Bản Chất Của Dối Trá

Chương 4



Vì sao chúng ta thở dốc khi mệt mỏi

Hãy hình dung bạn vừa kết thúc một ngày dài mệt mỏi. Cứ cho rằng đó là ngày mệt mỏi nhất trong cuộc đời bạn: ngày chuyển nhà. Bạn hoàn toàn kiệt sức để nấu ăn tại nhà. Rõ ràng bạn sẽ phải ăn ngoài.

Gần nơi bạn vừa chuyển đến có ba nhà hàng. Đầu tiên là một quán rượu nhỏ với salad tươi và bánh mì cuộn. Tiếp theo là một nhà hàng Trung Hoa – nơi mùi thức ăn ngào ngạt, béo ngậy khiến bạn không ngừng ứa nước miếng. Cuối cùng là một quán pizza kiểu gia đình nơi người dân sống cùng khu tha hồ thưởng thức những lát pho-mát rất lớn. Vậy nhà hàng nào sẽ xứng đáng để tấm thân mệt mỏi, đau nhức của bạn dừng chân? Phong cách ẩm thực nào bạn ưa chuộng nhất để chào đón nơi ở mới? Mặt khác, hãy cân nhắc lại lựa chọn của bạn nếu đây là bữa tối đến sau một buổi chiều thư giãn ở sân sau cùng một cuốn sách hay.

Nếu bạn vẫn chưa nhận ra, thì trong những ngày căng thẳng, đa phần chúng ta sẽ phó mặc bản thân cho cám dỗ và lựa chọn phương án “có hại” cho sức khỏe nhất. Trên thực tế, “món Hoa mang về” và “pizza” là những từ đồng điệu với “ngày chuyển nhà”; chúng gợi lên hình ảnh một cặp đôi trẻ trung, hấp dẫn, tuy mệt mỏi nhưng hạnh phúc cùng ngồi quanh một mớ hộp các-tông và dùng đũa để ăn mì xào. Và chúng ta hẳn đều nhớ những lần bạn bè mời ta bánh pizza và bia để đáp lại lòng tốt giúp họ chuyển nhà.

Mối liên hệ bí ẩn giữa sự mệt mỏi và thức ăn nhanh không chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng viển vông của chúng ta. Và đó chính là lý do vì sao rất nhiều kế hoạch ăn kiêng đã bị dìm chết dưới hàng núi áp lực, và vì sao mọi người bắt đầu hút thuốc lại sau một cơn khủng hoảng.

Hãy để chúng tôi ăn bánh

Chìa khóa mở ra bí ẩn này chính là sự tranh đấu giữa bồng bột (hay cảm tính) và sáng suốt (hay thận trọng) trong mỗi chúng ta. Đây không phải là một khái niệm mới; rất nhiều tác phẩm kinh điển (và tài liệu học thuật) xuyên suốt chiều dài lịch sử đã đề cập đến mối xung đột giữa ham muốn và lý trí. Chúng ta có Adam và Eva, những người đã để tri thức bị cấm đoán và loại quả mọng nước làm mê muội. Chúng ta có Odysseus, người biết rõ ông sẽ bị khúc hát của các tiên cá mê hoặc, và đủ thông minh để ra lệnh cho thủy thủ đoàn trói ông vào cột buồm, đồng thời bịt kín tai họ với sáp ong để tránh phải nghe thứ âm thanh đày đọa (nhờ thế, Odysseus đã đạt được cả hai mục đích: ông vừa thưởng thức được khúc hát, vừa không lo thủy thủ sẽ đập vỡ thuyền). Và trong cơn giằng xé đau xót nhất giữa cảm xúc và lý trí, Romeo và Juliet của Shakespeare đã chìm đắm trong nhau, bất chấp tu sĩ Laurence đã cảnh báo rằng: đam mê là con ngựa bất kham, nó chỉ đem lại đau khổ.

Trong phần diễn giải đầy lôi cuốn về sự giằng xé giữa lý trí và ham muốn, Baba Shiv (giáo sư Đại học Stanford) và Sasha Fedorikhin (giáo sư Đại học Indiana) đã kiểm chứng giả thuyết sau: “con người sẽ sa vào cám dỗ thường xuyên hơn nếu phần não bộ quyết định tư duy có ý thức của họ phải làm việc quá mức.” Nhằm hạn chế khả năng suy nghĩ hiệu quả của người tham gia, Baba và Sasha đã không loại bỏ phần não bộ này của họ (như các nhà nghiên cứu động vật học thường làm), và cũng không sử dụng xung từ trường để làm rối loạn tư duy (tuy có nhiều loại máy làm được điều đó). Trái lại, họ đã quyết định gây sức ép lên khả năng suy nghĩ của người tham gia bằng cách áp dụng phương pháp tâm lý “gánh nặng nhận thức.” Nói ngắn gọn, họ muốn tìm hiểu xem việc xử lý quá nhiều thông tin trong não bộ có làm suy giảm chức năng kháng cự lại cám dỗ, và khiến con người dễ đầu hàng hơn hay không.

Thí nghiệm của Baba và Sasha diễn ra như sau: họ chia người tham gia thành hai nhóm, và yêu cầu thành viên trong một nhóm ghi nhớ một số có hai chữ số (chẳng hạn như 35), đồng thời yêu cầu thành viên nhóm còn lại ghi nhớ một số bảy-chữ-số (chẳng hạn như 7581280). Người tham gia được thông báo rằng, để nhận được phần thưởng từ thí nghiệm, họ phải lặp lại con số đó cho một giám sát viên khác đang chờ sẵn trong căn phòng thứ hai (ở cuối hành lang). Và nếu họ không nhớ ra con số? Sẽ không có thưởng.

