Bản Chất Của Dối Trá

Chương 2



Cấp số giả dối

Tiếp theo, tôi sẽ kể bạn nghe một câu chuyện vui:

Cậu bé Jimmy 8 tuổi về nhà với một lời phê từ thầy giáo, “Jimmy đã lấy cắp chiếc bút chì của bạn cùng bàn.” Cha của Jimmy hết sức tức giận. Ông đã la mắng cậu hồi lâu, cho cậu biết điều đó đã khiến ông buồn lòng và thất vọng đến nhường nào, và cấm túc cậu hai tuần lễ. “Và hãy cứ chờ mẹ con về mà xem!” ông nói với giọng hăm dọa. Sau cùng, ông kết luận: “Dù sao thì, Jimmy, nếu con cần một chiếc bút chì, sao còn không nói với cha? Con chỉ cần hỏi cha thôi? Con cũng biết cha có thể mang về cho con hàng tá bút chì từ chỗ làm cơ mà.”

Nếu chúng ta cười mỉm khi nghe xong câu chuyện này, thì đó là do chúng ta đã nhận ra sự phức tạp của thói bất lương vẫn luôn tồn tại trong chính bản thân. Chúng ta biết cậu bé sẽ bị phạt cấm túc vì lấy cắp bút chì của bạn học, nhưng chúng ta vẫn ngang nhiên lấy về còn nhiều bút chì hơn thế mà chẳng cần suy nghĩ.

Đối với tôi, Nina và On, câu chuyện trên còn cho thấy một số loại hành vi nhất định có thể dễ dàng nới lỏng những quy chuẩn đạo đức của chúng ta. Chúng tôi cho rằng: nếu chúng tôi nới rộng khoảng cách tâm lý giữa hành vi bất lương và hậu quả của nó, có thể cấp số giả dối sẽ gia tăng và người tham gia thí nghiệm sẽ gian lận nhiều hơn. Tất nhiên, về cơ bản chúng tôi không hề ủng hộ việc khuyến khích mọi người gian lận. Nhưng vì mục đích nghiên cứu và tìm hiểu cơ chế đứng sau sự lừa dối, chúng tôi muốn biết kiểu tình huống hay kiểu can thiệp nào sẽ nới lỏng hơn các quy chuẩn đạo đức của chúng ta.

Để kiểm chứng quan điểm này, trước hết chúng tôi đã dựng lên một “phiên bản đại học” từ trò đùa về cây bút chì. Một ngày nọ, tôi đã lẻn vào ký túc xá trường MIT và để vào mỗi chiếc tủ lạnh công cộng một trong hai thứ mồi nhử vô cùng hấp dẫn. Với một nửa số tủ lạnh, tôi cho vào 6 lốc Coca-Cola; còn với nửa kia, tôi để vào một chiếc đĩa giấy với 6 tờ 1 đô-la trên đó. Khi lần lượt quay lại kiểm tra các tủ lạnh, tôi đã nhận thấy một hiện tượng đang xảy ra với tiền và Coca của tôi – theo thuật ngữ khoa học, tôi sẽ gọi đó là “chu kỳ nửa phân rã” của tiền và Coca-Cola.

Như bất kỳ ai từng ở ký túc xá có thể dự đoán: toàn bộ số Coca-Cola đã biến mất trong 72 tiếng đồng hồ; nhưng điều thú vị là tiền trên đĩa vẫn còn nguyên. Trên thực tế, các sinh viên có thể cầm lấy 1 tờ đô-la, bước sang máy bán hàng tự động gần đó và mua một lon Coca-Cola (thậm chí họ còn nhận được tiền thối); nhưng đã không ai làm như vậy.

Tôi phải thừa nhận đây không phải một thí nghiệm quá mang tính khoa học, vì sinh viên ngày nay vẫn hay nhìn thấy Coca-Cola khi mở tủ lạnh, trong khi phát hiện ra vài đồng đô-la lại là chuyện rất hiếm gặp. Nhưng thí nghiệm nhỏ này đã chứng minh con người chúng ta luôn sẵn sàng lấy trộm một thứ gì đó không mang giá trị tiền mặt. Tuy nhiên, chúng ta lại cảm thấy xấu hổ khi trực tiếp lấy cắp tiền, đến mức có thể khiến vị giảng viên đức hạnh nhất của lớp giáo lý ngày Chủ Nhật cũng cảm thấy tự hào. Tương tự, chúng ta có thể lấy vài xấp giấy từ công sở mang về dùng cho máy in ở nhà, nhưng nó quả thực không giống với việc chúng ta trộm 3,50 đô-la từ hũ đựng tiền lẻ, dẫu cho chúng ta lập tức dùng số tiền đó mua giấy cho máy in.

Để xem xét khoảng cách giữa tiền bạc và ảnh hưởng của nó đối với sự bất lương dưới góc nhìn thận trọng hơn, chúng tôi đã lập ra một phiên bản khác của trò chơi ma trận, trong đó bao gồm một tình huống mà tiền bạc đã được tách khỏi bước gian lận. Trong các thí nghiệm trước của chúng tôi, người chơi trong tình huống “máy hủy giấy” đã được trao cơ hội gian lận bằng cách hủy đi bảng trả lời và nói dối về số ma trận họ giải đúng. Khi người chơi hoàn thành nhiệm vụ, họ sẽ hủy bảng trả lời, bước đến chỗ người phụ trách và nói: “Tôi đã giải xong X ma trận, hãy đưa tôi X đô-la.”

Điểm mới trong thí nghiệm lần này chính là tình huống “thẻ tượng trưng”. Tình huống này cũng giống với tình huống “máy hủy giấy”, ngoại trừ người chơi sẽ được trả những tấm thẻ tròn bằng nhựa tượng trưng cho những đồng đô-la. Trong tình huống “thẻ tượng trưng”, mỗi khi người chơi hoàn tất bảng trả lời, họ sẽ bước đến người phụ trách và nói: “Tôi đã giải xong X ma trận, hãy đưa tôi X thẻ.” Sau khi nhận thẻ, họ sẽ bước sang một chiếc bàn nhỏ cách đó khoảng 3,65 m để đổi thẻ lấy những tờ tiền mặt mới cứng.

