Người Da Đen Của Piốt Đại Đế

CHƯƠNG 2



Sắc đẹp chẳng còn ve vuốt nổi,
Niềm vui nào cảm phục được bao,
Trí tuệ đâu còn nông nổi nữa,
Thành công ta đạt – biết nói sao…
Trăn trở khát thèm niềm vinh dự
Mãi nghe – ồn ã tiếng tăm reo!18
Đergiavin
Ngày tháng trôi qua nhưng chàng Ibraghim si tình vẫn chưa đành lòng rời bỏ người đàn bà mà chàng đã quyến rũ. Bá tước phu nhân đã ngày một thêm quyến luyến chàng. Đứa con trai của họ được nuôi nấng ở một tỉnh xa. Những lời bàn tán ra vào bắt đầu im dần, và hai người tình nhân bắt đầu được hưởng những ngày êm ả, lặng yên nhớ lại cơn bão táp đã qua và cố gắng không nghĩ đến tương lai.
Một hôm Ibraghim đang đứng ở cổng toà nhà của công tước Oóclêăng. Công tước đi ngang, thấy chàng thì dừng lại và trao cho chàng một bức thư, nói rằng chàng có thể đọc vào lúc rỗi rãi. Đó là một bức thư của Piốt Đệ Nhất gửi công tước Oóclêăng. Nhà vua đoán ra nguyên nhân thật của việc Ibraghim không muốn về, ngài viết cho công tước Oóclêăng rằng ngài không hề có ý định ép uổng Ibraghim bất cứ điều gì, ngài sẽ để cho Ibraghim tự quyết định lấy, muốn về Nga hay không là tuỳ chàng, nhưng dù có thế nào chăng nữa thì nàng vẫn không bao giờ ruồng bỏ người con nuôi của ngài. Bức thư này khiến Ibraghim cảm động đến tận đáy lòng. Từ phút đó số phận của chàng đã được định đoạt. Ngày hôm sau chàng cho quan phụ chánh biết rằng chàng sẽ lập tức trở về Nga. Công tước bảo chàng: “Anh hãy suy nghĩ cho kỹ đi. Nước Nga không phải là tổ quốc của anh; tôi chắc anh sẽ không bao giờ thấy lại nơi quê hương nồng nực của anh nữa; nhưng anh đã sống ở Pháp một thời gian rất lâu cho nên đối với khí hậu và lối sống của nước Nga bán khai kia anh cũng đã trở nên rất xa lạ. Anh sinh ra không phải thần dân của vua Piốt. Hãy nghe tôi: vua Piốt đã rộng lượng để anh tự ý quyết định như vậy thì anh nên ở lại Pháp, anh đã từng đổ máu vì nước Pháp, và xin anh tin tưởng rằng ở đây công lao và tài năng của anh cũng sẽ được đền bù xứng đáng”.
Ibraghim chân thành cảm tạ công tước, nhưng vẫn kiên trì với ý định của mình. Quan phụ chánh nói: “Thật đáng tiếc, nhưng kể ra anh làm như vậy là rất phải”. Công tước hứa giải quyết việc hồi hưu cho chàng và lập tức viết thư cho vua Nga kể hết mọi việc.
Ibraghim nhanh chóng sửa soạn lên đường. Trước ngày ra đi một hôm, Ibraghim vẫn như thường lệ đến chơi buổi tối ở nhà bá tước phu nhân D. Phu nhân không hề hay biết gì cả. Ibraghim không có đủ can đảm thổ lộ với nàng. Tối hôm ấy bá tước phu nhân rất bình thản và vui vẻ. Nàng nhiều lần gọi Ibraghim lại gần và đùa bỡn cái vẻ tư lự của chàng. Sau bữa ăn tối mọi người ra về. Trong phòng khách chỉ còn bá tước phu nhân, chồng nàng và Ibraghim. Chàng thanh niên bất hạnh ấy lúc bấy giờ có thể hy sinh mọi vật ở trên đời này để gặp riêng phu nhân một lát; nhưng bá tước hình như đã yên vị quá ư thoải mái bên cạnh lò sưởi, cho nên khó lòng có thể hy vọng đẩy bá tước ra khỏi phòng. Cả ba người cùng im lặng. Cuối cùng bá tước phu nhân nói:
– Bonne nuit (chúc ngủ ngon – tiếng Pháp).