Người chơi bắt đầu xếp hàng tham gia thí nghiệm và được cho xem nhanh các số hai-chữ-số hoặc bảy-chữ-số. Với con số đó trong đầu, họ phải đi dọc hành lang đến căn phòng thứ hai, nơi họ được yêu cầu lặp lại con số. Nhưng trên đường đi, họ phải băng qua một xe đẩy chứa chiếc bánh sô-cô-la đen thơm phức và vài chiếc bát đựng trái cây tươi rói, sặc sỡ. Khi người tham gia băng qua chiếc xe đẩy, một giám sát viên khác sẽ bảo họ rằng: sau khi đến căn phòng thứ hai và đọc lại con số, họ có thể chọn một trong hai món ăn – nhưng phải quyết định ngay lập tức, cạnh chiếc xe đẩy. Người tham gia sẽ đưa ra lựa chọn, nhận một mẩu giấy ghi thức ăn họ chọn, và tiến về căn phòng thứ hai.

Như vậy, người tham gia đã lựa chọn ra sao trong hai trường hợp phải chịu áp lực suy nghĩ ít hơn và nhiều hơn? Sẽ là “Tốt thôi, bánh sô-cô-la!” – đồng nghĩa chiến thắng thuộc về ham muốn – hay họ sẽ chọn món salad trái cây bổ dưỡng (một lựa chọn sáng suốt)? Như Baba và Sasha đã dự đoán, câu trả lời phụ thuộc một phần vào việc người tham gia phải nghĩ về con số khó hay con số dễ. Những người dạo bước qua hành lang với con số “35” trong đầu đã chọn trái cây nhiều hơn những người phải vật lộn với “7581280.” Với mức độ xử lý thông tin cao hơn, nhóm bảy-chữ-số đã phải vượt qua ham muốn bản năng một cách khó khăn hơn, và nhiều người trong số họ đã không cưỡng nổi chiếc bánh sô-cô-la, phần thưởng sẽ thỏa mãn họ ngay tức thì.

Bộ óc mệt mỏi

Thí nghiệm của Baba và Sasha đã chứng minh rằng: khi khả năng lập luận có ý thức của chúng ta đang hoạt động, thì hệ suy nghĩ bốc đồng sẽ tiến tới kiểm soát hành vi. Thế nhưng, cơ chế tương tác lẫn nhau giữa khả năng suy luận và ham muốn của chúng ta sẽ còn phức tạp hơn rất nhiều, nếu đề cập đến khái niệm “vắt kiệt bản ngã” do Roy Baumeister (giáo sư Đại học bang Florida) khởi xướng.

Để hiểu rõ hơn về khái niệm “vắt kiệt bản ngã”, hãy hình dung bạn đang cố gắng giảm vài cân. Một ngày nọ tại sở làm, bạn chợt trông thấy một miếng pho-mát xanh trên bàn họp buổi sáng; nhưng do đã cố gắng đến mức này rồi, vậy nên bạn đành phải dằn lòng chống lại cám dỗ và nhấp một ngụm cà phê cho đỡ nhạt miệng. Đến bữa trưa, dạ dày bạn gào thét món mì lạnh sốt kem, nhưng bạn vẫn phải bấm bụng gọi món salad vườn với gà nướng. Một giờ sau, bạn thật sự chỉ muốn trốn về sớm vì sếp đã ra ngoài, nhưng bạn vẫn ngăn mình lại và tự nhủ, “Không, mình phải hoàn thành đề án này.” Mỗi tình huống là thêm một lần bản năng hưởng lạc tìm cách lôi kéo bạn đến với cảm giác sung sướng thỏa mãn, trong khi sự tự chủ đáng khen ngợi (hay sức mạnh ý chí) lại tác dụng một đối lực nhằm kháng cự lại những ham muốn trên.

Triết lý cơ bản đứng sau “vắt kiệt bản ngã” chính là: chống lại cám dỗ đòi hỏi rất nhiều công sức và nghị lực. Hãy hình dung ý chí giống như cơ bắp của bạn. Mỗi khi bạn nhìn thấy khoai tây chiên hay sữa khuấy sô-cô-la, phản ứng bản năng đầu tiên sẽ là: “Ngon quá, mình muốn ăn!” Tiếp theo, khi cố gắng vượt qua cám dỗ, chúng ta lại hao tốn một phần nghị lực. Mỗi quyết định của chúng ta nhằm tránh né cám dỗ lại đòi hỏi mức nỗ lực tương xứng (như khi giảm được một cân), và chúng ta sẽ cạn kiệt ý chí nếu cứ hao phí chúng liên tục (như giảm hết cân này đến cân khác). Điều này đồng nghĩa: sau một ngày dài nói “không” với vô số cám dỗ lặt vặt, khả năng kháng cự của bạn sẽ suy giảm – cho đến khi chúng ta đầu hàng vô điều kiện với vòng bụng căng đầy pho-mát xanh, bánh Oreo, khoai tây chiên hoặc bất kỳ món gì khiến ta chảy nước miếng. Dĩ nhiên, điều này thật đáng lo. Xét cho cùng, cuộc sống của chúng ta luôn ngập trong những quyết định, với vô số cám dỗ kéo dài không ngớt. Nếu những nỗ lực của bạn hòng kiểm soát bản thân lại triệt tiêu chính khả năng thực hiện điều đó, bạn sẽ còn ngạc nhiên khi chúng ta cứ mãi thất bại hay không? “Vắt kiệt bản ngã” cũng góp phần giải thích vì sao chúng ta thường kết thúc buổi tối với toàn những thất bại trong nỗ lực kiểm soát bản thân – sau một ngày làm việc năng nổ, chúng ta đã quá mệt mỏi cho mọi thứ. Và khi màn đêm buông xuống, chúng ta thật sự chỉ muốn phó mặc cho ham muốn (hãy nghĩ đến bữa ăn vặt vào giữa khuya như đỉnh cao của một ngày vất vả chống đỡ với cám dỗ).

