Ồ! Đây Chính Là Thứ Tôi Cần
CHƯƠNG 7 TẠI SAO Ý CHÍ LẠI DỄ LÂY LAN?
John 18 tuổi và mới học xong trung học, lên xe buýt đến Viện Không lực Hoa Kì tại hạt El Paso, Colorado. Cậu đến đó với một chiếc ba lô đựng một số đồ dùng mà các học viên được phép mang: một chiếc đồng hồ nhỏ, áo khoác mùa đông, tem thư, bút và một chiếc máy tính biểu đồ. Cậu cũng mang theo một thứ không cất trong ba lô, và cũng vô hình với 29 học viên khác thuộc đội của cậu. Trong suốt khóa học, các học viên này sẽ sống chung, ăn chung và học chung. Và thứ mà John mang theo sẽ từ từ lây lan sang các học viên khác trong đội, đe dọa sức khỏe và sự nghiệp của họ ở Viện Không lực.
Tai họa mà John mang theo là gì? Không phải bệnh đậu mùa, lao hay STD. Nó không có hình dạng. Mặc dù không thể tin rằng, sự khỏe mạnh về thể chất có thể lây lan, nhưng một báo cáo năm 2010 từ Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia phát hiện ra rằng, thể chất yếu lan truyền trong Viện Không lực Hoa Kì nhanh như một căn bệnh truyền nhiễm. Tổng số 3.487 học viên được quan sát trong 4 năm, từ các bài kiểm tra thể lực tại trường trung học đến các bài kiểm tra thể lực định kì tại Viện. Theo thời gian, học viên yếu nhất trong đội dần dần làm suy giảm mức độ khỏe mạnh của các học viên khác. Trên thực tế, ngay khi các học viên đặt chân đến Viện, tình trạng sức khỏe của học viên yếu nhất trong đội chính là yếu tố dự đoán tốt hơn về tình trạng sức khỏe so với cấp độ sức khỏe của cậu ta trước khi vào học viện.
Nghiên cứu này chỉ là một ví dụ cho thấy, những hành vi mà chúng ta thường coi là nằm dưới sự tự chủ, nhưng xét theo những khía cạnh khác, các hành vi này cũng nằm dưới sự kiểm soát mang tính xã hội. Chúng ta muốn tin rằng, sự lựa chọn của mình không chịu ảnh hưởng của những người khác, và chúng ta tự hào về sự độc lập, ý chí của mình. Nhưng nghiên cứu trong các lĩnh vực tâm lí học, marketing và y học cho thấy, các lựa chọn của bản thân chúng ta được hình thành dưới sự tác động mạnh mẽ của ý nghĩ, mong muốn và hành động của người khác – và điều mà chúng ta nghĩ họ muốn chúng ta làm. Như bạn sẽ thấy, sự ảnh hưởng xã hội này thường khiến chúng ta lâm vào rắc rối.
Tuy nhiên, nó cũng giúp chúng ta đáp ứng được các mục tiêu ý chí. Sự thất bại về ý chí có thể dễ lây lan, nhưng bạn cũng có thể nắm bắt được sự tự chủ.
CÁI TÔI XÃ HỘI
Khi nói đến sự tự chủ, chúng ta thấy rằng, tâm trí của con người không phải là cái tôi thống nhất mà là rất nhiều cái tôi đang đấu tranh để giành sự tự chủ. Có một cái tôi muốn được thỏa mãn ngay lập tức và có một cái tôi nhớ đến mục tiêu lớn nhất của bạn. Có cái tôi hiện tại, và cái tôi đó dường như có hoặc không có nhiều điểm chung với cái tôi trong tương lai. Cứ như thể đó không phải là một đám đông, nhưng hóa ra còn có vài người nữa đang sống trong đầu bạn. Tôi không nói về chứng rối loạn đa nhân cách mà đang nói về cha mẹ, vợ/ chồng, con cái, bạn bè, sếp, và bất cứ ai vốn là một phần trong cuộc sống thường nhật của bạn.
Con người được lập trình để gắn kết với những người khác, và não chúng ta rất khéo léo để thích nghi với chương trình. Chúng ta có những tế bào não chuyên biệt – còn được gọi là các nơ-ron bắt chước – mục đích duy nhất của các tế bào này là bám sát ý nghĩ, cảm giác và hành động của những người khác. Các các nơ-ron bắt chước này có mặt rải rác trong não, nhằm giúp chúng ta hiểu rõ kinh nghiệm của những người khác.
Ví dụ, hãy hình dung tôi và bạn đang ở trong bếp, và bạn thấy tôi đưa tay phải ra lấy dao. Não bạn sẽ tự động ghi nhớ cử động này. Các nơ-ron bắt chước tương ứng với cử động và cảm giác trong tay phải của bạn sẽ được kích hoạt.
Theo cách đó, não bạn bắt đầu tạo dựng hình ảnh tượng trưng cho hành động của tôi. Các nơ-ron bắt chước sẽ lặp lại cử động đó giống như thể một viên thám tử có thể dựng lại hiện trường vụ án, để hiểu rõ sự việc đã xảy ra và tại sao. Việc này giúp bạn dự đoán tại sao tôi lại lấy dao và sẽ xảy ra việc gì tiếp theo. Tôi có định tấn công bạn không? Hay “nạn nhân” có chủ ý của tôi là củ cà rốt trên mặt bếp?
Giả sử tôi vô tình làm đứt ngón tay cái trong khi cầm dao. Ối! Khi bạn thấy sự việc này xảy ra, các nơ-ron bắt chước trong phân khu cơn đau của não sẽ lên tiếng. Bạn sẽ nhăn mặt và biết ngay cảm giác của tôi. Trải nghiệm về cơn đau vô cùng thực tế với não, đến mức các dây thần kinh trong cột sống cũng phải kìm nén các dấu hiệu cơn đau đang từ tay phải chạy tới – cứ như thể bạn vừa mới cắt phải tay của mình! Đây là bản năng cảm thông, giúp chúng ta hiểu và đáp lại cảm giác của những người khác.
