cay nghiệt. Không phải vì bị sa thải, mà bởi vì Peter muốn có quyền hành nhiều hơn ở Apple. Peter mệt mỏi với những mệnh lệnh của Jobs và muốn có tiếng nói nhiều hơn trong các kế hoạch và sản phẩm của công ty. Họ đã đấu tranh với nhau. Hoddie ra đi, nhưng sau đó Jobs đã tỏ ra hối hận. Jobs cố gắng can ngăn Hoddie. “Anh định ra đi một cách dễ dàng như vậy sao. Hãy cùng bàn luận về chuyện này đã.” Nhưng Hoddie đã khước từ. Ngày cuối cùng Hoddie làm việc tại Apple, Jobs đã cho gọi Hoddie lên trụ sở. Hoddie nhớ lại “Cho đến tận phút cuối Steve vẫn rất lịch thiệp. Ông ấy nói chúc may mắn, mà không phải là ‘đồ khốn’. Tất nhiên, trong mọi thứ Steve làm luôn có sự tính toán nhất định.”
BÀI HỌC TỪ STEVE
• Điều đó có thể là bất cứ điều gì, miễn sao bạn cảm thấy thích.
• Tìm nguồn cảm hứng cho công việc của bạn. Jobs có điều đó và biến nó thành nguồn lan tỏa.
• Sử dụng chiến thuật “cây gậy và củ cà rốt” để tạo ra các thành quả vĩ đại. Jobs khen và phạt khi người ta là anh hùng/kẻ bỏ đi.
• Tạo áp lực để thu được kết quả.
• Tổ chức liên hoan chào mừng thành quả theo cách độc đáo bất ngờ.
• Vẫn kiên định theo đuổi những điều tưởng như là không thể. Jobs biết rằng rốt cuộc những thứ khó khăn nhất rồi cũng sẽ được giải quyết.
• Trở thành kẻ hăm dọa vĩ đại. Truyền cảm hứng qua sự sợ hãi và khát khao thỏa mãn.
• Là một người ân cần quyến rũ bên cạnh một kẻ hăm dọa. Khi cần Jobs có thể tỏ ra thật cuốn hút.
• Buộc nhân viên phải làm việc vất vả. Jobs đặt nhân viên trong trạng thái căng thẳng, nhưng như thế họ sẽ tạo ra được những sản phẩm vĩ đại.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.