Rốt cuộc, số người chơi lừa lấy thêm thẻ để sau đó vài giây trở thành kẻ lừa tiền đã tăng gấp đôi so với số người lừa tiền trực tiếp trong thí nghiệm trước. Tôi phải thú nhận rằng: tuy tôi có nghi ngờ người chơi trong tình huống “thẻ tượng trưng” sẽ gian lận nhiều hơn, nhưng tôi đã hoàn toàn bất ngờ trước số trường hợp gian lận tăng lên chỉ vì thay thế tiền mặt bằng những tấm thẻ. Hóa ra, chúng ta lại dễ trở thành kẻ bất lương đến thế khi bắt gặp những thứ không phải tiền mặt hay vì chính những đồng tiền sáng lóa.

Trong tất cả những nghiên cứu tôi thực hiện suốt thời gian vừa qua, ý tưởng khiến tôi băn khoăn nhất chính là nhân cách đạo đức của chúng ta sẽ càng dễ sa lầy nếu xã hội xuất hiện ngày càng ít tiền mặt. Xét trên phương diện đạo đức, phải chăng lấy cắp số thẻ tín dụng sẽ dễ dàng hơn lấy cắp tiền từ ví ai đó? Tất nhiên, tiền ảo (như thẻ tín dụng hay thẻ ghi nợ) có rất nhiều ưu điểm, nhưng chúng cũng có thể khiến chúng ta quên đi bản chất hành động của chính mình ở một mức độ nào đó. Và nếu chỉ một bước tráo đổi nhỏ cũng có thể giải phóng con người khỏi những ràng buộc về đạo đức, thì chuyện gì sẽ xảy ra khi ngày càng có nhiều ngân hàng hoạt động trên mạng? Điều gì sẽ xảy ra với nền tảng đạo đức cá nhân và cộng đồng của chúng ta khi các sản phẩm tài chính đang trở nên trừu tượng hơn và ít gắn liền với tiền mặt hơn (điển hình như quyền lựa chọn cổ phiếu, chứng khoán phái sinh hay giao dịch hoán đổi tín dụng mặc định)?

Các công ty vẫn chưa biết điều này!

Là nhà khoa học, chúng tôi rất quan tâm dẫn chứng, đo lường và đánh giá một cách cẩn trọng sức ảnh hưởng từ việc “loại tiền mặt khỏi cuộc chơi”. Nhưng tôi hoài nghi rằng một số công ty đã biết nắm bắt nguyên lý này qua trực giác và đang áp dụng nó để tư lợi. Chẳng hạn, hãy cùng xem qua lá thư tôi nhận được từ một cố vấn trẻ:

Thưa Tiến sĩ Ariely,

Tôi vừa tốt nghiệp Cử nhân Quản trị Kinh doanh chuyên ngành Kinh tế học được vài năm tại một trường đại học danh tiếng, và hiện đang công tác tại một doanh nghiệp tư vấn kinh tế, bao gồm dịch vụ dành cho các công ty luật.

Nguyên nhân tôi quyết định liên lạc với ngài là do tôi đang quan sát và trực tiếp tham gia trong một thực trạng đang được nhắc đến khá phổ biến: đó là các cố vấn kinh tế thường xuyên phóng đại về số giờ dịch vụ của họ. Để tránh tô vẽ thêm khiến ngài phật lòng, tôi xin gọi thẳng đó là lừa đảo. Từ những chuyên gia thâm niên nhất cho đến các chuyên viên phân tích cấp thấp nhất, toàn bộ cơ cấu khích lệ dành cho các tư vấn viên đều thúc đẩy việc lừa đảo: không ai kiểm tra chúng tôi định giá bao nhiêu cho mỗi công việc được giao; không có hướng dẫn cụ thể nào về những hành vi được chấp nhận; và nếu chúng tôi nhận thù lao thấp nhất trong số các phân tích viên đồng nghiệp, chúng tôi nhiều khả năng sẽ bị sa thải. Những yếu tố trên đã tạo nên một môi trường hoàn hảo cho tình trạng lừa đảo tràn lan.

Bản thân các luật sư cũng hưởng lợi không ít từ mỗi giờ chúng tôi được trả tiền, nên họ cũng chẳng quan tâm chúng tôi mất bao lâu để hoàn thành dự án. Trong khi các luật sư có một số biện pháp để hạ giá tiền và tránh làm khách hàng điên tiết, thì nhiều kết quả phân tích do chúng tôi thực hiện lại rất khó đánh giá. Các luật sư biết rõ và dường như đã lợi dụng điều đó. Rốt cuộc, chúng tôi phải lừa đảo nhân danh họ; chúng tôi lo giữ việc, còn họ thì hưởng số thu nhập dôi ra.

Dưới đây là một số ví dụ cụ thể về cách thức lừa đảo trong công ty tôi:

• Hạn chót đã gần kề và chúng tôi phải làm việc ngày đêm. Không có vấn đề gì với ngân sách; và khi tôi hỏi mình nên tính bao nhiêu thời gian cho một ngày công, sếp tôi (một giám đốc dự án cấp trung) đã bảo tôi cộng hết số giờ tôi có mặt trong văn phòng và trừ đi hai tiếng – một cho bữa trưa và một cho bữa tối. Khi tôi nói mình còn nghỉ ngơi vài lần khi máy chủ chạy chương trình, thì bà ấy bảo tôi cứ xem đó như thời gian dưỡng sức để đạt năng suất cao hơn.

• Một đồng nghiệp cùng phòng tốt tính của tôi đã kiên quyết từ chối việc báo quá giá, và hậu quả đã phải nhận tổng số thù lao thấp hơn đến 20% so với mức trung bình. Tôi rất ngưỡng mộ tính trung thực của anh, nhưng khi đến kỳ cắt giảm nhân sự, anh là người đầu tiên phải ra đi. Thứ thông điệp họ muốn gửi đến chúng tôi là gì vậy?

• Có một người chuyên tính mỗi giờ anh ta kiểm tra e-mail vào tổng thời gian của dự án, bất kể anh ta có làm việc hay không. Anh ta nói khi đó mình đang “bận điện thoại”.

• Một người khác chuyên làm việc tại nhà và tính giờ công rất nhiều, nhưng mỗi khi đến văn phòng anh ta lại chẳng có việc gì để làm.

