Lời Từ Chối Hoàn Hảo

Bước 1 KHÁM PHÁ ĐIỀU BẠN ĐỒNG THUẬN



˝Trong sáng tạo, khó khăn duy nhất là bắt đầu, cho dù đó là một nhánh cỏ hay mội cây sồi˝.

 — James Russell Lowell

Có lẽ sai lầm lớn nhất chúng ta mắc phải khi Từ chối bắt đầu từ chính lời Từ chối. Lời Từ chối của chúng ta xuất phát từ sự không ủng hộ những yêu cầu hoặc hành động của người khác. Để có được một lời Từ chối tích cực, chúng ta phải thực hiện những điều hoàn toàn trái ngược, đặt Từ chối vào những điều mình Đồng thuận. Thay vì bắt đầu bằng từ Không, hãy bắt đầu bằng từ Có. Đưa ra lời Từ chối căn cứ vào một sự Đồng thuận sâu sắc hơn – Đồng thuận với chính mối quan tâm căn bản của bạn và những điều thật sự quan trọng.

Tôi học được bài học này từ một người họ hàng của tôi, một người nghiện rượu nặng và trong một tai nạn ô tô đã suýt phải trả giá bằng chính mạng sống của mình và những người khác. Anh đã rất nhiều lần cai rượu nhưng chưa lần nào thành công. Ở tuổi 60, khi không còn ai hy vọng anh có thể bỏ được rượu nữa, chính anh lại có nghị lực cai rượu. Bí mật là gì? Anh nói: ˝Khi tôi có đứa cháu đầu tiên, tôi muốn sống lâu hơn để chứng kiến nó trưởng thành. Đó chính là động lực giúp tôi cai rượu. Hơn 15 năm nay, tôi chưa uống một giọt rượu nào˝. Mong muốn được nhìn thấy, chơi đùa và chứng kiến cháu trưởng thành đã thúc đẩy anh bỏ rượu. 

Câu chuyện của anh minh chứng cho một sự thật ngược đời diễn ra hàng ngày: sức mạnh Từ chối xuất phát từ chính sức mạnh của những gì bạn Đồng thuận. 

Những gì bạn Đồng thuận là mục đích sâu xa khiến bạn Từ chối. Bước đầu tiên của phương pháp này là khám phá điều bạn Đồng thuận đằng sau Từ chối của bạn. Càng đi sâu vào động lực chính, thỏa thuận của bạn càng thuyết phục và lời Từ chối càng dứt khoát.

TỪ PHẢN ỨNG LẠI ĐẾN CHỦ ĐỘNG PHẢN ỨNG

Trở ngại lớn nhất để Từ chối thành công không phải xuất phát từ người khác mà từ chính chúng ta. Xu hướng bản năng của chúng ta là phản ứng lại – phản ứng với cảm xúc mạnh nhưng lại không có mục đích rõ ràng. Và lời Từ chối của chúng ta cũng có xu hướng phản ứng lại. Chúng ta chấp nhận thỏa hiệp để thoát khỏi sợ hãi và tội lỗi. Chúng ta tấn công để thoát khỏi giận dữ. Chúng ta tránh né để thoát khỏi sợ hãi. Để thoát khỏi bẫy này, chúng ta cần phải chủ động phản ứng, hướng về phía trước và có mục đích. 

Thách thức này được thể hiện rất sinh động trong một câu chuyện cổ của Nhật về một samurai và một người đánh cá. Một hôm, vị samurai đến thu nợ của người đánh cá. Người đánh cá nói: ˝Tôi xin lỗi, nhưng năm vừa qua thật tệ, tôi không có đồng nào để trả ngài˝. Vị samurai nổi nóng, rút kiếm ra định giết người đánh cá ngay lập tức. Rất nhanh trí, người đánh cá nói: ˝Tôi cũng đã học võ và sư phụ tôi khuyên không nên đánh nhau khi đang tức giận˝.

Vị samurai nhìn người đánh cá một lúc, sau đó từ từ hạ kiếm xuống. ˝Sư phụ của ngươi rất khôn ngoan. Sư phụ của ta cũng dạy như vậy. Đôi khi ta không kiểm soát được nỗi giận dữ của mình. Ta sẽ cho ngươi thêm một năm để trả nợ và lúc đó chỉ cần thiếu một xu thôi chắc chắn ta sẽ giết ngươi˝.

Vị samurai trở về nhà khi đã khá muộn. Ông nhẹ nhàng đi vào nhà vì không muốn đánh thức vợ, nhưng ông rất bất ngờ khi thấy vợ mình và một kẻ lạ mặt mặc quần áo samurai đang ngủ trên giường. Nổi điên lên vì ghen và giận dữ, ông nâng kiếm định giết cả hai, nhưng đột nhiên lời của người đánh cá văng vẳng bên tai: ˝Đừng hành động khi đang giận dữ˝. Vị samurai ngừng lại, thở sâu, sau đó cố tình gây ra tiếng động lớn. Vợ ông thức dậy ngay lập tức, kẻ lạ mặt cũng vậy, hóa ra đó chính là mẹ ông.

Ông gào lên: ˝Chuyện này là sao vậy. Suýt nữa con đã giết cả hai người rồi!˝

Vợ ông giải thích: ˝Vì sợ kẻ trộm lẻn vào nhà nên thiếp đã cho mẹ mặc quần áo của chàng để dọa chúng˝.

Một năm sau, người đánh cá gặp lại vị samurai. ˝Năm vừa qua thật tuyệt vời, tôi đến để trả nợ cho ngài đây, có cả tiền lãi nữa˝, người đánh cá phấn khởi nói.

˝Hãy cầm lấy tiền của ngươi đi˝. Vị samurai trả lời. ˝Ngươi đã trả nợ rồi˝.

Khi muốn Từ chối, hãy nhớ đến bài học của vị samurai: đừng hành động khi đang tức giận hoặc đang có những cảm xúc tiêu cực như sợ hãi hay tội lỗi. Trong tình huống này, hãy thở sâu, tập trung vào mục tiêu – sự thỏa thuận. Tự hỏi xem mình thật sự muốn gì và điều gì thật sự quan trọng. Nói cách khác, chuyển từ phản ứng tập trung vào Từ chối sang chủ động phản ứng tập trung vào thỏa thuận. 

Chương này giúp bạn vạch ra một quy trình. Giống như vị samurai đã làm, bạn hãy bắt đầu bằng cách dừng lại và trấn tĩnh. Sau đó, hãy tự hỏi chính mình tại sao. Tại sao bạn muốn Từ chối? Lợi ích sâu xa, nhu cầu, giá trị của bạn là gì? Khi đã có câu trả lời, bạn có thể định hình được những điều bạn Đồng thuận của mình với ý định bảo vệ những điều quan trọng nhất với bạn.

KHOAN: HÃY ĐI RA BAN CÔNG

Chúng ta sẽ không thể gây ảnh hưởng lên người khác nếu trước tiên chúng ta không tự kiểm soát được các phản ứng và tình cảm tự nhiên của mình.

