Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 1)

Chương 4



Khi công tước tiểu thư Maria vào phòng khách, hai cha con công tước Vaxili đã ngồi nói chuyện với công tước phu nhân nhỏ nhắn và cô Burien. Khi nàng nặng nề bước trên gót chân tiến vào phòng, hai người đàn ông và cô Burien nhổm dậy; công tước phu nhân nhỏ nhắn giơ tay về phía nàng nói với hai người khách.

– Đây là Maria.

Công tước tiểu thư Maria trông thấy hết, và thấy khá tỷ mỉ. Nàng thấy gương mặt của công tước Vaxili bỗng nghiêm lại một lát khi thấy nàng vào, rồi lập tức tươi cười trở lại, và gương mặt của công tước phu nhân Liza đang tò mò theo dõi nét mặt của hai người khách, cố đoán biết cảm tưởng của họ khi trông thấy tiểu thư Maria. Nàng cũng trông thấy cô Burien với mẩu ruy-băng và khuôn mặt xinh đẹp, đôi mắt lính hoạt hơn bao giờ hết đang chăm chăm nhìn chàng; Nhưng tiểu thư Maria không thể trông thấy chàng, nàng chỉ thấy một cái gì to lớn, rực rỡ và đẹp tuyệt vời đang tiến lại phía nàng khi nàng bước vào. Trước tiên công tước Vaxili đến chào nàng. Nàng hôn lên mái đầu hói đang cúi xuống sát tay nàng, và đáp lại lời công tước rằng trái với điều ông tưởng, nàng còn nhớ rõ ông ta lắm. Rồi đến lượt Anatol đến gần nàng. Nàng vẫn không trông thấy chàng. Nàng chi cảm thấy bàn tay mềm mại đang cầm chắc tay mình, và nàng chỉ khẽ chạm môi vào vầng trán trắng trẻo dưới làn tóc hung rất đẹp xức dầu thơm. Khi nàng đưa mắt nhìn chàng, vẻ đẹp trai của chàng làm nàng sứng sốt. Anatol thọc ngón tay cái bên phải vào lô khuy để hở của chiếc quân phục, ngực ưỡn ra phía trước, lưng thóp lại, đu đưa một bên chân và khẽ nghiêng đầu im lặng và vui vẻ nhìn công tước tiểu thư, chắc hẳn là không mảy may nghĩ đến nàng. Anatol không phải là người sáng ý, nhanh miệng và hoạt bát trong khi nói chuyện, nhưng ngược lại có một khả năng rất quý báu trong khi giao thiệp là rất bình tĩnh và không có gì có thể làm chàng mất tự tin. Nếu một người thiếu tự tin trong buổi gặp gỡ đầu tiên lại im lặng và để lộ ra rằng mình thấy im lặng như vậy là khiếm nhã nên có ý muốn tìm một cái gì để nói, thì sẽ gây một ấn tượng không hay; nhưng Anatol thì cứ im lặng, đu đưa bàn chân, vui vẻ ngắm bộ tóc của công tước tiểu thư. Có thể thấy rõ rằng chàng có thể yên lặng như vậy rất lâu mà vẫn thản nhiên như không. Dáng điệu của chàng như muốn nói: “Nếu có ai thấy ngượng nghịu vì sự im lặng này thì cứ nói đi, chứ tôi đây thì chả muốn nói”. Ngoài ra, trong khi tiếp xúc với phụ nữ, Anatol lại có cái phong thái gợi được trí tò mò của phụ nữ nhiều nhất, khiến họ cảm thấy sợ hãi và thậm chí yêu mình nữa là khác, – Đó là cái phong thái khinh thường biết rõ ưu thế của mình. Với dáng điệu của chàng, Anatol như muốn nói với họ: “Tôi biết các cô lắm, tôi biết, nhưng việc gì tôi phải nhọc lòng vì các cô? Chắc được như thế các cô mừng lắm đấy nhỉ!”. Có lẽ chàng không nghĩ như vậy khi gặp phụ nữ (có thể biết chắc chàng không nghĩ như thế thật, vì nói chung chàng rất ít suy nghĩ), nhưng dáng điệu phong thái của chàng nó như thế đấy.

