Như những đám mây trên bầu trời
Ý nguyện chúng ta cũng đổi thay dáng hình mỏng manh
Bữa nay chúng ta yêu thương, nhưng ngày mai lại đã căm giận.
V.Kiukhenbeker29
Sáng hôm sau Piốt y hẹn đánh thức Ibraghim dậy, phong cho chàng làm trung uý đại đội pháo binh trung đoàn Prêôbragienxki30 là đơn vị mà xưa kia chính nhà vua đã từng làm đại uý. Các triều thần vây quanh Ibraghim, mỗi người một cách cố lấy lòng con người được nhà vua yêu mến. Công tước Mensikốp kiêu ngạo là thế mà cũng thân mật bắt tay Ibraghim. Sêrêmêchép31 thì hỏi thăm các bạn quen của ông ta ở Pari, còn Gôlôvin32 thì mời chàng đến ăn bữa trưa. Tấm gương này được nhiều người khác noi theo, đến nỗi rốt cuôc ít nhất là trong một tháng Ibraghim không có ngày nào ăn ở nhà cả.
Ibraghim sống qua những ngày đều đặn giống nhau, nhưng bận rộn, nên chàng không lúc nào thấy buồn. Ibraghim mỗi ngày một thấy lòng mình gắn bó với nhà vua; chàng hiểu rõ thêm, sâu thêm tâm hồn cao cả của bậc vĩ nhân. Theo dõi những tư tưởng của một con người như vậy là một khoa học cực kỳ lý thú. Ibraghim được thấy Piốt Đệ Nhất trong Pháp viện tối cao33, tranh luận với Buturlin34 và Đôngôruki, phân tích các vấn đề quan trọng về pháp luật ở hội đồng hải quân35 khẳng định thế lực của nước Nga trên mặt biển, chàng nhìn thấy nhà vua ngồi với Phêôphan36, Gavriin Buginxki37 và Kôpiêvích38 trong những giờ nghĩ ngơi xem những bản dịch tác phẩm của các nhà công pháp ngoại quốc hay đi thăm xưởng chế tạo của một thương gia, xưởng thợ của một thợ thủ công hay phòng làm việc của một nhà bác học. Ibraghim thấy nước Nga như một công xưởng khổng lồ, ở đó toàn thấy máy móc hoạt động, ở đó mỗi người thợ đều răm rắp tuân theo trật tự đã định mà làm công việc của mình. Ibraghim cho rằng mình cũng có bổn phận phải ra sức làm việc bên bàn máy của mình, và chàng cố gắn làm sao bớt tiếc những cảnh vui chơi nhàn hạ của cuộc sống ở Pari. Nhưng có một kỷ niệm khác, một kỷ niệm êm đềm mà chàng thấy khó xua đuổi hơn: Ibraghim vẫn luôn nhớ đến bá tước phu nhân D., chàng tưởng tượng thấy nỗi phẫn uất chính đáng của nàng, rồi nước mắt và nỗi đau buồn. Nhưng đôi khi một ý nghĩ khủng khiếp khiến cho lồng ngực chàng như thắt lại: cảnh sống bông lông của giới thượng lưu, một cuộc tình duyên mới, một kẻ khác được diễm phúc… Ibraghim rùng mình; lòng ghen tuông bắt đầu sôi sục lên trong dòng máu châu Phi của chàng, và những giọt nước mắt nóng ran chỉ chực tuông chảy trên da mặt đen nhánh của chàng.
Một buổi sáng Ibraghim đang ngồi trong phòng làm việc, giữa những tập giấy tờ công vụ, thì chợt nghe một tiếng chào rất to bằng tiếng Pháp; Ibraghim giật mình quay lại thì thấy Koócxakốp39, một người bạn trẻ khi chàng về Nga hãy còn ở lại giữa cơn lốc của thành Pari hoa lệ. Koócxakốp ôm hôn Ibraghim và vui sướng reo lên. Koócxakốp nói: “Tôi mới về liền chạy thẳng đến tìm anh đây. Tất cả các bạn quen ở Pari đều có lời thăm anh, họ đều nhớ anh; bá tước phu nhân D. dặn tôi thế nào cũng tìm anh cho được, đây có bức thư của bà ta gởi anh đây”. Ibraghim run run chộp lấy thư. Chàng nhìn nét chữ quen thuộc mà không dám tin ở mắt mình nữa. “Tôi thật lấy làm mừng, – Koócxakốp tiếp, – rằng anh chưa chết buồn ở cái thành Pêterburg man rợ này! Ở đây người ta làm gì cho qua thời giờ? Thợ may nào chuyên may áo cho anh? Đây có gì xem không, ít ra cũng phải có nhạc kịch chứ?” Ibraghim lơ đãng đáp lại rằng có lẽ bây giờ nhà vua đang làm việc ngoài xưởng đóng tàu ấy. Koócxakốp bật cười: “Thôi, anh chàng này, anh ta nói, bây giờ cũng chẳng còn trí óc nào mà nói chuyện với tôi đâu; để lúc khác hãy nói chuyện cho thoả nhé; tôi đi trình diện với đức vua đây”. Nói đoạn Koócxakốp quay người lại bằng một gót giày và chạy ra ngoài.
