Cuộc Săn Cừu Hoang

PHẦN VIII: CUỘC SĂN CỪU HOANG, III – CHƯƠNG 29: SỰ RA ĐỜI, HƯNG THỊNH VÀ SUY VONG CỦA HUYỆN JUNITAKI



Chúng tôi bắt đầu chuyến tàu sớm từ Sapporo đến Asahikawa. Tôi mở một chai bia rồi ngồi xuống đọc cuốn Lịch sử chính thức huyện Junitaki to tướng đóng trong hộp. Junitaki là huyện nơi trang trại Giáo sư Cừu tọa lạc. Đọc lịch sử của huyện có lẽ không có giá trị thực tiễn nào, nhưng nó cũng chẳng hại gì.
Tác giả sinh năm 1940 tại Junitaki và, sau khi tốt nghiệp khoa văn trường đại học Hokkaido, hoạt động với tư cách một sử gia địa phương, ấy là bìa sách nói thế. Được cho là người hoạt động hăng hái, song ông ta chỉ viết mỗi một cuốn sách, được xuất bản tháng Năm năm 1970. Lần xuất bản đầu tiên, có lẽ là lần duy nhất.
Theo tác giả, những người định cư đầu tiên đến nơi mà ngày nay gọi là Junitaki vào đầu mùa hè năm 1881. Cả thảy mười tám người, tất cả đều là nông dân nghèo xơ xác từ Tsugaru, nông cụ,quần áo, giường chiếu, xoong nồi và dao rựa sơ sài là tất cả tài sản của họ.
Họ đi qua một ngôi làng của người Ainu gần Sapporo và với chút tiền ít ỏi, họ thuê một thanh niên Ainu gầy gò, mắt đen làm người dẫn đường. Tên người thanh niên tiếng Ainu được dịch là”Trăng tròn đang khuyết đần” (gợi ý là anh ta có xu hướng trầm cảm, tác giả đặt giả thuyết vậy).
Có lẽ người thanh niên không sinh ra để làm người dẫn đường; tuy nhiên, cậu chứng tỏ mình khá hơn rất nhiều so với người ta tưởng lúc đầu. Hầu như không hiểu một tí tiếng Nhật nào, cậu dẫn mười tám người nông dân dữ tợn đáng ngờ lên phía Bắc, dọc theo sông Ishikari. Cậu có ý tưởng rõ ràng trong đầu rằng phải đi đâu để tìm đất đai màu mỡ.
Ngày thứ tư, cả đoàn đến địa điểm này. Được phú cho sông nước rộng lớn, phong cảnh nơi đây sống động với hoa lá tươi đẹp.
“Nơi này tốt đấy,” người thanh niên nói. “có ít thú hoang, đất đai màu mỡ, nhiều cá hồi.”
“Không ăn thua,” người đứng đầu đám nông dân nói. “Chúng tôi muốn đi sâu hơn.”
Người thanh niên hiểu rằng đám nông dân tin họ sẽ tìm được đất đai màu mỡ hơn nếu đi sâu hơn. Tốt thôi. Nếu đó là những gì họ muốn, sẽ đi sâu hơn.
Thế là cả đoàn tiếp tục cuộc hành trình lên hướng Bắc trong hai ngày nữa. Ở đó người thanh niên tìm được một chỗ dốc, nơi đây nếu đất đai không màu mỡ đúng như chỗ đất trước thì ít nhất cũng không phải lo lũ lụt.
“Chỗ này thế nào?” người thanh niên hỏi. “Ở đây cũng tốt.”
Đám nông dân lắc đầu.
Cảnh này cứ lặp đi lặp lại cho đến khi cuối cùng họ đến địa điểm mà ngày nay là Asahikawa. Cách Sapporo bảy ngày đường và một trăm dặm.
“Ở đây thì sao?” người thanh niên hỏi, chưa bao giờ cảm thấy không chắc chắn như thế.