Khi chúng ta muốn Từ chối một thái độ khó chịu hay một yêu cầu không chính đáng, đương nhiên là chúng ta cảm thấy bực mình. Nhưng sự giận dữ có thể khiến con người mù quáng. Khi Từ chối vội vàng, giận dữ và đôi khi thái quá, chúng ta sẽ dễ dàng mất đi những lợi ích có thể có. Quá sợ hãi có thể sẽ cản trở chúng ta theo đuổi mục tiêu của mình. Hãy thử tưởng tượng xem phản ứng của người khác thế nào khi chúng ta Từ chối. Họ sẽ nghĩ thế nào về chúng ta hay làm gì với chúng ta? Điều gì sẽ xảy ra với mối quan hệ đó, với công việc đó và quyền lợi của chúng ta? Chúng ta thấy tê liệt vì sợ, chúng ta điều chỉnh cách ứng xử và từ bỏ cái mình cần. Những điều tội lỗi cũng gây ra tác động tương tự. Tôi là ai mà có quyền Từ chối? Tôi không có quyền đòi hỏi cho riêng mình.Nhu cầu của họ quan trọng hơn của tôi.

Sự giận dữ có thể khiến người ta mù quáng, nỗi sợ hãi có thể khiến người ta tê liệt và tội lỗi có thể khiến người ta yếu đuối.

Vì thế, thử thách đầu tiên mà ta phải đối mặt là con người bên trong mỗi chúng ta. Hãy nhớ lại ví dụ về John – người đàn ông đã Từ chối người cha độc đoán và cũng là chủ của anh. John đã nói: Tôi không muốn chống lạibố tôi, tôi chống lại nỗi sợ hãi của mình! John ý thức được rằng trở ngại thật sự để đạt được điều mình mong muốn không phải là bố anh mà là nỗi sợ hãi của chính mình. Về cơ bản, mọi nỗi sợ hãi hầu như không còn khi tôi nói chuyện với ông ấy. Đó là điểm mấu chốt. Trước khi bạn Từ chối thì hành động đứng lên phản kháng đã có trong bạn rồi.

Hành động bên trong này của bạn bắt đầu bằng việc ngừng lại. Việc ngừng lại rất quan trọng vì nó ngăn không để bạn phản ứng tự nhiên, cho bạn thời gian để suy nghĩ, và do đó sẽ giúp bạn khám phá ra sự Đồng thuận của mình. Bạn có thể ngừng lại một giây, một giờ, một ngày hay bao lâu cũng được. Vấn đề là dừng lại và sau đó phải có một ý niệm về hoàn cảnh trước khi Từ chối.

Tôi thích sử dụng phép ẩn dụ đi ra ban công. Ban công được hiểu là một trạng thái tâm lý khác mà bạn có thể có bất kỳ lúc nào mình muốn. Hãy tưởng tượng bạn đang là một diễn viên trên sân khấu và sắp sửa nói lời thoại – Từ chối. Giờ thì tưởng tượng bạn đang ở trên ban công nhìn ra sân khấu, nơi bạn có thể dễ dàng nhìn mọi thứ từ xa. Đây là nơi có tầm nhìn rộng, yên tĩnh và quang đãng. Từ ban công, việc khám phá ra sự Đồng thuận đằng sau lời Từ chối của bạn dễ dàng hơn nhiều.

Tôi đánh giá cao bài học này khi tôi được đề nghị điều hành một cuộc thảo luận gay go giữa các nhà lãnh đạo Nga và Chesnia vào giữa những năm 1990 về việc chấm dứt cuộc chiến ở Chesnia. Buổi thảo luận này diễn ra ở Peace Palace, The Hague, trong cùng một phòng hội thảo sử dụng cho tòa án quốc tế về tội phạm chiến tranh ở Nam Tư cũ. Phó tổng thống Chesnia bắt đầu bài diễn thuyết bằng cách đưa ra một loạt cáo buộc người Nga. Ông nói rằng họ nên ở trong căn phòng đó vì họ sẽ sớm bị xét xử vì tội ác chiến tranh. Sau đó, ông ta quay sang nhìn thẳng vào mắt tôi và bắt đầu công kích: Người Mỹ các ông đã hậu thuẫn người Nga phạm tội ác chiến tranh! Hơn nữa, các ông đang vi phạm quyền tự quyết của người dân Puerto Rico! Khi ông ta tiếp tục lời cáo buộc, những người khác ngồi quanh bàn nhìn xem tôi sẽ đáp lại thế nào. Tôi sẽ Từ chối lời cáo buộc này?

Tôi cảm thấy đang ở thế phòng thủ và bị rối trí, tôi nghĩ: Mình không thích cuộc nói chuyện diễn ra theo chiều hướng này. Tại sao ông ta lại công kích mình? Mình chỉ đang cố giúp đỡ. Puerto Rico ư? Tôi biết gì về Puerto Rico?˝ Tôi bình tĩnh trở lại. Tôi có nên đáp lại tương tự không? Tôi có nên lặng thinh không?

May mắn thay, quãng thời gian để phiên dịch đã cho tôi cơ hội đi ra ban công. Tôi hít thở sâu và cố gắng bình tĩnh. Mục đích của chúng tôi là mang lại hòa bình cho người dân ở Chesnia và Nga. Đó là lời Đồng thuận của tôi. Trên cơ sở đó, tôi đã sẵn sàng để nói Từ chối đối với kiểu nói buộc tội mà chẳng dẫn tới đâu.

Khi đến lượt tôi trả lời, tôi chỉ đơn giản nói với vị Phó Tổng thống Chesnia: Tôi thấy lời chỉ trích của ông nhằm vào đất nước tôi và tôi coi đó là một dấu hiệu cho thấy chúng ta là bạn bè và có thể nói chuyện thẳng thắn với nhau. Tôi biết người dân đất nước ông đang phải chịu đựng cùng cực. Những gì chúng tôi làm ở đây là để tìm ra một biện pháp ngăn chặn những nỗi đau và đổ máu ở Chesnia. Chúng ta hãy cùng nhau tiến đến một bước đi thực tế có thể thực hiện được ngay hôm nay. Cuộc thảo luận quay lại đúng quỹ đạo. Đi ra ban công đã tạo điều kiện cho tôi tìm ra lời Đồng thuận của mình.

Nên có một quãng thời gian tạm ngưng 

Ngày nay, nguồn tài nguyên khan hiếm nhất là thời gian suy nghĩ. Hãy tìm lấy cơ hội đi ra ban công bất cứ khi nào có thể để suy ngẫm về lời Đồng thuận của mình.

Nếu bạn muốn có một quãng thời gian, những câu nói sau đây có thể rất hữu ích cho bạn. Ví dụ, khi người khác đòi hỏi không thỏa đáng, bạn có thể nói:

• Tôi xin lỗi nhưng đây không phải là lúc thích hợp để nói về điều này. Hãy nói về nó vào buổi chiều nay nhé.

• Hãy để tôi suy nghĩ về nó và tôi sẽ trả lời bạn vào ngày mai.

