Ồ! Đây Chính Là Thứ Tôi Cần
CHƯƠNG 4 GIẤY PHÉP ĐỂ PHẠM LỖI: TẠI SAO LÀM NGƯỜI TỐT LẠI CHO PHÉP CHÚNG TA TRỞ NÊN TỒI TỆ?
Mỗi khi tôi giảng dạy khóa học Khoa học Ý chí, các học viên thường cho tôi thấy một thảm họa hoàn hảo về ý chí, nhằm chứng minh cho lí thuyết về nguyên nhân khiến chúng ta mất tự chủ. Những tài năng bao gồm Ted Haggard, Eliot Spitzer, John Edwards và Tiger Woods. Có thể đến giờ những câu chuyện này đã cũ(1), nhưng hiếm khi một tuần trôi qua mà không có tin tức nóng hổi về một công dân khỏe mạnh nào đó – một chính trị gia, một thủ lĩnh sùng đạo, một cảnh sát, giáo viên, hoặc vận động viên – khiến cả thế giới sửng sốt bằng sự thất bại ý chí của anh ta.
Quả là hấp dẫn khi hiểu các câu chuyện này dưới góc nhìn về những hạn chế của sự tự chủ. Bốn người đàn ông này phải chịu đựng áp lực ghê gớm, từ yêu cầu phải có kế hoạch chuyên nghiệp đến sự cần thiết phải kiểm soát hình ảnh trước công chúng suốt 24 giờ/ngày. Chắc chắn các cơ bắp tự chủ của họ đều kiệt quệ, ý chí của họ bị hao mòn, đường huyết giảm xuống mức thấp, vỏ não trước teo tóp trong tư thế phản đối. Có khi tất cả họ đều ăn kiêng nữa.
Đây là một câu trả lời quá dễ dàng (mặc dù tôi chắc chắn rằng, luật sư biện hộ sẽ thử áp dụng). Không phải mọi sai sót về sự tự chủ đều cho thấy sự mất tự chủ trên thực tế. Đôi lúc chúng ta đưa ra lựa chọn có ý thức nhằm đầu hàng cám dỗ. Để hiểu rõ nguyên nhân của việc cạn kiệt ý chí, chúng ta cần đến một lời giải thích khác mang tính tâm lí học hơn là sinh lí học.
Mặc dù có thể không có nguy cơ nằm trong vụ tai tiếng tình ái mang tầm cỡ quốc gia, nhưng tất cả chúng ta đều có nguy cơ thực hiện hành vi đạo đức giả về ý chí. Nhằm tránh bước vào vết xe đổ của những người được đăng trên dòng tít mỗi tờ báo, chúng ta cần phải suy nghĩ lại về giả thuyết rằng, mọi thất bại ý chí do sự yếu đuối gây ra. Trong một số trường hợp, chúng ta là nạn nhân của sự tự chủ thành công của chính bản thân. Chúng ta sẽ xem xét sự tiến triển có thể hủy hoại động cơ của chúng ta như thế nào, sự lạc quan có thể cho phép chúng ta tự thỏa mãn nhu cầu của bản thân, và tại sao cảm giác thú vị về đạo đức lại là con đường nhanh nhất dẫn đến thói vô đạo đức. Trong mỗi trường hợp, chúng ta sẽ nhận thấy rằng, đầu hàng là một lựa chọn và có thể tránh được. Khi nhận thấy phương cách chúng ta cho phép bản thân như vậy, chúng ta cũng sẽ khám phá ra hướng đi đúng.
TỪ THÁNH NHÂN ĐẾN KẺ TỘI ĐỒ
Tôi rất mong bạn sẽ đánh giá câu phát biểu dưới đây dựa trên các mức: Không tán thành, Không tán thành lắm, Tán thành, và Rất tán thành. Trước tiên: Hầu hết phụ nữ đều không thực sự thông minh. Và: Hầu hết phụ nữ đều hợp với vai trò ở nhà chăm sóc con cái hơn là đi làm.
Bây giờ, hãy hình dung bạn là người đặt ra hai câu hỏi này với các sinh viên Đại học Princeton. Nếu bạn may mắn, các sinh viên nữ sẽ không yêu cầu bạn chấm dứt cuộc nghiên cứu với các giả định ngu ngốc như vậy. Ngay cả các sinh viên nam cũng sẽ cự tuyệt các tuyên bố mang tính phân biệt giới như vậy. Nhưng sẽ thế nào nếu bạn đề nghị họ đánh giá các câu phát biểu hơi khác nhau một chút: Một số phụ nữ không thực sự thông minh, và Một số phụ nữ phù hợp với vai trò ở nhà chăm sóc con cái hơn là đi làm. Quả là không dễ dàng lắm để khước từ hai câu nhận định này. Nghe có vẻ hơi phân biệt giới, nhưng quả là khó tranh cãi nếu ta dùng từ “một số.”
Các nghiên cứu này là một phần trong nghiên cứu của nhà tâm lí học Benioi Monin và Dale Miller. Họ đã kiểm tra các khuôn mẫu và việc đưa ra quyết định. Có thể bạn cũng đoán trước được, các sinh viên Đại học Princeton được đề nghị đánh giá hai tuyên bố đầu tiên nhanh chóng lên án hai nhận định đó. Nhưng các sinh viên được đề nghị đánh giá phát biểu “một số phụ nữ” lại có thái độ trung lập hơn về vấn đề này.
Sau khi đánh giá hai câu phát biểu, các sinh viên được đề nghị đưa ra quyết định về tình huống giả định. Nhiệm vụ của họ là đánh giá tính phù hợp của một số ứng viên – cả nam và nữ – đối với công việc bậc cao trong lĩnh vực có nhiều nam như xây dựng hoặc tài chính. Dường như đây là một nhiệm vụ dễ dàng, nhất là đối với các sinh viên phản đối nhận định mang tính phân biệt giới. Chắc chắn họ sẽ không phân biệt đối xử đối với một phụ nữ có năng lực. Nhưng các nhà nghiên cứu tại Đại học Princeton lại phát hiện ra điều hoàn toàn đối lập. Các sinh viên hoàn toàn không tán thành với các phát biểu mang tính phân biệt giới, thường ủng hộ nam giới tham gia công việc kia so với các sinh viên có vẻ lưỡng lự khi tán thành nhận định “một số phụ nữ” ít mang tính phân biệt giới hơn. Mô hình tương tự cũng xảy ra khi các nhà nghiên cứu hỏi các sinh viên về thái độ phân biệt chủng tộc và sau đó cho họ cơ hội phân biệt sắc tộc.
