Ruồi Trâu
Ruồi trâu, Chương 4
Hồng y giáo chủ Mông-ta-ne-li tới Phơ-li-răng-xơ vào tuần đầu tháng mười. Việc ông đến đã gây nên một làn sóng dư luận sôi nổi trong thành phố. Ông là một nhà truyền đạo nổi danh và là đại diện của triều đại giáo hoàng mới cách tân. Mọi người khao khát mong mỏi ông trình bày “học thuyết mới”, nói lên những tình thương và hòa giải đặng điều trị những nỗi đau thương của nước Ý. Việc bổ nhiệm Hông y giáo chủ Gi-tsi làm Quốc vụ khanh Tòa thánh La mã để thay Lam-bơ-ru-tri-ni mà mọi người đều căm ghét, đã nâng sự hân hoan lên đến cực điểm. Và Mông-ta-ne-li chính là người có năng lực duy trì tâm trạng hân hoan đó. Đời tư liêm khiết của ông ta là một hiện tượng ít có trong hàng giáo phẩm cao cấp của giáo hội La mã. Do dó, Mông-ta-ne-li đã thu hút được nhiều cảm tình của dân chúng vì xưa nay dân chúng vẫn cho rằng gian lận, tham nhũng và dâm ô đen tối là những đặc điểm hầu như không thể thiếu được của các giáo sĩ cao cấp. Hơn thế, ông ta thật có tài ba của một nhà truyền đạo.
Giọng nói uyển chuyển và phong cách dễ thu hút lòng người như đá nam châm, đó là những điều thường làm cho ông thành công ở bất kỳ nơi nàp và vào lúc nào.
Cũng như mọi lần, lần này Grat-xi-mi hết sức xoay xở để mời được bậc tài danh mới tới ấy. Nhưng điều đó không phải dễ : đối với mọi lời mời của Grat-xi-ni, Mông-ta-ne-li từ chối rất lich thiệp mà kiên quyết, lấy cớ kém sức khỏe và bận việc.
Một buổi sớm chủ nhật lạnh trời và chói nắng, Mac-ti-ni cùng Giêma đi qua quảng trường Xi-nhô-ri-a. Mac-ti-ni khinh miệt nói :
Vợ chồng lão Grat-xi-ni thật là những con vật tạp thực, bạ cái gì cũng nuốt. Chị có thấy họ cúi rạp đầu trước xe ngựa của Hồng y giáo chủ không ? Bất kể ai họ cũng vơ cả, miễn là kẻ đó nổi tiếng. Từ thủa bé đến giờ thật tôi chưa thấy ai hám danh như thế. Mới dạo tháng tám đón Ruồi trâu nay lại rước Mông-ta-ne-li. Chắc là đức cha phổng mũi lắm về sự quan tâm đó. Mà tất cả bè lũ đầu cơ cũng chia ngọt sẻ bùi với đức cha về sự quan tâm này.
Mác-ti-ni và Giêma vừa đi nghe Mông-ta-ne-li giảng đạo ở nhà thờ. Ngôi nhà thờ lớn này chật ních những người háo hức được nghe nhà truyền đạo nổi tiếng giảng thuyết đến nỗi Mac-ti-ni sợ Giêma nhức đầu phải khuyên chị bỏ buổi lễ ra về trước khi kết thúc. Sau một tuần lễ mưa rả rích, hôm nay mới có một buổi sáng nắng đẹp. Mac-ti-ni bèn rủ Giêma đi Xanh Ni-cô-lô dạo chơi trên những sường đồi xanh tốt.
Không. Chị trả lời. Nếu anh có thì giờ thì tôi xin đi, nhưng không đi về phía ấy được đâu. Ta đi theo đường bờ sông Ác-nô đi vì khi Mông-ta-ne-li trở về ông ta sẽ qua đó. Cũng như Grat-xi-ni tôi muốn chiêm ngưỡng bậc tài danh ấy.
Nhưng chị vừa trông thấy Mông-ta-ne-li kia mà !
Mới đằng xa thôi. Trong nhà thờ đông quá…mà lúc ông ta đến thì chúng ta lại đứng phía sau ông ta. Bây giờ ta tới đứng gần cầu chắc thấy rõ được. Chắc anh biết là ông ta tạm nghỉ ở bờ sông Ác-nô.
Nhưng tại sao bỗng dưng chị lại muốn nhìn mặt Mông-ta-ne-li ? Có bao giờ chị chú ý đến những nhà truyền đạo nổi tiếng đâu ?
