Những Điều Trường Harvard Vẫn Không Dạy Bạn

7. Hoàn thành công việc ngay trên đường



THẾ GIỚI THEO CÁCH NHÌN CỦA NHÂN VIÊN SAU QUẦY

Nếu bạn cũng đi nhiều như tôi, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra rằng cuộc sống trên đường của bạn phụ thuộc vào lòng trắc ẩn của những nhân viên sau quầy như thế nào. Bạn cũng sẽ bắt đầu đánh giá cao khuôn mặt phía sau quầy.

Thế nhưng, nhiều người không làm vậy.

Có thể trong các chuyến đi của mình, bạn đã chứng kiến kịch bản sau đây. Một người đi tới quầy bán vé máy bay nhận được thông báo rằng anh ta bị bật khỏi một chuyến bay quá nhiều người đặt. Anh ấy sẽ làm bất cứ điều gì để đáp chuyến bay đó. Thật không may, sự thất vọng làm anh ấy trở nên dại dột. Thay vì ngồi lại và tìm kiếm giải pháp, anh ấy bắt đầu thúc giục – thúc giục rất mạnh mẽ.

Anh ấy cố gắng giở đủ trò đề tìm cách lên máy bay. Anh ấy nhiếc móc nhân viên bán vé (người đúng ra chẳng có lỗi gì), thóa mạ hãng hàng không, đòi gặp người quản lý và khiến mình trở nên ngốc nghếch. Tất cả những hành động ấy làm cho anh cảm thấy thoải mái được một chút nhưng lại khiến người bán vé giận dữ đến độ anh ấy có thể chào tạm biệt chuyến bay.

Thực tế là người bán vé, người xếp chỗ, bồi bàn hay nhân viên khách sạn không có quyền quyết định. Nhưng trong phạm vi hẹp của mình, những nhân viên sau quầy có thể giải quyết tốt với những quyền năng của riêng mình. Họ là người quyết định bạn có một chỗ ngồi tốt trên máy bay hay không hay thậm chí là có được lên máy bay không; bạn có thể thưởng thức bữa ăn ở một góc yên tĩnh hay phải chịu đựng cánh cửa nhà bếp; bạn có thể ngủ trong một căn phòng tiện nghi với giá thấp nhất dù thông tin đặt phòng của bạn bị mất hay phải tự đi tìm nơi trú ngụ.

Đối với những khoảnh khắc ngắn ngủi trong cuộc đời mà bạn tiếp xúc với những nhân viên sau quầy, họ sẽ là người quan trọng nhất trên thế giới nếu bạn quan tâm tới sự thoải mái và sức khỏe của mình. Sau đây là cách để họ về phe bạn:

Làm đẹp lòng họ

Đây là quy tắc đơn giản, dễ nhớ nhất nhưng lại là quy tắc nhiều người quên, đặc biệt là khi đang mệt mỏi, đang vội hay bị trễ lịch (lúc cần một cánh tay giúp đỡ nhất).

Nhiều người không giỏi chuyện phiếm. Số khác không thể giả vờ chân thành. Nhiều người vẫn coi việc làm thủ tục vào – ra và mua vé là những việc vặt hàng ngày. Chẳng có gì đặc biệt xảy ra, chẳng cần trao đổi những từ không cần thiết. Thế là họ đi đến quầy, xưng danh và trông đợi mọi việc diễn ra đâu vào đấy.

Thế nhưng chính khía cạnh thường ngày ấy của cả hệ thống đúng ra sẽ khiến bạn muốn làm một cái gì đó khác thường.

Bạn càng tỏ ra quan tâm tới người ngồi phía bên kia quầy, bạn càng có lợi. Hãy tìm lý do để nói chuyện, “Làm thế nào anh có được nước da rám nặng như vậy?” hay “Cái vòng em đeo đẹp lắm”. Bằng cách này có thể bạn sẽ có một phòng tốt hơn, một chiếc xe tốt hơn hay bất cứ thứ gì khác mà bạn đang cần.

Tốt hơn nữa, hãy chứng tỏ sự kính nể của bạn đối với người đối diện và kiến thức của họ. Ví dụ: “Có vẻ anh biết rõ về các nhà hàng ngon quanh đây. Tối nay tôi nên tới đâu ăn nhỉ?”

Hỏi ý kiến người khác chính là cách thức rất tốt để người khác quan tâm đến bạn hơn.

Để họ thể hiện quyền lực

Tôi quen một người phụ nữ rất biết cách làm cho mọi người thân thiết với mình. Cô ấy dành rất nhiều thời gian cho mọi người. Cô ấy thân thiện, vui tính và quan tâm tới họ. Cô ấy luôn đặt câu hỏi hơn là nói về bản thân. Cô ấy không tìm cách thao túng mọi người. Chỉ đơn giản là cô ấy thích mọi người và cố gắng thêm 5% để mọi người đến với cô ấy. Kết quả là cô ấy được mọi người làm cho nhiều việc khó tin – bởi vì khi ai đó đã tin bạn, họ sẽ cố gắng chứng minh điều đó.

