Cuộc Săn Cừu Hoang

CHƯƠNG 32: MỘT KHÚC NGOẶT KHÔNG MAY TRÊN ĐƯỜNG



Buổi sớm mù sương và lành lạnh. Tôi thông cảm với những con cừu đó. Bơi qua thuốc tẩy trùng lạnh lẽo vào một ngày như thế này có thể thật là ác nghiệt. Có lẽ cừu không cảm thấy lạnh chăng? Có lẽ chúng không cảm thấy gì hết.
Mùa xuân ngắn ngủi ở Hokkaido sắp qua. Những đám mây xám dày phía Bắc là điềm báo tuyết sắp đến. Bay từ tháng Chín Tokyo đến tháng Mười Hokkaido, tôi đã mất hẳn mùa thu. Có lẽ bắt đầu và kết thúc, nhưng không có giữa thu.
Tôi thức dậy lúc sáu giờ rồi rửa mặt. Tôi ngồi một mình ở ban công, nhìn ra ngoài cửa sổ cho tới khi bữa sáng được dọn ra. Nước sông đã rút xuống đôi chút kể từ ngày hôm trước và đang dần trong hơn. Cánh đồng lúa trải dài bên bờ đối diện, nơi những cơn gió bất thường buổi sớm thổi qua đồng lúa chín cao tạo thành những đợt sóng chạy xa hút tầm mắt. Một chiếc máy kéo đi ngang qua cây cầu bê tông, hướng về phía đồi, thoảng nghe trong gió tiếng đầu máy lọc xọc. Ba con quạ bay ra từ trong cây bu lô giờ đã chuyển màu vàng. Lượn một vòng trên sông và sà xuống rào chắn của tòa nhà. Đậu ở đó, lũ quạ đóng vai những người ngoài cuộc hoàn hảo trong một vở kịch đương đại. Tuy nhiên, chẳng bao lâu chúng đã chán cái vai đó, liền bay đi từng con một và biến mất theo hướng ngược dòng.
Đúng tám giờ, chiếc xe jeep của người trông nom trại cừu đỗ ngoài quán trọ. Chiếc jeep có nóc hình hộp, hình như được lắp thêm vào nếu xét đến số đăng ký của Tự vệ quân đọc được trên tấm cản xóc.
“Cậu biết không, có điều gì kỳ quặc đang diễn ra,” người trông nom trại cừu nói ngay khi trông thấy tôi. “Tôi đã thử gọi điện lên núi trước, nhưng không sao gọi được.”
Cô và tôi trèo vào trong ghế sau. Nó bốc mùi xăng. “Lần cuối bác thử gọi là lúc nào?” Tôi hỏi.
“Xem nào, chắc là khoảng ngày hai mươi tháng trước. Kể từ đó tôi chưa lần nào liên lạc lại. Thường thì cậu ta gọi cho tôi bất cứ khi nào cậu ta cần thứ gì. Danh sách mua sắm hay đại loại vậy.”
“Bác có nghe thấy chuông điện thoại reo không?”
“Thậm chí không có lấy một tín hiệu báo bận. Chắc hẳn đường dây hỏng ở đâu đó. Không phải không có khả năng có một trận tuyết lớn.”
“Nhưng đâu hề có tuyết đâu.”
Người trông nom trại cừu nhìn lên nóc xe jeep và xoay cổ răng rắc. “Vậy thì chúng ta sẽ phải đi xem thế nào, đúng không?”
Tôi gật đầu. Khói xăng bắt đầu làm tôi khó chịu.
Chúng tôi vượt qua cây cầu bê tông và bắt đầu đi lên đồi theo con đường tôi đi hôm qua. Đi ngang qua Trại cừu Thị trấn, cả ba quay sang nhìn hai cây cột với tấm biển trên lối vào. Trang trại vô cùng tĩnh lặng. Tôi có thể hình dung thấy bọn cừu: con nào con nấy nhìn chằm chằm vào khoảng yên lặng của chính mình với đôi mắt xanh trong veo.
“Bác để việc tẩy trùng đến chiều à?”
“Ừ, mà thôi chẳng có gì phải gấp. Miễn là xong trước khi tuyết rơi.”
