Bản Chất Của Dối Trá
Chương 8
Lừa dối là căn bệnh truyền nhiễm
Nhận ra mầm mống của thói bất lương
Tôi đã dành rất nhiều thời gian diễn thuyết trên khắp thế giới về tác động của hành vi phi lý trí. Và do đó, tôi luôn phải bay qua bay lại như con thoi. Lịch trình bay tiêu biểu của tôi sẽ bao gồm một chuyến khởi hành từ nhà tôi – Bắc Carolina đến New York, rồi tiếp tục bay đến São Paulo, (Brazil), Bogotá (Colombia), Zagreb (Croatia), San Diego (California) và quay lại Bắc Carolina. Vài ngày sau đó, tôi sẽ tiếp tục bay đến Austin (Texas), New York, Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Camden (Maine) rồi cuối cùng lại trở về nhà (trong tình trạng kiệt sức). Trên những chuyến hành trình kéo dài hàng dặm đường, tôi đã bị chấn thương và lăng mạ vô số lần khi lết chân qua cổng an ninh và cố gắng tìm lại hành lý bị mất. Nhưng chúng vẫn chưa thấm tháp gì so với nỗi lo ốm đau khi di chuyển, và tôi luôn cố gắng hạn chế tối đa nguy cơ bị đau ốm.
Trên một chuyến bay xuyên đại dương, giữa lúc đang chuẩn bị cho bài phát biểu sắp tới về mâu thuẫn lợi ích, thì tôi chợt phát hiện người ngồi kế tôi dường như đang bị cảm nặng. Có lẽ vì căn bệnh của anh ta, vì nỗi lo mắc phải một hội chứng nào đó chung chung, vì chứng mất ngủ, hay chỉ vì bản chất của những mối liên tưởng ngẫu nhiên đến buồn cười mà tôi đã tự hỏi về mối tương đồng giữa các mầm bệnh do tôi và anh bạn ngồi cùng lây nhiễm cho nhau, với sự lan rộng của thói gian dối trong doanh nghiệp thời gian gần đây.
Như đã đề cập, chính sự kiện Enron sụp đổ đã đánh thức niềm cảm hứng trong tôi đối với hiện tượng gian lận trong doanh nghiệp – và cảm hứng này lại tiếp tục lớn dần theo làn sóng các vụ bê bối của Kmart, WorldCom, Tyco, Halliburton, Bristol-Myers Squibb, Freddie Mac, Fannie Mae, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và tất nhiên, không thể thiếu Bernard L. Madoff Investment Securities. Từ góc nhìn của kẻ ngoài cuộc, dường như mật độ các vụ bê bối tài chính đang ngày càng tăng lên. Phải chăng đó là do khả năng phát hiện các hành vi gian dối và bất hợp pháp đã được cải thiện? Hay đó là do chuẩn mực đạo đức đã mai một và trình trạng gian dối đang thật sự gia tăng? Hay đó là do sự tồn tại của một yếu tố lây nhiễm có trong thói bất lương, và yếu tố này đang dần trở nên mạnh mẽ hơn trong giới doanh nghiệp?
Trong khi đó, mớ khăn giấy xung quanh người bạn đồng hành đang sụt sùi của tôi vẫn không ngừng chất thêm lên, còn tôi thì bắt đầu tự hỏi liệu ai đó có thể bị lây bệnh từ “bọ phi đạo đức” hay không. Nếu thật sự tồn tại một làn sóng gia tăng thói bất lương trong xã hội, thì liệu nó có thể lan truyền như một căn bệnh nhiễm trùng, một thứ vi-rút hay một loại vi khuẩn lây lan nào đó, và truyền từ người này sang người khác qua ánh mắt hay tiếp xúc trực tiếp? Phải chăng đang có một mối liên hệ giữa vấn đề lây nhiễm này với câu chuyện không ngừng được lật mở về những vụ lừa đảo và bất lương đang diễn ra xung quanh chúng ta? Và nếu thật sự tồn tại mối liên hệ như thế, thì liệu chúng ta có thể phát hiện “sớm” thứ vi-rút này và ngăn chặn nó bùng phát hay không?
Với tôi, đây là một khả năng khá thú vị. Sau khi về đến nhà, tôi bắt đầu tìm đọc về vi khuẩn, và biết được rằng có vô số vi khuẩn đang tồn tại trên, trong và xung quanh cơ thể chúng ta. Tôi cũng đọc thấy rằng: chỉ cần giới hạn số lượng vi khuẩn có hại trong cơ thể, chúng ta vẫn sẽ sống tốt. Nhưng vấn đề sẽ phát sinh khi số lượng vi khuẩn tăng lên quá cao và gây ảnh hưởng xấu đến trạng thái cân bằng tự nhiên của chúng ta, hoặc khi một dòng vi khuẩn độc hại vượt qua cơ chế phòng vệ của cơ thể.
Công bằng mà nói, tôi không phải người đầu tiên nghĩ đến mối liên hệ này. Từ thế kỷ XVIII đến XIX, các nhà cải cách tù phạm đã tin rằng: giống như một chứng bệnh, các phạm nhân cần được cách ly lại những khu vực trống trải và vắng bóng người để tránh “lây nhiễm” cho kẻ khác. Tất nhiên, tôi sẽ không đánh đồng sự lan truyền thói bất lương với sự lây lan của dịch bệnh theo sát nghĩa đen như những người tiền nhiệm. Chỉ vài loại khí độc trên máy bay sẽ không biến chúng ta thành tội phạm. Mặc dù vậy, tuy nghe có vẻ quá đặt nặng hình ảnh ẩn dụ trên, nhưng theo ý tôi, trạng thái cân bằng tự nhiên của một xã hội lương thiện sẽ bị phá vỡ nếu chúng ta phải sống gần một kẻ lừa dối. Có lẽ việc quan sát thói bất lương ở một người thân cận sẽ khiến chúng ta dễ “bị lây nhiễm” hơn quan sát một kẻ xa lạ hoặc không dính líu đến cuộc sống của chúng ta, với cùng mức độ bất lương đó. (Đơn cử, hãy nhớ lại khẩu hiệu “Con học được nhờ quan sát bố mẹ” trong một chiến dịch chống ma túy hồi thập niên 1980: khi đó, mẩu quảng cáo này đã cảnh báo rằng: “Cha mẹ dùng ma túy cũng sẽ có con cái dùng ma túy.”)
Vẫn giữ hình ảnh ẩn dụ về sự lây nhiễm trong đầu, tôi đã thắc mắc về cường độ tiếp xúc với sự gian dối cũng như khối lượng hành vi bất chính cần thiết để làm lệch đi cán cân hành động của chúng ta. Chẳng hạn, nếu chứng kiến một đồng nghiệp bước ra khỏi kho chứa văn phòng phẩm với hai tay đầy bút viết, liệu chúng ta có lập tức nghĩ ngay đến việc theo gót anh ta và vơ lấy vài món cho bản thân không? Tôi không nghĩ chúng ta sẽ làm vậy. Trái lại, cũng giống như mối liên hệ giữa ta với vi khuẩn, sẽ cần có một quá trình phát triển chậm hơn và tinh vi hơn: có thể khi chứng kiến ai đó gian dối, chúng ta sẽ lưu giữ lại một ấn tượng cực nhỏ và trở nên “sa đọa” hơn đôi chút. Sau đó, trong lần chứng kiến hành vi phi đạo đức tiếp theo, phẩm cách của chúng ta lại mai một thêm một phần, và chúng ta sẽ ngày càng trở nên dễ thỏa hiệp – như thể số lượng “mầm bệnh” bất chính tiếp xúc với chúng ta đã tăng lên.
