1Q84 - Tập 2
Chương 01: Đó là nơi buồn tẻ nhất thế giới – P2
Bà chủ cũng khẽ mỉm cười: “Xin lỗi. Tôi không quen với chuyện cô nói đùa.”
“Tôi không phản đối gì chuyện phẫu thuật đổi dung mạo,” Aomame nói. “Xưa nay tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ có lúc mình làm phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng cũng chẳng có lý do gì để từ chối. Tôi vốn chẳng vừa ý với gương mặt mình cho lắm, vả lại cũng chẳng có ai đặc biệt thích nó cả.”
“Cô còn phải mất hết bạn bè nữa đấy.”
“Tôi chẳng có ai để có thể gọi là bạn cả,” Aomame nói, rồi sực nhớ đến Ayumi. Nếu mình lẳng lặng biến mất không nói một lời, hẳn Ayumi sẽ thấy trống vắng. Thậm chí cô ấy có thể có cảm giác bị phản bội. Nhưng nếu nàng muốn coi Ayumi là bạn thì ngay từ đầu đã khó khăn rồi. Làm bạn với một cảnh sát thì tức là nàng đang đi một con đường quá ư nguy hiểm.
“Tôi có hai đứa con,” bà chủ nói, “Một đứa con trai, và một đứa con gái nhỏ hơn nó ba tuổi. Con gái tôi đã chết. Trước đây tôi có kể với cô rồi, nó tự sát. Nó không có con. Còn thằng con trai, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, đã rất lâu nay quan hệ giữa tôi và nó không được tốt lắm. Giờ thì chúng tôi gần như không nói chuyện. Tôi có ba đứa cháu, nhưng lâu lắm rồi cũng không thấy mặt chúng nó. Nhưng giả sử tôi chết đi, hầu hết tài sản tôi sở hữu sẽ được chuyển sang cho đứa con trai duy nhất và lũ con nó, gần như là tự động. Hồi này di chúc hay những thứ tương tự chẳng có hiệu lực gì cả, không phải như trước nữa. Mặc dù vậy, trước mắt tôi vẫn còn khá nhiều tiền có thể làm gì tùy ý. Tôi định, nếu cô hoàn thành suôn sẻ việc lần này, tôi sẽ chuyển một phần lớn trong số đó tặng cô. Xin cô chớ hiểu lầm, tôi tuyệt không có ý lấy tiền mua chuộc cô đâu. Đều tôi muốn nói là tôi coi như con gái ruột vậy. Giá cô thật sự là con gái tôi thì tốt.”
Aomame bình tĩnh quan sát gương mặt bà chủ. Bà vừa đặt ly rượu Sherry đang cầm trên tay xuống mặt bàn trà, như thể vừa sực nhớ ra mình đang cầm nó. Đoạn bà ngoảnh đầu về phía sau, chăm chú nhìn những cánh hoa bách hợp mượt mà. Bà hít ngửi hương thơm ngào ngạt của hoa, rồi lại ngoảnh sang nhìn Aomame.
“Như vừa nãy nói, tôi vốn định nhận Tsubasa làm con gái nuôi, nhưng giờ tôi đã mất nốt con bé. Tôi chẳng làm được gì giúp nó, chỉ biết đứng bên lề nhìn nó một mình biến mất trong đêm đen. Giờ tôi lại phải đưa cô vào cảnh ngộ hiểm nguy nhất từ trước đến giờ. Thực lòng tôi rất không muốn làm thế. Chỉ tiếc rằng hiện nay tôi không tìm được cách nào khác để đạt được mục đích. Điều duy nhất tôi làm được là bù đắp cho cô phần nào bằng vật chất mà thôi.”
Aomame im lặng, chỉ chăm chú lắng nghe. Khi bà chủ cũng ngừng nói, ngoài cửa sổ kính vẳng vào tiếng chim hót rõ mồn một. Con chim hót một hồi, rồi bay đi đâu mất.
