Ăn Mày Dĩ Vãng

CHƯƠNG 8



Từ biệt sông nước miền Tây, tôi trở lại những cánh rừng đang được khai thác miền Đông, lòng dạ chả bịn rịn bao nhiêu, bởi chúng tôi chắc mẩm rằng, mai mốt không chóng thì chầy, cái thân tôi sẽ lại lê lết quay về chốn này. Khỉ thế!
Lần mò mãi, tôi mới tìm ra được nhà Ba Thành, tay bác sĩ đồ tể năm xưa đã từng chữa trị vết thương ở đùi trái cho tôi, từng là bạn tâm sự về mọi điều sâu xa trong những đêm rảnh rang không đánh giặc. Cứ tưởng rằng gốc gác người ở đây, được học hành đào tạo hẳn hoi, lại trải qua cả cuộc chiến tranh cầm dao mổ cứu sống bao mạng người, trong đó không ít người đã và đang là quan chức cao cấp, nhất định Ba Thành bây giờ không là giám đốc sở y tế thì mèng ra cũng giữ chân bệnh viện trưởng bệnh viện trung tâm nào đó. Vậy mà không! Giải phóng được ít ngày, chán cảnh gia đình, chán đoàn thể, chán cảnh đời và thói đời đen bạc, chán luôn cả nội dung công việc đã theo đuổi tới nửa đời người, sau một đêm nhậu say chửi vung tí mẹt, nóng lên tạt tai vài cái, ra đồn công an, ra hội đồng kỷ luật, ra khỏi Đảng, Ba Thành rũ áo từ quan.
Ngồi trong mái nhà lợp lá xập xệ giống như cái chuồng trâu nới rộng, tôi đốt hết cả một gói thuốc khét mù mới thấy Ba Thành khật khưỡng đi từ ngoài rẫy về. Cởi trần để hở những rẻ xương sườn cong vênh, vai vác cuốc, đầu quấn khăn rằn đã vàng ố, chân bước cà nhắc, thỉnh thoảng lại vấp một cái, mặt đen cháy, tóc nửa đen nửa bạc lam nham, trông hắn y hệt một lão nông cả đời lọm khọm cày cuốc. Nhìn thấy tôi, Ba Thành trợn mắt lên, mấy chiếc răng cửa ngày xưa làm cho cái cười hóm thế mà bây giờ bay đi đâu mất.
– Đồng chí hỏi tôi?
– Vâng! Anh là Ba Thành, bác sĩ?
– Bác sĩ con mẹ gì? Thế đồng chí là…
– Vất mẹ nó đồng chí đi! Mình đây, Hai Hùng đây! Chao ôi! Chả lẽ tớ già tới nỗi cậu không còn nhận ra nữa ư? Đầu viên đạn M16 cậu lấy ra từ đùi, gần bìu dái, tớ vẫn còn giữ.
– Từ đùi?
– Ừ, đùi.
– Bùi dái?
– Ừ, dái.
– Vẫn còn giữ?
– Giữ.
– Thế thì đù mạ! Nhớ rồi. Mày là thằng Hùng ác ôn, thằng Hùng trời gầm, đúng không? Nhưng sao lóng rày mày già dữ vậy mày? Nếu không nói tới viên đạn mắc dịch ấy thì ông cố nội tao nhận cũng không ra.
– Thì hai mươi năm rồi, một phần ba đời người rồi còn gì nữa.
– Ờ, lẹ hè! Tao nhớ ngày ấy mày ngon lắm kia mà. Cái giò của mày bự bằng cả khúc bằng lăng, nếu không viên đạn ấy nó cắt cụt cu mày rồi, lão khọm ạ.
– Thế bộ mày tưởng mày còn trẻ lắm ư? Nếu thằng con mày nó không nói ba cháu ở rẫy sắp về tới thì chắc tao nghĩ mày là ông già đẻ ra cái thằng Ba Thành ngày xưa quá!
– Khớ… Khá! Thằng khọm già vẫn còn giữ được cái giọng châm chọc đểu giả thuở nào. Khá! Với cái giọng này mà mày nẫng được con nhỏ Ba Sương trên tay ráo trọi bọn đàn ông trong này thì hận thật. Khá!
