Lời thề trước miễu

Chương I



Trời gần sáng. Trong mấy xóm ở dọc theo khúc lộ từ cầu Mồng Gà lên chợ Cần Giuộc, gà gáy vang rân, tiếp nhau kêu nông phu thức dậy mà đi ra ruộng. Bên hướng Ðông trời giăng mấy cụm mây đen để áng mặt nhựt chưa cho lố lên; tuy vậy mà bên hướng tây vừng trăng khuyết treo lửng đửng trên không đã nhượng bước, nên phai lợt lu mờ, không còn tỏ rạng như hồi canh khuya nữa.

Cỏ pha sương ướt ngọn, lúa dợm trổ xóng lưng, cô Ðào, là con ghẻ của hương trưởng Tồn, gánh một gánh bánh ú với bánh bò, xung xăng đi lên chợ mà bán. Cô vừa mới được hai mươi tuổi, tuy con nhà nghèo lại mồ côi cha, nên mặc quần áo vải đen, nữ trang thì chỉ đeo một đôi bông tai chuỗi mà thôi, nhưng mà mặt mày cô đề đạm, tướng mạo cô nghiêm trang, vì từ lúc ngây thơ đã thấy những thảm trạng trong nhà, nên cô ảo não trong lòng, ít nói ít cười, mà hễ có dịp vui làm cho cô phải cười, thì mặt như trăng rằm, miệng như hoa nở.

Cô đi ngang qua cái gò mả, là chỗ có cái mồ đất của cha cô, là Hương hào Qúy, chết chôn tại đó hồi cô mới lên mười hai tuổi, thì cũng như mọi bữa trước, cô day mặt ngó vô gò mả tưởng tượng hình dạng của cha. Cô bưng khuâng, nhớ lúc cô còn nhỏ hễ cha đi xóm về thì ôm cô hun hít, hễ cô đau thì bồng cô lên võng mà đưa. Nhớ người xưa, cô đương cảm động trong lòng, bỗng thấy trong gò mả có một người xăm xăm đi ra lộ. Cảnh vắng, trời khuya, tứ phía không người, cô phát sợ, nên hồi hộp trong ngực. Thình lình người đi ra đó kêu hỏi: “Phải chị đó hay không chị Hai?”

Cô Ðào đứng lại mà ngó. Người ấy ra tới, cô nhìn lại thì là Lân, em ruột của cô, mười bảy tuổi, đầu đội nón nỉ đen, mình mặc một bộ đồ vải trắng cũ.

Cô để gánh dựa lề mà hỏi:

– Em làm giống gì ở trong đó? Ði thi về hồi nào?

– Em về hồi chiều hôm qua; mà buồn quá em không muốn về nhà. Từ hồi hôm đến giờ, em nằm một bên mả của cha.

– Em nằm chi đó?

– Em thi rớt rồi, chị Hai à.

– Trời đất ơi! Thi rớt hay sao?

Lân ngồi chồm hổm một bên gánh bánh của chị, khoanh tay trên đầu gối, nước mắt chảy ròng ròng.

Cô Ðào đứng lặng thinh mà ngó mông một hồi chậm rãi mà nói: “Em đi thi hổm nay, ở nhà má vái van hết sức, má vái vong hồn của cha giúp cho em thi đậu, đặng em đi học nữa, sau khỏi cực tấm thân. Má hay em thi rớt đây, chắc má buồn lung lắm”.

Lân cứ ngồi im lìm.

Cô Ðào thở dài rồi để cây đòn gánh trên lề đường, vén vạt áo ngồi một bên em. Bóng trăng lờ lạt, đồng ruộng vắng teo, cô ngó thấy em khóc, cô bắt động lòng, nên cô cũng ứa nước mắt. Cô cúi mặt mà nói tiếp: “Má đụng[1] cậu năm năm nay, tuy chị em mình khỏi đói khát, nhưng mà tấm thân mình khổ não biết chừng nào. Hễ say thì cậu chửi mắng tưng bừng. Mà cậu chửi thì cứ chửi cha mình hoài, chị buồn hết sức. Em cũng biết, cậu có muốn cho em đi học đâu, cậu muốn để em ở nhà đặng cậu cho em ở đợ. Má khóc gần hết nước mắt, má năn nỉ hết sức, nên mới chịu để cho em học luôn đến bây giờ đó. Hổm nay em đi thi, cậu ở nhà cứ cằn nhằn hoài. Cậu nói học làm chi, bày học đặng ở không đi chơi, chớ học giống gì. Ở đợ ít năm cho biết nghề làm ruộng, rồi chừng lớn mướn ruộng mà làm, cũng no cơm ấm áo được vậy. Cậu lại hăm hễ em thi rớt thì cậu đợ em liền, không cho học hành gì nữa hết. Em về nhà đây chắc là khổ lắm.”

