Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 1)
Chương 10
Đến thành Bruyn, công tước Andrey ở lại nhà người quen cũ là nhà ngoại giao Nga Bilibin. Bilibin ra tiếp công tước Andrey và nói:
– Ồ công tước đấy à, còn gì quý hoá bằng? Frantx, mày đưa hành lý của công tước vào phòng ngủ của ta. – Bilibin bảo người đầy tớ đã đưa công tước Andrey vào.
– Thế nào? Anh là sứ giả của thắng lợi đấy chứ! Tuyệt quá. Còn tôi thì đang ốm dở đây, chắc anh cũng thấy.
Công tước Andrey tắm rửa, thay quần áo rồi vào gian phòng làm việc lộng lẫy của nhà ngoại giao và ngồi trước bữa ăn vừa dọn ra cho chàng. Bilibin ngồi thoải mái cạnh lò sưởi.
Công tước Andrey đã phải thiếu thốn mọi thứ tiện nghi của cuộc sống sạch sẽ và hoa lệ – Không những trong lúc đi đường, mà còn suốt cả thời gian hành quân nữa, cho nên chàng cảm thấy thích thú khi nghỉ ngơi giữa cái khung cảnh sinh hoạt sang trọng mà chàng vẫn quen sống từ bé. Không những thế, sau khi được người Áo tiếp, chàng cảm thấy thú vị được nói chuyện, nếu không phải bằng tiếng Nga (hai người vẫn nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp) thì ít nhất là với một người Nga, mà theo ý chàng, cũng có cái cảm giác chung của người Nga đối với người Áo (lúc bấy giờ ác cảm này là đặc biệt sâu sắc).
Bilibin là một người trạc ba mươi lăm, sống độc thân và cũng thuộc một tầng lớp xã hội như công tước Andrey! Hai người quen nhau từ hồi ở Petersburg nhưng họ càng thân nhau hơn trong thời gian gần đây, khi công tước Andrey đến Viên với Kutuzov. Nếu công tước Andrey là một người trẻ tuổi có nhiều hứa hẹn về quân sự, thì Bilibin lại có nhiều hứa hẹn chẳng kém và có lẽ hơn nữa về ngoại giao. Tuy còn trẻ, ông ta đã không còn là một nhà ngoại giao mới bước vào nghề nữa, bởi vì ông ta bắt đầu làm việc trong chính phủ từ năm mười sáu.
Ông ta ở Paris, Copenhagen và hiện nay đang giữ một chức vụ khá quan trọng ở Viên. Quan Quốc vụ đại thần Áo, cũng như đại sứ của ta đều biết Bilibin và quý trọng ông ta. Bilibin không như phần đông các bạn đồng nghiệp, chỉ cần có những đức tính tiêu cực, đừng làm một số việc nhất định và biết nói tiếng Pháp là đủ thành một nhà ngoại giao rất giỏi rồi. Ông ta thuộc hạng những nhà ngoại giao ham làm việc và biết làm việc, và tuy bản tính lười biếng, đôi khi ông vẫn ngồi ở bàn giấy suốt đêm. Bất luận tính chất công tác ra sao, bao giờ ông cũng làm việc chu đáo như nhau. Điều ông ta quan tâm không phải là vấn đề “để làm gì” mà vấn đề “làm như thế nào”. Nội dung công tác ngoại giao là gì, ông thấy chẳng cần quan tâm đến. Trái lại việc thảo ra các thông cáo, các vị vong lục, các báo cáo thế nào cho hay, cho sắc sảo, cho trang nhã, là đem lại cho ông rất nhiều hứng thú. Người ta đánh giá cao thành lích của Bilibin không những vì ông còn có tài viết lách mà vì ông còn có nghệ thuật xã giao và nói chuyện ở trong xã hội thượng lưu.
Bilibin chỉ thích trò chuyện cũng như thích công việc khi nào trong câu chuyện có thể nói năng một cách trang nhã và hóm hỉnh.
Ở nơi xã giao, Bilibin luôn luôn chờ cơ hội nói một cái gì thật thú vị và chỉ có như thế ông mới dự vào câu chuyện. Lời nói của Bilibin bao giờ cũng đầy những câu độc đoán, hóm hỉnh, trau chuốt cố thể gây được hứng thú chung. Những câu nói đã được Bilibin chuẩn bị sẵn trong óc, hình như ông có chủ tâm làm cho nó dễ lưu hành, để cho những hạng bất tài trong những giới xã giao cũng có thể dễ dàng nhớ được rồi mang truyền đi hết phòng khách này đến phòng khách khác. Thật vậy, những câu nói của Bilibin được lưu hành trong các phòng khách ở Viên và nhiều khi có ảnh hưởng trong những công việc mà người ta gọi là trọng đại.