“Dù xảy ra chuyện gì đi chăng nữa thì cũng phải loại trừ tên đó,” Aomame nói. “Đây là chuyện quan trọng nhất bây giờ. Phu nhân coi trọng tôi, yêu thương tôi như vậy, tôi hết lòng cảm kích. Tôi nghĩ bà cũng biết, tôi từ bỏ cha mẹ và bị cha mẹ từ bỏ lúc tôi còn nhỏ; cả tôi lẫn cha mẹ tôi làm vậy là đều có duyên cớ riêng. Tôi không còn cách nào khác ngoài đi trên con đường không gia đình, không cốt nhục. Để có thể một mình tồn tại, tôi buộc phải khiến mình thích ứng với trạng thái tâm thức ấy. Đây không phải là chuyện dễ. Có những lúc tôi cảm thấy mình là cặn bã, một thứ cặn bã bẩn thỉu không có chút ý nghĩa gì. Vì vậy, khi nghe bà nói những lời ấy với tôi, tôi vô cùng cảm kích. Có điều, như tôi đây, muốn thay đổi cách nghĩ, thay đổi cách sống thì bây giờ e muộn quá rồi. Nhưng Tsubasa thì không; tôi tin chắc cô bé vẫn còn cứu vãn được. Mong bà đừng dễ dàng bỏ cuộc. Đừng mất hy vọng, phải giành cô bé trở về.”
Bà chủ gật đầu. “Chắc tôi nói chưa được rõ ý. Tất nhiên tôi sẽ không đành lòng để mất hẳn Tsubasa đâu. Dù có thế nào tôi cũng phải dốc toàn bộ sức lực giành con bé về. Nhưng cô cũng thấy đó, giờ tôi mệt mỏi quá rồi. Vì không thể giúp gì được con bé cho nên tôi nghe cảm giác bất lực tận sâu trong gan ruột. Phải mất ít lâu nữa mới mong hồi phục được sức sống. Mặt khác, e rằng tôi nhiều tuổi quá rồi. Có thể là dù có đợi bao lâu sức sống ấy cũng không trở lại với tôi nữa.”
Aomame đứng lên khỏi sofa, bước đến cạnh bà chủ, ngồi xuống tay vịn chiếc ghế bành, đưa tay ra nắm lấy bàn tay thanh tú nhỏ nhắn của bà.
“Phu nhân là một phụ nữ vô cùng kiên nghị,” Aomame nói, “Bà có thể sống kiên cường hơn bất cứ người nào. Lúc này chẳng qua bà đang kiệt sức mà thôi. Bà nên nằm xuống nghỉ ngơi một chút. Khi nào tỉnh giấc, chắc chắn bà sẽ hồi phục như xưa.”
“Cám ơn cô,” bà chủ nói, cũng nắm chặt bàn tay Aomame, “Đúng vậy, có lẽ tôi nên ngủ một lát.”
“Thôi, tôi xin phép về,” Aomame nói. “Tôi sẽ đợi bà liên lạc lại. Tôi còn phải thu xếp mọi việc. Thực ra tôi cũng không có nhiều thứ để thu xếp đâu.”
“Hãy chuẩn bị nhẹ nhàng, sao cho đi đâu cũng tiện. Chúng tôi có thể hỗ trợ nếu cô thiếu thứ gì.”
Aomame buông tay bà chủ, đứng thắng người dậy. “Chúc bà ngủ ngon. Mọi sự sẽ thuận lợi thôi.”
Bà chủ gật đầu, sau đó ngồi yên trên ghế bành, nhắm mắt lại. Aomame hướng về phía bể cá vàng trên bàn trà, hít một hơi cuối mùi hương hoa bách hợp, đoạn rời khỏi căn phòng khách có trần rất cao ấy.