Ibraghim ngồi lại một mình, vội vàng bóc phong bì ra. Bá tước phu nhân dịu dàng than thở với chàng, oán trách chàng đã có thái độ vờ vĩnh và không tin nàng. Phu nhân viết:
“Anh bảo rằng sự yên tĩnh của em đối với anh là điều quý giá nhất trên đời. Ibraghim! Nếu quả thật như thế, thì sao anh lại nỡ bắt em phải chịu những phút khủng khiếp như khi em nhận được cái tin bất ngờ là anh đã ra đi? Anh sợ rằng em sẽ giữ anh lại; xin anh tin cho rằng dù em yêu anh say đắm, em vẫn có thể hy sinh tình yêu của em vì hạnh phúc của anh, vì cái mà anh xem là nhiệm vụ của anh”. Cuối bức thư, bá tước phu nhân thiết tha xin Ibraghim tin cho rằng nàng vẫn yêu Ibraghim say đắm và khẩn khoản chàng viết thư cho mình, dù chỉ là thỉnh thoảng, nếu không hy vọng gì còn có lúc gặp nhau nữa.
Ibraghim đọc đi đọc lại bức thư này đến vài chục lần, lòng bồi hồi cảm động; chàng hôn hít mãi mấy dòng chữ vô giá đó. Ibraghim vô cùng sốt ruột muốn nghe thêm tin tức về bá tước phu nhân, và đã toan lên xe đến xưởng đóng tàu mong gặp Koócxakốp ở đấy, nhưng cánh cửa đã vụt mở và Koócxakốp lại bước vào. Anh ta đã đến trình diện vua Piốt và cũng như thường lệ, anh ta có vẻ rất hài lòng về bản thân mình. Koócxakốp bảo Ibraghim: “Entre nous (nói riêng giữa chúng mình với nhau – tiếng Pháp), nhà vua thật là một con người hết sức kỳ quặc; anh thử tưởng tượng là tôi gặp ngài trên cột buồm của một chiếc tàu mới đóng, mình mặc một cái áo lót bằng vải thô có lạ không chứ, tôi phải leo tít lên trên ấy đưa các thư tín cho ngài. Tôi đứng trên thang dây, không sao có đủ chỗ để làm một cái révérence (chào cung kính: nghiêng mình, gập chân, hai tay dang ra – tiếng Pháp) cho tươm tất, thành ra cứ lúng túng mãi; từ bé đến lớn chỉ có lần này tôi mới bị lúng túng như thế đấy. Tuy nhiên đức vua đọc xong các thư từ, liền nhìn tôi từ đầu đến chân và có vẻ rất lấy làm vừa lòng kiểu ăn mặc rất sang mà lại có “gu” của tôi: dù sao thì ngài cũng mỉm cười và mời tôi đến dự buổi vũ hội40 hôm nay. Nhưng ở Pêterburg thì tôi hoàn toàn như một người ngoại quốc, sáu năm nay sống ở nước ngoài tôi quên hết các phong tục tập quán ở đây rồi; anh làm ơn hướng dẫn cho tôi, anh ghé lại cùng đi với tôi, rồi giới thiệu tôi nhé”. Ibraghim ưng thuận và vội vã lái câu chuyện sang một vấn đề thiết thân đối với chàng hơn.
– Thế bá tước phu nhân D. ra sao?
– Bá tước phu nhân ấy à? Ô, cố nhiên là lúc đầu khi anh mới ra đi, bá tước phu nhân buồn lắm; rồi về sau cố nhiên cũng khuây khoả dần và bắt tình nhân với một người khác, này anh có biết ai không? Hầu tước R. đấy; cái anh chàng dài loằng ngoằng ấy mà; ồ, sao anh trợn tròn xoe đôi mắt trắng giả ấy ra làm gì thế? Anh cho những chuyện ấy lạ lắm phỏng; chả nhẽ anh lại không biết rằng người ta không ai buồn được lâu, nhất phụ nữ; thôi anh nghĩ cho kỹ việc này đi, còn tôi thì bây giờ xin về nghỉ cho lại sức; anh đừng quên ghé lại đằng tôi đấy nhé.
