Tình sử Võ Tắc Thiên
Hồi 19: Định luật bất di dịch
Dường như có một định luật bất di dịch trong sinh hoạt của loài người, là những sự hỗn độn phải trở lại trật tự. Những việc khác thường phải trở lại bình thường, cũng như biển cả phải trở lại êm đềm sau những cơn bão tố, sự quân bình của muôn vật phải được duy trì. Có một sức mạnh huyền bí làm luân chuyển bánh xe số mạng để rồi những kẻ làm ác sẽ gặp ác và công lí cuối cũng sẽ thắng.
Chắc hẳn bàn tay vô hình của Thái Tôn đã làm xoay chuyển các biến cố và đáng kể hơn nữa, bàn tay của Thượng Đế đã lấy lại được thăng bằng giữa âm và dương, để duy trì sự tiến hóa của vũ trụ và nhân loại. Như Lão Tử đó nói, không có trận bão nào kéo dài mãi. Bệnh dịch không thể giết hết nhân loại; giàu quá sẽ có lúc khánh tận; độc tài quá sẽ tự tiêu diệt.
Đây không phải là triết lí suông, mà là giải thích những sự kiện vay trả sau này, khi các hung thần lần lượt đền tội bởi chính các thủ đoạn của chúng và những người tốt thoát chết một cách kì diệu. Chắc chắn có một bàn tay màu nhiệm đâu đây!
Mặc dầu đầy mưu thần chước quỷ, Thừa Tự và họ Lại luôn luôn bị những vố cay bởi tay Địch Nhân Kiệt, Ngụy Viễn Chung và Hứa Ngọc Cung.
Ba người này dần dần làm chủ tình thế. Các đại thần nhất trí tin tưởng, sự can đảm đã trở về với họ.
Một vị phó Đô Ngự Sử thà chết chứ không chịu tuân lệnh Võ Hậu rời kinh đô. Một pháp quan khác thà mất chức chứ không chịu nghe lời Võ Hậu kết án một người vô tội. Trong khi đó sự ham mê sắc dục của Võ Hậu – bà tuyển đàn ông đi làm cung phi – là nguyên nhân thúc đẩy quần thần đoàn kết lại để khôi phục đế nghiệp nhà Đường.
Quyền hành đẻ ra tật xấu.
Võ Hậu không thoát khỏi công lệ này. Khi được uy quyền, Võ Hậu bắt đầu đắm mình trong thú vui xác thịt đến độ bà giữ anh em họ Trương trong khuê phòng để ngày đêm ân ái.
Một lần nữa Võ Hậu chứng minh cho ta thấy dù là người cương quyết siêu phàm – như bà thường thường tự nhận – cũng vẫn phải chạy theo tiếng gọi của xác thịt.
Lẽ tự nhiên khi đã đạt được tham vọng. Võ Hậu phải dừng lại để hưởng thụ, và bọn tham quan bắt đầu ganh ghét, triệt hạ lẫn nhau.
Tuy Võ Hậu điên cuồng chạy theo quyền thế và các mục tiêu vị kỉ, bà vẫn luôn luôn là một người sáng suốt, trầm tĩnh, tinh tế và cương nghị. Lại có một điểm đáng thương nơi bà, là trong mười năm cuối cùng của tuổi già bà đã tỏ ra là một người độ lượng.
Bà ngưng tàn sát và triệu hồi các hiền thần. Đáng lẽ bà có thể trở nên một nhà cai trị lỗi lạc hơn hẳn một số Hoàng đế khác, nếu bà không phải bận tâm đối phó với đám người chống đối. Bà luôn luôn nắm vững được việc làm của bà. Khi bà đoạt được mục tiêu tối hậu và cảm thấy những hung thần giết người như Sở, Lại, Châu không còn cần thiết nữa. Bà sẵn sàng loại bỏ chúng, trọng dụng những hiền thần mà trước đây bà buộc lòng phải bãi chức và đày đi xa. Những hành vi sáng suốt này tuy đáng phục nhưng không xóa bỏ được hết những dấu tích tàn ác của bà.
Hầu hết các chính trị gia nửa mùa đã giúp Võ Hậu lên ngôi đều chết trong vòng một năm, trừ những người cháu của bà.