Tất cả những điều đó cứ liên tục tiếp diễn. Tất nhiên, tôi cũng có dính líu không ít, nhưng càng hiểu rõ, tôi càng muốn khắc phục vấn đề. Ngài có lời khuyên nào cho tôi không? Ngài sẽ làm gì trong trường hợp của tôi?

Kính thư,

Jonah

Thật không may, các vấn đề Jonah đề cập là tình trạng chung, và chúng chính là kết quả trực tiếp từ cách lập luận của chúng tôi về nền tảng đạo đức. Hãy nghĩ về vấn đề trên theo một cách khác: Một buổi sáng, tôi phát hiện có người đã đập vỡ cửa kính xe tôi và lấy đi hệ thống GPS đặt ngoài. Tất nhiên, tôi rất bực bội, nhưng xét trên sức ảnh hưởng đối với tương lai tài chính của tôi, vụ trộm đó chẳng thấm tháp gì. Mặt khác, hãy nghĩ xem các luật sư, người môi giới chứng khoán, các giám đốc quỹ tương hỗ, nhân viên bảo hiểm và vô số người khác sẽ nhận được bao nhiêu từ tôi (và tất cả chúng ta) trong vụ việc này, trong suốt từng ấy năm – từ báo quá giá, lệ phí bổ sung ẩn và vô vàn chiêu trò khác. Mỗi hành vi trong số đó chẳng có lẽ mấy chẳng nghiêm trọng về mặt tiền bạc, nhưng nếu gộp lại, chúng sẽ vượt quá giá tiền của một vài thiết bị định vị. Không những thế, tôi ngờ rằng những tên tội phạm cổ cồn trắng đó – khác với tên trộm GPS của tôi – sẽ vẫn nghĩ rằng họ là những người có phẩm giá cao, vì những trò lường gạt của họ chẳng bõ bèn gì; và quan trọng nhất, họ sẽ bòn rút ví tiền của tôi từng chút một.

May mắn là khi chúng ta hiểu được thói bất lương của bản thân sẽ phát sinh thêm mỗi khi loại bớt tiền bạc khỏi cuộc chơi, chúng ta có thể nỗ lực làm rõ và nhấn mạnh mối liên kết giữa hành động của chúng ta với những người có khả năng tác động đến nó. Đồng thời, chúng ta cũng có thể rút ngắn khoảng cách giữa hành động đó với số tiền còn trong vòng nghi vấn. Từ các bước trên, chúng ta sẽ ngày càng hiểu rõ hậu quả từ hành động của mình; và khi ý thức được điều đó, bản tính trung thực sẽ thể hiện rõ hơn.

BÀI HỌC TỪ NGƯỜI THỢ KHÓA

Cách đây không lâu, một sinh viên tên Peter đã kể với tôi một câu chuyện đánh đúng vào những nỗ lực lầm lạc của chúng tôi hòng hạn chế thói bất lương.

Một ngày nọ, Peter bị nhốt ngoài căn nhà của cậu, nên cậu phải gọi tìm một người thợ khóa. Phải mất một chốc cậu mới tìm được người mở khóa có chứng nhận của thành phố. Sau cùng, chiếc xe tải của người thợ khóa cũng đến nơi, và anh ta đã mở tung ổ khóa trong một phút đồng hồ.

“Em đã rất ngạc nhiên khi anh ta mở được cửa nhanh chóng và dễ dàng như vậy,” Peter thuật lại. Sau đó, cậu liền chuyển sang bài học đạo đức nhỏ cậu nhận được từ người thợ khóa ngày hôm đó.

Đáp lại sự kinh ngạc của Peter, người thợ đã nói với cậu rằng khóa cửa chỉ giúp người lương thiện giữ mình lương thiện. “Trong chúng ta luôn có 1% lương thiện không bao giờ trộm cắp của ai,” anh nói. “Trong khi 1% khác lại luôn xảo trá và luôn muốn bẻ khóa cửa nhà cậu để lấy đi chiếc ti-vi. Riêng 98% còn lại, chúng sẽ lương thiện miễn là mọi thứ ở đúng chỗ của nó – nhưng nếu không thắng được cám dỗ, chúng cũng xảo trá nốt. Ổ khóa không bảo vệ được cậu khỏi kẻ trộm, những kẻ dư sức vào được nhà cậu nếu chúng muốn. Ổ khóa chỉ bảo vệ cậu trước những người trung thực bị cám dỗ vặn thử cửa nhà cậu xem có khóa hay không thôi.”

Sau khi ngẫm nghĩ về những nhận xét trên, tôi bắt đầu tin rằng người thợ khóa đã nói đúng. 98% còn lại trong chúng ta không xấu xa, cũng không lường gạt người khác mỗi khi có cơ hội; nói đúng hơn, có lẽ hầu hết chúng ta đều cần được nhắc nhở để luôn vững bước trên con đường đúng.

Làm sao khiến người khác bớt lừa dối?

Đến đây, chúng ta đã biết cấp số giả dối thể hiện ra sao cũng như cách giải phóng nó. Trong bước tiếp theo, chúng ta sẽ muốn biết liệu ta có thể hạn chế yếu tố này và khuyến khích mọi người bớt lừa dối hay không. Một lần nữa, ý tưởng này cũng bắt nguồn từ một câu chuyện vui:

Một người đàn ông mặt mày ủ dột đến gặp giáo trưởng của mình và nói, “Thưa giáo trưởng, ngài sẽ không tin được chuyện xảy ra với con! Tuần trước, có kẻ đã lấy cắp chiếc xe đạp của con ngoài giáo đường!”

Giáo trưởng rất buồn khi nghe chuyện, nhưng sau một lúc suy nghĩ, ông đã tìm ra cách: “Tuần sau con hãy đến dự lễ, ngồi ở hàng đầu, và khi ta dẫn Mười Điều răn, hãy quan sát những người ngồi xung quanh và phía sau con. Và khi chúng ta hô, ‘Các ngươi không được ăn cắp,’ hãy xem ai là người không dám nhìn thẳng vào mắt con. Đó chính là người con đang tìm.” Giáo trưởng rất hài lòng với lời khuyên của mình, và người đàn ông cũng vậy.

Tại buổi lễ kế tiếp, giáo trưởng rất tò mò muốn biết lời khuyên của ông có tác dụng hay không. Ông đợi người đàn ông nọ ở cổng giáo đường và hỏi: “Thế nào rồi, cách đó hiệu quả chứ?”