Công tước tiểu thư cảm thấy điều đó, và dường như để tỏ cho chàng thấy rằng mình cũng không hề dám nghĩ đến chuyện làm chàng phải bận tâm, nàng quay sang nói chuyện với công tước Vaxili. Câu chuyện đi lan man nhưng rất rôm rả nhờ giọng nói và cái môi phủ lông măng hé mở trên hàm răng trắng của công tước phu nhân nhỏ nhắn. Nàng tiếp chuyện công tước Vaxili với cái lối bông lơn mà những người vui tính và hay chuyện thường dùng. Lối tiếp chuyện đó tức là giả thiết rằng mình với người nghe từ lâu đã có một số chuyện đùa và những kỷ mệm vui vẻ, ngộ nghĩnh mà nhiều người không biết, trong khi kỳ thực giữa công tước phu nhân Liza và công tước Vaxili sẵn lòng phụ hoạ theo giọng đùa này. Liza, tuy hầu như không biết Anatol cung cứ đưa luôn cả chàng vào câu chuyện, nhắc nhở lại những câu chuyện ngộ nghĩnh kỷ niệm chung và ngay cả công tước tiểu thư Maria cũng thích thú thấy mình bị lôi cuốn vào những kỷ niệm vui vẻ ấy.

– Lần này ít nhất chúng tôi cũng được lĩnh giáo công tước một cách trọn vẹn, – Công tước phu nhân Liza nói với công tước Vaxili, cố nhiên là bằng tiếng Pháp. – Chứ không phải như trong cái buổi dạ hội của chúng ta ở nhà Annet những buổi đó ngài cứ bỏ trốn mãi. Công tước có nhớ chị Annet không?

– Ồ nhưng xin phu nhân dừng bắt tôi nghe chuyện chính trị như bà Annet đấy nhé!

– Thế còn cái bàn trà con con của chúng ta nữa, ngài còn nhớ không?

– Nhớ chứ!

– Tại sao ông không bao giờ đến nhà chị Annet, – Công tước phu nhân hỏi Anatol – À phải! Tôi biết rồi, biết rồi, – Nàng vừa nói vừa nháy mắt, – Ông Ippolit, anh ông có kể cho tôi nghe chuyện ông. Ồ! nàng đưa ngón tay lên doạ Anatol, – Ngay những chuyện ngỗ nghịch của ông ở Paris tôi cũng biết cơ!

– Thế Ippolit không nói gì với con à? – Công tước Vaxili nói (ông quay sang phía con trai và chộp lấy tay công tước phu nhân Liza, làm như nàng toan bỏ chạy, còn ông ta thì chỉ vừa kịp giữ nàng lại) – Thế Ippolit không kể cho con nghe chuyện nó mất công theo đuổi công tước phu nhân và bị phu nhân tống cổ ra ngoài à? – rồi công tước Vaxili quay sang phía Maria nói

– Ồ, phu nhân là viên ngọc của giới phụ nữ ấy, tiểu thư ạ!

Về phía mình, cô Burien nghe đến chữ Paris cũng không bỏ lỡ dịp tốt và lập tức chen vào câu chuyện chung về các kỷ mệm chung.

Cô ta tự cho phép mình hỏi xem Anatol rời Paris đã lâu chưa và có thích thành phố này không. Anatol rất sẵn lòng trả lời cô thiếu nữ người Pháp. Chàng nhìn cô, mỉm cười và bắt đầu nói chuyện với cô về tổ quốc của cô. Khi trông thấy cô Burien xinh đẹp, Anatol đã tự nhủ rằng ở chốn Lưxye Gorư này sẽ không đến nỗi chán. “Con bé kháu lắm. – Chàng nghĩ thầm khi nhìn cô Burien. – Cái cô tì nữ này trông kháu lắm. Hy vọng rằng khi lấy mình, cô Maria kia sẽ đem cô bé này theo, con bé trông dễ thương quá!”.

