Trăng Lặn
Chương 2 – Phần 1
Ban tham mưu của đại tá Lanser lấy tầng trên của cái dinh thị trưởng nhỏ bé làm bộ chỉ huy. Không kể ông đại tá, ban tham mưu có năm người. Thiếu tá Hunter, dáng người nhỏ thó, với khuôn mặt như bị ma ám, là một người của chữ số. Một người nhỏ bé, nhưng vốn là một phần tử đáng tin cậy, hắn coi tất cả những người khác hoặc là những phần tử đáng tin cậy hoặc là không xứng đáng để sống. Thiếu tá Hunter là một kĩ sư, ngoại trừ trường hợp chiến tranh không ai có thể nghĩ đến việc giao cho hắn chức vụ điều khiển binh lính. Bởi thiếu tá Hunter sắp lính của mình thành hàng như dãy chữ số và hắn làm tính cộng, trừ, nhân với những số lính đó. Hắn là một nhà số học hơn là một nhà toán học. Chẳng có chất khôi hài, nhã nhạc và huyền bí nào của toán học cao cấp từng len lỏi vào đầu của hắn được. Binh lính có thể có khác biệt về chiều cao hoặc cân nặng hoặc màu da, tựa như số 6 khác với số 8, nhưng họ ít có khác biệt về những mặt khác. Hắn đã lấy vợ mấy lần, nhưng hắn không hiểu sao những bà vợ tỏ ra rất sợ sệt rồi sau đó họ bỏ hắn mà đi.
Ðại úy Bentick là một người đàn ông yêu mái ấm gia đình, hắn thích nuôi chó, thích những đứa bé hồng hào và những ngày lễ Giáng Sinh. Hắn đã quá già đối với cấp bậc đại úy, nhưng vì hắn thiếu vắng tham vọng một cách kì lạ nên bị kẹt mãi ở cấp bậc đó. Trước chiến tranh hắn rất thán phục cái phong thái của những người lịch sự ở miền quê xứ Ăng-Lê, hắn mặc y phục Ăng-Lê, nuôi chó Ăng-Lê, hút ống điếu Ăng-Lê với thuốc lá pha trộn đặc biệt gửi đến từ Luân Ðôn, hắn đặt mua dài hạn tạp chí đồng quê ca ngợi những công việc vườn tược và liên tục tranh luận về đức tính của giống chó tìm mồi Ăng-Lê và Gordon. Ðại úy Bentick luôn nghỉ hè ở Sussex và hắn thích được người sống ở Paris hay ở Pudapest tưởng lầm là người Ăng-Lê. Chiến tranh làm tất cả thay đổi ở mặt ngoài, nhưng mà hắn ngậm ống điếu và cầm cây can đã quá lâu, nay bỗng dưng không thể bỏ chúng ngay được. Có một lần, cách đây năm năm, hắn viết thư gửi cho tờ Times về việc cỏ bị chết ở vùng Midlands, kí tên Luật sư Edmund Twitchell; sau đó tờ Times có đăng bức thư ấy.
Nếu Bentick đã quá già với cấp bậc đại úy thì Ðại úy Loft lại quá trẻ. Ðại úy Loft đối với mọi người là một đại úy lý tưởng. Hắn sống và thở với tinh thần chỉ huy binh lính. Không có giây phút nào hắn xa rời quân kỉ. Tham vọng thúc đẩy hắn vượt lên từng cấp bậc. Hắn ngoi lên như váng bơ nổi lên trên mặt sữa tươi. Hắn giậm gót giày nhuần nhuyễn như những tay vũ công. Hắn rành hết tất cả những nghi lễ nhà binh và kiên quyết thực hành tất cả những nghi lễ đó. Các vị tướng lãnh cũng e dè hắn vì hắn biết nhiều hơn họ về tác phong cần có của một người lính. Ðại úy Loft cho rằng người lính là mức tiến triển cao cấp nhất của đời sống sinh vật. Nếu hắn có chút nào nghĩ đến Thượng đế, hắn sẽ tưởng tượng Thượng đế là một vị tướng già về hưu đáng kính, tóc bạc, sống trong hồi ức về những trận chiến, và hằng năm vài lần đến viếng mộ những người phụ tá mình với những vòng hoa tưởng niệm. Ðại úy Loft tin rằng tất cả đàn bà sẽ đem lòng yêu tấm áo quân phục, hắn không hiểu nổi làm sao đàn bà có thể khác hơn như vậy được. Nếu sự việc diễn tiến bình thường có thể hắn sẽ làm chuẩn tướng ở cái tuổi bốn mươi lăm, có hình chụp trên họa báo, đứng cặp kè với những người đàn bà cao nhòng, da trắng nuột, đầy nam tính, đội trên đầu những chiếc mũ thêu ren như tranh vẽ.
