Lời Từ Chối Hoàn Hảo

Bước 8 TÁI KHẲNG ĐỊNH LỜI TỪ CHỐI



“Gió mạnh mới hay cây cỏ cứng.”

― Cổ thi

Câu chuyện xảy ra tại Ấn Độ vào năm 1930. Một người đàn ông đã luống tuổi, không địa vị hay quyền lực trong xã hội quyết định đứng lên chống lại đế quốc hùng mạnh nhất thế giới từ trước tới nay. Sau bốn thế kỷ tồn tại, chế độ thuộc địa đã đến lúc phải chấm dứt. Trong thời gian đó, không có bất cứ một lời kiến nghị ˝không˝ nào với những bất công trong xã hội, vì vậy, đã đến lúc phải sử dụng kế hoạch dự phòng, nhưng sử dụng ra sao? Người đàn ông đã phải suy ngẫm rất lâu để tìm ra phương thức sử dụng kế hoạch dự phòng hiệu quả nhất. Cuối cùng, ông đã tìm được một chiến lược, ông biết quyền lực thống trị của đế quốc này ở Ấn Độ chủ yếu dựa vào thuế muối, loại thuế mà ngay cả những người nghèo đói nhất cũng phải nộp nếu như họ còn sống. Hơn nữa, không một ai được phép sản xuất muối ngay cả với mục đích phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Ông quyết định sẽ phá bỏ luật lệ không công bằng này bằng cách đưa quân ra biển và làm ra muối từ nước biển.

Khi ông thông báo kế hoạch với các đồng sự chính trị, rất nhiều người băn khoăn liệu đây có phải là một suy nghĩ ngu ngốc hay không. Ông ta sẽ chống lại một đế quốc hùng mạnh bằng cách làm ra một nhúm muối hay sao? Sau đó, người đàn ông gửi một lá thư cho các nhà cầm quyền của Hoàng đế, giải thích việc không chấp hành luật thuế muối, đồng thời yêu cầu họ bãi bỏ loại thuế này. Ông cũng cho họ biết mình sẽ làm gì nếu họ không làm theo những gì ông yêu cầu. Các nhà cầm quyền cười nhạo ông và họ nghĩ ai thèm quan tâm đến những lời nói ngớ ngẩn đó? Họ nghĩ cách tốt nhất là không bắt giữ người đàn ông này mà để mặc cho ông ta tự nhận ra là mình ngu ngốc.

Sau đó, người đàn ông rời khỏi nhà và bắt đầu cuộc hành trình ra biển cách đó khoảng 400km cùng với 80 đồng sự. Ngày qua ngày, đội quân của ông đã được nhiều người biết đến, hàng nghìn người tự nguyện gia nhập đội quân của ông. Khi đội quân tiến ra biển và bắt đầu công việc sản xuất muối, mọi con mắt đổ dồn về phía ông. Tin tức chẳng mấy chốc lan truyền khắp Ấn Độ, mọi người dân bắt đầu làm và tiêu thụ loại muối không hợp pháp này. Đến lúc này, các nhà cầm quyền của Hoàng đế không còn cách nào khác là tống giam ông ngay lập tức để ngăn chặn cuộc nổi loạn. Tuy nhiên, việc làm này cũng không mang lại kết quả gì, chỉ trong vài tháng các nhà giam Ấn Độ trở nên quá đông đúc bởi hàng nghìn người phản đối giống như ông. Đất nước Ấn Độ thật sự rơi vào tình trạng bế tắc, không lối thoát. Lúc này, các nhà cầm quyền không thể tiếp tục cười nhạo được nữa.

Chỉ vài tháng, các nhà cầm quyền không dám làm căng nữa mà phải thả người đàn ông đó. Ngạc nhiên hơn nữa, ngài phó vương đại diện của Hoàng đế đã phải ngồi đàm phán với ông và đi đến một thỏa hiệp. Họ chấp nhận để những người dân sống ở bờ biển có thể tự làm muối mà không phải đóng thuế. Có thể nói, đây chính là bước khởi đầu báo hiệu sự suy tàn của đế quốc. 

Người đàn ông vĩ đại trong câu chuyện trên chính là Mahatma Gandhi. Không một ai có thể biết rõ hơn ông về cách truyền đạt lời nói Không tích cực. Muối tượng trưng cho những nhu cầu tất yếu của cuộc sống. Việc Gandhi sản xuất muối từ nước biển là để khẳng định giá trị cuộc sống, giống như con người đã đóng góp công sức cho nhân loại trong nhiều thế kỷ.

Trong quá trình hành động, tất nhiên Gandhi đã chú ý đến các luật lệ áp bức của đế quốc và thứ thuế vô lý nhất đè nặng lên vai của những người dân nghèo đói nhất để phục vụ cho tầng lớp giàu có cũng như chính quyền thuộc địa. Đối với người dân Ấn Độ và các nhà cầm quyền của Hoàng Đế, hành động tích cực của Gandhi là một lời nói Không rõ ràng, mạch lạc.

Sau nhiều năm, Gandhi vẫn kiên trì, bền bỉ nhấn mạnh lời nói Không với sức mạnh tích cực cho đến khi đế quốc Anh phải rút lui.

NHẤN MẠNH NÓI ˝KHÔNG˝ VỚI SỨC MẠNH TÍCH CỰC

Nếu ai đó không coi trọng lời nói ˝Không˝ của bạn, lúc này bạn chỉ nhận thấy có hai sự lựa chọn: quy phục và chiến tranh toàn diện. Tuy nhiên, vẫn có lựa chọn thứ ba mà Gandhi đã chỉ ra: nhấn mạnh việc nói ˝Không˝ tích cực. Điều này không có nghĩa là bạn sẽ phản ứng quá mạnh mẽ, gay gắt mà phải nhấn mạnh rằng ˝Không˝ thực tế là ˝Không˝. Tức là bạn tiếp tục theo đuổi những gì quan trọng mà không phá hỏng mối quan hệ tốt đẹp của bạn. Điều này cũng có nghĩa là bạn hãy sử dụng sức mạnh tích cực là sức mạnh của dự định tích cực được dự phòng trong phương án dự phòng.

