Tony Buổi Sáng - Trên Đường Băng
Chuyện Tony Đi Uống Café
Cách đây 7-8 năm, một bác khách hàng lớn của một tỉnh nọ vào Sài Gòn công tác. Trước đó, Tony ra thăm và với trình độ “thảo mai”, tức “nịnh” đạt mức thượng thừa, Tony làm bác ấy ngây ngây dại dại vì sướng. Nịnh là phải để người khác sướng, nhưng phải đầy kỹ thuật để không bị phô. Thế là trước khi bay, bác ấy điện thoại kêu Tony: “Mày cho tài xế đánh con xe ra đón, nhớ đi sớm vì anh đi hạng thương gia. Nhớ đúng giờ, anh nhắc lại này, hạng thương gia đấy nhé”. Tony: “Vâng, hạng thương gia thì em có ước mơ cả đời cũng không dám bước lên, nhất bác. Em tự hào về bác”. Bác ấy trong lòng hoan hỉ, liên tiếp cười rú lên từng hồi, vang rền cả sóng điện thoại.
Lúc đón được bác ấy thì sự cố xảy ra. Cậu tài xế gọi điện bảo là ổng đuổi em về anh à. Ổng bảo xe KIA ổng không ngồi được, kêu em về (hồi đó hãng Phượng Tím có chiếc KIA Caren). Bác ấy gọi Tony mắng sa sả: “Mày nghĩ sao mà đón anh với con KIA” rồi cúp máy cái rụp. Nghe đồn bác gọi ngay cho thằng X, thằng Y, thằng Z để đánh con Mẹc hay con Cam rì ra đón. Toàn là các nhà cung cấp nên bác ấy nghĩ mình là người mua, là chiếu trên nên “gọi phát ra ngay”. Nhưng bữa đó xui, thằng X tắt máy ngoài vùng phủ sóng, thằng Y xe đang đi công tác, thằng Z chắc đang tắm gội gì đó máy reng hoài không bắt. Đâu 30 phút sau, bác ấy gọi lại Tony: “Thôi mày cho xe qua đón đi, KIA cũng được”. Tony nói ngay: “Em rất tiếc bác ơi, tưởng bác không đi nên em cho đi bảo trì rồi, hai tiếng nữa mới xong, giờ sao bác nhỉ? Em phải làm sao?”. Bác ấy giận dữ: “Trăng sao gì, giờ tao phải đi taxi về khách sạn thôi, chứ ngồi đây hai tiếng có mà chết à?”.
Hôm sau mình đi café với bác ấy. Gặp một chủ doanh nghiệp khác cùng ngành, cũng vừa vào Sài Gòn công tác, sẵn café luôn. Anh này nhìn mình đầy vẻ khinh khỉnh. Vì Tony còn nhỏ quá, ăn mặc tầm thường, chỉ có gương mặt thì tương đối thanh tú.
“Chào anh, nhà anh ở đâu ấy nhỉ?” – Tony đon đả làm quen. “Biệt thự Hồ Ba Bể” – Anh đáp, không chủ ngữ vị ngữ gì, chắc quên ngữ pháp tiếng Việt.
Câu đầu tiên anh ấy hỏi lại mình là: “Thế chú mày nhà cửa ở đâu, có ở Phú Mĩ Hưng không? Sài Gòn mà không Phú Mĩ Hưng thì vứt”. Mình nghĩ đến cái chung cư bé nhỏ của mình, nên mếu máo hỏi lại: “Theo anh, em nên vứt đi đâu?” Anh ấy phì cười: “Ối thằng này trả lời buồn cười nhưng cũng là đứa khá”.
Chuyện trò một chút thì anh ấy hỏi: “Thế chú mày có biết chơi gôn không, trong này thấy chả ai biết chơi gôn, chán thế không biết, chắc mai lại phải về, một ngày anh không đi nghe hòa nhạc hay đi đánh gôn là không chịu được”. Anh vừa nói vừa móc cứt mũi trét vào gầm bàn. Mình chỉnh ngay vì mình vốn khá ngoại ngữ: “Ý là nói là golf hả? Góp-phừ, anh phát âm theo em, góp-phừ, không phải gôn, phừ đọc nhẹ thôi”.
Anh ấy, ngoại ngữ là thế yếu nên xìu xuống, ngoan ngoãn phát âm theo như một cậu học trò. Thấy đối phương choáng nhẹ, Tony bèn nói: “Dạ, cái đấy lâu rồi em không chơi nữa anh à, bây giờ mấy đứa cháu của em nó chơi, anh muốn chơi không thì em bảo nó qua đón anh đi”. Anh ta tái mặt lại, những cũng vớt vát: “Thế bây giờ đằng ấy…chơi…gì?”.
À, thưa anh, bây giờ chúng em chơi Boomerang, phát âm theo em, búm-mơ-răng”. Anh ấy vội phát âm theo, búm-mơ-zăng, môi răng rung bần bật vì sợ sai. Tony: “Anh vui lòng phát âm cho đúng, răng không phải zăng”. “Thế cái đó thế nào, anh chơi được không?”. Anh ấy hỏi, nước mắt bắt đầu lưng tròng. Tony bảo: “Dạ được, nhà anh nếu có ít nhất 200 mét ngang thì chơi được, ném cái này đi, phải có không gian. Mốt quí tộc trên thế giới bây giờ. Chứ đi nước ngoài, mình nói đang chơi góp-phừ, người ta sẽ khinh cho đấy”.
Anh hoảng hốt, nói: “Anh nhớ rồi, anh nhớ rồi, anh sợ bị khinh lắm. Làm gì để người ta không khinh, anh làm ngay. Thú thật với em cầm cây gậy đánh gôn, à không, góp-phừ, anh thấy chả thích, cầm điếu cày hút thuốc lào sướng hơn. Nhưng cứ phải chơi em ạ, anh khộ lắm”. Rồi anh bật khóc như một đứa trẻ. Vì anh quá khộ.
Tony nói: “Em sẽ giúp anh làm đại gia quốc tế chứ đại gia Hồ Ba Bể ăn thua gì”. Anh mừng rỡ gạt nước mắt: “Nhớ nhé, giúp anh nhé” rồi chặc lưỡi: “Biệt thự của anh to vật vã, nhưng 200 mét ngang thì không tới”. Tony kết luận: “Vậy khỏi nghĩ đến uổng công a à, anh chỉ chơi góp-phừ thôi, không thì anh nên bán đi, mua chung cư mà ở”. Anh ấy nói ừ ừ, anh về bán ngay nhà biệt thự. Nói đoạn, anh vội lẩm bẩm tập phát âm: góp phừ, búm mơ zăng, góp răng, búm mơ phừ…
Lúc này thì Tony mới quan sát kĩ. Giữa quán café máy lạnh, một anh trung niên ăn mặc bảnh bao, với hàm răng vẩu (hô) nhẹ, xỉn màu tê-ra-xi-lin của thế hệ cuối 6x, giữa các kẽ răng có chút ít màu đen thuốc lào, khe khẽ tập phát âm tiếng Anh, “răng”, “phừ”. Đôi vai nấc rung lên rung xuống theo nhịp 2/4 do vừa khóc xong, ai cũng thấy dễ thương bà đáng yêu đến lạ.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.