Các nghiên cứu này khiến rất nhiều người sửng sốt. Các nhà tâm lí học từ lâu vốn giả định rằng, một khi bạn thể hiện thái độ nào đó, rất có thể bạn sẽ hành động phù hợp với thái độ đó. Nói cho cùng, làm gì có ai thích cảm giác là một kẻ đạo đức giả đâu? Nhưng các nhà tâm lí học tại Đại học Princeton đã khám phá ra trường hợp ngoại lệ, đối với mong muốn được tỏ ra nhất quán của chúng ta. Khi nói đến vấn đề đúng sai, hầu hết chúng ta đều không đấu tranh để có được sự hoàn hảo về đạo đức. Chúng ta chỉ muốn có cảm giác đủ tốt – và điều đó cho phép chúng ta làm mọi việc mình muốn.
Các sinh viên kịch liệt phản đối các phát biểu phân biệt giới hoặc chủng tộc, cảm thấy họ đã lập cho mình phẩm chất đạo đức. Họ chứng tỏ với bản thân rằng, họ không phải là người phân biệt giới hoặc phân biệt chủng tộc, nhưng việc này khiến họ dễ bị tổn thương trước điều mà các nhà tâm lí học gọi là giấy phép đạo đức. Khi bạn làm việc gì đó tốt, bạn cảm thấy rất mãn nguyện. Điều này nghĩa là bạn tin tưởng hơn vào sự thôi thúc của bản thân – và đồng nghĩa với việc bạn cho phép bản thân làm một việc tồi tệ. Trong trường hợp này, các sinh viên cảm thấy mãn nguyện với bản thân, vì đã kịch liệt phản đối các phát biểu phân biệt giới và chủng tộc, và họ trở nên bớt cảnh giác trong việc đưa ra quyết định về giới hoặc chủng tộc. Họ thường lắng nghe thành kiến bản năng và ít có khả năng cân nhắc xem, liệu quyết định đó có nhất quán với mục tiêu lớn hơn của họ là sự công bằng không. Không phải họ muốn phân biệt – chỉ là họ bị lu mờ trước ánh hào quang của hành vi tốt đẹp trước đó và khiến họ gây tổn hại cho quyết định của mình.
Tác động của giấy phép đạo đức có thể lí giải nguyên nhân khiến một số người có giấy phép đạo đức rõ ràng – bộ trưởng, chính trị gia thiên về giá trị gia đình, trưởng nhóm luật sư luôn tố cáo các hành vi tham nhũng – có thể tự bào chữa về một vài sai lầm nghiêm trọng của họ. Hầu hết mọi người đều không chất vấn động lực của bản thân mình mỗi khi họ cảm thấy mình quả là có đạo đức, và vị thế của một số người luôn luôn khiến họ nhớ đến phẩm hạnh của chính mình.
Tại sao đột nhiên chúng ta lại nói về phân biệt chủng tộc thay vì nói đến chế độ ăn kiêng và thái độ chần chừ? Bởi thách thức ý chí là gì nếu không phải là cuộc chiến giữa cái tốt và cái xấu? Mọi thứ bạn răn dạy đều trở thành trò chơi công bằng dưới tác động của giấy phép đạo đức. Nếu bạn tự nhủ rằng, bạn là người “tốt” khi tập luyện và bạn là người “xấu” khi không tập luyện, vậy thì rất có thể ngày mai bạn sẽ không đi đến phòng tập nữa, nếu hôm nay bạn mới tập luyện. Hãy tự nhủ rằng, bạn “tốt” khi tiến hành thực hiện một dự án quan trọng và “xấu” vì chần chừ, rất có thể bạn sẽ giảm bớt sự cố gắng vào buổi chiều, nếu buổi sáng bạn đạt được tiến bộ nào đó. Hay đơn giản là: Mỗi khi chúng ta có các mong muốn mâu thuẫn với nhau, việc làm người tốt cho phép chúng ta trở nên xấu xa một chút.
Lí luận nguy hiểm và mờ nhạt của giấy phép
Nói một cách nghiêm túc, lí luận của giấy phép không hề hợp lí. Thứ nhất, chúng ta hiếm khi cần đến mối liên kết giữa hành vi “tốt” và “xấu”. Những người mua sắm kiềm chế bản thân không mua sản phẩm đầy cám dỗ thường về nhà và ăn món gì đó rất hấp dẫn. Những nhân viên làm thêm giờ cảm thấy chính đáng khi dành một khoản chi tiêu cá nhân vào thẻ tín dụng của công ty.
Mọi thứ khiến chúng ta cảm thấy vui vẻ về phẩm hạnh của chính mình – dù chỉ là nghĩ đến việc làm gì đó tốt – cũng có thể cho phép chúng ta theo đuổi sự thôi thúc của bản thân. Trong một cuộc nghiên cứu, mọi người được đề nghị lựa chọn phương án tham gia hoạt động tình nguyện: dạy học cho trẻ em tại một nơi màn trời chiếu đất hoặc cải thiện môi trường. Mặc dù không đăng ký tham gia bất kỳ hoạt động có thực nào, nhưng chỉ hình dung đến hai lựa chọn cũng gia tăng mong muốn của họ là được khoe chiếc quần jean thời thượng. Một nghiên cứu khác phát hiện ra rằng, chỉ cần nghĩ đến việc quyên góp tiền từ thiện – mà chưa thực sự góp tiền – cũng gia tăng mong muốn khiến người quyên góp muốn tự thưởng cho mình một buổi đi đến khu mua sắm. Hào phóng hơn cả là thậm chí chúng ta còn tự thưởng cho mình vì việc mà lẽ ra chúng ta đã làm, nhưng trên thực tế chúng ta chưa hề làm. Chúng ta lẽ ra có thể ăn hết cả chiếc bánh pizza, nhưng chúng ta chỉ ăn có ba miếng thôi. Lẽ ra chúng ta có thể mua tủ đựng quần áo mới, nhưng chúng ta chỉ mua một chiếc áo khoác mới thôi. Theo đuổi lối tư duy lô gic lố bịch này, chúng ta có thể biến mọi hành động bản thân đam mê thành hành động khiến chúng ta thấy vô cùng tự hào. (Cảm thấy có lỗi vì món nợ trong thẻ tín dụng ư? Nhưng, ít ra bạn cũng không phải đi cướp nhà băng để trả nợ mà!).