Trong phòng làm việc, lão công tước đang thong thả mặc áo, cau mày đang suy nghĩ xem mình sẽ làm gì. Cuộc thăm hỏi này làm cho ông rất bực. “Công tước Vaxili với thằng con lão ta thì dính dáng gì đến mình mới được chứ? Công tước Vaxili là một lão huênh hoang rỗng tuếch, thì chắc thằng con cũng chả hay hớm gì” – Lão công tước làu nhàu một mình. Công tước bực tức là vì cuộc thăm hỏi này gợi lại trong tâm hồn ông một vấn đề chưa được giải quyết và luôn luôn bị vùi dập đi; vấn đề này lão công tước lâu nay vẫn tự lừa dối mình mãi. Vấn đề ấy là: liệu có lúc nào ông chịu rời tiểu thư Maria ra và để cho nàng đi lấy chồng không? Lão công tước chưa bao giờ dám tự đặt thẳng vấn đề này ra cho mình cả, vì ông biết trước rằng mình sẽ giải quyết theo lẽ công bằng, mà lẽ công bằng thì lại mâu thuẫn với một cái gì lớn hơn cả tình cảm nữa: đó là cả ý nghĩa của đời ông. Tuy lão công tước có vẻ như ít quý con gái, nhưng đối với ông cuộc đời mà không có Maria thì không thể sống nổi. “Mà nó đi lấy chồng để làm gì kia chứ? – Ông nghĩ. – Chắc chắn rồi cũng chỉ khổ thôi. Kìa xem như con Liza lấy thằng Andrey đấy (thời buổi này hình như khó mà kiếm được một thằng chồng hơn thế), thế mà nó đã hài lòng đâu. Vả chăng, có ai lấy con Maria vì tình yêu? Nó vừa xấu lại vừa vụng. Có lấy là cũng vì thế lực, vì của cải. Cũng khối người ở vậy suốt đời đấy thôi! Càng sướng chứ sao?”

Công tước Nikolai Andreyevich vừa mặc áo vừa suy nghĩ như vậy nhưng đồng thời, cái vấn đề lâu nay lần lữa mãi lại đòi hỏi phải được giải quyết ngay. Công tước Vaxili đưa con trai đến rõ ràng là có ý định dạm hỏi và chắc chỉ hôm nay hay ngày mai thôi ông ta sẽ yêu cầu trả lời dứt khoát. Dòng họ, địa vị trong xã hội cũng khá.

“Thôi thì cũng được, ta không có ý ngăn cản, – Lão công tước tự nhủ, – Nhưng thằng ấy phái xứng đáng với con Maria mới được. Cái ấy thì phải xem đã”.

– Cái ấy thì còn phải xem đã, – Công tước nói to lên, – Còn phải xem đã.

Và với dáng đi đường hoàng, nhanh nhẹn thường có, ông bước vào phòng khách đưa mắt nhìn mọi người một lượt, nhận thấy cái áo mới thay của công tước phu nhân Liza, cái dải lụa của cô Burien và mái tóc xấu xí của công tước Maria và cả những nụ cười của cô Burien và Anatol, cả cái vẻ cô độc của con gái mình trong lúc mọi người nói chuyện. Ông đưa mắt hằn học nhìn con, nghĩ thầm: “Trang điểm như một con ngốc! Rõ không biết thẹn! Còn thằng kia thì chẳng thèm để mắt đến nó nữa!”.

Ông lại gần công tước Vaxili.

– Nào, chào ông, chào ông; rất mừng được gặp ông.

– Bạn hiền không quản đường xa, – Công tước Vaxili đáp, vẫn cái giọng nhanh nhảu, tự tin và thân mật thường ngày. – Đây đứa con trai thứ hai của tôi, mong công tước chiếu cố.

– Khá lắm! Khá lắm! – Lão công tước nói. – Nào lại đây. – Rồi giơ má ra cho Anatol.

Anatol hôn lên má ông già, nhìn ông ta một cách tò mò và hoàn toàn điềm tĩnh, chờ xem ông ta có sắp giở cái tính gàn dở kỳ quái như cha mình vẫn nói ra không.

Công tước Nikolai Andreyevich vẫn như lệ thường ngồi chỗ góc đi văng; kéo một chiếc ghế bành lại gần mình cho công tước Vaxili ngồi, đưa tay chỉ vào ghế và bắt đầu hỏi về các công việc và tin tức chính trị. Ông làm ra vẻ chăm chú nghe câu chuyện của công tước Vaxili, nhưng không ngừng đưa mắt về phía công tước tiểu thư Maria.