Ngoài sảnh, Tamaru đang đợi nàng. Đã năm giờ chiều nhưng mặt trời vẫn ở trên cao, nắng chưa dịu đi chút nào. Ánh nắng phản chiếu từ đôi giày da đen Cordoba được đánh đến sáng bóng lên như thường lệ của Tamaru. Trên trời có những đám mây trắng của mùa hạ, nhưng tất cả đều co rúm lại ở bốn góc trời, không che chắn được mặt trời. Vẫn còn ít lâu nữa mới hết mùa mưa dầm, nhưng liên tục mấy ngày nay trời nắng chói chang như tiết giữa hè, lại thêm tiếng ve ra rả từ đám cây cối trong vườn. Tiếng ve chưa vang vọng lắm, nghe chừng vẫn hơi e dè, song đấy lại là điềm báo xác thực rằng mùa hè sắp tới. Thế giới vẫn đang vận hành như xưa nay. Ve sầu kêu, mây trắng lững lờ trôi, đôi giày da không một vết bẩn của Tamaru. Thế giới không hề biến đổi. Nhưng, không hiểu vì sao, Aomame lại cảm thấy mọi thứ đều rất mới mẻ.
“Anh Tamaru,” Aomame nói, “Tôi có thể nói vài câu với anh được không? Anh có thời gian không?”
“Được,” Tamaru đáp. Anh ta không biểu lộ gì. “Thời gian thì tôi có nhiều lắm. Giết thời gian là một phần công việc của tôi mà.” Anh ngồi xuống chiếc ghế kê trong vườn bên ngoài sảnh chờ. Aomame ngồi xuống bên cạnh. Mái hiên vươn ra phía ngoài che khuất ánh nắng. Hai người ngồi trong bóng râm mát mẻ. Không khí thoang thoảng mùi cỏ non.
“Đã vào hè rồi đấy,” Tamaru nói.
“Ve cũng bắt đầu kêu rồi,” Aomame nói.
“Năm nay ve kêu sớm hơn so với năm ngoái một chút. Cả khu này sau rồi sẽ lại ầm ĩ cả lên, đến điếc cả tai. Hồi tôi ở trong thị trấn nhỏ gần thác Niagara thì cũng cứ ầm ầm như vậy đấy, từ sáng đến tối đêm, chẳng lúc nào dừng lại. Cứ như có cả triệu con ve sầu đang cùng kêu một lúc ấy.”
“Thì ra anh từng đến Niagara rồi à?”
Tamaru gật đầu. “Đó cũng là nơi buồn tẻ nhất thế giới. Một mình tôi ở đó ba ngày, trừ nghe tiếng thác ra thì không thể làm được gì hết. Ầm ầm vang trời, đọc sách cũng không xong.”
“Một mình anh ở Niagara ba ngày làm gì thế?”
Tamaru không trả lời câu hỏi của nàng, chỉ khẽ lắc đầu.
Trong giây lát, Tamaru và Aomame không nói lời nào, chỉ lắng tai nghe tiếng ve kêu yếu ớt.
“Tôi có chuyện muốn nhờ anh giúp,” Aomame nói.
Tamaru xem ra có vẻ để ý hơn một chút. Aomame không phải loại người dễ dàng mở miệng nhờ người khác việc gì.
Nàng nói: “Việc này hơi bất bình thường. Tôi hy vọng anh không cảm thấy không thoải mái.”
“Tôi không biết có thể giúp được cô không, nhưng cứ nghe thử xem sao đã. Dù có thế nào, đàn bà con gái nhờ vả mà mình thấy không thoải mái thì chẳng phải là bất lịch sự sao.”
“Tôi cần một khẩu súng lục,” Aomame nói bằng giọng khô khan, “Loại có thể nhét vừa vào xắc tay ấy. Ít giật, nhưng cũng phải có khả năng sát thương nhất định, đáng tin cậy. Không phải loại súng đồ chơi cải tiến, cũng không thể là loại hàng nhái của Philipines sản xuất. Tôi có dùng đến nó thì cũng chỉ một lần thôi. Một viên đạn chắc là đủ.”
Im lặng bao trùm. Suốt lúc đó, ánh mắt Tamaru không rời khỏi Aomame.
Tamaru hỏi như để cho chắc: “Ở quốc gia này, luật pháp cấm công dân bình thường mang theo súng. Cô biết chứ?”
“Tất nhiên.”
