Tony Buổi Sáng - Trên Đường Băng

Bệnh “Toán Lớp Một”



Tháng 10 năm 2014, Tony có tổ chức các nhóm tình nguyện, nhiệm vụ là mua nông sản trên huyện miền núi về thành phố bán, toàn bộ lợi nhuận dùng để mua quần áo ấm gửi lên cho các em trên miền núi đó. Tới tháng 11/2014, có nhiều nhóm đã mua được áo gửi lên miền núi, rất là giỏi. Nhưng cũng có nhóm vẫn chưa triển khai bán hàng lần nào, do thành viên chỉ trích nhóm trưởng, nhóm trưởng chỉ trích thành viên. Hẹn họp bàn công việc nhưng nhiều bạn nói “thứ Bảy, Chủ nhật dành cho người yêu”, vậy đăng ký tình nguyện làm chi? Có nhóm mất một ngày mới quyết định được địa điểm họp vì ai cũng muốn họp gần chỗ nhà, 5 bạn ở 5 quận khác nhau nê cứ tranh cãi miết cuối cùng lấy bản đồ xoay compa một vòng, chọn trung điểm là tim đường nào đó, không ai muốn thiệt dù 1m đi lại. Tony nói thôi các bạn góp vô vài ba chục ngàn làm quỹ chung mỗi lần mua trà đá khỏi phải góp, các bạn giãy nảy ngay:”Đã tình nguyện mà còn đóng tiền, con phản đối”. Một ca trà đá giá 5.000 đồng mà có tới 50 bạn, hỏi mỗi bạn phải trả bao nhiêu? Sao toàn cử nhân thạc sĩ mà cú đi giải Toán lớp Một miết vậy?

Có bạn kể với Tony là trong quá khứ đã từng cho ăn xin 20.000 đồng nhưng sau đó thì “day dứt mãi khôn nguôi”. Nói là lúc đó con xúc động nhưng sau đó thấy họ lành lặn nên con tức lắm, từ đó không cho ai nữa, thật giả gì cũng không. Có 20.000 đồng thôi mà, chưa tới 1 USD, mình có nghèo đi đâu, giả sử lúc đó người ăn xin đó làm cho mình xúc động quá, thì 20.000 đồng đó coi như vé xem kịch, quá rẻ để xem người ta diễn hay đến như vậy. Chưa kể là người ta khổ thật thì sao? Mất 2 tỷ thì có thể “day dứt 15 phút”, chứ có 20.000 đồng thôi mà nhớ hoài chi cho mệt đầu.

Gần đây, Tony nhận nhiều email của các bạn, nói trên mạng xã hội có ý kiến “không nên hiến máu nhân đạo”, “để danh cho người thân của mình thôi”, hoặc “bệnh viện mua thì mới bán, vì bệnh viện bán máu cho bệnh nhân sao kêu gọi mình hiến”. Có bạn còn nói “bệnh viện phải hạch toán cho tôi trả lại cân đường hộp sữa hết bao nhiêu, rồi chi phí xét nghiệm (HIV, siêu vi,…) hết bao nhiêu, chi phí điện để bảo quản lạnh máu trong mấy chục ngày đó giá bao nhiêu, bệnh viện lãi thế nào từ máu của tôi, khi có ‘bảng cơ cấu chi phí’ như vậy thì đây mới đi hiến”. Đây là suy nghĩ rất cũ, không văn minh, các bạn không nên nghe theo.

