Bản Đồ Thành Công
Bước thứ tư: Vận dụng thế mạnh của bạn
Mục đích của bước thứ tư trong Bản đồ thành công là giúp bạn:
• Xác định những thế mạnh của mình;
• Xác định những thế mạnh cần thiết để đạt được Tuyên bố ý chí;
• Vận dụng những thế mạnh này để thành công dễ dàng hơn.
Hãy sử dụng thế mạnh hiện có để đạt được điều bạn mong muốn một cách dễ dàng hơn – đây cũng chính là bài tập để bạn rèn luyện sức mạnh cá nhân.
Thế mạnh của bạn là những kỹ năng chỉ mình bạn có, là năng lực, trí tuệ cùng tính cách và các giá trị bền vững của bạn. Một khi được khai thác và vận dụng đúng cách, những thế mạnh này sẽ giúp bạn đưa ra quyết định đúng đắn, làm việc hiệu quả và có cuộc sống viên mãn.
Vấn đề là chúng ta thường chưa nhớ đến và sử dụng thế mạnh của mình đúng cách.
Trở ngại thành công số 4: Bỏ qua thế mạnh của mình. Không nhận ra, không sử dụng hay không tận dụng được thế mạnh của mình để dễ dàng thành công hơn.
Bạn có những đôi giày cũ được cất vào hộp và để đâu đó trong kho, thậm chí bạn còn quên mất sự tồn tại của nó. Đến khi có sự kiện hay lý do nào đó cần dùng đến, tự nhiên bạn lại sực nhớ ra. “Chẳng phải mình có một đôi giày rất phù hợp cho buổi tối hôm nay sao?”. Thế là bạn bới tung đống đồ đạc lộn xộn ở nhà kho và lôi ra chiếc hộp đựng đôi giày cũ.
Chúng ta thường vẫn đối xử với thế mạnh của mình như thế. Ai cũng biết mình có thế mạnh riêng. Vấn đề là chúng ta lại “giấu” nó ở đâu đó và chỉ “truy xuất” khi cần đến. Vậy nên mỗi khi bạn muốn làm điều gì đó mới mẻ hay khác biệt, bạn hãy nhớ đến thế mạnh của mình. Các mối quan hệ cá nhân cũng như các mối quan hệ công việc đều có thể trở thành các thế mạnh của bạn, do đó hãy sử dụng lợi thế ấy để đạt được điều bạn muốn một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn. Việc không dùng đến thế mạnh sẵn có cũng giống như bạn quên mất đôi giày lý tưởng trong kho và chạy ra cửa hàng mua về một đôi giày mới. Bạn sẽ lãng phí thời gian, tiền bạc và cả công sức, trong khi mục tiêu của bạn cũng có nguy cơ không thực hiện được.
Vận dụng những thế mạnh gắn liền với mục tiêu của bạn
Mục tiêu của chúng ta là tiết kiệm thời gian và công sức để đạt mục tiêu bằng cách vận dụng những thế mạnh sẵn có, sử dụng các thế mạnh đang có đồng thời tự tạo ra những thế mạnh mới.
Trước hết, bạn hãy chọn lựa và sử dụng những thế mạnh liên quan nhiều nhất đến mục tiêu của mình, tức là những thế mạnh mà khi được vận dụng sẽ giúp bạn đạt được Tuyên bố ý chí. Bạn hãy tự hỏi: “Để đạt được mục tiêu này một cách dễ dàng và nhanh chóng nhất, tôi có thể sử dụng những thế mạnh nào mà mình đang có?”. Có nhiều loại thế mạnh cá nhân khác nhau và chúng đều là những kỹ năng, tính cách giúp bạn thành công trong mọi phương diện của cuộc sống. Để đảm bảo vận dụng được tất cả những thế mạnh cá nhân, bạn hãy lướt qua danh sách thế mạnhtrong Bản đồ thành công bên dưới và xem bạn có những thế mạnh nào trong số đó.
Học cách khai thác những thế mạnh liên quan đến mục tiêu của bạn
Dù con đường bạn đi đầy chông gai và mục tiêu của bạn có khó khăn đến mấy, những thế mạnh liên quan mà bạn biết và có được vẫn có thể giúp bạn hoàn thành nguyện ước một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn. Bạn hãy làm theo ba bước sau:
1. Dựa vào danh sách các thế mạnh để xác định thế mạnh riêng của bạn. Thế mạnh nào giúp bạn đạt được mục tiêu, khiến bạn hài lòng và vui thích với những gì mình đang làm? Thế mạnh nào bạn có thể vận dụng được lâu dài?