“Thưa ngài, như có phép màu vậy,” người đàn ông trả lời. “Khi chúng ta đến đoạn, ‘Các ngươi không được ngoại tình,’ con liền nhớ ngay ra mình đã quên xe đạp ở đâu.”

Câu chuyện vui này đã cho thấy trí nhớ và nhận thức của chúng ta về các chuẩn mực đạo đức (điển hình như Mười Điều răn) có lẽ đã tác động đến cách chúng ta nhìn nhận hành vi của mình.

Lấy cảm hứng từ bài học đằng sau câu chuyện trên, tôi cùng Nina và On đã tiến hành một thí nghiệm tại Đại học Califorina, Los Angeles (UCLA). Chúng tôi chọn ra một nhóm 450 người tham gia và phân họ thành hai nhóm nhỏ. Chúng tôi yêu cầu một nhóm cố gắng nhớ lại nội dung của Mười Điều răn rồi xúi giục họ gian lận trong trò chơi ma trận. Với nhóm còn lại, chúng tôi yêu cầu họ nhớ lại tên 10 cuốn sách họ từng đọc thời phổ thông trước khi để mặc họ xoay sở với trò ma trận và chớp thời cơ gian lận. Với nhóm được yêu cầu nhớ tên sách, chúng tôi nhận thấy tình trạng gian lận đặc trưng tuy lan rộng nhưng vẫn có chừng mực. Trong khi đó, nhóm được yêu cầu nhớ lại Mười Điều răn lại không xảy ra trường hợp gian lận nào; dù không ai trong nhóm này nhớ đủ 10 điều.

Kết quả này khiến chúng tôi rất tò mò. Dường như chỉ cần hồi tưởng lại những chuẩn mực đạo đức cũng đủ giúp chúng ta cải thiện hành vi đạo đức của mình. Trong một thử nghiệm khác nhằm kiểm chứng hiệu ứng này, chúng tôi đã yêu cầu một nhóm người vô thần (tự thừa nhận) lập lời thề trên cuốn Kinh Thánh và cho họ cơ hội vơ thêm tiền thưởng từ trò ma trận. Vậy họ đã làm gì? Họ vẫn giữ được thói quen ngay thẳng.

TRỘM GIẤY

Cách đây vài năm, tôi có nhận được bức thư từ một phụ nữ tên Rhonda, người từng theo học Đại học California tại Berkeley. Cô kể với tôi về vấn đề cô từng gặp phải trong căn hộ của mình, và một lời thức tỉnh lương tâm nhỏ bé đã giúp cô giải quyết nó ra sao.

Khi đó, cô đang sống gần trường cùng một số bạn cùng phòng – và không ai biết ai từ trước. Khi các lao công đến dọn dẹp vào mỗi cuối tuần, họ luôn để lại mấy cuộn giấy vệ sinh trong hai phòng tắm. Tuy nhiên, đến sáng thứ Hai, các cuộn giấy đều biến mất. Đó là một tình huống “vơ vét tài sản chung” kinh điển; do một số người tìm cách tích trữ giấy vệ sinh và lấy nhiều hơn số họ cần, nên những người còn lại hầu như không còn giấy để dùng.

Các thí nghiệm theo dạng “đánh thức lương tâm” đã cho thấy chúng ta có thể hạn chế ý định và khuynh hướng lường gạt của mình nếu nhận được những lời nhắc nhở về chuẩn mực đạo đức. Nhưng dẫu cho việc sử dụng Mười Điều răn và Kinh Thánh như các cơ chế xây-dựng-tính-lương-thiện có thể mang lại kết quả, thì việc phổ biến các nguyên lý tôn giáo trong xã hội như một biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng lường gạt vẫn không mấy thực tế (đó là chưa kể ranh giới giữa giáo hội và nhà nước có thể bị xâm phạm). Do đó, chúng tôi đã bắt đầu nghĩ đến những phương cách tổng quát, thực tế và bền vững hơn nhằm triệt tiêu cấp số giả dối – trên quan điểm này, chúng tôi đã tiến hành kiểm chứng các điều luật danh dự mà nhiều trường đại học đã áp dụng.

Để biết các điều luật này có hiệu quả hay không, chúng tôi đã yêu cầu một nhóm sinh viên trường MIT và Yale ký tên vào một tuyên bố trước khi tạo cơ hội cho một nửa trong số họ gian lận trong trò chơi ma trận.

Sau khi đọc thí nghiệm về Mười Điều răn trên blog của tôi, Rhonda đã dán lên một trong hai phòng tắm một mẩu giấy đề nghị mọi người đừng lấy đi lấy vệ sinh, vì đó là tài sản chung. Cô đã được toại nguyện: một cuộn giấy đã xuất hiện trở lại sau vài tiếng, và thêm một cuộn khác vào ngày hôm sau. Tuy nhiên, trong phòng tắm không có mẩu ghi chú, vẫn không có cuộn giấy nào được trả lại cho đến cuối tuần tiếp theo, khi những người lao công trở lại.

Thí nghiệm nhỏ này đã cho thấy những lời nhắc nhở dù nhỏ bé vẫn có thể giúp chúng ta giữ được phẩm cách đạo đức – trong trường hợp này là một phòng tắm sạch sẽ đủ giấy dùng.

Tuyên bố này viết rằng, “Tôi hiểu rằng thí nghiệm này tuân theo những nguyên tắc được quy định rõ trong điều luật danh dự của trường MIT/Yale.” Những sinh viên không được yêu cầu ký tên vào tuyên bố đã gian lận một chút, nhưng các sinh viên MIT và Yale đã ký tên lại không gian lận lần nào – bất chấp việc chẳng ngôi trường nào trong số đó sở hữu một điều luật danh dự.

Như vậy, chúng tôi đã biết điều luật danh dự vẫn hiệu nghiệm tại các trường đại học không sở hữu chúng, nhưng với các trường có điều luật danh dự vô cùng đanh thép thì sao? Liệu sinh viên tại đây đều gian lận ít hơn hẳn? Hay họ chỉ bớt gian lận khi ký tên vào điều luật đó? May mắn thay, trong thời gian lưu lại Viện Nghiên cứu Nâng cao thuộc Đại học Princeton, tôi đã có ngay cơ hội kiểm chứng quan điểm này.