• Tôi cần thảo luận với đồng nghiệp đã.

• Để tôi gọi điện kiểm tra cái này trước đã.

Nếu người kia cư xử không đúng mực, bạn có thể dùng những câu như:

• Tại sao chúng ta không ngừng lại và nghỉ một chút nhỉ?

• Nghỉ 5 phút nhé.

• Tôi cần lấy một cốc cà phê khác, anh không phiền chứ?

Achok, một người bạn người Tây Tạng của tôi, đã có lần bảo với tôi: ˝Có và Không là những câu nói rất quan trọng, nhưng còn một câu khác đôi khi cũng thật sự quan trọng là Đợi một lát. Đôi khi bạn không biết làm thế nào để nói Có hay Không. Câu trả lời tốt nhất là Đợi một lát, nó cho bạn thời gian để quyết định˝. Achok nói đúng. Khôn ngoan hơn là nên đợi một lát trước khi nói Không.

Trong khi câu giờ, hãy ra khỏi phòng một lát. Dùng quãng thời gian đó để nghĩ hay thảo luận với đồng nghiệp. Hãy tưởng tượng có một khách hàng ép bạn phải giao hàng vào một ngày mà bạn nghĩ rằng sẽ không kịp. Trước mặt ông ta, bạn có thể tỏ ra Đồng thuận nhưng sau khi nói chuyện điện thoại với đồng nghiệp, bạn nhận ra đó là một sai lầm nghiêm trọng. Hãy cho mình cơ hội xem xét trước khi trả lời, nó sẽ tạo ra một sự khác biệt giữa việc nói Có gượng gạo và nói Không chủ động.

Nếu bạn cảm thấy khó chịu hay sợ hãi, hãy đi dạo một lát hoặc thực hiện bất kỳ bài tập thể dục ưa thích nào. Hãy để cho cơ bắp vận động và trái tim đập mạnh hơn, chúng sẽ giúp bạn giải tỏa bực bội và sợ hãi khi bạn phải nói Không.

Hãy lắng nghe cảm xúc

Điều khiến chúng ta phản ứng chính là do tâm trạng tiêu cực của mình. Sự sợ hãi và cảm giác làm sai điều gì đó khiến chúng ta dễ dàng thỏa hiệp và né tránh, trong khi cơn giận khiến chúng ta công kích người khác. Việc thể hiện cảm xúc chỉ hữu hiệu khi đang theo đuổi mục tiêu của mình. Trái lại, kiềm chế cảm xúc cũng không có tác dụng. Vì đó chỉ đơn thuần là chôn giấu nó, chứ không thể làm nó biến mất và nó sẽ lại xuất hiện không đúng lúc.

Nhưng có một cách thứ ba để giải quyết tâm trạng của chúng ta, ít xúc động hơn việc thể hiện ra và cũng ít ức chế hơn việc kìm nén. Phải biết được cảm xúc của mình và khi đó, bạn sẽ kiểm soát được chúng chứ không phải chúng kiểm soát bạn. Cách hiệu quả nhất để xử lý tâm trạng tiêu cực của bạn không phải là thể hiện ra mà là lắng nghe chúng.

Hãy xem xét ví dụ về một người bạn của tôi, cô rất vất vả thuyết phục cô con gái ba tuổi đến trường mẫu giáo. Cứ đến giờ đi học, cô bé lại giận dỗi và gây chuyện ỏm tỏi, khăng khăng đòi ở nhà. Người mẹ không biết nói Không để cô bé nghe theo. Người mẹ cảm thấy sầu não, bực bội, có lỗi, tức giận và chán nản, cô ở giữa hai trạng thái kiên quyết nhưng không rõ ràng (trách cứ) và tỏ ra tức giận với con gái (xao động).

Một ngày, người mẹ thực hiện một phương pháp khác. Cô chuẩn bị thời gian để nói Không và nói chuyện với bạn bè về cảm giác của mình. Với sự giúp đỡ của bạn bè, cô nhận ra được nguyên nhân lo lắng của mình là do chính nhu cầu dành tình yêu cho người thân của mình. Cô nhận ra mình lo lắng về việc đưa con tới trường xuất phát từ cảm xúc của chính bản thân khi bị mẹ cô bỏ mặc hồi còn bé. Từ khi cô biết là mình yêu con gái và việc gửi con đến trường không phải là bỏ mặc nó, cô cảm thấy thảnh thơi và không còn cảm giác lo lắng. Ngày hôm sau, cô nói Không với việc con gái cứ khăng khăng đòi ở nhà: Hôm nay con sẽ đến trường. Không chần chừ, rất nghiêm túc, chỉ là thông báo một sự thật hiển nhiên. Cô ngạc nhiên khi thấy con gái không hề phản đối hay giận hờn. Cô bé lẳng lặng tự nguyện đi đến trường.

Khi bạn biết được tâm trạng của mình bắt nguồn từ những điều sâu thẳm, một sự thay đổi nho nhỏ sẽ xảy ra, như trường hợp cô bạn tôi. Khi bạn thật sự hiểu được thông điệp ẩn giấu trong tâm trạng mình, những cảm xúc lắng xuống và bạn trở nên bình tĩnh hơn, tập trung hơn và làm việc hiệu quả hơn. Khi bạn đã thật sự lắng nghe các cảm giác của mình, bạn không cần phải thể hiện ra nữa.

Hãy bắt đầu bằng việc gọi tên nỗi sợ hãi, cơn giận hay cảm giác có lỗi của bạn. Hãy nhìn nhận chúng như là những phản ứng tự nhiên trước những đòi hỏi hay cách ứng xử của người khác. Hãy lắng nghe chúng theo cách mà bạn lắng nghe một người bạn thân. Hãy để chúng thổ lộ hết với bạn.

Hãy luôn để ý tới tâm trạng của mình như thể bạn đang là một nhân chứng trung lập: Tôi nhận thấy trong mình có cảm xúc giận dữ. Bạn không phải lạnh lùng hay xa cách, chỉ đơn giản là nghiên cứu cảm xúc của mình với sự thích thú và quan tâm như là một người bạn. Kể cho một người bạn hay ghi nó ra một tờ báo cũng là cách tốt.

Hãy nghĩ về mình như thể đang làm chủ hay trải qua những cảm xúc đó hơn là đang ở trong trạng thái đó. Hãy xem xét sự khác biệt giữa Tôi đang bực bội và Tôi thấy trong người có cảm giác bực bội. Trạng thái trước cho thấy đó chính là tâm trạng của bạn; bạn đang bực mình. Khi bạn ở trạng thái tâm lý đó, tự nhiên bạn dễ bị thôi thúc thể hiện ra. Trái lại, từ có cho phép bạn trải qua trạng thái đó mà không có cảm giác là đang có nó. Bạn làm chủ cảm giác đó; chúng không điều khiển được bạn.

