Lời thề trước miễu

Chương VII



Người bồi đóng cửa rào rồi trở vô nhà, lấy đồng bạc mới cho mà nhập với đồng bạc cho hồi xế xếp lại bỏ hết vô túi, miệng cười ngỏn ngoẻn.

Người bồi vừa muốn đóng cửa trước lại đặng đi nấu cơm, thì thầy Bính cỡi xe máy về nữa. Thầy kêu bồi biểu dắt xe vô trong mà cất rồi thầy ôm cặp ra đi vô nhà. Thầy dòm trước ra sau không thấy cô Hai thì thầy kêu bồi mà hỏi:

– Cô mầy đi đâu?

– Cô đi chơi.

– Ði hồi nào?

– Mới đi tức thì đây, đi xe hơi. Chớ chi thầy về trước chừng năm phút đồng hồ thì thầy gặp cô còn ở nhà.

– Xe hơi đâu mà đi?

– Xe hơi của khách lại nhà thăm rồi rước cô đi.

– Khách nào ở đâu vậy? Ðờn ông hay đờn bà?

– Ðờn ông. Người đó ở đâu trên Tà Keo xuống bán ngựa đua, hồi xế có lại một lần rồi hồi nãy lại nữa mà rước cô đi.

– Người đó chừng bao lớn, ăn mặc tử tế hay không?

– Tôi coi bộ chừng ba mươi tuổi. Lại hồi xế thì ăn mặc xập xệ lắm; còn hồi chiều thì bận đồ nỉ đen coi đàng hoàng.

– Thôi, mầy đi làm công chuyện đi.

– Thưa thầy, cô có dặn tối thầy về thì dọn cơm cho thầy ăn, chớ đừng có chờ cô. Vậy để tôi đi nấu cơm. Chừng nào thầy muốn ăn thầy nói, thì tôi dọn cho.

Thầy Bính gặc đầu. Người bồi đi ra sau bếp.

Thầy kéo một cái ghế lại khít bàn mà ngồi, mở cặp da mà rút hết những toa đòi tiền ra, rồi đếm từ tờ. Ðếm xong rồi, thầy móc túi lấy ra một cuốn sổ nhỏ với một cây viết chì. Thầy dò toa mà ghi trong sổ rồi ngồi chăm chỉ mà viết và tính. Thầy tính một hồi, không hiểu trúng trật lẽ nào, mà thầy thở ra, rồi mặt thầy buồn hiu. Thầy vùng đứng dậy gãi đầu, rồi đi qua đi lại nước mắt chảy rưng rưng.

Người bồi đi ra ngoài trước hồi nào không hay mà đương lúc thầy buồn đó nó trở vô nói rằng: “Bẩm thầy, có một thầy Ðội sở cảnh sát lại hỏi có thầy ở nhà hay không.”

Thầy Bính nghe nói như vậy thì biến sắc, lật đật hốt giấy tờ thồn vô cặp da rồi ôm mà chạy vô buồng.

Người bồi nói tiếp: “Bẩm thầy có sao đâu mà thầy sợ. Tôi nghe thầy Ðội hỏi như vậy, tôi không hiểu có việc chi quan hệ hay không, nên tôi nói bướng rằng, thầy đi làm việc chưa về. Tôi lại hỏi kiếm thầy làm chi, thì thầy Ðội nói ông cò biểu đòi thầy xuống bót có việc chi đó không biết. Tôi nói có bữa thầy về đây, còn có bữa thầy về nhà dưới chợ Ðủi, nên không chắc chiều nay thầy về đây hay không. Thầy Ðội nói thôi để thầy về nói lại với ông Cò viết trát mà đòi tiện hơn, rồi thầy đi về.”

Thầy Bính nói: “Cám ơn em. Ðâu em bước ra coi lại coi thiệt thầy Ðội đã đi hay chưa”.

Người bồi xây lưng đi ra ngoài thì thầy Bính mới mở cặp da mà sắp giấy tờ lại có thứ tự, bỏ cuốn sổ nhỏ với cây viết chì vô túi, rồi bước vô buồng mở tủ áo mà cất cái cặp da. Người bồi trở vô nói:

– Ði mất rồi.

– Thiệt hôn?

– Bẩm, thiệt chớ. Không thấy tăm dạng gì hết.

– Thôi, em ở nhà coi nhà. Ai có hỏi qua thì em cứ nói qua không có về đây.