Sau phút ồn ào ban đầu, hai thằng lính cựu ôm nhau đứng lặng, cùng gắng gượng giấu đi những giọt nước mắt xúc động rất có thể chảy ra. Ba Thành là người lấy lại được sự bình thản trước cũng như trong những năm tháng khắc nghiệt, hắn bao giờ cũng giữ được sự trầm tĩnh hơn người. Hắn đẩy mạnh tôi ra, nói như chửi:
– Ở ngoải, mày có gặp mấy cha cựu chiến binh Mỹ vừa sang không?… Không à? Phước cho mày đó. Hôm qua tao vừa xuống thành phố. Mấy cha ở đó kêu tao xuống để hội thảo, để gặp gỡ gì đó nhưng chỉ ngồi được mươi phút là…
– Thôi! – Tôi cắt ngang – kệ thiên hạ. Không nói chuyện chính trị, nhức cái đầu lắm!
– Cái gì – Tấm thân thấp củn của hắn hơi kễnh lên – Nhức đầu cũng phải nói. Mấy cha không được giẫm lên xác đồng đội để làm trò tiến thân. Đấy là chưa kể cái chuyện các cha ấy dạo này còn sanh tật mơn trớn mấy anh trong chính quyền Sài gòn cũ. Họ làm được việc, họ thông minh thì cứ quý mến, cứ trọng dụng, tốt thôi. Thực ra, có ai sẵn sàng bỏ qua, sẵn sàng bắt tay kẻ thù cũ như cánh lính chiến bọn mình nhưng không thể vì họ dễ bảo, họ làm ra bộ ngoan ngoãn mà quay sang đối xử khắc nghiệt với những kẻ thật sự đổ xương đổ máu vừa qua. Họ sợ chúng ta phản trắc, chúng ta mới là một lực lượng đáng đe doạ quyền chức của họ à? Ôi! Sao ngây thơ thế mấy ông quan Cách mạng ơi. Để rồi xem…
-Thôi mà – Tôi phẩy tay đứng dậy- Vợ con thế nào?
– Tao bỏ nó rồi – Hắn cũng tự ngắt cụt dòng chảy ồn ào của mình.
– Nguyên do?
– Nó chê tao xấu mã mà lại không bằng bạn bằng bè.
– Tức là nó bỏ mày chứ?
– Cũng được. Nói ngược cho oai – Thành cười hiền lành – Mà đ.mẹ! Chiến tranh liên miên, không xấu mã thì đẹp cái con đĩ ngựa nó à? Còn bạn bè? Tao không thèm đi thua được với cái bọn đi bằng gối. Có thằng lúc này đã ngồi ghế đầu tỉnh. Biết vậy, hồi đó tao xục cha nó cái panh-sô vô ruột cho rồi. Còn mày? Cũng vợ bỏ hả?
– Đoán à?
– Đoán! Thằng đàn ông bị vợ bỏ dòm không lộn được. Ngơ ngơ như mắc bệnh sa đì. Đi không được, ngồi không được, chỉ nhe răng nhểu dãi như chó dại. Uống đi! Mẹ!
Đêm nay uống tới sáng luôn, ngày mai chết cũng được. Mà đáng lẽ chết mẹ nó rồi chớ đâu nghĩ còn sống để phải chứng kiến trăm thứ hầm bà lằng vậy nè!
– Chà!… Mọi việc thay đổi nhanh quá!
– Nói thiệt đi! Mày vô đây làm chi vậy? Vừa ở tù ra? Giết người, trấn lột? Tham nhũng lừa đảo? Hay âm mưu làm binh biến?
– Tất cả – Tôi phì cười.
– Dòm tướng mày cô hồn dữ lắm! Việc gì?
– Tao muốn đi tìm… cô ấy.
– Ai?
– Sương.