Sau khi tôi băng vết thương ở ngón tay và lấy cho mình một miếng bánh, các nơ-ron bắt chước trong hệ khen thưởng của bạn sẽ được kích hoạt. Ngay cả khi bạn không thích bánh cà rốt, nhưng nếu bạn biết đó là món bánh ưa thích của tôi (quả là vậy), não bạn cũng sẽ bắt đầu dự đoán một phần thưởng. Khi các nơ-ron bắt chước nhận thấy lời hứa về phần thưởng của những người khác, chúng ta sẽ mong muốn được tự thưởng cho chính mình.
Bắt chước thất bại ý chí
Trong kịch bản đơn giản này, chúng ta thấy được ba cách thức não gặp thất bại ý chí. Thứ nhất là sự bắt chước không cố ý. Các nơ-ron bắt chước nhận thấy cử động của người khác sẽ dựng lại đúng cử động đó trong cơ thể bạn. Khi bạn nhìn thấy tôi với con dao, có thể bạn sẽ vô thức đưa tay ra lấy dao giúp tôi. Trong nhiều tình huống, chúng ta còn thấy mình tự động lặp lại điệu bộ và hành động của người khác. Nếu bạn chú ý đến ngôn ngữ cơ thể, bạn sẽ nhận thấy rằng, những người trò chuyện với nhau cũng làm theo hành động của người khác. Một người khoanh tay, và chỉ ít phút sau, đối tác trò chuyện của anh ta cũng sẽ khoanh tay. Cô ta ngả người ra sau và chẳng mấy chốc, anh ta cũng ngả ra sau. Sự bắt chước về thể chất một cách vô thức này có vẻ như giúp mọi người hiểu nhau hơn, và cũng tạo ra ý thức về sự gắn kết và quan hệ thân thiết. (Đó là lí do khiến các nhân viên kinh doanh, nhà quản lí và chính trị gia được đào tạo để bắt chước tư thế của người khác một cách có chủ ý, vì họ biết rằng, điều đó sẽ giúp họ gây ảnh hưởng dễ dàng hơn đối với người mà họ đang bắt chước.)
Bản năng bắt chước người khác nghĩa là, khi bạn nhìn thấy ai đó thò tay lấy một món đồ ăn nhanh, một li rượu, hay thẻ tín dụng, có thể bạn cũng vô thức lặp lại hành động của họ – và đánh mất ý chí. Ví dụ, một nghiên cứu gần đây quan sát sự việc xảy ra trong não của người hút thuốc khi họ nhìn thấy diễn viên trên phim ảnh hút thuốc. Các phân khu não phụ trách cử động tay sẽ được kích hoạt, như thể não của người hút thuốc kia đang chuẩn bị lấy thuốc ra và châm lửa. Chỉ cần nhìn thấy người khác hút thuốc trên màn hình cũng đủ gây ra thôi thúc tiềm thức được châm thuốc, tạo ra thêm thách thức cho não của người hút thuốc trong việc kiềm chế sự thôi thúc đó.
Cách thứ hai để bộ não xã hội có thể khiến chúng ta lầm đường lạc lối là sự ảnh hưởng về cảm xúc. Chúng ta thấy các nơ-ron bắt chước hưởng ứng trước cơn đau của người khác, và chúng cũng biết hưởng ứng trước cảm xúc. Đó là lí do khiến tâm trạng không tốt của đồng nghiệp có thể trở thành tâm trạng không tốt của chính chúng ta – và khiến chúng ta cảm thấy như thể chính mình đang cần một li rượu! Đó cũng là lí do khiến các chương trình thực tế trên truyền hình lồng ghép âm thanh tiếng cười trong phim – họ hi vọng tiếng cười của người khác sẽ chọc cười cho bạn. Sự ảnh hưởng tự động về cảm xúc cũng giúp giải thích tại sao các nhà nghiên cứu về mạng lưới xã hội đã phát hiện ra rằng, niềm vui và nỗi cô đơn lây lan từ bạn bè sang nhau và trong gia đình. Làm cách nào việc này có thể dẫn đến thất bại về ý chí? Khi có cảm giác tồi tệ, chúng ta sẽ tìm đến các chiến lược thông thường để kiểm soát cảm giác – và việc này có thể đồng nghĩa với một cuộc mua sắm lu bù hoặc ăn bánh sô-cô- la trong tương lai gần.
Cuối cùng, não cũng bị cám dỗ khi chúng ta nhìn thấy người khác đầu hàng. Nhìn thấy người khác tham gia thách thức ý chí của bạn, có thể khiến bạn có tâm trạng muốn tham gia với họ. Khi hình dung thấy mong muốn của người khác, điều đó có thể khơi gợi mong muốn của chúng ta, và cơn thèm của họ có thể khơi gợi cơn thèm của chúng ta. Đây là lí do tại sao khi có người khác ăn cùng, chúng ta lại ăn nhiều hơn so với khi ăn một mình, tại sao các con bạc đánh cược nhiều tiền hơn sau khi nhìn thấy người khác ăn được nhiều tiền, và tại sao chúng ta chi tiêu nhiều hơn khi đi mua sắm với bạn bè.
DƯỚI KÍNH HIỂN VI: BẠN ĐANG BẮT CHƯỚC AI?
Tuần này, hãy tìm bằng chứng cho thấy bạn đang bắt chước hành vi của người khác – đặc biệt là hành vi liên quan đến thách thức ý chí. Có phải việc chiều theo ý thích phổ biến là chất băng keo gắn kết một mối quan hệ không? Bạn có nhắm mắt làm tới khi những người xung quanh đều như vậy không?