Đây là một trong những tình huống đời thường nhất (nhưng vẫn có thể thất bại). Ví dụ, khi bạn đặt một bữa trưa đặc biệt tại một nhà hàng, bạn có món bánh hamburger, khoai rán kiểu Pháp, sa-lát, bánh táo và trà với giá 9,95 đô-la. Thực đơn ngầm thông báo với bạn: “Không có sự thay thế”. Thế nhưng bạn ghét bánh táo và yêu cầu bánh anh đào thay thế. Nếu bồi bàn thích bạn, cô ấy sẽ vui vẻ thể hiện cho bạn biết cô ấy có quyền thay đổi thực đơn. Đó là vị trí quyền lực của cô ấy. Cô ấy sẽ nói: “Xin cứ yên tâm”, và sẽ mang cho bạn chiếc bánh anh đào.

Hãy cho họ dịp mặc cả

Ở các quốc gia Địa Trung Hải, mọi thứ đều có thể thương lượng hay mặc cả. Người bán hàng và các nhân viên sau quầy thích thú việc mặc cả và có thể không tôn trọng bạn nếu bạn không mặc cả với họ. Họ sẽ nghĩ bạn ngốc nghếch.

Mặc cả trong các cửa hàng bán lẻ là chuyện hiếm ở các nước nói tiếng Anh. Nhưng theo tôi, người bán hàng sẽ nể trọng bạn – và giúp bạn nhiều hơn – nếu bạn thử đề nghị họ giảm giá. Nó cho họ thấy rằng bạn không phải là một người ngốc nghếch.

Điều này đúng dù bạn đang muốn để một muỗng kem trong một cửa hàng bánh kẹo hay đang muốn mua những món nữ trang đắt tiền. Nếu bạn đưa ra điều kiện của mình một cách chắc chắn nhưng lịch sự, người bán hàng có thể sẽ thích thú tranh luận với bạn – và thường là nhượng bộ.

Một trong những người giàu có nhất mà tôi biết là bậc thầy trong việc giành phần thắng trước những người bán hàng bởi khả năng mặc cả của ông ấy. Vài năm trước, khi xem cuộc diễu hành nhân ngày Thánh Patrick trên Đại lộ 15 của New York, ông ấy ghé vào gian trưng bày của một hiệu kim hoàn nổi tiếng. Ông ấy xem một đôi hoa tai rồi hỏi người bán hàng: “Cô còn đôi nào đẹp hơn một chút không?” Người bán hàng cho ông xem một chiếc vòng cổ kim cương và ngọc lục bảo hợp với đôi hoa tai.

Giá bán: 375.000 đô-la.

Ông ấy nói với cô bán hàng: “Cô có hai điều bất lợi. Thứ nhất, chỉ có hai chúng ta ở đây nên sẽ chẳng có ai ấn tượng nếu tôi mua số nữ trang này và cũng chẳng có ai khiến tôi phải ngại khi từ chối mua chúng. Thứ hai, tôi không thật sự cần phải mua. Thế nhưng, tôi sẵn sàng trả cô 225.000 đô-la cho số nữ trang”.

Người bán hàng phát cáu và nói bốp chát: “Thật vớ vẩn thưa ông. Ông nghĩ chúng tôi là ai ạ?”

Bạn tôi vẫn lịch sự. Ông nói: “Đây là danh thiếp của tôi. Đây là địa chỉ khách sạn. Tôi sẽ còn ở đó trong vòng bốn ngày tới”.

Hai ngày sau, người quản lý bán hàng gọi điện cho bạn tôi. “Tôi được biết là ông đã xem bộ kim cương và ngọc lục bảo của chúng tôi”.

“Vâng”, bạn tôi trả lời.

“Chúng tôi có thể để cho ông với giá 300.000 đô-la”.

“Tôi thật sự cảm ơn anh đã gọi điện tới”, bạn tôi nói. “Nhưng tôi đã nói rằng tôi không thật sự cần phải mua. Tôi sẽ trả 225.000 đô-la”.

Hai ngày sau, tiệm kim hoàn gọi lại và để cho ông ấy số nữ trang với giá 225.000 đô-la.

Điều khiến tôi ngạc nhiên là làm thế nào ông ấy có thể mặc cả giống như trong một khu chợ cóc tại ở Teheran. Thế nhưng, một khi họ đã đồng ý thương lượng với bạn tôi, họ sẽ không tránh khỏi việc phải nhượng bộ.

NGUY CƠ CỦA NHỮNG “CHUYẾN ĐI VÔ ÍCH”

Trong nhiều công ty, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia, các nhân viên cấp cao có thể kiếm cớ tới mọi nơi trên thế giới bất cứ lúc nào họ muốn. Điều này có thể dẫn tới một hình thức lạm dụng mà tôi gọi là “chuyến đi vô ích”, mang nghĩa những chuyến đi để nghỉ ngơi hơn là vì công việc.