Lân lau nước mắt mà nói cứng cỏi rằng:

– Em nhứt định không về nhà nữa.

– Không về nhà, vậy chớ em đi đâu?

– Ði đâu cũng được… Nhà của mình giống như địa ngục, về đó thì bị chửi bị rủa, vui sướng gì mà về. Thà là em đi bậy đi bạ, dầu chết đói vẫn còn sướng thân hơn ở đợ.

– Em nói như vậy nghĩ cũng phải. Nhịn đói cũng còn dễ chịu hơn là nghe chửi. Thân chị là gái, chị không biết đi đâu, nên chị phải gầm đầu mà chịu, chớ nhiều khi chị cũng muốn chết phứt cho rồi. Có đêm chị buồn quá, chị vái linh hồn cha về bắt chị theo, đặng chị khỏi bị đày đọa nữa.

– Thiệt như vậy, chết cho mát thân, chớ sống mà bị cha ghẻ đày đọa hoài, thì sống làm gì. Em nhứt định đi luôn, không về nhà nữa đâu.

Cô Ðào lặng thinh suy nghĩ rồi lắc đầu nói: “Mà em không về nhà nữa, chắc là má buồn rầu lung lắm. Em không thấy hay sao, cũng vì chị em mình mà má buồn thảm đêm ngày, má ăn ngủ không được, nên má ốm quá. Nếu em đi mất thì thêm một nỗi sầu cho má nữa.”

Lân nghe nhắc tới mẹ thì buồn hiu.

Cô Ðào nói tiếp: “Hồi má lấy chồng khác, chị đã được mười lăm tuổi rồi, nên chị biết. Năm đó lúa cao gạo kém, nhà mình nghèo khổ lắm, nhiều bữa không tiền mua gạo, má phải đổi lúa chịu mà lấy khoai lang cho chị em mình ăn đỡ đói. Cực chẳng đã má phải lấy chồng, tưởng lấy chồng đặng có chỗ nương dựa mà nuôi chị em mình. Nào dè đụng cậu, thiệt cũng như mắc cái họa lớn”

Lân thở ra mà nói:

– Xưa rày em muốn trốn đi đã lâu rồi. Em còn dụ dự là em sợ má với chị buồn. Nay chị cũng nghĩ em đi là phải, vậy thì em hết dụ dự nữa. Chừng em đi rồi, như má có lo sợ, thì chị cắt nghĩa cho má nghe. Xin chị nói với má đừng có buồn. Em lớn rồi, em đủ trí khôn, tuy em không có tài nghệ gì, song em tưởng cái lòng quả quyết muốn thoát khỏi tay bất nhơn của cậu, với cái chí tấn thủ quyết tranh một chỗ mà đứng dưới ánh mặt trời với thiên hạ, có lẽ nó cũng có thể làm cho em khỏi chết đói được.

– Mà em đi đâu? Em thích làm việc gì?

– Em chưa biết phải đi đâu, mà cũng chưa biết phải làm việc gì, để đi rồi sẽ hay.

– Em không có bạc tiền, mà cũng không quen biết với ai, em đi minh mông như vậy sao được.

– Vậy chớ chệc[2] bên Tàu họ qua đây họ đâu có tiền bạc, họ không quen với ai, mà họ cũng dám đi vậy. Em đi trong xứ mình, tứ bề đều người An-nam, mà sợ nỗi gì.

– Không có tiền bạc, đi ra khó lắm chớ.

– Bữa hổm má lén cậu má đưa cho em một đồng bạc đặng em đi thi. Em tiện tặn em đi bộ, còn ăn cơm mỗi bữa em ăn bậy bạ ít xu, nên em còn được ba cắc trong túi đây.

– Ba cắc bạc mà nhiều nhõi gì! Em đói bụng hôn? Như đói thì ăn bánh đây, muốn ăn bánh ú hay bánh bò thì ăn đi.