Việc sử dụng phương án dự phòng rất tốt nhưng có thể sẽ tốn kém và làm cho mối quan hệ của bạn với người khác trở nên căng thẳng. Nhà chiến lược quân đội Trung cổ Sun Tzu đã viết: ˝Người mạnh nhất là người không bao giờ gây chiến˝. Sẽ tốt hơn nếu mọi người có thể nhận thức được vấn đề trước khi bạn thực hiện phương án dự phòng.

Trước tiên, hãy lặp lại việc nói ˝Không˝ thường xuyên khi cần thiết. Nếu điều này không hiệu quả thì hãy dạy cho họ biết hậu quả của việc không tôn trọng lời nói ˝Không˝ của bạn. Còn nếu việc làm này vẫn không có tác dụng gì thì hãy triển khai kế hoạch dự phòng.

HÃY LẶP LẠI TỪ ˝KHÔNG˝

Mọi người có thể không muốn nghe bạn nói ˝Không˝, hay sẽ Từ chối hoặc bị sốc. Họ cũng có thể không có ý định nghe bạn hay sẽ quên ngay những gì bạn nói. Còn nếu có nghe bạn thì họ vẫn sẽ hành động như thể chưa nghe thấy bạn nói gì. Vì thế, đôi khi bạn không chỉ nói ˝Không˝ một lần mà phải nhắc đi nhắc lại cho tới khi người đó có thể hiểu được ý mình muốn truyền đạt.

Cần phải kiên định và bền bỉ

Lấy ví dụ câu chuyện về người bạn cũ của tôi tên là Emily Wilson làm quản gia lâu năm cho gia đình nhà kinh tế học John Kenneth Galbraith. Chuyện xảy ra khi ngài hiệu trưởng Lyndon Johnson gọi điện đến cần gặp ngài giáo sư ngay lập tức. Ông ta nói:

˝Có phải ông Galbraith đó không?˝

˝Thưa ngài, ông chủ của tôi đang nghỉ ngơi và ông ấy dặn là không muốn ai làm phiền.˝

˝Vậy sao? Tôi là hiệu trưởng đây. Hãy đánh thức ông ta dậy cho tôi.˝

˝Xin lỗi ngài hiệu trưởng, tôi làm việc cho ông Galbraith chứ không phải cho ngài˝. Nói xong Emily ngắt máy.

Sau khi thức dậy, ông Galbraith đã gọi điện lại cho ngài Johnson, ngài Johnson nói với ông: ˝Cô ta là ai vậy? Tôi muốn cô ta làm việc cho tôi˝.

Emily có thân hình nhỏ nhắn nhưng lại có ý chí kiên cường khó ai sánh bằng, chính ý chí này đã giúp cô đứng vững. Cô hiểu rõ cách duy trì những lời Từ chối ˝Không˝. Emily biết việc kiên định và duy trì lời nói ˝Không˝ trước những cố gắng của người khác mong bạn nhượng bộ và ủng hộ họ là rất cần thiết.

Lấy một ví dụ khác trong ngành kinh doanh, một nhà quản lý luôn phải Từ chối giám đốc của mình vì ông ta luôn tạo áp lực muốn anh phải sa thải một nhân viên của mình tên là Patricia. Robert nhớ lại: ˝Tôi biết rằng cô ấy là người thích hợp với công ty, chỉ là làm việc sai vị trí mà thôi. Vì vậy, tôi đã lên kế hoạch sẽ chuyển cô ấy sang vị trí khác, có cơ hội tiếp xúc với khách hàng nhiều hơn. Còn Ron, giám đốc của tôi, lúc nào cũng gây áp lực với tôi bằng những lời chỉ trích dai dẳng˝. 

˝Một tối trong cuộc họp ngân sách hàng năm, nhóm chúng tôi đang dùng bữa tối thì Ron tiến lại gần và nói với tôi: ˝Tôi hy vọng là anh đã chuẩn bị đưa ra một quyết định cứng rắn với Patricia˝. Tôi muốn xua tan không khí nặng nề và nói: ˝Vâng, tôi đã chuẩn bị rồi thưa ngài nhưng ngài đã sẵn sàng để đón nhận một quyết định sẽ không như ngài mong muốn chưa?˝ Trong thâm tâm, quyết định cứng rắn của tôi với Patricia chính là giúp cô thành công trong công việc chứ không phải để cô ra đi.

Ron vẫn không bỏ cuộc. ˝Hãy nghĩ cho kỹ đi nhé˝, anh ta nhắc lại. Tôi thật sự bế tắc. ˝Tôi đang nghĩ về việc nên xếp cô vào vị trí nào˝. Một lần nữa anh ta lại nhắc tôi: ˝Hãy suy nghĩ về vấn đề đó nhé˝.

˝Sau đó, tôi quyết định để Patricia làm ở một vị trí mới, và cô đã thật sự thành công, giờ đây cô đang làm việc rất hiệu quả. Một năm trước, vào một buổi tối, tôi gặp Ron tại một bữa tiệc lớn, Ron nói: ˝Đó là một việc làm đúng đắn với Patricia. Tôi rất vui mừng vì chúng ta đã giữ cô ấy lại˝.

Tất cả là nhờ vào sự kiên trì. Chỉ khi nào bạn thật sự duy trì nói lời Đồng thuận mới giúp bạn dễ dàng duy trì nói Không. Trong trường hợp này, ˝Đồng thuận˝ của Robert là tạo cơ hội cho nhân viên của mình thành công, nhờ đó đem lại sự thành công cho công việc kinh doanh của chính anh. Hãy nhớ, sự Đồng thuận mang lại cho bạn sức mạnh và tính nhẫn nại.

Ở nước Mỹ, trong thời đại trước, các trường hợp bắt giữ con tin thường được xử lý bằng các biện pháp bạo lực. Cảnh sát sẽ dùng loa nói với những kẻ bắt giữ con tin là họ có 5 phút rời khỏi nơi đó và phải giơ hai tay lên cao. Nếu không làm theo, cảnh sát sẽ phóng khí độc hay nổ súng. Và thường thì cả con tin, kẻ bắt giữ con tin, thậm chí cả cảnh sát đều bị thiệt mạng. Điển hình như vụ bắt giữ con tin xảy ra ở Waco, Texas vào năm 1993, hơn 70 người đã thiệt mạng, trong đó có tới 12 trẻ em dưới năm tuổi.