“Không được,” đám nông dân trả lời.
“Nhưng từ đây chúng ta phải trèo núi,” người thanh niên nói.
“Chúng tôi không ngại,” đám nông dân hân hoan nói.
Và thế là họ vượt đèo Shiokari.
Khỏi cần phải nói, có lý do khiến những người nông dân bỏ qua đám đất đai màu mỡ phía dưới và khăng khăn đi sâu hơn vào vùng hoang vu. Sự thật là, họ đang lẩn trốn. Họ đã bỏ thị trấn, bỏ nợ nần chồng chất, và muốn tránh khỏi chốn văn minh càng xa càng tốt.
Tất nhiên, người thanh niên Ainu không có cách nào biết được điều này. Vậy là, một cách tự nhiên, sự ngạc nhiên ban đầu của cậu khi đám nông dân từ chối những vùng đất màu mỡ chẳng bao lâu chuyển sang hoang mang, kiệt sức và mất tự tin.
Tuy nhiên, tính cách của người thanh niên đủ phức tạp đến lúc đoàn người vượt qua đèo Shiokari, cậu đã phó mặc mình cho một số phận không thể hiểu nổi, dẫn họ ngược lên mãi, lên mãi phía Bắc. Cậu bỏ công sức chọn con đường gồ ghề nhất, bãi lầy nguy hiểm nhất, để làm vừa lòng những người thuê mình.
Bốn ngày phía Bắc đèo Shiokari, đoàn người đến một con sông chảy theo hướng Tây. Theo nhất trí chung, mọi người quyết định họ nên đi về hướng Tây.
Chiến thuật này đã khiến họ giáp mặt những con đường khủng khiếp qua những địa hình khủng khiếp. Họ chật vật tìm đường qua những rừng tre, chặt cỏ cao đến vai để qua những cánh đồng cỏ mỗi lần mất nửa ngày, lội bì bõm qua bùn cao tới ngực, trèo lên núi đá dốc lởm chởm, bất cứ thứ gì để tiến xa hơn về phía Đông. Đêm đến, họ rải vải bạt không thấm nước bên bờ sông và canh chừng tiếng hú của đàn sói khi ngủ. Cánh tay họ, bị tre quẹt cho rớm máu, luôn luôn bị bao vây bởi đám ruồi nhuế và muỗi sẵn sàng rúc sâu vào trong tai họ để hút máu.
Năm ngày đi về hướng Đông, họ thấy đường đi bị núi chặn lại và không thể tiến xa hơn. Vùng đất ở sâu hơn không phù hợp cho người đến lập nghiệp, người thanh niên tuyên bố. Nghe vậy, đám nông dân dừng chân. Đó là ngày mùng 8 tháng bảy, năm 1881, cách Sapporo 240 cây số.
Việc đầu tiên là họ khảo sát vị trí của vùng đất, thử nước, kiểm tra đất. Đất khá tốt để trồng cấy. Rồi họ chia đất cho nhau và dựng một túp lều công nhỏ bằng gỗ ở giữa.
Người thanh niên Ainu gặp một toán thợ săn Ainu đi qua khu vực. “Vùng này gọi là gì?” cậu hỏi họ.
“Mày nghĩ rằng cái chỗ đất như lỗ đít này xứng đáng có tên sao?” Họ trả lời.
Vậy là hiện tại khu vực hoang vu này không có tên. Vì chẳng có nhà dân nào khác (hoặc ít ra là một nhà dân mong muốn tiếp xúc với loài người) trong bán kính sáu mươi lăm cây số nên khu đất không cần có tên. Trên thực tế, vào năm 1889 khi một nhân viên điều tra dân số do Chính quyền địa phương cử xuống thúc ép đám nông dân phải có tên, những người định cư vẫn thờ ơ không dao động. Cuốc liềm trong tay, họ họp mặt trong túp lều công và quyết định không đặt tên cho vùng đất. Tay viên chức đúng là không biết xoay xở ra sao. Tất cả những gì ông ta có thể làm là đếm số thác nước của con sông kế bên, mười hai, và báo cáo cái tên Junitaki-buraku hay Khu Định Cư Mười Hai Thác Nước cho Chính quyền địa phương. Từ đó trở đi, khu định cư mang tên chính thức Junitaki-buraku (và sau đó Junitaki-mura, Ngôi Làng Mười Hai Thác Nước).