Hiến máu (Blood Donation) không phải là hoạt động kinh tế để tính lãi lỗ. Vì bệnh viện vẫn mổ miễn phí nhiều trường hợp ở vùng sâu vùng xa. Hơn nữa, máu hiến sẽ được xét nghiệm rất kỹ với chi phí khá đắt trước khi nhập vào kho dự trữ. Theo thông tin của một bạn làm ở viện truyền máu, chi phí xử lý một đơn vị máu là 1.2 triệu đồng, trong khi giá bán dưới 500 ngàn/đơn vị máu. Máu hiến thông thường trữ được 42 ngày (với huyết tương tách ra thì có thể lâu hơn). Việc hiến máu là hoạt động thường xuyên của một xã hội văn minh, ở đó, người ta giúp đỡ nhau trên cơ sở tình người. Ở nước ngoài tuổi trẻ đi hiến rất thường xuyên để thay máu cho họ thông minh hơn, thanh tú hơn và tăng lòng nhân ái. Vụ nổ bom ở Boston xảy ra vào năm Tony đang học ở đó, có nhiều thanh niên, sinh viên đến bệnh viện hiến một cách chủ động, bệnh viện gửi lại họ một món quà nhỏ nhưng họ phủi tay, bỏ đi. Động đất ở Nepal vừa rồi cũng vậy, người Nhật, Bắc Âu… ùn ùn bỏ tiền ra thuê máy bay riêng bay đến, tự cho máy thậm chí không lấy giấy chứng nhận.

Có lần Tony đưa một đoàn khách đi Nam Phi chơi, ở sân bay trung chuyển Dubai tình cờ gặp đoàn các sinh viên người Na Uy đi cứu trợ ngôi làng ở Zambia vì tai nạn sập cầu. Nhiều người trong đoàn cứ hỏi miết ủa “tụi châu Phi kia giúp lại cái gì mà mày giúp vậy”, hoặc “mày được lợi gì mà bỏ tiền, bỏ công, bỏ sức… sang chốn nắng nôi ấy, sốt rét ấy,… để cứu trợ”, “có quảng cáo bán hàng gì được không?”… Các bạn Na Uy mới hỏi Tony à, tụi mày không có khái niệm về tình đồng loại hả? Tony không biết nói vì sao vì ngượng.

Hôm bữa Tony đi taxi đến Hàng Bông, xuống xe Tony nói cám ơn, anh taxi bảo: “Ối giời ơn nghĩa gì, lấy tiền chứ phải chở không,” Tony đáp lại rằng: ” Dạ thưa tôi cảm ơn vì đó là phép lịch sự của người được chuyên chở còn anh có nhận không là chuyện của anh”. Lúc đóng cửa lại còn nghe anh taxi mắng theo: “Cái thằng dở hơi vớ vẩn. Ơn với chả ơn. Cứ quy ra thóc hết”.

Lịch sử thế giới Đông Tây kim cổ, chưa có ai nghèo vì cho đi cả. Tuổi trẻ là phải hào sảng. Cái cũng có đứa gửi thư nói con rất hào sảng phóng khoáng, con sẽ làm doanh nhân vĩ đại, con sẽ trở thành Bill Gates, Mark Zuckerberg. Bữa nay ghé văn phòng đưa hộ Tony một tờ giấy, lúc về nói dượng đưa con lại 15,000 tiền xăng. Cái đâu 30 phút sau thấy lại gõ cửa, nói dượng đưa thêm con 2.000 đồng tiền gửi xe nữa. Nó nói “con ra ngoài, suy nghĩ mãi mới quyết định là vào lấy thêm tiền gửi xe”. Mất những 30 phút để kiếm 2.000 đồng, sao học tới sin cos lim log rồi mà lại suốt ngày đi giải toán lớp một, hay tuổi thơ kéo dài quá ?

Trước khi về, nó xin ở lại nói chuyện với Tony 5 phút. Nó nói con thắc mắc chuyện này miết, sao mấy người như Bill Gates đó, họ kiếm tiền được như vậy nhưng sao lại đem tặng hết vô quỹ từ thiện? Nếu là con á, con sẽ, con sẽ… mua cái này cho nhà con á, con sẽ mua cái kia cho bạn gái con á…

Tony nói: “Thôi con đi về giùm, dượng bữa nay bị lây bệnh “Toán lớp 1” của mấy đứa rồi nè. Dượng bán phân cứ 5 phút lãi được 50 ngàn đồng, nãy giờ con lấy của dượng 10 phút tương đương 100,000 đồng, tức 5 USD, một số tiền khổng lồ. Xin người hãy đi đi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.