Đại học Princeton sở hữu một hệ thống điều luật danh dự khắt khe từ khoảng năm 1893. Mỗi sinh viên khi vào trường điều được phát một bản sao Hiến pháp Danh dự và một lá thư từ Ủy ban Danh dự của trường về hệ thống điều luật danh dự, và họ phải ký lên đó trước khi trúng tuyển. Họ cũng buộc phải tham gia các buổi nói chuyện về tầm quan trọng của Điều luật Danh dự trong tuần đầu tiên nhập học. Sau các buổi diễn thuyết, các tân sinh viên Princeton còn phải thảo luận về hệ thống điều luật này với nhóm cố vấn tại ký túc xá. Chưa hết, một trong các nhóm nhạc của trường, Câu lạc bộ Triangle, còn biểu diễn ca khúc “Điều luật Danh dự” trong buổi đón sinh viên mới.

Trong suốt thời gian học tập tại Princeton, các sinh viên vẫn liên tục được nhắc nhở về điều luật danh dự: họ phải ký tên dưới điều luật đó trong mỗi bài luận cần nộp (“Bài luận này đại diện cho bổn phận của tôi đối với các quy định của trường”). Họ phải tiếp tục ký thêm một cam kết khác trong mỗi kỳ thi, kiểm tra hoặc trắc nghiệm (“Tôi thề trên danh dự của mình rằng tôi sẽ không vi phạm điều luật danh dự trong kỳ thi này”), và cứ cách nửa năm, họ lại nhận được e-mail nhắc nhở từ Ủy ban Danh dự.

Để biết khóa huấn luyện đạo đức cấp tốc của trường Princeton có hiệu quả lâu dài hay không, tôi đã cố chờ hai tuần để các tân sinh viên hoàn thành khóa huấn luyện này trước khi xúi giục họ gian lận – bằng cách tạo cơ hội cho họ như đã làm với sinh viên trường MIT và Yale (những người chưa từng biết đến một điều luật danh dự hay một khóa học nào về tính trung thực trong nhà trường kéo dài cả tuần). Liệu các sinh viên Princeton – tuy vẫn còn bỡ ngỡ khi đắm mình vào điều luật danh dự – có trung thực hơn khi hoàn thành trò chơi ma trận này không?

Thật đáng buồn, họ cũng không làm được. Khi các sinh viên Princeton được yêu cầu ký tên lên điều luật danh dự, họ không hề gian lận (nhưng cũng chỉ như sinh viên MIT và Yale). Tuy nhiên, khi không phải ký tên, họ cũng gian lận không thua gì những đồng bạn đến từ MIT và Yale. Có vẻ như khóa học cấp tốc, một nỗ lực tuyên truyền cho chuẩn mực đạo đức và sự tồn tại của điều luật danh dự cũng chẳng thể tác động mãi đến nhân cách đạo đức của sinh viên Princeton.

Kết quả trên vừa gây thất vọng, vừa đầy hứa hẹn. Thất vọng ở chỗ, dường như chúng ta vẫn khó lòng thay đổi hành vi của mình để trở nên có đạo đức hơn, và một khóa học đạo đức cấp tốc là chưa đủ. (Tôi ngờ rằng sự vô hiệu này cũng xảy ra trong các khóa huấn luyện tại doanh nghiệp, trường đại học hay trường viện kinh doanh.) Nhìn chung, kết quả đã chứng minh sự thay đổi lâu dài về văn hóa vẫn là một thách thức không nhỏ khi gắn với phạm trù đạo đức.

Về mặt tích cực, dường như mỗi khi được nhắc nhở về các quy chuẩn đạo đức, chúng ta lại hành động có phẩm giá hơn. Không những thế, chúng tôi còn phát hiện phương pháp “ký tên” vào điều luật danh dự vẫn mang lại hiệu quả cả khi cái giá cho sự lừa dối được định rõ và khá nghiêm trọng (như tại Princeton, sinh viên sẽ bị trục xuất) lẫn khi không có một hình phạt nào (như tại MIT hay Yale). Tin tốt là mọi người dường như vẫn muốn được lương thiện, đồng nghĩa chúng ta tốt hơn nên kết hợp những lời thức tỉnh lương tâm vào các tình huống khiến chúng ta bị cám dỗ.

Một giáo sư tại Đại học Trung Tennessee đã chán ngấy những chiêu trò gian lận trong các sinh viên MBA (Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh), đến mức ông quyết định ban hành một điều luật danh dự hết sức quyết liệt. Lấy cảm hứng từ thí nghiệm Mười Điều răn và tác dụng của nó lên tính trung thực, Thomas Tang đã yêu cầu các sinh viên của ông ký tên lên một điều luật danh dự, khẳng định họ sẽ không gian lận trong kỳ thi. Cam kết cũng ghi rõ họ sẽ “phải hối tiếc trong suốt phần đời còn lại và phải xuống địa ngục” nếu gian lận.

Các sinh viên, những người không thật sự tin vào địa ngục hoặc nghĩ rằng họ phải chịu tội dưới đó, đã bị xúc phạm nặng nề. Lời cam kết trở thành đề tài tranh cãi, và – hiển nhiên – Tang đã phải hứng chịu cơn thịnh nộ vì ý tốt của ông (cuối cùng, ông đã phải sửa lại lời cam kết cũ).

Tuy nhiên, tôi vẫn tin rằng dù chỉ tồn tại trong thoáng chốc, nhưng điều luật danh dự vô cùng gay gắt này đã tác động đến các sinh viên. Tôi cũng cho rằng sự phẫn nộ của họ đã chứng tỏ kiểu cam kết này hiệu nghiệm đến mức nào. Các nam và nữ doanh nhân tương lai hẳn đã cảm thấy rằng “cái giá” đã bị đẩy lên quá cao, nếu không họ đã chẳng quan tâm. Hãy tưởng tượng chính bạn đang đối diện trước lời cam kết đó. Bạn có thoải mái khi phải ký nó không? Chữ ký đó sẽ ảnh hưởng tới hành động của bạn chứ? Và giả sử bạn phải ký nó trước khi điền vào báo cáo chi tiêu thì sao?