Sau nhiều năm, ngành cảnh sát được đào tạo các cách nói ˝Không˝ hiệu quả hơn với kẻ bắt giữ con tin. Khi chuẩn bị cho kế hoạch dự phòng, đội đặc nhiệm SWAT  thường tiếp quản các trường hợp cần dùng đến vũ lực. Phương pháp được dùng cho đa số các vụ bạo động là đàm phán nhẹ nhàng, kiên trì và bền bỉ. Cuộc đàm phán này chủ yếu là việc nói ˝Không˝ lịch sự và kiên quyết.

Dưới đây là ví dụ về một cuộc thương lượng con tin tương tự như trên tại thành phố New York. Người dẫn chương trình tường thuật lại sự việc: ˝Cảnh sát cho biết, một người đàn ông trong ngôi nhà đang cầm trong tay một khẩu súng và ôm một đứa bé 10 tuổi làm con tin, đứa trẻ có thể là cháu trai của ông ta. George, kẻ bắt giữ con tin, đã yêu cầu cảnh sát cho ông ta nói chuyện với người vợ đang bị cách ly của mình là Annabelle. Nhưng cô lại đang trong tình trạng sợ hãi quá mức nên cảnh sát không dám cho ông ta gặp vợ.

George: Bởi vì tôi không thể sống trong tình trạng này một phút nào nữa, tôi không thể sống mà không nói chuyện với Annabelle.

Người thương thuyết: Ông sẽ không được nói chuyện với Annabelle đâu.

George: Vì vậy, chúng ta sẽ phải ở đây một thời gian dài.

Người thương thuyết: Đúng, chúng ta sẽ ở đây lâu mà.

George: Tôi sẽ không đến nhà giam nữa.

Người thương thuyết: Không ai vào nhà tù vì một khẩu súng ở Brooklyn, chúng ta đều biết thế mà. Tôi không muốn nói đến thứ gì liên quan đến nhà tù nữa. Tôi đã nói rồi, anh không phải đi đâu cả. Thậm chí nếu anh có đến tòa thì anh cũng chỉ phải chịu mức án treo mà thôi. Và tôi không muốn nói đến Annabelle nữa vì anh đã biết câu trả lời của tôi thế nào khi anh nhắc tới cô ấy rồi mà. Tôi muốn mọi chuyện tốt lành sẽ đến với anh, với Jose’ (tên cậu bé). Tôi không muốn bất kỳ ai bị tổn thương ở đây.

George: Được.

Người thương thuyết đã kiên quyết nhắc đi nhắc lại câu trả lời ˝Không˝ để bảo toàn tính mạng cho con tin, kẻ bắt giữ con tin và tất cả những người có liên quan. Cuộc thương lượng này kéo dài hơn 11 tiếng đồng hồ vì kẻ bắt giữ con tin đã trải qua những trạng thái tâm lý kinh điển: Từ chối, lo lắng (vì sợ vào tù), tức giận (đe dọa nhiều lần là sẽ giết đứa bé và bản thân ông ta), thương lượng, buồn rầu. Cuối cùng, nhờ thái độ kiên định Từ chối tích cực của người thương thuyết và các đồng nghiệp mà George đã phải nhượng bộ và thả cậu bé. Anh ta ném khẩu súng đi và lặng lẽ quay lưng lại như yêu cầu. Đây là một trong số những trường hợp giải thoát con tin thành công nhờ có sức mạnh tích cực.

Cụm từ bất di bất dịch

Việc lặp lại từ Không đôi khi không dễ dàng, vì nó có thể gây ra những phản ứng dữ dội từ phía người đối diện. May thay, chúng ta có một cách thỏa hiệp khác khi nói chuyện thay vì lặp lại từ Không. Nhiều người sẽ gào lên giận dữ: ˝Anh đã nói như vậy?˝ Hãy nhớ, mục đích của bạn là làm cho đối phương hiểu và tôn trọng sở thích cũng như các giá trị của bạn, chứ không phải là cung cấp thông tin mới cho họ. 

Mục đích chính ở đây là làm sao để người khác hiểu được ý nghĩa thật sự của từ Không là Không. Khi bạn học bất cứ điều gì, chơi cầu lông hay đọc, bạn cũng cần lặp đi lặp lại để đạt hiệu quả cao. Học để tôn trọng lời nói Không cũng vậy, bạn cũng phải tập lặp lại nhiều lần. 

Đôi khi người khác có thể đáp ứng mong muốn của bạn khi bạn chỉ cần nói Không một lần duy nhất. Ví dụ trong một nhà hàng: ˝Tôi xin lỗi vì đã làm phiền quý bà, nhưng thật tiếc ở nhà hàng này, bà không thể hút thuốc˝, sau đó quý bà vui vẻ làm theo yêu cầu của bạn. Nhưng, mọi chuyện không đơn giản như vậy. Giả sử bạn bắt gặp những người bán hàng đến từng nhà hay người bán hàng qua điện thoại. Họ có thể chơi trò chơi hay sử dụng những kỹ xảo để lôi kéo, thuyết phục bạn, và cuối cùng, bạn không thể nói Không.

Một trong những yếu tố cơ bản để kiên định với từ Không là hãy trở nên quen thuộc với chính nó. Khi bạn gặp những trường hợp khó khăn, hãy hiểu nó như một từ bất di bất dịch, đó cũng là cách để giữ vững từ Không, cũng như từ cơ bản: Có. Dưới đây là một số cụm từ mà bạn có thể nói để thể hiện từ Không: 

• Điều này vô nghĩa với tôi.

• Không, xin cảm ơn.

• Tôi thấy thật bất tiện khi làm vậy.

• Xin lỗi, tôi không có hứng thú.

• Chúng tôi đã chọn một vài tổ chức từ thiện để có thể tập trung đóng góp. 

