Cuộc Sống, Tình Yêu, Tiếng Cười

Vấn đề sống và chết



Một câu chuyện của người Hasid:

Khi giáo sĩ Bunam nằm chết, vợ ông ấy bật khóc nức nở.

Ông ấy nói, “Em khóc vì cái gì thế? Cả đời ta chỉ là điều ta có thể học cách chết.”

Cuộc sống là đang trong việc sống. Nó không phải là vật, nó là quá trình. Không có cách nào để đạt tới cuộc sống ngoại trừ việc sống nó, ngoại trừ việc sống động, việc tuôn chảy, chảy đi cùng nó. Nếu bạn tìm kiếm nghĩa của cuộc sống trong giáo điều nào đó, trong triết học nào đó, trong thượng đế học nào đó, đó là con đường chắc chắn để bỏ lỡ cả hai cuộc sống và nghĩa.

Cuộc sống không ở đâu đó chờ đợi bạn, nó đang xảy ra trong bạn. Nó không ở trong tương lai như mục đích cần đạt tới, nó là ở đây bây giờ, chính khoảnh khắc này – trong việc thở của bạn, tuần hoàn máu của bạn, nhịp tim đập của bạn. Bất kì cái gì bạn đang là trong cuộc sống của mình, và nếu bạn bắt đầu tìm nghĩa ở đâu đó khác, bạn sẽ bỏ lỡ nó. Con người đã làm điều đó trong nhiều thế kỉ rồi.

Khái niệm đã trở thành rất quan trọng, giải thích đã trở thành rất quan trọng – và cái thực đã hoàn toàn bị quên lãng. Chúng ta không nhìn vào cái đã ở đây, chúng ta muốn hợp lí hoá.

Tôi đã nghe một câu chuyện rất hay.

Vài năm trước đây một người Mĩ bị khủng hoảng căn cước nghiêm trọng. Người đó tìm sự giúp đỡ từ các nhà tâm thần nhưng chẳng cái gì xảy ra từ đó, vì không ai có thể nói cho anh ta nghĩa của cuộc sống – chính là điều anh ta muốn biết. Dần dần anh ta biết tới một guru trí huệ vô cùng và đáng kính, người sống ở một vùng bí ẩn và gần như không tới đươc ở Himalaya. Chỉ guru đó, anh ta trở nên tin tưởng, mới cho anh ta biết được cuộc sống có nghĩa gì và vai trò của anh ta phải là gì trong đó. Thế là anh ta bán hết mọi của cải thế gian và bắt đầu tìm kiếm guru biết tất cả này. Anh ta mất tám năm lang thang từ làng nọ tới làng kia trên khắp Himalayanỗ lực tìm ông ấy. Và thế rồi một hôm anh ta tình cờ gặp một người chăn cừu, người này bảo cho anh ta chỗ guru đó sống và cách đi tới chỗ đó.

Phải mất một năm mới tìm được ông ấy, nhưng thực tế anh ta đã làm điều đó. Quả có một guru, quả thực đáng kính, mà thực tế cũng đã tới một trăm tuổi. Guru này ưng thuận giúp anh ta, đặc biệt khi ông ấy biết về mọi hi sinh của anh ta vì mục đích này.

“Ta có thể làm được gì cho con đây?” guru hỏi.

“Tôi cần biết nghĩa của cuộc sống,” người này nói.

Với điều này guru đáp ngay, không lưỡng lự, “Cuộc sống,” ông ấy nói, “là dòng sông bất tận.”

“Dòng sông bất tận sao?” người này nói trong giật mình thảng thốt. “Sau khi bằng mọi cách đi tìm thầy, và mọi điều thầy nói với tôi là ở chỗ cuộc sống là dòng sông bất tận sao?”

Guru bàng hoàng, choáng váng. Ông ấy trở nên rất giận và ông ấy nói, “Anh ngụ ý nó không phải vậy sao?”

 

Không ai có thể cho bạn nghĩa của cuộc sống của bạn. Cuộc sống là của bạn, nghĩa cũng phải là của bạn. Himalaya chẳng ích gì. Không ai ngoại trừ bạn có thể bắt gặp được nó. Cuộc sống là của bạn và chỉ bạn mới truy nhập được vào nó. Chỉ trong việc sống mà bí ẩn mới được khải lộ cho bạn.

Điều đầu tiên tôi muốn bảo bạn, đừng tìm nó ở đâu khác. Đừng tìm nó trong tôi, đừng kiếm nó trong kinh sách, đừng kiếm nó trong những giải thích tinh khôn – chúng tất cả đều giải thích đâu đâu, chúng không giải thích. Chúng đơn giản tọng vào tâm trí bạn, chúng không làm cho bạn nhận biết về cái gì đang đó. Và tâm trí càng được tọng nhiều với những tri thức chết, bạn càng trở nên đờ đẫn và ngu hơn. Tri thức làm mọi người ngu đi; nó làm đờ đẫn nhạy cảm của họ. Nó tọng vào họ, nó trở thành trọng lượng đè lên họ, nó làm mạnh cho bản ngã của họ nhưng nó không cho ánh sáng và nó không chỉ cho họ con đường. Đó là điều không thể được.

Cuộc sống đã có đó sùng sục bên trong bạn. Nó có thể được tiếp xúc chỉ ở đó. Ngôi đền không ở bên ngoài, bạn là điện thờ của nó. Cho nên điều đầu tiên cần nhớ nếu bạn muốn biết cuộc sống là gì, chính là: đừng bao giờ tìm kiếm nó ở bên ngoài, đừng bao giờ thử tìm nó từ ai đó khác. Nghĩa không thể được truyền theo cách đó. Những bậc thầy vĩ đại nhất chưa bao giờ nói điều gì về cuộc sống cả – họ bao giờ cũng ném bạn trở lại bản thân bạn.

Điều thứ hai cần nhớ là: một khi bạn biết sống là gì, bạn sẽ biết chết là gì. Chết cũng là một phần của quá trình. Bình thường chúng ta nghĩ chết tới ở lúc cuối, bình thường chúng ta nghĩ chết là chống lại sống, bình thường chúng ta nghĩ chết như kẻ thù, nhưng chết không phải là kẻ thù. Và nếu bạn nghĩ chết như kẻ thù, điều đó đơn giản chứng tỏ rằng bạn đã không có khả năng biết sống là gì.

Chết và sống là hai cực của cùng một năng lượng, của cùng một hiện tượng – sóng lên và triều xuống, ngày và đêm, mùa hè và mùa đông. Chúng không tách rời và không đối lập, không mâu thuẫn; chúng là phần bù. Chết không phải là đầu cuối của cuộc sống; thực tế, nó là phần bổ sung của một kiếp sống, là cao trào của một kiếp sống, là đỉnh cao, cực đỉnh. Và một khi bạn biết cuộc sống của mình và quá trình của nó, thế thì bạn hiểu chết là gì.

Chết là một phần hữu cơ, tích hợp của sống, và nó rất thân thiện với cuộc sống. Không có nó cuộc sống không thể tồn tại được. Cuộc sống tồn tại bởi vì cái chết; cái chết cho bối cảnh. Thực tế chết là quá trình làm mới lại. Và chết xảy ra từng khoảnh khắc. Khoảnh khắc bạn hít vào và khoảnh khắc bạn thở ra, cả hai đều xảy ra. Hít vào, sống xảy ra; thở ra, chết xảy ra. Đó là lí do tại sao khi đứa trẻ được sinh ra điều đầu tiên nó làm là hít vào, thế thì cuộc sống bắt đầu. Và khi người già chết đi, điều cuối cùng người đó làm là thở ra, thế thì cuộc sống ra đi. Thở ra là chết, hít vào là sống – chúng giống như hai bánh xe của chiếc xe bò. Bạn sống bằng hít vào cũng nhiều như bạn sống bằng thở ra. Việc thở ra là một phần của hít vào. Bạn không thể hít vào nếu bạn dừng thở ra. Bạn không thể sống nếu bạn dừng chết. Người đã hiểu cuộc sống của mình là gì thì cho phép cái chết xảy ra; người đó đón chào nó. Người đó chết đi từng khoảnh khắc và từng khoảnh khắc người đó phục sinh. Chữ thập của người đó và việc phục sinh của người đó liên tục xảy ra như một quá trình. Người đó chết đi quá khứ từng khoảnh khắc và người đó được sinh ra lặp đi lặp lại trong tương lai.