Giờ đây tôi cũng vẫn không để ý đến những nhà truyền đạo, mà chỉ chú ý tới bản thân con người. Tôi muốn xem từ lần gặp cuối cùng đến nay ông ta có khác đi nhiều không ?
Lần đầu ấy là bao giờ ?
Sau khi Ac-tơ chết hai ngày.
Mac-ti-ni bàng hoàng nhìn Giê-ma. Hai người đã ra tới đường bờ sông. Đôi mắt Giê-ma thẫn thờ nhìn xuống nước. Vẻ mặt chị làm Mac-ti-ni hoảng hốt. Một lát sau anh nói :
Giê-ma, Giê-ma thân yêu ! Có lẽ nào câu chuyện thê thảm ấy vẫn cứ suốt đời ám ảnh Giê-ma ? Tuổi mười bảy ai mà chẳng lỡ lầm.
Tay vịn vào cầu thang, mắt nhìn xuống dòng sông, chị mệt mỏi đáp :
Nhưng không phải ai mười bảy tuổi cũng đều giết chết người bạn tốt nhất của mình. Mac-ti-ni nín lặng. Mỗi lần nỗi niềm tâm sự ấy đến với Giêma thì anh rất ngại chuyện trò.
Hễ bao giờ nhìn thấy mặt nước là tôi lại nhớ tới chuyện xưa. Giêma từ từ ngước mắt nhìn anh rồi run run nói tiếp :
Thôi, Xê-da, ta đi nữa đi. Đứng đây lạnh lắm.
Họ lẳng lặng bước qua cầu và rẽ sang theo bờ sông. Vài phút sau Giêma lại nói :
Sao con người ấy có giọng nói êm đẹp đến thế ! Trong giọng nói của ông ta có một cái gì đó mà tôi chưa từng nghe thấy trong giọng nói của một ai. Tôi cho rằng ông ta có sức truyền cảm mạnh như vậy quá nửa là nhờ bí quyết ấy.
Cho là đã đến lúc có thể làm Giêma quên được những kỷ niệm khủng khiếp qua dòng sông gợi lên, Mac-ti-ni liền nói tiếp :
Phải, giọng nói thật tuyệt trần ! Ngoài giọng nói ấy, ông ta còn là một nhà truyền đạo giỏi nhất trong số các nhà truyền đạo mà tôi được nghe giảng. Nhưng tôi nghĩ bó quyết hấp dẫn của ông ấy còn sâu xa hơn nữa. Lối sống của ông ta khác hẳn mọi giáo sĩ cao cấp khác. Có lẽ trừ Giáo hoàng ra thì trong toàn Giáo hội Ý khó lòng tìm được một Giáo sĩ cao cấp nào có thanh danh như vậy. Còn nhớ dạo năm ngoái khi đi Rô-ma-nha, tôi đã có dịp qua địa phận của Mông-ta-ne-li. Trời mưa tầm tã mà những người dân miền núi vẫn cứ kiên trì chầu trực để được thấy mặt ông ta hoặc sờ vào áo ông ta. Họ tôn thờ Mông-ta-ne-li như thánh. Và điều đó không phải chuyện thường là vì ở Rô-ma-nha cứ thấy ai mặc áo chức giáo sĩ là người ta ghét thậm tệ. Tôi có hỏi một bác nông dân già, một người buôn lậu điển hình mà tôi chưa từng thấy trong đời rằng hình như dân ở đây hình như rất trung thành với đức giám mục thì người ấy trả lời : ” Chúng tôi không ưa cha cố đâu vì họ đều là những kẻ gian dối. Nhưng chúng tôi yêu ngài Mông-ta-ne-li vì ngài không lừa dối chúng tôi bao giờ và ngài rất công minh chính trực”.
Giêma lên tiếng hầu như để nhủ mình chứ không phải để nói với Mac-ti-ni :
Lạ thật ! Không biết ông ta có biết dân chúng nghĩ gì về ông ta không.
Chắc là biết. Sao ? Chị cho là không phải như thế ư ?
Vâng, không phải thế.
Tại sao chị biết ?
Chính ông ta nói với tôi.
Ông ta ? Mông-ta-ne-li ấy ư ? Giêma, chị nói sao ?
Chị vuốt mớ tóc lòa xòa trên trán và ngoảnh lại phía Mac-ti-ni. Họ lại dừng bước.