– Chui cha! Thằng này tâm thần rồi – Vỗ đùi – Mà đúng, tướng mày là tướng mới ở trại tâm thần ra. Mẹ nó! Hầu như đứa nào ra khỏi rừng cũng đều đeo theo người cái hội chứng chém giết hết trọi. Sương chết rồi! Con bồ mày chết rồi! Nghe nói chính tay mày cướp xác đem đi chôn kia mà! Tỉnh lại chưa?
– Đã đành. Nhưng vừa rồi ở…
Tôi dừng lại, chán, không muốn nói nữa. Tưởng thằng thổ công ma xó này biết thêm một điều gì đó về Sương khả dĩ mong manh cũng được, nhưng nó lại quát vào mặt tôi là điên thì tốt nhất là im lặng.
– Hai Hợi thế nào? Còn sống không? – Tôi hỏi cho qua chuyện.
Nghe hỏi, cặp mắt vốn không sáng sủa gì cho lắm vì nhậu nhiều của hắn càng ngầu đục lại, gò má hơi co thắt, bợt ra, tiếng nói toàn hơi:
– Hợi nào?…
– Cái cô xã đội trưởng lưỡng tính thích nhìn đàn ông mổ ruột đó, mày.
– À… Không biết! Không rõ! – Giọng nói hắn càng khàn hơn như bị sặc rượu – Thất tình, bỏ ra làm dân, điều này mày biết rồi. Nghe nói sau đó ở trở lại với thằng chồng hờ sĩ quan nguỵ cũ… Mở quán làm ăn khấm khá lắm!
– Còn bây giờ?
– Mày đi mà hỏi – Ba thành chợt quát lên nhưng ngay sau đó giọng lại ỉu xuống – Có thể giờ đây đang ở Sài Gòn hay… theo ai đi Mỹ rồi cũng nên.
Biết rằng mình đã chạm đến một cái gì đó sâu xa trong lòng hắn, tôi hỏi lướt đi:
– Còn thằng Tám Tính?
Chẳng ngờ câu hỏi này càng làm khuôn mặt của hắn tối sầm lại.
Còn tiếp
– Tám Tính nào?…
– Mày rơi ở đâu xuống vậy, Ba Thành? Quên hết rồi à?
– Quên được còn là may. Nhớ làm chó gì nhiều. Nhớ cả những thằng ngày xưa nhát như chó, bây giờ leo lên cưỡi đầu cưỡi cổ mình à? Mà thôi không hỏi nữa! Nhậu nữa thì nhậu, không thì cút lên giường ngủ. Hỏi! Hỏi! Hỏi cái con…
Giống như ngày xưa, tự dưng tôi lại thích nhìn hắn nổi quạu, thích nghe hắn văng tục như một thứ nghiện để quên đi mọi cơn vật vã tinh thần. Tôi càng làm bộ xoắn vào:
– Tám Tính đen, Tám Tính…
– Tính cọp chớ gì? Nhớ. Vậy thì sao nào? Có liên quan gì đến mày nào?
– Tao nghe nói nó chưa chết?
– Chết thế chó nào được! Mổ xẻ, vá vúi cho nó xong, tao chắc mẩm rằng nhất định nó sẽ nghẻo củ tỏi trên đường chuyển về phía sau, chín miếng đạn, toàn vào chỗ phạm chứ ít ỏi gì, vậy mà mấy tháng sau đã lại nghe nó đang vồ đàn bà con gái ở trên rừng già rồi. Chỉ tội nghiệp cho Hai Hợi…
– Biết chỗ nó ở đâu không?
– Ai?
– Tám Tính.
– Tao đang nói chuyện Hai Hợi, mày lại hỏi Tám Tính. Kiểu gì kỳ! Khi không muốn nói, lại cứ hỏi. Khi nói rồi lại xía ngang hông. Mẹ!
– Ừ thì thôi, gớm, độ này ông bác sĩ nổi tiếng là mát tay lại giở chứng hay nóng mắt thế?… Thế lúc này nó ở đâu nhỉ?
– Chịu! Đi mà hỏi ông trời!
– Còn thằng Tuấn? Tuấn cướp cò B41 xuyên thủng bụng cậu nuôi quân mà mày phải mò xuống tận nơi xác định pháp y đó.