Những nghiên cứu tương tự như vậy cho thấy rằng, không thể tính toán chính xác xem chúng ta vốn đã tốt đến mức nào và đã đam mê buông thả đến đâu. Thay vào đó, chúng ta tin tưởng cảm giác rằng, mình quả là người tốt. Các nhà tâm lí học nghiên cứu về lí luận đạo đức biết rõ, đây là cách khiến chúng ta đánh giá nhiều nhất về sự đúng, sai. Chúng ta có câu trả lời đầy quyết tâm, và tìm ra lí do hợp lí nếu bị buộc phải giải thích về cảm giác của chính mình.
Nhiều lúc chúng ta không thể nghĩ ra lí do hợp lí để bảo vệ ý kiến cá nhân, nhưng chúng ta vẫn giữ chặt lấy cảm giác của bản thân. Nếu một hành vi – ví dụ ăn thêm một miếng bánh sinh nhật hoặc mua thêm một món đồ tạo thêm gánh nặng cho thẻ tín dụng – không gợi ra cảm giác “sai trái”, chúng ta sẽ không chất vấn sự thôi thúc của chính mình. Đây là cách mà cảm giác tốt đẹp về bản thân nhờ các hành vi trong quá khứ giúp chúng ta biện minh cho đam mê buông thả trong tương lai của mình. Khi bạn cảm thấy mình như một thánh nhân, ý tưởng về sự buông thả không tạo ra cảm giác sai trái. Nó đem đến cảm giác đúng đắn. Giống như thể bạn xứng đáng có được phần thưởng đó.
Và nếu điều duy nhất thúc đẩy sự tự chủ của bạn là khao khát được làm một người tốt, bạn sẽ đầu hàng mỗi khi cảm thấy tốt đẹp về bản thân.
Điều tồi tệ nhất của giấy phép đạo đức không chỉ là lí luận đáng ngờ của nó; vấn đề lớn nhất là cách nó gài bẫy để chúng ta có những hành động đối lập với lợi ích của chính mình. Nó thuyết phục chúng ta rằng, hành vi tự hủy hoại – dù là thôi ăn kiêng, tiêu hết sạch tiền hoặc lén hút một điếu thuốc – là một “phần thưởng.” Đây là ý nghĩ điên rồ, nhưng cũng là mánh lới tác động mạnh mẽ của lí trí nhằm biến mong muốn của bạn thành những cái “nếu”.
Những đánh giá về đạo đức cũng không tạo nhiều động lực như niềm tin của chúng ta. Chúng ta lí tưởng hóa khao khát được làm người có đức hạnh, và rất nhiều người tin tưởng rằng, họ được thúc đẩy nhiều nhất bởi tội lỗi và sự xấu hổ. Nhưng chúng ta đang đùa với ai vậy? Chúng ta có nhiều động lực nhất khi nhận được thứ mình muốn và tránh xa thứ mình không muốn. Răn dạy đạo đức cho một hành vi khiến chúng ta có thái độ nước đôi hơn, thay vì có thái độ rõ ràng về hành vi đó. Khi bạn xác định rằng, thách thức ý chí là việc nên làm để trở thành người tốt hơn, bạn sẽ tự động nghĩ ra các lập luận, biện minh cho lí do khiến bạn không nên làm việc đó. Đó là bản chất của con người – chúng ta cưỡng lại các quy tắc do người khác đặt ra vì lợi ích của chính mình. Nếu bạn thử áp dụng các quy tắc này theo quan điểm đạo đức và phát triển bản thân, bạn sẽ sớm nghe thấy chính mình lên tiếng – một phần trong bạn không muốn bị kiểm soát. Và vì vậy, khi bạn tự nhủ rằng, việc tập luyện, tiết kiệm tiền hoặc bỏ thuốc là hành động đúng đắn cần làm – không phải hành động giúp bạn đạt mục tiêu cá nhân – bạn sẽ ít có khả năng hành động một cách nhất quán.
Để tránh xa cạm bẫy giấy phép đạo đức, điều quan trọng là bạn phải tách rời tình thế lưỡng nan về đạo đức với khó khăn đơn thuần. Gian lận thuế hoặc lừa gạt bạn đời có thể là sai lầm về mặt đạo đức, nhưng gian lận về chế độ ăn kiêng không phải là một tội lỗi đạo đức. Vậy mà rất nhiều người nghĩ rằng, các hình thức tự chủ đều là một bài kiểm tra về đạo đức. Đầu hàng món tráng miệng, đi ngủ muộn, mang theo số dư thẻ tín dụng – chúng ta coi đây là những lí do giúp quyết định xem mình là người tốt hay xấu. Không có lí do nào chứa đựng sức nặng thực sự của tội lỗi hoặc phẩm hạnh. Khi chúng ta nghĩ về thách thức ý chí theo phương diện đạo đức, chúng ta lạc lối trong những lời tự biện hộ và mất tầm nhìn về việc các thách thức này trợ giúp chúng ta ra sao để đạt được mong muốn.
DƯỚI KÍNH HIỂN VI: ĐẠO ĐỨC VÀ THÓI XẤU
Tuần này, hãy quan sát cách bạn nói với chính mình và người khác về thành công cùng thất bại ý chí của bạn:
• Bạn có tự nhủ rằng, bạn quả là “tốt” mỗi khi thành công trước một thách thức ý chí nào đó, và bạn “xấu” khi bạn đầu hàng sự chần chừ hoặc cám dỗ không?
• Bạn có vận dụng hành vi “tốt” nhằm cho phép bản thân làm việc gì đó “xấu” không? Đây là phần thưởng vô hại, hay nó hủy hoại các mục tiêu ý chí lớn hơn của bạn?
