Trí Tuệ Do Thái

Chương 15: Khuôn Mặt Thiên Thần



Làm sao để nhớ được khuôn mặt và tên người

Mùa hè đã đến. Jerome vừa hoàn thành những bài thi cuối cùng và đi một chuyến vòng quanh thế giới. Đầu tiên, hắn bay tới Santo Domingo và Havana để gặp hai nhà sản xuất quần áo bàn về bộ sưu tập mới dành cho mùa đông. ‘Đông nhiệt đới,’ hắn gọi như thế. Đó là những chiếc áo phông dày dặn ‘xua tan băng giá và sưởi ấm trái tim,’ theo đúng lời hắn.

Từ đó, hắn tiếp tục bay đến New York để bàn chuyện phân phối hàng với Count Down và Submarine. Hai chuỗi cửa hàng này kết hợp lại có hơn 3.000 cửa hàng chuyên dành cho ‘giới trẻ.’

Trên đường đi về phía Đông, hắn dừng chân tại Anh, Tây Ban Nha, Đức và Italia để gặp những nhà phân phối khác nhau và các công ty nhập khẩu tại địa phương. Tại Paris, hắn tham gia triển lãm ‘Mode Jeunesse,’ một triển lãm quốc tế về thời trang cho giới trẻ tổ chức tại Porte de Versaille. Ngày thứ hai ở đây, hắn đã đưa hết 200 tấm danh thiếp mà hắn mang theo. Sự may mắn thực sự đang trải thảm dưới bước chân hắn và hắn quay trở lại Israel trong một tâm trạng cực kỳ hân hoan.

Khi tôi nói chuyện với hắn qua điện thoại, hắn hỏi xem liệu chúng tôi có thể bố trí một buổi tụ tập nho nhỏ tại Café Ladino không. Nhóm ‘Ba ông già về hưu non’ của chúng tôi – Itamar, Jerome và tôi – đã phát triển thêm hai thành viên thường xuyên là Fabio và Itzik Ben-David. Lần này, Jerome bảo tôi mời cả Joseph Hayim Schneiderman và thầy Dahari nữa.

“Có một điều tớ vẫn muốn được nghe mọi người giải thích,” hắn nói. “Tớ đã gặp rất nhiều người mới nhưng tớ không thể nhớ nổi tên của một phần tư trong số đó hay những gì họ nói gì với tớ, trông họ như thế nào? Cậu nghĩ có phương pháp Do Thái nào để nhớ được tên và khuôn mặt không?”

Vì tôi không biết câu trả lời cho câu hỏi của Jerome,và vấn đề này tôi thấy cũng khá quan trọng nên tôi đồng ý với hắn là cần phải có một cuộc gặp nữa với hai ‘chuyên gia’ của chúng tôi…

Cuộc gặp diễn ra vào một chiều thứ hai, vài ngày sau sinh nhật lần thứ 40 của Itamar. Sự kiện này cho chúng tôi một lý do nữa để tụ tập. Vì giờ đã là mùa hè nên Fabio đặt quạt xung quanh quán để cái nóng của mùa hè không làm ai quá khó chịu. Xung quanh hai chiếc bàn được kê liền vào nhau là bảy người chúng tôi và một cô gái, Lisa, Jerome đã mời cô. Chúng tôi rất vui vì điều này.

“Phụ nữ thường nhớ tên và khuôn mặt tốt hơn đàn ông, tôi chắc chắn là cô ấy sẽ có nhiều thứ để chia sẻ với chúng ta,” Jerome giả vờ phân bua về sự có mặt của Lisa. Hắn thừa biết là tất cả chúng tôi đều rất vui vì có thêm Lisa.

Chúng tôi nâng cốc chúc mừng Itamar và vị giáo sĩ cầu Chúa ban cho cậu ta một cuộc sống trường thọ.

“Cậu đã biết kết quả thi chưa?” vị giáo sĩ hỏi Jerome.

“Tôi đã nghĩ kiểu gì thầy cũng hỏi bởi vì thầy muốn biết những phương pháp của các nhà hiền triết liệu có hiệu quả với một người như tôi không, phải vậy chứ?” Jerome cười.

“Không hẳn thế,” ông nói. “Tôi biết chắc chắn là những phương pháp đó có hiệu quả. Chỉ là tôi muốn biết cậu học hành thế nào thôi.”

“À,” Jerome cụp mắt xuống, có vẻ hơi xấu hổ. “Rất cảm ơn thầy đã quan tâm. Nhưng thật tiếc là tôi chưa trả lời được rồi. Họ vẫn chưa thông báo kết quả. Hy vọng là tuần sau sẽ có. Tôi hứa khi nào có, sẽ cập nhật thông tin cho thầy ngay.”

“Tôi cũng nghe nói là việc làm ăn kinh doanh ở nước ngoài của cậu khá thuận lợi,” vị giáo sĩ nhắc lại bằng giọng đầy tự hào điều tôi đã nói với ông.

“Cũng không hẳn.” Jerome lắc đầu, cố hạ thấp thành công của mình xuống. “Tôi vẫn chưa đạt được điều gì cụ thể. Tôi đã gặp nhiều người. Tôi đã tiến được vài bước nhưng chỉ có thời gian mới nói được là liệu có bước tiến nào đơm hoa kết trái được không.” Hắn cẩn thận lựa chọn từ ngữ, sợ lỡ miệng nói ra điều gì xui xẻo. “Hàng vẫn chưa được bán ở các cửa hiệu. Thực tế là nó đã được sản xuất đâu! Sẽ phải mất vài tuần,” hắn giải thích.

“Đầu tiên, áo sẽ được sản xuất ở Cuba và Cộng hòa,” Jerome nói, hắn sử dụng cái tên đặc biệt cho Cộng hòa Dominica. “Đến tháng 9, chúng sẽ được chuyển đến cho các nhà phân phối và các công ty nhập khẩu. Chỉ đến tháng 10, những thiết kế của tôi mới xuất hiện trong các cửa hàng. Sẽ không dễ dàng gì, vả lại còn có hàng tá những nhãn hiệu cạnh tranh nữa. Có hàng ngàn nhà sản xuất như tôi đang giành giật thị phần đó.”

Jerome rút một tập danh thiếp ra từ trong túi áo. Hắn đảo đảo một lượt và quay sang vị giáo sĩ. “Dù sao đi nữa, muốn đảm bảo việc kinh doanh suôn sẻ, tôi cần phải kiểm tra xem còn phương pháp Do Thái nào để giúp tôi ghi nhớ tên và khuôn mặt của mọi người không. Tôi cần nhớ được, chẳng hạn,” hắn rút ra một chiếc danh thiếp từ trong tập và nhìn một lát, “Phillip Vestica, BPL từ Gent, Bỉ… Tôi không thể nhớ được anh chàng này trông thế nào nữa!”

Vị giáo sĩ gõ nhẹ ngón tay lên bàn và nhìn Joseph Hayim Schneiderman. Mặc dù trên khuôn mặt cậu sinh viên hiện rõ sự hào hứng nhưng ông vẫn quyết định sẽ nói trước. “Vua Solomon có một ngàn bà vợ, và ông phải nhớ hết tên của họ,” ông mỉm cười. “Chắc chắn những cuốn sách linh thiêng của chúng ta phải truyền lại phương pháp để nhớ tên và khuôn mặt chứ.”