2. Hãy nghĩ đến Tuyên bố ý chí khi dùng danh sách thế mạnh. Còn thế mạnh nào của riêng bạn liên quan đến mục tiêu nữa không?
3. Xác định những quyết định và hành động có thể khai thác tốt nhất những thế mạnh này. Hãy tìm cách vận dụng mỗi thế mạnh liên quan đến mục tiêu để đạt được Tuyên bố ý chí nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Sau đó ghi các câu trả lời này vào Bản đồ thành công của bạn và bắt đầu!
Khi cần thiết, hãy khai thác thế mạnh của bạn!
Hầu hết chúng ta có khuynh hướng tập trung vào những thiếu sót, thay vì những điểm mạnh của bản thân. Điều này chẳng mang lại ích lợi gì, mà ngược lại, còn khiến ta luôn trong tình trạng lo lắng, vội vàng, bởi điều đó giống như một dấu hiệu cho thấy ta chẳng thể trở thành như ta mơ ước hoặc làm được những điều ta mong muốn trong cuộc sống.
Vì vậy, hãy tập trung vào những thế mạnh, tiềm lực của bạn. Đó mới là điều nên làm. Với tinh thần đó, cùng những thế mạnh từng giúp bạn hoàn thành tốt nhất mục tiêu của mình, không điều gì có thể bắt bạn dừng bước! Khi sử dụng những thế mạnh liên quan đến mục tiêu để giúp bạn trở nên mẫu người bạn mong muốn, hay làm được những điều bạn khao khát trong sự nghiệp cũng như trong cuộc sống, bạn sẽ cảm thấy mình mạnh mẽ và giỏi giang hơn.
ⓥ GHI NHỚ
Nếu có một ước mơ thầm kín nào đó thì bạn hãy thực hiện ngay đi: Hãy đưa ra một Tuyên bố ý chí có thể giúp bạn tập trung đúng hướng. Sau đó xác định và sử dụng những thế mạnh gắn liền với ước mơ ấy ngay bây giờ. Bởi vì “một ngày nào đó” sẽ chẳng bao giờ xuất hiện cả.
Cuộc đời thật trớ trêu khi một điều tưởng chừng rất nhỏ bé lại có thể đẩy bạn rơi xuống vực sâu. Bạn muốn bỏ mặc mọi thứ. Nhưng bạn cần tỉnh táo để nhận ra “điểm giới hạn” đó. Đây chính là lúc bạn đứng lên và hành động.
Hãy sử dụng danh sách thế mạnh cá nhân
Bạn có thể nhận ra rằng trong danh sách thế mạnh cá nhân không có khái niệm tài năng, nhưng để tài năng được bộc lộ và phát triển, chúng ta phải áp dụng những thế mạnh đã được liệt kê ra trong danh sách.
Muốn xác định thế mạnh của mình, bạn hãy tự hỏi rằng thế mạnh nào:
• Từng giúp bạn làm việc hiệu quả;
• Bạn có thể vận dụng một cách thoải mái;
• Khiến bạn muốn sử dụng thường xuyên.
Bạn hãy xem xét danh sách thế mạnh cá nhân ở trang bên và đánh dấu vào các thế mạnh mà bạn cho rằng mình đang có. Sau đó, bạn hãy quan sát xem thế mạnh nào giúp bạn dễ dàng đạt được điều bạn mong muốn trong Tuyên bố ý chí. Đó chính là những thế mạnh liên quan mật thiết đến mục tiêu bạn đã chọn.