Nếu bạn nhìn vào trong cuộc sống bạn sẽ có khả năng biết cái chết là gì. Nếu bạn hiểu chết là gì, chỉ thế thì bạn mới có khả năng hiểu sống là gì. Chúng là hữu cơ. Bình thường, do sợ hãi, chúng ta đã tạo ra phân chia. Chúng ta nghĩ rằng sống là tốt và chết là xấu. Chúng ta nghĩ rằng sống phải được mong muốn và chết phải được né tránh. Chúng ta nghĩ bằng cách nào đó chúng ta phải bảo vệ bản thân mình chống lại cái chết. Ý tưởng ngớ ngẩn này đã tạo ra vô tận khổ sở trong các kiếp sống của chúng ta, bởi vì người bảo vệ bản thân mình chống lại cái chết thì không có khả năng sống. Người đó là người sợ thở ra, thế thì người đó không thể hít vào được và người đó bị mắc kẹt. Thế thì người đó đơn giản kéo lê; cuộc sống của người đó không còn là dòng chảy, cuộc sống của người đó không còn là dòng sông.

Nếu bạn thực sự muốn sống bạn phải sẵn sàng chết. Ai sợ chết trong bạn? Sống có sợ chết không? Điều đó là không thể được. Làm sao cuộc sống có thể sợ quá trình tích hợp của riêng nó được? Cái gì đó khác sợ trong bạn. Bản ngã đang sợ trong bạn. Sống và chết không phải là đối lập; bản ngã và chết mới là đối lập. Bản ngã chống lại cả sống và chết. Bản ngã sợ sống và bản ngã sợ chết. Nó sợ sống bởi vì từng nỗ lực, từng bước tới sống, đều đem chết tới gần hơn.

Nếu bạn sống bạn đang đi gần hơn tới việc chết. Bản ngã sợ chết, do đó nó sợ cả sống nữa. Bản ngã đơn giản kéo lê.

Có nhiều người không sống không chết. Điều này còn tồi tệ hơn bất kì cái gì. Người tràn đầy sống động thì tràn đầy cái chết nữa. Đó là nghĩa của Jesus trên cây thập tự. Jesus mang cây thập tự riêng của mình đã không được mọi người thực sự hiểu. Và ông ấy nói với đệ tử của mình, “Các ông sẽ phải mang cây thập tự riêng của mình.” Nghĩa của Jesus mang cây thập tự riêng của mình là rất đơn giản, chẳng có gì ngoài điều này: mọi người đều phải mang cái chết của mình liên tục, mọi người đều phải chết đi từng khoảnh khắc, mọi người đều phải trên cây thập tự bởi vì đó là cách duy nhất để sống đầy đủ, toàn bộ.

Bất kì khi nào bạn đi tới một khoảnh khắc sống động toàn bộ, bỗng nhiên bạn sẽ thấy cái chết cũng có đó. Trong yêu nó xảy ra. Trong yêu, cuộc sống đi tới cực đỉnh – do đó mọi người đều sợ yêu.

Tôi đã từng liên tục ngạc nhiên bởi những người tới tôi và nói họ sợ yêu. Sợ yêu là gì? Đó là vì khi bạn thực sự yêu ai đó bản ngã của bạn bắt đầu tuột đi và tan chảy ra. Bạn không thể yêu bằng bản ngã được; bản ngã trở thành rào chắn. Và khi bạn muốn vứt bỏ rào chắn này bản ngã nói, “Đây sẽ là cái chết. Phải cẩn thận!”

Cái chết của bản ngã không phải là cái chết của bạn. Cái chết của bản ngã thực sự là khả năng sống của bạn. Bản ngã chỉ là cái vỏ chết bao quanh bạn, nó phải bị đập vỡ và vứt đi. Nó đi vào trong hiện hữu một cách tự nhiên – hệt như lữ khách đi qua, bụi tụ lại trên quần áo người đó, trên thân thể người đó, và người đó phải tắm để vứt bỏ bụi đi.

Khi chúng ta đi vào trong thời gian, bụi của kinh nghiệm, của tri thức, của kiếp sống đã sống qua, của quá khứ, tụ lại. Bụi đó trở thành bản ngã của chúng ta. Được tích luỹ lại, nó trở thành lớp vỏ bao quanh bạn, cái phải bị đập vỡ ra và vứt đi. Người ta phải tắm liên tục – mọi ngày, thực tế mọi khoảnh khắc, để cho lớp vỏ này không bao giờ trở thành nhà tù. Bản ngã sợ yêu bởi vì trong yêu, cuộc sống đi tới đỉnh. Nhưng bất kì khi nào có đỉnh của cuộc sống thì cũng có đỉnh của cái chết – chúng đi cùng nhau.

Trong yêu bạn chết đi và bạn được tái sinh. Cùng điều đó xảy ra khi bạn đi tới thiền hay cầu nguyện, hay khi bạn đi tới thầy để buông xuôi. Bản ngã tạo ra đủ mọi loại khó khăn, hợp lí hoá để không buông xuôi: “Nghĩ về điều đó đi, nghiền ngẫm về nó đi, khôn ngoan về nó đi.” Khi bạn đi tới thầy, lần nữa bản ngã lại trở nên nghi ngờ, hoài nghi, tạo ra lo âu, bởi vì bạn lại đang đi tới cuộc sống, tới ngọn lửa nơi cái chết cũng sống động như cuộc sống.

Để điều đó được ghi nhớ, rằng chết và sống cả hai đều trở thành ngọn lửa cùng nhau, chúng chưa bao giờ tách rời. Nếu bạn sống rất, rất tối thiểu, tại mức ít nhất, thế thì bạn có thể thấy chết và sống như tách rời. Bạn càng tới gần đỉnh, chúng càng bắt đầu lại gần nhau hơn. Tại chính chóp chúng gặp gỡ và trở thành một. Trong yêu, trong thiền, trong tin cậy, trong lời cầu nguyện, bất kì chỗ nào sống trở thành toàn bộ, chết đều có đó. Không có chết, sống không thể trở thành toàn bộ được.

Nhưng bản ngã bao giờ cũng nghĩ trong phân chia, trong nhị nguyên; nó phân chia mọi thứ. Sự tồn tại là không thể phân chia được; nó không thể được phân chia. Bạn đã là đứa trẻ, rồi bạn trở thành thanh niên. Bạn có thể vạch lằn ranh khi bạn trở thành thanh niên được không? Bạn có thể vạch ra điểm theo thời gian nơi bỗng nhiên bạn không còn là đứa trẻ và bạn đã trở thành thanh niên được không? Một ngày nào đó bạn trở nên già. Bạn có thể vạch ra đường biên khi nào bạn trở nên già được không?

Quá trình không thể được phân ranh giới. Đích xác cùng điều đó xảy ra khi bạn được sinh ra. Bạn có thể vạch ranh giới khi nào bạn được sinh ra không? Khi nào cuộc sống thực sự bắt đầu? Nó có bắt đầu khi đứa trẻ bắt đầu thở không – bác sĩ phát vào đít đứa trẻ và đứa trẻ bắt đầu thở? Thế thì cuộc sống được sinh ra sao? Hay đó là khi đứa trẻ đi vào bụng mẹ, khi người mẹ trở nên mang thai, khi đứa trẻ được thụ thai? Cuộc sống có bắt đầu từ đó không? Hay thậm chí trước đó? Khi nào cuộc sống đích xác bắt đầu?

Nó là quá trình không kết thúc và không bắt đầu. Nó chưa bao giờ bắt đầu. Khi nào một người chết? Có phải người chết khi việc thở dừng lại không? Nhiều nhà yoga bây giờ đã chứng minh trên nền tảng khoa học rằng họ có thể dừng thở và họ vẫn sống và họ có thể quay lại. Cho nên dừng thở không thể là cái kết thúc được. Cuộc sống kết thúc ở đâu?

Nó chưa bao giờ kết thúc ở đâu cả, nó chưa bao giờ bắt đầu ở đâu cả. Chúng ta được tham gia vào cái vĩnh hằng. Chúng ta đã ở đây từ chính lúc bắt đầu – nếu như có cái bắt đầu – và chúng ta sẽ ở đây tới chính kết thúc – nếu có chỗ kết thúc. Thực tế không thể có cái bắt đầu nào và không thể có cái kết thúc nào. Chúng ta là cuộc sống – cho dù hình dạng thay đổi, thân thể thay đổi, tâm trí thay đổi. Điều chúng ta gọi là cuộc sống chỉ là sự đồng nhất với thân thể nào đó, với tâm trí nào đó, với thái độ nào đó, và điều chúng ta gọi là cái chết thì không là gì ngoài việc thoát ra khỏi hình dạng đó, ra khỏi thân thể đó, ra khỏi quan niệm đó.