– Thế là có thư ở Potxđam gửi đến à – Ông lặp lại câu nói sau cùng của công tước Vaxili rồi bỗng đứng dậy lại gần con gái. – Con ăn mặc trang điểm như thế này là để tiếp khách đây phải không? – Công tước nói. – Xinh lắm, xinh lắm. Trước mặt khách thì con chải đầu theo kiểu mới, còn cha thì trước mặt khách cha xin nói với con rằng từ rày con không được thay đổi cách ăn mặc nếu không có lệnh của cha.

– Thưa cha, tại con đấy ạ, – Công tước phu nhân đỏ mặt nói nhỏ.

– Chị thì muốn làm gì xin cứ tuỳ ý, – Công tước Nikolai Andreyevich nghiêng mình trước mặt con dâu nói, – Còn con Maria thì không việc gì phải tìm cách làm cho nó xấu thêm, cứ để như thường cũng đủ xấu lắm rồi.

Rồi công tước lại trở về ngồi chỗ cũ, không để ý đến con gái bấy giờ đã rưng rưng nước mắt.

Công tước Vaxili nói:

– Không đâu, chải tóc như vậy rất hợp với tiểu thư.

– Thế nào, cậu công tước trẻ tuổi đây tên là gì nhỉ, – Công tước Nikolai Andreyevich quay sang Anatol hỏi, – Cậu lại đây nói chuyện, nào ta làm quen với nhau.

“Trò hề bắt đầu rồi đây” – Anatol nghĩ, và mỉm cười đến ngồi bên cạnh lão công tước. Ông già ghé sát lại nhìn chăm chăm vào Anatol nói:

– Ấy nghe nói cậu được ăn học ở ngoài thì phải. Không như cha cậu với tôi ngày trước, học chữ với một ông thầy dòng. Thế nào, bây giờ cậu tòng ngũ trong quân kỵ binh phải không?

– Không ạ, tôi đã chuyển sang bộ binh rồi ạ – Anatol đáp, chật vật lắm chàng mới nhịn được cười.

– Thế à hay lắm. Thế là cậu muốn phụng sự hoàng đế và quốc gia đấy phải không? Thời buổi chiến tranh này, trai tráng như cậu thì phải tòng ngũ, rất nên tòng ngũ. Thế nào, ra mặt trận chứ?

– Thưa công tước không ạ, trung đoàn chúng tôi xuất phát rồi. Còn tôi thì được xếp vào… Con được xếp vào cái gì thế ba nhỉ? – Anatol bật cười quay về phía cha hỏi.

Công tước Nikolai Andreyevich cười lớn:

– Thế mới là tòng ngũ đấy, thật là ra trò. “Con được xếp vào cái gì thế nhỉ!”. Ha, ha, ha!

Và Anatol cũng cười phá lên, cười to hơn cả lão công tước nữa. Bỗng nhiên công tước Nikolai Andreyevich cau mày. Ông bảo Anatol:

– Thôi đi đi!

Anatol mỉm cười, trở lại ngồi cạnh ba người đàn bà.

Lão công tước quay sang công tước Vaxili hỏi:

– Thế là ông cho chúng nó ăn học ở nước ngoài đấy hả, công tước Vaxili? Hả?

– Tôi cũng cố gắng hết sức đấy thôi; tôi cũng xin nói rằng giáo dục ở ngoài hơn ở trong nước nhiều lắm.

– Phải, bây giờ cái gì cũng khác, cái gì cũng theo lối mới cả. Cậu con trai bảnh lắm, anh chàng giỏi trai lắm. Thôi về phòng tôi đi.

Ông cầm lấy cánh tay công tước Vaxili và dẫn ông ta vào phòng làm việc.