Khuôn mặt gầy gò, hốc hác võ vàng của ông ta đầy những nét nhăn sâu hoắm, những nét nhăn này hình như bao giờ cũng được lau chùi sạch sẽ, cẩn thận như người ta lau đầu ngón tay sau khi tắm. Cách chuyển động của những nét nhăn này là phương tiện chủ yếu để diễn đạt tình cảm trên gương mặt ông. Khi thì trán ông ta nhíu lại thành những nếp nhăn mới, đôi mày rướn lên cao, khi thì đợi mày lại hạ xuống và trên gò má hiện lên những nếp nhăn to tướng. Cặp mắt nhỏ, sâu hoắm bao giờ cũng nhìn thẳng và vui vẻ, Bilibin nói:
– Nào bây giờ anh kể cho tôi nghe những chiến công của anh đi.
Andrey kể lại chiến sự một cách hết sức khiêm tốn, không hề nhắc đến mình, và thuật lại cách đón tiếp của Tổng trưởng bộ chiến tranh, chàng kết thúc:
– Họ tiếp tôi và tin tức của tôi đã đưa đến như tiếp một con chó nhà có tang.
Bilibin mỉm cười và buông những nếp nhăn giãn ra.
– Tuy vậy anh ạ – Ông ta vừa nói vừa nhìn móng tay mình từ xa và cau da mặt ở trên mi mắt bên trái lại. – Mặc dần tôi rất tôn trọng “đạo quân chính giáo” của ta, tôi cũng xin thú thực rằng thắng lợi của các anh không phải là một thắng lợi thuộc loại oanh liệt nhất!
Bilibin vẫn tiếp tục nói tiếng Pháp như vậy, chỉ những chữ nào ông ta muốn nhấn mạnh một cách khinh bỉ thì mới nói bằng tiếng Nga.
– Thế nào? Các anh đã dốc toàn lực đánh vào một sư đoàn độc nhất của anh chàng Morchie bất hạnh kia, thế mà Morchie vẫn cứ lọt qua tay các anh phải không? Thế thì thắng lợi ở chỗ nào?
Tuy vậy, nói cho công bình. – Công tước Andrey đáp. – Chúng tôi vẫn có thể nói không ngoa rằng như thế vẫn còn khá hơn ở Ulm.
– Tại sao các anh không tóm cổ một tên thống chế cho tôi, dù chỉ một tên nào thôi?
– Bởi vì mọi việc không bao giờ cũng xảy ra như người ta dự đoán, và cũng không đều đặn như trong một cuộc duyệt binh. Như tôi đã nói với anh, chúng tôi trù tính đến bảy giờ sáng là đã ở đằng sau lưng địch, ấy thế mà mãi năm giờ chiều vẫn chưa đến.
– Thế tại sao các anh không đến lúc bảy giờ sáng? Các anh phải đến lúc bảy giờ sáng chứ? – Bilibin nói, miệng tủm tỉm cười. – Phải đến lúc bảy giờ sáng chứ!
– Thế tại sao các anh không dùng đường lối ngoại giao để gợi ý cho ông Buônapáctê, bảo y có khôn hồn thì rời khỏi Viên đi. – Công tước cũng đáp lại với cái giọng như vậy.
– Tôi biết rồi. – Bilibin ngắt lời. – Các anh cho rằng cứ ngồi trên ghế đi-văng trước lò sưởi mà đòi tóm lấy cổ một tên thống chế thì dễ lắm. Cái đó đúng. Thế nhưng tại sao các anh lại không tóm lấy một tên? Thế mà các anh còn lấy làm lạ không hiểu tại sao không những Tổng trưởng bộ chiến tranh mà đến cả vị hoàng đế và quốc vương Frantx(1) chí tôn cũng đều không thấy hào hứng cho lắm về trận thắng của các anh. Đến ngay như tôi đây, một thằng bí thư quèn của sứ quán Nga, tôi cũng không hề cảm thấy có gì vui vẻ cho lắm.
(1) Frantx, vua Áo có hai tước vị là hoàng đế và quốc vương.
Bilibin nhìn thẳng vào mặt công tước Andrey và đột nhiên buông lỏng lớp da nhăn nheo trên trán.
Công tước Andrey nói:
– Bây giờ đến lượt tôi hỏi anh “tại sao” đấy anh ạ. Tôi thú thật với anh rằng tôi không hiểu, có lẽ ở đây có những điều tế nhị về ngoại giao mà cái trí khôn thấp kém của tôi không với tới, nhưng quả tôi không hiểu. Tướng Mack mất cả toàn quân, đại công tước Ferdinand và đại công tước Charles không hề có dấu hiệu gì tỏ ra là họ còn sống, đã thế lại còn phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác, cuối cùng chỉ riêng có Kutuzov là thu được một thắng lợi thực sự, tiêu diệt cái uy danh vô địch của quân Pháp, ấy thế mà Tổng trưởng bộ chiến tranh cũng không buồn hỏi đến chi tiết.