Hãy cố gắng làm cho cụm từ của bạn ý nghĩa nhất. Đừng nói bất cứ điều gì không cần thiết, nói cách khác, tránh nói tất cả những gì mà người khác có thể dựa vào đó để lẩn tránh hay cố tình không hiểu từ Không của bạn. Một cụm từ hay là cách đơn giản nhất để bạn giữ vững ý kiến của mình và không bị đối phương lung lạc. 

Tôi đã từng giúp một người bạn học cách bảo vệ chính mình khỏi những câu hỏi khó chịu của họ hàng và bạn bè về vấn đề sức khỏe của anh. Chúng tôi đã chọn ra một cụm từ (cố định) có ý nghĩa với anh: Tôi xin lỗi, nhưng tôi nghĩ thật bất tiện khi bàn luận vấn đề đó ngay lúc này. Sau đó, anh tập nói cụm từ đó rất nhiều lần, lúc đó tôi vào vai với anh, tôi đưa ra những câu hỏi, và anh tập trả lời. Cụm từ đó trở thành một phần tất yếu, mang tính bản năng của anh. Anh sử dụng ngay lập tức, và nó đã giúp anh bảo vệ những thông tin cá nhân trong thời gian nhạy cảm đó. Một câu đơn giản có thể giúp bạn đứng vững khi bạn kiên định với từ Không của mình trước áp lực của những người khác. 

Cố tình lặp lại 

Bạn có thể sẽ có cảm giác không tự nhiên khi lần đầu tiên lặp lại chính mình. Việc lặp lại từ Không không đòi hỏi sự máy móc, giống như một robot hay một cuốn băng hỏng. Thay vào đó, bạn có thể cố tình lặp lại. Bạn có thể sử dụng cùng một cụm từ trong nhiều lần, cố gắng làm mới và tập trung vào mục đích chính của câu nói, kèm theo đó là một nụ cười hay một chút kiến thức. 

Bất kể đối phương sử dụng chiến thuật gì, câu trả lời của bạn luôn phải giống nhau. Bạn có thể lặp lại những yêu cầu của mình với cùng kiểu ngữ điệu và giọng nói.

Một trong những ví dụ kinh điển của việc chủ tâm lặp lại từ Không có thể được tìm thấy trong một tiểu thuyết của Herman Melville  ở thế kỷ XIX là Bartleby, the Scrivener. Cuốn tiểu thuyết mô tả một cảnh ở Manhattan, một luật sư rất được trọng vọng và có quyền lực, miêu tả mối quan hệ của vị luật sư với người giúp việc giấy tờ mới được thuê, Bartleby. Vị luật sư này tự kể chuyện, giúp chúng ta có cái nhìn sâu sắc về suy nghĩ của một người nhận từ Không. 

˝Đó là ngày thứ ba kể từ khi anh ta làm việc cho tôi, tôi đang rất vội để giải quyết một vấn đề nho nhỏ, tôi liền liên hệ với Bartleby. Phần vì vội vã, phần vì tôi tin rằng Bartleby sẽ bằng lòng chẳng mấy khó khăn, nên tôi đã gục đầu xuống bàn, tay phải đặt sang bên như kiểu đang rất lo lắng vì đống giấy tờ. Tôi nghĩ rằng, Bartleby sẽ vồ vập lấy bản sao chép và thực hiện công việc ngay lập tức không một chút ngần ngại. ˝

˝Với thái độ như vậy, tôi vẫn ngồi khi nói với anh ta, nêu ra ngay những thứ tôi cần anh ta làm, cụ thể, hãy đánh giá một bài báo nhỏ cùng với tôi˝.

Toàn bộ những điều đó thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với người phụ việc – một cú gọi bất ngờ, hy vọng vào sự Đồng thuận dễ dàng, sai lầm khi không ngẩng lên nhìn Bartleby lấy một giây. Bartleby không Đồng thuận là điều tất yếu. Và đây là phản ứng của ông chủ: 

˝Hãy tưởng tượng tôi ngạc nhiên đến thế nào với từ Không đó. Không hề e ngại, với giọng bình tĩnh lạ thường, anh trả lời: Tôi không thích làm việc đó˝.

Đó là một từ Không đầy sự tôn trọng, không phải là ˝Tôi sẽ không làm˝ mà là ˝Tôi không thích làm˝. Rõ ràng, đằng sau từ Không đó là một từ Có, điều đó thể hiện chân giá trị của con người Bartleby. Người chủ tất nhiên là vô cũng bất ngờ, ông nói:

˝Tôi ngồi đó trong một khoảnh khắc im lặng tuyệt đối, cố gắng lấy lại tinh thần. Chuyện đó xảy ra với tôi nhanh đến mức tôi nghĩ rằng hình như mình nghe nhầm hay Bartleby đã hiểu nhầm ý tôi. Tôi lặp lại yêu cầu một cách rõ ràng nhất mà tôi có thể làm lúc ấy. Nhưng, với một giọng gần như lúc trước, Bartleby lặp lại ‘Tôi không thích làm điều đó‘˝.

Bước đầu tiên là Từ chối. Người chủ không thể tin người phụ việc có thể nói Không với mình. Do vậy, ông lặp lại yêu cầu với hy vọng nhận được sự Đồng thuận tức thì. Nhưng Bartleby vẫn lặp lại từ Không. Điều này khiến người chủ đi vào trạng thái thứ hai: lo lắng và giận giữ. 

˝Không thích làm? Tôi ám ảnh với cụm từ đó, tôi trở lên bị kích động, tôi vội vã lao về phía anh ta với những bước dài. Anh nói gì? Anh tưởng anh là ai? Tôi yêu cầu anh giúp tôi đánh giá bài báo này. Cầm lấy˝. Và tôi đẩy tờ báo về phía anh ta. 

Nhưng Bartleby không phản ứng gì. Anh vẫn vậy, vẫn kiên định với ý kiến của mình, chỉ đơn giản lặp lại từ Không. 

Đến lúc này, người chủ trở nên bối rối. Ông ta có hai lựa chọn: một là ông ta sẽ điên lên và đuổi việc Bartleby ngay lập tức, hai là ông ta có thể chấp nhận từ Không và xem xét lại sự giao kèo sâu xa mà Bartleby vừa nêu ra: tôn trọng lẫn nhau. 