LUÔN TỰ HỎI TẠI SAO

Khi bạn đã kiểm soát được tâm trạng của mình, bạn có thể tiếp tục khám phá các động lực thúc đẩy để nói Không. Một kỹ thuật đơn giản nhưng hiệu quả là luôn tự hỏi mình câu hỏi thần kỳ ˝Tại sao?˝

Khám phá mối quan tâm của bản thân 

Không là một câu trả lời chắc nịch, thể hiện điều mà bạn không muốn. Mối quan tâm, trái lại, là điều bạn muốn, ao ước, khát khao và có liên quan tới câu nói Không ẩn phía sau. Ví dụ như, bạn không Đồng thuận với việc hút thuốc trong văn phòng là vì bạn muốn có một bầu không khí trong lành và một buồng phổi khỏe mạnh. Mối quan tâm là một nhân tố tác động thầm lặng đằng sau sự không đồng tình của bạn. Mối quan tâm, nói cách khác, là lời đồng tình với chính bản thân bạn.

Hãy nghĩ chính xác những gì mà bạn sẽ nói Không. Đâu là những yêu cầu và đòi hỏi mà bạn không chấp nhận? Đâu là cách cư xử mà bạn thấy là bất lịch sự hay xúc phạm? Hãy hình dung chúng chính xác và rõ ràng trong đầu.

Bây giờ, hãy tự hỏi mình điều gì ẩn giấu đằng sau lời nói Không. Câu trả lời không phải lúc nào cũng rõ ràng. Chúng ta luôn biết rõ quan điểm của mình nhưng không phải lúc nào cũng tìm hiểu xem điều mình muốn là gì.

Tôi nhớ trong một lần tham gia vào một phiên dàn xếp, tôi có vài ngày làm việc với những người lãnh đạo của một phong trào ly khai. Họ đã chiến đấu 25 năm vì độc lập cho dân tộc. Nói cách khác, họ đã đưa ra lời nói Không rất dõng dạc và dứt khoát. Câu hỏi đầu tiên mà tôi dành cho họ là: ˝Tôi hiểu quan điểm của các ông: độc lập. Nhưng hãy cho tôi biết về điều các ông muốn. Nói cách khác, tại sao các ông muốn độc lập? Các ông hy vọng nền độc lập sẽ mang lại điều gì?˝ Sau đó là một sự im lặng kéo dài. Họ đã rất vất vả để trả lời câu hỏi đó.

Những người lãnh đạo biết rất rõ quan điểm của họ. Nhưng sự thật là họ không thể nói rõ về điều mình muốn. Liệu có phải mối quan tâm chính của họ là kinh tế – một phần chia công bằng cho nguồn tài nguyên thiên nhiên trù phú của khu vực? Đó có phải là chính trị – có thể tự mình xử lý công việc và bầu một quốc hội riêng? Đó có phải là vấn đề an ninh – có thể bảo vệ người dân khỏi những mối đe dọa? Điều họ thật sự muốn là gì và thứ tự ưu tiên như thế nào? Họ đã chiến đấu nhiều năm, hàng nghìn người đã chết, nhưng họ vẫn chưa suy nghĩ thấu suốt và có hệ thống về việc tại sao họ lại chiến đấu.

Việc tìm hiểu sâu xem quan điểm của mình thế nào sẽ giúp bạn biết được điều mình muốn và việc luôn tự hỏi ˝Tại sao?˝ không chỉ đơn thuần là việc luyện tập theo lý thuyết. Rất khó có thể thỏa mãn nhu cầu của bạn nếu như bạn không chắc chắn về chúng. Những người lãnh đạo ở trên, như họ tự công nhận, hầu như không có khả năng biến quan điểm độc lập của mình thành sự thật bằng biện pháp quân sự. Tuy nhiên, bằng một biện pháp ôn hòa, họ có thể có cơ hội giành được sự công nhận quyền tự chủ và kiểm soát các nguồn tài nguyên thông qua một hiệp ước, tổ chức một cuộc bầu cử dân chủ mà họ tin chắc mình chiến thắng. Việc kiểm soát được tình hình chính trị ở đó sẽ giúp họ tiến một bước xa hơn trên con đường đến mục tiêu giành độc lập. Biết được điều thật sự mong muốn ẩn giấu bên dưới quan điểm của mình có thể sẽ giúp họ có được một thỏa ước hòa bình với đối phương.

Việc luôn tự hỏi mình câu hỏi tại sao là rất cần thiết vì điều này mang lại cho bạn khả năng nói Không hiệu quả, không phải là quan điểm của bạn mà là điều ẩn sau đó: điều bạn muốn, câu trả lời Có.

Nên nhớ rằng câu trả lời Không mang lại ba món quà tuyệt vời có thể giúp bạn nhận thức được điều mình muốn. Hãy tự hỏi mình:

• Tôi đang mong muốn làm được điều gì qua việc nói Không? Còn những việc gì khác hay người nào khác mà tôi muốn nói Đồng thuận không? 

• Tôi đang mong muốn che giấu điều gì qua việc nói Không? Điều nào mà tôi muốn nhất sẽ bị đe dọa nếu tôi nói Không hay chỉ đơn giản là tiếp tục chịu đựng cách đối xử của người khác?

• Tôi đang mong muốn thay đổi điều gì qua việc nói Không? Có gì không ổn trong cách cư xử (hay tình hình) hiện giờ và điều gì sẽ được cải thiện nếu cách cư xử (hay tình hình) đó thay đổi?

Hãy khám phá điều bạn cần

Việc tìm hiểu rõ tham vọng của mình rất hữu ích. Khi bạn liệt kê những điều mình muốn, thật sự là bạn đang liệt kê những điều mình thích, những mối quan tâm, mối quan tâm trong đời sống thường nhật. Chúng ta muốn văn phòng của mình phải thật tiện nghi, các vụ làm ăn phải có lãi, kỳ nghỉ phải thật thoải mái, và giá cả thì phải chăng. Nếu tìm hiểu sâu hơn, ta sẽ thấy phía sau những ham muốn này là một nhóm tham vọng – nhu cầu của chúng ta. 

Nhu cầu là ngọn nguồn thôi thúc, tác động đến cách cư xử của con người. Năm nhu cầu cơ bản nhất của con người là:

• Sự an toàn và tồn vong

• Đồ ăn, thức uống và những nhu yếu phẩm khác

• Người thân và tình thương

• Sự tôn trọng và ý nghĩa

• Tự do và làm chủ vận mệnh của mình

Những nhu cầu cơ bản của con người nằm ẩn giấu bên trong cách cư xử thường nhật. Hãy tưởng tượng cấp trên yêu cầu bạn làm việc cả những ngày cuối tuần trong ba tuần liên tục và bạn muốn Từ chối vì vợ chồng bạn có một kế hoạch đi chơi xa. Điều bạn muốn, bạn nghĩ tới đầu tiên, là đi chơi xa theo đúng kế hoạch và không phải làm việc quá sức. Nhưng để tìm ra những nhu cầu cơ bản, bạn phải tự hỏi tại sao bạn thật sự muốn nói Không. Đằng sau việc bạn muốn đi chơi xa là việc bạn muốn củng cố mối quan hệ vợ chồng, và sâu hơn nữa là những nhu cầu cơ bản cho người thân và người mình yêu. Đằng sau việc bạn muốn giữ nguyên những kế hoạch của mình là những nhu cầu cơ bản về tự chủ và quyền quyết định vận mệnh của chính mình. Đằng sau cảm giác giận dữ vì phải làm việc nhiều là nhu cầu căn bản về sự tôn trọng.