– Thì quả là vì thế đấy anh ạ. Anh thấy không? Ura? Vì hoàng thượng, vì nước Nga, vì chính giáo? Tất cả những cái đó đều hay ho cả. Nhưng tôi cho anh biết, thắng lợi của các anh thì liên quan gì đến chúng tôi chứ, đây là tôi muốn nói thay triều đình nước Áo. Anh hãy đem lại đây một tin tức tốt lành về thắng lợi của đại công tước Charles hay đại công tước Ferdinand. – Đại công tước nào thì cũng như nhau? – Điều đó anh thừa biết. – Và dù chỉ đánh thắng một đại đội cứu hoả của Buônapáctê thôi thì cũng khác hẳn, chúng tôi sẽ bắn súng thần công để chào anh. Nhưng hiện nay hình như anh cố tình trêu tức chúng tôi. Đại công tước Charles thì không làm gì, đại công tước Ferdinand thì chỉ đi chuốc lấy cái nhục. Các anh vất bỏ Viên, không hề bảo vệ nó, chẳng khác gì các anh nói thượng đế phù hộ chúng tôi, còn mặc kệ các ông và thủ đô Viên của các ông. Có viên tướng mà tất cả chúng tôi đều yêu mến là Smitch, ấy thế mà các anh để cho ông ta trúng đạn rồi các anh đến đây mừng chúng tôi thắng lợi anh phải thấy rằng không thể nghĩ ra một tin tức nào đáng bực mình hơn cái tin mà anh đưa đến. Cứ như là cố ý, cứ như là cố ý trêu ngươi vậy? Nhưng anh không phải chỉ có thế, dù anh có thắng được một trận oanh liệt đi nữa, dù kẻ thắng trận có là đại công tước Charles đi nữa thì tình hình chung của chiến sự có gì thay đổi đâu. Bây giờ đã quá muộn rồi, vì Viên đã bị quân Pháp chiếm.
– Chiếm thế nào? Viên bị chiếm à?
– Không những bị chiếm, mà Buônapáctê nay đã tiến vào Sonbrun và hầu tước Vrbna thân mến của chúng ta đã đến gặp hắn để nhận mệnh mệnh.
Sau những nỗi nhọc mệt trong cuộc hành trình và trong cuộc đón tiếp, mà nhất là sau bữa ăn vừa rồi, công tước Andrey cảm thấy mình không thể hiểu được tầm quan trọng của những lời vừa nghe.
Sáng hôm nay bá tước Lichtenfelx có đến đây. – Bilibin nói tiếp ông ta có đưa tôi xem bức thư trong đó miêu tả tỉ mỉ cuộc duyệt binh của quân Pháp ở Viên. Thân vương Mura và tất cả hố sâu… Anh thấy chưa, thắng lợi của anh chẳng có gì đáng mừng cho lắm và người ta không thể nào tiếp anh như tiếp một vị cứu tinh được.
– Phải đấy, đối với tôi thì thế nào cũng được. – Công tước Andrey nói, bây giờ chàng đã bắt đầu hiểu rằng tin tức của chàng về trận đánh ở Kremx thật ra chẳng quan trọng mấy đỗi trước những biến cố như việc thủ đô Áo thất thủ. Chàng nói. – Làm sao để mất Viên được nhỉ? Thế còn cái cầu, cái pháo đài cầu trứ danh và công tước Auerxperg thì làm gì? Chúng tôi nghe nói công tước Auerxperg bảo vệ Viên kia mà. – Công tước Auerxperg đứng về phía bên này cầu, về phía chúng ta và bảo vệ chúng ta. Tôi nghĩ rằng ông ta bảo vệ rất tồi, nhưng dầu sao cũng vẫn là bảo vệ. Còn Viên thì ở bên kia cầu. Không, cái cầu vẫn chưa bị chiếm và tôi hy vọng rằng nó sẽ không bị chiếm vì nó đã được chôn mìn và đã có lệnh châm mìn. Nếu không thế thì chúng ta đã ở miền núi Bohemie từ lâu rồi và anh với quân đội của anh đã lâm vào cảnh hiểm nghèo ở giữa hai làn đạn.
– Nhưng dẫu sao như thế vẫn không có nghĩa là chiến dịch đã kết thúc. – Công tước Andrey nói.