Khi tập luyện cho phép ăn uống, cô dâu tương lai tăng cân
Cheryl, 35 tuổi, là cố vấn tài chính và 8 tháng nữa cô sẽ kết hôn. Cô muốn giảm 6kg trước lễ cưới nên cô bắt đầu đến phòng tập 3 buổi một tuần. Vấn đề là cô biết chính xác mỗi bước tập đốt cháy bao nhiêu ca-lo. Khi đốt cháy nhiều ca-lo hơn, cô không thể nào không hình dung ra các món ăn mà cô có quyền được ăn. Mặc dù cô đã lên kế hoạch cắt giảm lượng ca-lo thu nạp vào cơ thể, nhưng cô vẫn tự cho mình ăn thêm một chút thức ăn vào những ngày tập luyện. Nếu cô tập thêm 5 phút, cô sẽ ăn thêm vài miếng sô-cô-la nhỏ với sữa chua, hoặc uống thêm li rượu thứ hai vào bữa tối. Tập luyện trở thành tấm giấy phép để cô ăn uống tùy thích. Kết quả là, cô tăng thêm 1,5 kg – theo hướng hoàn toàn trái ngược.
Bằng việc nghĩ rằng, tập luyện là cách để được phép ăn nhiều thêm, Cheryl đã phá hủy mục tiêu giảm cân của chính mình. Để thoát khỏi cạm bẫy “cấp phép” này, cô cần phải coi tập luyện là bước đi cần thiết để đạt mục tiêu, và ăn uống lành mạnh hơn là bước đi thứ hai, độc lập mà cô cũng phải áp dụng. Hai phương pháp này không thể là hành vi “tốt” có thể hoán đổi cho nhau, và thành công với phương pháp này không cho phép cô dễ dãi với phương pháp kia.
Đừng nhầm lẫn hành động hỗ-trợ-mục-tiêu với bản chất của mục tiêu. Bạn vẫn chưa hết trở ngại chỉ vì bạn làm một việc nhất quán với mục tiêu. Hãy nhận biết liệu việc cho phép bản thân thực hiện hành động tích cực có khiến bạn quên mục tiêu thực sự của mình không.
VẤN ĐỀ CỦA SỰ TIẾN BỘ
Có lẽ chúng ta nên suy nghĩ kĩ trước khi trao cho mình một ngôi sao vàng.
Trong khi tất cả chúng ta tin rằng, việc đạt được tiến bộ trong quá trình tiến tới mục tiêu, khuyến khích chúng ta đạt được thành công lớn hơn, nhưng các nhà tâm lí học biết rằng, chúng ta quá vội vã khi coi sự tiến bộ là lời biện hộ cho hành vi dễ dãi của mình. Ayelet Fishbach, giáo sư tại trường Kinh doanh thuộc Đại học Chicago, cho thấy rằng, việc đạt được tiến bộ trong quá trình tiến tới mục tiêu tạo động cơ khiến mọi người có hành vi hủy-hoại-mục-tiêu. Trong một nghiên cứu, họ nhắc nhở những người ăn kiêng thành công về tiến bộ họ đạt được trong quá trình đạt được cân nặng lí tưởng. Sau đó, họ tặng những người ăn kiêng này món quà cảm ơn là táo hoặc một thanh sô-cô-la. 85% những người ăn kiêng tự-chúc-mừng-bản-thân không chọn táo, so với chỉ 58% những người ăn kiêng không được nhắc nhở về tiến bộ họ đạt được. Nghiên cứu thứ hai phát hiện ra tác động tương tự đối với các mục tiêu về học tập: các sinh viên được tạo cảm giác tốt đẹp về thời gian họ dành ra để học tập trước kì thi, thường dành cả buổi tối để chơi ném lon bia với bạn bè.
Sự tiến bộ có thể khiến chúng ta từ bỏ mục tiêu mà ta phải lao động vất vả để đạt được, bởi vì nó chuyển sức mạnh cân bằng giữa hai cái tôi đang đấu tranh bên trong chúng ta. Bạn hãy nhớ rằng, thách thức ý chí liên quan đến hai mục tiêu này mâu thuẫn với nhau. Một phần trong bạn nghĩ đến lợi ích lâu dài của bản thân (ví dụ giảm cân); nhưng phần kia muốn được thỏa mãn ngay lập tức (sô-cô-la!). Trong giây phút cám dỗ, bạn cần cái tôi lớn hơn tranh luận lớn tiếng hơn tiếng nói của sự đam mê sa ngã. Tuy nhiên, thành công của sự tự chủ có hệ quả không dự tính trước được: Nó tạm thời thỏa mãn cái tôi cao hơn. Khi bạn đạt được tiến bộ trong quá trình tiến tới mục tiêu lâu dài, não bạn – với danh sách rất nhiều mục tiêu – thúc đẩy bạn theo đuổi mục tiêu dài hạn. Sau đó, nó tập trung chú ý vào mục tiêu vẫn chưa được thỏa mãn – tức là tiếng nói của sự đam mê sa ngã. Các nhà tâm lí học gọi đây là giải phóng mục tiêu. Mục tiêu mà lâu nay bạn phải kìm nén, cùng với sự tự chủ đang trở nên mạnh mẽ hơn, và mọi cám dỗ sẽ trở nên ngày càng hấp dẫn hơn.
Trên thực tế, điều này nghĩa là tiến một bước sẽ cho phép bạn lùi hai bước. Việc lập kế hoạch đầu tư hưu trí tự động có thể thỏa mãn cái tôi muốn tiết kiệm của bạn, nhưng nó sẽ giải phóng cái tôi muốn đi mua sắm. Việc sắp xếp tài liệu gọn gàng có thể thỏa mãn cái tôi muốn làm việc của bạn, nhưng nó sẽ giải phóng cái tôi muốn xem chương trình thể thao trên truyền hình.
Mặc dù nó đối lập với mọi thứ mà chúng ta vẫn tin tưởng về việc đạt được mục tiêu, nhưng việc tập trung vào sự tiến bộ có thể kìm hãm chúng ta đạt được thành công. Điều đó không có nghĩa là bản thân sự tiến bộ là vấn đề. Vấn đề với sự tiến bộ chính là cách nó khiến chúng ta cảm thấy như thế nào – và thậm chí sau đó, nó sẽ chỉ là vấn đề khi chúng ta lắng nghe cảm giác, thay vì trung thành với mục tiêu đề ra. Sự tiến bộ có thể là động cơ thúc đẩy và có thể truyền cảm hứng cho sự tự chủ trong tương lai, nhưng chỉ khi bạn coi hành động của mình là bằng chứng cho thấy bạn trung thành với mục tiêu. Nói cách khác, bạn cần nhìn vào việc mình đã làm và phải thực sự quan tâm đến mục tiêu của bản thân nhiều đến mức, bạn muốn thực hiện việc đó nhiều hơn là đạt mục tiêu. Cách suy nghĩ này không khó áp dụng nhưng hơi khác thường.
