Pq - Chỉ Số Đam Mê
2. Niềm đam mê của bạn là gì?
Điều làm nên chính bản thân bạn
Tri thức chung chung thì đến kẻ ngốc cũng nắm giữ được.
Sự hiểu biết tường tận mới đáng được tưởng thưởng. – William Blake
Nhận diện cá tính của bạn
Nếu như đam mê có thể làm biến đổi cuộc sống của bạn, mang lại hạnh phúc, thành công và khiến bạn thỏa mãn, giúp bạn đạt đến đỉnh cao thì việc bạn cần dành thời gian để xác định niềm đam mê của bản thân là một việc rất nên làm. Đam mê có sức mạnh biến suy nghĩ thành hành động và tiếp thêm nguồn năng lượng sáng tạo. Chúng ta chỉ sống có một lần, chúng ta xứng đáng được sống đúng con người thực của mình.
Hãy cứ nhiệt thành theo đuổi những giấc mơ của bạn. Niềm hứng khởi này sẽ giống như một khu rừng đang bừng bừng cháy… bạn có thể ngửi, cảm nhận và nhìn thấy đám lửa từ cách xa hàng dặm đường. – Khuyết danh
Bản tính và trực giác bên trong mách bảo những điều bạn thích, những điều bạn ghét. Chúng ta thường xuyên phớt lờ những dấu hiệu này. Trong chương này, chúng ta sẽ cùng đào sâu hơn, cố gắng nhận diện những dấu hiệu và tăng thêm hiểu biết về chúng. Chúng ta sẽ biết được nên dùng phương pháp nào để tìm ra “những chiếc đèn tín hiệu” này. Chắc hẳn bạn đã nhiều lần nghe những người thành công chia sẻ rằng ngay từ thuở ấu thơ, họ đã muốn trở thành diễn viên, kiến trúc sư hay nhà thiết kế thời trang.
Một số người kể rằng họ mê máy bay, bởi thế họ chọn nghề phi công. Một số người sớm tìm được thứ khiến họ say mê và được cha mẹ hết lòng ủng hộ bằng việc để họ theo đuổi ước mơ của mình đến cùng. Những người này vô cùng may mắn bởi họ được làm công việc yêu thích từ bé. Điều này cũng giống như bạn được kết hôn cùng bạn thanh mai trúc mã của mình.
Nhiều người lại nhận ra tiềm năng và sở thích đặc biệt của bản thân sau khi đã dấn bước vào một công việc thực sự.
Tôi được biết có những nhà văn lớn, ban đầu họ chỉ cộng tác cho các tạp chí để tiêu khiển cho vui mà thôi. Dần dần được nhiều người biết đến, họ viết ngày càng lên tay và bắt đầu nghiêm túc theo nghiệp viết – họ khám phá ra khuynh hướng mạnh mẽ của bản thân sau một quá trình dài. Rất nhiều người khác lại tìm ra niềm yêu thích của bản thân khi đã nghỉ hưu, kết thúc một sự nghiệp thành công, năng động và miệt mài. Và những người quyết định theo đuổi sở thích của mình kể cả khi đã “lui về vườn” thực sựlàm rất tốt, họ đã đưa nó vượt quá tầm thành công – và coi đó như sự nghiệp thứ hai của mình.
Cứ nhìn Tiến sĩ APJ Abdul Kalam – Tổng thống Ấn Độ thì biết, ông chính là minh chứng cho thấy niềm đam mê của bạn có thể xuất phát từ ngoại cảnh. Khi nhỏ ông mơ ước trở thành phi công nhưng cha ông lại muốn ông làm việc trong chính phủ. Cho đến một ngày thầy giáo của ông dạy bài học về cách bay lượn của loài chim. Thầy yêu cầu các học sinh của mình nghĩ xem các chú chim lấy đâu ra sức mạnh để bay. Kể từ ngày đó Abdul Kalam chưa bao giờ ngừng bay cao bay xa. Ông không trở thành phi công nhưng ông trở thành một nhà khoa học chuyên nghiên cứu về tên lửa! Hiểu theo cách nào đó, niềm đam mê được bay hoặc khiến cho các vật bay lên có mối liên hệ đặc biệt. Tôi sẽ nói thêm về khía cạnh này ở chương sau, khi đó chúng ta sẽ bàn về việc thúc đẩy niềm đam mê của bạn.
Một điều quan trọng khác bạn cần hiểu thêm là sự khác biệt giữa tình yêu và đam mê. Đôi khi bạn thấy hứng thú trước thứ gì đó, nó có thể nhen nhóm niềm say mê trong bạn. Tuy nhiên có thể giữa cảm giác hứng thú và niềm đam mê đó không có mối quan hệ khăng khít. Bởi xuất phát từ thực tế, bạn phải có khả năng, năng lực hoặc tiềm lực theo đuổi điều bạn thực sự yêu thích. Có thể tôi ước mơ trở thành một nhạc sĩ tài ba, nhưng trước hết tôi phải có năng khiếu âm nhạc đã. Trên thực tế, việc có được khả năng theo đuổi chính là một yêu cầu vô cùng quan trọng để đạt được thành công. Bạn cần hiểu thấu mối quan hệ này, bởi lẽ có niềm hứng thú nhưng bất lực, nhiều khi đó là một cái bẫy nguy hại. Chúng ta sẽ cùng bàn thêm cách theo đuổi sở thích ở chương tiếp theo.
Yêu thì mù quáng nhưng kết hôn sẽ khiến bạn mở mắt ra. – Khuyết danh
Kể cả khi bạn không thực sự đam mê thứ gì đến độ có thể coi nó là “khởi nguồn năng lượng” của mình, bạn vẫn luôn tìm được niềm hứng khởi trong công việc hiện tại. Với công việc hàng ngày, sẽ có những khía cạnh tích cực và những khía cạnh tiêu cực. Chúng ta cùng xét trường hợp bạn làm công việc liên quan đến máy vi tính. Có thể bạn không thích soạn và gửi thư điện tử, nhưng đôi khi bạn được giao soạn thảo bản trình chiếu Power Point, máu bắt đầu dồn lên não bạn nhiều hơn, bạn cố sức tìm kiếm thêm các phần mềm hỗ trợ để tạo ra một sản phẩm hoàn thiện, sống động và có vô vàn hiệu ứng. Sếp của bạn rất thích, đồng nghiệp của bạn ghen tỵ khi nhìn thành quả cuối cùng này. Dần dần, khi nhìn nhận khả năng của mình, có thể bạn sẽ chọn học thêm vài khóa học đồ họa hay hiệu ứng và dấn sâu vào lĩnh vực này. Như vậy bạn đã tìm được niềm đam mê của chính mình.
Nhiều khi bạn không tạo được bước ngoặt nhưng vẫn tiếp tục thực hiện những phần công việc yêu thích – trong trường hợp này, có thể bạn sẽ xung phong phụ trách soạn thảo các bản trình chiếu, bạn cảm thấy hài lòng với công việc vì bạn được đảm nhiệm công tác bên lề đó. Ngại gì mà bạn không thử trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Trên thực tế, mất công một chút cũng xứng trước khi bạn tạo nên sự đột phá.
Bạn không thể lúc nào cùng yêu thích mọi thứ, nhưng bạn có thể hứng thú và dành phần lớn thời gian cho một số thứ nhất định.
Chúng ta thử cùng xét trường hợp bạn là một kỹ sư mới vào nghề. Bạn cũng có sở thích vẽ tranh sơn dầu. Sở thích này xuất hiện vài năm trở lại đây, trong thời gian đó bạn đã vẽ được hơn 25 bức tranh. Một ngày nọ, một người bạn của bạn nhìn thấy bộ tranh này, chúng ta cứ giả định bộ tranh khá ấn tượng, anh bạn đó gợi ý bạn tổ chức một cuộc triển lãm tranh. Rõ ràng bạn chưa hề nghĩ đến ý tưởng này nhưng bạn cảm thấy việc đó cũng khá khả quan! Anh bạn đó cũng giới thiệu cho bạn địa điểm tổ chức là một cửa hàng trống của bạn anh ta, bạn có thể thuê với giá 1.000 rupi trong vòng hai ngày. Bạn lưỡng lự nghe theo, bỏ ra thêm một ít tiền để in 2.000 tờ bướm quảng cáo và mở triển lãm. Bạn bán được tám bức tranh và thu được 25.000 rupi. Bạn không chỉ trang trải được chi phí thuê mặt bằng và quảng cáo mà còn lãi ròng hơn 20.000 rupi. Thừa thắng xông lên, bạn bắt đầu nghiêm túc coi trọng sở thích của mình, thay vì phí hoài các ngày lễ và kỳ nghỉ cuối tuần trước màn hình ti vi, bạn bắt đầu vẽ tranh với một “cảm hứng” mới. Trong vòng vài năm, bạn vẽ được thêm khoảng 40 bức tranh nữa. Thông qua phản hồi của người tham dự, bạn nhận thấy mọi người thích các bức tranh của bạn vẽ hoa hồng hơn là tranh vẽ ngựa hay tranh phong cảnh. Bởi vậy bạn bắt đầu tập trung hơn vào chủ đề hoa hồng.