KHI CÁC THẨM PHÁN THẤM MỆT

Trong trường hợp bạn sắp được một hội đồng tạm tha lắng nghe, trước hết, hãy đảm bảo phiên xử diễn ra vào sáng sớm hoặc ngay sau giờ nghỉ trưa. Tại sao? Theo một nghiên cứu do Shai Danziger (giáo sư Đại học Tel Aviv), Jonathan Levav (giáo sư Đại học Stanford) và Liora Avnaim-Pesso (giáo sư Đại học Ben-Gurion, Negev) tiến hành, các thành viên hội đồng tạm tha thường có khuynh hướng ký lệnh tha khi họ còn tỉnh táo. Theo kết quả điều tra từ nhiều quyết định tạm tha tại Israel, các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng các hội đồng tạm tha nhiều khả năng sẽ ra lệnh tha trong phiên đầu tiên trong ngày hoặc ngay sau giờ nghỉ trưa. Vì quyết định mặc nhiên của hội đồng này là không ký lệnh tha. Nhưng dường như khi các thẩm phán còn minh mẫn – ứng với thời khắc đầu tiên của buổi sáng, hay thời điểm sau khi dùng bữa hoặc vừa nghỉ ngơi – họ nhiều khả năng sẽ xem xét lại quyết định chuẩn, ra quyết định có tâm huyết hơn, và ban lệnh tạm tha thường xuyên hơn. Nhưng sau nhiều quyết định khó khăn trong ngày, khi gánh nặng nhận thức đã quá tải, họ sẽ quay về với quyết định mặc nhiên và đơn giản hơn – không ký lệnh tạm tha.

Tôi nghĩ các học viên tiến sĩ (hay các “phạm nhân” ở mức độ nào đó) đương nhiên sẽ hiểu rõ cơ chế này; đó là lý do họ thường mang bánh vòng chiên, bánh xốp và bánh quy vào các buổi đề xuất và bảo vệ khóa luận. Dựa theo nghiên cứu về hội đồng tạm tha, dường như các giám khảo cũng có khuynh hướng “tha bổng” cho học viên sau khi dùng bữa, và cho phép họ mở ra một cuộc đời mới.

Thử thách sức mạnh tinh thần

Trong sê-ri phim truyền hình Sex and the City (Chuyện Ấy Là Chuyện Nhỏ), nhân vật Samantha Jones bỗng phát hiện cô đang rơi vào một mối quan hệ gắn bó. Cô bắt đầu ép mình ăn uống và lên cân vùn vụt. Điều thú vị chính là nguyên nhân phía sau hành vi khó hiểu này. Samantha phát hiện cơn thèm ăn của cô đã bắt đầu khi có một anh chàng điển trai chuyển đến sống ở căn hộ kế bên – anh này giống hệt mẫu người cô quyết định sẽ đi bước nữa sau khi độc thân. Cô nhận ra mình đang sử dụng thức ăn như một bức tường chống lại dục vọng. “Tôi ăn, nên tôi không lừa dối,” cô giải thích với hội bạn. Samantha hư cấu này sau cùng cũng kiệt sức, giống như chính con người thực của cô. Cô không thể kháng cự mọi cám dỗ, nên đã thỏa hiệp bằng cách “chìm đắm” vào thức ăn thay vì thói lang chạ.

Sex and the City không phải một siêu phẩm điện ảnh hay tâm lý, nhưng đã gợi nên một câu hỏi khá hay ho: Phải chăng những người đòi hỏi quá nhiều ở bản thân trên một phương diện nào đó thường kém đạo đức hơn kẻ khác? Liệu sự đuối sức có khiến chúng ta lừa dối? Đó chính là vấn đề mà tôi cùng Nicole Mead (giáo sư tại Católica-Lisbon), Roy Baumeister, Francesca Gino và Maurice Schweitzer (giáo sư Đại học Pennsylvania) quyết định kiểm chứng. Điều gì sẽ xảy đến với những Samantha trong đời thực, những người bị một sứ mệnh vắt kiệt sức và có cơ hội lừa dối kẻ khác? Họ sẽ lừa dối nhiều hơn chăng? Hay ít hơn? Liệu họ có lường trước được bản thân sẽ dễ dàng gục ngã trước cám dỗ và tránh né mọi ham muốn từ đó về sau?

Thí nghiệm đầu tiên của chúng tôi bao gồm một số bước như sau: Đầu tiên, chúng tôi chia người tham gia thành hai nhóm. Chúng tôi yêu cầu nhóm đầu tiên mô tả lại những việc họ làm ngày hôm trước mà không dùng hai chữ cái “x” và “z”. Để cảm nhận rõ hơn nhiệm vụ này, hãy tự mình thử qua: Bạn hãy tóm tắt lại một cuốn sách yêu thích trong phạm vi dòng dưới, nhưng không được dùng chữ cái “x” và “z”. Lưu ý: bạn không được tự ý gạch bỏ hai chữ cái khỏi câu từ – mà phải dùng đúng những từ không chứa “x” và “z” (chẳng hạn như “xe đạp” – “bicycle”).