Thiếu úy Prackle và Tonker thuộc vào loại sinh viên sĩ quan mới ra trường, quẹt mũi ngang chưa sạch, được đào tạo từ trong không khí chính trị của thời đại, họ tin rằng cái hệ thống vĩ đại tân kì, được sáng tạo bởi một thiên tài, sẽ vĩ đại đến mức họ không cần phải bận tâm đến việc kiểm chứng thành quả của nó. Bọn họ là những anh chàng giàu cảm xúc, mềm lòng trước những giọt nước mắt và những cơn giận dữ. Thiếu úy Prackle đem theo một lọn tóc gói trong một mẩu sa-tanh xanh, nhét vào mặt sau chiếc đồng hồ bỏ túi, lọn tóc thường hay xổ ra kẹt vào bánh lắc, hắn đành phải mang đồng hồ đeo tay để xem giờ. Prackle là một tay khêu vũ, một chàng trai vui tánh, tuy vậy cũng có thể cau có và trầm tư như Ngài Lãnh tụ. Hắn ghét loại nghệ thuật suy đồi, tự tay hắn đã xé nát mấy bức họa. Ðôi khi trong những hộp đêm hắn phác họa bằng bút chì chân dung một vài người cùng bàn, những bức phác họa khá đẹp và người ta bảo hắn nên làm họa sĩ. Prackle rất tự hào về mấy người chị em gái tóc vàng của mình, khiến có vài lần hắn gây chuyện huyên náo vì hắn nghĩ họ bị nhục mạ. Các chị em gái hơi phiền về chuyện ấy vì họ e là sẽ có một ai đó đứng ra làm chứng về chuyện nhục mạ, một việc vốn không có gì khó khăn cả. Thiếu úy Prackle thường dành hết giờ nghỉ, không bận công vụ, mơ tưởng đến việc rù quến cô em gái tóc vàng của thiếu úy Tonder, một cô gái thân mình tròn lẳng, chỉ thích được những người đàn ông lớn tuổi hơn quyến rủ vì họ không làm rối tóc cô như anh chàng thiếu úy Prackle.
Thiếu úy Tonder là một nhà thơ, một nhà thơ cay đắng, mơ về một tình yêu lý tưởng, toàn thiện của những chàng trai thượng lưu đối với các cô gái nghèo hèn. Trong lòng Tonder có cái lãng mạn u ám với một ảo tưởng rộng lớn tương đương với trải nghiệm của hắn. Có lúc hắn đọc lên những câu thơ mơ hồ qua hơi thở về những người đàn bà ảm đạm trong tâm tưởng. Hắn hoài vọng về một cái chết nơi chiến trường, ở đằng sau, nơi hậu trường cha mẹ đang nhỏ lệ, và Ngài Lãnh tụ, can trường nhưng u buồn, đang chứng kiến cái chết của chàng trai trẻ. Hắn thường mơ tưởng luôn đến cái chết của hắn, soi sáng bởi ánh tà dương đang dần lặn, vài tia nắng lóe rọi lên những quân cụ vỡ nát, những người lính của hắn đứng quanh lặng im, với những chiếc đầu cúi thấp, và trên đám mây bồng đang phi nhanh những thiên nữ Valkyrie[1], bầu vú to, người mẹ và người tình lẫn làm một, trong lúc ấy những giai điệu Wagner[2] nổ ra như sấm động làm nhạc nền. Và hắn cũng đã có sẵn lời tử biệt.