Mac-ti-ni tì tay vào lan can còn Giêma thì lấy dù chậm rãi vẽ hình lên trên nền đường.
Xê-da, tôi với anh quen nhau đã bao năm ròng mà tôi chưa bao giờ kể chuyện Ac-tơ cho anh biết cả.
Mac-ti-ni vội vã ngắt lời :
Mà cũng không cần kể nữa. Giêma thân yêu. Tôi biết cả rồi.
Giô-va-ni kể cho anh nghe ư ?
Phải. Lúc anh ấy hấp hối. Một đêm không lâu trước khi Giô va ni chết, tôi ngồi bên giường anh có kể cho tôi nghe về Actơ…Giêma thân yêu, đã trót rồi thì tôi phải nói hết sự thật để Giêma rõ…Anh ấy bảo tôi rằng chị luôn âm thầm vấn vương về câu chuyện bi thảm ấy. Anh ấy nhờ tôi đến với chị như một người bạn để giúp chị tránh khỏi những ý nghĩ nặng nề. Tôi đã hết sức cố gắng mặc dù công việc của tôi hình như không có hiệu quả.
Ngước nhìn Mac ti ni trong giây lát, chị êm ái trả lời :
Tôi biết. Nếu khong có tình bạn của anh thì tôi còn đau khổ biết bao nhiêu…Còn về giáo chủ Mông-ta-ne-li thì lúc ấy Giô-va-ni không nói gì với anh ư ?
Không. Lúc ấy tôi cũng không biết Mông-ta-ne-li lại có liên quan gì đến câu chuyện ấy. Anh ấy chỉ nói với tôi toàn bộ câu chuyện về một tên mật thám và…
Và về chuyện tôi tát Ac-tơ đến nỗi Ac-tơ phải nhảy xuống biển tự tử có phải không ?
Được, vậy bây giờ tôi kể cho anh nghe chuyện Mông-ta-ne-li.
Họ quay trở lại chiếc cầu mà lát nữa xe của Hồng y giáo chủ sẽ đi qua. Mắt không rời khỏi mặt nước Giêma bắt đầu kể :
Lúc ấy Mông-ta-ne-li còn là một cha cố và là giám đốc trường dòng ở thành Pi-dơ. Ông ta thường dạy triết học cho Ac-tơ và khi Ac-tơ vào đại học ông ta vẫn tiếp tục giúp đỡ. Hai người yêu thương nhau như một cặp tình nhân chứ không phải là thầy trò nữa. Ac-tơ sùng bái cả bất cứ nơi nào Mông-ta-ne-li đi qua. Tôi còn nhớ một hôm Ac-tơ nói với tôi rằng nếu mất đi padre thì Ac-tơ sẽ nhảy xuống biển mà chết. Ac-tơ thường gọi Mông-ta-ne-li là padre. Còn chuyện tên mật thám anh biết rồi…Đến ngày hôm sau cha tôi và họ hàng nhà Bớc-tơn tức là mấy người anh cùng cha khác mẹ hết sức đáng ghét của Ác-tơ đều ra cửa biển Đac-xen-na để mò tìm xác. Còn tôi thì tôi ngồi một mình trong phòng nghĩ những việc do chính tay mình gây ra…
Giê-ma im lặng một lát rồi kể tiếp :
Đến tận khuya cha tôi vào nói với tôi : ” Giê-ma con xuống nhà dưới đi, có người đến tìm gặp con”. Chúng tôi xuống phòng khách. Một anh bạn học và là người trong tổ tôi, ngồi đợi ở đó. Mặt tái mét, anh ta run run kể cho tôi nghe bức thư thứ hai của Giô-va-ni, trong đó kể lại tất cả những gì mà ông già coi ngục đã nói với anh em phạm nhân về tên cố đạo Các-đi là người trước kia dụ dỗ Ác-tơ xưng tội. Tôi còn nhớ người bạn học ấy nói với tôi rằng : ” Dù sao chúng ta cũng còn được một chút an ủi là : bây giờ chúng ta biết rằng Ac-tơ không có lỗi gì cả”. Cha tôi nắm lấy tay tôi, hết lòng khuyên nhủ. Lúc ấy cha tôi vẫn chưa biết chuyện tôi tát Ac-tơ. Tôi trở về phòng suốt đêm không ngủ. Đến sáng cha tôi và họ hàng nhà Bớc-tơn lại ra bến. Mọi người vẫn còn hy vọng tìm xác Ac-tơ. – Nhưng hình như không tìm thấy phải không ?