Lòng Ibraghim thắt lại và đột nhiên chàng cảm thấy tất cả những cực hình khủng khiếp của chia ly. Chàng đứng yên. Bá tước phu nhân nhắc lại:
– Bonne nuit, messieurs (chúc các ngài ngủ ngon – tiếng Pháp)
Ibraghim vẫn không nhúc nhích… Cuối cùng mắt chàng tối sầm lại, chàng thấy chóng mặt và khó nhọc lắm chàng mới bước được ra khỏi phòng. Về đến nhà, chàng liền viết bức thư sau đây, trong một tâm trạng gần như điên dại:
“Lêônora yêu dấu, anh đi đây, anh từ biệt em vĩnh viễn. Anh viết thư cho em, bởi vì anh không thể có đủ sức để bày giải cùng em bằng cách khác.
Hạnh phúc của anh không thể tiếp tục được nữa. Anh đã được hưởng nó, bất chấp số phận, bất chấp tạo hoá. Thế nào rồi em cũng có ngày sẽ không còn yêu anh nữa; tình say đắm khi rồi có ngày sẽ mất. Ý nghĩ này luôn bám theo anh, ngay cả trong những giây phút mà hình như anh đã quên hết, khi bên chân em anh say sưa uống lấy sự hy sinh cuồng nhiệt của em, nguồn ái ân không bao giờ cạn của em… Thế gian nhẹ dạ lắm, những việc gì mà trên lý thuyết nó chấp nhận, thì trên thực tế nó lại xua đuổi không thương tiếc: không chóng thì chầy, những lời nhạo báng tàn nhẫn của thế gian cũng sẽ thắng được em, sẽ khuất phục được tâm hồn nồng nhiệt của em và cuối cùng rồi em sẽ cảm thấy hổ thẹn về tình yêu say đắm của em… Bấy giờ anh sẽ ra sao? Không! Thà chết, thà từ biệt em trước phút khủng khiếp ấy…
Sự yên tĩnh của em đối với anh quý giá hơn tất cả: em không thể hưởng nó, một khi mà mắt thế gian đang đổ dồn vào chúng ta. Xin em nhớ lại tất cả những gì em phải chịu đựng, tất cả những gì đã xúc phạm đến lòng tự ái của em, tất cả những cực hình của lo sợ; xin em nhớ lại giờ phút ra đời bi đát của con trai chúng ta. Em thử nghĩ xem: lẽ nào anh cứ bắt em chịu mãi những giờ phút kinh hoàng và nguy hiểm ấy? Tại sao cứ cố ràng buộc cuộc đời của một giai nhân dịu dàng, kiều diễm như thế với số phận hẩm hiu của một gã da đen, một tạo vật thấp hèn, vị tất đã xứng đáng với danh hiệu một con người?
Tha thứ cho anh nhé, Lêônora, người bạn đáng yêu, người bạn duy nhất của anh. Từ biệt em là từ biệt những niềm vui đầu tiên và cuối cùng của đời anh. Anh không có tổ quốc, cũng không có người thân thuộc. Anh trở về nước Nga buồn tẻ, ở đấy nỗi cô đơn hoàn toàn sẽ là nguồn an ủi đối với anh. Những công việc khắc khổ mà từ nay anh sẽ làm, nếu không dập tắt được thì ít ra cũng giúp anh khuây khoả những nỗi niềm đau khổ về những ngày hạnh phúc hoan lạc bên em… Lêônora, tha thứ cho anh nhé, anh bứt ra khỏi bức thư này như bứt ra khỏi đôi cánh tay mềm dịu của em; em tha thứ cho anh, anh xin cầu mong cho em được hạnh phúc – xin em thỉnh thoảng nghĩ đến gã da đen đáng thương, đến Ibraghim trung thành của em”.
Ngay đêm ấy chàng lên đường đi sang Nga.
Ibraghim thấy cuộc hành trình không đến nỗi khủng khiếp như chàng tưởng. Trí tưởng tượng đã thắng cõi thực tế. Chàng càng đi xa Pari thì những gì chàng giã từ vĩnh viễn lại hiện rõ ra trước mắt chàng, sinh động, gần gũi hơn bao giờ hết.