Sau đó, bạn xem xét ý định mở một phòng trưng bày tranh và nhận thấy phần chi phí bỏ ra không vượt quá mức bạn thu được từ đợt triển lãm. Bạn quyết định thuê mặt bằng, đăng quảng cáo trên báo và tổ chức triển lãm tranh lần hai với quy mô lớn hơn. Bạn không chỉ bán được nhiều tranh – với mức giá cao hơn hẳn lần đầu mà còn được một vài tờ nhật báo phỏng vấn (tất nhiên là có kèm chụp hình). Bạn đã cán đích. Trong vài năm, bạn đã kiếm được số tiền lớn hơn khoản lương từ công việc chính – đã đến lúc bạn nên thay đổi. Bạn đã tìm được niềm đam mê cho bản thân, và thông qua niềm đam mê ấy, bạn tìm được công việc mới cho chính mình.
Mỗi sinh vật trên hành tinh xinh đẹp này được Chúa tạo ra để thực thi một nhiệm vụ đặc biệt. – Abdul Kalam
Trong khuôn viên các trường đại học kinh tế, tôi thường nghe sinh viên nói rằng họ muốn có được một bản hồ sơ cá nhân cho một ngành nghề cụ thể. Dù việc tìm được một công việc phù hợp với khả năng của bạn là rất tốt, nhưng trong giai đoạn này của cuộc đời, bạn đừng quá coi trọng yếu tố đó, ít ra cũng đừng lấy nó làm phương tiện thần kỳ để có được việc làm. Lý do vô cùng đơn giản, giai đoạn này còn quá sớm để xác định rõ bạn thực sự thích hay không thích điều gì, bạn có khả năng làm gì và không làm được loại công việc nào.
Khi khởi nghiệp, bạn nên chọn công việc tương đối phù hợp với khả năng và ngành học của mình. Sau đó bạn cần trải nghiệm mộtthời gian để khám phá ra nghề phù hợp với mình nhất. Có thể sẽ phải mất đến 5 năm. Dù bao lâu đi nữa, nếu bạn muốn học hỏi và tìm ra điều mình thực sự thích, bạn phải giữ vững niềm khao khát và tâm thế vô tư. Khao khát được học hỏi và tâm thế vô tư để dấn thân mà không băn khoăn mình đang làm đúng hay sai.
Cuốn sách này không nhằm mách bảo bạn tạo bước chuyển nghề nghiệp mà chủ yếu giúp bạn thấy thoải mái hơn trong công việcvà quyết định thay đổi nếu cơ hội đến. Tôi cũng không có ý định đưa ra một công thức chuẩn kiểu: “Một lời khuyên tạo ra mọi giải pháp”, bạn phải tự nỗ lực tìm ra điều bản thân thực sự mong muốn.
Một góc độ khác cần xem xét là tiềm năng kế thừa của bạn. Chúng ta được thừa hưởng nhiều thứ từ bố mẹ. Theo định luật Mendel12, chúng ta được di truyền một số tật bệnh, đặc điểm, tính cách, thậm chí là năng khiếu từ tổ tiên trong vòng bảy thế hệ. Mendel vốn là một thầy tu người Áo, vào thế kỷ XIX, ông đã nghiên cứu lĩnh vực di truyền học. Chính Darwin cũng nhận thấy, các gen lặn có thể biểu hiện sau vài thế hệ. Kinh Vệ Đà13 cũng nhắc rằng có một số đặc điểm, nét tính cách trong mỗi người được truyền lại và ảnh hưởng trong vòng bảy đời. Lối tư duy, sở thích, cách hành động và những mong muốn của chúng ta một phần có liên quan đến tổ tiên của mình. Bởi vậy, bạn thường gặp những gia đình có truyền thống âm nhạc. Quy luật tự nhiên vốn vô cùngphức tạp, có thể trong số bốn anh con trai của một nhạc sĩ tài ba, chỉ có một người thực sự bộc lộ năng khiếu âm nhạc. Do đó, bạn có thể tìm ra tiềm năng mà bạn được thừa kế dựa vào đầu mối là việc quan sát các thành viên trong gia đình, thậm chí hãy tìm hiểu sâu hơn về bảng gia phả.
Có thể bạn có quan điểm thực dụng, khác hẳn bố và ông nội mình, nhưng biết đâu bạn được thừa hưởng từ ông cố! Vì thế bạn đừng vội lo lắng nếu anh chị của bạn không giỏi toán và suy đoán logic, trong khi bạn lại rất rành các khoản này. Trong nhiềutrường hợp, đặc điểm di truyền chính là tài sản thừa kế của bạn, có thể bố mẹ bạn không để lại nhiều đất đai, vàng bạc hay tiềncủa nhưng bạn được thừa hưởng những nét tính cách tốt đẹp, năng khiếu nổi trội, nhờ đó bạn được đền đáp xứng đáng.
Loài người chúng ta có khả năng khám phá cách thức mới hiệu quả hơn cho mọi việc, thậm chí chúng ta có thể làm được rất nhiều điều với một lượng công cụ ít ỏi. Chúng ta luôn luôn phải đối mặt với hạn hán, lũ lụt, cháy rừng… Bản năng đấu tranh sinh tồn tồn tại trong mỗi cá nhân, chúng ta luôn muốn đánh bại những người còn lại. Bởi vậy quan niệm “ta thắng người bại vì trong một cuộc chiến không thể cả hai đều giành phần thắng” ăn sâu vào dòng máu của chúng ta. Đấu tranh sinh tồn là công cuộc vô cùng khó khăn, bởi vậy chúng ta luôn hướng đến mục tiêu sống sót và các hoạt động kiếm tiền hơn là theo đuổi niềm đam mê của bản thân. Đấy là lý do vì sao các bậc phụ huynh (những người được thừa hưởng lối tư duy kể trên) luôn đòi hỏi con cái mình phải theo đuổi một nghề nghiệp và học tập theo hướng đó.
Mỗi người khi sinh ra trên đời đều đã có sẵn niềm đam mê. Nó như ngọn lửa trong tim, ngọn đuốc trong tâm trí soi đường chochúng ta, tiếp thêm nguồn năng lượng để chúng ta theo đuổi con đường đó. Dù tốt dù xấu, ngọn lửa trong tim mỗi người sẽ cháy sáng nhờ vào những ký ức, trải nghiệm của bản thân. Tuy nhiên nếu chúng ta không tiếp thêm năng lượng thì dần dần nó sẽ lụi tàn. Bỏ bê ngọn lửa nhỏ này cũng giống như khi bạn quên tiếp nhiên liệu cho chiếc xe của mình. Điều đáng mừng là ký ức không bao giờ chết – chúng ta luôn luôn có cơ hội khơi gợi chúng.
Chúng ta không nhìn nhận sự việc như nó vốn có, chúng ta nhìn nhận theo quan niệm của riêng mình. – The Talmud14
Sơ lược về chính bạn
Để tìm ra được điều bạn thích hoặc điều có thể bạn sẽ thích làm (nếu ai đó bảo cho bạn), bạn cần cố gắng bản thân. Điều này giúp bạn dễ dàng chuyển sang bước tiếp theo. Lúc này chúng ta sẽ tìm hiểu từng bước một. Nét tính cách cơ bản cho thấy cách nhận thức, giá trị và lối ứng xử của bạn. Theo đó, bạn có thể biết được điều gì làm nên hình ảnh hiện tại của mình. Hãy kết nối bản thân với các yếu tố đó, như vậy bạn sẽ dễ dàng tiếp cận những điều bạn yêu thích.