– Thầy đi đâu? Thầy không ăn cơm hay sao?

– Không. Thôi, em đừng có lo dọn cơm.

Thầy Bính lấy nón nỉ xám đội lên đầu rồi bước ra cửa đứng dòm hai đầu. Ðèn khí ngoài đường đã cháy sáng trưng. Thầy dòm một hồi rồi đi xuống miệt Ðakao, thầy cứ cúi mặt xuống đất mà đi, xe kéo kêu mời, thầy không thèm trả lời.

Lối mười giờ tối, trong nhà hàng Trường Lạc khách còn đông dày dày, tiếng nhạc rập rình không dứt. Những nam thanh nữ tú tựu lại đó, tốp thì ngồi uống rượu nghe đờn, tốp thì ôm nhau nhảy múa, mà người nào sắc mặt cũng hớn hở vui cười.

Tại một cái bàn gần cửa, Ba Lân đương ngồi uống nước cam với cô Hai Thinh, hai người cứ nói chuyện nho nhỏ với nhau, không để ý đến khách ngồi mấy bàn chung quanh, mà cũng không thèm ngó những người khiêu vũ.

Ba Lân ngó cô Hai rất hữu tình mà nói:

– Trên Lèo thì có non cao rừng rậm, có sông cho mình câu cá, có trãng cho mình trồng rau, chớ không có những chỗ vui chơi như vầy, bởi vậy qua lo cho em lên trển em buồn lắm.

– Có anh thì đủ cho em vui rồi, em có cần cuộc vui nào khác nữa đâu. Anh đừng có lo sự ấy.

– Qua không dè em thương qua đến thế. Nếu được như vậy thì cái hạnh phước của qua lớn chẳng có chi bằng.

– Từ ngày anh đi mất rồi thì em coi cái đời của em đã hỏng, em coi sự sống của em không có nghĩa.

– Em phải vùi thân lăn lộn với thiên hạ trong những cuộc vui, ấy là em kiếm thế mà chôn sự buồn rầu của em, chớ có phải em ham theo cái thú vô tình vô vị đó đâu. Nay đôi ta gặp nhau, mà anh không gớm cái thân em đương loi nhoi dưới bùn, anh quyết vớt em lên để chỗ cao ráo, có lẽ nào em còn tiếc cái vũng bùn ngày xưa. Huống chi đôi ta đã có thề nguyền với nhau, dầu anh dắt em lên ở trên đầu non, em cũng vui mà đi theo chẳng luận lên xứ Lèo.

– Cám ơn em. Từ nhỏ cho tới bây giờ lòng qua mới biết vui sướng, trí qua mới được thơ thới lần nầy là lần đầu hết. Qua nói thiệt với em, hôm qua về dưới Cần Giuộc, qua kiếm má qua thì má qua đã chết rồi, qua hỏi thăm em thì em cũng đã xiêu lạc hơn mười năm rồi, lúc ấy qua muốn chết phứt cho rảnh. Trót mười hai năm cực thân nhọc trí không biết bao nhiêu, mà qua không nản lòng thối chí, là vì qua quyết làm cho có tiền đặng qua rước ba người thương của qua về chung hưởng với qua. Nay trong ba người ấy đã mất hết hai người thì cái công phu cực khổ của qua nghĩ không có ích chi cho lắm. Hổm nay qua còn sống mà gặp em đây, là vì qua còn phải đi tìm chị Hai của qua, mà qua cũng có ý muốn đi tìm em nữa hoặc may có gặp được em hay không. Việc tình cờ mà qua được gặp em, thì rõ ràng đôi ta có duyên nợ với nhau nên Trời Phật mới khiến như vậy.

– Ờ, từ hồi chiều đến bây giờ em quên hỏi coi tại sao anh biết em ở đó nên anh lại anh kiếm.

– Qua đã nói việc tình cờ qua có biết trước đâu.

– Mà tại sao anh bày đặt bán ngựa đua đặng vô nhà em chi vậy?

– Việc đó khó nói quá.

– Với em mà anh giấu nữa sao? À, hồi chiều anh nói có một chuyện kín mà ngộ lắm, hễ anh nói ra thì em cười nôn ruột. Chuyện gì vậy?

Ba Lân ngồi ngẫm nghĩ một chút rồi cười mà hỏi lại:

– Em có biết thầy Bính là ai hay không?