[1] Thiên Nữ Valkyrie: Tượng trưng cho cái chết anh dũng của chiến sĩ. Là những thiên nữ trong thần thoại Bắc Âu, cỡi trên những con ngựa có cánh, mặc giáp, mang thương, nhưng không có nhiệm vụ chiến đấu. Họ phục vụ cho Odin, chúa tể các thần. Nhiệm vụ của Valkyrie là chọn những chiến sĩ dũng cảm bị tử thương trên chiến trường, dẫn họ về phục vụ trong đội quân của Thần Odin, để chuẩn bị cho trận chiến Ragnarok, trận chiến của ngày tận thế trong thần thoại Bắc Âu.
[2] Wilhelm Richard Wagner: Nhà soạn nhạc người Ðức (1813-1883) người mở đường khai phá về thể loại giao hưởng opera (symphonic-operas). Nổi tiếng với bộ The Ring of the Nibelungen bao gồm 4 vở diễn opera với chủ đề dựa theo thần thoại Bắc âu và Ðức (The Rhinegold, The Valkyrie, Siegfried, Twilight of the Gods).
Ðấy là những người trong ban tham mưu, mỗi người đang chơi với chiến tranh như trẻ con chơi trò “Chạy, Chạy Ði Cừu”[3]. Thiếu tá Hunter nghĩ về chiến tranh như một bài toán số học cần phải giải cho xong để hắn có thể quay lại bên chiếc lò sưởi; đại úy Loft coi đó là một nghề nghiệp chính đáng của một thanh niên được giáo dục đúng đắn; thiếu úy Prackle và Tonder nghĩ về chiến tranh qua những mơ tưởng không chút gì có dính dáng đến thực tế. Và như thế họ đã chơi trò chiến tranh – bằng vũ khí tốt, bằng kế hoạch chu đáo đối lại với kẻ địch không vũ trang, thiếu sách lược. Họ không thua một trận nào và chỉ thiệt hại chút ít. Bọn họ, nếu bị áp lực, cũng có thể hèn nhát hoặc can đảm, như bao người khác. Trong bọn họ chỉ có đại tá Lanser là biết được về lâu về dài cuộc chiến thật sự sẽ đi tới đâu.
[3] Run Sheep Run: Trò chơi của trẻ con, những đứa bé chia làm hai nhóm, nhóm cừu và nhóm sói. Bắt đầu chơi nhóm sói đứng ở khởi điểm, nhóm cừu đi trốn, khi trốn xong một đứa (trưởng nhóm) của nhóm cừu sẽ đi đến bảo cho nhóm sói biết là đã sẵn sàng. Nhóm sói sẽ đi tìm, nếu thấy nhóm sói đã đi xa khởi điểm và xa chỗ nấp của nhóm cừu, trưởng nhóm sẽ kêu “Run Sheep Run” báo hiệu cho nhóm cừu mau chạy về khởi điểm, nếu nhóm nào chạy về khởi điểm trước nhóm đó sẽ thắng. Trong khi chơi toàn nhóm phải cùng nấp và cùng chạy chung với nhau, không được tách rời, trừ trưởng nhóm cừu đứng riêng có nhiệm vụ thông tin.
Lanser đã từng ở Bỉ và Pháp hai mươi năm về trước, ông không muốn nghĩ đến những gì ông biết – cuộc chiến ấy có giả trá, có căm thù, có sự hồ đồ của những tướng lãnh bất tài, có tra tấn, giết chóc, bệnh tật, chán nản; để rồi cuối cùng mọi sự cũng qua đi, không có gì thay đổi ngoại trừ những nhọc nhằn và hận thù mới. Lanser tự nhủ rằng ông là một người lính, nhận mệnh lệnh và thực thi nó. Ông không nên đặt nghi vấn, xét lại, ông chỉ thực thi mệnh lệnh; ông cố gạt qua một bên những kí ức đen tối về cuộc chiến trước kia cũng như điều khẳng định rằng cuộc chiến này rồi cũng như cuộc chiến trước. Cuộc chiến này rồi sẽ khác, ông tự nói với mình như thế năm mươi lần một ngày; cuộc chiến này rồi sẽ rất khác.