Bạn đổi nhà. Nếu bạn bị quá đồng nhất với ngôi nhà này, thế thì đổi nhà sẽ rất đau đớn. Bạn sẽ nghĩ rằng bạn đang chết bởi vì ngôi nhà cũ đã là cái bạn là – đó là sự đồng nhất của bạn. Nhưng điều này không xảy ra, bởi vì bạn biết rằng bạn chỉ đổi nhà, bạn vẫn còn như cũ. Những người đã nhìn vào bên trong mình, những người đã tìm thấy mình là ai, đều đi tới biết cái vĩnh hằng, quá trình không kết thúc. Sống là quá trình, vô thời gian, bên ngoài thời gian. Chết là một phần của nó.

Chết là sự phục hồi liên tục: giúp đỡ cho sống phục sinh lặp đi lặp lại, giúp đỡ cho sống loại bỏ các hình dạng cũ, loại bỏ những toà nhà đổ nát, loại bỏ những cấu trúc giới hạn cũ rích để cho bạn lại có thể tuôn chảy và bạn lại có thể trở nên tươi tắn và trẻ trung, và bạn lại có thể trở thành trong trắng.

Tôi đã nghe…

 

Một người đang duyệt xem cửa hàng đồ cổ gần Mount Vernon và tình cờ bắt gặp một chiếc rìu phần nào trông hơi cổ.

“Đó là chiếc rìu cổ lắm ông có đấy,” ông ta nói với chủ tiệm

“Vâng,” người này nói, “nó có thời đã thuộc về George Washington đấy.”

“Thật thế à?” khách hàng nói. “Nó chắc chắn còn ở đây lâu.”

“Tất nhiên rồi,” ông chủ hàng đồ cổ nói, “nó có ba chuôi mới và hai đường gân hạt mới.”

Nhưng đó là cách cuộc sống đang vậy – nó cứ thay đổi chuôi và đường gân hạt; thực tế, dường như là mọi thứ đều cứ thay đổi và vậy mà cái gì đó vẫn còn vĩnh hằng như cũ. Bạn đã là đứa trẻ – cái gì của điều đó bây giờ vẫn còn lại? Chỉ là kí ức. Thân thể bạn đã thay đổi, tâm trí bạn đã thay đổi, căn cước bạn đã thay đổi.

Cái gì từ thời thơ ấu của bạn còn lại? Chẳng cái gì còn lại cả, chỉ kí ức. Bạn không thể phân biệt được giữa việc liệu nó đã thực xảy ra, hay bạn thấy trong mơ, hay bạn đọc nó trong sách, hay ai đó nói với bạn về nó. Thời thơ ấu đó là của bạn hay của ai đó khác? Đôi khi xem cuốn an bum ảnh cũ đi. Cứ nhìn, đây đã là bạn. Bạn sẽ không thể tin được vào nó, bạn đã thay đổi nhiều thế. Thực tế mọi thứ đã thay đổi – chuôi kiếm và đường gân hạt và mọi thứ. Nhưng dầu vậy, sâu bên dưới, ở đâu đó, cái gì đó vẫn còn là sự liên tục; việc chứng kiến vẫn còn liên tục.

Có luồng mạch, dù thế nào vẫn vô hình. Và mọi thứ cứ thay đổi nhưng mạch vô hình đó vẫn còn như thế. Mạch đó là ở bên ngoài sống và chết. Sống và chết là hai cánh cho cái ở bên ngoài sống và chết. Cái ở bên ngoài đó cứ dùng sống và chết như hai bánh xe của chiếc xe bò, bổ sung nhau. Nó sống qua cuộc sống; nó sống qua cái chết. Chết và sống là các quá trình của nó, giống như hít vào và thở ra.

Nhưng cái gì đó trong bạn là siêu việt. Cái đó là ngươi … cái siêu việt.

Nhưng chúng ta quá bị đồng nhất với hình dạng – điều đó tạo ra bản ngã. Điều đó chúng ta gọi là “tôi.” Tất nhiên “tôi” phải chết nhiều lần. Cho nên nó thường xuyên trong sợ hãi, run rẩy, lẩy bẩy, luôn luôn sợ sệt, bảo vệ, an ninh.

Một nhà huyền môn Sufi gõ cửa nhà một người rất giầu. Ông ta là người ăn xin và ông ta chẳng muốn gì ngoài việc có đủ bữa ăn.

Người giầu quát ông ta và nói, “Chẳng ai biết ông ở đây!”

“Nhưng tôi biết bản thân mình,” thầy tu nói. “Thật đáng buồn làm sao nếu điều ngược lại mà đúng. Nếu mọi người đều biết tôi nhưng tôi lại không nhận biết mình là ai, điều đó buồn làm sao. Vâng, ông đúng, chẳng ai biết tôi cả, nhưng tôi thì biết bản thân mình.”

Chỉ có hai tình huống có thể có, và bạn ở trong tình huống buồn đó. Mọi người có thể biết về bạn – bạn là ai – nhưng bản thân bạn hoàn toàn quên lãng về sự siêu việt của mình, về bản tính thực của mình, về con người đích thực của mình. Đây là nỗi buồn duy nhất trong cuộc sống. Bạn có thể tìm ra nhiều cớ, nhưng nỗi buồn thực là thế này: bạn không biết mình là ai.

Làm sao một người có thể hạnh phúc khi không biết mình là ai, không biết mình tới từ đâu, không biết mình đi đâu? Cả nghìn lẻ một vấn đề nảy sinh bởi vì dốt nát căn bản về bản thân mình này.

Một đàn kiến chui lên từ chỗ tối tăm trong tổ ngầm dưới đất để kiếm thức ăn. Lúc đó là sáng sớm. Lũ kiến tình cờ đi qua một cái cây có lá bị phủ đầy bởi những giọt sương sáng.

“Cái gì thế này?” một con kiến hỏi, vừa trỏ lên giọt sương. “Chúng từ đâu tới?”

Một con nào đó nói, “Chúng tới từ đất.”

Con khác nói, “Chúng tới từ biển.”

Chẳng mấy chốc cãi nhau bùng ra – nhóm bám chặt với lí thuyết biển, và nhóm gắn mình với lí thuyết đất.

Mỗi một con, con kiến thông minh và trí huệ, đứng một mình. Nó nói, “Chúng ta hãy dừng lại một chút và nhìn quanh tìm dấu hiệu, vì mọi thứ đều có sự hấp dẫn về nguồn của nó. Và, như mọi người vẫn nói, mọi thứ đều trở về cội nguồn của nó. Dù các bạn có ném hòn gạch đi bao xa trong không trung nó vẫn quay lại đất thôi. Bất kì cái gì thiên về ánh sáng, về nguồn gốc đều phải là của ánh sánh.”

Các con kiến không hoàn toàn bị thuyết phục và vẫn trở lại tranh cãi, nhưng mặt trời đã lên và những giọt sương rời khỏi lá, bay lên, hướng lên mặt trời và biến mất trong nó.

Mọi thứ đều trở về cội nguồn của nó, phải trở về cội nguồn của nó. Nếu bạn hiểu sống thì bạn hiểu chết nữa. Sống là quên lãng về cội nguồn, và chết là nhớ lại. Sống đi xa khỏi cội nguồn, chết quay về nhà. Chết không xấu, chết là đẹp. Nhưng chết đẹp chỉ cho những người đã sống cuộc sống của mình không bị cản trở, không bị cấm đoán, không bị đàn áp. Chết là đẹp chỉ cho những người đã sống cuộc sống của mình một cách đẹp đẽ, người đã không sợ sống, người đã đủ dũng cảm để sống – người đã yêu, người đã nhảy múa, người đã mở hội.

Chết trở thành lễ hội tối thượng nếu sống của bạn là lễ hội. Để tôi nói với bạn theo cách này: dù sống của bạn là bất kì cái gì, chết đều làm lộ nó ra. Nếu bạn đã khổ trong sống, chết để lộ khổ. Chết là kẻ để lộ lớn lao. Nếu bạn đã hạnh phúc trong cuộc sống của mình, chết để lộ hạnh phúc. Nếu bạn đã sống chỉ cuộc sống thoải mái về vật lí và vui thú vật lí, thế thì tất nhiên, chết sẽ rất không thoải mái và rất không dễ chịu, bởi vì thân thể phải bị bỏ lại. Thân thể chỉ là chỗ trú ngụ tạm thời, điện thờ mà trong đó chúng ta ngụ lại qua đêm và ra đi lúc sáng. Nó không phải là chỗ trú ngụ vĩnh viễn, nó không phải là nhà bạn.