˝Tôi nhìn anh ta chăm chú. Gương mặt anh ta thật gầy guộc; đôi mắt nâu bình tĩnh. Không một dấu hiệu nào của sự bối rối, không một dấu hiệu của sự lo lắng, không giận dữ, không nóng vội. Nói cách khác, không có những tính cách của người bình thường ở anh ta. Tôi có thể sa thải anh ta vì tội vừa rồi của anh ta. Nhưng mọi điều lại khác. Tôi đứng im lặng và nhìn chăm chú anh ta trong chốc lát, sau đó tôi trở về chỗ ngồi. Điều này rất lạ, tôi nên làm gì? Nhưng công việc không cho phép tôi chậm trễ. Tôi quyết định bỏ qua vấn đề hiện tại, tôi sẽ giải quyết khi có thời gian rảnh rỗi. Do vậy, tôi gọi Nippeers ở phòng khác và bài báo đã được đánh giá˝.

Nếu Bartleby phản ứng, rõ ràng ông chủ sẽ sa thải anh ta ngay lập tức. Nhưng Bartleby không có bất cứ một hành động nào, anh bình tĩnh và làm chủ được cảm xúc của chính mình, để luôn kiên định với từ Không. Từ đó có thể thấy, việc lặp lại có chủ ý có thể làm đối phương chấp nhận từ Không, dù đó là một người chủ kiêu ngạo, thậm chí đáng sợ. Câu chuyện cho ta thấy sức mạnh của việc kiên định với sự thật để có được từ Có đầy ý nghĩa, đó cũng là một trong những chân giá trị của con người. 

Tính cách của Bartleby có thể phức tạp và rắc rối, nhưng cách nói Không của anh thật sự đơn giản và đáng khâm phục. Kỹ thuật chủ ý lặp lại có thể được gọi là kỹ thuật Bartleby. ˝Tôi không thích˝ là một cụm từ đáng nhớ.

GIÁO DỤC – HÃY ĐỂ THỰC TẾ DẠY HỌ

Nếu việc lặp lại từ Không với thái độ kiên nhẫn của bạn không mang lại kết quả như ý muốn, đó là lúc bạn thực hiện bước tiếp theo để dạy cho người khác biết hậu quả của việc không tôn trọng từ Không của bạn. Tôi không có ý rằng bạn là giáo viên, còn người khác là học sinh. Người giáo viên thật sự ở đây chính là bản thân mỗi hoàn cảnh. Nếu không tôn trọng bạn và những nhu cầu của bạn, người khác có thể phải gánh chịu những hậu quả tất yếu, chính điều này mới là giáo viên thật sự của họ. Nhiệm vụ của bạn là làm cho quá trình học tập thuận tiện hơn. Bắt đầu bằng việc hỏi những câu hỏi có tính chất kiểm tra thật sự, sau đó là cảnh báo.

Hỏi những câu hỏi mang tính chất kiểm tra sự thật

Thông thường, hỏi bao giờ cũng tốt hơn là nói đơn thuần. Con người có thể học tốt hơn và chống đối ít hơn nếu họ nghĩ rằng việc học là cho chính mình chứ không phải ai khác. Do vậy, thay vì nói cho họ biết những hậu quả không mong muốn có thể xảy ra nếu họ không tôn trọng những nhu cầu của bạn, hãy hỏi họ đầu tiên. 

Những câu hỏi mang tính chất kiểm tra sự thật là những câu hỏi khiến người khác phải suy nghĩ về thực tại cơ bản của từng trường hợp, những hậu quả tất yếu của việc chối bỏ từ Không của bạn. Sau đây là một ví dụ: 

• ˝Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không Đồng thuận? Cái giá chúng ta phải trả khi chúng ta gặp ông chủ? (ra tòa, kết thúc với đình công…)˝

• ˝Bạn đã bao giờ nghĩ điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến gia đình bạn (mối quan hệ, ràng buộc…) nếu chúng ta không Đồng thuận với yêu cầu của người khác trong trường hợp này?˝.

Chúng ta hãy trở lại với thảm kịch tên lửa không gian Chanllenger và cuộc nói chuyện của các kỹ sư. Người kỹ sư đã nói Không với NASA khi được hỏi liệu có thể phóng tên lửa vào ngày mai. Khi lãnh đạo NASA tỏ ra bất ngờ và giận dữ, cấp trên của anh ta tổ chức một cuộc họp kín và nói rõ: chúng ta phải đưa ra một quyết định cần được suy nghĩ kỹ. Nhưng những người lãnh đạo cấp cao đã bỏ ngoài tai lời khuyên của các kỹ sư, quyết định thay đổi Không thành Có, và tên lửa được phóng. Các kỹ sư có thể làm gì trong trường hợp này? 

Các kỹ sư có thể áp dụng một phương pháp trong hoàn cảnh này là đưa ra những câu hỏi mang tính chất kiểm tra sự thật cho lãnh đạo như: ˝Tôi hiểu những gì ông đang nói, ông có sẵn sàng tự chịu trách nhiệm về việc bỏ ngoài tai những đánh giá tốt nhất của các kỹ sư và việc khuyến khích phóng tên lửa trong khi rất có khả năng các vòng O có thể bị hỏng dẫn đến tên lửa bị phá hủy và tính mạng của bảy nhà du hành vũ trụ sẽ ra sao?˝ Câu hỏi như trên có thể tạo ra một ˝quyết định chín chắn˝. Do đó, những câu hỏi mang tính chất kiểm tra sự thật là một công cụ hữu ích. 

Hãy cảnh báo, đừng đe dọa

Nếu những câu hỏi mang tính chất kiểm tra sự thật không thuyết phục được người khác, đây là lúc chúng ta nên cảnh báo họ. Bạn có thể nói ra kế hoạch dự phòng của mình và giải thích những hậu quả không mong muốn cho người khác biết.