Trong cuộc hành quân, cuộc nổi loạn, trận đá bóng, và trong chiến tranh, những kế hoạch trở nên mơ hồ; sự thực trở thành ảo giác và có màn sương mù len lỏi vào tâm trí. Căng thẳng, phấn kích, mệt nhọc, tất tả bôn ba – mọi thứ hòa vào nhau thành một giấc mơ lớn u ám; để rồi khi nó qua đi, khó mà nhớ được tại sao anh phải giết người hay ra lệnh giết người. Sau này có những kẻ khác không có mặt ở đó thuật lại với anh chuyện đã xảy ra như thế nào và anh nói mơ hồ, “Ừ, tôi nghĩ nó như vậy đó.”
Ban tham mưu chiếm lấy ba phòng ở tầng trên của dinh thị trưởng. Trong phòng ngủ họ đặt giường xếp, chăn mền, quân cụ; và ở phòng kế bên, nằm ngay trên phòng khách nhỏ ở tầng dưới, họ biến nó thành một câu lạc bộ, một câu lạc bộ không được thoải mái, với vài cái ghế và một cái bàn. Họ dùng phòng này để đọc thư, viết thư; và ở đó họ bàn bạc, gọi cà phê, lập kế hoạch và nghỉ ngơi. Trên khoảng tường giữa những khuôn cửa sổ có những bức tranh vẽ những con bò, hồ nước và những ngôi nhà theo kiểu thôn quê nho nhỏ. Từ những cửa sổ họ có thể trông xuống thị trấn cho đến tận bến cảng, đến những ụ tàu có những chiếc tàu đang buộc neo, đến những ụ tàu có những xà lan tải than đến đậu lại, nhận hàng rồi đi ra biển. Họ có thể trông xuống cái thị trấn nhỏ bé, đang uốn mình trườn qua quảng trường vươn tới bến cảng, họ có thể thấy những thuyền đánh cá cuốn buồm lại nằm neo mình trong vịnh, và có thể ngửi thấy mùi cá khô từ bãi biển đưa lên, bay vào tận cửa sổ.
Một chiếc bàn lớn đặt giữa phòng, thiếu tá Hunter ngồi bên cạnh. Cái bảng vẽ nằm trên vế hắn, tựa vào bàn, bằng một chiếc thước vuông chữ T và thước ê-ke hắn đang vẽ bản thiết kế về một đoạn rẽ của đường xe lửa. Cái bảng vẽ lắc lư và thiếu tá đang phát bực với nó. Hắn quay qua phía sau gọi, “Prackle!” Rồi lại gọi, “Thiếu úy Prackle!”
Cửa phòng ngủ mở, thiếu úy bước ra, một nửa khuôn mặt hắn phủ đầy xà bông xạo râu. Tay hắn còn cầm cọ quét xà bông. “Vâng?” hắn nói.
Thiếu tá Hunter giục giặc cái bảng vẽ. “Cái giá vẽ của tôi có xếp lẫn trong đám hành lý không?”
“Không biết nữa, thưa thiếu tá,” Prackle nói. “Tôi chưa xem lại.”
“Vậy bây giờ xem lại đi. Làm việc dưới ánh sáng như thế này thật là tệ. Tôi phải vẽ lại trước khi đồ mực lên.”
Prackle nói. “Cạo râu xong tôi sẽ đi tìm ngay.”
Hunter gắt lên, “Ðoạn đường sắt này quan trọng hơn cái khuôn mặt của anh. Tìm xem có cái bọc bằng vải bố giống như túi đánh gôn, nằm dưới đống đồ ở trong đó không.”
Prackle đi khuất vào trong phòng ngủ. Cánh cửa bên phải mở ra, Ðại úy Loft vào. Hắn đội nón sắt, đeo một cặp ống nhòm, súng cá nhân, và vài thứ túi da nhỏ khác đeo lỉnh kỉnh khắp người. Vừa bước vào là hắn tháo những thứ quân cụ đó ra khỏi người.
“Ông biết không, Bentick thật điên khùng,” Hắn nói. “Ông ta ra ngoài làm nhiệm vụ ngay ở dưới phố mà đội mũ lưỡi trai.”
Loft đặt ống nhòm trên bàn, dỡ nón sắt, rồi đến túi mặt nạ phòng hơi độc, những thứ quân cụ đó chất thành đống nhỏ trên bàn.
Hunter nói, “Ðừng bỏ những thứ đó trên bàn, tôi còn phải làm việc ở đây. Tại sao ông ấy không thể đội mũ lưỡi trai? Ðã có gì rắc rối xảy ra đâu. Tôi phát bịnh với những thứ đồ thiếc ấy. Vừa nặng, vừa chẳng nhìn thấy gì hết.”
