Bắt Sóng Cảm Xúc – Bí Mật Lực Hấp Dẫn

CHƯƠNG 3 SỨC MẠNH CỦA SỰ GẦN GŨI



Chúng ta hãy đến thăm một học viện cảnh sát ở Maryland, nơi có 45 học viên vừa tốt nghiệp.

Vài tuần sau khi hoàn thành thủ tục ở trường, các tân cảnh sát nhận được một bức thư từ Mady Wechsler Segal, giáo sư xã hội học của Đại học Eastern Michigan và đang nghiên cứu về sự tương tác giữa các cá nhân. Cô muốn tìm hiểu các nhân tố nào đã giúp những người vừa gặp lập tức cảm mến và hòa hợp với nhau. Vị giáo sư trẻ thu thập thông tin nền và tìm hiểu mối quan hệ của từng học viên với người bạn cùng lớp. Khi nhận được kết quả khảo sát, Segal tiến hành kiểm tra dữ liệu và cố gắng phân tích nguyên do khiến mỗi đôi trở nên thân thiết.

Mọi người vẫn nghĩ rằng các yếu tố như tôn giáo, tuổi tác, tình trạng hôn nhân, sắc tộc và sở thích có sức ảnh hưởng lớn và là nền tảng cho sự hòa hợp tức thời. Tuy nhiên, Segal đã phát hiện ra chính yếu tố chỗ ngồi trong lớp mới quyết định mối gắn kết của các học viên – những yếu tố bên trên chỉ đóng vai trò phụ trợ.

Quả thật, khoảng cách thật sự tác động đến khả năng hình thành mối quan hệ. Chúng ta có khuynh hướng dễ kết thân với những người sống và làm việc cạnh mình. Những người láng giềng sẽ có xu hướng thân thiết với nhau hơn những người sống ở các khu dân cư khác. Nhưng điều thú vị chính là hiệu ứng của sự gần gũi tác động lên từng cặp hai con người tương đối gần nhau này. Chúng ta thường không chú tâm đến việc chúng ta sẽ ngồi ở vị trí nào trong lớp học hoặc trong một buổi họp. Nhưng thật ra khoảng cách xa gần đó sẽ tạo nên nhiều điều bất ngờ. Hiện tượng bắt sóng cảm xúc sẽ có nhiều khả năng xảy ra khi chúng ta ngồi gần hoặc ngồi cạnh một người khác. Chúng tôi gọi hiện tượng này là sự lôi cuốn ngoại biên.

Đây là phát hiện đưa chúng ta đến nhân tố tích lũy cảm xúc thứ hai – sự gần gũi. Tất cả học viên trong cùng một lớp đều tham gia các hoạt động tập thể và có với nhau nhiều kỷ niệm chung. Vì vậy, chúng ta có thể đưa ra hàng loạt lý do khiến họ có thể kết bạn với nhau. Tuy nhiên, khảo sát của Segal cho thấy 9/10 học viên đã kết bạn với người bạn ngồi cạnh mình. Nói cách khác, yếu tố quyết định mối gắn kết giữa bạn và người khác không phải là tính cách hay sở thích chung, mà là sự gần gũi.

Theo các nhà tâm lý học, sức mạnh của sự gần gũi nằm ở những cuộc giao tiếp tự phát – thuật ngữ chỉ những cuộc đối thoại tình cờ khi mọi người gặp nhau ở cùng một nơi vào cùng một thời điểm. Chẳng hạn, bạn gặp người hàng xóm ở công viên và hỏi thăm vài câu, hoặc bạn tán gẫu với một người xếp hàng sau bạn tại quầy thu ngân trong siêu thị… Sau vài lần như vậy, những cuộc tương tác ngẫu nhiên này có thể dẫn đến một mối quan hệ lâu dài.

Tuy nhiên, kiểu tương tác này đang dần ít đi, bởi con người đang sống trong thời đại mà tất cả đều bị cuốn theo vòng quay vội vã của công việc, khiến chúng ta có xu hướng tiết giảm các hoạt động tương tác trong giao tiếp. Chúng ta luôn được khuyến khích tối đa hóa hiệu quả: viết e-mail thay vì gọi điện thoại, họp trực tuyến thay vì cùng gặp nhau trong phòng, đi thẳng vào vấn đề cốt lõi mà không lãng phí thời gian cho các vấn đề không liên quan… Trên thực tế, chính những cuộc đối thoại hoặc tương tác không định trước lại ẩn chứa một sức mạnh lớn lao – chúng tạo ra chất keo gắn kết, cho phép hình thành những mối quan hệ thân thiết và các tương tác gần gũi hơn giữa mọi người với nhau.