Không tìm thấy. Chắc sóng cuốn ra khơi mất rồi. Tôi đang ngồi trong phòng bỗng có chị người làm vào báo cho biết vừa rồi có một vị cố đạo tới nhà, thấy cha nói tôi ra bến thì ông đi thẳng. Đoán là Mông-ta-ne-li, tôi liền chạy theo lối sau, đuổi kịp ông ngay ở cổng vườn.Khi tôi gọi : ” Cha Mông-ta-ne-li con muốn nói chuyện với cha” thì ông ta đứng lại, lặng lẽ nhìn tôi. Trời ơi, Xê-da, nếu anh trông thấy mặt ông ta lúc ấy ! Nét mặt ấy cứ hiện ra trước mắt tôi mấy tháng ròng ! Tôi nói với Mông-ta-ne-li : ” Con là con bác sĩ Uơ-ren. Con đến để nói với cha rằng chính con đã giết chết Ac-tơ”. Tôi thú nhận tất cả mọi điều còn ông ta thì cứ đứng trơ trơ như tượng đá mà nghe tôi nói. Khi tôi dứt lời ông ta an ủi : ” Cứ yên tâm, con ạ ! Không phải con giết Ac-tơ đâu mà chính là cha đây. Cha đã lừa dối Ac-tơ và điều đó Ac-tơ đã biết”. Nói xong ông ta quay gót bước nhanh ra khỏi vườn, không nói thêm một lời nào nữa.
Rồi sau thế nào hở chị ?
Sau tôi cũng không biết ông ta ra sao nữa. Chỉ nghe nói ngay tối hôm đó ông ngất đi ở ngoài phố cách bến không xa rồi người ta đưa ông ta vào một căn nhà gần đấy. Ngoài ra tôi không biết gì thêm. Cha tôi thật hết lòng đối với tôi. Khi tôi kể lại mọi việc thì cha tôi liền bỏ cả công việc đưa tôi về Anh để khỏi vương vấn tới chuyện xưa. Cha tôi sợ tôi cũng nhảy xuống biển tự tử nốt và hình như đã có lần tôi xuýt nhảy xuống biển thật. Nhưng sau khi biết cha tôi mắc bệnh ung thư thì tôi phải trấn tĩnh lại vì ngoài tôi ra không còn ai săn sóc cha tôi. Sau khi cha tôi mất đi, chỉ còn lại tôi với mấy đứa em trai nhỏ. Trong lúc anh cả tôi chưa đưa chúng về nuôi được thì mình tôi phải cáng đáng. Sau Giô-va-ni tới, Xê-da ạ. Buổi đầu chúng tôi thật rất ngại gặp nhau bởi vì giữa chúng tôi là cả một kỷ niệm ghê gớm. Giô-va-ni thường ân hận cay đắng rằng chính anh cũng có lỗi nặng vì anh đã viết bức thư trong tù gửi ra. Nhưng tôi nghĩ chính nỗi đau khổ chung đã làm chúng tôi gần nhau.
Mac-ti-ni mỉm cười, lắc đầu nói :
Có lẽ về phía chị thì như thế đấy, nhưng còn Giô-va-ni thì đã quyết tâm ngay từ buổi đầu gặp gỡ với chị rồi. Tôi còn nhớ sau chuyến đầu tiên đi Li-voóc-nô trở về Milan, suốt ngày anh ấy nhắc đến chị, nói rất nhiều về một thiếu nữ người Anh tên là Giê-ma làm cho tôi nhức cả đầu. Tôi còn nhớ hình như lúc ấy tôi ghét chị lắm….Kìa, Hồng y
giáo chủ đến rồi !