“Bao giờ tuyết bắt đầu rơi hả bác?”
“Sẽ chẳng có gì ngạc nhiên nếu tuyết rơi vào tuần sau,” Người trông nom trại cừu nói. Một tay đặt lên tay lái, ông nhìn xuống rồi ho. “Mặc dù vậy, phải đến tháng Mười một thì tuyết mới bắt đầu chất đống. Đã bao giờ biết mùa đông ở vùng này thế nào chưa?”
“Dạ chưa,” Tôi nói.
“Đấy, một khi tuyết bắt đầu dồn lại, nó chất đống không ngừng như thể một con đập vừa vỡ tung. Đến lúc đó thì không thể làm gì hơn là quanh quẩn trong nhà và chán chết đi được. Lẽ ra ngay từ đầu người ta không bao giờ nên sống ở vùng này.”
“Nhưng bác sống mãi ở đây đấy thôi.”
“Đó là bởi tôi yêu thích cừu. Cừu là loài vật có bản chất hiền hậu. Chúng thậm chí ghi nhớ ta qua khuôn mặt. Ngoảnh đi ngoảnh lại một năm chăm cừu đã qua lúc nào không hay, rồi thì cứ thế mãi. Vào mùa thu chúng kết đôi, mùa xuân chúng sinh con, mùa hè chúng gặm cỏ. Khi lũ cừu non lớn lên, vào mùa thu chúng lại kết đôi. Cứ quay vòng như thế. Tất cả cứ lặp đi lặp lại như vậy. Bọn cừu thay đổi mỗi năm, chỉ có tôi là già đi. Và càng già tôi lại càng không muốn sống ở thị trấn.”
“Cừu làm gì vào mùa đông hả bác?” bạn gái tôi hỏi.
Tay vẫn còn trên vô lăng, người trông nom trại cừu quay lại nhìn chằm chằm vào cô, gần như say sưa ngắm khuôn mặt cô, như thể trước đó ông ta không để ý đến cô. Con đường được lát, thẳng tắp và không hề có chiếc xe nào trong tầm mắt; tuy thế, tôi vẫn sợ toát mồ hôi.
“Chúng ở trong chuồng suốt mùa đông,” người trông nom trại cừu nói, cuối cùng đã quay lại quan sát con đường.
“Chúng không thấy chán ư?”
“Cậu có thấy chán ngấy cuộc đời của chính mình không?”
“Tôi thật tình không thể nói được.”
“Vậy thì với cừu cũng vậy thôi,” người trông nom trại cừu nói. “Chúng không nghĩ về những thứ như thế, mà nếu chúng có nghĩ thế thì cũng chẳng ích lợi gì. Chúng cứ qua đông bằng cách ăn cỏ, đái, cãi nhau lặt vặt, nghĩ về bọn cừu con trong bụng.”
Đồi ngày càng trở nên dốc hơn, và con đường bắt đầu uốn thành hình chữ chi. Phong cảnh đồng quê dần dần nhường chỗ cho rừng nguyên sinh tối tăm dựng đứng như bức tường ở hai bên đường. Thi thoảng lại có một khoảng trống thấp thoáng đồng bằng phía dưới.
“Nếu có tuyết, chúng ta sẽ không thể đi qua đây,” người trông nom trại cừu nói. “Nói thế không có nghĩa người ta có nhu cầu đi qua.”
“Có khu trượt tuyết hay đường leo núi nào không bác?” tôi hỏi.
“Không phải ở đây, không có gì hết. Đó là lý do tại sao không có khách du lịch. Đó là lý do tại sao thị trấn tàn lụi nhanh thế. Đến tận đầu những năm sáu mươi, thị trấn vẫn còn hoạt động theo mô hình nông nghiệp vùng khí hậu lạnh. Nhưng kể từ khi dư thừa gạo, mọi người mất hứng thú trồng trọt trong một cái tủ ướp lạnh. Có lý thôi.”
“Điều gì đã xảy ra với nhà máy gỗ?”