Một nhân viên cao cấp tại văn phòng của chúng tôi ở New York có lần nói với tôi là anh ta dự định gặp một quan chức trong Liên đoàn trượt tuyết thế giới, một khách hàng của chúng tôi, tại Kitzbuhel, Áo, vào một cuối tuần mùa đông vì công việc và, tôi cho là, cả để trượt tuyết. Ngẫu nhiên, tôi được biết vị quan chức nọ lại đang ở New York và thật “trùng hợp” là cũng đang dự tính bay đi Kitzbuhel vào cuối tuần. Tôi nhẹ nhàng chỉ ra rằng Áo là một chuyến đi dài cho một cuộc gặp khi mà hai người lúc đó chỉ cách nhau có vài tòa nhà.

Tôi nghĩ rằng mọi người đều có đôi chút thao túng công ty. Vấn đề chỉ mà mức độ bạn có thể sắp xếp theo thứ tự từ 0 tới 10. “10” là một nhân viên nguy hiểm, người sử dụng một phần năng lực sáng tạo của mình vào việc chia đàn xẻ nghé. “0” là một nhân viên mà việc tư lợi tệ nhất có dù chỉ là đăng ký mua tờ Sports Illustrated qua công ty.

Giữa hai thái cực ấy mới là phức tạp và nhà quản lý nào cũng phải giải quyết “thường vụ vô ích” từng trường hợp một. Bạn phải hiểu nhân viên của mình. Ví dụ, một số người thích đi xa, số khác lại không thích. Nhóm người thứ nhất, bạn phải hỏi rõ. Nhóm người thứ hai, bạn lại phải khuyến khích đi nhiều hơn. Bạn cũng phải xem xét nhân viên cấp cao nào đằng sau chuyến đi của họ và người nào đang làm việc tốt tức là có thể đánh giá được.

Tôi đặc biệt chú ý tới các cuộc hội thảo được tổ chức hàng năm tại các khu nghỉ mát với sự hoài nghi lớn – mặc dù tôi biết họ tổ chức tại các khu vực này nhằm thu hút người tham dự. Những hội thảo kiểu như vậy có thể trở thành “chuyến đi vô ích”.

Nguy cơ lớn nhất của “chuyến đi vô ích” dù vậy không phải là sự lạm dụng các khoản chi nhỏ lẻ mà là có thể làm mờ mắt một số nhân viên khiến họ thực hiện những “thương vụ vô ích”.

NHẬN ĐƯỢC GIÁ TRỊ TIỀN CỦA MÌNH TỪ CÁC KHÁCH SẠN

Có vô vàn các bài viết trên các tạp chí và sách hướng dẫn du lịch xếp hạng các khách sạn tốt nhất tại các thủ đô kinh tế trên thế giới. Đối với những hành khách quốc tế bận rộn, kết quả không phải là vấn đề có bao nhiêu sao bên cạnh cái tên của khách sạn mà là nhân viên của khách sạn có biết bạn và phục vụ bạn tốt hay không. Một khi bạn đã tìm được khách sạn như vậy, hãy ở đó cố định trong các chuyến đi tiếp theo. Dịch vụ sẽ ngày một tốt hơn. Trong công việc kinh doanh khách sạn, ít nhất thân quen tạo ra sự hài lòng.

Cứ cho là nhân viên của khách sạn đã tốt với mình rồi, tôi có thêm ba tiêu chí để chọn một khách sạn ở nước ngoài:

1. Dịch vụ phòng 24/24. Điều này rất quan trọng nếu bạn phải bay qua các múi giờ và đồng hồ sinh học bên trong cơ thể bạn nói rằng bạn đang đói bụng hoặc đang khát nước vào lúc 3 giờ 30 phút sáng theo giờ địa phương. Trong một số khách sạn tốt nhất, dịch vụ phòng có thể không phục vụ sau nửa đêm.

2. Dịch vụ giặt là và hấp tẩy trả lại quần áo sạch đẹp hơn khi bạn thay ra. Điều này quan trọng với một chuyến đi công tác bị kéo dài và lịch làm việc kín đặc, nhất là khi bạn đi với hành lý gọn nhẹ. Dịch vụ hấp tẩy khác biệt rất lớn giữa các khách sạn và giữa các nước. Ở một nước – ví dụ như Nhật Bản – bạn sẽ không bao giờ lo ngại khi giao quần áo tốt nhất của mình đi giặt là, và cũng có những nước mà vấn đề chính bạn quan tâm là liệu quần áo có quay lại nữa hay không.

3. Dịch vụ điện thoại hiệu quả. Vì lịch công tác dày đặc nên tôi luôn phải sử dụng điện thoại của khách sạn rất nhiều. Tôi cố gắng không làm hại mình khi “rơi” vào một khách sạn có hệ thống điện thoại chậm và lỗi thời.

Tôi cũng chú ý gửi tiền boa cho người trực tổng đài của khách sạn. Mọi du khách đều biết đưa tiền boa cho người mang đồ, người làm phòng, bồi bàn, người phụ trách phục vụ bạn và người giữ cửa, nhưng đưa tiền boa cho người trực tổng đài sẽ làm người ta nhớ đến bạn và có thể tạo nên một dịch vụ “ngoại hạng”. Một lần ở khách sạn Carlton Tower tại London, có một cuộc gọi từ nước ngoài liên quan đến cuộc thương lượng đang đến hồi kịch tính mà tôi lại ra ngoài. Người trực tổng đài biết tôi rất rõ và cảm thấy cuộc gọi này rất quan trọng. Cô ấy gọi người giữ cửa để hỏi xem anh ấy có biết tôi đi đâu không. Người giữ cửa có nghe loáng thoáng tên nhà hàng mà tôi nói với tài xế taxi. Thế là cô trực tổng đài liền chuyển lời nhắn tới nhà hàng cho tôi.