Người hút thuốc chịu sự ảnh hưởng xã hội
Marc mới bắt đầu làm tại quầy hàng trong một quán cà phê. Tất cả các nhân viên đều được nghỉ giải lao 10 phút trong mỗi ca làm 4 giờ. Marc sớm nhận thấy rằng, hầu hết bọn họ đều nghỉ giải lao ở nơi mà họ có thể hút thuốc. Mọi người thường kết thúc ca làm ở sau cửa hàng, vừa nói chuyện vừa hút thuốc trước khi về nhà. Marc không hút thuốc thường xuyên, mặc dù thi thoảng anh cũng hút một đôi điếu khi dự tiệc. Nhưng anh lại thấy mình hút thuốc nếu như một nhân viên khác chui ra sau quầy hàng trong khi giải lao, và đôi lúc anh cũng nán lại sau giờ làm để hút thuốc với đồng nghiệp.
Khi khóa học của chúng tôi đề cập đến sự ảnh hưởng xã hội đối với hành vi, Marc nhận ra chính mình ngay lập tức. Anh không bao giờ hút thuốc khi chỉ có một mình. Chỉ là hút thuốc khi làm việc có vẻ dễ dàng hơn là không hút thuốc khi đi làm – đó là việc mà ai cũng làm. Ngay cả quản lí cửa hàng cũng hút thuốc khi nghỉ giải lao. Marc không nghĩ nhiều đến việc thói quen xã hội này sẽ dẫn anh tới đây, nhưng chắc chắn anh không muốn mình là một nhân viên sống vì những điếu thuốc trong giờ nghỉ. Anh quyết định không hút thuốc cùng đồng nghiệp, và những người này không chút phiền lòng khi họ không còn phải mời anh hút thuốc nữa. Marc vẫn muốn tỏ ra xã giao; chỉ là anh không phải châm thuốc khi không muốn.
Khi mục tiêu cũng lây lan
Con người là những người đọc tâm trí hết sức tự nhiên. Mỗi khi chúng ta quan sát người khác hành động, chúng ta lại vận dụng bộ não xã hội để dự đoán mục tiêu của họ. Tại sao người phụ nữ kia lại la hét vào mặt gã đàn ông đó? Tại sao người hầu bàn lại đá lông nheo với mình nhỉ? Trò chơi dự đoán này giúp chúng ta đoán trước hành động của người khác và tránh các thảm họa xã hội. Chúng ta cần phải có khả năng bảo vệ bản thân và người khác trước các mối đe dọa xã hội. (Người phụ nữ đang la hét hay gã đàn ông bị la hét là kẻ nguy hiểm? Trong tình huống này, ai cần sự giúp đỡ?) Chúng ta cũng cần lựa chọn phương án thích hợp nhất trong nhiều tình huống mơ hồ.
Tuy nhiên, phương pháp đọc tâm lí tự động này cũng có mặt trái về sự tự chủ: nó khởi động những mục tiêu tương tự trong chúng ta. Các nhà tâm lí học gọi đây là sự lây lan mục tiêu. Nghiên cứu cho thấy rằng, để bắt được mục tiêu của một người nhằm thay đổi hành vi của bạn, việc này dễ dàng một cách ngạc nhiên. Ví dụ, theo một nghiên cứu, các sinh viên đặt ra mục tiêu kiếm tiền chỉ sau khi đọc câu chuyện về một sinh viên khác đi làm thêm trong kì nghỉ xuân.
Sau đó, các sinh viên này học tập chăm chỉ hơn và nhanh hơn nhằm kiếm được tiền trong một nhiệm vụ tại phòng thí nghiệm.
Những điều này có ý nghĩa gì đối với sự tự chủ của bạn? Tin tốt là ở mức độ nào đó, sự lây lan mục tiêu bị giới hạn bởi các mục tiêu mà bạn chia sẻ. Bạn không thể đặt ra một mục tiêu hoàn toàn mới khi bạn thoáng nhìn thấy một cái gì đó, như khi bạn bị nhiễm vi-rút cúm. Một người không hút thuốc sẽ không thèm nicotine khi bạn bè của anh ta lôi điếu thuốc ra khỏi bao. Nhưng hành vi của người khác có thể kích hoạt một mục tiêu trong tâm trí bạn, dù hiện tại phần tâm trí đó không phụ trách việc lựa chọn. Như chúng ta đã thấy, thách thức ý chí luôn luôn gây ra mâu thuẫn giữa hai mục tiêu đang đấu tranh với nhau. Bạn muốn được vui ngay bây giờ, nhưng sau đó bạn muốn có sức khỏe. Bạn muốn được hả cơn giận với sếp nhưng bạn cũng muốn giữ việc làm. Bạn muốn một buổi mua sắm tưng bừng, nhưng bạn cũng muốn thoát khỏi cảnh nợ nần. Nhìn thấy người khác theo đuổi một trong các mục tiêu này có thể đem đến sự cân bằng về quyền năng trong tâm trí bạn.
Sự lây lan mục tiêu hoạt động theo hai hướng – bạn có thể có sự tự chủ, và cũng có thể tự chiều theo ý thích – nhưng dường như chúng ta cực kì nhạy cảm trước sự lây lan cám dỗ. Nếu người đi ăn trưa với bạn gọi món tráng miệng, mục tiêu được thỏa mãn ngay lập tức của cô ấy có thể đồng lòng chung sức với mục tiêu được thỏa mãn ngay lập tức của bạn để thắng phiếu trong cuộc đua giảm cân. Nhìn thấy người khác thoải mái mua sắm quà cho kì nghỉ có thể củng cố mong muốn của bạn trong việc khiến con cái vui mừng ngây ngất trong buổi sáng Giáng sinh, và khiến bạn tạm thời quên mục tiêu phải chi tiêu dè dặt hơn.
THÍ NGHIỆM Ý CHÍ: CỦNG CỐ HỆ MIỄN DỊCH CỦA BẠN
Không phải lúc nào chúng ta cũng nắm bắt được mục tiêu của người khác.