Cho nên, nếu bạn đã sống chỉ trong cuộc sống thân thể và bạn chưa bao giờ biết tới cái gì bên ngoài thân thể, chết sẽ là rất, rất xấu, không thoải mái, đau đớn. Chết sẽ là phiền não. Nhưng nếu bạn đã sống một chút ít cao hơn thân thể, nếu bạn đã yêu âm nhạc và thơ ca, và bạn đã yêu, và bạn đã nhìn vào hoa và các vì sao và cái gì đó của phi vật lí đã đi vào trong tâm thức của bạn, chết sẽ không xấu thế, chết sẽ không đau thế. Bạn có thể nhận nó với sự thanh thản, nhưng dầu vậy nó không thể là lễ hội được.

Nếu bạn đã chạm tới cái gì đó của siêu việt trong bản thân mình, nếu bạn đã đi vào cái không riêng của mình tại trung tâm – trung tâm bản thể bạn, nơi bạn không còn là thân thể và không còn là tâm trí, nơi vui thú vật lí hoàn toàn bị bỏ lại xa xăm và vui thích tinh thần như âm nhạc và thơ ca và văn học và hội hoạ, mọi thứ, cũng bị bỏ lại nơi xa xăm, bạn đơn giản chỉ là nhận biết, tâm thức – thế thì cái chết sẽ là lễ hội lớn, hiểu biết lớn, khải lộ lớn.

Nếu bạn đã biết cái gì đó của siêu việt trong mình, cái chết sẽ khải lộ cho bạn điều siêu việt trong vũ trụ – thế thì cái chết không còn là cái chết mà là gặp gỡ với Thượng đế, hẹn hò với Thượng đế.

Cho nên bạn có thể thấy ba cách diễn đạt về cái chết trong lịch sử tâm trí nhân loại.

Một cách diễn đạt là của người thường, người sống bị gắn bó với thân thể mình, người chưa bao giờ biết cái gì lớn hơn vui thú của thức ăn và dục, người có cả đời không là gì ngoài thức ăn và dục, người đã tận hưởng thức ăn, đã tận hưởng dục, người có cả đời sống rất nguyên thuỷ, cả đời sống rất thô thiển, người đã sống trong cổng vòm của lâu đài, chưa bao giờ đi vào trong lâu đài, và người đã từng nghĩ rằng đây là tất cả cuộc sống. Vào khoảnh khắc chết người đó sẽ cố gắng níu bám. Người đó sẽ chống lại cái chết, người đó sẽ tranh đấu với cái chết. Cái chết sẽ tới như kẻ thù.

Do đó, trên khắp thế giới, trong mọi xã hội, cái chết được mô tả như đen tối, như ác độc. Ở Ấn Độ họ nói rằng sứ giả của cái chết là rất xấu – tối, đen – và người đó tới ngồi trên con trâu rất xấu. Đây là thái độ thông thường. Những người này đã bỏ lỡ, họ đã không có khả năng biết tất cả các chiều của cuộc sống. Họ đã không có khả năng chạm tới chiều sâu của cuộc sống và họ đã không có khả năng bay lên những chiều cao của cuộc sống. Họ bỏ lỡ sự phong phú, họ bỏ lỡ phúc lành.

Thế rồi có kiểu diễn đạt thứ hai. Nhà thơ, triết gia đôi khi đã nói rằng cái chết không phải là cái gì xấu, cái chết không phải là cái gì ác, nó chỉ là nghỉ ngơi – việc nghỉ ngơi lớn lao, như giấc ngủ. Điều này tốt hơn cách diễn đạt thứ nhất. Ít nhất những người này đã biết cái gì đó bên ngoài thân thể, họ đã biết cái gì đó của tâm trí. Họ đã không chỉ có thức ăn và dục, cả đời họ đã không chỉ trong ăn và sinh sản. Họ có phức tạp hơn chút ít của linh hồn, họ có thêm chút ít tính quí tộc, có văn hoá hơn. Họ nói chết giống như nghỉ lớn lao; người ta mệt mỏi và người ta đi vào trong cái chết và nghỉ ngơi. Nó là nghỉ ngơi. Nhưng họ nữa cũng quá xa xăm với chân lí.

Những người đã biết tới cuộc sống trong cốt lõi sâu nhất của nó, họ nói rằng chết là Thượng đế. Nó không chỉ là nghỉ ngơi mà là phục sinh, cuộc sống mới, sự bắt đầu mới; cánh cửa mới mở ra.

Khi nhà huyền môn Sufi Bayazid sắp chết, những người tụ tập quanh ông ấy – các đệ tử của ông ấy – bỗng nhiên ngạc nhiên, bởi vì khi khoảnh khắc cuối tới khuôn mặt ông ấy rạng ngời, toả sáng mạnh mẽ. Nó có hào quanh đẹp. Bayazid là người đẹp, và đệ tử của ông ấy bao giờ cũng cảm thấy hào quang quanh ông ấy, nhưng họ đã không biết cái gì giống điều này, toả sáng thế.

Họ hỏi, “Bayazid, xin hãy nói cho chúng tôi điều gì đã xảy ra với thầy. Điều gì đang xảy ra cho thầy? Trước khi thầy rời bỏ chúng tôi, hãy cho chúng tôi thông điệp cuối cùng của thầy.”

Ông ấy mở mắt ra và ông ấy nói, “Thượng đế đang đón chào ta. Ta sắp đi vào vòng tay của ngài. Tạm biệt.”

Ông ấy nhắm mắt lại, hơi thở của ông ấy dừng lại. Nhưng vào khoảnh khắc hơi thở ông ấy dừng lại có sự bùng nổ của ánh sáng, căn phòng trở nên đầy ánh sáng, và thế rồi nó biến mất.

Khi một người đã biết tới cái siêu việt bên trong mình, cái chết không là gì ngoài khuôn mặt khác của Thượng đế. Thế thì cái chết có điệu vũ trong nó. Và chừng nào bạn còn chưa trở nên có khả năng mở hội bản thân cái chết, nhớ lấy, bạn đã bỏ lỡ cuộc sống. Toàn thể cuộc sống là sự chuẩn bị cho điều tối thượng này.

Đây là nghĩa của câu chuyện hay này.

Khi giáo sĩ Bunam nằm chết, vợ ông ấy bật khóc nức nở.

Ông ấy nói, “Em khóc vì cái gì thế? Cả đời ta chỉ là điều ta có thể học cách chết.”

Cả đời ông ấy đã chỉ là sự chuẩn bị, chuẩn bị để học các bí mật của việc chết.

Mọi tôn giáo đều không là gì ngoài khoa học – hay nghệ thuật – để dạy bạn cách chết. Và cách duy nhất để dạy bạn cách chết là dạy bạn cách sống. Chúng không tách rời. Nếu bạn biết sống đúng là gì, bạn sẽ biết chết đúng là gì.

Cho nên điều đầu tiên, hay điều nền tảng nhất là: sống thế nào.

Để tôi kể cho bạn vài điều. Thứ nhất: cuộc sống của bạn là cuộc sống của bạn, nó không phải là của ai khác cả. Cho nên đừng cho phép bản thân mình bị chi phối bởi người khác, đừng cho phép bản thân mình bị chỉ đạo bởi người khác, đó là phản bội cuộc sống. Nếu bạn cho phép bản thân mình bị chỉ đạo bởi người khác – có thể là bố mẹ bạn, xã hội, hệ thống giáo dục, các chính khách, các tu sĩ, dù họ là bất kì ai – nếu bạn cho phép bản thân mình bị chi phối bởi người khác, bạn sẽ bỏ lỡ cuộc sống của mình. Bởi vì chi phối tới từ bên ngoài còn cuộc sống là ở bên trong bạn. Chúng không bao giờ gặp gỡ.

Tôi không nói rằng bạn phải trở thành người nói không cho từng và mọi thứ. Điều đó nữa cũng chẳng giúp ích gì mấy. Có hai kiểu người. Một kiểu là kiểu vâng lời, sẵn sàng buông xuôi theo bất kì ai và mọi người. Họ không có linh hồn độc lập trong họ; họ chưa chín chắn, còn ngây thơ, bao giờ cũng tìm hình ảnh người cha, tìm ai đó để nói cho họ cái gì cần làm và cái gì không làm. Họ không có khả năng tin cậy vào con người riêng của họ. Những người này chiếm phần lớn hơn trên thế giới, là đám đông.

Thế rồi ngược lại những người này, còn có một số nhỏ những người bác bỏ xã hội, người bác bỏ các giá trị của xã hội. Họ nghĩ họ có tính nổi dậy. Họ không phải vậy, họ chỉ là kẻ phản động. Bởi vì bất kì khi nào bạn nghe xã hội hay bạn bác bỏ xã hội, nếu xã hội vẫn còn là nhân tố xác định trong cả hai cách này, thế thì bạn vẫn bị xã hội chi phối.

