Những Đứa Con Của Thuyền Trưởng Grant

CHƯƠNG 4: ĐỀ NGHỊ CỦA HUÂN TƯỚC PHU NHÂN GLENARVAN



Trong câu chuyện với các con của thuyền trưởng Grant, huân tước phu nhân Helena không đả động gì đến những điều lo ngại mà huân tước Glenarvan đã viết trong thư có liên quan đến câu trả lời của bộ tư lệnh hải quân về đề nghị của ông. Helena cũng không hé lời nào về việc thuyền trưởng Grant có thể đã bị những người da đỏ Nam Mỹ bắt giữ. Ai nỡ làm cho những đứa trẻ tội nghiệp ấy thêm đau khổ và dập tắt tia hy vọng vừa loé sáng trước mặt chúng làm gì! Mà điều ấy cũng hoàn toàn không làm thay đổi được sự việc… Và, vì vậy, huân tước phu nhân Helena, sau khi trả lời tất cả những câu hỏi của cô Grant, đến lượt mình, đã hỏi thăm sức khoẻ cô như thế nào, một mình nuôi nấng đứa em trai ra sao.
Câu chuyện đơn giản và cảm động của cô càng làm tăng thêm mối cảm tình của huân tước phu nhân đối với cô.
Mary và Robert là những đứa con duy nhất của thuyền trưởng Grant. Vợ của ông đã qua đời khi sinh Robert. Trong thời gian những chuyến đi xa ông đã giao con mình cho người chị họ tốt bụng chăm sóc. Thuyền trưởng Grant là một thuỷ thủ dũng cảm kết hợp được những phẩm chất của một nhà hàng hải và một thương gia, điều rất quý giá đối với thuyền trưởng của một đội tàu buôn. Ông đã sống ở Scotland, tại thị trấn Dundee huyện Perth và là người gốc Scotland. Cha của ông, một linh mục nhà thờ Sainte-katrine, đã lo cho ông được học hành đến nơi đến chốn. Ông cho rằng điều ấy không có hại gì cho ai, và thậm chí còn có lợi đối với một người thuyền trưởng đi xa.
Trong những chuyến viễn dương đầu tiên, Harry Grant, thoạt đầu làm phó thuyền trưởng, sau đó làm thuyền trưởng. Công việc của ông thuận buồm xuôi gió và, sau khi sinh đứa con trai được mấy năm, ông đã có được một cơ ngơi nho nhỏ.
Và chính khi đó, trong ông đã nảy sinh ý nghĩ khiến ông trở thành người lừng tiếng khắp cả Scotland. Giống như dòng họ Glenarvan và một vài dòng họ Scotland danh tiếng khác, trong thâm tâm, ông không chấp nhận chính quyền của nước Anh. Theo quan điểm của ông, thì những lợi ích của tổ quốc ông không thể phù hợp với những lợi ích của người Anh, và ông đã quyết định thành lập vùng di dân Scotland lớn trên một hòn đảo ở Thái Bình Dương. Có thể là bằng cách nào đó ông đã tiết lộ những hy vọng thầm kín của mình. Dẫu sao thì chính phủ Anh cũng đã từ chối việc giúp đỡ thực hiện dự án của ông. Hơn thế nữa: chính phủ đã gây ra cho thuyền trưởng Grant đủ mọi cản trở. Nhưng Harry Grant không chịu khuất phục: ông đã kêu gọi lòng yêu nước của đồng bào ông, đã hy sinh tài sản của mình, bán đi lấy tiền đóng chiếc tàu “Britania” và sau khi tuyển chọn một đoàn thuỷ thủ tài giỏi, ông đã cùng họ đi nghiên cứu những hòn đảo lớn trên Thái Bình Dương. Còn các con của mình, ông gửi lại cho người chị họ già trông nam. Đó là vào năm 1861. Trong suốt một năm, cho đến tận tháng 5 năm 1862, ông vẫn thường xuyên có tin tức. Nhưng từ khi ông rời cảng Collao tháng 6 năm 1862 thì không ai biết tin gì về tàu “Britania” nữa. Cả tờ “Gazette Maritime” (báo Hàng Hải) cũng im hơi lặng tiếng về số phận của thuyền trưởng Grant.
Người chị họ già của Harry Grant đột ngột qua đời, thế là các con ông sống trơ trọi bơ vơ. Mary Grant mới 14 tuổi đầu, nhưng đã là cô bé dũng cảm. Bị lâm vào tình trạng vất vả như vậy, cô không ngã lòng, vẫn toàn tâm, toàn ý nuôi nấng, dạy dỗ đứa em trai đang còn hoàn toàn trẻ con. Cô bé biết lo xa, thận trọng, tiết kiệm, suốt ngày đêm quên mình làm việc vì em, giáo dục em và kiên trì đảm nhận phận sự của người mẹ.