Một giám đốc bán hàng, từng tham gia hội thảo của tôi, đã gặp khó khăn khi nói Không với khách hàng lớn nhất của mình, người liên tục ép anh phải giảm giá. Tôi đã hỏi anh: ˝Điều gì ẩn giấu dưới việc nói Đồng thuận?˝

˝Duy trì nguồn thu nhập ổn định˝, anh trả lời.

˝Nhưng tại sao?˝, tôi hỏi dồn anh.

˝Lợi nhuận˝, anh đáp.

˝Nhưng tại sao anh muốn những khoản lợi nhuận đó?˝, tôi lại hỏi.

˝Để tất cả chúng ta đều có việc làm˝, anh nói, và chỉ về phía các đồng nghiệp, ˝và tôi có tiền nuôi cả gia đình˝. Tất cả đều là vì những nhu cầu cơ bản này. Câu Từ chối của anh giám đốc bán hàng đối với đòi hỏi của khách hàng đã trở nên dứt khoát hơn vì nó xuất phát từ những điều mà anh yêu quý nhất.

Việc đào sâu khám phá những nhu cầu cơ bản của bạn sẽ được đền đáp xứng đáng. Càng đào sâu, bạn càng có nhiều khả năng đến được gốc rễ của vấn đề, nó sẽ giúp cho lời Từ chối của bạn có cơ sở vững chắc hơn.

Để khám phá ra những nhu cầu của mình, bạn hãy lắng nghe cảm xúc của bản thân. Những cảm xúc này cũng có trí thông minh – là ngôn ngữ mà những nhu cầu căn bản của bạn dùng để báo hiệu rằng chúng không được đáp ứng. Nỗi sợ hãi cảnh báo chúng ta trước những mối đe dọa tiềm tàng. Cơn giận cho chúng ta biết có gì đó sai trong tình hình hiện thời và cần sửa chữa. Cảm giác có lỗi cảnh báo chúng ta phải nhạy cảm với những mối quan hệ quan trọng. Cảm giác bất an cảnh báo rằng thỏa thuận chúng ta đang ký kết cần phải xem xét lại. Nếu chúng ta lắng nghe những cảm xúc này chứ không phải là phản ứng lại chúng, chúng ta sẽ thu được những lợi ích lớn.

Điều này bắt nguồn từ kinh nghiệm của chính tôi. Tôi đã học cách lắng nghe cảm xúc của mình khi tôi gặp phải một vấn đề quan trọng như có nên chấp nhận làm một công việc nào đó không. Tôi nhận thấy những cảm giác này vô cùng chính xác, chúng cho tôi biết những nhu cầu của mình mà tôi chưa nghĩ tới. Ví dụ như nếu tôi cảm thấy khó chịu khi phải chấp thuận một dự án mới, điều đó đồng nghĩa với việc tôi phải coi nhẹ nhu cầu dành cho gia đình hay bản thân.

Hãy coi tâm tư tình cảm của bạn như những tấm biển báo, chỉ cho bạn những nhu cầu cốt lõi. Thay vì là kẻ thù, những tâm tư của bạn có thể trở thành đồng minh, vì có thể giúp bạn tìm ra câu trả lời Đồng thuận.

Khám phá các giá trị của bản thân bạn

Đồng hành với các nhu cầu làm bạn bị ảnh hưởng là các giá trị thôi thúc bạn. Các giá trị là các nguyên tắc và niềm tin dẫn đường cho cuộc sống của bạn. Chúng được gợi lên bằng những câu đại loại như ˝Luôn hành động chính trực˝ hay ˝Hãy đối xử với mọi người công bằng˝. Trong khi nhiều giá trị biến thiên từ nền văn hóa này sang nền văn hóa khác, từ cá thể này sang cá thể khác thì có một số giá trị nhất định được công nhận rộng rãi trên toàn thế giới, bao gồm: sự lương thiện, tính chính trực, lòng tự trọng, sự khoan dung, sự tốt bụng, tình đoàn kết, sự công bằng, lòng can đảm và hòa bình.

Các giá trị có thể là động lực mạnh mẽ giúp bạn nói Không. Mọi người thường cảm thấy dễ dàng hơn khi dựa trên quan điểm nhân danh một điều gì đó lớn lao, hơn là khi dựa trên quan điểm của mình.

Đây là câu chuyện về Sherron Watkins, nhân viên của tập đoàn Enron. Cô đã can đảm viết một bản thông điệp gửi tới Chủ tịch hội đồng quản trị Kenneth Lay. Trong đó, cô thể hiện sự lo lắng của mình về hoạt động kế toán vô nguyên tắc và bất hợp pháp đang diễn ra trong công ty và cảnh báo rằng công ty ˝có thể bị cuốn vào một làn sóng bê bối về kế toán˝. Không ai chú ý đến bản thông điệp này và sau đó tập đoàn khổng lồ trong ngành năng lượng đã bị phá sản và bị điều tra hình sự, khiến hàng nghìn nhân viên vô tội mất việc làm và thu nhập. Mặc dù không thể cứu được Enron nhưng hành động can đảm đứng lên bảo vệ lẽ phải của Sherron đã được đông đảo mọi người biết tới. Cô được tạp chí Times bình chọn là người tiêu biểu của năm và là hình mẫu khích lệ những người khác hành động để đề phòng những Enron khác trong tương lai.

Trong việc nói Không với hoạt động kế toán vô nguyên tắc và bất hợp pháp ở Enron, Sherron Watkins đã nói Có với các giá trị trung thực và chính trực của mình mặc dù cô biết là mình sẽ bị đuổi việc. ˝Không có sự lựa chọn giữa việc Sherron có nên gửi bản thông điệp đó hay không. Nó biết nó phải nói điều gì đó˝, mẹ cô cho tờ Bưu điện Washington biết. Câu chuyện của Sherron Watkins chứng minh, việc khám phá các giá trị cốt lõi của bản thân có thể mang lại động lực cần thiết để đưa ra một lời nói Không tích cực và dứt khoát.

Hãy luôn tìm tòi

Khi bạn khám phá được những nhu cầu và giá trị của bản thân, sẽ rất có ích nếu bạn tự hỏi: Điều gì thật sự có ý nghĩa? Đâu là ưu tiên thật sự của mình?

Việc nói Không thường kéo theo sự ngờ vực chính mình và sự lo lắng. Bạn sẽ tự hỏi: ˝Thật sự mình có thể làm được việc đó không, và nếu mình nói Không, mình có thể tiếp tục làm vậy không?˝ Để đương đầu với sự cắn rứt lương tâm, việc đào sâu tìm hiểu chính bạn, bản ngã của bạn là rất cần thiết, chắc chắn và thuyết phục nhất. Như trường hợp của John, một ví dụ được nhắc đến ở phần đầu, anh đã đào sâu tìm tòi để có lòng tự trọng nói Không với cha mình. Bạn cũng có thể làm vậy để có được sự tự trọng và nói Không.