Chúng tôi gọi đây là tình huống “không phí sức”, vì chúng ta có thể dễ dàng viết một bài luận mà không cần dùng đến hai chữ cái “x” và “z.”

Chúng tôi cũng yêu cầu nhóm còn lại thực hiện tương tự, nhưng lần này cấm họ không được dùng các chữ cái “a” và “n”. Để hiểu hơn tình huống này khác trước ra sao, bạn hãy thử tóm tắt lại một bộ phim yêu thích mà không sử dụng các từ chứa chữ cái “a” và “n.”

Từ kinh nghiệm bản thân, bạn có thể nhận ra rằng: trong tình huống thứ hai, cố gắng kể một câu chuyện không có hai chữ cái “a” và “n” sẽ buộc người kể chuyện phải liên tục loại bỏ những từ ngữ vừa xuất hiện trong đầu họ. Bạn không thể viết rằng các nhân vật “vừa đi dạo trong công viên” (“went for a walk in the park”) hay “tình cờ gặp nhau trong nhà hàng (“ran into each other at a restaurant”) được.

Tất cả những hành động loại trừ trên sẽ dần khiến bạn kiệt sức.

Khi người tham gia nộp lại bài viết, chúng tôi đã yêu cầu họ thực hiện nhiệm vụ riêng dành cho một nghiên cứu khác, và cũng là trọng tâm của thí nghiệm này. Đó chính là trò chơi ma trận tiêu chuẩn của chúng tôi.

Vậy mọi chuyện đã diễn biến ra sao? Trong cả hai tình huống có kiểm soát, chúng tôi nhận ra cả người chơi “phí sức” và “không phí sức” đều thể hiện khả năng giải quyết các câu đố toán học như nhau – đồng nghĩa sự đuối sức không hề làm suy giảm khả năng giải toán căn bản của họ. Nhưng trong hai tình huống “máy hủy giấy” (khi họ có thể gian lận), mọi thứ đã thay đổi. Những người viết bài không dùng chữ cái “x” và “z” và sau đó hủy bảng trả lời đã tự cho phép mình gian lận một chút, và báo cáo nhiều hơn 1 đáp án chính xác. Nhưng trong cùng tình huống trên, những người chơi trước đó đã trải qua thử thách viết bài không dùng chữ cái “a” và “n” đã mắc bẫy một cách ngọt ngào: họ báo cáo đã giải được nhiều hơn 3 đáp án đúng. Có thể thấy, nhiệm vụ càng hao phí sức bao nhiêu, người chơi càng muốn gian lận bấy nhiêu.

Kết quả trên đã chứng minh điều gì? Nói chung, nếu ý chí của bạn suy yếu, bạn sẽ gặp nhiều rắc rối hơn trong việc kiểm soát ham muốn bản thân, và trở ngại đó cũng có thể khuất phục bản tính lương thiện của bạn.

Những người bà đã khuất

Qua nhiều năm đứng trên bục giảng, tôi nhận ra dường như cứ đến cuối mỗi học kỳ, lại có lác đác vài người họ hàng của các sinh viên qua đời, và chuyện buồn này chủ yếu xảy ra trong tuần trước bài kiểm tra cuối kỳ, cũng như trước kỳ hạn nộp bài luận. Bình quân cứ mỗi học kỳ, lại có khoảng 10% số sinh viên xin phép tôi gia hạn nộp bài vì người thân của họ vừa mất – thường là bà của họ. Tất nhiên tôi cảm thấy rất buồn và luôn sẵn sàng thông cảm với các sinh viên; và dĩ nhiên, tôi đã cho họ thêm thời gian hoàn thành bài luận. Nhưng vẫn còn đó một câu hỏi: chuyện gì xảy ra trong tuần trước kỳ thi lại gây nguy hại cho người thân của các sinh viên đến vậy?

Hầu hết các giáo sư đều gặp phải hiện tượng khó hiểu tương tự, và tôi đoán đã đến lúc chúng tôi cần đặt nghi vấn về một mối quan hệ nhân quả nào đó giữa các bài kiểm tra và cái chết bất thình lình của những người bà. Và trên thực tế, một nhà nghiên cứu gan dạ đã chứng minh thành công giả thuyết trên. Sau nhiều năm thu thập dữ liệu, Mike Adams (giáo sư môn sinh học tại Đại học Đông Connecticut) đã chứng minh rằng những người bà có khả năng qua đời cao gấp 10 trước kỳ thi giữa kỳ, và cao gấp 90 lần trước kỳ thi cuối kỳ. Không những thế, bà của những sinh viên học hành kém trong lớp còn có nguy cơ tử vong cao hơn – cụ thể, khả năng mất bà của các sinh viên trượt kiểm tra sẽ cao hơn đến 50 lần so với các sinh viên “qua ải.”

Trong một báo cáo phân tích mối liên hệ đáng buồn này, Adams đã lập luận rằng: hiện tượng trên xuất phát từ động cơ bên trong gia đình; cụ thể, những người bà của các sinh viên đã quá quan tâm đến cháu trai, cháu gái của họ, đến nỗi đã lo lắng đến chết vì kết quả của bài kiểm tra. Quả thực, điều này cũng lý giải vì sao những sự kiện đau buồn lại xảy ra thường xuyên hơn trong giờ phút then chốt, đặc biệt khi tương lai của các sinh viên bị đe dọa. Với kết quả trên, rõ ràng nếu đứng từ quan điểm chính sách cộng đồng, những người bà – đặc biệt là bà của các sinh viên thi trượt – sẽ cần được theo dõi sâu sát hơn về các dấu hiệu bệnh lý trong những tuần trước kỳ thi cuối kỳ. Một khuyến cáo nữa chính là: những người cháu của họ – một lần nữa, đặc biệt lưu ý các sinh viên có thành tích kém trong lớp – tuyệt đối không được nói với bà của mình về thời gian diễn ra kỳ kiểm tra, cũng như thành tích học tập của họ tại lớp.