Để hiểu rõ hơn, chúng ta hãy quan sát những phát hiện của hai giáo sư Julien Mirivel và Karen Tracy ở Đại học Colorado về ảnh hưởng của các cuộc trao đổi bên lề buổi họp trong các doanh nghiệp. Các giáo sư đã đặt máy quay phim trong phòng họp của một công ty, nơi diễn ra cuộc họp giao ban hàng tuần của lãnh đạo với các trưởng bộ phận. Và họ cảm thấy bất ngờ về cảnh quay trước khi cuộc họp bắt đầu. Hãy xem hai đoạn đối thoại được trích ra:

Josh: Tối qua cậu ngủ được chứ?

Joe: Cũng chợp mắt được một lát.

Heather: Em bé sinh chưa, Joe? [Joe gật] Bé trai hay bé gái?

Joe: Bé trai.

Mới nghe qua thì đây có vẻ như là một cuộc tán gẫu bình thường. Heather và Josh (sếp) biết Joe mất ngủ vì vừa có em bé. Nhưng sau đó, khi Joe kể lại ngày con chào đời, các đồng nghiệp khác trong phòng cũng hào hứng hỏi han. Khi nhìn vào đoạn hội thoại bên dưới, liệu bạn có thể nhận ra những khoảnh khắc mà cuộc trò chuyện đã tạo nên sợi dây gắn kết mọi người không?

Joe: Tôi bay về vào tối thứ Sáu và đến bệnh viện luôn. Tối hôm sau Andy [vợ Joe] sinh.

Josh: Cô ấy tự lái xe đến bệnh viện ư?

Joe: Không, cô ấy nhờ bạn đưa đi.

Amy: Ra thế!

Joe: Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng. Nhưng lúc cô ấy đến bệnh viện thì tôi còn đang trên máy bay. Khi xuống sân bay, tôi nhận được tin nhắn họ đang trên đường đến bệnh viện. Tôi lao xe đi với tốc độ 140 km/giờ. May thay, tôi đến vừa kịp lúc, mọi chuyện vẫn ổn. Ngày hôm sau, chúng tôi trở về nhà, và lúc đó tôi lại bị phạt vì chạy quá tốc độ.

Mọi người bật cười.

Bạn có nhận ra không? Đây là cuộc trò chuyện khá đơn giản và không liên quan đến công việc. Nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng chính những lời thăm hỏi đã hình thành sợi dây gắn kết xã hội. Cuộc trò chuyện khởi đầu từ lời hỏi thăm của vị giám đốc Josh khi ông thấy Joe có vẻ mệt mỏi. Những nhân viên khác trong phòng họp cũng tham gia vào câu chuyện và chia sẻ niềm vui với Joe. Đây là cơ hội để mọi người trong công ty xích lại gần nhau. Sự quan tâm như thế khó xảy ra trong một cuộc họp trực tuyến.

Hãy nhớ lại các học viên ở học viện cảnh sát Maryland. Khi ngồi cạnh một người, bạn có xu hướng đối thoại với họ về mọi đề tài, từ thời tiết đến trận bóng tối qua. Bạn sẽ có cơ hội tiếp xúc, tương tác và tìm hiểu họ. Cứ như vậy qua thời gian, bạn không nhận ra rằng những tương tác này đã trở thành nền tảng cho các mối quan hệ mới.

Không có những tương tác tự phát như thế, bạn sẽ khó tạo dựng các mối quan hệ bởi thiếu đi “chất keo xã hội” gắn kết bạn và người khác. Khi đó, hai bên sẽ dễ nảy sinh mâu thuẫn và hiểu lầm hành vi hay cử chỉ của nhau.

Theo lý thuyết lôi cuốn ngoại biên, các nhóm cùng một phòng ban hay chung một bộ phận ít có mâu thuẫn về trách nhiệm và nghĩa vụ. Họ cảm thấy dễ đồng thuận với một chiến lược kinh doanh của công ty nhằm cùng nhau phát triển. Các thành viên của các nhóm gần nhau cũng có xu hướng dễ hòa hợp với nhau hơn – và giữa họ cũng ít xảy ra các xung đột cá nhân. Khi các nhà nghiên cứu trò chuyện với các thành viên của các nhóm, họ nhận ra rằng chính những cuộc trò chuyện xoay quanh đời sống hàng ngày giữa các thành viên trong cùng một nhóm, bộ phận đã làm giảm đáng kể mọi xung đột. Các cuộc đối thoại này mở đầu cho hiện tượng tương tác đồng thời, “diễn ra trong khung cảnh chung và phát huy những điểm tương đồng”. Nói cách khác, chính sự gần gũi đã gắn kết các thành viên trong một tập thể lại với nhau.