LỜI NHẮC NGOAN ĐẠO

Khả năng sử dụng các biểu tượng tôn giáo như một cách phát huy tính trung thực đã được các học giả tôn giáo lưu ý từ sớm. Có một câu chuyện tại Talmud kể về một người sùng đạo vì nghiện tình dục mà phải tìm đến gái làng chơi. Tất nhiên, đức tin của ông ta sẽ không tha thứ cho việc này, nhưng khi đó, ông cảm nhận rất rõ sức ép từ nhu cầu sinh lý. Khi chỉ còn một mình với ả gái làng chơi, ông bắt đầu cởi bỏ quần áo. Khi cởi xong áo ngoài, ông chợt nhận ra chiếc “tzitzit”, một miếng lót trong được thắt từ bốn sợi tua. Chiếc tzitzit đã nhắc ông nhớ về “mitzvoth” (trách nhiệm tôn giáo) của mình, và ông đã lập tức rời phòng khi vẫn chưa vi phạm những chuẩn mực của tín đồ.

Chuyến phiêu lưu đến IRS

Sử dụng điều luật danh dự hòng kiềm chế thói gian lận trong trường đại học là một lẽ, nhưng liệu những lời thức tỉnh lương tâm này vẫn sẽ hiệu nghiệm với những hình thức lừa dối khác ngoài môi trường học thuật? Liệu chúng có thể ngăn chặn những trường hợp gian lận khi báo cáo thuế hay đòi tiền bảo hiểm? Đó chính là giả thuyết mà tôi cùng Lisa Shu (học viên tiến sĩ tại Đại học Harvard), Nina Mazar, Francesca Gino và Max Bazerman (hai giáo sư tại Đại học Harvard) muốn kiểm chứng.

Chúng tôi bắt đầu thiết kế lại phiên bản chuẩn của thí nghiệm ma trận sao cho giống với tình huống báo cáo thuế. Sau khi người chơi hoàn tất nhiệm vụ và hủy đi bảng trả lời, chúng tôi yêu cầu họ viết lại chính xác số câu đố họ giải đúng trên một tờ phiếu được thiết kế như mẫu khai thuế 1040EZ cơ bản của IRS. Để người chơi có cảm giác như họ đang điền một mẫu khai thuế thật sự, tờ phiếu cũng ghi rõ tiền thưởng của họ sẽ bị cấn trừ 20%. Trong phần đầu tiên, người chơi được yêu cầu báo cáo tổng “thu nhập” (số ma trận họ giải đúng). Tiếp theo là phần chi phí di chuyển, trong đó người chơi sẽ được hoàn trả 10 xu cho mỗi phút di chuyển (tối đa hai giờ, tức là 12 đô-la) cộng với phí di chuyển trực tiếp (thêm 12 đô-la nữa). Phần chi phí này sẽ được miễn thuế (tương đương với phí kinh doanh). Sau đó, người chơi sẽ phải cộng lại toàn bộ và đưa ra số tiền thưởng sau cùng.

Có hai tình huống trong thí nghiệm này: Một số người chơi sẽ điền toàn bộ tờ phiếu và ký tên ở cuối trang, như đối với các mẫu khai chính thức. Trong trường hợp này, chữ ký sẽ đóng vai trò xác nhận toàn bộ thông tin phía trên. Trong tình huống thứ hai, người chơi sẽ ký trước rồi bắt đầu điền. Đây chính là yếu tố “thức tỉnh lương tâm” của chúng tôi.

Chúng tôi nhận được gì? Người chơi trong tình huống ký-sau đã gian lận bằng cách khai khống thêm khoảng 4 ma trận trong điểm số của họ. Còn những người ký-trước thì sao? Khi chữ ký xuất hiện như một lời nhắc nhở về đạo đức, họ chỉ gian lận thêm một ma trận duy nhất. Tôi không biết bạn cảm thấy ra sao khi nghe đến “một ma trận duy nhất” – suy cho cùng, gian lận vẫn là gian lận – nhưng chính chữ ký đã làm nên điểm khác biệt duy nhất giữa hai tình huống; và với tôi, đây chính là kết quả hứa hẹn một phương thức giúp hạn chế thói lường gạt.

Phiên bản khai thuế cũng cho phép chúng tôi xem xét các yêu cầu hoàn trả chi phí di chuyển. Đến thời điểm này, chúng tôi vẫn không nắm rõ thời gian di chuyển thật sự của người chơi, nhưng nếu giả định thời gian di chuyển trung bình trong hai tình huống là như nhau, chúng tôi có thể biết người chơi sẽ khai thêm chi phí di chuyển trong điều kiện nào. Sau khi xem xét các yêu cầu hoàn trả phí di chuyển, chúng tôi đã nhận thấy một đặc điểm tương tự: Người chơi trong tình huống ký-sau yêu cầu hoàn trả trung bình 9,62 đô-la, trong khi những người chơi được nhắc nhở (hay ký-trước) chỉ xin hoàn trả trung bình 5,27 đô-la phí di chuyển.

VỚI NHỮNG BẰNG CHỨNG cho thấy người chơi sẽ lâm vào tình thế “phải trung thực” khi ký tên vào một số loại cam kết, chúng tôi đã đến gặp IRS (Cục Thuế Nội địa Hoa Kỳ), và tin rằng nước Mỹ sẽ rất hồ hởi khi biết họ có thể kiếm thêm doanh thu từ thuế. Cuộc tiếp xúc giữa tôi với IRS đã diễn ra như sau:

TÔI: Khi người đóng thuế khai hết thông tin trên mẫu, tất cả đã quá muộn. Việc gian lận đã hoàn tất và chấm dứt, và sẽ chẳng ai tặc lưỡi: “Ồ, mình phải ký vào đây sao, thôi mình sẽ viết lại cho trung thực hơn vậy.” Anh thấy đấy, nếu mọi người phải ký trước khi điền phiếu thông tin, họ sẽ ít gian lận hơn. Tất cả những gì anh cần là một chữ ký ở đầu trang, và nó sẽ nhắc nhở mọi người rằng họ sẽ khai đúng sự thật.

IRS: Phải, anh nói rất hay. Nhưng yêu cầu mọi người ký tên vào đầu tờ khai là phi pháp. Chữ ký phải xác nhận các thông tin “đã” cung cấp là chính xác.