VÀI NĂM TRƯỚC, tôi đã mua về một chiếc máy bán hàng tự động, với ý nghĩ rằng nó sẽ là công cụ thú vị để tiến hành các thí nghiệm liên quan đến giá cả và chiết khấu. Vài tuần sau đó, Nina Mazar và tôi đã sử dụng nó nhằm tìm hiểu xem chuyện gì sẽ xảy ra khi chúng ta chiết khấu cho người mua theo xác suất thay vì chiết khấu cố định. Nói cách khác, chúng tôi đã thiết lập chiếc máy để một số rãnh kẹo có giá ứng với mức chiết khấu 30% của 1 đô-la, trong khi các rãnh còn lại sẽ ứng với 70% khả năng người mua phải trả đủ 1 đô-la, cùng 30% khả năng được hoàn lại tiền (và do đó họ không phải mất xu nào). Trong trường hợp bạn hứng thú với kết quả của thí nghiệm này, thì doanh thu của chúng tôi đã tăng gấp ba lần nhờ bổ sung xác suất người mua được hoàn lại tiền. Câu chuyện về chiết khấu theo xác suất sẽ được dành cho lần tới, nhưng từ ý tưởng hoàn tiền cho người mua, chúng tôi đã nảy ra sáng kiến kiểm chứng một phương thức lừa dối khác.
Một buổi sáng nọ, tôi đã đem chiếc máy đặt gần khu phòng học của trường MIT và thiết lập mức giá ban đầu “0 đô-la” cho mỗi chiếc kẹo. Trong khi ở ngoài trường, mỗi chiếc sẽ có giá 75 xu. Nhưng ngay khi các sinh viên bỏ 75 xu vào máy và chọn xong, chiếc máy sẽ vừa cho ra kẹo, vừa trả lại tiền. Chúng tôi còn dán lên máy một tấm biển thông báo, cùng số điện thoại nóng phòng khi máy gặp sự cố.
Một trợ lý nghiên cứu sẽ phụ trách theo dõi chiếc máy và giả vờ như đang mải làm việc với máy tính xách tay. Nhưng trên thực tế, cô sẽ ghi chép lại phản ứng của người mua khi họ cảm thấy kinh ngạc vì được nhận kẹo miễn phí. Sau khi theo dõi được một lúc, cô đã quan sát thấy hai kiểu hành vi. Thứ nhất, người mua thường chọn xấp xỉ ba chiếc kẹo. Khi thấy mình vừa có kẹo, vừa được hoàn lại tiền, hầu hết họ đều thử xem chuyện kỳ lạ có xảy ra tiếp hay không (và tất nhiên là có). Thế rồi, nhiều người lại quyết định thử thêm lần thứ ba. Nhưng không có ai vượt qua con số đó. Người mua chắc chắn đã nhớ lại những lần bị máy bán hàng tự động “nuốt” mất tiền mà không “nhả” ra thứ gì, nên có thể họ đã cho rằng chiếc máy hào phóng này chính là món quà của số phận nhằm trả lại công bằng cho họ.
Chúng tôi cũng phát hiện hơn một nửa số người mua tìm kiếm bạn bè của họ, và khi trông thấy một người quen biết, họ đã giới thiệu và chia sẻ với bạn mình kho báu ngọt ngào này. Tất nhiên, đây chỉ là một nghiên cứu dựa trên quan sát, nhưng nó vẫn khiến tôi ngờ rằng: khi làm điều gì đó không chắc chắn, chúng ta có thể rủ rê bạn bè tham gia nhằm biện minh cho hành động gây tranh cãi của bản thân. Xét cho cùng, nếu có bạn bè cùng ta vượt qua ranh giới đạo đức, chẳng phải điều đó sẽ khiến hành động đáng ngờ có vẻ như được xã hội chấp nhận trong mắt chúng ta ư? Nếu phải nỗ lực biện minh đến như thế, thì hành vi xấu xa của chúng ta có lẽ đã đạt đến đỉnh điểm. Tuy nhiên, ta vẫn sẽ cảm thấy thoải mái đến khi nào những hành động này còn phù hợp với quy chuẩn xã hội xung quanh chúng ta.
Lừa dối lây lan trong lớp học
Sau thí nghiệm với máy bán hàng tự động, tôi bắt đầu lưu ý quan sát bản chất lây nhiễm của thói gian dối trên nhiều lĩnh vực khác – bao gồm cả các lớp học của tôi. Vài năm trước, khi một học kỳ bắt đầu, tôi đã hỏi 500 sinh viên sắp tốt nghiệp trong lớp kinh tế học hành vi xem có bao nhiêu người trong số họ tin mình vẫn có thể nghe giảng đầy đủ trên lớp trong khi sử dụng máy tính cho các hoạt động ngoài bài giảng (như Facebook, Internet, hay e-mail). May mắn làm sao, đa số đều thừa nhận rằng họ thật sự không thể làm nhiều việc cùng lúc (và họ đã đúng). Sau đó, tôi lại hỏi có bao nhiêu người đủ tỉnh táo để tránh dùng máy tính cho các hoạt động ngoài bài giảng, nếu chúng được mở sẵn cho họ. Hầu như không một ai giơ tay.
Thời điểm đó, tôi đang phân vân giữa việc cấm sinh viên dùng máy tính xách tay trong lớp (một công cụ ghi chép khá hữu ích) hay cho phép họ sử dụng chúng nhằm giúp sinh viên đấu tranh với trạng thái mất kiểm soát – tất nhiên vẫn kèm theo một số hình thức can thiệp. Là một người lạc quan, tôi tiếp tục yêu cầu họ giơ tay phải lên và nhắc lại theo tôi: “Tôi sẽ không bao giờ, không bao giờ sử dụng máy vi tính cho mục đích nào khác ngoài bài giảng, trong phạm vi lớp học này. Tôi sẽ không đọc hay gửi e-mail; tôi sẽ không dùng Facebook hay trang mạng xã hội nào khác; và tôi sẽ không sử dụng Internet để tra cứu bất cứ nội dung gì ngoài bài giảng khi còn trong tiết.”
Các sinh viên lặp lại tuyên bố theo tôi, và tôi đã rất hài lòng về bản thân mình – trong một thời gian ngắn.
Tôi đã trình chiếu video trong lớp hết lần này đến lần khác để minh họa cho quan điểm trên, và cũng nhằm mang đến cho sinh viên sự thay đổi trong nhịp điệu và trọng tâm của bài giảng. Tôi cũng thường bước xuống cuối lớp và theo dõi video cùng sinh viên từ vị trí này. Tất nhiên, đứng ở cuối lớp cũng cho phép tôi quan sát trực tiếp màn hình máy tính của họ. Trong vài tuần đầu tiên của học kỳ, các màn hình quả thực chỉ cho thấy nội dung bài giảng. Nhưng khi càng đến giữa học kỳ – hệt như nấm mọc sau mưa – tôi lại phát hiện ngày càng nhiều màn hình hiển thị các trang web quen thuộc nhưng không liên quan đến bài giảng; trong đó, Facebook và e-mail thường xuyên nằm trên cùng và ngay vị trí trung tâm.