– Trưa hôm qua em có ăn một ổ bánh mì nhỏ hai xu. Chiều hôm qua em không có ăn vật gì hết.

– Nếu vậy thì em đói lắm. Thôi, ăn ít cái bánh ú mà dằn bụng.

Cô Ðào đứng dậy dỡ hai cái tràn[3] đậy hai thúng bánh mà biểu em ăn. Lân đói bụng lắm, nhưng mà gặp chị thì sự sầu não tràn trề trong lòng nên quên đói. Bây giờ tỏ được tâm sự rồi, trong lòng bớt buồn, nên thấy bánh khoan khoái, lật đật lấy bánh ú cắn dây lột lá mà ăn liền.

Cô Ðào thấy em ăn ngon lành, thì cô ứa nước mắt. Cô ngó em và nói:

– Ðêm nay em ngủ trong mả của cha, chắc em lạnh lắm há?

– Không lạnh gì lắm. Mà em buồn quá, em ngủ có được đâu. Em cứ vái linh hồn cha phò hộ em đi ra làm ăn cho khá. Em tự quyết làm giàu cho được em mới nghe. Chừng nào em làm giàu được rồi, em sẽ về rước má với chị đặng hưởng chút sung sướng với em.

Lân lấy một cái bánh ú nữa lột ăn. Trò chỉ mặt trăng mà nói: “Em thề có mặt trăng làm chứng cho em, em sẽ hết sức lo làm giàu cho cậu biết mặt em. Nếu em không làm giàu được, thì em không thèm trở về xứ nầy.”

Lân ăn một giọt tới ba cái bánh ú rồi còn ăn thêm một cái bánh bò nữa. No bụng rồi, trò đứng dậy kiếm ngọn cỏ ướt mà chùi tay. Cô Đào nói:

– Em ăn thêm nữa cho thiệt no đi.

– Thôi, em no rồi.

– Em lấy vài cái bánh ú cầm theo đặng chừng nào đói em ăn nữa.

– Thôi, để chị bán chớ.

– Có hại gì đâu.

Lân đứng ngó mông, thấy dạng có người ta đi xung xăng trên trên bờ lộ thì nói với chị:

– Trời sáng rồi. Thôi, chị đi lên chợ mà bán kẻo trễ.

– Trời sáng lẹ quá.

Cô Ðào sắp bánh lại, đậy tràn lên, rồi lấy cây đòn gánh, tính gánh mà đi. Mà chừng cô đút đòn gánh vô gióng, thì cô lại dụ dự, thò tay vô túi móc lấy một cắc bạc mà đưa cho em và nói:

– Chị có một cắc bạc đây. Em lấy bỏ thêm vô túi mà đi đường.

– Em có ba cắc rồi.

– Em lấy hờ theo mà ăn cơm. Bây giờ em đi đâu?

– Em theo chị lên chợ kiếm nước uống rồi ở chơi tới chừng nào chị bán hết bánh, chị về, em sẽ đi lên Sài Gòn.

Hai chị em đứng ngó vô mả cha mà ứa nước mắt, rồi cô Ðào mới kê đòn gánh bánh mà đi. Lân đi theo một bên.

*

* *

Trời đã sáng thiệt, người đi chợ rải rác bưng rổ đi trên lộ, kẻ câu cá vác cần câu đi thủng thẳng trong mấy bờ con.

Chị em cô Ðào lên tới trường học. Thầy giáo Bính dậy sớm, ra đứng dựa lộ mà chơi. Thầy thấy cô Ðào đi ngang thì cười mơm mà hỏi:

– Cô bán bánh gì đó cô?

– Thưa, bánh ú với bánh bò.

– Bữa nay có bánh ú hả? Tôi thích bánh ú của cô lắm. Thôi, trao một cặp cho tôi đi.

Mấy lời ấy không hiểu là vô tình hay hữu ý mà nói, nhưng mà cô để gánh ở bên đường, cô lộ sắc hổ thẹn.

Lân ngó chị mà nói: “Thôi để em đi trước lại chợ. Lát nữa chị lại đó rồi sẽ gặp nhau”.

Cô Ðào đưa hai cái bánh ú cho thầy Bính mà cô không dám ngó thầy, cô cúi mặt mà trả lời với em: “Ừ, em đi trước lại chợ đi”.

Thầy Bính hỏi:

– Em của cô hả?

– Thưa, phải.