Loft cất giọng nghiêm chỉnh, “Không mang nón sắt là một lề lối làm việc xấu. Xấu đối với dân chúng ở đây. Chúng ta phải duy trì mẫu mực quân ngũ, phải cảnh giác, không được biến cải dung dị. Nếu không chúng ta sẽ mời gọi rối loạn.”
“Tại sao anh nghĩ vậy?” Hunter hỏi.
Loft hơi dướng người thẳng lên, cặp môi mím lại ra vẻ khẳng định. Sớm hay muộn mọi người ai cũng muốn đấm vào mũi hắn vì cái lối khẳng định đó. Hắn nói, “Không phải tôi nghĩ nó ra, Tôi đang lược thuật cẩm nang X12 về tác phong của binh sĩ ở trong đất nước đang chiếm đóng. Nó được soạn thảo rất kĩ lưỡng.” Thoạt đầu hắn thốt, “Ông…” nhưng rồi đổi thành “Mọi người nên đọc kĩ X-12.”
Hunter nói, “Tôi không biết người viết nó ra có bao giờ từng đem quân chiếm đóng một nước hay chưa. Dân chúng ở đây vô hại. Họ có vẻ là những người tốt, biết nghe lời.
Prackle bước vào, một nửa mặt hắn vẫn còn phủ đầy xà bông. Hắn vác một ống vải bố màu nâu, đi theo sau lưng hắn là Thiếu úy Tonder. “Có phải cái này không?” Prackle hỏi.
“Phải rồi, mở nó ra và dựng lên, được không?”
Prackle và Tonder loay hoay dựng cái giá xếp ba chân, kiểm tra chắc chắn, rồi để nó gần bên Hunter. Thiếu tá vặn ốc gắn bảng vẽ lên, nghiêng qua nghiêng lại bảng vẽ rồi cuối cùng lầm bầm ngồi xuống sau giá vẽ.
Ðại úy Loft nói, “Anh có biết mặt anh bôi đầy xà bông không, thiếu úy?”
“Vâng, thưa đại úy.” Prackle nói. “Tôi đang cạo râu thì thiếu tá bảo tôi đi tìm giá vẽ.”
“Vậy à, anh nên lau sạch đi,” Loft nói. “Thiếu tá có thể trông thấy đấy.”
“Ồ, ông ấy không lý đến đâu. Ông ấy không quan tâm đến những chuyện thuộc loại như vậy.”
Tonder đang đứng sau lưng Hunter xem Hunter làm việc.
Loft nói, “Ừ, Ông ấy có thể không để ý đến, nhưng để vậy coi không được.”
Prackle rút khăn mùi xoa ra lau xà bông trên má. Tonder chỉ vào họa đồ nhỏ ở một góc của bảng vẽ. “Chiếc cầu trông đẹp lắm, thiếu tá. Nhưng chúng ta sẽ xây chiếc cầu này ở nơi nào vậy?”
Hunter nhìn xuống bản họa đồ rồi quay ra sau nhìn Tonder “Hả! À, chẳng có chiếc cầu nào chúng ta cần phải xây cả, ở đây chỉ là bản họa đồ thôi.”
“Vậy thiếu tá vẽ chiếc cầu này làm gì?”
Hunter dường như hơi ngượng ngùng, “À, anh biết không, ở vườn sau nhà tôi, tôi có dựng mô hình của một tuyến đường sắt. Tôi định bắc cầu qua con suối. Tôi dẫn tuyến đường sắt đến suối, nhưng tôi chưa bao giờ xây được chiếc cầu. Tôi nghĩ tôi có thể hoàn tất việc qui hoạch chiếc cầu trước khi tôi trở về.”
Prackle rút từ trong túi một tờ giấy gấp, hắn mở ra, đưa lên ngắm nghía. Ðó là một bức hình một cô gái, in bằng bản kẽm; một cô gái tóc vàng thân hình nẩy nở, thấy rõ cả cặp giò, trang phục, và hàng lông mi. Cô mang một đôi vớ đen thêu ren, thân áo trên xẻ trễ xuống, tay cầm chiếc quạt đen che nghiêng đôi mắt đang e ấp liếc nhìn. Prackle giơ tấm hình cô ả lên và hỏi, “Em này đáng tiền không?” Thiếu úy Tonder nhìn bức hình xoi mói và nói, “Tớ không thích cô ả.”