Chẳng hạn như họ Phó, người đã dẫn phái đoàn dân chúng đến hoàng cung yêu cầu thay đổi triều đại, đã bị giết vì tham nhũng, đúng một năm sau khi Võ Hậu lên ngôi.
Hung thần họ Sở bị ghép vào tội cưỡng đoạt và bị đem ra xét xử. Gã từng bắt người phải cung khai, bây giờ đến lượt người bắt gã phải cung khai. Khi gã chối tội, vi quan tòa nói:
– Được lắm. Mi sẽ được nếm mùi đai sắt do chính mi sáng chế ra. Họ Sở lạnh mình khi nghĩ đến chiếc đai sắt xiết vào sọ gã làm xương nứt ra. Gã lập tức nhận tội và ít lâu chết trong tù.
Nhưng điều làm cho mọi người mừng nhất là cái chết của hung thần họ Châu. Chuyện hắn chết được kể đi kể lại nhiều lần khiến một câu nói trong chuyện đã trở nên một thành ngữ thông dụng trong ngôn ngữ hàng ngày.
Mời bạn hãy bước vào chuyên ấy là chuyện hung thần nọ giết hung thần kia.
Họ Lại rất ganh ghét họ Châu vì Châu đã được phong làm Phó Thừa Tướng. Lại cho người bỏ thư vu cáo Châu. Sau đó Lại vào gặp riêng Võ Hậu và được mật lệnh thanh toán Châu.
Lại mời Châu đến nhà ăn tiệc, Châu nhận lời và không nghi ngờ gì hết.
Đang ăn uống, Lại bỗng hỏi:
– Tôi đang gặp một việc rất khó, làm cách nào tội nhân cũng không khai. Gã cứng đầu không biết phải làm sao?
Châu trả lời ngay:
– Tưởng gì chứ việc đó đâu khó. Ngài hãy bỏ tội nhân vào một chiếc chum đất rồi đốt lửa xung quanh. Tôi cá với ngài là trước khi tội nhân bị quay chín, y sẽ lạy van xin tha và cung khai tất cả những gì ngài muốn.
Mắt Lại sáng lên:
– Ý kiến của ngài hay tuyệt! Hiện có sẵn tội nhân ở đây, chúng ta thử xem sao!
Một chiếc chum được mang vô và lửa được đốt lên.
Lại hỏi:
– Như vậy đã đủ nóng chưa?
Vẫn vô tình Châu trả lời:
– Nóng lắm rồi đó. Cho đem tội nhân vào đi.
Vẻ mặt Lại bỗng biến đổi. Gã rút trong tay áo một chiếu chỉ của Võ Hậu và đọc cho Châu nghe. Sau đó gã kết luận:
– Bây giờ mời bạn hãy bước vào chum.
Châu tái mặt, bủn rủn tay chân, vội quỳ xuống vập đầu xin tha.
Bản thú tội của y được dâng lên Võ Hậu. Nghĩ đến công trạng của y, Võ Hậu không nỡ giết, chỉ đày y về phương Nam. Trên đường đi đày, y bị giết bởi một người có thân quyến đã từng chết trong tay y.
Sau cái chết của họ Châu, bọn mù chữ làm quan kể như tan rã. Chỉ còn lại mình họ Lại. Dưới sự che chở của Thừa Tự, gã trở nên hung thần số một của mọi người. Tuy Võ Hậu đã đạt được mục đích và không cần đến gã nữa, nhưng Thừa Tự vẫn phải trông cậy vào sự giúp đỡ của gã.
Võ thừa Tự là cháu lớn nhất của Võ Hậu. Hắn thường tin tưởng rằng khi Võ Hậu lên ngôi, hắn sẽ là người kế nghiệp. Nhưng thực Đán vẫn là Thái tử. Hắn quyết định phải hành động tích cực hơn nữa. Với sự tiếp tay của họ Lại, hắn đã loại trừ được nhiều Đại thần không ưa hắn. Giờ đây đối thủ lợi hại nhất của hắn là Địch Nhân Kiệt.
Công tác mới của họ Lại là giết ông.
Số phận nhà Đường bị dứt hẳn hay không tùy thuộc vào sự còn mất của những người như Địch Nhân Kiệt.