“Chúng ta sẽ bắt đầu với giả thuyết rằng tên của một người là tài sản giá trị nhất của người đó.” Vị giáo sĩ nghiêng người về phía Jerome. “Cả đời mình, ta luôn mong muốn tên mình sẽ được nổi bật. Một cái tên nổi bật có thể mang đến sự bất tử. Vua Solomon thông thái đã từng nói rằng, ‘Một cái tên hay còn tốt hơn dầu quý.’ Tên của chúng ta cho thấy ta là ai và chúng ta để lại danh tiếng gì, tốt hay xấu. Đức Chúa đã nói với David, ‘Ta đã ban cho con một cái tên vĩ đại, giống như tên của những con người vĩ đại trên thế giới này.’ Còn với Abraham, Người nói, ‘ta sẽ tạo nên một dân tộc vĩ đại và ban phước để tên con trở thành một cái tên vĩ đại.’” Ông nói đến đó rồi ngả người tựa vào thành ghế, hoàn thành lời mở đầu mà chắc hẳn ông đã chuẩn bị từ trước.

“Chính vì vậy, chúng ta phải tiếp cận tên của một người với lòng tôn trọng cao nhất! Hầu hết chúng ta đều mắc tội vì thực tế rằng chúng ta không để ý tới những điều đơn giản nhất mà ở đây chính là tên của một người. Con người gặp gỡ nhau hàng ngày và chỉ vài phút sau khi chia tay, ta đã không còn nhớ tên người mình vừa gặp nữa. Ta nghĩ, ‘Đợi một lát. Anh chàng đó tên là gì ấy nhỉ?’”Ông vỗ vỗ tay vào trán.

“Chúng ta cần phải sắp xếp lại những ưu tiên của mình. Trước khi gặp một người, ta phải có mong muốn biết tên người đó. Ta phải cố gắng hết sức để nhớ tên của họ bởi vì cái tên chính là tài sản giá trị nhất của một con người!”

Tôi rất thích cách tiếp cận vấn đề của vị giáo sĩ nhưng có một câu hỏi bỗng nhiên nảy ra trong đầu tôi về việc tại sao thực tế chúng ta lại không hay để ý tên người khác. “Tên chúng ta thực ra là do cha mẹ đặt,” tôi lên tiếng. “Như thế có nghĩa là một người không tự chọn cho mình cái tên đó. Có thể vì thế nên chúng ta không mấy quan tâm đến những cái tên. Nói cách khác, nếu ta tự chọn tên được cho mình thì điều thầy nói sẽ có ý nghĩa nhiều hơn. Về tâm lý học mà nói thì tìm hiểu lý do một người chọn một cái tên nhất định nào đó rất thú vị. Chúng ta không có động lực đặc biệt để ghi nhớ tên bởi vì ta biết rằng tên một người là do ngẫu nhiên nhiều hơn.”

Vị giáo sĩ lịch sự nghe tôi nói hết rồi nhanh chóng phản bác ngay. “Đó là vấn đề về nhận thức,” ông bắt đầu. “Tôi thấy thực ra sẽ thú vị hơn nhiều nếu tìm hiểu xem bố mẹ của ‘Grace’, chẳng hạn thế, có đúng khi đặt tên con như vậy không. Liệu ‘Grace’ thực sự có dịu dàng, duyên dáng như cái tên không? Liệu ‘Harry’ có lớn lên thành một chàng trai mạnh mẽ, can đảm không? Liệu ‘Pearl’ sau này có trở thành một phụ nữ có vẻ đẹp trong sáng và tâm hồn cao quý không? Đức vua David đã nhận được mệnh lệnh phải đặt tên con trai mình là Solomon, hay Shlomo(37) trong tiếng Do Thái, bởi vì ‘ta sẽ ban cho dân tộc Israel cuộc sống hòa bình và êm ả.’ Cũng giống như vua David, nhiều bậc phụ huynh đôi khi cảm thấy những xúc cảm thiêng liêng ẩn chứa đằng sau những cái tên mà họ chọn cho con cái mình.”

Ông ngừng lại một lát để sắp xếp lại những ý nghĩ trong đầu.

“Chúng ta đã nói đến ngọn lửa đen và ngọn lửa trắng, những con chữ màu đen và trang giấy trắng rồi. Mỗi con người khi sinh ra đều là một trang giấy trắng. Cái tên chính là những con chữ màu đen lấp đầy trang giấy đó, nó theo suốt chiều dài cuộc đời của một con người. Những con chữ đó có thể thẳng, có thể lưa thưa, có thể co cụm, chúng có thể để lại nhiều khoảng trắng trên trang giấy, có thể kín cả trang giấy. Đó là những gì mà một cái tên làm. Có rất nhiều điều trong một cái tên, chính vì vậy có thể sẽ rất thú vị, về tâm lý học theo như cậu nói, nếu đi sâu phân tích những yếu tố đó và tìm hiểu xem số phận của một con người có phù hợp với cái tên mà bố mẹ người đó đặt cho không, hay người đó lại đi theo một hướng hoàn toàn khác.”

Ông nhấp một ngụm trà Hawayage đặc biệt mà Fabio chuẩn bị riêng cho ông.

“Có những người khi trưởng thành đã đổi tên bởi vì họ không hài lòng với cái tên mà cha mẹ họ đã đặt từ tấm bé với hy vọng rằng một cái tên mới sẽ thay đổi cả số phận của họ nữa. Đó là lý do tại sao Đức Chúa đã đổi tên của Avram thành Abraham và tên của Jacob thành Israel.”

“Dù sao,” ông nói tiếp, “hãy quan tâm đến tên một người, trân trọng nó và hãy nhớ lấy, cho dù cái tên có là do cha mẹ đặt hay không, thì tiếng gọi tên vẫn là âm thanh dễ chịu nhất đối với đôi tai của con người mang cái tên đó. Cho dù họ có thực sự yêu tên mình hay không thì cái tên vẫn là điều đầu tiên mà ta tiếp xúc khi gặp một người.”

Itamar ra hiệu muốn bày tỏ ý kiến của mình và cậu ta củng cố thêm những điều vị giáo sĩ đã nói bằng một vài ví dụ của riêng mình mà cậu ta thu thập được từ các nước khác trên thế giới. “Ở Mỹ có những bộ lạc người da đỏ coi tên là một phần trong sự tồn tại của một con người. Họ tin rằng gọi nhầm hay gọi sai tên một người có thể khiến tâm hồn của con người chịu muôn vàn đau đớn. Ở Trung Quốc có tục lệ đặt tên để tránh con mắt của quỷ dữ. Ở Congo, vì lý do tương tự, không ai được phép nói tên của một người lính khi anh ta đang chiến đấu hoặc săn đuổi cho đến khi anh ta quay trở về doanh trại.”

“Người Do Thái cũng giống người da đỏ, đúng không?” Jerome hỏi. “Mỗi cái tên đều mang một ý nghĩa. Không ai lại tự nhiên đặt một cái tên vô nghĩa kiểu như Gifelbritenkar cả,” hắn bật ra. “Một cái tên phải kiểu kiểu như là Or (ánh sáng), Guy (thung lũng), Maayan (mùa xuân, nước trong), Shai (món quà), Mitryah (chiếc ô). Ý tôi là, tên thì phải có nghĩa đúng không?”