Khu vực trải một hình cung sáu mươi độ giữa hai ngọn núi và được cắt ngang ở giữa bởi một con sông sâu. Chắc chắn là một dáng đất lỗ đít rồi. Đất đai phủ kín rừng tre trong khi những cây xanh quanh năm khổng lồ trải rễ rộng và sâu. Sói, nai sừng tấm, gấu, chuột xạ, chim chóc tranh nhau chút thức ăn ít ỏi trong vùng đất hoang vu. Khắp nơi nhung nhúc những ruồi và muỗi.
“Các vị đều muốn sống ở đây à?” người thanh niên Ainu hỏi.
“Chắc chắn rồi”, đám nông dân trả lời.
Không rõ vì sao mà người thanh niên Ainu, thay vì về nhà, lại chọn ở lại với những người định cư. Có lẽ cậu ta tò mò, tác giả đặt ra giả thuyết (Tác giả thích đặt giả thuyết). Dù với bất cứ lý do nào, nếu cậu ta không ở lại, người ta ngờ rằng họ có thể sống qua mùa đông. Người thanh niên dạy họ cách trồng rau mùa đông, cách chống chọi với tuyết, cách bắt cá ở sông đóng băng, cách đặt bẫy sói, cách tránh sự chú ý của gấu trước khi ngủ đông, cách xem thời tiết qua hướng gió, cách tránh cước ở chân tay vì bị rét, cách nướng măng tre làm thức ăn, cách đốn cây xanh quanh năm theo hướng định sẵn. Chẳng bao lâu, mọi người nhận ra được giá trị của người thanh niên, và bản thân người thanh niên lấy lại được tự tin. Cuối cùng cậu ta lấy tên Nhật và cưới con gái của một người định cư, với người vợ này cậu có ba đứa con. Không còn “Trăng Tròn Đang Khuyết Dần” nữa.
Tuy thế, thậm chí với khối kiến thức thực tiễn của người thanh niên Ainu, hoàn cảnh của những người định cư vẫn thật khốn khổ. Đến tháng Tám, mỗi gia đình đều dựng được lều, chỉ là những thanh gỗ chẻ túm lại với nhau quấy quá vội vàng hầu như không ngăn nổi gió đông. Thức dậy mà thấy một đống tuyết cao đến ba mười centimet cạnh gối cũng chẳng có gì là lạ. Hầu hết các gia đình chỉ có một bộ giường chiếu, vì thế đám đàn ông con trai thường phải ngủ co quắp bên bếp lửa. Khi thức ăn dự trữ đã cạn, những người định cư đi ra ngoài kiếm cá và bất cứ cây dại héo quắt nào họ có thể kiếm dưới tuyết. Đó là một mùa đông đặc biệt lạnh. Tuy thế, không ai chết cả. Không cãi nhau, không nước mắt. Sức mạnh của họ là cái nghèo bẩm sinh.
Mùa xuân tới. Hai đứa trẻ ra đời và số người định cư tăng lên hai mươi hai. Hai giờ trước khi trở dạ các bà mẹ còn đang làm việc ngoài đồng, và sáng hôm sau khi sinh con họ ra đồng làm việc.
Nhóm nông dân trồng ngô và khoai tây. Cánh đàn ông đốn cây và đốt rễ để phát quang thêm đất. Cuộc sống mới sinh sôi trên mặt đất, cây non kết quả, nhưng ngay khi những người định cư đang thở phào nhẹ nhõm, họ lại bị hàng đàn châu chấu bao vây.