“Để cho cẩn thận, tôi phải nói với cô rằng, cho đến nay, tôi chưa bao giờ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.” Tamaru nói. “Nói cách khác, tôi không có tiền án tiền sự. Có lẽ là do cơ quan hành pháp có hơi sai sót, về chuyện này tôi không phủ nhận. Có điều, xem xong hồ sơ sẽ thấy tôi là một công dân hoàn hảo. Trung thực, chân chính, không hề có một vết nhơ. Tôi là kẻ đồng tính đấy, nhưng điều này không vi phạm pháp luật. Thuế người ta bảo nộp bao nhiêu, tôi nộp bấy nhiêu, kỳ tuyển cử nào cũng đi bỏ phiếu, chỉ có điều các ứng viên được tôi bỏ phiếu xưa nay chưa bao giờ đắc cử. Tiền phạt dừng xe sai quy định cũng luôn nộp trước hạn. Mười năm nay tôi chưa một lần bị bắt vì lái xe quá tốc độ. Cả bảo hiểm y tế quốc dân tôi cũng tham gia rồi. Tiền thuê bao tháng của đài NHK tôi trả thông qua ngân hàng. Tôi có thẻ American Express và thẻ MasterCard. Tuy rằng trước mắt tôi chưa có kế hoạch gì, nhưng nếu muốn tôi thừa tư cách xin vay mua nhà kỳ hạn ba mươi năm. Được ở một vị trí như thế, tôi luôn luôn lấy làm hoan hỉ. Cô đang ngồi đối diện với một người có thể gọi là trụ cột của xã hội, yêu cầu anh ta kiếm cho cô một khẩu súng lục. Điểm này, cô có hiểu không?”
“Vì vậy chẳng phải tôi đã nói rồi đó sao, hy vọng anh không cảm thấy không thoải mái.”
“Phải rồi, câu này tôi có nghe thấy.”
“Tôi hết sức áy náy, nhưng ngoài anh, tôi không nghĩ ra ai khác có thể giúp chuyện này nữa.”
Từ sâu trong cổ họng Tamaru phát ra một tiếng nhỏ, nghèn nghẹt, nghe như tiếng thở dài bị đè nén. “Giả dụ tôi ở vào địa vị người có thể cho cô cái mà cô yêu cầu, xét theo lẽ thường, e rằng tôi sẽ hỏi thế này: Cô tính dùng nó để bắn ai?”
Aomame lấy ngón tay chỉ vào huyệt Thái dương của mình. “Đại khái bắn vào chỗ này.”
Tamaru nhìn chỗ ngón tay ấy một hồi, gương mặt không hề để lộ xúc cảm. “Sợ rằng tôi sẽ phải hỏi tiếp: Lý do?”
“Bởi vì tôi không muốn bị bắt sống,” Aomame nói. “Tôi không sợ chết. Vào tù thì chẳng thích thú gì, nhưng chắc tôi có thể chịu được. Song tôi không muốn bị một đám người kỳ dị quái đản bắt sống, bị chúng nó lục vấn tra khảo. Bởi vì tôi không muốn phun ra bất cứ cái tên nào cả. Anh hiểu ý tôi không?”
“Tôi nghĩ là có.”
“Tôi không có ý định dùng nó bắn ai, cũng không định đi cướp ngân hàng. Vì vậy không cần thứ khoa trương kiểu như dúng bán tự động bắn liên tiếp mười hai phát. Nhỏ nhắn, ít giật là tốt rồi.”
“Cũng có thể chọn dùng thuốc. So với việc kiếm một khẩu súng thì thực tế hơn.”
“Thuốc thì phải móc ra, nuốt vào, tốn thời gian. Nếu mình chưa kịp nhai nát bao con nhộng mà đã bị đối phương thò tay móc vào trong miệng thì chẳng làm gì được nữa. Nhưng nếu dùng súng thì có thể vừa kiềm chế đối phương vừa ra tay được.”
Tamaru nghĩ ngợi giây lát, hàng lông mày bên phải hơi nhướng lên.
“Nếu có thể được, thật lòng tôi không muốn mất cô,” anh ta nói. “Tôi khá là thích cô. Trên phương diện cá nhân.”
Aomame mỉm cười. “Thích tôi như một người đàn bà ư?”
“Đàn ông, đàn bà, người, chó, những thứ có thể khiến tôi thích được không nhiều lắm,” Tamaru hờ hững đáp.
“Tất nhiên,” Aomame nói.