Thêm vào đó, khoản boa không nhất thiết phải là tiền mặt. Có thể là một thứ gì gắn với công việc bạn đang làm. Vì công việc của tôi là thể thao, khoản boa không phải tiền mặt như vé xem các sự kiện thể thao lớn, hay dụng cụ thể thao miễn phí tạo ra mối quan hệ cá nhân sâu sắc hơn tiền mặt.

NGUYÊN TẮC DÀNH CHO NGƯỜI THƯỜNG XUYÊN SỬ DỤNG DỊCH VỤ BAY

Thời gian gần đây, những câu chuyện kinh khủng về những chuyến bay bị hủy bỏ, hay về việc phải ngồi đợi ở đường băng sáu tiếng đồng hồ liên tục xuất hiện trên báo chí.

Thế nhưng, bạn sẽ không thấy tôi phàn nàn gì, mặc dù tôi bay hơn 200.000 dặm mỗi năm trong vòng 20 năm qua. Khi nhớ về năm 1967, tôi thấy thật sự biết ơn rằng tôi có thể đi thẳng tới cửa, có thể qua hải quan nhanh chóng, có thể nhập cảnh vào hầu hết các nước khác và khu nhận hành lý khá nhanh và đáng tin cậy.

Không phải tôi không chia sẻ chuyện trễ và lỡ chuyến bay chuyển tiếp. Hãy tin rằng tôi cũng bị như vậy (hầu hết là tại Dallas – Fort Worth và tôi đang nghĩ về việc này).

Thế nhưng, tôi không tìm kiếm rắc rối. Tôi cẩn thận lựa chọn hãng hàng không. Tôi xác định hãng hàng không nào tại thành phố nào có nhiều chuyến bay nhất, có nhiều chuyến bay thẳng nhất, hãng nào hay bị trễ nhất; hãng nào có khu lấy hành lý gần nhất; hãng nào có nhiều hạng vé; thậm chí là hãng nào quan tâm đối với việc chuyển tiếp hành lý…

Dưới đây là những nguyên tắc của tôi dành cho những người thường xuyên sử dụng dịch vụ bay.

Hãy để các hãng hàng không giúp bạn

Tôi rất cố gắng làm quen với những người phụ trách quan hệ khách hàng tại mỗi sân bay. Tất cả các hãng hàng không đều có nhân sự cho loại “dịch vụ đặc biệt” này nhằm giúp đỡ khách hàng VIP hoặc gần VIP. Họ là những người thú vị. Họ có thể giúp bạn chuyển lên hạng nhất. Họ sẽ nói với bạn về những chỗ còn trống trên khoang hạng nhất để bạn có thể chắc chắn bạn là người thứ hai. Họ sẽ đưa bạn qua hải quan và xuất nhập cảnh nếu bạn đang vội.

Bạn không cần phải là một ngôi sao điện ảnh hay là chủ tịch của Chrysler để có được sự đối xử đặc biệt như vậy. Nhưng nếu bạn đi lại nhiều, bạn chắc chắn phải làm việc một cách chuyên cần và thông minh để phát triển mối quan hệ với những người phụ trách quan hệ khách hàng.

Gia nhập câu lạc bộ VIP

Tôi tham gia vào hầu hết các câu lạc bộ của các hãng hàng không. Sẽ có ích khi bạn đến sớm hoặc chuyến bay bị chậm và bạn cần một chỗ để thư giãn, làm việc hay thậm chí là tổ chức một buổi họp.

Thà đi sớm còn hơn bị trễ

Đây là lời khuyên rõ ràng nhất – và thực tế là gần như không thể đối với nhiều người.

Những người này luôn muốn tạo ra một cuộc phiêu lưu khi xuất hiện vào phút cuối.

Họ cần một đường đua để đến được sân bay.

Tôi thì không. Tôi thà tới sân bay sớm trước cả tiếng đồng hồ hơn là chịu cảnh vừa lái xe vượt qua hệ thống giao thông dày đặc vừa tự hỏi liệu mình có kịp chuyến bay không.

Hãy dành cho mình một giờ trước khi chuyển tiếp máy bay nếu bạn có hành lý phải chuyển. Bạn có thể thu xếp thời gian chuyển tiếp ngắn hơn nếu bạn xách tay mọi thứ.

Tôi luôn làm như vậy.

Nếu không biết khi nào sẽ đi, hãy đặt nhiều ngày khác nhau

Tôi lưỡng lự khi phải nói ra việc này. Tôi đôi khi đặt hai hay thậm chí ba chuyến bay một lúc khi tôi không chắc là mình đi vào tối thứ Ba hay sáng thứ Tư. Tất nhiên, tôi sẽ báo hủy việc đặt chỗ ngay lập tức một khi đã quyết định. Một cách khác, hãy đặt chuyến bay trước chuyến bay phù hợp nhất. Điều này sẽ cho bạn một khả năng có thể chấp nhận được.