Ký ức của bạn
Như tôi đã để cập ở trên, ngọn lửa trong tim bạn được nuôi dưỡng nhờ ký ức. Những trải nghiệm tích cực và tiêu cực của bạn cũng được lưu giữ dưới dạng ký ức. Bạn kết nối và diễn dịch cuộc sống hiện tại của mình bằng kinh nghiệm đã có trong trí nhớ. Tôi có một anh bạn chơi cùng nhóm, anh ấy không bao giờ hút thuốc, dù rằng tất cả những người còn lại trong nhóm thường xuyên hút thuốc. Lý do là cha anh ấy nghiện thuốc nặng, ông thường bắt anh đi mua thuốc lá vào những thời điểm trớ trêu, chẳng hạn giữa trời nắng như đồ lửa hoặc trong cơn mưa xối xả, dù lúc đó anh còn bé tí; anh rất ghét công việc đó. Ghét đến độ anh ghét lây cả việc hút thuốc lá, trong tiềm thức anh tâm niệm mình sẽ không bao giờ đụng đến một điếu thuốc nào! Dù sao đó cũng là quyết định có ích đối với anh ấy. Cũng tương tự như vậy, nếu bạn thấy mẹ mình chơi đàn ghi-ta, có thể suốt thời thơ bé, đôi lúc bạn ao ước được chơi một loại nhạc cụ nào đó. Có thể khi bạn đã trưởng thành và bất chợt nghe một bài hát thiếu nhi, bạn nhớ lại những ước mơ ngày bé. Tất cả những ký ức thời thơ ấu ùa về. Ký ức chính là một công cụ đầy quyền năng giúp bạn kết nối với niềm đam mê và sở thích của bản thân.
Giá trị của riêng bạn
Nói một cách đơn giản, giá trị chính là những thứ có ích hoặc quan trọng đối với bạn. Trong cuộc sống, bạn mong muốn điều gì nhất: sức khỏe, tiền tài, cuộc sống gia đình, sự tự do, quyền lực hay thành công? Có thể đối với một số người, sự tự do và quyền tự chủ trong công việc là yêu cầu hàng đầu. Trên thực tế, cho dù giá trị của bạn có là gì đi nữa, bạn vẫn có khuynh hướng dồn nhiều công sức cho lĩnh vực đó nhất. Nếu bạn quan tâm đến sức khỏe nhất, bạn sẽ đến phòng tập, sân Tennis nhiều hơn là quán rượu. Nếu bạn ưu ái tiền bạc nhất, bạn sẽ thường xuyên đọc tạp chí kinh tế hay báo cáo tài chính. Nếu bạn yêu thích âm nhạc, bạn sẽ nghe dòng nhạc ưa thích hoặc sưu tập hình ảnh các danh ca dán đầy bốn mặt tường trong phòng.
Những thứ tốt đẹp nhất trong cuộc sống không phải là sự vật chung chung. – Art Buchwald (1925–2007), nhà văn hài người Mỹ
Hãy viết ra những điều khiến bạn chú tâm, có khả năng thôi thúc bạn, càng cụ thể càng tốt. Có thể đó là Quyền lực, Tiền bạc, Danh vọng hay bất cứ thứ gì khác. Tôi có một người bạn, con trai anh ta tốt nghiệp kỹ sư ngành máy tính ở trường IIT, Delhi. vốn là một anh chàng nổi trội, cậu xin vào làm ở một công ty phần mềm nổi tiếng ở Bangalore. Một lần nọ, trong khi cậu đang ngồi làm việc trong văn phòng thì có vài đám nổi loạn dấy lên trong thành phố. Tin tức về cuộc nổi loạn được truyền liên tục trên sóng radio và truyền hình. Bất chợt, cậu thấy một viên cảnh sát tuần tra khu vực, với quyền lực của bộ đồng phục khoác trên người, viên cảnh sát nhanh chóng lệnh cho toàn bộ các cửa hàng và văn phòng khu đó đóng cửa chỉ trong vòng vài phút. Cảnh tượng đó gây ấn tượng mạnh đối với chàng trai trẻ, lúc đó cậu lẩm nhẩm trong đầu rằng, nếu có quyền lực trên đời thì nó nằm trong tay người cảnh sát. Vậy là cậu tham dự kỳ thi vào ngành an ninh với mục đích được tham gia Lực lượng cảnh sát Ấn Độ (IPS). Giá trị chính là yếu tố dẫn đường, giúp bộc lộ sở thích và niềm đam mê của bạn.
Nếu bạn đã xác định rõ giá trị của bản thân hoặc những điều bạn thực sự coi trọng, bạn sẽ dễ dàng vạch ra mục tiêu tương hợp với sở thích của mình. Bạn sẽ nhìn nhận sự việc một cách thực tế hơn là theo lối lý tưởng hóa. Chẳng hạn, nếu danh tiếng và tiền bạc là các giá trị bạn coi trọng, diễn xuất là niềm đam mê của bạn. Khi đó, bạn nên đóng phim hơn là diễn trên sân khấu kịch, bởi lẽ sân khấu chỉ hiện thực hóa mong muốn được diễn xuất của bạn nhưng nó không giúp bạn có được tiền tài, danh vọng. Bạn chỉ có thể đạt được chúng qua màn ảnh. Bởi vậy bạn nên cân đối các giá trị của bản thân với tài năng và hứng thú của chính mình.
Các giá trị cũng giúp bạn nhận thức được thời điểm thích hợp để thay đổi cách hành xử, chính vì thế bạn hành động, xử sự theo thang giá trị của bản thân. Chúng cũng giúp bạn đánh giá được khi nào thì các giá trị của bạn phù hợp với công việc, công ty hay vị sếp hiện tại của bạn.
Bởi lẽ đó, việc lập ra danh sách các giá trị của bạn và thứ tự ưu tiên chúng là rất quan trọng. Khi đó chúng trở thành phương tiện giúp bạn tiến đến ngọn nguồn sức mạnh.
Các giá trị của bạn → Niềm đam phù hợp với mê → Lối ứng xử → Nghề nghiệp hiện tại → Công ty của bạn
Niềm tin
Niềm tin chính là kim chỉ nam cho đam mê của bạn, nó chắp cánh cho bạn theo đuổi ước mơ và bỏ lại sau lưng những điều bạn không hứng thú. Nó cũng truyền cho bạn sự tín nhiệm bản thân. Tuy nhiên, niềm tin tiêu cực có thể trở thành chướng ngại vật đầy thử thách.
Một trong những bí mật của cuộc sống là gỡ từng viên đá ra khỏi khối đá cản đường. – Jack Penn (1909–1996), nhà điêu khắc, tác giả Nam Phi
Nếu bạn tin rằng mình có thể vượt qua một kỳ thi, bạn sẽ làm được như thế. Niềm tin phải đi kèm với ước mơ.
Chẳng hạn, khi nhìn các sô diễn đình đám, các cuộc thi thời trang hay hoa hậu hoàn vũ, bạn muốn có mặt ở đó. Khoảng cách giữa việc có mặt hay không có mặt lúc này nằm ở niềm tin của bạn. Nếu bạn cảm thấy bạn có thể, bạn sẽ làm được, như vậy bạn sẽ có mặt ở đó. Bởi vậy, bạn cần nuôi dưỡng niềm tin cho chính mình bằng các tín niệm như:
“Gái có công, chồng chẳng phụ” hay: “Sách là phương tiện hữu hiệu nhất giúp mở ra các chân trời mới” hay “Thật thà là cha quỷ quái”.
Loài người khác xa với các loài động vật khác, ở khả năng biểu đạt thông qua giao tiếp và ngôn ngữ. Chúng ta có thể tư duy nhờloại phương tiện này, chúng ta có thể hình dung được nhờ quyền năng của sự biểu đạt. Các loài động vật không thể nghĩ đượctrong một tuần tới chúng sẽ làm những gì! Bạn cần phát triển năng lực biểu đạt ở lĩnh vực bạn coi trọng. Nếu bạn muốn đạt đến trình độ quản lý đỉnh cao, bạn phải nắm vững các thuật ngữ và biệt ngữ. Nếu bạn muốn trở thành chuyên viên tư vấn nguồn nhân lực thì bạn phải rèn luyện vốn từ vựng trong lĩnh vực đó. Với phương tiện biểu đạt, chúng ta không chỉ thuyết phục được bản thân mà còn thuyết phục được những người khác.