“Không thích chỗ nào?”
“Chỉ không thích vậy thôi,” Tonder nói. “Cậu làm gì với bức hình đó?”
Prackle nói, “Bởi vì tớ thích cô ả nên tớ dám cá là cậu cũng mê cô ả.”
“Tớ không thích.”
“Cậu nói là nếu được hẹn với cô ta cậu sẽ không thèm đi?” Preackle hỏi.
Tonder nói, “Không.”
“Vậy sao, cậu đúng là điên rồi,” và Prackle đi lại một tấm màn. Hắn nói, “Tớ sẽ dán cô ả này lên đây cho cậu có thời gian tơ tưởng đến cô ả.” Hắn ghim bức hình lên tấm màn.
Ðại úy Loft lúc này đang thu nhặt quân cụ, hắn nói, “Tôi nghĩ bức hình đó ở ngoài này không tốt, thiếu úy. Anh nên lấy nó xuống. Nó sẽ gây ấn tượng không tốt đối với dân chúng ở địa phương.”
Hunter ngước nhìn lên, “Cái gì không tốt.” Hắn trông theo ánh mắt mọi người nhìn về phía bức hình. “Ai vậy,” hắn hỏi.
“Cô ta là một diễn viên,” Prackle nói.
Hunter chăm chú nhìn cô gái. “Ồ, anh biết cô ta?”
Tonder nói, “Cô ả là một con bò lạc.”
Hunter nói, “À, vậy anh biết cô ta?”
Prackle nhìn chăm chắm vào Tonder. Hắn nói, “Nói đi, làm sao cậu biết cô ta là một con bò lạc?”
“Cô ả trông giống như thứ bò lạc,” Tonder nói.
“Anh biết cô ta?”
“Không, và tôi cũng không muốn biết.”
Prackle bắt đầu nói tiếp, “Vậy làm sao cậu biết?” nhưng Loft cắt ngang, hắn nói, “Anh nên gỡ tấm hình đó xuống. Gắn trên đầu giường nếu anh thích. Phòng này ở đây coi như là công sở.”
Prackle nhìn Loft với ánh mắt cự nự sắp sửa lên tiếng, Loft nói, “Ðây là lệnh, thiếu úy,” và Prackle hẩm hiu gấp bức hình bỏ lại vào túi. Hắn cố làm ra vẻ tươi tỉnh thay đổi đề tài. “Ở thị trấn này có vài cô em khá xinh, để đấy,” hắn nói. “Ðợi lúc chúng ta ổn định và mọi việc suông sẻ tôi sẽ làm quen vài em.”
Loft nói, “Anh nên đọc X-12. Có một đoạn đề cập đến vấn đề tình dục.” Hắn bỏ ra ngoài, mang theo xách, kính và quân cụ. Thiếu úy Tonder vẫn đứng sau Hunter xem họa đồ, nói, “Sáng ý thật, cho xe chuyển than chạy thẳng từ hầm mỏ ra tàu thủy.”
Hunter chậm chạp rứt mình ra khỏi công việc, hắn nói, “Chúng ta cần thúc đẩy nhanh chóng công việc khai thác than. Ðây là một công tác lớn. Chúng ta hết sức cảm ơn dân chúng ở đây đã tỏ ra rất bình tĩnh và có ý thức.”
Loft quay trở vào phòng không mang theo quân cụ. Hắn đứng bên cửa sổ, nhìn ra ngoài về hướng bến cảng, về hướng mỏ than, hắn nói, “Họ bình tĩnh và có ý thức bởi vì chúng ta bình tĩnh và có ý thức. Tôi nghĩ chúng ta đáng được ghi công về điểm này. Ðó là lý do tôi luôn nhắc nhở về các qui củ. Nó đã được soạn thảo rất kĩ lưỡng.”