Không có đủ nhân công để đáp ứng nhu cầu, thế là họ chuyển đến những chỗ thuận tiện hơn. Ngày nay người ta vẫn có thể tìm thấy những nhà máy nhỏ ở một vài thị trấn, nhưng không nhiều. Hiện nay, cây đốn trong núi ở đây chuyển ngay qua thị trấn rồi được đưa tới Nayoro và Asahikawa. Đó là lý do đường sá cực tốt trong khi cả thị trấn kiệt quệ. Một xe tải lớn có lốp chạy tuyết sẽ đi qua được gần như bất kỳ đống tuyết nào.”
Tôi đưa một điếu thuốc lên môi một cách vô thức, nhưng trước khi châm lửa tôi nhớ đến khói xăng dầu nên lại đút nó vào bao. Thay vì hút tôi ngậm một viên kẹo chanh. Kết quả: vị xăng pha chanh kỳ dị.
“Cừu có cãi nhau không bác?” bạn gái tôi hỏi.
“Chắc chắn chúng cãi nhau rồi,” người trông nom trại cừu nói. “Giống như bất cứ loài vật nào đi theo nhóm. Con cừu nào cũng có trật tự phân hạng trong xã hội cừu. Nếu có năm mươi con trong chuồng thì sẽ có con cừu số một cho tới con cừu số năm mươi. Và con nào con nấy đều biết đích xác mình ở đâu.”
“Lạ lùng thật,” cô nói.
“Điều đó cũng khiến việc quản lý chúng dễ dàng hơn cho tôi. Chỉ cần dắt con cừu số một ra, thế là cả lũ cừu theo sau, không thắc mắc gì.”
“Nhưng nếu tất cả chúng đều biết vị trí của mình, tại sao chúng đánh nhau?”
“Chẳng hạn một con cừu bị đau và mất đi sức mạnh, vị trí của nó trở nên lung lay. Thế là con cừu dưới nó trở nên hăng máu hơn và cố vươn lên vị trí tốt hơn. Khi điều đó xảy ra, chúng đánh nhau trong ba ngày.”
“Tội nghiệp.”
“Ôi dào, huề cả làng thôi mà. Xét cho cùng, con cừu bị đá đít ấy khi còn trẻ cũng đã đá đít một con cừu khác. Và đến khi lên phản làm thịt không có số một hay số năm mươi. Chỉ là một cuộc liên hoan ngoài trời có cừu nướng quay cả con thôi.”
“Hừ,” cô nói.
“Nhưng con đáng thương thật sự là con cừu đực hạt giống. Cô cậu biết hết về hậu cung lũ cừu, đúng không?”
“Không, tôi không biết,” tôi đáp.
“Khi nuôi cừu, điều quan trọng nhất người ta cần chú ý là việc phối giống. Thế là người ta giữ chúng tách biệt, cừu đực với nhau, cừu cái với nhau. Rồi người ta ném một con đực vào chuồng lũ cừu cái. Nói chung thì nó là con đực khỏe nhất. Nói cách khác, người ta phối giống tốt nhất. Sau một tháng, khi mọi việc đã xong, con cừu đực giống này trở về chuồng toàn cừu đực. Nhưng trong thời gian con cừu đực giống bận rộn, những con đực khác đã thiết lập nên một trật tự phân hạng mới. Và do cái việc phối giống đó mà con cừu đực giống giảm cân tới một nửa nên không thắng nổi một trận đánh nhau. Thế là tất cả các con đực khác đánh hội đồng nó. Thế mới buồn.”
“Cừu đánh nhau như thế nào hả bác?”
“Chúng đập đầu nhau. Trán cừu cứng như thép và rỗng không bên trong.”
Cô không nói gì, nhưng có vẻ đang chìm trong suy nghĩ. Có lẽ đang thử hình dung cảnh những con cừu giận dữ đập đầu nhau.
Sau ba mươi phút đi xe, mặt đường lát bỗng nhiên biến mất, con đường hẹp lại chỉ còn một nửa. Từ hai bên, những cánh rừng nguyên sơ tối tăm đổ xô tới chiếc xe jeep của chúng tôi như những con sóng khổng lồ. Nhiệt độ hạ xuống.
Đường sá thật kinh khủng. Nó đẩy chiếc jeep bật qua bật lại như kim máy ghi địa chấn, lắc mạnh xăng trong thùng xăng bằng nhựa dưới chân chúng tôi. Xăng phát ra những âm thanh đáng ngại, như thể óc ai đó đang lắc qua lắc lại ọc ạch, sẵn sàng bắn tung ra khỏi hộp sọ. Tôi có lo ngại về điều đó không? Chắc chắn rồi.
