Viết gì cũng đúng
7. Viết một bài luận
A. Nghiên cứu vấn đề
Bây giờ, chúng ta chuyển từ việc viết những lập luận ngắn sang viết những lập luận dài hơn – từ lập luận trong đoạn văn thành lập luận trong bài luận. Một bài luận thường là sự giải thích tỉ mỉ một lập luận ngắn hay một chuỗi những lập luận ngắn được kết hợp lại trong một bài viết có quy mô hơn. Nhưng quá trình suy nghĩ và xây dựng một bài luận rất khác so với một lập luận ngắn.
Ba chương tiếp theo trình bày ba giai đoạn của việc viết một bài luận. Chương 7 nói về Nghiên cứu vấn đề, Chương 8 đề cập tới Những điểm chính của bài luận và Chương 9 là thực sự Viết một bài luận. Những nguyên tắc trong các chương này được đặt ký hiệu A, B hay C.
Phần Giới thiệu phân biệt hai công dụng chính của lập luận: để nghiên cứu tìm ra giá trị của một luận điểm và để bảo vệ luận điểm đó một khi bạn đã đạt được thành quả. Bước đầu tiên là nghiên cứu. Trước khi bạn có thể bắt đầu viết một bài luận, bạn phải làm sáng tỏ vấn đề và tự mình suy nghĩ ra tất cả các luận điểm.
A1. Nghiên cứu những lập luận trên tất cả các mặt của vấn đề
Một vài người đã đề xuất “kế hoạch quà tặng” cho các trường tiểu học và cấp hai. Theo kế hoạch này, số tiền thuế được cấp cho các trường công sẽ được chia đều cho các bậc phụ huynh dưới dạng “phiếu quà tặng.” Sau đó, họ có thể dùng những phiếu này để chuyển cho những ngôi trường họ chọn bao gồm cả các trường tư và trường dòng. Chính phủ sẽ điều tiết các trường cạnh tranh nhau nhằm bảo đảm rằng tất cả đều đạt chuẩn tối thiểu nhưng mọi người được tự do chọn lựa bất kỳ trường nào mà họ thích miễn sao đạt các tiêu chuẩn trên.
Giả sử bạn được giao viết một bài luận về chủ đề “kế hoạch quà tặng”. Đừng bắt đầu lao vào lập luận bảo vệ ý kiến đầu tiên xuất hiện trong đầu bạn. Đâu có ai hỏi bạn về ý kiến xuất hiện đầu tiên của bạn. Người ta yêu cầu bạn đi đến một kết luận có đầy đủ thông tin và kết luận đó phải được bảo vệ bằng những lập luận vững chắc. Điều đó mất thời gian!
Đầu tiên, hãy tìm ra đâu là lập luận vững chắc nhất của từng bên theo luận điểm riêng của mình. Hãy đọc những bài báo hoặc nói chuyện với những người có quan điểm khác nhau.
Lập luận vững chắc nhất của bên ủng hộ phiếu quà tặng chắc hẳn là vì “tự do lựa chọn”. Kế hoạch phiếu quà tặng được tuyên bố là sẽ đưa ra phạm vi lựa chọn trường rộng hơn hiện tại và người ta sẽ không phạt phụ huynh nào chọn trường này thay vì trường khác (đây cũng là cách hệ thống hiện tại đang làm, mọi người đều phải đóng thuế để duy trì các trường công ngay cả khi con cái họ không học ở những trường này) . Lập luận chính chống lại những người ủng hộ phiếu quà tặng có vẻ thuộc về lý lẽ: trường công lập phản ánh thế giới thực, chúng ta phải học cách sống hòa hợp và coi trọng những người không giống chúng ta cũng như với những người mà có thể chúng ta không chọn đi học chung nếu chúng ta có quyền lựa chọn. Các trường công được tuyên bố là nơi tạo ra những công dân dân chủ.
Khi bạn xem xét vấn đề này, bạn sẽ tìm ra những lập luận ủng hộ hoặc chống lại những tuyên bố trên. Bạn cũng sẽ bắt đầu hình thành những lập luận của bản thân. Để đánh giá những lập luận này, hãy sử dụng các nguyên tắc từ Chương 1 đến Chương 4. Hãy thử những hình thức lập luận khác nhau, nghĩ ra một lập luận tốt nhất có thể cho mỗi bên và sau đó phê bình những lập luận này, sử dụng các nguyên tắc đã học.
