Tình sử Võ Tắc Thiên

Hồi 23: Cuộc xung đột bắt đầu



Hành động quá khích của Võ Hậu không bịt miệng được thiên hạ, nó còn làm họ đàm tiếu thêm. Nhưng họ càng đàm tiếu Võ Hậu càng trụy lạc.

Các triều thần họp nhau lại để phản đối anh em họ Trương vì bọn bà con của chúng càng ngày càng kiêu ngạo và đang làm loạn Kinh đô. Bọn này ỷ thế anh em họ Trương để tác yêu tác quái bất kể luật pháp. Nếu anh em họ Trương chỉ ở trong khuê phòng vui thú với Võ Hậu thì các quan có thể nhắm mắt làm ngơ, nhưng chúng – nhất là Xương Tôn và mấy đứa anh em khác – cứ đòi xía vô việc triều chính. Các Đại thần tự cho đây là một điều sĩ nhục nên đã dán yết thị cấm cửa bọn vô loại tại viện Chim Hạc, kể cả Ngũ Lang và Lục Lang.

Riêng Ngụy Viễn Chung không bao giờ tha thứ cho những hành động càn rỡ. Có lần ông sai lính đánh bọn thuộc hạ của Xương Tôn một cách công khai vì bọn này làm náo loạn đường phố. Một người anh của Xương Tôn tên là Chi làm Phó Trưởng quan tại một hạt thuộc Kinh đô, dưới quyền của Viễn Chung. Chi thường cậy thế em hạch sách mọi người và làm việc bất kể luật lệ, giờ giấc. Gã coi nơi làm việc như của riêng gã.

Viễn Chung quở trách gã trước mặt mọi người và ngăn chận không cho gã đổi đi một chỗ nhiều tiền hơn mà gã vận động từ lâu. Ngoài ra Viễn Chung còn viết cho Võ Hậu:

– Thần rất lấy làm hổ thẹn đã không làm tròn bổn phận và để cho những kẻ bại hoại có dịp qua mặt Bệ Hạ.

Hiển nhiên ông dùng chữ những kẻ bại hoại để ám chỉ bọn Xương Tôn và Diệc Chi.

Cuộc xung đột bắt đầu.

Viễn Chung quyết dùng mọi quyền hạn của mình để quét sạch triều đình, trừ khử mấy gã trai tơ. Ông không thuộc về nhóm người ngấm ngầm hoạt động của Giản Chi và Diêu Sủng.

Nhưng trước khi ông kịp hành động, Xương Tôn tấn công ông trước.

Gã ton hót với Võ Hậu rằng Viễn Chung từng nói một câu có ý chê Võ Hậu già, quần thần nên họp nhau lại để cùng khuông phò Thái tử Tiết. Gã đã đánh một đòn rất lợi hại, đây chính là điều tối kị của Võ Hậu. Trả ngôi cho Triết ư? Không đời nào, trừ phi bà chết.

Trong triều chia ra hai phe rõ rệt, một bên là anh em họ Trương và một bên là một số Đại thần cùng bọn với Viễn Chung, quyết định trường hợp của Viễn Chung.

Võ Hậu triệu tập một hội nghị các Đại thần, Triết và Đán cũng có mặt. Viễn Chung sẽ phải ra trước hội nghị để trả lời về câu nói phạm thượng của ông.

Thấy tình thế gay go, Xương Tôn vội chạy đi tìm một vị quan tên là Duy và xúi ông này hôm sau vào chầu, vu khống cho Viễn Chung đã nói câu phạm thượng trên.

Hồi đó Duy chỉ là một vị quan ngũ phẩm, Xương Tôn hứa sẽ tâu với Võ Hậu thăng chức cho ông thật mau. Duy là người rất khôn ngoan, tưởng như ông đã nhận lời Xương Tôn.

Sáng hôm sau, trong khi chờ giờ vào chầu, quan Phó Đô Ngự Sử Tống Cảnh nói với Duy:

– Tôi rất lấy làm buồn nếu ngài toa rập với kẻ tiểu nhân để hại quan Thị Trung Ngụy Viễn Chung. Việc gì ngài phải sợ mấy gã con gái đó? Chúng ta hãy vì quyền lợi chung mà tranh đấu. Công luận sẽ ủng hộ ngài và chúng tôi cũng hết sức bênh vực ngài. Nếu vì chống lại bọn vô lại mà ngài bị bãi chức hoặc bị đổi đi xa, thì đó chính là một vinh dự lớn lao. Trong số những người hiện diện, ngoài Tống Cảnh còn có Lữ Tri Cơ; một sử gia danh tiếng.

Lữ Tri Cơ nói với Duy:

– Ngài hãy chọn giữa cái chết vinh quang và cuộc sống nhục nhã.

Các người khác cũng xúm lại khuyên Duy hãy can đảm chống lại Xương Tôn, và Duy có vẻ xiêu lòng.