Con đường tiếp tục như vậy trong khoảng hai ba mươi phút. Tôi không thể ngồi vững, dù chỉ để xem đồng hồ. Trong cả quãng thời gian đó không ai nói lời nào. Tôi nắm chặt đai an toàn gắn ở ghế, trong khi cô bám chặt tay phải tôi. Người trông nom trại cừu tập trung vào việc giữ tay lái.
“Bên phải,” người trông nom trại cừu bỗng nhiên nói to. Không biết phải trông đợi điều gì, tôi quay sang thì thấy một bức tường rừng cây tối tăm mở rộng ra, đất dần biến mất. Thung lũng mênh mông, cảnh tượng thật ngoạn mục. Nhưng thiếu vẻ ấm áp. Mặt đá dựng đứng, lột bỏ hết từng chút sự sống. Ta có thể ngửi thấy hơi thở đe dọa.
Chắn ngay trước mặt con đường là một ngọn núi trơn, hình nón. Tại đỉnh núi, một sức mạnh kinh khủng đã vặn xoáy hình nón thành ra không còn hình thù gì nữa.
Nắm chặt tay lái, người trông nom trại cừu hất cằm ra phía trước về hướng cái hang hẹp bên bờ đá.
“Chúng ta vừa đi vòng qua mặt kia của nó.”
Cơn gió mạnh từ thung lũng tràn qua leo lên sườn núi bên phải, thổi tung đám lá cây dày đặc, bắn nhẹ cát lên cửa sổ xe.
Tại một điểm gần đỉnh núi, con đường hình chữ chi kết thúc, sườn núi bên phải biến thành những khối đá núi lửa cao lởm chởm, rồi cuối cùng thành một mặt đá dốc đứng. Len qua một gờ đá hẹp được tạc thành một khối đá không ra hình thù gì, chiếc jeep di chuyển chậm chạp.
Bỗng nhiên, thời tiết chuyển hướng xấu. Những mảng xanh điểm xuyết trên bầu trời xám nhạt đã chán nét phảng phất hay thay đổi của mình mà chuyển sắc u ám, trộn lẫn một màu đen như bồ hóng không đều. Đem lại cho núi non một vẻ ảm đạm.
Trong ngọn núi chẳng khác gì cái vạc này, gió xoay tít, thổi vù vù và rền rĩ đến khiếp. Tôi lau mồ hôi trên lông mày. Dưới tấm áo len, người tôi cũng toát mồ hôi lạnh.
Người trông nom trại cừu mím môi mỗi khi ngoặt tay lái, ngoặt sang phải, rồi lại sang phải. Rồi ông cúi người về phía trước như thể đang cố căng tai nghe gì đó, đồng thời điều khiển chiếc jeep chạy chậm lại cho đến khi, nơi con đường hơi rộng ra, ông hãm phanh. Ông tắt máy, rồi chúng tôi ngồi đó, bị ném vào giữa sự yên lặng ớn lạnh. Chỉ có gió đang nghiên cứu tìm hiểu vùng đất này.
Người trông nom trại cừu để cả hai tay trên vô lăng. Dường như phải đến nửa tiếng trôi qua, rồi ông mới ra khỏi xe và gõ nhẹ đế giày lên mặt đất. Tôi theo ông trèo ra khỏi xe và đứng cạnh ông, nhìn xuống mặt đường.
“Không tốt đâu,” người trông nom trại cừu nói. “Trời mưa to hơn tôi tưởng.”
Con đường không có vẻ ẩm ướt đến thế đối với tôi. Ngược lại là khác, trông nó cứng đơ và khô khốc.
“Bên trong ẩm,” ông giải thích. “Nó đánh lừa tất cả mọi người. Mọi thứ đều khác biệt ở vùng này.”
“Khác ư?”
Thay vì trả lời, ông lôi một điếu thuốc ra khỏi túi và châm lửa. “Đi với tôi chút nhé?”