Giờ đây khi hồi tưởng lại, tôi vẫn cho rằng chính bóng tối đi cùng với các video khi đó là một trong nhiều thủ phạm làm phai nhạt lời hứa của sinh viên. Khi lớp học được tắt bớt đèn và một sinh viên sử dụng máy tính cho hoạt động ngoài bài giảng – dù chỉ một phút – thì, không như tôi, rất nhiều sinh viên khác có thể thấy điều cậu ấy đang làm. Đó cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến ngày càng nhiều sinh viên lặp lại cùng hành vi sai trái trên. Như tôi đã khám phá, lời hứa làm tin có thể hiệu quả lúc ban đầu, nhưng cuối cùng, nó lại không thể kháng cự với sức mạnh phát sinh từ quy chuẩn xã hội, vốn đã nhen nhóm khi chúng ta chứng kiến hành vi sai trái của người khác.
Một quả táo hỏng
Tất cả những quan sát của tôi về thói gian dối trong trường học cùng 30 nghìn bước suy tư về sự lây nhiễm của chúng trong xã hội, xét cho cùng, cũng chỉ là suy đoán. Để có cái nhìn sáng suốt hơn về bản chất lây lan của sự gian dối, tôi đã cùng Francesca Gino và Shahar Ayal (giáo sư tại Trung tâm Học thuật Israel) quyết định tiến hành một số thí nghiệm tại Đại học Carnegie Mellon, nơi Francesca đang lưu lại vào thời điểm đó. Chúng tôi đã bố trí trò chơi ma trận tương tự như cách thức đã trình bày trong chương trước (dù với phiên bản đơn giản hơn), nhưng với một vài điểm khác biệt quan trọng. Thứ nhất, ngoài xấp phiếu câu hỏi với hình vẽ các ma trận, giám sát viên còn trao cho mỗi người chơi một phong bì sợi gai đựng 10 đô-la tiền mặt (gồm 8 tờ 1 đô-la và 4 đồng 50 xu). Sự thay đổi này trong quy trình trả thưởng cũng đồng nghĩa: khi thí nghiệm kết thúc, người chơi sẽ tự thưởng cho mình và để lại số tiền còn thừa.
Giả dụ, trong tình huống có kiểm soát – đồng nghĩa người chơi không có cơ hội gian lận – một sinh viên trước đó đã giải đúng 7 câu đố trong thời gian cho phép sẽ đếm lại số ma trận cô giải chính xác, rút ra số tiền tương ứng từ phong bì gai và cất vào trong ví. Sau đó, cô sẽ nộp lại phiếu trả lời và phong bì – cùng số tiền thừa còn lại – cho giám sát viên; người này sẽ tiếp tục kiểm tra đáp án, đếm số tiền còn lại trong phong bì và cho phép nữ sinh viên rời phòng với số tiền thưởng thắng được. Và tất cả kết thúc tốt đẹp.
Nhưng trong tình huống máy hủy giấy, các chỉ dẫn sẽ có chút khác biệt. Lúc này, giám sát viên sẽ thông báo với người chơi như sau: “Sau khi đếm số câu trả lời, hãy tiến về phía máy hủy giấy ở cuối phòng và hủy đi bảng đáp án; sau đó, hãy quay lại chỗ ngồi và rút ra số tiền tương ứng bạn thắng được từ phong bì gai. Tiếp theo, bạn được phép rời phòng. Và trên đường ra, hãy bỏ lại phong bì gai cùng số tiền thừa vào chiếc hộp gần cửa.” Sau đó, cô ra hiệu cho người chơi bắt đầu bài kiểm tra và chăm chú đọc một cuốn sách dày (để đảm bảo rằng không có ai đang quan sát họ). Khi 5 phút trôi qua, giám sát viên sẽ thông báo hết thời gian. Lúc này, người chơi sẽ đặt bút xuống, đếm số câu trả lời đúng, hủy bảng đáp án, trở về chỗ, tự rút tiền thưởng và bỏ lại chiếc phong bì cùng số tiền thừa trên đường rời phòng. Hiển nhiên, chúng tôi đã phát hiện người chơi trong tình huống máy hủy giấy giả vờ rằng họ giải được nhiều ma trận hơn so với trong tình huống có kiểm soát.
Hai tình huống trên đã tạo nên một xuất phát điểm quan trọng; từ đó, chúng tôi có thể kiểm chứng vấn đề mình thật sự muốn tìm hiểu: yếu tố xã hội của thói gian lận. Tiếp theo, chúng tôi lại điều chỉnh tình huống máy hủy giấy một lần nữa (trường hợp người chơi có thể gian lận) và bổ sung yếu tố xã hội trong trò chơi. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu người chơi có thể quan sát một cá nhân khác – giả sử như tên trùm lừa đảo Madoff – gian lận một cách trắng trợn? Liệu mức độ gian lận của họ có thay đổi hay không?
Hãy hình dung bạn là người chơi trong tình huống Madoff (giả định). Bạn đang yên vị trên ghế, trong khi giám sát viên thông báo với bạn và những người chơi khác về các chỉ dẫn. Sau đó, cô ra hiệu: “Các bạn có thể bắt đầu!” Bạn liền cắm mặt vào bảng câu hỏi, và cố gắng giải càng nhiều ma trận càng tốt hòng kiếm được số tiền thưởng tối đa. 60 giây đầu trôi qua, và bạn vẫn mắc kẹt ở câu thứ nhất. Đồng hồ đang đếm từng giây.
“Tôi đã xong!” một gã trai tóc vàng, gầy nhom, dáng dong dỏng cao chợt đứng dậy thông báo và nhìn về phía giám sát viên. “Giờ tôi phải làm gì?”
“Không thể nào,” bạn kinh ngạc. “Mình thậm chí còn chưa xong câu đầu tiên!” Bạn và tất cả người chơi còn lại chăm chú nhìn gã ta với vẻ nghi ngờ. Tên này chắc đã gian lận đây. Không ai có thể giải hết 20 câu ma trận trong 60 giây cả.
“Hãy hủy đáp án của bạn,” giám sát viên trả lời. Gã trai bước xuống cuối phòng, hủy bảng trả lời và nói: “Tôi đã giải hết toàn bộ ma trận, vậy nên phong bì của tôi giờ chẳng còn xu nào. Tôi phải làm gì với nó?”
“Nếu bạn không còn tiền thừa để hoàn lại,” giám sát viên trả lời, mặt không biến sắc, “hãy bỏ phong bì rỗng vào hộp; sau đó, bạn được phép rời phòng.” Gã trai cảm ơn cô, vẫy tay tạm biệt mọi người trong phòng và rời khỏi với nụ cười đắc thắng, sau khi nhét túi toàn bộ số tiền thưởng. Chứng kiến sự việc trên từ đầu đến cuối, bạn sẽ phản ứng thế nào? Bạn có cảm thấy tức tối vì gã trai đã gian lận mà vẫn ung dung thoát tội? Bạn có thay đổi hành vi đạo đức của mình không? Bạn sẽ gian lận nhiều hơn? Hay ít hơn?