Hai đứa nhỏ đã sống ở Dundee, quyết tâm vật lộn với thiếu thốn. Mary chỉ nghĩ đến em trai và ước mơ tương lai hạnh phúc cho em. Cô bé tội nghiệp đinh ninh rằng tàu “Britania” đã bị đắm và cha không còn nữa. Không sao diễn tả nổi sự hồi hộp của Mary khi cô tình cờ đọc được thông báo trên tờ “Times” (Thời báo). Lời thông báo ấy đã đưa cô thoát ra khỏi nỗi thất vọng mà bấy lâu nay cô đã phải chịu đựng. Cô quyết định hành động ngay. Dù cho thân thể của cha cô được tìm thấy ở nơi hoang vu nào đó, lẫn trong sắt thép vụn của chiếc tàu bị nạn, thì như thế vẫn còn hơn là phải suốt đời nghi hoặc, đau khổ vì không biết tin tức gì cả.
Cô đã kể hết với em trai. Ngày hôm ấy, hai đứa con của thuyền trưởng Grant, lên tàu hoả đi Perth và chiều tối đã đến Malcolm Castle, và ở đây, sau biết bao nỗi đau khổ về tinh thần, Mary đã lấy lại được niềm hy vọng.
Và đây, Mary Grant đã kể cho huân tước phu nhân Glenarvan nghe câu chuyện buồn thảm ấy. Cô đã kể hết mọi điều một cách đơn giản, không chút gì tỏ ra mình đã vượt qua những năm tháng đằng đẵng đầy thử thách đó như một người anh hùng. Nhưng đối với Helena thì điều ấy lại rõ ràng và, khi nghe Mary kể, Helena đã khóc và ôm hôn cả hai đứa con của thuyền trưởng Grant.
Robert đã cảm thấy như đến bây giờ mới được biết tất cả những điều ấy. Chú giương to cặp mắt nghe chị kể. Lần đầu tiên chú hiểu cặn kẽ rằng vì chú mà chị đã làm biết bao nhiêu điều, chịu đựng biết bao cơ cực, và cuối cùng, không thể cầm được nữa, chú đã lao đến ôm ghì lấy chị.
– Mẹ ơi! Mẹ yêu quý của con! – Chú thốt lên đầy xúc động.
Chuyện còn dài, nhưng trời đã khuya, huân tước phu nhân Helena biết những đứa trẻ đã mệt, nên quyết định ngưng lại. Mary và Robert được dẫn vào các phòng dành cho chúng và chúng ngủ thiếp đi với niềm hy vọng vào tương lai.
Sau khi những đứa trẻ ra khỏi phòng, huân tước phu nhân Helena cho mời thiếu tá lên và kể cho ông nghe tất cả những gì đã xảy ra trong buổi tối ấy.
– Cô gái Mary Grant thật đáng yêu! – Mac Nabbs nhận xét sau khi nghe huân tước phu nhân Helena kể.
– Chỉ mong sao cho nhà tôi lo xong được việc ấy. – Helena nói, nếu không thì tình cảnh của hai đứa bé này sẽ hết sức gay go!
– Huân tước Glenarvan sẽ đạt được điều mong muốn, – Mac Nabbs nhận xét. – Các ngài huân tước ở bộ tư lệnh hải quân ấy đâu phải tim sắt đá nào!
Nhưng mặc dù thiếu tá tin như vậy, huân tước phu nhân vẫn trải qua một đêm trằn trọc mất ngủ.
Hôm sau, khi Mary và Robert vừa thức giấc lúc trời rạng sáng, đang dạo chơi trên sân rộng trong lâu đài, bỗng có tiếng xe ngựa ồn ào tiến lại gần. Đó là huân tước Glenarvan trở về Malcolm Castle. Bầy ngựa phóng hết tốc lực…
Gần như đúng lúc chiếc xe ngựa đỗ ở sân, Helena, có thiếu tá đi cùng, đã kịp lao ra đón chồng.
Vẻ mặt huân tước thất vọng. Ông lặng lẽ ôm hôn vợ.
– Thế nào rồi, anh Edward? – Helena hỏi.
– Bọn người ấy nhẫn tâm lắm, em thân yêu ạ! – Huân tước Glenarvan trả lời.
– Họ từ chối?
– Ừ, họ đã khước từ yêu cầu của chúng ta phái tàu đi tìm. Họ nhắc lại chuyện trước đây đã tốn hàng triệu đồng phí tổn vô ích vào việc tìm kiếm Franklin! Họ tuyên bố rằng bức thư tối nghĩa, khó hiểu. Họ nói rằng tai nạn xảy ra với những người bất hạnh ấy cách đây hai năm rồi, bây giờ rất ít cơ hội tìm thấy họ. Họ quả quyết rằng những người gặp nạn đã bị những người da đỏ bắt làm tù binh, tất nhiên là đã bị đưa sâu vào đất liền và không nên đi khắp đất nước Patagonia để tìm ba người, lại là ba người Scotland! Họ còn nói những cuộc tìm kiếm mạo hiểm vô ích này sẽ làm hại nhiều người hơn là cứu ba người. Tóm lại, họ đã dẫn ra đủ mọi kết luận có thể để khước từ. Họ đã nhắc đến những dự án của thuyền trưởng và nói rằng Grant đã chết không bao giờ trở về được nữa!