Vị giáo sĩ mỉm cười gật đầu.

“Tôi không nghĩ là có điều luật nào quy định về điều đó nhưng tôi dám khẳng định là hầu hết những cái tên của người Israel đều được đặt dựa trên một lý do nào đó.”

“Vậy thì chắc Itzik có thể gọi là ‘Sếp lớn to đùng.’ Hắn chỉ vào Itzik Ben-David.

“Tên ‘Itzik’ thực ra là một biến thể của Issac,” vị giáo sĩ giải thích điều mà thực chất chúng tôi đã biết. “Nhiều cái tên có liên quan đến Chúa bởi vì người đặt tên muốn tạ ơn Người đã ban cho họ món quà của cuộc sống và mối liên kết giữa điều huyền diệu trong sự ra đời của một đứa trẻ và Người. Những cái tên như Joshua (Chúa che chở cho con), Daniel (Chúa là vị quan tòa anh minh), Elijah (Đó là Chúa của con)…”

“Còn có nhiều tên xuất phát từ thiên nhiên nữa,” Itzik bổ sung, “như Dov (gấu), Zvi (nai), Yael (linh dương), Deborah (ong) chẳng hạn.”

“…Nurit (mao lương hoa vàng), Lilach (tử đinh hương), Rekefet (anh thảo), Barak (chớp), Zur (đá),” Lisa xen vào.

“Ofra (quặng),” Jerome đóng góp thêm vào danh sách. “Thực ra từ này xuất phát từ việc kết hợp từ gà trong tiếng Do Thái với từ rah có nghĩa là hư,” hắn cười. “Gà hư.”

“Không phải thế đâu,” vị giáo sĩ cười lại. “Ofra là biến thể dành cho phái nữ của tên Ofer, cũng là tên của một thành phố cổ ở Israel. Nhưng đúng là Kinh thánh cũng có đầy những cái tên có nghĩa không được tích cực lắm, như: Caleb (chó), Kotz (gai), Tahat (mông), Zima (dâm), Huldah (chuột)…”

“Làm sao lại đặt tên con là Mông được nhỉ?” Itzik thốt lên. “Mông!”

“Thế cậu đã thấy anh chàng đó chưa?” Jerome hỏi. “Biết đâu tên đấy lại hợp ấy chứ.” Hắn cười ranh mãnh. “Tưởng tượng gặp ông Caleb (chó) trên đường. ‘Dạo này sao hả Chó? Bọn trẻ thế nào? Mông chắc phải lên bảy rồi ấy nhỉ? Bảo Chuột là tôi gửi lời chào nhé.”

Schneiderman phá lên cười.

“Thế còn họ thì sao?” Tôi hỏi. “Tôi đã đọc ở đâu đó rằng mãi sau này trong tên mới có họ.”

Thầy Dahari và Itamar cùng lên tiếng định trả lời nhưng rồi cả hai dừng lại, cười lúng túng. Itamar đưa tay về phía vị giáo sĩ mời ông nói trước.

“Ngày trước,” ông bắt đầu, “để phân biệt hai người cùng tên thì người ta cho thêm tên của người cha vào. David sẽ được gọi là David Ben-Yishai (David, con trai của Yishai), Solomon Ben-David (Solomon, con trai của David) hay Joshua Ben-Nun (Joshua, con trai của Nun). Đó chính là họ. Một cách khác nữa để xác định một cá nhân là cho thêm quê quán vào tên gọi, như là Aryeh ở Hittite hay Elijah ở Tisbi chẳng hạn. Ngày nay, những họ đi theo tên trở nên phổ biến là do cuộc sống ở thành thị. Tại một thành phố lớn với hàng triệu người thì rất khó để người ta biết về nhau như ở làng quê. Vì thế người ta cần đến một biệt danh bổ sung để phân biệt người này với người kia,” ông giải thích. “Họ xuất phát từ những nguồn khác nhau như nghề nghiệp hay địa vị cá nhân. Lấy ví dụ về nghề nghiệp nhé.” Vị giáo sĩ ngẫm nghĩ một lát.

“Trong cộng đồng người Do Thái Sephardic, có những cái tên như Abulafya có nghĩa là nhà vật lý học, Helphon – người đổi tiền, Dayan – thẩm phán, Kimchi – chủ lò bột, còn nhiều nhiều nữa.”

“Thế còn địa vị xã hội thì sao”” Itzik hỏi.

“Ừ, những họ như là Katan (bé nhỏ) hay Bueno (tốt),” ông giải thích. “Khi người Do Thái bị đẩy khỏi những nơi khác nhau, một số người cũng lấy tên của nơi đó. Thế nên chúng ta mới có những họ như Alkalia – từ thành phố Ecola, Tây Ban Nha. Spinoza – từ Espinosa, Toldeno – từ Toledo, Tzan’ani – từ Tzan’a ở Yemen.”

“Thế còn những họ kiểu châu Âu của người Do Thái Ashkenazi như Rosenbaum hay Goldsmith thì sao?” Itzik lại hỏi.

Vị giáo sĩ chỉ vào Itamar. “Tôi xin chuyển câu hỏi này cho một người Ashkenazi trả lời.”

“Tôi chỉ ba phần tư Ashkenazi thôi,” Itamar thừa nhận, “nhưng tôi biết câu trả lời cho câu hỏi đó.

“Cũng tương tự như thế thôi, nhưng đến tận thế kỷ XVIII người Ashkenazi mới phát triển họ. Về cơ bản, người ta buộc phải thêm họ vào tên mình. Trước thời gian đó, chỉ trừ một số trường hợp ngoại lệ còn tên người cha vẫn được dùng làm họ, như ta đã nói khi nãy.”

“Tại sao lại thế?” Jerome ngắt lời. “Sao họ không muốn có một cái họ thực sự chứ?”

Itamar xé một gói đường bỏ vào tách cà phê, khuấy nhẹ.

“Họ thấy thoải mái. Đó là một cách dễ dàng để không lọt vào con mắt dò xét của những kẻ thích tấn công họ,” cậu ta giải thích. “Cho đến khi có người muốn hệ thống hóa mọi thứ. Việc này bắt đầu từ sắc lệnh của Joseph II, vua nước Áo, vào năm 1787. Một đạo luật nữa vào năm 1809 lặp lại ý tưởng tương tự. Cả hai chỉ dụ này đều bắt người dân Do Thái ở Franfurt và Baden phải có họ như ở Pháp, Grusia và Nga.

“Mục đích của các nhà chức trách là tổ chức dân số nhằm thu thuế và thực hiện chế độ quân dịch với người Do Thái. Hay nói cách khác là kiếm tiền từ người Do Thái. Người có tên được coi là ‘hay’ hơn thì phải trả nhiều tiền hơn, còn người có tên ‘xấu’ hơn thì phải trả ít hơn!”

“Tên thế nào thì được gọi là hay?” tôi thắc mắc.