Đôi lúc nhìn thấy người khác đầu hàng cám dỗ cũng có thể nâng cao sự tự chủ của chúng ta. Khi bạn thực sự trung thành với mục tiêu (ví dụ giảm cân) nhưng ý thức được rằng, bạn có một mục tiêu đối lập (ví dụ thích một chiếc bánh pizza sốt cá), nhìn thấy người khác làm việc gì đó đối lập với mục tiêu lớn nhất của bạn, sẽ đặt não vào tình trạng cảnh giác cao độ.
Nó sẽ kích hoạt mục tiêu chủ đạo của bạn mạnh mẽ hơn và bắt đầu đưa ra các chiến lược giúp bạn trung thành với mục tiêu. Các nhà tâm lí học gọi đây là sự kiểm soát trung hòa, nhưng bạn có thể coi đó là phản ứng miễn dịch với những thứ có thể đe dọa đến sự tự chủ của bạn.
Cách tốt nhất để nâng cao phản ứng miễn dịch trước mục tiêu của người khác, là dành vài phút khi ngày mới bắt đầu để suy nghĩ về mục tiêu của bản thân, và bạn có thể bị cám dỗ như thế nào để phớt lờ những mục tiêu đó. Giống như vắc xin bảo vệ bạn trước mầm bệnh của người khác, suy nghĩ về mục tiêu của bản thân sẽ củng cố ý định của bạn, và giúp bạn tránh sự lây lan mục tiêu.
Nắm bắt mục tiêu mất kiểm soát
Đôi lúc chúng ta không bắt gặp các mục tiêu cụ thể – như ăn ăn nhanh, tiêu tiền… – mà là các mục tiêu chung chung hơn để đi theo sự thôi thúc của bản thân. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Groningen, Hà Lan, cho thấy điều này trong rất nhiều bối cảnh thực tế, và coi khách qua đường là đối tượng nghiên cứu. Họ sắp đặt “bằng chứng” cho thấy có người đang hành xử xấu – ví dụ họ buộc xe đạp vào hàng rào ngay cạnh tấm biển “Không để xe đạp” và để xe đẩy mua hàng trong bãi đỗ xe có biển “Vui lòng trả xe đẩy vào kho”. Các nghiên cứu này cho thấy rằng, việc phá vỡ quy định có tính chất lây lan. Những người vô tình nằm trong bối cảnh của các nhà nghiên cứu cư xử giống như hành động của người khác và phớt lờ biển báo. Họ cũng cột xe đạp và để xe đẩy trong bãi đỗ xe.
Nhưng hậu quả nghiêm trọng hơn thế. Khi mọi người nhìn thấy một chiếc xe đạp được buộc vào hàng rào, họ cũng muốn được đi tắt một cách bất hợp pháp qua hàng rào. Khi họ nhìn thấy xe đẩy trong bãi đỗ xe, họ cũng muốn đổ rác xuống nền bãi. Mục tiêu lây lan trở nên lớn hơn là mục tiêu phá vỡ quy định cụ thể nào đó. Họ nắm bắt được mục tiêu để làm mọi việc họ muốn, thay vì làm việc mà họ định sẽ làm.
Khi chúng ta quan sát bằng chứng cho thấy những người khác phớt lờ các quy định và đi theo sự thôi thúc của bản thân, chúng ta thường đầu hàng mọi sự thôi thúc của mình. Điều này nghĩa là mỗi khi chúng ta thấy người khác cư xử kém, sự tự chủ của chúng ta cũng mai một. Nghe nói đến việc có người lừa gạt về mức thuế của họ, có thể khiến bạn cảm thấy mình được tự do hơn trong việc gian lận chế độ ăn kiêng. Nhìn thấy lái xe khác vượt quá tốc độ có thể khiến bạn tiêu quá định mức chi tiêu. Theo cách này, chúng ta có thể nắm bắt điểm yếu ý chí từ người khác – ngay cả khi điểm yếu cá nhân của chúng ta rất khác biệt. Điều quan trọng hơn cả là, thậm chí chúng ta không cần nhìn thấy mọi người hành động. Giống như những mầm bệnh nán lại rất lâu trên tay nắm cửa sau khi một người bệnh bước qua, một hành động có thể được chuyển sang cho chúng ta, khi chúng ta chỉ đơn thuần nhìn thấy bằng chứng cho thấy những người khác đã làm việc đó.
THÍ NGHIỆM Ý CHÍ: NẮM BẮT SỰ TỰ CHỦ
Nghiên cứu cho thấy, việc nghĩ về một người có sự tự chủ tốt có thể làm tăng ý chí của bạn. Liệu có ai đó có thể đóng vai hình mẫu lí tưởng về ý chí để bạn vượt qua thách thức không? Ai đó đã đấu tranh với thách thức tương tự và họ đã thành công, hay ai đó là ví dụ điển hình cho sự tự chủ mà bạn muốn có? (Trong khóa học của tôi, hình mẫu ý chí tiêu biểu và phổ biến là những vận động viên giỏi giang, những nhà lãnh đạo tinh thần, và chính trị gia, mặc dù các thành viên trong gia đình và bạn bè có thể tạo nhiều động lực hơn, như bạn sẽ sớm nhận thấy). Khi bạn cần có thêm ý chí, hãy nhớ đến hình mẫu lí tưởng đó. Hãy tự hỏi: hình mẫu ý chí này sẽ làm gì?
Tại sao những người bạn yêu mến dễ tạo sự lây lan hơn những người lạ?
Vào mùa lạnh hoặc mùa cúm, bạn có thể nhiễm vi rút từ bất cứ ai mà bạn tiếp xúc – đồng nghiệp ho nhưng không che miệng, viên thu nhân quẹt thẻ tín dụng của bạn và trả lại bạn tấm thẻ chứa đầy mầm bệnh. Các nhà nghiên cứu bệnh dịch gọi đây là sự lây lan giản đơn. Với sự lây lan giản đơn, ai cũng có thể gieo mầm bệnh. Mầm bệnh của một người hoàn toàn xa lạ cũng có mức ảnh hưởng y như mầm bệnh của một người mà bạn yêu quý, và chỉ cần một mầm bệnh cũng đủ khiến bạn bị lây lan.