Tuy có vẻ như chính những động cơ bên trong gia đình đã dẫn đến các sự kiện đau lòng trên, nhưng vẫn còn một cách lý giải khác cho cơn bệnh dịch đang cướp đi sinh mạng của người thân các sinh viên hai lần mỗi năm. Nguyên nhân đó có thể liên quan đến việc các sinh viên thiếu sự chuẩn bị để rồi bắt đầu vật lộn nhằm níu kéo thêm thời gian, mà chẳng có nguy cơ nào thật sự đe dọa đến tính mạng của những người phụ nữ cao tuổi. Trong trường hợp đó, chúng tôi sẽ tự hỏi vì sao các sinh viên này bỗng dưng lại sẵn sàng “mất” bà của họ đến thế (trích từ e-mail gửi các giáo sư) khi mùa thi đến.

Có thể đến cuối học kỳ, các sinh viên đã hoàn toàn kiệt sức sau hàng tháng ròng học tập; và hạn chót đã đuổi đến chân, họ đã đánh mất đi phần nào lương tâm, và từ đó chẳng thèm thương xót cho sinh mạng người bà của họ. Nếu chuyển trọng tâm của kỳ thi sang ghi nhớ một dãy số dài hay cho sinh viên bước qua một chiếc bánh sô-cô-la, chúng ta sẽ dễ dàng hình dung hàng tháng trời ăn ngủ với sách vở đã khiến các sinh viên nói dối rằng bà của họ vừa mất, chỉ nhằm giải tỏa bớt áp lực ra sao (tuy đó không phải cái cớ để lừa dối một vị giáo sư).

Dù sao đi nữa, tôi cũng xin gửi lời đến tất cả những người bà đáng kính: hãy giữ gìn sức khỏe trong mùa thi cử.

Đỏ, xanh lá và xanh dương

Chúng ta đã biết rằng sự đuối sức sẽ tước đi của chúng ta sức mạnh lý trí cũng như khả năng hành động có đạo đức.

Mặc dù vậy, trong cuộc sống chúng ta vẫn có thể tự loại bản thân khỏi những tình huống thôi thúc ta hành xử phi đạo đức. Nếu ta thậm chí đã phần nào ý thức được khuynh hướng hành động bất chính khi chịu áp lực, chúng ta có thể cảnh giác với điều đó và tránh được mọi cám dỗ. (Chẳng hạn, dưới góc độ ăn kiêng, tránh né cám dỗ đồng nghĩa chúng ta sẽ kiên quyết không đi ăn khi cảm thấy đói.)

Trong thí nghiệm kế tiếp của chúng tôi, người tham gia sẽ lựa chọn có hay không tự đặt mình vào tình thế bị thôi thúc gian lận ngay từ ban đầu. Một lần nữa, chúng tôi lại chia họ thành hai nhóm: một “phí sức”, một không. Tuy nhiên, lần này chúng tôi đã áp dụng một phương pháp gây tổn hao sức mạnh tinh thần mang tên “nhiệm vụ Stroop.”

Trong nhiệm vụ này, chúng tôi sẽ giới thiệu với người tham gia một bảng tên màu gồm 5 cột và 15 dòng (tổng cộng 75 từ). Các từ trên bảng thể hiện tên các màu – đỏ, xanh lá và xanh dương – được viết bằng một trong ba loại màu đã cho và sắp xếp không theo thứ tự. Khi danh sách trên chuyển đến trước mặt người chơi, chúng tôi sẽ yêu cầu họ đọc lớn tên màu sắc của mỗi từ trong danh sách. Yêu cầu rất đơn giản: “Nếu một từ viết bằng mực đỏ, thì bất kể từ đó là gì, bạn sẽ hô ‘đỏ.’ Nếu từ đó có màu xanh lá, bạn cũng sẽ hô ‘xanh lá.’ Và cứ thế tiếp tục. Hãy cố gắng đọc càng nhanh càng tốt. Mỗi lần đọc sai, hãy lặp lại từ vừa rồi đến khi đọc đúng.”

Đối với người chơi trong tình huống “không phí sức,” danh sách sẽ được sắp xếp sao cho tên màu trùng với màu sắc tương ứng (chẳng hạn, từ “xanh lá” sẽ được viết bằng mực “xanh lá”). Ngược lại, người tham gia trong tình huống “phí sức” cũng nhận được chỉ dẫn tương tự, nhưng danh sách các từ lại có điểm khác biệt then chốt – màu mực không trùng với tên màu (chẳng hạn, từ “xanh dương” sẽ viết bằng mực xanh lá, và người chơi sẽ phải hô “xanh lá”).

Để tự mình thử nghiệm tình huống “không phí sức” trong thí nghiệm trên, hãy chuyển sang “nhiệm vụ Stroop” bên phụ trang màu đối diện và tính xem bạn mất bao nhiêu thời gian để đọc hết các từ trong danh sách “Tên màu tương ứng.” Sau khi hoàn thành, hãy chuyển trang và thử tiếp tình huống “phí sức” bằng cách tính xem bạn mất bao nhiêu thời gian để đọc hết các từ trong danh sách “Tên màu không tương ứng.”