TÔI: Thế nếu yêu cầu họ ký hai lần thì sao? Một ở đầu và một ở cuối trang? Như thế, chữ ký đầu tiên sẽ đóng vai trò như lời cam kết – nhắc nhở mọi người về lòng yêu nước, nhân cách đạo đức, đấng sinh thành hay cả chiếc bánh táo được làm tại nhà – còn chữ ký sau sẽ hàm ý xác nhận.

IRS: Chà, như thế sẽ gây hiểu lầm đấy.

TÔI: Anh đã xem luật thuế hay các mẫu khai gần đây chưa?

IRS: [Không phản ứng.]

TÔI: Thế này thì sao? Giả sử phần đầu tiên của mẫu khai sẽ hỏi người đóng thuế có muốn quyên góp 25 đô-la cho lực lượng chống tham nhũng hay không? Bất chấp câu trả lời thế nào, câu hỏi cũng sẽ buộc họ suy ngẫm về vị thế trung thực của mình và tầm quan trọng của nó đối với xã hội! Và nếu người đóng thuế trả lời “có”, họ không chỉ khẳng định quan điểm, mà còn dùng tiền túi cam kết cho quyết định đó, và giờ đây nhiều khả năng họ sẽ noi theo tấm gương của chính mình.

IRS: [Im lặng như tờ.]

TÔI: Phương pháp này còn một lợi ích hay ho nữa: Anh có thể đánh dấu những người đóng thuế quyết định không quyên góp và kiểm tra sổ sách của họ.

IRS: Anh thật sự muốn nói về kiểm tra sổ sách à?

Bất chấp thái độ từ IRS, chúng tôi vẫn chưa thật nản chí, và vẫn tiếp tục tìm kiếm cơ hội kiểm chứng ý tưởng “ký trước”. Sau cùng (khiêm tốn mà nói), chúng tôi cũng thành công khi tiếp xúc với một hãng bảo hiểm lớn. Công ty này đồng tình với học thuyết (đã được chứng minh) của chúng tôi rằng: đa số mọi người đều lừa dối, nhưng chỉ với mức độ không đáng kể. Họ cho biết họ đang nghi ngờ một số khách hàng gian lận trắng trợn tiền bảo hiểm (như cố ý gây hỏa hoạn hay tạo vụ cướp giả), nhưng nhiều người dù tổn thất tài sản cũng chỉ phóng đại con số thiệt hại lên từ 10% đến 15% – như một chiếc ti-vi 32 inch thành 40 inch, hay một sợi dây chuyền 18 kara thành 22 kara.

Tôi đã đến trụ sở của họ và dành một ngày trao đổi với những người đứng đầu công ty này, và cố gắng đạt đến những biện pháp nhằm hạn chế các báo cáo thiếu trung thực về tiền bảo hiểm. Chẳng hạn như mọi người phải khai báo thiệt hại của họ dựa trên những điều khoản cực kỳ cụ thể, và phải cung cấp thêm chi tiết (như mua ở đâu và khi nào) nhằm hạn chế sự “linh hoạt” trong đạo đức? Hoặc giả nếu một đôi vợ chồng mất nhà cửa trong cơn lũ, họ phải thống nhất về những tài sản mất mát (tuy nhiên, nếu xem đến Chương 8, “Lừa dối là căn bệnh truyền nhiễm” và Chương 9, “Lừa dối đồng lòng,” bạn sẽ thấy ý tưởng này bị phản tác dụng). Hoặc chúng ta sẽ cho họ nghe thánh âm khi lấy lời khai? Và tất nhiên, giả sử mọi người phải ký trước vào mỗi tờ khai đối với từng vật bảo hiểm khai báo thì sao?

Đúng với cách hành xử của một công ty lớn, những người chúng tôi tiếp xúc đã hỏi ý kiến luật sư về các ý tưởng trên. Chúng tôi phải chờ đến sáu tháng và sau cùng cũng được tin từ các luật sư này – họ cho biết sẽ không để chúng tôi thử bất kỳ phương pháp nào trong số chúng.

Vài ngày sau, người liên hệ tại công ty bảo hiểm đã gọi cho tôi và xin thứ lỗi vì không thể thử nghiệm bất kỳ ý tưởng nào của chúng tôi. Ông cũng gợi ý rằng chúng tôi có thể tiến hành thí nghiệm với một mẫu bảo hiểm xe hơi thứ yếu. Mẫu khai này yêu cầu người đăng ký phải khai báo số hiển thị trên công-tơ xe để công ty bảo hiểm tính toán họ đã lái được bao nhiêu dặm đường trong một năm trước đó. Lẽ tất nhiên, những ai muốn đóng mức phí thấp hơn (tôi có thể kể tên không ít người) sẽ có ý định gian lận và khai thiếu về số dặm đường thực tế họ đã lái.

Công ty đã bàn giao 20 nghìn mẫu khai để chúng tôi sử dụng nhằm kiểm chứng hai ý tưởng ký-trước và ký-sau. Cụ thể, chúng tôi đã thêm dòng “Tôi cam kết mọi thông tin tôi cung cấp đều đúng sự thật” và phần chữ ký vào cuối một nửa số mẫu khai. Với nửa kia, chúng tôi chuyển phần cam kết và chữ ký này lên đầu trang. Những nội dung còn lại trong hai mẫu khai không có gì khác biệt. Tiếp theo, chúng tôi gửi các mẫu khai trên đến 20 nghìn khách hàng và đợi kết quả; theo đó, khi nhận phản hồi, chúng tôi sẽ dễ dàng so sánh quãng đường di chuyển được khai báo trong hai trường hợp. Vậy, chúng tôi đã nhận được gì?

Khi ước tính quãng đường di chuyển theo báo cáo trong vòng một năm trước, chúng tôi nhận thấy những người ký tên ở đầu mẫu khai đã lái trung bình khoảng 26.100 dặm, trong khi những người ký cuối mẫu khai chỉ lái trung bình 23.700 dặm – chênh lệch khoảng 2.400 dặm. Lúc này, do không biết những người ký trước có thật sự lái đúng con số đó hay không, nên chúng tôi không thể khẳng định họ hoàn toàn trung thực – song, chúng tôi biết rõ họ đã gian lận ở mức độ thấp hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, thật thú vị khi phát hiện cường độ gian lận tiêu giảm này (tương đương khoảng 15% tổng quãng đường di chuyển theo báo cáo) cũng xấp xỉ tỷ lệ gian lận được chúng tôi ghi nhận trong các thí nghiệm lý thuyết.

