Hãy để mọi chuyện đơn giản
Chương 5: Ổn Định Tài Chính
Quả thật là rất khó lòng có được tinh thần thanh thản và vui vẻ khi những nhu cầu thiết yếu hàng ngày trong cuộc sống của chúng ta không được đáp ứng đầy đủ. Những nhu cầu ấy gồm có cơm ăn, áo mặc và chổ ở. Trong xã hội ngày nay, ba nhu cầu chính này đều gắn bó mật thiết với nhu cầu tài chính. Vì vậy, tiền là phương tiện chủ yếu để mang lại cho chúng ta cái ăn, cái mặc và một nơi chốn để nương thân. Nếu ba nhu cầu trên không được đáp ứng thỏa mãn thì chúng ta gần như không thể sông vui vẻ được. Thật khó mà khích lệ một người nào đó tìm kiếm một điều gì xa xôi hơn khi chính bản thân anh ta còn chưa rõ làm thế nào để có được chút gì cho vào bụng trong bữa ăn sắp tới.
Dĩ nhiên, khi chúng ta còn nhỏ thì những nhu cầu này đều được cha mẹ chu cấp và bảo bọc. Đến khi trưởng thành, hầu hết chúng ta đều phải có một nguồn thu nhập nhất định để ít nhất cũng tự đáp ứng cho mình những nhu cầu này. Vì thế, trước khi đi tìm kiếm những niềm hạnh phúc lớn lao hơn, hãy xem lại khả năng tự chu cấp cho những nhu cầu tối thiểu của bản thân.
Tôi nghèo
May mắn thay, trong thời đại ngày nay, nếu cần sự trợ giúp về tài chính, bạn có thể tìm đến vô số các khóa học, sách báo và tài liệu tham khảo. Bạn cũng có thể tìm được những hướng dẫn rất hiệu quả giúp bạn thành đạt hơn về mặt tài chính bằng cách sử dụng Internet và các nguồn thông tin khác. Hãy tìm sự trợ giúp nếu thấy việc kiếm sống hằng ngày quá vất vả. Khi nào bạn có được nguồn thu nhập ổn định đủ để trang trải những nhu cầu thiết yếu trên thì lúc đó bạn mới có thể nghĩ đến những nhu cầu khác được. Tuy nhiên, bạn cũng có thể vừa kết hợp đáp ứng cho những nhu cầu khác vừa xây dựng sự ổn định về tài chính.
Và cho dù bạn có rơi vào cảnh khốn khó đến thế nào cũng nên nhớ rằng trong cuộc sống có nhiều người vẫn còn khổ sở hơn bạn nhiều. Nếu nghĩ rằng mình nghèo thì chính bạn đã tự giam mình lại với ý nghĩ đó. Vì, cũng như bao định nghĩa khác, ý nghĩa đầu tiên của sự ổn định là về mặt tinh thần. Vì vậy, điều quan trọng nhất khi bạn bắt đầu công cuộc xây dựng nền tảng tài chính là hãy chấn chỉnh lại những suy nghĩ tiêu cực của mình trước tiên.
Không ai có thể trở nên giàu có ngay chỉ bằng sự ao ước. Hãy thử làm bài toán dưới đây và kiểm nghiệm kết quả sau một thời gian. Không cần biết bạn có nhiều hay ít tiền nhưng mỗi tuần bạn hãy thử cho đi 10% trong số tiền mình có. Thật ra 10% chỉ là một số tiền rất nhỏ và có lẽ bạn cũng chẳng nhận ra mình đã đánh mất số tiền đó, vả lại việc này cũng không làm ảnh hưởng gì đến cuộc sống hằng ngày của bạn.
Khi nhân thập phân lên thì từ trong tiềm thức bạn sẽ tự nhủ rằng mình vẫn đủ giàu để có thể cho bớt tiền đi kia mà. Thật ra cho bao nhiêu không quan trọng, điều quan trọng là bạn hãy dẹp bỏ đi ý nghĩ rằng mình quá nghèo. Chính kiểu suy nghĩ này gò ép và làm ảnh hưởng đến bạn. Mọi sự thay đổi bắt đầu từ sự thay đổi trong chính nhận thức của bạn. Tôi giàu
Thay vì cứ ngồi đó than vãn về những khó khăn mà bạn gặp phải trong cuộc sống hay sự chán nản, vô vị đang đeo bám quanh đời bạn, hãy dành chút thời gian suy nghĩ về những điều ý nghĩa hơn bạn có thể làm để đem lại niềm vui cho người khác, và sâu xa hơn, cho chính bản thân bạn, chẳng hạn như đóng góp tiền ủng hộ hội từ thiện, giúp đỡ những người già neo đơn hay ai đó cần sự bảo bọc của bạn để vượt qua hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Luôn luôn có một ai đó cần sự giúp đỡ của bạn, cần đôi tay và trái tim rộng lượng của bạn để vượt qua đêm dài đen tối của cuộc đời. Khi nhận ra những việc mình làm, những đóng góp nhỏ nhoi của mình đem lại nụ cười và làm ấm lòng người khác, bạn sẽ cảm thấy cuộc đời mình có ý nghĩa hơn.
Quá trình này có thể đầy thử thách, cũng có thể khiến bạn thấy hăng hái, phấn khởi hoặc thậm chí rất vui thích hoặc cũng chẳng có gì hay ho cả. Điều này tùy ở bạn. Dù thế nào đi nữa thì bạn sẽ là người tạo ra những trải nghiệm cho mình bằng chính thái độ và sự quả quyết của bản thân. ——————————————————————— HÀNH ĐỘNG NGAY!
Hãy suy nghĩ về vấn đề ổn định tài chính trong cuộc sống của bạn theo bốn bước sau:
1. Đánh giá đúng tình hình tài chính của mình. Xem lại những khó khăn, căng thẳng thật sự có phải là do thiếu thốn tiền bạc hay không. Thành thật bày tỏ những điều bạn chưa hài lòng.
2. Nói ra những ước muốn của bạn về mặt tài chính. Phải thành thật và cụ thể về vấn đề này. Có thể kể ra những điều bạn cần, bạn nghĩ ra và cho phép mình đòi hỏi những thứ mà tiền có thể mang lại.
3. Đề ra chế độ tiêu xài hợp lý và giữ đúng nguyên tắc đã định. Đặt ra những mục tiêu thiết thực trong một khoảng thời gian nhất định để đánh giá được kết quả của mình. Cứ thế, tiếp tục giữ đúng lời hứa bằng những hành động cụ thể.
4. Chịu trách nhiệm về những khó khăn tài chính mà mình đã gây ra.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.