“Rosenthal, Diamon, Edelstein. Nhưng đáng chú ý lại là những cái tên được coi là thuộc tầng lớp thấp,” cậu ta cười. “Đó là những cái tên được tạo ra từ bộ não biến thái, xấu xa của bọn quan chức chính phủ theo tư tưởng bài Do Thái. Eselkopf (đầu lừa), Schmaltz (mỡ gà), Wormbrandt (đốt sâu), Borgenitcht (đừng mượn)… Đúng là không có giới hạn nào cho bọn bất lương! Ở Hungary chẳng hạn, người Do Thái được chia thành bốn nhóm, mỗi nhóm phải mang một họ cố định: Weiss (trắng), Schwartz (đen), Klein (nhỏ), Gross (lớn). Thế đấy!” Cậu ta tỏ rõ sự ghê tởm và phẫn nộ.

“Đợi một giây nào,” Jerome ngắt lời. “Thế Schwartzenegger có nghĩa là gì?”

“Người da đen,” Itamar trả lời.

Jerome sững sờ. “Người da đen á?!… Trời, thế mà tớ cứ nghĩ phải tệ hơn ấy chứ. Họ có thể gọi anh ta là ‘người da đen trắng’ – Weissenager.” Hắn cười toe toét.

“Dù sao, người Do Thái Ashkenazi cũng có đủ nơi và đủ thời gian để chọn cho mình một họ tên từ nhiều nguồn khác nhau, giống như người Do Thái Sephardic vậy. Chẳng hạn như, Becker (thợ làm bánh), Schreiber (nhà văn), Fleischer (người bán thịt), Farber (họa sĩ), Singer (ca sĩ)…”

“Đôi khi, cùng một họ nhưng ở các nước khác nhau lại có sự thay đổi – Itzik có thể là Issac, Ben-Avraham ở Đức sẽ là Abramson chẳng hạn. Có những họ Ashkenazi xuất phát từ những địa danh ở châu Âu như Berlinski từ Berlin, Pollack từ Phần Lan, Litbeck từ Lithuania…”

“Và Schwartzenegger từ Zimbabwe,” Jerome bổ sung.

“Họ mang tính chất miêu tả của người Ashkenazi thì có,” Itamar cười và nói tiếp, “Kurtz (thấp), Langer (dài), Weiss (trắng), Geller (vàng)…”

“Và Schwartzenegger…” Jerome nhắc lại, thích thú với trò đùa mới của hắn.

“Và Schwartzenegger nữa,” Itamar nói bằng giọng chịu thua và nhấp một ngụm nước.

“Nhưng cùng với nhà nước Israel hiện đại, người Do Thái bắt đầu đổi tên mình trở về tiếng Do Thái,” Itzik nói.

“Đúng là một số người bắt đầu dịch tên mình ra tiếng Do Thái,” Itamar xác nhận. “Chẳng hạn, David Greene trở thành David Ben-Gurion, Vladimir Jabotinski trở thành Zeev Jabotinski (một trong những người sáng lập ra nhà nước Israel), Eliezar Pearlman trở thành Eliezar Ben-Yehuda (người sáng tạo ra tiếng Do Thái hiện đại). Chỉ có một số ít các nhà lãnh đạo không chịu thay đổi tên.”

“Nhân tiện, có ai biết họ nào dài nhất trong tiếng Do Thái không?” Itamar hỏi chúng tôi.

“Schwartzenegger,” Jerome nhanh nhảu nói luôn.

“Không đúng rồi, xin lỗi nhé. Đó là Katzenellenbogen.”

“Có nghĩa là gì?” vị giáo sĩ hỏi.

“Khuỷu chân mèo,” Itamar cười. “Họ này xuất phát từ ‘Katimelbochi,’ một tỉnh của nước Phổ ở Hes-Nasau.”

Fabio để ý thấy tách của mọi người đều sắp cạn cả nên gọi cô gái bồi bàn. “Ai muốn dùng thêm một tuần cà phê nữa nào?” anh ta nói to.

Ai cũng giơ tay, trừ vị giáo sĩ và ông gọi một tách trà Hawayage nữa.

“Mọi người biết không, có một câu chuyện cười liên quan đến những cái tên đấy,” Jerome đưa chúng tôi trở lại chủ đề thảo luận. “Có một giáo sĩ đáng kính đến thăm trường học. Một cô bé cố gây sự chú ý và gọi to, ‘Jacob… Jacob…’ Hiệu trưởng thấy vậy bèn nói với cô bé, ‘Rebecca à, con không được gọi thầy là Jacob. Như thế là bất kính. Con phải gọi thầy là Rabbi Cohen.’ Lúc này thì vị giáo sĩ đã để ý đến cô bé. ‘Trò gọi ta à? Trò có gì muốn nói với ta sao, cô bé đáng yêu?’ Cô bé đứng thẳng lên, chắp hai tay ra sau lưng và nói, ‘Rabbi Cohen cũng là tên em trai con ạ.’”

Hai người khách du lịch mồ hôi đầm đìa bước vào quán và ngồi xuống chiếc bàn ngay sát chiếc quạt. Người phụ nữ bỏ kính râm ra và đặt nó xuống tờ bản đồ vừa lấy trong túi ra.

“Vậy, nếu tôi hiểu không nhầm thì nếu muốn ghi nhớ tên mọi người, tôi cần phải gán cho cái tên đó một ý nghĩa nào đó và kết nối ý nghĩa đó đến con người ở trước mặt mình, đúng không?” Jerome kết luận.

Sự sáng suốt của khuôn mặt và tâm hồn

Vị giáo sĩ chậm rãi đưa tay vuốt bộ râu và nhìn ra xung quanh. Để ý thấy mọi con mắt đang chăm chú nhìn mình chờ đợi một câu trả lời, ông bắt đầu.

“Mỗi người có một tâm hồn đặc biệt và độc nhất. Mỗi người có một nhân cách tự bộc lộ qua khuôn mặt và cơ thể. Có người tốt, kẻ xấu, người bình tĩnh, kẻ nóng nảy, người cao, người thấp, người béo, người gầy, người xinh đẹp, người không-xinh-đẹp-lắm…” Vị giáo sĩ cẩn trọng lựa chọn từ ngữ.

“Và đừng quên những đặc điểm của người Do Thái,” Jerome nhận xét. “Mũi to, tai vểnh…”

“Theo khuôn mẫu của những kẻ bài Do Thái thì đúng là vậy,” vị giáo sĩ nói và nhìn chằm chằm vào chúng tôi. “Ngoài tôi ra thì tôi chẳng thấy ai ở đây có mũi to bất thường cả. Nói thật, một vài người còn trông không giống người Do Thái lắm.” Ông nhìn tôi rồi chuyển sang Fabio.

“Tất nhiên, đó chỉ là sự khái quát thôi. Dù những kẻ bài Do Thái có nói gì thì cũng có rất nhiều người Do Thái ưa nhìn. Chẳng hạn, Đức vua David có đôi mắt rất đẹp. Thầy David Rosen, giáo sĩ trưởng của Ai-len trong thời gian dài, được coi là khá đẹp. Nói ngắn gọn, chúng ta đâu có thiếu những người đẹp.”

“Xin lỗi một phút,” Jerome lịch sự ngắt lời, “nhưng mọi người vừa làm tôi nhớ đến một câu chuyện cười mà tôi rất muốn kể.”