Bạn mất bao lâu cho hai nhiệm vụ trên? Nếu bạn giống với hầu hết những người tham gia của chúng tôi, bạn sẽ đọc hết danh sách tương ứng (tình huống “không phí sức”) trong khoảng 60 giây; nhưng với danh sách không tương ứng (tình huống “phí sức”), độ khó sẽ cao hơn từ ba đến bốn lần, và cũng tiêu tốn từng ấy thời gian.

Nghịch lý thay, trở ngại trong việc đọc tên các màu trong danh sách không tương ứng lại bắt nguồn chính từ khả năng đọc của chúng ta. Đối với những ai hay đọc sách báo, nghĩa của từ vừa đọc sẽ xuất hiện rất nhanh trong tâm trí họ, và phát sinh phản ứng (hầu như ngay lập tức) đọc tên tương ứng của từ chứ không phải màu mực. Chúng ta thấy từ “đỏ” có màu xanh lá và tự dưng muốn hô “đỏ!” Nhưng đó không phải điều nhiệm vụ yêu cầu, nên chúng ta phải tốn thêm chút công sức rút lại câu trả lời và đổi sang màu mực. Bạn sẽ không nhận ra hiện tượng trên khi thực hiện nhiệm vụ, và bạn sẽ hứng chịu sự tổn hao về mặt tinh thần do phải liên tục rút lại các câu trả lời tự động lóe lên trong tâm trí, và thay chúng bằng những đáp án có kiểm soát, tốn sức (và chính xác) hơn.

Sau khi hoàn thành hai nhiệm vụ Stroop dễ – hoặc khó, mỗi người chơi sẽ có cơ hội tham gia một bài trắc nghiệm về lịch sử trường Đại học bang Florida. Bài kiểm tra sẽ gồm các câu hỏi như “Trường thành lập khi nào?” và “Đội bóng bầu dục của trường đã mấy lần tham gia Giải Vô địch Quốc gia từ năm 1993 đến 2001?” Bài trắc nghiệm sẽ bao gồm tổng cộng 50 câu hỏi, mỗi câu có 4 phương án lựa chọn, và người tham gia sẽ được nhận thưởng dựa trên kết quả của họ. Người tham gia cũng được thông báo rằng: sau khi trả lời hết các câu hỏi, họ sẽ được phát một bảng trả lời khoanh lựa chọn để chuyển hết các câu trắc nghiệm sang đó, làm lại bài trắc nghiệm một lần nữa, và chỉ nộp duy nhất bảng trả lời để nhận thưởng.

Hãy thử hình dung bạn là một sinh viên đang nắm trong tay cơ hội gian lận. Bạn vừa hoàn thành xong nhiệm vụ Stroop khó nhọc (cả trong tình huống “phí sức” lẫn “không phí sức”). Và ngay sau đó vài phút, bạn phải trả lời tiếp các câu hỏi trắc nghiệm, trong khi thời gian dành cho chúng vừa hết. Bạn tiến đến giám sát viên và nhận một bảng trả lời để tiếp tục chuyển hết các câu trắc nghiệm sang theo đúng quy định.

“Tôi xin lỗi,” giám sát viên nói, một cách khó xử. “Tôi sắp hết bảng trả lời rồi! Tôi chỉ còn một bảng chưa đánh dấu và một bảng đã đánh dấu.” Cô bảo với bạn rằng sẽ cố gắng xóa hết các dấu khoanh trong bảng đã đánh dấu, nhưng các câu trả lời vẫn sẽ hiện rõ. Bực bội với bản thân mình, cô thú nhận rằng cô hy vọng chỉ phải giám sát thêm một buổi trắc nghiệm nữa sau phần của bạn trong ngày hôm nay. Tiếp đó, cô quay sang bạn và hỏi: “Vì anh là người nộp bài trước trong hai người tham gia cuối cùng, anh có thể chọn một trong hai bảng trả lời: bảng chưa khoanh hoặc bảng đã khoanh.”

Tất nhiên, bạn biết rằng nếu chọn bảng đã khoanh câu trả lời, bạn sẽ có lợi thế lớn nếu quyết định gian lận. Bạn sẽ làm thế chứ? Có thể bạn sẽ chọn bảng này vì lòng thương xót: bạn muốn giúp đỡ giám sát viên để cô không phải lo lắng thêm về điều đó nữa. Nhưng có thể bạn chọn bảng đã khoanh chỉ vì muốn gian lận. Hoặc có thể bạn nghĩ rằng việc chọn bảng đã khoanh sẽ thôi thúc bạn gian lận, nên bạn quyết định từ chối vì muốn làm người trung thực, cao thượng và đạo đức. Nhưng dù lựa chọn ra sao, bạn cũng phải chuyển hết đáp án vào bảng trả lời và nộp lại cho giám sát viên – người sẽ trả thưởng cho bạn dựa trên kết quả.

Liệu những người tham gia bị vắt sức có tự giải cứu họ khỏi tình huống bị cám dỗ, hay sẽ có khuynh hướng thuận theo chúng? Hóa ra, khả năng họ lựa chọn bảng trả lời khuyến khích gian lận lại cao hơn những thành viên “không phí sức.” Do hậu quả từ sự đuối sức, họ đã phải gánh chịu gấp đôi nỗi bực bội: vì vậy, họ có khuynh hướng lựa chọn bảng trả lời đã đánh dấu cao hơn, và (như chúng ta đã thấy trong thí nghiệm trước) họ cũng sẵn sàng gian lận nhiều hơn nếu có thể. Khi kết hợp giữa hai phương thức gian lận trên, chúng tôi mới nhận ra mình đã trả thưởng cho những người tham gia “phí sức” cao hơn 197% so với các thành viên còn lại.