Chính họ Địch cũng biết như vậy và ông rất thận trọng.
Ông biết lúc nào nên nói và lúc nào nên yên lặng. Trong thời kì khủng bố, ông rất phẫn nộ nhưng ông không nói gì. Ông có thừa can đảm để bênh vực những người vô tội, chống lại bọn hung thần hiếu sát, nhưng ông không muốn chết uổng. Ông tự nhủ, muốn thành công phải kiên nhẫn chờ thời và phải có kế hoạch chu đáo.
Theo Địch Nhân Kiệt nhận xét, muốn đánh đổ triều đại mới và phục hồi nhà Đường, cần phải có một nhóm người tài ba, can đảm nắm những chức vụ chiến lược then chốt. Thêm vào đó phải tạo một bầu không khí chính trị mới để nâng cao tinh thần bá quan văn võ.
Rốt cuộc, Võ Hậu đã gặp đối thủ lợi hại nhất trong đời bà.
Nhân Kiệt không hoạt động lẻ loi. Bên cạnh ông còn có Trương Giản Chi, về sau làm quan đầu trào thay thế Nhân Kiệt và các bạn thân khác.
Hồi Cao Tôn mới chết, Triết và Đán bị cầm tù, Giản Chi làm Tiết Đạt Sứ tại Kinh Châu bên dòng Dương Tử. Ông cùng một người bạn là Dương Viễn Yến bơi thuyền ra giữa sông để luận bàn thế sự.
Hai người đều tức giận trước những hành vi của Võ Hậu. Thế rồi dưới ánh trăng mờ hai người đã thề nguyền nếu có dịp sẽ đánh đuổi kẻ soán nghịch và dành lại ngai vàng cho con cháu của Thái Tôn.
Trong suốt thời kì khủng bố, họ phải nhắm mắt nuốt hận, nhưng thâm tâm họ vẫn luôn luôn hướng về lời thề trên sông.
Nhân Kiệt đã sáu mươi tuổi. Hai mươi năm trước dưới thời Cao Tôn ông từng làm Pháp quan trong Đại Lý viện. Ông nổi tiếng là một vị quan có tài xử án thâm sau. Ông thường ăn mặc như thường dân, đích thân đi điều tra các vụ án. Mọi người đều kinh ngạc khi thấy ông điều tra ra những vụ bí mật nhất không ai khám phá nổi. Người ta kể rằng ông được giao trọng trách xét lại mười bảy ngàn vụ nghi án trên toàn quốc.
Kết quả ông đã cứu được rất nhiều người vô tội. Chuyện này có vẻ hơi thêu dệt, nhưng cũng cho ta thấy tài năng và hùng tâm của ông là sự thật.
Nhân Kiệt không thích Phật giáo, nhất là lối hành đạo tu vi của bọn thầy tu chức trọng quyền cao, không biết khổ hạnh là gì.
Nói đúng hơn, ông không thích tất cả các trò mê tín dị đoan. Có lần đi thanh tra tại bộ Công, ông đã cho đóng cửa một ngàn bảy trăm đền thờ tại các tỉnh vì các đền thờ này thiên về tà thuật và các hoạt động vô luân.
Nhân Kiệt đã lần lượt giữ các chức vụ Trưởng quan Ninh Châu Cam Túc, Phó Thượng thư bộ Công và Phó Thừa tướng.
Sau cuộc nổi loạn của các Vương tước nhà Đường, ông được cử đi Sơn Đông để điều tra nội vụ. Hồi đó ông giữ chức Phó Thừa tướng. Khi đến nơi, ông thấy khoảng sáu bảy trăm người đang bị giam vì tội đồng lõa. Ông rất hiểu tình cảnh của họ. Có nhiều người bị bắt buộc phải tiếp tay với kẻ phiến loạn. Ông không chịu ghép họ vào tội tử hình như lời đề nghị của viên võ quan tại địa phương. Ngoài ra ông còn khiển trách y về ý định giết tù hàng binh để nâng số địch bị giết trong các bản báo cáo.
Ông nói:
– Ta mà có Kim kiếm của Thánh hoàng trong tay ta sẽ chém đầu các hạ trước rồi tâu sau. Các hạ định chọc giận dân chúng để họ nổi loạn thêm hay sao?