Sự lây lan của hành vi không hoạt động theo phương diện này. Các dịch bệnh xã hội – ví dụ sự bùng nổ bệnh béo phì hoặc hút thuốc – đi theo mô hình lây lan phức tạp. Tiếp xúc với một người “mang” hành vi vẫn chưa đủ. Mối quan hệ của bạn với người đó mới đóng vai trò quan trọng. Trong cộng đồng Framingham, hành vi không lan tràn qua các hàng rào và sân sau. Dịch bệnh xã hội lan truyền qua mạng lưới của sự tôn trọng và ưa thích chung, thay vì mạng lưới được sắp đặt trật tự của một tấm lưới sắt. Đồng nghiệp chính là người có ảnh hưởng giống như một người bạn thân, và ngay cả bạn của một người bạn cũng có nhiều ảnh hưởng hơn là người mà bạn nhìn thấy hàng ngày, nhưng bạn lại không ưa người đó. Loại hình lây lan có lựa chọn này gần như chưa từng xảy ra trong thế giới của các bệnh dịch – cứ như thể hệ miễn dịch của bạn chỉ có thể tự bảo vệ nó trước loại vi-rút mà bạn bị nhiễm từ một người lạ hoặc một người bạn không thích. Nhưng đó chính là cách khiến hành vi lây lan. Sự gần gũi về mặt xã hội có vai trò quan trọng hơn là sự gần gũi về mặt địa lí.
Tại sao hành vi lại lây lan trong các mối quan hệ thân thiết? Để mở rộng thêm một chút về phép loại suy của hệ miễn dịch, giả sử hệ miễn dịch này chỉ từ chối mục tiêu và hành vi của người khác nếu nó coi những người này là người “không giống chúng ta”. Nói cho cùng, hệ miễn dịch thể chất của chúng ta không tấn công tế bào của chính mình; những thứ nó coi giống như chúng ta, nó sẽ mặc kệ như vậy. Nhưng nếu nó coi là khác, nó sẽ coi đó là một mối đe dọa – nó sẽ cô lập hoặc tiêu diệt loại vi-rút hoặc vi khuẩn đó để bạn không bị mắc bệnh. Hóa ra, khi chúng ta nghĩ về những người mình yêu quý, tôn trọng và cảm thấy tương đồng, não sẽ coi họ là người giống chúng ta hơn là không phải chúng ta. Bạn có thể nhìn thấy điều này trong máy chụp não, quan sát những người trưởng thành nghĩ trước hết về bản thân họ và sau đó là mẹ của họ. Các phân khu não được kích hoạt bởi cái tôi và mẹ gần như đều giống hệt nhau, cho thấy người mà chúng ta nghĩ là chính mình gồm những người chúng ta quan tâm đến. Ý thức về cái tôi phụ thuộc vào mối quan hệ của chúng ta với những người khác, và theo nhiều cách, chúng ta chỉ biết mình là ai khi nghĩ về những người khác. Bởi vì chúng ta gộp cả những người khác vào ý thức về cái tôi của mình, nên sự lựa chọn của họ ảnh hưởng đến sự lựa chọn của chúng ta.
DƯỚI KÍNH HIỂN VI: AI LÀ NGƯỜI KHIẾN BẠN MUỐN NẮM BẮT ĐƯỢC CÁI GÌ ĐÓ TỪ HỌ NHẤT?
Hãy dành một chút thời gian để nghĩ xem “những người thân thiết” của bạn là ai. Bạn dành nhiều thời gian nhất với ai? Bạn quý trọng ai? Bạn cảm thấy mình giống ai nhất? Ý kiến của ai quan trọng nhất với bạn? Bạn tin tưởng hoặc quan tâm đến ai nhất? Bạn có thể nghĩ đến bất kì hành vi nào – dù hữu ích hay có hại – mà bạn đã học được từ họ, hoặc họ học được từ bạn không?
Khi sự tự chủ không bình thường
Nếu muốn mọi người có ý chí hơn, chúng ta cần phải khiến họ tin rằng, tự chủ là một quy tắc. Nhưng lần cuối cùng bạn nghe nói về xu hướng tích cực về hành vi là khi nào? Các phương tiện truyền thông thích làm chúng ta sợ hãi hơn, với những con số gây sốc về việc chúng ta đang ngày càng trở nên lười biếng hơn, ít có đạo đức hơn, và kém khỏe mạnh hơn. Chúng ta luôn luôn nghe thấy các con số đó: 40% người Mĩ không bao giờ tập luyện, và chỉ 11% tham gia tập luyện 5 lần/tuần (khuyến nghị tiêu chuẩn để có sức khỏe và giảm cân). Chỉ 14% người trưởng thành ăn 5 suất rau và hoa quả như được khuyến cáo. Thay vào đó, trung bình mỗi năm một người trưởng thành tiêu thụ hết 45kg đường.
Các con số này được đưa ra với mục đích khiến chúng ta sợ hãi. Nhưng chúng ta hãy thành thật: nếu chúng ta nhận thấy mình trong số đông đó, điều mà bộ não của chúng ta nghe được là: “Nhẹ cả người, mình cũng giống mọi người thôi”. Càng nghe nhiều về các con số này, chúng ta càng tin chắc rằng, đây là việc mà ai ai cũng làm, và sẽ chẳng sao nếu ta cũng làm như vậy.
Nếu chúng ta biết rằng, mình “cũng bình thường” như bao người, thì chúng ta có thể thay đổi nhận thức về bản thân. Nhưng nếu chúng ta nằm ngoài số đông “không có ý chí” kia, có thể chúng ta sẽ thấy mình ở trong tình trạng boomerang(1). Theo một nghiên cứu, nếu các chủ nhà được nói rằng, hóa đơn sử dụng năng lượng của họ ít hơn trung bình các hộ khác, họ sẽ bắt đầu để các bóng đèn sáng và bật bộ ổn nhiệt lên. Sự lôi kéo về vị trí trung tâm có thể mạnh mẽ hơn mong muốn được làm việc đúng đắn.