Có lẽ bạn sẽ thấy khá hơn nếu biết rằng gã bạn học gian lận trắng trợn kia thực chất chỉ là một diễn viên tên David, người được chúng tôi thuê đóng giả sinh viên trong trò chơi này. Chúng tôi muốn biết liệu những người chơi thật sự có “noi gương” David sau khi chứng kiến hành vi trắng trợn của anh không; và từ đó, họ sẽ bị lây nhiễm thứ “vi-rút phi đạo đức,” đồng thời bắt đầu gian lận nhiều hơn.
Sau đây là kết quả chúng tôi nhận được: Trong tình huống Madoff, người chơi đã khẳng định họ giải được trung bình 15 trên tổng số 20 ma trận, cao hơn 8 câu so với tình huống có kiểm soát, và hơn 3 câu so với tình huống mát hủy giấy. Nói ngắn gọn, người chơi trong tình huống Madoff đã tự trả cho mình số tiền thưởng gần gấp đôi so với mức họ xứng đáng được nhận.
Dưới đây là bảng tóm tắt nhanh kết quả:
Tình huống | Số ma trận giải đúng (tối đa 20) | Số trường hợp gian lận |
Có kiểm soát (không thể gian lận) | 7 | 0 |
Máy hủy giấy (có thể gian lận) | 12 | 5 |
Madoff (có thể gian lận) | 15 | 8 |
KẾT QUẢ TRÊN tuy khá thú vị, nhưng vẫn chưa giải thích được nguyên nhân người chơi trong tình huống Madoff gian lận nhiều hơn. Có lẽ khi chứng kiến hành động của David, những người chơi còn lại đã tính toán thật nhanh và tự nhủ: “Nếu hắn ta có thể gian lận và dễ dàng thoát tội, thì chắc chắn mình cũng có thể làm giống như vậy mà không lo bị tóm.” Nếu đúng thế, thì hành vi của David đã làm thay đổi cán cân lợi-hại bằng cách chứng minh hùng hồn rằng: trong thí nghiệm này, họ có thể gian lận và dễ dàng thoát tội. (Đây quan điểm từ mô hình SMORC đã được chúng tôi đề cập trong chương 1, “Kiểm chứng Mô hình Phạm tội Đơn giản theo Lý trí.”)
Một khả năng khác chính là: bằng cách nào đó, hành động của David đã ra dấu cho người chơi thấy rằng hành vi này có thể được xã hội chấp nhận, hoặc ít nhất cũng được bạn bè chấp nhận. Trong nhiều lĩnh vực cuộc sống, chúng ta đôi lúc phải quan sát người khác để nghiệm ra hành vi nào phù hợp, hành vi nào không. Thói bất lương rất có thể là một trong các trường hợp cá biệt; trong đó, các quy chuẩn xã hội đã định nghĩa “hành vi có thể chấp nhận” không thật rõ ràng, và do vậy, chúng ta phải nhờ đến hành vi của người khác – trường hợp này là David – để định hình nên quan niệm về đúng và sai. Từ quan điểm này, có lẽ hành vi gian lận gia tăng chúng tôi quan sát được trong tình huống Madoff đã không xuất phát từ quá trình phân tính lợi-hại theo lý trí, mà dựa trên các dữ kiện mới cũng như “sự xét lại” những điều có thể chấp nhận trong giới hạn đạo đức.
Để đánh giá xem khả năng nào trong hai lập luận trên sẽ giải thích chính xác hơn số trường hợp gian lận tăng thêm trong tình huống Madoff, chúng tôi đã sắp xếp một thí nghiệm mới với loại dữ kiện đạo đức – xã hội khác với ban đầu. Trong phiên bản mới này, chúng tôi sẽ xem xét vấn đề sau: nếu không lo bị bắt quả tang, nhưng lại không có sẵn hành vi gian lận mẫu mở đường, thì liệu người chơi có sẵn sàng gian lận nhiều hơn không? Chúng tôi lại nhờ đến David một lần nữa; nhưng lần này, anh sẽ ngắt lời giám sát viên bằng một câu hỏi trong lúc cô đang phổ biến. “Xin lỗi,” anh nói to với giám sát viên, “Nếu theo đúng các chỉ dẫn này, thì chẳng phải tôi có thể tuyên bố rằng tôi đã giải đúng tất cả các câu hỏi, rồi ung dung rời phòng với toàn bộ tiền thưởng hay sao?” Sau một hồi suy nghĩ, giám sát viên trả lời: “Bạn có thể làm điều bạn muốn.” Với các tình tiết rõ ràng trên, chúng tôi sẽ gọi đây là tình huống “câu hỏi.” Sau khi nghe rõ cuộc trao đổi, người chơi sẽ nhanh chóng hiểu ra rằng họ có thể thoải mái gian lận trong thí nghiệm này và ung dung thoát tội. Nếu bạn là một người chơi, thì liệu thông tin này có khuyến khích bạn gian lận nhiều hơn không? Bạn có lập tức cân nhắc lợi-hại và nhận ra mình có thể bỏ đi với vài đô-la không xứng đáng? Và trên hết, sau khi nghe rõ giám sát viên trả lời, “Cứ làm điều bạn muốn,” bạn sẽ còn do dự chứ?
Giờ hãy xem thử phiên bản thí nghiệm này có giúp chúng ta nhận ra diễn biến thật sự trong tình huống Madoff hay không. Trong tình huống Madoff, người chơi đã chứng kiến một ví dụ sống về hành vi gian lận, và từ đó thu thập được hai loại dữ kiện: Từ quan điểm phân tích lợi-hại, việc chứng kiến David bỏ đi với toàn bộ số tiền đã cho họ thấy rằng: trong thí nghiệm này, việc gian lận sẽ chẳng đem lại hậu quả xấu nào cả. Cùng lúc đó, hành động của David lại phát đi một ám hiệu mang tính xã hội như sau: những người giống như họ sẽ sẵn sàng gian lận trong thí nghiệm này. Do tình huống Madoff bao gồm cả hai yếu tố trên, nên chúng ta không thể khẳng định hành vi gian lận sẽ phát sinh từ quá trình tái phân tích lợi hại, hay từ ám hiệu mang tính xã hội, hoặc từ cả hai.
Đây là lúc tình huống “câu hỏi” tỏ ra hữu ích. Trong tình huống này, chỉ duy nhất yếu tố đầu tiên (theo quan điểm phân tích lợi-hại) được dịp thể hiện. Khi David đặt câu hỏi và giám sát viên xác nhận rằng không những hành vi gian lận được cho phép, mà còn không để lại hậu quả, thì hẳn người chơi đã nhận thức được rằng họ sẽ chẳng phải chịu tổn thất gì nếu gian lận. Và điều quan trọng nhất chính là: tình huống câu hỏi đã thay đổi nhận thức của người chơi về hậu quả của việc gian lận, nhưng lại không cung cấp cho họ một ví dụ sống, một ám hiệu mang tính xã hội từ nhóm người sẵn sàng gian lận. Nếu số trường hợp gian lận trong tình huống câu hỏi ngang bằng với tình huống Madoff, ta có thể kết luận rằng: yếu tố dẫn đến mức độ gian lận gia tăng trong cả hai tình huống nhiều khả năng chính là việc người chơi nhận thức được họ sẽ không phải gánh chịu hậu quả. Mặt khác, nếu số trường hợp gian lận trong tình huống câu hỏi thấp hơn đáng kể so với tình huống Madoff, ta sẽ kết luận rằng: yếu tố bổ sung khiến mức độ gian lận gia tăng trong tình huống Madoff chính là tín hiệu mang tính xã hội – hay việc người chơi nhận ra những người thuộc cùng nhóm cộng đồng với họ sẽ dễ dàng chấp nhận hành vi gian lận trong trường hợp này.
