Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 1)

Chương 5



Sau bữa ăn tối, khi mọi người bắt đầu trở về phòng riêng, Anatol hôn tay công tước tiểu thư Maria. Chính nàng cũng không biết tại sao mình lại có đủ can đảm làm như vậy, nhưng nàng đã nhìn thẳng vào khuôn mặt tuấn tú đang nhích lại gần đôi mắt cận thị của nàng. Sau khi chàng công tước Anatol đến hôn tay cô Burien (như thế không đúng phép lịch sự, nhưng việc gì chàng cũng làm một cách đầy tự tin và hết sức giản dị). Cô Burien đỏ mặt và sợ hãi đưa mắt nhìn công tước tiểu thư.

“Ameli thật là tế nhị! – Công tước tiểu thư nghĩ thầm (Ameli là tên riêng của cô Burien) – Chả nhẽ chị ấy nghĩ rằng mình có thể ghen với chị ấy và không biết quý trọng lòng trìu mến trong sạch và trung thành của chị ấy đối với mình sao?” – Nàng lại gần cô Burien và ôm hôn cô thật mạnh. Anatol đến gần công tước phu nhân Liza để hôn tay nàng.

– Không, không, không! Khi nào ba anh viết thư cho tôi biết là anh đã Turkestan tỉnh tôi cho anh hôn tay. Không thể trước được.

Rồi nàng mỉm cười giơ cao mấy ngón tay nhỏ nhắn lên và ra khỏi phòng.

Mọi người đều giải tán về phòng riêng, và chỉ trừ Anatol vừa đặt mình xuống giường đã ngủ ngay, còn thì đêm ấy ai cũng trằn trọc rất lâu không sao ngủ được.

Có thể nào chồng mình lại chính là người ấy? Người đàn ông lạ mặt, đẹp trai, tốt bụng ấy ư? Cái chính là chàng tốt bụng. – Công tước tiểu thư Maria nghĩ thầm, và một cảm giác sợ hãi mà nàng hầu như chưa bao giờ biết đến bỗng tràn ngập tâm hồn nàng. Nàng sợ không dám quay đầu lại nhìn, nàng có cảm giác như có ai đứng sau tấm bình phong, trong góc tường tối om. Và “ai” đây lại chính là quỉ Satan mà lại cũng chính là chàng. – Người đàn ông có vầng trán trắng trẻo, đôi lông mày đen, và đôi môi đỏ.

Nàng rung chuông gọi người hầu phòng và bảo chị ta ngủ lại trong phòng mình.

Cô Burien tối hôm ấy đi đi lại lại hồi lâu trong vườn ủ cây, bâng quơ chờ đợi một người nào không rõ, khi thì mỉm cười với một người vô hình, khi lại cảm động đến ứa nước mắt vì những lời nói tưởng tượng của người mẹ đáng thương trách móc cô sao đành sa ngã.

Công tước phu nhân nhỏ nhắn gắt người hầu gái dọn giường không kỹ, nằm nghiêng cũng không được, nắm sấp cũng chẳng xong. Nàng thấy năm thế nào cũng nặng nề, khó chịu. Cái bụng của nàng làm vướng víu. Chính hôm nay nó làm nàng thấy vướng víu hơn bất cứ lúc nào trước kia, vì sự có mặt của Anatol đã vụt đưa nàng trở về thời xưa cũ, khi nàng chưa như thế này, và cái gì cũng đều nhẹ nhàng vui vẻ. Nàng mặc áo dài thụng và đội mũ vải mềm ngồi ghế bành. Katya mắt ríu lại vì buồn ngủ, bím tóc rối bời bời, đang rũ và lật lại một lần thứ ba chiếc đệm độn lông chim nặng trĩu, mồm lẩm bẩm cái gì không rõ.

– Tôi đã bảo chị là chỗ nào cũng lổn nhổn, chỗ lồi, chỗ lõm, – Công tước phu nhân nhắc lại. – Thật ra tôi cũng muốn ngủ lắm chứ; có phải tại tôi muốn gây ra đâu… – và giọng nói của nàng run run như giọng đứa trẻ sắp khóc như vậy, cho nên vẫn thản nhiên khi bắt gặp cái nhìn giận dữ có ý dò hỏi trên khuôn mặt vừa ló ra khỏi chiếc áo sơ mi.

– Họ ngủ rồi à? – Công tước hỏi.

Cũng như tất cả những người đầy tớ tốt, Tikhôn đoán biết được hướng tư tưởng của chủ. Lão biết rằng công tước đang hỏi về cha con công tước Vaxili.