Châu chấu lướt quanh núi. Đầu tiên, trông chúng như một đám mây đen khổng lồ. Rồi sau đó là một tiếng ầm ầm. Không ai biết được điều gì đang xảy ra với họ. Chỉ có người thanh niên Ainu biết. Cậu hạ lệnh cho cánh đàn ông nhóm lửa trên đồng. Tẩm giọt dầu cuối cùng vào đồ đạc cuối cùng, đám đàn ông đốt tất cả những gì họ có thể động tay vào. Cánh phụ nữ gõ chày vào xoong nồi. Họ làm hết sức mình, nhưng tất cả đều không đủ. Hàng trăm ngàn con châu chấu xà xuống trên mùa màng của họ và tàn phá hết. Không còn gì sót lại sau đó.
Khi đàn châu chấu bay đi rồi, người thanh niên ra đồng mà khóc. Không một người định cư nào nhỏ một giọt nước mắt. Họ nhặt chỗ châu chấu chết rồi đốt, và ngay sau khi chúng đã thành tro, những người định cư tiếp tục phát quang đất.
Họ trở lại ăn cá và rau dại cả mùa đông sau. Vào mùa xuân, ba đứa trẻ nữa ra đời. Mọi người trồng cấy trên đồng. Vào mùa hè, châu chấu trở lại tấn công. Và tất cả cây trồng lại bị nhai đến tận gốc. Tuy nhiên lần này, người thanh niên Ainu không khóc.
Cuối cùng, trận tấn công dữ dội của châu chấu kết thúc nào năm thứ ba. Một đợt mưa dài giết sạch chỗ trứng châu chấu. Nhưng mưa kéo dài đã làm hại cây trồng. Năm sau gặp phải sự phá hoại bất bình thường của bọ cánh cứng, và mùa hè sau đó lạnh bất bình thường.
Đọc đến đó, tôi gấp sách, mở một chai bia nữa và lôi hộp ăn trưa có trứng cá hồi ra khỏi túi.
Cô ngồi đối diện với tôi khoanh tay, ngủ say sưa. Nắng sớm thu xen nghiên qua khung cửa sổ tàu, trải một lớp chăn bằng ánh sáng lên lòng cô. Một con nhậy tí hon bay lên từ đâu đó và đập cánh như một mảnh giấy nhỏ. Cuối cùng thì con nhậy đậu lên ngực cô và ở đó trước khi bay đi mất. Khi con nhậy đã bay, cô trông già đi chút xíu.
Tôi hút một điếu thuốc, rồi đọc tiếp cuốn Lịch sử chính thức huyện Junitaki.
Đến năm thứ sáu, khu định cư đã có thể tự mình tồn tại. Mùa màng sinh sôi, các túp lều được sửa lại, và ai nấy đều đã thích nghi với khí hậu lạnh. Những căn nhà gỗ cưa thế chỗ đám lều gỗ, họ đắp lò sưởi, treo đèn. Mọi người chất lên thuyền những gì ít ỏi còn lại, chỗ rau quả thừa rồi cá khô và sừng nai tấm, đi hai ngày tới chợ thị trấn gần nhất, mua chuối, quần áo và dầu. Một số người học cách làm than củi từ gỗ đốn trong cánh đồng đã phát quang. Một số khu định cư tương tự mọc lên xuôi dòng sông và giao thương được xác lập.
Trong khi việc vỡ đất tiếp diễn, họ thấy rõ là khu định cư đặc biệt thiếu người, thế là nhóm triệu tập hội đồng làng, và sau hai ngày họ quyết định kêu gọi sự tăng viện từ quê cũ. Câu hỏi về khoản nợ không trả được đặt ra, nhưng xét qua câu trả lời đáp lại những dò hỏi được gói ghém cẩn thận ttrong những bức thư gửi về nhà, họ biết rằng các chủ nợ đã từ lâu thôi không cố đòi nợ nữa. Người cao tuổi nhất trong số những người định cư gửi thư cho đám bạn cũ, hỏi xem họ có muốn cùng những người định cư làm việc ở vùng đất mới hay không. Năm 1889, điều tra dân số được tiến hành, cùng năm khu định cư được chính thức đặt tên.