Tôi từng chứng kiến một người cô cảnh báo cô cháu gái sáu tuổi khi cô bé xử sự không đúng mực. Khi cô bé đang nhảy trên giường, người cô nói với giọng điềm đạm: ˝Tania, đừng nhảy trên giường nữa˝. Nhưng Tania vẫn tiếp tục nhảy, bỏ qua lời yêu cầu của cô. Sau đó, người cô lặp lại yêu cầu,… không quên nhấn mạnh hơn với giọng rất điềm đạm và khoan thai: ˝Tania, cô đang yêu cầu cháu hãy dừng việc đó lại˝. Cô bé vẫn tiếp tục, người cô nhẹ nhàng nắm lấy tay cô bé làm cô bé chú ý, sau đó nhìn thẳng vào mắt cô bé, và đưa ra một ngón tay cảnh báo. Tania nhận ra tín hiệu và dừng lại ngay lập tức. Người cô đã thực hiện điều này mà không cần phải la mắng hay thậm chí nói to. Tính cách của cô điềm đạm, kiên trì đến mức đáng khâm phục. 

Trong trường hợp quấy rối tình dục ở môi trường làm việc, nạn nhân có thể bình tĩnh nói với thủ phạm: Tôi đã giải thích cho ông trước khi có cuộc nói chuyện không mong muốn này. Rất có thể tôi sẽ phản ánh chuyện này với bộ phận nhân sự, tôi chắc mình có thể làm điều này. 

Sự cảnh báo hoàn toàn khác với sự đe dọa mặc dù khi nhìn qua, chúng có vẻ là một. Cả hai đều là tín hiệu về những hậu quả không mong muốn nhưng có một điểm khác biệt quan trọng giữa hai khái niệm trên. 

Sự đe dọa chỉ cho người khác thấy ˝Nếu anh không làm theo điều tôi nói, đừng trách tôi˝. Sự đe dọa bao gồm cả hậu quả, chủ yếu tập trung vào uy quyền và sự trừng phạt. Sự đe dọa thường tạo ra phản ứng ngược chiều. Bạn đang thử thách sức mạnh, quyền thế, quyền lực tự trị của người khác, do đó họ sẽ phản ứng với tất cả các loại vũ khí mà mình có. 

Sự cảnh báo không phải là ra lệnh mà là dạy dỗ. Nó là một dự đoán khách quan về những hậu quả tất yếu. ˝Nếu bạn không tôn trọng những mối quan tâm chính đáng của tôi, tôi bắt buộc phải làm cách khác để có chúng. Lúc đó, tôi e rằng sẽ xảy ra một số điều bạn thật sự không muốn˝. Trọng tâm ở đây không phải là sự trừng phạt người khác mà là bảo vệ chính bạn và mối quan tâm của bạn. Sự cảnh báo được nói một cách tôn trọng, nên ít gây ra phản ứng ngược chiều.

Đây là cách mà một lãnh đạo cấp cao đưa ra lời cảnh báo tới một giám đốc nhà máy – người đã phản đối quyết liệt với những thay đổi cần thiết trong cơ cấu tổ chức. ˝Tôi gọi anh ta đến phòng làm việc của tôi vào thứ tư và nói: ‘Tôi biết rằng điều này thật khó và anh không Đồng thuận với những thay đổi này. Nhưng tôi muốn anh hãy nhìn lại chính mình và cho tôi biết liệu có phải chương trình mới đáng được thử hay không. Đừng trả lời tôi bây giờ, tôi muốn anh hãy nghỉ ngơi hay đi câu cá và nghĩ về điều đó. Nếu câu trả lời là Có, thì tôi muốn biết một vài cách mà anh muốn thử. Ngược lại, hãy chuẩn bị hồ sơ của anh. Không có gì đáng xấu hổ cả, tôi sẽ giúp anh. Nhưng hãy nghĩ đến sự thăng tiến của anh nếu tất cả các công ty đều đang cố tránh việc thay đổi bộ máy. Nhưng ngày đầu tiên, chỉ câu cá thôi˝. Sau đó, anh ta đi loanh quanh và quyết định đưa ra một phương pháp khá mềm dẻo. 

Sử dụng những kết quả hợp logic

Con người có thể học tốt nhất khi kết quả mang tính logic và liên quan trực tiếp tới hành động của mình. Do vậy, rất khôn ngoan, chúng ta thiết kế và cố định các kết quả cho người khác, khi đó họ sẽ tự nhiên đi theo mỗi tình huống. 

Một nhóm bác sĩ đang phải đối mặt với một công ty bảo hiểm đại diện cho 20% bệnh nhân Từ chối không trả viện phí. Đối mặt với sự khác biệt rất lớn về quyền lực, nhóm bác sĩ có thể miễn cưỡng hòa giải và Đồng thuận với số tiền nhỏ hơn rất nhiều. Nhưng nhóm bác sĩ quyết định nói Không với một khách hàng lớn. Họ gửi cho công ty bảo hiểm tất cả thông tin hóa đơn viện phí và thông báo nếu họ không trả viện phí, các bác sĩ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc hủy bỏ hợp đồng. 

Kết quả là hợp đồng được gia hạn thêm. Nó hoàn toàn logic và chính đáng trong một tình huống kinh tế, nếu một khách hàng không trả tiền dịch vụ thì tất yếu sẽ bị hủy hợp đồng. Lý do đưa ra của nhóm bác sĩ không có nghĩa trừng phạt mà chỉ đề ra những yêu cầu chính đáng. Việc dùng phương án dự phòng có thể gây ra thiệt hại lớn cho nhóm bác sĩ, vì có rất nhiều bệnh nhân sử dụng dịch vụ bảo hiểm. Nhóm bác sĩ nghĩ rằng họ cần dạy cho công ty bảo hiểm này cũng như một số đối tượng khác bài học về sự tôn trọng hợp đồng. Đối mặt với những yêu cầu chính đáng và sự cảnh báo nghiêm túc về những hậu quả tất yếu, công ty bảo hiểm đã Đồng thuận trả viện phí. 

Vấn đề cơ bản là tìm ra hậu quả tất yếu của hành động. Bạn cần liên kết chặt chẽ hậu quả với vấn đề mới có thể làm cho người khác hiểu được mối quan hệ giữa chúng.