Những tình cảm gì chất chứa đầy tâm hồn Ibraghim kia? Ghen tuông ư? Cuồng dại ư? Hay là tuyệt vọng? Không, chỉ có một nỗi chán chường sâu xa, u uất mà thôi. Chàng tự nhủ: cái đó ta đã thấy trước; việc đó thế nào cũng phải xảy ra. Rồi Ibraghim giở bức thư của bá tước phu nhân ra đọc một lần nữa và gục đầu xuống khóc nức nở. Chàng khóc hồi lâu. Nước mắt tuôn ra khiến cho lòng chàng nhẹ bớt. Liếc nhìn đồng hồ, chàng thấy đã đến giờ phải ra đi. Giá mà được miễn thì Ibraghim thật rất hài lòng, nhưng đi dự vũ hội này là một nhiệm vụ; nhà vua đã ra nghiêm lệnh cho các cận thần thế nào cũng phải đến dự. Ibraghim mặc áo và lên xe đến nhà Koócxakốp.
Koócxakốp mình mặc áo choàng ngủ, đang ngồi đọc một quyển sách Pháp. Trông thấy Ibraghim, anh ta hỏi:
– Sớm thế à?
Ibraghim đáp:
– Xin lỗi anh, đã năm giờ rưỡi rồi; chúng ta đến muộn mất; anh mặc áo quần nhanh lên mà đi.
Koócxakốp cuống lên, rung chuông rối rít gọi giai nhân; họ hối hả chạy lại; Koócxakốp hấp tấp mặc quần áo. Anh hầu phòng người Pháp đưa cho chàng ta một đôi giày gót đỏ, một cái quần bằng nhung màu xanh nhạt, một cái áo ca-phơ-tan màu hồng thêu kim tuyến; ở phòng ngoài người ta cuống quýt rắc phấn lên bộ tóc giả và mang vào cho Koócxakốp. Koócxacốp vội rút cái đầu húi ngắn và bộ tóc giả, rồi bảo người nhà đưa kiếm và găng tay, quay đi quay lại trước tấm gương đến mười lần, rồi bảo Ibraghim là mình đã sửa soạn xong. Bọn đầy tớ đưa áo su-ba da gấu cho hai người, và đôi bạn cùng lên xe đến Cung điện Mùa Đông.
Koócxakốp luôn mồm hỏi Ibraghim: ai là hoa khôi ở Pêterburg? Ai nổi tiếng là người khiêu vũ giỏi nhất? Hiện nay điệu nhảy nào hợp thời nhất? Ibraghim miễn cưỡng trả lời ông bạn tò mò. Trong khi đó họ cũng đã đến gần cung điện. Đã có rất nhiều xe trượt tuyết, xe tứ mã cũ kỹ và xe song mã thếp vàng đỗ trên sân cỏ. Trên thềm tấp nập những người xà ích mặc đồng phục và để râu mép, những người xa hậu mặc áo thêu lon óng ánh, đội mũ có tua lông và tay cầm trượng, những người lính hầu, những chú võ đồng, những anh hành bộc lúng túng dưới những đống áo khoác và bao tay của chủ: đó là bầy tuỳ tùng cần thiết theo quan niệm của các chúa quý tộc thời ấy.