Trước đây, các thành viên lực lượng vũ trang Anh được truyền bá niềm tin rằng lực lượng vũ trang có nhiệm vụ phục vụ đất nước, nhất là trong chiến tranh, chứ không phải kiếm tiền. Trong suốt thời kỳ Anh thống trị Ấn Độ, tín niệm này được truyền cho lực lượng vũ trang Ấn Độ. Tầng lớp lính tráng người Ấn hết thảy đều quan niệm rằng, việc kiếm tiền là điều cấm kỵ. Dù chỉ là một ý nghĩ mơ hồ, nó lại mang tính lý tưởng đến độ thế hệ binh lính Ấn Độ đầu tiên sau khi Anh về nước luôn có một tâm niệm (mà người Anh đã gieo rắc vào đầu họ) rằng họ không cần phải tích lũy tiền bạc, kể cả phòng lúc hưu trí; bởi thế họ thường xuyên trong tình trạng rỗng túi.
Những quyết định cá nhân
Một số người từ khi còn nhỏ đã quyết định rằng anh ta muốn kiếm thật nhiều tiền, những người này sẽ có lối sống và cách suy nghĩ khác hẳn những người không có ý muốn đó. Tôi có quen một người, anh ta tham gia vào công tác của chính phủ nhưng chỉ sau vài năm, anh ta xin từ chức rồi mở công ty tư vấn về công nghệ máy tính. Bản thân anh thích làm việc về phần cứng và phần mềm máy tính. Anh ta nỗ lực hết sức và tham gia rất nhiều khóa học để nâng cao kỹ năng của mình. Thời điểm bước ngoặt chính xác là khi anh ta bỏ việc và mở công ty riêng. Vị thế hiện tại là hình ảnh phản ánh sự quyết định của anh ta trước đây.
Anh xác định được giá trị của mình (tiền bạc, quyền tự chủ) và ra quyết định.
Thái độ của bạn
Hiểu một cách đơn giản, thái độ chính là nhận thức, điểm nhìn và quan niệm của bạn về sự vật, sự việc nào đó. Nó dựa trên những trải nghiệm, yếu tố nền tảng, giá trị và điều bạn tin tưởng. Chẳng hạn bạn coi trọng lòng dũng cảm và sự kiên quyết bảo vệ ý kiến đến cùng, khi đó thái độ của bạn thể hiện mong muốn của trái tim bạn.
Hãy nhớ lại câu chuyện của anh bạn vốn là một kỹ sư trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp. Chắc hẳn anh phải vô cùng dũng cảm khi tổ chức buổi triển lãm đầu tiên, làm việc chăm chỉ, lắng nghe ý kiến của mọi người, có sự phản hồi và bước theo nghiệp vẽ vời. Do đó, việc đánh giá thái độ của bản thân là rất quan trọng, nhờ đó bạn có thể loại bỏ những yếu tố tiêu cực, quá trình này sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong khi theo đuổi con đường đã chọn.
Hãy cố gắng phân tích chính bạn dựa trên các thông số này. Hãy nhìn toàn cục, đừng quá đi sâu vào chi tiết. Như vậy bạn sẽ nhận ra bản thân mình được tạo nên từ những nét tính cách khái quát nào. Tiếp theo hãy lắng nghe trái tim mình và rút ra kết luận: “Có một số điều tôi thực sự muốn theo đuổi.”
Lắng nghe lời trái tim: những điều bạn thích và không thích
Bước tiếp theo là trả lời một số câu hỏi đơn giản về sở thích của mình và rút ra kết luận từ những câu trả lời đó. Khi nhìn vàonhững điều bạn thích và không thích làm, có thể bạn sẽ tìm thấy dấu hiệu bộc lộ niềm đam mê của bạn.
Điều gì khiến bạn sẵn lòng theo đuổi không vụ lợi?
Như tôi đã đề cập ở trước, mỗi chúng ta ra đời đều có bản năng sinh tồn. Đa phần các hoạt động của chúng ta hướng đến mục tiêu kiếm tiền và mục tiêu lợi lộc. Chúng ta luôn cảm thấy bất an về cả hiện tại lẫn tương lai mỗi khi nhắc đến vấn đề tài chính. Hơn nữa, ở các nước đang phát triển như Ấn Độ, những nơi không có quỹ an sinh xã hội hay tiền trợ cấp dưỡng lão, mọi người thường có xu hướng tích lũy cho tương lai. Trong bối cảnh đó, nếu bạn muốn theo đuổi niềm đam mê của mình, bạn phải tự đặt ra câu hỏi: điều gì bạn thực sự yêu thích và có thể lặp lại nhiều lần mà không tốn thêm chi phí. Trước khi bạn trả lời câu hỏi này, tôi muốn nói thêm rằng cho dù việc bạn chọn sẽ mang lại sự đáp đền xứng đáng, bạn vẫn phải chuẩn bị sẵn tâm thế theo đuổi một cách không vụ lợi.
Chúng ta hãy xem xét câu hỏi này dưới góc độ khác, cuộc sống sẽ ra sao khi bạn được đáp ứng mọi nhu cầu, bạn chẳng có gì phải lo lắng về tương lai nữa? Lúc đó bạn mong muốn được làm điều gì nhất? Có người sẽ đáp rằng:
“Ồ, nếu tôi có thừa tiền, tôi sẽ lên núi cắm trại trên đó, rồi đi bộ đường dài, leo núi đá và trượt tuyết.” Tôi có quen một người làm việc trong quân ngũ suốt một thời gian dài, anh ta rất thích các hoạt động thể thao mạo hiểm. Anh đã trải qua khóa học leo núi và tham gia các môn thể thao theo mùa. Sau khi xuất ngũ, anh ấy tìm gặp những người yêu thích thể thao mạo hiểm và bắt đầu kinh doanh. Anh ấy thích núi non và cảm thấy thỏa mãn vì kiếm được tiền nhờ sở thích đó. Hãy nghĩ đến tất cả những hoạt động khiến cho bạn phải thốt lên: “Tôi ước gì mình có đủ thời gian rảnh rỗi để làm điều tôi muốn.” Đó chính là dấu hiệu cho thấy trái tim bạn thực sự mong muốn những gì.
Bạn yêu thích công việc nào, bạn có sẵn sàng chấp nhận rủi ro hay không?
Bạn hãy liệt kê ra một bản danh sách các hoạt động bạn thích làm và những rủi ro có thể gặp phải. Có thể bạn thích đi chơi cùng bạn bè, xem phim, viết báo về những chủ đề nhạy cảm, gây nhiều tranh cãi, tham gia vào các cuộc tranh luận nảy lửa cho dù ý kiến của bạn có thể đi chệch lối mòn.
Bạn có biết rằng lúc còn bé, Bhagwan Rajneesh15 – thường được biết đến dưới cái tên “Osho” – rất hay tranh luận với mọi người, ông luôn có câu trả lời cho mọi câu hỏi được hỏi. Ông thẳng thắn nói ra những điều ông nghĩ và sẵn sàng tiếp nhận lời chỉ trích, ông luôn giữ thói quen này và đã thuyết phục được hàng triệu người nhờ triết lý sống của mình. Nhiều khi để làm được điều mìnhmuốn, bạn sẽ bị chỉ trích, bị mọi người cho là điên rồ, bị mất việc, mất bạn bè, hao phí tiền của. Bởi vậy bạn cần xác định rõ điềumình mong muốn và sẵn sàng chấp nhận rủi ro.
Bạn có cáu giận trước sự việc nào đó không ?
Tôi yêu lũ cún, tôi rất ghét những người ngược đãi động vật, nhất là các chú chó tội nghiệp. Một đôi lần tôi đã sửng cồ trước những hành động tàn ác đó. Tôi hết sức thất vọng và bực bội khi thấy ai đó xử tệ những con vật vô tội. Như vậy, đây có thể là một biểu hiện giúp hé lộ nguồn cảm hứng đặc biệt của tôi. Trước đây, tôi chưa từng nghĩ đến điều này nhưng khi viết ra đây tôi có cảm giác mình có thể mở ra một hướng suy nghĩ mới.
Mahatma Gandhi16 đã từng bị tống khỏi một chuyến tàu ở Nam Phi vì ông là người Ấn. ông giận dữ vì bị đối xử bất công, chính điều này đã giúp ông quyết tâm đấu tranh để loại bỏ sự kỳ thị dân tộc. Vậy nên bạn hãy tìm hiểu ngọn nguồn cơn giận của mình. Có thể bạn sẽ bắt gặp dấu hiệu có ích cho thấy mong muốn của bạn. Hãy kết hợp chúng với các giá trị mà chúng ta đã nhắc đến ở phần trước, có thể bạn sẽ tìm được mối liên hệ ẩn nấp đâu đó. Nếu Mahatma Gandhi được hỏi về các giá trị của mình, tôi đoán chắc sự tự do và lẽ công bằng thuộc hàng ưu tiên trước nhất. Kết hợp với điều khiến ông thấy giận dữ, những giá trị này làm nên niềm đam mê thôi thúc ông đấu tranh vì tự do.