Bạn nghĩ điều gì sẽ xảy ra? Trong tình huống câu hỏi, người chơi khẳng định họ đã giải đúng trung bình 10 ma trận – nhiều hơn 3 câu so với tình huống có kiểm soát (đồng nghĩa họ có gian lận), nhưng lại ít hơn 2 câu so với tình huống máy hủy giấy, và ít hơn đến 5 câu so với tình huống Madoff. Sau khi người chơi chứng kiến giám sát viên trả lời David rằng anh có thể gian lận nếu muốn, mức độ gian lận đã giảm bớt. Kết quả này trái ngược hẳn với điều sẽ diễn ra nếu người chơi của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào quá trình phân tích lợi-hại. Không những thế, nó còn chứng minh rằng: khi ý thức về khả năng xảy ra hành vi phi đạo đức, chúng ta sẽ đáp lại tiếng gọi của lương tâm (tương tự như trường hợp Mười Điều răn và điều luật danh dự trong chương 2, “Cấp số giả dối”). Và cuối cùng, chúng ta sẽ hành động trung thực hơn.
Tuyên ngôn thời trang
Tuy những kết quả trên tỏ ra rất hứa hẹn, nhưng chúng tôi vẫn muốn tìm kiếm thêm nguồn thông tin và bằng chứng ủng hộ cho quan điểm “thói gian dối có thể lây nhiễm trong xã hội.” Do vậy, chúng tôi đã quyết định thâm nhập vào giới thời trang. Vâng, một phần nào đó.
Cách bố trí trong thí nghiệm tiếp theo của chúng tôi cũng tương tự như tình huống Madoff: diễn viên sẽ đứng lên vài giây khi thí nghiệm đang diễn ra, tuyên bố rằng anh ta đã giải quyết xong mọi thứ, và tình huống cứ thế tiếp diễn. Tuy nhiên, lần này sẽ có thêm một điểm khác biệt liên quan đến thời trang: diễn viên sẽ mặc một chiếc áo len của Đại học Pittsburgh.
Tôi sẽ giải thích. Tại Pittsburgh, chúng tôi có hai trường đại học đẳng cấp thế giới, đó là Đại học Pittsburgh (UPitt) và Đại học Carnegie Mellon (CMU). Cũng như nhiều trường viện đại học hay cao đẳng khác cùng thuộc một địa phương, hai ngôi trường này từ lâu đã là đối thủ truyền kiếp. Tinh thần đối kháng này chính là thứ gia vị cần thiết để chúng tôi kiểm chứng sâu hơn giả thiết lừa-dối-là-căn-bệnh-truyền-nhiễm.
Chúng tôi đã tiến hành tất cả các thí nghiệm trên tại Đại học Carnegie Mellon, và toàn bộ người tham gia cũng là sinh viên trường Carnegie Mellon. Trong tình huống Madoff cơ bản, David chỉ diện áo thun trơn và quần bò, do đó anh nghiễm nhiên được cho là sinh viên Carnegie Mellon như bao người chơi khác. Nhưng trong tình huống mới này – chúng tôi gọi đây là tình huống “kẻ ngoại đạo – Madoff” – David sẽ mặc chiếc áo len xanh-vàng kim của trường UPitt đối thủ. Chiếc áo đã báo hiệu cho các sinh viên khác rằng anh là “kẻ ngoại đạo” – một sinh viên UPitt – và không phải một phần của cộng đồng chung; trên thực tế, anh thuộc về phe đối thủ.
Logic trong tình huống này cũng giống với logic trong tình huống câu hỏi. Chúng tôi đã lý giải rằng: nếu mức độ gian lận gia tăng trong tình huống Madoff vốn là hệ quả từ việc người chơi nhận thấy David có thể gian lận và thoát tội (và họ cũng thế), thì việc David mặc áo CMU hay UPitt sẽ chẳng ảnh hưởng gì đến kết quả. Xét cho cùng, việc David không phải gánh chịu hậu quả xấu nào từ hành vi gian lận trắng trợn vốn không hề liên quan đến trang phục của anh. Mặt khác, nếu mức độ gian lận gia tăng trong tình huống Madoff là hệ quả từ quy chuẩn xã hội – yếu tố chứng minh với người chơi rằng hành vi gian lận đã được cộng đồng chung chấp nhận – thì ảnh hưởng này chỉ xuất hiện khi chàng diễn viên là một phần trong nhóm cộng đồng của họ (sinh viên Carnegie Mellon), chứ không phải thuộc phe đối thủ (sinh viên UPitt). Do đó, yếu tố then chốt trong phiên bản này chính là mối liên kết xã hội giữa David với những người chơi khác: liệu các sinh viên CMU có tiếp tục bắt chước David khi anh khoác áo UPitt, hay họ sẽ kháng cự lại sức ảnh hưởng từ anh?
Tôi sẽ thuật lại những điểm chính trong kết quả thu được: trong tình huống máy hủy giấy, khi hành vi gian lận được cho phép nhưng không do David thị phạm, các sinh viên đã tuyên bố họ giải được trung bình 12 ma trận – nhiều hơn 5 câu so với tình huống có kiểm soát. Khi David đứng lên nộp đáp án trong chiếc áo CMU nổi bật (tình huống Madoff), người chơi lại tuyên bố họ giải được 15 ma trận. Khi David đặt câu hỏi về khả năng gian lận và quả quyết rằng điều này hoàn toàn có thể, người chơi đã tuyên bố họ giải được 10 ma trận. Và cuối cùng, trong tình huống kẻ ngoại đạo – Madoff (khi David diện áo UPitt), các sinh viên đã chứng kiến anh gian lận, và tuyên bố rằng họ giải đúng 9 ma trận. Xét theo tình huống có kiểm soát, họ vẫn gian lận, nhưng lại thấp hơn đến 6 câu so với khi nhầm tưởng rằng David là thành viên trong nhóm cộng đồng CMU.
Bảng sau sẽ tóm tắt toàn bộ kết quả:
Tình huống | Số ma trận giải đúng (tối đa 20) | Số trường hợp gian lận |
Có kiểm soát | 7 | 0 |
Máy hủy giấy (có thể gian lận) | 12 | 5 |
Madoff (có thể gian lận) | 15 | 8 |
Câu hỏi (có thể gian lận) | 10 | 3 |
Kẻ ngoại đạo – Madoff | 9 | 2 |
Các kết quả trên đã chứng minh rằng: gian dối không chỉ là hành vi phổ biến, mà còn có khả năng lây nhiễm cho người khác và phát triển trầm trọng hơn khi chúng ta chứng kiến hành vi lừa dối của người xung quanh. Cụ thể hơn, dường như các tác động xã hội quanh chúng ta đang vận động theo hai hướng: khi kẻ gian dối là một phần trong nhóm cộng đồng, chúng ta sẽ hành động theo kẻ đó; và cuối cùng, ta sẽ cảm thấy rằng gian dối là hành vi có thể chấp nhận trong xã hội. Nhưng khi kẻ gian dối là người ngoài (hay “kẻ ngoại đạo”), chúng ta sẽ khó lòng biện minh cho hành vi sai trái của bản thân, và trở nên lương thiện hơn vì muốn tạo khoảng cách với kẻ vô đạo đức đến từ một cộng đồng khác (thiếu trung thực hơn).