Đến đây thì hắn cả cười, khuôn mặt to bản giãn nở ra nhìn đến ngộ.
– May cho mày lần ấy con nhé! Láo thiệt! Con người ta chưa chết mà dám đem chôn đi. Biên bản khám nghiệm tao chỉ cần ghi: “Nạn nhân tử thương sau khi hất đất xuống…” thì lúc này mày toi rồi chứ còn đâu mà ngoác mồm ra hỏi, hỏi, hỏi… Tuấn, Tuấn du côn, nhớ rồi! Còn sống, ở đây, ngay huyện bên. Thằng này được lắm nhưng cũng không gặp may. Giải phóng xong nó làm bí thư xã, cái xã chúng mày bám trụ bỏ con bỏ cái tùm lum đó, rồi làm chủ tịch huyện. Sau đó nhảy thẳng một phát… xuống làm dân. Mày muốn biết tại sao à? Tại nhất trụ, nhì khu, tam vùng, tứ kết! Rồi mới tới dân lai. Thằng Tuấn thuộc diện bám trụ, số rách! Nhưng lại dân lai nên hạ xuống bét cùng, ra làm dân là phải rồi còn gì nữa. Con mẹ họ!
– Buồn nhỉ? – Tôi hắt mạnh cặn rượu xuống đất, không muốn uống nữa – Cái chuyện kỳ thị này tưởng rằng hết chiến tranh thì nó cũng hết theo, không ngờ nó dằng dai đến tận bây giờ, ngày càng tệ hại hơn. Thật không hiểu ra làm sao nữa. Bản chất nông dân manh mún à? Thói quen thích cát cứ à? Hay chỉ là không thể chịu được nhau vè tính cách, tư duy, tâm hồn? Khốn khổ!
– Vậy mà lại hay cho nó đó, mày! Tháng trước tao vừa gặp nó ở thị xã, không nhận ra nữa! Bụng bự, to lớn, đỏ như tôm luộc, nón nỉ, ria mép, giày giôn… Tưởng thằng cha chủ hãng ba Tàu hay cha đại diện cho một công ty tư bản nước ngoài nào đi thăm thú chợ búa. Oách lắm! Sớm mai tao sẽ đưa mày tới nó, nhậu nữa, bia lon đàng hoàng… Ủa! Sao thuỗn mặt ra vậy, cha nội? Giữa mày với nó trước kia có cái gì… không ổn à?
– Thế là… Không ai rõ thêm gì về Sương cả!
– Tao rõ!
– Cái gì?
– Đầu năm 1980 người ta gom về nghĩa trang liệt sĩ hết trọi rồi. Có muốn ra đó cắm nhang không? Ba chục cây số thôi. Hai thằng nhảy xe lam.
Tránh nhìn vào khuôn mặt phấn chấn có đôi nét thơ ngây của bạn, tôi chán nản đứng dậy, bỏ ra vườn. Chiến tranh mới đó, hơn chục năm chứ nhiều nhặn gì đâu mà sao cả người ngoài lẫn người trong cuộc đều chóng vánh quên đi quá thể vậy? Sao cái miệng lưỡi của thằng cha nức tiếng tốt bụng kia nhắc đến mọi kỷ niệm đau thương lại ráo hoảnh như nhắc đến cuộc chiến tranh của người khác? Hay là chính tôi lẩm cẩm, cứ vô duyên lội ngược dòng đời tìm về quá khứ mà thiên hạ đang quên đi, cố quên đi, để mình tôi lội đến đâu lại chỉ nghe thấy tiếng chân mình kêu lõm bõm đến đó? Có đúng thật như vậy không? Nếu đúng người đàn bà ấy là Ba Sương, một Ba Sương ngoảnh mặt đi với người tình cũ, vâng, cứ tạm gọi là người tình đi chứ lúc này kêu to lên hai tiếng đó nghe ngớ ngẩn lắm, thì hà tất tôi phải lụi hụi lội ngược dòng làm chi nữa? Cuộc vật lộn máu đổ chết người kia chỉ là trò đùa giễu cợt và tình yêu của tôi chỉ là thứ tình cảm tội nghiệp của đứa trẻ tâm thần mồ côi thôi ư? Nước đời đen bạc đến nỗi ấy thì cũng chả nên lưu giữ mãi cái hình bóng cụt ngón kia làm gì!… Quẳng mẹ nó đi! Vất cha nó quá khứ vào đống rác bên đường mặc cho ruồi nhặng kéo đến làm tình đẻ giòi đẻ bọ chơi!