Hai nếp suy nghĩ này đem lại hệ quả rất khác nhau. Khi những người có bước tiến tích cực trong quá trình đạt được mục tiêu – như tập luyện, học tập hoặc tiết kiệm tiền – được hỏi: “Bạn tiến bộ được chừng nào trên hành trình đạt mục tiêu rồi?” thì họ sẽ thường làm gì đó mâu thuẫn với mục tiêu, ví dụ bỏ tập ngày hôm sau, đi chơi với bạn bè thay vì học bài, hoặc mua món đồ nào đó đắt tiền. Ngược lại, những người được hỏi: “Bạn cam kết thế nào với mục tiêu của mình?” không bị hấp dẫn bởi hành vi gây mâu thuẫn. Một sự chuyển đổi đơn giản về trọng tâm dẫn đến cách hiểu khác nhau về hành động của con người – “Tôi làm việc đó bởi vì tôi muốn làm,” thay vì “Tôi làm việc đó, tuyệt lắm, giờ thì tôi có thể làm việc mà tôi thực sự muốn!”
THÍ NGHIỆM Ý CHÍ:
ĐỂ HỦY GIẤY PHÉP, HÃY NHỚ ĐẾN NGUYÊN NHÂN
Làm cách nào bạn tập trung vào sự cam kết thay vì tập trung vào sự tiến bộ? Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Khoa học Hồng Kông và Đại học Chicago đã tiến hành một nghiên cứu. Họ yêu cầu các sinh viên nhớ đến thời điểm khước từ cám dỗ, giấy phép đạo đức đã cho thấy tác động, 70% chớp lấy cơ hội kế tiếp để thỏa mãn bản thân. Nhưng khi các nhà nghiên cứu đề nghị người tham gia nhớ đến lí do họ cưỡng lại cám dỗ, tác động của giấy phép biến mất – 69% cưỡng lại cám dỗ. Giống như một phép màu, các nhà nghiên cứu khám phá ra cách đơn giản để nâng cao tự chủ và giúp các sinh viên này đưa ra lựa chọn nhất quán với mục tiêu chung. Phương pháp nhớ đến “lí do” rất hiệu quả, bởi vì nó thay đổi cảm nhận của bạn về phần thưởng đối với ý thích của bản thân. Nhớ đến lí do cũng giúp bạn nhận ra các cơ hội khác và hành động để hoàn thành mục tiêu.
Lần sau, khi bạn nhận thấy mình đang dùng hành vi tốt đẹp trong quá khứ để biện minh cho mong muốn được hành động theo ý thích, hãy dừng lại và nhớ đến lí do.
THÍ NGHIỆM Ý CHÍ:
NGÀY MAI GIỐNG NGÀY HÔM NAY
Nhà kinh tế học hành vi Howard Rachlin đưa ra một bí quyết thú vị nhằm vượt qua vấn đề luôn luôn bắt đầu thay đổi vào ngày mai. Khi bạn muốn thay đổi một hành vi, hãy hướng tới giảm sự hay thay đổi trong hành vi của bạn, thay vì bản thân hành vi. Ông cho thấy rằng, những người hút thuốc được đề nghị thử hút cùng số điếu thuốc mỗi ngày sẽ dần dần giảm hút thuốc – ngay cả khi họ được nói thẳng là, không nên cố gắng hút ít hơn bình thường. Rachlin lập luận rằng, việc này đem lại hiệu quả vì người hút thuốc bị cướp đi bệ đỡ ý thức thông thường của việc giả vờ rằng ngày mai sẽ khác. Mỗi điếu thuốc không chỉ trở thành thêm một điếu thuốc được hút hôm nay, mà còn là thêm một điếu thuốc được hút ngày mai, ngày kia, ngày kìa. Việc này cộng thêm trọng lượng cho mỗi điếu thuốc và khiến họ khó khăn hơn trong việc phủ nhận hậu quả của một điếu thuốc đơn lẻ.
Tuần này, hãy vận dụng lời khuyên của Rachlin vào thách thức ý chí của bạn: hướng tới giảm sự hay thay đổi trong hành vi mỗi ngày. Coi mọi lựa chọn của bạn là cam kết đối với tất cả các lựa chọn trong tương lai. Vì vậy, thay vì hỏi: “Bây giờ mình có muốn ăn thanh kẹo này không?” hãy tự hỏi: “Mình có muốn hậu quả của việc ăn một thanh kẹo mỗi chiều trong cả năm tới không?” Hoặc nếu bạn đã trì hoãn việc mà bạn biết mình nên làm, thay vì hỏi: “Mình muốn làm hôm nay hay ngày mai?” hãy tự hỏi: “Mình có thực sự muốn hậu quả của việc luôn luôn trì hoãn không?”
Ăn chay trước bữa tối
Jeff, 30 tuổi, nhà phân tích hệ thống mạng, là một người ăn thịt luôn phải đấu tranh tư tưởng. Anh liên tục đọc các bài viết về lợi ích khi ăn ít thịt hơn, chưa nói đến sự khiếp sợ của anh với công nghiệp chế biến thực phẩm. Nhưng kế đến là niềm vui thích được ăn bánh bắp cuốn nhân thịt(2), pizza nhân xúc xích bò, heo và tiêu, bánh mì kẹp ăn nhanh và thịt xông khói cho bữa sáng. Jeff biết rằng, ăn chay sẽ giải phóng mối lo về đạo lí, nhưng khi có một miếng bánh pizza nằm trong tầm với của anh, khao khát được làm một người tốt hơn tan biến theo làn hơi bốc lên từ miếng pho mát tan chảy.
Nỗ lực ban đầu của anh trong việc ăn ít thịt hơn dẫn đến việc cấp giấy phép đạo đức khá sáng tạo. Anh thấy mình coi món ăn chay là công cụ để xóa bỏ “sự xấu xa” của một món ăn mặn – ví dụ gọi một suất rau để làm dịu tội lỗi của anh khi gọi món bánh bắp cuốn nhân thịt. Hoặc anh sẽ coi món ăn trong bữa sáng là công cụ để quyết định liệu hôm đó là “ngày tốt” hay “ngày xấu” – nếu anh ăn bánh mì kẹp thịt xông khói và trứng vào bữa sáng, hôm đó sẽ là ngày xấu, nghĩa là anh được tự do ăn thịt vào bữa trưa và bữa tối. Ngày mai (anh tự nhủ) sẽ là một ngày tốt từ lúc bình minh đến hoàng hôn.