Hãy luôn tìm tòi. Đâu là mục đích thật sự của bạn? Điều gì sự thật và đúng đắn đối với bạn? Thông điệp nào mà trái tim và tâm hồn bạn muốn gửi gắm?

Một người quản lý thâm niên mà tôi biết đã nhận được một lời đề nghị thăng tiến rất hấp dẫn trong công việc, nhưng ông ta sẽ phải đi xa gia đình. ˝Tôi có các con nhỏ˝, ông ta kể với tôi, ˝Vì thế, mặc dù rất tiêc khi bỏ qua cơ hội này, nhưng tôi vẫn nói Không˝. Ông nói Không để có cơ hội ở gần các con. Con cái là điều quan trọng nhất với ông. May mắn là không lâu sau đó, ông nhận được một công việc khác mà ông làm việc gần nhà.

Cách này không chỉ áp dụng cho từng cá nhân riêng lẻ mà cho cả các lãnh đạo tổ chức hay quốc gia, những người phải nhận thức được đâu là ưu tiên thật sự. Đây cũng là thách thức mà James Burke, Chủ tịch công ty dược phẩm Johnson&Johnson, gặp phải khi ông biết có một đứa trẻ và sáu người lớn đã tử vong vì ngộ độc do uống thuốc Tylenol. Dường như ai đó đã pha loại xyanua chết người vào những viên thuốc con nhộng này và để nó trong giá bán hàng. Tylenol là sản phẩm mang lại lợi nhuận lớn nhất cho công ty, chiếm tới 35% thị phần loại thuốc giảm đau được bán không kê đơn. Câu hỏi đặt ra là có nên thu hồi số thuốc này trên quy mô toàn quốc hay không. Rất nhiều chuyên gia trong và ngoài công ty cho rằng vụ việc chỉ xảy ra trong khu vực Chicago và việc đầu độc này không phải do lỗi của Johnson&Johnson. Nhưng Burke và các đồng sự biết chính xác mình phải làm gì. Họ yêu cầu toàn bộ hệ thống phân phối sản phẩm phải thu hồi hết số thuốc trong các quầy hàng của các nhà thuốc và cửa hàng dược phẩm. Hơn thế nữa, họ còn đề nghị đổi tất cả số thuốc con nhộng Tylenol mà người dân đã mua lấy loại Tylenol viên trong vỉ. Quyết định này được đưa ra ngay lập tức và tiêu tốn của công ty 10 triệu đô-la. Thực tế là công ty đã nói Không với việc tiếp tục bán Tylenol cho đến khi chắc chắn là có thể đảm bảo an toàn cho khách hàng.

Lời nói Không can đảm và sáng suốt này xuất phát từ đâu? Như Burke và các đồng sự giải thích, nó xuất hiện ngay khi họ xem lại bản cương lĩnh của công ty do vị chủ tịch nhìn xa trông rộng Robert Wood Johnson viết 40 năm trước: ˝Chúng ta nhận thức được rằng, trách nhiệm đầu tiên của chúng ta là đối với các bác sĩ, y tá và bệnh nhân, với những người mẹ, người cha và với tất cả những ai sử dụng sản phẩm và dịch vụ của chúng ta˝. Tất nhiên, lợi nhuận rất quan trọng nhưng cũng chỉ đứng thứ hai sau sức khỏe và sự an toàn của khách hàng. Biết và tin vào những giá trị cốt lõi này, tập thể công ty biết phải làm gì và những gì sẽ đến sau quyết định thu hồi sản phẩm.

Còn hậu quả? Trái ngược với lẽ thường là nhãn hiệu Tylenol sẽ không thể hồi phục sau tai họa này, nó đã được bán trở lại chỉ trong vòng vài tháng sau đó với tên cũ trong một loại chai bảo vệ và đạt được sự phục hồi doanh số và thị phần đáng ngạc nhiên. Điều lẽ ra đã trở thành thảm họa phá hoại lòng tin của công chúng vào Johnson&Johnson thì nay lại góp phần củng cố sự chính trực và uy tín của công ty trong mắt công chúng.

Vì thế, khi bạn chuẩn bị nói không, việc noi gương James Burke và xem xét lại sứ mệnh căn bản và giá trị cốt lõi sẽ mang lại hiệu quả. Bạn và tổ chức của bạn thật sự đại diện cho điều gì? Đừng chỉ nghĩ về những lợi ích trước mắt và mong muốn hiện thời mà hãy nghĩ về những lợi ích lâu dài. Chúng ta sẽ được đền đáp xứng đáng khi lắng nghe ˝phần thiện trong con người ta˝, như trong một câu nói nổi tiếng của Abraham Lincoln, giống như Burke và các đồng sự đã làm.

Việc tìm ra ngọn nguồn của lời nói Không và liên hệ với chúng là mục tiêu. Bạn càng đi sâu tìm hiểu về điều bạn Đồng thuận (là tất cả những gì bạn Đồng thuận), bạn sẽ càng nói Không dứt khoát.

HÃY KẾT TINH NHỮNG ĐIỀU BẠN ỦNG HỘ 

Bây giờ bạn đã khám phá được điều mình thật sự mong muốn, nhu cầu và giá trị của bản thân, bạn có thể kết tinh nó thành câu nói Có hiệu quả. Câu nói  là mục đích để bảo vệ và phát huy lợi ích cơ bản của bạn. Bạn xuất phát từ các nhu cầu và giá trị; và dự định là điểm đến của bạn. Mục đích bổ sung yếu tố cam kết vào mối quan tâm của bạn. Bạn không chỉ có những mối quan tâm; bạn phải cam kết thực hiện chúng. ˝Sức mạnh thật sự không phải là sức mạnh thể chất. Nó có được từ một ý chí không thể bị khuất phục˝, Mahatma Gandhi đã nói như vậy. Có vài điều trong cuộc sống này cũng mạnh mẽ như một dự định rõ ràng.

Những mục đích mạnh mẽ nhất rất tích cực. Chúng ủng hộ, chứ không chống đối bạn. Hãy nghĩ tới Nelson Mandela, người đã dành hơn 40 năm đấu tranh chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc A-pac-thai ở Nam Phi. Nhan đề cuốn tự truyện của ông cho thấy mục đích tích cực đã giúp ông trải qua hàng thập kỷ đấu tranh và tù tội. Ông quyết định không đặt tên cho cuốn hồi ký của mình là Sải bước rời khỏi A-pac-thai mà là Sải bước tới Tự do. Cam kết lớn nhất của ông không phải là chống lại chủ nghĩa A-pac-thai mà là ủng hộ tự do – tự do cho bản thân ông, người dân đất nước ông và thậm chí cho cả những kẻ thù của ông.