Tôi leo lên chiếc võng mắc giữa khu rừng thoang thoảng mùi mít chín, nằm ngửa mặt nhìn lên cao xanh. Bầu trời hoà bình sao lại nhợt nhạt dường này? Không màu, không vị, không chuyển động đứng yên, chết lặng và toả ra cái hơi hướng ngai ngái của thời gian. Thời gian không sống. Thời gian chỉ còn lại cái xác mốc thếch. Trời ơi! Ấy thế mà ngày nào, mỗi khi đặt lưng xuống võng, ngước nhìn lên cao lại thấy lồng ngực bị nén chặt trong một cảm xúc thanh cao ngào nghẹn! Thời gian cũng giễu cợt, không gian cũng trêu đùa ư? Từng ấy năm… Mặt đất đã đổi thay, con người đã bị quên lãng, chỉ có mi vẫn nhởn nhơ trong một màu vô sinh đến khôn cùng. Hơ!…
– Cười cái gì vậy, khọm già? – Từ cái võng bên cạnh, Ba Thành ngóc đầu lên hỏi.
– Ngủ đi! Lấy vợ đi! Vẫn cái lối thức đêm như vạc, mò mẫm hết xó xỉnh này sang xó xỉnh khác, xét nét như dì ghẻ con chồng ấy à? Lạ nhỉ?
– Lạ cái cóc khỉ! Ngủ đi! Bắt đầu lên cơn đó hả?
– Chửi tục như ranh, chân tay lông lá thô kệch, lại chỉ với một cái đèn măng sông, vài ba cái kéo han gỉ từ đời Khang Hy còn sót lại, mấy miếng bông gạc bẩn như thứ đồ lót tháng của đàn bà mà sao mày mổ ai được đấy, ca nào cũng suôn sẻ, không nhiễm trùng, không sưng tấy gì hết ráo.
– Bởi vì tao thương lũ lính chiến lận đận chúng mày. Còn bây giờ ấy à? Tao cho chết luôn, chết cả đám, chết để cho khỏi phải sống khổ sống sở trong hiện tại hoặc chỉ bụng dạ thằng nào sạch sẽ, không có cứt thối, ruột gan không quằn quẹo thì tao mới hâm dụng cụ.
– Lạ hơn là – Tôi vẫn ngửa mặt nói một mình, không cần biết hắn có nghe hay không – Trong tay có cả đống y sĩ, y tá nữ mập mạp ngon lành, tính nết mày lại hay mò mẫm đêm hôm, vậy mà tao hầu như chưa hề nghe nói mày đụng một con bé nào cả?
– Thế mới phí! Mới ngu như heo! Cứ tưởng rằng đầu óc thanh sạch thì bàn tay cầm dao sẽ thanh sạch theo, giờ nghĩ lại mới dại. Hoá ra cứ như thằng Tám cọp lại ra người. Vồ 10 con, được 1. Cả cuộc chiến vồ trăm đứa, trừ đi 90 cái tát cũng còn lại 10. Lãi chán! Nè! Ngủ rồi à?
– Chưa.
– Đi chơi gái đi! Mới nửa đêm. Gần thôi.
– Hả… Cái gì gái? – Tôi ngoảnh hẳn mặt sang võng hắn.
– Chơi gái. Ngoài thị trấn. Nhiều lắm! Tao bao. Tao có tiền. Nhiều tiền. Vừa bán được lứa mít trên hai trăm trái, chơi xả láng. Đi!
– Thế đây – Tôi ngã lưng xuống – Ngày xưa nó thế nó thế nào thì bây giờ nó bù lại thế ấy, nguyên trạng.