“Vậy, cậu kể đi.” Vị giáo sĩ cười và ra hiệu cho Jerome. “Tôi đã hiểu được tầm quan trọng của việc kể chuyện cười với cậu rồi. Cậu mang trong mình một sự bức bách phải giải phóng khiếu hài hước ra bên ngoài.”

“Cảm ơn thầy.”

“Một phụ nữ ngồi trên máy bay cạnh một anh chàng. Bà ta cứ nhìn chằm chằm anh này mấy lần liền cho đến khi không kiềm chế được nữa. Bà ta quay sang và nói, ‘Anh là người Do Thái, phải không?’ Anh ta lịch sự mỉm cười và lắc đầu. ‘Thực sự là không. Tôi không phải là người Do Thái.’ Người phụ nữ quay trở lại với tờ tạp chí nhưng chỉ năm phút sau lại quay sang người ngồi cạnh. ‘Anh có chắc anh không phải là người Do Thái không?’ ‘Chắc chứ.’ Không đầy hai phút trôi qua, người phụ nữ lại hỏi lần nữa. ‘Có thật anh không phải là người Do Thái không, hay chỉ là anh không muốn thừa nhận điều đó?’ Anh này, dù đã hơi bực mình rồi nhưng vẫn giữ bình tĩnh. ‘Thật, tôi không phải là người Do Thái. Tôi theo đạo Tin lành.’ Dù đã nhận được câu trả lời đó, trong ba tiếng tiếp theo, người phụ nữ vẫn không để cho anh ta yên, liên tục quấy rầy anh ta về việc anh ta có phải là người Do Thái không. Cuối cùng, anh ta cáu. “Bà biết sao không? Bà nói đúng đấy. Tôi là người Do Thái. Tốt rồi chứ hả?’ Người phụ nữ đặt tờ báo xuống và dịch gần vào người bên cạnh. ‘Dù vậy, lạ thật. Trông anh chẳng Do Thái chút nào!’”

Tất cả chúng tôi phá lên cười. Ngay cả Itamar cũng đập tay xuống bàn cười ngặt nghẽo.

“Tôi xin lỗi,” Jerome nói với vị giáo sĩ. “Xin cứ tiếp tục.”

“Như ta đã biết,” vị giáo sĩ bắt đầu, “cơ bản là phải tạo được mối liên kết giữa tên của một người và diện mạo của người đó. Diện mạo thể chất, hay có lẽ quan trọng hơn là diện mạo của tâm hồn, là ý thức về tính cách và ấn tượng nó tạo ra. Các nhà hiền triết đã phân thành bốn nhóm: những người có tên đẹp làm những điều tốt đẹp; những người có tên xấu làm những điều xấu xa; những người tên đẹp nhưng làm những điều xấu xa; những người tên xấu nhưng làm những điều tốt đẹp. Nói cách khác, có hai khả năng xảy ra: Tên có thể hợp hoặc không hợp với người mang tên đó.” Ông ngả người ra phía sau, bắt chéo chân và suy nghĩ xem nên nói gì tiếp.

“Khi ta gặp một ai đó, điều đầu tiên ta cần chú ý đến chính là tên người đó. Điều thứ hai là nhìn người ta gặp và xem ấn tượng của ta về người đó ra sao. Lần đầu tiên nhìn, trông cô ta hay anh ta thế nào? Hòa nhã, nóng tính, một người hay cười hay một người xảo quyệt… Ta nên luôn tự hỏi mình rằng, ‘Sao người đó lại có tên như thế? Cái tên có phù hợp với ấn tượng người đó tạo nên hay không?’ Quan trọng nhất là cái tên đó phù hợp, hay không phù hợp, với bản thân con người đó ở khía cạnh nào?” ông giải thích. “Khuôn mặt của một con người trả lời rất nhiều câu hỏi về con người đó, trong đó có câu hỏi về việc cái tên có phù hợp với người đó không.”

“Thầy có thể lấy ví dụ nào đó thực tế hơn một chút được không?” Jerome đề nghị.

Vị giáo sĩ ngẫm nghĩ một lát rồi trả lời. “Giả sử cậu gặp ông Melamed, một người có khuôn mặt cáu kỉnh. Tên ‘Melamed’ trong tiếng Do Thái có nghĩa là giáo viên. Liệu một người trông lúc nào cũng khó chịu như thế có phải là một giáo viên tốt không? Tôi không dám chắc lắm đâu. Trong tình huống này cậu có thể nói với chính mình rằng có lẽ ông Melamed mang khuôn mặt cáu kỉnh như vậy là bởi vì ông ta ghét nghề giáo. Lần sau gặp ông ta, cậu sẽ nhớ rằng cậu đã gặp người có khuôn mặt cau có đó và cậu sẽ tự bảo mình, ‘Nếu ông ta để lại một ấn tượng khó chịu như vậy thì điều này có liên hệ gì với tên ông ta không nhỉ?’” Ông đưa tay gãi gãi trán rồi mới trả lời câu hỏi mình vừa đưa ra. “À! Ông ta cau có bởi vì ông ta phải dạy bọn trẻ! Đúng rồi… tên ông ta là Melamed!”

“Thế làm sao tôi nhớ được tên Josik, là Joseph Hayim ấy?” Jerome cười với cậu sinh viên.

“Ồ, tùy cậu thôi,” vị giáo sĩ trả lời thận trọng. “Cậu có ấn tượng gì về cậu ấy không?”

Jerome nhìn chằm chằm vào cậu sinh viên lúc này đang hơi lúng túng vì trọng tâm của cuộc đối thoại đã chuyển về phía mình.

“Cậu ấy là một người có một trái tim đẹp, một người thông minh và thú vị. Cậu ấy có trí tưởng tượng phong phú, một trí tưởng tượng thực sự giúp tôi rất nhiều. Nghĩ về điều này, tôi cho rằng cậu ấy đã mang đến cho tôi một món quà cực kỳ quý giá. Cậu ấy đã làm cho cuộc sống của tôi trong suốt những ngày thi tốt nghiệp trở nên dễ dàng và bớt căng thẳng hơn bằng việc chia sẻ với tôi những phương pháp ghi nhớ của cậu ấy.” Hắn gật đầu về phía cậu sinh viên. “Cảm ơn nhiều, Josik.”

“Vậy, cậu có thể nói rằng cậu ấy đã có ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống của cậu,” vị giáo sĩ tóm tắt những điều Jerome nói.

“Đúng vậy.”

“Thực tế, thậm chí có thể nói rằng cậu ấy đã đem đến cho cuộc sống của cậu một điều gì đó, đúng không?”

“Chính xác!”

“Vậy trong tiếng Do Thái thì ‘mang đến cuộc sống’ là gì? Joseph (mang đến thêm) Hayim (cuộc sống)!”

Jerome nhíu mày nghĩ về lời ông. Rồi hắn đập hai bàn tay vào nhau. “Joseph Hayim! Thật đáng kinh ngạc! Cái tên còn hơn cả phù hợp nữa. Nó thật… hoàn hảo!”

“Thầy cũng nói rằng chúng ta nên tạo ra mối liên kết giữa tên người và diện mạo bên ngoài của người đó,” Itzik nhắc.

“Ồ. Tôi làm thế suốt mà,” Fabio lên tiếng. “Lần đầu tiên thấy George Bush trên TV, tôi đã lập tức chú ý đến mái tóc của ông ta. Tôi nghĩ trông nó hơi rậm rạp hơn mức bình thường(38).” Anh ta đưa tay vòng vòng quanh đầu để diễn tả ý mình.