Để tôi kể cho bạn một giai thoại.

Một lần Mulla Nasruddin đi xa một thời gian và trở về thị trấn mang theo bộ râu dài. Bạn bè của anh ta tự nhiên trêu chọc anh ta về bộ râu đó và hỏi anh ta làm sao anh ta tình cờ mà lại để râu. Mulla vẫn để râu bắt đầu phàn nàn và nguyền rủa bộ râu này một cách quả quyết. Bạn anh ta sững sờ về cách anh ta nói và hỏi anh ta sao anh ta vẫn cứ để râu nếu anh ta không thích nó.

“Tôi ghét cái thứ đáng nguyền rủa này!” Mulla nói với họ.

“Nếu anh ghét nó, thế thì sao anh không cạo nó và bỏ nó đi?” một trong những người bạn anh ta hỏi.

Một tia sáng gian manh loé lên trong mắt Mulla khi anh ta trả lời, “Bởi vì vợ tôi ghét điều đó nữa!”

Nhưng điều đó không làm cho bạn tự do. Kẻ hippy, kẻ cãi lại và những người khác, họ không thực sự là người nổi dậy, họ là kẻ phản động. Họ đã phản ứng chống lại xã hội. Vài người vâng lời, vài người không vâng lời, nhưng trung tâm của việc chi phối vẫn là như nhau. Vài người tuân lệnh, và người bất tuân lệnh, nhưng không ai nhìn vào linh hồn mình.

Người nổi dậy thực sự là người không ủng hộ xã hội, không chống đối xã hội, người đơn giản sống cuộc sống của mình theo hiểu biết riêng của mình. Dù nó đi ngược xã hội hay nó đi cùng xã hội cũng đều không phải là điều xem xét, đều không liên quan. Đôi khi nó có thể đi cùng xã hội, đôi khi nó có thể không đi cùng xã hội, nhưng đó không phải là vấn đề được xem xét. Người đó sống theo hiểu biết của mình, theo ánh sáng nhỏ của mình. Và tôi không nói rằng người đó trở thành rất bản ngã về điều đó. Không, người đó rất khiêm tốn. Người đó biết rằng ánh sáng của mình là rất nhỏ, nhưng đó là tất cả ánh sáng có đó. Người đó không phải là cứng rắn, người đó rất khiêm tốn. Người đó nói, “Tôi có thể sai, nhưng xin cho phép tôi sai tương ứng với bản thân tôi.”

Đó là cách duy nhất để học. Phạm sai lầm là cách duy nhất để học. Đi theo hiểu biết riêng của người ta là cách duy nhất để trưởng thành và trở nên chín chắn. Nếu bạn bao giờ cũng nhìn vào ai đó để chỉ bảo bạn, dù bạn vâng lời hay không vâng lời cũng không tạo ra khác biệt gì. Nếu bạn nhìn vào ai đó khác để chỉ bảo bạn, để quyết định ủng hộ hay chống đối, bạn sẽ không bao giờ có khả năng biết cuộc sống của mình là gì. Nó phải được sống, và bạn phải đi theo ánh sáng nhỏ bé của mình.

Không phải bao giờ cũng chắc chắn về điều cần làm. Bạn rất lẫn lộn. Cứ để điều đó là vậy đi. Nhưng tìm ra cách thoát khỏi lẫn lộn của bạn. Nghe theo người khác thì rất rẻ và dễ dàng bởi vì họ có thể trao cho bạn những giáo điều chết, họ có thể cho bạn những lời răn – làm cái này, không làm cái kia. Và họ rất chắn chắn về những lời răn của họ. Điều chắc chắn không nên được tìm kiếm; hiểu biết nên được tìm kiếm. Nếu bạn tìm kiếm điều chắc chắn bạn sẽ trở thành nạn nhân của cái bẫy nào đó này khác. Đừng tìm chắc chắn, tìm hiểu biết. Chắc chắn có thể được trao cho bạn rẻ rúng, bất kì ai cũng có thể trao nó cho bạn được. Nhưng trong phân tích cuối cùng bạn sẽ là người mất. Bạn làm mất cuộc sống của mình chỉ để vẫn còn an ninh và chắc chắn, còn cuộc sống là không chắc chắn, cuộc sống là không an ninh.

Cuộc sống là không an ninh. Từng khoảnh khắc đều đi vào ngày một nhiều bất an hơn. Nó là đánh bạc. Người ta chưa bao giờ biết cái gì sẽ xảy ra. Và điều hay là người ta chưa bao giờ biết được. Nếu như nó là dự đoán được, cuộc sống sẽ không đáng sống. Nếu mọi thứ đều như bạn muốn nó là, và mọi thứ đều chắc chắn, bạn sẽ không phải là người chút nào, bạn sẽ là máy. Chỉ với máy mọi sự mới an ninh và chắc chắn.

Con người sống trong tự do. Tự do cần không an ninh và không chắc chắn. Con người thực của thông minh bao giờ cũng không nhất quyết bởi vì người đó không có giáo điều để dựa vào, để học. Người đó phải nhìn và đáp ứng.

Lão Tử nói, “Ta do dự, và ta đi một cách tỉnh táo trong cuộc sống bởi vì ta không biết cái gì sẽ xảy ra. Và ta không có nguyên tắc nào để theo. Ta phải quyết định mọi khoảnh khắc. Ta chưa bao giờ quyết định trước cả. Ta phải quyết định khi khoảnh khắc tới!”

Thế thì người ta phải rất có tính đáp ứng. Đó chính là tính đáp ứng. Đáp ứng không phải là bắt buộc, đáp ứng không phải là nghĩa vụ – nó là khả năng đáp ứng. Người muốn biết cuộc sống là gì phải có tính đáp ứng. Điều đó đang bị bỏ lỡ. Hàng thế kỉ ước định đã làm cho bạn giống máy nhiều hơn. Bạn đã đánh mất tính người của mình, bạn đã giao kèo vì an ninh. Bạn an ninh và thoải mái và mọi thứ đã được lập kế hoạch bởi người khác. Và họ đã đặt mọi thứ lên bản đồ, họ đã đo mọi thứ. Điều này tất cả tuyệt đối ngu xuẩn bởi vì cuộc sống không thể được đo, nó là không thể đo được. Và không bản đồ nào là có thể bởi vì cuộc sống ở trong luồng chảy thường hằng. Mọi thứ cứ thay đổi. Không cái gì thường hằng ngoại trừ thay đổi. Heraclitus nói, “Ông không thể bước vào cùng một dòng sông hai lần.”

Và cách thức của cuộc sống là rất dích dắc. Cách thức của cuộc sống không giống đường ray xe lửa. Không, nó không chạy theo rãnh. Và đó là cái đẹp của nó, huy hoàng của nó, thơ ca của nó, âm nhạc của nó – rằng nó bao giờ cũng là điều ngạc nhiên.

Nếu bạn tìm kiếm an ninh, chắc chắn, mắt bạn sẽ trở nên bị khép lại. Và bạn sẽ ngày càng ít ngạc nhiên hơn và bạn sẽ đánh mất năng lực ngạc nhiên. Một khi bạn mất năng lực ngạc nhiên, bạn đã đánh mất tôn giáo. Tôn giáo là việc mở ra trái tim ngạc nhiên của bạn. Tôn giáo là cảm nhận về điều bí ẩn bao quanh chúng ta.

Đừng tìm an ninh; đừng tìm lời khuyên về cách sống cuộc sống của bạn. Mọi người tới tôi và họ nói, “Osho ơi, nói xem chúng tôi nên sống cuộc sống của mình thế nào.” Bạn không quan tâm tới việc biết cuộc sống là gì, bạn quan tâm nhiều tới việc làm ra hình mẫu cố định. Bạn quan tâm nhiều tới việc giết cuộc sống hơn việc sống nó. Bạn muốn có kỉ luật được áp đặt lên bạn.

Tất nhiên có các tu sĩ và chính khách trên khắp thế giới, những người đã sẵn sàng; chỉ ngồi đợi bạn thôi. Tới với họ và họ sẵn sàng áp đặt kỉ luật của họ cho bạn. Họ tận hưởng quyền lực tới qua việc áp đặt ý tưởng riêng của họ lên người khác.

Tôi không ở đây để làm điều đó. Tôi ở đây để giúp bạn trở nên tự do. Và khi tôi nói rằng tôi ở đây để giúp bạn trở nên tự do, tôi cũng được bao hàm. Tôi định giúp bạn trở nên tự do cả với tôi nữa. Tôi chấp nhận bạn và điểm đạo cho bạn vào tính chất sannyas để giúp bạn trở nên tuyệt đối tự do với mọi giáo điều, với mọi kinh sách, với mọi triết học – và tôi cũng được bao hàm trong điều đó. Tính chất sannyas là nghịch lí – nó phải vậy – như bản thân cuộc sống vậy. Thế thì nó sống động.