– Dạ bẩm công tước, hai vị đã tắt đèn đi ngủ rồi ạ.

– Đến làm gì, đến làm gì kia chứ… – Công tước nói nhanh; rồi sau khi xỏ chân vào giày vải và khoác áo choàng, công tước bước về phía trước đi-văng ông vẫn thường nằm ngủ.

Tuy giữa Anatol và cô Burien chưa ai nói gì với ai, họ đã hoàn toàn hiểu nhau về phần đầu của thiên tiểu thuyết, trước khi bà mẹ đáng thương xuất hiện; họ hiểu rằng họ cần nói riêng với nhau rất nhiều, cho nên từ sáng sớm họ đã tìm cơ hội gặp riêng nhau. Trong khi tiểu thư công tước Maria đến giờ thường lệ đang đi đến phòng cha thì cô Burien cùng đi với Anatol xuống vườn ủ cây.

Sáng hôm sau ấy, khi tiểu thư Maria đến cửa phòng làm việc của cha, nàng run rẩy khác thường. Nàng có cảm giác là mọi người không những đều biết là hôm nay số phận của nàng sẽ định đoạt, mà còn biết những ý nghĩ của nàng về việc đó. Nàng thấy rõ điều đó trên vẻ mặt của Tikhôn và của người hầu phòng công tước Vaxili đang bưng nước nóng đi trong hành lang và cúi chào rất thấp khi gặp nàng.

Sáng hôm nay, khi tiếp con gái, lão công tước có một thái độ hết sức ân cần và dịu dàng. Cái thái độ ân cần tiểu thư Maria biết rất rõ. Đó chính là cái thái độ thường thấy trên gương mặt của công tước những lúc hai bàn tay khẳng khiu của ông nắm lại thành quả đấm bực tức về chỗ tiểu thư Maria không hiểu được một bài tính số học và lão công tước đứng dậy bước ra cách nàng một quãng, khẽ nhắc lại vài lân những lời giảng giải, không thay đổi lấy một chữ.

Công tước lập tức đi thẳng vào việc và bắt đầu nói: gọi tiểu thư Maria bằng “cô”.

Họ vừa có lời hỏi tôi về vấn đề hôn nhân của cô đấy. – Công tước vừa nói vừa mỉm cười gượng gạo. – Tôi chắc cô đã đoán biết rằng công tước Vaxili đến đây đem theo cả cậu môn sinh (không hiểu tại sao công tước Nikolai Andreyevich lại gọi Anatol là môn sinh) không phải vì đôi mắt đẹp của tôi. Hôm qua họ có lời dạm hỏi cô. Và vì cô cũng biết những nguyên tắc của tôi, tôi xin nói lại để cô rõ.

– Thưa cha, con không biết nên hiểu ý cha như thế nào ạ, – Công tước tiểu thư nói, mặt tái nhợt đi rồi lại đỏ ửng lên.

– Hiểu như thế nào à? – Công tước giận dữ quát lớn. – Công tước Vaxili cho rằng mày về làm dâu thì rất hợp ý ông ta, cho nên đến dạm hỏi mày cho thằng môn sinh. Đấy hiểu như thế đấy, hiểu như thế nào à? Tao hỏi mày đấy.

– Con không được biết ý cha, – Công tước tiểu thư khẽ đáp.

– Tao à? Tao à? Tao cái gì? Tao thì hẵng cứ gạt ra một bên. Không phải tao đi lấy chồng. Còn cô? Đấy cái ấy mới cần biết chứ.

Công tước tiểu thư thấy rằng cha mình có ý không tán đồng việc này nhưng cũng trong giây phút ấy nàng lại có ý rằng số phận của đời nàng định đoạt ra sao chính là ở lúc này. Nàng cúi mặt xuống để tránh cái nhìn vẫn khiến nàng cảm thấy không sao có sức suy nghĩ, mà chỉ có thể phục tòng, theo thói quen, và nói:

– Con chỉ mong muốn có một điều, là làm theo ý cha, nhưng nếu cần phải bày tỏ ý muốn riêng của con…

Nàng không kịp nói hết, công tước đã ngắt lời:

– Hay lắm? – Ông quát. – Nó mang mày về cùng với số của hồi môn và nhân thể mang luôn cả con Burien. Con ấy sẽ là vợ nó, còn mày…

Công tước ngừng lại. Ông đã nhận thấy cái ấn tượng mà mấy lời này gây ra trong lòng con gái. Nàng cúi đầu, nghẹn ngào chỉ chực khóc.