Vì sao tôi yêu công việc của mình?
Đa phần chúng ta đều nói rằng: tôi không yêu công việc của tôi mà chỉ thích một phần ở công việc đó, nếu sếp chỉ giao cho tôi phần việc đó, đảm bảo lúc nào tôi cũng sẵn sàng làm việc. Như vậy đây cũng chính là yếu tố mách bảo sở thích của bạn. Chẳng hạn, khi làm công việc phân tích hệ thống, bạn thường phải đảm nhiệm việc lên kế hoạch, đánh giá, trình bày, quản lý dự án, kiểm tra trước khi phát hành sản phẩm và hỗ trợ về mặt kỹ thuật. Nếu bạn thích nhất công đoạn kiểm tra trước khi phát hành sản phẩm – bao gồm trình bày và thảo luận ở tầm vĩ mô – thì có lẽ bạn phù hợp với nghề Marketing hơn là hỗ trợ kỹ thuật. Nó cho thấy niềm đam mê của bạn.
Ở các công việc trước, bạn thấy phần việc nào dễ dàng nhất?
Sau mỗi lần nhảy việc, bạn bổ sung công việc cũ vào bản hồ sơ ở mục kinh nghiệm làm việc. Một trong những ích lợi bạn rút ra được đó là công việc bạn yêu thích, phần việc bạn “kết” nhất. Làm việc càng lâu năm, chúng ta càng được trải nghiệm nhiều dạng nhiệm vụ khác nhau. Mỗi nhiệm vụ là một cơ hội giúp ta khám phá được mình muốn làm gì nhất. Bạn cũng nên nhớ lại quãng thờigian còn bé và xem thử lúc đó bạn muốn trở thành nhân vật nào nhất.
Điều gì cản trở bạn trong công việc?
Không có môi trường làm việc nào hoàn toàn hoàn hảo, bạn sẽ luôn gặp phải một số chướng ngại vật ở chỗ làm. Nhờ những vật cản này, bạn sẽ học được đôi điều có ích.
Bạn sẽ nhận ra yếu tố nào làm suy yếu niềm hăng hái trong bạn và lựa chọn cách thức điều chỉnh hoặc tìm cách loại bỏ những chướng ngại vật đó khỏi công ty của mình. Chẳng hạn, chúng ta thường xuyên phải đối mặt với tình trạng bị đánh giá thấp, các vị sếp cho đó là điều hiển nhiên. Bạn thấy bất bình, trong trường hợp này bạn biết rằng nếu được làm việc cùng với người biết trân trọng nỗ lực của bạn, bạn sẽ bộc lộ tốt hơn và có thêm cảm hứng với công việc.
Đôi khi bạn lúng túng giữa giá trị bản thân và giá trị của những người quản lý hay công ty bạn đang làm việc. Trong hoàn cảnh đó, khi xem xét kỹ hơn các giá trị của riêng mình, bạn sẽ nhận diện được một số dấu hiệu cho thấy niềm đam mê của bản thân, bởi lẽ lối suy nghĩ, các giá trị và niềm đam mê có sự gắn bó chặt chẽ. Đôi khi do văn hóa doanh nghiệp, do đặc quyền của cấp trên mà bạn mất đi quyền tự chủ trong công việc. Nó có thể làm suy giảm lòng nhiệt tình, mài mòn năng lực của bạn. Khi đó bạn biết được rằng các ưu điểm và khả năng sáng tạo mà bạn đang sở hữu chỉ có thể đơm hoa kết trái khi bạn được tự do. Chẳng hạn, ở công ty cũ, tôi luôn cảm thấy bó buộc, chán nản vì mọi thứ đều quá sức cứng nhắc. Tôi lại là típ người thích được tự do, chỉ khi được tự do tôi mới thể hiện được bản thân mình tốt nhất.
Những ý tưởng tôi cống hiến cho công ty cũ cũng nghèo nàn đi nhưng cuối cùng, với tư cách là một cá nhân, tôi là kẻ thua thiệt nhiều hơn. Nếu bạn rơi vào trường hợp tương tự, đã đến lúc bạn cần thay đổi công việc, càng nhanh càng tốt bạn thân mến ạ. Tôi thích làm việc với những người trao cho tôi quyền tự do, biết cách động viên và trân trọng thành quả làm việc của tôi. Bởi vậy, khi trở thành người đứng đầu một doanh nghiệp, tôi cho phép cấp dưới của mình được tự do sáng tạo, khi cần thiết, tôi coi đó là một tiêu chí đánh giá họ.
Chúng ta chối bỏ niềm đam mê của mình chủ yếu bởi các nhược điểm hơn là các ưu điểm của bản thân – Khuyết danh
Điều mong ước lập dị nhất của bạn
Khi đã xem xét sơ lược về bản thân bạn cũng như những điều bạn thích và ghét, đã đến lúc ra quyết định, dựa trên thông tin có được để lập ra một bản danh sách những điều bạn mong muốn – càng lập dị càng tốt. Bạn nghĩ rằng, nếu dưới bầu trời này người ta ước gì được nấy thì ai ai cũng đã theo đuổi và đạt được điều mình muốn. Hãy nhớ rằng trên đời chẳng có một giới hạn nào cả, chỉ có trí tưởng tượng của bạn mới bị giới hạn mà thôi.
Hãy viết ra hai thành quả mà bạn đạt được với mỗi phương diện được để cập dưới đây:
Chướng ngại vật trong suy nghĩ
Đến thời điểm hiện tại bạn đã biết được cá tính, quan niệm, sở thích, mục tiêu và kỳ vọng của bản thân. Lúc này bạn đã có thể lập ra danh sách những điều cản trở mình đạt được thành tựu, ước mơ. Chúng ta vốn dĩ có lối suy nghĩ khác biệt ngay từ khi biết tưduy, nhiều lần chúng ta tự nhủ bản thân rằng: “Thật kinh khủng nếu mình làm việc đó!” hay: “Mình không nghĩ mình làm đượcviệc đó” rồi: “Đã quá muộn để làm những việc này. ” Tất cả những suy nghĩ này đều là chướng ngại vật trong suy nghĩ của bạn. Tôi muốn bạn phát huy trí tưởng tượng, hình dung cảnh bạn thực hiện được bất kỳ điều gì bạn muốn.
Trí óc khi đã chạm đến một ý tưởng mới mẻ sẽ không bao giờ trở lại vạch xuất phát. – Oliver Wendell Holmes (1841–1936), luật gia người Mỹ
Tán tỉnh và trải nghiệm
Đa phần (nếu không phải là tất cả) các mối tình đều bắt đầu bằng hành động tán tỉnh. Thay vì gán ý nghĩa tiêu cực cho hành động này, tôi sẽ nhìn nhận nó ở góc nhìn khám phá và trải nghiệm tình yêu. Nếu tình yêu trước hôn nhân không phải là điều cấm kỵ thìhành động tán tỉnh trước khi có tình yêu cũng được coi như một bước đặt nền tảng cho một mối tình.
Ở phần trước tôi đã nói sơ qua về thái độ. Có vô vàn khía cạnh đáng bàn về thái độ nhưng chúng ta vẫn chưa nhắc đến yếu tố quan trọng nhất. Theo tôi, khía cạnh quan trọng nhất của thái độ để nhờ vào đó ta khám phá được niềm đam mê của bản thân chính làsự trải nghiệm. Có thể đây chính là một dạng thái độ dành cho mọi việc bạn làm. Cần nhớ rằng thái độ chính là cách ứng xử của một cá nhân. Khi bạn nhận xét một ai đó có thái độ tiêu cực, có nghĩa anh ta có cách thể hiện tiêu cực trong mọi phương diện đời sống. Một thái độ hăng hái có nghĩa người đó thường xuyên nhiệt tình với mọi việc. Tôi sẽ giải thích cho bạn hiểu thế nào là một thái độ trải nghiệm.
Đến cửa hàng kem, tôi luôn gọi hai que kem sô–cô–la cà phê. Sao tôi lại không thể gọi một que kem sô–cô–la cà phê kèm một que vịquả lý chua nhỉ! Mỗi lần tôi sẽ gọi một kiểu khác nhau – và tôi có hàng tá vị kem để lựa chọn. Đến cửa hàng ăn của người Tàu, tôi luôn gọi canh gà chua cay hoặc súp gà hầm ngô! Sao tôi lại không thử món nào đó khác lạ một chút. Đó là vì tôi không có thái độ trải nghiệm. Đi cắm trại giữa mùa mưa, mặc các bộ quần áo độc đáo, không chỉ nghe riêng các bản nhạc pop mà còn thưởng thức nhạc jazz, xem kịch lẫn phim kinh dị hay phim có tính nghệ thuật cao. Đọc các dòng sách khác nhau về các chủ đề phong phú của nhiều tác giả. Thế giới này thật rộng lớn, có vô vàn hương sắc quanh ta. Bởi thế bạn hãy cứ dấn thân. Trải nghiệm.