Đuối sức trong đời sống hàng ngày

Hãy hình dung bạn đang trong chế độ ăn kiêng đạm-và-rau; đồng thời, bạn đang trên đường đi chợ vào cuối ngày. Bạn bước vào siêu thị, bụng đói cồn cào, và ngửi thấy mùi bánh mì nóng phảng phất từ quầy bánh. Bạn trông thấy quầy dứa tươi đang hạ giá; nhưng dù rất thèm muốn, bạn cũng không thể động đến chúng. Bạn đẩy xe đến quầy thịt để mua ít thịt gà. Cua bể trông rất ngon, nhưng vì chúng chứa quá nhiều carbohydrate nên bạn cũng đành bỏ qua. Bạn chọn rau diếp và cà chua cho món salad, và tiếp tục dằn lòng trước bánh mì nướng pho-mát tỏi. Bạn tiến đến quầy thu ngân và thanh toán. Bạn rất hài lòng về bản thân và khả năng kháng cự lại cám dỗ của mình. Sau đó, bạn an toàn rời cửa hàng và trở lại xe; bất chợt, bạn bước ngang một xe bán bánh dạo của trường học, và cô bé xinh xắn lập tức mời bạn một chiếc sô-cô-la hạnh nhân miễn phí.

Đến lúc này, do đã hiểu thấu về sự đuối sức, bạn có thể đoán biết những nỗ lực can trường hòng chống lại cám dỗ sẽ khiến bạn hành động ra sao: bạn nhất định sẽ từ bỏ tất cả và cắn lấy một miếng. Sau khi nếm thử miếng sô-cô-la ngon lành và để nó tan chảy trên đầu lưỡi khô khốc, bạn chắc chắn sẽ không thể bỏ đi. Vì bạn đã sẵn sàng chết vì miếng kế tiếp. Do vậy, bạn quyết định mua hết sô-cô-la hạnh nhân đủ cho một gia đình tám miệng ăn, và xơi hết một nửa trước khi về đến nhà.

GIỜ HÃY NGHĨ ĐẾN các trung tâm mua sắm. Giả sử bạn đang cần một đôi giày dạo phố mới. Trong lúc băng từ quầy Neiman Marcus đến quầy Sears, giữa một hàng dài các “bộ cánh” bóng bẩy đầy cám dỗ, bạn sẽ được nhìn ngắm tất thảy những thứ bạn muốn, nhưng chúng đều không thật sự cần thiết. Kia là bộ áo lưới mới bạn luôn thèm khát, kia nữa là chiếc áo khoác giả lông cừu cho mùa đông sắp đến, cùng chiếc vòng cổ vàng sáng lóa dành cho bữa tiệc bạn nhất định sẽ tham dự vào Đêm Giao thừa. Tất cả những món đồ bạn lướt qua chúng ngoài cửa sổ và quyết định không mua bỗng trở thành những con sóng dồn; chúng sẽ dần bào mòn chút ý chí còn sót lại trong bạn, và đảm bảo bạn sẽ chìm đắm trong cám dỗ ngay phút chót.

Là con người và dễ động lòng trước cám dỗ, tất cả chúng ta đều cam chịu cùng một nỗi đau. Khi phải ra những quyết định phức tạp trong suốt ngày dài (hầu hết chúng đều phức tạp và nặng nề hơn hẳn trò chơi gọi tên màu của từ không tương ứng), chúng ta sẽ nhận thấy bản thân liên tục rơi vào tình trạng giằng xé giữa lý trí và ham muốn. Và khi cần đến những quyết định quan trọng (như vấn đề sức khỏe hay hôn nhân), chúng ta sẽ phải hứng chịu cơn giằng co khủng khiếp hơn gấp bội. Song, mỉa mai thay, tất thảy những nỗ lực hòng kìm nén ham muốn và giữ vững thế tự chủ chỉ khiến chúng ta yếu đuối hơn trước cám dỗ.

GIỜ BẠN ĐÃ hiểu hơn về những ảnh hưởng của sự đuối sức, vậy bạn có thể làm gì để đương đầu với vô số cám dỗ trong cuộc sống? Dưới đây là phương pháp do Dan Silverman – một người bạn của tôi và là nhà kinh tế thuộc Đại học Michigan – đề xuất; anh cũng là người phải đối diện với thứ cám dỗ nguy hiểm nhất mỗi ngày.

Dan và tôi từng là đồng nghiệp tại Học viện Nghiên cứu Nâng cao Princeton. Học viện này là nơi chốn lý tưởng dành cho những nhà nghiên cứu may mắn; họ có thể dành cả năm trời không phải bận tâm suy nghĩ, tản bộ dưới những cánh rừng và được ăn uống no say. Mỗi ngày, sau khi dành cả buổi sáng để chăm lo cho cuộc sống, khoa học, nghệ thuật cũng như mọi lý do phải bận tâm đến chúng, chúng tôi lại cùng nhau thưởng thức một bữa trưa thịnh soạn – gồm có ức vịt dọn cùng cháo ngô và mũ nấm men. Mỗi thực đơn trưa đều đi kèm với một món tráng miệng tuyệt vời: như kem tươi, bánh flan, bánh pho-mát New York hay bánh sô-cô-la ba tầng phủ kem quả mâm xôi. Chỉ tiếc cho cậu Dan tội nghiệp – một anh chàng nghiện đồ ngọt rất nặng. Bản thân là một nhà kinh tế khôn ngoan, sáng suốt và dám khiêu chiến với cholesterol, Dan cũng hiểu rằng anh không được phép ăn tráng miệng mỗi ngày.