Kết tinh thành mục tiêu duy nhất 

Mục tiêu của bạn không phải là điều bạn nghĩ ra mà là điều bạn kết tinh từ những mối quan tâm, nhu cầu và giá trị. Điều có thể mang lại sức mạnh thật sự cho lời nói Không của bạn chính là việc kết tinh tất cả những động lực thành một mục tiêu tập trung, duy nhất – lời nói Có. Nếu những mối quan tâm của bạn là rễ cây, thì gốc cây, nơi các rễ cây mọc ra, là mục tiêu của bạn.

Hãy bắt đầu bằng cách lập ra một danh sách các mối quan tâm khiến bạn muốn nói Không, sau đó tổng hợp lại trong một cụm từ nói lên đúng nhất bản chất của chúng. Với trường hợp của John, người nói Không với người cha độc đoán, cụm từ đó là ˝lòng tự trọng˝. Với trường hợp người họ hàng tôi, người nói Không với rượu, cụm từ đó là ˝hãy ở bên các cháu của mình˝. Hãy tự hỏi chính bạn: ˝Mình thật sự đại diện cho điều gì?˝ Điều gì còn quan trọng hơn cả giá trị và nhu cầu mà mình cần phải bảo vệ? Đó là hạnh phúc, sự sung túc của gia đình, nhãn hiệu hàng hóa của công ty, sự chính trực của bản thân hay là một cái gì khác?

Với trường hợp của vị lãnh đạo một hệ thống khách sạn hàng đầu thế giới, câu nói Có là dành cho thương hiệu của khách sạn. Ông chủ một khách sạn nằm trong chuỗi khách sạn Caribe đòi hỏi có ngoại lệ cho chuẩn tên khách sạn khi việc xây dựng khách sạn mới gần hoàn thiện. Vị lãnh đạo nói Không không chỉ đơn thuần là về mặt sách lược mà ông nhận thức được tên khách sạn là tài sản chính của công ty. Sau đó, ông giải thích cho tôi: ˝Tên khách sạn sẽ không có ý nghĩa gì nếu chúng ta không gắn nó với chuẩn của ta˝. Bằng việc khám phá và kết tinh điều mình Đồng thuận, ông đã không gặp khó khăn khi nói Không với người chủ kia. ˝Lý do tại sao ông và những người khác muốn tên khách sạn của chúng tôi xuất hiện trên khách sạn của các ông là vì chúng tôi không có ngoại lệ cho chất lượng˝.

Vì mục tiêu của bạn thường là chung chung, nên sẽ rất hữu ích nếu bạn cho chúng những nét đặc trưng bằng cách mường tượng ra một kết quả tích cực, nó sẽ giúp bạn hoàn thành mục tiêu của mình. Bạn hãy tự hỏi mình: ˝Có giải pháp nào có thể đáp ứng được những mối quan tâm của tôi không?˝ Hãy thật tỉnh táo để hình dung ra kết quả mà bạn muốn đạt được, như một vận động viên thường làm trước mỗi cuộc thi đấu. Nó chính xác sẽ như thế nào nếu những người khác tôn trọng những nhu cầu của bạn? Việc hình dung cụ thể này giúp bạn có được sự tự tin và chắc chắn mà bạn cần để thành công.

Nó cũng giúp bạn viết ra những mục đích và thậm chí là thông báo cho bạn hay đồng nghiệp của bạn. Nó sẽ nhắc bạn nhớ đến cam kết với bản thân.

Phân biệt giữa liệu có nên và làm thế nào

Đôi khi bạn chợt nhận ra mình đang nghĩ ˝Ta muốn nói Không, nhưng ta không thể tưởng tượng ra việc nói Không với mẹ, sếp hay bạn mình˝. Chúng ta làm hỏng mục tiêu nói Không của mình trước cả khi nói ra với người khác.

˝Tôi không biết nói Không như thế nào˝, bạn có thể tự nhủ với bản thân khi một người bạn thân nhờ bạn làm giúp một việc nào đó. Lúc đó bạn không có thời gian, nhưng tâm trí bạn lại ngập tràn những suy nghĩ mình có lỗi và sợ rằng nói Không thì không đủ sức thuyết phục. Bởi vậy, bạn từ bỏ và nói OK. Rồi sau đó, bạn cảm thấy hối tiếc, oán trách và giận dữ vì nói Có là điều cuối cùng bạn muốn làm vào thời điểm đó.

Đối với nhiều người, điều này xảy ra hàng ngày. Nó xuất phát từ việc lẫn lộn giữa liệu có nên làm gì đó với làm việc đó như thế nào. Chúng ta lẫn lộn giữa câu hỏi liệu có nên nói Không với câu hỏi chúng ta sẽ nói Không như thế nào. Vì câu hỏi làm thế nào dường như là không thể, câu hỏi liệu có nên dường như đã được định sẵn. Thật sự, chúng ta thường hợp lý hóa bản thân để cảm thấy tốt hơn, ˝Đối với mình thế là ổn. Mình không thật sự cần thời gian cho riêng mình˝.

Tuy nhiên, có một giải pháp thay thế. Nó giúp phân biệt giữa liệu có nên và làm thế nào trong việc bạn đưa ra quyết định. Hãy làm rõ mục tiêu thật sự của bạn trước khi bạn cân nhắc điều mình thật sự muốn làm trong tình huống này. Khi câu hỏi liệu có nên được trả lời, bạn có thể xem xét đến câu hỏi làm thế nào.

Hãy biến các cảm xúc của bạn thành quyết tâm

Một khi bạn đã xác định rõ ràng mục tiêu, bạn cần nạp năng lượng cho nó. Năng lượng đó có thể lấy từ tâm trạng được kiểm soát tốt của bạn.

Ngoài tư cách là một tín hiệu cảnh báo về một nhu cầu không được đáp ứng, tâm trạng có một chức năng quan trọng: chúng cung cấp nhiên liệu cho các hoạt động, thúc đẩy chúng ta có hành động phù hợp để bảo vệ những mối quan tâm cốt lõi, mang lại cho ta lòng can đảm và kiên quyết. Tâm trạng, nếu được kiểm soát, có thể mang lại sức mạnh to lớn.

Vì thế, thay vì để cho tâm trạng chi phối mình, hãy khống chế và biến chúng thành quyết tâm, ý chí để nắm được những mối quan tâm không được đáp ứng và phát huy những giá trị tiềm ẩn của bạn. Mục đích tích cực của bạn không phải đến từ hư vô, mà chuyển biến từ tâm trạng của bạn.

Không ai hiểu và thể hiện quá trình chuyển biến này giỏi hơn Mahatma Gandhi. Ông không hề sử dụng vũ khí và lực lượng vũ trang mà vẫn chấm dứt được ách đô hộ kéo dài hàng thế kỷ của đế quốc Anh ở Ấn Độ. Bí mật của ông: ˝Tôi đã học được từ một kinh nghiệm cay đắng bài học lớn nhất về kiềm chế cơn giận. Nếu nhiệt chuyển hóa thành năng lượng, thì cơn nóng giận được kiểm soát cũng có thể chuyển biến thành sức mạnh có thể thay đổi cả thế giới˝.