Khi nói về minh chứng xã hội, điều chúng ta nghĩ người khác làm có ý nghĩa quan trọng hơn cả việc mà họ thực sự làm. Ví dụ, các sinh viên đại học đánh giá quá mạnh tình trạng gian lận thi cử của các bạn học cùng. Yếu tố dự đoán tốt nhất về việc liệu một sinh viên có gian lận trong thi cử hay không, chính là việc liệu cậu ta có tin rằng, các sinh viên khác cũng gian lận hay không, thay vì mức độ nghiêm khắc của hình phạt hoặc liệu cậu ta nghĩ mình có bị phát hiện hay không. Khi các sinh viên tin rằng, các bạn cùng lớp cũng gian lận, một lớp học gồm các sinh viên tương đối trung thực có thể trở thành một lớp học đầy rẫy các sinh viên nhắn tin đáp án cho bạn bè trong giờ kiểm tra (quả là vậy, chính tôi đã bắt được một sinh viên làm việc này đấy).
Hiện tượng này không chỉ được giới hạn trong phạm vi lớp học. Hầu hết mọi người đều đánh giá quá cao tỉ lệ phần trăm những người đóng thuế có hành vi gian lận. Việc này dẫn đến tỉ lệ gian lận thực tế cao hơn, vì mọi người làm theo điều mà họ tin rằng, đó là một quy tắc. Không phải chúng ta là những kẻ gian lận không thể cải tạo. Khi mọi người được trao thông tin chính xác về các quy tắc thực sự, họ sửa lại hành vi của mình. Ví dụ, khi mọi người được cho biết thông tin chính xác về sự trung thực của người đóng thuế, họ có thể tự thực hiện đợt trả thuế trung thực.
DƯỚI KÍNH HIỂN VI: AI CŨNG LÀM NHƯ VẬY MÀ!
Minh chứng xã hội có thể cản trở sự thay đổi nếu chúng ta tin rằng, những người khác đều thực hiện hành vi mà chúng ta đang cố gắng thay đổi. Bạn đã bao giờ tự nhủ rằng, thách thức ý chí của bạn không phải là vấn đề quan trọng, vì nó chính là một quy tắc chưa? Bạn có tự nhắc nhở chính mình về những người bạn quen biết và có chung thói quen với bạn chưa? Nếu có, có thể bạn muốn thay đổi nếp suy nghĩ này. Cách tốt nhất để làm việc này là tìm những người có chung hành vi mà bạn mong muốn đạt được. Hãy tìm đến một “bộ tộc” mới để tham gia. Có thể đó là một nhóm hỗ trợ, một lớp học, một câu lạc bộ địa phương, cộng đồng mạng, hoặc thậm chí là đặt mua dài hạn cuốn tạp chí có thể ủng hộ mục tiêu của bạn. Nếu bao quanh bạn là những người có chung cam kết đạt mục tiêu, việc đó sẽ giúp bạn cảm thấy như thể đó chính là một quy tắc.
QUYỀN NĂNG “NÊN”
Liệu việc hình dung sự ngưỡng mộ của các bạn học cùng lớp trung học, khi bạn xuất hiện trong buổi họp lớp với thân hình giảm 15 kg, có giúp bạn thức dậy tập thể dục mỗi sáng không? Liệu sự thất vọng của cậu con trai 9 tuổi khi bạn hút thuốc, có ngăn cản bạn không lén lút hút một điếu thuốc trong khi làm việc không?
Khi suy nghĩ về một lựa chọn, chúng ta thường hình dung mình là đối tượng đánh giá của người khác. Các nghiên cứu cho thấy, việc này có thể tạo động lực mạnh mẽ đối với sự tự chủ. Những người hình dung niềm tự hào mà họ sẽ cảm nhận được khi hoàn thành mục tiêu – từ mục tiêu bỏ thuốc lá đến hiến máu – thường theo sát mục tiêu và thành công.
David Desteno, chuyên gia tâm lí học thuộc Đại học Northeastern, lập luận rằng, cảm xúc xã hội, ví dụ như niềm tự hào và sự xấu hổ, có ảnh hưởng nhanh hơn và trực tiếp hơn đối với các lựa chọn của chúng ta so với các lập luận có lí về chi phí và lợi ích lâu dài. Desteno gọi đây là sự tự chủ nóng hổi. Chúng ta vẫn thường coi sự tự chủ là việc chiến thắng của một lí do lạnh lùng trước những thôi thúc nóng hổi, nhưng niềm tự hào và sự xấu hổ phụ thuộc vào bộ não mang tính cảm xúc, thay vì phụ thuộc vào vỏ não trước có lí trí. Có thể các cảm xúc xã hội đã tiến hóa giúp chúng ta đưa ra những lựa chọn để có được chỗ đứng trong “bộ lạc”, tương tự như nỗi sợ hãi giúp chúng ta bảo vệ chính mình và sự tức giận giúp ta phòng vệ. Hình dung ra việc chấp nhận hoặc chối bỏ của xã hội có thể khuyến khích chúng ta làm việc đúng đắn.
Một số doanh nghiệp và cộng đồng cũng bắt đầu thử nghiệm với cảm giác xấu hổ, thay vì đưa ra các hình phạt tiêu chuẩn đối với các hành vi phá hoại và phạm pháp. Nếu bạn bị bắt khi đang ăn cắp đồ trong cửa hàng tạp hóa tại Chinatown thuộc Manhattan, có thể bạn sẽ bị buộc phải chụp ảnh cùng với món đồ bạn lấy cắp. Bức ảnh đó sẽ được treo trên bức tường gần quầy thu ngân, có ghi đầy đủ tên họ, địa chỉ và lời cảnh báo “Kẻ trộm cắp”.