Về mặt tổng quát, các kết quả trên đã minh chứng cho tầm quan trọng của cộng đồng xung quanh trong việc định hình các giới hạn có thể chấp nhận đối với hành vi của chúng ta, bao gồm cả thói gian dối. Bất cứ khi nào chứng kiến các thành viên khác trong cùng cộng đồng hành động vượt quá ranh giới có thể chấp nhận, chúng ta nhiều khả năng sẽ tự điều chỉnh lại chuẩn mực đạo đức của mình, đồng thời xem hành vi của họ là hình mẫu để noi theo. Và nếu thành viên đó trong cộng đồng chúng ta là một nhân vật quyền uy – như cha mẹ, ông chủ, thầy cô giáo hoặc ai đó chúng ta kính trọng – khả năng trên thậm chí còn cao hơn, và chúng ta sẽ hoàn toàn bị dắt mũi.
Trong vòng vây những kẻ có thế lực
Bực bội vì chứng kiến một nhóm sinh viên đại học lừa dối ngôi trường của họ vì vài đồng đô-la là một chuyện (thậm chí thói gian dối còn phát sinh rất nhanh chóng); nhưng chứng kiến hành vi này lan rộng trên quy mô lớn lại là một chuyện khác. Khi một số thành viên trong cộng đồng xa rời đường lối, họ sẽ tiêm nhiễm sang những người xung quanh – tôi đoán đó là điều đã xảy ra tại Enron năm 2001, cũng như tại Phố Wall năm 2008, và xuất hiện trong rất nhiều trường hợp khác nhau.
Ai cũng có thể dễ dàng hình dung ra kịch bản sau: Bob, một nhân viên ngân hàng danh tiếng tại Giantbank đã dính líu vào các giao dịch mờ ám – như trả giá cao cho các sản phẩm tài chính hay trì hoãn báo cáo thua lỗ đến sang năm – và nhờ thế, anh đã tích trữ được vô khối tiền. Các nhân viên khác tại Giantbank cũng nghe về chuyện của Bob. Họ hẹn nhau ăn trưa, và bàn luận về những việc Bob đã làm khi thưởng thức martini và bít-tết. Và trong gian phòng kế cận, một nhóm đồng nghiệp đến từ Hugebank cũng vô tình nghe lỏm chuyện của họ. Tin đồn cứ thế lan ra.
Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều nhân viên ngân hàng khác đã hay tin rằng Bob không phải kẻ duy nhất biết làm giả số liệu. Không những thế, họ còn cho rằng anh thuộc phe của họ. Đối với họ, làm giả số liệu giờ đây đã trở thành hành vi được chấp nhận, ít nhất cũng trong phạm vi “giữ thế cạnh tranh” và “tối đa giá trị cổ cho đông.”
Tương tự, hãy xem xét kịch bản sau: một ngân hàng đã sử dụng vốn trợ cấp từ chính phủ để chi trả cổ tức cho cổ đông của họ (hoặc đơn giản là giữ chặt số tiền thay vì cho vay chúng). Chẳng mất chốc, CEO tại các ngân hàng khác đã xem đây là hành vi thỏa đáng. Khuynh hướng này nghe có vẻ đơn giản, nhưng có thể để lại hậu quả thảm khốc. Và những vụ việc như thế vẫn diễn ra hàng ngày xung quanh chúng ta.
TẤT NHIÊN, NGÂN HÀNG không phải là nơi duy nhất chứng kiến nỗi bất hạnh này leo thang. Bạn có thể thấy nó ở bất cứ đâu, bao gồm cả các cơ quan chính phủ như Quốc hội Hoa Kỳ. Một ví dụ điển hình cho sự mai một quy chuẩn xã hội ngay lại hành lang luật pháp Hoa Kỳ chính là trường hợp của các ủy ban hoạt động chính trị (PACs – political action committees). Khoảng 30 năm về trước, các nhóm ủy ban này đã được thành lập như thành viên trực thuộc Quốc hội, với mục đích gây quỹ cho đảng phái của họ và các nhà lập pháp cùng hội cùng thuyền; tất nhiên, số tiền này sẽ được sử dụng trong các cuộc tranh cử đầy cam go. Nguồn quỹ trên chủ yếu đến từ các nhà vận động hành lang, các doanh nghiệp cùng các nhóm lợi ích đặc biệt, và khoản tiền họ quyên tặng không chỉ giới hạn ở mức đóng góp cho cá nhân các ứng cử viên. Bên cạnh nghĩa vụ khai thuế và báo cáo cho FEC, vẫn còn một số ràng buộc đối với việc sử dụng nguồn quỹ PAC.
Như bạn có thể hình dung, các thành viên Quốc hội vẫn luôn có thói quen sử dụng nguồn quỹ PAC cho tất cả mọi hoạt động ngoài tranh cử – từ thanh toán hóa đơn giữ trẻ cho đến thẻ đi bar, hay các chuyến trượt tuyết tại Colorado. Không những thế, gần nửa triệu đô-la được PACs huy động đã thực sự rơi vào túi các chính trị gia tham gia tranh cử; số còn lại chủ yếu được chi trả cho các khoản ưu tiên khác nhau: như gây quỹ, vượt dự chi, lương nhân viên cùng nhiều khoản khác. Như Steve Hern từng phát biểu trên chương trình Thị trường của đài NPR, “PACs đang biến việc gây quỹ thành trò cười.”
Nhằm đối phó với trình trạng lạm chi của PAC, Quốc hội đã thông qua đạo luật đầu tiên sau cuộc bầu cử quốc hội năm 2006 nhằm giới hạn quyền chi tiêu linh hoạt của các thành viên, và buộc họ công khai các khoản chi từ nguồn quỹ PAC. Tuy nhiên (chúng ta cũng dự đoán được phần nào), đạo luật này đã gần như vô hiệu. Chỉ vài tuần sau khi đạo luật được thông qua, các nghị sĩ đã tiếp tục hành động một cách phi lý hệt như trước kia; một số thậm chí còn dùng quỹ PAC để chi cho các câu lạc bộ thoát y, nướng hàng nghìn đô-la vào các buổi tiệc tùng, hay tiêu pha vô lối cho bản thân mà không màng đến hóa đơn.