– Bù, bù cái con khẹc! Ngày ấy còn lý tưởng, còn khát vọng, nó xua đi cái ham hố vặt vãnh. Bây giờ còn cái chó gì nữa mà phải giữ mình. Vả lại… đàn bà, dính vào mất việc. Sòng phẳng, ăn bánh trả tiền, đúng cơ chế thị trường, thế là xong. Tràn trề cảm hứng, lần nào cũng lạ, cũng háo hức như lần đầu. Đã!… Làm – ăn – chơi! Nội dung cuộc sống lúc này ở tao là vậy. Ấy, có khi còn lý hơn hồi ở rừng kia đó. Đi!
– Từ từ đã. Đi sục gái mà đùng rầm như đi đánh giặc, còn hứng thú nỗi gì.
– Hứng!
Còn tiếp
– Hứng! Hứng chứ. Càng vội vàng hứng. Dòm cái bộ dạng mày lúc này là biết mày đang đói dữ. Đói ăn đói uống còn đỡ, thằng đàn ông đói cái khoản này nhìn bệ rạc lắm!
Tôi không trả lời, nước mắt lại chực ứa ra. Gần năm mươi tuổi đầu, đã sống cuộc sống của mình được bao nhiêu mà lâu nay đúng là không còn có khái niệm về đàn bà nữa! Một sinh lực còm cõi, một vỏ ốc tự ti còn chỗ nào dành cho một khái niệm đàn bà trú ngụ nữa. Không thèm. Không mộng mị. Gần như bị quên lãng. Khốn nạn! Cuộc đời quên tôi, không đủ sức quên lại cuộc đời, tôi lại đi quên đàn bà, cái nguyên do đã khiến tôi long đong những ngày này. Ngang trái não nề. Chả lẽ rồi đây, cứ cái đà này, tôi sẽ đánh mất họ, những vật thể thần bí làm cho đời trận mạc của những thằng đàn ông có lý, làm cho đời thường không nhàm tẻ, đến suốt đời ư?
– Ngủ đi! – Tôi thở dài – Tao liệt rồi! Loay hoay không đâu vào đâu nó cười, lại phí tiền.
– Hả? Vậy toàn bộ nội dung hoạt động sinh lý của mày lúc này chỉ còn là đái, tắm rửa?
– Cứ cho là như thế.
– Con khẹc!… – Tôi nghe rõ tiếng nó thở ra, nặng và sâu – Ngày xưa bom đạn chết chóc nhường ấy mà thịt da mày vẫn săn seo, thân thể trùng trục nặng 65 kg, vậy mà hoà bình mới có mươi năm, người ngợm mày đã hư hỏng đi như thế! Hư từ trong ra ngoài. Khốn nạn cho mày, thằng chỉ huy trinh sát đặc nhiệm quân giải phóng ơi!
– Thôi đừng nhắc đến giải phóng, đến trinh sát nữa! – Tôi rên rỉ.
– Sao lại không nhắc – Hắn như gầm lên – Mày mắc cỡ à? Mày nhục à? Cuộc sống bây giờ tuy khốn nạn thật nhưng thử đứa nào xúc phạm đến những chữ ấy coi. Tao bắn bỏ liền.
Cánh cửa bỗng kêu lên lạch xạch rồi từ trong nhà, thằng bé con hơn mười tuổi của hắn khệnh khạng bước ra, vừa đái tè tè vừa càu nhàu:
– Ba! Sao đêm nào ba cũng la lối um vậy? Ba vô nhà nằm đi, không sớm mai lại ho khụ khụ, mất công con đi kiếm thuốc!
Nói xong thằng bé lại khệnh khạng đi vào. Ba Thành im re, mặt mày trở nên ngoan ngoãn một cách kỳ lạ. Hắn thầm thì:
– Thằng nhỏ con tao ngon hông? Cứ như ông bố già nhưng mà… đúng. Mẹ, tí tuổi đầu mà nó cứ đi cự nự ông già nó hoài! Rồi, để đó, sẽ có ngày tao cho nó hay ông già nó vốn là người như thế nào!