Thay vì cho phép bản thân được làm người tốt một vài ngày và làm người xấu một vài ngày khác (có thể đoán trước rằng, sẽ có nhiều ngày xấu hơn ngày tốt), anh quyết định đón nhận thách thức là giảm thay đổi trong hành vi của mình. Anh thiết lập chiến lược “ăn chay trước bữa tối.” Anh sẽ cam kết ăn chay đến 6 giờ tối, sau đó, sẽ ăn mọi món anh thích trong bữa tối. Với quy tắc này, anh không thể ăn bánh mì kẹp thịt vào bữa trưa và anh tự nhủ bữa tối sẽ chỉ có món bông cải xanh – và anh không thể coi món ngũ cốc trong bữa sáng là lời biện hộ cho món cánh gà vào bữa trưa.
Phương pháp này quả là hữu hiệu để chấm dứt cuộc đấu tranh dai dẳng trong nội tâm, về việc liệu bạn có được phần thưởng không. Khi Jeff quyết định giữa món bánh mì kẹp giăm bông với pho mát và món khai vị làm từ đậu, dầu, vừng, chanh và tỏi, quy tắc mới giúp anh dễ dàng lựa chọn hơn. Bữa trưa là món chay, không cần tranh luận gì thêm. Vận dụng quy tắc thường ngày cũng sẽ giúp bạn nhìn thấy ảo giác rằng, việc bạn làm ngày mai sẽ hoàn toàn khác biệt với việc bạn làm hôm nay. Jeff biết rằng, nếu anh phá vỡ quy tắc một ngày, anh – theo hướng dẫn của thí nghiệm – sẽ phải phá vỡ quy tắc của các ngày còn lại trong tuần. Mặc dù bánh mì kẹp giăm bông và pho mát có vẻ hấp dẫn, nhưng anh thực sự không muốn từ bỏ mục tiêu suốt cả tuần. Khi anh coi món bánh này là khởi đầu của một quy tắc mới, thay vì là ngoại lệ, anh thấy món bánh đó ít ngon miệng hơn.
Có quy tắc sống nào có thể giúp bạn chấm dứt cuộc đấu tranh dai dẳng trong nội tâm, khiến bạn quên đi mục tiêu của mình không?
KHI TỘI LỖI GIỐNG VỚI ĐỨC TÍNH TỐT
Còn một cạm bẫy cuối cùng về sự cấp phép mà chúng ta phải học cách tránh xa, và không giống với những cạm bẫy mà chúng ta đã thấy, cạm bẫy này không liên quan đến hành vi có đạo đức. Nó liên quan đến mong muốn trong sâu thẳm nhằm thuyết phục ta rằng, mong muốn của ta không hề xấu. Như bạn sẽ thấy, chúng ta quá hào hứng để trao cho mục tiêu của sự cám dỗ giấy phép đạo đức của chính nó, vì vậy chúng ta cho phép mình được có cảm giác không có lỗi.
Ấn tượng tốt
Hãy hình dung bạn đang đứng trong một cửa hàng tạp hóa và chọn một vài món đồ dùng vào cuối tuần. Bạn đi quanh khu bán ngũ cốc đến khu đồ đông lạnh, và ở đó, bạn nhìn thấy chương trình khuyến mại đặc sắc tại quầy. Một thiên thần thực sự cầm một khay thực phẩm mẫu. Chùm ánh sáng vàng phát ra từ vầng hào quang của thiên thần này soi sáng đĩa xúc xích nhỏ. Tiếng nhạc như thoát ra từ ánh mắt của thiên thần đó. “Hãy thử một miếng,” thiên thần mời gọi bạn. Bạn nhìn món rượu mận khai vị, và ý nghĩ về chất béo bão hòa rồi cholesterol xuất hiện trong đầu bạn. Bạn biết món xúc xích này không tốt cho chế độ ăn của mình, nhưng chắc chắn rồi, một thiên thần sẽ không lôi kéo bạn đi sai hướng đúng không? Có thể chỉ là một miếng thôi…
Xin chúc mừng: bạn vừa gặp và sa vào cạm bẫy của ấn tượng tốt. Phương thức giấy phép đạo đức này tìm kiếm rất nhiều lí do để nói “có” trước cám dỗ. Khi chúng ta muốn có sự cho phép để chiều theo ý thích của mình, chúng ta sẽ coi mọi dấu hiệu của phẩm hạnh đều là lời biện hộ cho thái độ đầu hàng.
Để thấy được điều này trong hành động, bạn không cần phải nhìn đâu xa ngoài bữa tối. Các nghiên cứu cho rằng, những người gọi món ăn chính vốn được quảng cáo là món ăn tốt cho sức khỏe, sẽ gọi nhiều đồ uống, món ăn thêm và món tráng miệng theo ý thích. Mặc dù mục tiêu của họ là được khỏe mạnh, nhưng cuối cùng, họ lại tiêu thụ nhiều ca-lo hơn những người gọi món ăn nhẹ thông thường. Các nhà nghiên cứu về chế độ ăn gọi đây là ấn tượng sức khỏe.
Chúng ta cũng cảm thấy tốt khi gọi món ăn có lợi cho sức khỏe, và món ăn theo sở thích kế tiếp không hề đem lại cảm giác có lỗi. Chúng ta cũng coi các lựa chọn mang tính đạo đức là những ham mê phủ nhận – nghĩa đen là vậy, trong một số trường hợp. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, nếu bạn gọi món bánh mì kẹp phó mát kèm với món rau trộn, những người ăn tối sẽ tiên lượng rằng, bữa ăn đó chứa ít hàm lượng ca-lo hơn là gọi riêng món bánh mì kẹp phó mát. Điều này quả là phi lí, trừ khi bạn tin rằng, đặt rau diếp lên đĩa có thể khiến ca-lo biến mất một cách kì diệu. (Mặc dù nếu đánh giá qua món ăn do mọi người gọi khi đi xem phim và đi ăn ở nhà hàng, tôi dám nói rằng, rất nhiều người trong chúng ta tin rằng, nước sô-đa dành cho người ăn kiêng cũng có hiệu ứng phủ-nhận-hàm-lượng-ca-lo tương tự như vậy.)