 Nếu bạn ở trong trường hợp của đạo diễn Dick Wolf, khi một ngày nọ hai diễn viên quan trọng của anh không muốn tiếp tục làm việc, phá vỡ hợp đồng. Kết quả logic là gì ? Dick Wolf cảm thấy rất bực tức và ức chế khi hai diễn viên bỏ việc, và câu trả lời rất rõ ràng là: nếu họ không có mặt vào ngày tiếp theo thì anh sẽ chọn lại diễn viên cho các vai. Kết quả tất yếu của việc phá bỏ hợp đồng và việc vắng mặt là việc đạo diễn sẽ tìm những người khác để thế chỗ. 

Hay tưởng tượng bạn là bậc phụ huynh đang đối mặt với một đứa trẻ cứng đầu. Thay vì làm bài tập về nhà, bé dành phần lớn thời gian để tán gẫu với bạn bè qua điện thoại. Kết quả tất yếu ở đây là gì? Bạn sẽ hạn chế sự tự do của đứa trẻ. Bên cạnh đó, một kết quả có thể phù hợp hơn là cắt điện thoại cá nhân của bé cho đến khi bé làm xong bài tập. Mục đích của kết quả này không phải là trừng phạt mà để giúp bé có thể đưa ra những lựa chọn tốt hơn trong tương lai. 

Kế hoạch dự phòng có thể như một kết quả bắt buộc vì chính bạn là một yếu tố cơ bản. Nhưng hãy nhớ, kế hoạch dự phòng chỉ dùng khi người khác không tôn trọng yêu cầu của bạn. Mục đích không phải là trừng phạt người khác, mà chỉ đơn giản là phương thức logic để bạn theo đuổi những yêu cầu chính đáng của mình. Đó là một cách để đi đến thành công. 

Hãy để cho kế hoạch dự phòng của bạn tự thể hiện. Bằng giọng nhẹ nhàng và tự tin, hãy để cho người khác biết rằng bạn đang nghiêm túc tiến hành kế hoạch dự phòng với những kết quả tất yếu của nó. 

TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH DỰ PHÒNG

Nếu người khác tiếp tục không tôn trọng những yêu cầu của bạn kể cả khi bạn đã cảnh báo, đây là lúc thực hiện kế hoạch dự phòng. Bạn không thể do dự vì bạn đã suy nghĩ kỹ về vấn đề này. Việc đưa ra lời cảnh báo nếu không đi hết quá trình sẽ chỉ làm tổn thương đến uy tín của bạn bây giờ và sau này. Hãy nhanh chóng thực hiện kế hoạch dự phòng và không phạm phải bất cứ lỗi nào. ˝Không˝, bạn nói với con như vậy khi đứa trẻ nằng nặc đòi đi chơi với bạn bè, ˝Con không được đi chơi với Arthur lúc này, bất kể con có đòi bao lần. Con đã quyết định hôm qua khi cả hai đứa chọn lấy Sally. Thái độ của con rất quan trọng, điều này không thay đổi được˝ 

Hủy bỏ hợp đồng

Gandhi đã tìm ra và chứng minh được rằng sức mạnh tích cực trong các mối quan hệ mà chúng ta có được là khả năng hủy bỏ hợp đồng nếu đối phương không tôn trọng hay đáp ứng những lợi ích hợp pháp của chúng ta.

Một truyền thuyết nổi tiếng của Hy Lạp được Aristonphanes viết bằng thể loại hài kịch là câu chuyện về Lysistrata. Những người phụ nữ ở Athens và Sparta đã quá mệt mỏi vì cuộc chiến tranh kéo dài liên tục và những đau thương chết chóc do nó gây ra. Vì vậy, họ quyết định sẽ không yêu thương nữa cho đến khi những người đàn ông ngừng gây chiến. Mặc cho các đấng mày râu cầu xin nài nỉ thế nào, những người phụ nữ cũng nhất quyết không ngủ cùng. Cuối cùng, vì bị Từ chối liên tục mà những người đàn ông phải nhượng bộ và từ bỏ cuộc chiến tranh giành quyền lực, mang lại hòa bình cho những người phụ nữ thân yêu của họ. Những người phụ nữ đã thành công khi nói Không với quan hệ tình dục để có một cuộc sống hòa bình.

Chúng ta cùng xem xét câu chuyện về một người làm công, luôn bị ông chủ (là giáo sư đại học) đối xử tàn tệ. Vị giáo sư này đã miêu tả lại thái độ của cô nhân viên và những tác động của nó đối với ông:

˝Tôi phải thừa nhận vì áp lực công việc quá lớn khiến tôi trở thành kẻ hay hành hạ các nhân viên. Khi tôi đang tiến hành một công trình nghiên cứu cực kỳ quan trọng, vào một ngày nọ, người trợ lý nói với tôi: ‘Tôi không thích thú với công việc này. Tôi muốn làm một việc khác’ và cô ấy ra đi. Ngay lúc đầu, tôi không thể tin nổi cô ấy dám bỏ đi khi mà thời hạn hợp đồng còn chưa hết. Nhưng cô ấy đã khẳng định: với cách thức làm việc như hiện tại, cô ấy không thể tiếp tục tham gia công việc. Sau đó, tôi hẹn cô ấy đi ăn trưa và thuyết phục cô quay trở lại làm việc. Cô ấy đã đến gặp tôi và Đồng thuận suy nghĩ về lời đề nghị. Tuy nhiên, cô ấy sẽ không quay lại nếu các điều kiện công việc không có gì thay đổi dù cô rất tin tưởng vào công việc của chúng tôi. Cuối cùng, tôi đã phải xem xét lại bản thân. Và dần dần tôi phải làm quen với công việc mà không có sự giúp đỡ của cô ấy. Nhưng thật ngạc nhiên, khoảng một tháng sau, cô ấy quay trở lại, vì cô ấy muốn đóng góp công sức cho công trình mà chúng tôi đang làm. Chắc chắn tôi sẽ không làm khó cho cô ấy nữa. Đó chính là bài học mà tôi đúc kết được từ sự việc này˝. 

Vị giáo sư đã trải qua các trạng thái tâm lý: bị Từ chối (˝tôi không thể tin nổi rằng cô ấy sẽ rời bỏ tôi˝); lo lắng, giận dữ, thương lượng (˝tôi nghĩ tôi có thể thuyết phục cô ấy trở lại˝) và buồn rầu cho đến khi chấp nhận điều đó. Người trợ lý quyết định không can thiệp vào công việc, hủy bỏ hợp đồng với ông chủ cho đến khi ông ta chịu nhìn lại mình và sẽ không ức hiếp hay làm khó cô nữa (thực tế đây là sự tôn trọng đối với nhân viên).