– Ê! Cô đưa hai cái bánh gì mà mềm xèo vậy nè. Tôi ưa ăn bánh ú cứng. Cô lựa cặp khác cho tôi.

– Thưa, bánh ú em gói cái nào cũng như cái nấy, có cái nào mềm, có cái nào cứng đâu. Thầy chê cặp đó, thôi thầy lựa cho vừa ý.

Thầy Bính ngó cô mà cười và nói: “Tôi muốn mua cặp bánh ú kia”. Thầy và nói và chỉ ngay vào ngực cô. Cô mắc cỡ day mặt chỗ khác.

Thầy Bính hỏi nữa:

– Cô có phải là con ghẻ của chú Hương trưởng Tồn hay không?

– Thưa, phải.

– Năm nay cô được mấy tuổi? Cô có chồng hay chưa?

– Cô không chịu trả lời hai câu ấy, cô lại nói: “Xin thầy làm ơn mua bánh giùm cho mau, đặng em lại chợ mà bán kẻo trễ buổi chợ.”

Thầy chọc ghẹo một hồi nữa, rồi mới chịu trả tiền, lấy một cặp bánh ú và để cho cô đi.

*

* *

Sớm mai, gần nhóm chợ, thiên hạ lao nhao lố nhố. Trong mấy tiệm người ta bưng dọn hàng xén lăng xăng. Ngoài sân chợ, đờn và bánh gạo, bưng rau, sắp trầu, dọn bánh, ngồi liên tiếp nhau từng hàng mà bán.

Lân đi thơ thẩn trước tiệm của Ban Liêm, đi qua rồi đi lại, tuy bộ đi hững hờ như nhiều người đi chợ, nhưng mà hễ đi đến tiệm nầy thì liếc mắt ngó vô.

Cô Thinh chừng mười sáu hoặc mười bảy tuổi, con của thím Ban Liêm, ở phía sau đi ra đứng trong cửa tiệm mà lau mặt. Cô thấy Lân đi ngang, thì cô chúm chím cười, rồi cô trở vô cất cái khăn. Cô xé một tờ nhựt trình cũ xếp cầm trong tay, thủng thẳng ra cửa rồi đi quẹo xuống đường mé sông, nước da trắng đỏ, gương mặt phương phi, tướng đi dịu dàng, hai tay đánh đòn xa[4] coi rất yểu điệu.

Cô đi theo kịp Lân, cô không ngó, mà cô nói nhỏ nhỏ: “Anh đi xuống mé sông, đặng em nói chuyện một chút.”

Cô nói rồi thì cô bỏ đi riết. Lân thủng thẳng đi theo sau. Cô đi khỏi dãy phố mé sông, tới ngang miễu Bà, cô bèn đứng lại dưới một cây gừa[5] lớn, đâm rễ lòng thòng, rồi day lại ngó chừng Lân.

Lân đi riết tới, chừng gần nhau cô Thình cười và hỏi: “Anh thi đậu hôn?” Lân nói một tiếng “Rớt” mà giọng nghe rất buồn thảm, mặt cứ ngó xuống đất.

Cô Thinh hớn hở nói tiếp:

– Thi rớt rồi bây giờ anh tính làm sao?

– Khó quá!

– Có khó chi đâu. Tưởng là thi đậu thì anh phải đi học nữa. Bây giờ thi rớt, thôi anh nói với cậu Hương trưởng lên nói với tía má em mà cưới em đi. Tía em thường nói chừng em lớn thì gả em cho “các chú”. Em không chịu đâu. Em thương anh lắm. Hễ cậu Hương trưởng lên nói, dẫu tía má em không gả đi nữa, em cũng nói thiệt rồi em ưng nhầu. Ép con sao được.

– Gia đạo của qua khó lắm, em ôi.

– Khó giống gì?

– Phận qua mồ côi cha. Cậu của qua đó là cha ghẻ, vì má của qua khóc lóc năn nỉ lắm, nên mới cho qua đi học đến năm nay đó, chớ có bao giờ có ý muốn lập thân cho qua đâu. Qua đi thi vô trường Bá Nghệ, là có ý muốn học thêm ít năm nữa, cho có một chút nghề trong mình, đủ sức nuôi em, rồi qua sẽ cưới em. Chẳng may qua thi rớt, qua buồn rầu quá, không biết làm sao.