Trông thấy Ibraghim, trong đám gia nhân có tiếng xì xào: “Ông A Rập! Ông A Rập của Hoàng thượng đấy!” Ibraghim hấp tấp dẫn Koócxakốp đi qua đám gia nhân hỗn tạp đó. Người hầu trong cung mở rộng cửa ra trước mặt hai người, và họ bước vào phòng. Koócxakốp sửng sốt… Trong gian phòng lớn thắp những cây đèn nến mỡ lợn cháy lờ mờ giữa những đám khói thuốc lá dày đặt, những vị đại thần vai khoác băng xanh, những sứ thần, những thương nhân ngoại quốc, những sĩ quan cận vệ mặc quân phục xanh lá cây, những ông thợ đóng tàu lão luyện mặc áo cánh và quần sọc, làm thành một đám đông lố nhố đi lại ở giữa tiếng nhạc kèn cử không ngớt. Các mệnh phụ và các tiểu thư ngồi ở sát tường; những người còn trẻ lộng lẫy trong những bộ áo sang trọng hợp thời trang. Vàng bạc óng ánh trên áo váy ngoài, phía trên những chiếc váy xoè có khung cứng, tấm thân mảnh khảnh của họ vươn lên như những cuống hoa; những hạt kim cương lóng lánh trên tay, trong những búp tóc dài lượn sóng và quanh cổ. Họ vui vẻ ngoảnh đi ngoảnh lại, chở các khách nhảy nam giới đến để bắt đầu cuộc khiêu vũ. Các bà đứng tuổi thì cố gắng phối hợp một cách tinh xảo các kiểu áo mới với lối trang phục xưa: những chiếc mũ kiểu mới trùm lên những chiếc mũ chụp bằng lông chồn nâu kiểu hoàng hậu Natalia Kirilốpna41, còn các kiểu áo dài và áo khoác vai của họ vẫn có một cái gì giống áo xa-ra-phan và áo chẽn bông ngày trước. Hình như họ thấy bỡ ngỡ thì đúng hơn là thấy vui thích những cuộc vui tân thời này, và bực bội liếc sang các bà vợ và các cô con gái của mấy ông thuyền trưởng Hà Lan mặc váy vải sọc và áo ngắn màu đỏ, tay đan bít-tất và cười nói với nhau như ở nhà vậy.
Koócxakốp cứ ngẩn người ra mà nhìn. Thấy có hai người khách mới đến, một người hầu vội bưng chiếc khay trên có chai bia và mấy cái cốc lại. Koócxakốp hỏi thầm Ibraghim:
– Que diable est-ce que tout cela? (Cái gì kỳ cục thế này? – tiếng Pháp)
Ibraghim không thể không mỉm cười.
Hoàng hậu và hai nàng công chúa, đẹp lộng lẫy trong những phục sức sang trọng, đi lại giữa đám khách, vồn vã nói chuyện với họ. Nhà vua lúc bấy giờ đang ngồi ở một phòng khác. Koócxakốp muốn ra mắt ngài, phải chật vật lắm mới chen được vào đám, sau khi đã len lỏi qua đám đông rộn rịp di chuyển không ngừng. Số đông các khách ngoại quốc đều ở đây. Họ sang trọng ngồi hút những chiếc tẩu thuốc bằng đất nung và nốc cạn những cốc rượu cũng bằng đất nung. Trên bàn có đặt những chai rượu vang và bia, những chiếc túi da đựng thuốc lá, những cốc rượu pun-sờ và những bàn cờ. Bên một cái bàn như thế Piốt đang ngồi đánh cờ với một ông thuyền trưởng người Anh vạm vỡ. Hai người ra sức phun vào nhau những đám khói thuốc dày đặc; nhà vua đang mải nghĩ một nước cờ bất ngờ của đối phương, cho nên Koócxakốp xun xoe mãi xung quanh bàn mà ngài vẫn không hề để ý; vừa lúc đó, một người to béo, găm ở trước ngực một chùm hoa cũng đồ sộ hấp tấp đi vào và lớn tiếng tuyên bố rằng cuộc khiêu vũ đã bắt đầu, rồi lập tức luôi ra; một số đông khách khứa liền ra theo, trong đó có cả Koócxakốp.
Một cảnh tượng bất ngờ khiến anh ta kinh ngạc. Suốt dọc phòng khiêu vũ, trong một tiếng nhạc hết sức bi ai, các khách nhảy nam nữ đứng thành hai hàng dài đối diện nhau; các khách nam nghiêng mình chào rất thấp, các khách nữ nhún mình chào thấp hơn nữa. Lúc đầu họ chào trước mặt, rồi quay sang chào bên phải, bên trái, rồi lại chào trước mặt, rồi lại quay sang phải, cứ thế mãi. Koócxakốp đứng xem cái lối giết thời giờ rắc rối này, cứ trợn tròn xoe mắt ra và cắn môi phân vân, chẳng hiểu ra làm sao nữa. Những cuộc cúi chào và nhún mình như vậy