Hãy nghĩ tới lập luận bằng phép loại suy. Chúng ta đã bao giờ thử cái gì đó giống với hệ thống phiếu quà tặng trước đây chưa? Có lẽ: dù không được trả phiếu quà tặng, những trường cao đẳng và đại học đang cạnh tranh với nhau cũng cung cấp nhiều chương trình giáo dục tốt; do đó hệ thống các trường tiểu học và cấp hai đang cạnh tranh với nhau cũng có thể có những kết quả tương tự. Nhưng hãy chắc rằng đây là một ví dụ tương đồng có liên quan. Thí dụ, hiện tại rất nhiều trường cao đẳng và đại học được tài trợ bằng tiền thuế và do đó, ít ra là trên lý thuyết, những trường này cũng đáp ứng dân chủ. Liệu một hệ thống không có những trường công có cung cấp chương trình giáo dục tốt cho mọi người không? Liệu nó có giúp nhiều người thuộc nhiều thành phần có cơ hội tiếp xúc với nhau không?
Có thể những trường theo kế hoạch phiếu quà tặng có nhiều điểm tương đồng có liên quan hơn với những trường tư và trường dòng. Ở đây bạn cũng cần một vài lập luận từ các ví dụ hay từ chủ thể căn cứ. Những trường tư và trường dòng hiện tại tốt hơn hệ thống trường công thế nào? Liệu chúng có đào tạo ra những con người hòa đồng với những người khác không?
Các suy luận cũng có thể hữu ích. Dưới đây là Tam đoạn luận giả thuyết:
Nếu chúng ta xây dựng một kế hoạch phiếu quà tặng thì các trường sẽ tranh giành học sinh với nhau.
Nếu các trường tranh giành học sinh với nhau thì họ sẽ dùng quảng cáo và chiêu thị để khuyến khích phụ huynh “tham quan chọn trường.”
Nếu phụ huynh được “tham quan chọn trường” thì nhiều phụ huynh sẽ chuyển con mình từ trường này sang trường khác.
Nếu nhiều phụ huynh chuyển con mình từ trường này sang trường khác thì nhiều trẻ em sẽ không thể hình thành được tình bạn lâu bền hay cảm thấy an toàn về môi trường xung quanh.
Do đó, nếu chúng ta xây dựng một kế hoạch phiếu quà tặng thì nhiều trẻ em sẽ không thể hình thành được tình bạn lâu bền hay cảm thấy an toàn về môi trường xung quanh.
Như Nguyên tắc 26 đã chỉ ra, tam đoạn luận giả thuyết thường có thể được sử dụng theo cách này để giải thích mối quan hệ giữa những nguyên nhân và hệ quả. Nó cũng có thể được dùng để tìm ra mối quan hệ đó là gì trong trường hợp bạn không chắc liệu có mối quan hệ nào hay không.
A2. Thẩm tra và bảo vệ tất cả tiền đề của từng lập luận
Khi những tiền đề của một lập luận được đem ra thẩm tra, bạn cũng cần phải lường trước những lập luận cho chúng.
Giả sử bạn đang xem xét tam đoạn luận giả thuyết vừa mới đề cập ở trên. Bạn biết rằng nó là một lập luận có căn cứ; kết luận thực sự theo đúng những tiền đề đưa ra. Nhưng bạn vẫn phải chắc chắn rằng những tiền đề đó đúng. Để tiếp tục làm sáng tỏ vấn đề, bạn cần tiến hành một bước nữa: Bạn phải cố gắng nghĩ ra những lập luận bảo vệ cho bất kỳ tiền đề nào đáng ngờ.
Một lập luận bảo vệ tiền đề thứ hai (“Nếu các trường tranh giành học sinh với nhau thì họ sẽ dùng quảng cáo và chiêu thị để khuyến khích phụ huynh ‘tham quan chọn trường.’) có thể dùng phép loại suy như sau:
Khi các cửa hàng cạnh tranh giành khách hàng, họ cố gắng đưa ra lời mời chào và dịch vụ đặc biệt để biến cửa hàng của mình trở nên thu hút hơn so với đối thủ cạnh tranh và quảng cáo rầm rộ để mang lại nhiều khách hàng mới cũng như kéo khách hàng cũ trở lại. Sau đó những cửa hàng khác cũng sẽ phản ứng bằng cách đưa ra lời mời chào và dịch vụ đặc biệt khác. Khách hàng sẽ bị kéo từ cửa hàng này sang cửa hàng nọ và ngược lại; họ tin rằng họ có thể mua được những món hời nhất bằng cách đi nhiều cửa hàng. Các trường cạnh tranh với nhau cũng cùng một hình thức như vậy. Mỗi trường sẽ quảng cáo và đưa ra đề nghị đặc biệt của mình và các trường khác sẽ có hành động phản ứng tương tự. Các phụ huynh sẽ vòng vòng đi chọn trường như những người mua tạp hóa hay khách hàng trong các trung tâm mua sắm.