Sao họ có thể làm thế? Câu trả lời rất đơn giản. Qua thời gian, do các nghị sĩ đã chứng kiến những đồng bạn chính trị gia sử dụng nguồn quỹ PAC một cách thiếu minh bạch, nên quy chuẩn xã hội chung của họ cũng trở nên tha hóa. Từng chút một, họ đã quan niệm rằng nguồn quỹ PAC có thể được sử dụng cho mọi hoạt động cá nhân và “chuyên môn” – và cho đến ngày nay, việc lạm dụng quỹ PAC đã trở thành chuyện thường tình, hệt như bộ cánh của ngân quỹ quốc gia vậy. Như Pete Sessions (nghị sĩ đảng Dân chủ đến từ Texas) đã đáp trả khi được hỏi về hàng nghìn đô-la được đổ vào dự án Forty Deuce tại Las Vegas: “Tôi không thể hiểu nổi điều gì là bình thường hay hợp lẽ nữa.”
Từ tình trạng phân cực trong Quốc hội, bạn có thể sẽ cho rằng những ảnh hưởng tiêu cực đối với xã hội luôn có dính líu đến các đảng phái. Bạn sẽ nghĩ rằng: nếu một đảng viên Dân chủ phá luật, hành động của anh ta sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ các đảng viên Dân chủ khác, và hành động sai trái của các đảng viên Cộng hòa cũng có ảnh hưởng tương tự. Thế nhưng, chút kinh nghiệm (ít ỏi) của tôi tại Washington, D.C. đã cho thấy rằng: nếu không màng đến ánh mắt soi mói của truyền thông, hành vi xã hội của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ (tuy khác biệt về đường lối tư tưởng) sẽ thể hiện nhiều nét tương đồng hơn chúng ta vẫn nghĩ. Chính điều này đã tạo nên những tình huống cho phép hành vi phi đạo đức của các nghị sĩ vượt khỏi ranh giới đảng phái và tác động đến thành viên khác, bất chấp phe phái của họ.
CÁC CỐI XAY LUẬN ÁN
Nếu bạn cảm thấy xa lạ với thuật ngữ “cối xay luận án,” thì đây là cách gọi dành cho các công ty luôn xem việc viết bài luận cho học sinh trung học và sinh viên đại học (đương nhiên họ sẽ tính phí) như mục tiêu kinh doanh duy nhất. Họ chắc chắn sẽ tuyên bố rằng các trang soạn thảo này chỉ nhằm hỗ trợ học sinh – sinh viên tự viết ra bài luận gốc của họ; song, với các tên miền web kiểu như eCheat.com, mục đích của họ đã lộ rõ. (Nhân tiện, tiêu đề phụ của trang eCheat.com đã có thời từng là: “Không gian lận đâu, chỉ hợp tác thôi.”)
Nói chung, các giáo sư đều tỏ ra quan ngại về cối xay luận án và tác động của chúng đối với việc học hành. Nhưng nếu chưa đích thân trải nghiệm ứng dụng từ các cối xay đó, cũng như chưa tìm hiểu chúng thật sự đang làm gì và hiệu quả ra sao, bạn sẽ khó lòng cảm thông cho nỗi trăn trở của chúng tôi. Chính vì vậy, tôi và Aline Grüneisen (trưởng phòng thí nghiệm tại trung tâm nghiên cứu của tôi thuộc Đại học Duke) đã quyết định khám phá một số trang cối xay nổi tiếng nhất. Chúng tôi đã đặt hàng một số bài luận đại học tiêu biểu từ vài công ty, và chủ đề chúng tôi lựa chọn chính là: “Lừa dối” (ngạc nhiên chưa!)
Sau đây là đề bài chúng tôi đặt ra cho các cối xay luận án:
Con người hay lừa dối vào lúc nào, và tại sao? Hãy nhận xét về các hoàn cảnh xã hội liên quan đến thói gian dối, và đưa ra phản hồi sâu sắc về chủ đề lừa dối. Hãy liệt kê các hình thức lừa dối khác nhau (như đối với cá nhân hay trong công việc) và nêu rõ cách thức ứng dụng văn hóa lừa dối trong xã hội nhằm lý giải mỗi hình thức trên.
Chúng tôi đã yêu cầu một bài luận dài 12 trang cho lớp tâm lý xã hội ở cấp đại học, kèm theo 15 dẫn chứng được trình bày theo đúng định dạng do Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA – American Psychological Association) quy định, và phải hoàn thành trong vòng 2 tuần. Với chúng tôi, đây là yêu cầu hết sức cơ bản và phổ biến. Các trang cối xay đã tính phí chúng tôi từ 150 đến 216 đô-la cho mỗi trang.
Hai tuần sau đó, chúng tôi đã nhận về một mớ tạp nham. Có vài bài luận cố gắng bắt chước đúng định dạng APA, nhưng không có bản nào không vấp phải lỗi căn bản. Các trích dẫn được trình bày vô cùng cẩu thả, còn danh mục tham khảo thì quá đỗi khủng khiếp – chúng bao gồm các nguồn thông tin lỗi thời và nặc danh, bên cạnh các tin bài mới tinh, các bài viết chỉnh sửa hay bài đăng blog đầy rẫy trên mạng, và cả những đường dẫn mất kết nối. Riêng đối với chất lượng bài viết, tác giả của toàn bộ các bài luận trên dường như chỉ sở hữu vốn tiếng Anh vỡ lòng và cấu trúc hành văn thuộc dạng sơ đẳng. Các phân đoạn nhảy hết từ chủ đề này sang chủ đề khác một cách vụng về, và thường xuyên rơi vào lối liệt kê dông dài, như thể họ đang đếm từng hình thức lừa dối khác nhau, hay dẫn chứng một tràng dài các ví dụ chẳng liên quan hay giải thích được gì về chủ đề bài viết. Trong mớ hổ lốn văn chương, sau cùng chúng tôi cũng đãi ra vài hạt ngọc:
Lừa dối bằng cách chữa bệnh. Chữa bệnh thì rất khác nhau. Có cách chữa vô hại, khi người chữa bệnh-kẻ lừa dối và pháp sư ra điềm báo, ve áo, gây hại để rút lui, vợ-chồng quay lại và nhiều chuyện khác. Chúng tôi chúng đọc trên báo và chỉ biết cười mỉm. Nhưng hiện nay, ngày càng có ít người tin vào các pháp sư.
Nếu một khoản trợ cấp lớn được dành cho nghiên cứu về học giả lừa dối là một gợi ý bất kỳ từ giới học viện và khát khao mãnh liệt của các giáo sư nhằm giảm thiểu tình trạng học giả lừa dối, thì rõ ràng có thể kỳ vọng rằng quan niệm này sẽ góp phần xây dựng nội quy trong lớp học của họ.
Do tin tưởng mù quáng vào tình yêu vững bền, lòng trung thành, trách nhiệm và tính lương thiện mà nhiều người đã đánh đồng sự cả tin với sự ngây thơ của người tình trong quá khứ.
Thế hệ tương lai phải biết học hỏi từ sai lầm trong quá khứ và phát huy lòng tự hào cùng trách nhiệm đối với hành động của họ.
Khi ấy, chúng tôi đã cảm thấy nhẹ nhõm phần nào khi nhận ra vẫn chưa đến thời điểm các sinh viên có thể nộp bài luận lấy từ các cối xay luận án và đạt điểm cao. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng khẳng định rằng: nếu các sinh viên tìm cách mua bài luận từ một trang cối xay, thì giống như chúng tôi, họ hẳn sẽ cảm thấy mình đã phí tiền và chẳng muốn thử lại nữa.