Điều đang thực sự diễn ra chính là món rau trộn làm lu mờ nhận định của những người đi ăn tối. Món rau này tạo cho họ cảm giác rằng, bữa ăn của họ là đúng đắn. Những lá rau diếp xuất hiện cùng với hiệu ứng ấn tượng sức khỏe và tạo ra một vầng hào quang che mờ món bánh mì kẹp, khiến người ta đánh giá không đúng mức “chi phí” sức khỏe của bữa ăn đó. Những người ăn kiêng – về lí thuyết sẽ là người biết rõ nhất về hàm lượng ca-lo trong thực phẩm – lại là những người có sự hoài nghi cao nhất đối với hiện tượng ấn tượng tốt, và làm giảm 100 ki-lô ca-lo trong phần ước lượng khi món rau trộn được gọi kèm theo.
Ấn tượng tốt xảy ra ở bất cứ nơi đâu có hành vi chiều theo ý thích được đi kèm với hành vi có vẻ đạo đức hơn. Ví dụ, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những người chuyên săn lùng hàng hạ giá mua được món hời cũng có thể cảm thấy mình có đức tính tốt khi tiết kiệm được tiền, và cảm giác đó khiến họ mua nhiều hơn dự tính, và những người tặng quà có thể cảm thấy họ thật hào phóng, đến mức họ quyết định rằng, mình cũng xứng đáng được nhận một món quà. (Điều này giải thích tại sao giầy dép và quần áo nữ giới chiếm tỉ lệ lớn nhất trong hoạt động mua sắm đầu các kì nghỉ.)
DƯỚI KÍNH HIỂN VI: BẠN CÓ BỊ TÁC ĐỘNG BỞI HIỆU ỨNG ẤN TƯỢNG TỐT KHÔNG?
Bạn có cho phép bản thân chiều theo ý thích bằng cách tập trung vào chất lượng đạo đức của ý thích đó không? Bạn có ngôn từ kì diệu nào để cho phép bản thân được chiều theo ý thích không, ví dụ như “Mua 1 tặng 1”, “Thật sự thiên nhiên”, “Nhẹ”, “Giao dịch công bằng”, “Hữu cơ”, hay “Vì sự nghiệp tốt” không? Tuần này, hãy quan sát xem liệu bạn có bị vướng vào hành vi nào đó, do tác động của hiệu ứng ấn tượng tốt có nguy cơ hủy hoại mục tiêu của bạn không.
Người mua hàng biết tiết kiệm mua sắm nhiều hơn dự định
Margaret, một dược sĩ mới nghỉ hưu, là người nghiện săn hàng giảm giá. Mức giảm giá càng sâu, số lượng sản phẩm chị phải mua càng lớn. Chị đẩy xe qua các lối vào kho hàng, chọn các mặt hàng được sắp theo lô ở trên giá, và chị thấy thật sung sướng khi nghĩ mình may mắn mua được lô hàng lớn. Giấy vệ sinh, ngũ cốc, giấy gói – không quan trọng là mặt hàng gì, chỉ cần giá rẻ, chị đều mua hết. Trong cửa hàng, từ sản phẩm có dán nhãn mức giá được giảm đến sản phẩm không được trang trí bắt mắt đều kêu gào: “Thiên tài mua sắm ơi, chị đang tiết kiệm tiền đấy!” Vậy mà khi Margaret nhìn một cách sửng sốt, khó tin vào các tờ hóa đơn từ chuyến mua sắm hàng tuần đến cửa hàng giảm giá, rõ ràng là chị đang tiêu nhiều hơn mức chị từng tiêu ở cửa hàng tạp hóa thông thường. Chị đã quá quen với việc tập trung vào nhãn dán “Bạn tiết kiệm được……….!” cuối mỗi hóa đơn, vì vậy chị phớt lờ tổng số tiền phải chi.
Margaret nhận ra rằng, chỉ cần chị bước chân vào cửa hàng giảm giá, chị sẽ rơi vào cạm bẫy của hiệu ứng ấn tượng tốt. Hiệu ứng đó cho phép chị tự do mua sắm mà không cảm thấy có lỗi, và chị quá vui sướng đến mức thoải mái chiều theo ý thích của mình. Để tìm cách thoát khỏi cạm bẫy này, chị phải xác định lại ý nghĩa của việc tiết kiệm. Chị không còn quan tâm đến số lượng hàng mua được nữa – chị phải tuân thủ đúng giới hạn chi tiêu và xử lí tốt. Chị vẫn cảm thấy vui sướng khi tiết kiệm tiền, nhưng chị không còn để vầng hào quang của hành vi tiết kiệm biến những buổi đi mua hàng mỗi tuần thành các buổi tiêu tiền mua sắm lu bù.
Khi hiệu ứng ấn tượng tốt xuất hiện trong thách thức ý chí của bạn, hãy tìm đến biện pháp cụ thể nhất (ví dụ hàm lượng ca-lo, chi phí, thời gian bị mất hoặc lãng phí), xem liệu lựa chọn đó có phù hợp với mục tiêu của bạn không.
RỦI RO CỦA THÁI ĐỘ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG XANH
Đã bao nhiêu lần bạn được đề nghị bảo vệ môi trường bằng việc thực hiện một hành động nhỏ, từ việc thay bóng đèn đến dùng túi mua sắm tái sử dụng? Có thể bạn cũng được đề nghị mua sản phẩm “không chứa cac-bon” – về cơ bản, đây là sám hối tài chính vì bạn sử dụng năng lượng và tiêu thụ quá mức. Ví dụ, các lữ khách cảm thấy có lỗi về tác động đối với môi trường do đi vé máy bay hạng nhất, có thể bỏ thêm một chút tiền nho nhỏ để hãng hàng không trồng thêm một cây xanh ở Nam Mĩ.
Về bản chất, tất cả các hành động này đều tốt cho môi trường. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu các hành động này thay đổi cách chúng ta suy nghĩ về chính mình? Liệu chúng ta có tự thuyết phục rằng, ta quan tâm đến hành tinh này, và khuyến khích bản thân tuân thủ các quy tắc xanh bất cứ khi nào có thể không? Hay liệu những lựa chọn đạo đức này sẽ góp phần gây hại cho môi trường, bằng cách đóng vai trò là nhân tố nhắc nhở thường xuyên về giấy phép xanh của chúng ta?