Một lát sau Viễn Chung tới, mặt ông hầm hầm. Vừa trông thấy Duy.

Ông lớn tiếng:

– Đồ con bò! Mi mà dám hại Ngụy Viễn Chung ư?

Giọng ông vẫn đượm vẻ khôi hài cố hữu.

Duy đỏ mặt:

– Sao ngài lại nặng lời như vậy. Ngài hãy tin nơi tôi.

Vừa lúc đó chuông chầu reo. Mọi người ngừng nói chuyện, xấp hàng để vào chầu. Và một cuộc đấu khẩu hào hứng diễn ra giữa một tên học hành dở dang và các học giả uyên bác.

Mở đầu cuộc hội nghị, Võ Hậu hỏi Duy đã nghe Viễn Chung nói những gì.

Trong khi Duy đang suy nghĩ để lựa lời, Xương Tôn dùng cùi chỏ thúc vào và nhắc:

– Nói đi đừng sợ.

Duy gật đầu và chậm rãi nói:

– Tâu Bệ Hạ, trước mặt Bệ Hạ mà Xương Tôn ngang nhiên bắt thần phải nói theo ý của y, vậy thì Bệ Hạ thử tưởng tượng y sẽ làm gì nếu vắng mặt Bệ Hạ. Giờ đây trước mặt Bệ Hạ và liệt vị Đại thần, thần xin xác nhận rằng thần không hề nghe quan Thị Trung kêu gọi bá quan giúp Thái tử chống lại Bệ Hạ. Xương Tôn đã buộc thần phải làm chứng gian, nhưng rất tiếc thần phải nói sự thật.

Sau một phút sững sờ, Xương Tôn la lên, quên cả sự có mặt của Võ Hậu:

– Cả Viễn Chung lẫn Trương Duy đều là bọn phản loạn.

Võ Hậu lên tiếng ngăn cản:

– Khanh không nên buộc tội họ một cách hồ đồ như vậy. Cần phải có chứng cớ.

– Thần có chứng cớ.

– Chứng cớ đâu?

– Có lần thần nghe thầy Duy khuyến khích Viễn Chung nên cố gắng để trở thành Chu Công.

Các Đại thần đều thở phào nhẹ nhõm, có người phải cố nhịn cười. Chu Công chính là bậc thánh hiền, một nhân vật lí tưởng mà Khổng Tử đã thấy trong giấc mơ. Xương Tôn muốn nói Viễn Chung rắp tâm muốn trở thành một nhân vật tuyệt đỉnh như Chu Công. Thực ra trong lịch sử chưa có bậc trung thần nào vào cỡ Chu Công. Khi đem so sánh người nào với Chu Công là tâng bốc người đó một cách quá lố.

Nghe Xương Tôn vu khống, Duy vội cười nói:

– Tâu Bệ Hạ, đáng lẽ Xương Tôn nên học thuộc những bài sử kí vỡ lòng của y. Quả thật khi quan Thị Trung được triệu hồi về kinh, hạ thần có đến chúc mừng ông và tỏ ý hy vọng ông sẽ trở nên một Đại hiền thần như Chu Công. Còn ai xứng đáng hơn Chu Công để mọi người noi theo?

Quần thần đều phá lên cười.

Thẹn quá hóa giận, Xương Tôn bèn chạy lại thì thầm mấy câu với Võ Hậu.

Không hiểu nghĩ sao, Võ Hậu quay ra quát Duy:

– Đồ phản phúc!

Rồi bà ra lệnh đem Duy và Viễn Chung ra ngoài, không cho giải thích gì thêm.

Ngày hôm sau, Duy được đem ra hỏi lại, nhưng ông vẫn một mực báo thủ ý kiến cũ.

Võ Hậu quyết định lập một phiên tòa gồm các Vương tước và Đại thần thuộc Chính Sự đường để xử vụ này.

Nghi Tăng cháu Võ Hậu, cũng có mặt trong phiên tòa.

Mọi người bàn tán sôi nổi về vụ Viễn Chung ra tòa. Các Đại thần đều họp nhau ủng hộ Viễn Chung. Trong đời Viễn Chung, nếu như không lúc nào ông không là cái đích để người khác tấn công và cũng là thần tượng để người khác chiêm ngưỡng. Khi Võ Hậu triệu hồi ông về kinh đô, mọi người đều khen bà biết dùng người. Giờ đây thấy Viễn Chung lâm nạn, các quan tới tấp viết sớ xin tội cho ông.

Quang Ngạn Phạm, một người do Nhân Kiệt tiến cử, can đảm đứng ra xin lấy tính mạng để bảo đảm sự trung thành của Viễn Chung.

Tuy nhiên, một lời thì thầm bên gối bao giờ cũng có sức mạnh gấp trăm lời biện hộ hùng hồn trước tòa. Võ Hậu luôn luôn quý mến Viễn Chung, nhưng bà không thể để người yêu mất mặt. Có tội hay không, Viễn Chung cũng phải rời Kinh đô một lần nữa.