“Nhưng đồng thời, bảo vệ sự an toàn và sức khỏe của bà chủ là nhiệm vụ quan trọng nhất của tôi hiện giờ. Nói gì thì nói, tôi là một chuyên gia.”
“Chuyện đó còn phải nói.”
“Thành thử để xem tôi có thể làm được gì không. Tôi không dám hứa chắc, nhưng biết đâu sẽ tìm được một người quen có thể đáp ứng yêu cầu của cô. Chỉ là chuyện này cực kỳ tế nhị, không phải như kiểu mua thảm điện hay gì đó qua đường bưu điện. Có thể phải mất một tuần mới có câu trả lời cho cô được.”
“Không sao,” Aomame nói.
Tamaru nheo mắt, ngước nhìn tán cây ran tiếng ve kêu. “Tôi chúc cô vạn sự như ý. Cái gì trong khả năng, tôi sẽ gắng hết sức giúp cô.”
“Cám ơn anh. Việc lần tới có lẽ là lần cuối cùng của tôi rồi. Chắc là sau này tôi sẽ không gặp được anh nữa.”
Tamaru xòe hai tay ra, lòng bàn tay hướng lên trên, tựa như người đang đứng giữa sa mạc chờ mưa xuống, nhưng không nói một lời nào. Anh ta có đôi bàn tay vừa lớn vừa dày, đầy vết sẹo. Hai bàn tay không giống như bộ phận cơ thể, mà giống như linh kiện của một cỗ máy khổng lồ.
“Tôi không thích nói tạm biệt cho lắm,” Tamaru nói. “Thậm chí cả cơ hội nói tạm biệt với cha mẹ tôi cũng chẳng có.”
“Họ qua đời rồi à?”
“Họ còn sống hay đã chết tôi cũng không biết. Tôi sinh ra ở Sakhalin trước khi chiến tranh kết thúc một năm. Khu vực phía Nam Sakhalin hồi đó là lãnh thổ của Nhật Bản, gọi là Karafuto, đến mùa hè năm 1945 thì bị Liên Xô chiếm đóng, cha mẹ tôi trở thành tù bình. Cha tôi hình như làm việc ở cảng. Hầu hết dân thường Nhật Bản bị bắt không bao lâu sau đều được trao trả về nước, nhưng cha mẹ tôi là người Triều Tiên bị bắt đến Sakhalin làm lao công, nên không được đưa trở về Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản từ chối thu nhận họ. Lý do là, khi chiến tranh kết thúc, những người xuất thân từ bán đảo Triều Tiên không còn là thần dân của Đế quốc Đại Nhật Bản nữa. Thật quá sức tàn nhẫn. Như vậy chẳng phải là không có một chút lòng nhân ái nào hay sao? Nếu có yêu cầu thì họ có thể đến Bắc Triều Tiên, nhưng Nam Triều Tiên thì không, bởi vì lúc bấy giờ Liên Xô không thừa nhận Hàn Quốc. Cha mẹ tôi ra đời ở một làng chài gần Busan, họ không muốn lên phía Bắc. Ở phía Bắc họ không có người thân hay bạn bè gì cả. Khi đó tôi còn là đứa bé đang ẵm ngửa, được gửi cho người Nhật Bản hồi hương về nước, họ đưa tôi vượt eo biển sang Hokkaido. Thời ấy vấn đề lương thực ở Sakhalin rất gay go, quân Liên Xô đối xử với tù bình rất hà khắc. Ngoài tôi ra, cha mẹ còn mấy người con nữa, ở đó khó mà nuôi nổi tôi. Chắc họ nghĩ cứ để tôi một mình trở về Hokkaido trước, sau này có thể gặp lại. Hoặc chẳng qua là họ muốn vứt bỏ một gánh nặng. Cụ thể thế nào tôi không rõ. Tóm lại là chúng tôi không bao giờ gặp lại nhau nữa. Có thể cha mẹ tôi giờ vẫn còn ở Sakhalin. Nếu họ vẫn còn chưa chết.”
“Anh không còn nhớ cha mẹ à?”