– Nào, thôi cha đùa đấy, cha đùa đấy. – Công tước nói. – Công tước tiểu thư phải nhớ lấy một điều: ta vẫn giữ nguyên tắc là người con gái có toàn quyền lựa chọn. Ta cho con tự do đấy. Chỉ cần con nhớ lấy một điều: quyết định của con định đoạt cả hạnh phúc của đời con đấy. Còn ta thì không việc gì phải nói đến.

– Nhưng thưa cha, con không biết…

– Chả có gì phải nói nữa! Họ bảo nó lấy thì nó lấy thôi, chẳng phải nó chỉ lấy có mình mày, nó thì lấy ai cũng được, còn mày thì tuỳ ý lựa chọn… Về phòng mà suy nghĩ đi rồi một giờ nữa đến đây mà trả lời. Trước mặt nó mày chỉ việc nói: có hay không. Tao biết thế nào về buồng mày cũng cầu nguyện. Thôi được, cầu thì cứ cầu. Nhưng tốt hơn là nên suy nghĩ đi. Thôi đi đi.

“Có hay không, có hay không, có hay không!” – Công tước còn quát với theo khi tiểu thư Maria đã ra khỏi phòng, bước lảo đảo như đi trong sương mù.

Số phận nàng đã được định đoạt, mà định đoạt một cách may mắn. Những điều cha nàng nói về cô Burien, lời ám chỉ đó khủng khiếp quá. Chắc là không đúng đâu, nhưng nó vẫn khủng khiếp quá, nàng không thể không nghĩ đến chuyện đó được. Nàng cứ thẳng phía trước mặt mà đi qua khu vườn ủ cây, chẳng trông thấy gì, mà cũng chẳng nghe thấy gì hết. Bỗng tiếng nói thì thầm quen thuộc của cô Burien làm nàng sực tỉnh. Nàng nhìn lên và cách mình hai bước, nàng thấy Anatol đang ôm cô gái người Pháp và nói thầm với cô ta một câu gì không rõ. Anatol chợt trông thấy nàng và trên khuôn mặt tuấn tú của chàng hiện lên một vẻ rất dễ sợ. Trong giây phút bàng hoàng, chàng chưa kịp buông cô Burien ra còn cô ta thì lúc ấy vẫn chưa trông thấy tiểu thư Maria.

“Ai đấy? Tại sao? Khoan đã nào!” – Vẻ mặt của Anatol như muốn nói. Công tước tiểu thư Maria im lặng nhìn hai người. Nàng không hiểu nổi. Cuối cùng cô Burien kêu lên một tiếng và bỏ chạy, Anatol mỉm cười vui vẻ nghiêng mình chào công tước tiểu thư Maria tưởng chừng như chàng đang mời tiểu thư Maria cùng cười để chế nhạo cái việc kỳ quái vừa xảy ra, rồi Anatol nhún vai một cái, và đi vào khung cửa dẫn về phòng mình.

Một giờ sau, Tikhôn đến gọi công tước tiểu thư Maria đến gặp lão công tước và nói thêm rằng có cả công tước Vaxili Xergeyevich ở đấy nữa. Khi Tikhôn đến, công tước tiểu thư Maria đang ngồi trên chiếc đi-văng ở trong phòng riêng ôm cô Burien đang khóc sụt sùi công tước tiểu thư Maria vuốt nhẹ mái tóc của cô. Đôi mắt huyền diệu của nữ công tước, nay đã điềm đạm và sáng trong như cũ đang trìu mến và xót thương nhìn xuống gương mặt xinh xắn của cô Burien.

– Không thể được, tiểu thư ạ, tôi vĩnh viễn không còn được tiểu thư yêu thương nữa. – Cô Burien nói.

– Tại sao thế? Tôi càng yêu thương chị hơn bao giờ hết. – Công tước tiểu thư Maria nói. – Và tôi sẽ cố làm hết những việc thuộc quyền hạn của tôi để cho chị được hạnh phúc.

– Nhưng tiểu thư khinh tôi: tiểu thư là người trong trắng như vậy tiểu thư không bao giờ hiểu được phút lầm lạc của một tình yêu say đắm. Ôi, chỉ ái ngại cho người mẹ đáng thương của tôi…

Công tước tiểu thư Maria buồn rầu mỉm cười đáp:

– Tôi hiểu hết, chị cứ bình tâm lại, chị ạ. Tôi sang phòng cha một chút. – Nói đoạn, tiểu thư đi ra.