Đừng làm trên không việc gì mà bạn có thể làm tốt hơn ở dưới đất

Trước đây, tôi thường cố đọc hoặc soạn giấy tờ trong suốt chuyến bay. Nhưng tôi sớm nhận ra rằng tôi có thể làm hiệu quả hơn ở dưới mặt đất. Giờ đây, tôi có thể ngủ ngon trên máy bay vì điện thoại sẽ không reo và ít bị quấy rầy hơn khi đang ở độ cao hơn 9.000 km. Và tôi thấy ngủ dưới mặt đất hay bị đánh thức hơn.

KIỂM SOÁT MÚI GIỜ

Tôi không bị ảnh hưởng mấy bởi chênh lệch múi giờ. Tôi bay hơn 320.000 km mỗi năm và nếu tôi lo lắng về việc thay đổi múi giờ nhiều như một số người chắc tôi chẳng bao giờ hoàn thành được công việc.

Khi phải đối mặt với sự chênh lệch múi giờ, tôi nghĩ rằng tôi đã làm mọi việc mà bạn không làm. Tuy nhiên, bốn quy tắc dưới đây giúp tôi làm tốt:

1. Ngủ trên máy bay;

2. Thích nghi múi giờ mới;

3. Bỏ qua thời gian trong những chuyến đi cực ngắn;

4. Ăn ít hơn hoặc không ăn gì.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ “THUẦN HÓA” MỘT NHÀ HÀNG KHIẾM NHÃ

Trước khi bạn có thể “thuần hóa” một nhà hàng khiếm nhã, bạn cần phải biết khiếm nhã là gì.

1. Phân biệt giữa dịch vụ tồi và sự khiếm nhã

Sự khác biệt giữa khiếm nhã và dịch vụ không tốt không quá khó thấy. Dịch vụ không tốt nghĩa là không có nước lạnh hay súp ấm, quên đồ uống, dịch vụ chậm hay hóa đơn thanh toán không chính xác.

Khiếm nhã là một lỗi lớn hơn và bất bình thường hơn rất nhiều. Đó là thái độ khiến bạn phải đợi một giờ đồng hồ để được ngồi cho dù bạn đã đặt chỗ (mà chẳng có ai giải thích tại sao); khi bạn hỏi một cái bàn rộng hơn và họ nói dối rằng chẳng còn chiếc bàn nào khác; khi bạn cảm thấy phong cách phục vụ này như muốn đuổi khéo bạn ra khỏi nhà hàng. Khó có thể chỉ rõ sự khiếm nhã nhưng như Justice Potter Stewart nói về sách báo khiêu dâm: “Tôi biết khi tôi nhìn thấy”.

Dịch vụ kém phổ biến hơn nhiều so với khiếm nhã – và dễ sửa chữa hơn nhiều nếu bạn sẵn sàng tha thứ.

2. Đừng quá tức tối, hãy bình thản và gọi người xếp chỗ

Nếu không hài lòng, đừng gây chuyện. Điều đó chỉ làm cho nhân viên nhà hàng làm bạn phiền lòng thêm. Thậm chí, nếu bạn muốn những người bồi bàn đang tức tối phải phục tùng, bạn có thể phải làm hại đến khách hàng và hệ tiêu hóa của mình.

Hãy tìm cách tiếp cận mềm mỏng hơn. Hãy gọi người phụ trách xếp chỗ ra một chỗ và nhẹ nhàng than phiền. Nếu bạn biết người nào phụ trách, hãy giữ thế của mình như sau: “Tôi rất thích nhà hàng của anh. Tôi thích khung cảnh, thức ăn ở đây. Tôi đã giới thiệu tới không ít người. Thế nhưng mọi việc ở đây có vẻ tệ đi và tôi cho là anh cần nhận thấy.” Bất cứ nhà hàng nào muốn có khách quay lại đều sẽ lắng nghe.

3. Hãy cư xử như trong công việc

Các tình huống trong nhà hàng cũng cần được giải quyết với sự quan tâm giống như với các cuộc đàm phán kinh doanh. Thế nhưng, vì một vài lý do, mọi người thay đổi cá tính khi bước vào nhà hàng, họ như nhạy cảm hơn. Họ có thể mếch lòng đối với tình huống tầm thường nhất – nhỏ bé đến độ họ sẽ không chú ý nếu nó xảy ra tại công ty.

Một người bạn của tôi có một thái độ rất công việc về việc phải đợi bàn – và đổi lại anh ấy hiếm khi bị chờ. Anh ấy không hối thúc hay tự cho mình là khách quan trọng. Anh ấy không nêu tên hay đe dọa hay làm ra vẻ mình là khách quen (những chiến lược này hứa hẹn sẽ có tác dụng ngược lại).