Thấm thoát Ibraghim đã đến biên giới Nga. Mùa thu đã đến. Nhưng mấy anh xà ích, mặc dù đường xấu vẫn đưa chàng đi nhanh như gió và ngày thứ mười bảy của cuộc hành trình, và một buổi sớm, xe chàng đã về đến Kraxnôiê Xêlô19, một làng ở bên đường thiên lý hồi bấy giờ.
Từ đấy đến Pêterburg còn hai mươi tám véc-xta (đơn vị đo chiều dài cũ ở Nga, bằng 1,067 ki-lô-mét). Trong khi những người xà ích thắng ngựa, Ibraghim vào trạm. Một người cao lớn mặc áo ca-phơ-tan màu xanh lá cây đang ngồi trong góc, mồm ngậm một cái tẩu thuốc bằng đất nung, khuỷu tay chống lên bàn, chăm chú đọc mấy tờ báo ở Hămbua gửi đến. Nghe có tiếng người bước vào, người đó ngẩng đầu lên. Trông thấy Ibraghim, người ấy vụt đứng dậy, kêu to:
– A! Ibraghim đấy à? Chào con!
Ibraghim nhận ra vua Piốt, mừng quá, toan chồm lại ôm chầm lấy, nhưng nửa chừng sực nhớ lễ vua tôi, liền kính cẩn dừng lại. Nhà vua lại gần Ibraghim, ôm lấy chàng và hôn lên đầu chàng. Vua Piốt nói:
– Ta nghe bảo có con về, nên ra đây đón con. Ta đợi con ở đây từ hôm qua.
Ibraghim không biết nói gì để tỏ lòng biết ơn nữa. Nhà vua nói tiếp:
– Con bảo họ đánh chiếc xe của con theo sau; còn con thì cùng ngồi xe với ta về.
Chiếc xe ngựa của nhà vua đã đánh ra. Piốt và Ibraghim lên xe. Chiếc xe chuyển bánh. Một giờ rưỡi sau họ vào địa phận kinh thành Pêterburg. Ibraghim tò mò ngắm cảnh kinh kỳ mới xây dựng đang vươn lên cao tự cánh đồng lầy, tuân theo ý muốn của nhà vua quyền lực tối thượng. Những con đê trần trụi, những con sông đào chưa xây bờ, những chiếc cầu gỗ nhan nhản ở khắp nơi đánh dấu cuộc chiến tranh giữa ý chí của con người với thiên nhiên diễn ra cách đây không lâu, trong đó con người đã chiếm phần thắng. Nhà cửa có vẻ như được dựng lên một cách hối hả vội vàng. Trong khắp thành phố không thấy có gì tráng lệ ngoài con sông Nêva, bấy giờ chưa xây bằng bờ đá hoa cương, nhưng đã chật ních những thuyền chiến và thuyền buôn.
Cỗ xe ngựa của nhà vua dừng lại trước mặt một toà lâu đài gọi là Cung điện vườn Txaritxưn. Trên thềm có một người thiếu phụ tuổi chừng ba mươi lăm ra đón vua Piốt. Bà ta rất đẹp, ăn mặt theo thời trang mới nhất ở Pari. Piốt ôm hôn vào môi bà ta và cầm tay Ibraghim nói:
– Êkatêrina20, có nhận ra cậu con đỡ đầu của ta không? Ta xin mình yêu thương cậu ta như cũ.
Êkatêrina đưa đôi mắt đen và sắc nhìn Ibraghim và niềm nở đưa bàn tay cho chàng hôn. Hai cô thiếu nữ trẻ măng, người cao dong dỏng, tươi như hai đoá hoa hồng, đứng sau lưng hoàng hậu và kính cẩn bước lại gần vua Piốt. Nhà vua nói với một trong hai nàng công chúa :
– Lidavêta, con có nhớ chú bé da đen ăn cắp táo của ta cho con ở Ôranhiênbaum21 không? Đây, chính là chú ta, cha xin giới thiệu.