Cho nên điều đầu tiên là, đừng hỏi bất kì ai bạn phải sống cuộc sống của mình như thế nào. Cuộc sống quí giá thế. Sống nó đi. Tôi không nói rằng bạn sẽ không phạm phải sai lầm, bạn sẽ phạm đấy. Nhớ lấy, chỉ một điều thôi – đừng phạm cùng sai lầm lặp đi lặp lại. Thế là đủ. Nếu bạn có thể thấy một sai lầm mới mọi ngày, cứ phạm nó đi. Nhưng đừng lặp lại sai lầm, điều đó là ngu xuẩn. Người có thể thấy những sai lầm mới phạm phải sẽ liên tục trưởng thành – đó là cách duy nhất để học, đó là cách duy nhất để đi tới ánh sáng bên trong riêng của bạn.

Tôi đã nghe:

Một đêm một nhà thơ, Awbadi của vùng Kerman (một nhà thơ Hồi giáo rất vĩ đại) đang ngồi dưới cổng vòm vắt qua một chiếc thuyền. Shams-e Tabrizi, một nhà huyền môn Sufi vĩ đại, tình cờ đi qua đó.

Shams-e Tabrizi nhìn nhà thơ, nhìn điều ông ấy đang làm. Ông này hỏi nhà thơ, “Ông đang làm gì thế?”

Nhà thơ nói, “Suy tư về mặt trăng trong bát nước.”

Shams-e Tabrizi cười sằng sặc, cười như điên. Nhà thơ bắt đầu cảm thấy không thoải mái, đám đông tụ tập lại. Và nhà thơ nói, “Có chuyện gì vậy? Sao ông cười nhiều thế? Sao ông chế nhạo tôi?”

Shams-e Tabrizi nói, “Nếu ông không bị gẫy cổ, sao ông không nhìn thẳng vào trăng trên trời?”

Trăng có đó, trăng tròn có đó, và nhà thơ này lại đang ngồi với bát nước và nhìn vào trong bát nước đang phản chiếu trăng.

Tìm chân lí trong kinh sách, tìm chân lí trong triết lí là nhìn vào phản xạ. Nếu bạn hỏi ai đó khác bạn phải sống cuộc sống của mình thế nào, bạn đang hỏi hướng dẫn sai, bởi vì người đó chỉ có thể nói về cuộc sống riêng của người đó thôi. Và không bao giờ, không bao giờ hai cuộc sống lại hệt nhau. Bất kì điều gì người đó có thể nói hay truyền đạt cho bạn đều sẽ là về cuộc sống riêng của người đó – và điều đó nữa cũng chỉ nếu người đó đã sống. Người đó có thể đã hỏi ai đó khác, người đó có thể đã theo ai đó khác, người đó có thể là kẻ bắt chước bản thân mình. Thế thì đó là phản xạ của phản xạ. Và nhiều thế kỉ trôi qua và mọi người cứ suy ngẫm về cái phản xạ của cái phản xạ của cái phản xạ – còn trăng thực bao giờ cũng ở trên trời chờ đợi bạn. Đó là trăng của bạn, đó là bầu trời của bạn, nhìn thẳng đi. Trực tiếp về nó đi. Sao lại mượn mắt tôi hay mắt của bất kì ai khác? Bạn đã được cho đôi mắt, đôi mắt đẹp, để nhìn, và để nhìn trực tiếp. Sao lại mượn hiểu biết từ bất kì ai? Nhớ lấy, nó có thể là hiểu biết với tôi, nhưng khoảnh khắc bạn mượn nó, nó trở thành tri thức của bạn – nó không còn là hiểu biết nữa.

Hiểu biết là cái duy nhất đã từng được bản thân người ta trải nghiệm. Nó có thể là hiểu biết cho tôi, nếu tôi đã nhìn vào trăng, nhưng khoảnh khắc tôi nói nó cho bạn nó trở thành tri thức, nó không còn là hiểu biết. Thế thì nó chỉ là lời nói, thế thì nó chỉ là ngôn ngữ. Và ngôn ngữ là dối trá.

Để tôi kể cho bạn một giai thoại.

Một nông dân chăn gà, không thoả mãn với năng suất của đàn gà, quyết định dùng một chút đòn tâm lí với lũ gà mái. Theo đó anh ta mua một con vẹt biết nói mầu xám và đặt nó vào sân nuôi gà. Đủ chắc, lũ gà mái chú ý ngay tới kẻ lạ mặt điển trai, đưa thức ăn ngon nhất cho nó ăn để lôi kéo sự chú ý bằng tiếng cục cục vui sướng, và nói chung đi quanh theo sau nó như một bầy thanh nữ xúc động đi theo sau ngôi sao ca nhạc. Điều làm anh nông dân vui mừng là năng lực đẻ trứng của chúng tăng lên.

Con gà trống trong sân, tự nhiên ghen tị vì bị lũ gà mái bỏ qua, tấn công kẻ hấp dẫn dám xâm phạm quyền lợi của mình, dùng mỏ và móng mổ túi bụi, dứt hết lông xanh tới lông đỏ. Trong khi đó con vẹt bị hăm doạ cứ kêu thảm thiết, “Thôi đi thưa ngài! Tôi cầu xin ngài đấy, thôi đi! Sau rốt, tôi chỉ ở đây với khả năng của giáo sư ngôn ngữ thôi!”

Nhiều người sống các kiếp sống của họ như giáo sư ngôn ngữ. Đó là loại sống giả tạo nhất. Thực tại không cần ngôn ngữ, nó sẵn có cho bạn ở mức vô lời. Trăng có đó; nó không cần bát, không cần nước, nó không cần trung gian khác. Bạn chỉ phải nhìn vào nó; nó là trao đổi vô lời. Toàn thể cuộc sống đều sẵn có – bạn chỉ phải học cách trao đổi với nó một cách vô lời.

Đó chính là thiền tất cả là gì – hiện hữu trong không gian nơi ngôn ngữ không can thiệp, nơi các khái niệm đã học không chen vào giữa bạn và cái thực.

Khi bạn yêu người đàn bà, đừng bận tâm về điều người khác đã nói về tình yêu, bởi vì điều đó sẽ là can nhiễu. Bạn yêu người đàn bà, tình yêu có đó, quên tất cả điều bạn đã học về tình yêu đi. Quên tất cả Kinseys, quên tất cả Các thầy và Johnsons, quên tất cả Freud và Jung đi. Xin đừng trở thành giáo sư ngôn ngữ. Cứ yêu người đàn bà đó và để tình yêu có đó, và để tình yêu dẫn bạn đi và hướng dẫn bạn vào những bí mật bên trong nhất. Thế thì bạn sẽ có khả năng biết tình yêu là gì.

Và điều người khác nói về thiền là vô nghĩa. Có lần tôi bắt gặp một cuốn sách do một thánh nhân Jaina viết ra về thiền. Cuốn sách thực hay, nhưng chỉ có vài chỗ mà tôi có thể thấy rằng bản thân người này chưa bao giờ thiền – bằng không thì những chỗ đó không thể có đó được. Nhưng chúng có rất ít và xa xăm ở giữa. Cuốn sách này về toàn thể, gần chín mươi chín phần trăm, là hoàn hảo. Tôi thích cuốn sách đó.

Thế rồi tôi quên mất nó. Trong mười năm tôi đi khắp miền quê đất nước. Một lần trong một làng ở Rajasthan, vị thánh đó tới gặp tôi. Tên ông ta nghe quen quen, và bỗng nhiên tôi nhớ tới cuốn sách đó. Và tôi hỏi vị thánh này sao ông ấy đã tới gặp tôi. Ông ấy nói, “Tôi đã đi tới gặp ông để biết thiền là gì.” Tôi nói, “Tôi nhớ cuốn sách của ông. Tôi nhớ nó rõ lắm, bởi vì nó thực sự gây ấn tượng cho tôi. Ngoại trừ vài khiếm khuyết chứng tỏ rằng ông chưa bao giờ thiền, cuốn sách hoàn toàn đúng – chín mươi chín phần trăm là đúng. Và bây giờ ông tới đây để học về thiền. Ông chưa bao giờ thiền à?”