– Sao lại không biết. Hồi em còn nhỏ thì thầy dạy học tại trường Cần Giuộc, sau thầy đổi xuống dạy đâu miệt chợ Trạm, Cần Ðước gì đó.

– Phải. Mà có em biết thầy đối với qua có tình bà con gì hay không chớ?

– Cái đó em không hiểu. Có bà con với anh hay sao?

– Thẩy là anh rể của qua.

– Trời đất ơi! Thiệt như vậy hay sao?

– Thiệt.

Cô Hai Thinh sửng sốt, cô lắc đầu mà nói nhỏ nhỏ, giọng ăn năn lắm: “Em có dè đâu. Hồi ban đầu em dục dặc, em không chịu làm bạn với thẩy, tại thẩy theo năn nỉ hoài! Té ra mấy tháng nay em làm buồn cho chị của anh lung lắm!”

Ba Lân gặc đầu mà đáp:

– Phải. Vì em mà chị Hai của qua buồn lung lắm.

– Vậy anh phải dắt em lại nhà chị Hai đặng em xin lỗi chị mới được. Cái đó là em lầm, chớ nếu em biết thì em đâu có làm bậy như vậy. Tuy em sẩy bước trong chốn giang hồ, song em cũng còn biết chỗ phải chỗ quấy chớ.

– Không được. Em tính như vậy không tiện. Chị Hai qua không biết em, còn anh Hai qua không biết qua là ai. Thôi, mình giấu luôn cho nhẹm thì hay hơn. Em đừng có về nhà em nữa, theo qua lại khách sạn mà nghỉ. Ðể sáng mai qua vô hỏi gắt chị qua lại coi chỉ chịu đi theo qua hay không. Như chỉ chịu đi thì mình dắt chỉ đi với mình, còn như chỉ không chịu thì qua từ giã chỉ rồi hai đứa mình đi. Hễ mình đi tuốt rồi thì xong chuyện hết thảy, chị Hai không hiểu nên khỏi phiền em, còn anh Hai không hiểu thì cũng khỏi oán qua.

– Em phải trở về nhà mà lấy áo quần rồi đi mới được chớ.

– Ối! Có cần gì. Lên Nam Vang rồi em mua hàng mà mướn họ may cũng được mà.

– Ý! Mà em có đặt may bốn bộ đồ, em hẹn lấy hôm qua, mà em chưa lấy. Thôi, để sáng mai anh cho em tiền lấy đồ ấy mà đi cũng được.

– Nếu có vậy thì càng tốt. Em nhớ hôn, ngày qua từ giã em mà đi làm ăn, em nói hễ chừng nào qua giàu qua phải cất nhà cho em ở, phải sắm hột xoàn cho em đeo phải mua xe hơi cho em đi. Nhà lầu thì có rồi, hột xoàn thì sáng mai rồi qua sẽ mua, duy có xe hơi sắm thì không tiện, bởi trên Lèo chưa có đường cho xe hơi chạy được.

– Hồi đó em nói chơi với anh, chớ đôi ta được gần nhau, dầu ở lều tranh, mặc áo rách, em cũng vui lắm vậy.

Hai người nói chuyện tới đó, kế thầy Bính đội nón nỉ sùm sụp, xăm xăm đi vô nhà hàng. Cô Hai Thinh ngó thấy thầy bèn nói nhỏ rằng: “Ý! Thầy Hai Bính vô kìa, làm sao?”

Ba Lân ngó thầy Bính rồi day vô đáp rằng: “Em đừng chào hỏi chi hết, làm bộ thuở nay không biết ảnh vậy. Năm nay ảnh trọng tuổi rồi nên coi lạ hoắc, nếu em không nói thì chắc qua không biết.”

Thầy Bính bước vô ngó cô Hai rồi ngó Ba Lân, cặp mắt thầy lườm lườm. Hai người làm lơ cứ nói chuyện với nhau, và nói và cười, bộ vui vẻ như thường.

Thầy Bính thấy dựa bên đó có một cái bàn trống, thầy quăng cái nón trên bàn, kéo ghế rột rạt mà ngồi rồi kêu bồi biểu lấy rượu la ve.

Cô Hai Thinh cứ nói chuyện tiếp, cô hỏi Ba Lân:

– Té ra anh đi kiếm thầy nên tình cờ anh gặp em đó hay sao?