Công tước Vaxili ngồi một mình với lão công tước liền trình bày rõ ý muốn và hy vọng của mình cho ông ta nghe. Lão công tước gắt gỏng nói:

– Ông nghĩ thế nào thế hả, ông cho rằng tôi muốn giữ nó, không rời nó ra được à? Họ cứ tưởng tượng ra thế đấy chứ! Tôi ấy à? Mai cũng được chứ lại… Chỉ xin nói với ông rằng tôi cần phải biết con rể của tôi cho rõ hơn. Ông cũng biết cái thói của tôi rồi đấy: cái gì cũng phải cho minh bạch. Ngày mai trước mặt ông tôi sẽ hỏi con tôi: nếu nó bằng lòng thì hãy để con ông ở lại đây ít lâu. Để nó ở ít lâu để tôi xem xem. – Công tước khịt mũi một cái. – Cho nó đi lấy chồng! Tôi cần cái gì, – Công tước nói như quát lên với cái giọng danh và sắc như khi chia tay với con trai.

– Tôi xin nói thẳng với công tước. – Công tước Vaxili với cái giọng của một người khôn ngoan mánh khoé khi biết rõ rằng không cần phải mánh khoé trước một người sâu sắc như người đang tiếp chuyện mình. – Công tước là người có thể nhìn thấu vào bụng dạ người đời. Anatol chẳng phải tài ba gì, nhưng nó là một đứa trung thực, hiền hậu, rất biết đạo làm con.

– Thôi được thôi được, rồi sẽ xem.

Những người đàn bà sống cô đơn, lâu ngày không tiếp xúc với nam giới, bao giờ cũng vậy: khi Anatol xuất hiện ba người đà bà trẻ tuổi ở Lưxye Gorư đều cảm thấy rằng trước đây cuộc sống của họ chẳng phải là một cuộc sống nữa. Trong cả ba người, năng lực tư duy, cảm xúc, quan sát đều trong khoảnh khắc tăng lên gấp bội, và có thể tưởng chừng như cuộc sống của họ, bấy lâu văn trôi qua trong bóng tối nay bỗng bừng lên một ánh sáng mới mẻ, dầy ý nghĩa.

Công tước tiểu thư Maria hoàn toàn không nghĩ đến và không nhớ đến bộ tóc của mình. Khuôn mặt đẹp đẽ, cởi mở của con người có lẽ sắp trở thành chồng nàng đã thu hút sự chú ý của nàng. Nàng thấy người ấy tốt, gan dạ, quả quyết, can đảm và cao thượng. Nàng tin chắc như vậy. Hàng nghìn ước mơ về cuộc sống gia đình tương lai dồn dập hiện lên trong tưởng tượng của nàng. Nàng xua đuổi và cố che giấu nó đi.

“Mình có lạnh nhạt với người ta quá chăng? – Công tước tiểu thư Maria nghĩ thầm. – Ta muốn kìm giữ mình lại, vì trong thâm tâm ta đã cảm thấy mình quá gần gũi với chàng; nhưng làm sao chàng biết tất cả những điều ta nghĩ về chàng, cho nên chàng có thể tưởng tượng ta có ác cảm với chàng”.

Và tiểu thư Maria cố sao cho thật hòa nhã với người khách mới, nhưng nàng vụng về không biết cách làm thế nào cho phải cả.

“Tội nghiệp cô bé! Cô ta xấu tệ” – Anatol nghĩ thầm.