Các bước giúp xác định niềm đam mê của bạn
Giờ bạn đã lập dị hơn một chút, thông thái hơn một chút và sẵn sàng khám phá. Cũng có nghĩa đã đến lúc bạn bắt đầu hành động “tán tỉnh” và tuân thủ các bước dưới đây để khám phá đến tận cốt lõi niềm đam mê của riêng mình. Đam mê là dạng trải nghiệmcảm xúc đơn lẻ nhưng mạnh mẽ xuất phát từ bên trong mỗi cá nhân. Chúng ta phải cô lập bản thân khỏi nhịp sống bận rộn kéo dài ngày này qua ngày khác, để có thể gắn kết trí óc với con tim mình, quan trọng hơn là nghe được lời mách bảo của trái tim. Chúng ta hãy cùng xem xét những hành động giúp bạn khám phá ra tình yêu thực sự.
Nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu của bản thân
Câu này nghe ra có vẻ rất rập khuôn. Nhưng đúng là thế. Nói một cách đơn giản, bạn cần có thời gian, một ít thời gian rảnh rỗi cho chính mình, đó chính là lúc bạn khám phá bản thân. Bạn biết không, đa phần các ý tưởng của tôi xuất hiện khi tôi ngồi trong toa lét hay lúc đang tắm. Tôi không biết lý do xuất phát từ mùi hương xà phòng, sự tĩnh tại hay bất cứ điều gì khác. Một số nghiên cứu mới đây cho hay, các thông tin trong tiềm thức của bạn có sức ảnh hưởng gấp một triệu lần nhận thức thông thường. Một tỷ lệ đáng kinh ngạc! Tiềm thức chính là suối nguồn tài năng chưa hé lộ của bạn. Đây chính là phép màu của một cái tâm tĩnh tại. Vậy nên bạn nên dành ra một ít thời gian cho riêng mình: không làm gì khác ngoài chạy bộ, đi bộ, ngồi thiền hay chỉ đơn giản ngồi ngắm những vì sao lấp lánh trong đêm.
Trên thực tế, điều tôi vừa nói xác nhận thực tế rằng ý chí, trái tim và trí óc bạn gắn kết lại với nhau khi trong lòng bạn không vướng bận điều gì, tắm là một ví dụ. Ngày nay, bạn không có thời gian đi dạo, nằm trên thảm cỏ ngắm lũ chim lượn bay hay ngắm các vì sao giữa bầu trời đêm. Thực ra chính trong những hoạt động này cùng rất nhiều hoạt động tương tự, khi tâm trí bạn được giải phóng hoàn toàn, bạn sẽ hiểu được những cảm giác sâu kín nhất từ thâm tâm. Vì thế, đôi lúc hãy nghỉ ngơi thư giãn và dành thời gian chú ý đến những điều làm bạn vui thích, khơi gợi cảm hứng hay cơn giận trong bạn. Đọc sách báo, xem ti vi, chuyện trò cùng bạn bè sẽ giúp bạn nhận ra những điều bạn muốn làm trong đời.
Đừng quá coi trọng các phản ứng của trái tim bạn, cứ chăm chăm như thế thì bạn sẽ chẳng tìm được gì. Hãy thư giãn, thả lỏng, trải nghiệm và khám phá, quan trọng nhất là dành cho bản thân một ít thời gian rảnh rỗi để đạt được điều bạn muốn. Gặp gỡ mọi người, hàn huyên với đúng người có thể sẽ phát huy tác dụng.
Khám phá tâm trí của chính bạn
Tự hỏi bản thân những câu hỏi đơn giản và cố gắng trả lời thành thật.
(a) Bạn sẽ làm gì nếu biết chắc chắn tất cả những việc mình làm đều thành công?
Chẳng hạn như, nếu bạn tự tin rằng khi đi thi giọng hát truyền hình, chắc chắn bạn sẽ được giải. Khi đó bạn hãy liệt kê nó ra, bởi lẽ nó chính là năng khiếu, niềm tin và lĩnh vực bạn có thể làm tốt.
(b) Bạn thích nhất những điểm nào của bản thân?
“Ờ thì tôi yêu nhất giọng nói của mình” – đó có thể là câu trả lời của diễn viên Amitabh Bachchan. Có người đáp rằng cô ta thích nhất gương mặt khả ái hoặc anh ta thích cách bài trí nội thất độc đáo của mình, cả ba ví dụ trên đây đều có hiệu lực chỉ dẫn niềm đam mê và nghề nghiệp. Những phụ nữ thích tự tay trang trí nhà cửa theo cách riêng thường trở thành các nhà thiết kế nội thất rất thành công.
(c) Mỗi khi tâm trí được tự do, bạn thường mơ điều gì?
Có thể có người cho đó là mơ hão, tuy nhiên, sẽ rất có ích nếu bạn phát huy trí tưởng tượng, lòng khát khao và ngẫm nghĩ về những điều bạn muốn làm.
(d) Hồi nhỏ bạn thích làm gì? Hãy dựa vào quá khứ để tìm kiếm manh mối.
Khi còn học trung học, tôi thích xem bóng cricket và có thể kể về các trận đấu suốt cả ngày trời. Tôi có thể nói vanh vách về cầu thủ và bình luận các bàn thắng. Vì Chúa, nếu bạn thích diễn thuyết, có chất giọng truyền cảm và cách phát âm chuẩn, chắc chắn bạn sẽ trở thành một bình luận viên xuất sắc.
(e) Bạn có thể miêu tả bản thân bằng một từ hay một câu ngắn gọn không?
Có thể một số người đáp rằng: “Tôi có khả năng truyền đạt tốt.” Vậy bạn là một giáo viên bẩm sinh. “Tôi có thể bộc lộ chính kiến trong mọi trường hợp.” Vậy bạn là một luật sư, thậm chí một chính trị gia từ trong máu. Tôi không có số liệu chứng thực, nhưng đa phần các chính trị gia đều đã từng là luật sư. Nói cách khác, các luật sư thường trở thành các chính trị gia có tiếng tăm – tôi dám cá với bạn như vậy.
(f) Bạn muốn làm gì nếu không phải “lăn tăn”chuyện tiền bạc?
Câu trả lời sẽ mách cho bạn biết con tim bạn muốn làm điều gì nhất. Nếu tôi được chơi cùng một nhóm nhạc, tôi dám chắc tôi sẽchơi trống miễn phí suốt đêm!
(g) Có những mong ước thầm kín nào bạn ngại chia sẻ với người khác?
Có tình trạng này bởi chúng ta thường băn khoăn: “Không biết người khác sẽ nghĩ gì?” hoặc: “Tôi nghĩ mọi người sẽ cười nhạo tôi.” Bạn muốn trở thành một diễn viên và bạn cho rằng bạn bè mình sẽ nói: “Ơ này, cậu muốn theo nghiệp diễn xuất sao, cậu dở hơi à?” Như tôi đã nói ở trước, bạn cần chuẩn bị sẵn tâm thế gặp rủi ro và sẵn sàng đối mặt với cả thế giới, sẵn sàng chấp nhậnthất bại, như vậy bạn sẽ thành công. Hãy xem trường hợp của diễn viên Hrithik Roshan17, anh ấy chấp nhận mối nguy cơ cao khi diễn vai cậu bé thiểu năng trong bộ phim Koi Mil Gaya, đây là một trải nghiệm đòi hỏi ở anh ấy lòng can đảm và sự tự tin. Vốn dĩ đã là một diễn viên thành công, Hrithik hoàn toàn có thể từ chối vai diễn nhưng anh ấy vẫn chấp nhận mạo hiểm.