– Phải.

– Mà kiếm thì kiếm, sao lại bày đặt nói bán ngựa chi vậy?

– Trước khi qua chường mặc, qua muốn dọ coi ảnh với tình nhơn của ảnh là người thế nào. Vì vậy nên qua phải dối một chút.

– Hèn chi thấy em rồi anh bối rối, nên em hỏi anh nói lính quýnh nghe không thông.

– Tình cờ quá, nên phải bối rối chớ sao.

– Em nghĩ lại em giận em quá. Thấy anh mà em không nhìn ra, làm cho em thành người vô tình với anh, thiệt em nghĩ em thẹn hết sức.

– Thôi, hiệp nhau được thì thôi, để trí mà vui với nhau đặng bồi thường cái công anh thương nhớ mười hai năm dài quá.

Nãy giờ thầy Bính ngồi ngó lườm lườm, đến bây giờ nóc giận[1] tràn trề trong lòng, thầy dằn nữa không được, nên thầy kêu mà hỏi lớn rằng: “Cô Hai, cô không thấy tôi hay sao?”

Cô Hai Thinh giả không nghe, nên không ngó tới thầy, mà cũng không đáp.

Thầy Bính bèn xô ghế một cái rột rồi bước lại đứng ngang mặt cô mà hỏi nữa: “Cô Hai, tôi hỏi, cô không nghe hay sao?”

Bây giờ cô mới ngó thầy mà hỏi lại:

– Thầy muốn cái gì?

– Tôi hỏi cô không thấy tôi hay sao nên tôi vô cô không chào tôi?

– Thầy không biết lễ phép mà thầy trở lại bắt lỗi tôi chớ. Thầy là đờn ông, tôi là đàn bà, vô nhà hàng thầy thấy tôi thầy phải chào tôi, chớ sao thầy lại buộc tôi phải kiếm mà chào thầy?

– Cô về nhà rồi tôi sẽ cắt nghĩa lễ phép cho cô nghe. Cô xin phép ai mà cô đi từ hồi chiều đến bây giờ, lại đi với đờn ông?

– Cái trí của tôi nó làm chủ cái xác của tôi, chớ tôi không biết chủ nào khác. Trí tôi muốn đi đâu thì tôi đi đó, tôi chẳng cần xin phép ai.

– Cô muốn đi đâu hay là đi với ai, cô phải xin phép tôi.

– Thầy chẳng có quyền gì mà được nói câu ấy, nhứt là nói trước mặt công chúng. Thầy hãy đi chỗ khác, tôi không muốn thầy chàng ràng trước mắt tôi nữa.

Thầy Bính nghe mấy lời sau đó thì thầy tức giận cành hông, chịu không nổi nữa nên thầy chỉ tay ngay trước mặt cô Hai mà nói lớn rằng: “Bây giờ tôi mới rõ cô là một con khốn nạn, một con Võ Hậu thời nay!”

Ba Lân liền đứng dậy hất tay thầy Bính mà nói: “Thầy không được phép sỉ nhục một người đờn bà yếu đuối.”

Thầy Bính trợn mắt ngó Ba Lân mà nói:

– Tôi không thèm nói tới thầy là may cho thầy lắm. Sao thầy còn bắt lỗi tôi?

– Thầy vô lễ với người đờn bà đương ngồi uống rượu với tôi thì cũng như vô lễ với tôi, bởi vậy tôi cũng có quyền trừng trị thầy mà dạy thầy một bài học ở đời.

Ông chủ nhà hàng và khách thấy hai đàng cãi lẫy chắc sẽ đánh lộn, nên ai nấy đều chạy lại đứng chung quanh mà can.

Ông chủ nhà hàng cao lớn mạnh mẽ, ông nắm cánh tay thầy Bính mà kéo và nói rằng: “Thầy có say thì về mà nghỉ, không nên làm rầy rà trong nhà hàng.”

Thầy Bính đương giận, không kể ai hết nên xô ông chủ nhà hàng mà nạt rằng:

– Ông biết chuyện gì mà xía miệng vô!

– Tuy tôi không biết chuyện gì, song tôi biết tôi làm chủ trong nhà hàng nầy, tôi không bằng lòng cho thầy động đến khách của tôi, thầy hiểu hay không?

– Tôi cũng là khách vậy chớ.