Anatol đến đây cũng làm cho cô Burien cảm thấy phấn chấn lên rất nhiều, nhưng ý nghĩ của cô ta đi theo một chiều hướng khác. Cô thiếu nữ xinh đẹp ấy không có địa vị rõ ràng trong xã hội, không có bạn bè thân thuộc, và cả tổ quốc cũng không. Dĩ nhiên cô ta không có ý hy sinh cả cuộc đời mình để hầu hạ công tước Nikolai Andreyevich để đọc sách cho ông ta nghe và làm bạn với tiểu thư Maria. Cô Burien đã từ lâu chờ đợi một chàng hoàng tử Nga nào đấy sẽ nhận rõ ngay được rằng cô hơn hẳn các tiểu thư Nga vụng về xấu người mà ăn mặc cũng xấu, chàng sẽ yêu ta và sẽ đem ta đi; và đây chàng hoàng tử Nga ấy nay đã đến. Cô Burien có một câu chuyện ngày trước cô đã nghe bà dì cô kể lại, rồi cô đã tự mình thêm thắt cho trọn đoạn cuối một câu chuyện mà cô rất thích nhắc nhở trong tưởng tượng. Đó là chuyện một người con gái bị quyến rũ; sau khi nàng bị sa ngã, mẹ nàng, người mẹ đáng thương của nàng, đến gặp nàng và trách móc nàng đã trao thân cho một người đàn ông mặc dầu chưa cưới xin. Cô Burien nhiều khi cảm động đến rơi nước mắt mỗi lần cô tưởng tượng mình kể lại cho chàng, người quyến rũ mình, nghe câu chuyện này. Cho đến nay, chàng ấy, một hoàng tử Nga thật(1), đã hiện đến. Chàng sẽ đem cô đi, rồi sau đó người mẹ đáng thương sẽ hiện ra, và chàng sẽ cưới cô làm vợ. Đó là câu chuyện tương lai đã hình thành trong trí óc của cô Burien ngay khi cô đang nói chuyện với Anatol về thành phố Paris. Cô Burien sở dĩ làm như vậy không phải vì tuân theo một sự tính toán nào (thậm chí cũng không có phút nào cô nghĩ mình sẽ phải làm gì), nhưng tất cả những điều đó đã từ lâu có sẵn trong trí cô ta và bây giờ chỉ có việc tụ lại xung quanh chàng Anatol vừa xuất hiện. người mà cô mong mỏi và cố sức lấy lòng.

(1) Trong tiếng Pháp thứ tiếng duy nhất mà cô Burien biết chữ hoàng tử trùng với công tước (prince).

Công tước phu nhân nhỏ nhắn, như một con chiến mã già của binh đoàn khi nghe tiếng kèn đồng vang lên, bỗng quên hết cảnh của mình và chuẩn bị sẵn sàng phi nước đại trên con đường làm duyên làm dáng, không hề có thâm ý gì và cũng không hề có đấu tranh, mà chỉ có một niềm vui ngây thơ và nhẹ dạ.

Mặc dầu trong khi tiếp xúc với phụ nữ, Anatol thường đóng vai một người được phụ nữ theo đuổi quá nhiều đâm ra phát chán, chàng vẫn thấy thích thú và hãnh diện khi thấy ảnh hưởng của mình đối với ba người đàn bà này. Hơn nữa đối với Burien xinh đẹp và lẳng lơ kia chàng còn thấy mình có cái cảm giác bồng bột, thú vật thường đến với chàng rất nhanh và thúc đẩy chàng làm những việc hết sức thô bạo và liều lĩnh.

Sau khi dùng trà, khách và chủ sang phòng đi văng. Họ yêu cầu nữ công tước ngồi vào dương cầm, Anatol đứng tựa khuỷu tay vào đàn ở phía trước mặt nàng, bên cạnh cô Burien và đôi mắt đùa cợt tươi vui của chàng nhìn vào công tước tiểu thư Maria. Tiểu thư Maria cảm thấy cái nhìn ấy bao phủ lên mình, lòng xúc động với một cảm gỉác vừa da diết vừa vui tươi. Bản sonata(2) thân yêu đưa nàng sang một thế giới sâu xa mà vô cùng thơ mộng và cái nhìn mà nàng cảm thấy đang đặt lên mình lại càng làm cho cái thế giới đó vô vị hơn. Còn cái nhìn của Anatol tuy hướng về phía nàng nhưng kỳ thật không liên quan gì đến nàng, mà lại có liên quan tới những cử động của đôi chân cô Burien mà chàng đang lấy chân mơn trớn ở phía dưới chiếc đàn. Cô Burien cũng nhìn công tước, và trong đôi mắt xinh đẹp của cô, tiểu thư Maria thấy ánh lên một niềm vui đầy hy vọng và lo âu mà nàng chưa hề thấy.

(2) Một tấu khúc soạn cho nhạc cụ gồm ba hay bốn đoạn (sonata).

“Chị ấy yêu mình đến thế kia ư! – Công tước tiểu thư Maria nghĩ. – Giờ này ta hạnh phúc quá, và sống bên một người bạn và một người chồng như thế thì hạnh phúc biết chừng nào! Chồng ta ư? – Nàng nghĩ, không dám nhìn lên phía chàng nhưng vẫn cảm thấy cái nhìn của chàng bao phủ lên mình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.