(h) Tôi có thể cống hiến điều gì cho mọi người hoặc cho thế giới? Nghe có vẻ lý tưởng hóa, nhưng chỉ cần bạn có thể chọc cười người khác, điều này cũng có nghĩa bạn đã mang đến cho mọi người cảm giác tích cực, như vậy bạn nên thử sức ở sân khấu hài. Tôi muốn cho bạn hay, ngay từ bé, đa phần các danh hài đều hài hước cao độ, đây là khả năng đặc biệt, họ phát triển khả năngcủa mình thành một nghề thành công. Họ khiến cho cả thế giới bật cười, đấy chính là cách họ đóng góp cho cả thế giới. Tôi muốn trở thành một bác sĩ và đó chính là cách tôi muốn cống hiến. Bạn muốn làm một chuyên gia tư vấn tình yêu hôn nhân, đó sẽ là phần đóng góp của bạn. Điều này cũng liên quan đến vấn đề quan niệm.
Tìm một công việc tạo hứng thú cho mình
Có nhiều lý do khiến người ta thấy hào hứng hoặc thấy chán việc. Cho dù bạn chọn nghề nào chăng nữa, ở mỗi công việc luôn có những điều bạn rất thích làm và cũng có những phần bạn không muốn động tay, động chân đến. Bởi vậy, sẽ có những điều khiến ta thỏa mãn và cảm thấy mình thành công. Nhiều khi thành tựu đó nảy sinh do cách suy nghĩ của mỗi người, xuất phát từ một nguyên nhân khác quan trọng hơn, thiết yếu hơn tiền bạc.
Do đó, mỗi chúng ta đều có “những động cơ bên trong”, chúng truyền cho chúng ta niềm hứng thú cần thiết để theo đuổi và thựchiện tốt phần việc của mình. Nói một cách dễ hiểu, có thể đó là mùi thuốc súng kích thích người xạ thủ tinh tường hay mùi cao su tỏa ra từ lốp xe trong cuộc đua xe đã góp phần làm nên nhà vô địch thế giới.
Những người ghét mùi thuốc gây tê và chùn chân trước phòng mổ thì không nên cố sống cố chết trở thành bác sĩ phẫu thuật. Giờ thì hãy cùng tìm hiểu một số nghề mang đến cơ hội, giúp chúng ta thực hiện ước mơ của mình.
Động cơ | Dẫn đến | Nghề nghiệp
1. Khoa học/Toán học, Tư duy logic: Kỹ sư, nhà thống kê, lập trình viên, bác sĩ, kế toán viên, nhà khoa học.
2. Tiền bạc, của cải vật chất: Bác sĩ, diễn viên điện ảnh, nhà môi giới chứng khoán, nhà quản trị cấp cao, kinh doanh vận tải biển, chính trị gia, luật sư.
3. Chủ nghĩa yêu nước: Lực lượng vũ trang: cảnh sát, dân quân tự vệ.
4. Phiêu lưu/ Mạo hiểm: Tay đua, phi công lái máy bay chiến đấu, bảo vệ, vệ sĩ, lính đánh thuê, đánh cá xa bờ, đội tuần tra ven biển, đội tìm kiếm và cứu hộ, lính cứu hỏa, thợ khai mỏ.
5. Vẻ hào nhoáng, cái đẹp: Nhà thiết kế thời trang, người mẫu, diễn viên, nhà văn, nhà thơ, nhiếp ảnh gia, người tổ chức chương trình truyền hình, DJ âm nhạc, phi hành gia.
6. Điều tra/ Nghiên cứu: Thám tử, nghiên cứu viên, nhà báo, chuyên viên hiện trường, nhà văn, nhà thống kê.
7. Yêu thích những đối tượng đặc biệt: Người chăm sóc thú cưng, phi công, nghề làm vườn.
8. Khả năng truyền đạt, ngôn ngữ và trí tuệ: Luật sư, nhà văn, tác giả kịch bản, người viết bài quảng cáo, người dẫn chương trình, bình luận thể thao, diễn giả, người viết thuyết minh, biên tập viên.
9. Cảnh quan, môi trường: Nông dân, người leo núi, nhà sinh vật học.
10. Trình diễn: Chính trị gia, huấn luyện viên, diễn giả, luật sư biện hộ, người giải mật mã, diễn viên.
11. Tính sáng tạo: Nhạc sĩ, diễn viên, họa sĩ, nhà điêu khắc, nhiếp ảnh gia, nhà thiết kế, nhà văn, người viết kịch bản phim, người sản xuất rượu vang, người làm phim hoạt hình.
12. Con người và đám đông: Giáo viên, diễn viên, người hòa giải, chính trị gia, nhân viên kinh doanh, nhân viên Marketing.
13. Địa vị, danh tiếng và quyền lực: Nhà quản trị, chỉ doanh nghiệp, chính trị gia, công chức, bác sĩ.
14. Cảm giác hài lòng: Huấn luyện viên, người cố vấn, giáo viên, người làm công tác xã hội, vận động viên nhà nghề, lực lượng vũ trang, cảnh sát, bác sĩ, người giúp đỡ các trẻ khuyết tật.
Tôi đã liệt kê ra ở trên hơn một tá động cơ và rất nhiều nghề nghiệp tương ứng. Bạn sẽ thấy ở đây có mối quan hệ đa chiều, cónghĩa là một động cơ có thể phù hợp với nhiều nghề nghiệp khác nhau và ngược lại, một nghề có thể nảy sinh từ nhiều động cơkhác nhau. Do đó, khi bạn đang hưng phấn với một nghề nào đó thì trạng thái đó có được do nhiều động cơ chứ không phải xuấtphát từ một động cơ duy nhất thôi thúc bạn chọn nghề. Lấy ví dụ, nếu bạn coi diễn xuất là một nghề thì nghề này xuất phát từ các động cơ như tính sáng tạo, thích trình diễn, hào nhoáng, phiêu lưu, đám đông và cả tiền bạc nữa. Các chính trị gia thì chú trọng đến địa vị, danh tiếng và quyền lực. Bạn sẽ không có được một giải pháp “hoàn hảo không tì vết”. Chỉ cần bạn tìm được các động cơ xác đáng nhất, bạn có thể theo đuổi niềm đam mê của bản thân.
Khi đã tìm được động cơ của bản thân, bạn chớ để ý đến động cơ của người xung quanh. Nếu bạn thích leo núi, nếu động cơ phiêu lưu, thưởng thức cảnh quan môi trường của bạn được đáp ứng, bạn đừng mong tìm thấy quyền lực, danh tiếng và trí tuệ từ những cuộc chơi này.
Giờ bạn đã thu thập được kha khá rồi – bạn đã hiểu về đam mê, sơ lược về bản thân bạn, những điều bạn thích và không thích, những ước mơ kỳ quái nhất, những vật chướng ngại trong suy nghĩ và nhu cầu trải nghiệm. Tôi cũng đã kể ra một số động cơ khuyến khích chúng ta, một số nghề nghiệp khả dĩ gắn với từng động cơ. Tất nhiên những thứ tôi liệt kê ra chẳng thể bao quát mọi phương diện, nhưng ít ra nó thể hiện đường hướng. Giờ hãy cùng tiếp tục sử dụng các động cơ này để hoàn thiện Bản ghi chép niềm đam mê của bản thân.
Lập ra Bảng ghi chép niềm đam mê của bản thân
Để thực hiện công việc này, bạn phải loại bỏ các nhân tố bên ngoài như việc ngầm so sánh với đồng nghiệp, trách nhiệm với gia đình, gánh nặng tài chính… Hãy bộc lộ mong muốn của mình, bất chấp người khác xì xào, bàn tán này nọ.
Làm sao bạn có thể sống một cuộc sống chỉ dựa trên sở thích và đánh giá của người khác? Hãy trở lại làm một đứa trẻ vô tư, nói những điều bạn muốn nói, viết ra điều gì bạn nghĩ. Trong số 14 nhóm động cơ tôi đã kể ra ở trên, hãy chọn ra 7 nhóm mà bạn cho rằng chúng có thể khích lệ bạn. Sau đó hãy sắp xếp thứ tự ưu tiên từ một đến bảy.
Đừng mổ xẻ chi tiết mà hãy vận dụng trí não và trực giác của bạn. Với bước đầu tiên này bạn đã lựa chọn được bảy động cơ. (Loại bỏ những động cơ bạn cho là kém quan trọng nhất). Giờ hãy nhìn lại một lượt bản danh sách bảy động cơ mà bạn vừa lọc ra. Hãy tiếp tục thu gọn nó lại. (Sử dụng thứ tự ưu tiên của các động cơ). Giảm xuống còn ba, tối đa là năm động cơ.