Chiếc xe ngựa ruổi qua cầu và dừng bánh trước một ngôi nhà lớn ven sông. Mông-ta-ne-li ngồi, ngả lưng vào gối tựa. Chắc hẳn ông ta rất mệt và không để ý tới đám đông đang hớn hở xúm xít cạnh cửa để ngóng nhìn mặt ông. Niềm xúc động ngời lên trên bộ mặt đó trong nhà thờ, nay đã tắt đi và giờ đây, dưới ánh mặt trời vẻ lo âu và mệt mỏi hiện ra rõ nét. Khi Mông-ta-ne-li bước ra khỏi xe và bước lên bậc cửa với dáng đi nặng nhọc, lờ đờ của tuổi già mệt mỏi lại đau tim, thì Giê-ma trở gót, từ từ đi ra cầu. Cái nhìn mờ mịt và tuyệt vọng của Mông-ta-ne-li dường như thoáng phản ánh trên mặt chị. Mac-ti-ni lặng lẽ đi bên cạnh. Giê-ma lại phân vân sau giây lát im lặng :
Tôi nghĩ mãi không biết ông ta lừa dối Ác-tơ điều gì ? Và đôi lúc tôi nghĩ…
Nghĩ sao hở chị ?
Phải, thật là một điều hết sức kỳ lạ…Tại sao hai người trông giống nhau một cách lạ lùng…
Hai người nào nhỉ ?
Ác-tơ và Mông-ta-ne-li. Mà cũng không chỉ riêng tôi nhận thấy điều đó. Hơn nữa, những người trong gia đình nhà ấy có một cái gì bí ẩn lắm. Bà Bớc-tơn, mẹ Ác-tơ, là một trong những người đàn bà hiền dịu nhất mà tôi từng quen biết. Cũng một khuôn mặt thanh tú như Ác-tơ và có lẽ cả tính nết cũng không khác gì nhau. Nhưng lúc nào bà cũng có vẻ sợ sệt như một kẻ tội phạm bị bắt quả tang. Đứa con dâu của người vợ trước đối với bà thật còn tệ hơn cả người đối với chó. Còn chính Ác-tơ thì cũng chẳng giống như những người anh hèn nhát của mình chút nào…Lúc nhỏ thì dĩ nhiên nhiều cái chỉ thoáng qua, nhưng sau khi nghĩ lại tôi luôn luôn ngờ rằng Ác-tơ không phải là người họ Bớc-tơn.
Cố nghĩ ra lời an ủi Giê-ma, Mac-ti-ni nói :
Cũng có thể là Ác-tơ biết chuyện gì của mẹ nên đi tới quyết định tự tử chứ không phải vì câu chuyện lừa gạt của Các-đi.
Nhưng Giê-ma lắc đầu :
Xê-da, nếu anh nhìn thấy vẻ mặt Ác-tơ sau khi tôi tát Ác-tơ thì anh sẽ chẳng nói như vậy. Sự phỏng đoán về Mông-ta-ne-li có lẽ đúng, có thể như thế lắm…Nhưng cái gì tôi đã làm thì trót làm mất rồi.
Họ im lặng bước trong mấy phút. Cuối cùng, Mac-ti-ni nói :
Giê-ma thân yêu, nếu như trên thế gian này chúng ta có một phép lạ nào có thể xóa bỏ được cái đã trót làm thì mới nên vấn vương về sai lầm cũ. Nhưng nếu không thì thôi, cứ để cho người chết chôn vùi những gì đã chết. Câu chuyện ấy thật khủng khiếp. Nhưng, dù sao người bạn trẻ đáng thương ấy đã được giải thoát rồi và có lẽ lại may mắn hơn bao kẻ hiện nay còn ngồi trong tù hoặc đang rên siết nơi đầy ải xa xăm. Đấy, chính đó mới là những người chúng ta nên nghĩ tới. Chúng ta không có quyền để cho lòng mình tan nát chỉ vì xót thương cho những người đã chết. Chắc chị nhớ câu nói của thi sĩ Sê-li mà chị hằng ưa thích : ” Cái gì đã qua là thuộc về cái chết, còn tương lai là của ta”. Chị hãy nắm lấy tương lai. Trong khi tương lai còn thuộc về chị thì chị không nên tập trung suy nghĩ về những cái xa xưa để gây hại cho mình, mà nên nghĩ tới cái gì hiện nay mình có thể làm được để giúp cho tương lai.
Say sưa với câu nói của mình, Mac-ti-ni nắm lấy tay Giê-ma. Nhưng khi nghe thấy một giọng nói mềm mại, lạnh lùng và uốn éo ở đằng sau thì anh vội buông tay ra. Giọng nói đó kéo dài và se sẽ như lời nói thầm
Hồng y giáo chủ Mông-ta…ta-ne-li hiển nhiên có đủ tất cả những đức tính như ông vừa nói, thưa ông bác sĩ rất đáng kính của tôi ơi ! Thực ra đối với thế giới này, ông ấy thật quá tốt nữa ấy chứ ! Vì vậy cần phải tống tiễn ông ấy sang thế giới khác một cách cung kính hơn. Tôi tin rằng ở nơi đó ông ta cũng sẽ oanh liệt chẳng kém gì ở đây. Ở thế giới đó chắc là chẳng…chẳng thiếu gì những con ma cũ chưa …chưa hề trông thấy những của hiếm như vị Hồng y giáo chủ có lương tâm của chúng ta. Mà ma quỷ lại rất ưa sự mới lạ.