Cửa mở, đại tá Lanser đi vào, vừa đi vừa cởi chiếc áo khoác đang mặc. Các phụ tá của ông chào ông theo kiểu nhà binh, không đến nỗi quá nghiêm, nhưng vừa đủ. Lanser nói, “Ðại úy Loft, anh có thể xuống dưới thay cho Bentick được không? Anh ấy không khỏe lắm, nghe nói là bị chóng mặt.”
“Vâng, thưa đại tá,” Loft nói. “Tôi xin có đề nghị, thưa đại tá, tôi mới vừa xong phiên trực.”
Lanser nhìn Loft dò xét. “Tôi nghĩ anh không phản đối chứ, đại úy.”
“Hoàn toàn không, thưa đại tá; tôi chỉ nhắc đến để việc này được ghi lại trong thành tích cá nhân.”
Vẻ mặt Lanser dịu xuống, ông cười nhẹ, “Anh muốn được nhắc đến trong những bản báo cáo, phải không?”
“Ðâu có điều gì hại, thưa đại tá.”
“Và đến khi có đủ số lần ghi công,” Lanser nói tiếp, “anh sẽ có vật nho nhỏ đeo lủng lẳng trước ngực.”
“Ðó là những cột mốc cho sự nghiệp quân ngũ, thưa đại tá.”
Lanser thở dài. “Phải, tôi cũng cho là như vậy. Nhưng đó không phải là những thứ đáng cho anh nhớ đến đâu, đại úy.”
“Thưa đại tá?” Loft hỏi.
“Sau này anh sẽ hiểu tôi muốn nói gì – có lẽ.”
Loft nhanh nhẹn đeo các thứ quân cụ vào người. “Vâng, thưa đại tá,” hắn nói, rồi đi ra, xuống lầu, bước chân gõ lạch cạch trên bậc gỗ cầu thang. Lanser nhìn theo hắn, ánh mắt vui vui thú vị. Ông nói lặng lẽ, “Một người lính tự bẩm sinh.” Hunter ngước nhìn lên, cây viết chì kẹp thăng bằng trên ngón tay, hắn nói, “Một con lừa tự bẩm sinh.”
“Không đâu,” Lanser nói, “hắn làm lính như nhiều người khác làm chính trị. Hắn sẽ mau chóng được dự vào hành tướng lãnh. Hắn sẽ nhìn chiến tranh từ trên cao nhìn xuống và hắn sẽ luôn yêu thích nó.”
Thiếu úy Prackle nói, “Ðại tá nghĩ đến bao giờ sẽ hết chiến tranh, thưa đại tá.”
“Hết? Hết chiến tranh? Anh muốn nói gì?”
Thiếu úy Prackle nói tiếp, “Ðến bao giờ chúng ta thắng?”
Lanser lắc đầu. “Ồ, Tôi không biết. Thế giới vẫn còn kẻ thù.”
“Nhưng chúng ta sẽ quật bọn chúng,” Prackle nói.
Lanser nói, “Ừ?”
“Ðúng không?”
“Phải, phải, chúng ta luôn luôn thắng.”
Prackle nói, phấn khởi, “Vậy nếu đến Giáng sinh tình hình yên ổn chúng ta có được cho nghỉ phép không?”
“Tôi không biết,” Lanser nói. “Lệnh loại đó phải được đưa ra từ trong nước. Anh muốn về thăm nhà vào Giáng sinh hả?”
“Vâng, được vậy thì cũng thích.”
“Có thể anh sẽ được phép,” Lanser nói, “có thể.”
Thiếu úy Tonder nói, “Sau khi chiến tranh kết thúc, chúng ta sẽ không rút ra khỏi xứ này chứ, phải không, thưa Ðại tá?”
“Tôi không biết,” Ðại tá nói. “Tại sao?”
Tonder nói, “Xứ này đẹp, người dân hiền lành. Người của chúng ta – một số – có thể nghĩ đến việc lập nghiệp ở đây.”
Lanser nói đùa, “Chắc có lẽ anh thấy nơi nào vừa mắt rồi, phải không?”
Tonder nói, “Có vài nông trang ở đây thật đẹp. Nếu có bốn năm cái gộp lại với nhau tôi nghĩ sẽ thành một chỗ khá tốt có thể lập nghiệp.”
“Gia đình anh không có đất đai hay sao?” Lanser hỏi.
“Không thưa đại tá. Không còn nữa, nạn lạm phát đã lấy đi hết.”
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.