“Sẽ cho nó hay” nhưng đôi mắt hắn lại ánh lên niềm tự hào và yêu thương đến khờ khạo. Tôi cười khẽ trong miệng:
– Thôi chứ! Thôi cái chuyện đi chơi gái rồi chứ?
– Mày có bỏ ngay cái kiểu cười ấy đi không! Tưởng tao thích cái trò đĩ điếm ấy lắm hả? Còn lâu. Đời thiếu gì gái goá chết chồng hay gái non chán đời? Tao biết mày đang nghĩ đến nhỏ Sương, đang ám ảnh khổ sở vì nó nên tao nói vậy cốt cho mày nổi khùng mà quên phứt nó đi. Hiểu chưa, khọm già? Tuy nhiên mày cũng nên sớm có lại một còn đàn bà đi. Đàn bà cỡ gì cũng được, miễn là đàn bà. Bởi lẽ, với một cái đầu bệnh hoạn như của mày, chỉ có một con đàn bà mới có thể làm quên được một con đàn bà. Tao nói thế vì… tao cũng đã có trải qua hoàn cảnh như mày, có khi còn thê thiết hơn.
– Gần đây à?
– Trong chiến tranh.
– Ai vậy?
– Hợi. Xã đội trưởng Hai Hợi.
– Hợi? – Tôi trố mắt, ngồi hẳn dậy.
Đợi cho tôi trố mắt hồi lâu, hắn thong thả cuốn một điếu thuốc rê to bằng ngón tay cái, nuốt vài hơi thật sâu rồi mới lầm rầm:
– Hồi nãy mày hỏi, tao giả bộ lơ đãng để mày khỏi nhắc nhiều. Đau! Thực ra cho đến tận bây giờ tao vẫn nằm mê thấy cô ấy. Chắc mày nhớ cái lần thằng Vượng, lính của mày bị thương bể ruột đưa đến tao? Tao thoáng thấy con mắt của Hợi nhìn đăm đăm, nhìn như khóc… Một lát sau, khi ruột gan thằng nhỏ phòi ra trên bụng cả đống, cô ấy khóc thật. Tao, một thằng suốt ngày thọc tay vào thân thể đàn bà, máu mủ xương xẩu tùm lum, còn có cảm giác gì nữa, vậy mà tao lại đi… thương cái ánh mắt ấy. Thương dữ lắm! Rồi phải lòng. Lạ không? Nửa đêm, thằng Vượng được cáng về phía sau, còn lại một mình Hợi trong lán, không hiểu có cái gì xui khôn xui dại mà tao lại giữ cô ấy lại và nói vào tai cổ những lời mà đến bây giờ nghĩ tới vẫn còn đỏ mặt. Đ.mẹ! Mổ bụng mổ ruột thiên hạ đã quen, lúc ấy tính sờ mó vào tâm hồn đàn bà một tí mà sao nghe lóng ngóng dữ. Cô ấy ẩy tao ra và nói: “Anh Ba… Sau tất cả những chuyện máu me như thế này mà anh vẫn có thể nói đến chuyện đó dễ dàng được vậy ư?”. Tao đần mặt ra… Có vẻ thương hại, cô ấy bỗng ghì chặt lấy tao, cắn cấu đủ chỗ, vừa cắn vừa khóc… Đến khi toàn thân nổ phừng, đầu óc kêu long bong hết chịu nổi thì cô ấy lại bỏ đi, để lại một câu xanh rờn: “Anh Ba… Anh hiểu cho, đó là một cách Hợi cảm ơn bàn tay vàng tay bạc của anh. Vậy thôi! Làm tới nữa… không phải với những thương binh không biết chết sống thế nào của anh… Cảm phiền giùm em…”. Mấy bữa sau, tao nghe nói nó thương thằng… Cọp! Đau! Đau đến bây giờ. Còn đau nữa! – Chợt giọng hắn lại căng lên – Cười cái gì? Mày cười cái gì? Mày cho tao là thằng ngố, lại đi đau với đi phải lòng một con đàn bà không ra đàn bà, không một ai đoái hoài tới chứ gì? Ngu! Rất ngu! Chỉ có cái lũ háo gái người trần mắt thịt chúng mày mới nghĩ như thế, mới không thấy nổi cái vẻ đẹp kinh người từ bên trong cổ toát ra, cái vẻ đẹp mà phải có hàng trăm lần thọc tay vào thân thể đàn bà như tao mới có thể nhìn ra được. Rõ chưa?