– Phải. Thầy cũng là khách mà thầy làm náo động trong nhà hàng của tôi, nên tôi phải can thiệp. Tôi mời thầy đi ra lộ ngay lập tức, nếu thầy còn cượng thì tôi sẽ kêu lính cảnh sát dắt thầy xuống bót liền bây giờ đây. Thầy hiểu chưa?

Thầy Bính nghe nói kêu lính dắt xuống bót thì thầy biến sắc, thầy không còn nóng như hồi nãy nữa, thầy móc túi lấy hai cắc bạc quăng trên bàn mà trả tiền ly la ve thầy đội nón lên rồi thầy ríu ríu đi ra cửa.

Nhạc trỗi lên lại, khách ráp khiêu vũ nữa.

Ba Lân nói với cô Hai rằng: “Hồi nãy ảnh vô thình lình, qua dặn em không kịp. Em nói đoản quá qua sợ ảnh thất chí rồi ảnh tự vận thì mình có lỗi nhiều lắm.”

Cô Hai Thinh cười và đáp rằng: “Không có tự vận đâu mà anh lo. Thầy Hai không phải ở về hạ lưu, mà cũng không phải thuộc hạng thượng trí; nên thầy thất tình mình sợ thầy sát nhơn hoặc tự sát. Thầy thuộc về hạng trung lưu, tính thấp thỏi, ham sống, sợ chết, chẳng bao giờ dám sống chết với người thầy yêu đâu mà sợ. Em biết thầy lắm, nên em mới ở đoản với thầy đặng trừ phứt cái bịnh ham mèo chó của thầy một lần cho tuyệt. Có vậy thầy mới biết thương chị Hai, từ rày sắp lên thầy không bỏ chị Hai nữa.”

Ba Lân cười, kêu bồi biểu tính tiền rượu rồi dắt cô Hai Thinh đi ra, chàng nghiêm nghị vững vàng, cô vui cười hớn hở.

Lúc tảng sáng, hạng lao động tốp đi chợ, tốp đi làm, qua lại dập dìu các nẻo đường. Những xa phu, nghỉ từ hồi khuya đã khỏe chơn, nên kéo xe nghễu nghện đi kiếm mối.

Trong cái đường hẻm chỗ cô Ðào ở, người ta đã rải rác thức dậy, nên căn thì con nít ngồi sật sừ trước thềm, căn thì kẻ lớn mở cửa quét nhà chộn rộn.

Bữa nay nhằm thứ năm, không có học, nên thằng Khoa xin xu của má nó rồi dắt con Lý ra đầu đường hẻm đứng đón chị bán xôi mà mua ăn. Thình lình hai đứa nhỏ thấy Ba Lân đi vô đường hẻm thì lật đật chấp tay cuối đầu mà xá.

Ba Lân nhìn biết cháu thì cười và hỏi: “Má thức dậy hay chưa?”

Thằng Khoa nói má nó đã dậy rồi. Nó nói dứt lời liền chạy trước về nhà mà cho má nó hay.

Cô Ðào vừa bước ra khỏi cửa thì Ba Lân đã vô tới, cô mừng em rồi mời vô nhà.

Ba Lân kéo ghế mà ngồi rồi hỏi chị rằng:

– Chị nhứt định rồi hay chưa?

– Nhứt định việc gì?

– Việc em nói với chị hôm qua đó. Em muốn chị dắt sắp nhỏ đi theo em lên Lèo mà ở với em, chị bằng lòng đi hay không?

– Khó quá.

– Có khó chi đâu.

– Sắp nhỏ nó trí cha nó lắm; đi xa sợ nó nhớ tội nghiệp.

– Em biết chị còn thương anh Hai lung lắm, nên chị không nỡ rứt mà theo em. Em không dám dứt tình vợ chồng của chị. Huống chi mà chị nói lúc má đau ảnh lo thuốc men, lúc má mất ảnh lo chôn cất, nếu bây giờ em khuyên chị phải bỏ ảnh, thì em là đứa bất nghĩa. Vậy chị đi theo hay không đều tự ý chị, chớ em không dám ép.

– Ði khó quá. Mà em tính lên trên Lèo hay sao, nên trở vô đây hỏi gắt như vậy?

– Phải, em tính về gấp.

– Chừng nào về?

– Khuya nay em đi xe hơi lên Nam Vang rồi đi tàu mà về trển.