Không phải tuyên bố nào cũng cần bảo vệ nhiều. Có thể dễ dàng xác nhận tiền đề đầu tiên của tam đoạn luận giả thuyết (“Nếu chúng ta xây dựng một kế hoạch phiếu quà tặng thì các trường sẽ tranh giành học sinh với nhau”) mà không cần tranh cãi nhiều: đây chính là toàn bộ ý tưởng của kế hoạch phiếu quà tặng. Tuy nhiên, tiền đề thứ hai thì cần một lập luận bảo vệ và tiền đề thứ tư cũng vậy (“Nếu nhiều phụ huynh chuyển con mình từ trường này sang trường khác thì nhiều trẻ em sẽ không thể hình thành được tình bạn lâu bền hay cảm thấy an toàn về môi trường xung quanh.”) Bạn cũng có thể phải lần lượt bảo vệ tiền đề của những lập luận đó. Trong lập luận của tiền đề thứ hai vừa nêu ra ở trên, bạn có thể đưa ra một số ví dụ cho thấy rằng các cửa hàng thực sự cần đưa ra những lời mời chào đề nghị đặc biệt và quảng cáo rầm rộ để đối phó với áp lực cạnh tranh nặng nề.
Bất kỳ tuyên bố nào đáng ngờ sẽ cần ít nhất là một lập luận bảo vệ. Không gian vốn thường giới hạn những gì bạn có thể nói. Với giới hạn không gian hoặc thời gian, hãy chỉ tranh luận cho các tuyên bố quan trọng và gây tranh cãi nhất của bạn. Tuy nhiên, thậm chí trong trường hợp đó, hãy trích dẫn ít nhất một bằng chứng nào đó hay một chủ thể căn cứ cho bất kỳ những tuyên bố nào khác còn mang tính tranh cãi.
A3. Xem xét và cân nhắc lại các lập luận khi chúng bắt đầu rõ nét
Nguyên tắc A1 và A2 phác thảo một quá trình. Bạn có thể cần phải thử rất nhiều kết luận khác nhau – thậm chí là những kết luận đối lập – trước khi bạn tìm ra một quan điểm được bảo vệ bởi những lập luận vững chắc. Thậm chí sau khi bạn đã quyết định kết luận nào mình muốn bảo vệ, bạn cũng có thể phải thử nhiều hình thức lập luận khác nhau trước khi tìm ra hình thức hiệu quả nhất. Nhiều khả năng là lập luận ban đầu của bạn sẽ phải được cải thiện. Rất nhiều nguyên tắc từ Chương 1 đến Chương 6 minh họa cách thức cải thiện và mở rộng các lập luận ngắn: bằng cách thêm vào ví dụ để sử dụng phép lập luận bằng ví dụ (Nguyên tắc 8) , bằng cách trích dẫn và giải thích điều kiện của một chủ thể căn cứ (Nguyên tắc 13 và 14) và còn nhiều cách khác. Đôi khi bạn sẽ không thể tìm ra đủ ví dụ, do đó bạn sẽ phải thay đổi cách thức tiếp cận (hoặc thay đổi suy nghĩ!). Đôi khi trong quá trình tìm kiếm chủ thể căn cứ để bảo vệ cho tuyên bố bạn muốn đưa ra, bạn nhận ra rằng hầu hết các chủ thể đều có quan điểm đối lập (nhiều khả năng bạn sẽ phải thay đổi suy nghĩ) hay ngay cả những người đáng tin cậy nhất có khi cũng không đồng tình với nhau (và khi đó bạn chẳng thể dùng phép lập luận bằng căn cứ được; hãy nhớ lại Nguyên tắc 16).
Hãy cứ thong thả và cho bản thân bạn thêm thời gian. Đây là giai đoạn dễ dàng xem xét lại lập luận của bạn và một chút thời gian thử nghiệm cũng rất đáng giá. Bạn có thể thay đổi suy nghĩ của mình mà không phải chuốc lấy sự xấu hổ và đôi khi bạn thực sự vẫn phải làm như thế. Với một số người viết, đây là phần thỏa mãn và sáng tạo nhất trong quá trình viết lách. Hãy sử dụng nó thật tốt!
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.