kéo dài chừng nửa tiếng. Cuối cùng nó cũng chấm dứt, và cái ông to béo có chùm hoa lớn tiếng tuyên bố rằng điệu vũ nghi lễ đã xong, và ra lệnh cho các nhạc công chơi một bài mơ-nuy-ê42. Koócxakốp mừng thầm và đã sửa soạn ra tay trổ tài khiêu vũ. Trong số các tiểu thư có một người rất vừa mắt Koócxakốp. Cô ta khoảng chừng mười sáu tuổi, phục sức cực kỳ sang trọng, nhưng rất tế nhị. Cô ngồi bên cạnh một người đàn ông đã luống tuổi, vẻ oai vệ và nghiêm khắc. Koócxakốp lại gần cô tiểu thư và kính cẩn mời cô ta nhảy. Thiếu nữ nhìn Koócxakốp, vẻ bối rối và hình như không biết trả lời ra sao. Người đàn ông ngồi cạnh cô ta mặt lại càng sa sầm hơn trước. Koócxakốp đang đứng đợi tiểu thư trả lời, thì cái ông to béo có chùm hoa trên ngực đã đến gần chàng, đưa chàng ra giữa phòng khiêu vũ và trịnh trọng tuyên bố: “Thưa ngài, ngài đã phạm lỗi, thứ nhất là vì đã lại gần một cô thiếu nữ mà không cuối chào ba lần theo đúng lệ, thứ hai là vì đã tự ý đến chọn tiểu thư kia, trong khi lệ đã định rằng hai trong các điệu mơ-nuy-ê thì quyền chọn bạn nhảy là của khách nữ, chứ không phải khách nam. Vì vậy, ngài phải chịu trừng phạt, ngài phải uống cạn một cốc rượu phượng hoàng lớn”
Koócxakốp càng sửng sốt. Chỉ một phút sau khách khứa đã xúm quanh đòi anh ta phải thi hành luật lệ ngay tức khắc. Piốt đang ở phòng bên nghe tiếng cười nói nhộn nhạo liền bước ra, vì nhà vua vốn rất thích tự mình tham dự vào những cuộc trừng phạt như thế này. Đám đông giạt ra hai bên để nhường lối cho nhà vua, và một lát sau ngài đã bước vào chỗ phạm nhân đang đứng; trước mặt phạm nhân là người điều khiển vũ hội tay cầm một cái cốc to tướng rót đầy rượu vang Man-va-đi. Ông ta không sao thuyết phục nổi cho tội nhân tự nguyện phục tùng pháp luật. Trông thấy Koócxakốp, vua Piốt nói: “A ha! Thế là vớ được anh chàng này rồi! Thôi xin me-xừ uống cho, mà không được nhăn mặt đấy”.
Không còn cách gì thoái thác nữa. Chàng công tử đáng thương kia đành uống một hơi cạn cốc và trả cốc lại cho người điều khiển vũ hội. Vua Piốt nói: “Này, anh Koócxakốp, quần của anh là quần nhung cơ đấy, quần áo thì đến tôi cũng không dám mặc thế mà tôi còn giàu hơn anh nhiều. Thật là hoang phí; anh coi chừng, có ngày tôi với anh lại xung khắc nhau đó”.
Nghe nhà vua nói, Koócxakốp chỉ muốn độn thổ, nhưng cứ loạng choạng suýt ngã nhoài ra, khiến cho vua Piốt và các quan khách vô cùng khoái trá. Việc vừa xảy ra không những không có phương hại gì đến tính chất nhất thống và hấp dẫn của hoạt động chính, mà còn làm cho nó sinh động thêm lên nữa. Các khách nhảy nam giới bắt đầu cộp gót giày vào nhau và cúi chào, còn nữ giới thì đánh gót giày xuống sàn một cách hăng hái hơn trước và hoàn toàn không thèm theo nhịp nữa. Koócxakốp không thể tham dự vào cuộc vui chung. Cô tiểu thư mà anh ta chọn, theo lệnh của ông bố là Gavrila Aphanaxiêvích lại gần Ibraghim, đôi mắt cụp mi xuống, và rụt rè đưa tay ra cho chàng. Ibraghim nhảy với cô một điệu mơ-nuy-ê và dẫn cô ta về chỗ ngồi. Rồi anh đi tìm Koócxakốp, dìu anh ta ra khỏi phòng, đặt anh ta lên xe và đưa về nhà. Dọc đường, lúc đầu Koócxakốp cứ luôn mồm lắp bắp: “Cái buổi dạ hội chết tiệt!… Cái cốc rượu phượng hoàng lớn chết tiệt!…” – nhưng rồi chẳng bao lâu anh ta ngủ say như chết; khi về đến nhà người ta cởi quần áo ngoài cho anh ta, đặt anh ta vào giường mà Koócxakốp cũng chẳng hề hay biết gì cả.
Sáng hôm sau anh thức dậy thì thấy đầu nhức như búa bổ; chỉ nhớ mang máng những chiếc gót giày cộp vào nhau, những cái nhún mình chào, những đám khói thuốc lá, ông béo với chùm hoa và cốc rượu phượng hoàng lớn.