– Ôi, cha tội nghiệp của con! – Mary Grant kêu lên và quỳ xuống trước mặt Glenarvan.
– Cha của cô ư? – Huân tước Glenarvan hỏi, ngạc nhiên nhìn cô gái đang phục dưới chân mình. Không lẽ… cô là…
– Đúng đấy, anh Edward ạ, – Helena xen vào, – cô Mary và em trai Robert là con của thuyền trưởng Grant, đấy là những đứa trẻ mà các ngài ở bộ tư lệnh hải quân vừa mới buộc phải chịu cảnh côi cút.
– Chà, cô là… – huân tước Glenarvan nói, đỡ cô gái đứng dậy, – nếu tôi biết cô ở đây thì…
– Huân tước không nói hết câu. Sự im lặng nặng nề bao trùm lên sân lâu đài, không ai nói câu nào… cả huân tước và huân tước phu nhân Helena, lẫn thiếu tá và những người hầu đứng yên chung quanh chủ của họ. Rõ ràng là tất cả những người Scotland này đều căm phẫn chính phủ Anh.
Mấy phút sau, thiếu tá hỏi huân tước Glenarvan:
– Thế là chúng ta không còn hy vọng gì?
– Không còn gì!
– Biết làm sao bây giờ! Đã vậy thì cháu sẽ đi gặp các ngài ấy! – Chú bé Robert kêu lên. – Rồi xem sẽ ra sao…
Cô chị không cho em nói hết lời, nhưng bàn tay nắm chặt của chú bé chứng tỏ chú không dễ dàng chịu khuất phục.
– Không, Robert, không! – Mary Grant nói. – Chúng ta hãy cảm ơn ông bà chủ lâu đài yêu quý về tất cả những gì đã dành cho chúng ta. Chúng ta sẽ suốt đời không quên điều đó. Rồi chúng ta sẽ ra đi.
– Mary! Huân tước phu nhân Helena kêu lên.
– Cô định làm gì? – Huân tước Glenarvan hỏi cô gái.
– Cháu muốn phục dưới chân nữ hoàng, – cô gái trả lời, – và xem bà ta có để tai nghe lời cầu khẩn cứu giúp của hai đứa trẻ không?
Huân tước Glenarvan lắc đầu; không phải vì ông nghi ngờ lòng tốt của nữ hoàng, mà vì ông hiểu rằng Mary Grant không thể gặp được bà.
Những lời cầu khẩn ít khi đến được các bậc ngai vàng, vì trên các cửa cung điện nhà vua dường như thường viết những chữ mà người Anh hay để bên cạnh tay lái tàu thuỷ: “Passengers are required not to speak to the man at the wheel” (yêu cầu hành khách không nói chuyện với người lái).
Huân tước phu nhân Helena hiểu ý chồng. Nàng biết rằng ý định của cô gái sẽ phải kết thúc chẳng ra gì. Đối với nàng rõ ràng là từ nay cuộc sống của hai đứa bé này sẽ hoàn toàn thất vọng. Và ngay lúc ấy nàng thoáng nảy ra một ý nghĩ cao thượng và vĩ đại…
– Mary Grant! – Helena kêu lên – Khoan đã, đừng đi cháu. Hãy nghe lời tôi đây.
Huân tước phu nhân hồi hộp, rưng rưng nước mắt nói với chồng.
– Anh Edward! Thuyền trưởng Grant khi bỏ thư xuống biển đã phó thác số phận mình cho ai nhận được thư. Thư ấy đã lọt vào tay chúng ta…
– Em muốn nói gì vậy, Helena? – huân tước Glenarvan hỏi.
Mọi người xung quanh đều im lặng.
– Em muốn nói rằng, – Helena tiếp lời, – bắt đầu cuộc sống vợ chồng bằng một việc thiện là một điều hạnh phúc lớn lao! Chính anh đó, anh Edward thân yêu, để làm cho em vui thú, anh đã dự định một chuyến viễn du giải trí. Nhưng liệu có thể thấy vui thú thật không, và có ích lợi hơn việc cứu những người bất hạnh mà tổ quốc đã khước từ giúp họ không?
– Helena! – Glenarvan kêu lên.
– Vâng, anh đã hiểu em, anh Edward. “Duncan” là một chiếc tàu tốt, chắc chắn. Nó có thể dũng cảm bơi đến các biển miền Nam, có thể thực hiện được cuộc du lịch vòng quanh thế giời và nó sẽ hoàn thành việc đó nếu cần phải như thế! Hãy lên đường đi, anh Edward! Chúng ta sẽ đi tìm thuyền trưởng Grant.
Sau khi nghe những lời nói kiên quyết ấy của người vợ trẻ, huân tước Glenarvan đã ôm hôn vợ đằm thắm; trong khi đó Mary và Robert hôn tới tấp vào tay nàng, còn những người đầy tớ trong lâu đài thì xúc động và khâm phục trước cảnh tượng ấy, thành tâm hô to:
– Hoan hô! Bà chủ làng Luss muôn năm!
– Hoan hô ông bà huân tước Glenarvan!

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.