Năm sau đó, sáu gia đình mới, gồm chín người định cư mới, đến khu định cư. Họ được chào đón bởi các túp lều gỗ đã được nâng cấp. Tất cả đều nghẹn ngào nước mắt ngày tái ngộ. Cư dân mới được cấp đất, và với sự giúp đỡ của những người định cư đầu tiên họ trồng cấy và xây nhà riêng.
Năm 1893, thêm bốn gia đình mới đến, với mười sáu người. Năm 1987, thêm bảy gia đình mới đến với hai mươi bốn người.
Số lượng người định cư mới tăng dần một cách ổn định. Túp lều công được mở rộng thành phòng họp trang trọng hơn, và ngay cạnh đó họ xây một miếu thờ nhỏ. Khu định cư chính thức trở thành làng. Từ Junitaki-buraku thành Junitaki-mura. Người đưa thư bắt đầu xuất hiện, dù không đều đặn. Tuy hạt kê vẫn là món ăn chính của dân làng nhưng giờ đây thi thoảng họ trộn nó với cơm trắng thật.
Tất nhiên, không phải hộ không phải chịu những điều không may. Các viên chức đến đánh thuế và bắt lính. Người thanh niên Ainu, giờ đã ba mươi lăm tuổi, đặc biệt phiền lòng bởi những diễn biến này. Anh không thể hiểu được tại sao những thứ như thuế má và nghĩa vụ quân sự lại cần thiết.
“Đối với tôi có vẻ mọi thứ cứ như trước thì hay hơn,” anh nói.
Dẫu vậy, làng vẫn tiếp tục phát triển.
Năm 1903, họ phát hiện một khu đất cao hơn gần làng phù hợp với việc nuôi thả súc vật, thế là làng lập đồng cỏ chung. Một viên chức chính quyền địa phương hướng dẫn họ dựng rào, cung cấp hệ thống thoát nước và dựng lều trại cho vật nuôi, tiếp đó, lao động nhà tù được gọi đến để xây dựng một con đường dọc theo sông, và cùng với thời gian, hàng đàn cừu mua rẻ của chính phủ được chăn thả bên đường. Những người nông dân không hề biết tại sao chính phủ lại hào phóng như vậy. Mà, tại sao không nhỉ? Họ nghĩ. Sau một cuộc chống trả khó khăn, đây là sự đền bù được hoan nghênh.
Tất nhiên, chính phủ hào phóng cung cấp cho họ những con cừu này không phải là không có lý do. Bị hối thúc bởi mục tiêu quân sự là phải tự túc len nhiệt cho chiến dịch sắp tới trên đại lục, chính phủ đã ra lệnh cho Bộ Nông nghiệp và Kinh doanh nỗ lực chăn nuôi cừu hơn,và bộ đã ép chính quyền Địa phương phải thực thi các kế hoạch này. Chiến tranh Nga-Nhật sắp tới gần.
Trong khắp cả làng, lại chính người đàn ông Ainu, nay không còn là chàng thanh niên nữa, tỏ rõ sự quan tâm đến cừu nhiều nhất. Ông học phương pháp chăn nuôi cừu từ các quan chức địa phương và đảm nhận trách nhiệm phụ trách đồng cỏ của làng. Không ai biết chính xác tại sao ông ta lại hết mình với cừu nhường ấy. Có thể là vì những phức tạp của cuộc sống do số lượng dân làng bỗng nhiên tăng vọt.