Anh ấy coi vai trò của người xếp chỗ như một vị giám đốc dưới áp lực quản lý bình thường, và anh ấy nói ra những điều cần chú ý một cách rõ ràng. Anh ấy giải thích với nhân viên: “Chúng tôi có đặt dự phòng một nhà hàng khác vào 9 giờ nhưng tôi thật sự muốn ăn ở đây. Chúng tôi sẽ ở lại nếu anh bảo đảm sẽ có bàn lúc 9 giờ. Nếu là 9 giờ 15, xin hãy cho chúng tôi biết, chúng tôi sẽ quay lại vào dịp khác.” Rất ít nhà hàng có thể từ chối lý lẽ như vậy.

4. Họ giải quyết lời phàn nàn như thế nào?

Một tiêu chí quan trọng để đánh giá nhà hàng (hay bất cứ doanh nghiệp nào) không phải là bạn có gì cần phàn nàn mà là họ sẽ đáp lại lời phàn nàn như thế nào. Tôi cho rằng bất cứ nhà hàng nào cũng có thể có một nhân viên tự tách ra không đảm bảo năng suất làm việc. Ai cũng đều có lỗi.

Họ xử lý thông tin đó như thế nào – họ sẽ tỏ ra phòng vệ hay sẵn sàng dàn xếp với khách hàng – luôn quan trọng hơn bản thân thông tin đó. Nếu lời phàn nàn của bạn đúng, các nhà hàng lớn nhất sẽ xé hóa đơn của bạn hoặc mời bạn quay lại với tư cách khách quý.

5. Đừng tự gài mình

Không ai muốn đợi nhưng nếu bạn tới đúng vào “giờ cao điểm” của nhà hàng, bạn chỉ có thể tự trách mình. Ở những nơi chưa có đặt chỗ trước, tôi không thấy điều gì sai nếu ăn tối vào lúc 6 giờ 30 phút chiều, đặc biệt khi tôi biết là nếu muộn hơn 30 phút, tôi sẽ không có cơ hội có chỗ ngồi.

Một điểm nữa liên quan đến đặt bàn, nếu bạn có thể bị trễ, hãy gọi điện trước cho dù bất tiện đến thế nào. Đừng tự nghĩ rằng, người quản lý sẽ không dành bàn của bạn cho người khác tới đúng giờ hơn.

6. Đừng bao giờ xếp hàng bên ngoài

Tại sao mọi người lại xếp hàng tới hai tiếng đồng hồ bên ngoài những nhà hàng thời thượng – như họ làm với Hard Rock Café ở New York – là điều mà tôi chưa hiểu thấu đáo. Như thể họ sẵn sàng chấp nhận cách đối xử khiếm nhã thậm chí trước khi được vào trong.

7. Làm bạn với người quản lý

Bạn có thể thương lượng với bất cứ nhà hàng nào, dù nó đang là mốt hay đang đông khách thế nào, nếu bạn quen biết người quản lý. Điều này đòi hỏi phải lui tới thường xuyên với tiền boa hào phóng.

TÌM KIẾM SỨC MẠNH TỪ MỘT BỮA TRƯA QUYỀN LỰC

Tác giả của cuốn sách kinh điển của những năm 50 The Organization Man – William H. Whyte – từng nói với tờ New York Times về điều mà ông gọi là “Lời tạm biệt kéo dài” vào bữa trưa. Whyte đã nhiều năm quan sát các nhân viên la cà ngoài các nhà hàng sau bữa trưa ở giữa thành phố New York.

“Có cái gì đó giữ chân khiến họ không thể chào tạm biệt”, Whyte nói. “Cái gì đó chưa được giải quyết. Tôi nghĩ hầu hết các cuộc thương lượng đều được thực hiện trên vỉa hè sau bữa trưa”.

Nếu Whyte đúng, tôi nghĩ nhiều người trong số họ đã để lỡ mọi điểm của một bữa ăn công việc. Họ lấy đi sức mạnh của Bữa trưa Quyền lực. Mọi người trao đổi công việc trong nhà hàng không chỉ bởi vì họ phải ăn mà còn bởi không gian ấm cúng, thân mật, có đôi chút khám phá và có xu hướng làm cho mọi người dễ tiếp thu những ý tưởng tốt.

Đừng đợi đến cuối bữa ăn

Đợi để nói lên quan điểm của mình ở vỉa hè sau bữa trưa đối với tôi là tự đánh bại mình vì ít nhất ba lý do. Thứ nhất, bạn không còn ở trong không gian thư giãn của nhà hàng. Thứ hai, người mà bạn đang cố thuyết phục đã bắt đầu để tâm trí tới cuộc hẹn tiếp theo. Thứ ba, những thỏa thuận miệng khi bắt tay vội vã chẳng chắc chắn gì hơn lời hẹn “Chúng ta cùng đi ăn trưa”. Bạn sẽ mất ít nhất thêm ba cuộc gặp nữa để giải quyết cái kết thúc lỏng lẻo ấy cùng với những cách hiểu khác nhau từ sau cái bắt tay.

Kinh nghiệm của tôi cho thấy, mọi người bắt đầu bàn công việc vào cuối món chính và chuẩn bị uống cà phê, khi bồi bàn để mọi người lại một mình. Tôi để ý nhiều người ra hiệu họ đã sẵn sàng cho phần “nói chuyện công việc” bằng cách nhẹ nhàng đẩy đĩa của mình sang bên và làm sạch phần mặt bàn trước mặt họ. Có thể đó là bàn làm việc tí hon ngoài văn phòng của họ. Tôi sẽ nhận được tín hiệu ngay khi nhìn thấy như vậy.