“Không nhớ gì cả. Lúc chia tay tôi mới hơn một tuổi. Tôi được cặp vợ chồng đó nuôi dưỡng một thời gian, rồi bị chuyển vào một cô nhi viện trong vùng núi gần Hakodate, mãi chỏm cực Nam Hokkaido, đại để là đi xa hết mức khỏi Sakhalin mà vẫn còn trên đất Hokkaido. Đôi vợ chồng ấy chắc cùng không dư dả gì để nuôi tôi mãi. Chỗ cô nhi viện ấy do một đoàn thể Thiên Chúa giáo điều hành, thật đúng là một nơi gian khổ. Hồi đó chiến tranh vừa kết thúc, trẻ mồ côi nhiều vô số kể, lương thực không đủ, củi sưởi cũng không có. Tôi đã phải làm đủ thứ việc mới sống được.” Tamaru đưa mắt liếc xuống mu bàn tay phải. “Thế là người ta thu xếp cho tôi làm thủ tục để được nhận làm con nuôi trên hình thức, lấy quốc tịch Nhật, đặc một cái tên Nhật. Tamaru Ken’ichi. Tôi chỉ biết trước đây mình họ Pak. Mà người Triều Tiên họ Pak nhiều như sao trên trời vậy.”
Aomame và Tamaru sánh vai ngồi, chăm chú lắng nghe tiếng ve kêu.
“Tốt nhất là nên nuôi một con chó khác,” Aomame nói.
“Phu nhân cũng nói với tôi thế. Bảo là nhà bên đó cần một con chó canh cửa mới. Nhưng tôi chưa có bụng dạ nào làm vậy.”
“Tôi hiểu tâm trạng của anh. Nhưng tốt nhất vẫn nên tìm lấy một con. Tuy rằng tôi chẳng có tư cách gì khuyên bảo người khác, nhưng tôi nghĩ như thế.”
“Tôi sẽ làm,” Tamaru nói. “Nói gì thì nói, chúng tôi vẫn cần một con chó canh cửa đã được huấn luyện. Tôi sẽ nhanh chóng liên hệ với công ty huấn luyện chó.”
Aomame nhìn đồng hồ đeo tay, đứng lên. Còn một lúc nữa mặt trời mới lặn, nhưng bầu trời đã nhuốm chút hoàng hôn; trong sắc lam của buổi chiều đã bắt đầu lẫn vào một sắc lam khác. Nàng nghe trong cơ thể mình còn rơi rớt lại chút hơi rượu Sherry. Chắc bà chủ vẫn đang ngủ?
“Chekhov đã nói thế này,” Tamaru chầm chậm đứng lên, nói. “Một khi trong câu chuyện đã xuất hiện súng lục thì phải có người bắn bằng khẩu súng ấy.”
“Thế nghĩa là sao?”
Tamaru đứng mặt đối mặt với Aomame. Anh ta chỉ cao hơn Aomame chừng vài xăng ti mét. “Ý ông ấy muốn nói, trong câu chuyện chớ nên tùy tiện với những món đạo cụ nhỏ không liên quan. Nếu xuất hiện súng lục thì đến một cảnh nào đó phải có người dùng nó để bắn. Chekhov thích viết những truyện trong đó không có bất cứ đoạn chải chuốt thừa thải nào.”
Aomame sửa lại ống tay của chiếc váy liền quần, khoác túi đeo chéo lên vai. “Vậy nên anh lấy làm lo lắng: nếu có súng lục xuất hiện, sợ rằng sẽ có cảnh nổ súng ở nơi nào đó.”
“Theo như quan điểm của Chekhov thì vậy.”
“Vì thế anh mới nghĩ, nếu có thể thì không giúp tôi tìm súng là hơn.”
“Vừa nguy hiểm, lại vừa phạm pháp. Hơn nữa Chekhov còn là một tác giả rất đáng tin cậy.”
“Nhưng đây không phải câu chuyện. Chúng ta đang nói đến thế giới hiện thực.”
Tamaru nheo mắt, nhìn chằm chằm vào mặt Aomame, sau đó thong thả cất tiếng, không chậm cũng không nhanh: “Chuyện này ai mà biết được?”
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.