Thuật Thúc Đẩy Nhân Viên
Chương 20. Hãy nhớ đến yếu tố tình bạn
Khi các nhân viên được khảo sát về các đặc điểm của những ông chủ tốt nhất mà họ
từng có, họ hầu như đều trả lời rằng, “Tôi luôn có cảm giác các sếp quan tâm đến tôi như một cá thể, chứ không phải chỉ là một nhân viên bình thường.” Yếu tố tình bạn là chất lượng mối quan hệ quan trọng dẫn đến và cho phép mọi người nỗ lực hết sức. Thiết lập các mức độ tình hữu nghị cao nhất giữa nhân viên và người quản lý là chìa khóa để thành công trong kinh doanh ngày nay. Chất lượng của tương tác giữa nhà tuyển dụng và người lao động là yếu tố quyết định về động lực và hiệu quả trong bất cứ tổ chức nào. Sự tồn tại hay không tồn tại của yếu tố tình hữu nghị sẽ xác định mức độ hữu ích và hợp tác của các nhân viên khi họ làm việc cho bạn, với bạn và với các thành viên khác để hoàn thành công việc.
Nói rộng hơn, việc nói rằng thành công của bạn trong kinh doanh tỷ lệ thuận với số lượng và chất lượng của quan hệ đối tác trong kinh doanh mà bạn phát triển trong suốt sự nghiệp rất đúng đắn. Không chỉ ở số lượng những người bạn biết, mà cả số lượng những người biết bạn. Càng có nhiều người biết và yêu quý bạn, họ sẽ càng cởi mở hơn trong việc tự nguyện giúp đỡ bạn trong cuộc sống và công việc. Sự tồn tại của yếu tố tình bạn có tác động rất lớn đến việc các nhân viên của bạn có nỗ lực hơn nữa trong việc đạt được chất lượng, sự xuất sắc và cảm thấy tuyệt vời về bản thân mình khi làm việc với bạn hay không.
Thể hiện sự rõ ràng và khả năng cân nhắc
Các nhà quản lý tuyệt vời dường như cân bằng được hai phẩm chất quan trọng: sự rõ ràng và khả năng cân nhắc. Họ thể hiện sự quan tâm và thân ái với các nhân viên của họ, đối xử với họ như các thành viên trong gia đình công ty và khiến họ cảm thấy hạnh phúc và an toàn trong công việc. Đồng thời, họ rất rõ ràng về các nhiệm vụ, kết quả công việc và trách nhiệm của mỗi người với công việc đó. Tất cả nhân viên biết chính xác những gì được kỳ vọng trong công việc. Yếu tố tình bạn được phát triển với ba chữ C: Consideration (sự cân nhắc), Caring (chăm sóc) và Courtesy (lịch sự). Đây là những hành vi bình thường của các nhà quản lý tuyệt vời đối với các nhân viên của họ.
Bạn thể hiện sự cân nhắc với các nhân viên khi hỏi họ về bản thân, đặc biệt là về gia đình và cuộc sống cá nhân của họ. Khi tỏ ra quan tâm đến những gì họ đang làm ngoài công việc, bạn đang nói với họ rằng bạn coi họ như một cá thể có cuộc sống rất tách biệt với công việc. Khi bạn hỏi mọi người về cuộc sống cá nhân của họ và chăm chú lắng nghe các câu trả lời, họ cảm thấy có giá trị hơn và quan trọng trong mắt bạn và kết quả là họ yêu quý và tôn trọng bạn nhiều hơn.
Quan tâm đến các nhân viên của bạn
Bạn thể hiện sự quan tâm đến các nhân viên khi họ kể cho bạn về một vấn đề và bạn ngay lập tức dừng lại công việc đang làm, tìm cách giúp họ giải quyết vấn đề bằng cách nào đó.
Ví dụ, tôi luôn nói với nhân viên của tôi rằng, “Ưu tiên trẻ em trước nhất”. Bằng cách này, tôi có ý rằng bất cứ đứa trẻ nào có nhu cầu hoặc gặp vấn đề gì trong khi họ đang làm việc, họ có thể rời đi ngay lập tức để chăm sóc các con mà không bị khấu trừ lương hoặc yêu cầu làm bù. Đối với các bà mẹ trẻ, đây là một trong những cách tốt nhất để nhà tuyển dụng cho thấy rằng bạn thực sự quan tâm đến họ và những thứ quan trọng nhất của cuộc sống của họ.