Liền đó vang lên giọng nói của bác sĩ Ri-cac-đô. Trong giọng ấy lộ ra một vẻ bực tức không nén nổi :
Sao ông biết điều đó ?
Dạ thưa ông tôi đọc ở Kinh thánh ra ạ. Nếu tin vào sách Phúc âm thì đến con ma đáng kính nhất cũng thích làm những chuyện gán ghép cừ khôi. Mà lương tâm và Hồng y giáo…giáo chủ theo tôi, thì đó là một sự gán ghép rất kỳ khôi đến khó mà nuốt cho trôi, chẳng khác gì đem tôm trộn với mật. À ! Ông Mac-ti-ni và bà Bô-la ! Hôm nay trời đẹp sau trận mưa, có phải không ạ ? Các vị cũng có nghe Xa-vô-ra-nô-la mới giảng đạo đấy chứ ?
( Xa-vô-ra-nô-la Gi-rô-la-mô (1452-1498) :một nhà truyền đạo nổi tiếng ở Phơ-lô-răng-xơ. Ông thường vạch tội những hành vi xấu xa của Giáo hội và nhà cầm quyền nên đã bị xử tử vì tội theo tà giáo)
Mac-ti-ni quay ngoắt lại. Ruồi trâu miệng ngậm xì gà, ve áo cài một bông hoa tươi đang giơ bàn tay gầy gò nhưng đeo găng rất lịch sự cho anh bắt. Giờ đây, khi ánh dương nhảy nhót trên đôi giày bóng lộn và từ mặt nước ánh lên bộ mặt tươi cười của Ruồi trâu thì Mac-ti-ni thấy Ruồi trâu không đến nỗi què quặt, mà lại chững chạc hơn bao giờ hết. Họ bắt tay nhau : người thì vồn vã, kẻ thì lầm lì. Giữa lúc ấy Ri-cac-đô bỗng kêu lên :
Bà Bô-la, bà mệt hay sao !
Mặt Giê-ma lấp lánh dưới vành mũ nên đã tái lại càng thêm tái nhợt đi, dải mũ buộc dưới cổ rõ ràng phập phồng cùng một nhịp với trái tim đập thon thót. Chị nói một cách yếu ớt :
– Xin phép các ông tôi muốn về nhà.
Họ gọi một chiếc xe đến, Mac-ti-ni theo xe đưa chị lại nhà. Khi Ruồi trâu cúi xuống gỡ chiếc áo choàng của Giê-ma vướng vào bánh xe, anh đột nhiên ngước mắt nhìn chị.
Và Macti-ni thấy chị co rúm người lại, nét mặt khủng khiếp.
Xe vừa chuyển bánh, Mac-ti-ni liền dùng tiếng Anh hỏi chị :
Sao thế, Giê-ma ? Thằng khốn kiếp ấy nói gì với chị thế ?
Không, có nói gì đâu. Không phải tại ông ấy đâu. Tôi..tôi sợ đấy thôi !
Chị sợ gì ?
Phải !…Hình như tôi thấy…
Giê-ma lấy tay che mắt, và Mac-ti-ni lặng lẽ đợi chị hồi tỉnh lại. Cuối cùng nét mặt Giê-ma đã trở lại tự nhiên. Quay về phía Mac-ti-ni, chị nói với một giọng bình thường :
Ý anh nói rất đúng. Nhìn về quá khứ thê thảm thật không ích gì. Nó làm cho cân não suy nhược và đưa đến những ảo tưởng hết sức kỳ dị. Thôi từ nay đừng nhắc tới chuyện ấy nữa Xê-da ạ, kẻo cứ gặp ai tôi cũng lại thấy giống như Ác-tơ. Thật đúng là một ảo tưởng, một cơn ác mộng giữa ban ngày. Anh có biết không, lúc nãy khi con người đáng ghét ấy tới tôi tưởng chừng như trông thấy Ác-tơ.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.