– Riêng tôi tôi cho rằng chiến dịch đã kết thúc, và các bố to dầu ở đây cũng nghĩ thế, tuy họ không dám nói ra. Rồi sẽ xảy ra cái điều mà tôi đã nói ngay từ khi chiến dịch mới bắt đầu tức là không phải trận tao ngộ chiến Durenxtain của Anh quyết định, nói chung cái quyết định vấn đề không phải là cuộc sống mà là những người phát minh ra cuộc sống. – Bilibin nói, lặp lại một trong những câu dí dỏm của mình, giãn lớp da trên trán ra và ngừng lại một lúc. – Vấn đề chung quy là ở chỗ kết quả cuộc hội kiến ở Berlin giữa Hoàng đế Alekxandr với vua Phổ sẽ ra sao: nếu nước Phổ gia nhập liên minh thì người ta sẽ cưỡng bức nước Áo và chiến tranh sẽ xảy ra. Nếu như nó không gia nhập thì vấn đề chỉ còn là quy định địa điểm để ngồi thảo ra một hòa ước Campo-formio mới!
– Thế thì ông ta thật là một thiên tài trác việt. – Công tước Andrey tự nhiên thốt lên, nắm chặt bàn tay nhỏ nhắn đập lên bàn. – Mà lại tốt số lạ lùng!
– Buônapáctê ấy à? – Bilibin nói có ý dò hỏi; ông ta nhíu trán lại như để báo trước một câu dí dỏm của mình. – Buônapáctê ấy à? – Bilibin nói đặc biệt nhấn mạnh âm u. – Tuy vậy tôi cho rằng bây giờ, một khi hắn ngồi chễm trệ ở Sonbrun truyền lệnh cho nước Áo thì ta phải làm phúc bớt cho hắn cái chữ “u” ấy đi. Tôi nhất định đưa ra một điều cải cách và chỉ gọi hắn là Buônapáctê thôi cho gọn.
– Thôi đừng bông đùa nữa. – Công tước Andrey nói. – Có lẽ nào anh cho rằng chiến dịch thế là kết thúc?
– Tôi nghĩ như thế này: nước Áo đã bị lừa và nó chưa quen chịu cảnh đói. Rồi nó sẽ trả miếng cho mà xem. Nó bị lừa vì trước hết các tỉnh của nó đã bị cướp phá (người ta nói quân chính giáo rất hung tợn trong việc cướp bóc). Quân đội nó bị đánh tan, thủ đô bị chiếm và tất cả những điều đó chỉ vì đôi mắt đẹp(2) của nhà vua Xarzen, và vì thế cho nên. – Cái này tôi nói riêng với anh, anh ạ, tôi đánh hơi thấy họ đang lừa dối chúng ta, và đánh hơi thấy họ có những sự thông đồng với Pháp và có dự định riêng ký với Pháp một hòa ước bí mật.
(2) Trong hội nghị Berlin nước Phổ kiên quyết yêu cầu gửi tối hậu thư cho Napoleon đòi Napoleon bồi thường cho vua Xarzen. Napoleon cự tuyệt.
– Điều đó không thể nào có được. – Công tước Andrey nói. – Nếu thế thì bẩn thỉu quá.
– Cứ sống rồi mà xem! – Bilibin nói, buông lỏng lớp da trên mặt tỏ rằng câu chuyện đã kết thúc.
Khi công tước Andrey bước vào căn phòng đã chuẩn bị sẵn cho chàng và mặc quần áo sạch sẽ nằm trên cái giường độn lông, gối lên những chiếc gối ấm áp và thơm tho, chàng cảm thấy trận đánh này chàng đem tin tức đến đã lùi về xa, xa lắm. Chàng suy nghĩ miên man đến việc liên minh với nước Phổ, sự phản phúc của nước Áo thắng lợi mới của Buônapáctê, buổi lâm triều cùa hoàng đế Frantx, cuộc duyệt binh và cuộc tiếp kiến ngày mai.
Chàng nhắm mắt lại nhưng ngay giây phút ấy trong tai chàng vẫn văng vẳng tiếng đại bác, tiếng súng trường, tiếng bánh xe lăn, và mường tượng thấy những đoàn bộ binh cầm súng trường giăng hàng chạy xuống núi, dưới làn đạn của quân Pháp. Chàng cảm thấy tim mình rung động xốn xang và chàng đang cùng Smitch cưỡi ngựa tiến lên trong khi những viên đạn vui vẻ réo quanh hai người. Và chàng chợt thể nghiệm một niềm vui sướng mà từ thuở bé đến nay chàng chưa được biết bao giờ.
Chàng tỉnh giấc.
“Phải rồi, tất cả những điều đó đã xảy ra!” – Chàng nói một mình, nở một nụ cười sung sướng như con trẻ vừa ngủ một giấc say sưa và trẻ trung.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.