Không có thời điểm hoàn hảo để đưa ra các điểm mấu chốt trong nhà hàng. Nhưng trong vài phút đầu tiên (là khi bạn cần tạo lập mọi thứ để bắt đầu) và những phút cuối cùng (là khi bạn sẽ chia tay với cảm giác thân thiện đối với cả hai bên) là những thời điểm không thích hợp nhất.

Tôi không giới thiệu những chủ đề quan trọng khi rời nhà hàng và tôi thận trọng khi người khách muốn quay bàn về phía tôi.

Lincoln Kirstein, một ông chủ quyền lực về nghệ thuật của thành phố New York và là đồng sáng lập Nhà hát Ballet thành phố New York, kể một câu chuyện về bữa trưa với Nelson Rockefeller những năm 1960. Rockefeller là thị trưởng New York khi đó và Kirstein thành công trong việc tiếp cận em trai của ông là John Rockefeller, quản lý Nhà hát của Bang tại Trung tâm Lincoln.

Khi được Nelson mời đi ăn trưa, Kirstein nói trước với ông rằng anh sẽ không nói về Trung tâm Lincoln. Đó là một câu chuyện đóng theo như mối liên quan với anh.

Nelson bảo đảm với anh: “Chúng ta sẽ không nói chuyện về Trung tâm Lincohn. Tôi chỉ muốn gặp anh vì tôi thấy quý anh và lâu rồi không gặp”.

Kirstein khó từ chối được, mặc dù anh hoàn toàn biết nội dung nói chuyện vào bữa trưa sẽ thế nào.

Như Kirstein nói lại: “Chúng tôi dùng bữa trưa với nhau và không đề cập gì đến Trung tâm Lincohn cho đến khi ông ấy nói sẽ đi gặp một người và xin thứ lỗi. Khi tôi đứng dậy chuẩn bị đi, ông bắt tay tôi và nói: ‘Tất cả là chuyện gì hả Johnny?’ Thế là tôi phá lên cười, quay đi và ra khỏi nhà hàng”.

Đó là câu trả lời thích hợp. Bất cứ ai có thể làm chệch hướng của Nelson Rockefeller sau khi được ông ấy mời đi ăn phải là người hiểu được sức mạnh của một bữa trưa quyền lực.

Ghi thêm. Cho dù bạn định cư xử ra sao khi gặp mặt tại nhà hàng, có hai điều bạn có thể làm thậm chí là trước khi ngồi xuống để đảm bảo có một không gian thư giãn và hợp với công việc.

Đầu tiên, trừ khi hoàn cảnh đòi hỏi khác, bạn hãy tránh gặp mặt ở nhà hàng với hơn một người. Động lực tâm lý sẽ trở nên phức tạp và biến động hơn với mỗi một người khách tăng thêm, vì vậy, sẽ khó khăn hơn cho bạn trong việc biểu đạt hay kiểm soát tình hình.

Thứ hai, đặc biệt là tại Paris, New York và London, đừng bao giờ đặt ít hơn ba chỗ (cho dù bạn chỉ có hai người). Nếu không bạn sẽ bị xếp vào chỗ chật như nêm.

SỰ QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ CỦA BẠN BÈ VÀ KHÁCH HÀNG

Vì công việc của tôi luôn xoay quanh các cuộc nói chuyện với mọi người nên tôi có rất nhiều cuộc gặp trong các bữa sáng, trưa và bữa tối.

Như một quy luật chung, tôi ăn với bạn bè và khách hàng trước tiên là vì thích chứ không phải vì lợi nhuận. Nhưng nếu bạn trở nên thành thạo trong việc tổ chức một bữa ăn thật tuyệt cho chính bạn và người khác, lợi nhuận sẽ theo sau. Hãy ghi nhớ rằng giải trí theo nhiều cách giống như khi đang chơi guitar rất dễ làm nhưng rất khó kiểm soát.

1. Tận dụng cơ hội trở thành người mời

Có nhiều điều để nói khi là người mời hơn là người được mời. Cùng với việc là người trả tiền, bạn sẽ là người quyết định ai được mời, và quan trọng hơn là sẽ ăn ở đâu. Đừng để khách hay thư ký của bạn lựa chọn. Bạn sẽ mất lợi thế của người mời.

2. Biết được chỗ nào sẽ phù hợp nhất

Nếu được lựa chọn, tôi cảm thấy thoải mái nhất trong một không gian yên tĩnh hơn là sôi động, rộng rãi hơn là đông đúc, dễ tính hơn là khó khăn. Tất nhiên, có nhiều nhà hàng mà mọi thứ đều yên tĩnh, rộng rãi và dễ tính. Hãy lưu những địa chỉ này cho bạn bè thân chứ đừng với những người bạn sẽ gặp vì công việc.