Giới hạn của cảm giác xấu hổ
Trước khi chúng ta quá hào hứng về quyền lực của cảm giác xấu hổ, có lẽ sẽ là khôn ngoan nếu ta nhớ đôi chút về tác động “tệ hại”. Có ranh giới rõ ràng giữa lợi ích tự chủ của việc dự đoán cảm xúc xã hội tiêu cực, ví dụ như cảm giác xấu hổ, và hiệu ứng hao mòn ý chí của cảm giác xấu hổ thực sự. Đã nhiều lần chúng ta thấy rằng, cảm giác tồi tệ dẫn đến sự đầu hàng – nhất là khi cảm giác tồi tệ có dạng thức của cảm giác có lỗi và xấu hổ. Cảm giác xấu hổ có thể đem lại hiệu quả nếu đó là biện pháp phòng ngừa. Nhưng một khi hành vi đã được thực hiện rồi, cảm giác xấu hổ thường khơi gợi sự phá hủy ngầm hơn là sự tự chủ. Ví dụ, những người đánh bạc cảm thấy xấu hổ nhất sau khi thua bạc thường “đuổi theo” số tiền đã mất bằng cách đánh bạc nhiều hơn và vay mượn tiền nhằm bù đắp số tiền đã thua.
Sức mạnh của niềm tự hào
Trong khi đó, niềm tự hào chiến thắng ngay cả khi bạn đối mặt với cám dỗ. 40% người tham gia hình dung về niềm tự hào của họ vì đã cưỡng lại chiếc bánh kem, không hề ăn một miếng bánh nào. Một lí do khiến niềm tự hào đem lại hiệu quả là vì, nó giúp tâm trí mọi người không nghĩ đến chiếc bánh nữa. Ngược lại, cảm giác xấu hổ khơi gợi niềm vui trong dự tính, và người tham gia cho thấy họ có những ý nghĩ liên quan nhiều hơn đến sự cám dỗ, ví dụ như, “Thơm quá” và “Chắc ngon phải biết”. Một lí do khác nữa là do cơ chế sinh học: các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy, cảm giác có lỗi làm giảm biến thiên nhịp tim, chính là kho dự trữ sinh lí học của ý chí. Trong khi đó, niềm tự hào duy trì, thậm chí gia tăng kho dự trữ đó.
Để niềm tự hào đem lại hiệu quả, chúng ta cần tin rằng, những người khác đang quan sát, hoặc chúng ta sẽ có cơ hội khoe thành công của mình với người khác. Các nhà nghiên cứu về marketing phát hiện ra rằng, con người thích mua sắm các sản phẩm thân thiện với môi trường tại nơi công cộng hơn là mua sắm trên mạng. Mua các sản phẩm thân thiện với môi trường là một cách giúp chúng ta thể hiện mình là người biết suy nghĩ và có lòng vị tha, và chúng ta muốn được xã hội vinh danh vì những món đồ được mua với ý thức cao vút kia. Nghiên cứu này chỉ ra một chiến lược hiệu quả để trung thành với quyết tâm: hãy đưa thách thức ý chí ra nơi công cộng. Nếu bạn tin rằng, những người khác đang cổ vũ cho thành công của bạn và để mắt tới hành vi của bạn, bạn sẽ có nhiều động lực hơn để làm điều đúng đắn.
THÍ NGHIỆM Ý CHÍ: SỨC MẠNH CỦA NIỀM TỰ HÀO
Hãy để nhu cầu cơ bản của con người được tán thành để được sử dụng hữu ích, bằng cách hình dung ra cảm giác tự hào, bạn sẽ cảm nhận được khi bạn thành công trước thách thức ý chí. Hãy nhớ đến người nào đó trong “bộ lạc” – một thành viên trong gia đình, đồng nghiệp, thầy/cô giáo – có quan điểm mang ý nghĩa quan trọng với bạn, hoặc một người sẽ vui mừng trước thành công của bạn. Khi bạn đưa ra lựa chọn mà bạn sẽ tự hào về nó, hãy chia sẻ với “bộ lạc” bằng cách cập nhật trên trang Facebook, hoặc – đối với những người thủ cựu – hãy đích thân chia sẻ câu chuyện đó.
Cảm giác xấu hổ vì nợ thuế
Tôi thường mời các học viên công khai trình bày thách thức ý chí của họ trước cả lớp, nếu kết thúc khóa học chúng tôi vẫn còn thời gian. Điều này có thể tạo ra một chút áp lực xã hội – rất nhiều người cảm thấy bị thôi thúc phải hành động theo một thông báo công khai, nhất là khi họ biết rằng, tôi sắp hỏi về cách thực hiện của họ trước lớp học. Phương pháp này cũng đem đến niềm tự hào trong dự tính, vì rất nhiều học viên mong muốn được mô tả thành công của họ trong khóa học này.
Một lần, khi một khóa học có tới 150 học viên, một người phụ nữ thông báo mục tiêu của chị là trả hết nợ thuế. Tuần sau đó, tôi không gặp chị nữa và tôi đã hỏi cả lớp: “Người phụ nữ chuẩn bị trả hết nợ thuế đâu rồi?” Chị không xuất hiện trong lớp, nhưng có hai người khác giơ tay nói rằng, họ đang thực hiện bước đầu tiên để trả nợ thuế. Điều đáng buồn là không ai trong số họ coi việc trả nợ thuế là thách thức ý chí. Thông báo của người phụ nữ trong buổi học trước đã truyền cảm hứng cho họ – đây là trường hợp điển hình của sự lây lan mục tiêu.
Vậy người phụ nữ đưa ra lời cam kết đầu tiên kia đâu rồi? Tôi cũng không biết, và bởi vì đó là buổi học cuối cùng, nên tôi sẽ không bao giờ biết câu trả lời.