Tên võ quan báo cáo chuyện này cho Võ Hậu hay và Địch Nhân Kiệt bị giáng xuống làm Án sát.
Hiện thời, Võ Hậu đã cho triệu ông về làm quan tại kinh đô.
Khi ông vào chầu, Võ Hậu hỏi:
– Khanh có biết ai đã nói xấu khanh không?
Nhân Kiệt trả lời:
– Tâu Lệnh Bà, thần không biết và cũng không muốn biết. Nếu thần đã làm điều gì sai, thần vui lòng chịu phạt. Còn nếu thần làm đúng và được Lệnh Bà hiểu, thần lại càng yên tâm. Người nói xấu hạ thần chắc hẳn là một người bạn thân của hạ thần.
Đây là lời khôi hài chua chát của họ Địch và của những vĩ nhân hiểu thấu lòng người.
Võ Hậu rất khâm phục ông, vả lại trông ông cũng rất đẹp trai.
Nhân Kiệt được phong chức Phó Thượng Thư bộ Hộ và có chân trong Hội đồng Tối Cao tại Chính Sự đường. Lúc này Thừa Tự đang hoành hành và đã giết được năm sáu vị Đại thần có ý cản trở việc lập hắn làm Thái tử. Vô tình Nhân Kiệt đã thế vào một trong những Đại thần vừa bị giết.
Làm quan to giờ này thật nguy hiểm, không khác gì đứng trên nấc chót của một chiếc thang, chỉ bước thêm bước nữa là té nhào mất mạng.
Tháng giêng năm 692. Nhân Kiệt bị bắt cùng bốn năm Đại thần khác vì tội xách động nổi loạn. Người ra lệnh bắt ông là Thừa Tự.
Là một tay lão luyện trong nghề. Nhân Kiệt quyết dùng trí để chống lại thủ đoạn của họ Lại. Khi bị đem ra tra hỏi, ông nhận tội ngay. Ông là người biết luật hơn ai hết. Ông biết rằng nhận tội ngay, không những tránh được tra tấn còn làm cho tội chết của ông không bị nhơ nhuốc về sau.
Ông nói với họ Lại:
– Tôi nhận tội. Nhà Đại Chu đã nhận được sự phó thác của Trời và triều đại mới bắt đầu. Là một thần tử trung thành của nhà Đường, tôi vui lòng chịu chết.
Họ Lại rất hài lòng. Mấy người cùng bị bắt với Nhân Kiệt cũng noi theo ông nhận tội ngay. Chỉ trừ Ngụy Viễn Chung.
Tất cả được đem trở lại nhà giam. Kết quả, Nhân Kiệt có đủ thời gian và óc sáng suốt để hành động. Ông viết một lá thư cho con trai ông, bảo y phải trình thẳng vụ này lên Võ Hậu và yêu cầu Võ Hậu cho ông được gặp mặt. Sau đó ông dấu bức thư vào lớp bóng trong chiếc áo choàng ông đang mặc, rồi ông khéo léo nhờ một tên ngục tốt mang chiếc áo về cho con ông.
Khi nhận dược chiếc áo bông của cha đem trả, người con hơi ngạc nhiên vì lúc đó còn là mùa đông. Nhưng rồi y hiểu ngay. Lập tức, y mang lá thư vào triều và dâng lên Võ Hậu.
Rất may mắn cho Nhân Kiệt lúc đó trong cung có một cậu bé con trai của Phó Thượng Thư họ La – Ông này bị giết trước đó ba tháng – Khi cha chết, cậu bị bắt làm nô lệ. Nhờ sự lanh lợi cậu được đem vào giúp việc trong cung. Võ Hậu thấy cậu bé mặt mũi sáng sủa bèn gọi tới và hỏi thăm gia cảnh. Cậu bèn kể cho bà nghe và xin khiếu nại.
Võ Hậu hỏi:
– Hài nhi còn muốn khiếu nại gì nữa? Cha của hài nhi đã được đem ra xét xử đàng hoàng. Y có tội nên y phải chết.
Cậu bé trả lời:
– Muôn tâu Lệnh Bà. Không phải như vậy. Mọi người đều sợ bị họ Lại tra tấn. Bất cứ ai rơi vào tay ông ta cũng đều phải nhắm mắt nhận tội. Cha của hài nhi vô tội.