– Ơ!… Thì tao có cười gì đâu. Tao vẫn đang nghe.
– Thế đó – Mắt hắn nhìn ướt rượt – Hai mươi năm đã trôi qua, tao đã đụng không ít đàn bà con gái, già trẻ, lớn bé, ốm mập, xấu tốt có cả, đã nhìn vào hàng trăm con mắt, mắt tròn mắt dẹt, mắt ngấn mắt dài, mắt sâu mắt nông… Nhưng dù có đập bể đầu, tao vẫn không tài nào quên được con mắt cổ, con mắt nhìn vào bụng thằng thương binh mổ ruột trong một căn lán nằm mấp mé mí nước sông Sài Gòn đầy tiếng bìm bịp kêu than… Lâu nay tao vẫn có ý hỏi thăm, đi tìm nhưng không thấy. Người bảo chết, đứa nói sống, tán loạn xà bù.
Tôi ngồi lặng đi một chút… Trước mắt tôi, Ba Thành đã biến thành một con người khác hẳn. Bất giác tôi chuyển chỗ ngồi sang võng hắn, hỏi như hỏi chính vào lòng mình bởi lẽ, hình ảnh của Hợi cũng là hình ảnh của Sương, câu chuyện về Hợi cũng thấp thoáng có câu chuyện về Sương trong đó.
– Mày có tìm đến Tám Tính để hỏi không?
– Đã định nhưng rồi lại thôi.
– Sao?
– Một là không biết hắn ở đâu. Hai là không muốn. Chả lẽ tìm đến để chứng kiến một thái độ dửng dưng, một hành vi phản phúc, một câu nói lãng xẹt: “Hợi à?… Hợi nào ấy hé? Quên mất rồi” à? Nó là thằng như thế. Sẽ như thế. Tao biết. Tao cũng là một thằng đàn ông. Tao không thể nhìn một thằng đàn ông khác, bằng sức vóc tình dục của nó, đã đẩy cô ấy trở lại ấp chiến lược một cách chả ra đâu vào đâu. Hiểu chưa?
– Hiểu! Nhưng còn tay sĩ quan, chồng hờ của cô ấy? Chắc mày cũng phải nghĩ tới chứ?
– Tất nhiên rồi, nhưng hắn nghe nói đi cải tạo chưa về hay không muốn về nữa gì đó. Hoặc đã về rồi cũng nên. Cũng ngại. Ngại khuấy lại mọi thứ mà tao đang tìm cách quên đi. Hiểu chưa? Nhưng hôm nay, nhân có mày nhắc, tới đây tao cũng đi tìm gặp hắn thử coi. Cứ gặp. Chết chóc gì. Hả?
Tôi lại im lặng nhìn Thành… Thì ra đằng sau cái vẻ thô rám, phớt đời đến khinh bạc kia, nó cũng có một trái tim rách nát như tôi. Dễ thường thằng nào còn sống sót ở trong rừng ra đều có cùng một trái tim thống khổ vậy sao? Thống khổ không phải vì riêng một người nào, một cô gái nào, nó còn vì một cái lẽ sâu xa hơn nữa kia. Ừ, thì có đâu riêng gì tôi, lão khọm già lẩm cẩm đang lụi hụi lội ngược lại dòng đời. Còn cả nó nữa chứ. Ít nhất là như thế.
– Không ngủ à? – Tôi hỏi – Tính đi đâu giờ này vậy cha?
– Sắp sáng rồi. Tao đi thăm bệnh cho mấy người cơ sở cũ. Đã chán nghề, bỏ nghề, khinh nghề, chỉ thỉnh thoảng đi thăm bệnh cho những cơ sở ngày xưa cùng đội bom đội đạn, đã chăm chút nuôi nấng cho bọn mình. Họ cũng đang bị quên lãng như tao với mày. Có khi bị quên lãng hơn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.