“Một ví dụ rất hay,” vị giáo sĩ nhận xét. “Nhưng không cần phải lấy người nổi tiếng thế. Jerome đã từng lấy một ví dụ cực kỳ hay về tên cậu đấy.” Ông chỉ vào Itzik.

“Tôi á?” Itzik cực kỳ ngạc nhiên.

“Cậu có nhớ cậu đã gọi Itzik là gì không? Itzik ‘Diễn viên’ Ben-David.”

“Oa!” Tôi mỉm cười. “Itzik Diễn viên.” Tôi nhìn anh chàng. “Đúng thật.”

“Nhưng cũng không cần thiết phải liên hệ tên với vẻ bề ngoài nói chung,” vị giáo sĩ tiếp tục. “Cậu có thể tập trung vào những đặc điểm cụ thể. Có câu nói thế này, ‘sự sáng suốt của một con người làm cho khuôn mặt người đó bừng sáng,’ có nghĩa là ánh sáng sẽ phát ra từ đôi mắt, phản chiếu từ cái trán và bừng lên trong nụ cười. Hãy chú ý đến sự tương quan giữa diện mạo khuôn mặt và những tính cách cá nhân.

“Cái trán của một người có thể là dấu hiệu biểu hiện sự dũng cảm, quyết tâm và sức mạnh,” ông nói thêm. “Khuôn mặt mạnh mẽ… cái trán mạnh mẽ. Đức vua David đã miêu tả những người phù hợp với chiến trận là những người có ‘khuôn mặt giống như mặt của những vị chúa sơn lâm.’ Ở đây cũng vậy, nó muốn ám chỉ một khuôn mặt can trường tràn đầy sức mạnh. Cậu đã thấy mình có thể biết được nhiều điều từ khuôn mặt chưa?”

“Tôi thì tin rằng đôi mắt là thứ phản chiếu con người rõ nhất,” Itamar nhận xét.

“Anh nói đúng,” Lisa tán thành. “Đôi mắt có thể cho ta biết con người đó có một trái tim ấm áp và hào phóng hay một trái tim xấu xa, đầy sự khinh bỉ, miệt thị và hằn học.”

“Nói tóm lại,” vị giáo sĩ tiếp lời. “Nếu Ori có một đôi mắt đẹp, ta có thể thấy ánh sáng chiếu rọi trong đó. Nếu Ori có một đôi mắt u tối, có nghĩa là ánh sáng mà cha mẹ anh ta đã mang đến cho anh ta trong cái tên đã ra khỏi cuộc đời anh ta,” ông giải thích.

“Nếu Melody có giọng nói ngọt ngào, dễ chịu,” Itzik nói, “cô ấy có thể là một ca sĩ. Có nghĩa là, Melody lúc nào cũng ngân nga những giai điệu.”

“Rose cao và tóc ngắn,” Itamar bật ra. “Vậy làm sao để nhớ ra tên cô ấy.”

Vị giáo sĩ nhìn Jerome. “Có ý tưởng nào không?”

“Tôi hình dung cô ấy mang một vòng hoa hồng trên đầu. Thứ nhất, vòng hoa này sẽ sưởi ấm đầu cô ấy… mà cô ấy rất cần hơi ấm đó bởi vì như cậu nói, tóc cô ấy ngắn mà. Thứ hai, cô ấy cao, lộng lẫy, rực rỡ, như một nữ hoàng vậy,” Jerome miêu tả. “Đó là lý do vì sao cô ấy được mang vòng hoa hồng trên đầu, như kiểu một chiếc vương miện vậy.”

“Thế còn những cái tên không phải Do Thái thì sao?” Itamar nêu ra một câu hỏi có vẻ còn khó hơn.

Peter, Paul và Mary

“À!” Cậu sinh viên đung đưa ngón tay. “Tôi vẫn hay làm thế này. Nếu tôi không biết nghĩa của cái tên đó, như trong trường hợp tên ‘Jerome’ chẳng hạn, tôi sẽ tìm một từ hoặc tương tự cái tên nghe có vẻ lạ đó hoặc có thể giúp tôi nhớ đến cái tên đó,” cậu giải thích.

Jerome nhìn Schneiderman bối rối, tò mò không biết số phận cái tên của mình ra sao.

“Với tôi, tên Jerome khiến tôi nhớ đến từ ‘gram,’” Schneiderman nói. “Jerome – gram. Anh có thấy sự giống nhau ở đây không?” cậu ta hỏi, chờ đợi một sự đồng tình.

“Tôi thấy khá hợp lý,” Itzik khẳng định.

“Tại sao?” cậu sinh viên hỏi.

“Vì cậu ta quá gầy,” Itzik cười khúc khích. “Trông cậu ta như thể cân nặng chỉ tính bằng gram thôi ấy.”

“Chính xác!” cậu sinh viên thốt lên đầy phấn khích. “Tôi cũng nghĩ y như thế.”

Jerome nhìn cả hai người, khuôn mặt chẳng biểu lộ cảm xúc gì hết. Một lúc sau, hắn mỉm cười và chỉ vào cậu sinh viên.

“Xem ai đang nói kìa!” hắn kêu lên. “Cậu còn thấp hơn, gầy hơn cả tôi. “Đáng lẽ ra cậu phải đổi tên thành ‘tăng cân’ mới đúng.

“Không có gì đâu mà, Jerome,” tôi nói và vỗ vai hắn, mặc dù tôi thừa biết là hắn chẳng nghiêm trọng hóa việc chơi chữ đâu.

“Không có gì hả?” hắn nhắc lại. “Thế chính xác thì tớ nên nghĩ thế nào hả?”

“Người ta thường có mấy khi biết người khác nhớ tên mình bằng cách nào đâu, cho dù cách đó có lố bịch đến chừng nào đi nữa. Và điều đó cũng đâu có ảnh hưởng gì đến mối quan hệ của chúng ta,” tôi giải thích. “Cậu biết bọn tớ luôn yêu quý cậu mà,” tôi nói thêm, “cho dù thực tế là cậu gầy nhom, cao nghều và cậu luôn mặc áo kiểu người Puerto Rico đi nữa.”

Lisa bụm miệng lại để không bật cười thành tiếng. Rõ ràng cô ấy cũng có ý nghĩ tương tự về thời trang của Jerome.

“Có gì buồn cười chứ?” hắn hỏi và mỉm cười biết ý.

“Nhưng cậu biết không, tớ phải công nhận là họ của cậu rất hợp với cậu,” Itamar ngắt lời. “Zomer trong tiếng Đức có nghĩa là ‘mùa hè,’” cậu ta giải thích. “Và dĩ nhiên, cậu là hoàng đế của những chiếc áo phông mùa hè rồi.”

Jerome gật gù hài lòng. “Cuối cùng, cũng có người nói tốt về tớ.”

Lượt đồ uống tiếp theo được mang ra trên một chiếc khay lớn. Cô gái bồi bàn cẩn thận phân phát cho từng người một.

Jerome lấy một tệp danh thiếp ra khỏi túi. Hắn nhìn cái trên cùng. “Jim Peterson. Làm sao để nhớ một cái tên như Jim Peterson được đây?”