Đồng cỏ trở thành nhà cho ba mươi sáu đầu cừu Southdown và hai mươi mốt đầu cừu Shropshire cộng với hai con chó cô li giống Border. Người đàn ông Ainu trở thành người chăn cừu giỏi, và số lượng cừu và chó tăng lên mỗi năm. Ông dần dà yêu đàn cừu và đàn chó của mình tha thiết. Các viên chức thì vô cùng hài lòng. Chó con được bán cho các trang trại cừu tương tự được thành lập gần đó để rồi trở thành những con chó chăn cừu giỏi nhất.
Khi chiến tranh Nga-Nhật bùng nổ, năm trai làng bị bắt đi lính và điều ra tiền tuyến ở Trung Hoa. Hai người hy sinh và một bị mất một cánh tay trái khi một quả lựu đạn của quân địch nổ tung trong cuộc giao tranh nhỏ trên một ngọn đồi nhỏ. Khi cuộc giao tranh kết thúc sau ba ngày, hai người kia thu thập các mảnh xương nằm rải rác của những người bạn thanh niên cùng làng. Tất cả là con trai của những người định cư đợt một và đợt hai. Một trong những người chết là con trai cả của người thanh-niên-trở-thành-người-chăn-cừu Ainu. Cậu chết khi mặc một cái áo khoác len do quân đội cấp.
“Tại sao lại điều bọn con trai ra trận tại một miền đất lạ?” người chăn cừu Ainu đi quanh hỏi mọi người. Lúc đó ông bốn mươi lăm tuổi.
Không ai có thể trả lời ông. Người chăn cừu Ainu tuyệt giao với làng và ở luôn bên ngoài đồng cỏ, tỉnh thức cùng đàn cừu. Vợ ông đã qua đời vì bệnh viêm phổi năm năm trước, và hai con gái ông đã lấy chồng. Để trả công trông nom đàn cừu, làng cấp cho ông chút lương ít ỏi và thức ăn.
Sau khi mất con trai, người chăn cừu Ainu trở nên cay đắng. Ông qua đời khi sáu mươi hai tuổi. Một sáng mùa đông, cậu bé giúp việc cho ông tìm thấy xác ông nằm chết sóng soài trên sàn trại cừu. Đông cứng. Hai con chó đời cháu của hai con cô li giống Border đầu tiên mắt buồn thương cảm rên rỉ bên cạnh ông. Đàn cừu, không hề biết gì, đang gặm cỏ tại khu chăn thả của mình. Nhịp nhai khe khẽ của răng cừu nghe giống như một dàn đồng ca catanhet.
Lịch sử Junitaki tiếp tục, nhưng lịch sử của người thanh niên Ainu kết thúc tại đó. Tôi đứng dậy đi vệ sinh và đái ra hết số bia trong hai chai. Khi tôi quay lại chỗ ngồi, cô đã thức giấc và đang lơ đãng nhìn ra ngoài cửa sổ. Cánh đồng lúa trải dài tít tắp. Thi thoảng là một hầm ủ tươi thức ăn cho vật nuôi. Sông chạy lại gần, rồi chạy ra xa. Tôi hút một điếu thuốc, cảm nhận khung cảnh cùng với dáng ngồi nghiêng của cô trong đó. Cô không nói một lời. Khi hút hết điếu thuốc, tôi quay lại với cuốn sách. Bóng một cây cầu sắt sáng lóe lên qua trang sách.
Sau câu chuyện bất hạnh của người thanh niên Ainu sau trở thành người chăn cừu, già đi, rồi qua đồi, lịch sử còn lại khá nhàm chán. Một trận viêm đường ruột cướp đi mười đầu cừu, một đợt lạnh khủng khiếp giáng đòn chí tử cho đám hoa màu, nhưng ngoài ra thì mọi thứ trong làng đều diễn ra trôi chảy. Vào thời Đại Chính, làng được hợp nhất thành huyện và được đổi tên mới là Junitaki-cho. Junitaki-cho phát triển tốt, xây thêm nhiều cơ sở vật chất, một trường tiểu học, một tòa thị chính, một điểm bưu điện. Đến lúc này, việc định cư ở Hokkaido gần như hoàn tất.