Khi bạn đặt ra các câu hỏi cho nhân viên của mình về gia đình và cuộc sống cá nhân của họ và thông cảm với những thách thức họ phải đối mặt, bạn đã chứng tỏ rằng bạn thực sự quan tâm đến họ. Bạn cũng cho thấy sự quan tâm và cân nhắc bằng cách đánh giá cao và khen ngợi họ về tài sản của họ, quần áo và những thành tựu cá nhân.
Thực hành quy tắc vàng về quản lý
Bạn thể hiện sự lịch sự đối với nhân viên của bạn khi bạn quan tâm và tôn trọng cá nhân mỗi người. Khi duy trì một thái độ lịch sự, đặc biệt là khi bị căng thẳng, khi một tình huống có vấn đề hoặc khi một nhân viên gặp khó khăn – bạn đang làm gia tăng cảm xúc của mọi người về sự an toàn và thoải mái tại nơi làm việc. Khi bạn lịch sự với mọi người, nó giúp cải thiện tinh thần và động lực của họ. Chìa khóa đối với yếu tố tình hữu nghị là bạn có thể thực hành những gì được gọi là “Quy tắc vàng về quản lý”. Hãy đối xử với người khác theo cách bạn muốn được đối xử bởi cấp trên của bạn. Đối xử với nhân viên của bạn như thể họ là những đối tác hoặc khách hàng – là một phần cần thiết, quan trọng trong doanh nghiệp.
Khi Jack Welch là CEO của General Electric, ông khuyến khích tất cả các quản lý đối xử với các nhân viên của họ như thể các nhân viên này sẽ trở thành các nhà quản lý trong năm sau. Do tính chất cạnh tranh của General Electric và sự thăng tiến nhanh chóng của những người có năng lực, nên không khó để mọi người thấy mình làm việc dưới quyền một người từng là cấp dưới của mình cách đó không lâu. Sự thay đổi vị trí tiềm năng này khiến mọi người trong General Electric đối xử với nhau một cách chính xác như cách họ muốn được đối xử nếu các vị trí được đảo ngược.
Thời gian tuyệt vời nhất trong công việc
Thời gian tuyệt vời nhất trong sự nghiệp là khi bạn có mối quan hệ tuyệt vời nhất với cấp trên của bạn. Thời gian tệ nhất trong sự nghiệp của bạn là khi bạn gặp khó khăn hoặc các vấn đề với cấp trên. Công việc của một nhà quản lý là đảm bảo rằng bạn có mối quan hệ tốt đẹp với tất cả nhân viên và ngược lại. Không khó thực thi nguyên tắc vàng về hành vi của bạn đối với các nhân viên. Bạn chỉ có thể tự đặt ra một số câu hỏi quan trọng như:
Điều gì khiến tôi cảm thấy tốt nhất về bản thân khi tôi làm việc? Điều gì khiến tôi hạnh phúc, vui mừng, nhiệt tình và hoàn thành công việc?
Những ông chủ tốt nhất mà tôi đã từng có là ai và họ đã làm gì hay nói gì với tôi khiến tôi cảm thấy hài lòng về công việc? Tôi có thể có cảm giác tích cực tương tự ở các nhân viên của tôi bằng cách nào?
Mối quan hệ lý tưởng mà tôi muốn có với các đồng nghiệp của tôi là gì?
Dù bạn trả lời thế nào cho những câu hỏi trên, hãy sử dụng chúng như một hướng dẫn cho cách bạn đối xử với nhân viên của mình. Làm và nói những điều tương tự với những người khác mà bạn muốn họ làm và nói với bạn, nếu các bạn đổi vị trí cho nhau.
Bài tập thực hành
1. Mỗi ngày, khi giao tiếp lần đầu tiên với các nhân viên, hãy hỏi họ về bản thân, cuộc sống cá nhân và gia đình họ. Chăm chú lắng nghe các câu trả lời, gật đầu, mỉm cười và thể hiện sự quan tâm và cảm thông của bạn. Chỉ sau đó bạn mới nên bắt đầu nói chuyện về công việc.
2. Thực thi quy tắc vàng về quản lý trong mọi trường hợp. Khi bạn nói chuyện với một nhân viên, hãy tưởng tượng rằng người đó sẽ là ông chủ của bạn trong một thời gian ngắn tới và chỉ bạn biết về điều đó.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.