Lần đầu tiên tôi bắt đầu lo lắng về điều này là khi một nghiên cứu cho thấy, hiệu ứng giấy phép đạo đức đối với hành động bảo vệ môi trường. Chỉ cần lướt qua một trang web bán các sản phẩm xanh, ví dụ pin nạp hoặc sữa chua hữu cơ, cũng khiến mọi người cảm thấy bản thân thật tốt đẹp. Nhưng bảo vệ môi trường không phải lúc nào cũng đưa lại hành động có đạo đức. Nghiên cứu đó phát hiện ra rằng, những người thực sự quyết định mua một sản phẩm thân thiện với môi trường sinh thái thường gian lận trong bài kiểm tra mà họ được trả tiền cho mỗi câu trả lời đúng. Họ cũng thường lấy thêm tiền trong phong bì mà họ được yêu cầu lấy đúng khoản tiền của mình. Đôi lúc phẩm hạnh của hành động mua sắm xanh lại biện minh cho tội lừa gạt và trộm cắp.
Ngay cả nếu như bạn không nghĩ rằng, lái chiếc xe Prius(3) sẽ biến bạn thành một kẻ nói dối(4), kết quả của một cuộc nghiên cứu cũng cho thấy điều đó. Nhà kinh tế học Matthew J. Kotchen lo ngại rằng, các hành động “xanh” nho nhỏ sẽ giảm bớt lỗi của cả người làm kinh doanh và người tiêu dùng, và cấp phép cho các hành vi nguy hại hơn. Có thể chúng ta quan tâm đến môi trường, nhưng tạo ra sự thay đổi lớn về phong cách sống quả là không đơn giản. Có thể sẽ là hơi quá khi nghĩ đến mức độ nghiêm trọng của sự thay đổi khí hậu, thiếu hụt năng lượng và hành động cần có để ngăn chặn thảm họa. Khi mọi thứ khiến chúng ta cảm thấy đã hoàn thành phần việc của mình – để chúng ta có thể thôi nghĩ về vấn đề kia – chúng ta sẽ lao ngay vào đó. Và một khi cảm giác có lỗi và sự lo lắng tan biến, chúng ta sẽ được tự do tiếp tục thực hiện các hành vi lãng phí như thường lệ. Vậy nên, một chiếc túi mua sắm tái sử dụng trở thành giấy phép để chúng ta mua nhiều hơn, trồng thêm một cây xanh là giấy phép để chúng ta đi máy bay thường xuyên hơn, và thay bóng đèn là giấy phép để chúng ta được sống trong một ngôi nhà to lớn hơn, tiêu tốn năng lượng hơn.
Tin tốt lành là, không phải tất cả các hành động xanh đều có thể gợi ra hành vi tiêu dùng hoang phí ăn uống vô độ và không cảm thấy có lỗi khi thải cac-bon. Các nhà kinh tế học thuộc Đại học Melbourne phát hiện ra rằng, hiệu ứng giấy phép hay xảy ra nhất khi mọi người chi trả cho việc “sám hối” vì hành vi xấu – ví dụ, trả thêm 2,5 đô la để trồng một cây xanh bù lại chi phí thải cac-bon do sử dụng điện tại nhà. Cảm giác có lỗi với môi trường của người tiêu dùng được giảm nhẹ, và gia tăng cơ hội khiến họ cảm thấy mình được phép tiêu thụ nhiều năng lượng hơn.
Tuy nhiên, khi ta được trao cơ hội để trả thêm tiền cho hành vi thay thế hành động có hại bằng hành động có lợi cho môi trường – ví dụ, trả thêm 10% hóa đơn điện để sử dụng nguồn năng lượng xanh – hiệu ứng giấy phép như vậy không được thấy rõ. Tại sao không? Các nhà kinh tế học nghiên cứu và cho rằng, hành động xanh này không làm giảm bớt cảm giác có lỗi nhiều như nó làm tăng ý thức trách nhiệm của người tiêu dùng đối với môi trường. Khi chúng ta trả thêm tiền để sử dụng năng lượng gió hoặc năng lượng mặt trời, chúng ta nghĩ rằng, mình là người biết làm việc tốt cho hành tinh này! Và sau đó, chúng ta ôm khư khư nhận định đó bên mình và tìm kiếm thêm cách để sống với đúng giá trị của bản thân và đạt được mục tiêu. Nếu chúng ta muốn khuyến khích người khác hành động xanh, chúng ta phải khôn khéo tập trung hơn nữa vào cá tính của một người biết quan tâm đến môi trường, và quan tâm ít hơn đến việc trao cho mọi người cơ hội được mua quyền làm tan chảy các tảng băng.
DƯỚI KÍNH HIỂN VI: BẠN NGHĨ MÌNH LÀ AI?
Khi bạn nghĩ về thách thức ý chí, bạn thấy cái tôi nào giống bạn “thực sự” nhất – cái tôi muốn theo đuổi mục tiêu, hay cái tôi muốn được kiểm soát?
Bạn nhận thấy nhiều hơn với khao khát và sự thôi thúc, hay với giá trị và mục tiêu dài hạn của bạn? Khi nghĩ về thách thức ý chí, bạn có cảm thấy mình là người có thể thành công – hay bạn cảm thấy bạn cần phải kìm nén, cải thiện, hoặc thay đổi con người của mình không?
Lời cuối
Trong hành trình đi tìm sự tự chủ, quả là sai lầm khi giới hạn các thách thức ý chí trong khuôn khổ của các hành vi đạo đức. Chúng ta nhanh chóng cấp giấy phép cho bản thân nhờ vào các hành vi tốt đẹp hoặc chỉ là các hành vi được dự tính và nhanh chóng đầu hàng. Nghĩ đến khía cạnh “đúng” và “sai” thay vì nhớ đến mong muốn thực sự của bản thân, sẽ gây ra những sự thôi thúc cạnh tranh và cho phép các hành vi tự hủy hoại bản thân. Để thay đổi, chúng ta cần phải cảm nhận được bản chất của mục tiêu, chứ không phải hào quang của hiệu ứng ấn tượng tốt mà ta có được khi làm một người tốt.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.