DANH SÁCH THẾ MẠNH CÁ NHÂN
Thế mạnh | Miêu tả | Đánh dấu nếu có |
---|---|---|
Hướng đến hành động | Tự quyết định; ít phân tích; học bằng cách thử và sai | ⎕ |
Dễ thích nghi | Dễ dàng chấp nhận thay đổi; linh hoạt trong ý tưởng, con người và tình huống | ⎕ |
Phân tích | Tập trung vào dữ liệu; đánh giá khách quan, không dựa trên cảm tính | ⎕ |
Huấn luyện | Phát triển nhân lực bằng cách tập trung vào điểm mạnh, thay vì điểm yếu của họ | ⎕ |
Truyền đạt | Khả năng nói, viết và giải thích, thuyết phục | ⎕ |
Can đảm | Dũng cảm; dám đương đầu với thử thách; hành động dứt khoát | ⎕ |
Sáng tạo | Suy nghĩ hợp lý, có những hành động hay ý tưởng mới | ⎕ |
Hợp tác | Tìm kiếm lợi ích chung; tập trung vào kết quả hợp tác | ⎕ |
Thận trọng | Cẩn thận; đánh giá rủi ro; khảo sát tính khả thi trước khi hành động | ⎕ |
Kỷ luật | Luôn tuân theo quy củ; làm chủ tình hình; đánh dấu sự tiến bộ bằng lịch trình và số liệu | ⎕ |
Lãnh đạo | Nhìn xa trông rộng; tạo cảm hứng cho những người khác làm việc hiệu quả hơn | ⎕ |
Học hỏi | Say sưa tích lũy và vận dụng kiến thức mới | ⎕ |
Tổ chức | Sắp xếp, chỉ đạo và tìm nguồn lực cho dự án, kế hoạch | ⎕ |
Kiên trì | Tiếp tục hành động dù gặp nhiều khó khăn; bền bỉ | ⎕ |
Tích cực | Nhiệt tình; nhìn vào điểm tốt thay vì điểm xấu ở mọi người và tình huống | ⎕ |
Giải quyết vấn đề | Có khả năng sửa lỗi; hăng hái phân tích và tìm giải pháp | ⎕ |
Hướng đến các mối quan hệ | Gần gũi, quan tâm mọi người; hào hứng với các mối quan hệ mới và cũ | ⎕ |
Tháo vát | Có khả năng sử dụng khôn ngoan các nguồn lực; tránh phí phạm của cải | ⎕ |
Trách nhiệm | Xem mọi việc như của mình; chịu trách nhiệm về hành động của mình | ⎕ |
Tự tin | Tin vào quyết định, khả năng và năng lực của mình | ⎕ |
Chiến lược | Phân tích các yếu tố liên quan và tạo nên kế hoạch hành động | ⎕ |
Sẵn sàng đảm đương | Quyết đoán, chấp nhận rủi ro, độc lập; không cần nhiều sự đồng thuận | ⎕ |
Khoan dung | Rộng lượng, kiên nhẫn; không thiên vị | ⎕ |
Chuẩn mực | Tận tâm; tin tưởng vào gia đình, các giá trị tinh thần và đạo đức | ⎕ |
Hãy dùng công cụ dưới đây để liệt kê từ một đến năm thế mạnh liên quan đến mục tiêu có thể hỗ trợ bạn đạt được điều mình mong muốn. Để sử dụng những thế mạnh này, hãy đưa ra ít nhất một quyết định hay hành động giúp bạn đạt được Tuyên bố ý chí dễ dàng hơn.
SỬ DỤNG THẾ MẠNH ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC TUYÊN BỐ Ý CHÍ
Hãy viết Tuyên bố ý chí của bạn vào đây: (Bảng đánh giá ở bước thứ hai)
Thế mạnh liên quan đến mục tiêu
Hành động hay suy nghĩ cần dùng đến thế mạnh này?
Đi tiếp hay đổi hướng
Sau khi bạn xác định được các thế mạnh cá nhân, bạn sẽ biết liệu mục tiêu này có đúng là nơi bạn có thể khai thác tốt nhất thế mạnh của mình hay không. Hoặc là bạn sẽ nhận ra rằng thế mạnh cá nhân này, thời gian này và nguồn lực này của bạn tốt hơn là nên được áp dụng cho mục tiêu khác. Khi đó, bạn sẽ nhận ra rằng mình nên thay đổi hướng đi, đồng thời thay đổi Tuyên bố ý chí.
ⓥ GHI NHỚ
Nếu bạn đang ở tình thế không thể vận dụng được những thế mạnh của mình cho các mục tiêu công việc hay các vấn đề của cuộc sống, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn và mất thời gian hơn để đạt được mục tiêu. Bạn nên tìm kiếm các sự hỗ trợ mới giúp bạn phát huy được những thế mạnh sẵn có, hoặc thay đổi tình thế, nếu cần thiết.
BƯỚC THỨ TƯ
Bảng đánh giá
(Đánh dấu vào ô đã hoàn thành)
Bạn sẽ biết mình thực sự sẵn sàng sử dụng thế mạnh để đạt được mục tiêu hay chưa sau khi trả lời và đánh dấu vào mỗi ô dưới đây:
1. Tôi đã làm xong danh sách thế mạnh và xác định được thế mạnh của mình. | □ |
---|---|
2. Với Tuyên bố ý chí trong đầu, tôi đã nhận ra những thế mạnh liên quan đến mục tiêu và có thể hỗ trợ cho tôi tốt nhất để đạt được điều tôi khao khát. | □ |
3. Với mỗi thế mạnh liên quan đến mục tiêu, tôi đã quyết định những hành động cần thiết giúp tôi đạt được Tuyên bố ý chí một cách dễ dàng hơn. | □ |
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.