Trước khi ra đi, Viễn Chung vào từ giã Võ Hậu.

Ông nói một câu rất cảm động:

– Tâu Bệ Hạ, kẻ hạ thần đã già, chẳng còn sống bao lâu nữa. Lần này ra đi không biết có còn dịp nào gặp lại Bệ Hạ. Sau này sẽ có một lúc Bệ Hạ nhớ tới hạ thần và thấy lời của Ngụy Viễn Chung này là đúng.

Bằng một giọng ôn tồn, Võ Hậu hỏi:

– Khanh muốn nói lời gì?

Viễn Chung đưa tay chỉ về phía nội cung, nơi Xương Tôn và Diệc Chi ở, và nói tiếp:

– Hai gã đẹp trai kia sẽ hủy hoại cơ nghiệp của Bệ Hạ.

Viễn Chung cúi đầu, nói lời từ biệt và rời khỏi cung.

Võ Hậu nhìn theo, thở dài:

– Ta lại mất một bậc hiền thần.

Viễn Chung ra đi nhưng chuyện đến đây chưa phải là hết. Ông đã mất chức Đại thần chỉ vì một tên vô lại, vậy mà Xương Tôn vẫn chưa hài lòng. Theo thông lệ, bạn bè được tổ chức một bữa tiệc chia tay mỗi khi có ai phải đi xa.

Viễn Chung và tám người bạn họp nhau tại ngoại ô thành Lạc Dương để chè chén một bữa say sưa.

Xương Tôn bèn vịn vào chuyện này để làm hại ông. Gã giả mạo một bức thư kí tên là Tài Minh và gửi cho Võ Hậu tố cáo Viễn Chung họp mặt với bạn bè tại vùng ngoại ô để mưu phản.

Tám người bạn của Viễn Chung đều là quan nhỏ nên Võ Hậu chỉ ra lệnh cho một Pháp quan tên là Hoài Tô xét xử.

Võ Hậu, hay nói đúng hơn, Xương Tôn sai người mang giấy đến bảo Hoài Tô rằng đây là một vụ đơn giản, hãy lấy cung các can phạm về báo cáo gấp.

Nhưng Hoài Tô không nghĩ như vậy. Theo ông vụ này có thể đem đến cái chết cho Viễn Chung, người mà ông ngưỡng mộ từ lâu. Ông do dự mãi và cho người điều tra thật kĩ lưỡng.

Mấy hôm sau lại có giấy của Võ Hậu gởi tới:

– Các sự kiện đã rõ ràng, sao chưa kết án ngay đi? Ta không thể chờ đợi được nữa.

Bắt buộc Hoài Tô phải vào gặp thẳng Võ Hậu. Ông không sao tìm ra tên Tài Minh – người đã viết thư tố cáo Viễn Chung – cả địa chỉ và nghề nghiệp của hắn cũng không biết nốt.

Võ Hậu nói với ông:

– Chẳng lẽ ta biết gã Tài Minh ở đâu để bảo cho khanh. Khanh cứ việc xử đi, lá thư tố cáo đủ rồi.

– Tâu Bệ Hạ, thần lấy làm tiếc là không thể quyết định dứt khoát nếu không được nói chuyện với người đã viết thư tố cáo.

– Lời lẽ trong thư chưa đủ rõ ràng hay sao? Cần gì phải nói chuyện với người viết thư.

– Tâu Bệ hạ, thần nghĩ rằng rất cần. Lá thư chưa phải là một nhân chứng. Theo như thần biết, không có ai tên là Tài Minh viết ra lá thư đó. Thần không thể xử một vụ chẳng có nguyên cáo, mà người chứng cũng không.

– Khanh nói vậy có nghĩa là để bọn Phản nghịch được tự do?

– Thần đâu dám vậy, nhưng Ngụy Viễn Chung là Thị Trung do Bệ Hạ chỉ định. Các bạn của ông làm tiệc tiễn ông đi xa là một việc rất thường. Thần tin rằng không đời nào Ngụy Viễn Chung tạo phản. Bệ Hạ có thừa uy quyền để ra lệnh giết ông, nhưng nếu Bệ hạ muốn thần đem ông ra xét xử thì thần buộc lòng phải chiếu theo luật pháp.

– Khanh muốn nói luật pháp sẽ giúp chúng bình yên vô sự?

– Tâu Bệ Hạ, thần là một người ngu xuẩn nhưng thần vẫn thấy rõ những người đó vô tội.

Mọi chuyện đã rõ ràng đến mức độ Võ Hậu không thể ngang nhiên trừng phạt Hoài Tô. Bà buộc lòng phải gác bỏ vụ án sang một bên và tìm cách an ủi Xương Tôn bằng cách khác.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.