– Thật vậy sao?
– Nếu Lệnh Bà không tin, Lệnh Bà thử chọn một người trung thành nhất và trao cho họ Lại để ông ta ghép vào tội phản bội xem sao? Chắc chắn họ Lại sẽ có cách làm người đó phải nhận tội.
Võ Hậu suy nghĩ rất nhiều về lời nói của cậu bé.
Giữa lúc đó con trai Địch Nhân Kiệt lại vào dâng thư cho bà. Đối với họ Địch bà rất ưa chuộng và kính nể. Bà sai người gọi họ Lại vào cung và hỏi:
– Khanh đang làm gì vậy! Ta nghe nói khanh hành hạ tù nhơn dữ lắm phải không? Địch Nhân Kiệt, Ngụy Viễn Chung và mấy người kia bây giờ ra sao?
Họ Lại đáp:
– Tâu Lệnh Bà, họ đã tự ý thú tội và được đối xử tử tế tại nhà giam. Hạ thần còn cho phép họ giữ nguyên áo mão của triều đình.
– Tất cả đều thú tội rồi ư?
– Tâu Lệnh Bà, chỉ trừ Ngụy Viễn Chung.
– Họ là những Công thần. Khanh hãy điều tra lại và xử họ một cách công minh.
Vì không hoàn toàn tin lời nói của họ Lại, Võ Hậu sai một vị quan đi viếng nhà giam.
Được tin này, họ Lại lập tức lấy áo mão của Địch Nhân Kiệt cho một thuộc hạ ăn mặc giả làm ông. Sau đó Lại và Địch Nhân Kiệt giả, ra ngoài hiên đứng quay mặt về phía Tây để chờ vị khâm sai. Vì đứng đối diện với họ Lại và quay mặt về huớng mặt trời, viên Khâm sai không thấy rõ mặt Địch Nhân Kiệt giả. Vả lại ông cũng khiếp oai họ Lại không dám nhìn thẳng. Khi về cung, ông báo cáo tình trạng sức khỏe họ Địch rất khả quan và được đối đải tử tế v.v…
Đánh hơi thấy điềm chẳng lành, họ Lại vội vã sai người giả tạo mấy bức thư tuyệt mệnh của phạm nhân và gởi lên cho Võ Hậu để chứng tỏ họ đều hài lòng nhận cái chết. Gã cảm thấy rằng nội vụ phải chấm dứt sớm ngày nào hay ngày ấy.
Được cậu bé họ La khuyến cáo, Võ Hậu trở nên nghi ngờ họ Lại. Bà cho gọi tất cả các phạm nhân vào triều kiến, theo lời yêu cầu của Nhân Kiệt.
Khi vào đến nơi, họ đều quỳ xuống và kêu oan.
Võ Hậu hỏi:
– Nếu oan sao các khanh lại nhận tội?
Nhân Kiệt trả lời:
– Tâu Lệnh Bà, nếu không nhận tội chắc chúng tôi đã bị tra khảo cho đến chết, còn đâu ngày hôm nay vào ra mắt Lệnh Bà.
– Vậy tại sao các khanh lại viết thư tuyệt mệnh và gửi cho ta?
Nhân Kiệt ngạc nhiên:
– Thư tuyệt mệnh nào, Thần đâu có viết.
Mấy người kia cũng đều phủ nhận.
Võ Hậu bèn đem các bức thư ra đối chiếu với nét bút của từng người. Toàn thư giả mạo.
Đáng lẽ nội vụ đến đây chấm dứt, nhưng Thừa Tự quả quyết bọn Nhân Kiệt đang mưu phản; hơn nữa họ là những người nguy hiểm, dù họ vô tội cũng nên bãi chức.
Võ Hậu trả lời:
– Đâu có chứng cớ gì buộc tội họ?
Thừa Tự vẫn một mực nài xin.
Võ Hậu bực mình:
– Nói vậy đủ rồi! Lời ta đã nói ra là không sửa đổi.
Bọn Nhân Kiệt bị đổi đi làm quan.
Tuy không đồng ý với Võ Hậu, Thừa Tự cũng hài lòng với kết quả này.