Nhưng câu chuyện vẫn chưa kết thúc. Chúng tôi đã gửi các bài luận mua được lên WriteCheck.com, một trang web chuyên kiểm tra lỗi đạo văn trong tài liệu văn bản, và phát hiện một nửa số bài luận đã sao chép nội dung từ các nghiên cứu có sẵn. Chúng tôi quyết định hành động và liên hệ với các trang cối xay để đòi lại tiền. Nhưng bất chấp tang chứng rành rành từ WriteCheck.com, các cối xay luận án này vẫn quả quyết họ không hề ăn cắp ý tưởng. Một công ty thậm chí còn đe dọa sẽ thưa chúng tôi ra tòa, và tuyên bố rằng họ sẽ liên hệ với hiệu trưởng trường Duke để tố giác tôi về tội nộp bài luận của người khác. Chẳng cần phải nói, chúng tôi không bao giờ được hoàn lại tiền…
Vậy vấn đề cốt lõi là gì? Thật ra, các giáo sư không cần quá lo lắng về các cối xay luận án, ít nhất là trong thời buổi hiện nay. Cách mạng công nghệ vẫn chưa thể giúp các sinh viên vượt qua thử thách cá nhân này, và họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tự thân vận động (hoặc gian lận theo kiểu cũ bằng cách sử dụng lại bài luận từ một sinh viên đã theo học lớp này từ học kỳ trước).
Tuy nhiên, tôi vẫn lo lắng về sự tồn tại của các cối xay luận án cùng thứ ám hiệu họ đang gửi đến sinh viên của chúng tôi – đó chính là thái độ chấp nhận gian lận mang tính hệ thống, không chỉ trong thời gian ngồi trên ghế giảng đường, mà còn kéo dài đến sau khi họ tốt nghiệp.
Khôi phục phẩm chất đạo đức như thế nào?
Quan điểm cho rằng thói gian dối có thể chuyển từ người này sang người khác thông qua hình thức tiêm nhiễm xã hội đã cho thấy chúng ta cần đến một biện pháp khắc chế khác. Nhìn chung, chúng ta vẫn xem những sai phạm nhỏ là điều vụn vặt và tầm thường. Bản thân những lỗi lầm nhỏ có thể không quá nghiêm trọng, nhưng nếu chúng tích lũy thường xuyên ở một cá nhân, rồi lan ra nhiều người hoặc nhiều nhóm cộng đồng, thì chúng có thể phát đi một ám hiệu rằng hành vi sai trái có thể được chấp nhận nếu xảy ra trên quy mô lớn. Từ quan điểm này, chúng ta cần phải ý thức rằng tác động từ các vi phạm cá nhân có thể vượt quá phạm vi một hành động bất chính đơn lẻ. Thói bất lương sẽ tác động một cách chậm rãi, và dần dần tha hóa xã hội khi lây nhiễm từ người này sang người khác. Hệt như loài “vi-rút” có thể biến đổi và lây lan sang từng người, một thứ chuẩn mực mới vô luân hơn sẽ dần được hình thành. Và tuy sự tồn tại của nó có vẻ mong manh và âm thầm, như hậu quả cuối cùng sẽ rất thảm khốc. Đây chính là cái giá phải trả cho những hành vi gian dối dù rất nhỏ, và cũng là lý do chúng ta cần cảnh giác hơn khi nỗ lực khắc chế những sai phạm nhỏ nhặt như thế.
Vậy chúng ta có thể làm gì? Gợi ý sẽ được tìm thấy trong Học thuyết Khung Cửa sổ Vỡ, vốn bắt nguồn từ một bài báo do hai tác giả George Kelling và James Wilson đăng trên tờ Atlantic năm 1982. Kelling và Wilson đã đề xuất một biện pháp thiết yếu nhằm giữ vững an ninh tại các khu vực nguy hiểm, và không chỉ nhờ tăng cường thêm cảnh sát đi tuần. Họ lý giải rằng: nếu người dân sống tại các khu đổ nát trong thành phố nhìn thấy một tòa nhà với vài khung cửa sổ vỡ chưa được tu sửa, họ sẽ muốn đập vỡ thêm nhiều khung cửa sổ khác, cũng như gây thiệt hại nhiều hơn cho tòa nhà và các khu vực lân cận. Dựa trên Học thuyết Khung Cửa sổ Vỡ, cả hai đã đề nghị một đối sách đơn giản nhằm ngăn chặn hành vi cố ý phá hoại: đó là khắc phục vấn đề ngay khi chúng vừa nhen nhóm. Nếu bạn tu sửa từng khung cửa sổ vỡ (hay từng hành vi sai trái) ngay tức thời, thì những sai phạm tiềm ẩn khác sẽ khó có nguy cơ xảy ra.
Tuy khó có thể chứng minh hay bắt bẻ Học thuyết Khung Cửa sổ Vỡ, nhưng lý lẽ của nó vẫn khá thuyết phục. Học thuyết này cho rằng chúng ta không nên bào chữa, xem nhẹ hay dung thứ cho những sai phạm nhỏ, vì như thế sẽ khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn. Điều này càng đặc biệt hệ trọng đối với các cá nhân nổi bật trong xã hội: như chính trị gia, công chức, người nổi tiếng hay các CEO. Việc đặt ra cho họ các tiêu chuẩn cao hơn nghe có vẻ bất công, nhưng nếu chúng ta thật sự xem trọng quan điểm rằng “các hành vi được quan sát công khai sẽ có ảnh hưởng rộng hơn đối với những ai chứng kiến chúng,” vì hành vi sai trái của họ nhất định sẽ gây hậu quả tai hại hơn rất nhiều cho xã hội. Song, trái ngược với quan điểm này, dường như những người nổi tiếng lại thường xuyên được đặc cách giảm nhẹ hình phạt cho các tội lỗi của họ so với phần còn lại của cộng đồng, và khiến công chúng càng tin rằng những sai phạm và thái độ xấu nói trên hoàn toàn chẳng sai trái chút nào.
MAY MẮN THAY, chúng ta vẫn có thể hưởng lợi từ mặt tích cực của hiệu ứng lan truyền trong xã hội bằng cách tuyên dương những cá nhân dám đứng nên chống lại thói hủ bại. Đơn cử, Sherron Watkins của Enron, Coleen Rowley của FBI và Cynthia Cooper của WorldCom đều là những tấm gương điển hình cho các cá nhân dám đương đầu với thực trạng tha hóa trong tổ chức của họ. Và đến năm 2002, tạp chí Time đã bầu chọn họ là Nhân vật của Năm.
Các hành vi trung thực cũng đóng vai trò hết sức quan trọng đối với nhận thức của chúng ta về đạo đức xã hội. Và tuy chúng khó lòng tạo nên một tin bài giật gân trên mặt báo, nhưng nếu đã hiểu rõ hiệu ứng lan truyền trong xã hội, chúng ta cũng phải nhận thức được tầm quan trọng của việc khuyến khích những hành vi đạo đức trong quần chúng. Với nhiều hơn các tấm gương nổi bật và sáng chói về những hành vi đáng ca ngợi, chúng ta sẽ có thể cải thiện cách nhìn nhận của cộng đồng đối với những điều có thể và không thể chấp nhận; và trên hết, sẽ cải tạo được hành động của chính chúng ta.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.