Ông ấy trông bối rối một chút bởi vì các đệ tử của ông ấy cũng ở đó. Tôi nói, “Cứ thẳng thắn. Bởi vì nếu ông nói ông biết thiền, thế thì tôi sẽ không nói về điều đó đâu. Thế thì kết thúc đi! Ông biết rồi. Không cần. Nếu ông nói với tôi một cách thẳng thắn – ít nhất cũng thực một lần – nếu ông nói ông chưa bao giờ thiền, chỉ thế thì tôi mới có thể giúp được ông hướng tới thiền.” Đó là mặc cả, cho nên ông ấy phải thú nhận. Ông ấy nói, “Vâng, tôi chưa bao giờ nói điều đó cho bất kì ai. Tôi đã đọc nhiều sách về thiền, tất cả các kinh sách cũ. Và tôi đã từng dạy mọi người, đó là lí do tại sao tôi cảm thấy bối rối trước các đệ tử của tôi. Tôi đã từng dạy thiền cho cả nghìn người, và tôi đã viết sách về nó, nhưng tôi chưa bao giờ thiền.”

Bạn có thể viết nhiều sách về thiền và chưa bao giờ bắt gặp không gian có thiền. Bạn có thể trở nên rất hiệu quả trong việc nói lời, bạn có thể trở nên rất láu cá trong trừu tượng, trong biện luận trí tuệ, và bạn có thể quên hoàn toàn rằng tất cả mọi lần bạn tham gia vào những hoạt động trí tuệ đó đều đã là cực kì phí hoài.

Tôi hỏi ông già này, “Ông đã quan tâm tới thiền bao lâu rồi?” Ông ấy nói, “Cả đời tôi.” Ông ấy gần bẩy mươi. Ông ấy nói, “Khi tôi hai mươi tuổi tôi nhận tính chất sannyas, tôi trở thành sư Jaina, và năm mươi năm kể từ đó tôi đã đọc và đọc và nghĩ về thiền.” Năm mươi năm nghĩ và đọc và viết về thiền, thậm chí hướng dẫn mọi người vào thiền, và ông ấy thậm chí đã không nếm trải lấy một lần thiền là gì!

Nhưng đây là trường hợp với hàng triệu người. Họ nói về tình yêu, họ biết tất cả thơ ca về tình yêu, nhưng họ chưa bao giờ yêu. Hay cho dù họ nghĩ họ đã trong tình yêu, họ vẫn chưa bao giờ trong tình yêu. Điều đó nữa cũng là thứ của “cái đầu,” nó không phải là của trái tim. Mọi người sống và cứ bỏ lỡ cuộc sống. Cuộc sống cần dũng cảm. Nó cần dũng cảm để là thực, nó cần dũng cảm để đi cùng cuộc sống tới bất kì chỗ nào cuộc sống đưa tới, bởi vì con đường này là không được thăm dò, không có bản đồ. Người ta phải đi vào trong cái không biết.

Cuộc sống có thể được hiểu chỉ nếu bạn sẵn sàng đi vào trong cái không biết. Nếu bạn níu bám lấy cái đã biết, bạn níu bám vào tâm trí, và tâm trí không phải là cuộc sống. Cuộc sống là phi tâm trí, phi trí năng, bởi vì cuộc sống là toàn bộ. Tính toàn bộ của bạn phải được tham gia vào trong nó, bạn không thể chỉ nghĩ về nó. Suy nghĩ về cuộc sống không phải là cuộc sống. Cẩn thận với cái “về” này. Người ta cứ nghĩ về và về; có những người nghĩ về Thượng đế, có những người nghĩ về cuộc sống, có những người nghĩ về tình yêu. Có những người nghĩ về cái này và cái nọ.

Mulla Nasruddin trở nên rất già và đi tới bác sĩ. Ông ta trông rất yếu cho nên bác sĩ nói, “Tôi chỉ có thể nói một điều thôi. Ông sẽ phải cắt cuộc sống tình ái của mình đi một nửa.”

Mulla nói, “Được thôi. Nửa nào? Nói về nó hay nghĩ về nó?”

Có vậy thôi – đừng trở thành giáo sư ngôn ngữ, đừng trở thành vẹt. Vẹt là giáo sư ngôn ngữ. Chúng sống trong lời, khái niệm, lí thuyết, thượng đế học, còn cuộc sống cứ trôi qua, tuột khỏi tay chúng. Thế rồi một hôm bỗng nhiên chúng trở nên sợ chết. Khi một người sợ chết, hãy biết rõ rằng người đó đã bỏ lỡ cuộc sống. Nếu người đó không bỏ lỡ cuộc sống thì không thể có nỗi sợ chết nào được. Nếu một người đã sống cuộc sống của mình, người đó sẽ sẵn sàng sống cả cái chết nữa. Người đó sẽ gần như được say mê bởi hiện tượng chết.

Khi Socrates sắp chết ông ấy say sưa tới mức đệ tử của ông ấy không thể hiểu được ông ấy đang cảm thấy hạnh phúc thế về cái gì. Một đệ tử, Credo, hỏi, “Sao thầy trông hạnh phúc thế? Chúng tôi đang kêu la khóc lóc.” Socrates nói, “Sao ta phải không hạnh phúc? Ta đã biết cuộc sống là gì, bây giờ ta muốn biết cái chết là gì. Ta là cánh cửa của điều bí ẩn lớn lao, và ta đang xúc động! Ta sắp đi vào cuộc hành hương lớn vào trong cái không biết. Ta đơn giản đầy ngạc nhiên! Ta không thể đợi được!” Và nhớ lấy, Socrates không phải là người tôn giáo; Socrates không phải là người tin theo bất kì cách nào.

Ai đó hỏi, “Thầy có chắc là linh hồn sẽ còn sau cái chết không?” Socrates nói, “Ta không biết.” Nói, “Ta không biết” cần dũng cảm lớn lao nhất trên thế giới. Rất khó cho giáo sư ngôn ngữ nói, “Tôi không biết.” Điều đó là rất khó cho vẹt. Socrates là người rất chân thành và chân thật. Ông ấy nói, “Ta không biết.”

Thế rồi đệ tử này hỏi, “Thế thì sao thầy cảm thấy hạnh phúc thế? Nếu linh hồn không còn, thì…? Socrates nói, “Ta phải nhìn chứ. Nếu ta còn, chẳng có sợ gì về nó cả. Nếu ta không còn, làm sao có thể có sợ được? Nếu ta không còn, thì ta không còn. Thế thì sợ ở đâu? Chẳng có ai ở đó cả, cho nên sợ không thể tồn tại được. Nếu ta còn, thì ta còn. Thế thì chẳng ích gì mà lâm vào sợ hãi về nó. Nhưng ta không biết đích xác cái gì sẽ xảy ra. Đó là lí do tại sao ta tràn đầy điều ngạc nhiên và sẵn sàng đi vào trong nó. Ta không biết.”

Với tôi, đây là điều người tôn giáo phải vậy. Người tôn giáo không phải là người Ki tô giáo, hay người Hindu giáo, hay Phật tử, hay người Mô ha mét giáo. Tất cả những điều này đều là cách thức của tri thức. Người Ki tô giáo nói, “Tôi biết.” Và tri thức của người đó tới từ giáo điều Ki tô giáo. Người Hindu nói, “Tôi cũng biết.” Và tri thức của người đó tới từ Veda và Gita và giáo điều của người đó. Và người Hindu chống lại người Ki tô giáo, bởi vì người đó nói, “Nếu tôi đúng, anh không thể đúng được. Nếu anh đúng, thế thì tôi không đúng.” Cho nên có tranh luận lớn và có nhiều tranh cãi và nhiều tranh luận và xung đột không cần thiết.

Người tôn giáo, người thực sự tôn giáo – không phải cái gọi là người tôn giáo – là người nói “Tôi không biết.” Khi bạn nói “Tôi không biết” bạn cởi mở, bạn sẵn sàng học. Khi bạn nói “Tôi không biết” bạn không có định kiến nào cách này hay cách nọ, bạn không có niềm tin nào, bạn không có tri thức nào. Bạn chỉ có nhận biết. Bạn nói, “Tôi là nhận biết và tôi sẽ xem cái gì xảy ra. Tôi sẽ không mang giáo điều nào từ quá khứ.”

Đây là thái độ của đệ tử, thái độ của người muốn học. Và môn học đơn giản nghĩa là việc học. Đệ tử nghĩa là người học, người sẵn sàng học, còn môn học nghĩa là việc học. Tôi không ở đây để dạy bạn giáo điều nào; tôi không truyền đạt bất kì tri thức nào cho bạn. Tôi đơn giản giúp bạn thấy cái đang đó. Sống cuộc sống của bạn với bất kì giá nào. Sẵn sàng đánh cược với nó.