Khi đất đai trồng trọt được đã gần cạn kiệt, một vài thanh niên rời Junitaki-cho đi tìm vận may ở những thế giới mới như Mãn Châu và Sakhalin. Vào những năm 1937, Giáo sư Cừu xuất hiện ở thị trấn.
Lịch sử viết: “Người quản lý kỹ thuật của Bộ Nông Lâm được công nhận rộng rãi vì các nghiên cứu ở Triều Tiên và Mãn Châu. Giáo sư________(tuổi 32) rời vị trí của mình do hoàn cảnh đặc biệt và lập trang trại cừu riêng của mình tại thung lũng núi phía Bắc Junitaki-cho.”
Chuyện về ông chỉ được viết có thế.
Bản thân tác giả có vẻ như cũng chán các sự kiện những năm ba mươi, việc ghi chép của ông ta trở nên không đồng nhất và chắp vá. Ngay cả văn phong cũng sa sút, mất đi sự mạch lạc khi ông thảo luận về người thanh niên Ainu.
Tôi bỏ không đọc ba mươi năm giữa 1938 và 1969 và nhảy đến phần có tựa đề “Junitaki ngày nay”. Tất nhiên, “ngày nay” trong sách là vào năm 1970, hầu như không phải “ngày nay” của ngày nay. Tuy vậy, khi viết lịch sử của một thị trấn hiển nhiên cần phải đưa cái “ngày nay” ra. Và thậm chí nếu một ngày nay chẳng mấy chốc không còn là ngày nay nữa, không ai có thể chối cái được nó thật sự là một ngày nay. Vì nếu như ngày nay thôi không còn là ngày nay, lịch sử không thể tồn tại như lịch sử.
Theo cuốn Lịch sử chính thức huyện Junitaki, năm 1969 dân số giảm xuống còn 15.000, giảm 6.000 so với mười năm trước, hầu như vì sự sa sút của nghề nông. Sách nói rằng, tỷ lệ không còn làm nghề nông cao bất bình thường là phản ứng trước những thay đổi của cơ sở hạ tầng quốc gia trong thời kỳ phát triển công nghiệp nhanh chóng, cũng như bản chất kỳ lạ của nghề nông trong khí hậu của Hokkaido.
Vậy những nơi đất đai trồng cấy đã trở thành gì? Chúng được trồng cây gây rừng lại. Mảnh đất mà cha ông họ đã đổ máu phát hoang, những người hậu duệ giờ đây trồng cây. Thật trớ trêu khi sự việc trở nên như thế.
Nói vậy nghĩa là ngành nghề chính ở Junitaki ngày nay là lâm nghiệp và cán gỗ. Ngày nay thị trấn tự hào có một vài nhà máy gỗ nhỏ nơi họ sản xuất tủ đựng ti vi, bàn trang điểm, những bức tượng nhỏ hình gấu và người Ainu bán cho khách du lịch. Túp lều công cụ ngày xưa trở thành Bảo tàng Người tiên phong, nơi nông cụ và các đồ dùng ăn uống từ những ngày đầu định cư được trưng bày. Có cả vật lưu niệm về những thanh niên làng đã chết trong Chiến tranh Nga-Nhật. Và thậm chí cả bức thư gửi về quê hỏi về những người chủ nợ.
Nhưng sự thật Junitaki ngày nay là một thị trấn hết sức buồn tẻ. Dân thị trấn, khi đi làm về, xem ti vi trung bình bốn tiếng trước khi đi ngủ mỗi tối. Số phiếu đi bầu cử luôn cao, nhưng không ai ngạc nhiên trước việc ai là người trúng cử. Khẩu hiệu của thị trấn là “Nhân tính Rộng rãi trong một thiên nhiên Rộng rãi”. Hay tấm biển trước cửa ga nói thế.
Tôi gấp sách, ngáp, rồi ngủ thiếp đi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.