Công chúa Lidavêta bật cười và đỏ mặt. Họ vào phòng ăn. Bàn ăn đã dọn sẵn chờ nhà vua về. Vua Piốt cùng cả nhà ngồi ăn bữa trưa, mời cả Ibraghim cùng ăn. Nhà vua nói chuyện hàn huyên với Ibraghim, hỏi chàng về cuộc chiến tranh Tây Ban Nha, về công việc nội trị của nước Pháp, về quan phụ chánh, là người mà Piốt rất mến, mặc dù có nhiều điểm nhà vua vẫn chê trách. Ibraghim vốn có sẵn trí tuệ chính xác và biết quan sát đúng. Piốt rất hài lòng với những câu trả lời của chàng: Ngài nhắc lại tính cách trong thời thơ ấu của Ibraghim và kể chuyện vui vẻ, hồn nhiên đến nỗi không ai có thể ngờ rằng ông chủ nhà hiền hậu và mến khách này lại là vị anh hùng của trận Pôntava22, vị vua quyền lực vô song và cũng vô cùng hung bạo đang cải tạo toàn thể nước Nga.
Sau bữa ăn trưa, theo phong tục Nga, nhà vua đi nghỉ. Ibraghim ngồi lại với hoàng hậu và hai nàng công chúa. Chàng cố gắng làm thoả mãn trí tò mò của họ, miêu tả lối sinh hoạt ở Pari, những ngày hội và những thị hiếu thời thượng ở đây. Trong khi đó một số thân cận của nhà vua lục tục vào cung. Ibraghim nhận ra công tước Mensikốp23, một người rất oai vệ. Trong thấy Ibraghim đang ngồi nói chuyện với hoàng hậu Êkatêrina, Mensikốp kiêu hãnh đưa mắt liếc nhìn chàng. Ibraghim còn nhận ra công tước Đôngôruki24 một quan cố vấn rất nghiệt ngã của Piốt, nhà bác học Bruýt25, một người mà trong dân gian người ta thường gọi là Phaoxtơ26 của người Nga, chàng Ragudinxki27 trẻ tuổi, trước kia là bạn học của Ibraghim và nhiều người khác nữa, đến tâu trình và đợi lệnh của nhà vua.
Hai giờ sau vua Piốt ra. Ngài bảo Ibraghim:
– Để xem anh chàng này có quên mất công việc ngày trước không nào. Cầm lấy cái bảng đá và theo ta.
Vua Piốt vào phòng làm việc, đóng kín cửa lại vào bắt tay vào các công việc trị quốc. Nhà vua lần lượt giải quyết công việc với Bruýt, với công tước Đôngôruki, với viên tướng cảnh sát trưởng Đêviê28 và đọc cho Ibraghim chép một vài sắc lệnh và quyết nghị. Ibraghim không khỏi kinh ngạc về trí tuệ thông minh vững chắc và mau lẹ của nhà vua, sức tập trung mạnh mẽ và uyển chuyển cũng như khả năng bao quát nhiều mặt hoạt động của ngài. Giải quyết xong các công việc, Piốt rút quyển sổ tay ra soát lại xem tất cả những việc dự định cho ngày hôm nay đã làm tròn chưa. Sau đó nhà vua ra khỏi phòng làm việc và bảo Ibraghim:
– Muộn rồi, ta chắc con mệt rồi đấy: con cứ ngủ lại đây như ngày xưa. Mai ta sẽ thức con dậy.
Ibraghim ngồi lại một mình, bàng hoàng như trong một cơn mê. Thế là chàng đã trở về Pêterburg, chàng lại được thấy các bậc vĩ nhân đã sống cạnh chàng suốt thời thơ ấu: nào hồi ấy chàng đã biết giá trị của người ấy đâu? Trong thâm tâm Ibraghim thấy có một cái gì như lòng hối hận: đây là lần đầu tiên sau khi chia tay, bá tước phu nhân D. không còn là suy nghĩ duy nhất của chàng trong suốt một ngày. Ibraghim thấy rằng cuộc sống mới đang chờ đợi chàng với những công việc bận rộn của nó sẽ có thể làm sống lại tâm hồn chàng vốn đã mệt mỏi vì những dục vọng, vì cuộc sống nhàn tản và nỗi sầu thầm kín. Nghĩ rằng nay mình là phụ tá của một vĩ nhân, được cùng người ấy đổi thay vận mệnh của một dân tộc vĩ đại, lần đầu tiên chàng cảm thấy có một cảm giác tự hào cao cả. Lòng tràn ngập với những ý nghĩ đó, Ibraghim nằm xuống chiếc giường nhỏ dùng khi hành quân đã được dọn sẵn cho chàng, và khi chàng thiếp đi, giấc mơ quen thuộc lại đưa chàng trở lại thành Pari xa xăm, trong cánh tay ôm ấp của bá tước phu nhân dịu dàng xinh đẹp.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.