Tôi hi vọng chị ấy sẽ gặp một luật sư về thuế và không phải là nạn nhân của cảm giác xấu hổ. Hiển nhiên, đó là mặt trái của quyền năng “nên”: ánh mắt của người khác do bạn hình dung thấy có thể tạo động lực cho bạn, nhưng nếu chúng ta thất bại, sự chỉ trích mà ta hình dung được có thể khiến ta nhụt chí, không dám xuất hiện nữa.
Bị tống ra khỏi “bộ lạc”
Những “thất bại” ý chí như nghiện, béo phì và phá sản thường xuất hiện cùng
với búa rìu dư luận. Có thể chúng ta sai lầm khi cho rằng, người đó yếu đuối, lười biếng, ngu ngốc hoặc ích kỉ, và tự thuyết phục bản thân rằng, họ đáng bị xấu hổ hoặc bị loại trừ. Nhưng chúng ta nên thận trọng đặc biệt trước những người bị xã hội xa lánh – họ không kiểm soát hành vi theo cách mà chúng ta mong muốn. Đó là một phương pháp đối xử vô cùng tàn nhẫn đối với mọi người, và cũng là chiến lược tồi tệ nhằm khích lệ sự thay đổi. Như Deb Lemire, chủ tịch Hiệp hội Sức khỏe và Đa dạng kích cỡ (Association for Size Diversity and Health) nói, “Nếu cảm giác xấu hổ đem lại hiệu quả, hẳn sẽ không có người béo trên đời này.”
Thay vì làm cho người khác xấu hổ vì thất bại ý chí của họ, chúng ta nên ủng hộ thành công ý chí của họ. Ví dụ điển hình là một cuộc điều tra giảm cân tại Đại học Pittsburgh, yêu cầu mọi người tham gia chương trình cùng với một người bạn hoặc thành viên trong gia đình. Người tham gia được giao “bài tập hỗ trợ về nhà”, ví dụ cùng ăn bữa ăn có lợi cho sức khỏe trong tuần và gọi điện động viên, kiểm tra nhau. Một con số ấn tượng, 66% người tham gia chương trình này duy trì được mức cân đã giảm trong 10 tháng sau đó, so với chỉ 24% người tham gia chương trình nhưng không đi cùng bạn bè hoặc người thân.
THÍ NGHIỆM Ý CHÍ: BIẾN THÁCH THỨC THÀNH DỰ ÁN LÀM VIỆC NHÓM
Bạn không cần phải tự mình chinh phục thử thách ý chí. Có người bạn, người thân hay đồng nghiệp nào có thể gia nhập với bạn để thực hiện mục tiêu ý chí không? Hai bạn không nhất thiết phải có chung mục tiêu; chỉ cần ghi danh và động viên nhau cũng có thể đem đến sự ủng hộ xã hội đối với sự tự chủ của bạn. Nếu bạn muốn có sự ủng hộ này với chút hơi hướng cạnh tranh, hãy ghi danh cho những người khác để cùng nhau cạnh tranh trực tiếp. Ai là người đầu tiên hoàn thành nhiệm vụ đã bị trì hoãn nhiều lần, hoặc ai là người tiết kiệm được nhiều tiền nhất trong một tháng?
Kiểm tra thư điện tử giúp giữ vững mục tiêu
Một trong những bức thư điện tử ưa thích của tôi, là thư do một cựu học viên gửi nhiều tháng, sau khi khóa học đã kết thúc. Cô muốn cho tôi biết rằng, phương pháp mà tôi khuyến khích trong buổi họp lớp cuối cùng đã tạo mọi sự khác biệt trong việc giúp cô trung thành với mục tiêu. Trong buổi học cuối cùng hôm đó, một số học viên lo lắng rằng, khi khóa học kết thúc rồi, họ sẽ không còn động lực để bắt kịp những thay đổi mà họ đã đạt được. Xã hội rộng lớn hơn nhiều so với lớp học, và khi biết rằng họ có thể chia sẻ kinh nghiệm cho nhau – dù chỉ với người ngồi ngay bên cạnh – tạo động lực cho rất nhiều người để báo cáo việc này việc kia.
Vậy nên vào buổi học cuối cùng đó, khi một số học viên trở nên lo lắng, tôi nói với họ rằng, họ nên trao đổi địa chỉ thư điện tử với một người mà họ không hề biết. Sau đó tôi nói: “Hãy nói với người đó về việc bạn dự định thực hiện trong tuần tới, chỉ cần việc đó nhất quán với mục tiêu của bạn”. Nhiệm vụ của họ là viết thư cho đối tác và hỏi xem: Bạn có làm đúng những việc bạn dự tính không?
Học viên viết thư cho tôi nhiều tháng sau đó nói rằng, điều duy nhất khiến cô tiếp tục thực hiện bài tập một tuần sau khi khóa học kết thúc là vì, cô biết rằng cô sẽ phải nói với người lạ mặt kia về việc liệu cô có giữ lời hứa hay không.
Nhưng rồi, đối tác động viên đó trở thành một người bạn thân đích thực. Họ liên lạc hàng tuần với nhau trong một thời gian, bất chấp thực tế họ chỉ đơn thuần là bạn bè cùng chung khóa học. Đến khi họ không còn liên lạc với nhau nữa, những sự thay đổi đã trở thành một phần trong cuộc sống của cô, và cô không cần đến sự động viên và chịu trách nhiệm giải trình nào thêm nữa.
Lời cuối
Xét trên mức độ đáng chú ý, bộ não của chúng ta tích hợp mục tiêu, niềm tin và hành động của người khác vào quyết định của mình. Khi chúng ta ở cùng người khác, hoặc đơn giản chỉ nghĩ về họ, họ cũng trở thành “cái tôi” lớn hơn trong tâm trí cạnh tranh của chúng ta để có sự tự chủ. Mặt bất lợi cũng rất rõ ràng: hành động của chúng ta gây ảnh hưởng tới rất nhiều người, và mỗi lựa chọn chúng ta đưa ra có thể được coi là nguồn hứng khởi hoặc cám dỗ đối với những người khác.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.