CÁC KẾT QUẢ THÍ NGHIỆM TRÊN đã đồng thời cho thấy rằng: tuy chúng ta thường nghĩ chữ ký chỉ là phương thức xác nhận thông tin (và tất nhiên chúng có thể rất hữu ích cho mục đích này), nhưng chữ ký ở đầu các mẫu khai còn đóng vai trò như một liều thuốc phòng vệ về đạo đức.

CÁC CÔNG TY LUÔN CÓ LÝ!

Nhiều người tin rằng tuy mỗi cá nhân có thể hành động phi lý trí hết lần này đến lần khác, nhưng các công ty thương mại lớn được đội ngũ chuyên gia – bao gồm hội đồng quản trị và các nhà đầu tư – điều hành sẽ luôn hoạt động một cách lý trí. Về phần tôi, tôi chưa bao giờ chấp nhận quan điểm này; và càng tiếp xúc nhiều với các công ty, tôi càng nhận ra họ thực chất còn kém lý trí hơn nhiều cá nhân (đồng thời, tôi cũng bị thuyết phục rằng: nếu một ai đó tin tưởng “các công ty luôn có lý,” thì hẳn người đó chưa từng tham dự một cuộc họp cấp cao.)

Bạn nghĩ điều gì sẽ xảy ra sau khi chúng tôi chứng minh với công ty bảo hiểm rằng chúng tôi có thể giúp khách hàng khai báo trung thực hơn số dặm đường đã đi trong mẫu khai của họ? Bạn có cho rằng công ty này sẽ háo hức điều chỉnh hoạt động thường ngày của họ? Không, họ đã không làm thế! Hoặc bạn nghĩ rằng sẽ có ai đó yêu cầu (thậm chí nài nỉ) chúng tôi tiếp tục thí nghiệm với một vấn đề nghiêm trọng hơn, như giá trị thiệt hại bị phóng đại khi khách hàng đòi bồi thường tài sản – theo ước tính, chỉ riêng vấn đề này đã hao tốn của ngành bảo hiểm 24 tỉ đô-la mỗi năm? Thử đoán xem – chẳng ai gọi đến cả.

Một vài bài học

Khi tôi hỏi mọi người “chúng ta nên giảm tỷ lệ phạm tội trong xã hội bằng cách nào,” họ thường sẽ đề nghị nên bổ sung nhiều cảnh sát trên đường phố và áp dụng các hình phạt cứng rắn hơn đối với kẻ vi phạm. Khi tôi hỏi CEO các doanh nghiệp rằng họ sẽ làm gì để xử lý các vấn đề trộm cắp trong nội bộ, gian lận, khai khống báo cáo chi tiêu hay phá hoại ngầm (xảy ra khi nhân viên gây hại cho chủ doanh nghiệp dù biết không có lợi cho bản thân họ), họ cũng đề xuất nên giám sát nhân viên chặt chẽ hơn và ban hành những chính sách khắt khe, không khoan nhượng. Và khi các chính phủ cố gắng giảm bớt tình trạng tham nhũng hoặc đề ra những quy định khuyến khích hành vi trung thực, họ cũng thường nhấn mạnh tính minh bạch (hay “các chính sách công khai”) như một liều thuốc nhằm chữa trị các căn bệnh của xã hội. Lẽ tất nhiên, có rất ít bằng chứng cho thấy giải pháp của họ đem lại kết quả.

Trái lại, các thí nghiệm được mô tả ở phần trên đã cho thấy chỉ một động thái đơn giản như khơi gợi các chuẩn mực đạo đức khi đối mặt với cám dỗ cũng có thể tạo nên kỳ tích, từ đó giúp giảm thiểu hành vi bất chính và có khả năng ngăn chặn chúng hoàn toàn. Phương pháp này vẫn có hiệu quả dù một số chuẩn mực đạo đức nhất định không nằm trong đức tin của bản thân chúng ta. Quả thực, những lời thức tỉnh lương tâm rõ ràng đã giúp mọi người dễ trở nên lương thiện hơn – ít nhất cũng trong một khoảng thời gian ngắn. Nếu kế toán viên yêu cầu bạn ký tên vào một điều luật danh dự trước khi khai thuế, hoặc nếu nhân viên bảo hiểm buộc bạn thề phải nói sự thật về món đồ gỗ bị ngấm nước, nhiều khả năng những vụ trốn thuế hay gian lận bảo hiểm sẽ không phổ biến như hiện nay.

Vậy chúng ta phải làm gì? Trước hết, chúng ta phải thừa nhận rằng thói bất lương hầu hết đều phát sinh từ cấp số giả dối trong mỗi người, chứ không phải theo mô hình SMORC. Thuyết “cấp số giả dối” cho rằng nếu chúng ta muốn hạn chế cảm giác phạm tội, chúng ta phải tìm cách thay đổi phương thức hợp lý hóa hành động của mình. Khi khả năng hợp lý hóa những tham vọng ích kỷ của chúng ta được nâng cao, cấp số giả dối cũng sẽ gia tăng, và khiến chúng ta thoải mái hơn khi hành động sai trái và lừa dối. Tương tự theo chiều ngược lại; khi khả năng hợp lý hóa hành động của chúng ta suy giảm, cấp số giả dối cũng giảm sút, và khiến chúng ta cảm thấy khó xử khi hành động sai trái và lừa dối. Một khi bạn xem xét phạm vi các hành động đáng chê trách trong xã hội từ quan điểm này – từ chiêu trò của ngân hàng cho đến quyền chọn mua cổ phiếu cửa sau, từ vỡ nợ vay hay thế chấp cho đến gian lận thuế – bạn sẽ nhận thấy nhiều hành vi chân chính và bất lương hơn bên cạnh các toan tính lý trí.

Hiển nhiên, điều này chứng tỏ việc thấu hiểu các cơ chế tác động đến thói bất lương đang dần trở nên phức tạp, và kiềm chế thói bất lương cũng không phải nhiệm vụ dễ dàng – song, nó cũng đồng nghĩa hành trình khám phá mối quan hệ rắc rối giữa bản chất lương thiện và bất lương lại càng thêm phần hào hứng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.