Để biến những tâm trạng tiêu cực thành những mục đích tích cực, trước tiên bạn phải quan sát và chấp nhận tâm trạng của mình, lần tìm ngược về ngọn nguồn của chúng là những nhu cầu và mối quan tâm không được đáp ứng. Hãy dõi theo sự biến đổi của tâm trạng từ tiêu cực thành tích cực khi bạn lắng nghe cảm xúc của mình. Rồi sau đó, như Gandhi khuyên, kìm nén năng lượng của bạn. Nói cách khác, hãy kiềm chế, đừng phản ứng bốc đồng, vì chỉ lãng phí nguồn năng lượng quý giá của bạn. Bước cuối cùng, kiên quyết giải tỏa nguồn năng lượng cảm xúc, có mục đích và đúng lúc. Sử dụng nó làm nhiên liệu cho những hành động phù hợp, chứ không phải phản ứng. Hãy để nó là một nguồn năng lượng liên tục thúc đẩy cho lời nói Không của bạn.

˝Năm tôi 12 tuổi, Gandhi đã dạy tôi rằng cơn giận cũng có ích và mạnh mẽ như điện vậy˝, Arun, cháu trai của Mahatma Gandhi đã viết, ˝nhưng chỉ khi ta sử dụng nó khôn ngoan. Chúng ta phải học cách tôn trọng cơn giận dữ như với điện vậy˝.

Về bản chất, không có cảm xúc nào là tiêu cực, chỉ có những cảm xúc bị biến thành tiêu cực, nhưng cũng rất dễ chuyển thành tích cực. Những cảm xúc như sợ hãi và giận dữ có thể không mang tính xây dựng hoặc có, tùy thuộc vào cách bạn xử lý. Đó là điều tôi đã học được qua những cuộc họp bàn rất căng thẳng ở Venezuela.

Vào thời gian đỉnh điểm căng thẳng chính trị ở Venezuela năm 2003, thời điểm mà nhiều nhà quan sát quốc tế lo sợ sẽ nổ ra một cuộc nội chiến, Liên Hợp Quốc đã mời tôi làm người điều khiển cuộc họp kéo dài một ngày giữa những người đại diện của nhân dân, bao gồm cả những người ủng hộ và địch thủ của Tổng thống Hugo Chávez . Cuộc họp mở cửa cho tất cả mọi người, địa điểm là một nhà hát cũ ở khu vực buôn bán của Caracas, với sức chứa 500 người. Đã có gần 1.000 người đến dự, và lực lượng Cảnh vệ Quốc gia đã được huy động vì lo ngại bạo lực có thể bùng phát giữa các nhóm ủng hộ. Tất nhiên, bầu không khí trong phòng họp rất đáng sợ và căng thẳng. Sau lời giới thiệu của một vài vị chức sắc cấp cao nước ngoài, tôi được trao lại sân khấu để điều hành cuộc họp.

Dựa vào trực giác, tôi đề nghị những người tham gia tự hình dung cụ thể về mức độ tàn phá do các cuộc xung đột gây ra – một vài người họ biết đã chết hoặc bị thương, mất việc làm, quan hệ với bạn bè và gia đình, cơn ác mộng của bọn trẻ, bất kỳ điều gì xảy ra với họ. Sau đó tôi hỏi họ: ˝Các anh dùng từ nào trong tiếng Tây Ban Nha để nói Không với bạo lực chính trị?˝ Một vài người đưa ra từ ˝Basta! Đủ rồi!˝ Tôi nói: ˝Được rồi, tôi muốn xin các vị một đặc ân là cho tôi nghe tiếng nói của một người dân Venezuela, một giọng nói mà đến giờ vẫn chưa lên tiếng, tiếng nói của sự sáng suốt. Tôi đề nghị các anh giữ nguyên những hình dung của mình về cuộc xung đột, và cùng nhau gọi thật to từ ˝Basta˝ với tất cả cảm xúc mà mình có. Các anh sẽ thực hiện điều đó chứ?˝ Họ gật đầu. Tiếng ˝Basta˝ vang khắp căn phòng. Nhưng tôi vẫn thấy có sự e dè, có thể là do nhút nhát, nên tôi yêu cầu họ lặp lại một lần nữa. Họ làm theo và lần này rất to. Tôi yêu cầu họ làm lần cuối, và với lần hô ˝Basta!˝ thứ ba thì cả nhà hát đã thật sự rung chuyển.

Bầu không khí trong nhà hát lúc đó đã thay đổi rõ rệt. Những cảm xúc sợ hãi và giận dữ tiêu cực đã chuyển thành mục tiêu tích cực giúp chấm dứt tình trạng hỗn loạn do xung đột. Như để củng cố thêm, ngay chiều hôm đó, những người tham gia đã lập ra một Ủy ban đấu tranh vì hòa bình cho Venezuela. Họ gặp gỡ hàng tuần và tổ chức đối thoại, các nhà hát trên đường phố, radio, chương trình tivi, chương trình học ở trường và các điệu khiêu vũ của giới trẻ, đều được sử dụng để làm giảm tình trạng căng thẳng và tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Ba năm sau, khi tôi đang viết cuốn sách này, các hoạt động vẫn diễn ra sôi nổi và chuyển biến thành một phong trào xã hội mang tên Aquí Cabemos Todos, có nghĩa là ˝ở đây tất cả chúng tôi đều hòa hợp˝. Họ đã tạo ra sự khác biệt thật sự trong chính cuộc sống và đất nước mình.

Bài học là: bạn sử dụng cảm xúc để khiến mình nói Không và đứng lên bảo vệ điều mà bạn cho là quan trọng. Sự lo lắng, sợ hãi và giận dữ có thể mang lại cho bạn một nguồn năng lượng khác giúp bạn tạo nên sự thay đổi. Nếu bạn lắng nghe chúng cẩn thận thay vì hành động vội vàng, những cảm xúc này sẽ trở thành đồng minh của bạn. Nó có thể cho bạn lòng can đảm để nói Không – một câu nói Không dứt khoát, mạnh mẽ, tự tin.

KHÁM PHÁ ĐIỀU BẠN ỦNG HỘ

Việc khám phá điều bạn Đồng thuận có ba lợi ích:

• Mang lại cho bạn cảm giác về phương hướng. Bạn biết mình đang đi đến đâu với lời nói Không.

• Cho bạn sức lực. Bây giờ, bạn đã có nguồn nhiên liệu để nói Không và duy trì nó khi gặp sự phản đối.

• Đặt cho bạn một nền tảng tích cực. Lời nói Không của bạn là cho nhu cầu của bạn, chứ không phải là chống lại người khác. Thay vì việc bác bỏ người khác bằng cách nói Không, hãy nói Có với những gì bạn quan tâm nhất.

Giờ đây, bạn đã tìm ra điều bạn Đồng thuận, đã đến lúc tạo sức mạnh cho lời nói Không của mình. Đó cũng là chủ đề của chương sau.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.