“Tưởng tượng anh ta đang lái một chiếc jeep sắp hết xăng.” Tôi miêu tả ngay hình ảnh vừa chợt xuất hiện trong đầu mình. “Jim – jeep, Peterson – hết xăng(39).”

Jerome nhìn tấm danh thiếp thứ hai. “Bernard Benedict.”

“Ồ, cái này dễ mà,” tôi trả lời ngay. “Một con chó St Bernard treo một chai Benedictine lủng lẳng ở cổ.”

“Hay đấy,” hắn nhận xét rồi chuyển sang tấm danh thiếp tiếp theo.

“Bill Gardener,” hắn nói và ra hiệu rằng hắn muốn tự mình thử cái tên này. “Tớ sẽ tưởng tượng ra một người làm vườn đang cặm cụi trong vườn cùng cựu tổng thống Bill Clinton(40). Họ có nhiều thời gian, tha hồ ở ngoài đó, nhất là Clinton.”

“Jose-Leon Margal,” Jerome đọc cái tên in trên tấm danh thiếp và tiếp tục ra hiệu muốn thử. “Jose nghe hơi giống hose (bít tất). Leon giống sư tử (lion). Margal thì nghe như marble (đá hoa),” hắn nêu ra một loạt. “Ông ta dùng một cái bít tất để huấn luyện một con sư tử giữ thăng bằng trên đá hoa.”

“Tuyệt vời,” Itzik thốt lên, rõ ràng rất thích thú sự tưởng tượng của Jerome.

“Tôi sẽ mang bít tất và đá hoa nhé. Còn cậu chịu trách nhiệm về con sư tử, được chứ?” Jerome nói với Hevrutah của mình. “Mang hai con voi và một con tê giác nữa, nếu xe cậu còn đủ chỗ.”

“Này, tôi xin lỗi,” Itamar ngắt lời. “Nhưng dù cố gắng hết sức, tôi cũng không thể tạo được mối liên hệ giữa tên của một người và một đồ vật nào đó. Hoàn toàn chẳng có gì xuất hiện trong đầu tôi cả,” cậu ta thừa nhận.

Schneiderman nhún vai. “Tôi không biết phải nói gì với anh,” cậu xin lỗi.

Thật may, vị giáo sĩ lại đỡ được cho cậu phần này.

Phương pháp nickname

“Ta có thể nghĩ ra một nickname, một cái tên có thể miêu tả được người đó, và thêm vào tên anh ta,” ông giải thích. “Từ thời Talmud, người ta đã bắt đầu làm thế, có những cái tên như: Hillel Già, Zeira Trẻ, Abba Dài, Samuel Bé…”

“Thời đó, thậm chí còn có cả những nickname như Mặt đỏ,” Schneiderman bổ sung. “Nickname này được dùng cho những người có làn da hơi đỏ… như tôi.”

“Tôi hiểu rồi,” Itamar nói. “Vậy ta có thể gọi là Itzik To, Fabio Kháu, thầy Dahari Thông thái, Jerome…” cậu ta dừng lại, không biết có nên nói tiếp hay không.

“Jerome Người chiến thắng,” cậu ta tiếp tục, giọng rất nghiêm túc.

Mắt Jerome gần như nhảy ra khỏi tròng vì ngạc nhiên, rồi mặt hắn chuyển hơi ửng hồng như thể lời khen đầy uy lực mà hắn vừa nhận được đã tiếp thêm sức mạnh cho hắn vậy.

“Jerome Người chiến thắng,” tôi nhắc lại và vỗ vai hắn. “Tớ sẽ đứng thứ hai sau cậu.” Nhận xét của tôi cũng làm hắn ngỡ ngàng. Tôi tự hỏi mình sao không nói điều gì đó tích cực về hắn một lần.

Tên và những chữ cái đầu

“Còn một cách nữa,” Schneiderman lên tiếng. “Biểu tượng, giống như những từ viết tắt ấy.”

“Tên viết tắt hả?” Itzik hỏi.

“Đúng vậy. Như Rambam chẳng hạn. Nó tượng trưng cho Rabbi Moses Ben-Maimon. Hay Rashi – Rabbi Shlomo Itzhaki. Ralbag – Rabbi Levy Ben-Gershon. Rashal – Rabbi Shlomo Luria…”

“Ramad,” Jerome bổ sung.

“Ramad à?” cậu sinh viên hỏi lại.

“Rabbi Menashe Dahari,” hắn chỉ vào vị giáo sĩ.

“Tốt,” vị giáo sĩ gật đầu, dù rõ ràng ông không thích sự chú ý chuyển sang phía mình.

“Còn có Ibad nữa,” tôi nói thêm. “Itzik Ben-David.”

“Jaz,” Itamar bổ sung. “Jerome Zomer.”

“Tớ là một fan nhạc Jazz đấy,” Jerome bình luận.

“Điều này làm tôi nhớ đến một câu chuyện,” tôi nói. “Có lần tôi gặp một người Do Thái rất tốt bụng tên là Jacob Schwartz. Anh ấy nhớ tên người bằng cách biến tên người đó thành những chữ viết tắt miêu tả tính cách. Như hồi ở quân đội, anh phục vụ một người tên là Jack. Jacob miêu tả Jack là người tốt, hơi lăng xăng một chút và thỉnh thoảng còn làm những chuyện ngớ ngẩn. Thế nên, Jacob chuyển tên của anh ta thành Jovial And Crazy Kid (cậu bé vui vẻ và khùng khùng). Đó là cách Jacob nhớ được tên anh ta. Một người khác tên là Brian, gã này là một tên ngốc xít, lúc nào cũng vi phạm quy định rồi thậm chí có vài lần còn dây dưa đến pháp luật nữa. Vì thế, gã rất thích hợp với cái tên Breaks Rules Intentionally Always Naughty (cố tình vi phạm quy định, lúc nào cũng phá rối). Còn một người tên Tim thì lại trái ngược hoàn toàn với Brian. Tim là người luôn luôn tích cực, chứng tỏ năng lực lãnh đạo tốt, và tình cờ lại là một người khá cao. Vậy nên, Jacob chuyển tên anh ta thành Tall Intelligent Motivated (cao thông minh tích cực).”

“Một phương pháp rất thú vị,” vị giáo sĩ nhận xét.

“Thế thì Itamar sẽ là Intelligent Talker Always Making All Right (diễn giả thông minh luôn giải quyết được mọi chuyện),” Jerome đưa ra ý kiến.

Itamar gật đầu, hài lòng với từ viết tắt của tên mình. “Tớ chấp nhận câu này.”

Một cặp nữa bước vào sân nhưng rồi lại quay đi ngay và chọn chỗ ngồi bên trong, nơi có điều hòa.

“Câu nói hay nhất về việc nhớ tên người là trong cuốn Brachot. ‘Một người không bao giờ nên từ biệt bạn mình mà không để lại một câu nói sáng suốt, bởi vì đó là cách mà họ sẽ nhớ đến bạn.’ Tôi nghĩ đến là một cách rất hiệu quả để nhớ người,” Schneiderman nói. “Không được để một người cứ thế mà đi. Khi người đó đi, hãy cho người đó một thứ gì đó để giúp họ nhớ về ta và giúp ta nhớ về họ. Nói cách khác, thay vì câu nói đơn giản, ‘Về nhé, đi cẩn thận,” hãy chia tay bằng một cách khác – một cách độc đáo và gây sự chú ý hơn.”