Khi nàng bước vào phòng cha, công tước Vaxili, chân ghếch cao lên, tay cầm hộp thuốc lá, đang mỉm cười hiền lành, có vẻ xúc động đến cực điểm, nhưng lại dường như tự lấy làm tiết và có ý chế giễu cái tính dễ xúc động đó. Ông hấp tấp đưa một dúm thuốc lá bột lên mũi hít, đoạn đứng dậy và giơ tay ra nắm lấy hai tay nàng, nói:

– Ồ, tiểu thư ơi. – Công tước thở dài nói tiếp. – Số phận của con tôi đang nằm trong tay tiểu thư đấy. Xin tiểu thư quyết định cho, nếu tiểu thư là người hiền hậu, dịu dàng là xưa nay tôi vẫn yêu quý tiểu thư như con gái tôi vậy.

Công tước Vaxili bước lùi lại. Một giọt nước mắt thật long lanh trên mắt ông.

– Kh… kh… – Công tước Nikolai Andreyevich khịt mũi rồi nói. -Công tước thay mặt cho cậu môn sinh… À cậu con trai đến dạm hỏi con. Con có bằng lòng làm vợ công tước Anatol Kuraghin hay không? Con hãy nói: có hay không. – Công tước quát lên, – rồi sau đó cha tự giành cho mình quyền nói ý kiến của cha. – Đoạn ông quay sang phía công tước Vaxili nói thêm để đáp lại cái vẻ van lơn của ông ta. – Phải ý kiến của tôi, và chỉ là ý kiến của tôi thôi. Thế nào, có hay không?

– Thưa cha, ước nguyện của con là không bao giờ rời bỏ cha, không bao giờ tách lìa đời con ra khỏi cha. Con không lấy chồng, – Nàng đáp, giọng quyết liệt, đôi mắt đẹp dẽ của nàng nhìn thẳng vào công tước Vaxili và cha nàng.

– Vớ vẩn nào! Chuyện vớ vẩn! Vớ vẩn! – Công tước Nikolai Andreyevich cau mày kêu lên, rồi cầm tay tiểu thư Maria kéo vào lòng nhưng không hôn mà chỉ khẽ đưa trán chạm nhẹ vào trán nàng, và bóp chặt tay nàng đến nỗi nàng nhăn mặt khẽ kêu lên một tiếng.

Công tước Vaxili đứng dậy.

– Tiểu thư thân mến ạ, tôi xin nói với tiểu thư rằng đây sẽ là một phút mà tôi sẽ không bao giờ quên. Không bao giờ; nhưng chả nhẽ tiểu thư lại không cho chúng tôi được chút hy vọng là sẽ có ngày làm siêu được tấm lòng trung hậu, bao dung của tiểu thư sao? Xin tiểu thư nói cho rằng có lẽ… Tương lai rộng lắm… Xin tiểu thư nói cho hai chữ, có lẽ…

– Thưa công tước, điều mà tôi đã thưa là tất cả những gì tôi cảm nghĩ trong lòng. Tôi xin cảm tạ tấm thịnh tình của ngài, nhưng không bao giờ tôi có thể trở thành người vợ của con ngài.

– Thôi, thế là xong rồi đấy ông bạn ạ. Rất mừng được gặp ông, rất mừng. Thôi về phòng đi con, về đi. Rất mừng, rất mừng được gặp ông. – Lão công tước vừa nhắc đi nhắc lại vừa ôm hôn công tước Vaxili.

“Chí hướng của ta khác, – Công tước tiểu thư Maria, tự nhủ, chí hướng của ta là hưởng một hạnh phúc khác, hạnh phúc của tình thương và của sự hy sinh. Và dù có phải thế nào chăng nữa, ta cũng sẽ cố đem lại hạnh phúc cho chị Ameli đáng thương ấy. Chị ấy yêu chàng tha thiết quá. Chị ấy hối hận chân thành quá. Ta sẽ làm tất cả để thu xếp cho Ameli lấy được chàng. Nếu chàng không giàu, ta sẽ cấp của hồi môn cho Ameli, ta sẽ xin cha, ta sẽ xin anh Andrey. Khi nào chị ấy thành vợ chàng rồi, ta sẽ sung sướng đến nhường nào! Chị ấy khổ quá, xa lạ, cô đơn, không nơi nương tựa! Trời ơi, chị ấy chắc phải yêu chàng tha thiết lắm mới có thể mất tự chủ đến như vậy. Có lẽ ở địa vị Ameli ta cũng thế thôi…”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.