3. Để kiểm soát toàn bộ, hãy đặt bữa ăn

Cách tốt nhất để đảm bảo có một bàn tốt và ít bị làm phiền nhất là đặt một bữa ăn theo ý.

Chẳng hạn, bạn có thể đặt một phòng riêng trong một nhà hàng hiểu biết về những bữa ăn công việc và, nếu bạn muốn, hãy kiểm soát mọi việc từ vị trí ngồi tới việc lựa chọn loại rượu hay khi nào sẽ phục vụ món sa-lát. Thành phố nào cũng đều có vài nhà hàng có thể có thêm dịch vụ như vậy.

Thậm chí còn hơn thế, bạn có thể đặt một bữa ăn theo ý tại văn phòng. Điều này không chỉ giúp bạn kiểm soát được toàn bộ mà còn tạo điều kiện giới thiệu với khách về bản thân và công việc của bạn.

4. Hãy tỏ ra khó dự đoán trước

Một chút bí ẩn về việc lựa chọn nơi sẽ đến sẽ đảm bảo thành công.

Mọi người đều tới những nhà hàng “ruột”. Họ chọn nhà hàng vì tính ỳ hơn là tưởng tượng, lựa chọn một nơi an toàn và quen thuộc.

Lần tới, bạn hãy mời khách tới một nơi mà họ (a) chưa bao nghe tới, hoặc (b) không bao giờ tự tới, hoặc (c) khó mà hình dung lại hợp với bạn. Nếu nhà hàng phù hợp với tiêu chuẩn của bạn (và của khách), họ sẽ bị ấn tượng.

Sau đó, nếu có thể, hãy thử mời thêm một ai đó mà mọi người không ngờ tới. Trong lĩnh vực của chúng tôi, có thể là mời một nhà vô địch quần vợt như Martina Navratilova chẳng hạn, ăn tối cùng hai hoặc ba vị CEO.

5. Cầm lấy hóa đơn thanh toán thật nhanh và lịch sự

Có một vài điều cần nói để bạn nhanh nhẹn cầm hóa đơn thanh toán, cho dù ngồi bên bàn là ai.

Trong thâm tâm tôi, khách càng giàu có, tôi lại càng cần phải trả tiền bữa tối – không phải vì tôi muốn các nhà tỷ phú phải nợ mình một bữa mà là cử chỉ không như trông đợi.

Khi bạn thăng tiến trong công việc, hãy nhớ rằng ở một cấp độ nào đó, bạn sẽ gặp phải những người không bao giờ được mời đi ăn. Họ quá giàu và họ luôn trả tiền. Đối với họ, một bữa ăn giá 300 đô-la chỉ như tờ báo.

Thực ra, 300 đô-la đối với tôi cũng chỉ hơn một tờ báo chút xíu. Nhưng ngay cả lúc mới vào nghề, nếu đó là một khoản chi tiêu chính, tôi vẫn giành lấy quyền được thanh toán.

Việc này có thể được thực hiện, tránh những tình huống xấu bằng cách cảnh báo trước người phụ trách nhà hàng rằng mọi người sẽ tranh nhau tờ hóa đơn thanh toán hoặc có thể có ai đó đứng dậy vào lúc đang dùng món tráng miệng và thanh toán bữa ăn. Sẽ không có ai bị xúc phạm bởi sự hào phóng của bạn.

6. Không nói chuyện công việc

Phần hay nhất khi chiêu đãi bạn bè và những khách hàng trong tương lai là thể hiện cho họ thấy cuộc sống làm việc của bạn như thế nào mà không đòi hỏi bạn phải bán cho họ thứ gì.

Tôi ghi nhận điều này từ cách đây vài năm với một nhóm hai vợ chồng nổi tiếng, hai người đã khiến tôi thích thú lạ lùng. Mỗi khi tôi ở London và với thời gian biểu cho phép, tôi sẽ mời họ đi ăn tối. Thỉnh thoảng, tôi cũng mời thêm một đối tác trong công việc, người mà tôi biết sẽ thích thú khi gặp họ. Tuy nhiên, tôi không bao giờ nói chuyện công việc, trừ khi để thỏa mãn sự thiếu hiểu biết của mình về công việc của họ và hỏi: “Anh làm việc này như thế nào?”

Sau độ chục buổi tối với nhau, điều kỳ diệu nhất đã xảy ra. Họ bắt đầu thấy rằng cách tôi làm với họ cũng giống như cách thức tôi thực hiện công việc kinh doanh của mình. Và họ tỏ ra thích thú. Thực tế là, họ lấy làm ngạc nhiên rằng tôi đã không tạo bất cứ áp lực công việc nào khiến họ phải cố gắng làm việc với tôi.

7. Kết thúc dễ chịu

Nếu bạn đã thực hiện ổn thỏa những bước trên, kết quả cuối cùng sẽ khiến các vị khách suy nghĩ: “Thật là một buổi tối thú vị. Thay vì việc đưa mình tới một nơi mình thường lui tới, nơi mình thấy những khuôn mặt quen thuộc, tối nay có người đưa mình tới một nhà hàng trong thành phố mình chưa từng biết tới và mình rất thích, giới thiệu với mình những người mình chưa từng gặp bao giờ”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.