– Chị em xa nhau mười mấy năm, em không thể vắng mặt lâu được.

– Hôm qua em nói em phải kiếm con của ông Ba Liềm, sao em ở thêm ít ngày mà kiếm, lại bỏ đi về đi.

– Em kiếm được rồi.

– Húy chà! Ở đâu mà em kiếm được mau dữ vậy?

– Em đi tình cờ em gặp.

– Em gặp rồi sao em không ở mà tính công chuyện cho xong, em lại về đi?

– Em tính công chuyện cũng xong rồi hết. Khuya nay vợ em cũng đi theo mà lên Lèo.

– Nó chịu đi hay sao?

– Chịu. Bởi vậy em không còn công chuyện gì nữa mà ở đây, nên trở vô hỏi lại chị coi như chị chịu đi thì đi với em.

– Cha mẹ sanh có hai chị em; nay cha mẹ đã khoãn hết rồi, trong thân tộc chỉ có một mình em. Nếu chị không thương em thì thương ai? Chị cũng muốn đi theo em lắm, ngặt vì chị có con lòng thòng, chị nghĩ bỏ chồng mà theo em thì không tiện. Xin em xét lại mà thương phận chị chớ đừng có phiền.

Ba Lân dòm coi hai đứa nhỏ đã dắt nhau đi chơi, chàng mới thò tay vô túi áo trong móc ra một bó giấy bạc, đếm lấy mười tấm giấy xăng rồi xếp lại mà trao cho chị và nói rằng: “Chị không đành bỏ chồng mà đi theo em đi lên Lèo mà ở cho em nuôi, thôi em cho chị một ngàn đồng bạc đây. Chị phải giấu, đừng cho anh Hai biết, phải cất để dành mà nuôi con. Em cũng để lại cho chị một tấm danh thiệp đây, nếu có việc chi phải cần dùng em, hoặc đau ốm, hoặc nghèo khổ, thì coi đó mà gởi thơ hoặc đánh dây thép cho em. Chị đừng ngại gì hết, dầu chị cần dùng việc gì, em cũng sẵn lòng giúp chị luôn luôn”.

Cô Ðào lấy một ngàn đồng bạc với tấm danh thiệp mà bỏ túi, cô cảm tình em lung quá, nên nước mắt chảy ròng ròng, không biết nói sao được.

Ba Lân nói: “Chị em xa cách nhau tới mười hai năm, nay gặp nhau mà em vội về thì dường như em vô tình lắm vậy. Ngặt vì việc làm ăn đa đoan, em không thể ở lâu nữa được. Vậy em xin chị ở lại dưới nầy mạnh giỏi, để qua sang năm, đến Thanh minh, thợ khép mả cho cha mẹ xong, em về cúng mả rồi chị em sẽ gặp nhau nữa.”

Cô Ðào nói: “Em có việc nhà nên phải về gấp, chị không dám cầm. Mà bề nào khuya nay em mới đi. Vậy chị xin em trước khi về, em dắt con Ba vô đây cho chị em biết nhau một chút rồi sẽ đi”.

Ba Lân lặng suy nghĩ một hồi rồi đáp rằng:

– Em mắc lo mua đồ đạc chút đỉnh, nên sợ không rảnh mà vô nữa được.

– Dữ hôn! Em nhơn chừng một giờ đồng hồ, em dắt con Ba vô đây cho chị biết nó một chút có lẽ nào không rảnh. Em đi mua đồ tới tối ngày nay lận hay sao?

– Vợ em nó cũng phải mua đồ mà đem theo.

– Thôi, ngày nay mua đồ đạc gì đó thì mua đi. Chiều dắt nhau vô đây mà ăn cơm với chị, được hôn?

– Em không dám hứa chắc. Thôi chị đừng lo cơm nước chi hết. Ðể tối như có rảnh thì em dắt vợ em vô thăm chị một chút đặng hai chị em biết mặt nhau.

Ba Lân đứng dậy từ chị mà đi. Chừng ra cửa chàng còn dặn cô Ðào phải dấu bạc mình vừa mới cho để dành mà nuôi con, chẳng nên cho chồng biết. Ra đường hẻm gặp hai cháu đương chơi tại đó, chàng lại lấy một đồng bạc mà cho chúng nó, rồi mới kêu xe kéo mà đi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.