Mỗi chúng ta đều có thể thực hiện nhanh chóng các thao tác này. Chẳng hạn, tôi được định hướng bởi năm động cơ sắp xếp theo thứ tự ưu tiên:
- Danh tiếng và quyền lực
- Con người và đám đông
- Sự trình diễn
- Cái đẹp
- Tính sáng tạo
Giờ hãy thử lựa chọn nghề nghiệp dựa trên các động cơ này, đồng thời bạn cũng cần phải “găm” trong đầu câu hỏi, mình có khả năng làm gì? Sau đó, đối chiếu động cơ với năng lực của bản thân để tìm ra nghề nghiệp hợp với mình nhất. Nếu như bạn có thể đồng thời trở thành nhà diễn thuyết, nhà văn hay giáo viên, bạn có thể theo đuổi tất cả các nghề đó. Hãy nghĩ về trường hợp Deepak Chopra18 hay Stephen Covey – tác giả của nhiều cuốn sách mà xem.
Nếu bạn đặt câu hỏi về động cơ của họ, tôi dám chắc bốn trong số năm động cơ kể trên đều thuộc danh sách của họ. Họ nổi tiếng, họ biết diễn thuyết, họ gặp gỡ với mọi người, họ rất phong cách và họ dựa vào năng lực sáng tạo để đạt đến những điều này! Có lẽ bạn đã nhận ra. Cần nhớ rằng, tiền bạc chính là PHẦN THƯỞNG mà họ nhận được.
Mở rộng chân trời của bạn
Bạn chỉ có thể trải nghiệm khi có thứ gì đó để thử. Để tạo thêm cho bản thân thật nhiều cơ hội, bạn hãy cố gắng tìm kiếm cơ hội. Có vô số cách tạo hứng khởi, tôi nghĩ những cách dưới đây sẽ vô cùng hữu ích đối với bạn.
Gặp gỡ những người làm các công việc khác nhau
Đây là cách đơn giản để mở mang đầu óc. Thật không may, tôi gặp nhiều người thuộc típ tự thỏa mãn với khoảng trời của riêng họ. Nếu bốn anh chàng phi công gặp nhau thì chỉ sau năm phút, họ sẽ rôm rả chuyện trò về việc lái máy bay và những tai nạn họ gặp phải. Nếu ba kỹ thuật viên phần mềm ngồi lại với nhau, họ sẽ chỉ nhắc đến khó khăn trong việc viết chương trình máy tính, kể cả khi đang nhâm nhi đồ uống. Khi cánh lính tráng gặp nhau, họ chỉ ngồi ôn chuyện cũ. Tôi muốn biết những hoạt động, công việc khác nữa. Bởi thế, việc gặp gỡ người làm khác nghề và hiểu một phần công việc của họ cũng rất cần thiết. Bạn sẽ có được thông tin hữu ích, dù thế nào bạn cũng nên áp dụng cách tư duy “ngoài chiếc hộp” vì bạn cần phải thoát ra khỏi cái hộp tự giới hạn bản thân mình.
Tham gia các buổi gặp mặt, hội thảo và hội nghị chuyên đề
Bạn cũng nên tận dụng cơ hội gặp chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Chắc chắn bạn sẽ nắm bắt được nhiều thông tin bên ngoài lĩnh vực quen thuộc của mình. Bởi vậy, nếu bạn là kỹ sư phần mềm, khi có cơ hội tham dự buổi hội nghị chuyên đề về động cơ thúc đẩy, bạn chớ bỏ lỡ cơ hội. Đa phần chúng ta thường tập trung vào đường chân trời theo chiều dọc và tĩnh tại – đó là lý do chúng ta không thể mở rộng hơn nữa không gian của bản thân! Các chân trời còn có bề ngang nữa!
Đọc sách tiểu sử
Tôi sẽ trình bày cụ thể hơn về vai trò của hình mẫu trong chương tiếp theo. Nhưng việc đọc sách về tiểu sử nhân vật thuộc các lĩnh vực khác nhau (yếu tố này rất quan trọng) sẽ mang lại cho bạn thông tin về nghề nghiệp cũng như động cơ khác. Đừng chỉ chăm chăm đọc về các nhà lãnh đạo nổi tiếng thế giới như John F. Kennedy, Winston Churchill và Hitler. Hãy mở rộng chân trời của bạn bằng cách đọc sách về các nhà khoa học lỗi lạc, doanh nhân, nhà giáo dục, người lính, vận động viên leo núi… Tôi muốn nhắc lại lần nữa, mục đích của chúng ta là mở rộng đường chân trời của mình.
Cùng tóm tắt
Đường đi của riêng bạn
1. Hãy thử bài tập đơn giản sau, xem thử bạn có thể tìm ra kỹ năng cần thiết cho 10 nghề nghiệp được dẫn ra bên dưới hay không. Kỹ năng được phân thành ba loại: kỹ năng bắt buộc, kỹ năng nên có, kỹ năng có thể có. Cố gắng suy nghĩ kỹ để đưa ra câu trả lời xác đáng nhất. Trong bảng chúng tôi đã làm mẫu về nghề giáo. Dựa vào đó bạn sẽ biết cách điền vào các chỗ trống còn lại trong Bảng (A). Sau đó bạn hãy tiếp tục điền tương tự đối với Bảng (B).
2. Để biết được mức độ đam mê của bạn và tiềm năng nâng cao mức đam mê đến đâu, bạn hãy trả lời những câu hỏi dưới đây theo mức độ tăng dần từ 1 đến 7:
Không 1 2 3 4 5 6 7 CÓ
1. Bạn có nhiệt tình không?
2. Bạn tư duy “ngoài chiếc hộp” không?
3.Bạn nghĩ rằng mình là người đạt được mục đích nhờ nỗ lực tự thân không?
4. Bạn có sẵn sàng đón nhận rủi ro hay không?
5. Bạn có hay mơ mộng?
6. Bạn có thường xuyên “xắn tay” vào hầu hết mọi việc không?
7. Bạn có nghĩ đến những điều lớn lao không?
8. Bạn có thích thử thách không?
9. Bạn có cố chấp không?
10. Bạn thường xuyên hứng thú với mọi thứ?
11. Bạn có bị ám ảnh không?
12. Bạn tràn đầy năng lượng?
13. Bạn là người tò mò?
14. Bạn có khả năng tập trung cao độ?
15. Bạn thích thú trước những điều mới mẻ?
16. Bạn luôn sẵn sàng trải nghiệm điều mới?
17. Bạn có năng động không?
18. Bạn có khả năng sáng tạo?
19. Bạn có sẵn sàng từ bỏ địa vị, thân thế, tiền tài để làm điều mình muốn?
20. Bạn có tính ganh đua không?
21. Mọi người nghĩ bạn biết tận hưởng cuộc sống?
22. Bạn có nghĩ trong con người bạn vẫn tồn tại tính cách trẻ con?
23. Bạn có sẵn sàng thử điều mới dù bị mọi người cười chê?
24. Bạn có sẵn sàng phá vỡ quy tắc và làm điều gì đó trái với thường lệ?
Nếu bạn trả lời thành thật và chấm điểm một cách thực tế, bạn sẽ hiểu được bản chất niềm đam mê của bản thân và khả năng theo đuổi niềm đam mê đó. Hãy chú trọng đến những phần bạn chấm điểm dưới 4 và cố gắng tìm cách tạo sự thay đổi.
Khuyến cáo: Bài trắc nghiệm trên chưa được thống kê chứng minh về độ tin cậy mà chỉ có tính tham khảo.
3. Viết ra 10 giá trị của bạn (hoặc những trị số được nhắc đến trong chương này).
(a)
(b)
(c)
(d)
(e)
(f)
(g)
(h)
(i)
(j)
Bây giờ bạn hãy sắp xếp chúng lại theo thứ tự ưu tiên rồi rút ngắn xuống còn tối đa 5 giá trị.
(a)
(b)
(c)
(d)
(e)
4. Liệt kê 5 điều bạn tin tưởng nhất. Đây có thể là những câu khẩu hiệu, lời châm ngôn hay tự động viên tinh thần của chính bạn.
(a)
(b)
(c)
(d)
(e)
5. Liệt kê 3 sự kiện bạn nhớ nhất trong đời.
(a)
(b)
(c)
Giờ bạn hãy thử phân tích vì sao chúng lại đáng nhớ đến thế. Bạn cũng hãy cố gắng gắn kết những ký ức đẹp này với sở thích, đam mê của bạn. Trở lại quá khứ có thể giúp hé lộ niềm đam mê của bạn.
Bạn chẳng thể làm rung động trái tim người khác nếu như bạn không đủ sức lay động trái tim của chính mình. – Clarence Day(1874–1935), nhà văn Mỹ
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.