Hủy bỏ hợp đồng là một phương pháp có sức mạnh trong việc giáo dục những người khác và giúp cho mối quan hệ của bạn trở nên tốt đẹp hơn. Nếu bạn lên tiếng thì bạn vẫn có cơ hội thay đổi sự việc. Trường hợp người trợ lý này cũng vậy, bạn vẫn có thể thay đổi suy nghĩ của người khác.

Càng có nhiều quyền lực, càng phải biết tôn trọng

Cho dù có kế hoạch dự phòng nhưng tốt hơn là bạn phải biết kiềm chế vì quyền lực rất dễ bị lạm dụng. Việc sử dụng quyền lực thường đi cùng với sự trả thù, vô cảm trước nỗi đau của người khác và thiếu tôn trọng sâu sắc. Nếu bạn muốn có được sự Đồng thuận của người khác thì bạn cần sử dụng quyền lực bằng sự tôn trọng. Càng có nhiều quyền lực thì bạn càng cần phải thể hiện sự tôn trọng. 

Bạn thực hiện kế hoạch dự phòng với sự tôn trọng, thậm chí là tiếc nuối. Ví dụ thay vì trừng phạt con bạn với thái độ tức giận, bạn nên giải thích rõ cho con về hậu quả của sự việc với thái độ buồn bã, tiếc nuối: ˝Mẹ xin lỗi, nhưng con sẽ không được sử dụng điện thoại trong tuần này đâu. Mẹ chỉ trả lại khi nào con hoàn thành tốt bài tập về nhà˝. Không được nhầm lẫn giữa sự tôn trọng với sự yếu đuối. Chẳng hạn khi bạn muốn con mình phải chấp nhận một hậu quả, có thể bạn sẽ cảm thấy mình bị cám dỗ bởi sự thỏa hiệp trước khi hậu quả đó kết thúc. Tuy nhiên, điều này sẽ dẫn đến nguy cơ hủy hoại uy tín của bạn trong tương lai. 

Sử dụng quyền lực có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ của bạn, vì vậy hãy sử dụng nó hợp lý và tích cực nhất.

Lấy ví dụ về những khó khăn của một vùng lân cận thành phố San Antonio xảy ra vào năm 1974. Hệ thống đường phố và nước thải ở đây vô cùng tồi tệ. Thực ra, chính quyền bang đã chi ra một lượng tiền lớn để nâng cấp và sửa chữa nhưng các nhà chức trách thành phố lại muốn sử dụng số tiền đó vào những mục đích khác có lợi hơn. Trước tình hình này, những người dân ở đây có thể nói Không với sức mạnh tiêu cực và rơi vào trạng thái thất vọng. Họ có thể nổi loạn và hành động bộc phát vì đây là sự phản ứng tự nhiên của con người khi nỗi tuyệt vọng quá lớn. Nhưng nếu làm vậy thì họ sẽ phải trả giá đắt, tất cả sẽ cùng bị nghèo đói.

Trái lại, người dân vùng này đã sử dụng sức mạnh tích cực, họ thành lập một liên minh với tên gọi COPS. Khi các nhà chức trách thành phố tiếp tục lờ đi những yêu cầu của người dân thì liên minh COPS phải sử dụng kế hoạch dự phòng. Hàng trăm nhà chính trị xếp hàng ở ngân hàng thương mại lớn, yêu cầu đổi tiền đô-la ra tiền xu rồi lại yêu cầu ngược lại đổi tiền xu ra đô-la. Trong khi đó, một số người khác lại đến các khu thương mại, chỉ thử quần áo mà không mua. Tất cả những hành động này tuy không mang tính bạo lực nhưng lại khiến cho nhiều khu thương mại phải tạm dừng hoạt động. Trước nguy cơ tổn thất tài chính, những nhà lãnh đạo của các khu thương mại đã phải lên tiếng yêu cầu các nhà chức trách của thành phố hành động ngay lập tức. Họ nhận thấy không thể lảng tránh hay Từ chối thêm được nữa.

Các nhà chức trách thành phố và các doanh nghiệp nhận thức được rằng họ không thể chỉ chú tâm đến những nhu cầu của các khu thương mại thịnh vượng mà bỏ qua nhu cầu của người dân nơi đây. Các nhà chức trách thành phố đã phải tổ chức một buổi gặp mặt các lãnh đạo của liên minh COPS và cam kết thành lập quỹ hỗ trợ tu sửa cơ sở hạ tầng nơi đây. COPS đã đạt được mục đích của mình nhờ sử dụng sức mạnh tích cực hiệu quả làm cho đối phương hiểu được mong muốn của mình.

GẶP SỰ KHÁNG CỰ KIÊN TRÌ

Tóm lại, nói Không tích cực sẽ tạo ra một thực tế mới khiến người khác phải nể trọng. Trước tiên, họ khó mà chấp nhận thực tế này, có thể thờ ơ với lời nói của bạn hay tạo áp lực khiến bạn đầu hàng. Nếu bạn đang phân vân nhượng bộ hay phản công thì thái độ này chỉ khiến cho sự chú ý của người khác chuyển sang hướng khác mà không phải là thực tế này.

Cách lựa chọn này sẽ gặp phải sự kháng cự bền bỉ. Lúc này, hãy nhấn mạnh sức mạnh tích cực. Nhiệm vụ của bạn là sử dụng quyền lực khiến người khác phải hiểu được và chấp nhận sự thật đó. Hãy để cho thực tế này trở thành người thầy của họ chứ không phải bạn. Để những người khác tiếp tục chấp nhận và chỉ can thiệp khi cần thiết tập trung vào sự thật mới mẻ này.

Nếu những người còn lại chấp nhận từ ˝Không˝ của bạn thì đã đến lúc có thể thượng lượng và tiến tới mối quan hệ tốt đẹp. Đây chính là vấn đề của bước tiếp theo, cũng là bước cuối cùng trong phương pháp nói Không tích cực.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.