“Hay, có thể nói,” Itamar phát triển thêm điều vừa được nghe, “thay vì chào tạm biệt tất cả mọi người cùng một cách như nhau, ta cần chào mỗi người bằng một cách riêng… một cách thật đặc biệt và đặc trưng đối với người đó. Tạm biệt nhau bằng một lời chúc, một câu cầu nguyện, một điều gì đó có thể phản ánh được sự tương tác giữa hai người; một điều chỉ liên quan đến hai người và sẽ nhắc cả hai người nhớ về nhau.”

“Đúng vậy,” vị giáo sĩ xác nhận. “Ta phải tìm ra một điểm chung của hai người, một điều liên quan đến ấn tượng mà người đó tạo nên… nói cách khác, ta phải tìm được một thứ gì đó khiến ta nhớ đến con người đó, chỉ con người đó thôi chứ không phải bất cứ người nào khác.”

Itamar, như thường lệ, lại lấy một tờ giấy ra và tóm tắt những điều chúng tôi đã thảo luận ngày hôm đó:

Chú ý đến những cái tên

Quan tâm đến một cá nhân nào đó và nhận thức được ấn tượng mà người đó để lại.

Tìm ra mối liên hệ giữa tên người và ngoại hình, tính cách người đó.

Thêm nickname vào tên người.

Chuyển tên người thành một từ viết tắt miêu tả những đặc trưng của người đó.

Tạm biệt mỗi người bằng một cách độc đáo và đặc biệt riêng.

Café Ladino bắt đầu đông khách. Đội ngũ nhân viên của Fabio làm việc dưới sức ép về số lượng khách khá hiệu quả. Mặc dù Fabio chăm chú quan sát tình hình nhưng anh ta không hề rời khỏi ghế để giúp một tay. Thực ra, anh ta có đứng dậy một lần nhưng không phải để lo việc mà bởi vì có một điều đáng kinh ngạc bất chợt xảy ra…

Gần cuối buổi tụ tập của chúng tôi, vị giáo sĩ đề nghị Jerome nhắc lại quy trình hàng hóa của hắn từ lúc bắt đầu cho đến khi xuất hiện trong các cửa hàng.

“Vậy tháng 9 là những chiếc áo đã sẵn sàng phải không? Rồi đến tháng 10, cậu sẽ phân phối chúng?” ông nói lại.

“Đến tháng 11, chúng sẽ được bán trong các cửa hiệu,” Jerome tiếp lời, “rồi tháng 12, sẽ có một chiến dịch quảng cáo bộ sưu tập mùa đông. Đến mùa xuân, quy trình lặp lại, nhưng sẽ là bộ sưu tập hè. Phải đến tháng 7 năm sau thành công mới được đảm bảo.”

Vị giáo sĩ ngạc nhiên. “Sao… cậu dám nói chắc vậy?” ông hỏi.

“Bởi vì nếu mọi chuyện suôn sẻ, đến tháng 7 tôi sẽ là một hombre rico,” hắn cười cười và trả lời.

“Một người giàu có,” tôi dịch.

Vị giáo sĩ có vẻ hơi xấu hổ. “Tốt rồi… thật vui khi nghe cậu lạc quan như vậy.”

Jerome nhìn ông và nở một nụ cười khó hiểu. Không phải kiểu toe toét mà cũng không phải kiểu đùa cợt. Nụ cười toát lên sự nghiêm túc và tự tin. “Thầy đáng kính à, tôi không nói đến việc kinh doanh.”

Vị giáo sĩ nhíu mày. “Không sao? Thế cậu nói đến điều gì?”

“Một điều vĩ đại hơn nhiều.”

Tất cả chúng tôi, cả những người đã biết Jerome khá rõ, đều đang cố hiểu xem hắn nói về cái gì. Ở một mặt nào đó, có lẽ chúng tôi phải biết ý hắn là gì, nhận thấy những điều đang xảy ra, nhưng chúng tôi vẫn giữ im lặng, hoàn toàn sửng sốt.

Jerome quay sang nhìn Lisa. Mắt hắn dịu dàng và chan chứa yêu thương. Hắn nhẹ nhàng cầm bàn tay cô gái, nắm chặt và nói, vẫn không rời mắt khỏi cô, “Tôi sẽ là một người giàu có, thầy thân mến ạ, cho dù doanh thu kinh doanh của tôi có là bao nhiêu đi chăng nữa.” Hắn quay lại và nhìn chúng tôi, những người bạn thân thiết, không nói một lời nào.

“Chúng tôi quyết định sẽ kết hôn,” Lisa tuyên bố, mắt cô hơi long lanh, một giọt nước mắt hạnh phúc lấp lánh trên khóe mi.

Chúng tôi sững sờ đến mức ngồi chết lặng ở đó một lúc nữa. Fabio là người đầu tiên lên tiếng phá vỡ sự im lặng. Anh ta đứng dậy, ôm Jerome và hôn lên má hắn.

“Mazal Tov!” chúng tôi đồng thanh reo lên, từng người đứng dậy, vẻ sửng sốt lúc trước hoàn toàn tan biến.

Fabio vỗ tay hai lần để gọi bồi bàn.

“Nhanh lên,” anh ta gào lên. “Đem ngay ra đây một chai rượu thật hảo hạng dưới tầng hầm. Tìm chai nào trong bộ sưu tập từ năm 1985 ấy,” anh ta gọi.

“Ôi, anh bị quá khích rồi đấy, Fabiolto,” Jerome trêu. “Anh đang nói đến chai rượu có giá 8 đô-la đấy!”

Cảm giác hân hoan tràn ngập cái nhóm nho nhỏ của chúng tôi. Chúng tôi chúc mừng đôi bạn trẻ và nâng cốc mừng hạnh phúc của họ.

Khi chúng tôi tạm biệt, mỗi người đi một ngả, Jerome, Lisa và tôi cùng nhau về.

“Cậu sắp lấy vợ!” tôi reo lên và vỗ vai hắn. “Ai mà tưởng tượng được chứ?!”

“Phải, tớ sắp lấy vợ,” Jerome đáp, chính hắn có vẻ cũng ngạc nhiên.

“Nhưng cô ấy là dân nhập cư mà!” tôi nhắc lại đúng câu mà trước đây tôi đã nghe từ miệng hắn.

“Ờ, tớ biết chứ,” hắn cười khúc khích và lắc đầu. “Nhưng cô ấy là người tốt,” hắn nhắc lại cũng chính câu mà ai đó trước đây đã nói, ở một nơi không xa nhà ga Gare du Nod ở Paris là mấy.

Với một tinh thần phấn chấn, tôi thong thả bước về phía xe mình. Ngay trước khi rẽ trái xuống con ngõ, tôi quay lại nhìn đôi tình nhân trẻ đang chậm rãi bước xa dần.

“Cô gái nhập cư và tên lập dị màu mè làm được rồi,” tôi nghĩ. “Ai bảo là một người Do Thái phi tôn giáo và một người sùng đạo thì không thể hợp nhau chứ…”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.