Chúng tôi đi bộ khoảng gần hai trăm mét tới khúc ngoặt kế tiếp. Tôi có thể cảm thấy cơn giá lạnh khó chịu. Tôi kéo khóa áo gió lên tận cổ rồi dựng cổ áo lên, nhưng vẫn lạnh.
Ngay ở chỗ con đường bắt đầu uốn khúc, người trông nom trại cừu dừng lại. Hướng về vách núi bên phải, thuốc vẫn trên môi, ông nhăn nhó. Nước, một màu nâu đất nhạt, đang chảy nhỏ giọt từ giữa vách núi, tràn xuống đá, và chậm rãi chảy qua đường. Tôi đưa ngón tay quệt ngang mặt đá. Nó xốp hơn vẻ ngoài, chỉ chạm nhẹ mà bề mặt đã vỡ vụn.
“Chỗ này đúng là khúc quanh khủng khiếp,” người trông nom trại cừu nói. “Bề mặt xốp, nhưng đó thế chưa hết đâu. Thôi, đó là vận rủi. Ngay cả lũ cừu cũng sợ.”
Người trông nom trại cừu ho rồi ném điếu thuốc lên mặt đất. “Tôi không muốn làm thế này với cậu, nhưng tôi không muốn mạo hiểm.”
Tôi gật đầu.
“Cậu nghĩ mình có thể đi bộ nốt quãng đường còn lại không?”
“Đi bộ không thành vấn đề. Vấn đề là độ rung.” Người trông nom trại cừu lấy giày giẫm mạnh lên đất lần nữa. Ngay sau một tích tắc là một câu trả lời chán ngắt và đáng nản. “Đi bộ được.”
Chúng tôi trở lại xe jeep.
“Chỗ đó cách đây quãng gần năm cây số,” người trông nom trại cừu nói. “Chỉ mất một tiếng rưỡi là đến nơi thôi, kể cả khi có cô kia đi cùng. Đường thẳng, không dốc mấy. Xin lỗi là tôi không thể đưa cậu đi hết quãng đường.”
“Không sao bác ạ. Cám ơn bác vì mọi thứ.”
“Cậu định ở lại trên đó à?”
“Tôi không biết. Tôi có thể quay lại vào ngày mai. Cũng có thể mất một tuần. Còn tùy sự việc thế nào.”
Ông đưa một điếu thuốc nữa lên môi, nhưng lần này chưa kịp châm lửa ông đã húng hắng ho. “Dẫu vậy cậu cũng nên cẩn thận. Trông tình hình thế này thì có lẽ sẽ có tuyết sớm đấy. Và một khi trời tuyết, cậu không đi đâu được đâu.”
“Tôi sẽ cẩn thận,” tôi nói.
“Có một hộp thư ngay cửa ra vào. Chìa khóa nhét ở dưới. Nếu không ai ở đó, hãy dùng nó.”
Chúng tôi dỡ đồ trên xe jeep xuống dưới bầu trời xám như chì. Tôi cởi áo gió và mặc chiếc áo khoác có mũ trùm dày cộp dành cho người leo núi. Tôi vẫn lạnh.
Phải khó khăn lắm người trông nom trại cừu mới quay được xe, liên tục đụng vào vách đá. Mỗi lần ông đâm, vách đá lại vỡ thêm ra. Cuối cùng ông cũng quay hẳn được xe, bóp còi, rồi vẫy tay. Chúng tôi cũng vẫy lại. Chiếc jeep ngoặt ở khúc quanh rồi biến mất.
Chúng tôi hoàn toàn một mình. Như thể chúng tôi bị bỏ lại bên rìa thế giới.
Chúng tôi đặt ba lô xuống đất và đứng đó không nói một lời, cố xác định vị trí. Dưới chúng tôi là một dải sông bạc thanh thoát uốn khúc qua thung lũng, hai bên bờ là rừng xanh rậm rạp. Bên kia thung lũng nổi lên dãy đồi thấp nhuốm sắc thu và xa xa là cảnh đồng bằng mờ mờ. Những cột khói mỏng bốc lên từ cánh đồng người ta đang đốt gốc rạ sau vụ gặt. Một quang cảnh đẹp đến sững sờ, nhưng điều đó không làm tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Mọi thứ dường như thật xa cách, thật… xa lạ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.