Nhưng nếu thiếu vắng yếu tố ngôn ngữ thì sao? Nghĩa là sự tương tác diễn ra theo hình thức giao tiếp phi ngôn ngữ, chẳng hạn như chúng ta gật đầu hay mỉm cười chào người quen. Các nhà tâm lý gọi sự tương tác này là giao tiếp thụ động – vốn được ghi nhận trong tiềm thức của mỗi người. Các cuộc nghiên cứu chỉ ra rằng càng giao tiếp thụ động với người khác, ta càng có nhiều khả năng bị họ cuốn hút.

Richard Moreland và Scott Beach, hai nhà tâm lý học đến từ Đại học Pittsburgh, đã tiến hành nghiên cứu xu hướng này ngay tại trường và kéo dài suốt một học kỳ. Họ chọn bốn cô gái cùng tuổi, có dáng vẻ gần giống nhau, cùng dễ thương, lôi cuốn và thân thiện. Tiếp theo, họ yêu cầu bốn cô gái tham gia khóa học tâm lý được tổ chức trong một giảng đường có 200 sinh viên. Không sinh viên nào biết trước cuộc nghiên cứu này. Cô gái đầu tiên học 15 tiết, cô thứ hai 10 tiết, cô thứ ba 5 tiết, còn cô cuối cùng không học tiết nào.

Mỗi cô gái đều đến giảng đường trước giờ học vài phút, đi chầm chậm trước các dãy ghế rồi ngồi ở vị trí mà tất cả sinh viên đều có thể trông thấy. Trong suốt giờ học, họ chỉ lắng nghe và ghi chép. Một vài phút sau khi buổi học kết thúc, họ sẽ đi từ từ về phía cuối hội trường để ra về. Các cô gái không được phép giao tiếp (ngôn ngữ hoặc phi ngôn ngữ) với các sinh viên khác. Các sinh viên còn lại trong hội trường chỉ nhìn thấy các cô đến lớp và ra về mà không có cơ hội tiếp xúc. Vậy thì các cô gái đã để lại ấn tượng gì đối với 200 sinh viên đó?

Cuối học kỳ, các sinh viên trong lớp được xem ảnh của mỗi cô gái và được hỏi có nhận ra cô gái trong ảnh hay không. Chỉ có khoảng 10% sinh viên nói là cô gái trong bức ảnh trông quen quen. Không ai dám khẳng định: “Cô ấy học cùng lớp với tôi”. Ngay cả những sinh viên nói rằng đã từng gặp một trong số họ cũng không nhớ đã gặp các cô ở đâu. Nói cách khác, giao tiếp thụ động ảnh hưởng không nhiều đến nhận thức.

Tuy nhiên, ở khía cạnh tiềm thức thì lại là một việc khác. Cô gái nào đến lớp nhiều hơn được đánh giá thu hút hơn. Và có một khoảng cách rất lớn giữa cô gái tham gia 15 tiết học và cô gái không học tiết nào. Tuy phần đông sinh viên không nhớ rõ cả bốn cô, nhưng việc xuất hiện nhiều lần đã giúp hình ảnh cô gái in vào tiềm thức của các sinh viên và khiến họ trông lôi cuốn hơn.

Các nhà nghiên cứu kết luận: “Chúng tôi thật sự kinh ngạc trước hiệu ứng tương đối mạnh của sự lôi cuốn bề ngoài. Các sinh viên tỏ ra yêu mến cô gái này hơn cô gái kia chỉ vì cô ấy quen thuộc hơn”. Nói cách khác, một người càng thân quen, dù chỉ trong tiềm thức, cũng sẽ trở nên có sức hút hơn.

Và hiện tượng này không dừng lại ở khía cạnh lôi cuốn. Khi các sinh viên trong giảng đường đánh giá về khả năng kết bạn với bốn cô gái, cô thứ ba và thứ tư nhận được tỷ lệ 43% và 41%, còn cô thứ nhất và thứ hai là 60% và 57%. Việc đến lớp và xuất hiện trước mặt mọi người nhiều hơn đã giúp hai cô gái này “thắng” về điểm thân thiện và lôi cuốn. Đây chính là hiệu ứng của yếu tố gần gũi về mặt khoảng cách.

Có thể thấy rằng con người có xu hướng kết thân và xây dựng mối quan hệ, hay bắt sóng cảm xúc, với những người sống hoặc làm việc bên cạnh mình. Ngay cả sự tiếp xúc thụ động cũng có thể gây ảnh hưởng mạnh mẽ. Câu thành ngữ “thân quá hóa nhờn” không thật sự đúng. Trên thực tế, sự quen thuộc khiến con người quan tâm đến nhau nhiều hơn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.