Dan đã suy nghĩ rất lung về vấn đề của mình và kết luận rằng: khi đối diện với cám dỗ, một cá nhân sáng suốt đôi lúc cũng nên ngừng kháng cự. Vì sao? Vì nhờ thế, cá nhân sáng suốt đó sẽ có thể giữ mình không phải gánh chịu quá nhiều áp lực, và vẫn đủ mạnh mẽ trước bất kỳ cám dỗ nào xảy đến trong tương lai. Nên đối với Dan, người luôn chú ý đề phòng trước những cám dỗ trong tương lai, món tráng miệng luôn là lạc thú của riêng anh mỗi ngày. Và quả thực, anh đã cùng Emre Ozdenoren và Steve Salant công bố một bài viết học thuật nhằm chứng minh cho phương pháp trên.

TRONG MỘT LƯU Ý quan trọng khác: nhìn chung, các thí nghiệm về sự đuối sức nói trên đã chứng minh rằng, “chúng ta đều dễ dàng nhận ra bản thân đang bị cám dỗ hàng ngày, và khả năng chống đỡ trước cám dỗ cũng sẽ dần suy yếu sau những lần kháng cự liên tiếp.” Nếu thật sự nghiêm túc về việc giảm cân, chúng ta phải dọn sạch đồ ngọt, đồ béo, đồ mặn và thực phẩm chế biến khỏi các ngăn tủ và tủ lạnh, đồng thời tập cho khẩu vị quen dần với thực phẩm tươi. Chúng ta làm thế không chỉ vì biết rõ khoai tây chiên và bánh ngọt sẽ gây hại cho chính chúng ta, và còn vì hiểu rằng nếu phó mặc cho bản thân đối diện trước cám dỗ mỗi ngày (như những lần mở tủ hay tủ lạnh), chúng ta sẽ khó lòng đánh bại chúng và mọi cám dỗ khác trong suốt ngày dài.

“Thấu hiểu sự đuối sức” cũng đồng nghĩa chúng ta nên mạnh dạn đối diện với những tình huống đòi hỏi sự tự chủ (trong phạm vi khả năng của bản thân) khi vừa bắt đầu ngày mới – chẳng hạn như tiếp nhận một đề án cực kỳ nhạt nhẽo ở sở làm – trước khi trở nên quá tải. Tất nhiên, đây không phải nhiệm vụ dễ thực hiện, bởi luôn có vô số yếu tố xung quanh (như các quầy bar, kênh mua sắm trên mạng, Facebook, YouTube hay trò chơi trực tuyến) chỉ chực chờ lôi kéo và vắt kiệt sức chúng ta; và đó cũng là nguyên nhân chúng luôn thành công.

Song, chúng ta vẫn không thể tránh khỏi mọi nguy cơ khiến ta đánh mất sự tự chủ. Như vậy, liệu có hy vọng nào còn sót lại? Sau đây là một đề xuất: mỗi khi phát hiện bản thân khó lòng trốn tránh khi phải đương đầu trước cám dỗ, chúng ta có thể lựa chọn “lướt qua” ham muốn như một chiến lược khôn ngoan hơn, trước khi tiến đủ gần để bị cám dỗ đánh bại. Lời khuyên trên quả thực khó chấp nhận, nhưng trên thực tế, tránh né hoàn toàn cám dỗ bao giờ cũng dễ dàng hơn tìm cách đối phó với tàn dư của chúng. Và nếu không làm được điều đó, ta vẫn có thể chống lại cám dỗ trong khả năng của mình – chẳng hạn như đếm đến 100, hát một bài hát, hoặc đề ra một kế hoạch hành động và bám sát nó. Nhờ thế, chúng ta có thể thủ sẵn bên mình một số mánh khóe nhằm vượt qua cám dỗ, cũng như tự trang bị tốt hơn khi phải đương đầu với ham muốn trong tương lai.

CUỐI CÙNG, TÔI CẦN PHẢI lưu ý rằng đôi khi sự đuối sức cũng có tác dụng tốt. Thỉnh thoảng, chúng ta sẽ cảm thấy mình đang kiểm soát bản thân quá nhiều, mình phải đối mặt với vô số ràng buộc, và vẫn chưa thể tự do theo đuổi những ham muốn bản năng. Đôi khi, dường như chúng ta chỉ cần thôi tỏ ra người lớn, thôi tỏ ra có trách nhiệm và tự tháo bỏ gông cùm. Vậy nên, tôi sẽ tiết lộ một mẹo nhỏ: lần tới, nếu bạn thật sự muốn giải phóng tất cả và nuông chiều bản ngã của mình, thì trước hết hãy thử làm bản thân kiệt sức bằng cách viết một trang tự truyện không dùng đến chữ cái “a” và “n”. Sau đó, hãy đến khu mua sắm, thử hết bộ này đến bộ khác nhưng đừng mua bất cứ món nào. Cuối cùng, với tất cả ý chí bị vắt kiệt, hãy đặt bản thân vào một tình huống cám dỗ bạn ưng ý nhất và “để mọi thứ thật tự nhiên.” Và hãy nhớ: đừng sử dụng mẹo này quá thường xuyên.

VÀ NẾU BẠN THẬT SỰ CẦN một lời biện minh chính đáng để đầu hàng cám dỗ hết lần này đến lần khác, hãy áp dụng lý thuyết “buông thả bản thân có ý thức” của Dan như tấm vé sau cùng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.