Họ Lại cũng không đến nỗi bị mất chức nhờ sự che chở của Thừa Tự.
Việc thoát chết của Nhân Kiệt không những may mắn cho chính ông mà còn đánh dấu sự cáo chung của chế độ bắt bớ chém giết các Đại thần.
Khoảng tháng sáu, tháng bảy năm đó, một số minh quan – như Nghiêm Sơn Tự, Chu Thanh Sắc, Tu Tiễn và Châu Cửu – gửi thư về triều xin vãn hồi thủ tục tố tụng, kiểm điểm hành vi các Pháp quan và cách chức những kẻ có thành tích bất hảo, hạn chế tội tử hình như quy định trong bộ luật dưới thời Thái Tôn. Những biện pháp này nhằm mục đích thiết lập một chính thể nhân đạo hơn để lấy lòng dân.
Nhân vật kiêu hùng thứ hai sau Địch Nhân Kiệt là Ngụy Viễn Chung. Ông chính là người cứng đầu nhất trong đám người bị bắt cùng họ Địch và vừa thoát chết nhờ mẹo của họ Địch. Ông là người cương nghị, hăng hái, trung thực và được lòng tất cả mọi người. Ông từng lên voi xuống chó nhiều phen và đã bốn lần suýt chết hoặc bị đem đi đày. Dường như có một bà tiên luôn luôn che chở cho ông.
Người ta kể rắng có một lần Viễn Chung và một số Đại thần khác bị ghép vào tội tử hình. Khi ông bị mang lên đoạn đầu đài và lưỡi dao sắp sửa rơi xuống thì thình lình có tin quan Khâm Sai của Võ Hậu sắp tới, mang theo lệnh ân xá. Đao phủ thủ tạm dừng tay chờ xem hư thục. Trong khi chờ đợi, mấy tội nhân kia hết sức khích động, riêng Viễn Chung vẫn tỉnh bơ. Một lát sau, viên Khâm sai tới nơi. Các tội nhơn đều được mở trói và đứng dậy, riêng Viễn Chung vẫn quỳ trên bục và nói:
– Hãy đọc chiếu chỉ cho tôi nghe xem có phải lệnh ân xá thật không?
Viên Khâm sai đọc chiếu chỉ. Lúc đó Viễn Chung mới từ từ đứng dậy vươn vai và hít một hơi dài, vẻ mặt vẫn chẳng có gì thay đổi.
Một lần khác ông bị tên mù chữ họ Hầu đem ra xử – Hầu là tên bán bánh bao được Võ Hậu cho làm Pháp quan như đã kể ở một đoạn trước – Ông bị mang gông và bị họ Hầu kéo xềnh xệch dưới đất. Tự nhiên ông bật cười vì tình trạng khôi hài lúc đó: Tên mù chữ xét xử, hành hạ một Đại học giả!
Thấy ông há miệng, họ Hầu tưởng ông thú tội, bèn hỏi:
– Ngươi muốn khai?
Viễn Chung hóm hỉnh trả lời:
– Ta có cảm tưởng như đang được một con lừa kéo đi chơi.
Họ Hầu gầm lên vì tức giận. Gã văng tục văng bàn đủ thứ.
Viễn Chung vẫn thản nhiên:
– Ngôn ngữ của bạn nghe có vẻ hơi nhà quê.
– Ngươi nói sao?
– Ta bảo trong giọng bạn nghe nhà quê quá. Hơn nửa bạn lại dùng những chữ thiếu văn vẻ. Đó là vì bạn không đọc sách. Bạn đang làm quan tòa, cần phải dùng thứ ngôn ngữ cao quý thì mọi người mới kính nể. Bạn muốn học không? Ta sẽ giúp bạn thành công trong ít ngày. Chắc bạn không biết rằng được nói chuyện với Ngụy Viễn Chung là một điều rất may mắn.
Tên mù chữ rất xúc động. Như các người nhà quê khác, xưa nay gã rất kính trọng các nhà trí thức và gã biết người trước mặt gã là một học giả lão thành.
Sau một phút suy nghĩ, gã mở trói cho Viễn Chung và mời ông ngồi.
Viễn Chung bắt đầu sửa giọng cho gã. Ít lâu sau ông được tha.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.