– Anh đừng lo, em buôn bán nuôi anh được mà. Anh cưới em rồi anh xin về trên tiệm em mà ở. Anh ở một vài năm biết buôn bán rồi, mình xin tía cho mình ra riêng, lập tiệm của mình. Ban đầu mình buôn bán nhỏ nhỏ, rồi thủng thẳng mình sẽ làm lớn, bán tới vải, bán tới hàng lụa. Anh về biểu cậu lên nói đi.

– Em không hiểu, cậu của qua kỳ cục lắm. Hổm nay cậu hăm qua, cậu nói hễ qua thi rớt thì cậu sẽ bắt qua ở đợ. Bởi vậy qua thi rớt, qua không dám về nhà nữa.

– Anh không về nhà, vậy chớ anh ở đâu?

– Qua tính, qua trốn đi xứ khác, kiếm công việc làm ăn.

– Ði xứ nào?

– Xứ nào cũng được.

Cô Thinh vói tay nắm rễ gừa mà suy nghĩ rồi hỏi:

– Anh đi rồi bỏ em hay sao?

– Qua đi làm ăn, chừng nào khá rồi qua trở về cưới em chớ qua có bỏ đâu.

– Trời ơi! Biết chừng nào anh mới làm ăn khá!

– Qua hứa chắc với em, hễ qua đi ra thì ngày đêm qua ráng lo làm cho có tiền, không chơi bời chi hết, làm cho có tiền đặng qua về cưới em.

Cô Thinh trề môi nói giọng nhõng nhẽo:

– Hổng chịu. Anh đi, em đi theo.

– Ý! Sao được! Bây giờ qua không có bạc tiền, qua không có nghề nghiệp, mà qua cũng không biết phải đi đâu, phải làm việc gì mà nuôi thân qua. Em đi theo rồi làm sao? Hai đứa chết đói hết rồi còn gì!

– Em ăn cắp tiền của tía má đặng đem theo.

– Hổng được đâu. Em phải nghe lời qua, em ở nhà mà chờ qua. Qua hứa chắc hễ qua làm có tiền thì qua sẽ về rước em.

– Thiệt hôn? Anh đi mất, anh không về, rồi em tính làm sao? Em biết anh đi đâu mà kiếm?

Lân chỉ tay vô miễu mà nói: “Qua thề có Bà trong miễu đây làm chứng cho qua. Nếu qua bỏ em thì bà vặn họng qua chết, đừng để mạng qua.”

Cô Thinh châu mày ứa nước mắt mà nói:

– Anh thề nặng như vậy thì em tin… Chừng nào anh đi?

– Nội buổi sớm mơi nầy, bởi vì qua không dám về nhà, nếu ở đây có chỗ đâu mà ở.

– Anh không về lấy quần áo đem theo mà bận hay sao?

– Có áo quần gì đâu mà lấy, em.

– Cái áo anh bận đã rượn[6] vai rồi đây nè.

Cô và nói và đưa tay rờ cái vai của Lân, chỗ áo rượn một đường dài.

Lân lắc đầu nói:

– Ối! Thây kệ nó. Rách lành cũng không hại gì.

– Em thấy anh bận áo rách em thương quá.

– Con nhà nghèo, mà lại mồ côi cha, thì phải rách rưới như vầy chớ sao em.

Cô đứng trơ trơ, nước mắt chảy rưng rưng. Cô suy nghĩ một chút, rồi cô mới hỏi nữa:

– Anh đi mà anh có tiền bạc chút đỉnh gì hay không?

Lân ngó chỗ khác, không trả lời.

Cô hỏi nữa. Lân mới nói nhỏ nhỏ: “Qua có được vài cắc bạc”.

Cô Thinh thở ra mà nói: “Chớ chi anh nói cho em hay trước ít bữa, thì có lẽ em kiếm cho anh vài chục đồng bạc được. Anh nói gấp quá, làm có kịp đâu”.

Cô thò tay vô túi, cô móc ra hai lần, mà có ba đồng bạc giấy với ít cắc. Cô đưa hết cho Lân mà nói: Em có được ba đồng ba đây. Thôi anh hãy lấy đỡ mà đi đường.”

Lân dụ dự không chịu lấy. Cô nói: “Anh lấy đi mà. Tiền riêng của em mà anh ngại giống gì! Lấy đi.”

Lân lấy tiền mà mặt có sắc hổ thẹn, không dám ngó cô Thinh.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.