Tôi nghe nói về một doanh nhân. Ông ấy đi từ văn phòng của mình tới tiệm ăn để ăn trưa thì bị một người lạ chặn lại, người này nói với ông ấy, “Tôi cho rằng ông không nhớ tôi, nhưng mười năm trước tôi đã tới thành phố này trong lúc khánh kiệt. Tôi đã xin ông cho vay và ông đã cho tôi hai mươi đô la bởi vì ông nói ông sẵn lòng tạo cơ hội cho người gặp trên đường được thành công.”

Doanh nhân nghĩ một lúc rồi ông ấy nói, “Vâng, tôi nhớ vụ này rồi. Tiếp tục câu chuyện của ông đi.”

“Vâng,” người lạ nhận xét, “ông vẫn sẵn lòng đánh bạc chứ?”

Cuộc sống hỏi bạn cùng câu hỏi này lặp đi lặp lại: “Ông vẫn sẵng lòng đánh bạc chứ?” Nó chẳng bao giờ chắc chắn cả. Cuộc sống không có bảo hiểm nào cho nó; nó đơn giản là lối mở, lối mở hoang vu, lối mở hỗn độn. Bạn có thể làm ngôi nhà nhỏ quanh mình, an ninh, nhưng thế thì nó sẽ chứng tỏ là nấm mồ của bạn. Sống cùng cuộc sống đi.

Và chúng ta đã từng làm điều đó theo nhiều cách. Hôn nhân là do con người tạo ra; tình yêu là một phần của cuộc sống. Khi bạn tạo ra hôn nhân quanh tình yêu, bạn tạo ra an ninh. Bạn làm cái gì đó không thể được làm – tình yêu không thể được làm thành pháp lí. Bạn đang cố làm điều không thể được, và nếu, trong nỗ lực đó, tình yêu chết đi, thì cũng không có gì ngạc nhiên. Bạn trở thành chồng, bạn trở thành vợ. Bạn không còn là hai người sống động, bạn là hai viên chức. Chồng có chức năng nào đó, vợ có chức năng nào đó: họ có bổn phận nào đó phải hoàn thành. Thế thì cuộc sống đã dừng chảy, nó bị đông cứng lại.

Ngắm chồng và vợ mà xem. Bạn bao giờ cũng thấy hai người đông cứng, ngồi bên nhau đấy, chẳng biết họ đang làm gì ở đó, tại sao họ ngồi đó. Có thể họ chẳng có đâu mà đi.

Khi bạn thấy tình yêu giữa hai người, cái gì đó tuôn chảy, chuyển động, thay đổi. Khi có tình yêu giữa hai người, họ sống trong hào quang, có chia sẻ thường xuyên. Rung động của họ đạt tới nhau; họ đang phát bản thể mình cho nhau. Không có tường giữa họ, họ là hai vậy mà không là hai – họ cũng là một.

Chồng và vợ là xa xăm nhau như nó có thể vậy, cho dù họ có thể ngồi bên nhau. Chồng chưa bao giờ nghe điều vợ nói; anh ta phải thành điếc từ lâu rồi. Vợ chưa bao giờ thấy điều đang xảy ra cho chồng; cô ấy đã thành mù với anh ấy. Họ coi nhau như được cho không; họ đã trở thành đồ vật. Họ không còn là người bởi vì người bao giờ cũng cởi mở, người bao giờ cũng không chắc chắn, người bao giờ cũng thay đổi. Bây giờ họ có những qui tắc cố định phải hoàn thành. Họ chết đi vào ngày họ lấy nhau. Kể từ ngày đó họ đã không sống.

Tôi không nói đừng lấy nhau, nhưng nhớ rằng tình yêu là điều thực. Và nếu nó chết đi thế thì hôn nhân là vô giá trị.

Và cùng điều đó cũng đúng với mọi thứ trong cuộc sống, về mọi thứ. Hoặc bạn có thể sống nó – nhưng thế thì bạn phải sống với sự do dự này, không biết cái gì sắp xảy ra cho khoảnh khắc tiếp – hoặc bạn có thể làm mọi thứ chắc chắn về nó.

Có những người đã trở nên chắc chắn về mọi thứ tới mức họ chẳng bao giờ ngạc nhiên. Họ là những người mà bạn không thể ngạc nhiên về họ được. Và tôi ở đây để chuyển giao cho bạn một thông điệp rất gây ngạc nhiên – bạn sẽ không tin vào nó, tôi biết. Bạn không thể tin vào nó được, tôi biết. Tôi ở đây để nói với bạn về cái gì đó tuyệt đối không thể tin được – rằng bạn là thượng đế nam và thượng đế nữ. Bạn đã quên mất.

Để tôi kể cho bạn một giai thoại.

Harvey Firestone, Thomas A. Edison, John Burroughs và Henry Forrd dừng lại tại một trạm dịch vụ vùng hoang sơ trên đường tới Florida trong mùa đông.

“Chúng tôi cần mua vài cái bóng đèn cho đèn pha trước,” Ford nói. “Và nhân tiện, đấy là Thomas Edison đứng đó trong xe, và tôi và Henry Ford.”

Anh già ở trạm dịch vụ thậm chí chẳng thèm nhìn lên, nhổ toẹt nước thuốc lá ra với sự khinh khỉnh hiển nhiên.

“Và,” Ford nói, “chúng tôi muốn mua chiếc lốp mới nếu ông có lốp Fivestone. Và người kia trong xe chính là Harvey Firestone đấy.”

Anh già vẫn chẳng nói gì. Trong khi ông ta cho lốp vào bánh xe, John Burroghs, với chòm râu trắng dài, thò đầu ra ngoài cửa sổ và nói, “Ông thế nào, người lạ?”

Cuối cùng ông già ở trạm dịch vụ mới trở lại sinh động. Ông ta ngước nhìn Burroghs và nói, “Nếu ông bảo tôi ông là Santa Claus, tôi sẽ kiềm chế để tôi không đập vỡ sọ ông ra bằng cái cờ lê này.”

Ông ta không thể tin được rằng trong một xe có cả Harvey Firestone, Thomas A. Edison, John Burroughs và Henry Forrd cùng đi. Họ là bạn bè và họ thường đi cùng nhau.

Khi tôi nói với bạn rằng bạn là các thượng đế nam và thượng đế nữ, bạn sẽ không tin điều đó vì bạn đã hoàn toàn quên khuấy mất ai đang du hành trong bạn, ai đang ngồi trong bạn, ai đang nghe tôi. Bạn đã hoàn toàn quên mất. Bạn đã được cho một số nhãn nào đó từ bên ngoài và bạn đã tin cậy vào những cái nhãn đó – tên bạn, tôn giáo của bạn, đất nước của bạn – toàn thứ hư huyễn! Chẳng có ý nghĩa gì dù bạn là người Hindu hay người Ki tô giáo hay người Mô ha mét giáo nếu bạn không biết bản thân mình. Những cái nhãn đó không tạo ra nghĩa chút nào ngoại trừ rằng chúng có thể có tiện ích nào đó. Có nghĩa gì liệu bạn là người Hindu, hay người Ki tô giáo, hay người Mô ha mét giáo, hay người Ấn Độ, hay người Mĩ, hay người Trung Quốc? Tất cả đều không liên quan – bởi vì bản thể không là người Ấn Độ, không là người Trung Quốc, không là người Mĩ; và bản thể không là người Hindu, không là người Mô ha mét giáo, không là người Ki tô giáo. Bản thể đơn giản là “cái hiện hữu” thuần khiết.

“Cái hiện hữu” thuần khiết chính là điều tôi gọi là Thượng đế. Nếu bạn có thể hiểu cái thiêng liêng bên trong bạn đã hiểu cuộc sống là gì. Bằng không bạn vẫn chưa có khả năng giải mã cuộc sống. Đây là thông điệp. Toàn thể cuộc sống đang trỏ tới một điều, liên tục – rằng bạn là các thượng đế. Một khi bạn đã hiểu điều đó, thế thì không có cái chết. Thế thì bạn đã học xong bài học. Thế thì, trong cái chết, các thượng đế sẽ quay trở về nhà mình.

Khi giáo sĩ Bunam nằm chết, vợ ông ấy bật khóc nức nở.

Ông ấy nói, “Em khóc vì cái gì thế? Cả đời ta chỉ là điều ta có thể học cách chết.”

Toàn thể cuộc sống… chỉ là việc huấn luyện về cách trở về nhà, cách chết đi, cách biến mất. Bởi vì khoảnh khắc bạn biến mất, Thượng đế xuất hiện trong bạn. Sự hiện diện của bạn là sự vắng mặt của Thượng đế; sự vắng mặt của bạn là sự hiện diện của Thượng đế.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.